Nhà hiền triết Khắc Thông ở tận cuối làng, trong một con hẻm
nhỏ ngoằn ngoèo như con rắn. Con hẻm nằm giữa hai hàng râm bụt cao lút đầu, hẹp
đến nỗi chỉ một người đi lọt. Thành thử nếu chỉ có một người đi vào thì không
có cảm giác gì. Nếu nhiều người cùng tới một lúc thì người nọ chỉ thấy lưng người
kia, rồng rắn như thể xếp hàng đi xem hát vậy. Nhà hiền triết ấy là một ông già
cổ quái và khó đoán tuổi. Chẳng biết người ta gọi ông là nhà hiền triết tự bao
giờ. Chỉ biết rằng ông không giống tý nào so với các triết giả khác trong vùng
vốn nhiều như nấm mọc sau mưa. Các triết giả ấy lúc còn non nghề thì chí ít
cũng phải lập tứ. Nghĩa là cố mà thò ra một cái gì đó cho người đời cảm thấy sự
có mặt của mình. Khá lên tý nữa thì bắt đầu lập ngôn. Đây là giai đoạn vừa quan
trọng, vừa lý thú mà bất cứ triết giả nào cũng không thể xem thường. Bởi nếu
ngôn đã lập thì dẫu có ăn nói văng mạng, vẫn cứ có người nghe, thậm chí còn được
vỗ tay tán thưởng. Trình độ cao hơn nữa thì tiến đến lập thuyết. Bấy giờ thì
ghê gớm lắm, tha hồ mà nói năng lung tung. Thế mà sinh ra triết giả đâu phải để
nói năng lung tung. Đạt đến bậc lập thuyết rồi thì tất nhiên, thiên hạ kính nể
đã đành, mà nếu thần kinh có vấn đề thì có khi còn tiến tới... lập đạo nữa chưa
biết chừng. Đó là một trạng thái gọi là: "tòng tâm sở dục", nghĩa là
tùy lòng muốn, tha hồ mà mê mẩn lòng người.
Nhà hiền triết Khắc Thông đã bảo là không giống ai trong số
đó. Không phải ông lập dị mà đơn giản là ông khác, thế thôi. Suốt bao nhiêu năm
vừa sống vừa chiêm nghiệm, ông chẳng "lập" ra bất cứ cái gì. Bấy
nhiêu năm ông chỉ viết được độc nhất có một chữ. Hôm chúc mừng đại thọ, mọi người
năn nỉ mãi, cuối cùng ông mới giở sách cho xem. Cả một cuốn sách dày toàn giấy
trắng. Có duy nhất một chữ:... "nhạt". Mọi người ngớ ra
không hiểu. Hay là cả đời, ông vốn toàn ăn nhạt (?). Ấy thế mà các triết giả lại
suy luận chữ đó theo những kiểu rất chi là rắc rối. Chẳng hạn như triết giả Khắc
Dụng ở đầu làng, người ghét cay ghét đắng cái lão già lười cả viết lẫn nói kia.
Sau khi công kích, phê phán một hồi thứ tính nết khó chơi của nhà hiền triết Khắc
Thông, triết giả Khắc Dụng này bỏ công phân tích cái chữ "nhạt" ấy tới
gần ba trăm trang sách...
Đã từ lâu, dân làng có tập quán là cứ xảy ra chuyện gì, đều
có người tìm đến xem nhà hiền triết kia có viết chữ nào về những chuyện ấy hay
không. Mà làng thì chẳng lúc nào là không có chuyện. Ví dụ như chuyện nhà cụ
tiên chỉ họ Tưởng. Đó là một gia đình thuộc vào loại "danh gia vọng tộc"
nhất làng. Từ cái thời cứ trời cho là được ăn trên ngồi chốc, đến thời dân chủ
phải bầu bán đàng hoàng, họ Tưởng cứ mặc nhiên là tiên chỉ mà không ai dám cãi
câu nào. Không những dân làng luôn phải cung kính, nhờ vả, ngay đến cả những
người làm công việc chính quyền cũng phải nể nang, trọng vọng. Thế mà bỗng dưng
từ trong nhà lại xảy ra chuyện. Số là một hôm gã con lớn của cụ tiên chỉ không
chấp nhận mình là con nữa, mà cứ khăng khăng đòi làm... bố.
