Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Miền cỏ hoang - Truyện ngắn của Trần Thanh Hà

Miền cỏ hoang - Truyện ngắn
của Trần Thanh Hà

Nhà văn Trần Thanh Hà là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu, đặc biệt những truyện ngắn sắc sảo của chị thể hiện hình tượng người phụ nữ đi qua bi kịch bằng sự chia sẻ, nhân ái, bao dung. “Miền cỏ hoang” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Trần Thanh Hà, với câu chuyện hậu chiến xoay quanh trong một gia đình nhưng có sức khái quát nỗi đau một thời và day dứt người đọc dài lâu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Trong vườn, có một khoảnh nhỏ bà trồng đủ các thứ rau: chân vịt, mã đề, diếp cá, cả rau dền đất. Bà dùng thân lau nẹp thành liếp, ken dày đến nỗi gà con cũng không chui vào được. Suốt ngày bà ở ngoài đám đất, cuốc xới, nhặt cỏ, ươm cây. Bà bảo các thứ này đừng nghĩ nó dại, thuốc nam hết cả. Mùa hè bà luộc rau sam, rau chân vịt “ăn cho nó mát”, nhưng đến bữa cả nhà ăn hết góc đĩa, bởi nó cứ nhơn nhớt, nhàn nhạt thế nào ấy. Hơi nóng sốt một tí, là y như rằng bà nhai diếp cá bắt đắp lên trán, hôi ơi là hôi. Chỉ bữa nào có cua đồng, mẹ nhổ rau dền nấu canh, cô Sửu mới khen ngon.
Ngày cô Sửu đám cưới, đám thanh niên làng hè nhau đạp gãy cái hàng rào của bà để vào xem cái video bố đem từ trên huyện về chiếu bộ phim đánh chém nhau của Hồng Kông. Sáng sau ra vườn, thấy đất bị giẵm đạp vô số dấu giày, rau cỏ nát bét lẫn với đầu mẩu thuốc lá, bà xót ruột, chửi um, đến nỗi mẹ phải gắt bà mới thôi. Chiều lại đã thấy bà mang cuốc chét ra cuốc xới. Chú Thao từ bên kia đồi vác sang mấy bó rau, lụi hụi trồng lại cái liếp rào cho bà. Bố cằn nhằn: Không có việc bà nghỉ cho khỏe, việc gì phải đất với cỏ”. Bà thở dài, dặn nhỏ: “Nhớ đái vào cái máng sau nhà cho bà để bà tưới cây”.
Lối dẫn ra nhà chú Thao băng qua một vạt đồi cỏ léc cao quá đầu người. Men bờ khe có hơi nước, léc xanh um tùm, lá to và dài, trông rợn cả người. Trong rừng không có loại cây nào lá sắc như cây léc, chỉ cần vương nhẹ, nghe đau, y như rằng là léc cắt. Thế nhưng chú Thao không phát đường, cứ đạp léc xuống mà đi, thân léc gãy khô cong rẽ ra hai bên tạo cho lối đi hình cái máng vòm. Mùa khô, những người đi bứt lá về bỏ chuồng hay đi qua lối nhà chú Thao; nhưng hễ mưa xuống trên phiên léc thỉnh thoảng có vắt, sên, nên con đường hầu như bỏ hoang. Lâu ngày từ những gốc léc gãy, những mầm léc non lá tươi và mềm vươn lên vẫy vẫy.
Chú Thao là người trở về cuối cùng của xóm. Ngày chú ôm chiếc túi lép bước vào cổng nhà, thím Hồng đã hai mặt con, ở với chồng bên chợ, cách sông và một thôi đường. Bà ôm lấy chú mà khóc, mà kể lể thôi là kể lể. Mẹ và cô Sửu khóc thút thít. Chú đứng trước bàn thờ mình, chẳng nói gì, cơ má trái giật giật. Mặt chú trông chẳng giống mặt người trong ảnh, phía hay giật giật đen một mảng và đầy sẹo nhỏ.
Bà nhắn qua chợ cho thím Hồng. Thím về có một minh, mắt đỏ hoe. Vừa thấy chú Thao thím liền sụp xuống lạy. Cơ má trái của chú càng giật mạnh hơn. Chú bảo: “Sự thể đã thế, đừng nghĩ ngợi gì. Cố mà sống vuông tròn với người ta”. Thím Hồng về, rồi lâu không thấy sang nữa.
Ở nhà được ít lâu, chú Thao làm cái nhà bây giờ. Căn nhà lúc mới dựng nằm chỏn lỏn giữa bạt ngàn cỏ léc, đứng xa không trông thấy. Chú Thao cặm cụi cuốc đất trồng khoai, trồng sắn. Đất tốt, chả mấy chốc vườn chú đã có cái để thu hoạch. Bây giờ, những cây xoài, cây mãng cầu đã lớn nhanh vượt lên khỏi ngọn léc. Nghe đâu chú còn định xin xã cho khai phá mấy vạt đồi phía sau để trồng bạch đàn nhưng xã không cho. Ông Bính chủ tịch nói là đất ấy nhiều bom đạn đụng vào lỡ xảy ra chết chóc, không ai chịu trách nhiệm. Chú gặp bố nhờ nói hộ. Bố bảo: “Không dễ”. Chú nhắc lại: “Vâng, không dễ” rồi về.
Những chiều muộn chăn trâu bên này đồi nghe vẳng từ bên kia tiếng sáo dặt dìu nôn nao. Tiếng sáo phảng phất trong sương khói chiều nghe có cái gì quằn quặn trong lòng. Cả rừng léc rập rờn theo tiếng sáo. Lũ chăn trâu đứng ngẩn quên cả ngày đang tắt, quên cả đói và lạnh. Dứt tiếng sáo chúng mới lục tục lùa trâu về, thầm thì kháo nhau: “Ông Thao trông mặt sợ thế mà thổi sáo hay đáo để, nhỉ “.
Bà kể, ngày con gái thím Hồng xĩnh nhất làng Thượng, nhà đã gả chồng rồi vẫn nhất quyết chối chỉ bởi mê tiếng sáo chú Thao. Đêm văn nghệ nào có chú thổi sáo, thanh nữ đứng xem đông nghịt, hết thảy đều ngây ngất. Tiếng sáo như có bùa quyến rũ hết con gái làng, đến nỗi trai làng có bận dọa bẻ hết ống sáo chú Thao, cấm chú thổi. “Ấy vậy mà bây giờ…”. Nói thế, bà lại khóc. Mỗi lần nghe bà khóc, cô Sửu nhăn mặt: “Ai người ta cũng biết, mẹ kể mà làm gì”.
Quãng gần Tết mấy cây chanh ghép trong vườn chú Thao trổ bói. Giữa một vùng chỉ cỏ là cỏ, hương chanh đâm ngào ngạt, tinh khiết. Ong rừng nương theo mùi hương rủ nhau bay về, rập rờn trên những vầng hoa trắng. Chú Thao ngồi hàng buổi trầm ngâm, mắt vời vợi mông lung trông ra bạt ngàn ngọn léc uốn cong theo gió, cơ má trái giật giật.
Từ độ hoa chanh lườn chú Thao nở, cô Sửu thỉnh thoảng sai: “Mày chạy vào nhà ông Thao kiếm ít hoa về gội đầu”. Cô đâm nghiền thứ nước bồ kết nấu thả vài cánh chánh trắng, hương thoang thoảng, thanh và cay, gội xong nhiều ngày mà hương còn ủ trong tóc. Hoa chanh nở có kỳ, nhưng cô Sửu bao giờ cũng có để gội đầu là nhờ chú Thao nhặt hoa rụng, hong khô, cất kỹ, mỗi bận lại cho cô Sửu một ít. Cô Sửu có lần đùa: “Vì mấy cây chanh nhà ông Thao mà tao lấy được chồng”. Cô hếch mặt: “Còn mày, đến thời không bù giá bằng hoa chanh được. Bảo bố mày sắm cho ít vòng xuyến…”.
Cô Sửu vốn không đẹp, da đen, vóc người to ngang, ăn nói đốp chát. Học xong trung cấp nông nghiệp, về xã làm kỹ thuật viên, cũng chân lấm tay bùn như ai, nhưng hễ trai làng buông lới tán tỉnh là cô bĩu môi ra chiều coi thường. Cô nói cô thích người trinh độ. Ngoài ba mươi, cô còn ở vậy. Ấy thế nên cô nhận lới lấy anh kỹ sư cùng cơ quan bố.
Bà cũng thường hay sai mang những thức rau trong vườn cho chú Thao. Mỗi lần bà sai đi bà lại đem chuyện chú Thao hồi chưa đi bộ đội ra kể, nào là chú Thao tát cá về bắt bà nấu canh rau tập tàng ra sao, nào là chuyện chú Thao cuốc đất khỏe như thế nào. Thôi thì đủ chuyện, dài có khi hết buổi, làm mẹ phải nhắc khẽ: “Chạy ù đi rồi về học bài”.
Chú Thao ít qua nhà nhưng hễ qua là thế nào chú cũng mang cho chục trứng, miếng thịt nhím, thịt chồn bẫy được ngồi với bà một chốc, nói dăm ba cậu là đi ngay. Có lần cô Sửu bảo: “Hay anh lấy vợ đi. Đã già đâu. Em sẽ mối cho anh con bạn học…”. Không chờ cô Sửu nói hết, chú Thao trừng mắt làm cô ấn gãy thỏi son đang tô môi dở, xịu mặt. Chú Thao đi rồi cô mới toang toang: “Dở hơi, ông Thao ông ấy dở hơi. Thời này đàn bà rẫy ra, khối đứa thèm đàn ông không ai để mắt. Ông Thao có hơi bị cháy mặt một chút nhưng cứ là đàn ông. Có vợ, có chồng cứ hơn thui thủi một mình. Biết toan tính, chăm chỉ như ông ấy, chả mấy chốc mà giàu. Hay còn chung thủy với bà Hồng? Bà ấy đã là vợ người ta, còn thương tiếc nỗi gì nữa không biết…”. Bố gắt: “Biết thì nói, không thì đừng. Cô là hay nói liều”. Cô Sửu đùng đùng: “Thấy phải là tôi nói chứ! Ông làm như ông thương ông Thao lắm không bằng. Thương sao để ông ấy ra ở rừng một mình? Sao không chạy cho ông ấy cái giấy thương tật? Mà ông chỉ bảo với xã một tiếng là người ta cho ông Thao thầu cái đồi léc, thế mà không. Để cho cỏ nó mọc bạt ngàn, người ta muốn làm kinh tế lại không cho”. “Đã bảo lắm bom…”. “Bom cái gì? Ông không phải sợ cho cái tính mạng của ông Thao, ông sợ cái khác. Đạo đức giả tuốt!”. “Cô đừng có hồ đồ. Im đi cho tôi nhờ!”. Bố bực bội. Cô Sửu không im, cô xỉa xói: “Ông đừng ỷ mà quát tôi nhé! Ông bắt ai im được chứ tôi thì đừng hòng. Tôi biết tỏng trăm ngàn chuyện xấu xa của ông. Tôi biết cả cái giấy gọi nhập ngũ là đề tên ông, nhưng vì ông sắp đi nước ngoài nên phải cậy cục lo cho ông Thao đi ngay. Có ông Thao gánh hết thiệt thòi ông mới thành ông này ông nọ. Ấy thế mà giá ông Thao chết đi có khi ông lại dễ chịu hơn là thấy ông ấy lù tù dẫn xác trở về…”. “Mày, mày, mày… ” bố lắp bắp, mặt đỏ ngầu. Cô Sửu ngoảy mặt bỏ đi. Bà rên rẩm: “Vô phước, tao vô phước…”. Mẹ lặng im, cắn môi ngồi một mình trong buồng. Bố nổ máy xe phóng ra huyện dù chưa hết ngày chủ nhật.
Cô Sửu lấy chồng chưa đây năm thì tay xách nách mang về nhà. Mẹ kéo cô vào buồng, mặt tái nhợt: “Làm sao thế hả?”. Cô Sửu khóc, nói trong lời nước mắt: “Em dại. Đã trót ở đến chừng ấy thế mà không ở luôn, lấy chồng làm gì cho nó nhục…”. Mẹ đảo mắt chung quanh, hoảng sợ: “Thì nho nhỏ thôi! Có gì cô nói đi nào”. Cô Sửu quệt nước mắt: “Cái số em nó khổ. Ngót ba chục tuổi đầu ai cũng cười ế ẩm, lấy chồng trình độ, ăn trắng mặc trơn thiên hạ tưởng sung sướng. Nào ngờ vớ phải thằng cha bất lực. Biết em có bầu, nó đánh chửi em thậm tệ…”. “Trời ơi là trời!” – mẹ bưng mặt.
“Tôi bỏ chồng. Ai nói gì thì nói” – cô Sửu tuyên bố khi có đủ mặt cả nhà. Bà tru tréo, bà bảo rằng chính cô làm nhục gia phong, rằng cô bôi tro trát trấu vào mặt bà. Bà khóc, bà chửi ầm nhà cửa. Bố im lặng hút thuốc, mãi sau mới nói: “Chuyện xấu, chẳng biết giấu đi, cứ vạch áo cho người xem lưng. Cái làng này không khéo đến lúc cô Sửu đẻ, họ kéo cả đến xem đứa bé giống ai…”. “Muốn xem tôi cho xem chứ ! tôi sợ gì mà giấu với giếm”. “Hay hớm lắm đấy, cô lên phố mà xem, mấy hôm nay đầu đường xó chợ, đâu cũng thấy tụ tập đàm tiếu chuyện vợ chồng cô. Cô không ngượng nhưng mà tôi ngượng, tôi nhục…”. Cô Sửu cúi nhìn cái bụng sắp sửa vượt mặt lại khóc. Nhà buồn như có đám.
Tháng chạp thứ hai, hoa chanh vườn chú Thao nở. Cô Sửu đã không còn sai chạy sang chú Thao lấy hoa chanh nữa. Cỏ léc vẫn rập rờn xanh biếc một màu, ngàn ngàn lớp sóng xô đuổi nhau chạy qua, xôn xao, khấp khởi. Heo may thổi lồng lộng buốt lên tận óc. Lại mưa phùn hay đổ vào buổi chiều tối, giăng mắc lên làng mạc một màn sương mờ dày đặc. Bà bây giờ chỉ còn ngồi hong tay trên bếp lửa, hết sáng đến chiều, hết chiều tới tối. Đêm bà ngủ mẹ cũng phải vùi than dưới giường cho bà. Lâu bà không còn nhắc đái vào cái máng sau vườn nữa. Khoảng đất của bà dền đất già nở từng bông hoa xanh xám dài ngoằng ngoẵng, chen chúc với lũ cỏ hôi hoa màu hồng hồng, lá phủ một lớp lông mỏng nham nhám. Cái liếp rào mỗi lần gió lay là xiêu vẹo chực ngã. Phần cái cuốc chết, cán gãy mẹ đã cho vào bếp đun, lưỡi sắt hôm qua thằng cu Ki đã bán cho thằng đồng nát.
Con cô Sửu xinh như tranh, chỉ mỗi tội hay đái dầm. Không thấy xóm làng đến xem mặt đứa bé như lới bố, chỉ có ông Bính chủ tịch không con đến nhận thằng bé nhưng cô Sửu cười bảo: “Tôi đẻ, con tôi, chẳng con ai cả”.
Cô đặt thằng bé vào cái nôi buông mùng trắng rồi hát:
Cái vạc mày ngủ cho ngon
Mai sau mày lớn, tìm cho ra gái ngoan mà hẹn hò…
Cô bảo: “Mày trông chừng em cho cô nhé! Cô chạy quàng đi một tí. Lâu ngày nằm ổ, buồn quá! “Cô vấn tóc, trùm khăn kín mặt, đi. Quá bữa cô mới về. Từ ngoài ngõ đã nghe tiếng cô oang oang: “Điên, ông Thao nhà này điên mất rồi”. Mẹ tất tả chạy từ dưới bếp lên. Cô Sửu vừa tháo khăn vừa nói: “Đàn bà không chồng làng này thiếu gì. Lấy ai chẳng lấy, lại đi rước mẹ con con mụ Nền. Mang gông suốt đời mà không tránh khỏi miệng thế gian”…
À, ra cô Nền về ở với chú Thao. Cô Nền nhà ở gần trường học, không thấy nói có chồng nhưng có ba đứa con. Bọn học trò hay vào nhà cô xin nước uống, lợi dụng bứt trái đu đủ non, dăm quả ổi xanh trốn học chấm muối ớt, có đứa táo tợn còn lấy cắp trứng gà, bồng cả gà mẹ. Cô Nền biết nhưng không chửi, cô khuyên bảo nhẹ nhàng rồi cho về. Được thể bọn trẻ càng làm quá. Cô là đối tượng trong những câu chuyện của đám đàn ông tụ tập khi rỗi rãi. Họ đùa phát vào lưng nhau đôm đốp: “Em Nền ấy à, cứ xuống xề kể lể nỗi bất hạnh là em mềm lòng, cho tuốt…”. Đàn bà khinh nhờn cô ra mặt. Họ bảo cô đĩ thoã, họ bảo cô khốn nạn. Quanh năm suốt tháng, ngoài lũ học trò chẳng có ai tới nhà cô ban ngày ban mặt.
Cô Sửu lay gọi bà, than thở chuyện chú Thao. Bà ngồi lặng im hong tay trên bếp, chẳng ra nghe, chẳng ra không. Mắt bà đục mờ như có phủ sương khói. Bà cười, phô hàm lợi trống trơn sóm sém. Lâu bà mới hỏi mẹ: “Thế bao giờ đến giỗ thằng Sơ?» Mẹ dại mắt, nhắc khẽ: “Chú ấy còn sống, đã về “. “À thế…”. Mắt bà ánh lên một chút sáng, rất nhỏ, rất mỏng, rồi nguội tắt nhanh chóng, lại chỉ thấy sương khói đục mờ. Mẹ và cô Sửu nhìn nhau, không ai nói.
Trong hơi may, trên những triền đồi hoang chỉ còn độc mỗi lũ trẻ chăn trâu. Chúng co ro trong áo tơi, da tái xám giữa lồng lộng gió. Trên muôn triệu lá léc xanh xuyên qua lớp lớp mưa phùn là trong trẻo, là réo rắt, là huyền hoặc tiếng sáo. Chưa bao giờ tiếng sáo nỗi niềm da diết đến thế. Không đứa nào lên tiếng. Chúng nắm chặt tay nhau nhìn về hướng ngôi nhà nhỏ bên kia đồi. Phía đó, một làn khói bếp mỏng bay lên, vẽ một đường cong mềm mại, rồi tỏa tỏa vào trong chiều muộn.
19/10/2021
Trần Thanh Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...