Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Đau thương đường về miền Tây

Đau thương đường về miền Tây

Sài Gòn miền đất hứa đang còn trong cơn bạo bệnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa biết ngày nào hồi sinh trở lại. Những đứa con được Sài Gòn dang rộng vòng tay nuôi nấng, cưu mang nhiều năm nay cũng có ngày khóc nấc tìm đường rời khỏi mảnh đất này.
Thật xót xa trước hình ảnh những đoàn xe rũ rượi nối đuôi nhau dài đến bất tận trở về quê hương ruột thịt. Những tỉnh miền Tây liên tục đón tiếp rất nhiều người dân hồi hương. Sự cố này đang trở thành điểm nóng của dư luận và là trung tâm của mọi sự chỉ trích, phê phán của cộng đồng.
Rất nhiều người cho rằng việc trở về quê nhà trong giai đoạn dịch bệnh vô cùng phức tạp như thế này là ích kỷ, thiếu ý thức, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Dư luận đưa ra hàng tá những lí do để kết tội, biến họ trở thành những con người tồi tệ đáng trách và xấu xa nhất. Nhiều ý kiến cho rằng việc di chuyển lung tung sẽ tăng khả năng lây nhiễm thêm các ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Chưa dừng lại ở đó, việc phân biệt vùng miền cũng làm câu chuyện bị đẩy đi xa và căng thẳng hơn lúc nào hết. Có người còn cho rằng dân miền Tây Nam Bộ ăn xài phung phí không biết tích trữ để đến lúc dịch bệnh ập đến lại lên tiếng kêu than và lên tiếng đòi cứu trợ.
Tuy nhiên, mấy ai biết được rằng việc người dân miền Tây phải rời Sài Gòn trở về quê là do tình thế bắt buộc. Họ phải lấy sức khỏe, tính mạng của mình và người thân mang ra đánh cược. Trước khi có thể lây bệnh cho cộng đồng họ đã chấp nhận đối mặt với tử thần.
Đau đớn thay cảnh cha mẹ xót hết cả ruột gan khi bế đứa con nhỏ trên tay vượt khỏi Sài Gòn trong đêm mưa gió. Những đứa trẻ đói sữa la khóc thất thanh, nằm vất vưởng ven đường ngất lịm vì lạnh cóng chờ được thông chốt. Hết chốt tỉnh này đến chốt tỉnh khác. Những ổ bánh mì khô cứng được mắc khắp trên xe để đánh vơi đi cái đói. Nguy hiểm hơn khi quá nhiều phương tiện cùng lưu thông làm con đường trở về nhà của họ càng lúc lại càng xa.
Nếu người dân miền Tây không ý thức thì họ đã về quê cách đây 3 hoặc 5 tháng trước chứ không phải chờ đến bây giờ. Mấy ai thấy được hình ảnh người phụ nữ bán đôi bông cưới của mình lấy tiền mua xăng để vợ chồng cồn chống nhau trên chiếc xe lỉnh kỉnh đồ đạc. Những giọt nước mắt chưa đủ để chứng minh những nỗi đau khi bỏ lại thứ đồ vật kỉ niệm đẹp nhất cuộc đời nơi đất khách.
Còn chuyện người miền Tây ăn xài phung phí, sự thật là gì? Là phung phí cho việc đóng tiền nhà mỗi tháng, trang trải tiền ăn mỗi ngày và cả những tích góp để gửi được về quê nuôi mẹ già và đàn con nhỏ. Vì hầu như tất cả họ đều là những người lao động chân tay, chọn Sài Gòn gửi thân mình để có cơ hội nuôi những tấm thân khác. Sẽ chẳng ai biết được nỗi đau thắt ruột gan của những người cha người mẹ vì mưu sinh mà gửi con họ cho ông bà nuôi nấng và nếu họ không may nhiễm bệnh không qua khỏi thì con của họ sẽ đi về đâu.
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là những người lao động nghèo ấy tháo chạy khỏi Sài Gòn lúc khó khăn thì liệu có quay lại vào lúc nó khỏe mạnh không? Có người sẽ trả lời là “Không” vì những nỗi ám ảnh về cái đói, về thất nghiệp, về mình sẽ có thể chết nơi đất khách quê người sẽ ám ảnh và đi theo họ đến suốt cuộc đời. Nếu có phải đói mà chết họ cũng muốn được nằm xuống trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhưng sẽ có nhiều người trả lời là “Có” vì cơm áo gạo tiền, vì những gánh nặng kinh tế, họ hẹn gặp lại Sài Gòn vào một ngày bình thường mới bớt những đau thương hơn. Họ luôn mong Sài Gòn vẫn yêu thương và chào đón họ như đã từng vào một ngày đẹp trời nhất ở tương lai.
Một khi không trải qua những khó khăn, khốn khổ, hoạn nạn như người khác thì xin đừng vội vàng phán xét bất cứ điều gì để gây tổn thương cho nhau. Người miền Nam, miền Trung hay miền Bắc cũng là đồng bào người Việt Nam máu đỏ da vàng. Đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp hãy thông cảm, chia sẻ, động viên nhau để vượt qua gian nan, giảm bớt đau thương mất mát. Thay vì chỉ trích xin hãy chúc đồng bào trở về nhà bình yên!.
15/10/2021
Trần Thị Anh Thư
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...