Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Tôi đã nói yêu thương và mỉm cười nhiều hơn

Tôi đã nói yêu thương
và mỉm cười nhiều hơn

Những ngày thế giới bệnh nặng bởi Covid-19, người trẻ như tôi cũng choàng tỉnh cơn ngái ngủ để nhận thức về lẽ đời bình dị xung quanh. Không còn thức dậy với tiếng còi xe inh ỏi, không vội vàng hòa mình vào dòng người hối hả nơi Sài Thành hoa lệ.
Một sáng dụi mắt thấy tiếng chim hót, thấy gió mùa thu lướt ngang ô cửa sổ, tivi đang phát bản tin về đại dịch. Tôi biết cuộc sống “bình thường” mỗi ngày rồi đây sẽ phải trở thành “bình thường mới”.
Tưởng đâu rời Sài Gòn dăm bữa đợi ngày phố thị khỏe, ai ngờ cũng đã 5 tháng cho ngày nói lời tạm chia tay. Những biến động xảy ra trong lòng đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống mỗi người, dần dần con người ta học cách thích nghi thay vì than vãn, học cách trân quý sinh mệnh nhiều hơn trước lưỡi hái tử thần. Không nói ra nhưng nhìn ánh mắt của những người bên cạnh, tôi hiểu rằng mỗi ngày họ đều thầm cảm ơn vì chính họ, vì người thân của họ vẫn đang khỏe mạnh.
Giãn cách xã hội có bao gồm cả việc giãn cách về đồng điệu tâm hồn hay không? Giao tiếp của con người có bị “trục trặc” vì thiếu đi những cuộc gặp gỡ, cái bắt tay hay một cái ôm?
Con người vẫn đang cố gắng để không mất kết nối với cuộc đời, họ bám víu vào những cuộc điện thoại, vài dòng tin nhắn hỏi han hay thậm chí vẫn đang nỗ lực làm việc, học tập qua một vài công cụ hỗ trợ từ xa. Học cách chấp nhận thực tại là bài học tiên quyết mà đại dịch để lại giữa một đống hoang tàn.
Các chiến sĩ áo trắng, áo xanh đã xông pha trên chiến trường thời bình. Đường truyền giữa tình người và tình người đã bớt đi sự chập chờn, nhường chỗ cho niềm tin bước qua đại dịch ít mất mát, đau thương nhất. Mạng xã hội cũng dần trở nên cần thiết để mọi việc có thể được thuận lợi hơn giữa mùa xa cách. Kết thúc vài phút video call ngắn ngủi là hi vọng ngày sớm được gặp mặt, đọc tin tức về cảnh đời khó khăn của một người lạ rồi len lén giấu đi giọt nước mắt. Đó là mầm mống của sự cảm thông và sẻ chia đang tồn tại trong bóng tối mịt mù.
Tranh của họa sĩ Lê Sa Long
Không phải đợi đến khi dịch bệnh xuất hiện con người ta mới vỡ lẽ ra những điều ấy mà khi đối diện với cơn khủng hoảng, bản chất và hành động mỹ học của con người mới được bộc phát một cách mạnh mẽ nhất. Dịch bệnh như một chiếc cầu dao bất đắc dĩ đột ngột ngắt điện, phát ra tín hiệu con người cần sống chậm lại. Ranh giới sống – chết chỉ là một sợi dây mỏng manh buộc chúng ta phải vật lộn bệnh tật để giành chiến thắng.
Không có sự bàng hoàng nào hơn trong tích tắc chúng ta cầm trên tay tro bụi của một kiếp người, cũng không có âm thanh vang vọng nào ám ảnh hơn tiếng còi xe cấp cứu. Đặt trong quan niệm Á Đông, chúng ta có Sinh – Lão – Bệnh – Tử vậy mà hai từ “dương tính” làm cuộc đời của vô số con người bị nhảy cóc. Để rồi, hình hài của hai chữ cảm ơn và xin lỗi cũng đành hóa thành nuối tiếc.
Tôi đã nói yêu thương nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn và tĩnh lặng nhiều hơn như cách để tri ân sự hối hả ngày tôi chưa hiểu hết về sức nặng của một đại dịch. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác cũng cảm nhận được sự chuyển hóa trong tâm tình bản thân mình. Có thể vì chúng ta nhìn nhận nỗi đau mất mát được phơi bày, cũng có thể vì tình thương đồng loại trong chúng ta rung lên khiến khoảng không bỗng hẫng đi một nhịp.
Rồi mai thức giấc, hi vọng đại dịch sẽ nói lời tạm biệt với chúng ta. Tôi tin ngày ấy nhất định sẽ đến, như tin vào ánh nắng ấm áp ban mai sẽ bừng lên sau đêm đông giá buốt!.
20/10/2021
Phạm Thị Thu Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...