Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Đến với bài thơ hay: Lục bát chiều

Đến với bài thơ hay: Lục bát chiều
Không nhất thiết phải có thơ lục bát mới nói được cái dịu dàng sâu thẳm của tình yêu dưới bầu trời tuyệt sắc của Việt Nam, mà "Chiều lục bát" nên xem như một cách nói ẩn dụ. Nhà thơ, bằng một cách nào đó, miễn là nói được cái hồn lục bát trong quan hệ tình cảm, tình yêu đôi lứa- tức là đã có một "Lục bát chiều" đằm thắm của riêng mình, như nhà thơ Phương Thảo đã làm được trong bài thơ này.
LỤC BÁT CHIỀU
Chớm vào thu - Chiều thành lục bát
Heo may lất phất ngang đồng
Xanh thấy đáy da trời xanh ngắt
Tiếng sáo diều dìu dặt tầng không
Lúa con gái phập phồng nhịp thở
Sóng miên man chạy đến chân trời
Theo bước em về, chiều thành  lục bát
Lưng lửng vàng, nắng trải niềm vui
Anh bước khẽ bên em nín thở
Hồn đắm chìm trong sắc hương quê
Chiều thu ấy, nắng vàng như mộng
Tóc em xanh cho lục bát đi về
Anh ao ước một ngày nào đó
Viết bài thơ lục bát tình yêu
Mỗi câu chữ một bông hồng đỏ
Anh trao em - thơ lục bát chiều…
(Thơ Phương Thảo - Hải Dương)
Lời bình của TS Nguyễn Thị Thanh Lý:
Mới nghe tiêu đề của bài thơ người đọc có thể đặt câu hỏi: Sao lại là “LỤC BÁT CHIỀU”? Có lẽ vì bài thơ “Chiều” được viết theo thể lục bát? Nhưng không, đây không phải là bài thơ được viết theo thể lục bát mà lại là thơ tự do, sáu chữ, bảy chữ rồi tám chữ… đủ cả. Hay là có sự nhầm lẫn nào đó?... cũng không đúng. Thực ra “Lục bát chiêu” là một cụm từ được Phương Thảo đặt tên cho một bài thơ của anh, hơn thế nữa, anh rất tâm đắc với tiêu đề ấy.
Lục bát vốn là một thể thơ truyền thống của dân tộc. Thể thơ này có khả năng phát huy được lợi thế của xúc cảm, còn “chiều” là từ chỉ thời gian, khoảng thời gian trữ tình nhất trong ngày và cũng trữ tình nhất trong thơ ca. Phương Thảo đã có lý khi anh đưa ra một kết hợp từ mới lạ “LỤC BÁT CHIỀU”. Bằng những hiểu biết về “Lục bát” và “chiều”, người đọc có thể coi đây là một hình ảnh ẩn dụ Phương Thảo dùng để chỉ một buổi chiều quê với những kỷ niệm đẹp đẽ, đầy xúc cảm cùng những rung động lâu bền của tác giả giống như thể thơ lục bát trong hồn dân tộc Việt.
