Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Sài Gòn, chuyện đời của phố tập 3

Sài Gòn, chuyện đời của phố tập 3

Tặng các anh Nhâm, Tâm
Các chị Dung, Vân
Các em Chi, Thanh
Nhớ những ngày chung sống dưới mái nhà ở Phú Nhuận.
"VIẾT VỀ NHỮNG CHUYỆN ‘TRÊN BỜ’ CỦA DÒNG LỊCH SỬ"
(Bài phỏng vấn tác giả Phạm Công Luận, do nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện, đăng báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 11/1/2015)
Điềm đạm, nhẹ nhàng và cẩn trọng là những gì người đọc có thể cảm nhận về tính cách của Phạm Công Luận qua văn anh. Sau cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố I được độc giả quan tâm đặc biệt, Phạm Công Luận trở thành tên tuổi mới đáng chú ý trong dòng sách viết về Sài Gòn vốn ít ỏi bấy lâu. Sự chỉn chu kỹ lưỡng và cái nhìn của một ký giả biết lùi khỏi những chộn rộn thời sự giúp anh có được sự giản dị, tinh tế khi thu thập và kể lại vệt chuyện về Sài Gòn – thành phố mà anh sinh ra và lớn lên. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng anh khi Sài Gòn - Chuyện đời của phố II vừa phát hành.
Nguyễn Vĩnh Nguyên (NVN): Một người Sài Gòn khi viết về Sài Gòn sẽ chịu những áp lực gì?
Phạm Công Luận (PCL): Dù sinh ra và lớn lên ở đây, tôi cũng giống như nhiều người khác, chỉ biết rõ không gian hẹp đã sống lâu nay, không hiểu nhiều về thành phố rộng lớn, có cuộc sống đa dạng này. Đi sâu vào tìm hiểu Sài Gòn như một đối tượng nghiên cứu, càng thấy rõ như vậy. Điều đó dễ dẫn đến thiếu tự tin khi muốn bắt tay vào. Bên cạnh đó, hiện nay có những đề tài không dễ viết, không dễ thể hiện hết bởi những lý do chủ quan và khách quan.
NVN: Thử nói về khách quan. Dường như kho tài liệu nghiên cứu văn hóa, đời sống về một thành phố có tuổi đời trên ba thế kỷ vẫn chưa thật dày và hệ thống. Đó có phải là một trong những cái khó?
PCL: Ai cũng thấy lịch sử Sài Gòn chỉ vài trăm năm, tài liệu cổ không nhiều. Các tài liệu viết có bài bản chủ yếu bằng tiếng Pháp, là điều khó khăn nếu không nắm được ngôn ngữ này. Tôi tự biết không thể đi vào việc nghiên cứu, nên chỉ nhẩn nha viết điều gì mình có tài liệu, điều gì đủ cảm hứng để xông vào tìm hiểu. Cuốn sách của tôi giống như một cuốn tạp chí về Sài Gòn xưa do một người viết, sắc thái chính là chủ quan. Tài liệu thì tùy duyên, phải tương đối lạ và độc, quan trọng nhất là tài liệu sống qua gặp gỡ, phỏng vấn. Hình ảnh cố gắng sao cho phong phú. Trong quá trình đi tìm tài liệu, khi không lần ra đầu mối hoặc thấy không có gì mới, tôi bỏ qua đề tài đó và đi tìm điều khác.
NVN: Từ góc độ một nhà báo, từng sưu tập sách báo cũ và đặc biệt là người viết về Sài Gòn, xin thử cắt nghĩa xem vì sao lại có câu chuyện Sài Gòn chưa có những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp viết về nó một cách thật bài bản, cũng như chưa có những nhà văn gắn tên mình với tên đô thị Sài Gòn (như Orhan Pamuk với Istanbul, James Joyce với Dublin, Paul Auster với New York...)?
PCL: Tôi nghĩ thành phố nào trên thế giới này cũng đáng để viết về nó. Nhưng vì sao có những nhà văn gắn tên mình với tên đô thị như anh nói, hay nói khác đi có những đô thị gắn tên mình với tên một nhà văn? Tôi nghĩ trong mối quan hệ này, tài năng của nhà văn sẽ quyết định và Istanbul, Dublin hay New York đã may mắn có được Pamuk, Joyce hay Auster. Đã có những tác giả viết sách về thành phố này như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Minh... Chưa kể có một số nhà văn trước kia, trong tiểu thuyết của họ cũng đậm đặc cuộc sống về Sài Gòn. Các nhà văn, nhà nghiên cứu đi trước đã có những thành công và hi vọng duyên may sẽ giúp thành phố này có tác phẩm lớn như anh nói.
NVN: Nhưng nói cho cùng tài năng thường được trổ sinh trên một nền tảng văn hóa. Với Sài Gòn, dường như sự “đứt gãy” văn hóa trong tiến trình lịch sử hiện đại đã là một hạn chế đáng tiếc?
PCL: Nếu có đứt gãy, phải tìm cách nối lại bằng sự góp sức của những người yêu và gắn bó với Sài Gòn. Đã có những tập sách ảnh, tranh vẽ, bưu ảnh cổ được xuất bản. Trên mạng xã hội, nhiều trang chia sẻ ảnh hay bài viết về kỷ niệm Sài Gòn xưa đã được lập ra với nhiều thành viên. Các cuộc thi viết về Tết trong hoài niệm, về kỷ niệm gia đình cũng đã có. Những việc này chính là lưu giữ ký ức và nên được khuyến khích. Những sinh hoạt văn hóa của Sài Gòn xưa cần được đánh giá và khẳng định giá trị. Cần có những bù đắp về ký ức đô thị đã bị mai một.
NVN: Trong hai quyển sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, rất nhiều câu chuyện thuần túy là cảm xúc cá nhân (chuyện trường lớp, học hành, những ấn tượng thời ấu thơ với Sài Gòn, những biến cố trong gia đình...). Khi tìm tòi và ngồi viết ra, có bao giờ anh sợ rằng chúng quá khu biệt, riêng tư, không mang tính đại diện cho cái gọi là “chuyện đời của phố”?
PCL: Cuốn I như mối tình đầu, tôi thổ lộ cảm xúc nhiều hơn, mang tính chủ quan và riêng tư. Tôi nghĩ dù cái tôi là đáng ghét, nhưng khi chia sẻ cái nhìn, cảm nghĩ riêng một cách chân thành sẽ nhận được đồng cảm, và điều đó đã có. Sách không bị ràng buộc bởi thể loại, người viết sẽ cảm thấy thoải mái khi viết điều mình cảm nhận và có hiểu biết ít nhiều. Quan trọng là bạn đọc chấp nhận được nó. Ở cuốn II, anh sẽ thấy ít cảm xúc cá nhân hơn, tư liệu nhiều hơn. Tôi đọc được câu: “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi khi đầy máu và xác những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau; mà các sử gia chỉ thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có những người khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ” (Will & Ariel Durant). Có những điều đã có người viết rất giỏi, nên tôi muốn góp sức viết chuyện “trên bờ” của dòng lịch sử, là những chuyện đời thường “cất nhà, làm vườn, nuôi con...”. Có thể chúng riêng tư nhưng cuộc sống đời thường của một giai đoạn quá khứ nào đó vẫn góp phần vào chuyện đời của một thành phố.
NVN: Nghe nói trong quá trình tìm hiểu để viết cuốn II, anh đã khám phá thêm nhiều tư liệu rất thú vị?
PCL: Lần này tôi may mắn gặp được một nhân vật hoạt động trong giới nghệ thuật của Sài Gòn cách nay sáu mươi năm. Từ ông, tôi có nhiều tư liệu quý về chuyện tổ chức dịch vụ du lịch Sài Gòn thời chiến khá thú vị. Ông cũng cho phép đăng những tấm ảnh tư liệu màu hiếm có do ông chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuổi 23 khi còn là thầy giáo sống trong một căn gác trọ. Ngoài ra, đó là câu chuyện về ban nhạc thiếu nhi lừng tiếng, ban Tuổi Xanh với kỹ thuật biểu diễn bài bản, nơi xuất phát các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Mai Hương, Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, nhạc sĩ Quốc Dũng... Là câu chuyện Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam. Là chuyện mối duyên tình của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trung Cang và cuốn sổ tay cuối cùng của ông. Qua tư liệu trên báo xưa, sách cho độc giả hình dung về siêu thị đầu tiên của Sài Gòn với diện tích lớn, kệ quầy, cửa quay, bàn cuốn, máy tính, kho lạnh không thua gì siêu thị ngày nay và những người quản lý được mời sang Bangkok (Thái Lan) để hướng dẫn kinh nghiệm. Về vẻ đẹp của đàn ông Sài Gòn cách nay trên dưới nửa thế kỷ qua những bức chân dung của các nam nghệ sĩ. Là những trang hồi ký của một thanh niên Quảng Bình kể chuyện kiếm sống ở Sài Gòn trước năm 1945 với những chi tiết thú vị...
NVN: Đọc hai cuốn sách của anh, với tôi, sự thú vị nằm ở tính tư liệu, nâng niu vàng son, trân trọng ký ức, nhưng thiếu vắng sắc thái đương đại hay những góc nhìn, thái độ thật rõ ràng với rất nhiều thứ xáo trộn đang gây tổn hại trực tiếp hệ giá trị Sài Gòn... Đó là một sự cố tình né tránh?
PCL: Cảm ơn về nhận xét của anh. Có lẽ do mục đích của tôi xuyên suốt hai tập sách vẫn là câu chuyện Sài Gòn của những năm đã xa xưa. Nếu có nhân vật hay câu chuyện của thời hiện đại, chẳng qua vì cuộc sống của họ hiện nay có nhắc nhớ tới quãng đời trước kia ở thành phố này. Ưu tiên viết về những giá trị đó, tôi muốn dành thời gian để nhặt nhạnh, gom góp những điều đang dần bị lãng quên một cách nhanh chóng, từng ngày một. Cuộc sống hiện nay tất nhiên đang đặt ra nhiều vấn đề cho thành phố này, nhưng những điều đó không thuộc chủ đề của bộ sách này.
NVN: Ký ức có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của một đô thị?
PCL: Tôi nghĩ về chuyện này: Sài Gòn trước kia có nhiều khu xóm lụp xụp và nay đã dần mất đi. Có lẽ số đông không thích những khu xóm đó, nhưng phải thấy rằng nó có vai trò trong sự phát triển đô thị. Tôi có đọc ở đâu đó cho rằng: các khu xóm này đảm nhiệm vai trò duy nhất là giúp những cư dân từ thôn quê lên tỉnh thích nghi dần với đời sống tân tiến nơi đô thị. Con người nông thôn ở đây biến đổi dần thành người đô thị một cách chậm chạp, vì nơi họ sống vẫn còn những yếu tố của cả hai thế giới chung sống nhau một cách hòa hợp. Khi họ có thể nâng cao và thoát khỏi các khu xóm lụp xụp về các phương diện kinh tế và xã hội, họ cũng biến cải về phong cách sống, trở thành một thị dân tân tiến. Khi chuyện đó hoàn tất, ký ức về nơi xuất thân giúp họ không quên nguồn cội và từ chỗ này, họ đóng góp cho đô thị những sắc màu của cố hương từ phong tục, ẩm thực, lời ăn tiếng nói và những thế mạnh riêng.
Ký ức sau khi được chiêm nghiệm giúp thị dân nhận thức các giá trị lâu đời trong văn hóa, lối sống và truyền đến lớp người sinh sau. Ký ức đô thị cần được lưu giữ. Một đô thị không có ký ức giống như một con người không nhớ gì về nơi mình sinh ra, lớn lên và cách mình trưởng thành ra sao. Nếu vậy, sẽ không biết đánh giá đúng các giá trị để chọn lọc, giữ gìn, truyền lưu.
NVN: Anh có hai con trai. Có bao giờ anh thử so sánh sự khác biệt giữa thế giới Sài Gòn trong mắt hai cậu bé với thế giới Sài Gòn của anh, tình yêu với Sài Gòn của chúng với tình yêu Sài Gòn thời thơ ấu của anh trước đây...
PCL: Tình yêu Sài Gòn của tôi trước hết từ cảm xúc yêu thương gắn bó với người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, những trò chơi tuổi nhỏ và những chuyến đi chơi Sở thú, chợ hoa Nguyễn Huệ dịp Tết... Nếu sau này các con tôi lớn lên và sống xa thành phố này, tôi tin rằng kỷ niệm trong gia đình ngày Tết, trường lớp bạn bè, những chuyến đi cùng cha mẹ sẽ hình thành tình yêu của các con tôi đối với thành phố này giống như tôi, dù cuộc sống và diện mạo Sài Gòn có khác đi.
NVN: Thử hình dung, 50 năm sau, giả dụ hai con trai của anh sẽ tiếp tục viết một dạng TP.HCM - Chuyện đời của phố thì chúng sẽ viết gì?
PCL: Năm 1972, khi tôi 11 tuổi, ba của tôi là nhân viên cửa hàng Kim Phát ở chợ Bến Thành vừa đi làm về đã cho biết người ta định đập ngôi chợ này để xây một khu chợ mới hiện đại nhiều tầng lầu. Sau đó một thời gian, ông lại kể rằng vì dân chúng phản đối quá nhiều nên cuối cùng ngôi chợ vẫn được giữ nguyên, tồn tại đến ngày nay. Câu chuyện đã diễn ra từ hơn bốn mươi năm trước, tôi có viết lại trong phần II cuốn sách. Sài Gòn nửa thế kỷ sau chắc sẽ rất hiện đại, và rất có thể các con tôi trong câu chuyện giả định này sẽ viết về những quyết định đúng hay sai khi người ta đứng trước một hay nhiều kiến trúc cổ của thành phố này. Biết đâu chúng sẽ đưa hình ảnh một tòa nhà cổ, vẫn đang tồn tại, cho mọi người xuýt xoa tiếc rẻ, vì ở thời của chúng đã biến mất để thành khu buôn bán hay cao ốc gì đó.
NVN: Xin cảm ơn anh!
Năm 1940, một người em họ của bà ngoại tôi sắp đi xa. Bà ngoại tôi (bận áo đen ngồi giữa ảnh) cùng anh ruột, các em họ, em rể, em dâu, con, cháu trong đại gia đình ở Chợ Lớn chụp một tấm ảnh chung để lưu niệm.
Má tôi lúc đó chỉ mới mười sáu tuổi, bận áo đen đứng sát góc bên phải. Một năm sau đó bà lên xe hoa.
Người đàn ông bận complet màu sáng là người sẽ lên tàu biển sang Pháp làm việc, sau đó một thời gian ngắn. Hai ông bên phải, hai bà áo đen góc trái là anh ruột và các em họ của bà ngoại tôi. Bà bận áo dài trắng là em dâu. Ông trán cao thứ ba từ trái qua là em rể của bà ngoại, chồng bà áo đen kế bên bà ngoại.
Người trong bức ảnh này giờ chỉ còn mỗi dì Út tôi, bé gái phía bên trái. Dì Út tôi lớn lên làm dâu trong gia đình người Gia Định gốc mà tôi viết trong cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố I, bài Hai thế kỷ thăng trầm của một dòng họ.
Đàn ông Sài Gòn thời đó bận complet với cravate to bản. Phụ nữ có khi bận áo đen quần trắng hay áo trắng quần đen. Phụ nữ lớn tuổi đeo dây chuyền có mề đay, tay đeo vòng. Con gái nhỏ thì đeo kiềng.
Ông ngoại tôi không chụp chung với gia đình bên vợ. Lúc đó ông đang làm thư ký Sở Hỏa xa Đông Dương, chỗ “hàng chữ” điện quang góc Huỳnh Thúc Kháng – Hàm Nghi, đối diện xéo chợ Bến Thành. Năm năm sau, chiến cuộc xảy ra, gia đình cả hai bên, phía ông ngoại ở quận 4 và bà ngoại trong Chợ Lớn đều tan tác theo thời cuộc.
Bức ảnh này thất lạc đã lâu, bỗng tìm lại được trước ngày giỗ của má tôi tháng Tám Âm lịch 2015. Ngày giỗ, cả nhà cùng xem với nhiều cảm xúc, nhất là dì Út, bé gái nhỏ nhất trong ảnh.
Poster quảng bá du lịch Sài Gòn trước 1975.
Trân trọng cám ơn:
– Ông Lý Lược Tam (An Giang)
– Ông Đinh Tiến Mậu (quận 3, TP.HCM)
– Ông Dương Kiện Toàn (quận Bình Thạnh, TP.HCM)
– Nhà thơ – nhà báo Lê Minh Quốc (quận Phú Nhuận, TP.HCM)
– Ông Dương Hữu Đạt (quận I, TP.HCM)
– Nhà văn Kim Hài (quận Phú Nhuận, TP.HCM)
– Ông Tăng Văn Hùng (quận 10, TP.HCM)
– Ông Hoàng Thọ Phồn (quận 4, TP.HCM)
– Ông Trần Thành Trung (Vĩnh Long)
– Ông Trần Hữu Nghiêm (quận 3, TP.HCM)
– Ông Lương Tấn Thành và các anh chị gia đình nhà may Kim Sơn (TP.HCM và Hoa Kỳ)
– Nhà văn Thùy An (Hoa Kỳ)
– Giáo sư Lê Văn Khoa (Hoa Kỳ)
– Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (Hoa Kỳ)
– Ông Nguyễn Đăng Kha (Hoa Kỳ)
Đã tiếp chuyện, trả lời thư, hỗ trợ tài liệu, hình ảnh, góp ý bản thảo trong quá trình thực hiện cuốn sách này.
LANG THANG TRÊN THÀNH PHỐ XƯA
Ngôi nhà ở Lái Thiêu của Lý Thân lúc nào cũng đông khách. Từ sáng tới tối, khách ngủ lại hoặc ghé ăn cơm rồi đi. Có người ăn dầm nằm dề hàng tháng trời. Người trong xóm gọi ông Hai Vững, cha của Thân, là ông Mạnh Thường Quân, theo tích trong truyện Tàu. Ai cũng kính nể ông vì tính hào sảng, mà sống kiểu hào sảng như vậy thì tốn kém lắm, dù ai cũng biết ông Hai Vững là con của bang trưởng Triều Châu ở Lái Thiêu, giàu có và uy tín nhất vùng đất nhiều cây trái này.
Lý Thân không để tâm nhiều đến vị thế gia đình, chỉ biết mình có rất nhiều ông chú không phải ruột thịt, ông nào cũng thương chú bé nhỏ nhắn con chủ nhà. Thân thường được đi chơi với mấy chú, những chuyến đi để mở mắt nhìn đời. Đáng nhớ nhất vẫn là những chuyến thăm Sài Gòn.
Đó là câu chuyện trước năm 1954.
