Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Nhân một số ý kiến về Từ điển văn học

Nhân một số ý kiến về 
Từ điển văn học (bộ mới) 
Từ lúc sách Từ điển văn học (bộ mới) (sau đây sẽ viết tắt: TĐVH (m)) ra mắt, tôi tuy tự coi mình như độc giả nhưng cũng biết rằng mình còn là một trong những đồng soạn giả của nó, nên  chú tâm lắng nghe hơn là định lên tiếng. Nay, sau khi đã đọc được một số ý kiến phê bình trong đó có nêu những điều liên quan đến những mục từ mình soạn, tôi thấy cần có đôi lời tạm coi là phúc đáp, đồng thời nhân dịp này xin nêu thêm một vài ý kiến.
1/ TĐVH, cả bộ cũ lẫn bộ mới, cần được xem như kết quả sự hợp tác cá nhân của các soạn giả và nhóm chủ biên. Cần nói điều này vì sách được làm trong nước Việt Nam.
Bộ cũ, được làm trong thời bao cấp, nhưng không phải là sản phẩm chính ngạch của cơ quan nhà nước nào cả, dù những người chủ biên và các soạn giả đều là viên chức nhà nước (nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, nhà báo, nhà văn,…); phần việc tham gia TĐVH chỉ là việc làm thêm tự nguyện ngoài “8 giờ vàng ngọc”.
Bộ mới, làm ở thời “hậu bao cấp”, vẫn không phải là sản phẩm dự án (bậc nào đó: nhà nước, bộ, viện,…) tức là không được sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là chỗ khác biệt căn bản giữa TĐVH (m) so với, chẳng hạn, “Từ điển bách khoa Việt Nam”. Bộ bách khoa nhà nước ấy, khi ra mắt được tập đầu tiên thì nghe nói đã tiêu đến tiền chục tỷ đồng  ̶   không phải vì các soạn giả được trả giá cao (xin lấy minh chứng cá nhân: người viết những dòng này được đặt soạn mục từ “Dế mèn phiêu lưu ký”, được trả hai chục ngàn đồng, tức là chừng hơn 1 USD, thế thôi) mà có lẽ vì nội dung các mục từ được đọc duyệt rất nhiều lần bởi rất nhiều quan chức các cỡ; thế mà bộ bách khoa thư với giá thành biên soạn biên tập vào loại đắt nhất thế giới lại chưa chứng tỏ được chất lượng của mình. 
Đặt bên cạnh bộ bách khoa kia, nhóm chủ biên TĐVH (m) có cái thiệt là không được dùng tiền nhà nước để tổ chức biên soạn, đặt viết bài mục,… nhưng lại có cái may là được tự do và chủ động nhiều hơn, bài vở ít bị quăng lên quật xuống, ít bị tham vấn ngay từ trong bản thảo bởi những quan chức chỉ muốn người ta dùng “lưỡi gỗ”. Tất nhiên mọi thứ đều được làm trong không gian chính trị Việt Nam với những đặc điểm mà ở xa người ta cũng biết rõ. Nhóm chủ biên và những người tham gia soạn TĐVH (m), ngoài giới hạn hiểu biết của mình hiển nhiên còn bị giới hạn bởi tâm thế “tự kiểm duyệt”. Rồi công trình của họ trên đường qua nhà in tới bạn đọc còn phải chịu thêm phiền toái hoặc áp lực của đôi ba kẻ bô báo đơm đặt, đôi ba nhà kiểm duyệt không muốn lộ diện…
Những điều tôi vừa kể trên dù sao cũng chỉ là những ghi chú về hoàn cảnh làm sách; còn lại, sách vẫn cần được xem xét theo yêu cầu thiết yếu đối với nó.
2/  Về phần những mục từ tôi góp vào TĐVH(m), đọc các ý kiến của Đặng Tiến (Khoa học & Tổ quốc, s.9&10 (256) ngày 20-5-2005) và Bùi Khởi Giang (Văn hoá nghệ thuật, s. 6/2005), tôi thấy cần ghi chú đôi điều để khỏi gây hiểu lầm hoặc định kiến không cần thiết.