Chuyện điên đảo đến như thế thì nguy cho cả một nền đạo đức
chứ chẳng phải chuyện chơi.
Thực ra gã vốn là con nuôi của cụ tiên chỉ. Xưa nay dân làng
vẫn biết rằng đó là gã con nuôi mà cụ nhặt được ở đâu đó từ cái hồi cụ còn đi
làm ăn xa ngoài đường. Của đáng tội, tuổi gã cũng chỉ kém tuổi cụ có già một
con giáp. Gã lại thông minh, thức thời và góp không ít công sức cho cái cơ ngơi
bề thế hiện nay của gia đình cụ. Mà gã cũng đâu có thiệt thòi gì. Chẳng cần bắt
cụ tiên chỉ phải gọi bằng bố thì xưa nay, cả làng đều đã gọi gã là ông rồi. Ai
chẳng biết cái cơ ngơi ấy hiện do một mình gã cai quản. Cụ tiên chỉ đã già yếu,
lại vốn là người phúc hậu, xưa nay không gây sự với ai đã đành, lại còn yêu quý
gã như con đẻ vậy.
Nhưng hình như cái sự làm bố cụ tiên chỉ còn quan trọng hơn đống
của cải kia. Thế là gã trưng ra những bằng chứng, những lý luận rất nhập nhằng,
dài dòng văn tự rằng ngày xưa, chính nhờ có gã, cụ tiên chỉ mới được... nên người.
Rằng chính cụ phải gọi gã là bố thì hợp lý hơn điều ngược lại... Thế là hết lượt
cụ lại đến gã con nuôi trời đánh, cả hai cùng lặn lội tới hết ngõ này đến xóm
khác, tìm cách phân bua với dân làng rằng bên này mới là bố của bên kia.
Mà bằng chứng của bên nào trưng ra cũng có vẻ có lý.
Dân làng lúc đầu phân vân không biết nghe ai. Nghe gã con
nuôi thì bất kính với cụ tiên chỉ, nghe cụ tiên chỉ thì ngại gã con nuôi. Rốt
cuộc, làng chia ra làm ba phe, một phe vẫn tin rằng cụ tiên chỉ là bố, một phe
công nhận gã con nuôi lộn kiếp kia là bố. Còn một phe trung dung chẳng biết tin
bên nào, thôi thì bố cũng được mà con cũng xong. Thật là một kiểu lập trường rất
đáng chê trách. Đương nhiên những kẻ cơ hội lập tức nhận ra rằng thời thế đã đến
lúc đổi thay. Gã con nuôi nhanh chóng tập hợp được quanh mình hàng tá lâu la tiền
hô hậu ứng. Nhờ có đám lâu la này, công cuộc lật đổ của gã có chiều hướng tiến
triển ra trông thấy. Cụ tiên chỉ xem ra mất vai bố đến nơi. Việc đến như thế tất
nhiên có kẻ muốn thỉnh giáo xem nhà hiền triết Khắc Thông kia nhận xét ra làm
sao, có chép ra được chữ nào hay chí ít cũng nêu một vài chính kiến cho những kẻ
mập mờ biết lối mà sáng mắt ra. ấy thế mà vừa mới nghe chuyện, nhà hiền triết
đã chẳng nói chẳng rằng, chỉ một tay trỏ vào chữ "nhạt", một tay xua
xua ra ý bảo: “không đáng chép, không đáng chép...”
Thế rồi cũng đến lúc câu chuyện lộn sòng kia đến hồi kết
thúc.
Không ngã ngũ được với gã con nuôi, cụ tiên chỉ uất quá lăn
đùng ra chết. Cụ chết mà mắt vẫn mở trừng trừng, chứng tỏ cái việc kia vừa oan ức,
vừa đau cho cụ lắm. Gã con nuôi làm đám ma linh đình. Nhưng mà với những nghi
thức dành cho một đám tang con, chứ không phải đám tang bố. Đến lúc ấy thì dân
làng hầu hết đã gọi gã bằng cụ rồi. Những người hùa theo gã để nhờ vả và những
kẻ lăm le kiếm chác đã đành, cả những người đứng về phe cụ tiên chỉ xưa nay
cũng chép miệng cho qua. Thôi thì đằng nào cụ cũng mất rồi. Có vái là ông hay
là cụ thì cũng là vái chiếc quan tài mà thôi. Chỉ tội nghiệp cho những khách khứa,
bà con ở xa, chưa kịp cập nhật tin tức thời sự. Vòng hoa của họ đem đến viếng hầu
hết đều phải sửa lại. Đại khái cũng chỉ sửa một chữ "cụ" thành chữ
"ông" là xong. Thế mà cũng có người kiên quyết không sửa. Họ liền bị
"cụ trẻ" (gã con nuôi bây giờ phải gọi là cụ trẻ) tống thẳng ra ngoài
đường, không cho vào phúng viếng.
