Trong phạm
vi nghiên cứu văn học Việt Nam, từ khoảng những năm 1970-80s đã nảy sinh và sau
đó phát triển ngày một nhiều, ngày càng đa dạng, những phạm vi nghiên cứu hẹp
hơn, xét về quy mô lãnh thổ. Ấy là những nghiên cứu biên soạn về văn học các địa
phương, hoặc là tỉnh thành, hoặc là vùng miền.
Xu hướng này trở nên một loại công việc dường như bao giờ
cũng cần phải thực hiện, sau những sự kiện như thành lập các Hội văn học nghệ
thuật của các tỉnh, thành phố; hoặc một tỉnh thành nào đó mới được tái lập, cần
soạn thảo diện mạo văn hóa từ quá khứ đến hiện tại, hoặc, đơn giản là khi một tỉnh
thành nào đó được duyệt cấp kinh phí cho dự án viết bộ địa chí văn hóa của
mình. Đấy thường là những dịp giới nghiên cứu chuyên nghiệp của các viện các
trường đại học được “đặt hàng” để phác thảo ra một tiến trình văn học của tỉnh,
thành từ xa xưa đến hiện tại, xác định và tô đậm những tên tuổi tiêu biểu.
Trong dòng diễn ngôn tôn vinh truyền thống văn hóa địa phương, không ít cây bút
chẳng mấy ngại ngần để nói về một “nền” văn học của mỗi tỉnh, thành!
Tất nhiên
không nên phủ nhận tác dụng của những nghiên cứu như trên, bởi dù sao đó cũng
chỉ là những dạng nghiên cứu tiến trình văn học sử Việt Nam. Vấn đề đặt ra là
thử xem có thể và nên nghiên cứu văn học địa phương dựa trên những nguyên tắc
nào? Và trong số ấy, đâu là những nguyên tắc hữu lý, đâu là những nguyên tắc vô
lý, không nên khai triển?
Trước hết,
hãy thử xem những gì thường được xem là làm nên văn học một địa phương?
Có thể thấy,
người ta thường chú ý trước hết đến phạm trù tác giả.
Những tác giả văn học có quê quán tại địa phương hoặc từng sống
và hoạt động nhiều năm tại địa phương – sẽ được xem như các tác giả văn học của
địa phương. Và dường như mặc nhiên tổng số những tác giả như thế, với tổng thể
các sáng tác hoặc trứ thuật của họ – sẽ làm nên “diện mạo”, thậm chí cả “bản sắc”
văn học một địa phương, trên cả hai chiều đồng đại và lịch đại.
Theo tập
quán, sự xác định nhân thân mỗi con người ở Việt Nam thường được gắn với một loạt
tham số, trong đó bao giờ cũng có “quê quán”, và quê quán thường được hiểu là
“quê cha”. Do vậy sự xác định quê quán một nhà văn thường được căn cứ ở tiêu
chí quê cha.
Trên thực tế, một nhà văn có thể không sinh ra tại quê cha,
đôi khi cũng không sống và hoạt động tại quê cha. Những ví dụ rõ nhất có thể
chính là ở thời hiện tại, khi phần đông nhà văn thường sống và làm việc tại một
vài đô thị trung tâm. Những năm 1954-75 số đông nhà văn miền Bắc sống và làm việc
tại thủ đô Hà Nội; từ sau 1975 có thể tính thêm một trung tâm lớn nữa là thành
phố Hồ Chí Minh. Gần đây hơn mới thấy thêm những đô thị có tương đối đông nhà
văn cư trú thường xuyên như Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang…
Như đã nói trên, giới biên khảo thường chỉ căn cứ vào quê cha
để đưa từng nhà văn này hay khác vào các trang biên khảo văn học địa phương (tỉnh,
thành). Điều này thường chỉ ít nhiều hợp lý đối với văn chương trung đại, khi
phần lớn tác gia đều gắn cuộc đời với quê quán, song ngay trong phạm vi văn
chương trung đại thì điều này cũng không hoàn toàn phù hợp, bởi khá đông tác
gia thường đồng thời là quan chức, những giai đoạn năng động nhất trong cuộc đời
họ thường gắn với kinh đô, gắn với đường công vụ, chỉ khi nghỉ hưu mới về sống ở
quê nhà.
Đối với văn chương thời hiện đại và đương đại, những cứ điểm
của nó bao giờ cũng là các đô thị, nơi đặt các tòa soạn báo, các nhà xuất bản,
các nhà in. Do vậy, tại những trung tâm này thường tập trung đông đảo nhà văn,
nhà báo đến từ nhiều địa phương khác nhau. Thực tế này khiến nhà biên khảo có
thể trở nên mâu thuẫn khi rút từng nhà văn vốn hoạt động bên cạnh nhau để
“tính” (hay không “tính”) vào những trang văn học sử khuôn theo những không
gian địa phương khác nhau.
Trong khi tập trung hầu như duy nhất vào tiêu chí quê quán
(mà đôi khi chỉ là quê cha) để tìm tác gia cho các trang văn học sử địa phương,
giới nghiên cứu địa chí văn hóa lại hầu như bỏ qua không ít những tiêu chí
khác, những phương diện khác vốn có thể làm phong phú sự hình dung diện mạo hoạt
động văn hóa, văn học địa phương mình. Chẳng hạn, những người soạn địa chí văn
hóa thường bỏ qua việc xem xét tại địa phương mình khảo sát đã từng có hay
không những thiết chế như các nhà in, nhà xuất bản, tòa soạn báo? Mà đây lại
chính là dấu hiệu sự hiện diện của các công việc làm ra ấn phẩm, xuất bản phẩm,
– những “hiện vật” chứng tỏ sự hiện diện của đời sống văn học.
Theo sự tìm hiểu còn khiếm khuyết của mình, tôi nhận thấy
trong hoạt động biên soạn địa chí văn hóa các địa phương trong cả nước, hình
như chỉ các soạn giả địa chí văn hóa hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM là có dành
ra các phần việc khảo sát và biên soạn những trang sử về ngành in, ngành xuất bản,
ngành báo chí tại hai đô thị lớn này. Còn lại, các soạn giả địa chí văn hóa các
địa phương khác hầu như đều bỏ qua các lĩnh vực đó.
Vậy mà trong toàn quốc, không phải chỉ hai nơi kể trên mới có
hoạt động in ấn, làm sách, làm báo!
Quả vậy, những đô thị đã từng là trung tâm hành chính, chính
trị, thương mại, văn hóa của mỗi vùng đất hoặc lớn hoặc nhỏ, qua các giai đoạn
lịch sử khác nhau, đều đã từng chứng kiến sự tồn tại và hoạt động của những thiết
chế như nhà in, tòa soạn báo, nhà xuất bản. Ta có thể tìm thấy những thiết chế ấy
không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn, mà còn tìm thấy chúng ở Hải Phòng, Hải Dương, Nam
Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Tây Ninh, v.v…
Nếu tại những trung tâm Phật giáo, ví dụ như chùa Vĩnh Nghiêm
(Bắc Giang) đến nay còn lưu giữ được hàng ngàn ván khắc các trang của hàng chục
bộ kinh Phật đã được làm ra có thể từ dăm bảy trăm năm trước (bộ ván khắc được
UNESCO vinh danh là ký ức nhân loại năm 2012), thì, chẳng hạn, tại những trung
tâm Thiên Chúa giáo ở miền Bắc như Kẻ Sở (Hà Nam), Bùi Chu (Ninh Bình), Kẻ Sặt
(Hải Dương) vào thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, cũng từng đã có các nhà in để
chuyên in kinh sách đạo Thiên Chúa.
Ở Việt Nam, kế tiếp sau thời đại in khắc ván có nguồn từ
Đông Á là thời đại in hoạt bản có nguồn từ châu Âu. Kỹ nghệ in chữ rời với loại
máy in của châu Âu đã theo chân các vị thừa sai của Thiên Chúa và các lái buôn
người Âu, nhất là theo chân đội quân chiếm đóng và bộ máy cai trị, để du nhập
vào Việt Nam; nó không chỉ có mặt trong phạm vi nhà thờ mà sẽ đến lúc xuất hiện
tại một số đô thị, trước tiên là Sài Gòn.
Hiện nay tài liệu về lịch sử in ấn ở Việt Nam còn tương
đối ít. Theo tôi chỉ mới có bộ “Lịch sử ngành in Việt Nam”, sơ thảo, 2 tập (tập
1: 1987; tập 2: 1992) do Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa-Thông tin chủ trì, nhóm biên
soạn: Nguyễn Lương Hoàng (chủ biên), Phạm Đức Khiêm, Nguyễn Kim Xuân. Bộ biên
khảo này chú trọng mô tả phong trào công nhân, công đoàn ngành in và các cơ sở
in bí mật của Đảng CSĐD những năm 1930-1945 (tập 1), việc xây dựng ngành in từ
1945 đến 1990 dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt
Nam (tập 2). Đây chưa phải một phác thảo về toàn bộ lịch sử hoạt động in ấn ở
Việt Nam, song bộ sách cũng đã cho người ta biết về các hệ thống in ấn quốc
doanh từ những năm 1950 đến những năm 1990 như: hệ thống in ấn sách báo của Đảng
và Nhà nước, hệ thống in tài chính-ngân hàng, hệ thống in quân đội, ngành in
sách giáo khoa, ngành in thông tấn xã… Cuốn biên khảo này cũng dành riêng một
phần đáng kể mô tả hệ thống in ấn địa phương tại các tỉnh thành khắp 3 miền Bắc,
Trung, Nam; nhiều trang sách giống như những mẩu hồi ức của những người từng
kinh qua công việc.
Lịch sử in ấn không phải là văn học sử, nhưng rõ ràng nó có
liên quan tới các hoạt động văn hóa, tới các trang văn học sử. Phác thảo diện mạo
văn chương mỗi địa phương thiết tưởng không nên bỏ qua việc khảo sát hoạt động
in ấn tại chỗ qua các thời kỳ lịch sử.
Các lĩnh vực báo chí và xuất bản đương nhiên cần được khảo tả
trong tiến trình lịch sử của chúng. Và bên cạnh sự khảo tả một diện mạo chung
toàn quốc, thiết tưởng hoạt động báo chí và xuất bản cũng nên được các nhà biên
khảo địa phương chí khảo sát và mô tả trong những quy mô địa phương cụ thể.
So với ngành in thì hai ngành báo chí và xuất bản gắn trực tiếp
hơn với hoạt động văn học. Nhất là văn học từ thời hiện đại, trong đó mỗi sáng
tác hoặc trứ thuật của các tác giả đều cần được công bố thông qua việc in nhân
bản (tức là in từ một bản thành nhiều bản) rồi phát hành (tức là bán sách, báo)
cho công chúng. Báo in và sách in là hai kênh giao tiếp căn bản của hoạt động
văn học hiện đại, cũng là hai “mặt hàng” chính của văn chương trên trường
thương mại.
Ở đâu có hoạt động ra báo in sách, ở đó mới thực sự có đời sống
văn học. Bởi vậy, đối với việc biên khảo văn học địa phương, thiết tưởng nên đặt
vấn đề tìm hiểu xem tại địa phương ấy trong những giai đoạn nhất định đã có hay
không hoạt động ra báo, in sách? Chỉ sau hai việc ra báo, in sách, mới nên xem
xét đến các loại hoạt động khác, làm thành những sinh hoạt văn học tại chỗ: hệ
thống hiệu sách, quán sách, hệ thống thư viện, tủ sách chung hoặc riêng, những
gặp gỡ giữa các tác giả với bạn đọc tại địa phương, v.v…
Thật ra thì không khó để kể tên và lai lịch các báo, tạp chí
gắn với các hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành từ những năm 1960 đến nay.
Tuy vậy, việc tìm lại dấu vết các báo, tạp chí, nhà xuất bản tại các địa phương
(ngoài Hà Nội, Sài Gòn) xuất hiện và hoạt động ra sao trong thời gian trước
tháng 8/1945, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong bảng kê báo chí (công khai) tiếng Việt ở Việt Nam từ
1865 đến 1945, phụ lục sách “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945” của nhà
nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng, ta thấy phần lớn các nhật báo, tuần báo, tạp chí xuất
bản tại Sài Gòn hoặc Hà Nội, bên cạnh đó cũng có những tờ báo, tạp chí xuất bản
tại các đô thị nhỏ hoặc các tỉnh lỵ.