Xin kể gọn những điều chẳng bí mật gì mà cũng chẳng hấp dẫn gì đằng sau các trang viết. Khoảng mùa hè 1995, tôi được mời đến nhà riêng ông Đỗ Đức Hiểu gặp nhóm chủ biên TĐVH (hôm đó có Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu). Đại khái được biết các ông muốn sửa chữa bổ sung để in lại TĐVH; các soạn giả có mục từ dùng trong lần in cũ đều đã được thông báo sửa chữa, thêm bớt theo hướng cập nhật tri thức văn học đương đại. Riêng về các mục từ thuật ngữ văn học, nhóm chủ biên cho tôi biết: ông Phương Lựu đề nghị rút toàn bộ các mục từ thuật ngữ của ông khỏi bộ sách để nhóm biên soạn tuỳ ý lo liệu; do vậy, nhóm chủ biên đề nghị tôi (Lại Nguyên Ân) soạn thay thế mảng mục từ ấy. Sau hôm đó, tôi tìm gặp ông Phương Lựu và chỉ sau khi biết ông vui vẻ trong hành động “rút” mảng mục từ ở TĐVH lần in trước, tôi mới nhận lời tham gia soạn các mục từ cho lần in mới này. (Cho nên từ đó tới nay quan hệ cá nhân giữa tôi với nhà nghiên cứu Phương Lựu vẫn luôn tốt đẹp; câu hỏi “đây là chọn lựa hay tranh chấp nội bộ” của Đặng Tiến là hoàn toàn tưởng tượng!). Tôi cũng quy ước với nhóm chủ biên: các thuật ngữ của lần in trước không phải chỉ việc rút bỏ bài soạn cũ và giữ nguyên tên đề mục để tôi viết lại bài khác “điền vào chỗ trống”; trái lại, tôi sẽ soạn chừng 100 mục từ thuộc loại thuật ngữ văn học, từng mục từ đều gắn bó toàn vẹn từ nhan đề đến bài soạn; không phải “titre” cũ “texte” mới, mà là cả “titre” lẫn “texte” của từng mục từ đều là do tôi đưa tới. Nhóm chủ biên chấp nhận quy ước ấy. Trong năm 1996, tôi soạn và nộp cho nhóm chủ biên được trên 100 mục từ, coi như xong việc, chuyển sang làm việc khác.
Thế rồi, chờ đợi mãi không thấy sách TĐVH(m) ra. Tôi gặp ông Đỗ Đức Hiểu nhiều lần, được thấy ông cũng sốt ruột chờ đợi thậm chí còn nhiều hơn tôi. Tôi nêu với ông ý định in phần mình soạn thành sách riêng, ông Đỗ Đức Hiểu ủng hộ tôi và đã viết lời giám định sách 150 thuật ngữ văn học theo yêu cầu của Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Vốn tôi còn có chừng năm sáu chục mục từ soạn hồi những năm 1980, khi ông Nguyễn Đức Nam làm giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục đứng ra tổ chức biên soạn “Từ điển thuật ngữ văn học” (ra mắt lần đầu: 1992, in lại nhiều lần; ở cuốn này những mục từ tôi soạn khi in ra không còn thấy rõ nét bút của tôi). Việc gộp 2 mảng thuật ngữ soạn 2 lần khác nhau thành 1 cuốn sách riêng của mình được tôi nêu ngay ở đầu sách 150 thuật ngữ văn học.
Như thế, điều ông Đặng Tiến nói mảng thuật ngữ văn học của TĐVH(m) “lấy ra từ sách có sẵn là 150 thuật ngữ văn học, in năm 1999, có chỉnh sửa”,  ̶ quả là chuyện “thấy dzậy mà không phải  dzậy”! Cũng chẳng có gì là hệ trọng lắm, nhưng nên biết sự thật là tôi soạn những mục từ ấy trước tiên là soạn cho TĐVH(m), nhưng vì TĐVH(m) chậm ra quá, tôi đem phần của tôi in ra trước thành một cuốn sách nhỏ, giúp ích ít nhiều cho người học dăm sáu năm nay rồi, bây giờ những mục từ ấy mới xuất hiện trong TĐVH(m), tuy chuyện đó có phần nào làm rầu lòng nhóm chủ biên (tôi đoán vậy) nhưng tôi không có lỗi với bạn đọc. Còn “những điều đáng tiếc” mà Bùi Khởi Giang nhận thấy soạn giả và nhóm chủ biên  mắc phải ở những mục từ ấy,  ̶  xin gọi thẳng là những hạn chế và bất cập, ̶   thì theo tôi, đều gắn với độ dài thời gian: từ lúc định chỉnh sửa bổ sung TĐVH (1995 hoặc sớm hơn) đến lúc sách in xong và được phát hành (2005) là 10 năm. Mặt bằng tri thức chung của xã hội ta còn thấp thua đáng kể so với mặt bằng thế giới, nhưng sự xích lại gần các chuẩn thế giới lại đang diễn ra hằng ngày trong xã hội ta. Trên trường ngôn luận cũng có tình hình tương tự. Tôi nghe được câu nói đùa vui: “Mọi thứ đang thay đổi nhanh đến mức những kẻ cơ hội nhất cũng nhiều phen bị bất ngờ!” Thế thì,  ̶  đây là trở lại nói chuyện nghiêm chỉnh,  ̶  cái thời thay đổi nhiều và nhanh như ở nước ta lúc này liệu có thuận lợi cho việc làm từ điển, cái việc có thể gọi nôm na là “đóng gói” tri thức các loại?