Cuộc tranh giành ngôi bố ở cái dòng họ danh giá ấy té ra kết
thúc chẳng có hậu tý nào, ít ra là trên phương diện đạo đức của vấn đề. Điều
này xưa nay bao giờ cũng là mối quan tâm số một của các bậc triết giả. Nói gì
thì nói, trừ những chuyện cao siêu khác không kể, riêng cứ bàn đến chuyện đạo đức
thì chín mươi chín phần trăm người đời dẫu đang ngọng cũng lập tức trở thành
hùng biện. Các triết giả thi nhau viết sách, thi nhau đăng đàn diễn thuyết, bất
kể nơi công cộng hay cạnh bờ ao, bờ giếng, thậm chí ngay cửa chuồng trâu, chuồng
bò... Cứ có bốn cái tai trở lên là số thính giả trở thành số nhiều, có thể
tranh thủ diễn thuyết được rồi. Cái chết bi thương của cụ cựu tiên chỉ qua miệng
các triết giả, trở thành sự hy sinh, tuẫn tiết để bảo vệ những dấu vết cuối
cùng còn sót lại của nền đạo đức đương thời.
Ấy thế mà nhà hiền triết Khắc Thông vẫn im lặng, vẫn một mực
rằng "nhạt", rằng không đáng để viết một chữ nào. Người ta đâm nghi
ngờ hay là ông cụ tê liệt mất giác quan thứ sáu, hoặc chí ít thì cũng là một kẻ
bàng quan, vô tích sự? Nhưng cũng có người hiểu ông cụ thì có cách giải thích đứng
đắn hơn. Đó là ngoài những chuyện xảy ra ở nhà cụ tiên chỉ, trong làng còn diễn
ra một chuyện khác lý thú hơn, hứa hẹn một cái gì đáng phải viết ra hơn...
Chính đó mới là chuyện mà nhà hiền triết ấy đang quan tâm. Số là chẳng biết từ bao giờ, làng xuất hiện hai công dân đặc biệt. Một "quý ngài" và một "quý ông". Cả hai vị đều có "tiền sử" rất chi là bí ẩn. Quý ngài họ Trần, tên Trường, (làng vẫn gọi là lão Trường) vốn sinh từ làng này, ông cha mấy đời bần cố nông, bản thân ngài lớn lên, làm gì mấy chục năm không ai biết đến. Đùng một cái cuối đời về làng mắc bệnh hoang tưởng. Quý ngài người gầy đét như con cá mắm cứ khăng khăng rằng mình từng làm tổng thống một quốc gia đã gây ra ba cuộc chiến tranh, làm chết tươi một triệu người và làm chết dần nhiều triệu người khác. Lúc đầu, cái hoang tưởng ấy chỉ gói gọn trong bốn bức tường, nghĩa là trong khuôn viên nhà quý ngài mà không truyền ra đến bên ngoài. Về sau xuất hiện một quý ông khác cũng tên Trường nhưng mà khác họ, họ Bùi, (làng gọi là Trưởng lão cho dễ phân biệt) thì sự hoang tưởng ấy mới loang ra khắp làng trên xóm dưới.
Chính đó mới là chuyện mà nhà hiền triết ấy đang quan tâm. Số là chẳng biết từ bao giờ, làng xuất hiện hai công dân đặc biệt. Một "quý ngài" và một "quý ông". Cả hai vị đều có "tiền sử" rất chi là bí ẩn. Quý ngài họ Trần, tên Trường, (làng vẫn gọi là lão Trường) vốn sinh từ làng này, ông cha mấy đời bần cố nông, bản thân ngài lớn lên, làm gì mấy chục năm không ai biết đến. Đùng một cái cuối đời về làng mắc bệnh hoang tưởng. Quý ngài người gầy đét như con cá mắm cứ khăng khăng rằng mình từng làm tổng thống một quốc gia đã gây ra ba cuộc chiến tranh, làm chết tươi một triệu người và làm chết dần nhiều triệu người khác. Lúc đầu, cái hoang tưởng ấy chỉ gói gọn trong bốn bức tường, nghĩa là trong khuôn viên nhà quý ngài mà không truyền ra đến bên ngoài. Về sau xuất hiện một quý ông khác cũng tên Trường nhưng mà khác họ, họ Bùi, (làng gọi là Trưởng lão cho dễ phân biệt) thì sự hoang tưởng ấy mới loang ra khắp làng trên xóm dưới.
