Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Tiếng chổi đêm khuya

Tiếng chổi đêm khuya

Đêm khuya, phố đang say nồng trong giấc ngủ, cảnh vật tĩnh lặng, tiếng côn trùng đồng ca khúc nhạc nghe đến não lòng. Đều đặn khoảng 2-3 giờ sáng hàng ngày, trên từng góc hẻm nhỏ thuộc khu phố 2 phường 9, quận 10, TPHCM như bừng tỉnh bởi thanh âmđều đều vừa lạ, vừa quen. Thấp thoáng một cụ già lam lũ lom khom đang lặng lẽ khua đều chổi tre xạc xào quét rác.
Theo lời của một số bà con đang sinh sống ở đây, tôi lần tìm địa chỉ người đàn ông cần mẫn tháng ngày làm sạch phố phường . Đến tại địa chỉ theo lời giới thiệu, tôi gặp một cụ ông tuổi “thất thập cổ lai hy”. Trong ánh đèn vàng vọt mờ  mờ của ngôi nhà nhỏ, hình ảnh người đàn ông nhỏ bé, lưng còng, tóc điểm màu sương để dài qua vai, da đen nhẻm, sần sùi, nét khắc khổ phong sương đã hiện hữu trên khuôn mặt gầy, đen xạm theo dấu ấn thời gian.
Ông mặc bộ quần áo màu xanh công nhân bạc màu rộng thùng thình quá khổ, trên trán lấm tấm mồ hôi. Ông vừa cùng chiếc xích lô cũ kỷ của mình rong ruổi khắp Sài thành trong ngày với cuộc sống mưu sinh. Tiếp xúc nói chuyện với tôi, giọng ông trầm đều nhỏ nhẹ, nụ cười luôn nở trên môi. ông thân thiện, cởi mở và toát ra một  năng lượng tích cực. Tính cách này là hình ảnh đối lập với vẻ bề ngoài càng làm cho tôi thêm gần gũi, thú vị và muốn khám phá về ông.
Ông kể: Ông tên Nguyễn Văn Ngọc sinh 1950, quê quán Bà Rịa – Vũng Tàu, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sau giải phóng 1975 lên sinh sống tạm cư tại Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM. Ông đã có vợ và 6 người con. Cuộc sống tình cảm vợ chồng không hạnh phúc, ông bà đã ly hôn 30 năm nay. Các con đã khôn lớn và có gia đình riêng. Năm 2018 ông một mình vô nội thành chạy xích lô tìm kế sinh nhai. Hàng ngày đạp chiếc xích lô cũ kỷ gom góp từng đồng bạc lẻ để lo miếng ăn. Thấy hoàn cảnh của ông, tuổi cao, sức yếu, hàng ngày bươn chải, Chi hội Phước Thiện, quận 10 thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM đã cho ông tá túc trong căn nhà hẻm đường Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 10.
Kể từ khi về tạm trú địa chỉ trên, ông luôn được mọi người xung quanh yêu mến. Ban ngày ông đạp xích lô, tối về nghỉ ngủ sớm. Thấy các con hẻm trong khu vực chưa sạch, một số hộ gia đình nuôi chó thả rông, tè bậy, một số hộ xả rác  rất nhếch nhác. Từ thực trạng đó ông tranh thủ ngủ sớm, lấy báo thức dậy từ hai giờ sáng để quét dọn tất cả các con hẻm  đường Lý Thái Tổ, Sư Vạn Hạnh, Bà Hạt trong khu phố 1, 2 phường 9. Không quản những hiểm nguy luôn rình rợp, không quản mưa gió, sương khuya (đêm nào mưa lớn quá thì ông đợi mưa tạnh mới dọn dẹp). Cần mẫn như con tằm kén tơ, ông làm việc chu đáo, tự giác và lặng lẽ, không kêu ca phàn nàn, không khoa trương thành tích. Lịch trình  làm việc của ông là hai giờ dậy quét dọn , năm giờ về ăn sáng rồi đạp xích lô, tối muộn mới về nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cho một ngày mới. Chắc trời cũng thương nên ông ít ốm đau, tuy ăn uống hết sức đạm bạc, cơm mua các quán ăn loại rẻ nhất.
Để hiểu rõ sự tình tôi hỏi ông:
– Nguyên cớ gì để ông lặng lẽ làm những việc như trên?
Ông không trả lời tôi, ông đáp lại tôi bằng nụ cười tươi, thân thiện. Tôi nhìn trong ánh mắt ông sáng lên niềm tự hào. Tôi hiểu việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện, không đòi hỏi, so đo tính toán. Sau đó ông nói với tôi những hôm đau yếu, hoặc thời tiết không thuận, không quét dọn được là ông buồn lắm. Ông tâm sự rằng, việc quét rác hàng đêm đem lại cho ông niềm vui, hạnh phúc, thiếu nó với ông sẽ buồn chán và vô vị.
Đang ngồi nói chuyện, chuông điện thoại reo, một khách hàng quen thuộc gọi ông đến chở hàng, ông xin lỗi và tạm biệt tôi để đi làm theo hẹn. Tạm biệt ông, tôi bắt tay ông thật chặt, ấm áp, một cảm xúc ùa về lâng lâng khó tả.
Tôi thực sự ngưỡng mộ, kính trọng ông; ông thực sự là gương sáng đời thường, một bông hoa luôn biết toả ngát hương, biết dâng hiến mật ngọt cho đời  từ những việc làm bình thường nhất. Nhìn dáng ông liêu xiêu đi trên chiếc xích lô cọc cạch trong buổi hoàng hôn đã ngả bóng, đường phố đã lên đèn lòng tôi bùi ngùi xúc động. Tôi cầu mong ông luôn luôn mạnh khoẻ để tiếp tục góp phần làm cho đường phố, các con hẻm nhỏ phong quang, sạch đẹp hơn nữa. Một điều đáng mừng, khi thấy ông thức đêm quét dọn, các hộ nuôi chó không còn thả rông như trước, mọi người xung quanh đều có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn.
Mỗi sáng sớm mai, khi bình minh trải những giọt nắng vàng, thả bước trên những con hẻm sạch sẽ, phong quang làm cho ta có thêm năng lượng, thêm tin yêu cuộc sống hơn, lòng bỗng chộn rộn bao cảm xúc dâng trào: Ấm áp lắm! cảm kích lắm!
Hãy cùng tôi lan toả nghĩa cử cao đẹp này đến với tất cả mọi người!
Hãy đoàn kết chung tay góp sức làm cho thành phố này, từng con đường góc phố  này luôn sạch đẹp, bằng những hành động thiết thực dù là việc làm nhỏ nhất: Đừng xả rác một cách vô tội vạ ra đường!
16/11/2022.
Quang Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...