Ở Huế (khi đó là kinh đô nhà Nguyễn) thấy có các tờ: “Tiếng dân”
(1927-43), “Du học báo” (1927-35), “Tả trực báo” (1930-31), “Hoan Châu tân báo”
(1930), “Bình Phú tân văn” (1930-31), “Trường an cận tín” (1930-32), “Trung Kỳ
vệ sinh chỉ nam” (1930-31), “Trung kỳ nam giới” (1931-32), “Kim lai tạp chí”
(1931-32), “Tiên long báo” (1932-34), “Phụ nữ tân tiến” (1932-34), “Văn học tuần
san” (1933), K’huynh diệp ‘(1933-34), “Tràng an báo” (1935-43), “Ánh sáng”
1935), “Sông Hương” (1936-37), “Vì Chúa” (1936-44), “Nhành lúa” (1937), “Cười”
(1937), “Kinh tế tân văn” (1937), “Đất Việt” (1938), “Viên âm tập san”
(1940-43), “Pháp Việt” (1941), “Giáo dục tạp chí” (1942-44), “Giữ vững”
(1942-44).
Tại Vinh thấy có các tờ “Thanh Nghệ Tĩnh tân văn” (1930-36),
“Sao mai” (1934-39), “Tiểu thuyết thứ hai” (1935), “Bạn trẻ” (1935), “Đường
ngay” (1936-37), “Ý dân” (1936-38), “Đông Dương hoạt động” (1937), “Y học tạp
chí” (1937-41), “Phục hưng báo” (1938), “Tuần lễ” (1938-40), “Phòng thương mại
canh nông Bắc bộ Trung Kỳ” (1942-44). Tại Thanh Hóa thấy có tờ “Trung Nam Bắc”
(1937), “Công thương báo” (1938-39). Tại Quy Nhơn thấy có các tờ “Lời thăm các
thầy giảng” (1922-43), “Livres de Revues” (1934-35). Tại Nha Trang thấy có tờ
“Tương lai” (1934). Tại Faifo (Hội An) thấy có tờ “Việt Nam thương báo”
(1934).
Ở Bắc Kỳ báo chí hầu hết tập trung tại Hà Nội, nhưng cũng có
một số đô thị có báo chí.
Tại Hải Phòng thấy có các tờ: “Le Moniteur de Hải Dương”
(1924-29), “Doanh nghiệp” (1933), “Tân văn tiểu thuyết” (1933-35), “Hải Phòng
tuần báo” (1934-35), “Việt Nam” (1935), “Hoạt động” (1935), “Kỹ nghệ thương mại”
(1936-38), “Chuyện đời” (1938-40). Tại Nam Định thấy có các tờ “An Nam thông
chí” (1932-33), “Kinh tế tạp chí” (1933-34), “Kho chuyện của phái cười đời”
(1933), “Công giáo Nam thành” (1935-37), “Tỉnh Ninh Bình” (1936-38), “Bạn thiếu
niên” (1937), “Văn côi tạp chí” (1937-42), “Tam giáo kỷ yếu” (1937). Tại Bắc
Ninh thấy có tờ “Bắc Ninh tuần báo” (1935-36), “Tiến bộ” (1936). Tại Hà Đông thấy
có tờ “Đức Bà hằng cứu giúp” (1935-43).
Ở Nam Kỳ báo chí tập trung hầu hết ở Sài Gòn (kể chung cả Chợ
Lớn, Gia Định), nhưng cũng khá nhiều tỉnh lỵ có báo chí.
Tại Cần Thơ thấy có các tờ “An hà báo” (1917-34), “Hậu giang”
(1933-35). Tại Trà Vinh thấy có tờ “Duy tân Phật học” (1935-43). Tại Mỹ Tho thấy
có tờ “Đuốc chân lý” (1935-39), “Tiểu thuyết tuần san” (1938), “Đông phương tạp
chí” (1939). Tại Sóc Trăng thấy có tờ “Bồ đề tạp chí” (1936). Tại Quảng Ngãi thấy
có tờ “Cấm thành tạp chí” (1936). Tại Rạch Giá thấy có tờ “Tiến hóa tạp chí”
(1938-39). Tại Bạc Liêu thấy có tờ “Sống chung” (1939-40). Tại Long Xuyên thấy
có tờ “Công chức” (1939-40), “Thực tế” (1940-41). Tại Vĩnh Long thấy có tờ
“Hương thôn sinh hoạt” (1939). Tại Hồng Ngự thấy có tờ “Hạnh phúc”
(1939). [1]
Báo chí vốn là lĩnh vực thông tin nói chung, nhất là thông
tin thời sự xã hội chính trị; chỉ có khá ít tờ báo chuyên ngành văn chương nghệ
thuật. Song việc khảo sát diện mạo văn hóa địa phương trong thời gian lịch sử
thì không nên bỏ qua trạng thái các tờ báo từng xuất bản tại địa phương, sự tập
hợp các nhà báo nhà văn xung quanh mỗi tòa soạn, quan hệ giữa các tờ báo trên
cùng địa bàn hoặc khác địa bàn...
Nếu theo dõi một tờ tuần báo xuất bản ở Vinh là tờ “Tuần lễ”
(1938-40) do Dân biểu Nguyễn Đức Bính (Dân biểu Nghệ An tại Viện Dân biểu Trung
Kỳ) làm chủ nhiệm, nhà báo Nguyễn Triệu Luật làm chủ bút, ta sẽ thấy có một
nhóm nhà báo nhà văn làm cùng một lúc hai tờ báo, một ở Hà Nội, một ở Vinh. Bởi
vì tờ “Thời vụ” (1938-40) xuất bản ở Hà Nội, do Phạm Toàn là chủ nhiệm, Nguyễn
Đức Bính là chủ bút, ra số 1 vào ngày 8/1/1938, thì hơn 2 tháng sau, tờ “Tuần lễ”
ra số 1 (19/3/1938) ở Vinh. Những người viết chính cho cả hai tờ này là Nguyễn
Đức Bính (còn ký Tiêu Viên, Tiêu Lang), Nguyễn Triệu Luật (còn ký Dật Lang,
D.L.), Ngô Tất Tố (ký nhiều bút danh: Thục Điểu, Xuân Chào, Xuân Trào, Thuyết Hải,
Đạm Hiên)… Lại cũng thấy tờ “Tuần lễ” có một địch thủ là Trần Bá Vinh, cũng là
ông nghị, chủ nhiệm tờ “Sao Mai” (1934-39) xuất bản tại Vinh. Những bút chiến
giữa hai tờ này có lẽ để lại nhiều dấu vết trong ký ức, nên sau này, vào những
năm 1960, khi giới nghiên cứu hầu như chỉ còn biết Ngô Tất Tố như một nhà văn,
thì ông cựu chủ nhiệm “Tuần lễ” và cựu chủ bút “Thời vụ” (là Nguyễn Đức Bính) vẫn
dám khẳng định rằng “Ngô Tất Tố trước hết là một nhà báo”, “Ngô Tất Tố trước hết
là một nhà văn viết tạp văn”. [2]
Nếu báo chí từng xuất bản tại các địa phương còn ít nhiều có
được một vài manh mối sơ lược như trên cho giới nghiên cứu, thì xuất bản
tại các địa phương lại được ghi chép khá ít ỏi.
Ở khu vực tư nhân, xuất bản là nghề thường gắn với nhà in. Do
thủ tục xin cấp phép in sách thường đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khác
nhau, từ các nhà kinh doanh đến cá nhân các tác giả, nên trong thời gian từ đầu
thế kỷ XX đến tháng 8/1945, không chỉ các đối tượng được gọi là nhà xuất bản
(édition) mà ngay cả các hiệu sách (librairie), các nhà in (imprimerie) và
chính tác giả và/hoặc nhóm tác giả cũng có thể đứng ra xuất bản tác phẩm của
mình (tự xuất bản). Tất nhiên thông thường nhất vẫn là các đơn vị vừa sản xuất
vừa kinh doanh (nhà xuất bản, hiệu sách, nhà in).
Từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 4/1975 trong toàn quốc, việc xuất
bản sách hầu như chỉ do những đơn vị gọi là “nhà xuất bản” đảm nhiệm, song giấy
phép ra sách vẫn có khi được cấp cho các đơn vị tự biên soạn và xuất bản sản phẩm
của mình (ví dụ một số viện, hội, cơ sở nghiên cứu chuyên biệt…), và ở các địa
phương cấp tỉnh vẫn cấp giấy phép cho một số cơ quan hoặc đơn vị dân chính hoặc
dân sự (ví dụ các dòng họ…) in một số loại ấn phẩm sách.
