Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Chiếc túi lưới nghĩa tình

Chiếc túi lưới nghĩa tình

Chiếc túi lưới màu đỏ gạch do bà ngoại đan ấy mẹ tôi cất ngay ngắn trong tủ quần áo. Trong ký ức của tôi, nó thấp thoáng bóng hình của bà ngoại, của cây đa bến nước sân đình, của nơi rong ruổi trong ký ức tôi suốt cả cuộc đời.
Ngày cùng bố vào Nha Trang lập nghiệp, mẹ tôi đương còn rất trẻ. Một bên nắm tay anh tôi, một bên mẹ xách cái túi lưới màu đỏ gạch bà ngoại đan cho. Trong túi ấy mang theo nằng nặng đòn chả quế, vuông vắn cái bánh chưng, lủng lẳng mấy quả quýt. Mẹ đeo nó trên vai, tay xách thêm lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ đồ nữa rồi vội đi cho kịp đoạn đường dài từ làng lên Phủ Lý. Mẹ bắt chuyến tàu đầu tiên trong đời để đến một miền đất xa lạ chưa tới bao giờ. Trên đoạn đường dài có lẽ cái túi lưới đã làm trĩu nặng đôi vai mẹ tôi lắm, không phải bởi nó đang chứa đựng cái dai dai của miếng chả quế, cái béo bùi của miếng bánh chưng hay ngòn ngọt của quả quýt đường, mà bởi vì trong ấy đong đầy theo cả tình thương của bà ngoại, của làng quê mẹ dứt ruột để lại phía sau.
Ngày mẹ sinh tôi ra đời, cái túi lưới đan màu đỏ gạch ấy lại theo bà ngoại tôi vào Nha Trang nuôi cháu. Trong ấy vỏn vẹn dăm ba bộ quần áo, cái khăn mùi xoa và mấy thức lặt vặt như cây lược, lọ dầu. Mãi cho đến khi trưởng thành, tôi chưa bao giờ hỏi bà ngoại rằng những lần vào Nha Trang có phải là chuyến đi xa nhất trong đời của người phụ nữ quanh năm suốt tháng chỉ loanh quanh đi chợ ở làng dưới, đi giăng sợi ở bãi sau hay không. Tôi chỉ biết những lần ít ỏi trông thấy bóng hình bà thấp thoáng ở cổng nhà tôi với chiếc túi đỏ gạch thơm mùi xanh ngát của lúa non, mùi ngọt lành của cây na ông ngoại trồng và mùi nhớ thương của quê hương, bao giờ cũng là những khoảnh khắc khiến cả nhà tôi rưng rưng biết mấy.
Sau này khi lớn lên, những chiếc túi lưới đỏ gạch lại mang vào cho tôi bao la là quà quê ngọt lành. Những món ngon mà các dì các mợ tôi mỗi phiên chợ Tre, chợ Nghể lại náo nức mua về, chỉ đợi dịp nào có người trong làng vào Nha Trang để gửi theo cho các cháu. Ngôi nhà nhỏ khi ấy bao giờ cũng lanh lảnh nụ cười giòn tan của tôi mỗi độ trông thấy túi lưới nặng trĩu bố mẹ xách từ nhà người cô bác xa nào đó về. Cái bùi bùi giòn tan của kẹo lạc, cái dẻo dẻo thơm phức hương gừng của chè lam và cả những gói cháo thịt gà tôi tấm tắc khen rằng chỉ có loại ở quê là ngon nhất đều nằm trọn bên trong. Chẳng cần phải chờ đi khắp bốn bể để ăn cho trọn mĩ vị nhân gian, tôi vẫn đinh ninh rằng không thức quà nào khiến mình bồi hồi và ấm lòng khi nhận được như những cái bánh cái kẹo ấy đến vậy. Hương vị của quê hương ứa tràn trong cái túi lưới lan tỏa khắp những tháng năm thơ bé, nhắc cho tôi nhớ rằng ở một xứ xa xôi đi ba ngày tàu mới đến nơi vẫn còn đó những người ruột rà máu mủ, một đại gia đình hằng thương mến tôi biết bao nhiêu.
Chiếc túi lưới trước đây đong đầy thương yêu của bà tôi dành cho mẹ, giờ đây lại mang theo thêm cả yêu thương mẹ để dành cho tôi. Mỗi độ tôi rời nhà vào Sài Gòn để tiếp tục việc học, mẹ cũng len chật ních tất cả hoa quả, bánh ngọt, ruốc khô ở nhà vào cái túi lưới để tôi mang đi đường. Khoác nó trên vai và ôm ghì lấy mẹ, tôi cứ ngỡ mình hiểu cảm giác của mẹ khi xưa, cái ngày cô thiếu nữ ấy đeo chiếc túi mẹ mình đan cho trên vai rồi bắt đầu một hành trình thật xa tới một mảnh đất lạ. Nhưng có lẽ chẳng bao giờ tôi hiểu thấu được cái miên man vời vợi trong lòng mẹ khi ấy. Bởi chuyến đi của mẹ đâu chỉ vượt hàng ngàn cây số không gian, mà còn vượt cả tháng ngày thời gian đằng đẵng. Nào có như chúng tôi bây giờ với những chuyến xe đều đặn trở về, cố hương trước mắt một người phụ nữ với bao lo toan cơm áo gạo tiền mấy mươi năm qua xa xôi vời vợi. Có lẽ bởi vậy mà chiếc túi lưới năm ấy của bà ngoại hằn in trên vai mẹ một niềm thương cảm sâu nặng lắm.
Mẹ tôi ngày ấy và tôi ngày hôm nay đều rong ruổi miết mải tìm đến một vùng đất hứa. Và chúng tôi biết chiếc túi vải đỏ gạch thân quen ấy vẫn sẽ theo mãi bên mình dù có đi xa đến tận nơi đâu. Nó không chỉ là một thứ đồ vật quen thuộc với gia đình tôi, mà còn là sự hiện hữu của tấm lòng người mẹ, người bà bao la trời bể. Cái đồ vật ấy bé nhỏ ấy chứa đựng nguồn cội, cả tình máu mủ và cả niềm an lòng vì biết phía sau sẽ luôn có người đợi tôi trở về.
27/10/2021
Đặng Diệu Linh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...