Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Dòng đời và Dưới làn khói mỏng

Dòng đời và Dưới làn khói mỏng

Trong số 2 Tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống có hai tác phẩm của Nguyễn Văn Lợi. Đó là một bút danh lạ, chưa từng xuất hiện bao giờ trên dòng chảy văn học tiếng Việt trong và ngoài nước. Nhưng hai truyện ngắn của anh, Dòng đời và Dưới làn khói mỏng đều là hai giai phẩm khá xuất sắc lập tức được bạn đọc chú ý cả khi ông đứng cạnh các tác giả văn chương lão luyện như nhà văn Đức Ban.
Những mảnh đời lầm than đứng dưới đáy xã hội, thân phận của người Việt tha hương ở vai trò tị nạn đã được phản ánh rất trung thực trong hai tác phẩm này. Văn chương Nguyễn Văn Lợi bám sát đời sống, ngôn ngữ rất đời thường và được gạn lọc khá kĩ lưỡng cả trong tả tình và tả cảnh, nhất là ngôn ngữ đối thoại của từng loại nhân vật được vẽ ra sắc nét. Sự phô diễn lại thực tế đến mức trần trụi và khốc liệt bằng khả năng chọn lọc tinh tế cần thiết đã làm cả hai thiên truyện không sa vào chủ nghĩa tự nhiên mà vẫn cuốn hút người đọc và thấm đẫm sự chia sẻ đồng loại. Đọc Nguyễn Văn Lợi, Tiến sĩ ngữ văn Trương Hồng Quang ở Đức nhận xét rằng: “… Nguyễn Văn Lợi đã tạo ra những mảnh ghép dữ dội với những nỗi đau nhân thế rất thật rất sâu,…”. Tốt nghiệp khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi cuối thập kỉ 19 80 đi làm thợ khách tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Nguyễn Văn Lợi từng làm đủ nghề để kiếm sống vì thế ông có vốn sống cực kì phong phú. Mãi trên 60 tuổi mới xuất hiện trên văn đàn, nhưng khi đã xuất hiện Nguyễn Văn Lợi đã tỏ ra khá vững vàng khi tổ chức cấu trúc truyện ngắn và có một giọng trần thuật riêng khó lẫn vào ai.
NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ giới thiệu
Dòng đời
Hai tay hai túi đồ ăn, tôi đang bước vội cho kịp chuyến tàu, chợt nghe tiếng lắc lóc cóc và một một thanh niên dáng châu Á chạy đến.
Lại có chuyện gì đây thế này? – Tôi hỏi:
– Mày là người mình à?
– Dạ bác, bác cho cháu xin 20 xu.
– Mày làm nghề này lâu chưa?
– Một tuần rồi bác. – Hắn bỏ khẩu trang ra rồi trả lời tôi.
– Mày mang khẩu trang vào đi, không khách người ta sợ. Được bao nhiêu rồi?
– Hôm nay kém bác ạ vì lạnh quá nên xuống tàu họ đi rất nhanh. Được khoảng hơn chục đồng chứ mấy!
– Mày kiếm cái vé tháng đi theo tàu mà xin, mỗi ga một toa, khoảng 5 ga thì quay trở lại, tao nghĩ như vậy tốt hơn, lại ấm.
– Không được bác ạ, ở ga này cả hai phía đều có người bán báo rồi. Họ chủ yếu cũng ăn xin chứ báo có ai mua đâu. Cháu thử hai, ba lần rồi cháu biết, họ cũng đi qua có mấy ga rồi quay trở lại.
– Sao mày không vào cổng chợ Đồng Xuân mà đứng, trong ấy người mình đông, kiểu gì chẳng kiếm được ba bốn chục mỗi ngày.
– Trong ấy đã có một chú người mình ngồi trên xe lăn. Chẳng lẽ cháu khỏe chân, khỏe tay lại tranh chỗ của chú ấy.
– Ừ nhỉ, lão xe lăn thường xuyên ở đó, nhưng hôm nay không nhìn thấy, tao vừa trong ấy về đây. – Tôi bảo.
Tết đến nơi rồi, thằng này chắc thuộc dạng vô gia cư và vô thừa nhận.Tôi móc túi cho hắn mấy đồng rồi dặn dò hắn đôi điều về cách thức chào hỏi và xin tiền người Đức. Hắn tròn mắt nhìn tôi, trầm trồ khen tôi giỏi. Tôi bảo với hắn:
– Tao làm gần một trăm nghề rồi, nên nghề gì tao cũng biết một tí chút. Nếu mày thích học thì ra Tết, tao dạy cho một số miếng cơ bản. Mày biết không, khi nước Đức vừa thống nhất, tao đã từng đi bán hàng dạo trên tàu. Hàng của tao chỉ là mấy cái bấm móng tay, dũa móng tay, dây đeo chìa khóa, hộp âm nhạc cho trẻ con. Họ vừa mua vừa cho, tao cũng kiếm đủ tiền sinh nhai, cả ăn nhậu. Làm được gần tháng, nhìn thấy những người bán thuốc lá kiếm tiền rất dễ. Tao bỏ nghề bán dạo, theo mấy em gái xuống tàu, ra cửa ga bán thuốc lá và băng đĩa nhạc…
Những tia nắng đã le lói xuyên qua mây, bầu trời chuyển từ màu trắng đục sang màu sáng hồng. Thời tiết se lạnh nhưng dễ chịu. Sương lãng đãng bay dồn về phía cuối dải rừng thưa, lá chưa kịp mọc. Đang trong thời gian phong tỏa chống dịch, trại tị nạn vẫn  im lìm những người lười ngủ muộn. Hắn nhỏm dậy bước qua cô bạn gái vẫn đang ngủ mềm. Nhìn khuôn mặt ngây thơ, vô tư, thánh thiện của cô bạn gái, thấy trách nhiệm của hắn nặng nề hơn. Hắn cúi xuống hôn vào mái tóc rối bù của cô gái rồi khoác ba lô ra khỏi phòng.
Lần đầu mới quen, cô gái gọi hắn bằng chú. Đến lúc cô gái mời hắn về phòng của cô để nghỉ ngơi thì cô gái chuyển sang anh. Hắn đã bí mật ở nhờ tại căn phòng nhỏ của cô gái này hai tháng rồi. Không ai biết hắn là thằng sống chui, mà cũng chẳng ai quan tâm làm gì. Những người trực ở trại thì 7 giờ họ mới đến, còn hắn ra khỏi trại từ 6 giờ.Trại tị nạn này toàn những người đến từ châu Á. Phần lớn là lánh nạn chiến tranh nên nhìn thấy nhau là “ha lô” rồi cười. Chẳng ai biết tiếng của ai nên cười là chính. Cử chỉ này hình như chỉ có ở người châu Á với nhau. Cô gái sống thân thiện, và được nhiều người quý mến. Cô được ban quản lí trại xếp vào dãy phòng của lứa tuổi vị thành niên. Hắn bảo với cô gái, hắn hơn gấp đôi tuổi cô. Nhưng cô vẫn thương yêu, vẫn chiều hắn. Nhiều hôm hắn không muốn về, nhưng cứ sáu giờ chiều cô đã nấu xong bữa ăn tối, gọi điện thoại cho hắn và ngồi chờ. Nhờ thế mà hắn bỏ được thói quen đàn đúm. Cũng nhờ cô gái này mà hắn dần dần trở thành người nghiêm túc hơn với chính hắn. Ít nhất là không còn bài bạc và gái gú linh tinh. Cuộc sống lang bạt kì hồ, không có ngày mai, nên hắn đã từng làm nhiều điều không hề lương thiện. Ấy vậy mà khi gặp cô gái này hắn thấy hắn phải có trách nhiệm bảo vệ, và làm chỗ dựa cho cô. Mặc dù đến những ngày này hắn chẳng có gì. Hắn biết ơn và trân trọng mối tình trong trắng của cô gái tuổi trăng tròn dành cho hắn. Nhiều lúc vui, hắn còn gọi cô là cháu gái, “cháu là vị cứu tinh của cuộc đời chú”. Cô gái chỉ nhìn hắn và cười…
Từ ngày nước Đức phong tỏa để chống dịch, Hắn mới thấm thía nỗi cay đắng của kẻ lưu vong, tha hương cầu thực. Hắn cũng hiểu thêm giá trị của sự tử tế của con người. Không có những người tử tế, thì những tháng ngày qua, hắn không phải chết vì dịch bệnh mà chết đói chết rét. Cái tết vừa rồi nếu không có những túi hàng, chiếc bánh chưng cứu trợ của các Mạnh Thường Quân, thì hắn và bạn gái hắn không có Tết. Trải qua một thời gian dài nước Đức phong tỏa chống dịch, không còn ai thuê, hắn càng hiểu thêm giá trị của những đồng tiền. Hắn nghiệm ra rằng, không thể sống theo kiểu ngày nào biết ngày đó. Hàng ngày hắn phải dậy sớm và ra khỏi chỗ ở chui trong khu dành cho trẻ vị thành niên. Tôi nhắc đi nhắc lại cho hắn, mức án về tội ở với trẻ em, để hắn nhớ. Chưa hẳn cô bạn gái hắn đã là trẻ vị thành niên, nhưng trong giấy tờ của trại tị nạn thì cô bé vẫn đang như trăng tròn treo lơ lửng giữa bầu trời. Hắn nghe tôi, và hắn cũng nghe luôn việc chuyển địa bàn hoạt động về phía Bắc.
Berlin có 15 tuyến S.Bahn (tàu điện nhanh chạy nổi) với độ dài 330 km. Trên các con tàu này, hầu như đều có người ăn xin. Họ ăn xin bằng cách cầm trên tay vài, ba quyển tạp chí dành cho người vô gia cư. Tất cả những người này đều rao bán với một câu ngắn gọn: “Cầu xin một chút ít sự giúp đỡ, để tôi có đồ ăn, thức uống”. Hành khách trên tàu chẳng ai để ý đến những quyển tạp chí ấy, vì nó có giá đến 2,50€. Nếu có chút ít lòng xót thương thì họ móc ví lấy ra đồng 20 cent (xu Đức), hoặc đồng 50 cent rồi bỏ vào cái cốc của người ăn xin. Cho một tí chút thôi, nhưng đó cũng là cách họ trút đi một sự khó chịu trên đường họ đi và về mà họ gặp hàng ngày.
Tôi bảo với hắn, khi ăn xin đã có thu nhập thì chỗ ăn xin cũng phải tranh dành nhau, thằng nào mạnh thì ở lại trên tàu. Thằng nào thân cô thế cô không có số má thì xuống tàu. Chính cái ga cũ, hắn đứng ở đó gần hai tuần qua, chắc cũng đã được chia.
Hắn, một thằng sống bạt mạng, đã 34 tuổi. Hơn chục năm đi qua bốn nước, nước cuối cùng là Đức. Đầu tiên thì cũng có trại, còn bây giờ thì bỏ trại, sống lang thang. May gặp được cô gái này, vậy là vừa được yêu thương vừa có chỗ để ở.
Hắn, một thằng độc thân, thích gì làm nấy, chẳng ai ngăn nổi. Không nghe bất kì ai kể cả lời khuyên của bố mẹ. Làm được đồng tiền ban ngày, thì tối lại mang tiền đi mua tiền(*) và trở về hai bàn tay trắng. Làm ra đồng tiền ban ngày, thì tối mang đưa hết cho gái, gái nào cũng được miễn là được ôm để ngủ mà không bị tính giờ. Tôi bảo, sao mày dốt thế, ôm phụ nữ mà ngủ thì họ không chỉ tính giờ mà tính bằng giây. Mỗi giây mày áp mặt vào mái tóc của họ đã đáng giá cả chục ngàn đồng. Mày có biết và có nghe người ta nói về xạ hương không? Xạ hương là một túi dầu nằm ở phía dưới dái của một loài chồn. Khi con chồn đực đi tìm con cái, từ túi xạ sẽ phát ra mùi hương. Con cái ngửi được mùi hương thơm đó thì sẽ mê tít mà đi theo con đực. Thằng đàn ông thua con chồn thứ đó, nên phải chạy theo mái tóc đàn bà. Mái tóc đàn bà cũng là một thứ xạ, nó có sức mạnh quyến rũ khủng khiếp đối với đàn ông.
Hắn ra khỏi trại, men theo con đường nhỏ đi qua rừng và lên tàu. Trước đây hắn sợ bị những khuôn mặt quen phát hiện, nên phải đi rất xa để kiếm ăn mà không biết ngay tại đây, cũng có thể kiếm ra tiền mà không bị đuổi.
Tôi nói với hắn: – Khu vực này người già rất nhiều. Bắt đầu từ 9 giờ sáng mày sẽ có thu nhập khá. Nhưng phải chú ý những điều quan trọng này – hắn chăm chú nghe tôi như nghe một người đại ca đầy kinh nghiệm. – Nhặt vỏ chai thì đến những ga trung tâm, đông thanh niên qua lại. Thanh niên uống xong họ vứt vỏ chai.
Ăn xin thì tốt nhất là đến những ga vùng C. Người già ở các làng xung quanh Berlin cứ tầm 9, đến 10 giờ họ xuống xe Bus để lên tàu vào siêu thị. Xin người già họ dễ cho hơn những người trẻ. Mà họ đã cho là một đến hai đồng chứ không chỉ 20 xu. Lợi dụng dịch bệnh, mang cái khẩu trang và đội cái mũ che mái tóc đen, là chẳng ai biết mình sang từ xứ Đông Lào. Khi họ không biết mình là ai thì họ không kì thị. Đang trong thời dịch bệnh, không nên đứng gần và đối diện bất kì ai. Ăn mặc sạch sẽ cũng là cách gây cảm tình với khách trên tàu. Mang cái khẩu trang cũng phải sạch và chào hỏi nhỏ nhẹ vừa đủ để họ nghe.
Sau ba lần lên xuống, ngược xuôi, tôi bảo hắn xuống tàu. Đến ghế ngồi, hắn đổ hết xu ra đổi cho quầy bán bánh mì. Cầm một tờ đỏ, và còn lại mấy đồng 50 xu. Tổng cộng có mười hai đồng, trong hơn 100 phút. Thấy hắn vui tôi cũng mừng cho hắn và chào hắn, ra về. Hắn không quên nhắc tôi cuối tuần đến trại bạn gái hắn chơi. Tất nhiên hắn lại lên tàu cùng với tôi để tiếp tục công việc. Tôi lại    nhắc hắn:
– Đã liều nhắm mắt theo dòng đời xuôi ngược trên tàu, thì còn gì nữa đâu để mất. Người đời chê cười thì cũng đến vậy thôi. Nghề này không bị quy là tội phạm, nhưng đôi lúc gặp phải cả lũ móc túi thì liệu mà tránh xa, kẻo vạ lây. Thật kín đáo, không để ai biết việc mình làm, càng không cần phải khoe ra số tiền mình kiếm được…
Berlin bây giờ có nhiều hội, băng, nhóm. Hầu như các cửa hàng, siêu thị và cửa nhà băng đã có kẻ bảo kê. Đứng xin, hoặc bán báo ở cửa các siêu thị và nhà băng có thể bị hành hung. Trên tàu cũng vậy, không có việc gì đơn giản ở xứ này. Thời đói kém, nên miếng ăn cũng tranh giành nhau. Ừ thì cứ để xem hắn xuôi ngược đến đâu, và kéo dài được đến bao giờ? Tự nhiên trong óc tôi hiện ra một dòng sông tiền dằng dặc trong cuốn Liêu trai chí dị đã nhắc tới. Những đồng 20 cent trên bàn tay quắt queo vì giá tuyết bỗng phắt biến thành chuỗi dài mãi cho con người ta phiêu bạt, tha hương, một bộ phận không nhỏ của người Việt đồng bào tôi hợp theo nhau thành dòng sông chảy mãi. Hắn bao giờ đọng lại như thế hệ Thợ Khách chúng tôi để bớt đi những tháng ngày lam lũ vì chính dòng sông hay dòng đời mênh mang ấy.
Dưới làn khói mỏng
– Em chào chị Đánh, lâu quá không gặp, chị có khỏe không?
– Ơ! Con này, mày đi đâu đây, thằng bé khôi ngô quá, nó là con mày à?
– Vâng chị, em đi đón cháu về, tiện thể rẽ qua Đồng Xuân(*) mua ít đồ châu Á. Chị bây giờ thế nào ạ?
– Tao thì vẫn làng nhàng thế, chưa đâu vào đâu cả, nhưng có đỡ hơn ngày xưa. Tao đang sống với một lão già ta. Còn mày? Bố của nó đâu, ta hay tây, tây hả?
Đánh và Thu gặp nhau ở một góc phố không đẹp lắm. Nói không đẹp lắm không phải vì dãy phố cổ xấu xí mà vì tại đó có ngôi nhà nhỏ mà ai biết rõ những người ở đó làm gì sẽ dè bỉu và xem thường. Hai cô đã từng ở nơi này. Gần một năm họ sống như cầm thú ở đó. Thời gian đủ để họ hiểu nhau và đều thông cảm cho nhau, chứ không còn hằn học, thù ghét, tranh dành và chèn ép lẫn nhau, như thời kì đầu mới gặp nhau. Tất cả họ, các cô gái mới nhập cảnh chui vào Berlin, đều cần phải có cái để đút vào miệng. Cần phải sống để hướng về gia đình với một đống nợ đang đè chặt cổ bố mẹ họ ở quê hương. Khi bố mẹ họ thế chấp nhà, đất để họ ra đi.
Cái nơi, có một chiếc cầu mà mỗi lần đứng trên đó, Thu chỉ muốn nhảy xuống để kết liều đời mình. Cái nơi mà khi Thu mới đến, đã từng bị các chị lớn tuổi hơn, trong đó có Đánh tặng cho vài cái tát. Đánh không chỉ tát Thu, cả mấy cô gái trẻ như Thu đều bị tát. Họ chẳng có lỗi gì ngoài cái tội trẻ và đẹp hơn các chị già mà xấu. Có lần, Thu bảo, chị ác như cái tên của chị. Đánh trợn mắt bảo, cái tên của tao thì ảnh hưởng gì đến hai bàn tay tao. Tao ghét chúng mày thì tao đánh cho chúng mày. Để chúng mày biết cách mà ăn ở. Chúng mày biết rồi đấy: – Chủ ba, ta một. Mỗi lần ngửa bụng ra chỉ được hưởng có một phần tư. Chúng mày phơi mặt ra thì bọn tao sống bằng gì. Sao chúng mày không trốn đi để chúng nó chọn bọn tao. Nhà có đến bốn buồng, kể cả cái bếp, chúng mày tránh đi, khi bọn tao bắt xong khách thì còn lại là của chúng mày. Bọn đàn ông, thằng nào chẳng thích trẻ. Mày thấy đấy, có thằng già hơn cả bố mày, mà nó vẫn chọn mày chứ có chọn tao đâu. Mặc dù, cái thứ ấy của chúng mày chắc gì đã hơn của chúng tao. Lại có lần Thu hỏi, – Sao lại là Đánh mà không phải là Lan hay Cúc? Đánh phồng má hỏi lại, – Vậy chứ Thu là gì hả con điên, Thu thì khác gì Đánh. Thu bảo, – Vì trước em đã có chị Xuân và anh Hạ thì đến em mẹ em phải đặt là Thu, thằng sau em là Đông. Nhà em có đủ cả bốn mùa. Vậy thì mày nghe đây, tao cũng như mày, chẳng khác gì nhau cả. Bên cạnh nhà bố mẹ tao có một bác đặt tên con vừa đủ các loài cây măng mọc thẳng. Từ Tre, Nứa, Trúc, Mai, Bương, rồi Giang. Nhưng đó là người ta biết đẻ nên nó mới vần. Ông đầu và ông hai rơi đúng vào Tre và Nứa, hai chị ở giữa thì rơi vào đúng Trúc và Mai, thằng út rơi vào Bương, sướng chưa. Nhà người ta như vậy mới dẻo dai và cứng cáp. Nhìn vào tên con cái đã biết tính cách của bố mẹ. Còn bố tao thì sao? Cứ mỗi lần khoác ba lô vội vã về nghỉ phép hai ba ngày, trước lúc đi ông lại dặn vợ đặt một cái tên. Giá mà mẹ tao đẻ tao chậm đi một tháng thôi, thì tên tao sẽ là Thắng. Con gái tên Thắng cũng chẳng đẹp đẽ gì, nhưng còn hơn Đánh. Đã bảo là không may mà, cái số tao nó khổ sợ như vậy đấy. Khi lớn lên tao mới hiểu cái kiểu đặt tên con rất kì lạ của bố. Ai đời lại vác cả câu khẩu hiệu rất dài ra để gắn cho các con: Chung, Trận, Tuyến, Đánh, Quân, Thù. Cả cái câu khẩu hiểu ấy chỉ hợp với đàn ông. Ba ông anh tao là anh Chung, anh Trận và anh Tuyến. Đến tao đáng lẽ là con trai, mẹ tao đẻ thế nào lại tòi ra con gái. Cũng may đến tao thì hết, bà không thể đẻ nữa, nếu không ông khó mà đặt được tên cho em tao. Miền Nam đã giải phóng rồi, chẳng lẽ vẫn Quân Thù mà đặt. Nói chung, đặt tên cho con thì thế nào cũng được, miễn là đừng có tức và ngang phè, như cái tên của tao.
Căn hộ cổ ba buồng rộng rãi ở ngay tầng trệt, rất thuận tiện cho khách ra vào. Nhìn qua đã biết ông chủ là người rất giỏi và gian. Đường phố nào ở Berlin mà chẳng có cây bóng mát. Nhưng tìm được đường phố có những hàng cây thấp, lá to, dày thì không phải dễ. Cây nhiều cành, lắm lá, lá sẽ che kín hết vỉa hè. Những người ở tầng trên chỉ nhìn thấy tán cây, mà không thể nhìn thấy người đi phía dưới. Điều này có lợi cho ông chủ khi hàng ngày có nhiều đàn ông qua lại, rồi chui vào nhà mình. Ông chủ là một tay sống độc thân, ít nói và kín tiếng. Hắn sang lao động từ năm 1987. Khi nước Đức thống nhất, người ta lao ra đường đi buôn, bán thuốc lá và băng đĩa nhạc thì hắn đi thuê nhà. Hắn thuê đến bốn căn hộ, và cho tị nạn thuê lại. Thời ấy thuê nhà rất dễ. Các ông chủ nhà, từ Tây Đức về đòi lại đất và nhà từ tay chính quyền Đông Đức cũ. Hầu hết nhà đều trong tình trạng đã mục nát, xuống cấp. Họ chưa có tiền sửa chữa nên cứ có người thuê là họ làm hợp đồng rất nhanh. Hắn sống ung dung bằng những khoản tiền thu được từ việc cho thuê lại nhà. Dần dà nhìn thấy nhu cầu rất lớn của đám trai tân đói ăn không bằng đói gái. Hắn mở ngay dịch vụ gái để thỏa mãn nhu cầu cho đám trai tân mới sang, ngay tại căn hộ của mình. Hắn làm một thời gian, cứ linh tính thấy bất an, hắn lại đổi sang chỗ khác. Bốn căn hộ hắn thuê cứ quay vòng như vậy cho đến ngày hắn bị tóm. Nhưng, hắn đi tù không phải vì tội chứa gái, mà vì tội chứa chấp người không giấy tờ. Án nhẹ, mấy tháng sau hắn lại ra, lại đi tìm việc làm, lại báo thất nghiệp, rồi lại đi tìm gái. Cứ loanh quanh như vậy, cho đến tận hơn 20 năm sau ngày thống nhất, hắn vẫn độc thân. Trong số gái hắn chăn, hắn thích nhất Thu. Hai ngày đầu tuần không có khách, hắn cho các cô nghỉ về chỗ của mình, để hắn dọn sạch nhà cửa. Người có trại thì về trại, người không có trại, đang ở với người quen thì về chỗ người quen. Các cô cũng thích được nghỉ ngơi để thay đổi không khí. Hắn chỉ giữ Thu ở lại làm giúp và đi mua đồ cùng với hắn. Coi như hai ngày này là hai ngày của riêng hắn và Thu. Hắn chẳng ngại ngùng gì, mà Thu cũng chẳng hề e ngại. Xấu thì đã quá mức xấu rồi, nhơ nhuốc cũng chẳng thể nhơ nhuốc hơn. Cả hai cùng tự hiểu, chẳng cần phải nói ra. Mỗi lần như vậy Thu lại được hắn cho rất nhiều tiền.
Hắn bảo:
– Cất đi, thích gửi về thì đi mà gửi luôn. Cầm tiền nhiều trong người không có lợi. Đông người, dễ móc nhầm túi nhau, rồi nghi kị lẫn nhau, không tốt. Anh cũng như em, những việc chúng ta đang làm là phi pháp, cảnh sát có thể còng tay chúng ta bất kể lúc nào. Và những đồng tiền có trong túi chúng ta sẽ bị thu hết, dù ít dù nhiều.
Thu không bao giờ hỏi và nhắc đến đời sống riêng của hắn. Không biết quê quán hắn, cũng chẳng biết bố mẹ hắn còn hay mất. Nhiều lúc thấy hắn tồi tội, muốn động viên hắn đôi điều nhưng ngại.
Hắn bảo:
– Mai sau, nếu nhớ đến bước ngoặt khốn nạn nhất trong cuộc đời, thì hãy đá qua thằng này một chút. Dù sao chúng ta cũng đã có lúc thương yêu và quý mến nhau.
– Chị thấy nó có tí tây nào không? Thu hỏi.
– Tao thấy nó chẳng có nét tây nào cả. Bố nó đâu rồi, hay mày lại nói là nó không có bố?
– Nó không có bố thật mà chị. Nó mang họ và tên của tây. Nhờ có nó mà mẹ con em có cuộc sống ổn định như bây giờ. Biết làm sao được chị, nó không có bố thì mình phải bù cho nó bằng tình yêu thương của người mẹ.
– Thôi, vậy là tốt rồi còn hơn tao, không đẻ được.
– Chị không chịu đẻ đấy chứ, em có khác gì chị đâu. Em cũng đã chấp nhận cho bao nhiêu gã đàn ông dày xéo nát cả một thời thanh xuân, vậy mà em vẫn đẻ. Mà may thật, trời vẫn thương mình. Nếu em không có con thì bây giờ chẳng biết cuộc đời sẽ đi đến đâu.
– Tao thử hết rồi mày ơi, tao có tử tế gì đâu. Cứ gọi là gái giang hồ xuất thân từ những “bến không chồng” đi. Trừ cái khoảng thời gian đi làm gái kiếm tiền như mày. Cho đến nay, tao đã lừa đến hàng chục thằng, có thằng kém tao cả chục tuổi. Nhiều thằng trẻ khỏe lắm, tao nuôi chúng nó, cho ăn toàn của ngon vật lạ. Chúng nó đạp tao bốn, năm lần trong một đêm mà vẫn không ra con. Tao ép đến mức nhiều thằng chịu không nổi tao, phải bỏ trốn. Nói chung, tây lẫn ta, đủ cả, nhưng chúng nó là một lũ đàn ông vét đĩa, không nên trò trống gì. Có lão chủ quán đến tận bây giờ, mỗi lần gặp vẫn mời tao về nhà. Tao nói thẳng, thèm à! Thèm thì về bồi dưỡng đi, ba ngày sau gặp nhau. Loại đàn ông như ông chẳng bõ gãi ngứa cho tôi, mất công tôi đi rửa.
Bây giờ, tao đang yên tâm sống với một lão già hơn tao hai con giáp. Đã không đẻ được thì phải tìm người mà cưới chứ. Kén cá chọn canh mãi sao đành. Lão ấy chịu cưới tao, vì lão sợ chết trong nhà không ai biết. Lão đã chứng kiến bao người Đức và tận mắt thấy cái xác còng queo xám ngắt bốc mùi khẳm thối như chuột trên sàn nhà một người Việt. Người đó là bạn thân lão cô độc thối trong nhà đến ngày thứ ba mới được phát hiện. Lão cũng sang từ thời Đông Đức, sống độc thân từ hồi ấy đến tận khi gặp tao. Lão bảo, vợ lão chết sau khi lão bỏ ngôi nhà ấy ra đi đúng một năm. Lão chưa kịp có con thì vợ lão đã chết. Thỉnh thoảng lão về thắp hương cho vợ rồi lại đi. Lão cũng là một quái nhân, thắp hương cho vợ bao giờ cũng có một đĩa to thịt chó. Lão vừa khấn vợ vừa chửi con chó, tại sao đêm hôm mà con chó lại cứ chạy trước chiếc xe của vợ lão. Đến lúc con chó chạy vào một gốc cây xà cừ, thì chiếc xe máy cũng xách vợ lão đập vào gốc xà cừ. Vợ lão vỡ đầu chết ngay tại chỗ. Người ta chẳng thấy con chó đâu…
Lão không có tiền nhưng lão là người hiền lành và tốt bụng. Tao thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Khi lão mời khách đến nhà uống bia thì lão mua mọi thứ đồ nhậu, và nhờ tao nấu. Tao nói thật với mày, thỉnh thoảng ngứa ngáy khó chịu tao lại tự đi tìm. Người quen tao ở khắp nơi, thích thằng nào thì điện cho thằng ấy…
Từ lúc rời khỏi động, trở về làm quen với cuộc sống đời thường. Đến nay, đây là lần đầu tiên Thu gặp lại chị Đánh. Chị ấy chẳng thay đổi tí nào, vẫn cái giọng đầy thách thức với tất cả mọi người.
Cũng như Thu, may cho chị ấy bỏ nghề sớm. Nếu, ngập sâu vào với ông Bằng thì không thể nào thoát ra nổi. Khi ông Bằng mang thuốc phiện về phục vụ khách, một thời gian ngắn thì Thu xin bỏ nghề. “Anh ạ, em chiều anh nốt hôm nay nữa thôi. Em thương anh, và rất biết ơn anh đã cứu em, từ lúc em chân ướt chân ráo sang đây. Anh đã cho em rất nhiều tiền, một khoản tiền mà có nằm mơ em cũng không bao giờ nhìn thấy. Anh là ân nhân của em. Nhưng em phải đi, vì em không muốn chết. Anh có hiểu em nói không. Từ hôm anh bán thuốc phiện cho khách, bọn em không thể chịu nổi. Họ hít vào, họ phê thuốc phiện thì họ trở thành những con vật man rợ và tàn ác. Cứ mỗi lần khách gọi, bọn em lại đùn đẩy nhau. Trước đây có khách đến, mọi người ai cũng muốn tiếp, tranh nhau kéo khách. Ai cũng mong khách chọn mình. Đã bao lần bọn trẻ chúng em bị bạt tai vì khách chọn bọn em. Còn bây giờ thì sao, anh biết đấy, ai cũng sợ. Sau khi thỏa mãn cơn dục vọng thú tính của khách. Máu chảy ướt hết cả cái chăn lót, em đau đớn suốt tuần. Em khiếp sợ phải tiếp những kẻ vừa hít xong thuốc phiện. Anh tha cho em, bố mẹ em ở nhà vẫn cần đến em và chờ đợi em từng ngày”.
Chị Đánh ban đầu rất máu, nghe ông Bằng mời thử cho vui, chị đã thử ngay, không ngần ngại. Thử xong, nôn thốc, nôn tháo, nôn ra mật xanh mật vàng. Say tím mặt, say bun rủn cả chân tay, say đờ cả mắt. Say nằm bẹp đến mấy ngày liền. Người ta nói, là do sốc thuốc hay đúng là sự phản ứng có tính phòng vệ của từng cơ địa. Còn sốc thật lần đầu thử là chết ngay, chết không kịp ngáp. Sau đó là những lần ngứa ngáy, liêng biêng, cười nói quay cuồng. Có điều chị ấy đã kịp nhận ra được tác hại của thứ bột nâu này. Phần thì sợ lún sâu vào thành người nghiện ngập, phần lại sợ phải tiếp khách, không chịu nổi những cơn đau. Hành nghề bán thân, mà sợ tiếp khách thì coi như cuộc sống đã gần kề địa ngục. Không nói với ai nửa lời, chị âm thầm bỏ trốn, trước khi Thu và những người khác biết…
– Lâu nay chị có biết tin tức gì của ông Bằng không?
– Không! Ông chủ như hắn thì chết cũng đáng. Đang chăn chục con vịt, có của ăn của để, lại còn tham lam lao vào buôn thêm thuốc phiện. May mà tao và cả lũ chúng mày kịp rút ra. Không thì chết ngập dưới làn khói nâu mỏng ấy rồi. Mà không bỏ chạy cũng không xong với chúng nó. Trước lúc húc cả cái đầu vào háng bọn mình chúng nó đã đốt mỗi thằng đến vài liều thuốc phiện. Mình làm đĩ, nhưng là người chứ có phải trâu ngựa đâu. Vậy mà chúng nó nỡ chà đạp điên cuồng, và đối xử với mình như con vật. Tao đã hết hồn với một thằng. Nó vần tao lên bờ xuống ruộng. Nó hành hạ hai cục thịt tội nghiệp của tao. Tao định đạp cho một nhát cho chết mẹ nó đi, thì nó với tay móc túi đưa cho tao năm chục.
Tao bảo:
– Anh làm một lần thế này thì nát bét cả thân thể của em rồi!
Thực ra khi nói vậy trong óc tao lại nghĩ, một tuần sau thì tao còn đ. đâu sức để tiếp những thằng như mày. Tao sẽ chết đói, mày biết không. Nó thấy tao nhăn mặt đau ưỡn người, lại móc ra năm chục nữa, – Chị ơi, chị cố cho em hai phút nữa, lần sau em boa cho chị nhiều hơn, em thương chị! – Thương cái đầu cha mày, lần sau mà mày phê kiểu này thì ra chuồng bò, chơi với bò nghe chưa. – đéo anh em gì nữa.
– Ai cũng bị cả chị ơi, sau khi chị trốn, ông ấy lôi thêm hai đứa trẻ về. Vừa về, ông ấy đã rủ rê, mời hút. Em nói nhỏ với chúng nó, nếu các em chơi vào thì sẽ thành nô lệ cho thuốc phiện. Đến một lúc nào đó, khi rời khỏi đây, các em phải tự bỏ tiền ra mà mua, không có ai mời nữa đâu. Đã dính vào thuốc phiện rồi, thì coi như cuộc đời mình hết. Không chết cũng thành ma.
Bây giờ thì Bằng đang ở trong tù. Chẳng ai biết chính xác gã ấy tù ở đâu.
Khi cảnh sát ập vào nhà, trong nhà còn hai cô gái, và năm chàng trai. Trên tay trái mỗi người đang cầm một tờ giấy bạc. Tay phải cầm bật lửa đốt vào phía dưới những đường gấp. Những luống bột nâu vừa chảy tan ra, màu nước chuyển sang trắng đục, sóng sánh như lân tinh. Cái ống hút cũng cuốn bằng giấy bạc. Hút hết một luống nước sóng sánh đó thì rít vài hơi thuốc lá, để ém cho đầm. Người mới vào đời thì chỉ sau hai luống, đã nhìn thấy Ngọc Hoàng bên cạnh. Người dùng lâu thì hết năm luống mới đủ đô. Khói thuốc lá và khói thuốc phiện quyện với nhau tỏa vào không gian nhỏ, nơi phòng khách, thật nồng nàn và ấm áp. Mùi thơm dịu nhẹ, ngai ngái, hơi cay, hơi tê, có vị khăn khẳn, ngầy ngậy nơi cổ họng. Ấy là lúc các thiên thần đang nhảy múa, nâng đỡ chuẩn bị rước họ  về trời…
Cảnh sát lục tung nhà và tìm được gần nửa cân ở trong một chiếc giày. Người ta gọi thứ này là hồng phiến.
Nghe nói sau khi bị bắt, ông ấy điện về cho một người bạn. Người bạn ấy đã xuống tầng hầm và bới tìm trong nửa tấn than để lấy một gói tiền gần một trăm ngàn Oi (€). Nhiều thật, nghề chăn gái kèm thêm bán và tổ chức hút thuốc phiện dễ kiếm hơn so với các nghề khác. Có lẽ vì thế nên lắm người theo, rồi ngập chìm vào gái và tan thành mây khói. Tất cả đều chới với bay theo làn khói mỏng lên trời…
Tôi nghe được câu chuyện trên của hai người đàn bà đã nạ dòng qua cái rèm lụa mỏng. Khi ấy phố cũng về chiều. Dãy phố Đức với những ngôi nhà cổ cũ kĩ mồ ma từ hồi Đông Đức bỗng ở đâu loang ra làn sương khói tràn ngập con đường đá lát nhỏ và tôi thấy bóng ai như bóng thế hệ tụi tôi, những kẻ đi đầu từ thời Thợ Khách và sau đấy là hai cô gái đang nói chuyện bên cửa sổ cũng bỗng tan ra trong sương. Thật hay là tôi tưởng tượng vì khi ấy đôi mắt tôi nhòa những hạt lệ lệ cũng mỏng mảnh như sương khói của mùa này…
Chú thích:
* Đến Casino, bỏ tiền ra mua chíp, dùng chíp để đặt tiền khi chơi. Gọi là bỏ tiền thật ra mua tiền giả.
* Trung tâm buôn bán lớn nhất Đức, của người Việt, lấy tên Đồng Xuân.
21/10/2021
Nguyễn Văn Lợi
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống số 2 bộ mới
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...