Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Thương hoài chiếc máy may năm ấy

Thương hoài chiếc
máy may năm ấy

Năm 1985, lúc cha má tôi chưa cưới nhau, dượng Tám đã mua cho má chiếc máy may để may đồ cho ngoại và sau này có con cái thì may cho con. Từ đó, má tôi tập tành học may và trở nên lành nghề.
Khi tôi lớn lên, đã thấy má cắt may cho các anh chị trong dòng họ, hoặc trong xóm. Công việc chính của má tôi là làm nông, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng khi có thời gian rảnh rổi, xong việc nhà, việc đồng, má hay ra chợ huyện mua mấy khúc vải tồn kho, bán rẻ đem về may cho tôi. Trong trí nhớ của tôi, má luôn cắt may đúng hai kiểu cổ là cổ tròn và cổ vuông, một loại quần ống đứng. Tiết kiệm được càng nhiều càng tốt, vì may cầu kì thì tốn nhiều vải. Đa phần gia đình thời đó nhà nào cũng khó khăn, nhà tôi cũng không ngoại lệ.
Những năm 1995 – 1996, tôi để ý thấy má hay xin tờ báo cũ, tờ lịch cỡ to treo tường, vỏ bao thuốc lá đem về cắt phần rập, hoặc xin những cái khuôn rập từ những chị nhà may trong xóm về may cho mấy chị em. Đến khi tôi lớn, thì chiếc máy may đã quá cũ. Cũng từ chiếc máy may, nhà tôi đỡ phần nào tiền may ngoài tiệm. Tôi là đứa con gái duy nhất trong nhà, được cha má cưng chiều hết mực, nhưng lại không biết may. Sau này, lập gia đình, tôi mới thấm thía không biết may vá là một thiệt thòi rất lớn của phụ nữ.
Tôi không biết cắt may theo công thức, nhưng may tay hay đạp vài đường đơn giản thì cũng tạm ổn, nhưng cái tính tò mò, thích khám phá của tôi đâu chịu để chiếc máy may của má nằm im. Tôi canh me hôm nào má bận việc, không may vá, là tôi nhảy tót lên lấy vải vụng của má ra nghịch máy may. Cái cảm giác thích thú nhất của tôi là tự phối vải, cắt vải, tự mình may và lộn ngược lại rồi dồn vải vụn vào thành những cái gối nhỏ mini để ghim kim may tay, tôi còn biết tự may những bộ váy thật xinh cho búp bê. Chính những lần nghịch ngợm như vậy mà bây giờ mỗi lần mua quần áo may sẵn ngoài chợ hay siêu thị, tôi luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo, phần nào không ưng ý tôi mày mò tháo ra, cắt, chỉnh sửa sao cho mình phù hợp với xu hướng thời trang.
Năm 18 tuổi, tôi đậu đại học, cha má mừng rớt nước mắt. Rồi ngày rời xa gia đình, rời xa vòng tay ấm áp của cha má cũng đến. Tôi nửa muốn đi nửa muốn ở nhà phụng dưỡng cha má. Má biết nỗi lòng của tôi, má xoa đầu bảo tôi đời cha má nghèo khó, ít học, tôi phải cố gắng học thật tốt, con người ta có điều kiện mong mà còn không được, sau này mà nhờ tấm thân. Rồi má tôi tẩn mẩn may cho ba bộ đồ bộ bằng thun bông bên chiếc máy may của má,  thêm vài bộ đồ cũ, được xếp gọn vào balo. Hành trang vào đời nơi đất khách của tôi chỉ vỏn vẹn thế thôi.
Trong suốt 4 năm học ở Sài Gòn, mỗi lần gọi điện về cho má, sau màn hỏi thăm sức khỏe, học hành nhưng má không quên dặn balo bung chỉ, quần áo mua sẵn có chật rộng đem về cho má cắt, chỉnh sửa, may lại. Dù bây giờ, cuộc sống khá giả, hiện đại hơn. Nhưng má tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ, vẫn may vá, thêu thùa cho mọi thành viên trong nhà, ít mua hàng may sẵn ngoài chợ. Gần 30 tuổi, tôi thật sự xúc động khi mặc những bộ đồ được má đo may. Tôi cảm nhận được trong từng đường kim mũi chỉ thằng đều tăm tắp là sự đông đầy cái tình má dành cho tôi. Cho dù tôi đã lập gia đình, có con, riêng với má tôi vẫn là đứa con gái bé bỏng ngày nào.
Gần 35 năm trôi qua, chiếc máy may cũ vẫn còn được má sử dụng mỗi khi lên lai quần cho cha tôi, hoặc chỉnh sửa lưng quần bị chật cho con tôi.
Chiếc máy may của má vẫn nằm im bên cửa sổ, nơi có ánh sáng chiếu vào nhiều nhất, để khi cần là sử dụng được ngay. Tôi cứ dặn đi dặn lại má đừng có bán, cũng đừng cho ai. Lỡ một mai đi xa trở về, không nhìn thấy chiếc máy may của má, một thời gắn với tuổi thơ “dữ dội” thì tôi chẳng biết tìm ở đâu.
10/11/2022
Diệp Linh 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa

Từ "Nỗi đau của lá" đến "Lời cầu hôn đêm qua" - một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa Mỗi lần viết về một nhà thơ tôi thườn...