Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Hình thành, định hình, trưởng thành, phân hóa

Hình thành, định hình, 
trưởng thành, phân hóa 
(Mấy nét về lớp nhà thơ xuất hiện ở
miền Bắc Việt Nam những năm 1960-1970)
Trên thực tế, nếu muốn làm rõ những đặc điểm của một lực lượng sáng tác văn học – dù hạn định trong một phạm vi thời gian không gian rất cụ thể nào đấy – người ta cần vận dụng nhiều tiếp cận, không chỉ những tiếp cận văn hóa nghệ thuật, mà còn cần cả những tiếp cận xã hội, lịch sử.
Đối với lớp nhà thơ xuất hiện chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam vào những năm từ đầu hoặc giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970, – lớp nhà thơ mà hiện tại khá nhiều đại diện đã và đang giữ những vị trí trọng trách trong bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ và các hội đoàn ở lĩnh vực này, – hẳn là về sau này sẽ có những nghiên cứu phân tích có nhiều sức nặng hơn. Còn ở thời điểm hiện tại, có lẽ ta sẽ được nghe nhiều hơn, – ngoài rất nhiều lời khen tặng, như vốn dĩ phải thế, – những loại hồi ức khác nhau, hoặc của người trong cuộc, hoặc của những đàn em của họ, thường là rất mực kính phục, ít ra thì cũng rất mực biết điều.
Tôi là người cùng lứa tuổi với lớp nhà thơ ấy. Những lời khen tặng họ, đối với tôi, đã là việc của ngày xưa, khi họ mới xuất hiện, cần sự cổ vũ, hơn nữa, cả sự bênh vực, sự cảm thông. Còn bây giờ, những đại diện của lớp nhà thơ ấy đã ít nhiều họp thành một thứ “nhóm lợi ích”, mà rất có thể một số “lợi ích” họ cần bảo trì lại có cơ phương hại đến “lợi ích” của lớp nhà thơ đến sau, cũng tức là đến lợi ích của sự phát triển văn học.
Vậy thì, thay vì lối viết phê bình nghiên cứu, tôi sẽ chọn lối viết tùy bút, pha lẫn hồi ức.
Nói lớp nhà thơ kể trên “xuất hiện” vào khoảng thời gian kể trên (những năm 1960 đến giữa 1970), là căn cứ vào thời điểm họ công bố, đăng tải những tác phẩm đầu tiên.
Về sinh trưởng, họ đều sinh ra vào những năm 1940, đều đi học chủ yếu trong hệ thống nhà trường phổ thông của thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chỉ có một số rất ít trong số họ có học vài năm ở nhà trường thuộc thể chế Quốc gia Việt Nam (ở Hà Nội trước tháng 10/1954, ở Hải Phòng trước tháng 5/1955). Người ta biết, để thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh, chỉ có rất ít trường phổ thông thời ấy còn dạy môn ngoại ngữ (1 trong 3 ngữ: Hán, Nga, Pháp), và ngoại ngữ chỉ là môn tùy chọn, không bắt buộc, tại các kỳ thi tuyển (thi vào đại học, tính đến 1964). 
Cùng với một loạt đặc điểm về hoàn cảnh sống khác, đặc điểm chung về học vấn của lớp nhà thơ nhà văn này cho thấy một hệ quả. Đó là, ngoài việc dùng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ làm văn tự chính, hầu hết các tác gia thuộc thế hệ này không sử dụng được ngoại ngữ nào; họ cũng không còn biết chữ Hán chữ Nôm vốn còn thông dụng ở thế hệ trước. Tất nhiên trong số họ có những người dùng được tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Hoa, nhưng số đó quá ít, hầu như là cá biệt, chỉ gồm một số người học qua đại học rồi mới bước vào sáng tác (ở bậc đại học trong nước khi ấy, về nguyên tắc sinh viên phải học một ngoại ngữ), hoặc một số người được chọn đi du học Nga Sô-viết hoặc Đông Âu, do vậy dùng được ngoại ngữ; song nhìn chung, số đó rất ít. Số đông còn lại, thường là học hết (hoặc đang học dở dang) trung học phổ thông rồi vào quân đội, hoặc đi làm công nhân, làm các loại công việc tại các cơ quan, công trường, nhà máy… trên khắp miền Bắc, rồi từ vị trí người viên chức, công chức (đương thời đều gọi chung là cán bộ công nhân viên nhà nước) mà bước vào sáng tác văn thơ.
