Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Sóng yêu vẫn vỗ trong cõi nhớ Xuân Quỳnh

Sóng yêu vẫn vỗ
trong cõi nhớ Xuân Quỳnh

Trong những ngày TP.HCM đang lockdown nghiêm ngặt, ai ở đâu thì ở yên đấy, muốn tự cứu mình, tôi nghĩ có khi phải vịn tựa vào cái nghe và cái đọc mà gượng đứng dậy, như câu thơ Phùng Quán: Khi tôi ngã tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Tôi cũng đã thả mình theo sóng nhạc Trịnh Công Sơn, theo sóng tình thơ Xuân Quỳnh, mà đứng dậy…
Sóng – khát vọng yêu
Không ngẫu nhiên, thơ tình Xuân Quỳnh nổi sóng từ bài đầu, mang chính tên Sóng, viết ở biển Diêm Điền, 29.2.1967, khi Quỳnh đang độ hai mươi (1942 -1988). Sóng đã thành hình tượng thơ yêu, mãnh liệt, nồng nàn, đắm đuối, bắt đầu vỗ từ đầu nguồn thơ tình Xuân Quỳnh.
Tiếng sóng ấy khởi đi từ hai cặp trạng thái đối lập: dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ, vốn đã được Quỳnh “phổ” vào đó cái bản chất lưỡng nghi – song đôi tương phản của con sông tình ái trong thơ tình của chính mình. Sông của Xuân Quỳnh đã yêu, mà không hiểu nổi mình, nên đã cuốn mình theo chiều những con sóng nồng nàn khát vị mặn trùng khơi, mà tìm ra tận bể. Trên đường ra biển, sông vỡ ra rằng, cả sóng ngày xưa và sóng ngày sau, vẫn luôn thuần khiết một nỗi khát vọng tình yêu/ bồi hồi trong ngực trẻ. Cho đến khi phải đối diện trước muôn trùng sóng biển, đến khổ thơ thứ ba, sóng mới hiện nguyên hình cái tôi thi sĩ Xuân Quỳnh – nhân vật trữ tình Em.
Và cùng lúc lộ diện nỗi đau đáu nghi ngại từ tình yêu đơn phương của chính Xuân Quỳnh – một chủ thể thơ cô đơn trong cuộc săn đuổi tình yêu và hạnh phúc. Từ cõi đời riêng, bắc cầu qua cõi thơ, mang chỉ dấu định mệnh thơ của Xuân Quỳnh, phải cô đơn đến cùng trong cuộc tìm kiếm nhọc nhằn tình yêu và hạnh phúc.
Phong vị cô đơn đắng đót ấy đã nhuốm đậm thơ tình Xuân Quỳnh ngay từ bài thơ khởi sự yêu này, trong cách dùng đại từ nhân xưng Em suốt bài thơ: Sóng, rất đặc hiệu phong cách thơ Xuân Quỳnh: Em nghĩ về anh em/Em nghĩ về biển lớn… Lòng em nhớ đến anh… Nơi nào em cũng nghĩ… Và cuối bài thơ Sóng (mà Quỳnh đã ghi rõ ngày tháng năm và nơi chốn: biển Diêm Điền), vút lên ngời sáng một ước vọng đẹp: Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ.
Bản chất nồng nhiệt trên nền tự tại của cảm thức cô đơn trong thơ Quỳnh dường như đặc biệt thích ứng với sức sống ồ ạt của sóng, dù sóng sông hay sóng biển. Và sóng sông nào của thơ Quỳnh thì rốt cuộc cũng vận hành ra biển, nhập hòa đại dương, hòa thành sóng biển, và dào dạt vỗ bờ: Ở ngoài kia đại dương/ Trăm nghìn con sóng vỗ/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời  cách trở. Và, sóng ấy chính là Em – Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức…
Và có lẽ ai đọc thơ Quỳnh cũng thấy, chỉ với nôn nao mong ngóng yêu cháy bỏng của riêng Quỳnh, mới có thể viết da diết đến thế về sóng. Và chính cái hình tượng sóng lộng lẫy đến chói chang ấy đã dự báo một tính cách thơ gắt gao, cuồng nhiệt, đầy nghĩ suy trăn trở và cũng đầy dịu dàng gượng nhẹ, với cô đơn sâu thẳm trong cõi thơ tình chỉ của riêng Xuân Quỳnh.
Cõi ấy còn xanh nguyên, còn ập ã, dạt dào, không ngưng vỗ trong biển đời, kể cả khi cái chết bất ngờ cắt ngang cuộc đời Quỳnh vào năm 1988.
Khởi thủy từ trạng huống yêu đơn phương đến vô phương ấy, thi sĩ Xuân Quỳnh đã không ngưng tạo tác thông minh, tinh tế và phóng túng nhiều mã thi ca đẹp, buồn và lạ trong cõi thơ tình vừa hào hoa, hào hiệp, vừa chứa chan cay đắng muộn phiền của mình. Ví như bài thơ Hoa cỏ may, theo thể thơ bảy chữ, Quỳnh viết về một loài hoa có lẽ là… dại nhất trong các loài hoa dại. Đấy là những bông hoa cỏ may hình kim nhọn, sắc xám, nở chi chít trong những đám cỏ hoang dại bên đường thiên lý, trên bãi hoang vắng bên bờ sông. Thi thoảng người đi qua, hoa cỏ may vướng vít, găm vào gấu quần kẻ lữ hành, gây cảm giác khó chịu và phiền toái.
Ấy thế mà bông hoa nhọn sắc, mảnh mai bé nhỏ ấy bỗng được Xuân Quỳnh để mắt dấu yêu và bao bọc trong cái nhìn thương mến và mãi ở lại trong vườn thơ Xuân Quỳnh, với phấp phỏng tâm trạng yêu. Dường như vào một chiều nào đấy trong đời, Quỳnh muốn sang sông Hồng, về chơi một làng gốm cổ bên kia sông.
Trên đường ra sông, xuống đò, Quỳnh bỗng thấy động lòng về đám hoa cỏ may khờ dại ven đường và bỗng thấy hình như thu đã chớm sang, trong thoang thoáng gió heo may. Cảnh vật bỗng lặng đi, mơ màng trong câu thơ mở đầu được Quỳnh thả rơi từng chữ, đẹp và buồn: Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ. Bỗng chốc, cả một không gian thơ với cát vắng, với sông đầy, với cây ngẩn ngơ đã ập vào khổ thơ đầu của bài thơ, cùng trực giác yêu của chủ thể trữ tình, khẽ đẩy đưa cả không gian ấy xao xuyến chuyển sang mùa. Không gian khẽ khàng chuyển sang cái mùa mong chờ nhất của Quỳnh thi sĩ – mùa thu Hà Nội ven sông Hồng chi chít nở hoa cỏ may.
Và mùa thu, trong chuyển hóa trời đất Hà Nội bốn mùa, vốn đã là cái mùa ngắn nhất, lộng lẫy và chóng qua nhất trong nhịp đi bốn mùa trời đất hải hà, bỗng dưng đã thành không – gian – yêu trong bài thơ tình Hoa cỏ may. Xuân Quỳnh bỗng thấy động lòng, thoáng nghe trong không gian mộng mị ấy tên mình ai gọi sau vòm lá, và cảm biết lối cũ em về nay đã thu.
Tuyển thơ Xuân Quỳnh vừa được tái bản 2021.
Từ tiếng gọi mơ hồ như gió thoảng ấy, chủ thể trữ tình đã thay đổi cái nhìn phong cảnh mùa thu. Vũ trụ trở nên thân mật và quyến luyến như dành cho người đang yêu. Mây trời như cũng vương vấn quyến quyện vào nhau. Mây trắng bay đi cùng với gió/ Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ. Ngó vào lòng mình, chủ thể trữ tình Xuân Quỳnh thấy yên tĩnh trong trẻo đến mức tất cả đắng cay gửi lại bao mùa cũ/ Thơ viết đôi dòng theo gió xa. Mùa thu đến nhẹ êm đến độ Quỳnh chỉ muốn viết đôi dòng thơ tình mà gửi theo gió xa, không kèm theo chút đắng cay nào của mùa yêu cũ. Nhưng, đến khổ thơ bốn câu cuối chót bài thơ, thì cũng vẫn là Quỳnh.
Quỳnh đấy –  đơn côi và đơn phương trong tình yêu một phía, bỗng thấy mình cả nghĩ trong hình ảnh đầy ưu tư lo ngại, với chi chít hoa cỏ may: Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm dày. Cỏ dại khờ và em sơ ý, đã đẩy tâm trạng thơ đến phân đôi vào kết cuộc, với câu nghi vấn dành cho đại từ anh – đến bây giờ mới xuất hiện: Lời yêu mỏng mảnh như lời khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?
Ở khổ thơ thứ nhất của Hoa cỏ may, Xuân Quỳnh đã dùng đại từ Ai để chỉ ai đó khuất mặt gọi tên mình mơ hồ sau vòm lá, y chang cái cách huê tình dân gian Việt âu yếm gọi người thương: Khăn thương nhớ ai/ khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ khăn vắt lên vai… Thế nhưng, khi đại từ anh xuất hiện, thì câu hỏi nghi vấn đã tìm đúng người để hỏi là Anh, bởi Em vốn hiểu: lời yêu vốn mỏng mảnh như khói như sương, em nào biết lòng anh có đổi thay?
Ý nghi vấn cuối cùng như bỏ lửng bài thơ đã khiến cái kết thúc Hoa cỏ may rất Xuân Quỳnh. Đã đành yêu đơn phương đến đắm say, mãnh liệt, nhưng khi lắng lại, tâm trạng thơ Quỳnh vẫn thấp thoáng phân vân, nghi ngại, như hai câu kết Mùa hoa doi cũng vậy: Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh? Về thi pháp, cái kết làm sang, làm sáng hẳn bài thơ, như Hoa cỏ may, như Mùa hoa doi của Xuân Quỳnh chính là điểm ngời sáng, thường bừng lên trong cảm xúc cao trào của chủ thể trữ tình, ở kết thúc một bài thơ hay. Và chính cái kết sáng lòa ấy, đã chiếu sáng toàn thể bài thơ hay. Hay đến ám ảnh người đọc, đến nằm lòng, không buông, và thường bất ngờ trở lại với người đọc trên đường đời xa ngái…
Yêu đơn phương và đơn côi xuyên suốt thơ tình Xuân Quỳnh
Có lẽ cái ám ảnh nhất trong giọng thơ tình riêng biệt và độc bản của Xuân Quỳnh lại oái oăm nằm giữa tâm thế và tư thái yêu đơn phương và đơn côi của chính Xuân Quỳnh – trong cả hai cõi: cõi sống và cõi thơ. Hai cõi ấy giao nhau và cùng bị chính Quỳnh đẩy đến cực đoan, như bản chất của Sóng trong thơ Quỳnh, từ khởi sự – bài thơ Sóng, với hai cặp song đôi tương phản: dữ dội – dịu êm và ồn ào – lặng lẽ.
Trên cái nền đối lập gay gắt ấy, thơ Quỳnh cưu mang một vẻ đẹp quyết liệt, phô bày mãnh liệt cái yêu ầm ào, ập ã của sóng sông, sóng biển, nhưng lại che giấu rất sâu nỗi buồn cô đơn của sự yêu đơn phương, trong sự nhẫn nhịn đến quên mình, được nương nhờ từ một tình tự đã lặn sâu vào tiềm thức phụ nữ Việt truyền thống. Với người tình, thì “thương người như thể (hơn cả) thương thân”. Với cha mẹ, thì tận lòng hiếu đễ. Quỳnh mồ côi mẹ từ thuở bé, cha vắng nhà biền biệt, chỉ ở với bà nội, thương nhớ mẹ cách mấy, cũng không thể ước được gửi ai về cho mẹ “bát canh cần”. Khi lấy Lưu Quang Vũ làm chồng, đã yêu và ơn mẹ chồng đến điều: “mẹ sinh anh để bây giờ cho em” và yêu con chồng như con ruột…
Mấy bài thơ cuối đời, sự “dịu êm” và “lặng lẽ” của Sóng, trong tính cách thơ Quỳnh, mặc lòng, đã “tự nhiên nhi nhiên” hiển lộ và tố cáo sự cô đơn vô phương của tình thơ Xuân Quỳnh. Bất chợt từ đâu ập đến những câu thơ sao nhức nhối khắc khoải lòng ta thế này, dẫu chỉ là “một chút thơ tình” muộn mằn “cuối mùa thu”: Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/ Cánh cửa sổ con tàu chẳng đóng/ Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm lòng anh/ Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn…
Ngọn lửa ấy quá cô đơn, khi Quỳnh phải nằm viện, tháng 6.1988, vì trái tim đau, và chỉ hai tháng sau, Quỳnh mất. Bài thơ nằm viện của Quỳnh là Thời gian trắng, được cấu trúc tứ thơ trên màu trắng vô tận của bệnh viện, trắng trùm cả không gian, thời gian và bệnh nhân. Quỳnh đã thấy mình chỉ còn “nỗi lo và cái chết”. Nỗi cô đơn trở lại bóp nghẹn trái tim Quỳnh, khi màu trắng chặn đứng cuộc đời bên kia cánh cửa buồng bệnh. Và câu kết thốt lên một ao ước tuyệt vọng: Thời gian ơi sao không đổi sắc màu?
Tôi nghe tin từ Hà Nội: Quỳnh mất cùng Vũ và con trai Quỳnh Thơ, khi tôi ở đảo Vaxili, thành phố Leningrad của nước Nga Xô viết, nơi tôi du học từ 1986. Lần gặp lại Quỳnh sau nhiều năm xa cách tại Matxcơva, khi Quỳnh du học trường viết văn Gorki, vào mấy tháng mùa đông Nga cuối năm 1987, nào ngờ lại là cuộc gặp chót. Tôi từ Leningrad lên, không báo kịp, chúng tôi đi ngược chiều nhau. Bên kia đường phố Matxcơva, một thiếu phụ bé nhỏ đi trong mưa tuyết bay biền biệt trong gió thổi bời bời. Và Quỳnh vẫn đi một mình trên phố như ngày nào ở Hà Nội, từ 96 phố Huế đến dốc Bà Triệu: Em từ nhà đi đến ngã tư/ Gặp đèn đỏ trước hàng đinh thứ nhất/ Chờ qua đường đèn xanh vừa bật/ Em lại quay về/ thành phố mùa đông…
Vĩ thanh
Quỳnh đã rời cõi tạm. Tôi vẫn nghĩ cái chết bất ngờ ấy có thể là một giải thoát. Nó mang Quỳnh đi mãi mãi khỏi chốn trần ai – cũng có lúc đã là tươi đẹp, hạnh phúc, nhưng từ lâu đã trở nên quá nhọc nhằn khổ ải với Quỳnh. Một tai nạn cực phi lý để kết thúc một cách hữu lý accident khác về tâm hồn – vốn chỉ mưu cầu việc săn đuổi, lùng bắt, kiếm tìm cho được con mồi hạnh phúc. Số phận đứt ngang của Quỳnh đã để lại cho hậu thế cả một cuộc kiếm tìm dang dở (may đã được thơ trang trải hết) và cả một dòng sông mải miết ra biển bằng những con sóng nhỏ nồng nàn khao khát xa khơi…
Bỗng từ cõi nhớ, văng vẳng tâm trí tôi nhạc phẩm Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh, về mối tình “thuyền và biển”: Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố.
Và đang hiện hữu nhạc phẩm Sóng về đâu, của Trịnh Công Sơn, người cũng rời cõi tạm đã tròn hai mươi năm, trong tiếng hát khắc khoải đau tình như tha thiết van xin sóng đừng xô tôi, của ca sĩ Lệ Quyên, từ máy nghe nhạc của tôi: Biển sóng biển sóng đừng xô tôi/ Đừng xô tôi ngã giữa tim người/ Biển sóng biển sóng đừng xô tôi/ Đừng cho tôi thấy hết tim người/ Biển sóng biển sóng đừng xô nhau/ Ta xô biển lại sóng về đâu?…
Trong những ngày TP.HCM đang lockdown nghiêm ngặt này, ai ở đâu thì ở yên đấy, muốn tự cứu mình, tôi nghĩ có khi phải vịn tựa vào cái nghe và cái đọc mà gượng đứng dậy, như câu thơ Phùng Quán: Khi tôi ngã tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Tôi cũng đã thả mình theo sóng nhạc Trịnh Công Sơn, theo sóng tình thơ Xuân Quỳnh, mà đứng dậy, mà tự giải phóng mình trong chính hoàn cảnh lockdown khắc nghiệt mà không thể tránh khỏi này.
Như sống chung với lũ vậy.
Tại sao không?.
22/10/2021
Nguyễn Thị Minh Thái
Nguồn: Báo Người Đô Thị
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...