Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Thơ Quang Dũng và những thương nhớ trên đường

Thơ Quang Dũng và những
thương nhớ trên đường

Nhìn tổng quát đời thơ Quang Dũng, dễ thấy chủ thể trữ tình trong các sáng tác của ông thường là kẻ đang dấn bước trên những hành trình xê dịch.
Hồn thơ Quang Dũng sớm biết rung cảm trước những cuộc lữ. Bài Chiêu Quân ông viết năm mười sáu tuổi là một thí dụ: Đây Nhạn Môn quan đường ải vắng/ Trường thành xa lắm Hán vương ơi!/ Chiêu Quân che khép mền chiên bạch/ Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi. Năm năm sau, tức năm 1942, khi viết Giang hồ, Quang Dũng càng tỏ rõ nỗi xúc động đặc biệt của mình trước những kiếp gió bụi: Mấy gã thanh xuân, lòng bốn cõi/ Nhẹ nhàng thân gửi kiếp ra đi/ Gói, khăn, trăng, gió trời mây bạc/ Hồn nhẹ quên trong xác nặng nề.
Điều này có vẻ hơi khác thường, song nếu biết đôi chút về đời tư Quang Dũng, hẳn sẽ thấy không có gì khó hiểu cho lắm. Quang Dũng sinh năm 1921, quê ở làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, tức phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây xưa – vùng bán sơn địa cổ thường được gọi với cái tên bình dị là xứ Đoài. Nhưng quãng thời gian Quang Dũng gắn bó với nơi này không dài. Mới lên bảy, ông đã được gia đình cho ra Hà Nội học, ở nhà người cậu ruột. Cảnh sống xa nhà và những thân phận u uẩn chiều lưu lạc/ buồn viễn xứ khôn khuây có lẽ vì vậy mà đã ám ảnh tâm hồn Quang Dũng ngay từ thơ ấu.
Từ năm 1946, khi gia nhập Vệ quốc đoàn rồi trở thành một thành viên của Binh đoàn Tây Tiến, ông càng dấn mình vào kiếp phiêu bạt. Cuốn hồi kí Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào – Việt(1) được Quang Dũng hoàn thành năm 1952 là bản biên sử sinh động về quãng đời lênh đênh đầy nhọc nhằn nhưng lãng mạn và tươi đẹp ấy. Mà có lẽ cũng chính từ đây, ông bắt đầu nhận ra cái khoái thú của những chuyến đi. Cho nên sau này, dù đã giải ngũ, chuyển sang làm công tác văn hóa, xuất bản rồi về hưu, ông vẫn không quên được đời ngao du bay nhảy, thậm chí xem đó như một niềm mê đắm. Nhà thơ Trần Lê Văn, trong Lời giới thiệu Tuyển tập thơ văn Quang Dũng (Nxb Hội Nhà văn, 2014), khẳng định điều ấy khi nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, người bạn thân của ông có niềm say mê “được luôn luôn cất bước trên những dặm đường”, lúc nào cũng “hăm hở đi, mải miết đi, như có một ma lực lôi kéo”.
Tâm thức lữ khách ấy len vào đến tận nguồn mạch thơ ca Quang Dũng, làm thành một thứ thơ mà tôi muốn gọi là thơ “ở trên đường”.
Nhìn tổng quát đời thơ Quang Dũng, dễ thấy chủ thể trữ tình trong các sáng tác của ông thường là kẻ đang dấn bước trên những hành trình xê dịch. Đó là chàng lính vệ quốc đang hành quân trong Tây Tiến, Sử một trung đoàn, Quán bên đường, Mắt người Sơn Tây, Nhà bên đường, Lính râu ria, Nhớ… Đó là kẻ sống đời lữ thứ trong Cố quận, Những cô hàng xén, Buồn êm ấm, Thu… Đó là người viễn khách đang trên đường qua Bố Hạ, đến Việt Trì, đi ngang sông Châu, Phủ Lí, trằn trọc đêm Bạch Hạc, nín thở vượt dốc Pha Đin… Chưa kể, thử lướt qua phần cuối các bài thơ, nơi Quang Dũng ghi lại địa điểm sáng tác và nhất là nhìn vào sự hiện diện dày đặc của hàng loạt địa danh khác nhau, những tên đường, tên sông, tên núi trải từ miền ngược đến miền xuôi trong thơ Quang Dũng (đơn cử đoạn trong bài Bắt đầu: Ôi sông Hồng Hà cuộn đỏ/ Đêm thu qua bến Việt Trì/ Sông ơi có biết/ Lòng người ra đi/ Cổ Đô – Thổ – Tạng – những làng/ Sơn Tây – Ba Vì những núi/ Bạch Hạc là đâu/ Phong Châu đất cũ/ Bến vắng thuyền xuôi giọng hát ả đào/ Trăng lạnh mái chèo ca nữ), người ta đã phần nào hiểu được sức đi của vị thi sĩ tài hoa này và cái cảm hứng “trên đường” chảy rào rạt trong thơ ông.
Nói đến đi và viết, có một thực tế thường thấy, rằng khách văn chương, khi bước vào những hành trình, hình như không phải muốn kiếm tìm hay phát kiến ra một thứ gì mới mẻ. Họ không phải là Columbus dong thuyền ra khơi trong niềm khát khao những vùng đất lạ; họ không giống Darwin lênh đênh trên biển suốt nhiều năm để quan sát và ghi nhận tự nhiên, từ đó gây dựng thuyết tiến hóa; và họ cũng khác Lévi-Strauss – người từng bỏ công đi sâu vào vùng rừng rậm Amazon, tìm đến những bầy người da đỏ nguyên thủy để khám phá xem đâu mới là cái cơ cấu tư duy phổ quát của nhân loại đã có từ thượng cổ. Người văn chương, ngược lại, ra đi kì thực là để tâm thức thực hiện những cuộc trở về. Tôi rất thích tựa đề quyển bút kí của nhà văn Lê Vũ Trường Giang, “Đi như là ở lại”. Nghe có vẻ nghịch nhĩ, song thực tế là trên những chặng đường ra đi ấy, hẳn có lúc ta đã để lại một mảnh hồn, một khối tình cho những xứ sở ta qua, cho ngọn cỏ dại ta nhìn thấy bên đường, cho trang sách ta tình cờ lần giở, cho tiếng chuông sơn tự vang vọng vào những buổi sớm sương giáng… Cứ thế, ta đi nhưng thực ra đã mãi ở lại trong những nơi chốn mà ta từng đến, trong những duyên tình ta hạnh ngộ. Đi vì thế cũng là một cách nhung nhớ, mà thậm chí sâu bền và mãnh liệt hơn nhiều so với ở lại: sự quen thân, nghịch lí thay, nhiều khi mới chính là nguồn cội của quên lãng.
Thơ ca Quang Dũng phát khởi từ chính những thương nhớ trên đường như vậy. Điều này lí giải vì sao trong nhiều bài thơ về đời lính, Quang Dũng không nói đến những đoàn quân hào khí ngút trời hay những chiến công hiển hách, oai dũng, mà lại rất hay kể về chặng đường hành quân gắn với những kỉ niệm chỉ một lần gặp gỡ.
Đó là những cái quán nhỏ, những mái tranh vẹo xiêu ở lưng chừng đèo dốc mà ông và đồng đội, trong một đêm ngắn ngủi nào, đã dừng lại nghỉ chân: Khuya khoắt sông bờ vắng/ Lửa hồng quán tản cư/ Lính mấy chàng vất vả/ Tìm sống một đêm thơ (Lính râu ria); Đây căn nhà chật hẹp/ Tạm bợ dựng bên đường/ Tường xếp gạch phá hoại/ Đôi mái liếp che sương/ Năm năm trời kháng chiến/ Đây làm quán giang hồ/ Cửa rộng đón bằng hữu/ Rừng núi về trung du (Nhà bên đường); hay Nhà tranh hốc hác/ Cuối làng chơ vơ/ Đường xa công tác/ Người lính ghé nhờ (Nhớ).
Đó là một đêm vui hiếm có giữa rừng Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ (Tây Tiến), là một khoảng yên bình chóng vánh thời chiến mà thi sĩ bắt gặp trên đường hành quân Bên cuối thôn xuân hoa gạo rơi/ Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi/ Đò ngang một chuyến qua mưa bụi/ Ấm áp trong mưa tiếng nói cười/ Cái giọng ru con từ ngõ trúc/ Thanh bình như phút sống đang trôi (Đất nước).
Đó còn là cô em gái tản cư chung cảnh ngộ “thiếu quê hương” Và chợt nhớ chúng ta xa nhà cửa/ Em tản cư tôi làm lính tiền phương/ Quê Hà Nội cùng xa từ một thuở/ Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường (Quán bên đường), là người gái núi vừa gặp gỡ đã phải chia xa Ngỡ hết thôi rồi muôn giới biên/ Em là gái núi mộng bình yên/ Anh là trai lỗi thời binh lửa/ Môi lạnh không chờ chuyện lứa duyên (Đêm lạnh).
Thơ Quang Dũng viết sau khi ông rời quân ngũ vẫn tiếp nối mạch cảm hứng của các sáng tác giai đoạn trước đó, vẫn là những hành trình đi và viết, nhưng tâm thức lính đã nhạt dần, nhường chỗ cho những xúc cảm mang đậm màu sắc thế sự hơn. Có nhiều bài là nỗi xót xa trước những điêu tàn thời chiến như Đường chiều thứ bảy, Chabbi – Chabbi, Nhớ bạn, Những nghĩa trang… Song cũng có những bài như Bắt đầu, Rừng, Hoa chè, Pha Đin, Bất Bạt đêm giao quân, Những người tóc đã trắng, Mây đầu ô… lại là lời ca hi vọng, là tiếng reo vui, dầu vẫn ở giọng trầm, trước những sinh sắc chớm nở ở miền Bắc hậu chiến.
Tuy nhiên, có một thứ kí ức sâu đậm hơn tất thảy, thứ kí ức đã ở lại và day dứt mãi trong suốt cuộc đời Quang Dũng dù những hành trình thăm thẳm có đưa bước chân ông đi đến tận đâu, và ngược lại, có lẽ cũng chính vì đi nhiều mà cái kí ức ấy trong ông càng nhức nhối. Tôi đang muốn nhắc đến nỗi nhớ cố hương phủ dày trong thơ Quang Dũng.
Hãy thử làm một thống kê: Ngồi đây năm năm miền li hương/ Quê người đôi gót mỏi tha phương (Cố quận); Bộ hành thiêm thiếp nhớ trung châu (Trưa hè); Và chợt nhớ chúng ta xa nhà cửa (Quán bên đường); Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm, Buồn viễn xứ khôn khuây (Mắt người Sơn Tây); Hồn còn buồn vương hình dáng quê xưa (Tình quê); Quê mẹ không còn dấu vết/ Như chẳng có bao giờ (Nhớ về mẹ); Có nhớ về đất Bắc/ Những người xa quê hương (Có nhớ về đất Bắc); Trưa hè bỗng nhớ sông quê (Mây làng); Ai biết Hồ Nam giờ ra sao/ Xa cách hồn quê động bóng cau (Hồ Nam); Áo chàm lên ga/ Hương rừng đã ngái/ Chạnh niềm quê hương (Bắt đầu); Đường về quê hương về quê hương/ Có một ngày sao mà bất tận (Không đề 2); Em chở anh qua đò/ Đi tòng quân một sớm/ Dòng sông của quê ta/ Trong mắt anh chầm chậm (Đám cưới qua sông Đáy); Nhớ Sơn Tây hơn một mối tình (Gửi Sơn Tây); Sấm đầu mùa đã động/ Sao động lòng tha hương? (Chiều núi mưa rào); Nước mắt em buông lã chã/ Long lanh nhớ giếng quê nhà (Bắt tép kho cà); Đất đá ong trong lòng giếng mát/ Ôi Sơn Tây! Sài Sơn yêu thương! (Nhớ một bóng núi)…
Dễ thấy, trong thơ Quang Dũng, nỗi nhớ quê hương của ông đã được bày ra với gần như toàn bộ những cạnh khía, những biến thể phức tạp nhất của nó. Quang Dũng nhớ đất, nhớ sông, nhớ núi, nhớ da diết cảnh mây trắng trùm bọc xứ Đoài, nhớ cái giếng nước mát, những tảng đá ong, thậm chí chỉ cần nghe tiếng sấm một chiều giữa rừng, ông cũng bâng khuâng nhớ thương quê cũ.
Nhưng thao thiết và ám ảnh nhất có lẽ vẫn là nỗi nhớ về những cố nhân nơi quê xưa, nỗi nhớ đã trở thành nguồn cảm hứng cho Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây, Những cô hàng xén – những bài thơ tiêu biểu nhất làm nên tên tuổi Quang Dũng. Đôi bờ mở ra một bến sông khuya chìm khuất trong rét mướt và mưa bụi, nhưng nỗi nhớ và khói thuốc đã đưa người em gái bên bờ sông Đáy quê cũ năm nào trở về trong mộng mị: Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa/ Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ/ Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ. Mắt người Sơn Tây lại diễn tả cái khắc khoải trong một đôi mắt xứ Đoài, đôi mắt mà binh lửa, lưu lạc và điêu tàn đã hằn lên thành những “suối lệ”. Trong khi đó, Những cô hàng xén lại là nỗi nhớ đẹp về một làng quê Bắc Bộ tươi nhuận đang vào độ vải chín, và nhất là về những cô gái hàng xén ven sông Đáy duyên xinh, “đẹp như ca dao nước Việt”…
Mỗi lần đọc thơ Quang Dũng, tôi hay nhớ về chân dung ông, bức chân dung chàng quân nhân Bùi Đình Diệm chụp những ngày Tây Tiến với chút râu ria điệu nghệ, nhân trung hõm rõ, mà nhất là đôi mắt, một đôi mắt sâu, xa vắng, thăm thẳm. Mắt người Sơn Tây có đoạn: Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây. Nhiều người sẽ nghĩ rằng đôi mắt ấy là đôi mắt của một người con gái. Nhưng có gì để bảo chứng? Trong một thoáng mơ lãng, tôi nghĩ đó cũng rất có thể là bức tranh bằng chữ mà Quang Dũng đã dùng để tự họa đôi mắt mình – đôi mắt mà ông cho là “u uẩn” vì “buồn viễn xứ”. Viễn xứ quả là buồn, và Quang Dũng thực ra thấm thía lắm nỗi buồn ấy. Dầu vậy, ông vẫn đi, tha thiết được đi, đi như một phận sự và đi như một lời réo gọi từ nội tại. Bởi rõ ràng những hành trình trong đời đã khiến nỗi nhớ trong ông thêm cuồn cuộn và sâu thẳm. Những thương nhớ trên đường u uẩn ấy, chính chúng tạo cho thơ Quang Dũng một thứ hồn cốt hiếm có, một thế đứng độc đáo trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Chú thích:
1. Quyển hồi ký vừa được gia đình nhà thơ Quang Dũng công bố vào năm 2019, Nxb Kim Đồng ấn hành, đặt lại tên là Đoàn binh Tây Tiến.
16/10/2021
Nguyễn Đình Minh Khuê
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...