Ở khổ đầu của bài thơ, Phương Thảo đã xác định được một thời gian, không gian cụ thể:
“Chớm vào thu - chiều thành lục bát
Heo may lất phất ngang đồng
Xanh thấy đáy da trời ngăn ngắt
Tiếng sáo diều dìu dặt tầng không”
Trong văn học, có những sự vật, hiện tượng mà mỗi khi bắt gặp hoặc nhắc đến lại gợi lên trong ta những liên tưởng đặc thù mang tính truyền thống. “Chiều” trong thơ ca xưa thường gợi một nỗi buồn mênh mang, tĩnh lặng. Mùa thu cũng gợi cảm giác sâu lắng và xao xuyến. Kết hợp những cảm xúc ấy, cùng với những rung động nội tâm, Phương Thảo đã vẽ lên bức tranh quê một một buổi chiều thu với “Heo may lất phất ngang đồng”. Đặc biệt, câu thơ “Xanh thấy đáy da trời ngăn ngắt” có vẻ gần với câu thơ: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” của Nguyễn Khuyến khi ông vẽ nên cảnh đẹp của một làng quê, nơi ông lui về ở ẩn để giữ gìn cái thanh tĩnh cho tâm hồn. Tuy nhiên, đọc câu thơ của Phương Thảo, cũng là “trời xanh ngắt” nhưng đã được tác giả đảo ngữ “xanh thấy đáy da trời ngăn ngắt”, người đọc lại thấy cả sự gắn bó hữu tình của trời và nước. Trời thu và nước cũng là nước của mùa thu, chiều thu. Những bức tranh quê trong “Lục bát chiều” không chỉ có trời và nước, mà còn cả “tiếng sáo diều dìu dặt tầng không” càng làm cho buổi chiều quê thấm đẫm chất thơ mà vẫn nhẹ nhàng, thuần khiết mà vẫn lắng đọng, êm đềm gợi một cảm giác xa vắng, mênh mang, có thể không vui nhưng chưa hẳn đã là buồn. Mạch cảm xúc ấy liên tục được Phương Thảo mở rộng:
“Lúa con gái phập phồng nhịp thở
Sóng miên man chạy đến chân trời
Theo bước em về, chiều thành lục bát
Lưng lửng vàng, nắng trải niềm vui”
Có thể nói ở khổ thơ thứ nhất và thứ hai của bài thơ, Phương Thảo đã sử dụng khá nhiều từ láy…Các từ “lất phất”, “ngăng ngắt”, “dìu dặt”, “phập phồng”, “miên man”, “lưng lửng” được gắn với những sự vật, hiện tượng do nó biểu thị, cùng với biện pháp đảo ngữ ở một số câu thơ đã làm tăng thêm sắc thái biểu cảm, tạo ra được những xúc cảm thẩm mỹ trong lành ở người đọc. Đặc biệt, cuối khổ thơ thứ hai, sự xuất hiện của “em” và “nắng” làm cho không gian trở nên ấm áp, sinh động hơn nhiều. Có lẽ đây là một dụng ý nghệ thuật của Phương Thảo. Bởi vì, chính bức tranh quê lắng dịu, thuần phác và yên bình như thế sẽ làm nổi bật hình ảnh của lứa đôi ngập tràn hạnh phúc. Không gian thoáng rộng, êm ả, trong lành của buổi chiều quê, vừa là chứng nhân, vừa là điểm tựa tinh thần cho một tình cảm yêu thương xuất hiện được rung lên những cung bậc tưởng đã lên dây hết mức và không gian ấy cũng là cái nền tươi mát, là sự chuẩn bị tâm thế để “em” xuất hiện trong rạng rỡ tin yêu:
“Theo bước em về, chiều thành lục bát
Lưng lửng vàng, nắng trải niềm vui”
Hai người yêu nhau sánh bước bên nhau, tận hưởng cái hạnh phúc của một tình yêu đẹp trong một không gian đẹp khiến Phương Thảo liên tưởng đến sự gắn bó, hài hòa, tinh tế như hai câu thơ trong một cặp lục bát và nhờ đó, tứ thơ “chiều thành lục bát” ra đời. Cũng trong tâm trạng xốn xang, bối rối trước tình yêu không nói được thành lời, chàng trai trong bài thơ đã cảm nhận được nhịp thở “phập phồng” của lúa đang thì con gái, hay cảm nhận được sự phập phồng của trái tim đang yêu. Cảm nhận được sóng lúa “miên man chạy đến chân trời”, hay chính hạnh phúc lứa đôi đang rộng dài, tít tắp? Và ngay cả cách cảm nhận “lưng lửng vàng, nắng trải niềm vui” cũng không dễ gì cắt nghĩa được rành mạch. Như vậy là bằng ánh mắt, bằng xúc cảm yêu thương mà phong cảnh quê hương thêm thi vị, ngược lại, phong cảnh trữ tình thuần phác, yên bình, thánh thiện của quê hương lại hòa quyện, tôn vinh cho tình yêu đôi lứa. Sự đan xen giữa thực hư, quen lạ, giữa những xúc cảm yêu thương với cảnh, với người thật khó mà chia tách.