Học vấn phổ thông trung học ở miền Bắc những năm 1960 là điển hình về tầm mức học vấn của lớp nhà thơ này. Về sau, khi đã vào nghề văn, bản thân từng người, bằng tự học, đến một lúc nhất định, bắt đầu ít nhiều sử dụng được một ngoại ngữ nào đó, hoặc tiếng Nga, hoặc tiếng Anh, đọc được ít nhiều sách báo nước ngoài. Tuy nhiên, sự bổ sung muộn về học vấn ấy hầu như không làm thay đổi diện mạo chung thời đầu của lớp nhà thơ này mà nét tiêu biểu là hầu như chỉ biết tới những gì được nói và viết bằng tiếng Việt chữ Việt ở bên trong lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Văn học Việt Nam từng trải qua thời trung đại mà lực lượng tác gia chủ yếu chỉ viết bằng chữ Hán, rồi ghi tiếng Việt bằng các khuôn Hán tự, tạo ra chữ Nôm, sáng tác văn học tiếng Việt dưới dạng chữ Nôm, bên cạnh văn học chữ Hán. Đến đầu thế kỷ XX, dưới thời cai trị của thực dân Pháp (1865-1945), chữ Quốc ngữ (tức là tiếng Việt viết bằng hệ chữ Latin) dần dần trở nên thông dụng. Lớp tác gia đi vào văn học đầu những năm 1930, là lớp tác gia sáng tạo ra nền văn học hiện đại bằng tiếng Việt. Do hầu hết các tác gia ấy đều bước vào văn chương và báo chí từ các bậc học của hệ thống nhà trường Pháp-Việt (vừa học tiếng Pháp vừa học tiếng Việt, dùng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp), cho nên không nhiều thì ít, họ đều dùng được tiếng Pháp; có người ở thế hệ tác gia này còn dùng được cả chữ Hán, do từng được học trong gia đình hoặc nhà trường; vả lại, môi trường ngôn ngữ mà lớp nhà văn ấy hoạt động, tính đến trước 1945, là môi trường đa ngữ (tiếng và chữ Pháp, tiếng và chữ Việt, cùng chữ Hán).
Ngược với thời thuộc Pháp, môi trường ngôn ngữ chính thống ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ sau 1945, dần dần trở về dạng môi trường đơn ngữtrong đó tiếng Việt và chữ Quốc ngữ là độc tôn. Không gian văn học miền Bắc những năm 1950-70 có thể là điển hình cho không gian đơn ngữ, độc ngữ; toàn xã hội chỉ nói chỉ đọc tiếng Việt chữ Việt (họa báo Liên Xô, sách ngữ lục Trung Quốc cũng đến miền Bắc VN dưới dạng chữ Việt) và chỉ được biết mọi loại thông tin qua tiếng Việt chữ Việt. Số kênh thông tin đương thời rất ít, chỉ có một đài phát thanh, một số ít báo chí, lượng sách xuất bản hàng năm cũng rất ít.
Trong môi trường độc tôn một ý thức hệ, do đặc điểm của thời đại đối đầu giữa hai hệ thống thế giới, cũng gọi là thời đại “chiến tranh lạnh”, do nỗ lực của hệ thống tuyên huấn các cấp, thông tin từ thế giới bên ngoài vào đây bị giảm thiểu đến tối đa. Môi trường thông tin tại chỗ được duy trì ở trạng thái luôn luôn có một độ rỗng rất đáng kể.
Tôi nghĩ, lực lượng tác giả thơ xuất hiện những năm 1960-1970 ở miền Bắc, ở mức đáng kể, nếu đã bị thiệt thòi, bị thiểu năng về ngoại ngữ, như nói trên, thì lại được hưởng lợi nhất thời từ chính cái độ rỗng về thông tin của môi trường văn hóa xã hội miền Bắc khi đó, nó khiến họ được cộng đồng văn học tại chỗ biết tới rất nhanh chóng, tức là giúp họ nổi tiếng rất mau chóng. Nhưng, nói rộng ra, thế hệ nhà thơ nhà văn này đã và sẽ còn phải chịu nhiều hệ lụy từ chính việc cá tính sáng tác (cũng có thể gọi là cá nhân sáng tạo, con người sáng tác) của họ đã hình thành trong điều kiện thiếu thông tin rất đáng kể của thế giới bên ngoài và về thế giới bên ngoài. 
Thật ra thì hầu như bất cứ tháng nào năm nào cũng có những tác giả lần đầu tiên công bố tác phẩm, lần đầu tiên bước vào báo chí văn chương, bởi đó là nhịp sống thông thường. Vậy mà sự xuất hiện lớp nhà thơ này lại làm thành hầu như một sự kiện đáng kể trong đời sống văn hóa ở miền Bắc hồi những năm 1964-66. Nó làm nên tính hiện tượng rõ rệt hơn hẳn, chẳng hạn, so với sự xuất hiện của lực lượng tác giả viết văn xuôi cùng lứa tuổi, cùng thời điểm với họ. (Nếu nhớ lại phong trào thơ mới 1932-45 cũng rầm rộ trong khi mùa màng tiểu thuyết 1930-45 tuy trù mật nhưng diễn ra hầu như rất lặng lẽ; phải chăng nét tiêu biểu của đời sống văn học Việt Nam là thơ rất dễ thành hội chợ, trong khi văn thường yên lặng như trong xưởng thợ thủ công?) 
Tính theo dấu hiệu ngày tháng đăng tải tác phẩm đầu tiên, thì các tác giả thuộc lớp nhà thơ này, có người đăng thơ từ năm 1960 (ví dụ Xuân Quỳnh), hoặc 1961 (ví dụ Ca Lê Hiến), hoặc 1962 (ví dụ Vũ Quần Phương), hoặc 1963 (ví dụ Bằng Việt), 1964 (ví dụ Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật), 1966 (ví dụ Lưu Quang Vũ), v.v… nhưng cũng có người đến tận đầu những năm 1970 mới lần đầu đăng thơ (ví dụ tạp chí “Tác Phẩm Mới” s. 36, tháng 4/1974, với lời giới thiệu của bậc đàn anh Chế Lan Viên, đăng chùm thơ Thanh Thảo ở chiến trường Nam Bộ gửi ra, và đây cũng là lần ra mắt làng thơ của tác giả trẻ này).
Cũng có thể kể theo các cuộc thi thơ do tạp chí “Văn nghệ” (về sau là tuần báo “Văn nghệ”) tổ chức.
Trong danh sách trúng các giải cao, bên cạnh các tác gia lớn tuổi, số tác giả lứa tuổi 4X mỗi năm mỗi tăng:
1960-61: Ca Lê Hiến, Triều Ân (giải nhì);
1965: Hoàng Hưng, Nguyễn Thái Sơn (giải ba);
1969-70: Phạm Tiến Duật (giải nhất), Vương Anh, Bế Kiến Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn (giải nhì), Vương Trọng, Mã Giang Lân, Vũ Duy Thông, Trần Nhật Thu, Vũ Châu Phối, Nguyễn Hữu Phách (giải ba);
1972-73: Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu (giải nhất), Anh Ngọc, Lâm Huy Nhuận, Cảnh Trà (giải nhì);
1975-76: Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc (giải A), Lê Đình Cánh, Huyền Sâm, Đoàn Việt Bắc (giải B)…
Có thể thấy, các cuộc thi thơ từ năm 1970 trở đi, số người trúng mọi loại giải đều thuộc lứa tuổi 4x.
Cũng có thể lưu ý tới thời điểm xuất hiện những bài viết với hàm ý biểu dương, khen tặng một vài tác giả mới này của một số bậc đàn anh. Chẳng hạn, Chế Lan Viên viết lời tựa cho tập thơ chung của lớp tác giả này, nhan đề “Sức mới” (1965), hoặc Hoài Thanh viết về Lưu Quang Vũ (1966), v.v…
Tóm lại, có khá nhiều cứ liệu để cho rằng, thời kỳ từ giữa những năm 1960 trở đi, có thể xem là thời kỳ hình thành của lớp nhà thơ này.
Còn thời điểm định hình của lớp nhà thơ này thì nên lấy mốc nào?
Tôi nghĩ đến thời điểm mà hầu như là lần đầu tiên họ bị phê phán với tư cách một liên danh: một lứa tác giả.
Ấy là thời điểm xuất hiện bài tiểu luận của Hoàng Trung Thông “Một vài suy nghĩ về dòng thơ trẻ trên miền Bắc hiện nay” (“Văn nghệ” s. 374, ngày 11/12/1970). Còn nhớ, khi ấy tác giả bài tiểu luận (Hoàng Trung Thông khi ấy là vụ trưởng vụ văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo trung ương) đã đăng đàn ở khá nhiều nơi về nội dung này, và đó không hề chỉ là ý kiến riêng của chỉ một nhà thơ đàn anh.
Điều ấy giúp ta suy đoán, đó là thời điểm mà sáng tác của lứa tác giả này đã định hình, có một số nội hàm “độc lập, khách quan” thế nào đó, khiến các bậc đàn anh, – tất nhiên đó chính là ý kiến giới lãnh đạo văn nghệ, – nhận thấy cần có tiếng nói uốn nắn, nhắc nhở tương đối mạnh mẽ, về những gì được xem là thiếu sót, trước hết là trong khuynh hướng tư tưởng, ở sáng tác thơ của họ.
Thêm một điểm cũng đáng lưu ý nữa là, sự phê bình của giới lãnh đạo tư tưởng và văn nghệ, nếu hồi cuối năm 1970 hầu như chỉ nhằm uốn nắn xu hướng phát triển của thơ trẻ, thì ngay vài năm tiếp theo đấy, những năm 1972-73, sự phê phán lại mở rộng sang một số hiện tượng khác của toàn bộ văn học miền Bắc, đụng chạm đến những tác phẩm của cả tác giả trẻ lẫn tác giả lớn tuổi, cả thơ lẫn văn xuôi. Khỏi nhắc lại những địa chỉ phê phán (tác giả tác phẩm cụ thể); chỉ nhân đấy có thêm một nhận xét: giới trẻ lúc này đã hòa chung tâm trạng, xu hướng sáng tác với các thành phần khác trong toàn bộ lực lượng văn học.
Sau thời điểm kết thúc chiến tranh (30/4/1975), trong những năm 1975-85, lực lượng thơ trẻ xuất hiện từ hồi giữa 1960, giờ đây trở thành lực lượng chính của sản xuất văn học. Một loạt cây bút trong lứa tuổi ấy khẳng định được phong cách riêng, khẳng định vị trí của mỗi người như những tác gia văn học.
Có thể kê ra khá nhiều tên tuổi nổi bật:
− Phạm Tiến Duật với “Vầng trăng quầng lửa” (1970) và “Ở hai đầu núi” (1981),
− Xuân Quỳnh với “Gió lào cát trắng” (1974), “Lời ru trên mặt đất” (1978), “Tự hát” (1984),
− Nguyễn Khoa Điềm với “Đất ngoại ô” (1973) và “Mặt đường khát vọng” (1974),
− Bằng Việt với “Những gương mặt, những khoảng trời” (1973), “Khoảng cách giữa lời” (1984),
− Nguyễn Duy với “Cát trắng” (1973), “Ánh trăng” (1984),
− Thanh Thảo với “Những người đi tới biển” (1977) và “Dấu chân qua trảng cỏ” (1978),
− Hữu Thỉnh với “Đường tới thành phố” (1979),
− Lâm Thị Mỹ Dạ với “Bài thơ không năm tháng” (1983),
− Ý Nhi với “Người đàn bà ngồi đan” (1985),
v.v. và v.v…
Có tác giả như Lưu Quang Vũ, bước sang những năm 1980 lại nổi bật lên ở lĩnh vực sân khấu, làm nên tên tuổi tại một thời điểm vàng trong sự phát triển thể loại này ở nước ta, tuy Lưu Quang Vũ cũng là một tên tuổi nổi bật của thơ.
Cũng trong vòng 10 năm hậu chiến đầu tiên (1975-85), từ lớp nhà thơ này xuất hiện những người góp mặt vào hàng ngũ những chức danh quản lý văn hóa văn nghệ, hàng ngũ quan chức các cấp. Dấu hiệu đầu tiên là trong thành phần Ban chấp hành Hội nhà văn khóa III (do Đại hội nhà văn lần III, 26 – 28/9/1983 bầu ra) có 9 ủy viên thuộc thế hệ 4X: Vương Anh, Lê Chí, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Ngọc Hiến, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Bằng Việt.
Bước vào những năm cao trào Đổi mới (1986-89), bên trong lực lượng “thơ trẻ” của những năm 1960 giờ đây diễn ra sự phân hóa, bởi bên trong các lực lượng văn học, văn nghệ nói chung cũng diễn ra sự phân hóa. Một số khá đông hưởng ứng nhiệt liệt chủ trương đổi mới toàn diện đời sống kinh tế xã hội đất nước, góp những tiếng nói mạnh mẽ cổ vũ công cuộc đổi mới, bằng chính luận, bằng sáng tác văn xuôi và bằng thơ. Một số khác, cũng khá đông, ban đầu im lặng quan sát gần như trung lập, về sau chuyển dần sang lập trường phản đối xu hướng đổi mới, lên tiếng kết luận phía những người ủng hộ đổi mới là “phủ định thành tựu cách mạng”. Sự đấu tranh giữa hai nhóm chính này in dấu vào các kỳ đại hội nhà văn, nhất là đại hội thứ tư (1989) và tạo nên sự phân hóa bên trong lực lượng nhà văn suốt từ đó tới nay.
Ở trên tôi có lưu ý một đặc điểm là lực lượng bước vào sáng tác thơ, bước vào đời sống văn học hồi những năm 1960-70 đã hình thành cá tính sáng tác của mình trong môi trường đóng kín, trong tình trạng độc tôn ý thức hệ; thế giới quan của họ được kiến tạo phiến diện do hầu hết các thông tin tri thức được cung cấp một chiều, nhiều loại thái độ tình cảm cũng ở tình trạng bị quy phạm, phiến diện; tình trạng gần như đồng nhất giữa họ là khá rõ, nhất là về mặt đề tài văn học, ngay khi từng người trong số họ đã mang những nét riêng về cá tính sáng tác.
Từ những năm 1980, những thay đổi trong bức tranh nền chính trị toàn cầu, những tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin, rốt cuộc cũng đã tác động vào nước ta. Những người làm các công việc liên quan đến văn hóa, đến tri thức, trong đó có những nhà thơ thuộc thế hệ nói trên, tới lúc này, đều buộc phải tự bổ sung những khoảng trống về nhận thức lý thuyết, về các biến cố lịch sử, do vậy, đều bị đặt trước những vấn đề nhận thức, những vấn đề của lịch sử, buộc phải tự xem xét, thức nhận để có một hiểu biết thích đáng, xác định một thái độ phù hợp của mình.
Kết quả là sự đồng nhất khi xưa giữa họ dần dần biến mất; họ trở nên khác biệt nhau trên hàng loạt vấn đề xã hội, chính trị, lịch sử, văn hóa. Và nhận thức sẽ chuyển tới hành động. Có người chọn cách sống này, có người chọn cách khác; có người đứng phía này, có người đứng phía khác. Có những người, sau những sự cố, những tai nạn, những thức nhận, đã giữ một sự cách biệt đáng kể so với lập trường chính thống, ví dụ Hoàng Hưng; có người chọn hướng ly khai, ví dụ Dương Thu Hương. Khuynh hướng sáng tác giữa những tác giả như vậy, so với số còn lại, cho đến đầu thế kỷ XXI này, đã khác nhau rất xa. Nếu còn gì chung thì chỉ là vẫn còn dùng tiếng Việt và vẫn tìm cách tác động đến công chúng Việt.
Như vậy, thế hệ nhà thơ xuất hiện thời chống Mỹ, những năm 1960-70 ở miền Bắc, đều có sự khởi đầu khá giống nhau, nhưng đã và sẽ đi tới những đoạn kết khác nhau. Cái khởi đầu thì người ta đã biết, còn cái kết thúc, thì hãy còn để ngỏ.
Nếu hỏi: lớp nhà thơ này có đóng góp gì không cho tiến trình thơ ca Việt, tiến trình văn học Việt Nam?
Câu trả lời theo tôi là có.
Ít nhất, sự hiện diện của họ trong thơ cũng tiếp nối, gìn giữ, duy trì mạch thơ ca bằng tiếng Việt ở một nửa lãnh thổ người Việt trong vòng trên dưới mười năm, trước khi lại xuất hiện tại đây một lớp người làm thơ tiếp theo, nối sau họ.
Ta biết rằng các ngôn ngữ sống luôn luôn cần được khoác bộ áo thi ca mới của thời đại mình chứ không chịu chỉ làm công cụ giao tiếp thông thường.
Chính ở bình diện này, những giọng thơ trẻ trung trên đất Bắc những năm 1960-1970 của những Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, v.v… là không thể thay thế được bằng bất cứ gì khác, trong thời đại ấy, tại thời điểm ấy. Dẫu nếu chỉ có phần đóng góp ít ỏi thế thôi, cũng đã là vinh dự, vì đã đại diện cho tiếng Việt thi ca tại một thời đoạn của lịch sử người Việt.
Song, có lẽ sự đóng góp của lớp nhà thơ này không chỉ ở mức khiêm nhường như thế thôi đâu.
Những sáng tạo mới ở mỗi nhà thơ trong số này đã ít nhiều được nêu trong dư luận phê bình đương thời, và sẽ còn được tiếp tục làm rõ hơn, trong những nghiên cứu chuyên sâu sau này. Những sáng tạo ấy sẽ còn cần được đối chiếu với di sản thơ mới 1930-1945, sẽ còn cần được đối chiếu với bộ phận thơ ca tiếng Việt của những tác giả cùng lớp tuổi với họ sống và viết cùng thời với họ ở khắp các địa phương miền Nam, đô thị và nông thôn. Những đối chiếu sẽ làm rõ nét riêng trong tâm tình những bộ phận người Việt khác nhau, những nét riêng của chính tiếng Việt thi ca trên các vùng đất ở một thời đại mà đất nước bị chia ra thành những chiến tuyến khác nhau, dù thời đại ấy đã lùi vào lịch sử.
20/1/2014
Lại Nguyên Ân
Theo http://lainguyenan.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...