Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Nhớ chiếc quạt mo cau yêu dấu

Nhớ chiếc quạt mo cau yêu dấu

Những mùa hè của tuổi thơ tôi chưa có điện, còn thắp đèn dầu. Cứ mỗi dịp hè đến, trời nắng nóng như đổ lửa, ban ngày nhiệt độ rất cao, nhất là về trưa đứng gió. Và ban đêm, khi hoàng hôn buông xuống nhưng nhiệt độ lại tỏa ra rất hầm và oi bức. Chiếc quạt mo cau khô ba làm bằng tay, mẹ quạt cho tôi những đêm trường, tôi được ngủ ngon giấc. Nó là kỉ niệm gắn liền một thời gian dài của tuổi thơ tôi, nay vẫn còn lắng đọng trong tâm trí như là người bạn hiền tri kỷ.
Quạt mo làm bằng bẹ cau chín rụng xuống. Ba tôi chọn những bẹ cau lớn, dùng dao rựa bén cắt những chiếc bẹ cau thành những cái quạt, sau đó lấy miếng ván hoặc cái thớt đè những cái quạt vừa hình thành và phơi nắng, để quạt thẳng không co lại sau khi khô. Tùy theo thành viên trong nhà bao nhiêu người thì làm bấy nhiêu cái quạt, nhưng thường làm nhiều hơn vài cái, để khi có khách đến nhà chơi có quạt cho khách dùng. Quạt mo cau dễ làm và tiện lợi hơn quạt giấy làm bằng nan tre và dán giấy kỳ công hơn. Tuy nhiên, quạt giấy thì xếp lại được gọn hơn quạt làm bằng mo cau. Nhưng quạt mo cau khi quạt mát hơn quạt làm bằng giấy.
Trên bề mặt quạt mo cau có thể viết một hai câu danh ngôn, hoặc một hai câu thơ, vừa tạo cho người cầm quạt trong lúc nóng bức có thêm niềm tin, vui hơn và thích thú, cũng là cách để làm dịu bớt nhiệt độ ngoài trời, giúp người cầm quạt có động lực khi quạt. Tôi còn nhớ, ba tôi thường viết mấy câu thơ truyền miệng bằng mực xạ được tận dụng làm từ ruột pin con ó hay con thỏ dùng cho ra đi ô (đài) đã hết pin như:
Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Quạt này mát lắm ai ơi/ Quạt rồi để xuống chứ chơi cầm về.
Hoặc: Trưa hè trời nắng chói chang/ Quạt này làm mát nhẹ nhàng giấc say…
Đây cũng là cách nhằm tôn vinh tục ngữ, ca dao hay thơ văn, chứng tỏ người làm ra chiếc quạt này rất có tâm, sống rất có hồn và là người có văn hóa, trọng tình cảm. Yêu quý bản sắc văn hóa đậm đà của người Việt được đúc kết bảo tồn và phát triển qua hàng ngàn năm của dân tộc… Có thể liên tưởng với chiếc nón lá bài thơ của xứ Huế, khi chằm nón lá, người thợ làm nón luôn lồng ghép những câu thơ, bông hoa, hình ảnh tranh… vào trong lớp lá nón ở giữa hai lớp lá nón, đây cũng là cách thức để bảo tồn nền văn hóa của dân tộc và làm tôn thêm vẻ đẹp mềm mại, thơ mộng của những người phụ nữ xứ Huế với nét riêng. Và làm nổi tiếng thương hiệu chiếc “nón lá bài thơ” là vậy.
 
Tôi còn nhớ sao quên những trưa, đêm hè oi ả, để dỗ dành cho giấc ngủ của con thơ, mẹ tự tay quạt cho chị em tôi và kể những câu chuyện cổ tích nghe rất hay, để chị em tôi dần chìm vào giấc ngủ mùa hè. Tiếng quạt nan phe phẩy bên tai ngày ấy bây giờ không còn nữa, vì ba mẹ đã đi xa rồi, và tuổi thơ ngày ấy chẳng bao giờ quay lại được nữa. Ai rồi cũng phải lớn lên và già đi theo năm tháng thời gian, bởi nó là quy luật sinh tồn của con người, đời người là hạn hữu.
Sau này, khi lập gia đình sinh sống nơi Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ, nhà tôi có trồng một hàng cau xung quanh vườn, vừa để tạo bóng mát, vừa tạo cảnh quang và cũng có thu nhập vì cau trái tươi xuất khẩu ra nước ngoài. Những bẹ cau chín rụng xuống, tôi lại lấy bẹ cắt thành những chiếc quạt mo cau xinh xắn, để nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa và cũng để quạt vào mùa hè những khi bị cúp điện. Chỉ có điều khác ngày xưa là không còn viết câu thơ, câu danh ngôn nào trên quạt như thời tuổi thơ tôi đã chứng kiến.
Khi công nghệ phát triển, người ta thường chọn nhanh và tiện lợi, không còn tỉ mỉ, như ngày trước nữa; con cái xa gia đình đi học hành, hay làm ăn, mưu sinh ở xa, thỉnh thoảng trong tháng chỉ một, hai cuộc điện thoại gọi về cho cha mẹ, mấy câu hỏi thăm sức khỏe, động viên, chia sẻ là xong. Có mấy ai còn viết thư tay gửi cho cha, mẹ người thân. Vì như vậy là cầu kỳ, tốn thời gian nên mặt trái của sự tiện lợi là vậy đấy.
Tôi viết lại dòng cảm xúc này trong mùa đông, không phải mùa hè. Nhưng vẫn cảm nhận được những mùa hè nóng bức, oi hầm. Chiếc quạt mo cau mẹ quạt cho chị em tôi vẫn còn nhớ như in, hình bóng mẹ, cha của một thời tuổi thơ đầy khó khăn, lam lũ, vất vả. Nó mãi mãi là kỉ niệm trinh nguyên tươi đẹp của một thời tuổi thơ nơi vùng quê yêu dấu!…
15/11/2022
Võ Văn Thọ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Từ “Nỗi đau của lá” đến “Lời cầu hôn đêm qua”- một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa Mỗi lần viết về một nhà thơ tôi thường rất lo lắng. Tôi ...