Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Tầng cao - Truyện ngắn của Thụy Hân

Tầng cao - Truyện ngắn của Thụy Hân

Thụy Hân là bút danh của Trần Thị Hân, một cây bút còn rất trẻ, hiện là sinh viên năm thứ nhất mới nhập học Đại học Ngân hàng. Cô viết truyện Tầng cao đăng Báo Văn Nghệ (bộ mới) khi còn là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo (Cát Hiệp, Phù Cát, Bình Định).
Đọc Thụy Hân, tôi chợt nhớ nhân vật nữ Naoko trong tiểu thuyết Rừng Na uy của nhà văn Murakami Haruki, có nói một câu đại ý rằng: “Giá như cuộc đời cứ dừng lại ở tuổi 18-19 thì hay biết bao. Cứ qua 19 rồi quay về 18, rồi từ 18 qua tuổi 19, xong quay về… Đừng bao giờ lớn nữa”.
Tuổi 18, có lẽ là tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng cũng là tuổi chênh vênh, dễ đổ vỡ nhất. Như trong Rừng Na uy, các nhân vật tìm tới cái chết như một giải pháp, thì Tầng cao cũng vậy. Rất may, cuối cùng những người trẻ cũng hiểu rằng sống là một món quà vô giá.
Đọc Tầng cao để sống trong bầu trời tuổi trẻ, để thêm một lần thấu cảm và sẻ chia với tuổi trẻ hôm nay.
NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY giới thiệu
1. Tôi lén rời khỏi thành phố biển, bay hai tiếng rưỡi đồng hồ, để trốn vào tầng cao nhất của toà nhà, một nơi xa lạ. Nhìn ra là bức tường nứt nẻ. Những vũng đọng nước mưa từ trên cao nhìn xuống chỉ bằng mấy cái đốm nhỏ trên chiếc váy hoa. Váy hoa tôi treo chờ nắng. Sẽ có một ngày nắng sóng sánh thơm ngọt, thơm lừng, thơm dịu. Mùi nắng. Nắng sẽ úm chiếc váy hoa quánh đậm tiếng mưa. Tôi đã mơ tưởng điều ấy giữa những đêm nỗi khao khát sự sống dài ra, bung đâm nhưng cũng mỏng manh như sợi chỉ. Ấy là đêm mà tự dưng tôi muốn sống, bị nhấn chìm bởi khao khát ấy giữa căn phòng xa lạ trên tầng cao. Nỗi buồn rơi rơi, vướng vài giọt vào chậu xương rồng tôi mang theo, cũng đang mỏi mòn chờ nắng. Còn mười bảy ngày. Tôi sẽ sống thêm mười bảy ngày nữa.
Chậu xương rồng của tôi than thở trời đông sao lạnh lẽo. Dưới gốc, cây đã bắt đầu úa xanh. Tôi đếm rồi, còn mười bảy cái gai. Ngày nào tôi cũng đếm, đếm say mê. Tôi gói cái gai thứ hai mươi sáu vào miếng vải. Tôi còn mười bảy ngày để sống, trời ạ. Mười bảy ngày thì nhiều mà ít quá… Từ phía vết cắt, nhựa xương rồng chảy ra, thảm thương. Gốc cây úng nước, đau đớn rên rỉ giữa mùa mưa ướt át. Cây xương rồng của tôi đang bắt đầu quá trình chết đi. Cái chết vẫn vậy, một mùi tanh tưởi, gặm dần dần cái cây mà hai mươi sáu ngày trước vẫn tràn trề sức sống. Liệu cây xương rồng có thù ghét tôi không nhỉ?
Đêm rút từng giọt máu tôi ra, xương cốt gần như rã chảy. Tôi cứ mơ mãi một giấc mơ. Rất nhiều máu đỏ, tiếng thét xé lòng. Tôi ngồi bó gối giữa đêm. Trong căn phòng nhỏ, những quầng sáng yếu ớt giăng giăng hoà vào bóng tối. Tôi im lặng nếm từng giọt nhỏ đêm tuôn trên bờ vai và rãnh lưng sâu hút, chảy ngọt xuống tay chân. Đêm thơm thom, yên tĩnh lê thê dài, đủ cho tôi thoả thuê khát thèm được thở đều, thở đủ. Đêm ngồi trên môi tôi. Tôi cười cùng quãng đêm sâu, đến gần sáng, mường tượng về giấc mơ lặp lại. Tiếng chuông báo thức reo lên rất to kéo tôi ra khỏi cơn mộng mị. Lại giấc mơ ấy. Quang biến mất mãi mãi.
Trên tầng cao. Gió lộng. Gió mang theo mùi hoa sữa luồng qua khe cửa. Hoa cuối mùa thường xác xơ và buồn bã. Gió mang theo khô lạnh, gió run rẩy và cũng hít hà mùi hoa. Tôi uống một tách trà hoa cúc để lâu đã nguội. Xung quanh tôi cũng là những tầng cao. Và trên tầng cao kí túc xá mấy năm trước, tôi chứng kiến Quang nhảy xuống, rơi tự do và đau đớn kết thúc tuổi trẻ trên mặt đất. Nước mắt tôi đã trào ra ấm hai bên má, bất động giữa mùa lạnh căm căm. Quang đã rời xa tôi trong chớp nhoáng, cái chết ngay lập tức ép tôi phải tiếp tục tồn tại một mình. Không có Quang, không còn ai bảo vệ tôi khỏi những ánh mắt. Chẳng thà Quang đừng đến.
Và sau mấy năm không còn Quang, tôi lại cảm thấy, sống là một quá trình chết đi. Tuổi trẻ và ngày già nối đuôi nhau bằng những nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Người ta sẽ đóng dấu vào vai những kẻ được ban cho sự sống một lịch trình đời. Và thêm nữa, người ta sẽ chỉ trỏ không thôi cuộc đời người khác. Tôi không có năng lực làm ai câm miệng, nhưng nếu không muốn nghe cuộc đời nói chuyện, cái chết thực sự hữu dụng. Khi người ta chết đi, thế giới bỗng nhiên yêu thương, bỗng nhiên nói những điều tốt đẹp, tiếc thương và xót xa. Bỗng dưng người ta đau khổ khóc lóc. Những kẻ đã từng đẩy ai đó vào bước đường cùng, nhân văn kì lạ làm những điều ngu dốt sang trọng. Ôi, những ngày còn trẻ của tôi sao tàn tạ, đau đớn quá… Cái chết đã dịu dàng lấn tôi một nửa.
2. Tôi lại gặp nó trong giấc mơ đêm qua. Nó lại tiếp tục rủ rỉ vào tai tôi những câu chuyện cũ mèm tôi nghe quen từ khi gặp nó. Mỗi lần bắt gặp, tôi lại thấy nó đang rù rì, than vãn, kể lể. Nghe một lần thì thương. Nghe nhiều lần, thành ra bực bội.
“Mẹ của tớ đã để yên cho người ta xé toạc tớ ra, không có chút xót thương nào. Cuộc đời này có những người mẹ như thế sao? Chắc chắn là thế rồi. Vì có hàng tỉ tỉ triệu linh hồn như tớ. Họ không biết họ là ai, họ cũng lang thang”.
“Tớ chưa kịp biết mặt mũi mình ra sao nữa đấy. Tớ đã nấp vào một sợi tóc và hù doạ bà ta cho thoả. Mẹ giết tớ cũng hợp lí thôi, thế giới này có gì đáng sống đâu. Đúng không? Này, trả lời tớ đi. Kể cho tớ nghe đi, cậu chỉ còn sống một nửa kia kìa?”
Nó lắm lời thật. Tôi cảm thấy sai lầm khi đã kể hết với nó trong lần đầu gặp gỡ. Lúc đó, tôi cũng giống nó, cần thở than và muốn được ủi an. “Một nửa của tôi vẫn còn đang sống. Nhưng hẳn là sắp chết rồi. Mẹ tôi không muốn tôi ra đời. Người ta kể lại, nếu bà ngoại không xuất hiện ở đúng lúc mẹ nằm trên cái giường gỉ chỗ phá thai chui, tôi sẽ mãi mãi là cái bào thai 5 tháng tuổi rơi vào quên lãng. Có hề gì? Một nửa của tôi đang đếm từng ngày để chết đây này.” Hình như tôi còn mười bảy ngày để sống. Những lúc thế này, tự dưng thèm một chút nắng ghê…
Tôi đã ý thức bản thân xấu xí từ khi còn rất nhỏ. Người đàn ông đã gieo tôi lên người mẹ, nhất quyết không nhận tôi, vì tôi là con gái. Mẹ tôi cũng thế. Giết tôi không thành, mẹ ném tôi cho bà ngoại, tiếp tục sống cuộc đời của riêng mình. Tôi đã nghĩ về cái chết, mơ hồ nhưng rõ nét mỗi lần nó cuốn lấy cổ tôi và thè ra cái lưỡi dài chẻ đôi và hai cái răng nanh sắc nhọn. Nó hút tôi cạn kiệt. Nó cắm vào bụng mỡ, mắt lươn, mũi tẹt và cặp môi dày, cái cằm móm… Mệt mỏi và khổ đau. Thế giới này có gì đáng sống không? Rồi Quang xuất hiện, bàn tay lớn ấm áp kéo tôi khỏi cái nhớp nháp và tanh tưởi của sự-thèm-chết. Tôi không hiểu bằng động cơ nào, tâm hồn Quang có thể chứa chấp một người như tôi.
Quang khâu lành bớt đời tôi. Những tháng ngày mệt mỏi buồn không còn dàn ra, trải ra, rộng ra mãi, lênh láng. Quang nắm trong tay một mẩu xương rồng nhỏ xíu đưa cho tôi, rồi tựa vào vai tôi, thở nhè nhẹ. Tóc tôi khẽ bay. Tự dưng, nó nói như thở hắt:
“Tao mệt quá, An. Tao không muốn sống nữa”.
Mắt tôi lim dim. Hơi muối biển ùa vào, cuộn tròn trên hàng mi Quang cong vút. Lông mi nó đẹp hơn cả con gái. Tôi muốn bóp chết Quang ngay lúc ấy. Nó có tất cả, tôi chẳng có gì. Quang lại đòi chết đi, trong khi cuộc đời nó đáng sống biết bao nhiêu.
“Điên à, sao lại đòi chết”.
Quang bật cười. Nó vụt chạy xuống, sóng nuốt lưng áo trắng tinh, lòng tôi đã nứt ra. Nhưng chưa kịp khóc, tôi lại thấy nó ngụp lặn trong dòng chảy. Dù gì đi nữa thì Quang vẫn là con người phức tạp và khó hiểu. Có lúc nó hiền như đất, có lúc nó tự dưng điên hẳn. Quang bò lên bờ biển, thở hổn hển rồi bật cười:
“Tao sợ chết quá, An. Không chết nữa”.
Tôi hít một hơi, định mắng, rồi quyết định im lặng. Dù sao nó cũng từng cứu tôi. Tôi đã không quan tâm vì sao tự dưng lâu lâu nó lại đòi chết, hăm hở và cũng rất não nề. Tôi đã phải trả giá bằng việc ngồi ôm mặt, khóc không thành tiếng trước vũng máu Quang lênh láng. Từ tầng cao kí túc xá, Quang lao xuống, không chút ngập ngừng. Tôi giật mình, thấy hình như nó đã cười mãn nguyện khi nằm im trong cỗ quan tài, trước tiếng khóc thương của mẹ, đôi mắt trĩu nặng của cha và những lời bàn tán xôn xao của người ta. Tại sao? Ai mà biết được…
Tranh của họa sĩ Uyên Thao
3. Xương rồng xơ xác và thẫn thờ trên bậu cửa sổ. An cắt cái gai thứ hai mươi tám và hai mươi chín, cây xương rồng xác xơ. Nàng thề sẽ cắt sạch những cái gai xám xịt và xấu xí. Vui tay, nàng thêm một vết cắt vào thân cây, mãn nguyện nhìn mủ cây chảy ra. Mưa lại bắt đầu rơi, không nhận nhượng. An giũ cái váy hoa, bụi rơi ra từng giọt. Đêm qua, trong lúc ngồi bó gối, nàng nghe ở đâu tiếng thở ọp ẹp, thảm thương ngay trong căn phòng nhỏ giữa tầng cao. Chắc chắn không phải nó. Nó chỉ thường hay xuất hiện trong giấc mơ An, dạo gần đây thưa thớt hơn. Nó không thở. Mỗi lần nó đến, nó sẽ cắt vụn vằn khát khao sống của nàng, rồi rời đi như cơn gió, nhai nát ước mong một cuộc đời lành lặn, như cách trước giờ vẫn chưa từng của An. Bàn tay An đầy những vết trầy. Nàng vẫn hay cấu hai bàn tay vào nhau, ấm ức và sợ hãi.
Nàng từng thèm được tiếp tục sống, dẫu những lời nói của người ta bám vào bưng, vào bụng, vào những sợi tóc đáng thương run rẩy trước cách người ta nhìn nàng. Những nụ cười vẫn đều đặn được nở ra. Nó sẽ an ủi nàng trong những giấc mơ chập chờn, thở vào tai nàng và nhiều khi đung đưa trên sợi tóc. Mẹ của nó giết nó khi nó chưa kịp thành hình, nó cứ nương nhờ ở, rủ rỉ khắp nơi một cách thù hằn. An thừa nhận, nàng cũng chẳng khá khẩm hơn, nghĩa là cũng ghét cha mẹ mình, rất nhiều. Vì họ sinh ra nàng, và họ sinh ra nàng xấu xí. Thêm nữa, người ta chỉ thường muốn nhìn vào cái xấu của mình rồi xót xa. An chưa từng nghĩ bản thân tốt đẹp một chút nào. Vậy là nàng đã chống nạng qua những tháng ngày tiểu học, trung học, lê lết qua những điều người ta nói. Thế giới này lạnh lẽo và ác độc vô cùng, vì hình như tất cả mọi người ai cũng muốn dìm người ta xuống một chút. Lâu dần, nàng bình thản đón nhận việc thức dậy mỗi sáng, hít thở đều đặn và cười tươi mỗi lần người ta bình phẩm về mình. Nàng xấu, nàng không giỏi, nàng sống thật thừa thãi làm sao. Bà ngoại đã vuốt vuốt tóc nàng:
“An của bà xinh lắm”.
An mỉm cười, tay chạm nhẹ di ảnh của bà hiền từ và nhân hậu. Sau bà, lại tới lượt Quang bỏ nàng lại một mình. An không có lí do nào để chết đi, nhưng nó thật sự không nhìn thấy cuộc đời đáng sống. Không thấy cuộc đời đáng sống thì sống để làm gì… Tuổi trẻ của An đi loanh quanh, vậy là nàng quyết định sẽ chết.
Nhưng An không để ý rằng sự sống thường bung ra từ trong cái chết. Sáng sớm hôm nay, nàng lại vừa nghe tiếng thở ọp ẹp héo hơn trên bậu cửa. An không giật mình, những linh hồn không biết thở. Cái nụ hoa bé xíu nhú ra, rúm ró nhìn căn phòng lạ. Hôm nay, nơi xa lạ chan hòa tiếng thở, trong trẻo và rời rạc. Một chút nắng xuyên qua ô cửa sổ, hắt nhẹ vào nụ hoa chưa kịp nở. An chưa từng thấy nụ hoa nào đáng yêu như vậy. Nó giương cặp mắt nghi ngờ nhìn An, rồi hốt hoảng thấy thân mẹ tàn tạ bên dưới mình. An nhìn thấy hình như cái cây đã bắt đầu run rẩy và rung rứt khóc.
4. Cái nụ xương rồng nhỏ xíu, còi cọc, như đứa nhỏ thiếu ăn. Nó tím tái và yếu ớt nhú lên khỏi lớp vỏ xanh xao. Nắng lên. Mùa vẫn rét căm căm, cái khô khan hăm hở cào xé nụ hoa bé nhỏ. Tôi đã định sẽ cắt đi cái gai cuối cùng từ hôm qua. Những cái gai thứ năm, sáu, bảy,… đã bắt đầu khô lại. Nhưng nghĩ một lúc, tôi buông lưỡi dao lam xuống, gắn trở lại cái dao cạo râu, đặt ngay ngắn trên kệ tủ. Nắng chảy một đường qua cổ áo tôi.
Tôi ôm cây xương rồng leo lên tầng thượng, trịnh trọng đặt nó trên lan can, sung sướng ngắm nhìn nụ hoa hình như đã lớn hơn hôm qua một chút. Mủ cây đã ráo, đọng lại như những giọt nước mắt. Gốc cây khô lại, nhàu nhĩ. Vậy mà cái nụ hoa đã hồn nhiên ở đó, sung sướng rút sạch từng giọt nắng tràn ra trên mình nó, không muốn lãng phí một ngày đẹp trời. Tôi kéo rèm, mở cửa sổ, chiếc váy hoa ủ rũ vươn mình.
Những ngày sau đó, tôi đều đặn ôm chậu xương rồng lên tầng thượng, cùng nó thơ thẩn giữa khuya, ngồi nhìn mưa rơi hắt vào cửa sổ. Nụ hoa nhỏ lớn thêm một chút, nó vươn mình vô tư rồi lại lo lắng nhìn gốc mẹ khô cằn. Tôi sốt ruột muốn tìm cách cứu chữa gốc cây bé nhỏ, rồi bất lực nhìn nó héo dần đi. À, tôi còn bao nhiêu ngày để sống? Tôi cũng không nhớ nữa…
Sáng hôm qua, không đợi tôi cắt, một cái gai xương rồng rơi ra. Tôi tự dưng chột dạ và run rẩy. Một ý nghĩ chen chân vào óc: nếu tất cả cái gai đều rụng xuống? Tôi sẽ chết đúng không? Tôi sẽ lao xuống trên tầng cao, rồi trở thành một linh hồn thích rù rì vào tai những người lạ khổ đau về sự hạnh phúc của cái chết? Tôi sợ. Và tôi thấy mình nực cười quá thể.
Nụ hoa nhỏ lấp ló nhú ra một màu hồng sữa sau lớp đài xanh nõn. Sáng hôm nay, thêm một cái gai nữa rụng ra. Tôi thấy nhức nhối nơi khóe mắt, nỗi sợ cái gai cuối cùng biến mất dâng lên, xâm chiếm. Nụ hoa bé nhỏ gieo vào người tôi một cái gì, nhúc nhích, quẫy cựa, ngứa ngáy từng ngày. Tôi tức giận không thể cản nỗi những cái gai rụng xuống từng ngày.
Rồi đến một ngày nắng đẹp, nụ hoa bé nhỏ bung ra một màu hồng sữa dịu dàng, sáng trong. Một sự xuất hiện đáng yêu trên gốc cây tàn tạ. Chiều hôm ấy, cây xương rồng còn đúng một cái gai đã kiệt sức gục xuống, hoàn thiện quá trình chết đi. Tôi nghe rõ mồn một những tiếng thở cuối cùng, đứt quãng. Bông hoa bé nhỏ của tôi cũng im lìm không còn thở. Xác cây xương rồng cùng với một cái gai còn sót lại rũ rượi thê lương. Vài mươi ngày trước, nó đã xanh mơn mởn yên vị trong balo tôi cùng một lòng trung thành tuyệt đối.
Đêm hôm ấy, nó đã trở về, lần này để cười cợt. Nó không kể chuyện mẹ của nó đã bỏ rơi nó ra sao, nó đã đau khổ như thế nào. “Cây xương rồng đó không tha thứ cho cậu đâu. Nó đã rụng hết cái gai cuối cùng rồi. Đồ dối trá. Cậu mau lao xuống đi. Cậu không muốn hạnh phúc nữa à?” Tôi bật dậy nửa đêm, đau khổ gục xuống ban công, khóc rấm rứt, thấy mình đê tiện và hèn nhát vô cùng. Ánh sáng của tòa nhà đối diện hắt qua cửa sổ phòng tôi, làm long lanh chất keo sánh đặc trong lọ. Tôi muốn bước ra khỏi tầng cao, không phải lao xuống, mà là mở cửa bước ra…
17/10/2021
Thụy Hân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...