Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Đường quê đậm đà

Đường quê đậm đà
TỰA
Đường Quê Đậm Đà, thoạt tiên, muốn ghi lại vài hình ảnh của một cuộc hành trình ngắn trong một cuộc đời dài. Chỉ đơn sơ vậy thôi. Nhưng rồi, trong khi ghi chép, chợt thấy hành trình ngắn này gắn bó liên lạc dĩ nhiên với những cuộc hành trình ngắn khác trong quá khứ, và chắc chắn sẽ tác động đến những hành trình khác nữa trong tương lai. Lại cũng nhận thấy, không những nó gắn bó với riêng những cuộc hành trình của đời mình không thôi, mà còn gắn bó với những cuộc đời khác, nhiều cuộc đời khác nữa.
Cho nên, từ đó, Đường Quê Đậm Đà không còn là con đường quê thuần túy đất đá chạy dài giữa hai bờ cây cỏ như ban sơ dự định, mà nó đã tự nhiên hóa thành con đường quê có nhân tính, có tâm hồn, có trí tuệ, chạy dọc giữa cõi bờ sinh tử trăm năm.
Cho nên, rồi từ đó, Đường Quê Đậm Đà có khi sao chép những hình ảnh trung thực như nguyên bản, thật như một dòng sông, thật như một con đường làng, thật như một tấm lòng dưới bóng cây đa. Nhưng đôi khi cũng ghi chép những cảm xúc sương khói mơ hồ, như cảm xúc lúc bước dưới ánh trăng bên lá, như cảm xúc của những bước chân lặng lẽ giữa phố trưa, hoặc như cảm xúc từ những người bạn trẻ cùng với những người bạn đã già nối bước nhau đi giữa thiên thu cuộc đời muôn điệu…
Sở dĩ được may mắn yểu điệu duyên dáng như vậy, ắt hẳn là nhờ những tâm hồn đẹp vô giá trên đường quê tôi đi. Bao xiết cám ơn tất cả những tâm hồn, cám ơn các anh chị của tôi, bà con của tôi, các bạn tôi, đã tặng tôi nhiều vẻ đẹp ở đời, đã cho tôi cơ hội để ghi chép nó thành một đường quê đậm đà hương vị bất ngờ đối với tôi như thế này.
Chúng tôi cũng cám ơn các bạn, đặc biệt là Hiền Huynh đại sư, Sanh Xuân tiên sinh, và Quỳnh Trân tiểu thư, đã khuyến khích tôi cầm bút, và đã độ lượng ghé mắt đọc Đường Quê Đậm Đà này tới tận cuối đường.
Nếu bạn đã có chiếu cố đến nó, thì có nghĩa là bạn đã đọc thấy ít nhiều kinh nghiệm trải qua của chính mình trong đó. Thì bạn có lẽ sẽ có lần bất chợt một hôm, ngoảnh đầu lại, nhìn thấy mình giữa nghìn đời, rồi có thể bất giác lẩm nhẩm vài câu hát của Trịnh Công Sơn rất quen thuộc với các bạn.
Em đi qua chuyến đò
ối a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi
Buồn chân em ghé chơi
Em đi qua chốn này
ối a sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội
Mà lăn theo gót hài
Tôi vui chơi giữa đời
ối a biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng lại
Mà tôi thu bóng tôi
Tôi vui chơi giữa đời
ối a biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại
Làm mưa tan giữa trời.

Chúng ta sẽ ca hát giữa đời bằng một tâm hồn mới, bằng một nhìn nhận mới về bài hát, nhìn nhận mới về mình và về cuộc đời.
Bạn à, nếu người là gót hài thì tôi xin làm đá cuội, nếu người là quán đợi thì tôi sẽ làm người buồn chân. Chúng ta sẽ cùng đi chung trên chuyến đò trần gian hè hội.
Là gót hài hay là đá cuội, là quán đợi hay là buồn chân, chẳng có gì trở ngại cả, vì tất cả chỉ là tên gọi mà thôi. Một cách gọi tên khác nữa, là gọi tên chúng ta là những hạt mưa, những hạt mưa nhẹ nhàng tan hòa giữa trời đất bao la vô tận. Những hạt mưa diễm xưa cũng không khác những viên đá cuội diễm xưa, tất cả đều cần có nhau như ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau vậy đó, bạn à.
Nguyễn Quang Thanh
(2013)
1. NGƯỜI BẠN CŨ
Chiếc Airbus A320 nhẹ nhàng hạ độ cao sau một giờ bay, nó lướt nhanh qua những cụm mây trắng, dần dà để lộ ra bên dưới đường bay những hình ảnh ngoạn mục của đồi núi, sông hồ, làng mạc, ruộng đồng, đường sá, nhà cửa, cây cối… Và cuối cùng, khi vừa chạm mặt đất, nó “rùng mình” một cái rồi lăn bánh vun vút trên đường băng, trước khi từ từ dừng lại tại vị trí đón-khách-đến tại phi trường Đà Nẵng.
Bấy giờ, buổi trưa, khoảng 12 giờ rưỡi. Bên ngoài, nhiệt độ được thông báo lên tới 38oC. Bên trong, hành khách rục rịch tay xách tay mang, đồng loạt đứng lên, lấp kín lối đi giữa hai dãy ghế ngồi. Có vẻ ai cũng nôn nóng, muốn rời máy bay ngay. Tôi cũng máy móc bắt chước đứng lên, như thể cũng có gì để nôn nóng như bao người, nhưng chợt nhớ rằng mình chẳng có gì để vội vàng, nên tôi ngồi phịch xuống vị trí cũ, im lặng nhìn những người khác đi qua, chờ đợi để được là hành khách cuối cùng bước ra khỏi máy bay.
Trên mười năm rồi tôi mới có dịp đi xa thế này. Tuy chỉ là 1000 cây số. Tôi bước chậm chạp, theo sau những hành khách khác, vừa đi vừa ngắm nghía cảnh lạ chung quanh, vừa hoang mang nghĩ ngợi. “Không biết người bạn cũ ấy có đón mình tại sân bay như đã hứa qua điện thoại hay không. Nếu có thì mình sẽ…, còn nếu không thì mình sẽ… “Dù tình huống nào cũng ráng vui. Lặng lẽ làm xong “công chuyện” rồi về. Mình không phải đi du lịch. Không đòi hỏi tiện nghi, không chờ đợi cảm giác an nhàn thảnh thơi. Vi “công chuyện” mà đi, vậy thôi. Đừng nghĩ ngợi lung tung nữa.
Vừa bước ra khỏi cổng kiểm soát vé và hành lý, tôi ngước mắt lên và nhìn thấy ngay gương mặt của người bạn cũ. Vẫn rất quen thuộc. Một ánh mắt, một nụ cười, một cái bắt tay: một lời hứa được xác nhận, dù không nói lời nào thành tiếng. Người bạn xách giùm tôi một túi xách, rồi thoăn thoắt bước đi trước, rất mạnh mẽ. Tôi yếu ớt lẽo đẽo theo sau, tay cũng xách một túi xách, cố bước cho kịp bạn để chuyện trò qua loa gì đó, nhưng thất bại, không thể đuổi kịp bước chân mạnh mẽ ấy. Tôi bỏ ý định chạy theo bạn, và lợi dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại ở sân bay này để lướt nhìn một vòng bao quát cảnh trí quanh đây.
Con người và cảnh vật đều tỏ ra nhẫn nại. Cái khô khốc lộ diện bên ngoài. Cái bình yên thầm lặng bên trong. Ánh nắng gay gắt trùm phủ trên đầu. Hơi nóng hừng hực ẩn nấp dưới chân.Vạn vật thu mình nằm im lìm giữa buổi trưa đứng bóng. Tôi vừa khát, vừa đói. Khi bắt kịp người bạn tại bãi giữ xe gắn máy, tôi nói ngay, như một lời mời không thể chần chờ:
- Cường, mình đi kiếm cái gì ăn đi mày.
- Về nhà tao ăn. Tao có làm mì Quảng sẵn rồi.
- Ồ, vậy hả. Đang giờ nghỉ trưa, tao chỉ sợ về nhà làm phiền mọi người thôi.
- Phiền chi mô mà phiền nà.
Người bạn chạy xe thuộc lòng giữa phố phường thênh thang, qua những con đường vẫn quen thuộc với bạn nhưng đã trở thành xa lạ với tôi. Mười năm, đã biết bao thay đổi giữa đời, bên ngoài và bên trong lòng người. Tôi định nói với bạn ý nghĩ vừa thoáng qua, nhưng chưa kịp trao đổi điều gì, thì căn nhà rất quen thuộc của bạn đã hiện ra trước mặt. Chẳng thấy gì lạ so với 10 năm trước. Vẫn còn cái cổng sắt màu xanh sơ sài, khoảnh sân hẹp với mươi chậu hoa mặn mà khiêm tốn, những cánh cửa gỗ “lá sách” xưa cũ như ngày xưa, và từ bên trong cánh cửa ấy, chợt xuất hiện một người phụ nữ với nụ cười đơn sơ đón khách:

- Chu cha, lâu ngày ghê hỉ!
- A. Chào Bé.
- Rứa là lâu lắm rồi anh không về đó hỉ?
- Hơn 10 năm rồi đó Bé. Hihi.
- Thấy anh kỳ ni mập ra đó chớ.
- Thấy Bé cũng rứa. Không có chi lạ.
- Chu cha. Ngó mồ hôi tề. Thôi anh đi rửa mặt cho mát đi.
- Ờ… trời nóng nực quá.
Nước rửa mặt làm tôi cảm thấy dễ chịu, và dường như rửa sạch được một phần những hoài nghi trong lòng tôi, chút hoài nghi mà sau này tôi mới nhận rõ là bắt nguồn từ chính con người bê bối nhà ma tha hóa của tôi. Khi quay ra, thức ăn đã được hai vợ chồng người bạn bày ra, thật thịnh soạn đối với những ai lâu ngày không biết chờ đợi như tôi. Có cả mấy lon bia ướp lạnh bất ngờ. Người bạn nói, cũng cách nói giản dị tự bao giờ của quê nhà:
- Ngồi xuống ăn mì! Uống miếng cho đỡ khát cái đã nề.
Người bạn nâng ly. Tôi nhìn Bé, lịch sự:
- Bé ăn thêm cho vui Bé.
Bé cười hồn nhiên như đã mười năm trước hồn nhiên:
- Dạ ăn chứ. Em chưa ăn mà.
Tôi chợt nhận ra mình đã nói "hớ" thật tệ hại. Tôi ngớ người, há hốc miệng chưa biết bào chữa ra sao, thì Bé nói thêm:
- Chờ anh về ăn cho vui. Cả nhà chưa ai ăn.
Một làn khí kỳ lạ chạy dọc xương cốt tôi. Tôi kín đáo nuốt nước miếng, cố giữ lại những cảm xúc để nó khỏi đột ngột bộc lộ lộ liễu. Bữa ăn đầu tiên tại chốn quê nhà, sau một thời gian dài biệt tăm biệt tích. Tôi ăn rất ngon miệng. Vì đói. Và vì nhiều rung cảm ấm áp mới mẻ bất ngờ xuất hiện đan xen xa gần, bên trong và bên ngoài.
Người bạn thu xếp cho tôi một chỗ nằm nghỉ trưa. Tôi nhắm mắt qua loa và miên man nghĩ ngợi. Chuyện xưa, của vài mươi năm trước, lúc tôi còn sống ở đây với các bạn, ăn ngủ ở nhà bạn dầm dề như ở nhà mình. Lúc tôi thất nghiệp, bạn cho mượn những phương tiện cần thiết để kiếm cơm. Cái cơ cực lúc ấy đã đẩy tôi đi tha phương cầu thực tại một thành phố mà thoạt tiên có thể là nơi “đất lành chim đậu”, nhưng sau đó, mảnh đất lành kia đã bị biến thành một sòng bạc khổng lồ, trong đó hằng triệu người từ thập phương ồ ạt tập trung về đây, công khai sát phạt nhau lạnh lùng vì đồng tiền (đồng tiền mà đã được cộng đồng này xem là lẽ sống của họ, là cứu cánh của cuộc đời họ). Tôi cũng bị lôi cuốn vào vùng lốc xoáy thảm hại ấy, mà mỗi khi cố vùng vẫy để thoát ra là thêm một lần cảm thấy đau buốt, nhức nhối.
Lời văng tục từ những tay cờ bac vang vọng mơ hồ chung quanh tôi: “Mày, kẻ vô bổ. Mày, kẻ đạo đức trái mùa. Mày, kẻ lương tâm sai nhịp. Mày, kẻ không biết thức thời. Mày, kẻ không làm ra tiền. Mày, kẻ thất bại. Mày, quân tử dỏm. Mày, kẻ bị bỏ lại phía sau. Mày, kẻ lập dị, kẻ thiếu thực tế…”
Từ bao lâu rồi không nhớ, không kiểm soát được, tôi biết có những người như tôi đã nhắm mắt tự ép mình "thức thời" bước đi quờ quạng trong môi trường "ma đưa lối qủi dẫn đường" kỳ quái đó. Vài ba câu hát trong bài "Đời Gọi Em Biết Bao Lần" của Trịnh Công Sơn chợt dội về trong lồng ngực, giải nghĩa cơn cuộc lộn xộn ngồn ngang bấy giờ trong lòng tôi:
Đi về đâu hỡi em
Khi trong lòng không chút nắng
Giấc mơ đời xa vắng
Bước chân không chờ ai đón
Một đời em mãi lang thang
Lòng lạnh băng giữa đau thương

Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng ấm áp tình người? Đi về đâu hỡi em khi giấc mơ tốt đẹp giữa đời dần dần xa vắng? Đi về đâu hỡi em khi bước chân hằng ngày em sống không chờ ai đón nhận, khi những giá trị đích thực hằng ngày không chờ đợi ai người chia xẻ với em? Đi về đâu hỡi em khi một đời em mãi lang thang vô định không biết đâu là lẽ sống giữa đời? Đi về đâu hỡi em khi lòng em lạnh băng giữa đau thương vô minh tiếp nối vô minh? Đi về đâu hỡi em khi em chẳng biết nên yêu đời hay là chẳng nên yêu đời? Yêu cái “con đời” nào và chẳng yêu cái “con đời” nào? Quanh quẩn. Lúng túng. Dù sao… dù sao thì cũng cố yêu…
Em về đâu hỡi em
Hãy lau khô dòng nước mắt
Đời gọi em biết bao lần
Đời gọi em về giữa yêu thương
Để trả em ngày tháng êm đềm
Trả lại nắng trong tim
Trả lại thoáng hương thơm…

Bài hát cuốn hút suy nghĩ của tôi, xoáy sâu vào những vùng tâm tư xa xôi mơ hồ, và dìu tôi vào một giấc ngủ như mê như tỉnh. Khi mở mắt ra, nhận ra mình đang ở tại nhà của một người khác, tôi nhìn qua ngó lại tìm bạn, và nhận được một nụ cười rất cũ. Nụ cười ấy nói:
- NgồI dậy uống cà phê mi.
2. 
DÒNG SÔNG CŨ
Câu chuyện trao đổi trong lúc uống cà phê giúp chúng tôi từ từ nối lại cách biệt của 10 năm không liên lạc. Cho tới khi nắng đã nghiêng chiều, bầu không khí ngoài trời đã dịu bớt phần gay gắt, chúng tôi đèo nhau trên xe gắn máy, chủ đích của bạn là muốn đưa tôi dạo một vòng thành phố, dịp để chiêm ngưỡng dòng sông bữa trước, mà nay đã mang thêm nhiều màu sắc của thời gian thay đổi đong đưa.
Chúng tôi hướng về phía con đường chạy dọc bờ sông Bạch Đằng, bờ sông mà đã có sức sống thơ mộng hơn vài trăm năm tuổi. Gió chiều vẫn rộng lượng trên cao. Lòng sông vẫn nhịp nhàng nhấp nhô sóng nước, trải rộng tầm mắt tít tới bờ thành phố bên kia. Tại đây, người trẻ người già đã mặc nhiên tìm đến, hít một làn khí trong, tắm một làn gió mát, thả mặc cho mắt mình lơ lửng với mây chiều. Vậy đó mỗi chiều, mà tâm trí được thanh bình trở lại mỗi ngày. Thanh bình thật. Quả thật. Thật một cách tự nhiên, một cách nhẹ nhàng đến nỗi những người trong cuộc khó nhận thấy là mình đang thụ hưởng niềm an lạc có thật ấy hằng ngày.
Tôi, một kẻ không xa lạ nay đã trở thành xa lạ. Tôi, rủi thay là người ngoại cuộc, tôi ngạc nhiên đứng nhìn hạnh phúc ấy đang chan hòa sung mãn quanh đây. Tôi nói với người bạn những điều ấy:
- Ủa răng không có ai giữ xe hết hả mi? Ủa răng người ta để xe đại rứa đó dọc đường hả mi? Mà quay lưng lại hả mi? Không cần ngó ngàng chi xe cộ hết rứa mi? Mà thản nhiên đi tuốt tới ngoài kia hóng mát rứa hả mi? Không sợ ăn cắp xe hả mi? Chu cha răng mà sướng ghê rứa mi?
Bạn tôi không ngạc nhiên gì về điều tôi nói, nhưng lại rất lấy làm lạ đối với giọng nói sửng sốt của tôi:
- Ờ thì để xe rứa đó chớ có chi mô mà phải giữ xe mi. Ở đây hắn bình yên lắm mi ơi. Bộ mô ở trong nớ không được để rứa hả?
- Chu cha. Ở trong nớ hả, để rứa là chết. Mới quay lưng đi 30 giây là mất xe liền. Xe người ta đang chạy rứa đó mà nó còn dàn cảnh đụng xe để cướp. Huống chi xe để lỏng le như rứa. Mà cũng không ai cho mi để xe tự do như rứa. Sẽ có người tới cắm bản “dịch vụ” giữ xe liền. Đủ kiểu lợi dụng, chặt chém. Riết rồi chẳng còn tin tưởng vào đâu. Úi chu cha. Trong nớ chán lắm mi ơi. Tao thấy ở đây sướng quá.
Tôi tưởng như mình đang rong chơi ở một xứ sở thần tiên nào đó. Tôi thèm thuồng chiêm ngưỡng từng nhóm người đang ung dung đứng đó, dọc theo bờ sông này. Người thì chuyện trò, người thì lặng im đưa mắt hướng về phía sóng nước, thả hồn với những câu chuyện không lời giữa mây trời.
Chúng tôi chạy xe vòng lên cây cầu dài nhất. Gió rít quanh tai, lồng lộng bốn bề. Trời xanh và mây trắng trên cao. Nước trong và ghe thuyền bên dưới. Muôn màu hình ảnh chuyển động từng khoảnh khắc. Niềm vui bất ngờ no say trong lòng, tôi tưởng như mình một lần này mà có thể tẩy sạch phần nào những bao năm phiền muộn. Tôi ước gì có sẵn phương tiện để ghi chép bao niềm vui của thiên nhiên trời đất đang ban phát quanh đây vào khoảnh khắc này. Tức thì, tôi cũng chợt nhớ ra rằng mình đang cà lăm sở hữu một cái máy chụp ảnh lai rai trong túi quần đìu hiu của mình. Tôi sung sướng kêu lên:

- Nãy chừ quên mất Cường ơi. Tao có cái máy ảnh đây. Dừng lại chụp ảnh chút chơi cho đỡ hờn tủi cõi đời mi ơi.
Xe dừng giữa dốc cầu. Đó đây cũng có vài người dừng xe, cũng loay hoay chụp ảnh, có trang bị đủ loại dụng cụ nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Lại thấy một ngạc nhiên khác, tôi nói với người bạn:
- Ở trong nớ chẳng mấy ai dám ung dung đứng chụp hình kiểu ni đâu mi. Nó xẹt qua một cái là nó “dớt” liền. Chu cha ở đây là sướng. Người ta bày biện đủ loại đồ nghề đắt tiền. Ngó sướng chưa tề, con gái con trai thản nhiên chụp ảnh. Chẳng lo lắng chi trơn. Mi nghe tao nói giống chuyện “hù dọa con nít" quá hả. Mà thiệt là rứa đó mi. Nó cướp nó giựt táo tợn giữa ban ngày, giữa phố phường đông đúc. Cứ hễ bước ra đường là phải coi chừng, chớ dại mà tin ai. Thành thói quen là cứ lo sợ bị lừa, bị dàn cảnh này nọ để cướp giật. Cứ dáo dác ngó trước ngó sau. Lúc nào cũng phải phòng thủ. Chẳng nên tin ai ngoài đường.
Lo âu. Lo âu. Lo âu. Lặp lại nhiều năm sống trong trạng thái ấy, kết quả là con người bình thường với nhau đã trở thành con người hoài nghi lẫn nhau tự bao giờ chẳng còn ai để ý. Tao bị cái bịnh ni nặng lắm mi ơi. Bịnh nghi kỵ. Bịnh hoài nghi. Đó là cái bịnh xã hội đó mi. Mặc kệ tôi đứng đó lý sự chuyện đời với người bạn, trời đất chẳng mảy may quan tâm. Nắng chiều đã thản nhiên lùi bước dần dần, tự co rút ánh sáng mình xuống tận chân trời, nhường chỗ cho hoàng hôn tiếp đón sao đêm trên trời và đèn đêm trên các nẻo đường bên trong thành phố.
Chúng tôi tiếp tục đèo nhau đi quanh phố phường, qua những con đường lạ, qua những ngã tư quen, và rồi cuối cùng dừng lại tại một địa điểm mà thân xác đã thấm mệt của cả hai chúng tôi đều chờ đợi: Rượu Thuốc Ông Thầy. “Ông Thầy” ấy là một người anh, một người bạn. Mảnh đất mà quán rượu ấy bây giờ tọa lạc, mấy mươi năm về trước là khoảnh đất trống, nơi anh em chúng tôi thường xuyên quây quần, nơi ghi dấu rất nhiều kỷ niệm cười khóc giữa đời của bạn bè thuở còn trai trẻ.
Những đêm không mưa, có trăng sáng hoặc không trăng sáng, chúng tôi thường ngồi hát hò với nhau tới khuya. Qua tiếng hát, qua lời ca, chúng tôi chia sẻ với nhau những tâm tư thầm kín trong lòng, của con người, của xã hội lúc bấy giờ. Tâm hồn lạc quan tươi sáng của tuổi trẻ dường như đè bẹp cả những gian nan cơm áo. Hay là có lẽ lúc ấy chúng tôi che giấu những tiếng nấc thất vọng bên trong bằng những nụ cười dễ dãi bên ngoài. Chúng tôi đã thương mến nhau và đã hờn giận nhau. Chúng tôi đã làm cho các bậc cha mẹ hài lòng và phật lòng. Chúng tôi đã làm cho lối xóm vui lây và phiền toái lây. Thật ra chúng tôi bị khen chê oan. Thật ra chúng tôi rất lẻ loi giữa thế giới đông đúc lúc nhúc này.
Thật ra chúng tôi rất lẻ loi giữa đời. Không ai khả dĩ đủ thẩm quyền nói cho biết một cách xác đáng chúng tôi đang ở đâu, đi về đâu, cần làm gì, để làm gì. Những câu hỏi đại loại như vậy cứ cháy âm ỉ trong lòng, nhưng mãi không tìm thấy câu trả lời hoặc những hướng dẫn đáng tin cậy. Nên chúng tôi tự trả lời, khi sai, lúc đúng, bằng những trận cười khóc tràn lan, bằng những cơn nhảy múa bốc đồng, bằng những cuộc vui buồn điên loạn.
Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng
Giấc mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đón
Một đời em mãi lang thang ,lòng lạnh băng giữa đau thương

Tự đáy lòng, chúng tôi biết mình cô đơn và thường tự che giấu sự cô đơn ấy. Vì, bộc lộ sầu bi nào có vui gì. Thiệt đây mà có ích gì đến ai. Đứng trước tình huống cõi đời không thể thay đổi, thì lạc quan là khuynh hướng chọn lưa của bản năng. Đó cũng là hành trình tự nhiên của sự “trưởng thành”, mỗi người tùy thuận nắng mưa mà “thích ứng”, nghĩa là có thể giả vờ “quên đi” hoặc cố ý “quên đi trong nỗi nhớ”.
Em về đâu hỡi em
Hãy lau khô dòng nước mắt
Đời gọi em biết bao lần
Đời gọi em về giữa yêu thương
Để trả em ngày tháng êm đềm
Trả lại nắng trong tim
Trả lại thoáng hương thơm
Đã bao lần tôi cố lau khô dòng nước mắt, đã bao lần khao khát tìm về với yêu thương, khao khát nắng trong tim, khao khát hương thơm trong đời, nhưng dường như nước mắt tôi vẫn cứ tìm ra ngỏ ngách để vọt trào.
Tôi ngồi im lặng nhìn sinh hoạt quanh đây, bày ra lồ lộ dưới bầu trời đầy sao mùa hè. Con đường nhựa trước mặt, con đường đất sau lưng. Những gương mặt cũ và những gương mặt mới. Những giọng nói cũ chen lẫn những giọng nói mới. Những tiếng cười trà trộn giữa những tiếng ồn. Những niềm vui bộc lộ, và những nỗi buồn có thể lẩn khuất bên trong.
Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa xuân bị giẫm nát không hay
Chợt có lúc lên đường tôi đứng lại
Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này

(Bùi Giáng)
Chỗ này, chỗ này, chính chỗ này, là chỗ mà anh em chúng tôi ngồi với nhau, thuở mà tâm hồn còn trong sáng, còn ngọc ngà, còn tinh khiết. Tôi hít mạnh làn không khí bây giờ vào buồng phổi. Mỗi chớp mắt là một hình ảnh xưa cũ hiện về. Đầy thương mến những người, và luyến tiếc những ngày.
Bao buồn xưa sẽ quên
Hãy yêu khi đời mang đến
Một cành hoa giữa tâm hồn

(TCSon)
LÀNG QUÊ DUY XUYÊN
Buổi sáng hôm sau, người bạn đưa tôi đến trạm xe buýt để đi về quê, dặn dò tôi này nọ đôi điều, rồi vẫy tay chào tạm biệt. Lòng tôi hơi lo lắng với đoạn đường dài 30 cây số phía trước, không biết mình có chịu đựng nổi bầu không khí “tra tấn” có thể có trên những chuyến xe buýt như ở nơi chốn "thị thành văn minh” ấy hay không. Bịt bùng, ngột ngạt, chen lấn, móc túi, la hét, lôi kéo, xô đẩy, bóp còi quái quỉ, thắng gấp, chúi mũi về phía trước, vân vân... Tôi tự trấn an: “Kiên nhẫn nghe chưa. Không phải đi du lịch đâu nghe cha nội.”
Một chiếc xe buýt chầm chậm ghé vào đón khách, tôi gượng ép “nhắm mắt” bước lên. Không còn chỗ ngồi dành cho tôi. Tôi phải đứng giữa lối đi cùng với những người khác. Tôi chờ đợi để đối phó với những điều không thích hợp có thể xảy ra với tôi. Nhưng rất may, ngược lại với những lo âu của tôi, đây một chuyến xe buýt hoàn toàn bình yên. Nó rất êm đềm, cùng với những hành khách rất từ tốn, trên suốt hành trình dài hơn một tiếng đồng hồ, đưa tôi về tới chốn quê nhà, Duy Xuyên.
Bầu không khí trong lành quá. Dễ chịu quá. Tôi say sưa hít thở no nê. Vừa hít thở vừa ngắm nghía cái bầu không khí, nó trong suốt đến nỗi tưởng như không hề pha lẫn một chút xíu bụi bặm cỏn con nào. Vì nó trong suốt, không thể thấy gì bằng mắt, nên tôi phải lắng nghe bằng tai. Lắng nghe cái bầu không khí. Lắng nghe cái lặng thinh của bầu không khí trong lành. Ôi cái bầu không khí trong lành, không có gì để thấy, không có gì để nghe, mà chỉ để hít thở vào buồng phổi. Là để cho thân xác được dinh dưỡng cân bằng, để cho tâm hồn thanh thản chan hòa, và để cho tinh thần còn có điều kiện minh mẫn suy tư. Ôi cái bầu không khí trong lành quí giá. Dễ chịu quá. Thật là dễ chịu quá, sung sướng quá.
Đó đúng là bầu không khí mà đã bao năm rồi tôi chưa được đứng ở bên trong để mà tự nhiên hít thở. Bao nhiêu năm, tôi lận đận bên trong cái bầu không khí chèng đét toi đâm tại cái xứ sở “phồn hoa” kia kia nọ nọ khoác lác ba hoa. Cái bầu không khí chèn đét ấy, dù nheo mắt cũng có thể nhìn thấy đủ thứ khói bụi đen trắng đậm nhạt um tùm bên trong. Cái bầu không khí toi đâm mắc dịch ấy, dù bịt hai tai cũng nghe nó rít lên những âm thanh “văn minh” quỷ quái nhức tai nhức óc suốt ngày suốt đêm. Thôi hãy quên đi, đừng nghĩ tới cái “văn minh” khói bụi đó nữa, mà có thể vô tình làm tổn hại niềm hạnh phúc ngọt lành mà mình đang được ban phát quanh đây.

Kìa nắng ấm, kìa gió mát, kìa cây cối xanh um, nó vương giả bày ra lai láng giữa xóm làng. Kìa ruộng đồng, kìa vườn tược, mỗi nơi mỗi tươm tất một điệu đan kết hoa trái riêng tư. Con đường đá qua làng to, con đường đất quanh xóm nhỏ, con đường nào cũng mát mẻ bóng cây rải rác, con đường nào cũng dẫn tới chỗ chân tình, con đường nào cũng đưa mình đến những mái nhà bà con quyến thuộc trong làng. Cứ theo những con đường đó, tôi đi qua, tôi đi tới, rồi tôi dừng lại trước một khoảnh sân nhà nọ. Tôi chẳng tự mình chọn lựa gì cả, mà cái thói quen họ hàng nó chọn lựa giùm tôi cái nơi lưu trú thân thuộc này. Tôi kêu lên giữa thênh thang nhà cửa:
- Cậu 9 đây. Cậu dề rồi nề 5 ơi.
Tôi ngó qua ngó lại, chờ đợi giây lát. Nhưng không có ai trả lời. Cửa ngõ bốn bề mở toang. Tôi tủm tỉm cười một mình, không hề ngượng ngập gì cả, thong thả bước vào trong. Từ trước ra sau, cũng chẳng có ai lên tiếng. Tôi bước xuống bếp, tự rót nước uống, rồi tự giở “lồng bàn” ra: 1 trái bắp nấu đặt trên một cái dĩa. Tôi cầm lên, lột vỏ, nhai ngon lành. Tôi vừa nhai bắp vừa đi loanh quanh trong nhà. Thấy gió mát quá, tôi chợt nảy ra cái sáng kiến cỏn con: “nằm ngủ một giấc cho đỡ ghiền”. Chẳng biết ngủ được bao lâu, có ngáy hay không ngáy, chỉ biết mình được đánh thức bởi tiếng kêu của con nhỏ cháu:
- Cậu 9 dậy ăn cơm cậu 9 ơi. Cậu mới dề hả cậu. Chu cha cậu ngủ ngon ghê hỉ. Cậu đi đường mệt lắm hả cậu. Cậu đói bụng chưa cậu.
Tôi mắt nhắm mắt mở, trả lời những câu hỏi ấy bằng một câu hỏi khác:
- Ủa cháu đi mô mới dề rứa?
- Cháu qua bên nhà bà nội mấy đứa đây chớ đâu. Ngồi ở bên nớ ngó qua cháu thấy cậu dề đó chớ. Mà cháu đang làm công chuyện lỡ tay nên chưa chạy dề liền. Tới khi dề thì thấy cậu đang ngủ, thôi cháu để im cho cậu ngủ. Hihi.
- Còn đại ca Hiền mô?
- Dạ ảnh mới đi công chuyện dề đó cậu. Ảnh đang rửa mặt ngoài tê tề.
- Còn mấy đứa nhỏ mô hết?
Nhỏ cháu không trả lời tôi, mà nó lại ngoái cổ ngước lên trên lầu, la lớn:
- Xù lớn Xù nhỏ! Mấy đứa mô hết rồi? Xuống đây chào ông cậu nề. Bữa ni nghỉ hè rồi sắp bay ngủ miết rứa hả. Dậy rửa mặt ăn cơm nghe chưa.
Hai đứa nhỏ chưa tới 10 tuổi, Xù lớn và Xù nhỏ, ngồi vào bàn ăn, máy móc vòng tay “chào ông cậu”, mà thật bụng chẳng biết “ông cậu” mới toanh này là ai. Đứa nhỏ nghiêng đầu vào vai mẹ nó, hỏi nhỏ:
- Ông cậu là ai rứa má?
- Là cậu của mẹ. Là em ruột của bà ngoại con đó… "Ông cậu" này kêu "bà ngoại" con bằng chị. Hiểu chưa?
Thằng bé lắc đầu. Mẹ nó giải thích thêm:
- Là em của bác 6 đó… Bác bữa hổm dề nhà mình chơi đó. Nhớ không?
Thằng bé vẫn im lặng, lắc đầu. Mẹ nó phải giải thích thêm một lần nữa:
- Là ba của dì Yến đó… Hiểu chưa?
Tức thì thằng bé gật đầu lia lịa:
- Dạ hiểu rồi.
Yến thỉnh thoảng về đây thăm cô 3, thăm chị 5 chị 6, có khi ở lại chơi vài ba ngày thơ ngây hè hạ. Tuổi thơ với nhau, tụi nó nô đùa với nhau như thiên nhiên tiếp cận thiên nhiên, dễ ghi nhớ kỷ niệm với nhau hơn là với những người lớn khô khan.
Người lớn thường hay tỏ ra là mình quan trọng, coi trẻ em như là cái phụ thuộc, thứ yếu. Người lớn thường kiêu ngạo, tự xem mình là tấm gương sáng để bọn trẻ noi theo. Họ thường thiếu khiêm tốn, tưởng rằng vai trò của mình là rất quan trọng, mọi việc mình làm đều là trọng tâm, khả dĩ duy trì sự sống của thế giới chung quanh. Họ cũng tỏ ra thiếu can đảm, không dám nhìn nhận những thất bại của mình, bao gồm việc nhìn nhận rằng thế giới mà họ cố gắng duy trì ấy thật ra chính là thế giới bịnh hoạn, một thế giới cần phải tẩy rửa, một thế giới cần phải thay thế, một thế giới cần phải vượt lên trên … Xã hội Á Đông thường dung túng cái sai lầm tai hại của sự coi trọng những quan niệm mốc meo mỏi mòn của người lớn, và xem thường những khao khát thể hiện hồn nhiên của tâm hồn tuổi trẻ, cái mà làm cho cuộc đời vui vẻ rạng ngời, làm cho cuộc đời đáng sống, làm cho cuộc đời xứng đáng để gian nan. Xứng đáng để gian nan? Hỡi ôi, hỡi tuổi thơ, làm sao nói như vậy mà người lớn không hiểu lầm?
Thật là một ngẫu nhiên quí báu, mà tôi được lưu ngụ lai láng tại đây, tại căn nhà hào phóng này của một gia đình đứa cháu lẫy lừng dưới bầu trời tươm tất ra hoa. Tại đây, thât vậy là là, là tâm điểm của một vòng tròn nội ngoại xa gần. Để từ đây, tôi có thể đi bộ năm mười phút qua thăm bà chị ruột, hoặc đạp xe đạp tà tà qua thăm những ông cậu bà dì, hoặc chạy xe gắn máy lai rai tới thăm bà con chú bác bên kia con “sông đào” cũ kỹ.
Đêm đầu tiên tại làng thôn hôm đó, tôi được chiêu đãi thịnh soạn cả một bầu trời trăng sáng. Tôi nhìn lên trời, tôi ngó xuống đất, ở đâu cũng sung mãn trăng lành. Tôi nhìn lên ngọn cây cao, tôi ngó xuống cành lá thấp, đâu đâu cũng lấp lánh ánh trăng. Tôi nghe thấy đất trời đang dịu dàng nhảy múa. Tôi nhìn bóng tôi in xuống mặt đất, chuyển động nhịp nhàng theo bước tôi đi. Tôi chợt biết trên tóc, trên vai tôi đang có trăng, rồi tôi biết tôi đang là thành phần tham dự trong một buổi dạ hội lẫy lừng của trần gian sung túc.
Tôi đi lang thang dưới trăng, vừa đi vừa hát một mình:
Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ mà trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò, ối a con trăng còn trẻ
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già...
Tôi vui chơi giữa đời, ối a biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng lại, mà tôi thu bóng tôi
Tôi vui chơi giữa đời, ối a biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại, làm mưa tan giữa trờị

(TCS, Biết Đâu Nguồn Cội)
Rồi tôi chợt nghe một giọng nói của ai đó từ bờ đất bên kia. Tôi bước tới gần, nghe:
- Mới dề đó hả?
- Dạ, chào anh.
- Trong nớ nắng hay mưa?
- Nắng nóng lắm anh.
- Có trăng như ri không?
- Trước đây thấy có. Lâu ni không thấy nữa. Không biết có cái trăng còn ở đâu đó hay không. Hihi. Lâu rồi tôi chẳng thấy được một cái trăng.
- Trăng nó cũng ngao ngán thành phố đó hả? Nó bỏ đi hả?
- Hình như là rứa đó.
Tôi nhâm nhi đọc thầm mấy câu thơ đầy ánh trăng trầm tư của Bùi Giáng:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Anh đi để lại đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù

Và đọc lại vài câu an ủi thơ ngây mà ông chép tặng tôi bữa nọ giữa đời:
Thanh bình như thể thiên thanh 
Cùng người cố quận tựu thành bài thơ
DUY XUYÊN, TÌNH QUÊ
Chiều hôm trước, “đại ca” Hiền đã thiện nguyện chiếu cố giúp đỡ tôi thu xếp mọi điều liên quan đến “sứ mệnh” chính yếu của tôi trong chuyến đi này: làm bia mộ cho gia đình. Đại ca đưa tôi đi tới những nơi cần thiết, gặp những người thành thạo công việc, giúp tôi sắp xếp ngày giờ tiến hành theo lịch trình nghiêm khắc mà tập quán đưa ra. Theo đó, ngoài những ngày giờ bắt buộc tôi phải tham dự, tôi may mắn còn có đôi ba ngày giờ rảnh rỗi, để đi đây đi đó trong làng, thăm viếng bà con cố quận gần xa.
Mỗi nơi mỗi đến, là mỗi tay bắt mặt mừng trước hết, và là những trách móc ân cần nặng nhẹ tiếp theo. Đại ý trách rằng sao lâu rồi tôi không về thăm quê cũ, sao lâu rồi chẳng thấy một cái tin, chẳng lẽ quên hẳn rồi gốc rễ, chẳng lẽ không còn nhớ đường về cố quận năm xưa? Mỗi người mỗi trách, mỗi cách nói mỗi đắng cay nựng nịu, khiến tôi chỉ còn biết bẽn lẽn cúi đầu, nhận chịu mọi trách móc thiết tha. Tôi còn bị dày vò nhiều hơn nữa, là liền sau khi bị chê bai tệ tình, thì tôi được vuốt ve âu yếm, được ân cần mời mọc sáng chiều yến tiệc tham gia.
Yến tiệc thôn làng ấy, thật đơn sơ dễ hiểu, thật đậm đà tình quê, thật gọn gàng đạm bạc. Khi thì một bữa cơm với mắm ruốc và canh mướp, khi thì một dĩa rau sống cuốn thịt heo bánh tráng, khi thì nhắm vào một con gà đang còn nhảy nhót trong vườn. Mỗi mỗi yến tiệc, là mỗi thấm thía chân tình, mỗi tự nhiên bày biện chớp nhoáng, khiến tôi không biết cách nào có thề từ chối tham gia. Từ chối tham gia, sở dĩ tôi định ả nả từ chối, ấy chỉ là vì tôi tự thấy mình chẳng xứng đáng chi để được niềm nở tiếp đón lai láng như vậy.
Tôi, cái kẻ ba chìm bảy nổi ấy, mà xác thân đã đìu hiu trôi dạt ấy, mà tinh thần đã não nùng rơi rụng ấy, mà tâm hồn đã tha hóa lung lay ấy, thì tôi bê bối hôm nay nào có xứng đáng vào đâu so với những con người hồn nhiên quanh đây, những con người còn gìn giữ đầy đủ những nhân tình thuần khiết, những bao dung đài các tâm hồn, những bao xiết đại lượng trong cách xử sự nhẹ nhàng hào phóng, … thì, thì đứng ra nhận những chân tình của họ, tôi thật là hỗ thẹn lắm thay.
Tôi, cái kẻ đã đua đòi bắt chước, đã bao lần tưởng rằng mình đã học hỏi lớn khôn trưởng thành từ những bôn ba ranh mãnh thị thành sầm uất, chớ đâu có ngờ rằng thực chất là đã tự mình rước họa vào thân, đã làm tiêu tan hết bao vốn liếng huy hoàng thời thơ ấu, cái vốn liếng mà con người cần nết na giữ gìn để khả dĩ còn được gọi là “con người”, con người thực chất gồm có cả con tim và khối óc như thường được nói tới, như thường được nhân loại mong chờ.
Tôi, trước kia có lẽ từng đã sở hữu một tâm hồn trâm anh cao nhã, đã có đầy đủ một khối óc và một con tim hẳn hòi, vậy mà nay, tôi vỏn vẹn chỉ còn là một cái con máy móc xác xơ, một cái con từ chương ảm đạm, một cái con mọt sách thảm sầu a dua.
Sách ăn mòn mỏi thân ta
Thân ta máu gặm mòn da xương rồi
Sách còn tờ rụng trang rơi
Miệng còn ăn nói rạng ngời nữa chăng

(Bùi Giáng, Con Mọt Sách)
Một hôm rảnh rỗi ngày giờ, tôi cao hứng định ngao du la cà đây đó một mình. Đại ca Hiền rộng lòng giao cho tôi một chiếc xe gắn máy đẹp hạng nhất, nhưng tôi dè dặt chỉ dám nhận chiếc xe gắn máy đẹp hạng bét, nghĩ rằng như vậy sẽ được tự do hơn, đồng thời tránh bớt phiền toái tới phương tiện đi lại làm ăn của gia đình.
Đường sá ở thôn quê thật dung dị, bao năm rồi mà lối ngõ vẫn thủy chung, vẫn những đường quanh ngõ quẹo ấy, vẫn những miếu đình bên đường ấy, vẫn những bờ ruộng cao thấp ấy, vẫn băng qua những mương nước trong veo ấy, và vẫn còn dẫn tới cây đa cổ thụ rợp bóng mát tại Chợ Đình ấy. Nhờ vậy, tôi chẳng gặp trở ngại gì khi một mình chạy xe, tìm đường đến gặp người bạn ở gần cây đa "trăm năm" cổ thụ Chợ Đình. Tôi như mơ hồ thấy lại thời thơ ấu xa xôi của mình khi vừa nhìn thấy hình bóng cây đa lực lưỡng thấp thoáng từ xa.
Thân cây đa to đến nỗi tự nó đã làm thành một vòng xoay, là một "bùng binh" ngã 5, tiếp giáp nhiều ngõ lối của nhiều làng xã láng giếng với nhau. Tán lá của nó vươn lên cao và xòe rộng bốn bề, bày ra một khoảng không gian từ bi quảng đại bên dưới, tự nhiên mà trở thành trạm dừng chân nghỉ ngơi của dân làng qua lại. Khi trời đang nắng gắt bao nhiêu, mà được đứng dưới bóng mát của cây đa, thì dễ có cảm giác hạnh phúc bấy nhiêu, tựa như những chú gà con đang cảm thấy bình yên khi đứng ẩn nấp dưới đôi cánh đang xòe ra che chở của mẹ nó.
Vài quán nước đơn sơ mọc lên tại đây. Tôi chạy chầm chậm một vòng quanh gốc cây đa, liếc mắt vào mỗi quán, và mau chóng nhìn thấy một cái vẫy tay. Chẳng do dự tính toán gì, tôi ghé vào. Tôi há miệng cười sẵn một nụ cười rất to, vừa bước vào quán, vừa xòe năm ngón tay ra đón nhận những cái bắt tay. Người bạn tôi giới thiệu chút ít về tôi với vài người ngồi cùng bàn, rằng tôi xưa kia là kẻ chôn nhau cắt rốn tại đây, cùng với bạn bè tuổi nhỏ học Trường Tiểu Học Xuyên Mỹ của làng xã mình, rồi sau một thời gian dài lưu lạc xa xứ, nay chợt “hồi đầu thị ngạn, quay đầu thấy bến”, hồi hướng cố hương, tham gia “lễ là tảo mộ” xóm làng nay mai.
Thế hệ của tôi là thế hệ cuối cùng học Trường Tiểu Học Xuyên Mỹ lúc bấy giờ. Khi tôi đang học lớp 3, một hôm nọ, đạn bom từ đâu chẳng biết bỗng mù mịt kéo về, xóm làng lần đầu tiên đắm chìm trong khói lửa. Mẹ tôi hai tay ôm hai anh em tôi, co rúm trong nhà, cúi đầu nấp dưới gầm bàn. Mẹ len lén nhìn ra bên ngoài, thấy những điều rất lạ đối với mẹ: Bà con làng xóm đang nối đuôi nhau, vừa đi vừa chạy về cùng một hướng. Người gánh, kẻ vác, gói to gói nhỏ lùm xùm. Đứa bé chưa biết đi thì được ẳm bồng. Đứa nào đã có thể thì chạy lon ton theo chân cha mẹ.
Một cách phản xạ, mẹ vội vàng hối thúc chúng tôi, bảo hai anh em tôi chui ra khỏi gầm bàn, chuẩn bị đi tản cư. Tôi còn nhớ, nhà tôi nghèo lắm, một mình mẹ đã có thể gánh trọn cả gia tài trên vai, gồm cả áo quần, nồi niêu, và… tất cả. Mẹ gánh gánh đi trước, hai anh em tôi lẻo đẽo theo sau, vừa đi vừa chạy, vừa dáo dác ngó quanh ngó quất. Chúng tôi thấy có những cành cây gãy đổ, có những xác người nằm bất động bên đường, và cũng còn nghe những tiếng nổ vang dội xa xa. Thỉnh thoảng mẹ tôi ngoái đầu lại, nhắc nhở chúng tôi chạy nhanh hơn nữa. Lúc ấy, chúng tôi cứ lầm lũi đi theo đoàn người phía trước, thật là chẳng ai biết ai sẽ đi đâu, khi nào sẽ dừng chân, và có được về nhà trở lại hay không.
Rất nhiều năm sau tôi mới hiểu rằng đó là một chuyến đi định mệnh, một cuộc “ra đi không hẹn ngày về”. Nó đã làm thay đổi tất cả đời sống của chúng tôi. Tôi thấy mẹ tôi có khi ngồi khóc một mình. Tôi hỏi, mẹ nói có hạt bụi nó bay vào mắt. Mẹ tôi thường nhìn xa xa, rồi thở dài một cái. Mẹ thay đổi nhiều lắm. Hai anh em tôi cũng thay đổi nhiều lắm. Thay đổi này tiếp nối thay đổi kia, ngoài vòng tay kiểm sóat của mẹ tôi, một phụ nữ thôn quê, và ngoài vòng tay kiểm sóat của anh em chúng tôi, hai chú bé quá non nớt giữa một cuộc đời quá già nua.
Vậy đó, những điều gợi nhớ bấy nhiêu, đã đủ tạo cảm hứng cho những người bạn kia lần lượt kể tràn lan về những câu chuyện của riêng mình. Những người bạn chung bàn này thuộc thế hệ trẻ hơn tôi, chẳng có ai trước khi về định cư tại đây mà chưa từng lưu lạc bốn phương trời.
Trong số bạn ấy, có anh Xu, một thương binh, từng bao lần vào sinh ra tử giữa trận tiền khói lửa bao vây. Anh kéo áo, chỉ vào một vết thương ở bụng. Rồi kéo quần, chỉ vào những vết hàn gắn nham nhở của xương da. Giọng anh đặc biệt tha thiết, khi kể về những sự kiện, thường kèm theo những nhận xét về những éo le này nọ của chiến trường, và bày tỏ cả những cảm xúc lúc bấy giờ mà anh thầm ghi chép thành những bài học sau này cho đời mình.
Anh Xu kể, có lần đại đội anh bị bao vây giữa núi rừng, suốt mấy tháng liền mất liên lạc, nguồn tiếp tế bị cắt đứt. Khi tìm được đường giải vây, thì anh em chỉ còn lại khoảng mười người, mà khi trở về đơn vị thì thân thể không mấy ai còn lành lặn. Anh là một trong số ít người sống sót ấy.
Một lần hành quân khác, anh Xu bị thương rất nặng, máu chảy rất nhiều, anh tưởng số phận mình chỉ còn là nhắm mắt chờ đợi để nằm vĩnh viễn tại vùng đất xa lạ kia mà thôi. Nhưng đồng đội không đành lòng nhìn thấy anh bị bỏ lại, đã dìu anh tiếp tục tiến quân trong làn đạn địch. Dìu anh cùng đi, nghĩa là đã làm vướng víu bạn. Dìu một tấm thân tàn phế lủng củng giữa chiến trường, nghĩa là làm cho bước chân bạn bị trì kéo thêm 10 lần khi di chuyển. Và rồi, sau tiếng nổ của một trái đạn pháo lạnh lùng, số phận cay nghiệt đã bất ngờ tàn nhẫn gọi tên người bạn đại bồ tát ấy. Người bạn của anh gục chết ngay tại chỗ. Còn anh thì nằm thoi thóp kế bên, toàn thân ướt sũng, đầm đìa vừa mồ hôi, máu và nước mắt. Mồ hôi của cuộc chiến, máu của thân thể anh, và nước mắt khóc người bạn ân nhân vừa nằm chết sát bên anh.
Anh Xu nói tới đó, anh đột ngột nấc lên một tiếng, lặng lẽ quay mặt đi, rồi bước tới lu nước bên trong, rửa mặt. Lát sau, anh quay lại, ngồi xuống bàn, không ai dám nói thêm điều gì. Có tiếng chuông điện thoại reng. Người bạn của tôi thọt tay vào túi, nhấc máy. Nói qua loa gì đó với ai đó qua điện thoại, rồi quay sang nhìn tôi, bạn nói:
- Mi ngồi chơi nghe. Mai mốt gặp hỉ. Chừ tao với thằng ni cần phải đi công chuyện liền cho thằng con trai cái đã. Nghe!
Hai người vội vàng rời khỏi quán. Tôi nấn ná ngồi lại với anh Xu chút ít nữa, rồi ngước mắt nhìn vào phía bên trong, kêu tính tiền cà phê. Tôi ngạc nhiên, khi người trả lời chính là anh Xu. Anh nói:
- Tính hết rồi. Mấy ổng trả tiền hết rồi.
- Ủa, chi lạ rứa? Tôi trố mắt nhìn anh Xu.
Nhưng anh Xu dứt khoát:
- Xong hết rồi. Anh cứ đi đâu đi đi.
Tôi biết không thể rề rà cà lăm lâu hơn nữa. Tôi chậm chạp đứng lên, chậm chạp đi ra ngoài, dắt xe, ngồi lên yên, đạp máy. Đạp vài ba cái, máy không nổ. Đạp thêm năm bảy cái nữa, rồi năm bảy cái nữa, nó cũng lạnh lùng không chịu nổ máy giùm cho.
Tình thế thật khó xử. Tôi lúng túng chưa biết điện thoại cho ai để cầu cứu. Ngay từ đầu, tôi đã không muốn làm phiền ai, chỉ muốn tự mình độc lập đi đây đi đó, mà bây giờ còn phải gọi lui gọi tới cầu cứu người này kẻ nọ, trình bày tình trạng lỡ làng thế nọ thế kia tại chỗ ni chỗ nớ…, thật là mắc cỡ quá đi. Tôi đang lúng ta lung túng nghĩ ngợi, thì thấy anh Xu lững thững bước ra, giúp tôi đạp thêm mấy cái lai rai nữa. Máy xe vẫn bướng bỉnh nín thinh. Rồi một người trai trẻ khác trong quán bước ra, mạnh mẽ đạp thêm mấy cái liên hồi trẻ trung hip hop nữa. Nhưng một lần nữa cái máy xe vẫn khư khư lỳ lợm im lìm. Nó cứ ù lỳ chai sạn ra như thể muốn chọc ghẹo tôi, muốn so tài già nua trở chứng với tôi. Thật là một cái xe chèng đét toi đâm, ba gai mắc dịch hết chỗ nói.
Tôi lao đao đứng lùi về phía sau, ngao ngán nhìn chiếc xe, rồi nhìn quanh cây đa xem có chỗ nào sửa xe hay không. Rồi tôi thất vọng nhìn lên trời, rồi tôi buồn hiu nhìn xuống đất, rồi tôi uể oải hươ tay áo lau mồ hôi trên trán. Rồi tôi liền đảo người, lập tức quay ngược lại phía sau khi nghe tiếng anh Xu nói:
- “Đây, anh lấy xe của tôi đi đâu thì đi đi. Xíu nữa quay lại trả tôi. Để xe anh lại đây tui lau bu-ri cho.”
- “Ơ…” Tôi ú ớ nhìn vào đôi mắt trẻ thơ sáng quắc của anh Xu.
- “Xe ni khỏi cần đạp. Chỉ “đề” là nổ thôi. Anh cứ đi đi. Không có chi lo mô.”
Một cử chỉ bát ngát bất ngờ, xuất phát từ một tấm lòng bồ tát bao la. Tôi đón nhận tấm lòng của anh bằng mấy tiếng cám ơn yếu ớt. Tôi không dám bày tỏ dài dòng cái xúc cảm rần rần đang nảy ra trong lòng tôi, sợ rằng nó không tương xứng so với cái cốt cách đơn sơ tự nhiên của một chân nhân. Tôi vừa chạy xe của anh Xu, vừa bao xiết nghĩ ngợi về anh, về đời lính gian truân của anh, về phong cách thanh thản của anh, về tâm hồn thanh tân vô nhiễm hiện lên trên mắt anh.
Người đứng đó ngày về tôi có thấy
Hai bàn chân trên cỏ lá ngàn xuân
Phong cảnh đã bốn bề cùng tôi nói
Linh hồn người là thiếu nữ thanh tân
Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa xuân bị giẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu xưa chính ở chỗ này
Người không ở vì chờ mong đã mỏi
Người đã đi cùng tuổi trẻ tôi đi
Chợt có lúc lên đường tôi đứng lại
Ngó ngu ngơ xưa chính đã chỗ này

(Bùi Giáng)
Bước Bên Đường Hội An
Tôi bước bên đường kêu gọi mãi
Nhớ người bạn cũ thuở anh niên

(Xuân Diệu)
Ánh nắng mùa hè gay gắt. Hơi nóng hừng hực bốn bề. Cây cối im lìm đứng đợi. Hàng quán nằm ngồi nghỉ trưa. Khắp thành phố lặng thinh không nói.
Tôi vô duyên lạc bước, khô khan bước bên đường vào giờ phút bơ vơ ấy, nên cũng thuận tùy lặng thinh, vừa đi nhanh vừa bước chậm, vừa lặng lẽ lắng nghe những dòng suy nghĩ tự mình, nhễ nhại tuôn chảy, về những bước đi, bước ngồi, bước đứng giữa đuờng, giữa lòng thành phố cũ, Hội An.
Mỗi bước đi cũng là mỗi cuộc hành trình. Nhiều cuộc hành trình, hàng triệu cuộc hành trình nối kết lại mà hình thành cuộc đời phức tạp ngàn năm. Mỗi một cuộc đời được đan kết bằng hằng triệu chuyển động đủ loại. Có những chuyển động (hành trình) không thể nhìn thấy bằng mắt, chẳng hạn như chuyển động của các tế bào. Có những chuyển động có thể nhìn thấy bằng mắt, chẳng hạn như chuyển động của các bước chân. Một “bước chân” có thể ngắn như một nháy mắt, hoặc có thể dài như một cuộc hành trình trong đời, hoặc dài hơn nữa như cả một đời người. Nói như vậy, thì một đời người là ngắn hay dài, và một bước chân là dài hay ngắn, hay là chẳng ngắn chẳng dài theo cái thước đo thường tình? Thật chẳng biết nên nói sao cho dễ hiểu. Đã sống, là đã bước đi, là đã tham dự cuộc hành trình trong đời. Phía trước, cuộc đời dường như rộng mở. Ánh sáng và bóng tối đều mênh mông vô bờ bến. Tùy anh, tùy em, tùy người, hãy chọn lựa thái độ vào đời của mình.
Thoạt tiên, trong đáy lòng, ai cũng muốn bước những bước đi khiêm tốn, êm đềm, ai cũng muốn tham dự những cuộc hành trình nhún nhường, giản dị. Nhưng rồi, sau đó, càng "khôn lớn", người ta dễ dàng quên đi những ước nguyện đơn sơ ban đầu ấy. Người ta đã khôn khéo vô ý tự bịt tai bịt mắt mình, cố ôm đồm thật nhiều những hành trang thu nhặt được dọc đường đời mà mình đang đi qua. Tưởng như thế sẽ sung túc hơn, sung sướng hơn, phong phú hơn. Nhưng không. Một hôm chợt tĩnh, nhận biết rằng, mỗi bước đi tham vọng, là mỗi bước làm nặng nề thêm cuộc hành trình trăm năm, cuộc hành trình mà đáng lẽ cần nhẹ nhàng để được thong dong. Nếu càng gánh nặng,  nỗi khổ lụy trong lòng càng rộng lớn thêm.
Một ngày nào đó, người có lẽ sẽ cố vùng vẫy, cố thoát ra khỏi bóng tối, nhưng không biết chọn phương hướng nào khả dĩ giữa muôn ngàn phương hướng bế tắc vây hãm chung quanh. Bốn bề đều tăm tối. Mỗi bước giằng co, mỗi bước nặng nề. Rồi có lúc bất chợt hoàn hồn, biết mối nguy nằm trên chính đôi vai ôm đồm gánh nặng xưa nay của mình. Bèn vung tay, hất tung tất cả. Nào những ảo tưởng về thiên đường địa ngục, nào những đùm bọc lý tưởng từ chương, nào những lu hủ sách vở máy móc, những kiến thức lỉnh kỉnh, những lý thuyết khệ nệ, những kiến chấp đèo bòng, những hủ tục đeo bám chung quanh mình, nào những thói quen khen chê phải trái thị phi, vân vân.... Hỡi ôi những thứ rác rưởi hôi thối đeo bám trên thân thể mình xưa nay! Nghĩa là người đang nỗ lực tự tẩy rửa mình. Lần này, tẩy rửa mình không phải bằng cách lao sâu vào cõi bùn lầy nước đọng nữa, mà là quay đầu trở lại, tìm về lại nơi xuất phát, chốn hồn nhiên thanh tịnh bình yên cũ. Quay lại, bấy giờ, không phải là thái độ lùi bước u mê, nhưng là một thái độ tiến bước trong sáng suốt.

Người muốn tinh tấn để đạt tới chỗ thâm diệu của đời, của tâm, của đạo (thấy bến), người ấy ắt phải tự tinh tấn (tiến bước) bằng một phương pháp đảo nghịch - quay đầu lại, "hồi đầu thị ngạn, quay đầu thấy bến", "qui hồi cố quận" - nghĩa là phải quay đầu về nhìn lại lẽ thật mà mình đã bỏ quên, nhận định lại những giá trị thật mà mình đã bỏ rơi, gieo trồng lại những hạt giống thật mà mình đã bỏ bê và mê muội đeo đuổi những ảo giác.
Người muốn tinh tấn để đạt tới chỗ thâm diệu của đời, của tâm, của đạo, người ấy ắt phải tự đánh thức mình, chấm dứt tình trạng nhắm mắt lao theo những ảo tưởng mà cứ tưởng là thật, lầm lũi lao vào chốn tối tăm mà không biết là mình đang lao về phía tối tăm. Tự mình, ngay từ bây giờ, quyết định cắt đứt giao du với thế giới làm cho mình mê muội, quyết không tiếp tục lao thuyền vào đại dương sân si để gây thêm đau đớn cho mình và cho đồng loại nữa. Nhất định phải nhìn lại, phải hồi hướng.
Nhận rõ lý nhơn quả, lý nhơn duyên là tác dụng của trí tuệ. Chính do nhận xét thấu đáo, phân tích rành mạch, khiến trí tuệ càng phát triển. Nếu một đối tượng trước mắt, chúng ta cứ thừa nhận là tự nhiên nó có, do tạo hóa làm nên, thế là còn gì phải nhận xét, phải phân tích. Cứ thế mãi, trí huệ sẽ cùn mằn, không thể nào bén nhạy được. Đó là cái cớ khiến người ta lười suy xét, lâu ngày trở thành tâm trí ù lì chai cứng. (Thích Thanh Từ, Bước Đầu Học Phật)
Tất cả sự dụ dỗ ép buộc để theo đạo, nhà Phật hoàn toàn phản đối. Mỗi người tự nhận thức rõ ràng về đạo Phật rồi phát tâm đến với đạo, mới đúng tinh thần Phật Tử. Hiểu rồi mới theo là hành động đúng với tinh thần giác ngộ. Dùng thuật hay, phép lạ để dẫn người vào đạo, đó là mê tín. Dùng mọi quyền lợi để dụ người ta vào đạo, đó là cám dỗ kẻ ngu si, không phù hợp với tinh thần giác ngộ. (Thích Thanh Từ, Bước Đầu Học Phật)
Người muốn tinh tấn để đạt tới chỗ thâm diệu của đời, của tâm, của đạo, người ấy ắt phải tự mình tìm lại với những giá trị có thật của mặt đất, những giá trị tự nhiên của trần gian, những giá trị gần gũi với con người bằng xương bằng thịt.
Người muốn tinh tấn để đạt tới chỗ thâm diệu của đời, của tâm, của đạo, người ấy ắt phải tự mình xa lánh với những bài ca ru ngủ về những cõi xứ hão huyền, không có thật - thiên đường hoặc địa ngục, xa lánh những giọng điệu rủ rê mê hoặc, hăm dọa, làm cho lòng người nao núng, sợ hãi, hoang mang.
Người tu cốt xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, sao lại biến thành kẻ thụ hưởng! Trái với mục đích xuất gia, trở thành kẻ hư hèn, chính vì nhận đồng tiền phi pháp. Cầu nguyện là một điều nhỏ nhít trong Phật Pháp, vì nó không phải là chơn lý. Thế mà, người ta thổi phồng nó lên, để rồi cả đời người tu gần như hết 80% Phật Sự đều nằm trong những lễ cầu nguyện. Truyền bá một điều không phải là chơn lý, ắt hẳn chánh pháp phải bị suy đồi. Người có trách nhiệm hướng dẫn Phật Tử mà một bề cổ xúy cho sự cầu cúng, là đưa họ vào rừng mê tín, gây thêm lòng tham lam, ích kỷ của họ. Quả là kẻ tạo thêm tội lỗi, chứ không phải người tu hành.
(Thích Thanh Từ, Bước Đầu Học Phật)
Bởi vì Phật Tử đòi hỏi việc đưa ma cúng đám, Tăng, Ni mới thiếu thì giờ học tập. Tăng Ni là người hướng dẫn Phật Tử, tại sao chúng ta mãi để những đòi hỏi không đúng, làm mất thì giờ vàng ngọc của người ta? Chính tại Tăng Ni không gan, chẳng dám nói thẳng, sợ mất cảm tình, khiến tệ đoan càng ngày càng thêm. Đâu những thế, có một số Tăng Ni lại bày biện đủ cách rối ren, khiến đã mất thì giờ lại thêm mất thì giờ. Những kẻ này bề ngoài dường như thương Phật Pháp, kỳ thực họ lợi dụng Phật Pháp làm kế sinh nhai. Người Phật Tử dốt nát không biết, thấy bày biện chừng nào càng thích chừng ấy, quả thật kẻ mù dắt đám mù.
(Thích Thanh Từ, Bước Đầu Học Phật)
Người muốn tinh tấn để đạt tới chỗ thâm diệu của đời, của tâm, của đạo, người ấy ắt phải nhìn lại hồn quê, đọc lại mưa nguồn, xem xét lại tâm hồn thời tuổi trẻ, ôn lại những bài học tuổi thơ, thăm lại Cô Em Mọi Nhỏ, thăm lại Hoàng Tử Bé, ..., nghĩa là nhìn nhận lại những bước đi đầu tiên hồn nhiên không tham vọng của chính mình (bản lai diện mục của mình). "Hồi đầu thị ngạn" tức là "đáo bỉ ngạn".  Quay đầu lại bờ bên này thì sẽ tìm đến được bờ bên kia! "Phiền não tức bồ đề."
Người đứng đó ngày về tôi có thấy
Hai bàn chân trên cỏ lá ngàn xuân
Phong cảnh đã bốn bề cùng tôi nói
Linh hồn người là thiếu nữ thanh tân
Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa xuân bị dẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này
Người không ở vì chờ mong đã mỏi
Người đã đi cùng tuổi trẻ tôi đi
Chợt có lúc lên đường tôi đứng lại
Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này

(BG, Chỗ Này)
Nói cách khác, ấy là cuộc hành trình tìm lại lẽ sống thật, "viễn ly điên đảo mộng tưởng", tìm lại những con đường bình yên cho tâm hồn, vốn nằm tiềm tàng trong những con đường tự nhiên giữa cuộc đời bình thường, không thêu thùa thêm bớt vẽ vời.
Nam Hải Điếu Đồ
Trụ vô ngại xứ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần

(Bùi Giáng)
Nắng vẫn nắng trên cao. Bóng nắng vẫn nghiêng bóng mình dưới thấp. Người đi vẫn đi trong đời. Lời réo gọi vẫn réo gọi trong lòng. "Tôi bước bên đường kêu gọi mãi, Nhớ người bạn cũ thuở anh niên".

NHỮNG NGƯỜI BẠN TRẺ
1.BẠN ĐƯỜNG
Có hôm tôi một mình lang thang trong vườn, dưới những bóng cây mát mẻ, lỗ chỗ như hoa nở trên nền đất. Tôi chợt nhận ra, những gì thiên nhiên đang bày ra trước mặt, những gì thật ra đã quá quen thuộc, nhưng thật ra là chẳng mấy khi tôi từng chú ý tới một cách phải chăng. Tôi cứ tưởng tôi biết rõ về nó lắm, nhưng thật ra là tôi biết rất mơ hồ. Lần này, một lần nữa, tôi cố lắng tai nghe, và tôi cố mở mắt nhìn, để tránh bớt phần nào đối đãi thiếu sót với vạn vật thường hằng.
Từ lâu rồi có lẽ, cỏ lá quanh đây đã ngẫu nhiên sắp đặt nhu mì, bên những đường cong ngõ quẹo ôn tồn vặn vẹo. Cây cao cây thấp, cành già cành non, lá xanh lá úa, hoa nở hoa tàn, màu sắc hòa quyện dường như vô tận. Bốn bề vắng lặng tiếng người, chỉ có tiếng chim kêu trên cành và tiếng "cục cục" của gà mẹ tìm mồi cho những chú gà con chiêm chiếp chạy theo sau. Những chú gà con ấy, chú nào chú nấy cũng vui tươi, vừa nhảy nhót hồn nhiên trên mặt đất, vừa nũng nịu đợi chờ gà mẹ nâng niu từng đợt mớm mồi. Cũng có những phút giây bất lợi trên đường sinh kế, gà mẹ không thu hoạch được nhiều thực phẩm cho con, khiến con cái thiếu tập hợp, chạy rong chơi lang thang xa mẹ. Gà mẹ lo lắng lắm, “gọi” các con về bằng những liên tục giả vờ “tục tục” nhả mồi. Vừa giả bộ nhả mồi, gà mẹ vừa liếc mắt canh chừng các con xem có những điều bất trắc gì xảy ra không. Cũng có lúc đàn gà được ban phát hồng ân lai láng, như hôm nay đây. Một nắm gạo từ đâu đó vung ra, vãi ngay vào chỗ gà mẹ đang đứng. Đàn gà bất ngờ đồng thanh kêu vang, vỗ cánh mừng rỡ đón nhận mưa móc từ trên trời rơi xuống. Gà mẹ kêu “tục tục” gấp rút hơn, liên tục hơn. Gà con kêu chíp chíp ríu rít hơn. Cả bầy hớn hở trong tưng bừng lễ hội.
Niềm vui to lớn mà đàn gà có được ấy, ngờ đâu, lại xuất phát từ bàn tay nhỏ xíu của một chú bé cũng nhỏ bé như những chú gà con nhỏ bé. Chú bé thiên thần ấy đã lặng lẽ ban phát ít nhiều hồng ân cho “thế gian”, chú hứng thú nhìn “thế gian” hân hoan đón nhận quà tặng, rồi chú bé ngước mắt nhìn tôi thăm dò phản ứng. Tôi nhanh chóng tán dương cử chỉ hào phóng ấy của người bạn trẻ, bằng một nụ cười hoan hô cởi mở, và bằng đôi lời ca tụng chí tình:
- Chào anh bạn Lỳ phong nhã! Anh bạn thật hào hoa phong vận, anh bạn xuất hiện thật bất ngờ, nghĩa cử của anh bạn thật kỳ diệu, khiến cho cả đàn gà một phen huy hoàng thỏa mãn lắm thay. Thay mặt những chú gà mẹ gà con, tôi xin cám ơn anh rất nhiều.

Anh bạn đáp lời tôi bằng một nụ cười rất nhẹ, có vẻ không bận tâm chi lắm tới những lời khen nịnh hót của tôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà anh bạn ghét bỏ chê bai gì tôi. Anh tỏ ra rất am hiểu chuyện đời, sẵn lòng bỏ qua những chuyện nhỏ nhít, để bạn bè có cơ hội gần gũi với nhau. Anh bạn bước gần tới bên tôi, đứng nép người vào tôi, chờ tôi “nói” những điều cụ thể hơn. Tôi cúi xuống, vuốt tóc anh bạn, nâng niu nựng nịu người bạn trẻ. Cả hai chúng tôi say sưa nhìn đàn gà cùng nhau sum vầy yến tiệc một hồi lâu.
Tiệc tùng no nê xong, gà mẹ kêu “cục cục” liên tục, gọi các con cùng kéo nhau về nhà nghỉ ngơi, bỏ hai đứa tôi bơ vơ ở lại trong vườn. Cảm biết nỗi niềm của tôi, anh bạn trẻ an ủi tôi bằng cách nắm ngón tay út của tôi, dắt tôi đi lui đi tới loanh quanh.
Chợt anh bạn nảy ra ý định bày ra một trò chơi mới mẻ gì đó, anh bạn hân nhiên ngước mắt nhìn tôi, vừa mấp máy đôi môi hồng thắm trình bày bằng lời lẽ, vừa chỉ tay về phía xa kia để diễn giải phụ họa thêm. Nhưng tâm trí tôi không đủ hồn nhiên thơ dại để có thể hiểu ý anh bạn ngay. Tôi cẩn thận hỏi lại cho rõ, thì anh bạn cũng vui vẻ lặp lại mấy lần, nhưng rồi tôi vẫn không thể hiểu nổi loại ngôn ngữ quá trong trẻo ban sơ hàm súc của người bạn còn quá trẻ ấy, mà tuổi đời chỉ mới độ hai ba mùa xuân hạ thu đông. Tôi đành phải đưa anh bạn vào nhà trong, nhờ thân phụ của anh “thông dịch” giùm. Khi nghe qua, thân phụ của anh vừa cười vừa dịch lại bằng ngôn ngữ người lớn thế này:
- Ông 9 dắt con đi cắt cỏ cho bò ăn.
Tôi sung sướng há miệng cười thật to, cảm thấy thật vinh dự được anh bạn trẻ tín nhiệm, rồi cúi xuống thân mật nhìn anh bạn, lặp lại câu nói của thân phụ anh:
- “Ông 9 dắt con đi cắt cỏ cho bò ăn”, hả?
Anh bạn gật đầu hai ba cái, xác nhận rằng lời dịch của thân phụ anh thật là chính xác.
Tôi nắm gọn bàn tay tròn trĩnh bé xíu của anh bạn trong lòng bàn tay thô kệch của tôi, dắt anh bạn đi về hướng chuồng bò. Đi tới đâu, nhìn thấy ở đâu có cỏ non, tôi dừng lại giây lát ngắt cỏ, rồi giao cho anh bạn giữ lấy. Khi hai nắm tay bé con của anh bạn đầy cỏ, chúng tôi bước tới chỗ chú bò, và trao món quà cỏ non cho chú bò đang đứng đợi trong chuồng. Mỗi lần một nắm cỏ non như vậy, chúng tôi vừa đi dạo trong vườn, vừa giúp bò vui vẻ giữa đời. Cỏ từ hai bàn tay của anh bạn tôi thật ra chẳng nhiều nhặn gì so với dạ dày của chú bò to lớn, chú bò vẫn biết điều đó, nhưng chú bò vẫn rất hứng thú với trò chơi của chúng tôi. Mỗi đợt chúng tôi quay về với nắm cỏ trên tay, chú bò bước ra vẫy đuôi chào đón, ngẩng đầu cao lên tới thành chuồng, hân hoan lè lưỡi nhận quà, và khịt mũi cám ơn.
2.BẠN THỂ THAO
Những người bạn trẻ yêu chuộng thể thao lúc nào cũng nhanh nhẹn, thoáng một cái là họ đã tìm ra vị trí hợp lý để giành ưu thế cho mình. Từ khi các bạn trẻ này (vốn là những học sinh tiểu học) nhận tôi làm bạn bè cùng tập luyện thể thao với họ trong kỳ nghỉ hè, họ liên tục áp đảo tôi bằng đủ loại môn chơi. Từ môn cầu lông, đá cầu, tới cờ tướng, cờ vua, cờ cá ngựa… môn nào các bạn cũng lấn át tôi. Các bạn thừa biết trình độ thể thao “hạng ruồi” của tấm thân già nua chua chát của tôi, cho nên họ rất thích rủ rê tôi tranh tài với họ, để họ có cơ hội nắm chắc phần thắng.
Một buổi chiều nọ, các bạn trẻ rủ tôi đua xe đạp. Thoạt tiên, tôi từ chối. Nhưng thấy anh em quá hăm hở, cố ép tôi vận động ít nhiều, nên tôi cũng chìu lòng nhận lời tham dự. Chỉ trong chớp mắt, các vận động viên bạn đã vượt lên trước, bỏ tôi xa lắc đằng sau. Họ tới đích trước, ngoái đầu nhìn lại đoạn đường mà họ đã đi qua. Họ vỗ tay vui cười chiến thắng với nhau, hả hê nhìn kẻ chiến bại là tôi khi tôi chậm chạp đạp xe về chót. Kết quả dĩ nhiên là tôi phải làm người thua cuộc, buồn hiu đứng đó để nghe những vận động viên chiến thắng lớn tiếng công bố huy hoàng:
- Con đứng nhất. Thằng Thưởng đứng nhì. Ông cậu đứng chót. Hahaha.
Tôi cãi lại, gỡ gạc:
- Ông cậu đứng thứ 3 chớ đâu đứng chót?
- Đứng thứ 3 tức là đứng chót rồi chớ chi nữa!
Sau khi đôi co qua lại ít nhiều, cuối cùng, để làm tăng thêm niềm vui cho các bạn, tôi làm ra vẻ bất đắc dĩ buồn hiu nhìn nhận:
- Ông cậu thua rồi, quả thật rồi thua. Tụi con giỏi thiệt, thiệt là giỏi quá.
3.BẠN ĐỒNG HƯƠNG
Chẳng biết bằng loại giác quan nào mà những người bạn trẻ này nhanh chóng nhận biết tôi là anh em bạn bè của gia đình họ. Và hơn nữa, có lẽ qua giọng nói, họ nhận biết tôi là bạn đồng hương của họ. Ngay từ giây phút đầu tiên giáp mặt, chúng tôi đã tỏ ra rất gần gũi với nhau.
Khi tôi dừng xe trước sân nhà, chỉ mới vừa bước lên thềm nhà, là các bạn đã chạy ra reo mừng, như thể mừng thân quyến cật ruột trở về. Các bạn hồn nhiên cởi mở tràn lan tới nỗi đã làm lòng tôi xao động mạnh, và đã bất ngờ gỡ bỏ những thói quen dè dặt khách sáo trong tôi mỗi khi mới bước vào nhà người khác lần đầu. Khi tôi ngồi nói chuyện với ông nội của các bạn, các bạn quấn quít thân mật bên chúng tôi. Các bạn rất chăm chú, thích thú lắng nghe “ông nội” giới thiệu với tôi về đặc điểm của mỗi bạn. Khi chúng tôi chuyển qua nói về đề tài khác, các bạn thường tìm cách quấy rầy chúng tôi này nọ, để được chúng tôi chú ý trở lại. Tôi nhìn các bạn một cách say mê. Trong đáy lòng tôi có một rung chuyển mạnh.
Bấy lâu nay, lòng tôi nặng nề mệt mỏi giữa đời, chẳng mấy khi có được cảm giác dễ chịu với người đời, và có thể dễ dàng bị đè nặng thêm bởi những nỗi buồn từ vô tình đối đãi giữa người đời với nhau. Lòng tôi nhìn chung quanh nhiều nghi ngại. Hôm nay bỗng nhiên tôi được các bạn trẻ ban cho một niềm vui thuần khiết giữa cuộc đời này, một niềm tin tinh khôi vào thế gian này. Tôi cảm thấy thoải mái vô cùng, y như đang bước vào một thế giới khác, một thế giới không giống thế giới quá khứ uể ỏai mà tôi được biết.
Sự thật đơn sơ ấy, biết làm sao nói ra cho gọn gàng đơn sơ dễ hiểu bây giờ đây, hỡi người? Mong rằng không phải tôi chỉ nói cho một mình tôi nghe.
4.BẠN HỌC
Học múa
Một hôm, ông ngoại của Kiwi khoe với tôi rằng, cháu Kiwi của ông ngoại tỏ ra là một cô bé thông minh hơn người. Tuy mới lên 3, mà Kiwi đã biết tự “chế” những điệu múa ba-lê (ballet) của riêng mình, tự nhiên biểu diễn nhịp nhàng, khớp theo điệu nhạc, trước đông đảo anh em bạn bè của gia đình.
Nhạc Sĩ  Gạo, dì của Kiwi, cho tôi xem đoạn video ghi lại điệu múa của Kiwi, kéo dài năm bảy phút. Xem rồi mới thấy, đó quả là một vũ điệu thần tiên. Ánh mắt trẻ thơ tươi thắm như bình minh, khi thì cô bé nhìn nghiêng qua trái, lúc đảo mắt về bên phải, tất cả hài hòa với toàn thể điệu bộ của cơ thể, và hòa quyện theo từng đoạn khúc trầm bổng của nhạc nền. Khi cô bé nhún hai chân bước tới, lúc ngẩng đầu ngước lên, từng ngón tay mềm mại, duỗi dài theo hướng hai cánh tay đang vươn thẳng lên cao. Lúc dồn dập, lúc khoan thai, lúc thu bàn tay về ôm chính mình, lúc dang tay ra đón nhận cả vũ trụ càn khôn.
Tôi choáng ngợp trước điệu múa xuất thần của cô bé, điệu múa linh hoạt ngẫu nhiên của những tài năng tý hon mà có lẽ không có một trường lớp nào có thể luyện tập thành công cho một cô bé 3 tuổi như vậy. Thân mẫu của cô bé, Trịnh Cơ, vừa cười vui vừa nheo nheo mắt thổ lộ rằng, KiWi có cái “gien” của ông ngoại, hồn nhiên say mê âm nhạc, thích mình là “ngôi sao số 1” trước đám đông. Tôi phụ họa bằng một câu tục ngữ quen thuộc: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Học ăn
Hôm ấy nhà ông ngoại "lu bu" nhiều việc, ai cũng bận rộn, không kịp nấu cơm trưa, cho nên mua bún về ăn với nước xì dầu. Cả nhà quây quần, cầm đũa bâng quơ. Ai cũng biết món “bún xì dầu” là món của bữa ăn qua loa, nên chỉ ăn ít nhiều lấy lệ. Hơn nữa, hôm nay ai cũng biết là cần để dành bụng cho đại tiệc buổi chiều tại nhà cô Chung. Chỉ có riêng tôi cứ như là người ngoại cuộc, không để ý “thông lệ” ấy. Tôi nhắm mắt nhắm mũi ngồi ăn ngon lành. Ăn sạch tô thứ nhất, tôi thản nhiên gắp thêm bún, rưới thêm xì dầu, cắm đầu ăn thêm tô thứ hai. Tôi cũng chẳng để ý rằng mọi người đã buông đũa tự bao giờ. Kiwi ngồi bên cạnh tôi, nhìn tôi kinh ngạc, như thể nhìn thấy một hiện tượng lạ. Cô bé liếc nhìn qua ông ngoại, rồi tế nhị nhìn bà ngoại, như muốn thăm dò ý kiến của nhị vị tiền bối. Cuối cùng, khi Kiwi quay qua nhìn tôi trở lại một lần nữa, thấy tôi vẫn say mê nhai nuốt tưng bừng, cô bé dường như không thể giữ im lặng lâu hơn nữa, và đã thẳng thắn nói toạc ra giữa bữa ăn:
- Trời! Bún xì dầu mà ăn tới 2 tô luôn! 2 tô to luôn, vừa nói cô bé vừa xòe 2 bàn tay ra diễn tả.
Tôi bất ngờ cười toang hoác, văng bún tùm lum. Suýt chút nữa tôi bị sặc. Dù cố giữ lịch sự, bà ngoại cũng không nín được, cười rúc ra rúc rích. Ông ngoại nhanh nhẹn tung lông tung cánh nhà tông "nghệ sĩ sân khấu" ra che chở giùm tôi:
- Nè con, chớ con nói chi lạ rứa. Ông này ổng ở Mỹ về nên ổng ăn nhiều như rứa đó. Hiểu không. Con nói rứa, may mà ổng là người Mỹ chớ nếu không thì ổng quê chết chi con.
Nguyễn Quang Thanh
Theo http://www.nguyenquangthanh.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...