Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Đừng ngoảnh mặt với thương yêu

Đừng ngoảnh mặt với thương yêu

Hoàng Đình Nguyễn là một tác giả thơ, văn, và nhà thư pháp có tiếng của Đồng Nai. Ông sinh năm 1947, quê quán Đức Phổ, Quảng Ngãi, là học sinh miền Nam trưởng thành trên đất Bắc và tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội (kỹ sư Hóa thực phẩm). Là người làm công tác khoa học kỹ thuật, song ông gắn bó với văn học nghệ thuật rất sớm và bền bỉ; ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn say mê đi và viết.
Hoàng Đình Nguyễn quan tâm đến nhiều lĩnh vực bằng cả tinh thần khoa học và trái tim người nghệ sĩ. Đi đến đâu ông cũng quan sát tỉ mỉ đời sống và những nét văn hóa riêng, và ghi chép một cách trung thực, cẩn thận để người đọc hiểu và cảm nhận được những điều ông yêu mến. Vì vậy, Hoàng Đình Nguyễn đã có 11 tập sách, trong đó đáng chú ý là những tập thơ viết về tình yêu cuộc sống, con người và những tập ký sự về nhiều miền đất trên thế giới.
“Đừng ngoảnh mặt với thương yêu” là một ghi chép dài gần 20 ngàn từ mang nhiều xúc cảm, suy ngẫm của tác giả Hoàng Đình Nguyễn về đại dịch Covid-19, nhất là những diễn biến trong đợt dịch thứ tư diễn ra giữa năm 2021. Xin giới thiệu đoạn 4 và 5 trong số 7 đoạn của bài viết này.
NHÀ VĂN TRẦN THU HẰNG chọn và giới thiệu
4. Cảm xúc miên man
Khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lâm vào cơn bão lớn của COVID-19. Khoảng thời gian này chính là cơ hội để thành phố và tứ giác kinh tế phía Nam siết chặt chống dịch ở mức độ cao nhất.
Trong khung cảnh tưởng như vô cùng yên ắng ấy, những công dân không có trách nhiệm “nằm nhà là yêu nước”, nhưng chúng ta vẫn biết hàng ngày quanh ta có lớp lớp chiến sĩ công an, quân đội từ mọi nơi được huy động lên đường chi viện cho Thành Phố HCM  và các tỉnh phía Nam thiết lập các chốt kiểm soát người đi lại, vận chuyển lương thực, thực phẩm và xây dựng và vận hành các trạm y tế lưu động.
Những ngày đã qua, ta vẫn luôn gặp màu áo xanh có mặt khắp các tuyến đường; len lỏi trong từng ngõ hẻm đến từng nhà dân thăm khám cấp cứu cho các F0, cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân duy trì cuộc sống chờ ngày “mở cửa”.
Hằng ngày ngồi đọc tin tức COVID-19 trên trên TV và các báo điện tử. Số ca nhiễm ngày sau  tăng hơn ngày trước. Người nhiễm F0, F1 bây giờ đâu chỉ riêng người lớn tuổi mà còn có thanh niên, phụ nữ và trẻ em. Nhìn thấy hình ảnh một bé trai cỡ 4 tuổi nhiễm Covid trong bộ đồ bảo hộ xách cái ba lô nhỏ đứng đợi xe cấp cứu đến đưa đi cách li tập trung mà lòng cảm thấy nghẹn ngào, ai cũng rơi nước mắt. Bé như thế đã biết gì đâu, không có người lớn theo chăm sóc, thêm gánh nặng cho nhân viên y tế tại tâm dịch đã đành nhưng thử hỏi lực lượng y bác sĩ và thầy thuốc lấy ở đâu kịp để bổ sung kịp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ lúc COVID-19 đợt 4 xuất hiện, đã có hơn 20.000 y sinh và Y, Bác sĩ ,từ các bệnh viện, các trường đại học y dược, lực lượng y tế chuyên nghiệp trong Quân đội, Công an từ các tỉnh phía Bắc đã tình nguyện lên đường chi viện cho Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Lực lượng này đã dựng nên nhiều bệnh viện dã chiến, chung tay cùng các địa phương vượt qua mọi khó khăn và thử thách trên tuyến đầu với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”.
Ngay trong mỗi đơn vị y tế, mỗi bệnh viện dã chiến có đến hàng chục nhiệm vụ phát sinh,trong nỗi lo âu và tự nguyện của thầy thuốc. Ví như bón đồ ăn, đấm lưng cho người bệnh… thậm chí có những người phải ân cần dỗ dành. Vậy nên khi có các F0 từng bị nhiễm bệnh nặng, sau khi đã khỏi bệnh xin ở lại chăm sóc chu đáo cho người khác là rất cần thiết. Sau những giờ tất bật lo cấp cứu cho bệnh nhân, mỗi lần bàn giao ca trực, quần áo của bác sĩ ướt sạch. Làm việc công suất gấp 2-3 lần đã được từng người tập rèn. Nhiều bác sĩ trong phòng cấp cứu bệnh nhân nặng đã tâm sự rằng: Cứ nhìn sự hối hả ở đây thì biết, từ y, bác sĩ đến các nhân viên chuyên môn, tình nguyện viên đều tất bật làm việc suốt nhiều giờ mỗi ca.
Danh sách F0 mỗi ngày một dài ra, nhiều người lúc đầu vào đây họ lạc lõng, cô đơn, run rẩy, nhất là lúc gắn máy thở oxy vào mũi, cứ nhìn thấy mà thương lắm. Ám ảnh nhất là những đôi mắt đờ đẫn chứa ẩn nỗi buồn lo mênh mông. Lúc đó mỗi thầy thuốc đều ước mình có sức mạnh vô biên làm việc mãi không mệt.
Trong lằn ranh sinh tử, các y bác sĩ của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 vẫn đang ngày đêm, cẩn trọng giành giật mạng sống cho những bệnh nhân đặc biệt. Họ là những thai phụ, sản phụ nguy kịch. Có những giọt nước mắt đến bất lực nhưng cũng có hạnh phúc vỡ òa vì những mầm sống kia sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng.
Phóng viên của Báo Sức khỏe và Đời sống đã ghi lại những khoảnh khắc đến nghẹt thở trong bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, chứng kiến phút giây căng thẳng của đội ngũ y, bác sĩ để để giành giật sự sống, hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân, thực sự trân trọng những nỗ lực cao cả ấy. Bằng những hình ảnh đắt giá nhất, chân thực nhất, chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại gần đến vậy.
“Ai ở đâu ở yên đó” chỉ nhằm nhắc nhở mọi người nếu không có công việc cần thiết đừng ra đường để khỏi bị lây nhiêm dịch, nhưng hầu như tâm trí của những người nằm nhà như chúng tôi luôn hướng vào bên trong tâm dịch. Nơi người mắc COVID-19 đang được điều trị như thế nào, và y bác sĩ phải vật lộn ra sao để giành giật sự sống cho từng người bệnh.Nhiều Y, Bác sĩ  từ các địa phương xa đã tình nguyện vào tâm dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày đêm lăn xả vào điều trị cho bệnh nhân Covid cho đến khi hết thời gian điều trị ở đây, đã được thông báo trở về đơn vị cũ. Thế nhưng vì thương những người bệnh nên đã xung phong viết đơn xin ở lại.
Giờ đây ngày càng nhiều tình nguyện viên tham gia, hi vọng sẽ giúp sức cùng các y bác sĩ cứu được nhiều người bệnh hơn. Điều đáng mừng là nhiều F0 ở lại vì lòng cảm kích với các thầy thuốc và dành tình thương cho bệnh nhân như người ruột thịt của mình. Lương y như từ mẫu, và trong những phút giây khốc liệt này, họ là những chiến sỹ chiến đấu không ngừng nghỉ để bảo vệ những sự sống mong manh. Những hành động đang diễn ra hàng ngày trong tâm dịch của những y bác sĩ thật sự cảm động, xin cảm ơn, cảm ơn rất nhiều những chiến sỹ áo xanh.
5- Nước mắt chảy về đâu?
Vợ chồng tôi quen thân với một cháu gái tên Trần Hiền, làm việc tại Công ty Cấp nước Đồng Nai. Vào những ngày dịch COVID-19 bùng phát cao điểm nhất, chúng tôi chợt nhớ rằng cháu gái đã đến ngày sinh em bé.
Bạn biết đó, khi ở trong tâm dịch một người bình thường tự lo cho sức khỏe của mình để không nhiễm COVID-19 đã là một việc làm khó khăn, nhưng với một thai phụ mang bầu sắp sinh em bé thì khó khăn sẽ tăng lên gấp bội. Đồng cảm với những lo lắng này, tôi vội tìm vào Zalo của cháu Hiền hỏi thăm tình hình sức khỏe và để biết cháu đã đến ngày sinh chưa. Không để tôi đợi lâu, một phút sau trên Zalo tôi đã nhận được tấm hình của em bé mới sinh rất dễ thương và câu trả lời:
– Cháu chào ông bà ạ
– Cháu chào đời lúc 11h50 ngày 2/9/2021, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
– Cháu trai nặng 4 kg
– Thật may mắn là mẹ con cháu vẫn bình an chú ạ.
Nhận được những câu trả lời trên của cô cháu gái, vợ chồng tôi đã thật sự rất vui, chúc mừng: “Mẹ tròn con vuông”.
Mấy ngày sau, qua Zalo cháu Hiền báo cho tôi biết mẹ con đã xuất viện trở về với nhà bình an và đã đặt tên cho cháu là Nguyễn Hoàng Nam. Thật may mắn và hạnh phúc cho gia đình Hiền, tôi biết rằng cháu sẽ mãi mãi không bao giờ quên những ngày tháng đáng nhớ này.
Bỗng dưng tôi lại nghĩ đến những y, bác sĩ đang trên tuyến đầu chống dịch, trong khó khăn gian khổ,những tấm lòng “lương y như từ mẫu”. Chợt trong tôi tự đặt ra một câu hỏi “trong cơn đại dịch này đội ngũ y, Bác sĩ đã chiến đấu như thế nào để đem lại sự bình an, những nụ cười cho những thai phụ”…
Không biết vô tình hay hữu ý, khi vừa bật TV theo dõi tình hình diễn biến của dịch COVID-19, đã  gặp ngay phóng sự đặc biệt của VTV1 có tựa đề là “Ranh giới” kể về những khoảnh khắc giành giật sự sống cho các thai phụ ở Bệnh viện Hùng Vương ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên người xem được chứng kiến cận cảnh những hình ảnh về người mắc COVID-19 đang được điều trị như thế nào, và y bác sĩ phải vật lộn ra sao để giành giật sự sống.Video ghi lại những công việc hàng ngày của các bác sĩ, hộ sinh, kỹ thuật viên, để thấy họ đang chịu áp lực và sự căng thẳng tột độ mỗi ngày, trong suốt nhiều tháng qua.Đây là video tài liệu phát sóng với độ dài 50 phút, không có lời bình. Bởi mỗi hình ảnh, âm thanh ghi nhận ở phòng điều trị đặc biệt đã ngồn ngộn cảm xúc và sự ám ảnh.
Ngay sau ngày 21 tháng 7/2021 Bệnh viện Hùng Vương được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tầng điều trị COVID-19 theo biểu đồ hình tháp 5 tầng. Ngay lập tức bệnh viện đã chuyển đổi tòa nhà “Cát tường” trở thành khu K1 để điều trị sản phụ F0 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường. Tất cả đội ngũ y tế của cả Bệnh viện được huy động dồn sức tập trung cho “chiến trường” K1.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã đại diện cho lãnh đạo Bệnh viện: “Cảm ơn tất cả những anh chị em đã cùng chia lửa cho khu K1, những y, bác sĩ đã túc trực ngày đêm trong điều kiện làm việc quá tải. Rất thiếu người, nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ bê người bệnh. Vì người bệnh đang rất cần sự nâng đỡ và hổ trợ ở khu K1. Khi bệnh nhân tử vong, nghĩa tử là nghĩa tận, các bạn làm ơn hãy giúp tôi việc này”…
Mỗi một bệnh nhân ở khu K1, do nhiễm F0 nên họ không có người nhà đi kèm vì thế trong trường hợp này quả rất đúng với câu ví von: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển lẻ loi một mình”. Mỗi một sản phụ đến với K1 phải chạy đua với hai mạng sống một lúc, vậy nên mỗi nhân viên y tế tại đây tự hứa với chính mình nếu bù đắp được cho sản phụ cái gì thì cứ bù đắp. Ranh giới giữa cái sống và cái chết thật quá mong manh, khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẻ hơn.
Qua phóng sự đặc biệt này, VTV1 cho ta thấy được ê-kíp y bác sĩ như một guồng máy chạy không ngừng nghỉ, họ như tự vắt kiệt sức để lo cho bệnh nhân.Thật sự cảm phục và cầu mong dịch bệnh chóng qua trả lại bình yên cho mọi người.
Xem phóng sự, ta thấy thương hơn những người phụ nữ sinh con trong thời gian dịch bệnh lại càng khổ gấp vạn lần, có người đánh đổi cả tính mạng của mình như trường hợp của bệnh nhân – thai phụ Trần Thị Vân được bạn đưa vào bệnh viện khi bị nhiễm Covid-19. Khi vào đây, cô giấu gia đình, giấu ba mẹ. Đau đớn thay, chỉ đến khi cô mất, ba mẹ cô mới biết tin con mình bị nhiễm Covid-19 và tử vong cùng với đứa con trong bụng. Dù đã được đội ngũ y bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng thai phụ đã không thể vượt qua. Người cha của cô đang trong khu cách ly, đã tìm cách xin về bệnh viện Hùng Vương để mong được gặp con gái lần cuối. Nhưng theo quy định, người nhà không được phép tiếp xúc gần với những bệnh nhân đã bị nhiễm COVID-19.
Nếu như kết thúc phóng sự “Ranh giới” của VTV1 là tiếng khóc nghẹn ngào của người cha trước cái chết của con gái mình cùng đứa con trong bụng. Ta cảm thẩm thấy hụt hẫng, ngột ngạt khó thở đến tột cùng. Những hình ảnh này đã lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của người xem trước những mất mát, thương đau do COVID-19 gây ra.
Sau thành công tuyệt vời của phóng sự “Ranh giới”, ekip làm phim của VTV1 lại cho ra đời một phóng sự đặc biệt tiếp theo: “Ngày con chào đời”. Ngày con chào đời là câu chuyện thực nói về khát khao mong đợi cho đứa con chào đời của những thai phụ nhiễm F0, những người từng giây, từng phút quyết tâm giành giật sự sống trước đại dịch covid.
Mỗi em bé chào đời trong hoàn cảnh này tại Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là cảm giác hạnh phúc của những người mẹ, mà nó còn là hạnh phúc, nguồn vui chung của tất cả những nhân viên y tế ở đây. Theo Tiến sĩ. BS Ngô Thị Thanh Thảo: “Đối với những bệnh nhân nhiễm Covid họ có thể trở nặng bất cứ lúc nào, nên mỗi em bé chào đời an toàn là mình thấy nhẹ nhõm”.
Xem “Ngày con chào đời” những người làm phóng sự đã đưa chúng ta tận mắt thấy những hình ảnh vô cùng cảm động của thai phụ trẻ Phạm Thị Hồng Phương. Hồng Phương đã nhập viện Hùng Vương 1 tháng trước do một tai nạn giao thông khi cô mang song thai 31,5 tuần tuổi. Trong thời gian chữa trị tại đây cô được test mẫu xét nghiệm dương tính với COVID-19. Vì thế Phương phải chuyển sang khu K1 dành cho thai phụ F0. Tình trạng thai nhi xấu do tim thai nhịp giảm bất định do vậy Bác sĩ chỉ định Hồng Phương phải được mổ cấp cứu.
Trước khi mổ cho sản phụ Hồng Phương, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tài đã động viên:
– Em sinh con đầu lòng phải không?
– Dạ
– Anh sẽ mổ cho em, hãy bình tĩnh nhé!
– Dạ, em chuẩn bị tâm lý rồi, nhưng em lo con em thiếu tháng, lại hai đứa…
– Nếu bắt con ra mà cháu không khỏe, Bệnh viện sẽ gửi bên khoa nhi chăm sóc, để em điều trị Covid. Yên tâm nhé… hít sâu vào…
– Dạ, em mong con em sinh ra, nó khỏe là em mừng rồi. Cảm ơn Bác sĩ, cảm ơn mấy chị đã giúp đỡ mẹ con em được “mẹ tròn con vuông”..
Tất cả mọi người trong kíp mổ, và cả những người xem phóng sự trên TV đã vỡ òa niềm vui khi ca mổ cho sản phụ Phạm Thị Hồng Phương đạt như mong muốn của mình.
Hồng Phương được mổ bắt con lúc 22h30 con gái đầu lòng nặng 2kg, 22h32 con gái sau nặng 1,9kg cất tiếng chào đời.
Sau khi mổ bắt con sản phụ Hồng Phương được chuyển sang khu cách ly chữa trị Covid, hai con gái của Hồng Phương được khoa nhi chăm sóc đặc biệt. Riêng chồng của Hồng Phương những ngày đầu vào chăm sóc vợ bệnh đã bị dương tính với Covid nên phải sang khu cách ly chữa trị.
Kết thúc phóng sự này là cảnh cả gia đình Hồng Phương được về nhà đoàn tụ nhưng lại phải cách ly có thời hạn sau khi khỏi dịch trong nước mắt buồn vui và hạnh phúc lẫn lộn…
Nhiều người sau khi xem phóng sự này đã không cầm được nước mắt, họ thương các mẹ bầu vượt cạn bao nhiêu, thì lại thương yêu các bác sĩ bấy nhiêu. Xin cảm ơn ekip làm phóng sự VTV đã ghi lại những hình ảnh đầy ý nghĩa và tuyệt vời. Xin cảm ơn đội ngũ y bác sĩ, những con người tiên phong trên tuyến đầu chống dịch.
Những giọt nước mắt được sinh ra trong cơn bão Covid cứ lặng thầm chảy mãi khi mà đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên hành tinh này.
Tính từ đầu mùa dịch COVID-19 cho đến ngày 17-10-2021 tại Việt Nam đã có 864.053 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu so sánh tỷ lệ ca nhiễm trên 1 triệu dân thì Việt Nam xếp hạng 154/223. Bình quân trong một triệu người dân có đến 8.775 ca nhiễm Covid-19.
Chỉ tính riêng đợt tấn công thứ 4 của Covid-19  (27/4 – 17/10/2021 số người nhiễm ở Việt Nam đã là 859.372ca và số người được chữa khỏi bệnh là 789.027 ca. Số người tử vong 21.194ca. hậu quả này đã để lại riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh đã có đến 1500 em nhỏ đang tuổi đi học phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống của các em rồi sẽ ra sao, việc học hành của các em rồi sẽ ra sao, tương lai của sác em sẽ như thế nào?…
27/10/2021
Hoàng Đình Nguyễn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...