Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Từ "Lừa dối" tới nghệ thuật

Từ "Lừa dối" tới nghệ thuật

Dù từng thấy mấy anh xăm trổ là tôi… lảng, nhưng tới giờ khi xăm nghệ thuật xuất hiện, tôi lại… thích. Nó đẹp, cá tính, mới mẻ và hiện đại. Con gái tôi cũng xăm 2 cái hình bông hoa ở kẽ ngón tay cái và trỏ, và hình nữa ở gáy, sát tai, ẩn ẩn hiện hiện rất gợi cảm. Nó khiến con người có vẻ năng động hẳn lên…
Cách đây vài năm, tôi có dịp đi cùng vợ chồng nhà thơ Thanh Thảo và nhà thơ Phạm Đương tới Hội An thăm nhà văn Nguyên Ngọc. Ông Ngọc, sau hơn nửa đời bôn ba, cuối cùng lại về sống ở Hội An, nơi ông sinh ra và được nuôi dưỡng, hun đúc từ vùng văn hóa ấy để ông trở thành một nhà văn, nhà văn hóa. Sau khi uống cà phê với ông Nguyên Ngọc và ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư thị xã Hội An, cũng là một “báu vật nhân văn sống” của Hội An ở một cái quán cóc rất… Hội An, trên đường về lại Vinpearl Nam Hội An, ông Thanh Thảo bảo, ghé tiệm bánh mì Phượng mua mấy cái, người Mỹ họ xếp tiệm này là bánh mì ngon nhất Việt Nam, mà không phải Mỹ bình thường nhé, Mỹ đầu bếp riêng của Ô-ba-ma đấy. Nhưng phải chịu khó xếp hàng, vì tiệm này ngon mà khách rất đông.
Thì quay lại và… xếp hàng như mọi công dân gương mẫu khác. Lúc này hàng dài lắm. Tôi biết, ông Thanh Thảo xếp hàng mua là để lấy cảm giác chứ chúng tôi đang là khách của cái khu du lịch 5 sao mà, ăn buffet sơn hào hải vị ngập miệng mà, nên kệ ông xếp hàng, chúng tôi ngồi trên xe đợi. Một lát thấy ông tập tễnh bước về xe, tay xách 2 ổ bánh mì, mặt nửa thất vọng nửa hớn hở, bảo với chúng tôi: xăm trổ nhưng mà tốt các ông ạ.
Té ra là thế này: Ông Thảo đứng nối vào cái hàng đang xếp, chắc nếu tới thì cũng phải nửa tiếng nữa. Được đâu mươi phút thì thấy một thanh niên bước tới, đầu trọc, cánh tay đen xì vết xăm, bảo ông: Bố già, ra đi. Ơ sao tôi phải ra, đang xếp hàng mua bánh mì mà. Bố vừa già vừa tập tễnh (Ông Thanh Thảo một chân gỗ) nên được ưu tiên, đây con nhường cho bố, con mới mua. Vì mục đích là lấy cảm giác nhưng bị “mời” ra sớm quá nên ông Thảo tiếc mà miễn cưỡng bước ra, thấy mặt mũi tay chân nó hầm hố nên cũng… ngại. Nhận cái túi đựng 2 ổ mì, ông Thảo rút ví trả tiền, cậu xăm trổ phẩy tay, không, biếu ông già mà, tiền nong gì? Tất nhiên là ông Thảo cám ơn tới mấy lần, rồi trên xe ông cứ lẩm bẩm “xăm trổ mà tốt…”…
Một đêm, khuya khuya rồi, điện thoại tôi rung bần bật. Mở ra là ông Thanh Thảo, giọng rất phấn khởi: Ngủ chưa mày, để anh đọc mày nghe một chương cái trường ca anh đang viết. Hihi em có ngủ mà đại ca gọi cũng phải thức ngay. Bác để em mặc quần áo tử tế ngồi ngay ngắn rồi xin nghe ạ. Và ông đọc cái chương “xăm trổ” trong trường ca ấy. Trước đấy ông có hẳn một bài “bánh mì Hội An” trên một tờ báo lớn cũng nhắc chuyện… xăm trổ. Nhà thơ Phạm Đương, người rất thân và gần gũi (nghĩa đen, cả 2 ông cùng ở thành phố Quảng Ngãi) cho biết ông Thảo rất ngại “bọn” vằn vện, nhưng qua cái sự ông thấy khi xếp hàng mua bánh mì thì mới phát hiện là, té ra xăm trổ có những điều mà nhà thơ chưa biết, chưa nghĩ tới…
Về “lừa dối” và xăm trổ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng có những câu rất hay trong một cái trường ca rất nổi tiếng hầu như ai đã học cấp 3 đều biết:
“Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích”…
Thế tức là, từ thuở xưa con người xăm hình lên người là để… đánh lừa, một mặt hòa vào thiên nhiên, như một số con vật có thể tự đổi màu, đánh lừa thú dữ, rồi nó thành một cái gì đấy thể hiện sự ngổ ngáo, không đàng hoàng…
Tôi có ông ba rất nghiêm khắc, tới mức khắc nghiệt với con cái, nhất là ở 3 việc: Một là quần áo thì cấm quần loe, tuýp, quai nhê hoặc lưng liền…cùng là áo chẽn, xẻ hông. Hai là tóc, cứ 3 phân là cụ ưng, cấm để dài chấm gáy vuốt chụm lại như đuôi vịt. Và ba là xăm tay, trông như là côn đồ, là lưu manh, rất là… phản động!
Có lần tôi đi học, ngồi trong lớp mấy đứa nghịch lấy bút vẽ lên cổ tay nhau. Trưa đạp xe về, xệt chân vào hè, ông cụ ngồi trong nhà tự nhiên rướn người lên, thấy tay ông con đen đen, chả nói chả rằng, vớ chiếc dép cao su nặng trịch ném cật lực. Tất nhiên không trúng, ông dọa là chủ yếu. Mẹ tôi hốt hoảng hỏi, ai bảo con xăm tay, tôi lấy tay vuốt mấy cái, hết hình. Ông có vẻ… tẽn tò. Hì…
Giờ thì ngược lại, đang có mốt xăm nghệ thuật. Dù là người được giáo dục rất nghiêm như thế, dù cũng từng thấy mấy anh xăm trổ là tôi… lảng, nhưng tới giờ khi xăm nghệ thuật xuất hiện, tôi lại… thích. Nó đẹp, cá tính, mới mẻ và hiện đại. Con gái tôi cũng xăm 2 cái hình bông hoa ở kẽ ngón tay cái và trỏ, và hình nữa ở gáy, sát tai, ẩn ẩn hiện hiện rất gợi cảm. Nó khiến con người có vẻ năng động hẳn lên. Tất nhiên nói thật, kín lưng hay kín ống chân tôi vẫn chưa hợp nhãn, dù biết đấy có thể là hình dán chứ không phải xăm, và như đã nói, nó hoàn toàn không nói lên bản chất con người, như cái anh chàng Minh râu xăm trổ đầy người nhưng tấm lòng Bồ Tát tặng rau cho bà con vùng dịch Biên Hòa ấy.
Thì nó cũng như một thời ai phi dê bị coi là hư hỏng, còn sơn móng chân móng tay, mà chưa cần sơn, mới để móng dài thôi, là bị quy này quy kia ngay. Tôi từng thấy một ông bố là bộ đội về phép mắng con khi nó để tóc dài và cãi: “Tóc tai là phạm trù thẩm mỹ chứ không phải đạo đức hay chính trị như bố nói”: “Thế cái gì nuôi tóc dài, là phân, phân, biết chưa”. Thực ra ông dùng cái từ nặng hơn, đồng nghĩa với phân nên tôi diễn dịch sang cho nó… nhẹ.
Tất nhiên cái gì nó thuộc phạm trù thẩm mỹ thì còn cần một trình độ thẩm mỹ, khả năng tiếp nhận và một phông văn hóa đủ để có thể hưởng thụ, đánh giá và tạo lập gu thẩm mỹ cho mình. Và cái món thẩm mỹ này nó có thể thích nghi, có thể tiếp biến để phù hợp thực tế, ví dụ giờ tất cả xã hội loài người đều đeo khẩu trang. Chắc vài chục năm trước chả ai có thể nghĩ những khuôn mặt xinh đẹp, trang điểm kỹ đến thế kia lại bị những miếng vải gọi là khẩu trang che kín. Nhưng té ra, nhờ khẩu trang ta lại phát hiện ra, đa phần mắt phụ nữ rất đẹp. Tôi từng có hồi nông nổi nhận xét: mắt phụ nữ đạo Hồi đẹp nhất thế giới. Giờ mới phát hiện, mình mới chỉ đúng một nửa, nửa kia là, nhờ che kín mặt mà mắt phụ nữ đạo Hồi rất đẹp. Phát hiện này tôi mới có từ hồi có dịch covid, khi toàn thể phụ nữ tôi gặp đều đeo khẩu trang…
Nên cái sự cô giáo Văn Thùy Dương, hiệu phó trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) “lộ” hình xăm nghệ thuật là ngôi sao 6 cánh rất nhỏ ở cái gáy cao trắng ngần khi mặc áo đen và tóc búi cao chả có gì đáng phải lao xao đến thế, có chăng thì là nhận xét: Đẹp, nhất là khi trong ngành không có một văn bản nào cấm xăm. Vấn đề là, hiểu thế nào là đẹp để chấp nhận và cảm thụ nó? Tiếc là khả năng cảm thụ thẩm mỹ theo chiều hướng tích cực nó lại không thể chia đều cho tất cả mọi người.
Và tôi đánh giá, dẫu biết thẩm mỹ nó chả có cái khuôn cái mẫu nào, chả có quy tắc thước đo nào, cũng có thể chả ai giống ai, chả ai chịu ai nữa, thì trong loạt ảnh về lễ khai giảng năm nay trên cả nước, bức ảnh chụp từ phía sau cô giáo Dương đứng đọc diễn văn giữa sân trường mênh mông không có học trò nó ám ảnh nhất, đẹp nhất, khiến cảm xúc người xem lay động nhất. Biết đâu, vài chục năm sau, khi chúng ta đã có cuộc sống “bình thường mới”, bức ảnh này lại được đánh giá là chứng nhân buồn đến đau đớn về ngày khai giảng kỳ lạ đến huyền thoại giữa mùa Covid…
15/10/2021
Văn Công Hùng
Nguồn: Văn Nghệ bộ mới số 14/2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...