Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Nếu có thể biết trước đây là lần cuối

Nếu có thể biết trước đây là lần cuối?

Nếu có thể biết trước đây là lần cuối? Câu hỏi này, tôi vẫn luôn tự hỏi mình suốt hơn nửa tháng nay, khi mà tình hình dịch bệnh Covid-19 ở chỗ tôi ngày càng căng thẳng, trong khi ở khắp mọi nơi đang bắt đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Những lần dịch bùng phát trước đây, tôi chỉ hiểu cảm giác bị Covid-19 bủa vây thông qua báo đài, mà chủ yếu là do những tin tức tôi cập nhật mỗi ngày về Sài Gòn. Đại thể, tôi chỉ biết Sài Gòn căng lắm, người nhiễm cũng nhiều, người bệnh cũng nhiều. Nhưng mà, tôi chỉ có thể hình dung và tưởng tượng những cảnh tượng khủng khiếp ấy, chủ yếu là qua sự vẽ vời của bộ não tôi. Bây giờ tôi mới bắt đầu thấm thía được cái cảnh bệnh dịch lan tràn.
Cứ mỗi lần Sài Gòn vừa bắt đầu rục rịch chống Covid-19, tôi lại được cho về quê vì kí túc xá lại được trưng dụng làm khu cách ly. Đợt dịch vừa rồi cũng vậy, khi mà mầm mống bè lũ của tụi Covid-19 xuất hiện, thành phố lại giãn cách và tôi lại khăn gói về quê. Tôi đâu nghĩ là mình sẽ xa Sài Gòn lâu đến vậy. Những ngày Sài Gòn căng mình, mọi nơi đều đổ dồn sự quan tâm về nơi ấy, thì chỗ tôi vẫn còn bình yên. Tôi còn tự hào huyện tôi ở là vùng xanh duy nhất trong tỉnh, vì không bị ảnh hưởng từ mấy vùng đỏ, cam, vàng xung quanh. Ấy thế mà, con Covid-19 không chân nhưng lại đi nhanh thật, giờ nó đã chạy đến chỗ tôi rồi, lại còn biến chỗ tôi thành vùng đỏ duy nhất của tỉnh nữa chứ. Chắc là nó không muốn huyện tôi chơi màu đụng hàng với những huyện khác trong tỉnh?!
Kể từ khi có những ca nhiễm đầu tiên, cách nhà tôi cũng chừng năm sáu cây số, mọi người ở đây vẫn chưa nghĩ thở một hơi là con Covid-19 đã đậu sát bên nhà. Hồi đấy, “mấy chiếc camera chạy bằng cơm” ở xóm tôi, chiều chiều lại bắt ghế ra ngồi tia chuyện thời sự từ làng trên đến xóm dưới, mấy bô lão còn uống trà tán gẫu sự đời. Một số người còn nhìn tôi bằng ánh mắt kì lạ vì lúc nào tôi cũng tạo khoảng cách với những người xung quanh. Họ nhìn tôi kiểu “ôi chao làm lố quá mày ạ”!
Ấy vậy mà đùng một phát xóm tôi có ca nhiễm sau lần test sàng lọc đầu tiên. Rồi những ngày sau đó cứ test là có, “mấy chiếc camera chạy bằng cơm” và hội bô lão của xóm cũng vì con Covid-19 mà giải tán hết. Cứ hai ngày cả xóm bị chọt mũi một lần, ai được lặp lại tên để ra chọt mũi lại thì cũng nên chuẩn bị tinh thần soạn đồ sẵn là vừa. Từ lúc phát hiện ca nhiễm đầu tiên tới giờ, chắc cũng qua những tám chín lần chọt mũi, riết rồi tôi chả thấy đau nữa mà chắc cũng nghiện luôn rồi.
Giờ xóm tôi vắng lắm. Hai mươi mốt năm rồi chả bao giờ thấy xóm vắng như vậy. Cứ hai ngày, lại chọt mũi, lại có xe cấp cứu đến đón, lại có nhà đóng cửa đi. Giờ chỉ còn nhà tôi và hai ba nhà nữa là còn trụ lại. Những nhà khác đều đã di chuyển đến khu cách ly hoặc nơi thu dung F0 không triệu chứng. Nhưng hầu hết tất cả các nhà đều khóa cửa và không ló mặt ra đường. Vậy nên tôi mới bắt đầu được trải nghiệm một phần tình cảnh của người Sài Gòn mà con Covid-19 mang lại. Tôi hiểu được cảm giác mỗi ngày phải nhốt mình trong bốn bức tường, ngồi chờ người mang đồ ăn đến đặt trước nhà. Cả cái cảm giác mỗi đêm cứ phải giật mình vì tiếng xe cấp cứu cứ chạy liên tục. Rồi cảm giác ngồi đợi kêu tên ra chọt mũi. Cả cái cảm giác chờ đợi để được chích vaccine. Tất cả đều bày ra trước mắt mà tôi không cần phải nghe qua báo đài rồi bắt bộ não mình vẽ vời ra nữa.
Mấy ngày phải nhốt mình trong nhà, tôi cứ ngóng nhìn ra thế giới bên ngoài qua khung cửa sổ. Trước mắt là những sợi dây phong tỏa trải dài, một vài cái bảng cấm lại gần khu phong tỏa. Mấy người đồ xanh che kín mặt, đi đi lại lại thành hàng. Lâu lâu nghe tiếng gọi từ người đồ xanh, tôi lại ngóng từ cửa sổ ra đường để xem có chuyện gì. Cảm giác này, so với việc ở tù, có lẽ không khác nhau gì mấy. Mà cũng còn may là “tù nhân” của con Covid-19 còn được sử dụng điện thoại, những người sát bên nhà giờ cũng chỉ còn thấy qua màn hình. Mỗi ngày, bà con cô bác từ khắp nơi cũng gọi dập dìu về để hỏi thăm tin tức.
Mấy ngày này, gia đình tôi như được đẩy về một thế giới khác, và tôi cũng không ngoại lệ. Mỗi ngày tôi chỉ cắm mặt vào màn hình máy tính, rồi lại cắm mặt vào màn hình điện thoại, và thi thoảng là những cuộc trò chuyện với ba mẹ. Trong đầu tôi cứ luôn xuyên suốt câu hỏi “Nếu như biết đây là lần cuối?”. Vì tôi bắt đầu cảm nhận rõ hơn sự chia lìa, sự mất mát do Covid-19 gây nên. Tôi rất sợ những thứ mỗi ngày diễn ra đều sẽ là lần cuối. Nếu như bạn tôi biết đó là lần cuối cùng bạn tôi được nói chuyện với mẹ, tôi biết đó là lần cuối cùng tôi được gặp cụ bà ăn xin bên vệ đường, nếu như chúng ta biết đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau hay nếu biết đây là lần cuối ăn được tô bún bò ở quán bún bò mình yêu thích… thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta có mang cảm giác nuối tiếc như bây giờ? Chúng ta có đối xử với những con người “của lần gặp cuối cùng ấy” khác đi hay không? Hay chúng ta có liều mình ăn hết hai tô bún bò cho đã cơn thèm?
Lúc này, trời đổ mưa, tôi lại phóng tầm mắt ra khỏi cửa sổ. Ngoài đường vẫn là những sợi dây, những tấm biển cảnh báo và lại có một chuyến xe cấp cứu chở những ca bệnh mới đi đến nơi thu dung. Tiếng xe cấp cứu đánh thức những suy nghĩ trong tôi, nó bảo rằng “cuộc đời này không có chuyện nếu như”. Đúng vậy, thế gian này không có chuyện nếu như, nếu như chỉ tồn tại trong tiềm thức của những người mà bên trong họ đã tồn tại những sự hối hận, những điều tiếc nuối.
Covid-19 đến với cuộc sống của chúng ta, nó đã lấy đi của chúng ta rất nhiều điều. Covid-19 lấy đi tính mạng, lấy đi sức khỏe, lấy đi tiền bạc, lấy đi sự tự do. Nhưng có lẽ Covid-19 cũng đã cho chúng ta những bài học, đó là bài học về sự trân trọng những điều trước mắt, bài học về cách sống và đối nhân xử thế, bài học về những sự hối tiếc, những sự sai lầm và trả giá. Và còn hơn nữa, nhờ Covid-19 tôi mới nhận ra, con người chúng ta có lẽ “đang tiến hóa để cô đơn”, cô đơn như cái cách và chúng ta đang phòng tránh Covid-19 “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, xã phường cách ly với xã phường, thôn xóm cách ly với thôn xóm”.
21/10/2021
Võ Nguyễn Huỳnh Như
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...