Quý ông Trưởng lão cũng người làng này. Nghe nói trước khi về
hưu, quý ông ấy làm nghề chuyên đưa người tới các "động sung sướng"
(bây giờ gọi là nghề lái xe du lịch). Chẳng biết từ cái thuở còn nay đây mai
đó, quý ông trót nghe phải những chuyện gì mà khi về làng mắc bệnh dở hơi. ấy
là những kẻ mù tịt về y học gọi như thế, chứ bệnh ấy có tên chữ Hán hẳn hoi, gọi
là: "đa nhân cách". Bệnh này lúc lên cơn thì tự nhiên quên béng mất
chính mình, lại cứ tưởng mình là một người nào đó. Sự nhầm lẫn ấy tuy tai hại,
nhưng chắc không tai hại bằng vô số thứ nhầm lẫn khác đang nhan nhản trên đời.
Chẳng hạn đi "nhầm" đường thì dễ gây tai nạn, móc "nhầm"
túi dĩ nhiên là ăn cắp, ngủ "nhầm" vợ thì có lẽ là... hiếp
dâm... vân vân và... vân vân. Cái nhầm lẫn của căn bệnh đa nhân cách kia chỉ
đơn giản là làm biến mất một người, đồng thời làm thừa ra cũng đúng một người(!).
Nói tóm lại bệnh nào thì bệnh, một khi đã được "chỉ mặt đặt tên" thì
nghĩa là con người đã nghiên cứu về nó, đã có kiến thức về nó rồi. Nhưng cái sự
"đa nhân cách" của quý ông Trưởng lão đây thì hơi khác, thậm chí có vẻ
nhiêu khê một tý. ấy là quý ông không "tưởng" mình là một người nào
đó, mà lại đinh ninh rằng mình là một chiếc... tắc xi. Cái sự "tưởng"
không phải "nhân" mà là "vật" này có vẻ rất ngộ nghĩnh. Mọi
biểu hiện của quý ông lúc lên cơn xem ra y hệt một... chiếc tắc xi. Quý ông
không nói tiếng người, chỉ kêu vè vè đã đành, thỉnh thoảng lại toe toe... như
còi xe hơi vậy. Đã thế những lúc ấy, quý ông còn rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm,
nghiêng ngó hết nhà nọ nhà kia... như thể muốn mời chào đưa đón khách(?). Tất
nhiên làng toàn những người tỉnh táo, chẳng ai tưởng quý ông là chiếc tắc xi thật
mà đáp ứng sự mời chào ấy. Chỉ có đám trẻ con là thích thú, cứ bâu theo cả lũ
mà cười nói, chỉ trỏ. Nhưng cũng chỉ thời gian đầu, lâu dần chúng cũng chán mà
bỏ mặc quý ông tự rong ruổi lấy một mình.
Ấy thế mà cuối cùng, cỗ "tắc xi" Trưởng lão kia
cũng "rước" được khách. Chuyện nghe cứ như đùa, nhưng mà có thật. Vị
"khách" trứ danh không phải ai khác, chính là quý ngài hoang tưởng,
chính là lão Trường trên đây. Cái hoang tưởng rốt cuộc đã ra khỏi bốn bức tường
vì may mắn có được một "phương tiện" chuyên chở tuyệt vời. Thế là, ngự
trên cỗ "tắc xi" Trưởng lão, lão Trường mang cái hoang tưởng của mình
truyền đi khắp làng trên xóm dưới. Đó là những tràng giang lảm nhảm, khi thì kể
lể về trận chiến này, khi lại say sưa với cuộc tàn sát nọ. Có lúc hứng lên còn
hùng hồn triết lý... Chỉ khổ cho dân làng, vốn là những người yêu hòa bình, nay
lại cứ phải rát tai về những cuộc chiến tranh tưởng tượng từ miệng một kẻ hoang
tưởng dở hơi.