“Anh bước khẽ bên em nín thở
Hồn đắm chìm trong sắc quê hương
Chiều thu ấy, nắng vàng như mộng
Tóc em xanh cho lục bát đi về”
“Chiều thu ấy”, một buổi chiều thu đầy tâm trạng, được Phương Thảo ký thác trong “Lục bát chiều” đã trở thành kỷ niệm - “Một kỷ niệm đã gợi lên hàng trăm kỷ niệm khác, tất cả những cái đã qua hầu như bị lãng quên nay đã sống lại” (Gherxen). Hồi ức và tưởng tượng đã hòa nhập cho cảm xúc thăng hoa để rồi những mơ ước, khát khao về một tình yêu chưa trọn vẹn trào lên:
“Anh ao ước một ngày nào đó
Viết bài thơ lục bát tình yêu
Mỗi câu chữ một bông hồng đỏ
Anh trao em - THƠ LỤC BÁT CHIỀU”
Cả bốn khổ thơ trong “lục bát chiều” của Phương Thảo đều thấy sự có mặt của từ “lục bát” nhưng ở khổ thơ cuối cùng thì từ đó lại được sử dụng đến hai lần: “lục bát tình yêu” và “Thơ lục bát chiều” dường như để khẳng định cho sự nặng lòng, không nguôi nhớ về kỷ niệm xưa, cảnh xưa, người cũ của nhân vật trữ tình. Trong xúc cảm da diết và ước mơ cháy bỏng ấy, lời thơ của tác giả vẫn thủ thỉ, tâm tình. Phải chăng đó cũng nét duyên trong thơ tình Phương Thảo.
Bằng như thi liệu cổ thích hợp với việc diễn tả cảnh quê, tình quê nhưng “lục bát chiều” của Phương Thảo cũng đã đem đến cho người đọc một cảm giác mới lạ. Cái mới lạ ở đây được thể hiện qua tứ thơ, qua cách chọn lọc, sử dụng từ ngữ và hình ảnh khá độ đáo cùng với những rung động tinh tế, trong sáng. Nhờ đó, với “lục bát chiều”, Phương Thảo đã làm được cái việc tưởng là thơ viết cho mình, cho hai người trong cuộc nhưng lại cũng là thơ viết hộ, nói hộ nhiều người.

PGS.TS Trần Mạnh Tuân: 
Viết theo thơ Phương Thảo
Chiều thu, lục bát chớm lòng,
Heo may lất phất ngang đồng đùa cây.
Đáy trời xanh ngắt, trắng mây,
Sáo diều dìu dặt cuối ngày tầng không.
Lúa con gái thở phập phồng,
Sóng miên man chạy xa trông chân trời.
Chiều thành thơ Lục bát rồi,
Theo em, nắng trải niềm vui lửng vàng.
Bên em nín thở khẽ khàng,
Hồn quê hương đắm chìm sang sắc chiều.
Nắng vàng như mộng...Thu yêu,
Tóc em xanh... Lục bát chiều mộng mơ.
Một ngày nào đó... Anh chờ...
Ước ao viết Lục bát thơ... tiếng lòng.
Mỗi câu chữ một đóa hồng,
Trao em Lục Bát chiều... trong Thu chiều.
16/9/2013
Lời bình của Trương Lan Anh:
Mới đọc tựa đề bài thơ cứ ngỡ nhà thơ định vị cảm xúc tâm hồn mình trong một không gian cuối ngày nơi dồn nén và lắng đọng lòng người, bằng những vần thơ mềm mại lục bát thể thơ dân tộc. Nhưng không, đây là một bài thơ viết theo thể tự do có câu sáu, câu bảy, câu tám chữ. Đến đây ta mới hiểu, đây là một cách nói gợi của nhà thơ bằng xúc cảm. Mùa thu vốn là mùa của thi ca và nhạc họa.
Biết bao nhà thơ, nhạc sĩ, hội họa tài hoa đã gửi gắm hồn mình làm nên những bản nhạc, những vần thơ những bức tranh thu trác tuyệtđi vào lòng người.