Những điều mà Bùi Khởi Giang cho là thiếu sót hoặc nhược điểm ở các bài mục tôi soạn (như dựa “đơn phương” vào nguồn tài liệu Nga mà lại là Nga “cũ”, không rành mạch giữa biên dịch với biên soạn,…), có lẽ đều ít nhiều gắn với lề lối làm việc của rất nhiều người chúng ta trong đó có tôi, ở một thời chưa xa. Bảo rằng những người soạn chúng tôi hãy gắng chỉnh sửa cái hiện có,  ̶   như lời Bùi Khởi Giang khuyên,  ̶  thì âu cũng là cách ứng phó trước mắt; về lâu dài hẳn phải trông cậy ở lớp soạn giả mới, trẻ trung sung sức hơn, học thức sâu rộng hơn. Vả chăng, đối với TĐVH(m), tôi chỉ là người cộng tác với nhóm chủ biên. Không phải ngẫu nhiên trong lần in thứ ba 150 thuật ngữ văn học (sách ra quý III/2004), tôi đã viết thêm vào lời dẫn: “Như đã nói rõ từ trước, hầu hết các mục từ tôi soạn vốn là tham gia những công trình từ điển tập thể; tuy vậy các mục từ đó ở dạng in ra trong các công trình ấy không tránh khỏi sự biên tập sửa đổi bởi nhóm chủ biên. Vì  vậy tự nhiên là người soạn vẫn gắn bó nhiều hơn với dạng thức các mục từ trong cuốn sách nhỏ này”. Đúng thế! Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung các mục từ mình soạn, nhưng là ở dạng in ra trong cuốn 150 thuật ngữ văn học của tôi.
3/ Xin dừng lại ở lời bàn của Đặng Tiến về mục từ “trữ tình”.  Ông Tiến cho rằng “trữ tình” không phải từ khó. Nhưng, theo tôi, ta nên lưu ý tìm hiểu xem khái niệm trữ tình như một trong ba loại lớn của văn học (tự sự, trữ tình, kịch,  ̶  theo phân loại có từ Aristote) là khó biết hay dễ biết đối với nhận thức chung của người Việt. Câu ông Tiến dẫn Từ điển tiếng Việt (1977) của Văn Tân (trữ tình = “nghệ thuật nặng về tình cảm của con người”) cho thấy phân loại văn học của Aristote còn chưa đi vào thường thức của một chuyên gia về tiếng Việt tính đến thời điểm cuối những năm 1970. Ông Tiến bảo rằng nếu hiểu “trữ tình” cũng như “trữ gạo”, “trữ nước” cũng không đến nỗi sai!  Suy luận thì thế, nhưng thực tế tiếng Việt thì sao? Các từ điển khá sớm về tiếng Việt như của Bá Đa Lộc (1772), Taberd (1838), Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895-96) đều có ghi “trử” (= trữ) với nghĩa “tích để, chứa lấy”; nhưng nên biết rằng trong đầu óc và trên cửa miệng người Việt, những “tích chứa” cụ thể thì dễ có (oa trữ, tàng trữ, trữ gạo, trữ mắm…) nhưng những tích chứa theo hướng hơi trừu tượng một chút thì lại hiếm. Hán Việt từ điển (1932) của Đào Duy Anh có ghi “trữ tinh nang” (một thuật ngữ sinh lý học, “tinh” không có dấu huyền!) nhưng chưa ghi “trữ tình”. Tôi đọc không ít sách báo trước 1945, gần như chưa gặp thấy từ “trữ tình”. Không rõ các từ điển đối dịch Pháp-Việt in  ra trước 1945 dịch từ “lyrique” là gì? Theo quan sát của tôi, quan niệm Aristote về ba loại lớn của văn học và cái dấu bằng giữa “lyrique” và “trữ tình” dường như còn chưa xuất hiện trong những luận bàn về văn học ở Việt Nam tính đến 1945,  ̶  sự thực này xin bạn nghiên cứu tạm ghi lại để tìm hiểu thêm, sau này có thể bác bỏ hoặc xác nhận và giải thích nó.
Có lẽ những gì gắn với thuộc tính trữ tình, người bàn về văn học ở Việt Nam thời ấy và cả thời nay nữa, thường gửi vào các từ Việt “thơ”, từ Hán “thi”, từ Pháp “poésie”.