Tình hình trên đây đưa tới hệ quả là, hầu như sách luôn luôn
được in ấn và phát hành tại cả các đô thị lớn lẫn các địa phương tỉnh thành,
song dường như người ta chỉ biết tên những chủ thể xuất bản quy mô tương đối lớn,
hoạt động tương đối nhiều năm. Còn lại, những đơn vị xuất bản hoạt động thời
gian ngắn, hoặc hoạt động tại các địa phương, thì người ta ít biết tên tuổi.
Qua thời gian nhiều năm, những tổ chức làm sách (= nhà xuất bản) tất phải đổi
thay, giải tán. Cái còn lại là ấn phẩm, với tên đơn vị xuất bản được ghi cùng
tên sách.
Rốt cuộc, để tìm hiểu diện mạo “làng” xuất bản những thời đã
xa, cùng với một vài hồi ức may mắn được ghi lại của người trong cuộc, người ta
hầu như phải lần theo những cuốn sách còn lưu lại.
Thử làm một ví dụ, tra cứu sách “Lược truyện các tác gia Việt
Nam”, tập 2 là sách kê biên các tác giả quốc ngữ, ở tác giả số 9, Nguyễn Đỗ Mục,
thấy có đến 2 tiểu thuyết do nhà Nguyễn Kính ở Hải Phòng in. Lại tra thư mục
Thư viện Quốc gia, thì thấy nhà in Nguyễn Kính ở Hải Phòng, từ 1926 đến 1930 có
đến 44 tên sách các loại, phần khá lớn là sách văn học, như các vở kịch “Uyên
ương”, “Hai tối tân hôn”, “Hoàng Mộng Điệp, doanh nghiệp kỳ nữ” của Vi Huyền Đắc,
một số truyện tình, truyện lịch sử pha lẫn kiếm hiệp, và khá nhiều sách y dược
học. Và đây chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp tương tự.
Tìm hiểu qua các thư viện và kho lưu trữ, có thể thấy nguồn
xuất bản địa phương là khá phong phú, luôn luôn hoạt động; sách in thuộc mọi
chuyên ngành, sách văn học nghệ thuật không thật nhiều song cũng luôn có ở mức
đáng kể.
Từ sau những năm đổi mới (1986) và nhất là từ đầu thế kỷ XXI,
sự phát triển kinh tế, du lịch khiến các địa phương cũng chủ ý mở mang việc in ấn
xuất bản sách báo. Không ít tác giả không chỉ theo một hướng đưa bản thảo của
mình tới các địa chỉ ở Hà Nội, Tp. HCM., mà cũng sẵn sàng in tác phẩm của
mình tại địa phương. Mặt khác, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin,
của mạng internet, đã khiến các khoảng cách địa lý không còn là những cản ngại
đáng kể nữa; người viết, dù viết báo hay viết văn, có thể sống tại những nơi xa
cách các trung tâm, vẫn có thể liên lạc thường ngày với các tòa soạn, nhà xuất
bản. Sách báo in tại thành phố lớn hay tại tỉnh lẻ đều có thể phát hành tới mọi
nơi trong ngoài nước. Các khoảng cách và sự khác biệt trung ương - địa phương
đang rút ngắn lại. Các khái niệm đời sống văn nghệ, sinh hoạt văn nghệ đang
thay đổi quy mô từ bên trong.
Tuy vậy, diện mạo đời sống văn học, nghệ thuật ở quy mô toàn
quốc cũng vẫn là sự tổng cộng, tổng hòa những sinh hoạt văn học nghệ thuật tại
nhiều khu vực, nhiều trung tâm, kể cả các vùng, các địa phương.
Bởi vậy, dù nghiên cứu biên khảo văn hóa địa phương ở các thời
gian đã qua hay thời gian gần đây, những người nghiên cứu, biên khảo không nên
chỉ quy văn học địa phương vào các tác gia quê tại địa phương, mà nên tìm hiểu
và đưa các trang biên soạn của mình tới những khu vực dễ bị quên – những hoạt động
báo chí xuất bản văn học, nghệ thuật từng diễn ra ở quy mô địa
phương.
Chú thích
[1] Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến
1945. Tp.HCM.: Nxb. Tp.HCM., 2000, tr. 433-515.
[2] Nguyễn Đức Bính, Ngô Tất Tố như tôi đã biết//
Tạp chí Văn Nghệ, Hà Nội, s. 61 (tháng 6.1962).
12/1/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét