Ngày đó chúng mình
Tôi đi xa mới về. Thùng thư trước nhà đầy ắp, cả cái hộp thư
riêng ở bưu điện cũng không còn chỗ nhét. Ngoài phần lớn những thứ đáng vất, từ
cả hai thùng thư, tôi có trên mười cái thư và vài gói bưu phẩm không thể không
mở ra. Thiệp xuân, rồi thì vài cái hóa đơn, dăm ba món quà Tết của mấy người
thân sơ đâu đó, có gói thức ăn đã bắt đầu hư. Nhưng gì cũng là ân tình, tôi xếp
hết lên bàn rồi đi ngủ.
Ba giờ sáng, tôi thức giấc vì một cơn khát cháy cổ. Đã nói giờ
tôi cứ như người già, bất luận mấy giờ đêm, dậy rồi thì khó mà ngủ lại. Như một
thói quen lâu ngày, tôi thả mình xuống chiếc ghế ở bàn viết, ngó quanh và rồi
giật mình nghĩ đến một chuyện thiệt lãng mà cũng dễ sợ. Nếu trong chuyến đi vừa
rồi tôi có mệnh hệ gì thì ai sẽ là người mở giùm hai thùng thư, rồi họ sẽ làm
gì với mấy thứ trong đó. Cả mấy cái email trong máy, rồi một trang blog như
gian phòng riêng trên internet, nơi tôi vẫn xem là chốn dung thân sau cùng để gặp
gỡ ai đó. Tất cả sẽ mãi mãi là một bí mật, khi đến chính tôi còn lắm khi quên mất
password. Mỗi ngày trên hành tinh này đã và đang có bao nhiêu những hộp thư
trên internet vĩnh viễn không còn người đọc, người duy nhất có thể mở ra cõi
riêng ấy đã không còn dịp trở về. Ai trong thời buổi này lại không có những
chuyện riêng tư trên internet, ai lại chẳng nóng lòng muốn đọc một vài cái
email, hay nôn nao chờ về đến nhà rồi nhảy bổ đến bàn viết để vào thăm trang
blog của mình. Nhưng có ai ngờ trước rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội
đó nữa. Từng người luôn có sẵn những hành trình đang đợi chờ phía trước, những
cuộc đi có thể là không hẹn được ngày trở lại. Nếu có chuyện tái sinh, trong
vòng quay bất tận của những chu kỳ thành hoại của trời đất, ngày họ quay lại được
có thể đang là lúc con người trên mặt đất này đang ở vào một thời điểm văn minh
hơn bây giờ gấp triệu lần, hay lại đang trong thời kỳ nhân loại chỉ còn biết có
lửa rừng và hang đá. Mọi ấn tích hôm nay, khi ấy chỉ còn là cát bụi hay những mẩu
hóa thạch ngậm ngùi câm lặng. Bao nhiêu những hò hẹn, hờn dỗi, yêu đương, thù hận,
toan tính thiện ác,…trong cái gọi là internet gì đó của ngày nào đều trở về với
cõi không. Trong đó có cái đã được biết đến, và cả những thứ chưa một lần được
ghé mắt.
Trong một bối cảnh ngược lại, nhân loại ngày sau có thể tìm lại
được tất cả những gì đã từng được lưu trữ trong nền văn minh điện toán hôm nay,
và có thể đọc hiểu trọn vẹn những tâm tình của người xưa. Và thử hỏi những người
xưa ấy lúc này đã ra sao. Lại vẫn là những huyền thoại như dấu vết của vua
Tutankhamon trên Kim Tự Tháp bây giờ. Suy cho cùng, mọi toan tính lo liệu của
nhân sinh chỉ là một cuộc chơi phù du của vạn hữu.
Tôi từng đọc thấy ở đâu đó một kiểu phân loại thời gian khá lạ
lùng, nhưng xác đáng và cứ bắt tôi phải suy nghĩ. Đó là thứ thời gian sinh học,
Biological Time, được tính trên từng diễn biến sinh hóa của mọi loài sinh vật
trên trái đất. Từ những khoảnh khắc biến diệt của mỗi tế bào trong từng giây đồng
hồ, cho đến cái gọi là kiếp người trăm năm. Loại thời gian thứ hai là
Geographical Time, tạm hiểu là thứ thời gian địa quyển, tính trên những biến động
lâu dài của lớp vỏ trái đất, gồm những cuộc chìm nổi của các lục địa, sự hình
thành của bao thứ trầm tích, hóa thạch,… Và trong loại thời gian này, vài ba thế
kỷ chỉ là một nháy mắt. Nói ra có vẻ cải lương, bên cạnh kinh Phật, tôi vẫn nhớ
hoài mấy câu thơ muốn quên cũng khó. Ông Trần Tế Xương thì phải, từng có 4 câu
này, ai nghe qua một lần cũng thuộc:
“Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!”
Rồi thì ông Vũ Hoàng Chương, nghe thơ mộng hơn một chút nhưng
cũng buồn nẫu ruột:
“Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, nọ sông cát bồi”.
