Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Chữ “Xuân” với “Xuân phong” và “Đại mộng” của Lý Bạch

Chữ “Xuân” với “Xuân phong” 
và “Đại mộng” của Lý Bạch 
   (Trích Tiểu luận ”Mùa xuân trong thơ Đường”)
“Thơ Đường” là niềm tự hào của lịch sử văn học Trung Quốc nói riêng và là một công trình tập thể cống hiến độc đáo cho lịch sử văn học nhân loại nói chung. Trung Quốc và “Thơ Đường” với hàng nghìn năm trường tồn đã ảnh hưởng không nhỏ đối với phong tục và nền văn hóa Việt Nam nhất là phong tục Tết cổ truyền. Nếu mùa xuân trong thơ ca Việt Nam rộn ràng tiếng pháo với những sắc màu hoa cỏ tràn đầy sức sống, bắt đầu bằng cánh én và cành đào, nhành mai thì mùa xuân trong thơ ca Trung Quốc tức trong “Thơ Đường” đi qua hơn nghìn năm ba thế kỷ với những nỗi bất đắc chí, những hoài niệm xa xưa, nỗi buồn nội chiến với vui thú điền viên trong một thời đại cực thịnh và suy tàn!
“Diện mạo một thời kỳ” ấy đã hình thành những màu sắc trong mùa xuân đầy những khóm hoa thắm động buồn thương, đầy cỏ ấm nhớ nhung với những tiếng chim oanh đánh động cõi lòng mênh mông của những tâm hồn văn nhân mà thời cuộc tương tàn và thời gian sàng lọc đã biến họ thành kẻ vĩ đại giữa cuộc đời ô trọc… Họ là ai? Họ là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Kim Xương Tự, Trương Nhược Hư, Vương Xương Linh, Lưu Phương Bình, Lưu Vũ Tích, Hoàng Phủ Nhiễm, Thôi Đồ… với Xuân Tứ, Xuân nhật túy khởi ngôn chí, Xuân phiếm, Xuân vọng, Xuân hiểu, Xuân oán, Xuân giang hoa nguyệt dạ, Xuân cung khúc, Xuân từ, Xuân tịch lữ hoài…
Theo làn gió xuân, “Xuân phong” và “Đại mộng” của Lý Bạch lãng mạn mà lại là lãng mạn của hiện thực đau buồn trở về với mùa xuân nhân thế.
CƠN GIÓ XUÂN (XUÂN PHONG) 
VÀ GIẤC MỘNG LỚN (ĐẠI MỘNG) CỦA LÝ BẠCH:
Xuân trong “Xuân tứ” của Lý Bạch là bốn mùa thương nhớ với người thiếu phụ bốn năm chờ chồng mà người chồng ấy (người yêu?) đi đâu, làm gì không ai biết? Chỉ biết trong tấm màn che, người thiếu phụ chẳng tha thiết gì đến bốn mùa đi qua hay lại đến:
Yên thảo như bích ty,
Tần tang đê lục chi;
Lẽ ra, người buồn cảnh cũng héo khô. Cớ sao màu xanh biếc của cỏ nước Yên, người thiếu phụ cũng thấy và nhìn thấu được màu xanh lục của những nhánh dâu Tần rũ xuống? Thán phục thay! Nước Yên, nước Tần đã thành quá khứ mấy trăm năm về trước mà trong lòng người thiếu phụ vẫn còn một hoài niệm! Hương vị “một thoáng xanh xưa” hóa ra có chất liệu từ lúc “người đi một nửa hồn tôi mất“. Màu xanh của mùa xuân đó thôi! Màu xanh trong mắt của một tâm hồn héo úa vì thương nhớ chứ không khô nỗi đợi chờ. Đấy chính là “Xuân tâm, xuân cảm, xuân tri thức“. Trong lòng có xuân thì tất có cảm xúc mùa xuân và mắt phóng tầm xa, xuân lòng nhận được. Thế mới nói: Cảnh vật cỏ xanh nước Yên (Yên thảo), dâu tầm màu thẳm nước Tần (Tần tang) là mùa xuân có thật lại hữu tình nằm trong cảnh mơ là xuân lòng mong ngày tương hội. Ngày gặp nhau của hai người xa xôi và lâu đến thế, không thể là ngày của mùa hạ khô cằn, nắng gắt hay ngày của mùa thu lá rụng tơi bời hoặc là ngày của mùa đông giá lạnh thì chỉ còn là ngày của xuân hồng ấm nắng.
Chữ xuân của Lý Bạch trong “Tứ xuân” là “Xuân phong” (gió xuân). Gió xuân theo xuân về lay mành thiếu phụ nhưng nàng cố làm vẻ không quen, không biết, không cảm:
Xuân phong bất tương thức,
Hà sự nhập la vi?
Nàng không quen biết với gió sao gió vào tận màn lay mành? Té ra, ngọn gió “người dưng” kia (bất tương thức) như một ngọn gió vô tình mà lại hữu tình đã mang tin có một người từ nơi xa xôi sắp trở về (Đương quân hoài quy nhật) cho kẻ khuê phòng thôi đau lòng, đứt ruột (Thị thiếp đoạn trường thì). Mùa xuân trong “Tứ xuân” không là mùa xuân ê chề trong “Tự tình” của Hồ xuân Hương “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại” hay mùa xuân tan nát trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay” mà là xuân căng mọng, đầy sức sống trong “Xuân hồng” của Xuân Diệu: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”. Lãng mạn đến thế!
Vậy, màu xanh trong ”Tứ xuân” của Lý Bạch là xanh của đợi chờ, ước mơ, khát vọng và lòng chung thủy. Nhưng trời hỡi “Cỏ non xanh tận chân trời” đệm thêm cho cái ý “Mùa xuân con én đưa thoi” của Nguyễn Du đã đưa ngọn gió xuân lãng mạn (gió xuân đi ngược thời gian) trong bài “Xuân tứ” với “xuân phong” lay mành thiếu phụ, quay về gặp chữ “xuân phong” chính mình trong “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” (Ngày xuân tỉnh rượu bắt đầu nói chí khí của mình) mà Lý Bạch đã nghĩ cho người và nghĩ cho mình.
Chí khí của Thanh Liên cư sĩ cầm bút thay đao giữa loạn An Lộc Sơn nửa đường đứt gánh, buồn bã say mềm quay tròn với “xử thế nhược đại mộng” (đời là giấc mộng lớn). Mộng lớn không thành (bất thành danh hữu tất thành nhân) thì đành “sở dĩ chung nhật túy”(say sưa suốt ngày). Nó như sự tỉnh mộng của Thâm Tâm sau khi “Say vùi, ta đốt tương tư thảo. Bóng khói qua mây lại nhớ mình“. Lý Bạch nghìn năm trước cũng đã mắt thấy, tai nghe “nhất điểu hoa gian minh” (chim hót trong hoa). Hoa nở. Chim hót. “Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó!”. Nhưng ngặt nổi, gió xuân (xuân phong) mang lời con chim oanh líu lo:
Xuân phong ngữ lưu oanh,
Cảm chi dục thán tức.
Nghĩa là chim kêu trong gió, ta buồn thân ta!
Trong hai bài thơ ngũ ngôn của Lý Bạch với đầu đề có chữ “Xuân” là “Xuân tứ” sáu câu, “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” mười hai câu, ta lại thấy lão tiên say này dùng hai từ “Xuân phong” cho mỗi bài. Bài “Thanh bình điệu” thể thất ngôn mười hai câu có hai từ “xuân phong”. Ngọn gió xuân ở bài ”Thanh bình điệu” đã thổi “tiên ông” Lý Bạch đang đi trên mây xanh do hoàng gia nhà Đường (Đường Minh Hoàng) giăng cho, rớt xuống vực thẩm. “Giấc mộng con” của Tản Đà (Tiểu mộng) còn chưa có huống hồ có “Giấc mộng lớn” (Đại mộng) cứu khốn phò nguy của Lý Bạch tráng sĩ!
