Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Quán nhạc trên đồi

Quán nhạc trên đồi
Cửa hầu như lúc nào cũng khép. Khách đến tự mở bước vào và tự kiếm chỗ ngồi. Chừng mươi bộ bàn ghế, kích cỡ và chủng loại không giống nhau, tất cả đều được xếp sát tường, nhường khoảng trống cho mấy chậu cây cảnh có vẻ ít được chăm sóc, cũng giống như vườn hoa ở bên ngoài. Giữa bàn và trên tường sẵn có mấy dĩa đèn cầy, khách ngồi vào mới thắp. Ngay giữa nhà có kê một chiếc bục nhỏ với dàn âm thanh và mấy cây đàn ghi-ta đặt hờ hững bên góc. Không có quầy bày biện ly tách hay trang trí hoa lá . Mọi thứ đều được mang ra mang vào gian nhà sau.
Khách vào tự kiếm chỗ ngồi vì hầu hết đều là khách quen, người đến lần đầu cũng do khách cũ giới thiệu. Giới trẻ ít khi vào đây bởi nếu không tự cảm thấy thì trước khi về thế nào cũng sẽ nghe chủ quán lạnh lùng nói hình như chỗ này không hợp với các em. Cũng đừng đến đây nếu vừa bước ra từ một tiệc rượu, mặt đỏ bừng và giọng đượm hơi men. Chỉ cần vui chuyện nói to một chút là được nhắc nhở ngay. Nhớ tắt điện thoại di động hoặc cần thiết thì bước ra bên ngoài, vừa nói chuyện vừa đọc lại mấy dòng ghi sẵn trên tấm bảng nhỏ treo trước cửa : Xin vui lòng nói chuyện nhỏ hơn tiếng nhạc và không sử dụng điện thoại trong phòng.
Khách quen cả nên không ai sốt ruột nếu phải chờ đợi được phục vụ. Chỉ mấy mẹ con cô chủ quán làm đủ các việc, ngay cả khi khách đến đầy phòng. Cũng ít người để ý đến chất lượng thức uống, là cà phê và các thứ giải khát. Về rượu chỉ có rhum (thật ra là để hòa với nước chanh) hoặc vang, sản phẩm của địa phương (không làm bằng trái nho) bỏ thêm một viên xí muội, gọi từng ly chứ không bán cả chai. Dần dà rồi ai cũng quen với cái không khí là lạ đó của quán. Cứ bình thản ngồi uống và nghe nhạc. Cho đến khi ai đó đứng dậy cầm lấy cây đàn, trở về chỗ ngồi và hát. Tự nhiên mà hát. Nhạc máy được vặn nhỏ lại hoặc tắt hẳn. Tưởng như chỉ hát cho chính mình. Mà không, mọi người ở các bàn khác đều nghe đấy chứ. Nghe và tán thưởng. Nghe và hưởng ứng. Không đợi mời, ở một bàn khác có người lại cất tiếng. Và cứ thế mà tiếp tục. Cũng có người hát liên tiếp hai ba bài. Cũng có người phụ họa theo một giọng hát nào đó ngồi ở góc khuất chỉ nghe tiếng mà không nhìn thấy mặt. Nào có can chi.

Đến một lúc nào đó bỗng thấy cô chủ quán hình như hơi vội vàng trong việc phục vụ, hình như không thiết tha trong việc đón khách mới vào. Cô rảo quanh phòng, nhìn quanh một lượt và ghé đến một bàn nào đó, kéo ghế ngồi xuống góp chuyện. Chỉ là cái cớ thôi, vì thường khi đã ngồi xuống là cô đã sẵn sàng để hát. Giọng soprano với âm vực khá rộng và cường độ khá lớn đủ để mọi người trong phòng ngưng hết chuyện trò to nhỏ. Di An, cô chủ, thích bắt đầu bằng một câu hát ở giữa bài, thường là ở chỗ cao trào để tiện khoe giọng to và khỏe. Chẳng cần máy khuyếch âm, tiếng hát Di An vẫn len được hàng cây cảnh, lách giữa những lối đi, lan qua từng ngọn nến, loang đến mỗi góc phòng, lấn vào mỗi tâm tư, lặng trong từng nỗi niềm để lưu vào vùng kỷ niệm. Từ Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, đến Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, rồi Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Lê Uyên Phương…., trong khung trời lãng đãng của những tác giả như thế Di An thuộc cả hàng trăm bài. Cô còn hát được nhạc Pháp, những bài quen thuộc của những năm 60, 70 thế kỷ trước. Nhưng khách đừng mải nghe mà quên mất rằng đến đây không chỉ để thưởng thức, nghĩa là đừng quên đáp lễ. Bàn này bàn khác phải có người nào đó cất giọng. Cứ bắt đầu một câu, dù ngồi ở xa, Di An sẽ đệm đàn cho mà hát, nếu người hát không tự đánh đàn. Thông lệ là thế, có người hưởng ứng thì cô mới tiếp tục. Em đã hứa với các con em là mỗi tối mẹ chỉ hát năm bài. Nói thế thôi chứ khi có cảm hứng thì cô hát bao nhiêu bài không ai đếm được. Chủ và khách cứ tiếp nhau theo cung cách đó. Không ai mời ai, không ai giới thiệu. Khách vào quán, dù là lần đầu, hòa nhập rất nhanh vào cái không khí tự nhiên và ngẫu hứng đó. Phần lớn là người đứng tuổi, đi theo nhóm nhỏ, di chuyển nhẹ nhàng, chuyện trò khẽ khàng. Tò mò và phấn khích, tin cậy và bao dung, họ đến đây để nghe hát. Nghe thoải mái vì không bị ai nài nỉ xin cho một tràng pháo tay. Lặng lẽ và lịch sự, nhiệt tình và hòa đồng, họ đến đây để hát. Hát tự nhiên mà không cần phải xin gửi đến quý vị lời chào trân trọng nhất, không cần phải giới thiệu sau đây là bài hát được mang tên….
Ở xứ Lạc Phố có một quán cà phê như thế. Từ Giáo đường Hồng Kê, đi dọc theo đại lộ Toàn Phúc, rẽ trái theo đường Lý Hoàng Phụng, đi tiếp vài trăm thước lại rẽ trái vào đường Quang Phục theo hướng vào Biệt điện của Cựu Hoàng Nguyên Phương XIII. Quán nằm trên đồi cao ở gần Biệt điện, khuất sau mấy hàng thông, đi dưới đường không nhìn thấy nếu không để ý đến mấy dây đèn điện mắc trên những cây thông và tấm bảng hiệu nhỏ xíu: Cà phê “Cõi Tạm Chơi”. Có lẽ chủ quán chọn cái tên này vì hình như cô mở quán không chỉ để kinh doanh. Mà để chiêm nghiệm một điều gì đó. Cho riêng mình. Và cho những ai đồng cảm.
Cứ tưởng trần gian chỉ là cõi tạm
Nên đem tung hê hết cả tháng ngày
Cứ tưởng phù du hóa ra miên viễn
Lỡ đến rồi thôi cứ ở lại đây.
Cõi trần là cõi tạm chơi
Vui chân dừng bước để rồi lại đi
Ngờ đâu cuộc sống bộn bề
Ham công tiếc việc ngày về lại quên.
Trần gian tưởng đâu cõi tạm
Ghé chân dăm bữa rồi đi
Ngờ đâu bộn bề công việc
Loay hoay quên cả ngày về.
Trần gian cõi tạm?
Just stop and go?
Nào đâu phải vậy
Stay up to now.
QUÁN NHẠC TRÊN ĐỒI
Bỗng dưng lạc chốn mê cung
Tơ chiều lãng đãng tơ lòng vấn vương
Tơ trời sợi nhớ sợi thương
Níu chân lãng tử, ngăn đường khách mơ.
Bỗng dưng lạc chốn cung tơ
Chiều không tắt nắng, đêm mờ hơi sương
Tiếng ai hát khúc nhạc buồn
Êm như thác đổ, nhẹ dường cuồng phong.
Bỗng dưng lạc cõi hư không
Lung linh ánh nến, mịt mùng phù vân
Tiếng đàn ai bỗng bâng khuâng
Cho ngơ ngẩn nhạc, cho dùng dằng thơ.
Bỗng dưng chiều lạc cung tơ
Thông xanh lạc gió, đôi bờ lạc sông,
Giọng oanh hòa tiếng tơ đồng
Mấy ai tri kỷ mà không chung tình?
Bỗng dưng lạc chốn lặng thinh
Cà phê tí tách nhẹ tênh giọt buồn
Ghé chân quán nhạc mỗi lần
Bước ra sao cứ tần ngần ngoái lui.
Lạc Phố Tháng 4/ 2006

Thân Trọng Sơn
Theo http://www.art2all.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Linh hồn xứ sở trong mưa rửa bùn

Linh hồn xứ sở trong mưa rửa bùn Trần Thị Huyền Trang là một nhà văn luôn đau đáu nỗi niềm với quê hương xứ sở. Mưa rửa bùn là một phần của ...