Và thi sĩ Phạm Thiên Thư nói về chuyện đó theo cách riêng của
mình:
“Cuộc đời chớp lóe mưa bay
Nhưng rồi, mọi sự không phải chỉ là những ngậm ngùi hiu hắt
đó. Ở đây tôi phải nhớ ơn một nhà thơ Cơ-đốc là Nguyên Sa, khi ông nhắc tôi rằng
thực ra tôi vẫn còn đó một phương trời Nhị Đế. Tôi đọc ông, rồi thở phào. Phải
vậy chứ, nếu không ai chịu sao nổi. Ông nói: “Cuộc đời dẫu có phù vân, ở
trong mây nổi có phần thiên thu!”. Câu đó hiểu sao cũng xong. Tôi e thuở sinh
tiền nhà thơ họ Nguyễn chẳng có nhiều dịp biết đến giáo lý A-tỳ-đàm, từ đó có lẽ
cũng không ngờ mình đã gửi tặng Phật giáo một câu thơ hay. Từ chiều sâu hun hút
và một độ cao ngút ngàn, trong giáo nghĩa Chân Đế không hề tồn tại một khái niệm
thời gian nào hết. Ngày đêm, bốn mùa, trước sau, nhanh chậm,…đều chỉ là những
quan niệm giả lập y cứ trên sự tồn tại và biến mất của cái gì đó. Lúc này người
ta đang quẩn quanh trong cảnh giới của Thi Thiết, Chế Định (paññatti), Biến Kế
(parikappa). Rõ ràng trong kinh xưa, đức Phật không nói nhiều về thời gian, chỉ
trừ trường hợp chẳng đặng đừng. Điều Ngài đặc biệt nhấn mạnh luôn là những gì
người ta sống và làm trong cái gọi là thời gian ấy. Khái niệm năm ba ngàn năm
gì đó thực ra chẳng là gì, chỉ có Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp, Kinh Thánh,
Kinh Phật mới là đáng nói, vấn đề là từng người trước khi về đất đã để lại gì
sau lưng mình. Thuở bình sinh, ai cũng ăn nhờ ở đậu trên những gia tài di sản của
tiền nhân, trước ngày nằm xuống cũng xin làm ơn để lại chút gì cho lớp hậu tấn
như một kiểu sống sòng phẳng. Và nếu chuyện tái sinh là có thật, biết đâu trong
đám hậu sinh kia lại có cả chính mình. Thế là, nói như ông Nguyên Sa, cuộc
đời dẫu có phù vân, ở trong mây nổi có phần thiên thu..!
Một cái email, dăm ba hàng chữ trong một trang blog, một bài
thơ ngắn trong website, một công trình lớn ngoài đời,…đều là những gì ta để lại
cho nhân gian. Không có gì là nhỏ hay lớn, chỉ có cái tác dụng của nó là lợi
hay hại, ít hay nhiều mà thôi. Một cái email có thể nguy hiểm như một viên đạn
pháo, mà cũng có thể là một liều thuốc cứu mạng một người hấp hối. Cái email đó
có thể không kịp có người đọc, trang blog đó có thể sẽ vĩnh viễn đóng cửa,
nhưng cái tâm tình hay cái tấm lòng của người viết nên chúng không phải là vô
nghĩa, bất luận là tốt hay xấu. Cái hạnh phúc lớn nhất của một kiếp người, theo
tôi, là giả dụ có một ngày nằm xuống trên đường, chưa kịp về đến nơi chốn đã định,
người ta vẫn có thể yên tâm với những gì mình đã hoàn tất hay còn đang dở dang.
Chỉ vì họ đã làm những việc lớn nhỏ đó bằng tất cả tâm tình đẹp nhất. Chẳng hiểu
mắc chứng gì, hay do mới chia tay một người tín hữu Cơ đốc trên đường, mấy ngày
nay nói gì thì tôi cũng cứ nhớ Chúa. Bà sơ Theresa, một người từng lãnh giải
Nobel hòa bình, có một câu nói hay không tả được: “Chúng ta có thể không
làm được chuyện gì lớn lao, nhưng hoàn toàn có thể làm việc gì đó với một trái
tim vĩ đại. Đó chính là cái chìa khóa, là lời giải thích vì sao có người vẫn bất
tử giữa dòng đời sinh hóa phù du”.
Ta rồi sẽ gặp lại ta, gặp lại chính mình trong một hậu thân
khác. Ta rồi cũng gặp lại em, người mà ta đã một lần buồn vui với những ân oán
tình thù. Tử sinh không nên có những hò hẹn, ai thoát ra được thì nên mừng giùm
cho nhau. Có điều là, nếu một ngày em ghé lại lều cỏ của tôi, khi tôi đã là viễn
khách ở một phương trời khác, một bầu nước sạch với mấy vốc gạo trắng cùng một
góc nến đủ đốt qua đêm, có phải là một món quà lớn ra để lại cho nhau không hả?
Ừ thì, cuộc đời dẫu có phù vân…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét