Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

"Người thầy" dẫn dắt tôi làm báo

"Người thầy" dẫn dắt tôi làm báo

Cũng đã hai năm rồi ngày tôi gặp được anh - người mà tôi hay nhận là “sư phụ” của mình. Anh là người đầu tiên truyền cảm hứng và dẫn dắt tôi yêu thích và chọn theo cái nghề được xã hội ví như là “làm dâu trăm họ”. 
Tôi còn nhớ cách đây hơn hai năm về trước, khi đó tôi còn là sinh viên khoa Văn học, vừa học xong năm nhất. Trong một lần đọc báo tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú, thế rồi tôi tự tìm một đề tài để viết. Sau 2 ngày tôi cũng đã hoàn thành bài viết đầu tiên với đề tài Học trò trường huyện và “cú đúp” tuyển thẳng” đề tài này nói về hai em học sinh học trường huyện gần nhà tôi được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Thực ra lúc đó tôi chỉ suy nghĩ đã viết rồi thì gửi báo xem sao, nếu được đăng  thì có lẽ tôi có duyên với nghề báo, còn không thì tôi sẽ thử lĩnh vực khác. Và rồi tôi “đánh liều” xin thông tin để gửi bài mình cho báo.
Ban đầu tôi nhắn tin cho chị Vũ Phượng cựu sinh viên khoa tôi, chị cũng đang làm báo thế là chị cho tôi facebook của anh, anh tên là Nguyễn Phạm Đăng Khoa phóng viên Ban Giáo dục của Báo Thanh Niên. Tôi còn nhớ hôm đó tôi nhắn tin cho anh, tôi run lắm, anh bảo em gửi bài về mail anh rồi anh xem. Tôi gửi xong cũng hồi hộp lắm, xong một ngày không thấy phản hồi tôi cũng nghĩ chắc mình viết tệ quá nên không đáp ứng được yêu cầu của một bài báo. Thế rồi ngày hôm sau anh nhắn cho tôi “Anh gửi sếp rồi, sếp ok rồi, đang biên tập” chỉ có vậy thôi mà lòng tôi vui như trẩy hội. Sau đó anh gửi tôi lại bản anh đã biên tập và dặn tôi lưu ý những gì anh viết, để không bị sai như thế nữa. Do học khoa Văn nên cách viết của tôi lúc đó còn văn chương lắm, và rồi anh động viên tôi cố gắng viết tiếp.
Tôi không nghĩ có một ngày tôi được “lên báo” với tư cách của một người viết. Thế là hôm sau bài viết tôi được đăng, tôi mừng lắm, anh  gửi link bài cho tôi kèm theo câu nói “Bài được đăng báo giấy, em ra mua báo xem nhé” lúc đó tôi cảm thấy vui và gần như muốn khóc, tôi không nghĩ là tôi làm được điều đó. Bài viết đó tôi được trả nhuận bút sáu trăm ngàn, đó là đồng tiền đầu tiên tôi làm được trong thời sinh viên tôi vui và gọi điện kể khoe với mẹ, đó cũng chính là khi tôi nhận thấy để làm ra một đồng tiền không hề dễ dàng.
Khoảng vài ngày sau tôi nhắn tin hỏi anh “Anh ơi giờ em muốn trở thành cộng tác viên thì sao?” Anh bảo “Em đã là cộng tác viên rồi đó, nhưng em còn đi học thì cứ lâu lâu lên tòa soạn làm chung tụi anh, giờ em cứ tìm đề tài viết gửi anh”.   Một tuần sau đó anh hẹn gặp tôi tại quán   CHEO LEO Cafe 109 -36 đường Nguyễn Thiện Thuật , Quận 3.  Lần đầu tiên tôi gặp anh ấn tượng của tôi là anh có phong cách kiểu bụi bụi phong trần, thân thiện và hài hước. Người đàn ông trung niên với cặp mắt kính cận tay cầm điếu thuốc hút bên ly cà phê.  Ngồi trò chuyện cùng anh, anh hỏi thăm tôi học ngành gì, quê ở đâu, và anh cũng là người hướng dẫn tôi chụp ảnh, lần đó tôi từ quê lên, mang theo chiếc máy ảnh mẹ mới mua cho tôi. Anh chỉ cho tôi cách khai thác đề tài như thế nào? Viết về vấn đề gì, cách viết ra làm sao,  đặt tít như thế nào cho phù hợp, những điều mà một đứa sinh viên khoa Văn như tôi cảm thấy lạ lẫm vì tôi chưa từng được học.
Tôi còn nhớ hôm đó chỗ đường làng ĐH tôi có tai nạn, anh nhắn tin bảo tôi “Em ra đây ghi nhận hiện trường đi” lúc đó tôi đang đi xe buýt đến trường để học nên tôi nhắn lại là “Em không biết ghi nhận hiện trường anh ơi, với lại chiều nay em đi học rồi ạ.” Thế là anh giải thích cho tôi hiểu ghi nhận hiện trường là quan sát khu vực đó, chứ không phải ghi nhận vụ tai nạn. Thế nhưng trong đầu tôi lúc đó cảm thấy lạ lẫm và có chút lo sợ, tôi không biết mình nên làm gì. Hôm sau tôi cầm máy ảnh đi ra chỗ đó làm theo lời anh nhận là “ghi nhận lại hiện trường” tôi sợ lắm vì phải cầm máy ảnh đi chụp vì tôi thấy cứ mỗi lần tôi chụp là có hàng trăm ánh mắt đang nhìn tôi. Tôi cũng cảm thấy lo vì khu vực đó hay có cướp móc túi nhỡ mất máy ảnh hay điện thoại chắc tôi nghỉ làm báo luôn. Hôm đó tôi cứ cầm máy ảnh chụp và hỏi thăm tình hình người dân và các bạn sinh viên từ 9h sáng đến tận 11h vì tôi sợ thiếu thông tin cho bài viết. Chiều hôm đó tôi gửi anh bài viết, sau khi anh đọc xong thì anh nói bài này có vẻ ổn để anh biên tập và gửi bài cho sếp. Cũng từ những lần đó tôi với anh trao đổi nhiều hơn về bài viết, đề tài, cũng như chuyện anh tư vấn tôi nên chọn chuyên ngành như thế nào cho phù hợp.
Tôi là một người hay tự ti vào chính mình về những gì mình làm cả khả năng làm báo, anh không chỉ là người thầy dẫn dắt tôi cách làm báo mà còn người luôn động viên tôi để tôi cố gắng hơn và tin vào chính mình. Tôi còn nhớ ngày đầu anh giới thiệu tôi vào tòa soạn làm cộng tác viên, và tôi được anh giới thiệu với sếp, từ đó tôi biết thêm những người anh chị phóng viên khác ở báo, và còn cả những cộng tác viên như tôi. Cũng từ lúc đó mỗi ngày thứ hai đầu tuần sẽ là ngày tôi chạy lên tòa soạn họp báo cáo đề tài cùng các anh, chị. Tôi cũng nhận ra từ khi làm báo đến giờ mình trưởng thành hơn, biết quan tâm, yêu thương mọi người hơn. Và đặc biệt tôi biết để làm ra một sản phẩm báo chí thì không hề đơn giản và điều quan trọng nhất là phải tự tin vào bản thân và tin những gì mình làm.
Nhanh thật thấm thoát mà thời gian đã hơn hai năm rồi, giờ đây tôi là sinh viên năm 4 và vẫn đang là cộng tác viên của mảng giáo dục. Với tôi được học hỏi từ anh Khoa là một điều may mắn trong suốt 4 năm ĐH của tôi, và tôi cảm ơn anh vì những gì anh chỉ bảo sẽ là bài học quý giá mà tôi chẳng thể dùng tiền mua được ở đâu. Nghề báo đến với tôi như một cái duyên, dù sau này tôi có tiếp tục hay không còn làm báo nữa thì tôi vẫn sẽ nhớ hình bóng của anh Đăng Khoa, không chỉ là một người phóng viên giỏi mà anh còn là “người thầy” truyền cảm hứng để tôi thêm vững bước trên con đường tôi chọn.
7/11/2022
Trần Thanh Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa Mỗi lần viết về một nhà thơ tôi thườn...