Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Chúng tôi mắc nợ Việt Nam

Chúng tôi mắc nợ Việt Nam!

Sau chiến tranh Việt Nam có một lĩnh vực văn học mà chúng ta nói đến một cách quá khiêm tốn, được gọi là “văn học hàn gắn vết thương”, cụ thể nói về mối quan hệ Việt – Mỹ. Kể từ khi kết thúc chiến tranh đến nay, mối quan hệ có chiều sâu nhất, quan trọng nhất và có hiệu quả nhất giữa Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn quốc tế là mối quan hệ giữa các nhà văn mặc áo lính Việt Nam và các nhà văn cựu binh Mỹ thông qua Viện William Joiner của đại học Massachusetts. Do một số lý do khách quan, mối quan hệ hợp tác của Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn cựu binh Mỹ bị chùng xuống trong mấy năm gần đây. Giờ đây, Hội Nhà văn Việt Nam và các thành viên kỳ cựu của Viện William Joiner – những nhà văn tên tuổi của nước Mỹ – đang tìm cách để thúc đẩy một giai đoạn mới trong hợp tác đặc biệt là dịch thuật được phát triển tốt hơn…
Khi nói về Việt Nam và các nhà văn Việt Nam mà ông đã gặp gỡ và làm việc, nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen viết: “Điều đã thay đổi nhiều nhất qua năm tháng, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong cách tôi cảm nhận Việt Nam, từ một nơi của chiến tranh và những người lạ nguy hiểm trở thành một nơi giống như ngôi nhà thứ hai, nơi có bạn bè và gia đình, nơi khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần.
May mắn là tôi có nhiều bạn bè. Và chúng tôi có Việt Nam. Trong nhiều năm, những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa “hồi phục” cho chúng tôi rất lớn. Nhìn thấy bạn bè, cùng nghe nhạc, nghe thơ ở sân sau, thăm đền chùa, thắp hương, nhìn thấy con của những người bạn lớn lên. Việt Nam đã trở nên một nơi giống như để hành hương. Tôi không chắc là chúng tôi tìm kiếm cái gì.
Có thể là sự hiểu nhau. Hòa Bình. Tình yêu. Sự mở mắt. Chúng tôi mắc nợ Việt Nam và các nhà văn của họ rất nhiều. Sự rộng lượng của họ luôn làm tôi kinh ngạc. Sự dũng cảm, cởi mở, kiên nhẫn, tử tế luôn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi”.
Xin trân trọng giới thiệu một số bài thơ của các nhà thơ cựu binh Mỹ viết về Việt Nam.
Fred Marchant
Bức ảnh chụp chung ở Văn Miếu
1.
Nhà thơ ấy đã từng
Sống trên con đường lửa cháy
Người ca sĩ hiện lên giữa khói
Giữ chúng tôi ở lại
Người đòi cái chết trả lại những người bạn
Người hát những tình ca dang dở
Người nói với tôi bằng hơi thở:
– để viết một cuốn sử
Anh hãy mở mắt nhìn thế giới
Và để tìm thơ
Anh phải nhìn bằng trái tim đau khổ
2.
Nhà thơ ấy hát những lời ru của mẹ
Anh mang đến cho chúng tôi
Hoa hồng, nho tươi và những bài hát
Và một ca sỹ
Mang giọng của những bà mẹ
Thẳm sâu trong núi rừng phương Bắc
Mênh mông trên cánh đồng phía Đông
Những câu hát dịu dàng chảy mãi
Trong đêm dài và sâu
Từ đó vọng lên những tháng năm khốc liệt
Anh sống dưới mái tăng căng dọc đường mòn
3.
Nhà thơ ấy sống trong rừng phi lao ven biển
Khi chúng tôi đi qua chiếc cầu
Sau chiến tranh chưa kịp sửa
Chúng tôi bỗng nghe tiếng trống
Vọng về, đôi mắt rưng rưng
Và nhà thơ ấy biết
Những nguồn nước con sông sinh tự nơi nào
Nhà thơ ấy biết những ngọn đèn
Thao thức trên thuyền như hồn người
không ngủ
Nhà thơ ấy thì thầm những gì anh thấu cảm
Anh có những nỗi niềm đau trong ngực
chúng tôi
4.
Nhà thơ ấy đặt chúng tôi vào trong cơn bão
Anh dẫn chúng tôi đến ngôi nhà đá
Quanh chúng tôi những lồng chứa tê tê và nhím
Quanh chúng tôi lươn, cá đang bơi
Quanh chúng tôi cua giơ càng bò hối hả
Và khi vầng trăng tái đỏ
Đi qua miệng vực
Anh nói: chúng ta phải đứng dậy
Chỉ để lại những ngôn từ rực sáng ở phía sau
5.
Nhà thơ ấy đưa chúng tôi về phía bên kia
Anh chỉ cho chúng tôi hươu sừng đen của núi
Anh chỉ cho chúng tôi những nghĩa trang
im lặng
Nơi nằm lại những nhà thơ của núi, của rừng
Anh chỉ cho chúng tôi sen hồng trong những
hố bom xưa
“Đấy thiên nhiên, thiên nhiên diệu kỳ, bạn ơi hãy viết”
6.
Nhà thơ ấy có lần trong hố bom sâu
Đã chạm vào cái chết
*
Chị ôm người bạn
Và đôi mắt bạn mình
Chỉ còn là hai hốc tối mênh mông
Chị dùng mọi ngôn từ còn lại
Kể những chuyện chị nghe từ thuở chín, mười
Như thế người yêu trong vòng tay chị
Như thế là đứa con của chị
Như thể bầu trời chứa đầy cái chốt
Xé nát lá xanh trên đầu
Tất cả đã thành thơ
7.
Chúng tôi là những kẻ
May mắn trong cuộc đời
Được sống giữa những nhà thơ ấy
Họ vẫn sống, vẫn khoan thai
Vẫn chiến đấu không nguôi với những ngôn từ
Tuyết Ngân dịch
Yusef Komunyakaa
Con thuyền thơ
Con thuyền đã trét hắc ín với nhựa sơn cánh kiến hoàn toàn không thấm nước, xoay bông bênh trên dòng triều dạt, nhẹ nhõm như một người đàn bà đang yêu. Lại chống sào đẩy ra, rẽ lối qua bao sen nở, bùn lắng, nỗi hổ ngươi day dứt, bóng tối không buông tha. Với nửa bộ rễ hay nửa trái tim thì bất cứ thứ gì cũng có thể mọc lên trong cái đầm lớn này.
Có nhịp sào chống vào phía những thứ lẩn ánh ngày, toàn những thứ gây đau. Trong bình minh, bóng của người hái hoa trải ra trên nước, biên đạo cho một nhạc cụ chơi cho những thần những quái của vương quốc âm u phía dưới. Những bông hoa nở nghiêng vào bàn tay nhanh nhẹn của anh, như thể chúng lưng chừng tự bứt, tuân theo qui luật nào đó.
Chậm rãi, ánh sáng hùng biện cắt giữa đêm và ngày, giống như những người tắm trần truồng đang ghì ôm. Con thuyền đằm sâu hơn, cách dễ dàng như con bọ nước. Theo những cử động trôi chảy của anh, tôi biết, không còn nữa cái bóng kẻ ném bom nào trên mặt nước, lướt đi như một giấc mơ về cái chết. Bí ẩn mọc lên từ sự thối rữa của những vật chết – mỗi bông hoa nở một cái hôn từ cõi bất tri.
Tôi đứng trên những bậc thềm Nhà Khách Tây Hồ Hà Nội, cảm thấy mình bị dõi nhìn như tôi đang trân trối nhìn anh chàng chống thuyền kia, chẳng thể hành xử cứ như chỉ còn hai chúng ta trên cõi đời này. Anh vững vàng trên con thuyền Thần Mặt Trời của anh, ngoặt trái ngoặt phải, xuyên qua và vượt khỏi, như thể ngày là một người đàn bà anh sẽ kéo vào vòng tay.
Nguyễn Chí Hoan dịch
Martha Collins
Ánh sáng mới
Ngày đầu ấy, chị hít đầy ánh sáng,
cách chị từng hít không khí, ngày nào,
bởi vì có ánh sáng, con đường dài thăm thẳm
xa nhà, không khí ấm, vị mát lành
lê, đu đủ, xoài, nho;
có lũ con gái, và bọn con trai,
thậm chí cả cái chết, nghĩa là,
họ gặp một tang lễ ngang qua
hôm ấy, một điềm lành. Ánh sáng
giống ánh sáng vẫn hắt xuống dòng sông
quê nhà, nơi vườn táo mọc trong giá lạnh
chị hít đầy ánh sáng bởi vì:
ánh sáng trên sông vẫn chính là ánh sáng
cách nửa vòng bên kia thế giới, vẫn là
thế giới này.
Ngô Tự Lập dịch
Bruce Weigl
Lời thơ tặng Mẹ Nguyễn Thị Vẻ
Viết thay cho Nguyễn Thị Hạnh Weigl
Được sinh ra trong văn hóa lúa Hà Nam
đầu tiên là đất
thứ hai là nước
thứ ba là những ngày dài còng lưng dưới
mặt trời
thứ tư là thóc giống
như cuộc đời Mẹ đã bắt đầu
dưới bầu trời vần vũ của chiến tranh
Rồi Mẹ như cây mạ
sẵn sàng cho số phận bứng lên
từ mảnh ruộng Mẹ đã được gieo
để lại được cấy xuống
trong hàng hàng những người sống sót
Mẹ vươn lên từ bùn, Mẹ vươn lên trong bão táp
Dậy thì khi lúa trổ đòng
bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp
Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh
tự do chảy qua những cánh đồng
rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt
Khi lúa chín, Mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất
của đời mình bằng tiếng hát
bằng yêu thương sâu thẳm trong tim
bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ
Nhưng – số phận chia lìa hai ngả
Mẹ lặng lẽ gặt mình thành gốc rạ
cô liêu trên đồng trống tái màu
Giờ đây Mẹ trở về thóc giống
để chúng con cùng nâng niu, cất giữ, gieo trồng
để những hạt-gạo-Mẹ chúng con ăn vào cơ thể
lại trổ đòng
lại xanh mướt xanh.
Nguyễn Phan Quế Mai dịch
Kevin Bowen
Chơi bóng rổ với Việt Cộng
Tặng Nguyễn Quang Sáng
Một chiều xa trong chiến tranh
Khi chúng ta đang rạp mình phục kích
Những người đàn ông, đàn bà
Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ
Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai
Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới
Người đàn ông tóc hoa râm đi dép
Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta
Hút thuốc lá Gô-loa
Và uống bia nhãn Mỹ
Cơn ho chiều cắt ngang câu chuyện
Khi ông kể về một ngày kháng chiến
Năm 1954
Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp
làm sao
Ông nâng chân trái lên
Hai cánh tay lượn từ sau ra trước
Quả bóng bay theo quỹ đạo cầu vồng
Một, hai, ba… rồi mười lần trúng đích.
Chúng ta đứng nhìn ông im lặng
Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng
Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long
Và ở những nơi khác nữa chúng ta nghe
Lời ông thì thầm như thở
Còn có thể thắng thêm vài quả nữa.
Trà sen
Tặng Vũ Tú Nam 
Đêm qua ở Hà Nội.
Bên ngoài câu lạc bộ V.I.P,
Những chiếc ô tô xếp hàng.
Những chiếc đèn mầu cam rực rỡ
Thắp sáng lối vào.
Ba đêm đã qua
Và giờ những người đàn ông và
Đàn bà đầu tiên đi qua
Những người đạp xích lô và gái điếm
Bên công viên.
Mắc kẹt trong
Một nhà hàng hẹp, đôi bàn tay
Lớn của ông mở ra, ông diễn tả
Cách thức những chiếc búp chè được đặt vào
Những cánh hoa sen trong đêm như thế nào,
Buổi sáng lấy ra,
Những hạt sương rơi ra lả tả.
Khi những bông hoa bừng nở vào sáng
hôm sau.
Đêm nay, đêm trà sen.
Ngày mai, Rằm tháng Tám.
Làm thế nào để nói lời tạm biệt.
– Mộ của ông nội vợ tôi nằm ở Huế
Ông thì thầm
– Và được chôn cạnh Phan Bội Châu.
Và khuôn mặt ông ẩn hiện trong hương trà
Như một dòng sông lộng lẫy đang trôi.
31/10/2021
Kevin Bowen
Ngân Phương dịch
Nguồn: Văn Nghệ số 16 bộ mới 2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...