Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Văn hóa khẩu trang

Văn hóa khẩu trang

Giữa lúc khó khăn, khẩu trang được sáng tạo ra nhằm để bảo vệ sức khỏe, nhưng con người cũng đã “truyền” vào chiếc khẩu trang niềm tin, hy vọng, sự lạc quan, sáng tạo… trong từng cách điệu của chiếc khẩu trang. Không những thế, con người còn biến chiếc khẩu trang trở thành một biểu tượng văn hóa, một sư hoà mình đầy mới mẻ giữa đại dịch Covid-19. Họ mang chiếc khẩu trang đến với thời trang, thi ca, âm nhạc, điện ảnh,…
Đứng trước sự tái sinh của thời cuộc, con người giống như một hạt mầm, loại đậu nành mới ươm trên vùng đất khô hạn, nay vừa được thấm nước. Sự tái sinh mang đến cho con người phần phước và đứng trong vòng tròn tái sinh sự sợ hãi mới bộc lộ ra một cách đầy đặn nhất. Nhưng trước khi có sự tái sinh đầy huyền hoặc thì con người sẽ phải chịu một vài cơn ác mộng, thứ ác mộng đó được hình thành dựa trên chu kì của nỗi sợ hãi, dường như cứ 10 năm một lần đối với Trái đất. Cơn ác mộng đang hiện hữu được gọi tên: Covid -19.
“Thiên địch” chính là một quân cờ tốt của thiên nhiên, khi mọi thứ bị bão hòa trong một sự bất cân đối nhất định, thiên nhiên sẽ đi nước cờ làm cân bằng lại mọi thứ, đưa tất cả trở về điểm xuất phát ban đầu. Trái đất cũng vậy, cuộc “thanh lọc” lần này chính xác là sự đưa đẩy mọi thứ về với thời kỳ đầu 4.0, khi chúng ta mới “chạm” đến công nghệ hoá. Covid-19 đưa con người vào đau thương chết chóc. Sự huỷ diệt ấy thật kinh khủng, và có lẽ đây là đại dịch kinh khủng nhất từ trước đến nay. Nó tác động hầu hết đến tất cả các phương diện đời sống chứ không chỉ riêng về y tế.
Mặc dù sự hủy diệt nó khủng khiếp tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng chính con người-sinh vật bí ẩn và là nỗi sợ duy nhất của vũ trụ, đã tái sinh từ trong tro tàn của cái chết. Con người đã tạo ra muôn vàn cách thức để duy trì sự tồn tại của mình, khi đặt một người vào trạng thái của nỗi sợ thì sự khao khát sống bên trong họ càng mãnh liệt hơn.
Vì thế, sự ra đời của hàng nghìn cách khác nhau đã đẩy lùi dần được sự tàn phá của Covid-19, từ rửa tay, xịt khuẩn, khử trùng, súc miệng hay tiêm vaccine,… Tất cả những cách thức có thể giúp con người chống lại được “con quái vật” này đều được thử nghiệm. Rồi đến ngay cả những bài thuốc dân gian cũng được dùng lại như: uống nước gừng với chanh, uống nước cam, uống nước dừa với rau má,… những bài thuốc nào có thể giúp ngăn ngừa con vi rút chết tiệt ấy đều sẵn sàng được làm.
Trong tất cả những biện pháp trên, khẩu trang có thể nói là “vua” của các cách phòng tránh. Nếu ai không đồng tình và bảo rằng vaccine mới là “vua” chứ thì tôi xin được phản biện rằng, mặc dù vaccine được tạo ra với mục đích cao nhất của việc ngăn chặn vi rút, nhưng đối với khẩu trang, nó là thứ luôn luôn phải dùng và cực kỳ quan trọng, cho dù bạn tiêm vaccine hay chưa thì vẫn luôn phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, hoặc ở nơi công cộng đông người.
Chính vì là “vua” nên “ngai vàng” cũng phải được chuẩn bị hết sức chu đáo. Trước kia, mặc dù khẩu trang chỉ được xem là một vật dụng để ngăn cản bụi bặm, chống nắng, ngăn mưa,… nhưng nó đã được thiết kế rất nhiều mẫu mã, hình dáng, chất liệu và màu sắc khác nhau. Tuy chưa phải đa dạng hóa như hiện tại nhưng khẩu trang vẫn được xem là phương tiện đặc biệt quan trọng. Khẩu trang tuyệt nhiên không phải là thứ vật dụng bị vứt trong xó, đến khi cần thì mới lấy ra. Nó chính là sự tăng tiến hợp thời. Và đó cũng chính là biểu tượng của sự lạc quan.
Vì sao tôi nói rằng khẩu trang là biểu tượng của sự lạc quan? Thời buổi đại dịch hoành hành, mọi thứ trở nên quá hỗn độn, tất cả mọi người đều hầu như rơi vào trạng thái của sự tuyệt vọng. Giữa lúc khó khăn, khẩu trang được sáng tạo ra nhằm để bảo vệ sức khoẻ, nhưng con người cũng đã “truyền” vào chiếc khẩu trang niềm tin, hy vọng, sự lạc quan, sáng tạo… trong từng cách điệu của chiếc khẩu trang. Không những thế, con người còn biến chiếc khẩu trang trở thành một biểu tượng văn hóa, một sư hoà mình đầy mới mẻ giữa đại dịch Covid-19. Họ mang chiếc khẩu trang đến với thời trang, thi ca, âm nhạc, điện ảnh,… Như tác phẩm “Ruộng bậc thang” được Stylist Trần Đạt lựa chọn cho hoa hậu Nguyễn Trần Khánh Vân để mang ra đấu trường quốc tế trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới (Miss Universe). Outfit này đã tạo nên sự đột phá rất lớn cho Khánh Vân khi diện cùng với chiếc khẩu trang được sáng tạo thành những bông lúa. Sự đột phá này vừa thể hiện tinh thần dân tộc, vừa cập nhật xu hướng, lại an toàn cho sức khỏe.
Như thế, có thể thấy chiếc khẩu trang đã đồng hành với con người từ trước khi đại dịch diễn ra, nó là một thứ tối quan trọng đối với sức khỏe con người. Và kể từ khi chúng ta chiến đấu với Covid-19 thì chiếc khẩu trang càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chính vì sự quan trọng này mà càng ngày con người càng cho ra đời những “tác phẩm” khẩu trang khác nhau, tiện lợi hơn, độc đáo hơn và đẹp hơn, để chiều lòng cho người sử dụng. Họ biết rằng, sau khi hết dịch, thói quen đeo khẩu trang của con người vẫn sẽ tiếp tục, vì đã có một thời gian quá dài chúng ta sống trong sợ hãi, cùng với đó là quá nhiều đau thương và mất mát đã đeo bám tâm trí chúng ta. Thế nên, tâm lý bảo vệ bản thân sẽ được kích hoạt ngay từ bây giờ. Văn hóa khẩu trang nhất định sẽ mãi còn đồng hành với con người trên Trái đất này!.
22/10/2021
Ngô Triệu Kha
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...