Vì vậy, ta thấy:
Một “xuân phong” không quen biết – nghĩ cho người – làm nỗi nhớ nhung thức giấc (bất tương thức, nhập la vi). Đó là một Lý Bạch lãng mạn cho người trong “Xuân tứ” với làn gió xuân gợi nỗi nhớ đoạn trường.
Một “xuân phong” với tiếng chim oanh mang lời tự than – nghĩ cho mình – (dục thán tức) của kẻ quan sĩ mặc áo tráng sĩ ”lên voi, xuống ngựa” trong một thời đại thịnh trị của nhà Đường. Đó là một Lý Bạch lãng mạn cho mình trong ”Xuân nhật túy khởi ngôn chí” ôm nỗi buồn thân phận.
Trương Đình Tín trong “Đường thi tuyển dịch” đã nhận xét: “Hình như trong Lý Bạch có hai con người cùng song song tồn tại xem có vẻ mâu thuẩn nhau”. Có đúng vậy không? Thực ra, với ý chí mạnh mẽ trong một con người ôm ấp mộng lớn như Lý Bạch lãng mạn với mong muốn bứt phá buồn thương, xa lìa đau hận hóa thành Lý Bạch tráng sĩ đầy nhân tính: Chính vì ngọn gió xuân (xuân phong) trong “Xuân tứ” có sức mạnh đánh động giấc xuân của người thiếu phụ đã bị lớp bụi thời gian chia cắt phủ dày làm cho nàng sống dậy với mùa xuân quá khứ (cỏ nước Yên, dâu nước Tần) và tương lai với gió xuân lay màn vải (nhập la vi) là hiện thực. Hiện thực này đã trang bị đôi cánh tương lai cho người thiếu phụ trong một ngày không xa sẽ đón chồng trở về (Đương quân hoài quy nhật). Lý Bạch tráng sĩ đầu bạc (Xuất môn tao bạch thủ – Đỗ Phủ – “Mộng Lý Bạch”) đã làm công việc “cứu người hơn xây bảy cấp phù đồ!”. Nét “bi” biến mất theo làn gió xuân. Chữ “lạc” xuất hiện theo xuân đưa gió trở về. Ngọn gió xuân trong “Thanh bình điệu” (Điệu nhạc thanh bình) nói dùm tâm sự của quân vương:
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can.
Nhà vua (Đường Minh Hoàng) muốn giải khuây nỗi buồn hận gió xuân nên mới cùng Dương Quý Phi tựa lan can ở đình Trầm Hương ngắm cảnh. Nhưng oan nghiệt thay, xưa nay thơ ngoài cửa miệng (xuất khẩu thành thi) đã là “tai bay vạ gió” đầu lìa khỏi cổ, mũ mão rụng rơi, công danh đổ nát cho biết bao văn nhân, quan chức, trọng thần! Mạnh Hạo Nhiên, Lạc Tân vương, Lưu Trường Khanh, Lư Luân, Bạch Cư Dị, Trần Tử Ngang, Vương Hàn, Giả Nghị, Hàn Dũ… từng là những người bị biếm trất, bị thất sủng!
Với Lý Bạch, ngọn gió xuân thứ hai trong bài thơ này đã đạt tráng sĩ đại mộng ra khỏi nơi hoạn lộ xênh xang:
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Than ôi! Ý nghĩ: Nhìn mây tưởng áo (vân tưởng y), nhìn hoa tưởng người (hoa tưởng dung) trong gió thấm đầy sương hoa. Gió xuân dám đùa cợt trên mình người ngọc Dương Quý Phi. Thế là một Cao Lực Sĩ với mối hận “cởi giày” cho Lý Bạch ngày nào đã vồ lấy chữ nghĩa “khinh mạng” này. Lời sàm tấu rỉ bên tai thiên tử. Đạo thánh chỉ ban ra. Lý Bạch tiêu tùng! Bởi thế mà “xuân phong” của Lý Bạch đã quay trở lại với cái “tôi” đầy bi phẩn.
Gió xuân trong ”Xuân nhật túy khởi ngôn chí” trộn lẫn “bi” và ”lạc” đã đưa tiếng con chim oanh làm buồn thân phận thành ngọn gió xuân, nương theo tiếng chim oanh đánh động con người “hành lạc tu cập xuân” (vui chơi xuân kẻo xuân qua). Chàng Lý Bạch ma men biến chứng nằm say chết trước cột thềm “Đồi nhiên ngọa tiền doanh” bật dậy theo tiếng chim trong gió mùa xuân:
Hạo ca đãi minh nguyệt,
Khúc tận dĩ vong tình.
Hát vang lên, gào to lên chờ trăng sáng. Trăng chưa sáng mà bài ca đến khúc cuối thì nỗi buồn cũng cuốn theo chiều gió bay tuốt luốt. Khí khái quá trời! Cái ”bi” lại nuốt vào lòng! Đấy! Hai con người của Lý Bạch: Một kẻ lắm u buồn; một người đầy khí khái. Nỗi buồn kia là cuộc đời cho; khí chất nọ là… rượu cho. Nhưng đời cho rượu; rượu lại làm tỉnh đời. Hai tính cách nói như Trương Đình Tín là “mâu thuẩn” lại đi đôi với nhau, đấm đá nhau rồi… ”ký hòa ước” đình chiến với nhau mà tồn tại và lại là ”tri kỷ” cho đến hết đời. Mâu thuẩn trong một thực thể cũng thống nhất và hài hòa với nhau. Hai mặt này không thể thiếu được trong một con người là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Cũng như nhìn Đỗ Phủ và Lý Bạch: Một hiện thực; một lãng mạn nhưng chính thực ra hai người này lại bổ sung cho nhau, quyện vào nhau tương thân, tương ái đến nổi Đổ Phủ phải ”Mộng Lý Bạch” và nghìn năm sau, thơ ca Việt Nam lại xuất hiện một Quách Tấn ”Mộng thấy Hàn Mặc Tử“. Tri kỷ đến thế!….
Mùa xuân của Thơ Đường với từng cơn gió xuân từ một nghìn mấy trăm năm về trước vẫn thổi vào lòng người nỗi niềm tê tái vì xa cách, vì thời cuộc. Mặc dù vậy, mùa xuân đi qua cảnh não nùng vẫn xanh trên cỏ bạc ngàn; hoa vẫn nở rung rinh trong gió; chim vẫn hót trên đường quê hương ngập tràn khói lửa và rộn ràng hơn bao giờ trong một thời đại cực thịnh đến cỡ nào cũng đi vào thời cáo chung theo chiều xoay lịch sử. ”Sĩ khả khái” thời nào cũng lắm nổi gian truân, ủ đầy uẩn khúc, dầy cơn lận đận! “Xuân phong” của Lý Bạch với hai tính chất u buồn, khí phách chạy trên khúc ca lãng mạn có xoa dịu được lòng những người thiếu phụ ngày hôm nay có người thân ra trận, vì số phận đẩy đưa chưa về đoàn tụ hay vĩnh viễn chia cắt kẻ dương gian, người âm phủ? ”Xuân phong” của Lý Bạch có đủ sức gió vỗ về cho những người ngã ngựa hôm nay, đứng dậy cầm bút mà chiến đấu với ”thế sự nhược đại mộng” ngày nao? Một ngọn gió xuân buồn tê tái ”đoạn trường thì“. Một ngọn gió xuân phiêu diêu, tự tại với ”khúc hận dĩ vong tình”. Người và cảnh vật mùa xuân dẫu không quen biết (bất tương thức) thì cũng vì chữ Tâm mà đến với nhau mà biết nhau, quen nhau thì nhớ nhau (tương tri, tương thức tất tương tư). ”Đại mộng” – giấc mộng lớn – của Lý Bạch phải chăng là giấc mộng ”hòa bình, an lành, hạnh phúc” cho nhân loại?  Hỡi những ngọn gió xuân! Xin hãy mang đến cho đời hương hoa và tiếng hát dù phải nói tiếng chia tay, dù phải từ nay vĩnh biệt một cõi đi – về là ”đại mộng” của nhân gian.
PHỤ BẢN: NGUYÊN BẢN VÀ BẢN DỊCH:
Bài “Xuân tứ“
1. Nguyên bản:
XUÂN TỨ
Yên thảo như bích ty,
Tần tang đê lục chi;
Đương quân hoài quy nhật,
Thị thiếp đoạn trường thì.
Xuân phong bất tương thức,
Hà sự nhập la vi?
(Lý Bạch)
2. Bản dịch của Trương Đình Tín và nhận xét của người viết:
TỨ XUÂN (vẫn còn nguyên âm Hán văn)
Cỏ Yên biêng biếc màu tơ (màu tơ cuối không phải nghĩa của ”bích ty”).
Dâu Tần xanh nhánh rũ bờ sum sê. (sum sê không là nghĩa của “lục chi“).
Đang lúc chàng nghĩ ngày về, (ngày về đi vần “ê” nhưng nguyên bản ”lục chi” không cùng vần với “quy nhật“).
Cùng lúc lòng thiếp tái tê đoạn trường. (không hợp vần ”y” như nguyên bản )
Gió xuân thiếp nỏ quen thương, (”thương” đi với ”trường” nhưng nguyên bản, vần ”thì” đi với ”thức” vần tự do, từ “nỏ” làm tối thêm nghĩa).
Màn là vào động bên giường cớ sao? (”cớ sao” đi với các vần “tơ-bờ-về-sao” không có vần chung như nguyên bản “ty-chi-thì-vi).
3. Bản tạm dịch theo của người viết:
* “Xuân tứ”:
+ BỐN MÙA XUÂN (Ý XUÂN).
Cỏ Yên tơ biếc xanh,
Dâu Tần rũ thẩm cánh.
Chàng ngày mong trở về,
Thiếp quặn lòng canh cánh.
Gió xuân không quen biết,
Sao vào màn đong đanh?
+ XUÂN BỐN MÙA (XUÂN Ý).
Cỏ Yên tơ biếc xanh,
Dâu Tần rũ thẩm nhánh.
Chàng mong ngày trở về,
Thiếp quặn lòng canh cánh.
Gió xuân xa lạ thế,
Sao vào màn đong đanh.
–  “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”:
1. Nguyên bản:
XUÂN NHẬT TÚY KHỞI NGÔN CHÍ
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh?
Sở dĩ chung nhật túy,
Đồi nhiên ngọa tiền doanh.
Giác lai miện đình tiền,
Nhất điểu hoa giang minh.
Tá vấn thử hà nhật?
Xuân phong ngữ lưu oanh.
Cảm chi dục thán tức,
Đối chi hoàn tự khuynh.
Hạo ca đãi minh nguyệt,
Khúc tận dĩ vong tình.
(Lý Bạch)
2. Bản dịch của Trương Đình Tín:
NGÀY XUÂN TỈNH RƯỢU NÓI CHÍ MÌNH
Ở đời giấc mộng lớn,
Can chi mà buồn đau?
Suốt ngày say lúy túy,
Trước hiên nằm có sao!
Tỉnh dậy liếc dòm sân,
Khóm hoa chim hót chào.
Hôm nay ngày gì nhỉ?
Gió xuân tiếng oanh cao.
Cảm cảnh muốn thở than,
Đối cảnh lại nghiêng bầu.
Hát vang chờ trăng sáng,
Dứt tiếng đã hết sầu.
(“Lao kỳ sinh“: Làm lụng khổ nhọc chứ không phải buồn rầu gì! “Ngọa tiền doanh” là trước cột chứ không phải trước hiên. Bản dịch chưa hoàn chỉnh về vận 2.4.6.8.10.12 theo cách làm một bài thất ngôn đường luật. Những liên vận “sinh-doanh-minh-oanh-khuynh-tình” của Lý Bạch gieo cưỡng vận “sinh-doanh, doanh-minh, minh-oanh, oanh-khuynh”. Vì thế, bản dịch của Trương Đình Tín qua các vần: “đau-sao-chào-cao-bầu-sầu” cũng cưỡng vận một cặp “cao-bầu”.
3. Bản dịch theo của người viết:
*RƯỢU NGÀY XUÂN NÓI CHÍ (Theo vần gieo cùng vận 2.4.6.8.10.12 của cách thức hai câu đổi vần theo cách làm thơ ngũ ngôn với vần: thôi-rồi-gọi-nói-đổi-trôi):
Đời sống là mộng lớn,
Sao khổ nhọc không thôi?
Vì thế cả ngày say,
Lăn quay trước cột rồi!
Tỉnh dậy, ngó ra sân,
Chim trong hoa hót gọi.
Tự hỏi là ngày gì?
Gió xuân, tiếng chim nói.
Cảm lòng muốn than hời,
Rượu lắc bình, ý đổi.
Hát vang chờ trăng sáng,
Hết bài, tình buồn trôi.
*CHÍ KHÍ NGÀY XUÂN SAY (Theo vần 2.6.10.12 và riêng vần 4.8 hơi biến âm: doanh, oanh so với sinh, túy, minh, khuynh, tình):
Đời sống là mộng lớn,
Sao nhọc nhằn không thôi?
Vì thế say cả ngày,
Lăn quay trước cột hiên.
Chim trong hoa hát nói,
Tự hỏi là ngày gì?
Gió xuân, chim đưa tiếng.
Cảm lòng muốn than hời,
Rượu nghiêng bình ý đổi.
Hát vang chờ trăng sáng,
Buồn theo cuối bài trôi.
+ Tuy nhiên, hai bài thơ trên của Lý Bạch là loại Thơ Đường dạng “Cổ phong“. Vì sao? Vì chúng “không phải theo thể lệ chặt chẽ như lối Đường luật nghĩa là không có niêm, luật, không phải đối… Lối này không hạn chế số câu: cứ tự 4 câu giở lên, muốn làm dài ngắn bao nhiêu cũng được… có bài làm 6 câu hoặc 12 câu” (Việt Nam văn học sử yếu – Dương Quảng Hàm, trang 116-117). Ta thấy Lý Bạch có “Xuân tứ” gồm 6 câu. “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” gồm 12 câu. Thơ “Cổ phong” cách gieo vần như sau: “dùng nguyên một vần (độc vận), hoặc dùng nhiều vần (liên vận)… hai câu đổi một vần, hoặc bốn câu đổi dùng một vần… Mỗi khi đổi vần, câu thứ nhất hoặc có gieo vần, hoặc không gieo vần cũng được…” (Dương Quảng Hàm, sđd).
Hai bài thơ trên của Lý Bạch đã gieo vần theo hai câu đổi và bốn câu đổi, năm câu đổi nghĩa là gieo tự do… Chỉ có điều, chúng ta nên khảo cứu gieo vần như thế nào làm bài thơ phong phú âm điệu hơn hoặc khi chuyển dịch, bài thơ nhờ đó mà hay hơn. Các bản dịch thơ xuân Lý Bạch theo thể 6/8 của Tản Đà, Trần Nhất Lang; thể thất ngôn của Phụng Hà, Nguyễn Phước Hậu; thể 8/8 của Nguyễn Minh, thể tự do của H.A Giles cho chúng ta tha hồ kiểm nghiệm và nhất là thể ngũ ngôn của Song Nguyễn Hàn Tú, Trần Trọng San. Chuyển dịch đúng thể theo nguyên bản của tác giả là một cách chuyển dịch… hấp dẫn, không tô vẽ, thêm thắc, biến hóa mất “nguyên trinh” của một bài thơ Đường nói riêng và các thể thơ dịch từ “nguyên tác” nói chung. Cách chuyển dịch theo của người viết cũng là trên tinh thần này , ngoài ra không ý định múa may, ba phải nào khác.
TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG
1. “Đường thi tuyển dịch” (Trương Đình Tín, Nxb Thuận Hoá – 2003).
2. “Thơ Đường luật” (Dương Quảng Hàm, “VN văn học sử yếu“, Nxb HNV -2002).
3. “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” (Hoa Sơn, hoasongtrang.us).
 Tháng 6/ 2006
Ngọc Thiên Hoa
Theo https://ngocthienhoa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...