Nhân nói về “trữ tình”, ông Đặng Tiến hỏi: “Vậy toàn bộ sân khấu cải lương thì sao?” Câu hỏi này tôi không nhất thiết phải trả lời, nhưng nhân thể xin nhắc lại điều ông Tiến biết rồi: về loại hình, sân khấu cải lương là nghệ thuật tổng hợp, vì bao gồm trong mình nó tới mấy loại “nghệ”: văn chương, sân khấu, nghệ thuật trang trí,… Trữ tình chỉ là một trong ba loại văn chương, và ba loại ấy cũng chỉ là sản phẩm của một quan niệm phân loại (rất cổ) mà thôi. Đang nói về trữ tình lại hỏi đến sân khấu cải lương, phải chăng là liên tưởng quá xa? Nếu muốn thì nhà nghiên cứu cứ việc gọi sân khấu cải lương là “sân khấu trữ tình”, noi theo cách người Pháp mệnh danh cho thể loại opéra, cũng như những ai đó vào thời khắc nào đó thích gọi một số tranh của họa sĩ nào đó là “hội hoạ trữ tình”, một số tượng của tác giả nào đó là “điêu khắc trữ tình”, v.v…  Đem đặc tính của một loại hình này dùng mở rộng ra, gắn vào những thứ rất xa nó,  ̶  cung cách ấy rất gây ấn tượng cho sự bình tán nơi khách thính, nhưng không giúp làm rõ thêm bao lăm cho sự phân tích về loại hình. Nếu opéra là kịch hát thì cả tuồng, chèo, cải lương là gì nếu không phải kịch hát? Còn nếu bảo cả ba thứ kịch hát dân tộc Việt Nam này đều là “nghệ thuật trữ tình” cả, thì chắc hẳn phần đông nhà nghiên cứu sẽ phản đối. Cải lương trong hình dung của phần đông người Việt là thứ mùi mẫn nhất, nhưng “mùi mẫn” hay là “sến” đi nữa, vị tất đã là đồng nghĩa với trữ tình. Rốt lại, chuyện gắn hình dung từ “trữ tình” vào tên gọi các môn nghệ thuật này khác, dường như chỉ là trò chơi chữ nghĩa thuần tuý. 
4/ Bây giờ xin được thoát khỏi vai trò một đồng soạn giả cuốn TĐVH (m) để nói thêm đôi ý kiến riêng .
Loại sách như TĐVH (m), theo tôi, là loại sách bách khoa, tức là sách biên khảo tập hợp tri thức, ở đây là tri thức về văn học (hay là “văn chương”, nếu muốn tránh cách hiểu “văn học = khoa học về văn chương”), là loại hình văn hoá ngôn từ; như thế, phải nói rõ hơn: đây là loại sách bách khoa chuyên ngành. Một bộ bách khoa chuyên ngành văn học, lý tưởng ra, phải bao quát văn học toàn nhân loại từ khởi thuỷ đến hiện tại ở cả bình diện lý thuyết lẫn (và nhất là) bình diện phát triển lịch sử. Chỉ hình dung thế đã thấy bộ bách khoa này buộc phải đồ sộ về quy mô.
Lứa tuổi chúng tôi sống ở miền Bắc những năm 1970-80 thường đến thư viện tham khảo bộ Giản yếu Bách khoa thư văn học (tiếng Nga: Kratkaja Literaturnaja Enciklopedija) của Liên Xô, biên soạn và xuất bản những năm 1960-70; gọi là giản yếu mà đã gồm 8 quyển (sau bổ sung thêm quyển 9), mỗi quyển trên 500 trang khổ lớn (20x26cm). Tất nhiên quy mô ấy tương thích với độ rộng hiểu biết của giới văn học và giới nghiên cứu ở Liên bang Xô viết khi ấy. Thế thì cũng có thể nói rằng sự hiểu biết các nền văn học trên thế giới của các giới nghiên cứu và văn nghệ sĩ Việt Nam rộng hẹp ra sao,  ̶  sẽ là điều tiên quyết độ dày của bộ bách khoa thư văn học chế tạo tại Việt Nam. Về mặt này, phải nói thực thà rằng tầm biết của giới văn học ở ta mới chỉ chiếm một phần khá nhỏ trên bản đồ toàn cảnh các nền văn học của toàn nhân loại. TĐVH(m) dày trên 2.000 trang, gấp đôi độ dày bộ cũ, nhưng không ai dám chắc nó đã bao quát được khoảng một nửa các nền văn học nhân loại. Từ hồi bộ cũ ra mắt, tức là từ lúc loại sách từ điển, sách bách khoa ở ta còn hiếm, tôi và một vài bạn quan tâm đã mong loại sách bách khoa văn học nói riêng và sách bách khoa toàn thư ở ta sẽ phát triển theo chiều từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, tức là từ việc biên soạn những cuốn bách khoa thư về các nền văn học dân tộc (trước tiên là Việt Nam, sau đó là Trung Quốc, Pháp, Nga,…) tiến tới bộ bách khoa văn học chung; tương tự, từ những cuốn bách khoa thư chuyên ngành (văn học, địa lý, lịch sử, v.v…) tiến tới biên soạn bách khoa toàn thư. Tất nhiên không nên quy toàn bộ các công việc trên vào tay một bộ tư lệnh toàn quyền toàn năng nào, nhưng các nhóm biên soạn và các nhà xuất bản nên phối hợp công việc theo trình tự chung ấy. Ngày nay sau vài chục năm, thử nhìn lại công việc biên khảo, ta thấy rõ các bộ bách khoa thư chuyên ngành và bách khoa toàn thư của Việt Nam lại xuất hiện theo hướng từ bao quát đến chuyên ngành. Đó có phải một con đường hợp lý không ?  ̶  điều này thiết tưởng nên được xem xét phân tích.  

