Huyền thoại Mẹ của Trịnh Công Sơn
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại gọi là Huyền thoại Mẹ khi
nội dung bài hát ngợi ca những bà mẹ Việt Nam, những bà mẹ trong cuộc chiến của
dân tộc ta những năm vừa qua? Phải chăng đó là dụng ý của tác giả muốn xây dựng
một điển hình bà mẹ tưởng như không thể có trong đời thực mà lại chính là những
con người bằng xương bằng thịt đã sống và chiến đấu trong những năm gian khổ?
Đó là những bà mẹ có lòng yêu nước nồng nàn hết lòng vì đàn con, những bà mẹ chịu
đựng những đau khổ cho riêng mình vì sự nghiệp lớn lao của đất nước.
Bài hát Huyền thoại Mẹ của Trịnh Công Sơn có sức lay động
lòng người chính vì cách đặt vấn đề và biểu hiện hình tượng những bà mẹ như thế.
Lời hát thực sự là một bài thơ cô đọng súc tích với ngôn từ chọn lọc độc đáo.
Phương pháp cấu trúc hình thức âm nhạc của Huyền thoại Mẹ là thể 3 đoạn có tái
hiện (ABA) rất quen thuộc trong các ca khúc Trịnh Công Sơn. Giai điệu của bài
có nét riêng gần gũi với những âm điệu của ca nhạc dân gian truyền thống.
Huyền thoại Mẹ như những giọt mưa xuân nhè nhẹ thấm sâu mà
không ồn ào, dung dị mà không khô cứng, lắng đọng mà không lên gân, có sức thuyết
phục nhưng không bằng sự hô hào, cổ vũ.
Bắt đầu vào bài hát là câu "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng
câu chuyện ngày xưa". Nét nhạc chậm rãi như một giọng kể chuyện ấm áp thu
hút được sự chú ý của người nghe. Câu hát tiếp theo “Mẹ về đứng dưới mưa"
nét nhạc vút lên khoẻ khoắn thích hợp với nội dung lời ca, gợi lên hình ảnh của
bà mẹ trong tư thế hiên ngang nhưng vẫn là một bà mẹ dịu dàng che chở cho đàn
con ngủ trước sự rình mò của kẻ thù.
Câu nhạc ứng với lời ca “Mẹ về đứng dưới mưa cho đàn con nằm
ngủ, canh từng bước chân thù. Mẹ ngồi dưới cơn mưa" vừa kết thúc đoạn nhạc
đầu tiên của bài (đoạn A) đồng thời vừa mở ra cho đoạn nhạc thứ hai (đoạn B) tiếp
nối một cách tự nhiên dường như không bị ngắt mạch. Đạt được ý đồ này chính là
vì nhạc sĩ đã kết thúc đoạn nhạc bằng âm Son (âm bậc VII của giọng LA). Âm đó
như gọi sự phát triển âm nhạc và đoạn nhạc B bắt đầu từ câu hát “Mẹ lội qua con
suối...” đã gắn chặt hai đoạn A-B với nhau trong một âm điệu tiết tấu thống nhất
được sử dụng xuyên suốt trong cả bài đó.
Ở đoạn B này tưởng như người kể chuyện đã xúc động mạnh hơn
khi nói về những công tích của Mẹ. Âm nhạc đẩy tới cao trào ở lời hát "Mẹ
chìm trong đêm tối gió mưa tóc che lối con đi". Và đoạn nhạc B đã chấm dứt
tại đó. Lại một lần nữa nhạc sĩ không kết đoạn nhạc bằng âm chủ ổn định mà cho
ngân dài ở nốt bậc II của giọng LA (nốt Xi) gây cho người nghe cảm giác chờ đợi.
Đúng lúc này đoạn nhạc đầu tiên (đoạn A) được tái hiện. Vẫn là giọng kể chuyện
đều đều, ấm áp và có sức cuốn hút "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu
chuyện ngày xưa". Ở đoạn nhạc tái hiện này nhạc sĩ đã cho nhắc lại luôn 3
lần câu nhạc thứ 2 của đoạn để tiếp tục kể về tinh thần hy sinh chịu đựng, hết
lòng vì đàn con thân yêu của Mẹ: "Mẹ về đứng dưới mưa che từng căn hầm nhỏ
xoá sạch vết con về..." Tác giả ngợi ca tấm lòng nhân hậu, tình yêu
thương, sự hy sinh cao cả của Mẹ: "Mẹ là gió uốn quanh trên đời con thầm lặng.
Trong câu hát thanh bình. Mẹ là gió mong manh. Mẹ là nước chứa chan trôi dùm
con phiền muộn cho đời mãi trong lành Mẹ chìm dưới gian nan".
Đúng là những câu thơ hàm súc được hát lên trong một âm điệu
tha thiết, thân thương chứa chan tình cảm và rung lên tự đáy lòng. Câu nhạc kết
thúc toàn bài hát được nhắc lại ba lần với ba lời ca khác nhau, đều dừng lại ở
âm chủ của giọng LA nhưng vẫn không cho người nghe cảm giác chấm dứt hoàn toàn.
Còn cái gì lưu luyến, bâng khuâng, lâng lâng tựa như câu chuyện về Mẹ huyền thoại
vẫn chưa thể có kết trọn. Người kể vẫn muốn kể mãi, người nghe vẫn muốn nghe
mãi chuyện về bà mẹ, vì đây chính là mẹ của cuộc đời hư - thực, thực - hư, hai
cái đó đan xen hoà quyện vào nhau trong không gian sâu thẳm. Thực mà như không
thể có thực, thực mà như huyền thoại, vì mẹ thiêng liêng quá, cao thượng quá. Mẹ
của cả một đàn con. Mẹ của những đứa con- Mẹ Việt Nam. Cái thần của âm nhạc được
kết hợp chặt chẽ với lời ca đã tạo lên cảm giác đó. Tính hấp dẫn của ca khúc
Huyền thoại Mẹ cũng chính ở điểm này.
Đây là một ca khúc thật giản dị mà không sơ lược: một nội
dung thật cụ thể mà giàu tính khái quát: một ca khúc vừa có thể biểu diễn mang
tính nghệ thuật vừa có thể phổ cập rộng rãi.
Trong những năm qua đã có những bài hát ca ngợi bà mẹ, bài
Huyền thoại Mẹ, của Trịnh Công Sơn xuất hiện trong những năm 1980 này đem đến
cho ca khúc Việt Nam một nét mới trong cách biểu hiện về người Mẹ Việt Nam.
Hoàng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét