Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Lúc nhọ mặt người

Lúc nhọ mặt người

Từ Bỉ nhà văn Kiều Bích Hương gửi về cho Báo Văn Nghệ một truyện ngắn mới nhất của chị, vừa hoàn thành trong tháng 7.2021.
Lấy bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu, nhưng truyện là những lát cắt cảnh đời và tâm trạng của người Việt xa xứ. Một “chuyên gia tâm lý” ngoài giờ hành chính, một dân IT thích buôn chuyện, một “người rắn” rệu rã xứ người… Họ đều là đàn bà, những người rời quê hương mang trong mình những ký ức không thể xóa nhòa. Tất cả được Kiều Bích Hương ráp nối thành một câu chuyện tưởng lỏng lẻo, nhưng kỳ thực vô cùng chặt chẽ, không có một chi tiết thừa. Tình thế lưỡng nan của con người trong dịch bệnh đã trở thành một nỗi ám ảnh khi tác giả đặt các nhân vật trên cái nền ánh sáng lúc nhọ mặt người.
Cũng chính cách sử dụng ánh sáng và chuyển cảnh theo tâm trạng nhân vật, mượn thủ pháp của điện ảnh, mà truyện ngắn này trở nên đặc biệt.
TRẦN NHÃ THỤY giới thiệu
Thomas xộc vào “Cô quyết đi, có quay lại cái máng lợn này không? Đang sẵn cả đàn chầu chực thế chỗ kìa.”
Tôi thót tim, ai để ông ta vào đây. Kevin sao ngồi một mình dưới hiên thế kia, trong tay là cốc nước chứ không phải đi uống bia với bạn. Tôi cố gọi anh chỉ đáp bằng ánh mắt thẫn thờ đẫn đờ. Tôi lật đật tìm Trà trong phòng chat bí mật “Nhầm rồi, đây là app tìm bạn tình, không phải trò chuyện giải tỏa tâm lý.”
Quái quỷ thật. Chuyện Thomas lọt vào giấc mơ của tôi ấy. Vì thời hạn tạm nghỉ việc một năm sắp hết chăng? Chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật của công ty sản xuất hóa chất đa quốc gia cơ đấy. Chẳng khác mấy chị nhân viên tổng đài 1080. Chưa biết đúng sai người ta cứ gào vào tai mình trước đã. Hãi nhất là khách Hà Lan, giọng khào khào như bị bóp họng lời lẽ còn thô lỗ cục cằn. Thomas phụ trách nhân sự cho tôi theo khóa Tâm lý học cơ bản để hiểu hơn quá trình của nhận thức, tình cảm và giải thích hành vi con người. Xong 120 giờ học tôi nộp đơn xin nghỉ việc một năm để theo mấy khóa nghiên cứu tâm lý nữa. Công ty mong tôi mang kiến thức sơ đẳng đó về đối xử tử tế với khách, tôi lại áp vào dự án riêng. Gần năm nay ban ngày tôi học trực tuyến, cuối chiều nhận tiếp chuyện giải tỏa tâm lý cho đồng hương.
Tôi nhận ra bao năm nay mình như dòng nước mát làm dịu cơn nóng giận của khách về sản phẩm lỗi. Thực ra tôi không chữa được sản phẩm lỗi mà có thiên hướng lắp ráp lại những trục trặc về tinh thần.
Trà, có lẽ là vị khách đầu tiên của tôi. Có những ngày ở công ty đã váng đầu, vừa về tới nhà, Trà đã gọi “Chị, buôn chuyện một tí”; “Chị, cho em qua chốc lát được không?”… Dần dà tôi thoái thác “Đang có zoom meeting quan trọng, chị gọi lại sau”, “Kevin ho, đau họng. Đi test xem có dính cô Vy không, đừng qua vội”… Trà không tha “Thì em đeo khẩu trang ngồi bếp hay ra ngoài hiên nói chuyện.” Kevin nghi Trà tâm lí không bình thường. Buôn chuyện cũng phải có giới hạn chứ. Gọi nhiều, lần nào cũng bật kèm camera nhòm mặt người ta là thế nào. Trà vừa ra khỏi xe tôi đã kéo vội vào con đường dạo bộ phía sau nhà, tránh mặt Kevin. Chuyện nọ xọ chuyện kia, ngắm mây ngắm cây xong, tôi phải bảo “Cứ để nhà cửa con cái nhếch nhác một chút có sao. Cần thì mang con gửi trẻ, không gửi mẹ chồng nữa để bà ấy bớt can thiệp chuyện nhà. Chẳng ai chu toàn mọi thứ trên đời được. Nhiều khi cũng phải biết kệ.”
Người phụ nữ dáng thô mặt rỗ đầu quả gáo tưởng gai góc lầm lì giờ cũng thành rưng rưng yếu ớt “Chị nói sao giống ba em. Hồi ba còn sống, thỉnh thoảng các con về khóc lóc, ba cũng nói kệ nó đi con.” Rồi Trà chợt nghĩ ra “Em thấy chị làm dịch vụ trò chuyện giải tỏa tâm lý rất hợp. Khu này hàng xóm thưa thớt, ban ngày đi học hoặc đi làm tối trời mới nhận khách, ai biết. Cứ thử trước, sau này chị muốn đổi hẳn nghề bác sĩ tâm lý cũng tốt mà. Em dân IT nè, để em làm cho chị cái ứng dụng giúp hẹn khách. Người chán vợ kẻ chán chồng cũng dùng phòng chat bí mật để hẹn hò đó. Các ứng dụng đó không hiện sẵn trên điện thoại đâu. Phải có mã hoặc dùng vân tay nó mới hiện hình, chị yên tâm đảm bảo bí mật cả mình và khách.”
Đời nào Kevin chịu cho tôi đón người lạ vào nhà. Không phải vì chẳng kiếm ra tiền từ những cuộc trò chuyện ấy (ai gửi chút thù lao cũng không từ chối). Anh bảo tôi vi phạm giãn cách xã hội. Mở cửa thông gió trên mái, ngồi phòng kính dưới hiên có lối ra cổng ở vườn sau, về lí thuyết vẫn là gặp gỡ ngoài trời còn gì. Mỗi tuần cùng lắm chỉ tiếp một người, vi phạm gì nặng đâu. Kevin nhượng bộ. Anh chiều tôi. Chuyện con cái anh còn chẳng nỡ bắt tôi đẻ “Em thấy không đủ sức chịu trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ thì mình không nhất thiết phải có con.” Nghe tôi than phiền khách hàng ở công ty, phàn nàn Thomas hẹp hòi phân biệt đối xử, Kevin cũng chỉ một câu “Em bỏ đi. Chuyển sang nấu ăn hay học nghề bác sĩ tâm lý cũng được. Anh đi làm cho cả hai cũng đủ.”; “Nhưng em gần bốn mươi rồi, thêm năm hoặc sáu năm học nghề bác sĩ tâm lý thì muộn quá”; “Ô, anh nghĩ tuổi này may ra mới biết mình thích gì ấy chứ. Học nghề mới bây giờ càng chín chắn.”; “Tính anh chưa làm ấm chỗ đã kêu thiếu thử thách, không có cơ hội phát triển, lại nhấp nhổm chuyển việc. Em vẫn lo.”; “Anh sẽ bớt tham vọng, được chưa?”
Chẳng coi chuyện mất việc thời buổi ai cũng chỉ mong giữ được việc là hệ trọng, thì tôi bị ám ảnh bởi cái gì mà dạo này lắm mộng mị vớ vẩn thế. Không đi làm nên tinh thần và sức lực của tôi trì trệ dần chăng. Hay tôi bất cẩn để khách hàng bước cả vào đời sống riêng của mình. Đấy, như chàng trai đến đây hai tuần trước dồn dập căng thẳng phẫn uất “Hầu như ngày nào lên tàu xe em cũng bị mấy thằng say xỉn, bọn trẻ trâu sán lại xin tiền, mượn điện thoại. Không cho chúng nó chửi bới thằng reo rắc virus này nọ… Em giả điếc giả mù bỏ đi. Chúng nó không tha, đi theo chửi, nhổ nước bọt trước mặt em. Cứ thế này em điên mất. Bố bảo phải tỏ ra là dân nghèo mới không bị chú ý, mới được an toàn. Em giả nghèo thế nào. Giả nghèo có thay đổi được cái mặt hay làn da này không? Em thà sống mái một trận.”
Thế mà đêm đó tôi mơ ngay cảnh cậu bé nằm trong vũng nước lớn, tay còn nắm chặt chùm chìa khóa trong túi áo nhưng lưỡi dao của đối phương dài hơn và rút ra trước rồi.
Chắc tôi không đến nỗi bị tẩu hỏa nhập ma đâu nhỉ. Phòng kính dưới mái hiên cũng tối giản đồ đạc, không có gì để ám vào. Hai bức tranh mặt Phật treo đối diện tôi và khách, tủ nhỏ kê giá nến đốt nóng vài giọt tinh dầu sả chanh, oải hương, ngọc lan tây hoặc bạc hà giữ cho không gian thơm, sạch và ấm. Trà đưa mấy đĩa nhạc kinh Phật tĩnh tâm cầu an vẫn để trong tủ chưa dùng đến. Trên bàn chính tôi chỉ đặt máy tính xách tay, mấy quyển sách tâm lý và giấy bút phòng khi cần ghi chép. Thêm chiếc ghế bọc nhung màu mận chín để ngả lưng đọc sách bên bàn trà nhỏ kê góc phòng cho đỡ trống. Khoảng nhìn mở hẳn ra vườn cỏ xanh mát, lối đi rải sỏi trắng và trang trí tre trúc hai bên. Hay thời điểm tôi nói chuyện với khách vào chiều muộn trong cuộc giao tranh của ánh sáng và bóng tối? Tiễn khách xong, tôi thường bước ngay vào giấc ngủ mà không có khoảng giãn đệm để giải phóng cảm xúc? Gần đây tôi còn mơ người ta phẫu thuật não cho mình, chỉ ra các nếp gấp đã doãng ra như sợi mì ăn liền ngâm nước.
Nhưng Thomas nhảy vào cơn mộng mị và hình ảnh Kevin cầm cốc nước ngồi một mình trong ánh đèn vàng đáng ngại thế kia, có thể do hôm qua khách nấn ná quá lâu chăng? Tôi đã không dọn dẹp hiện trường sạch sẽ và để một số ý nghĩ khó chịu đeo bám cả khi vào giường. Chắc thế!
Chị này lấy chồng bản xứ, hai con chung. Chồng ngoại tình. Trà  định kể nữa, tôi nhớ là đã ngăn “Để khách tự nói. Chị có phải thầy bói đâu mà cần chim mồi.”
Đây là vị khách đầu tiên gây cho tôi cảm giác sốt ruột. Gần mười giờ đêm, khoảng nửa tiếng nữa Kevin sẽ về sau buổi bia bọt với bạn nhân nới lỏng giãn cách. Chị D. vẫn chưa bình tĩnh lại được, còn bồi thêm:
– Lúc đến đây chị chạy xe vòng vòng, thấy đường phía vườn sau nhà em có bãi trống nho nhỏ. Kín đáo nữa. Lát chị đỗ vào đó ngủ qua đêm trong xe được không?.
Tôi hơi hoảng nên trả lời bằng một câu hỏi.
– Mới hôm nay hay bao lâu rồi chị không muốn về nhà ngủ nữa?.
– (Hức hức)… Dễ nửa tháng rồi ý. Chờ các con lên giường chị phóng ra bãi gần nhà thờ thị trấn, ngủ ở đó. Cũng sợ lắm, dạo này bắt đầu nới lỏng, đông người qua lại. Có thằng say hay cảnh sát thấy thì chết nhục. Chị biết đàn ông đàn bà ngoại tình chẳng phải chuyện hiếm. Mà sao rơi cảnh đó vẫn thấy tởm lợm quá. Cứ nghĩ lại phát nôn em ạ. Khổ nữa là lúc chuyển sang đây, chị trót mạnh miệng “Thà lấy Tây cho rõ ràng sòng phẳng, không còn yêu nó sẽ nói thẳng rồi chia tay chứ không lén lút vụng trộm hai lòng dối trá.” Nói cho sướng mồm, giờ mà li hôn thì bạn bè, gia đình cười cho thối mặt.
– Người ra ngoài ngủ phải là chồng chị.
– Đang xin cơ hội sửa sai, muốn bên nhau bù đắp, không chịu đi. Thật tởm.
– Anh ấy có biết chị ngủ ở bãi đỗ công cộng không?
– Chị nói đến bạn ngủ. Dịch giã ai dám nhờ bạn mở cửa cho vào. Đi nhà nghỉ khách sạn tốn kém lắm. Cuối tháng trước đã dốc tiền dành dụm gửi về trả viện phí, làm tang cho mẹ rồi. Huhuhu… Lúc ấy chỉ muốn bay về ngay mà không được. Chị phải chi hết chứ các em nghèo lắm. Chúng nó ở bên chăm sóc mẹ là báo hiếu rồi. Mình đi xa không chăm được ngày nào mà đến tiền còn không chi sau này chết không dám gặp mẹ. Đang khổ tâm chồng lại bồi thêm một vố, chị rỗng rồi em ơi. Ôi mẹ ôi!
Để chị ngồi khóc cho qua cơn chứ biết làm sao. Kevin có về chắc cũng biết ý. Anh sẽ lên gác tắm rửa, vào phòng ngủ ôm lũ mèo và xem bóng đá chờ tôi. Tôi lục tìm đống băng đĩa của Trà, chọn bài tụng sám hối hồng trần cho vào máy. Tiếng khóc của chị D. cao lên một chặp, rồi nhỏ dần, dừng hẳn.
– Chị đói bụng không, em còn ít xôi gấc từ Tết năm ngoái. Hồi đó không dám mang bánh chưng, sợ hải quan phạt vì nhân có thịt. Mẹ em nấu cho mấy đĩa xôi gấc vẫn để tủ đá ăn dần.
Chị D. gật gật. Ăn xong, thấy chị có vẻ hồi lại tôi mới nói tiếp:
– Mong là mẹ chị ra đi nhẹ nhàng. Nên mừng cho mẹ chị ạ. Chị giải quyết xong chuyện của mình cũng là cách giúp mẹ siêu thoát.
– Cảm ơn em. Ăn miếng xôi mẹ nấu ngon tỉnh người.
– Ngày mai người ta cho mở lại nhà hàng. Cứ đặt pizza cho chồng con, còn chị ra bể bơi rồi vào nhà hàng ăn một bữa thật ngon vào, rủ bạn càng tốt. Bây giờ lái xe về ngủ trên giường của mình cho ấm, đầu óc còn tỉnh ra nữa chị ơi.
Chị D. lại gật gật, để lại trên bàn hai mươi EUR sau hơn năm tiếng trò chuyện. Tiền công của người đi làm phụ bếp, đóng gói rau củ quả còn hơn thế. Tôi cũng nói tùy tâm còn gì. Đồng hồ chỉ nửa đêm. Tôi lên phòng, chui vào chăn, chà mặt lên khuôn ngực ấm nóng của chồng. Kevin bật dậy. “Anh đi đâu?”; “Ra kiểm tra. Có khi người ta ngủ trong xe phía sau vườn thật ấy chứ.”; “Ôi chết. Thật thì sao, anh đuổi đi à?”; “Ra xem rồi tính.” Hơn chục phút sau Kevin quay vào, người lạnh toát “Không thấy xe nào.” Anh chui vào chăn, đẩy con mèo ra một góc làm nó ngao lên một chặp. Tôi trằn trọc nhìn Kevin ngủ. Vẻ mặt còn thanh xuân kia, mái tóc màu hạt dẻ còn mềm mại bồng bềnh kia có đang lén lút bên người đàn bà khác mà chưa lộ dấu vết? Ngày mai tôi có nên chui vào xe, lật giở các tấm đệm dưới chân tìm sợi tóc dài lạ màu? Điện thoại của anh cũng cài những ứng dụng, phòng chat khó truy xuất nguồn?
Tôi chưa gọi điện hay gửi thư cho Thomas vội, kệ đã. Kể cả đêm nay Thomas có lại xuất hiện và giúi đầu tôi vào cái máng lợn lõng bõng nước. Nhưng tôi cần gọi và muốn bật camera để Trà nhìn rõ quyết tâm dừng đón khách, đừng giới thiệu ai gặp tôi nữa. Máy cứ báo Trà đang bận cuộc gọi khác. Đành nhắn tin. Hôm sau Trà mới gọi lại “Ô, em có buôn bán gì với ai đâu mà máy báo bận. Tin nhắn của chị bây giờ cũng mới tới. Em trót xếp lịch chị gặp người rắn tuần tới rồi. Thôi, gặp ca này xong chị có muốn đón khách tiếp hay quay về máng lợn thì tùy.”; “Sao lại người rắn?”; “A… ha, còn vương vấn chứ chưa dứt ngay được đâu. Chẳng qua một loại bệnh bác sĩ gọi như vậy. Em không nói thêm đâu, chị không phải thầy bói mà.”
Xác định đây là vị khách cuối cùng nên tâm lí tôi thoải mái hơn. Người rắn bước vào. Mông nở eo thon chân dài uyển chuyển trong chiếc váy bó xếp kín cườm ánh tím. Tóc cô kéo cả về phía trước ngực, từng sợi dầy suôn bóng như được chải bằng những ngón tay đã xức dầu dừa. Thêm khăn voan mỏng màu hạt dẻ thả trễ qua lưng, hai đầu khăn vắt trên tay tạo gió, cảm giác cô đang lướt vào trên đôi giày cao gót màu nghệ. Tháng Tư còn lạnh trời, tôi để chế độ đèn vàng trong phòng cho ấm, thấy rõ cô dặm lớp phấn nâu hơi dày, mắt dài và ướt, trán bẹt, sống mũi cao nhưng cánh mũi hơi to quá, khóe miệng cong vênh khác thường. Tổng thể thì đẹp, chẻ từng nét lại không nuột nà. Cô đứng chờ tôi kéo ghế mới đài các ngồi xuống, đầu gối khép lại và hơi đổ chéo sang trái, tay sơn móng cầu kì đặt trên đùi, dáng lưng thẳng như người mẫu. Không phải tôi ít gặp người đẹp mà đâm bối rối. Sang đây học nghiên cứu sinh rồi đi làm, tôi chủ yếu giao tiếp với dân làm khoa học giản dị. Khi trang điểm ăn mặc cầu kì dự tiệc những người đàn bà quanh tôi vẫn bật ra cốt cách năng động nhanh gọn kiểu nhảy tàu xe công cộng cho nhanh. Ít thấy ai điệu rũ ra như thế này. Đã thế, khi nói cô còn mở miệng hẹp, giọng điệu chậm và xin xít rất sốt ruột:
– Cho phép xưng hô mình và bạn nhé.
– Bạn sang lâu chưa?- Tôi gật đầu.
– Hơn ba năm. Mới vui vẻ tung tăng được một năm thì dính dịch. Rồi đủ thứ bệnh tật kéo đến. Chồng thương mình, chăm sóc nâng niu lắm nhưng mình vẫn chán, chỉ muốn bỏ hết về quê.
– Bạn bị đau răng?
– Ô, sao biết. Đúng rồi. Kinh khủng khiếp. Đau lên cả đầu, mắt. Đợi được cái hẹn của nha sĩ bên này chắc mình rụng cả hàm rồi. Thứ nhất đau mắt thứ nhì nhức răng mà họ cứ đủng đỉnh bảo chờ ai hủy hẹn mới thế chỗ. Chán đời. Họ khám cũng qua loa, nhòm nhòm gõ gõ năm đến mười phút thôi là thu một trăm năm mươi EUR, chụp phim xoẹt một cái cũng một trăm năm mươi EUR. Dã man.
– Giờ thế nào rồi?
– Chồng gọi hết bác sĩ vùng này đến vùng khác không được, muốn điên theo. May nghĩ ra gọi về nhờ nha sĩ bên mình khám qua zoom meeting, cho xem cả phim chụp. Kết luận áp xe răng, viêm nặng gây tiêu xương chân răng mới lung lay nhiều răng như thế. Phải điều trị tích cực một tháng liền. Họ kê đơn, mình in đơn ra, nói khó với bác sĩ gia đình bên này cho mua kháng sinh điều trị. Mấy hôm nay đỡ đau hơn mới nói chuyện với bạn được thế này đấy. Người ta đau một cái răng còn chết nữa là mình đau cả hàm, không ăn không ngủ cả tháng trời. Nuốt nước bọt cũng đau, hạch lên đầy cổ.
– Ngoài đau răng bạn còn muốn kể chuyện gì?
– Ôi, xin lỗi nhé, vừa gặp đã kể lể chuyện đau đớn. Thực ra mình mới sang, tiếng chưa thạo, sức khỏe yếu, chỉ ở nhà chờ chồng đi làm về mới đưa chơi chỗ nọ chỗ kia. Mình cũng quen một vài chị người Việt nhưng không nói chuyện sâu được. Họ cứ thóc mách kiểu “Ơ, sao không đẻ lấy một đứa con cho chắc suất quốc tịch?” “Sao ăn không ngồi rồi mà cái nhà cũng không chăm để chồng phải thuê người lau dọn.” Nói chung nhiều ô và a lắm, nhiều tra khảo đời tư lắm. Mình chỉ thích trồng hoa và rau trong những cái chậu ngoài vườn. Cả ngày mình nâng niu hoa, ngắm từng chiếc lá rau mà không nỡ hái ăn, rồi lại xót xa khi qua một đêm ốc sên chén sạch cả chậu rau. Loại người như mình bị cho là phù phiếm dở hơi. Sang đây hầu như không có bạn, mà cũng ngại bạn.
– Sao bạn không đi gặp bác sĩ tâm lý bên này?
– Tiếng địa phương của mình không tốt, tìm từ để diễn đạt cho họ nghe, để hiểu họ nói gì có khi còn căng thẳng hơn. Mình cần một người chịu nghe và cũng không phán xét gì mình, không lộ chuyện mình cho người khác, thế thôi. Mình sợ ma bạn ạ. Mình còn sợ tất cả những gì đang có ở đây, lúc này, đều không thật, rồi sẽ biến mất. Mà sao bạn chỉ tiếp khách lúc sắp tối trời thế này? Thời khắc này trong ngày mình buồn khủng khiếp. Trên đường đến đây, ngồi bên chồng trong xe ấm áp mà mình vẫn buồn phát khóc. Sao nó không hẳn đêm khuya, không hẳn là sáng rỡ ra mà cứ nhập nhoạng nhá nhem thế này?.
– À, bạn làm mình nhớ hồi xưa, bà nội hay nói lúc nhọ mặt người là lúc người và ma lẫn lộn khó tường… Bà kể chuyện ma làm mình sợ không dám thò chân xuống giường tìm dép, không dám chạy qua sân gạch xuống bếp rút củi nồi cám lợn đã nhừ.
– Đấy đấy, tuổi thơ nơi thôn quê của chúng mình, nhớ nhỉ. Mai giỗ mẹ mình, ngày kia giỗ bà nội. Hôm qua mình vào bếp khóc, nhưng không dám khóc lâu sợ chồng biết. Mình yếu đuối quá. Số thế rồi. Mình được ngủ với mẹ cho đến tám tuổi thì mẹ mất. Mẹ mất lạ lắm. Mẹ hay ốm, phải đi viện truyền nước. Cũng quen rồi, có bệnh trọng gì đâu. Hôm ấy mẹ vào viện truyền nước, rồi bảo bố ra ngoài mua cái gì đó hai bố con ăn, chứ chờ lâu lắm. Lúc hai bố con ra ngoài, mẹ bị sốc nước mà mất. Cứ như mẹ lừa bố con mình mà đi. Bà nội thay mẹ chăm mình, ba năm sau cũng đột quỵ. Hai người mẹ đều ra đi lúc mình còn nhỏ, chưa kịp báo đáp gì cho họ, đau lòng quá.
Ôn nghèo kể khổ, người rắn quên cả đau răng, hỏi tôi cho phép cởi giày ra và có thể mượn cái ghế kê chân được không vì xương cốt cô dạo này đau nhức quá. Không có ghế kê chân nên tôi bảo cô ra chiếc ghế mềm ở góc phòng ngả lưng nói chuyện cũng được. Mắt cô sáng lên. Tôi đưa thêm cái gối kê lưng.
– Bà và mẹ bạn còn sống có khi cũng chẳng vui vẻ gì khi bạn cứ buồn bã thế này.
– À, ừ. Có khi họ còn đau lòng hơn nếu phải chứng kiến cảnh mình cố mãi không thể có con, đành đòi li hôn để chồng lấy người khác. Chồng cũ giờ có hai con trai rồi. Thôi cũng nhẹ lòng. Chồng hiện nay cũng thương và chăm vợ lắm. Mình nghĩ đi hẳn một nơi xa sẽ nguôi ngoai, môi trường mới có khi tốt hơn cho sức khỏe. Nào ngờ sang đây vẫn quặt quẹo ốm đau, đơn điệu buồn chán. Tìm được người yêu thương mình chưa chắc đã đủ, chưa phải đã thuận, bạn nhỉ.
– Ý bạn khí hậu hàn đới không hợp?
– Ừm, vụ xương cốt thì yếu từ hồi trong nước, không mặc đủ ấm mình hay lạnh hai cánh tay, nhưng lạnh đều. Sang đây cứ chiều tối thế này mình bị tê lạnh một bên, buốt suốt cánh tay trái, chân trái, gối trái. Cảm tưởng sắp liệt nửa người. Cơ bắp cũng nhiều triệu chứng lạ, sang đây mới bị như thế. Đi xét nghiệm rồi, bác sĩ nghi mình bị nhiễm trùng máu. Họ cũng kêu trường hợp hiếm, kiểu cơ thể quá linh hoạt, cơ bắp không nâng được khớp và xương. Xương khớp cứ kêu răng rắc khắp người như sắp rơi từng mảnh. Bác sĩ trị liệu gọi mình là người rắn. Mình bảo chồng rằng em trẻ hơn anh hai chục tuổi, có khi em lại đi trước. Chồng mình mắng đừng nghĩ xa xôi, anh giờ đã sáu mươi thế nào cũng đi trước em.
– Anh ấy mà qua đời thì bạn về Việt Nam cho thoải mái.
– Mình cũng nghĩ thế. Nhưng chồng bảo nhà này của em, nên ở lại dù không còn anh. Vườn hoa chậu rau cần có em. Sau này bán đi cũng đủ tiền cho em vào nhà dưỡng lão để được chăm sóc tử tế cho đến cuối đời. Thôi ạ. Chồng mà mất chắc mình ở lại đó ba tuần là chết vì héo hon. Không có anh ấy, lấy ai bưng hoa bê rau vào mái hiên tránh cơn mưa nắng thất thường. Cái xứ gì đến mưa cũng vụng, không kịp che đậy là hoa lá tơi bời, xót xa làm sao.
– Lúc đó anh ấy còn sống đâu mà bảo nên với không. Phải thoát khỏi tâm trạng đó. Có thể chưa về quê vội mà chuyển đến một nơi hoàn toàn không dính dáng kỉ niệm về chồng một thời gian. Như vậy mới dễ nguôi ngoai. Chứ về quê mọi người xúm lại hỏi han chia buồn, càng không chịu nổi.
– Thế thật ấy nhỉ. Nói chuyện với bạn lần đầu đã thấy như tri kỉ. Cứ như đã thấu con người mình vậy, mọi yếu đuối tâm can mình lột hết ra cho bạn rồi.
– Bạn cứ nghĩ đi, ai cũng có một cuộc đời thôi nhưng có nhiều cách để sống. Kiểu này không xong phải xoay kiểu khác. Người khác nghĩ họ hơn bạn hoặc họ kém bạn, thực ra là ảo tưởng, là nhìn ngắn. Con người chỉ hơn nhau ở chỗ biết mình, biết đời, thấu tình. Mà sao không nói chuyện hiện tại, cứ nói về cái chết và những điều chưa xảy ra nhỉ?
– Hihihi, hâm nhỉ. Hay tại mình cứ ngồi nhà chìm vào bệnh tật mà thành thế. Nói chuyện với bạn mình thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Có khi phiền muộn lại dồn sang bạn rồi ý.
– À, cái này phải hiểu theo kiểu nỗi buồn của người này nhiều khi giúp người khác thấy mình đang sống vui hơn, đang may mắn hơn.
Tôi vừa nói vừa đứng lên rót hai cốc nước. Người rắn chăm chú nhìn cốc nước tôi đưa “Bạn biết không, suốt mười lăm ngày đau đớn cực độ vì áp xe răng, mình nghĩ nước đã cứu mình, là nguồn sống của mình. Không nhai nổi cái gì, kể cả nuốt cháo cũng đau. Mình chỉ còn biết nuốt từng ngụm, cảm nhận từng giọt nước đang chảy vào người, bò dưới da, thấm vào chân tóc, giữ cho mình sự sống. Lúc ấy mình bỗng hiểu trạng thái của mẹ khi vào viện truyền nước. Nước cũng có linh hồn, cũng chuyển biến theo tâm trạng con người. Có lẽ mẹ không muốn kéo dài sự sống như vậy nữa và nước đã hiểu lòng mẹ?
Người rắn ngồi hẳn dậy, các lớp cườm tím đổ xô vào nhau tạo nên ánh sáng kì ảo và tiếng động rầm rì. Cô đề nghị.
– Mình nghe nói về thí nghiệm này lâu rồi, chưa dám rủ ai cùng thử. Hay bạn làm cùng mình?.
Tôi vẫn ngồi cạnh bàn, kéo cốc nước gần mình hơn và chỉ kể chuyện vui ngày xưa, thời còn ở Việt Nam, rồi nhận học bổng nước ngoài và gặp Kevin trong phòng thí nghiệm. Người rắn nửa nằm nửa ngồi trên ghế mềm, hai tay giữ cốc nước đặt trên bụng và kể chuyện buồn, những mất mát ngày xưa và thất vọng về ngày nay.
– Đã năm giờ sáng, thưa các quý cô – Kevin gõ cửa và thò mặt vào.
Chúng tôi đã quên thời gian. Người rắn cuống quít “Chết rồi, mình quên điện thoại trong xe, lúc đến đây còn bắt chồng thả từ đầu phố để đi bộ vào. Chồng mình không biết chính xác số nhà của bạn đâu, vì mình cẩn thận chỉ nói tên phố như Trà dặn. Có khi anh ấy chạy vòng vòng cả đêm quanh phố này để tìm rồi ấy chứ. Ôi, lúc nào vợ chồng cũng kè kè bên nhau nên mình chẳng chịu nhớ số điện thoại của chồng, tai hại quá.”
Tôi và Kevin đưa người rắn ra ngoài, trời chưa sáng hẳn, đèn đường còn chưa tắt. Trong không gian ấy, lớp cườm trên váy của cô uốn lượn kì ảo vô cùng. Không thấy ai chạy vòng vòng ngoài phố, bãi trống phía vườn sau nhà cũng không thấy xe lạ nào. Kevin quay vào lấy áo khoác, ra bảo tôi “Có khi ông này tạt bãi đỗ công cộng nào rồi ngủ quên trong xe. Tìm loanh quanh lạnh lắm, sợ cô kia không chịu nổi. Để anh đưa cô ấy về nhà cho chắc rồi đi làm luôn. Em vào ngủ đi, mặt trắng bệch ra rồi.”
Tôi cố bò vào giường. Chừng mười lăm phút sau mắt khô, miệng khô, buồn ngủ mà mắt không nhắm lại được. Hình như điện thoại vẫn để ở phòng kính, phải mang lên để Kevin có gọi còn kịp nghe. Tôi mở cửa quét mắt tìm. Một sợi tóc dày suôn bóng vương trên miệng cốc nước người rắn để lại, đầy đặn và trong veo. Tôi vội liếc sang chỗ mình, các tinh thể nước đang tan vỡ và cuộn lên những luồng bụi mịn li ti trong lòng cốc.
14/10/2021
Kiều Bích Hương
Nguồn: Báo Văn Nghệ bộ mới 2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...