Rất có thể điều vừa nói đã chi phối ở mức đáng kể nhiều phương diện khác mang tính nghề nghiệp trong việc biên khảo loại sách bách khoa. Chẳng hạn ở các nước, được mời soạn các mục từ thường là chuyên gia của lĩnh vực tương ứng; dưới mỗi mục từ thường có thư mục, thậm chí dưới các mục từ tác gia còn có cả thư mục tác phẩm của tác gia ấy lẫn thư mục nghiên cứu về tác gia ấy (được làm một cách rất chọn lọc, vắn gọn), v.v… Ở ta, như các cuốn các bộ bách khoa hoặc từ điển mang tính bách khoa đã ra mắt cho thấy, ai soạn mục từ gì cũng được, coi như không có hoặc không cần có chuyên gia; nội dung các mục từ chỉ đóng khung trong bài viết ngắn mang tính giải thích “tại chỗ”, không có thư mục, tức là không chỉ dẫn cho người dùng sách bất cứ liên hệ nào với học thuật trong và ngoài nước. Những nét này, mà tôi coi là thiếu tính chuyên nghiệp, là không đạt chuẩn so với biên khảo ở các nước tiên tiến, có cần được nhận rõ và nhanh chóng vượt qua hay không,  ̶  là một vài trong số nhiều điểm yếu không dễ chữa trong nghề biên khảo sách bách khoa của ta. TĐVH (m) cũng nằm trong tình trạng chung đó.
Ở trên có nhắc tới bộ Giản yếu Bách khoa thư văn học  thời Liên Xô cũ. Nhân thể xin nhắc lại rằng quá trình soạn bộ sách ấy cũng có thể được xem như quá trình tập hợp nhau của một loạt nhà nghiên cứu cùng hướng về các quan niệm, thành tựu, phương pháp của phái hình thức Nga những năm 1920 và nhất là của Mikhail Bakhtin (trước đó họ đã cùng thử nghiệm trong một công trình nghiên cứu các vấn đề lý thuyết thông qua sự soi sáng của văn học sử). Đây là một trong những dòng phát triển chiều sâu trong học thuật thời Xô-viết, các nhà nghiên cứu thuộc dòng này tách biệt hẳn khỏi nhóm chính thống của học thuật thời trì trệ với những chuyên gia chuyên chỉnh sửa những định thức thời thượng kiểu như định thức về “hệ thống mở”.
Ở Việt Nam trong thời bao cấp, sự xuất hiện TĐVH (bộ cũ) được xem như sự thể hiện một bước trưởng thành của giới nghiên cứu văn học, tuy rằng tính chất liên kết cá nhân giữa nhóm chủ biên với các soạn giả, tính chất phi chính thống của công trình biên khảo này,  ̶  chỉ sang thời hậu bao cấp người ta mới thấy rõ. Nhóm chủ biên, ở lần biên soạn thứ hai này hiểu công trình mình làm không phải là một dự án được tiêu tiền nhà nước, nhưng cũng hiển nhiên là chưa biết sử dụng vai trò phi chính thống của một công trình biên khảo. Công trình “liên cá nhân” này liệu có làm nảy ra một số nhà nghiên cứu với hướng đi mới mẻ hay không  ̶  điều này ít ai dám đoan chắc.
18/7/2005
Lại Nguyên Ân
Theo http://lainguyenan.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...