Mùa thu là thế, tĩnh lặng của khói sóng, của bầu trời xanh thăm thẳm, của ngọn gió khẽ khàng lay vạt sóng và cần trúc lơ phơ...Cái nhẹ nhàng ấy đủ lay động những cảm xúc thẩm mỹ của những hồn thơ trước cảm thức vào mùa.
Thu trong thơ Nguyễn Khuyến, trong tranh Levitan đã làm nên những trác tuyệt về hồn thu lay động lòng người.
Với nhà thơ Phương Thảo, thu đến với anh cũng thật đẹp trong hồn thơ. Một không gian “chớm thu" một thời gian “vào chiều" thật lắng đọng. Nơi ấy nhà thơ đã trải hồn mình. một thời gian và không gian nghệ thuật ấy để hồn thơ chín:
Chớm vào thu - Chiều thành lục bát
Heo may lất phất ngang đồng
Xanh thấy đáy da trời xanh ngắt
Tiếng sáo diều dìu dặt tầng không
"Chớm thu" cái thời khắc chùng chình cuối hạ của những ngày tháng đất trời đổ lửa. Có lẽ là người con sống và sinh ra nơi miền Trung gió Lào bỏng rát, mảnh đất cháy cóng sau ngày hè tháng hạ thì mới thấy cái giá trị, cái thanh tỉnh và mơn man khẽ khàng của thu về!
Bức tranh thu được vẽ bằng đường nét, màu sắc âm thanh rất gần gũi quen thuộc từ đồng quê .... có ngọn gió se se “heo may lất phất" mang về cái dìu dịu lạ thường. Nó chưa đủ lành lạnh nhưng cảm giác cho ta thư thái.
Lúc này nhà thơ thả hồn mình theo ngọn gió thu nhè nhẹ chít đủ ngang qua cánh cỏ lau "lất phất" mà thôi.
Những nét đặc tả của mùa thu được tác giả tập trung vào không gian của trời thu cao rộng. Từ vị trí quan sát trên đồng quê, nhà thơ phóng tầm nhìn lên thăm thẳm. Cảm giác như chạm vào đáy trời. Một cách cực tả thật hay vẻ đẹp trời thu . Không dùng lượng mà ta cảm giác định lượng. Chỉ giữa mênh, bầu trời không gợn mây tác giả mới cảm thấu tận sâu cái hun hút của trời thu đến vậy. Cảm ơn nhà thơ đã có một cách gợi tả thật hay giúp người đọc cảm nhận trời thu cao xanh đến diệu kỳ.
Đọc đến đây ta lại nhớ đến nhà thơ thu của làng quê Việt Nam Nguyễn Khuyến:
"Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao... "
Mỗi cách nhìn, cách tả để thấy thu vời vợi trong mỗi hồn thơ giúp ta nhận ra mỗi sắc thái riêng mà không kém tài hoa mà nhà thơ Phương Thảo:
"Xanh thấy đáy da trời xanh ngắt"
Từ không gian cao rộng, chót vót của đáy trời, nhà thơ chuyển cái nhìn về một không gian trải theo chiều rộng cánh đồng mênh mông.
Lúc này sự phối hợp giữa cách tả chân và liên tưởng, bức tranh đồng quê ngập tràn gam màu xanh thắm:
Cả cánh đồng trải dài tít tắp miên man trong sắc màu lúa thì con gái. Bằng lối so sánh liên tưởng, ẩn dụ tác giả đưa người đọc cảm thấu và đằm sâu trong Cái xanh mơn mởn của đồng quê.
Một sự tinh tế đến lạ, nhà thơ như cảm nhận được sự trỗi mình của cánh đồng sức xuân, như cảm thấy sức trẻ của nhịp thở "phập phồng" của trái tim đang yêu của người con gái. Một sự so sánh lý thú và gợi cảm...
Gió về, cả cánh đồng quê như một biển xanh dào dạt những lời tâm sự. sóng lúa xô đẩy nhau tít tận xa xăm" Sóng miên man chạy đến chân trời". Thật thoáng đãng, hồn nhà thơ cũng trải theo không gian chiều rộng, không còn be bờ đắp đập. Cả cánh đồng như biển lúa sóng xanh tít tận chân trời.
Và đây, trên biển xanh rào rạt ấy, bóng dáng nhân vật trữ tình đã xuất hiện. Trong sắc nắng vàng thu như rắc bạc bóng em trên đồng quê Một cái nắng "lưng lửng vàng" trong chiều thu cũng đã đủ chín hồn người:
"Theo bước em về, chiều thành lục bát
Lưng lửng vàng, nắng trải niềm vui..."
Bức tranh quê bỗng nhiên hữu tình, ta như cảm nhận được bước chân của nhà thơ theo em đi trên cánh đồng quê chiều thu vời vợi. Hai nhân vật làm nền để bức tranh thu vốn đẹp càng hữu tình hơn. Tiếng lòng ngân lên bằng những vần thơ dịu ngọt.những từ láy được vận dụng tài tình, bức tranh thu trở nên sống động tươi tắn hồn người.
Những câu thơ mềm mại như sợi nắng buông chiều như đem thơ về ghép nhạc. Những vần thơ chân chất tình quê như hồn người đồng mình trong "chiều lục bát". Cái hồn thơ để kết nên những vần thơ nhẹ nhàng mà thanh thoát đến lạ. Tứ thơ tràn chảy theo tiếng lòng reo vui để nhà thơ bật lên những cảm xúc thật chân thành nói hộ lòng mình, lòng mọi người:
Theo bước em về, chiều thành lục bát
Lưng lửng vàng, nắng trải niềm vui"
Cái tình của nhà thơ đã dành trọn và xúc cảm để đẩy tâm hồn mình kết nên những tứ thơ thật đẹp:
Anh bước khẽ bên em nín thở
Hồn đắm chìm trong sắc hương quê
Chiều thu ấy,nắng vàng như mộng
Tóc em xanh cho lục bát đi về"
Sự hồi hộp và như chờ đợi. Những phút giây tuyệt đẹp để tâm hồn thăng hoa nhà thơ như đắm chìm trong hương sắc của tình yêu. Sự hiện hữu của em trên cánh đồng quê chiều thu ấy. Tứ thơ không kém phần lãng mạn mà chín cả hồn thơ, để có những câu thơ hay đến vậy.
Bức tranh mùa thu được thi vị bởi hương sắc tình yêu. Mà chính em đã mang lại cho nhà thơ cái hồn để làm nên bức tranh ấy:
"Tóc em xanh cho lục bát đi về".
Trời thu, cánh đồng mùa thu để thêu dệt nên bức tranh tình thu mà trong đó nhà thơ gửi gắm và ký thác lòng mình:
Anh ao ước một ngày nào đó
Viết bài thơ lục bát tình yêu
Mỗi câu chữ một bông hồng đỏ
Anh trao em – thơ lục bát chiều!
Có lẽ nhà thơ rất khéo trong cách viện dẫn. Một cái cớ chăng em và mùa thu đã đốt cháy trong lòng nhà thơ những khát khao nguồn cội. Chỉ có em và mùa thu đồng quê sẽ kết tinh nên hồn thơ dân tộc cho anh. Cái khéo đến tinh tường mà nhà thơ muốn gửi gắm một niềm tâm sự chân thành. Bài thơ lục bát mà anh viết hay mọi người viết nó sẽ là cốt lõi của hồn người từ một tình yêu sâu thẳm. Nó phải thực sự kết lắng của tinh túy của trái tim yêu, biết nâng nui và trân trọng. Mà một cách nói thật hình ảnh và ví von:
"Mỗi câu chữ một bông hồng đỏ
Anh trao em – thơ lục bát chiều!"
Cảm ơn nhà thơ đã chuyển tải một thông điệp tuyệt vời. Một trăn trở của một trái tim yêu hồn thơ dân tộc. Ước ao của anh, hay ước ao của mỗi chúng ta. Hãy để trái tim mình về với cội nguồn. Từ cội nguồn yêu thương để ta viết nên những vần thơ đồng mình, làng mình, quê hương mình bằng tất cả tình yêu say đắm.
Lục bát chiều, một bài thơ viết theo thể thơ tự do. nhưng đã đem lại cho chúng ta biết bao những nỗi niềm mà nhà thơ trao gửi. Bằng trái tim yêu tha thiết tác giả vẽ nên bức tranh thu theo nhiều chiều không gian và cuối cùng bức tranh thu ấy đọng lại bằng bức tranh tâm trạng. Những trăn trở cho quê hương cho đất nước.
Mùa thu tháng tám lại về, mỗi mùa hội thơ lục bát nơi gặp gỡ của những hồn thơ. Có lẽ bài thơ cũng là một niềm gửi gắm khát khao đầy trách nhiệm với người cầm bút và khát khao cho mọi người:
"Anh ao ước một ngày nào đó
Viết bài thơ lục bát tình yêu
Mỗi câu chữ một bông hồng đỏ
Anh trao em – thơ lục bát chiều!"
Nhà thơ với cuộc sống và tình đời. Sự giao thoa của tâm hồn để có một sản phẩm thơ ca như bức tranh tình yêu đẹp mà nhà thơ vẽ bằng ngôn ngữ ấy. Ta cũng ao ước cuộc sống đẹp hơn thêm để nhà thơ chạm tới và hái tặng cho của sống: "Mỗi câu chữ là một bông hồng đỏ."
Khổ thơ một bức tranh tâm trạng chất chứa những khát khao ước mơ đã khép bài thơ lại, nhưng mở ra cho ta bao điều suy ngẫm về cuộc sống và trang thơ... mà nhà thơ là người dám đem trái tim mình ra để phô bày trước cuộc sống.
Xin cảm ơn nhà thơ Phương thảo đã cho chúng ta thưởng thức một bài thơ hay. Thấm đẫm nhân văn, đưa đến cho ta tình yêu và trách nhiệm trước cuộc sống hôm nay!.
Lời bình của Đinh Ngọc Diệp:
LỤC-BÁT Ở NGOÀI LỤC-BÁT
Từ "chớm thu, chiều thành lục bát", bản thân sắc xanh rợi của mùa đã khiến buổi chiều thu thành "chiều lục bát". Thêm "em" xuất hiện sánh bước bên anh dưới trời xanh sóng lúa càng làm nên một "chiều lục bát" của tình yêu dậy men say. Người đọc ngờ rằng, đến đây thì từ "chiều" không đơn thuần là thời gian buổi chiều, nó còn ám thị là một "chiều-không-gian" lục bát, nối tình cảm em-anh cụ thể, hiện thời vào chiều tâm tưởng của điệu hồn dân tộc từng kết tinh vào thơ lục bát của nhiều đời, từ ca dao cho đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và các nhà thơ hiện đại. Cho nên, không lạ khi nhà thơ Phương Thảo ước ao "Viết bài thơ lục bát tình yêu"-là anh muốn tự mình, bằng thơ-để chiếm lĩnh cái thời gian, không gian vô cùng vô hạn của tình yêu. Điều ao ước ấy, ngay trong bài thơ này, tác giả đã đạt được, bởi đã hòa trộn con người thi nhân với tình nhân làm một. Không nhất thiết phải có thơ lục bát mới nói được cái dịu dàng sâu thẳm của tình yêu dưới bầu trời tuyệt sắc của Việt Nam, mà "Chiều lục bát" nên xem như một cách nói ẩn dụ. Nhà thơ, bằng một cách nào đó, miễn là nói được cái hồn lục bát trong quan hệ tình cảm, tình yêu đôi lứa- tức là đã có một "Lục bát chiều" đằm thắm của riêng mình, như nhà thơ Phương Thảo đã làm được trong bài thơ này.
Theo http://tacphammoi.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực

  ​ Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực 1- MỰC TRỞ THÀNH BẠN CỦA BÉ NHƯ THẾ NÀO? Bé tên là Thanh nhưng ông nội thích gọi là Bé nê...