Cũng may mọi sự trên đời đều có kết thúc của nó.
Số là một hôm cặp "tắc xi - hoang tưởng" trứ danh
kia gặp nạn... "lạc tay lái", lao ùm xuống ao. Thì đã bảo quý ông Trưởng
lão tưởng mình là chiếc tắc xi đến mức... như thật mà lại. Bấy lâu nay cặp
"tắc xi - hoang tưởng" ấy trong lúc rong ruổi cũng từng gặp vô số
"sự cố". Có lúc cũng lao lên vỉa hè, có lúc chui vào bụi rậm, thậm
chí húc cả vào gốc cây... Rồi cũng "chết máy", cũng "hết
xăng" (chắc là gặp lúc đói bụng)... Đại loại y hệt những "vụ việc"
thường gặp của đám xe cộ trên đường đời. Nhưng lần này thì quả nhiên nghiêm trọng.
Người ta phải hết sức vất vả mới "cẩu" được quý ngài và quý ông từ dưới
ao đặt lên đường cái. Quý ngài hoang tưởng thì chỉ sơ sơ uống vài ngụm nước.
Riêng quý ông "tắc xi" kia thì "hỏng" nặng, phải đem về
"xưởng" để... "đại tu"(!).
Không có "phương tiện" chuyên chở những "cuộc
chiến tranh" tưởng tượng nữa, quý ngài hoang tưởng đành nằm bẹp xó nhà. Mà
lạ thực, quý ngài có vẻ như tự khỏi được cái căn bệnh dở hơi kia. Bằng chứng là
ngài im thin thít, không hề lảm nhảm bất cứ câu gì. Thì ra chứng bệnh quái đản ấy
vốn chỉ có mỗi một con đường là thoát ra từ cửa miệng người ta. Mới hay sống
trên đời chỉ cần ngậm miệng, thì bất cứ ai đó, dẫu có hoang tưởng đến mấy, y học
cũng không biết đâu mà lần. Nhưng một hôm, quý ngài bỗng phát lên một
"cơn" rất lạ. Đang tự dưng vô cớ, bất đồ ngài lảo đảo như người say
rượu. Hai tay ngài quýnh quáng bấu chỗ này, túm chỗ kia, có vẻ như ngài quên
béng mất rằng không biết thế nào là đứng thẳng, không biết trên là đâu, dưới là
đâu nữa. Ngài cuống cuồng xoay trở, đứng không xong, ngồi cũng không xong, lại
còn chúc đầu xuống đất, chổng mông lên trời cũng không xong nốt. Miệng ngài một
mực la bai bải rằng chênh vênh như thể đang ở tít ngọn cây, rằng hoa mắt chóng
mặt, trời đất quay cuồng, ngã lộn cổ đến nơi... Cuối cùng ngài đổ vật ra sàn
nhà, nằm thẳng cẳng, chân tay vẫn run như cầy sấy, miệng vẫn không ngớt kêu la
như trước...
May mà trong đám dân làng đổ đến xem có kẻ hiểu biết. Thì ra
quý ngài mắc phải một căn bệnh khác. Bệnh đó nôm na gọi là bệnh mất thăng bằng.
Số là ngài bị rối loạn tiền đình, một chứng bệnh quá quen thuộc trong y học. Bệnh
đó đã lên cơn thì dù có nằm dán xuống đất, vẫn cứ sợ... ngã như thường. Từ đó
tuy đã thoát khỏi căn bệnh hoang tưởng (các nhà y học kết luận như thế), quý
ngài lại vướng phải cái căn bệnh mất thăng bằng quái dị kia. Ai mà biết được
nguồn cơn của nó. Bệnh mới phát ban đầu còn thưa thưa, sau dần dần lên cơn liên
tục, không ngày nào quý ngài thoát khỏi vài bận mất thăng bằng như thế. Từ đó
con cháu phải cắt cử người túc trực trông nom để lúc lên cơn, còn có chỗ cho
quý ngài bấu víu...
Thương thay cho số phận nghiệt ngã giáng xuống đầu ngài. Có lẽ
cái thân xác bé nhỏ, mong manh ấy đã đến lúc không còn chịu đựng thêm được nữa
với những căn bệnh kỳ quái. Ngài chết.
Mà than ôi, ngay cả đến cái sự chết của quý ngài cũng nhọc nhằn
không kém.
Đến bây giờ, dân làng vẫn còn kinh dị trước cái lối chết của
quý ngài. Lần đầu, vừa bỏ quý ngài vào trong quan tài, bất ngờ quý ngài lại lên
cơn mất thăng bằng. Có vẻ như căn bệnh ấy thuộc vào loại bệnh hài hước hay sao,
mà nó tồn tại không phụ thuộc vào con người ta dù còn sống hay là đã chết. Con
cháu vội vàng khiêng ngài ra. Mà lạ thực, ngài lại sống thêm mấy ngày, lại lên
cơn thêm mấy lần nữa... Lần thứ hai, đã yên ổn khiêng quý ngài ra đến nghĩa địa.
Bất ngờ vừa hạ xuống huyệt, chiếc quan tài lại rung lên bần bật. Ai lại có thể
lấp đất khi con người nằm trong quan tài còn đang lên cơn... mất thăng bằng như
thế kia. Người ta lại phải đưa quý ngài về. Rốt cuộc chết kiểu ấy khổ cả người
sống lẫn người chết. Lần thứ ba, con cháu phải ràng buộc chiếc quan tài bằng
xích sắt vào bốn cọc gỗ lim chôn bốn góc, chắc chắn đến bom nổ bên cạnh cũng
không suy suyển, không đổ nghiêng hay lật ngửa ra được. Kết quả bấy giờ quý
ngài mới yên tâm mà chết, cơn mất thăng bằng mới không xảy ra được nữa...
Nay thì lão Trường đã mồ yên mả đẹp. Dân làng đã dần dần quên
đi những chuyện về quý ngài lừng lẫy ấy. Nhưng có nhiều người bắt đầu hoang
mang, rằng không biết có phải tại hướng đình, hướng chùa có gì sơ sót mà làng tự
dưng sinh ra lắm điều kỳ quái như thế. Các triết giả kiểu Khắc Dụng trên kia được
dịp tha hồ viết sách, bàn đi cãi lại, tha hồ suy diễn những sự kiện ấy hết thuộc
về quy luật nọ lại đến phạm trù kia... Nhưng phần lớn đại khái cũng chỉ là tán
nhảm mà thôi. Có một người khả dĩ có thể hỏi được, tin được là nhà hiền triết
Khắc Thông kia thì cho đến tận bấy giờ, dù đã chứng kiến những chuyện tày đình
như thế, ông lão cổ quái ấy vẫn khăng khăng rằng: "nhạt", vẫn lười
nhác không chịu chép thêm chữ nào.
Lại nói về quý ông Trưởng lão. Bấy giờ đã "khắc phục"
xong những hậu quả của vụ lao xuống ao ngày trước. Quý ông đã khỏe mạnh và hình
như khỏi bệnh, không "tưởng" mình là chiếc tắc xi nữa. Nếu thế thì
quý ông quả là người có phúc. Nhưng những người mắc bệnh "đa nhân
cách" chớ vội mừng, đừng tưởng rằng phương pháp chữa căn bệnh ấy chỉ đơn
giản là... lao xuống ao. Một hôm bắt đầu từ nhà quý ông đến những nhà hàng xóm
xung quanh, người ta phát hiện có mùi gì khăn khẳn. Sau lan ra cả làng đều ngửi
thấy. Mức độ của nó cứ tăng dần đến mức nồng nặc không sao chịu được. Không hiểu
mùi ấy phát từ đâu ra. Mọi người hoang mang nghi ngờ. Người nọ ngửi người kia,
ngửi cả những đống rơm đống rạ, ngửi từ gốc cây đến những cột gỗ lim to tướng
dưới đình làng... Vẫn không sao tìm ra nguồn cơn. Mãi sau tình cờ có kẻ để ý.
Thì ra cái mùi kinh khủng ấy phát ra từ thân thể của quý ông Trưởng lão. Chính
quý ông cũng ngửi thấy và ghê tởm với nó. Quý ông không những khạc nhổ om sòm,
lại còn cứ động nhìn thấy bất cứ bộ phận thân thể nào của mình là nôn thốc nôn
tháo. Đặc biệt nếu trót nhìn vào gương soi thì quý ông thậm chí kinh đến nỗi ngất
lịm đi. Có vẻ như lại sinh ra chứng bệnh nào nữa đây?. Con cháu tất
nhiên phải đưa quý ông đi bệnh viện. Trên đường đi, dân hai bên đường từ làng tới
bệnh viện phải một phen phát khiếp, không hiểu sao tự nhiên trời giáng cái mùi
khủng khiếp thế. Bệnh viện náo loạn đã đành, khổ nhất là các bác sĩ, phải đeo tới
ba bốn lần khẩu trang, mà mặt mũi vẫn nhăn như ăn phải ớt. Các kết quả khám
nghiệm tim phổi bình thường, quý ông vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Rốt cuộc các bệnh
viện từ huyện đến tỉnh đều bó tay, phải đưa quý ông lên bệnh viện trung ương.
Nhiều vị giáo sư danh tiếng được mời đến. Lại tiến hành xét nghiệm, lại diễn ra
bao nhiêu cuộc hội chẩn... cuối cùng cũng tìm ra nguyên nhân. Thì ra chung quy
vẫn là cái chứng bệnh "đa nhân cách" ấy mà thôi. Nhưng lần này, quý
ông không "tưởng" mình là chiếc tắc xi như trước nữa, mà lại "tưởng"
mình là... cái vật uế tạp nhất đời kia...
Mới hay tạo hóa sinh ra ý chí của con người thật là mạnh mẽ
ghê hồn. Một khi cái ý chí ấy đã quyết "tưởng" mình là cái gì, thì
thân thể sẽ thể hiện ra đúng là cái ấy. Cũng may nó vẫn chừa lại cho quý ông
Trưởng lão một chút lý trí để biết tự khiếp mình., dẫu rằng một vật uế tạp có
lý trí thì quả có hơi quái đản. Mà những căn bệnh có nguồn cơn liên quan đến
cái gọi là ý chí ấy thì xưa nay, y học thường bó tay. Con cháu lại phải đưa quý
ông về làng. Bấy giờ, các triết giả trong làng được dịp có đề tài tha hồ bàn luận.
Có vị cao hứng viết hẳn một cuốn sách dày, tiên đoán nhập nhằng về sự thoái
hóa, biến chất của thân thể con người... Riêng nhà hiền triết Khắc Thông trứ
danh kia thì vẫn im lặng, tuyệt không có phản ứng gì trước sự kiện đó. Thế này
thì rõ là quá quắt, không thể chấp nhận được. Ông già ấy định giễu cả một nền
triết học hay sao. Cứ cho là ông ta nhắm mắt, bịt tai... Nhưng cái mùi khủng
khiếp đang ô nhiễm cả môi trường như thế này, chẳng lẽ ông ta bịt cả mũi nữa
hay sao?. Các triết giả tập trung nhau lại, kéo đến ngõ nhà hiền triết Khắc
Thông, quyết làm cho ra nhẽ.
Một cuộc tranh cãi triết học diễn ra ngay trước mũi nhà hiền
triết. Không chịu được cái tính gan lỳ, trơ trơ của ông già, triết giả Khắc Dụng
vẫn là người hung hăng nhất bèn túm cổ áo nhà hiền triết mà gào lên: "Ông
không thể làm xấu mặt cả cái nền triết học này được. Phải viết ra ít nhất thì
cũng một chữ chứ. Con người bắt đầu biến thành chất khác rồi kia kìa, chẳng lẽ
mũi ông tịt, không ngửi thấy mùi gì sao...?". Nhà hiền triết bấy giờ mới cất
tiếng. Thì ra các triết giả vốn chỉ khinh sau lưng nhau, nay ở trước mặt nhau
cũng có phần vì nể. Song ông cũng chỉ trả lời ngắn gọn có một câu đại ý:
"Tại các ông bây giờ mới ngửi thấy mà thôi, còn tôi ngửi suốt bấy nhiêu
năm nay rồi, có gì mới đâu mà phải viết!". Các vị triết giả nghe xong ngớ
ra, chẳng hiểu nhà hiền triết nói thế là có ý tứ gì. Song trước mặt ông nhất thời
chưa thể giải nghĩa cho thấu đáo được, đành bấm nhau đằng sau quay, rút lui rất
có trật tự.
Cái mùi của quý ông Trưởng lão ngự trị môi trường một thời
gian thì làng cũng bắt đầu cảm thấy quen quen, đỡ đi phần nào khó chịu. Song những
người nơi khác có việc phải vào làng thì vô cùng e ngại. Điều này làm cho làng
mất sĩ diện đã đành, mà còn có nguy cơ bị thiên hạ tẩy chay, không thèm bén mảng
đến nữa thì gay to. Những người có trách nhiệm bèn nghĩ đến chuyện phải cách ly
quý ông Trường lão tội nghiệp ấy ra ngoài đồng vắng. Chỉ phải cái vi phạm luật
nhân quyền. Giá mà các triết giả đừng cãi vã nhau nữa, cứ họp nhau lại, thống
nhất "định nghĩa" quý ông ấy rốt cuộc thuộc về "người" hay
"vật" để còn biết lối mà áp dụng cách đối xử thì hay quá...
Nhưng rồi cũng đến lúc làng không phải lo nghĩ phân vân gì nữa.
Số là do suốt ngày nôn ọe, ăn uống rất chi là khó khăn nên sức lực của quý ông
sút giảm đi nhanh chóng. Mặc dù được người nhà và các giáo sư, bác sĩ tận tình
cứu chữa. Song, do tuổi cao, bệnh hiểm, quý ông Trường lão buộc phải từ trần.
Cũng có kẻ thở phào nhẹ nhõm, cho là từ nay thoát khỏi cái mùi ô nhiễm kia. Còn
hơn thế nữa, điều kì diệu sắp sửa lại diễn ra. Đúng vào lúc đọc điếu văn cho
quý ông, người ta bỗng ngửi thấy một mùi thơm, mới đầu còn thoang thoảng, sau bốc
lên ngào ngạt làm ngây ngất cả một vùng. Lần này thì không còn gì phải nghi ngờ
nữa, đích thị cái mùi thơm kia phát ra từ trong chiếc quan tài chứa quý ông. Những
người có học trong làng kinh ngạc đến lồi cả mắt. Vận dụng tất cả những kiến thức
đông tây, họ không sao giải thích được cái hiện tượng lạ lùng kia. Người đã chết
chẳng lẽ lại có một kiểu "đa nhân cách" khác hay sao? Riêng các bà
nhà quê chân đất thì lại có cách giải thích rõ ràng, tuy có hơi mê tín dị đoan
một tý. Các bà bảo rằng đó là do ông trời có mắt, lúc sống trót bắt quý ông
mang cái mùi uế tạp kia, nay chết đi được trời bù lại bằng cái mùi thơm ấy cho
công bằng...
Đám tang quý ông Trưởng lão lại đâm ra thành một đám dễ chịu
nhất từ xưa tới nay, bởi nó diễn ra trong ngào ngạt hương thơm. Mọi người lập tức
xóa bỏ cho bằng hết những mặc cảm, ký ức về cái mùi trước kia. Nghĩa tử là
nghĩa tận. Làng đứng ra tổ chức công việc hậu sự cho quý ông một cách vô cùng
chu đáo, có cả mấy dàn kèn phục vụ hẳn hoi. Các triết giả lại được dịp tha hồ
mà lập ngôn, lập thuyết... Người ta kháo nhau rằng nhà hiền triết Khắc Thông cuối
cùng đã chịu viết. Nhưng hình như cũng chỉ viết thêm có một chữ mà thôi. Một chữ
cũng là quý hóa lắm rồi, bởi cái ông già gàn dở ấy suốt bấy nhiêu năm mới viết
được có một chữ, thì sự kiện này xem ra sánh ngang với bấy nhiêu năm đằng đẵng ấy
rồi còn gì. Sau khi quý ông đã mồ yên mả đẹp, dân làng lại háo hức kéo nhau tới
ngõ nhà hiền triết xem cái chữ ông mới viết ra là chữ gì. Quả là nhà hiền triết
đã chịu viết thêm một chữ thật. Ông không ngần ngại đưa sách ra cho mọi người
xem. Trong không khí thơm tho vẫn còn lẩn quất, người ta thận trọng lần giở cuốn
sách dày cộp kia ra. Vẫn trang đầu, cái chữ "nhạt" ngày trước. Trang
thứ hai quả nhiên mới được viết thêm. Mọi người hồi hộp đánh vần rồi không tin
vào mắt mình nữa. Giữa trang giấy trắng tinh, hiện lên rõ ràng một chữ, lại vẫn
là chữ... "Nhạt"!. Nhưng lần này thì hình như viết hoa.
Phạm Lưu Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét