Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Phượt khộp - Tản văn của Dăm Tô

Phượt khộp - Tản văn của Dăm Tô

Hôm ấy, nắng vàng chang chang nhưng ấm lắm, gió thì thoáng nhẹ mùi thơm của mùa khói bay, trời đúng một màu biếc, đâu đó điểm thêm vài đóa mây trôi bồng bềnh. Hẳn là một ngày đẹp. Hai chiếc xe máy, bốn người chúng tôi cùng nhau đi ngắm rừng.
Hồi còn nhỏ, mấy chú mấy bác trong buôn hay rủ Ama tôi đi rừng. Trong tưởng tượng của tôi, đó là khu rừng rậm xanh thẳm, cây trùm lên cây, lá chèn lên lá, lâu lâu bầy chim sẽ kêu lên vài tiếng rùng rợn, đàn khỉ thì hú lên hú xuống đu từ cành này sang cành kia, chẳng muốn nói là vài con rắn hay bọ cạp gì đó đang trườn dưới đất đâu. Đêm về lại cắm trại dùng hai viên đá cuội trắng “cạch” vào nhau tạo ra lửa để nướng cá, rồi vừa cạn chén rượu vừa ăn vài miếng cá suối nướng, trò những chuyện vui buồn và hả hê cười vang một khu rừng.
Nghĩ đến đây thôi tôi lại muốn chạy thẳng lên nhà để mà chuẩn bị mũ nón, xếp thêm mấy cái dao rựa, gạc nữa để đi cùng. Vài lần xin muốn đi theo Ama xem ra làm sao nhưng bất thành.
Cây bút trẻ Dăm Tô người Ê Đê, tên thật Y Tô Tô Kbuôr, sinh ngày 11.7.2000 ở Buôn Dhŭng, xã Čư̆ M’gar, huyện Čư̆ M’gar, tỉnh Đăk Lăk.
Giờ đã qua hơn hai mươi mốt mùa “hoa tuyết” rồi. Anh trai rủ tôi đi phượt nhân dịp mồng hai Tết. Lúc đầu, ngại đi lắm nên từ chối luôn. Anh trai với tôi cách nhau năm mùa cà phê. Lớn lên cùng nhau ở Buôn Dhŭng, khá là ít nói nhưng lại rất yêu thương nhau. Một hồi, với sự dốc sức thuyết phục của Amĭ, tôi mới miễn cưỡng đi cùng anh. Đáng lẽ là không muốn thay đồ đâu, mặc sao là đi luôn như vậy nhưng ai ngờ anh lại đưa hẳn một bộ đúng chất tặng luôn cho tôi. Tôi cười: Mèng đéc ơi! Đi rừng hay đi du lịch vậy trời? Thế là, trèo lên xe anh em chúng tôi đi đón người cậu ở dưới buôn – một phượt thủ từng đi hái măng rừng, làm dẫn đường cùng một anh trai quen gọi là “Aê Sĭng”(1).
Chuẩn bị xuất phát cậu tôi lượm mấy viên cuội nhỏ nhỏ bỏ vào trong ba lô, còn cái thứ cộm lên phía sau cái mông kia chính là chiếc ná cao su trong truyền thuyết của trẻ em vùng quê chúng tôi đấy. Vậy là đã biết chuyến đi này sẽ mang về chiến lợi phẩm đây. Hành trình bắt đầu từ Buôn Dhŭng qua Êa Kiêt rồi theo đi theo con đường hướng đến Buôn Đôn. Cung đường vượt rừng chính là từ Êa Kiêt nhưng trước đó có vẻ cậu tôi với sự hăng hái đã lỡ làm tăng thêm trọng lượng của chiếc ba lô bằng năm con kỳ nhông rồi, cho nên mãi đến gần trưa mới tới được đầu rừng. Con đường mà chúng tôi đi qua, đoạn thì bê tông đoạn thì công trường nhưng cả ngày hôm ấy dường như cả con đường chỉ dành cho bốn người chúng tôi mà thôi, vắng lặng mà ngút ngàn, lâu lâu mới thấy một hai xe trên đường. Anh trai với tôi đi theo sau nhìn chiếc bánh xe đang quay đằng trước kìa, không biết nhiệm vụ của nó là làm cho xe di chuyển hay là tung những hạt bụi vào hai anh em chúng tôi nữa, những hạt bụi đỏ rực rỡ như đang reo hò vui cùng. Đấy! đất đỏ bazan đấy.
“Rừng này sao đẹp quá
Bên trái dây cuốn, dây leo
Bên phải cây nhiều cành, nhiều dóng
Trên ngọn khỉ vượn đùa vui
Thơm nức mùi quả hơ đá
Rộn ràng tiếng chim bang bôi
Hát mừng mùa hoa quả chín.”
Đó là những lối nói vần của người Ê Đê khi kể về những tán cây, muông thú trong cánh rừng già, nhưng hẳn chẳng nói về cậu đâu Khộp ạ.
Tớ đã từng đi nhiều nơi trên miền Đăk Lăk này. Nhớ có ngọn thác ngày đêm khiêu vũ bọt tung trắng xóa, nhớ con sông Sêrêpôk chảy ngược hướng Tây, nhớ cánh rừng già có bóng cây kơ nia cổ thụ hay những ngọn núi lẳng lơ đám mây trên đỉnh. Người ta nói đấy là những nơi thần linh trú ngụ, nơi những truyền thuyết, sử thi tạo nên. Khộp thì lại cằn cỗi, hoang vu lại có chút “bụi đời” chẳng thể hơn ai. Nhưng Khộp ơi…
Khộp bao mùa vẫn vậy, cậu vẫn không ngừng vươn lên vượt mọi khắc nghiệt trong hành trình dành lấy sự sống của mình. Cậu có những cành cây Kơ Lông, những bụi ALê, những dải Hơ Lang (cỏ tranh). Cậu là nơi chim Jông về làm tổ, nơi chim Kơ Tia (con vẹt) đến kiếm hạt, nơi cánh chim Gơ Rứ phi gió ngàn.
Khi mùa “nắng” về là khi lá cậu bắt đầu chuyển sang sắc vàng sắc đỏ và rụng xuống. Như một bức họa, nó quyến rũ làm sao, đẹp lắm Khộp à! Nhưng đấy cũng chính là lúc cái nóng hầm hập như hỏa lò tràn ngập khắp các không gian. Năm mình hai mốt tuổi, chúng ta gặp nhau và tớ mới nhận thấy rằng, nhà văn Nguyễn Vũ Điền trong bút ký “Rừng khộp mùa thay lá” chẳng sai khi đã khẳng định: những cuộc hành quân của chiến sĩ ta trong mùa khô những năm giúp nước bạn như “những cuộc viễn chinh trên sa mạc”. Tớ thấy những làn khói trắng dưới trời xanh cùng ngọn lửa vàng của cậu như muốn nhắn với muôn vật rằng: Này chim ơi, hãy bay tạm sang núi khác, hỡi kì nhông, hãy chạy qua bên sông này. Màu đen của cây cháy, màu xám của đốm tro tàn và cậu vẫn sừng sững đấy với ngọn lửa hung bạo kia. Thật hùng tráng và mãnh liệt.
Rồi mùa mưa chợt đến, màu xanh của ngọn chồi, lá cây lại trỗi dậy. Khộp lại gọi những người bạn của mình trở về, cậu như thể là con người của đại ngàn vậy. Rúc rích trong đống tro tàn kia là những mầm sống mới…
Sau một chặng dài, chắc cũng vượt nửa cung rừng rồi, chúng tôi dừng xe lại dưới một gốc cóc già sừng sững ngay cạnh con đường, cây cũng cao lắm, mùa này là rụng quả nhiều rồi. Cậu tôi lượm vài cái đưa cho tôi, xoa xoa cho bớt bụi và cắn một miếng. Cái màu vàng bên ngoài tưởng chừng sẽ ngọt lịm, nhưng không, vị vừa chua vừa ngọt làm cho 2 bên má tôi rộp cả lên. Cảm giác như các dây nơron được kích thêm năng lượng. Gió lướt qua chúng tôi một cách nhẹ nhàng nhưng đủ khiến những cành cây trong rừng ngả theo, vài chiếc lá khô rụng xuống đáp đất, cứ thế từng lớp lá khô mục được tạo thành. Trong lớp lá đó có tiếng lạo xạo phát ra, nghe vui tai và thích lắm. Khộp mùa khô hay như vậy đấy!
Anh trai tôi học ngành khoa học cây trồng nên cũng đi qua đây vài lần rồi. Anh kể lại, đợt đó nhóm sinh viên của anh đi tới tận gần biên giới Campuchia, có lúc chở cả người lẫn xe mà vượt qua dòng Dak Krông rồi phải lấy mẫu đất để về kiểm nghiệm và hoàn thành nghiên cứu. Anh bảo, lúc đó gặp nhiều loài động thực vật lắm, nào là phong lan, hồng trà, có cả chìa vôi, chim công, hươu sao, kỳ đà… Tất nhiên là chỉ thấy từ đằng xa và không được phép lấy về hoặc bắt chúng để bảo đảm tính sinh thái của khu rừng.
Nhìn dưới gốc cây kìa, đó là một con kì nhông! – Aê Sĭng chỉ tay. Tôi thầm nghĩ hôm nay xong đời chú ta rồi. Cậu tôi thò tay vào balo từ từ rút chiếc ná ra, lượm thêm một viên cuội rồi giương, mắt nhắm thẳng tới sinh vật màu xám kia. Pặc…! Ơ kìa, trượt mất rồi. Kì nhông chẳng hề biết vẫn phơi nắng như thường. Và lần thứ hai. Pặc…! Viên cuội sượt qua và trúng ngay chiếc đuôi dài của chú ta. Thế là chú ta rớt xuống đất cái “bộp”! Chắc đau cái bụng lắm, nghe thấy còn đã tai vậy mà. Rồi, một, hai, ba giây chú ta vụt chạy sâu trong rừng đến nỗi chúng tôi cũng chẳng kịp làm gì cả. “Chạy đi làm gì không biết, tiếc thật! Thôi để lần sau vậy.” – Anh tôi gãi đầu cười ngại. Kỳ nhông cũng là động vật rừng mà, phải bảo vệ hệ sinh thái rừng chứ!
Nghỉ ngơi xong, chúng tôi chụp vài tấm kỷ niệm rồi tiếp tục hành trình đi tới Buôn Đôn băng qua Yok Đôn. Cung đường sao mà đẹp lắm, cây hai bên cứ thế hàng dài trông rất bụi trần nhưng rất oai phong. Đoạn này cũng là quốc lộ rồi nên đường được trải nhựa, chẳng bụi đỏ như trưa nãy đâu. Hồi lâu sẽ thấy hồ Dak Minh nhìn xanh và mát quá trời. Trên trời một màu xanh tươi, bồng bềnh vài đóa mây trắng, ở dưới là mặt hồ gợn một tí sóng vào bờ, gió thổi, xa xa trên đám bùn kia có vài chiếc thuyền độc mộc được nắng hong khô. Cả khu rừng như đang soi gương, tự cảm nhận vẻ đẹp quyến rũ của mình, xao xuyến làm sao.
Lúc sau chắc cũng đầu chiều rồi, nắng lại gắt hơn và bốn người chúng tôi vào thăm “bà Lào”, bà là người quen của cậu tôi, bà bảo tôi cứ gọi là bà Lào vì bà biết tiếng Lào. Ăn xong nghe bà kể lại những năm tháng tuổi trẻ của mình, hay những bí ẩn của vùng Buôn Đôn này, nghe bà kể cuốn lắm. Tôi còn học thêm được một ít từ tiếng Lào nữa cơ. Sau đó, cả bốn lại ra lội dòng Dak Krông ngay trước nhà bà. Nhảy qua từng tảng đá, nước vẫn ào ào chảy thú vị lắm, lội đến gần chiều rồi mới chịu về. “Tạm biệt bà Lào! Con về nhá.”
Chúng tôi trở lại Buôn Dhŭng cùng những túi “Kan Brŭ”(2), “Tiăng Liăng”(3) mà bà biếu. Tối về còn có món kì nhông nướng giã lá sung cay cay. Rất ngon, ngon như thể không có món gì ngon tựa như thế trong đời.
Chú thích:
(1) Cách gọi tránh của con hổ của người Êđê, có thể hiểu là Cụ Dần
(2) Cá đã được làm muối cùng gạo, cám và một số nguyên liệu, có mùi thối nhè nhẹ.
(3) Một loại lá rất đắng thường hay ăn cùng Kan Brŭ
17/10/2021
Dăm Tô
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...