Những năm đó, Lý Thân đã lang thang bao lần ở cái thành phố phồn hoa này. Người ta nói “Sài Gòn hoa lệ”. Hoa cho người giàu và nước mắt cho người nghèo. Dù sao, Thân cùng mấy chú chỉ là khách nhàn cư vãng lai nên chẳng bận tâm chi mấy chuyện đó. Tới Sài Gòn, cậu thanh niên mới lớn choáng ngợp với cảnh nhà xe nhộn nhịp, rồi dần quen và thích cuộc sống ở đây. Sài Gòn lúc đó còn thông thoáng lắm so với bây giờ, nhưng đã quá vui với chàng nhà quê. Xe cộ qua lại như mắc cửi. Xe kéo tay có người phu đội nón lá chạy chân đất thình thịch giữa trời trưa nắng. Xe ngựa kéo, bò kéo đi lóc cóc ngoài đường phố trung tâm gần chợ Bến Thành, bên chiếc xe hơi bóng loáng của mấy ông Tây. Có loại xe ngựa chuyên chở hàng, không mui, ngoài xe ngựa chở khách thanh mảnh, dáng đẹp có mui kín mít. Có cả xe kéo tay chở hàng với thùng xe rất to, vừa có càng phía trước để kéo vừa có chỗ để mấy người phía sau đẩy đi, loại xe tải bằng sức người của mấy ông Tàu đội nón cời-lối rộng vành chóp nhọn. Có những chiếc xe đẩy bán nước ngọt đóng chai. Hai bức tượng cô đầm trước Nhà hát Tây nhìn cao ráo thanh mảnh hơn tượng phục chế hiện nay. Đàn ông lịch sự bận bộ đồ bà ba trắng may bằng lụa lèo, đầu đội mũ phớt và chân mang guốc, ít thấy người bận áo dài khăn đóng trừ chỗ đám tang. Phụ nữ thời đó hay bận áo dài đen. Nhiều người thích trùm khăn trên đầu khi trời nóng, cả nam lẫn nữ, nhất là ở ngoài chợ. Hầu như không thấy mặc quần ngắn, trừ các ông Tây với quần soọc lửng.
Xe kéo ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Trích trong bộ tranh “Monographie dessinée de l’Indochine” (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do học sinh trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1935.
Lý Thân thích nhìn mấy tấm biển quảng cáo to đùng mà vẽ rất sắc nét, không bị méo mó: nhiều nhất là quảng cáo La-de Larue và giày của hãng Bata. Ở bến Bình Đông, người ta chở dừa, chuối và sản vật miệt Lục Tỉnh lên Sài Gòn bán không khác gì bây giờ. Sông đã có bờ kè bằng xi măng dốc thoai thoải xuống.
Nhà hàng Givral đã mở cửa lại từ năm 1946 khi Tây trở qua. Năm 1950, ông chủ Givral cho bày thêm bàn ở ngoài hàng hiên cho khách ngồi vì không gian nhỏ xíu trong nhà hàng chỉ để được dăm bàn ăn. Một ông chú dắt Thân đến đây, nhưng chỉ dám đãi thằng cháu món yaourt là thứ rẻ nhất. Yaourt lúc đó có vị hơi lạt, chủ quán để sẵn một hũ đường, ai thích ăn ngọt thì thêm đường. Có khi ngoài vỉa hè hết chỗ, ông chú làm gan đẩy cửa bước vào trong. Ghế ngồi trong quán Givral lúc đó chỉ là ghế gỗ bình thường, không có nệm như sau này, cũng không có máy hát cho khách nghe. Đa số khách là lính Tây, vài ông bận complet trắng.
Uống nước xong thì cả nhóm lại rong chơi tiếp. Trong nhóm của Thân có một chú rất diện, thắt cravate mặc complet nhìn như một ông chủ hãng. Ông chú này thích la cà ngó nghiêng chỗ này chỗ kia, thích vào hiệu sách Portail (hiệu sách Xuân Thu sau này), nhưng khi có ông Tây nào đến đứng gần là chú bỏ đi ngay. Thân hỏi thì chú trả lời: “Đứng gần, nó hỏi tiếng Tây mà không biết trả lời thì mắc cỡ sao mậy!”
Vô nhà sách Portail xem sách cho vui thôi chứ sách mắc lắm, không mua nổi. Thân ngạc nhiên khi thấy ở tiệm người ta bày bán nhiều ấm trà không có nắp, hỏi ra thì đó không phải ấm trà mà là... bình vôi ăn trầu. Cho đến giờ, ông già Lý Thân của sáu mươi năm sau vẫn tủm tỉm cười nhớ cái bình vôi rất bình dân được bán trong một nhà sách của Tây sang trọng như vậy. Nhưng vào Portail cũng khá thú vị khi xem những bức ký họa về Nam kỳ của ông Henry Meige, họa sĩ người Pháp. Ông vẽ những hình ảnh rất gần gũi đời thường, như một góc khách sạn Continental gần đó, người đánh giày trên đường phố Sài Gòn...
Đi dạo chợ Sài Gòn thì có thể nhận ra những tiệm của người Bắc đóng giày và tiệm vàng Nguyễn Thế Tài trên đường Lê Thánh Tôn phía sau chợ. Tiệm vàng Nguyễn Thế Tài nổi tiếng với cuộc thi thơ rất hấp dẫn mà Thân nhớ mấy câu thơ đã đọc trong báo Mới của ông Phạm Văn Tươi. Đoạn thơ kể rằng bà nhà giàu kia có cô con gái, bà muốn gả chồng cho con nhưng cô con gái kén chọn lắm, chẳng chịu ai. Ai ngờ anh chàng người hầu trong nhà khôn ngoan, sắm tặng cô mấy món nữ trang của tiệm vàng Nguyễn Thế Tài. Thế là cô ưng thuận (!) trước sự ngỡ ngàng của bà mẹ. Chuyện này được giải thích: “Là vì vàng đúng tuổi mười. Lòng cô cảm nghĩa ơn người biết bao. Tình yêu cô bỗng thấm vào…”. Bà mẹ được cô gái thưa chuyện nên tự tìm hiểu và rồi: “Bà xem vàng thấy hay hay. Nên bà đem gả nàng ngay cho chàng. Cho hay nhờ bởi có vàng. Thế Tài họ Nguyễn mà chàng được yêu”.
Mỗi bài thơ đăng trên báo Mới với nội dung ca ngợi nữ trang của nhà Nguyễn Thế Tài sẽ được trả 50 đồng. Chiêu quảng cáo này hấp dẫn dân ưa văn chương lắm và nhờ vậy vàng Nguyễn Thế Tài luôn đông khách.
Khoảng thời gian đó, có nhiều người Ấn sống ở khu trung tâm Sài Gòn gần chợ. Người Ấn gốc Bombay chuyên cho vay lấy lãi và bán vải, còn những người Hạch chuyên thức đêm làm gác cửa, gác tiệm buôn. Nhóm người Hạch gốc Hồi giáo có làn da ngăm đen giống người Ấn và làm nghề gác cửa thì rất cần mẫn. Mấy ông chú nói với Thân là họ chỉ giỏi nghề gác cửa, chuyển sang nghề khác thì dở ẹc nên mới có câu “Dở như Hạch”. Sau này, Thân biết Hạch có nghĩa là Hadj, đứng đầu tên của họ, nghĩa là “hành hương” trong tiếng Á Rập, nhắc đến mơ ước một đời là hành hương đến thánh địa Mecca. Và ai có chữ Hadj đứng trước tên nghĩa là đã đến đó rồi.
Dân Ấn góp cho ẩm thực Sài Gòn xưa mấy món ăn mà Thân không quên. Đi xuống mé Đa Kao, phía Cầu Bông gần rạp Văn Hoa Đa Kao sau này có một tiệm bán cơm cà-ri của người Ấn rất ngon. Ngay trong quán có ông Ấn khác thuê một góc bán cà phê, cơm nị, bánh cay, bánh rế. Bánh cay không phải là loại bánh bằng bột khoai mì vắt trong nắm tay, chiên trong chảo mỡ thành một loại bánh dài, nhỏ nhắn và cay như sau này. Bánh cay đây là loại hơi giống bánh xèo nhưng đổ dày hơn, to cỡ bánh patéchaud, bằng bột mì, có nhân thịt, củ hành, ớt, đậu xanh... chiên lên có vị cay và hơi chua, rất ngon nếu ăn cùng với cà-ri gà, cà-ri dê. Ông chỉ bán từ trưa đến chiều, rất đông khách. Còn cơm nị thì có trộn dầu, bơ, sữa nên ai không thích béo thì khó ăn vì ngậy. Còn nếu không thích thì đi ăn bánh cuốn có trứng vịt chiên cuộn bên trong, rất ngon và béo...
Năm nay đã hơn 80 tuổi, chàng trai Lý Thân ngày nào vẫn sống ở quê nhà Lái Thiêu, thỉnh thoảng lên Sài Gòn thăm con trai lớn sắp về hưu. Ông già Lý Thân đi đâu cũng gặp kỷ niệm. Nhớ có lần đi xe điện gần ga Arras tức đường Cống Quỳnh ngày nay, ông nhảy tàu suýt té chết. Tiệm Givral ông từng ăn yaourt nay đã không còn. Saigon Departo, nơi ông mê mẩn mấy bộ tách trà Nhật hiệu Arita cũng không còn. Xe điện không còn. Hiệu sách Portail không còn. Tiệm vàng Nguyễn Thế Tài không còn. Nhớ có lần ông nhờ đứa cháu làm nghề báo vô Chợ Lớn tìm mua cái nón cời-lối đan bằng tre, chóp nhọn vành rộng nhưng nó đi mấy ngày không tìm ra. May mà có thể thấy cái xe kéo tay trong Bảo tàng ở bến Nhà Rồng. Ông nghĩ chắc chỉ có mỗi mình và vài ông bạn già ở miệt Lái Thiêu lẩn thẩn khi nhớ về Sài Gòn qua những hình ảnh đó. Chứ người ở Sài Gòn bây giờ có khi chỉ thích xây nhà cao có kính bóng loáng để bán thật nhiều hàng, cho thuê nhiều tầng mà thôi.
CATINAT – PHIÊN Y – TỰ DO… DĂM HỒI ỨC
Đường Tự Do, xưa gọi là Catinat, nay có tên là Đồng Khởi. Nhưng có lẽ không mấy ai biết người Hoa trong Chợ Lớn từng gọi đường này là đường Phiên Y, vì từ cuối thế kỷ 19 ở đây đã có nhiều cửa hiệu quần áo của người phương Tây (Phiên: cách người Hoa gọi người phương Tây. Y: quần áo). Con đường này, từ khi còn mang tên Catinat đã là nơi cạnh tranh mãnh liệt trong thương trường của người Pháp, người Hoa và người Việt, nhất là người gốc Bắc.
Theo cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ của nhà báo Đào Trinh Nhất, cho đến thập niên 1920 dân Sài Gòn xưa vẫn quen dùng hàng Tàu và của châu Âu nhập qua. Lúc đó, người miền Bắc đã tìm mọi cách đem hàng thủ công nghệ xứ Bắc vào Nam và đường Catinat chính là chọn lựa số một. Trước đó người Nam không thèm ngó tới the lượt của Bắc kỳ, nhưng từ khi có phong trào tẩy chay hàng người Hoa sản xuất thì người trong Nam đã ưa dùng đồ Bắc. Đó là chưa kể đồ đắt tiền như khảm xà cừ, đồ gụ... thường bán cho Tây ở ngoài Bắc nhưng vào Nam bán rất chạy do người Nam có “đức xài tiền”, hàng quý mấy mà thích cũng dám mua. Chính vì vậy, các mặt hàng từ các nguồn khác đã bị cạnh tranh và ảnh hưởng doanh thu. Trước kia dân Sài Gòn dùng vải mùi xám của Hoa kiều dệt tại chỗ, nhưng khi người Bắc vào mang theo vải ta và hàng tơ lụa thì họ dùng luôn. Hoặc trước kia người Nam dùng ghế mây gọi là ghế Tô-nê thì sau đó dùng ghế Bắc. Trước kia dùng giày cườm thì sau đó dùng giày Hạ. Tuy nhiên, tác giả phàn nàn là tại sao chỉ thích thuê mướn ở đường Catinat giá tới 100 đồng, có khi lên tới 200 đồng, để rồi vì tranh nhau mà đẩy giá lên cao. Ông khẳng định: “Nào có nghĩ đâu rằng: hàng Bắc muốn cho ai nấy đều biết đều chuộng, chẳng cần gì lấy phố Catinat làm chỗ chiêu hàng mới được, mà chỉ nên chiêu hàng ở chỗ buôn bán thật thà, hàng hóa tốt và rẻ mà thôi, thì trong thành phố Sài Gòn, không thiếu gì chỗ cũng tốt và rẻ tiền hơn: như những phố Charner (Nguyễn Huệ), Pellerin (Pasteur), d' Espagne (Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh) v.v…”.
Câu chuyện trên giúp ta thấy phần nào không khí buôn bán của người Việt mà con đường Catinat đã chứng kiến dưới những tán cây của mình. Tuy nhiên, đó là câu chuyện thập niên 1920. Từ thập niên 1940 về sau, người Việt đã đứng chân nhiều cửa hàng ở đường Catinat, trước khi người Pháp rút về nước năm 1954. Có nhiều tiệm may, tiệm bán vải, tiệm chụp ảnh trên con đường này và trên các nhánh đường gần đó như d’ Ormay (Nguyễn Văn Thinh, nay là Mạc Thị Bưởi), Amiral Dupré (Thái Lập Thành, nay là Đông Du)... hầu hết của người gốc Bắc. Người gốc Hoa vẫn chiếm nhiều vị trí cửa hàng tạp hóa trên đường d’ Ormay.
Anh Tấn Thành, một thầy giáo sống từ nhỏ trên con đường Amiral Dupré, nay là Đông Du kể: “Khi tôi sinh ra năm 1962, đường Catinat đã đổi tên thành đường Tự Do. Đó là một con đường có thể là lộng lẫy nhất Sài Gòn dù không lớn như đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn), hay Nguyễn Huệ. Nhưng ở đó có những cửa hiệu đẹp nhất, dùng kính bóng loáng, ốp đá sang trọng...”.
Anh Thành kể suốt những năm tuổi nhỏ, anh gắn bó với con đường này bằng những kỷ niệm riêng tư. Đó là những buổi đi bơi ở hồ tắm Tự Do phía bến Bạch Đằng, gần quán cơm nổi tiếng Bà Cả Đọi. Cái hồ đó lát gạch men trắng, sâu tới ba mét, nay đã không còn. Từ đường Tự Do, có con hẻm sát bên cửa hàng Thành Lễ bán đồ mỹ nghệ đi băng ra đường Nguyễn Huệ. Trong hẻm có rạp hát nhỏ gọi là rạp Catinat, có chỗ bán bún thịt nướng, hột vịt lộn, rất thu hút các nữ sinh. Đám con nít thích ra Trung tâm thương mại Saigon Departo, góc Tự Do và Thái Lập Thành. Đây là tiệm bách hóa có thể nói là đẹp nhứt Sài Gòn thời đó, bán hàng mỹ nghệ Việt Nam, hàng nhập cảng từ Nhật. Đồ đạc trong đó có nhiều thứ hấp dẫn, cuốn hút với lũ nhỏ, nhất là có tủ bán kẹo tự động. Bỏ đồng xu vào là có thể mua kẹo, đồ chơi. Kế bên Saigon Departo là tiệm Cafeteria, loại quán giải khát tự phục vụ còn rất lạ lúc đó. Ở đó có máy nghe nhạc tự động, muốn nghe thì nhét đồng xu vào khe, máy sẽ chớp đèn nhấp nháy để báo hiệu chọn bản nhạc. Kế bên là mấy tiệm bán vải Tô Châu, Hàng Phong và Tân Cương. Kế nữa là photo Long Biên, tiệm ảnh rất nổi tiếng. Công viên Chi Lăng bọn trẻ thích ra đá banh, gọi là “Vườn bông cao”. Họa sĩ Bé Ký lang thang trên con đường này bán tranh, nhiều lần bị cảnh sát đuổi khi bày tranh trên vỉa hè Thái Lập Thành và nhiều lần gia đình anh Thành chứa giúp tranh, thậm chí còn mua cho cô hai bức.
Bây giờ khi viết về đường Tự Do ngày xưa, người ta nhắc nhiều về hai quán Givral hay Brodard cùng với quán La Pagode, góc đường Lê Thánh Tôn – Tự Do, những cái quán nay đã không còn. Tuy nhiên đối với người dân khu này, đó là những quán dành cho khách vãng lai. Chị Dung, con dâu của nhà may nổi tiếng Phúc Lợi ở đường Pasteur, chị đầu của anh Thành kể rằng chị và bạn cùng lứa chưa từng vào các quán đó mãi cho đến sau này, chỉ vì nghĩ rằng không phải dành cho mình.
Anh Thành kể: Tiệm Brodard dành cho giới nghệ sĩ, con nhà khá giả. Phía ngoài, chủ quán đặt tủ kem bán loại kem ba màu rất ngon hương vị châu Âu, có kem vanilla, chocolate. Giá kem này khá mắc và chú bé Thành phải để dành tiền quà sáng nhiều ngày mới đủ mua một gói kem 100 đồng. Nếu không thì ăn kem ở tiệm Givral, cũng bán ở tủ bày phía ngoài, dạng kem cornet có bánh hình chóp nhọn, hoặc có loại bánh hình nắp hộp tròn, úp lại chứa kem bên trong. Cảm giác đi dọc vỉa hè thưởng thức hương vị bánh xốp thơm và kem lạnh béo tuyệt vời còn đọng trong trí nhớ của anh.
Cuộc sống đường Tự Do đậm dấu ấn Hoa kiều, nhất là trên đường Nguyễn Văn Thinh (Mạc Thị Bưởi) thẳng góc với Tự Do. Thỉnh thoảng trên lề đường thấy một ông Tàu đội nón cời-lối, xách thùng sắt tây có sợi dây móc trên vai, bán bò bía ngọt. Trên đường này còn có một bà xẩm chủ tiệm bán giấm hay ăn gian, thường pha nước vào giấm nên mẹ Thành luôn dặn người nhà khi đi mua nhớ nhắc bà xẩm lắc cái hũ trước khi rót để phần giấm chảy xuống nhiều hơn. Giữa đường Nguyễn Văn Thinh có tiệm nước nổi tiếng Nam Quang cũng của người Hoa. Dân quanh vùng thích đến đó uống cà phê, ăn hủ tíu bò viên. Ai có bệnh thì mua thuốc bắc ở tiệm Tồn Tâm Tế gần đó. Cà phê ở tiệm Nam Quang được đổ vô dĩa để húp khi còn nóng. Do quen giao dịch với Tây, ba của Thành chỉ uống cà phê rót ra ly thủy tinh, còn chú bé Thành ăn bánh hạnh nhân. Trong tiệm còn đặt một xe bán bò viên của người Tàu, bánh croissant có nhân hột gà bên trong. Xe mì góc Nguyễn Văn Thinh – Hai Bà Trưng có những hình vẽ tranh kiếng tích tuồng Tam quốc, Thủy hử có từ nửa thế kỷ trước cho đến giờ vẫn tồn tại. Có lần, Thành thấy giáo sư âm nhạc T.V.K đến đó ăn, mang theo một chai đựng mù tạt vàng để dùng với mì, có lẽ ông nhớ kiểu ăn mì hồi xưa. Đường Tôn Thất Thiệp vẫn còn tiệm hủ tíu Thanh Xuân rất hẹp với bề ngang hai mét, tấm bảng hiệu cũ kỹ vẫn còn qua nửa thế kỷ. Đường Nguyễn Văn Thinh còn có tiệm Peacock (con công) bán đồ “lâm vố” (rabiot) ăn rất ngon, không phải đồ ăn thừa của khách, mà là thức ăn trong bếp còn dư, bán rẻ trong ngày, bỏ hộp đàng hoàng. Ngon nhất là bò lúc lắc và món cơm giống cơm chiên Dương Châu nhưng có vị bơ.
Mùa hè năm nay, tôi và anh Thành, những cư dân cũ của Sài Gòn, đi lại trên con đường Tự Do, đã là đường Đồng Khởi gần 40 năm nay. Vẫn còn là con đường sang trọng, gợi cảm, vẫn xứng đáng được ca ngợi như trong cuốn sách năm xưa: “…Với những tầng nhà cao chót vót của một thành phố tân tiến, những cửa hàng mỹ thuật, những lớp người trẻ tuổi tấp nập đi lại, con đường chan chứa cái tưng bừng và náo nhiệt của một dân tộc tiến bộ…” (Lịch tài liệu 1959). Niềm tự hào ấy tồn tại cho đến giờ. Người đi cùng miên man kể: “Có những buổi đi dạy qua đường này buổi chiều, tôi nhớ những chiều năm 1972 lúc lên mười. Khi sắp đến giờ cơm, tôi nắm tay bà vú nuôi tên là bà Ba Bàng, một người phụ nữ nhà quê xứ Bắc theo mẹ tôi vào Nam hồi còn trẻ. Bà không có gia đình, chăm sóc chín anh chị em tôi với một tình thương giản dị, chân chất. Những buổi chiều đó, bà dẫn tôi ra depot nước đá của một bà người Tàu tên là bà Nhì trên góc đường Phan Văn Đạt – Nguyễn Văn Thinh để đổi vài chai nước ngọt và bia cho bố tôi. Lần nào cũng vậy, sau khi lấy đủ các món, bà lẳng lặng lấy ly rượu trắng nhỏ do bà Nhì rót sẵn, đưa lên miệng uống một hơi, xong lau miệng và ra về. Tôi lủi thủi đi theo bà, luôn thắc mắc vì sao bà thích uống thứ nước cay xè ấy. Bà dặn tôi giấu chuyện này với cả nhà, vẫn uống chút rượu mỗi ngày cho đến ngày già yếu, xin vào chùa tu và mất. Sau này lớn lên, tôi lờ mờ hiểu rằng đó là niềm vui riêng tư và có thể là duy nhất của bà, giữa chốn phồn hoa đô hội mà bà đang sống. Cả hai hoàn toàn không ăn nhập với nhau. Bà luôn nhớ xứ Bắc của bà và hoàn toàn thờ ơ với cảnh náo nhiệt sang trọng chung quanh”.
Cửa hàng bán sản phẩm mỹ nghệ của hãng Thành Lễ trên đường Tự Do (Đồng Khởi) trước 1975 được ưa chuộng bởi khách ngoại quốc và giới thượng lưu Sài Gòn.
Nhà cửa khu trung tâm Sài Gòn năm 1967 còn nhiều nhà mái ngói nhấp nhô. Bức ảnh này chụp trên sân thượng một ngôi nhà đường Thái Lập Thành (Đông Du) với hậu cảnh là nóc nhà Tiểu thủ công nghệ, nay là khách sạn Sheraton. Tư liệu: Lương Tấn Thành.
Quảng cáo của các cửa hàng trên đường Catinat đăng trên báo Xuân Tự Do và Tiếng Chuông Xuân Tân Mão 1951.
Hình như phía sau vẻ đẹp của một con đường phồn hoa luôn có những nỗi buồn, những mảnh đời không vui. Tôi nhớ giọng hát cũ của nhạc sĩ Trần Văn Trạch: “Trời khuya vui bước trên đường Catinat/ Người đi còn năm ba khách không nhà/ Ngàn mây sao chiếu trên trời đầy mơ/ Hàng cây lặng im nghe gió dưới trăng mờ. Còn kia vài ba búp bê đang nhìn/ Ngồi im và vương mắt trông ra mơ hồ/ Tình duyên say đắm trên lầu đèn che/ Tỉnh mê còn ai đang đứng bên lề…”. Con đường này tôi đã đi qua nhiều lần, từ lần duy nhất hồi nhỏ được vào Brodard cùng ông anh cả đến bao lần lang thang đi ăn uống, mua sách, xem tranh sau này, khi Givral và Brodard chưa đóng cửa. Nhưng tôi cảm thấy mình chưa bao giờ thuộc về con đường này. Có lẽ nó không thuộc về ai cả, bởi con đường huyền thoại này đã dan díu với bao tâm hồn tha hương từ bốn phương trời, hơn một trăm năm nay rồi.
NHỚ VỀ SAIGON DEPARTO
Trên báo Xuân Chính Luận năm 1969, bài phóng sự của H. Thủy Ba bộ mặt của Tết Sài Gòn có nêu: “Đi đến đường Tự Do mà không ghé Saigon Departo thật là một thiếu sót. Trong dịp Tết đến, Saigon Departo được huy động toàn lực để… vét túi khách hàng giàu sang. Dân nghèo mà vô đây thì đúng là cảnh chim chích lạc vào rừng. Các món nữ trang, mỹ phẩm đến các đồ tiểu thủ công nghệ chẳng hạn như đèn trang hoàng, giá cũng phải ba bốn chục ngàn một món. Dân nghèo sức mấy mà sờ vào đó. …Ít người tay xách nách mang vì có xe hơi bên cạnh, mua gì là họ gọi tài xế tống ngay lên đó chở về nhà…”.
Sài Gòn thời đó, ai mà không biết Saigon Departo là bị chê “quê một cục”. Nhiều người, nhất là giới phụ nữ, cố gắng đến ít nhất một lần cho biết, nhân tiện ghé cửa hàng thực phẩm Pháp gần đó mua bơ Bretel hay cá mòi Sumaco, nước tương Maggi ăn với bánh mì cho bữa điểm tâm.
Sự hiện diện của loại hình Trung tâm bách hóa tổng hợp ở Việt Nam có bề dày không lâu và do người Pháp lập nên. Nổi tiếng nhất miền Bắc là Gô-đa (tiếng Pháp là Godard) sang trọng bậc nhất thời Pháp thuộc, nay là Tràng Tiền Plaza. Còn ở miền Nam, đó là thương xá Tax. Tòa nhà bách hóa tổng hợp này có lịch sử lâu đời, được khởi xây từ những năm 80 của thế kỷ 19, lúc đầu mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC). Khi cuốn sách này ra đời, người Sài Gòn vẫn còn băn khoăn tự hỏi phương án xử lý đã công bố có thật sự lưu giữ được giá trị lịch sử và kiến trúc của nó hay không?
Năm 1967, song song với việc thành lập siêu thị đầu tiên ở miền Nam và chắc là của cả nước, một trung tâm bách hóa tổng hợp đã được mở ra ở Sài Gòn, cạnh tranh thu hút khách với thương xá Tax. Điều cần lưu ý là trung tâm buôn bán này được vận hành khá bài bản, hiện đại không khác mấy so với các trung tâm thương mại hiện nay. Đó là Saigon Departo, thiết lập tại đường Tự Do, quận Nhứt (nay là đường Đồng Khởi), trực thuộc Sài Gòn đại bách hóa thương xã.
Departo là từ do người Nhật dùng để gọi Department store của Mỹ, Anh. Saigon Departo mượn cái tên này nói lên tính chất và quy mô của trung tâm. Như tất cả các trung tâm bách hóa, người dân đến đây có thể mua đủ loại vật dụng cho gia đình, đồ dùng hàng ngày, dụng cụ bếp, văn phòng, vải vóc quần áo, đồ dùng du lịch v.v… mà không phải đi đâu xa.
Sau khi xuất hiện không lâu, cái tên Departo ở Sài Gòn đã mang ý nghĩa thời thượng thu hút khách hàng do bán nhiều đồ cao cấp, và có cách bài trí hàng hóa tiện lợi và đẹp mắt, phong cách phục vụ mới mẻ, như một làn gió mới thổi vào đời sống của người Sài Gòn thập niên 1960.
Việc đào tạo nhân viên ở đây tiến hành khá bài bản trong điều kiện đang có chiến tranh là điều ít ai ngờ tới. Trước khi chính thức mở cửa vào ngày 16 tháng 7 năm 1967, Ban giám đốc trung tâm này dành hơn nửa năm sang Nhật Bản, Hồng Kông và vài quốc gia châu Âu để nghiên cứu thị trường, sản phẩm và học hỏi kinh nghiệm. Việc tuyển chọn nhân viên được tiến hành từ cuối năm 1966. Hơn 60 thiếu nữ bán hàng được tuyển dụng đều có trình độ trung học, học thức khá và nói được tiếng Anh, Pháp. Họ được ông Trần Thiện Ân, người của Bộ Kinh tế chính quyền Sài Gòn đào tạo trực tiếp. Ông Ân tốt nghiệp chuyên ngành Department store tại Mỹ, từng thực tập tại trung tâm bách hóa R.H. Macy ở New York bốn năm nên có nhiều kinh nghiệm. Ông huấn luyện nhân viên từ lý thuyết đến thực hành về cách giao dịch và cử chỉ niềm nở với khách, cách bán hàng, gói hàng, giới thiệu hàng.
Tuy chỉ có hai tầng, trệt và lầu, chiếm 1.500 mét vuông, trung tâm có đủ các khu vực bán hàng: khu vật dụng trong nhà, khu mỹ phẩm và đồ mỹ nghệ, thực phẩm công nghiệp như đồ hộp. Trên lầu bán vải vóc, quần áo trẻ em may sẵn, máy thu thanh, máy vô tuyến truyền hình, đồ điện. Tầng này có khu giải trí cho trẻ em và khu giải khát có máy phát phim ca nhạc sử dụng đồng jeton bỏ vào lỗ để chọn phim. Hàng hóa ở đây chiếm tới 70% hàng nước ngoài và có 30% hàng trong nước. Với cơ cấu hàng hóa đó, khách mua hàng là giới khá giả ở Sài Gòn và người nước ngoài. Các dịp lễ Tết, cửa hàng rất đông khách.
Cùng với siêu thị Nguyễn Du và thương xá Tax, Saigon Departo tạo nên bộ mặt thương nghiệp hiện đại của Sài Gòn cách nay gần nửa thế kỷ, sớm thúc đẩy nền thương nghiệp mang tính cạnh tranh của người Sài Gòn và giúp dân chúng quen với mô hình buôn bán hiện đại, tiện dụng của thế giới trong điều kiện chiến tranh, không dễ gì ra nước ngoài du lịch tìm hiểu cuộc sống quốc tế.
HOÀI VỌNG TÂN ĐỊNH – ĐA KAO
Chỉ cách nhau một chiếc cầu thôi, Phú Nhuận của tôi lúc nào cũng là khu đô thị hiền hòa, an phận so với vùng Tân Định – Đa Kao phồn hoa. Đi quá cầu Kiệu, khu Tân Định như mở ra một thế giới khác của Sài Gòn. Con đường Trần Quang Khải bắt đầu không gian đó, với cây cao bóng cả sang trọng như ấp ủ một thời Sài Gòn xưa cũ đầu thế kỷ, năm nào vào đầu mùa gió chướng cũng đổ lá và mùa hè lại trút những cánh hoa dầu xoay lên đầu khách qua đường và trên những mái ngói của đình Nam Chơn.
Ông anh cả của tôi học trường Văn Lang ở đầu đường Trần Quang Khải vẫn nhắc tới giáo sư – nhà thơ Vũ Hoàng Chương ròm tom, đi dạy học trên chiếc xích lô đạp đầu những năm 1960. Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng dạy ở trường này. Lớp có tới hơn 90 học sinh, ngồi chen chúc như cá mòi hộp.
Anh nhớ đầu tháng 11 năm 1963, sau ngày ông Diệm bị lật đổ, trước trường giăng một biểu ngữ lớn có những câu thơ của thầy Vũ Hoàng Chương: “Bao chiến công từ xưa tới nay/ Sáng lên vì bởi chiến công này/ Lòng dân họng súng mười phương lửa/ Trở lực nào cũng phải bó tay/ Giữa cơn chiến thắng nồng say/ Cùng hô: nước Việt đến ngày vinh quang/ Nam nữ sinh trường Văn Lang/ Mượn lời thi sĩ Vũ Hoàng kính dâng…”
Gần chục năm sau thời đi học, anh chở tôi bằng chiếc Honda Dame mới toanh vừa mua được nhờ đồng lương giáo chức, hãnh diện chạy qua khu Tân Định, chỉ ngôi trường cũ và chở tôi đến Yiễm Yiễm thư quán của một ông thầy khác – nhà thơ Đông Hồ. Ở đó, anh mua cuốn sách Tục ngữ phong dao bìa màu nâu của Nguyễn Văn Ngọc và từ đó, nó trở thành cuốn sách mà tôi mê mải đọc đi đọc lại suốt thời thơ ấu cho đến khi bị thất lạc. Yiễm Yiễm thư quán nhỏ thôi, nằm trên con đường nhỏ Trần Văn Thạch, nay là Nguyễn Hữu Cầu. Đến thư quán, anh tôi ngó nghiêng vào nhà trong nhưng không thấy ông thầy nhà thơ của mình đâu cả. Anh bảo ở giảng đường Văn khoa, thầy giảng bài rất say sưa, thích bận áo dài thâm. Ở nhà, thầy thích chưng hoa cúc hay phong lan, viết câu đối, xông trầm thơm ngát, nhất là khi Tết đến. Quý mến thầy, anh sửng sốt khi nghe tin ông bị đứt mạch máu chết trên giảng đường Văn khoa lúc giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang. Lúc đó, anh đang dạy học tuốt trên biên giới Việt – Miên và chỉ biết thương vọng từ xa. Yiễm Yiễm thư quán, khoảng giữa thập niên 1980 khi có dịp đi ngang đó, tôi vẫn thấy còn tấm bảng hiệu trên cao, cửa nhà đóng im ỉm.
Ông Dương Hữu Đạt tuy sống trên đường Trần Quý Khoách nhưng lại cảm thấy gắn bó với khu Đa Kao, nơi ông sống từ hồi nhỏ trên con đường Albert Premier, nay là Đinh Tiên Hoàng, đoạn quận I. Ông cho rằng người Sài Gòn thời đó sống chân chất, hiền lành hơn, mâu thuẫn giữa người Việt và Pháp cũng không gay gắt. Ông nhớ những người dân nghèo từ lục tỉnh lên sống lang thang trên đường phố khu Đa Kao, đánh giày hay bán sách dạo in bằng tiếng Pháp cho những bà đầm, anh lính hay viên công chức người Pháp. Họ kiếm sống từng bữa, ăn cơm hàng cháo chợ tằn tiện và không tham lam. Nhiều lần ông thấy những người lính Tây say rượu nằm lăn ra trên đường ngủ, bỏ mặc xe đạp chỏng chơ bên lề đường. Mấy người đánh giày hay bán sách dạo dựng xe của họ lên, đạp mấy vòng phố xá chơi cho biết rồi đem đặt trở lại bên ông Tây say mèm. Những người đạp xích lô đầu những năm 1950 hay đậu xe bên lề đường này chờ khách. Họ thích uống cà phê bít tất, còn gọi là cà phê vợt hay cà phê kho, đổ ra dĩa cho mau nguội, uống nhanh để còn lo chạy mối. Trong khi chờ khách, họ nằm khểnh đọc báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, mải mê đọc truyện của các ông Thiếu Lăng Quân, Phi Long… Ông Đạt nghe mấy bà đầm Pháp kháo nhau rằng thật đáng ngạc nhiên khi dân lao động nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc báo và có khi đọc sách nữa, điều không thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm sống lề đường bên Pháp.
Khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm - tên thường gọi phụ nữ người Hoa. Bà thuộc nhóm phụ nữ Hoa giúp việc nhà rất được người Pháp tin cậy, trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây mà họ trông nom, cho ăn, đưa đi học mỗi ngày. Bù lại, họ trung thành với chủ, sạch sẽ, nấu ăn ngon, dạy dỗ và thương yêu đám con nít. Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này làm việc nhà không có gì sai sót trong mắt ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng xe Rồng Xanh (Dragon Vert). Tuy nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số tiền lớn và bà xẩm bị nghi ngờ. Không biện minh được, bà xẩm thắt cổ tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình.
Người dân ở đây sống lâu với người Pháp nên hiểu họ khá rõ. Với tâm trạng tha hương, những anh lính hay giới công chức Pháp thích hưởng thụ xả láng cuộc sống vui chơi ở thuộc địa, nhiều người chìm đắm trong men rượu hòng quên đi nỗi nhớ quê hương và những nỗi căng thẳng khác. Đồng lương của họ được xài phung phí, chỉ sau vài ngày lãnh lương là gần cạn. Thỉnh thoảng lại có những trận đánh nhau giữa phu xích lô, thợ đánh giày với những người Pháp say rượu trước mấy cái nhà hàng khúc đường trước rạp hát Casino.
Sau khi tin tức về trận Điện Biên Phủ lan về Sài Gòn, người Pháp khu Đa Kao buồn và thu mình lại khiến người dân chung quanh không dám giao thiệp với họ. Ở gần nhà ông Đạt có anh lính Pháp thỉnh thoảng kêu một anh chàng bán sách dạo có biệt tài thổi kèn bằng cọng lá đu đủ, thổi cho hắn nghe bài La Marseillaise , để rồi hắn lẩm bẩm hát theo:
Allons enfants de la Patrie,
Le jour de gloire est arrivé!
Contre nous de la tyrannie,
L’étendard sanglant est levé...
(Tạm dịch:
Hãy tiến lên những người con Tổ quốc
Ngày vinh quang đã đến rồi!
Chúng ta hãy chống lại sự áp bức
Ngọn cờ nhuốm máu đã giương lên
Theo Wikipedia
Có lúc người thổi kèn lá thổi sai nhạc, anh lính này bực bội càu nhàu. Tuy vậy, lần nào anh lính cũng cho tiền người thổi kèn lá. Và chỉ yêu cầu thổi cho anh ta nghe mỗi bài La Marseillaise , quốc thiều Pháp.
Mùa hè 1975, tôi lang thang ra lề đường Trần Quang Khải để mua sách. Trên lề đường, những người bán bày mớ sách tuồn ra từ các nhà cho thuê truyện bị đóng cửa. Cuốn nào cũng được đóng kẽm sát gáy, bọc ny lon, bên trong chi chít những dòng ghi vội ngày cho thuê mới nhất bằng bút nguyên tử (tức là bút bi theo cách gọi sau này). Tôi thấy có tên Nhà sách Toàn Hiệp, Tân Dân ở gần nhà tôi trên bìa mấy cuốn sách quen thuộc với tôi như Đêm dài một đời, Thềm hoang, Phượng… Xen giữa mớ sách bán rẻ là vài cái hộp gỗ, bức tranh nhỏ đề tên Xưởng mỹ nghệ Thành Lễ, Công ty mỹ nghệ Mê Linh giá khá cao.
Có dạo tôi thường ghé nhà một anh chuyên rửa ảnh đen trắng thủ công trên con đường này. Trong lúc chờ đợi in tráng ảnh trong buồng tối, tôi đi bộ quanh khu Tân Định, hỏi dò vài người sống quanh đó về một quán cà phê mở sau 1975 của đôi vợ chồng nghệ sĩ Từ Dung – Từ Công Phụng mang tên ”Từ Dung”, có chiếc piano trắng nhưng không ai biết quán đã từng đặt ở đâu. Tôi đi ngó đồ bán "xôn" trên lề đường, đi tràn sang phía bên khu xóm Vạn Chài và dọc đường thơ thẩn, tôi phát hiện có quá nhiều cái đình chỉ trong một khoảnh đất không lớn. Đình Nam Chơn, rồi đình Phú Hòa từng là nơi có quán cà phê của nghệ sĩ nổi tiếng Bảy Nhiêu, thân phụ của các nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan. Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh. Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là đình Tân An. Đình Nghĩa Hòa cũng trên đường Trần Quang Khải. Sau này đọc sách của tác giả Phụng Nghi mới biết xóm Vạn Chài (một cái tên hình dung về một làng ven biển chuyên đánh cá) ở vùng Đa Kao này là xóm của những người dân chài từ miền Nam Trung bộ di dân vào. Khi đã ổn định, họ lập ra tới bảy ngôi đình để tiếp tục thờ Thành hoàng của làng đánh cá ở quê cũ, mà họ gọi là Vạn.
Đôi song ca Từ Dung - Từ Công Phụng nổi tiếng từ thập niên 1970. Rất ít thấy hình ảnh của Từ Dung trừ tấm ảnh cô đeo kính râm che đôi mắt. Họ gắn bó một thời với đường Trần Quang Khải khi mở quán cà phê nhỏ trên con đường này. Ảnh: báo Điện Tín Xuân 1973.
Khu Tân Định – Đa Kao thú vị vì có rất nhiều con đường nhỏ nhưng sầm uất từ thời Tây, hàng quán quá nhiều, người tài cũng lắm. Bác Hai, chủ tiệm rửa ảnh kể tôi nghe về những hàng quán ngon lành mà giới công chức cao cấp thời trước 1975 thích ghé như nhà hàng Casino Đa Kao, có món độc đáo nhất là món tôm hùm đút lò. Nhà hàng cơm Tây La Cigale (Con ve sầu) trên đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) có món tôm cua ốc ăn với thứ nước chấm ngon. Anh con trai bảo rằng ở khu này, thích nhất là mì Cây Nhãn ở đường Đinh Tiên Hoàng và bánh mì thịt giăm-bông pa-tê Bảy Quan đường Huỳnh Khương Ninh. Còn cà phê ngon phải là cà phê Thái Chi trên đường Nguyễn Phi Khanh.
Ở đường Huỳnh Tịnh Của có một ông họa sĩ mà lâu nay không thấy báo chí nhắc tới, ông Nhan Chí. Khi đến thăm một họa sĩ sơn mài nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi được nghe ông ca ngợi về họa sĩ này: “Ông Nhan Chí vẽ chân dung bằng phấn tiên rất đẹp và sống động. Cách vẽ của ông là vừa vẽ vừa nói chuyện với người mẫu thật thoải mái, khiến mọi nét tự nhiên sinh động của cô người mẫu bộc lộ ra hết”.
Tài năng của ông thu hút những khách hàng là các vị đại sứ của Mỹ, Nam Dương, Hòa Lan. Bà Ngô Đình Nhu trước kia có đến đặt vẽ chân dung. Xưởng vẽ của ông ở số 60/55H trên con đường này, nay không còn dấu vết. Dân quanh vùng một thời kháo nhau về ông họa sĩ có “tóc kiểu Victor Hugo, bộ ria Mông Cổ” và khách đến đặt vẽ toàn đi xe hơi.
Đám trẻ nhỏ ở đó lại không quan tâm đến việc vẽ vời của ông Nhan Chí mà chỉ khoái cái bàn bóng bàn nhà ông vì cha con ông rất mê bóng bàn.
Ở đô thị Sài Gòn cũ, khu Đa Kao – Tân Định có thể nói tập trung nhiều tinh hoa của thành phố này nhất. Đó là vùng đất tụ hội những người tài hoa, cá tính, sành điệu... thể hiện nhiều nhất lối sống Sài Gòn. Nó là khu tiểu đô thị sầm uất bên cạnh quận I với giới kinh doanh lớn, người làm dịch vụ cao cấp, người Hoa – Ấn trong giới kinh doanh và người nước ngoài. Một trung tâm khác là Chợ Lớn với cộng đồng người Hoa giỏi làm ăn buôn bán. Do tính chất riêng của mình, khu Tân Định – Đa Kao có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, sống vui, đa dạng và nhộn nhịp hơn.
Những dòng này chỉ là dăm nét chấm phá về một vùng đất mà người viết từng lang thang qua lại hơn 30 năm trước, từ khi nhìn bông dầu xoay tròn trên đầu, thấy đời thật vui trong những tối đi chơi với bạn bè, ghé ăn đêm trên vỉa hè chợ “nhà giàu” Tân Định. Hay từ những buổi sáng gần Giáng sinh se lạnh, khi Sài Gòn còn ngây thơ hơn bây giờ, mê mải chọn thiệp và ngắm cây thông bên nhà thờ Tân Định đường Hai Bà Trưng.
"NGƯỜI TRONG NÀY HỌ NHƯ VẬY…"
Trong sổ ghi chép của ba tôi vài năm trước khi mất, ông nhắc đôi lần về nỗi tiếc nuối khi không thể ở lại quê nhà, để được sống trọn đời trên đất cù lao Phố nằm vắt vẻo giữa sông Đồng Nai. Ở đó, có ngôi nhà vườn bằng gỗ mái lợp ngói của ông nội tôi nhìn ra mặt sông, có đôi rùa – hạc bằng gỗ cao một mét do chính tay ông nội tạc để hiến tặng đình Tân Giám. Ông còn nhớ nhiều người già truyền tụng chuyện ông nội tôi dám đứng ra đề nghị viên chức trong làng bỏ bớt tục đãi đằng người đến phúng viếng đám tang, đã tốn kém lại sinh sự do nhậu nhẹt trong khi gia chủ đang đau buồn, nhiều nhà đã nghèo còn mắc nợ triền miên sau khi chôn cất người thân. Đó là một cuộc cách mạng nho nhỏ đáng tự hào của ông nội đóng góp cho cuộc sống đất cù lao, khiến ba tôi cảm thấy nên ở lại mảnh đất đó với tư cách con trai trưởng, để dòng dõi được nối tiếp và bồi đắp quê hương.
Nhưng sức hút của Sài Gòn quá lớn đối với một người đàn ông sinh trưởng ở vùng đất chỉ cách đô thị này chưa tới ba mươi cây số. Nói cho cùng, Sài Gòn đã mang đến cho ông cuộc sống thoải mái hơn những ngày ở Biên Hòa làm công việc đo đạc đất đai theo viên Kinh lý, hay lúc dạy học trong làng luôn nơm nớp lo sợ vì không có giấy phép của nhà nước Tây. Giấc mơ hồi hương của ông chỉ là những thoáng mơ qua như bao người chọn nơi đây làm quê hương mới. Anh em chúng tôi sinh ra và lớn lên trên đất Sài Gòn quê mẹ, gắn bó với thành phố này trong khi người cha sinh thành mang tâm sự kẻ tha hương. Ba và chúng tôi đã khác nhau trong tâm thức về một nơi gọi là quê hương.
Sau khi ông mất không lâu, tôi đọc lại tập Một cuốn sách Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ trong tủ sách gia đình để hiểu thêm về sức hút của Sài Gòn, từ hơn bảy mươi năm trước. Đó là thời gian ba tôi mới lấy xong bằng Sơ học Pháp Việt:
“Thỉnh thoảng đôi người đi Đồng Nai về khoe rùm lên rằng ở Sài gòn nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng ba thước, trên bộ xe hơi chạy “boong boong”, dưới nước tàu thủy chạy “vù vù”, tối đến đèn điện thắp sáng choang như ban ngày, ông Tây bà Đầm ôm nhau “đăng xê” coi vui mắt quá chừng!
Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của dân An nam ta!
Một số đông phụ nữ trẻ đẹp nhưng buồn duyên tủi phận, giận mẹ chồng hiếp đáp hoặc bị chồng hất hủi, thường “cuốn gói” đi “Đồng Nai Gia Định” mặc dầu phải đi bộ. Rồi năm bảy năm sau trở về thăm bà con cô bác, họ đeo đầy vòng vàng, hột xuyến, chói lọi trên tay trên ngực, má phấn môi son, đầu tóc thơm ngát mùi nước hoa. Thường thường cô Hai hay cô Ba thích dắt theo về một người chồng Đồng Nai, bận áo quần bằng lãnh đen, chân đi giày Tây, đầu đội mũ Tây, miệng bịt răng vàng, và hút thuốc lá Tây…
Đàn ông đàn bà ở đất “Hòn ngọc Viễn Đông” đi về đây trông oai như ông Hoàng, bà Chúa.
Cho nên hầu hết những thanh niên buôn bán ở các tỉnh miền Trung đều đi bộ theo con đường cái quan, hoặc đi ghe bầu theo đường biển, kéo nhau vào Đồng Nai Lục tỉnh…”.
Trên các giai phẩm Xuân, kỷ niệm về Tết Sài Gòn xưa luôn là đề tài được độc giả ưa thích. Giới viết lách, đa số là dân nhập cư nên luôn có chuyện để viết về đề tài này, hoặc họ sẽ phỏng vấn những nhân vật có tên tuổi để được nghe những nhận xét độc đáo về nơi đang sống. Các câu chuyện thường vây quanh khu vực trung tâm Sài Gòn, như chợ Bến Thành, đường Lê Thánh Tôn, phố Bonard – Lê Lợi hay Catinat – Tự Do – Đồng Khởi sau này. Qua các câu chuyện, có thể thấy nhận thức về Sài Gòn của họ tuy ban đầu có bỡ ngỡ, có khi nhầm lẫn, nhưng dần rõ và đúng thực chất hơn. Họ luôn phát hiện những điều thú vị mà người sống ở đất đô thị này từ nhỏ đến lớn không phát hiện ra. Có lẽ là từ sự so sánh với những thói tục của quê hương bản quán của người viết.
Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải cống hiến một câu chuyện thú vị trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Bách Khoa năm 1967. Ông nhớ lại 40 năm trước, năm 1927: “Một hôm nọ, tôi ghé thăm một người đồng hương bán đồ cẩn xà cừ ở bên hông chợ Sài Gòn. Đường Sabourain, bấy giờ là đường Tạ Thu Thâu. Đang hàn huyên thì có một ông khách vào, hỏi giá một món đồ, người Nam, mặc áo bà ba trắng, đi guốc vông. Dân thầy không ra dân thầy. Dân thợ không ra dân thợ. Tôi tưởng ông ta là một khách qua đường rỗi rãi, hỏi chơi để giết thời giờ, chớ cái bộ vó ông ta như thế, tiền đâu mà mua nổi món đồ bạc ngàn.
Ông ta xin bớt hai trăm. Chủ hiệu bằng lòng bớt một trăm. Tôi tưởng ông ta sẽ bỏ đi, qua một cửa hàng khác. Nào ngờ ông ta ưng thuận, móc bóp ra, lấy chín trăm đồng trả. Hai ông biết chín trăm đồng hồi bốn mươi năm về trước là một cái gia tài nhỏ. Khi ông ta mở bóp, tôi nhìn thấy giấy bạc lớn còn nhiều. Người nhà hàng bao, cột món đồ xong, ông ta ra cửa ngoắt, một người tài xế mặc đồ Tây vội vã chạy đến, ôm món đồ vừa mua để lên một xe nhà sang trọng. Ông ta vui vẻ bắt tay người chủ hiệu lên xe. Thấy tôi ngạc nhiên ra mặt, ông bạn tôi cười: “Người trong này, họ như vậy đó bác. Một nhà giàu có hạng ở đây mà đi phố họ ăn mặc giản dị như thế đó. Lúc mới vào, tôi cũng thường đánh giá họ lầm như bác.”. Tôi như được mở mắt ra, và cảm thấy thương thương cái đất “Nam... kỳ” này. Nơi đây, người ta sống hồn nhiên, ít bị lễ nghi, tập quán ràng buộc như ở Bắc, ở Trung.”.
Các nghệ sĩ ăn cơm ở quán cơm xã hội Anh Vũ dành cho học sinh, sinh viên và nghệ sĩ ở đường Bùi Viện, quận I đầu thập niên 1960. Tạp chí Trẻ tập I số 8.
Ông kể tiếp “... Một chiều thứ bảy, tôi được thấy cảnh thầy thông, thầy phán, anh em thợ máy, anh em phu xe ngồi quây quần trong các quán ăn ở chợ Bến Thành cùng nhau bàn chuyện phiếm, chuyện đời, hay chuyện thời sự một cách tự nhiên, thẳng thắn. Bầu không khí cởi mở ấy giữa những hạng người khác nhau ấy làm tôi càng thích lối sống trong Nam…”
Cuộc sống như vậy không thể không cuốn hút người đến đây sinh sống, giúp họ tạm quên nỗi nhớ quê và thấy giữa những người lạ chia sẻ được tình ấm áp trong cuộc kiếm sống hằng ngày.
Nhà báo Việt Tha, một nhà báo kỳ cựu, yêu nước của Sài Gòn cách nay 65 năm trên báo Tiếng Dội số Xuân Canh Dần 1950 có viết một bài hồi ký về câu chuyện kiếm tiền ăn Tết của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và những người cùng chí hướng. Họ mới ra tù và rất khó khăn, nhưng do sự khôn ngoan lanh lợi của họ và tấm lòng hào sảng của những người dân Sài Gòn mà họ có một cái Tết vui và đáng nhớ.
“Năm 1933 là năm kinh tế khủng hoảng đi đến cực điểm. Lúa 3 cắc một giạ. Cao su 7 cắc 1 kilô. Nông dân sản xuất lúa gạo sống một cuộc đời bần hàn, cơ cực. Kẻ ở châu thành đói khát và rách rưới, mặc dầu một cắc bạc có thể ăn no và một đồng bạc may được một bộ quần áo trắng. Hạng “thầy” ăn lương 45 đồng 1 tháng là cao lắm rồi. Hạng đứng bán ở Charner lãnh chỉ được mỗi tháng 25 đồng thêm ít cắc. Xe kéo một cuốc 5 xu, và dân phu cực nhọc trọn ngày lãnh cao lắm là 4 cắc rưỡi. Nhưng cũng không có công việc làm! Thành phố Saigon đếm hơn 5 ngàn người thất nghiệp. Trong số nầy chỉ độ 3 trăm người được tế độ; mỗi ngày hai bữa để sống cầm chừng, còn bao nhiêu, lê lết mòn giày không tìm ra việc. Một số thất nghiệp phải bỏ châu thành hoa lệ về ẩn núp ở đồng quê để chờ cơ hội…
Tháng Chạp đến, số đông dân chúng ở Saigon gặp nhau thì đầu câu chuyện là than với nhau: “Trời ôi! Năm nay làm sao ăn Tết được?”. Theo như mấy năm về trước, tháng nầy hàng vải bán rần rần và các món gì dùng ăn Tết được kẻ khuân, người vác. Năm ấy, rằm tháng Chạp đến nơi, chợ Bến Thành vắng teo và có lẽ người đi mua ít hơn kẻ ngồi bán. Bởi vậy, chung quanh chợ và đám đất bùng binh không ai thèm mướn. Hai mươi đã qua, mà quang cảnh chợ Saigon chưa có mòi gì thay đổi. Một vài gian hàng bán Tết dọn ra từ sớm đến chiều tiền lời vừa đủ ăn cơm và đóng tiền chỗ.
Cũng năm nầy, có vài chục anh em chánh trị phạm được tha hoặc được mãn tù, vì không thể sống ở làng đều nương náu ở đây để đi tìm việc.
Họ đi tìm việc gì được bây giờ? Thiên hạ đã thất nghiệp cả ngàn, hơn nữa nhiều người ái ngại không muốn dây vào họ, cũng không ai ưa họ. Trong số anh em đó có hai anh Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm. Anh Ninh có đất, có nhà ở Mỹ Hòa (Gia Định), song huê lợi để nuôi bốn đứa con không ngoài năm bảy trăm gốc trầu do chị Ninh vun quén. Riêng anh Hùm, có cha mẹ giàu có ở Búng, nhưng chí hướng bất đồng, bỏ xuống Saigon để sống lây lấy với anh em trong một căn phố ở đường Reims [1] .
Tết gần đến nơi, dầu năm nầy thiên hạ khốn đốn, song ai nấy cũng ráng chạy chọt cho có tiền ăn Tết. Riêng các anh nầy, chẳng những không lo nghĩ đến ngày xuân mà bữa ăn ngày mai họ cũng không buồn nghĩ đến. Đã hăm ba Tết, ngoài đường lai rai tiếng pháo nổ. Chung quanh Chợ Mới [2] người qua kẻ lại cũng rộn rịp hơn ngày thường. Đêm nay anh Ninh kéo nhóm bạn sáu bảy người đi vài tua chợ, rồi rủ nhau vào quán ở đầu đường Alsace-Lorraine [3] uống nước trà. Nước trà là sở thích của anh Ninh. Uống được lối hai chén, anh đặt chén xuống, kể cho anh em nghe quãng đời của anh ở Paris. Anh bị túng thiếu, đi làm công cho một hiệu buôn để bán hàng lẻ ở các nơi có chợ phiên.
Nói đến đây, anh nhắc đến mấy gian hàng mà khi nãy đã đi qua mà người bán ngồi bí xị như con lân sành. Họ không biết kêu khách, mời khách và dụ khách để ý đến món hàng đặng mua, nhứt là món hàng dùng trong dịp Tết càng dễ bán hơn hết. Anh càng nói đến vụ bán hàng bằng cách rao to lên (vente à la criée), anh em ngó thấy anh càng hăm hở với ý định ra chợ bán Tết. Nhưng lúc đó, trong anh em ai cũng rụt rè, một là không quen, bợ ngợ quá lẽ. Hai là không vốn mua đồ để bán.
Đến khuya, họ kéo nhau về ngủ. Tại căn phố đường Reims chỉ có vài bộ ván nhỏ, anh em chia nhau kẻ nằm trên ván, người nằm dưới đất. Tiếng là về ngủ, song về đây anh Ninh lại tiếp tục hăng hái, thuyết phục mọi người tán thành ý kiến của anh, để ngày mai lập tức cất gian hàng và kéo nhau “chiếm thị trường” Chợ Mới. Anh bảo: “Ngày mai, tôi chỉ chạy được 5 đồng bạc đưa cho Nguyễn Văn Số, đi Cầu Kho mua cây vụn và đệm buồm để lập gian hàng”.
Có đủ mấy thứ cần dùng rồi, anh Ninh đi kiếm sơn về vẽ “bảng hiệu”trên tấm đệm. Gian hàng không có tên hiệu, chỉ có mấy chữ: NĂM NAY CÒN ĂN TẾT ĐƯỢC. Trong ngày 24 tháng Chạp, gian hàng dựng xong ngang bến xe đò đi Thủ Dầu Một gần chợ. Anh em còn đang thắc mắc sẽ bán hàng gì thì anh Nguyễn Bá Tường lúc bây giờ làm mại bản cho nhà thuốc “Thoại Dư Đường” đem giao một ngàn ve cù-là, khỏi trả tiền trước. Ai đời gian hàng bán Tết mà chưng lên chỉ có một món cù-là! Nhưng không sao, chiều hôm đó, anh Ninh bắt đầu đứng rao hàng. Tiếng anh thật tốt, từ đầu chợ đến cuối chợ đều nghe rõ CÙ-LÀ, và nội mấy tiếng đồng hồ, một ngàn ve dầu cù-là bán gần hết. Năm xu một ve, vốn là ba xu rưỡi. Đêm nay đã có tiền cà phê và sáng ra khỏi lo tiền chợ. Anh em hiểu rằng sở dĩ bán được là nhờ anh Ninh được công chúng có cảm tình, còn người nào không biết anh lại bị mê mệt với “mốt” rao hàng, mời mọc của anh. Dầu cho không cần dùng đến cũng bỏ ra một cắc để mua hai ve bỏ túi. Đến khoảng 9 giờ tối, thiên hạ bu trước gian hàng chen nhau mua dầu cù-là, trong số người mua có cả người mặc Âu phục và các cô đồ “mốt”. Anh Ninh đã quen lối sống của Paris, rao không ngợ miệng, anh nói cả dây, cả nhợ và cắt nghĩa lợi ích của cù-là, và giải nghĩa cái tên cù-là. Ở Saigon, có một số người biết mặt anh Ninh và cũng có nhiều người không biết dù nghe tiếng. Thế là họ rủ nhau “Muốn biết mặt ông Ninh, mau lại mua cù-là để biết”. Người nào đã biết càng móc túi để ủng hộ anh. Càng khuya, gian hàng NĂM NAY CÒN ĂN TẾT ĐƯỢC càng đông khách, nhờ bạn hàng ở chợ rảnh khách kéo nhau lũ lượt đi mua cù-là ông Ninh. Có ông già nhà quê đứng xa xa nhìn anh Ninh, và chờ cho bớt khách mới xáp lại gần, móc túi lấy cái gói ra, rồi chậm rãi mở từ lớp giấy lấy một đồng bạc đem lại đưa tận tay anh Ninh để mua cù-là. Ông mua hai ve, đưa một đồng bạc và từ chối không lấy tiền thối. Anh Ninh từ chối, ông đứng năn-nỉ để phải nhận chín cắc dư của ông.
Đêm đó chưa phải đến phiên chợ đêm ngày Tết, các gian hàng chỉ bán tới 12 giờ thôi. Lối 11 giờ, nhiều hiệu buôn ngó thấy chỉ có gian hàng nầy bán đắt xúm nhau đem đồ lại gởi bán. Lúc bấy giờ, nhóm anh em tám người của anh Ninh rất mừng vì ngày mai, ngoài cù-là, họ còn có xi-rô HIỆP-HÒA, thuốc ĐẠI-NAM, xà-bông CON CỌP, bánh in BỔN LẬP, trà NGHI-BỒI-NHÂM, guốc THIỆN CHIẾU, dầu thơm hiệu CINQ FLEUR… để bán nữa.
Buổi chợ ngày 25 tháng Chạp, từ sớm đến chiều, thiên hạ đứng trước gian hàng chật cả một khúc đường, nhứt là vào buổi tối. Anh Phan-văn-Hùm phải thay thế cho anh Ninh rao ó lên. Càng rao, càng hấp dẫn khách hàng hoặc những người cảm tình. Những người hiếu kỳ đến xem một mớ người trí thức, thiệt sự trí thức Tây học đứng bán hàng, rao hàng không e lệ, sụt sè, trong lúc bọn trí thức lỡ mùa khi ấy, ngồi chễm chệ trên xe kéo mang bộ mặt phách lối, khiếm nhã sai khiến người nghèo. Suốt ngày và đêm hôm đó, anh em thay phiên nhau bán cho đến sáng và từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, không phút nào vắng khách. Bán đắt hàng đến đỗi các gian hàng khác sai người lại thăm chừng và các quán cơm gần bên, nhờ có gian hàng Ninh-Hùm mà bán cơm rượu không dứt khách.
Bán xong ba buổi chợ đêm, anh em mệt đừ, nhưng nhờ buôn may bán đắt, nhưng được tinh-thần họ ráng thức cho vui, không nghĩ lời lóm. Buổi chiều 29 là buổi chợ chót, người ở Saigon bớt nhiều bởi một số đông đã lên xe về ăn Tết ở tỉnh, thế mà gian hàng NĂM NAY CÒN ĂN TẾT ĐƯỢC vẫn còn đông và càng đông là nhờ tiếng đồn đã hai ngày ở các xóm lao-động rằng: Ông Ninh bán chợ Tết.
Và một khi thiên-hạ càng đông thì số mật thám đến rình mò, canh gắt cũng đông. Vả lại, có người nghi hoặc: “Ông Nguyễn An Ninh làm gì đây? Không lẽ người như ông mà phải đày đọa tấm thân tới nước ấy?”.
Sáng ngày 30 Tết, gian hàng anh Ninh còn bán được đến 10 giờ. Hàng hóa sạch bách, sạp dỡ ra xong, anh em tính sổ thấy số tiền bán cả thảy 3 ngàn 500 đồng, trong lúc đó các gian hàng khác không được một phần năm, trong mấy buổi chợ ấy. Trừ tiền ăn uống sung sướng mấy bữa và các sở phí, mỗi anh em còn được chia lối 15 đồng. Năm ấy, đối với các nhà làm cách mạng này, họ được ăn Tết đáng bực nhứt.
Từ sau Tết đó, các tay bán hàng rong bắt chước anh Ninh rao hàng bằng cách hô to lên cho khách chú ý dù họ không thể bắt chước được lối hô trào lộng của anh để làm cho khách chú ý. Có người phải dùng cách kêu lô-tô, ca vọng-cổ, nhiều lúc khách qua đường phải bực mình với họ."
Những câu chuyện về Sài Gòn sinh động mà đơn sơ, có chút hồn nhiên và thấy thương thương cho tính cách chất phác không ganh đua hiếu thắng dù cương cường bất khuất, không vênh mặt tự mãn coi giá trị mình cao hơn đồng bào. Bao nhiêu người đã từng đi qua thành phố này như một khách vãng lai hạ gánh nặng để nghỉ chân, uống chén nước trà pha theo kiểu Huế vun chùm bọt, nói dăm ba câu với bạn mới quen. Vài lần như vậy, họ cảm thấy không bị coi thường dù trước mặt họ là thầy hay thợ. Rồi họ quyết định nán lại làm ăn thêm chút nữa, mở lòng chút nữa với tha nhân cho đến khi họ hòa nhập vào thế giới chung quanh một cách gắn bó, lúc đó họ là người Sài Gòn. Như ba tôi, và bao lớp người từng chọn nơi nầy làm quê hương.
Cho dù có lúc họ chùng lòng trong buổi chiều mưa ở cầu Ông Lãnh:
Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
Quán bên hè, uống tách cà-phê.
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng…
(“Thơ Ba Mén" – Bình Nguyên Lộc)
Cảnh chợ búa xưa. Trích trong bộ tranh “Monographie dessinée de l’Indochine” (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do học sinh trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1935.
Chú thích:
[1] Nay là đường Lê Công Kiều, quận I
[2] Tên thường gọi của chợ Bến Thành thời đó
[3] Đường Phó Đức Chính, quận I
"THÁM XỰC CÁI"
Thư của đứa bạn thời tiểu học bên xứ tuyết Canada thường không dài, nhưng lần nào ôn về những ngày tháng ở quê nhà, nó đều nhắc đến những món ăn lúc còn nhỏ. Có lần, khi tôi nhắc đến món vịt quay ăn ở nhà nó, thì bao kỷ niệm quay trở lại. Nó bồi hồi kể lần nào từ miền Tây về Sài Gòn thăm gia đình bà chị Hai ở gần cầu Kiệu, Phú Nhuận, cậu của nó cũng ghé khu Soái Kình Lâm để mua con vịt quay làm quà cho cả nhà. Ông nói: “Dân Sài Gòn chưa chắc biết vịt quay Chợ Lớn khu này ngon có tiếng à nha! Mà dân Phú Nhuận chắc chỉ biết món ngon quanh đây như phở Quyền, Bắc Huỳnh hay mì Dìn Chón là cùng chứ gì!".
Lần đó, tôi được ăn ké món vịt quay ngon nhất Sài Gòn với bánh mì như lời của ông. Thịt vịt mềm lụp, béo nhưng không ngấy, được ướp thơm nhẹ, không quá nồng mùi thuốc Bắc. Trí nhớ của tôi cảm nhận có vậy. Đến lúc đó, món ăn Tàu tôi thưởng thức quanh quẩn chỉ có món lạp xưởng mà ba tôi mua từng xâu ở đường Hàm Nghi gần Chợ Cũ. Có lúc được ăn vịt lạp, chưng lên với gừng, ăn hơi sừn sựt. Tôi thích mùi vị của những món ăn đó, một thứ hương vị lạ so với các món thuần Việt do má tôi nấu. Chúng khá hấp dẫn trong tuổi mới lớn luôn thèm ăn của tôi.
Ở gần nhà tôi, trên đường Nguyễn Minh Chiếu cũ (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) gần quán bò bảy món Ánh Hồng có hai cái tiệm mì Tàu tên là Xẩm Ba và Xẩm Tư, hai cái tên do dân gian đặt ra không rõ vì đâu, dù tiệm có bảng hiệu nhưng không ai còn nhớ. Hồi nhỏ, lần nào đi ngang đó tôi cũng nuốt nước miếng vì mùi hương trong nồi nước lèo tỏa ra. Tiệm sát nhau, do hai chị em thường bận áo xẩm cùng bán mì nước, không ngại cạnh tranh, khách thích ăn ở đâu thì tùy. Tiệm nào cũng có cái sân trước bày lơ thơ mấy cái bàn tròn, có ống đũa sơn đen và hai cái hũ đựng giấm, nước tương. Suốt tuổi ấu thơ, đợi đến ngày Tết có tiền lì xì là tôi lại rủ bà chị cùng đứa em gái ra đó ngồi chễm chệ trên ghế, kêu tô mì ăn với xá xíu. Mì sợi vàng nhạt. Miếng thịt hồng có màu đỏ viền quanh. Thêm cái bánh tôm, vài cọng xà lách. Phần tôi là ba vắt mì, ăn no cành. Tôi nhớ bà bỏ từng vắt mì vuông vắn trên mặt bàn bọc kẽm sáng loáng, trộn trong một loại bột tro rồi trụng trong nồi nước nghi ngút. Nước mì không trong veo mà hơi đục một chút, thơm ngọt. Lần nào tôi cũng ăn hết cái rồi đến nước, thòm thèm liếm môi và đứng dậy ra về, nghĩ bụng sẽ quay lại trong mấy ngày nữa cho đến khi hết Tết. Nhưng mấy chương trình Đại nhạc hội cuốn hút hơn và hầu như lần nào tôi cũng quên quay lại quán mì Tàu đó. Tôi ăn cho đến khi nó bị dẹp năm 1978 và gia đình hai bà chủ về Tàu. Sau này đi làm, tôi ăn mì từ Nam ra Bắc, từ Sài Gòn đến Lái Thiêu, từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi Nhật nhưng chưa bao giờ cảm thấy ngon như vị mì lúc đó.
Trong một buổi uống trà Ô Long buổi chiều giữa mùa mưa tháng bảy, tôi và Kiện Toàn ngồi nói về món ăn của người Hoa ở Sài Gòn. Vốn gốc người Hẹ, là thầy thuốc Bắc nên mối quan tâm của anh là những vị thuốc trong các món ăn. Anh nhớ những năm cuối thập niên 1980, anh thường đi giao rượu thuốc do gia đình ngâm cho một quán ăn cuối đường Nguyễn Trãi, đối diện cổng Lực lượng thanh niên xung phong. Quán nhỏ, kê bốn dãy bàn, hai dãy sát tường và hai dãy ở giữa, chỉ bán một món duy nhất là gà ác tiềm thuốc Bắc. Tiệm lúc nào cũng thơm ngào ngạt mùi thuốc rất đặc trưng. Gần đó có một chợ gà cung cấp nguyên liệu rất sẵn. Món gà tiềm đựng trong một thố tròn, cao. Kiện Toàn thấy cứ mỗi lần mang một thố gà cho khách, bà chủ kèm cho khách một ly xây chừng nhỏ đựng rượu thuốc do anh mang tới. Tính sơ qua, bà chủ bán rất đắt vì mỗi ngày anh phải giao tới 20 lít rượu và ngày nào cũng hết sạch. Với con mắt nhà nghề, anh hiểu ngay bí quyết thu hút khách của bà chủ quán. Ở góc quán, bà đặt thường xuyên một cái xửng hấp bánh bao loại lớn có hai ngăn, mặt ngăn có lỗ thủng như mọi cái xửng hấp bánh khác. Mặt trên, bà để gà làm sẵn, ngăn dưới bày xuyên khung tỏa ra mùi thơm rất đặc trưng của thuốc Bắc. Thỉnh thoảng cái xửng được giở ra, hương xuyên khung nấu dưới lửa liu riu bay ra ngào ngạt cộng với mùi thịt gà đã rục lôi cuốn khách vào quán. Trong thực tế, các vị thuốc trong thố gà chỉ thoảng rất nhẹ thôi nên chiêu dụ khách bằng cái xửng tạo mùi hương rất hiệu quả. Ngồi rảnh, anh nhớ khi hấp thức ăn theo cách như vậy, mẹ anh thường đặt trên mặt ngăn những cái trứng gà để dành cho các con. Khi chín tới, trứng thơm nức, mùi của xuyên khung thấm vô tới lòng đỏ, ăn rất thơm ngon.
Trong quan sát của Kiện Toàn, món gà ác tuy hầu hết các quán chuyên món ăn Tàu đều có, nhưng hơn thua nhau chính là cân lượng. Anh biết một tiệm cơm Hải Nam trên đường Nguyễn Tri Phương nấu có cân lượng khá chuẩn nên luôn đắt khách. Ngoài các vị căn bản như đương quy, xuyên khung, sanh địa tức thục địa, đãng sâm hay phòng đãng sâm, có người không biết cách xài táo đen thay vì táo đỏ, xài bắc kỳ giá mắc lại không đúng thay vì Hoàng Kỳ giá rẻ lại ngon hơn. Chủ tiệm là người Singapore, giữ nghiêm ngặt công thức cũ của người Hoa di cư đến các nước Đông Nam Á xưa. Kiện Toàn bảo trước 1975, giới Tài phu (phụ trách chính việc bốc thuốc các tiệm thuốc Bắc) thường mua nguyên liệu từ Hồng Kông. Đến nay, chỉ có mua thuốc ở Viện Đông y nhập trực tiếp từ Trung Quốc. Mua theo nguồn thuốc thảo dược từ thương buôn dễ gặp thuốc rác không chuẩn, không tốt.
Xong mấy tuần trà, chúng tôi chở nhau đi dọc ra vùng Chợ Lớn. Sau cơn mưa chiều, phố xá tuy tấp nập song vẫn có một không khí hơi nặng và trầm. Xe chạy đến khu La Kai (Lacaze), không đông vui như thuở Bảy Viễn mở sòng bạc lớn ở khu Đại Thế Giới xưa kia. Không biết còn ai bán vịt lạp, lạp xưởng gan heo như hồi ba tôi còn sống làm việc ở hiệu buôn chợ Bến Thành ra mua về. Trung học La Concorde của thầy Trần Văn Kế, nơi anh tôi suýt ghi danh học không biết giờ nằm ở đâu? Câu thơ cũ viết về khu La Kai chợt hiện trong đầu: Trường học nằm trong dãy phố Tàu/ Có phòng khám bệnh sát bên nhau/ Đầu đường tiệm nước ngồi đông khách/ Hoa bướm còn vương mãi thuở nào… Từ đó tôi không về Lacaze/ Trường xưa thành chuyện tháng năm dài… 1 Khu phố này nằm hai bên đường Nguyễn Tri Phương, giữa đường Hồng Bàng và Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B). Một thời, thức ăn đêm nổi tiếng khu này là mì đùi vịt và bánh cuốn. Giới sống về đêm như ca sĩ, các cô bán bar rượu đều thích đến đây ăn tối nên không khí rầm rộ nhất, vui nhất ở đây bắt đầu từ sáu giờ chiều đến giữa khuya. Có buổi tối cùng ba đi thăm người bà con, tôi được thưởng thức mấy món như sò nướng, cua rang hay được ba mua về cho cả nhà ăn chạo tôm, chả giò, bánh đập.
Tôi kể cho Kiện Toàn nghe về một bài báo cũ từ trước 1975, rằng khu Tản Đà, giữa Đồng Khánh và bến Hàm Tử có tên khác là “thám-xực-cái” nghĩa là “Con đường tham ăn”. Không biết khi nào có cái tên đó. Thức ăn nổi tiếng của con đường này là Sa té. Sa té là tiếng Tiều, là món ăn đặc biệt của người Singapore với thịt bò thái lát mỏng nhúng trong một loại súp làm bằng tương và các loại đậu. Lạ miệng và thơm ngon.
Câu chuyện miên man đến những khu bán đồ ăn nửa thế kỷ trước nay không còn nữa. Đó là món nghêu ở ngã sáu Chợ Lớn. Ở đó từng có chợ nghêu nằm đầu đường Nguyễn Tri Phương, giữa đường Trần Quốc Toản (Ba Tháng Hai) và Minh Mạng (Ngô Gia Tự). Dọc theo hai bên đường có những quán lụp xụp che tạm bợ, bàn nhỏ ghế thấp. Có 30 đồng thập niên 1960 là có một thau nghêu hấp bốc khói ngạt ngào. Đó là món bún thịt nướng vùng chùa Cây Mai, món cháo lòng heo khu Minh Phụng, cháo cá vùng Chợ Lớn Mới. Những hàng quán đó, mẹ chúng tôi, dì chúng tôi khi còn son trẻ, những buổi về thăm nhà ông cố trong khu này, sà vào để tận hưởng thú vui cuộc đời trong hàng quán bình dân, không dám mơ tới và thấy cũng không nhất thiết đi tìm món ăn Tàu nổi tiếng ngon mà mắc tiền ở các nhà hàng Đại La Thiên, Đồng Khánh hay Soái Kình Lâm. Kiện Toàn cho rằng không gian, phong cách quán ăn đã có ít nhiều thay đổi so với hơn bốn mươi năm trước. Anh nhận ra điều đó khi có lần cùng đi với một người bạn Việt kiều đến một tiệm bán đồ ăn Tàu ở đường Âu Cơ quận 11. Cả hai đến đó không để ăn, chỉ mua mang về nhà vì quán hoàn toàn không có bàn ghế cho khách. Ở một bên mặt tiền khá rộng của quán, có một gian bếp với một nhóm đầu bếp quần quật chế biến món ăn theo phong cách Quảng Đông. Khách đến đứng xem thực đơn, chọn món và đứng đợi xong thì trả tiền mang về. Lần đầu đến quán, Kiện Toàn chợt cảm nhận không khí quán ăn Tàu xa xưa khi anh còn nhỏ mà ở tuổi đời năm mươi tưởng chừng không còn cảm thấy. Đó là mùi chiên xào nức thơm phức gia vị trong món mì xào giòn, mì xào mềm, hoành thánh chiên, sủi cảo… rất riêng mà lâu nay nhiều quán đã chế biến với công thức khác dần cách cũ. Ở đây cũng có những đầu bếp ăn nói cụt lủn, cách xào tung chảo, cách xối nước tráng chảo sau khi xào xong một món, đợi nước sôi lăn tăn hấp thu hết chất mỡ rồi đổ đi để nấu món khác.
Ra về, Toàn miên man kể về mẹ anh khi chưa ra nước ngoài sinh sống. Đến mùa nắng bà nấu lạp chạp xà, với đủ thứ cây cỏ để giải nhiệt cho con, bao gồm các vị thuốc thiên nhiên như mục mìn phá (mộc miên), cúc phá (hoa cúc), cắm ngành phá (kim ngân hoa), danh xành (nhân trần) và ma khô (gốc rạ)… Có khi bà nấu loèng trxà (lương trà) hay pạc chánh (bát trân thang) có các vị đương quy, xuyên khung, thục địa, bạch hược, bạch truật, cam thảo, đãng sâm uống cho đẹp da… Anh uống các thứ nước như uống tình thương của mẹ, là con nhà thuốc Bắc nhiều đời lưu lạc từ Trung Hoa từ đầu thế kỷ 20 đến Sài Gòn mở hiệu thuốc trên đường La Grandière (Lý Tự Trọng). Đến giờ, khi chế biến thuốc cho khách, ngâm rượu hay bốc thuốc nấu gà ác, anh lại nhớ đến người mẹ ở xa và người cha đã khuất cũng là một thầy thuốc.
Ở Nhật có món Tempura rất nổi tiếng, được xếp trong những món đặc trưng của ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Thật ra món ăn này có xuất xứ từ châu Âu rồi truyền đến Nhật từ giữa thế kỷ thứ 16 theo chân người Bồ Đào Nha. Tôi nghĩ về các món ăn gốc gác Trung Hoa từng ăn hồi nhỏ cho đến hơn nửa thế kỷ nay. Đó vẫn là những món ăn của người dân tộc Hoa, nhưng nhiều người Việt khi đi qua Hồng Kông, Đài Loan hay Trung Quốc bảo rằng không tìm thấy các món giống như vậy để ăn, theo khẩu vị ở Sài Gòn, Chợ Lớn họ thấy quen thuộc. Các món đó đã được Việt hóa qua năm, qua tháng và đã nằm trong ký ức thân thương của người Sài Gòn từ hồi còn bé thơ, phần nào tương tự như món tempura đối với người Nhật. Riêng với tôi, cục lạp xưởng ăn với cơm trắng chan một chút nước mắm y, hay tô mì Xẩm Ba Xẩm Tư là những món ăn tuyệt vời tuổi nhỏ, góp phần tạo nên những điều đẹp đẽ khiến tôi luôn thấy yêu thương thành phố này. Bao lớp hậu duệ của người Minh Hương, tiếp theo đó là di dân người Hoa và cư dân Việt đã góp phần tạo nên diện mạo một thành phố đa dạng về văn hóa sống, nhất là trong ẩm thực. Đó là điều cần ghi nhớ và trân trọng.
Hàng ăn rong. Trích trong bộ tranh “Monographie dessinée de l’Indochine” (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do học sinh trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1935.
Tiệm nước người Hoa, bán các món điểm tâm như há cảo, xíu mại, bánh bao, trà và cà phê, là nơi ăn uống và cũng là nơi trao đổi thông tin của cộng đồng người Hoa.
Trích trong bộ tranh “Monographie dessinée de l’Indochine” (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do học sinh trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1935.
CHÚ CHỆC BÁN ĐẬU PHỘNG RANG
Quần chằm khiếu, áo lang thang
Trên đầu đội cái nón rách
Đi khắp ngả quanh đường tách
Làng trên xóm dưới rao vang:
Tàu phọng rang!
Thùng thiếc treo lên vai mang
Như bầu hồ lô mầu nhiệm
Chứa đầy Nhẫn nại, Cần kiệm
Bền chí, hy vọng giàu sang;
Tàu phọng rang!
Nhà đóng cửa, canh hầu tàn
Ở thôn quê, trong khoảng vắng
Xa xa còn nghe văng vẳng
Tiếng ngọng lịu ở đầu làng
Tàu phọng rang!
Côn đồ quen thói nghênh ngang,
Chửi mắng, lật thùng, đấm đá
Buồn phá chơi, cho hả dạ
Không cự lại, cũng không than:
Tàu phọng rang!
Được đồng xu không dễ dàng
Có khi bán đắt, khi ế
Nỗi lo cơm, phần chạy thuế
Xu thành bạc, bạc thành vàng
Tàu phọng rang!
Ít năm có vốn lập tiệm
Bây giờ được tự chủ đa.
Được nở mặt với người ta
Anh em rồi cũng hiếm hiệm:
Xì thẩu a!
Thong thả mới lo cưới vợ
Đầu năm mới sanh con ra
Hưởng chung sung sướng một nhà,
Được thêm tiền mà hé nợ:
Xì thẩu a!
Cái giàu lôi kéo cái sang
Đồng bào của mình kiêng nể
Xúm nhau bỏ thăm rất dễ
Từ đây tên tuổi vinh quang:
Hà ông Bang!
Danh có, lạ gì cửa quan
Mình vẫn vô ra làm việc
Trong tỉnh thường mời đãi tiệc
Cầm tay quan lớn hỏi han:
Hà ông Bang!
Đây là một bài thơ rất xưa, trích trong tập thơ Hoa trái mùa của Trần Văn Tân, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn xuất bản năm 1943. Một bài thơ dung dị, kể về hành trình kiếm sống gian khổ, nhẫn nại và phát triển đi lên của một người Hoa (trước đây dân gian gọi là Chệc hay Chệt) di cư đến sống và kiếm ăn trên đường phố Sài Gòn xưa, với vốn liếng ban đầu là một thùng đậu phộng rang. Dẫn theo ông Vương Hồng Sển trong bài Người Trung Hoa ở miền Nam , tập san Chọn Lọc Chủ Nhật ra ngày 2 tháng 1 năm 1966. Ông cho rằng bài thơ điệu mới này đã có người đem hát lên sân khấu cải cách tức cải lương rồi.
NHÀ HÀNG VIỆT CAO CẤP ĐẦU TIÊN
Một nhà hàng sang trọng chuyên về món ăn Việt là điều bình thường hiện nay. Ở đó, khách nước ngoài, người sành điệu có thể thưởng thức phong cách ẩm thực thuần Việt, từ thức ăn đến đồ uống, cảm nhận vẻ khác biệt, độc đáo trong cách ăn uống của một dân tộc, thấy được những dấu ấn của khí hậu, hệ thực vật, nền nông nghiệp trong bữa cơm hằng ngày của người Việt.
Nhiều quốc gia có chiến lược quảng bá nền ẩm thực độc đáo như Pháp, Ý, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ,... Ẩm thực truyền thống chính là nét văn hóa riêng đáng tự hào, tạo sự thông cảm giữa các dân tộc và tạo sự thu hút trong công nghiệp du lịch.
Trở lại cuộc sống của Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950. Sau khi người Pháp rút về, cuộc sống tự chủ đã xuất hiện thay cho chế độ thuộc địa. Trong ngành ẩm thực, hệ thống nhà hàng hạng sang nấu ăn theo kiểu Pháp sót lại sau 1954 vẫn chiếm lĩnh khu vực trung tâm Sài Gòn, khu Tân Định – Đa Kao. Trong Chợ Lớn, nơi buôn bán sầm uất, có các nhà hàng theo phong cách ẩm thực Tàu, nhất là Quảng Đông, Triều Châu. Nấu ăn theo kiểu Việt hầu hết là ở các quán bình dân, rất đa dạng món ăn từ cơm tám giò chả, nem chua chả rán, gà xé phay, mắm nêm, mắm Huế. Đồng bào di cư từ miền Bắc vào, người miền Trung di dân vào Nam góp thêm nhiều món ăn hấp dẫn vào thực đơn món Việt ở Sài Gòn. Tuy nhiên, có thể nói lúc đó ở thành phố này chưa có một nơi tương xứng để đón du khách với món thuần Việt, đủ tiện nghi, có phong cách phục vụ bưng dọn như các nhà hàng Âu Mỹ. Kế hoạch phát triển du lịch miền Nam lúc đó đã chuyển động, các khiếm khuyết bắt đầu lộ dần và vấn đề này đã được đặt ra.
Nha Du Lịch thuộc chánh phủ miền Nam lúc đó đã tìm cách thay đổi thực trạng. Họ lập ra một nhà hàng sang trọng có cái tên giản dị “Hàng Cơm Việt Nam”, khánh thành vào ngày 9 tháng 10 năm 1957. Người quản lý là ông Bửu Hoàng, một người thuộc hoàng tộc triều đình Huế, nơi có phong cách ẩm thực Việt đáng tự hào. Chủ trương của nhà hàng cũng giản dị như cái tên nhà hàng “giới thiệu du khách những món ăn thuần túy của Việt Nam”, đặt tại số 40 Nguyễn Huệ, quận I (phải chăng hiện nay là Nhà sách Fahasa?).
Việc trang trí nhà hàng được chú trọng để tạo đẳng cấp. Màu đỏ là tông chính xuất hiện trên các khung cửa sổ, trần nhà. Phòng lắp máy điều hòa, ghế ngồi bằng da, rải rác là các chậu hoa vạn niên thanh trang trí tạo vẻ tươi mát. Về thức ăn, ba đầu bếp tập trung chế biến các món Trung và Nam bộ trong thời gian đầu và ông Bửu Hoàng có ý định tiếp tục tìm một đầu bếp món Bắc thật giỏi để hoàn thiện thực đơn Việt của nhà hàng. Tuy chưa hoàn hảo theo ý muốn, thực đơn của nhà hàng thật phong phú với hơn năm mươi món khác nhau. Từ nem chua Huế, chả lụa, chả chiên, chả quế, bì, nem cuốn, bánh hỏi chả giò, gỏi gà, tôm sứa, chạo tôm, tôm nướng Rạch Miễu, lươn, ếch, canh chua, miến gà, vân vân.
Thực khách đến gọi món, đầu bếp làm ngay. Các món được đánh giá cao như: Gỏi gà Huế có nước dùng nấu với dứa và hoa chuối xắt nhỏ. Cao lầu gần với món vằn thắn của Tàu. Tôm nướng Rạch Miễu dùng tôm to bóc vỏ, bao một lớp lá mỡ trắng rồi mới nướng. Món canh chua nấu với cá chẽm, măng, me, cọng bạc hà được nhiều du khách ưa thích thay cho món súp. Món “giò quốc tế” là món cá nấu như kiểu thịt đông, bỏ vào máy ướp lạnh, cắt thành khúc tròn như mặt đồng hồ trên dĩa, tô điểm thêm hai lá hành thành cây kim đồng hồ...
Từ nhà hàng sang trọng mang tên “Hàng Cơm Việt Nam” này, món ăn Việt từ trong bữa ăn gia đình đã biến thành các món ăn cao cấp chiêu đãi khách quốc tế gần 60 năm trước ở Sài Gòn.
Không chỉ chú trọng đến món ăn thuần Việt, “Hàng Cơm Việt Nam” đưa vào thực đơn thức uống cũng thuần Việt nốt, đó là rượu... ba xi đế, rượu đậu nành, rượu đào, Tôn Thọ tửu sản xuất trong nước bên cạnh rượu Tây.
Bên cạnh đó, trang phục của nhân viên phục vụ được trang bị đúng đẳng cấp nhà hàng hạng sang: nhân viên tiếp khách (lúc đó gọi là chiêu đãi viên) bận đồng phục trang trọng, cổ thắt nơ. Đầu bếp có trang phục riêng, đội mũ chuyên dùng.
Thời điểm đó có một hội nghị quốc tế phát triển kinh tế và xã hội khu vực châu Á tổ chức tại Sài Gòn, và các vị khách quốc tế, đại diện hai mươi mốt quốc gia đã trở thành những khách ngoại quốc đầu tiên thưởng thức món ăn Việt trong thực đơn cao cấp này tại nhà hàng “Hàng Cơm Việt Nam”.
Tự hào và tìm cách khẳng định giá trị của ẩm thực Việt bằng cách tạo lập nhà hàng này là một cố gắng rất đáng trân trọng của những người có trách nhiệm, gần 60 năm trước ở Sài Gòn.
Bài trí trong nhà hàng không khác các nhà hàng ăn hiện nay. Góc phải là quầy tiếp tân trưng bày các loại rượu do Việt Nam sản xuất.
NHỮNG KHÁT VỌNG CỦA MỘT THỜI
Trong khoảng thời gian 20 năm trước năm 1975, thành phố Sài Gòn chỉ có một thời gian ngắn ngủi sống trong bình yên. Sau đó, là các cuộc đấu tranh của các giới chống chế độ độc tài, là đảo chánh giữa các phe phái, là bầu không khí chiến tranh sát ngay đô thị hoặc có khi là từ các trận đánh trên đường phố… Nhưng người dân Sài Gòn không nguôi khát vọng về một cuộc sống an hòa, luôn mong muốn phát triển năng lực bản thân để xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Lục lại một số tài liệu về những dự án nhỏ hay lớn cách nay gần nửa thế kỷ được gầy dựng ở thành phố này, thấy thương cho lớp cư dân Sài Gòn đi trước từng có nhiều trăn trở và khát vọng đóng góp cho sự phát triển của thành phố này. Những mơ ước lớn chưa kịp đi xa, mà hơi thở hiện đại vẫn còn vọng tới…
CHIẾC XE KỲ LẠ CỦA ÔNG TỐN
Cách nay 46 năm (1969), trên một góc đường trung tâm Sài Gòn có một chiếc xe 4 bánh bị viên cảnh sát công lộ (nay là cảnh sát giao thông) thổi một tràng còi thật dài để chận xe lại. Viên cảnh sát trố mắt nhìn chiếc xe do người đàn ông trung niên lái. Đó là một chiếc xe thật kỳ cục. Rõ ràng nó có bốn bánh nhưng không thể gọi là một chiếc xe hơi. Người lái xe bước ra, bình thản cười, xuất trình giấy chủ quyền xe, bằng lái và cả một… bằng sáng chế. Viên cảnh sát xem xong, lắc đầu cho đi vì tất cả đều hợp pháp.
Chiếc xe đó thực chất được chế biến từ hai chiếc xe gắn máy hiệu Gilera loại 50 phân khối của Ý. Xe có bốn chỗ ngồi, dài 2m, ngang 1,38m và có mui cao 1,7m, hai bên trống trải như xe quân sự. Đây là sản phẩm sinh ra từ nhà ông Nguyễn Gia Tốn, một cựu giáo viên đang làm việc tại trường Bách khoa Trung cấp ở Sài Gòn.
Chiếc Gilera di chuyển trên đường Nguyễn Huệ, trung tâm Sài Gòn.
Ông Nguyễn Gia Tốn (phải) trên chiếc xe độc đáo do ông sáng chế.
Thời điểm đó, giá xe nước ngoài nhập vào miền Nam quá cao nên ông Tốn muốn thỏa khát vọng có một chiếc xe hơi để đi lại một cách thoải mái mà không sợ mưa nắng. Nghĩ là làm, ông chọn con đường đơn giản nhất là chọn lọc những bộ phận của xe ngoại nhập từ các nhà sản xuất nước ngoài đã hoàn chỉnh mà trong nước chưa đủ trình độ sản xuất, sau đó là lắp ráp theo cách riêng của ông. Tất nhiên, muốn chọn và ráp các bộ phận cơ khí từ các chiếc xe khác nhau thì trình độ của người thực hiện là quan trọng. Ông dùng kính xe Lambro cũng của Ý để làm kính chắn phía trước, mui xe làm bằng vải bố, nệm xe bằng mousse cao su, có hai bánh sơ cua đi theo. Xe không dùng vô lăng mà dùng luôn tay lái của xe gắn máy. Thắng xe nằm dưới chân. Với khối lượng khoảng 140kg, 2 máy xe cùng họat động, ông định tốc độ có thể lên tới 80 đến 100km/h mặc dù trong thành phố không thể đi nhanh như vậy.
Chiếc xe được lấy tên Gilera theo tên loại xe máy cấu thành nó. Sau khi chạy thử trên xa lộ nhiều lần, ông Tốn cho chạy trên đường phố Sài Gòn đúng vào ngày phi hành gia Mỹ có cuộc du hành đầu tiên trên mặt trăng (21/7/1969 tức 20/7 bên Mỹ). Tính ra giá thành chiếc xe vào khoảng 130.000 đồng. Theo tài liệu cho biết một năm sau đó, 1970, xe La Dalat của hãng Citroen ra đời tại Sài Gòn có giá bán chính thức lên tới 650.000 đồng, còn giá chợ đen là 1,1 triệu đồng thời đó.
Một vài người lớn tuổi lui tới thường xuyên khu vực trung tâm thành phố còn nhớ đã bắt gặp chiếc xe của ông Tốn chạy qua lại trên đường phố Sài Gòn. Rồi sau đó không ai biết số phận của chiếc xe ra sao và ông có thực hiện thêm chiếc xe nào nữa hay không. Dù sao, đây là ký ức đẹp của một thời Sài Gòn, một thành phố luôn có những người trăn trở cải tiến để cuộc sống tiện nghi hơn, bằng kiến thức và lòng nhiệt tâm của mình.
"BÚP BÊ VĂN HÓA" CỦA BÀ TRÙNG QUANG
Đầu thập niên 1960, khách nước ngoài đến Sài Gòn được giới thiệu một loại búp bê bằng vải lụa tinh tế và mềm mại, chế tác rất đẹp, không thua loại búp bê Geisha, búp bê Hina của Nhật Bản thường bày bán ở cố đô Kyoto. Tuy không có trang phục lộng lẫy như búp bê Nhật, loại búp bê này thể hiện dáng vóc của thiếu nữ Việt Nam, mảnh dẻ và thon thả trong những tà áo dài lụa, gấm và áo tứ thân. Nét mặt của các cô búp bê khá biểu cảm, tay chân uyển chuyển và dáng đứng mềm mại. Khách quốc tế thường mua nhiều búp bê loại này mang về làm quà.
“Búp bê văn hóa”, đó là tên gọi của loại búp bê nói trên với hàm ý đây sẽ là loại búp bê dùng để giao lưu văn hóa, để người mua hiểu thêm về đời sống tinh thần của người Việt qua trang phục và dáng vóc của thiếu nữ Việt từng thời kỳ khác nhau. Tác giả của loại búp bê này là bà Trùng Quang, một phụ nữ từng nổi tiếng ở Hà Nội thập niên 1940 vì thường xuyên làm công tác xã hội và sáng lập trường nội trợ Việt Nữ tại Hà Nội với mục đích đào tạo người phụ nữ toàn diện. Trường có dạy ngoại ngữ, âm nhạc, làm bánh, nấu ăn, thêu may.
Năm 1955, bà Trùng Quang vào Sài Gòn sinh sống. Bà lại lập ra trường Nữ công Phương Chính dạy nghề và dạy chữ Việt cho phụ nữ tại Sài Gòn. Các chứng chỉ tốt nghiệp của trường Nữ công Phương Chính được nhiều quốc gia ở Âu châu như Pháp, Đức, Anh công nhận. Năm 1956, muốn học hỏi Nhật Bản là một nước châu Á đang phát triển mạnh mẽ, bà tự túc sang Nhật quan sát đời sống phụ nữ Nhật, học nghề in offsette màu và học ngoại ngữ. Bà còn học cắm hoa và nhất là học chuyên sâu nghề làm búp bê. Sau ba năm học, bà về nước và bắt đầu bắt tay vào việc sản xuất búp bê từ năm 1959. Kỹ thuật bà học từ người Nhật, vốn kỹ lưỡng và tinh tế trong sản xuất, chế tạo. Nhưng búp bê của bà là búp bê Việt Nam, với dáng hình thiếu nữ Việt mang vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng mà bà luôn tự hào. Bà muốn loại búp bê này phải thể hiện cho được vẻ đẹp đó.
Xưởng búp bê của bà Trùng Quang sản xuất có hai loại: búp bê bằng nhựa để bán với giá bình dân và loại búp bê bằng vải lụa chú trọng tính mỹ thuật, công phu và khéo léo hơn. Để sản xuất, xưởng có máy móc, các khuôn rập để làm ra khuôn mặt và hình dáng, tơ để làm tóc, lụa để làm mặt, vải lụa để may y phục, sơn để làm đế, thuốc vẽ... Là giám đốc và cũng là chuyên viên chính về kỹ thuật, bà đảm nhận vẽ khuôn mặt búp bê, các khâu khác giao các chuyên viên do bà đào tạo. Kiểu dáng búp bê xưởng Trùng Quang sản xuất đa dạng, từ loại búp bê mặc trang phục cổ với hình dạng cô gái quê bận áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, đến búp bê tiểu thư đài các mang khăn vành dây, áo thụng hài thêu. Có cả búp bê mang dáng vóc thiếu nữ hiện đại đi giày cao gót, tóc uốn quăn, áo nylon, quần sa tanh trắng, cầm ví tay. Mỗi búp bê là một tác phẩm mỹ thuật có sắc thái riêng, dáng điệu riêng nhưng đều mang vẻ đẹp kín đáo, nhu mì, thuần hậu của cô gái Việt.
Búp bê Trùng Quang khi vừa xuất xưởng đã được dư luận đánh giá rất tốt vì tính tỉ mỉ công phu trong chế tác, mẫu mã lại đẹp nên rất được ưa chuộng ở thị trường Sài Gòn và miền Nam suốt thập niên 1960. Loại sản phẩm này được trưng bày thường xuyên tại gian hàng Công nghệ Việt Nam tại đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), tham dự triển lãm Hội hoa mùa xuân 1960 tại Phòng Thông tin Đô thành, Triển lãm văn hóa Việt Nam tại hội trường Diên Hồng. Nhiều quốc gia Âu châu ưa chuộng đã đặt hàng và chính phủ miền Nam cũng đặt mua để dự các cuộc triển lãm tại Nhật, Thái Lan, Mã Lai Á, Hoa Kỳ... Việc sản xuất dần ổn định và bà Trùng Quang mong sản xuất búp bê trở thành một kỹ nghệ lớn, giữ vai trò giới thiệu văn hóa, phát triển kinh tế của nước nhà.
“Búp bê văn hóa” của bà Trùng Quang một thời trên đất Sài Gòn nửa thế kỷ trước có thể nói là đạt đỉnh cao về mỹ thuật và kỹ thuật mà cho đến nay, loại mỹ nghệ búp bê Việt như vậy vẫn chưa có ai khôi phục lại được.
Sau này qua Mỹ sống, bà Trùng Quang dù đã lớn tuổi còn thi vào học College tại Evergreen và năm 84 tuổi thi vào Đại học Cộng đồng San Jose và luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi. Năm 89 tuổi, lúc thi tiếng Anh, bà là nữ sinh viên lớn tuổi nhất trong lịch sử Đại học Cộng đồng San Jose và là người đạt điểm cao nhất. Hơn 90 tuổi, bà vẫn viết sách và làm thơ. Đến năm 2012, bà mất ở tuổi 101 tại Mỹ.
Từ vóc dáng, gương mặt đến quần áo, kiểu búp bê truyền thống của bà Trùng Quang thể hiện đẹp và có hồn.
Búp bê Việt Nam rất được chú ý và thích thú trong Hội chợ thương mại quốc tế Á Châu tại Bangkok năm 1966.
MỘT ĐÔ THỊ NỬA THẾ KỶ ƯỚC MƠ
Năm 1957, tại khuôn viên ngôi nhà trước kia là nhà hàng Charner nằm trên đường Nguyễn Huệ có một cuộc triển lãm lấy tên “Kiến thiết quốc gia”, tổ chức trong suốt 6 ngày từ 22 đến 28 tháng 10. Cuộc triển lãm nhằm mục đích trưng bày những viễn cảnh dự định phát triển miền Nam của chính phủ thời đó.
Khách đến xem, qua những mô hình, các bảng thống kê chuyên môn, tranh, ảnh có thể hình dung về tương lai phát triển của đô thành Sài Gòn và bốn mươi tỉnh thành miền Trung và miền Nam trong tương lai. Đặc biệt, được chú ý là mô hình phát triển thành phố mới Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn hứa hẹn sẽ thành một đô thị kiểu mẫu hiện đại.
Bản thiết kế do nhà điêu khắc Lê Ngọc Vân trình bày. Mô hình này được trình bày rất lớn, mỗi bề ngang ba mét theo tỉ lệ 1/2.000.
Qua mô hình, thành phố kiểu mẫu Thủ Thiêm phía bên kia sông Sài Gòn có hình giống móng ngựa, mặt lồi đối diện với bến Bạch Đằng và các bến sông khác. Đây là một khu vực rộng lớn có một ít ruộng, đất phần nhiều bỏ hoang dài khoảng 6km, rộng 3km. Chính phủ miền Nam khi đó muốn biến vùng đất hoang này thành một trung tâm hiện đại dành cho các đoàn ngoại giao, hội nghị quốc tế, văn hóa, chính trị, khoa học thương mại và khu dân cư.
Chương trình phát triển khu Thủ Thiêm này sau khi hoàn thành sẽ là một đặc khu nằm lọt giữa dòng sông Sài Gòn như một bán đảo, nối với đô thị hiện tại bằng ba chiếc cầu. Cầu thứ nhất bắc từ đại lộ Hàm Nghi (trong sa bàn là cầu chếch sang góc trái). Cầu thứ hai bắc từ Nhà Bè (bên phải sa bàn) và cầu thứ ba bắc từ cầu Mới phía Thị Nghè sang (phía xa). Theo mô hình, nếu đứng từ đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) nhìn sang khu Thủ Thiêm, khách bộ hành có thể thấy phía bên phải Thủ Thiêm, đối diện với thương cảng Sài Gòn có nhiều chung cư hiện đại cao năm, bảy tầng của khu thương mại. Tiếp đó, dọc bờ sông là khu biệt thự có sân cỏ rộng rãi xanh mát. Đi theo vành móng ngựa là khu trung tâm văn hóa, với các trường Đại học Văn khoa, Y khoa, Luật khoa, Viện Khảo cứu và Viện bảo tàng.
Khu trung tâm đô thị này là một hồ nước rộng giữa khu vườn cảnh, cạnh hồ là trụ sở Quốc Hội được xây dựng mang dáng dấp truyền thống dân tộc. Bên kia bờ hồ là khu vực ngoại giao đoàn các nước, được kỳ vọng các nước đặt sứ quán ở đây sẽ xây dựng cho sứ quán mình bằng kiểu thiết kế mang tính truyền thống của các nước, góp phần tạo vẻ mỹ quan cho khu Thủ Thiêm. Lan tỏa ra chung quanh là các công trình như thư viện quốc gia, hội trường lớn để tổ chức hội nghị quốc tế, khu triển lãm, khách sạn và sân vận động quốc tế, khu giải trí, chợ, đài kỷ niệm, trạm y tế và bãi đậu xe.
Để thực hiện đề án lớn này, chính phủ miền Nam lúc đó có dự định thành lập một cơ quan gọi là “Quốc gia Chỉnh trang Lãnh thổ Cục”. Nhiệm vụ của cơ quan này là thi hành các đề án đã thiết lập, đề nghị lên chánh phủ về đất đai cần trưng dụng, tổ chức san nền đất và bán các lô đất cho các cơ quan của chính phủ hay tư nhân. Tiền lời sẽ được dùng để làm đường sá, thiết kế điện nước…
Các quan chức chánh phủ thời đó dự tính dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm này sẽ được khởi công vào năm 1958 và đến 1963 là hoàn thành. Số tiền một tỉ đồng sẽ dành riêng cho kế hoạch này. Tuy nhiên, dự án này đã không thành hiện thực. Chúng ta không rõ vì sao, có thể lúc đó là thời điểm có chiến tranh, chính phủ tập trung nhiều vào khu đô thị hiện hữu còn ngổn ngang, và bất ổn chính trị liên tiếp, hoặc do thiếu chi phí để cải tạo vùng đất thấp, xây dựng hạ tầng tốn kém và có nhiều rủi ro như lún, sạt lở…
Đến tháng 12 năm 2005, tức 48 năm sau, qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quy hoạch khu Thủ Thiêm, nay thuộc quận 2, sẽ là quận trung tâm mới của Thành phố với khu trung tâm thương mại, tài chính gồm các tòa nhà cao 10 – 40 tầng, và một số khu 32 tầng, khu dân cư cho 130 ngàn người và một triệu khách vãng lai. Hơn một nửa diện tích của khu đô thị sẽ được dành cho cây xanh và giao thông. Có lẽ lần này, mơ ước xưa có những cơ sở để thành hiện thực, một mơ ước đi qua một chặng đường quá dài từ những khao khát ban đầu của một thành phố.
TIỆM MAY KIM SƠN Ở ĐƯỜNG AMIRAL DUPRÉ
Trước 1955, con đường mang tên Đông Du ngày nay có tên là đường Amiral Dupré. Đường nằm ngay trung tâm thành phố, nơi tập trung giới thượng lưu, gần nhiều cơ quan của nhà nước thuộc địa. Đây cũng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, từ năm 1871 có lúc mang tên là đường Tự Đức.
Trước khi người Pháp về nước hoàn toàn năm 1954, con đường này và vài đường lân cận là nơi tọa lạc nhiều tiệm may nổi tiếng, phục vụ cho giới sành điệu đất Sài Gòn cũ. Danh tiếng các tiệm như Ích Tân, Xuân Lâm chuyên may đồ Tây cũng nằm trên đường Amiral Dupré, rồi tiệm Tân Tân cũng may đồ Tây phía bên đường Catinat (Đồng Khởi), tiệm Phúc Lợi may đồ đầm ở Pasteur, tiệm Xuân Sơn và tiệm Bình bên Nguyễn Thiệp... lan xa xuống miệt lục tỉnh, miền Trung. Đa số các tiệm may lớn này là của người gốc miền Bắc vào Sài Gòn từ trước Thế chiến thứ Hai, chiếm lĩnh lãnh vực may mặc, giống như những người đồng hương của họ làm trùm về nghề đóng giày ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn).
Ở số 68 đường Amiral Dupré, có một tiệm may mở trước Thế chiến thứ Hai, tồn tại ở Sài Gòn trong suốt sáu mươi năm cho đến khi đóng cửa năm 1991. Tiệm mang tên Kim Sơn. Đến nay, con cháu của những người chủ tiệm vẫn giữ niềm tự hào về nghề nghiệp mà cha mẹ mình theo đuổi lâu đời, tạo được tiếng tăm trong giới may mặc Sài Gòn xưa.
Năm 1928, chàng thanh niên mới lớn mười lăm tuổi Lương Văn Thí nhận ra rằng công việc đồng áng bán lưng cho trời bán mặt cho đất khó có tương lai. Rời quê hương Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam, anh Thí về Hà Nội cố gắng tìm học một nghề. Ban đầu, anh học đóng giày, học may Âu phục rồi học làm nón. Đeo đuổi một thời gian, anh thanh niên đầy ý chí này thấy rằng làm nghề gì cũng không bằng chuyên may trang phục đầm cho phụ nữ lúc đó. Phụ nữ khi có điều kiện, nhất là phụ nữ Pháp ở Hà Nội thường thích may sắm cho mình nhiều loại trang phục. Người thầy dạy nghề ban đầu của anh có quen một người chuyên may đồ đầm đã giới thiệu cậu học trò sang đó học nghề. Anh sang đó “học thí công”, không kể giờ giấc, chuyên tâm học nghề may và tận tụy làm nhiều việc khác ở nhà thầy, được thầy rất quý mến và truyền hết sở trường.
Sau ba năm chuyên chú, anh Thí tìm vào Sài Gòn, đất thuộc địa phồn hoa đô hội với nhiều hy vọng. Tàu cập bến Nhà Rồng, anh lên bờ, đến đường Amiral Dupré chỉ cách đó vài trăm mét, ngay góc đường Catinat. Ở đó có một căn phố dài hai mươi mét, ngang bốn mét trên miếng đất của ngôi đền Hồi giáo gần đó đang muốn sang nhượng. Không bỏ lỡ cơ hội, anh bỏ tiền ra mua ngay, mở tiệm chuyên may đồ đầm, bắt đầu làm nên hành trình dài của cuộc sống xa quê hương đến cuối đời bằng nghề may mặc cao cấp.
Ở vùng quê Hà Nam, thấy anh làm ăn ở Sài Gòn thuận lợi lại thường gửi tiền về quê, mấy ông anh của anh lần lượt kéo vào kiếm sống. Bảy tám năm sau, làm ăn thành công, anh trở ra Hà Nội, đến thăm người dạy nghề may thuở ban đầu đã giúp anh tìm thầy mà làm nên. Ở đó, anh xin cưới cô con gái của ông, một phụ nữ Tây học, cô Cao Thị Liên, người sau này đã giúp anh phát triển sự nghiệp. Đôi vợ chồng son cùng đi vào Sài Gòn.
Với lợi thế là đặt tiệm ngay trung tâm thành phố, gần khu vực cảng, gần chợ Bến Thành, tiệm may Kim Sơn của ông bà Thí – Liên thực sự có thuận lợi. Tuy vậy, bí quyết làm ăn là có tay nghề may cao, tổ chức nhân công giỏi và biết cách giao tiếp với khách hàng. Giới thợ may người Bắc thời đó thường gọi hai ông bà là ông Tư, bà Tư. Do có bằng Tiểu học Pháp Certificat d’étude, bà Tư nói và viết tiếng Pháp khá lưu loát, nhận việc tiếp khách, nhận hàng, giao tiếp trực tiếp với các bà đầm Pháp thay vì phải thuê thông ngôn như các tiệm may khác. Mỗi ngày, bà bận bộ bà ba trắng, quần đen, mang đôi guốc ra đón khách đến mua vải, xem vải, đặt may. Khách đến tiệm có ấn tượng sâu đậm với bà chủ tiệm búi tóc củ hành, nhuộm răng đen, nhanh nhẹn ghi chép và vẽ kiểu cho khách bằng cây bút chì hiệu Gilbert cột dây vào cuốn sổ to và nặng. Bên cạnh đó, việc phát triển và tồn tại của tiệm chính là nhờ tài năng của ông Tư. Ông dày công nâng cao tay nghề nên các loại quần áo phụ nữ do ông cắt may được khách người Pháp thích thú, khen ngợi rất nhiều. Những lần giao hàng thành phẩm quá đẹp, mấy bà khách đầm với phong cách cư xử phương Tây có lúc nồng nhiệt ôm hôn ông Tư – như một cách cám ơn – khiến bà Tư nhiều phen “nóng mặt”! Ông làm việc phía nhà trong, chỉ huy nhóm thợ cắt may do ông tuyển lựa và đào tạo, lúc đầu chỉ vài người sau phát triển dần lên đến hai chục người, có cả ba cô con gái của ông bà. Tiệm trở thành chốn lui tới đông đúc của những bà đầm là vợ các viên chức Pháp thời thuộc địa, các quý bà người Việt giàu sang, và giới nghệ sĩ. Khách thường mang vải tới, những mảnh vải thật đẹp nhập từ nước Pháp theo đường tàu thủy. Theo đúng bài bản cắt may của người Pháp truyền lại hồi còn ở Hà Nội, ông Tư sau khi có số đo của khách, cắt đồ bằng vải sô và ráp lại như một chiếc đầm thật sự. Sau đó, khách đến thử nếu cảm thấy vừa vặn hoặc muốn chỉnh sửa, ông sẽ làm theo yêu cầu, xả áo ra, dùng từng mảnh vải sô làm mẫu trên vải khách mang đến. Cách này tuy công phu nhưng chuẩn xác, áo may không bị lỗi. Khi giao đồ, thợ trong tiệm gom tất cả các mẩu vải “mụn” để trả lại cho khách. Mớ vải này khách có thể dùng để mạng, đắp, vá áo sau này nếu cần. Có lần thợ đãng trí bỏ thùng rác số vải dư, ông buộc thợ lục giỏ rác tìm lại, giặt sạch để trả đủ cho khách.
Chủ tiệm may Kim Sơn, ông Lương Văn Thí, cũng là chuyên gia cắt may đồ đầm trong suốt 60 năm hành nghề may mặc tại trung tâm Sài Gòn.
Bà Cao Thị Liên giỏi tiếng Pháp nên có thể giao dịch với khách Tây đến may đồ tại tiệm Kim Sơn.
Bà Cao Thị Liên cùng các con, năm 1950 tại Sài Gòn.
Tiệm may này, ròng rã 60 năm trời là nơi làm việc cũng là nơi sinh sống của cả gia đình ngày càng đông đúc của ông bà Kim Sơn. Muốn ổn thỏa, tiệm cần được quản lý chu đáo và hợp lý bằng óc sáng tạo và tính tháo vát của ông bà chủ. Ban ngày, bà chủ và các cô thợ may ngồi làm việc trên những chiếc ghế thấp được thiết kế thuận tiện cho việc may vá. Ban đêm, số ghế này được xếp sát nhau biến thành những chiếc giường ngủ. Các bàn làm việc dùng để cắt may vào ban ngày và là bàn học của con cái trong nhà vào buổi tối.
Có những việc đặt ra luôn phải giải quyết. Như bàn ủi (bàn là) là thứ cần thiết trong nghề may, ông bà luôn thủ sẵn những chiếc bàn ủi than, tuy đã lạc hậu nhưng đến khi cúp điện (chuyện rất quen thuộc với dân Sài Gòn thời đó) rất tiện để hoàn tất đồ cho khách. Trước khi có máy vắt sổ nhập từ nước ngoài vào, vải phải được vắt sổ bằng tay khá tốn công cho đến khi tiệm được trang bị một cái. Khi trào lưu quần áo may sẵn từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, các tiệm may một phen lao đao, khách giảm đáng kể. Bà Tư than với các con rằng tiền mua vải để may đồ cho khách luôn mắc hơn quần áo may sẵn công nghiệp. Cũng may, lúc đó đồ may sẵn chưa đạt tới chất lượng cao như hiện nay nên các tiệm may vẫn sống được nhiều năm sau. Người sành mặc vẫn thích đặt đồ may đúng kích thước riêng, có thể điều chỉnh theo vóc dáng cho dù trả chi phí cao. Do vậy, khách đến tiệm phần lớn là giới trung lưu trở lên, là người Việt trẻ chuộng văn hóa phương Tây, các Pháp kiều hành nghề giáo sư, viên chức... ở Sài Gòn. Họ thích diện, theo sát xu hướng thời trang mà báo chí hay phim ảnh giới thiệu.
Khoảng thời gian thập niên 1950, 1960, khách đến tiệm thường mang vải mua ở các tiệm vải của người Ấn trên đường Huỳnh Thúc Kháng (còn gọi là Đỗ Hữu Vị), hoặc vải do người thân quen ở nước ngoài gửi về. Phổ biến nhất là mua từ các cửa tiệm vải nổi tiếng là Hàng Phong, Tô Châu và Tân Cương ở đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) gần khu thương mại Saigon Departo (mặt hông khách sạn Sheraton ngày nay). Lúc này, đường Amiral Dupré đã mang tên là Thái Lập Thành. Bầy con của ông bà ngoài việc học phải phụ việc tiệm may. Nhờ đó, họ chứng kiến những ngôi sao đang lên trong giới nghệ sĩ Sài Gòn đến may đồ. Đó là đôi vợ chồng Anh Lân – Túy Hoa của ban kịch đắt khách Dân Nam, đến bằng ô tô. Nghệ sĩ Anh Lân gầy, cao dong dỏng, sau khi đưa vợ đến chọn vải liền vô phòng trong tán gẫu với ông Tư. Các nghệ sĩ Phùng Há, Kim Cương, Túy Hồng, Túy Phượng, các ca sĩ Thanh Thúy, Bích Chiêu cũng thường đến may các kiểu đầm hiện đại, không kiểu cách rườm rà như trước đây. Bà chủ hãng sơn mài Thành Lễ, bà Ưng Thi chủ rạp REX, có khi là con dâu bà chủ báo Bút Trà, bà Như Hảo là vợ nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng là khách hàng của tiệm.
Mặt tiền tiệm may Kim Sơn và ảnh cưới cô con gái đầu của ông bà Tư - chủ tiệm may. Chú rể là con trai của một chủ tiệm may nổi tiếng khác, tiệm Phúc Lợi ở góc đường Lê Lợi - Pasteur.
Các ảnh trong bài từ trang 99 - 101 thuộc tư liệu gia đình ông bà Lương Văn Thí - Cao Thị Liên.
Hành nghề may suốt nửa thế kỷ, ông bà chủ tiệm Kim Sơn chứng kiến và sống theo những biến chuyển của thời cuộc bằng nghề nghiệp của mình. Sau trận Điện Biên Phủ, số người Pháp ở lại Sài Gòn vẫn tiếp tục đến may đồ tại tiệm Kim Sơn cho đến 1975. Năm 1954, nhiều người Bắc di cư vào Nam, ông Tư ra bến Bạch Đằng nghe ngóng. Ông nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc xứ Nam Định, đón họ về nhà cho ở nhờ vì biết nơi tạm trú là Nhà hát thành phố gần đó đã đông nghẹt người. Khi chiến tranh lan rộng, người Mỹ đưa lính Đại Hàn (Hàn Quốc) đến tham chiến. Trong số đó có những nữ quân nhân. Tiệm may của ông bà do có uy tín nên nhận được gói thầu may mặc cho một đơn vị nữ quân nhân Đại Hàn. Các cô gái Hàn xa nhà đến may trong khi chờ đợi, nằm ngồi la liệt và xuống bếp lục cả đồ ăn khiến bà lúc đầu để yên, sau đó là nổi cáu la ầm lên, bị các cô kêu “Number ten, Bà!” (thời đó, điều gì tốt thì giơ ngón tay cái, hô number one – số một. Còn number ten – số 10 mang ý chê bai).
Cùng xuất thân từ người lao động nên ông bà Kim Sơn quý thợ, điều này khiến họ gắn bó lâu dài với tiệm. Ngoài lương thưởng hàng tháng, ông bà nuôi cơm thợ hằng ngày, có người giúp việc nấu cho gần ba chục người vừa thợ vừa người nhà ăn. Ông bà ăn cơm cùng thợ. Ông và cánh đàn ông ăn trước. Bà và các thợ nữ ăn sau. Buổi trưa, thợ nghỉ tại tiệm. Ông bà hào phóng mở cửa cho cả thợ may của một tiệm gần đó đến nghỉ nhờ, chỉ vì chủ tiệm đó không cho họ ở lại.
Tuy làm ăn bằng một tiệm may lớn và có uy tín, nhưng ông bà chủ tiệm Kim Sơn không dư giả nhiều, cũng không dám ăn xài giữa chốn phồn hoa đô hội như Sài Gòn vì phải lo nuôi đàn con chín đứa ăn học. Lúc đầu ông bà cho ba người con lớn học ở trường Phan Sào Nam gần ngã bảy Chợ Lớn. Một trong số những vị khách Tây đưa vợ đến may đồ đã bảo lãnh cho người con đầu của ông bà vào học trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), chỉ dành cho học sinh quốc tịch Pháp. Sau khi đậu tú tài Pháp, anh này đã vào học trường Y. Từ đó, ông bà Kim Sơn quyết tâm cho những người con còn lại, trừ cô con đầu theo nghề may, học trường Tây có thầy giỏi và dạy ngoại ngữ tốt. Họ tiếp tục vào được các trường danh tiếng như trường Đại học Y, Marie Curie, Lasan Taberd và có người đi du học Pháp.
Anh Tấn Thành, con út của ông bà, cựu học sinh trường Lasan Taberd kể: “Hồi nhỏ, tuy nhà cũng khá giả lại ở ngay trung tâm thành phố, tôi không mấy khi được đến những hàng quán sang trọng mà chỉ được phát tiền thỉnh thoảng đi ăn những món trên xe đẩy hay quán bình dân. Tuy vậy, đó là những kỷ niệm ấu thơ không bao giờ quên được. Anh em tôi được ba dắt đi tiệm nước người Hoa có tên là Nam Quang, nằm trên đường Nguyễn Văn Thinh, thời Pháp có tên là D’ormay (thời đó ít ai gọi tên đường là Nguyễn Văn Thinh mà gọi là “Độc-Mê” hay “Độc-May”, đọc trại từ D’ormay). Đi ăn phá lấu và uống nước mía Viễn Đông ở góc Lê Lợi – Pasteur, ăn ở xe mì góc đường Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi) – Hai Bà Trưng. Hoặc đợi đến ngày lễ của người Hồi giáo đi ăn cơm nị ở chùa Chà gần nhà. Lúc đó, người theo đạo Hồi mừng năm mới vào khoảng tháng 11 dương lịch – lễ này gọi là Hari Raya – ở chùa Chà họ tổ chức cúng tế và phát cơm nị, bánh rế, bánh cay, trái cây cho trẻ con và hành khất… Trẻ con thường ngồi ở sảnh chùa đợi được phát quà trong khung cảnh cực kỳ náo nhiệt và kỳ lạ giữa trung tâm Sài Gòn. Tiền kiếm được, ba má tôi dồn hết sức cho con cái đi học với mức học phí cộng lại hàng tháng rất lớn, chưa kể mỗi tháng gửi tiền cho ông anh du học bên Pháp. Ba mẹ tôi, đặc biệt là mẹ rất nghiêm khắc trong việc quản lý chuyện học của con. Sau bữa cơm tối, tất cả phải ngồi vào bàn học bài, ai chểnh mảng là bị quất vài 'gay' (thợ người Bắc gọi cây thước gỗ là 'gay')”.
Sau 1975, nhà may Kim Sơn không treo bảng hành nghề nữa dù vẫn nhận may cho khách quen. Nhiều người trong giới khá giả Sài Gòn cũ đã tìm đến xin học may để có nghề chuyên môn khi ra nước ngoài sinh sống. Khoảng cuối thập niên 1980, một số người Pháp trở lại Việt Nam tìm đến tiệm và muốn đặt may, ông Thí tuy đã già nhưng nể tình vẫn nhận hàng. Năm 1986, sau một đời làm lụng chăm chỉ, bà Cao Thị Liên mất. Ông Lương Văn Thí cùng các con sống ở đây cho đến năm 1991 thì dọn về khu cư xá Chu Mạnh Trinh và mất năm 2008. Các con của ông bà Kim Sơn nay sống tản mát khắp nơi, chỉ những người đang sống ở Việt Nam gặp nhau trong ngày giỗ cha mẹ. Trong ngày tụ họp, những kỷ niệm hồi ở tiệm may Kim Sơn được kể ra mải miết. Họ nhớ cả bà bán tàu hũ, không biết chữ nhưng sẵn sàng bán thiếu cho đám thợ may, đánh dấu mỗi chén thiếu bằng một gạch bên cạnh một hình vẽ, anh thợ tên Bầu được biểu thị hình trái bầu, chị thợ có mụn là hình khuôn mặt tròn có những chấm đen. Nhớ cả tiệm tắm chó gần nhà mà chiều chiều có những ông chủ nhà giàu, Tây có Việt có dắt chó đến thuê tắm. Những kỷ niệm vụn vặt khiến những người con ông bà Kim Sơn cảm thấy gần lại với nhau, họ nhớ đến tiệm may, nhớ cha mẹ và nhớ cả những người thợ lao động cần cù của một thời Sài Gòn đã qua.
Đầu năm 2015, công ty SONY mở một showroom số 68–70 Đông Du, trên nền cũ của tiệm may Kim Sơn và tiệm hớt tóc Song Chung. Một trong những người quản lý cửa hàng là cháu ngoại của ông bà Kim Sơn – anh Ngọc Hiếu. Ngày nay anh Hiếu làm việc trên căn nhà mà anh đã sống suốt thời thơ ấu trong tình yêu thương chăm sóc của ông bà chủ tiệm may Kim Sơn. Một số thợ may đã lớn tuổi của tiệm Kim Sơn xưa kia hiện vẫn còn sống tại quận Gò Vấp.
TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO DÀI
Lịch sử chiếc áo dài không… dài, hoặc có thể nói là quá ngắn trong bước phát triển về trang phục của một dân tộc. Để mang dáng vóc ngày nay, áo dài cải tiến dần, từ chiếc áo năm thân, sau đó là bốn thân hay gọi là áo tứ thân, hai vạt trước buộc chéo, vắt thõng ra trước. Phụ nữ danh giá còn mặc áo đơn áo kép, mớ bảy mớ ba, bên trong có yếm. Rồi chiếc áo dài cải tiến dần.
Đã có những lúc chiếc áo dài giữ vai trò độc tôn trong đời sống, là thứ trang phục trang trọng của người phụ nữ. Ở miền Nam trước 1975 trong một thời gian dài, áo dài được dùng để cô giáo bận đi dạy, học sinh mang đi học, nhân viên nữ đi làm công sở, bà cụ đi chùa, các cô đi mua sắm, thăm viếng nhau thậm chí đi du lịch đường xa cũng bận áo dài. Ca sĩ, hoa hậu trình diễn hay thi thố cũng bận áo dài.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, dì của tôi ở nhà chồng miệt ngã tư Bình Hòa, ngày Chủ nhật đi thăm má tôi ở Phú Nhuận cách nhau ba cây số cũng bận áo dài, ngồi xích lô. Đó là thời hoàng kim của áo dài có lẽ không bao giờ quay lại, như chiếc kimono của Nhật trong đời sống hiện nay.
Áo dài miền Bắc cải tiến khoảng năm 1935-1936 thì ở Sài Gòn, cũng thời gian đó, năm 1935, kiểu áo dài cải cách đã xuất hiện trên mặt báo và đường phố. Đến năm 1938-1939, kiểu áo dài thông dụng của miền Nam có tà áo cao tới khoảng đầu gối, cổ áo mỏng và nhỏ, gài kín lại và tay áo ráp phía trên cùi chỏ. Đến đầu thập niên 1950 tới năm 1954, giới nữ trẻ phục sức cởi mở hơn, tuy chiếc áo dài không thay đổi nhiều. Vải may áo đã mỏng hơn dịu hơn và đã có nhiều người thích may bó sát người chứ không thèm rộng nữa. Họ bỏ khuy vải trên vạt con (vạt hò) để dùng khuy nút bóp. Họ may áo kiểu tay liền và bỏ kiểu tay ráp phùng ở vai đã có lúc thịnh hành ở miền Nam cuối thập niên 1940. Vải dùng để may thường là sa tanh trắng hay đen.
Cùng với áo tay liền, phụ nữ trẻ bỏ loại áo ngực dày để dùng loại gọn nhỏ kiểu phương Tây có tác dụng nâng ngực hơn. Đến năm 1954-1958, áo dài không thay đổi kiểu may nhưng đã có hiện tượng đáng chú ý về màu sắc. Có những phong trào như: Mặc áo dài và quần đồng màu vải trắng (nữ sinh bận nhiều), rồi mặc áo xanh đậm hay đỏ chói với quần trắng. Một số phụ nữ sang trọng diện áo dài đôi, như bộ áo cưới, gồm áo dày ở bên trong và lớp áo the mỏng có hoa, đắt tiền bên ngoài. Đến năm 1958, áo dài ở miền Nam cải cách lớn như ai cũng biết, đó là kiểu áo dài của bà Trần Lệ Xuân với kiểu áo không cổ áo, hở cổ và vai, vạt hò được đắp lên tới bờ vai phải. Trong dịp lễ, bà choàng thêm bên ngoài một khăn choàng mỏng và thật dài. Chiếc áo này giúp phụ nữ giảm bớt bức bối ở vai và cổ, thể hiện được nét tròn đầy của hai bờ vai. Sau đó, áo dài tiếp tục được thay đổi: Kiểu hở cổ thì cải tiến ở cổ áo như cổ hở một phần vai hay nguyên vai, cổ hở một phần ngực hay phía trên lồng ngực và từ vai xuống trọn ức, dành cho các cô ngực nở. Còn có các cải tiến khác về cổ như cổ trái tim, cổ tròn không bâu.
Ngoài ra có kiểu cải tiến tay ráp. Các kiểu áo trên có tay ráp trên cùi tay hay ở vai. Vạt hò được để ở nách hay trên vai. Tay có thể gài nút bóp bình thường hay mở rộng, có thể được viền kiểu hay thu ngắn lên hai phần ba cánh tay.
Màu sắc và hoa áo thay đổi tùy người và lứa tuổi mặc. Xuất hiện phụ nữ mặc áo dài thêu hoa kim tuyến, hoặc họa sĩ vẽ trên áo dài. Công vẽ áo dài là 800 đến 2.000 đồng mỗi áo đầu thập niên 1960.
Trong đợt đấu xảo tại Singapore năm 1959, áo dài nhận được rất nhiều lời ngợi khen và đến giai đoạn này gần như đã trở thành quốc phục của phụ nữ. Tuy nhiên, trang phục này cũng dần bộc lộ những bất tiện. Trong tạp chí Bách Khoa năm 1959, ông Đoàn Thêm chỉ rõ trong bài Y phục và thời trang , xin lược lại mấy ý như sau:
– Áo dài còn có thể đẹp thêm. Ví dụ như vì sao lại đi bắt chước Hồng Kông hay Đài Bắc để cổ áo cứng ngắc và mỗi ngày một cao lên, từ 1955 cao lên từ 2 lên 3 phân rồi lên dần tới 10 phân đến nỗi bức bối và khó quay đầu cúi mặt? Vả lại, còn giấu đi vẻ đẹp thanh tao của cái cổ trắng ngần như cuống hoa huệ.
– Nhiệt độ miền Nam nóng bức, sao cứ lúc nào cũng để áo tay dài và bó sát. Tuy đẹp nhưng chỉ nên dùng dự lễ, yến tiệc hay hội hè. Còn khi bận rộn, lúc đi xe máy, đi hóng mát nơi miền biển sao không dùng áo tay ngắn và rộng hơn.
– Khi bận áo dài, có thêm những thứ diêm dúa, nhưng lại thiếu những thứ cần thiết. Áo lót thêu thùa thì có nhưng thiếu khăn phủ ngoài khi làm việc bếp núc dùng cho đỡ bẩn. Khăn quàng mỏng manh để điệu đà thì có nhưng nắng chang chang lại không có loại nón nào phù hợp để mang, trong khi chỉ có nón lá không tiện, đi xe máy thì gió lật. Đã uốn tóc theo lối Âu Mỹ nhưng không ai nghĩ ra loại nón che mưa nắng cho phù hợp.
Nhận xét của một nhà văn vốn là công chức cao cấp của chính phủ lúc đó khá tinh tế. Cuộc sống luôn tự chọn lựa những điều phù hợp để lưu giữ hay bỏ qua. Và áo dài cũng vậy.
Cho đến đầu thập niên 1970, áo dài tiếp tục được cải tiến. Người mặc thích loại hàng mỏng và dịu nội hóa để may áo và quần, tôn lên vẻ hấp dẫn. Nhiều phụ nữ mặc quần lót ngắn và nhỏ với mục đích này. Loại áo dài hở cổ và vai tiếp tục được cải tiến thành loại mới là có thêm cổ lật cùng màu. Kiểu này xuất hiện tại Đà Lạt, và sau đó biến mất.
Đến cuối thập niên 1960, phổ biến kiểu áo dài tà ngắn gọi là mini áo dài, có cổ thật nhỏ hoặc hở bâu. Loại này khá giống loại áo dài mà phụ nữ miền Nam mặc năm 1937 nhưng mặc chật eo, còn ai mặc rộng thì y chang kiểu 1937. Loại này cùng với loại tay raglan có thể thay đổi tà áo trên hoặc ngang đầu gối và có thể cắt ngắn cao chừng hai phần ba cánh tay. Từ kiểu mini này, đến năm 1971 có phong trào mặc áo dài với quần tây ống chân voi. Hoặc hai tay áo khác màu với thân.
Vẻ đẹp sang trọng và lộng lẫy của các nữ nghệ sĩ Sài Gòn trong trang phục áo dài thập niên 1960.
Bàn về chiếc áo dài, không thể không nhắc đến cái tên nhà may Thiết Lập. Khoảng đầu thập niên 1971, độc giả nữ của tuần báo Thẩm Mỹ Tân Tiến thường mua tờ này, không phải chỉ để đọc truyện phơi-ơ-tông hay mục Gỡ rối tâm tình, mà họ tìm một trang mục cần thiết hơn, mục Cắt may. Mục này hút người đọc vì người phụ trách không ai xa lạ, chính là đôi vợ chồng ông Trần Kim và bà Nguyễn Thị Bắc, chủ nhân nhà may Thiết Lập rất nổi tiếng ở Sài thành. Mục Cắt may chủ yếu dạy cách may áo dài kiểu tay raglan đang thịnh hành và các kiểu áo khác.
Tính đến đầu thập niên 1970, tiệm may Thiết Lập của ông bà Kim – Bắc đã đứng vững trên đất Sài Gòn cho dù thành phố này có rất nhiều các tiệm may có từ thời Pháp thuộc. Thành lập từ năm 1950 (sau này có tài liệu cho là từ 1953), ông bà xác định hướng đi của tiệm là may áo dài thời trang. Ông Trần Kim phụ trách cắt, đo, thử và chỉ huy thợ. Bà Kim phụ trách việc tiếp khách và vẽ các kiểu áo dài.
Tuy ngôi nhà xưởng không lớn, ông bà tạo nên một xưởng may có tới 50 người thợ. Trung bình mỗi ngày tiệm giao khoảng 100 áo dài cho khách. Con số này có thể tăng gấp đôi hay gấp ba vào các ngày gần lễ Giáng Sinh hay Tết. Đặc biệt, đa số là khách quen.
Thời điểm thập niên 1960, 1970, chúng ta thấy trên đài truyền hình đa số các nữ ca sĩ khi đi hát thường bận áo dài. Xu hướng này kéo dài cho đến 1975 và cả sau này. Có nhiều ca sĩ là khách hàng quen thuộc của nhà may Thiết Lập, ngoài ra đó là các công tư chức, nhà kinh doanh, sinh viên và các phu nhân. Các cô dâu sắp về nhà chồng và cả những người sắp xuất ngoại đi du học hay du lịch đều đến may ở đây. Giới đứng tuổi và giới trẻ đều đông ngang nhau. Kiểu áo dài được ưa thích thời điểm năm 1970 là áo dài kiểu tay raglan có cổ cho các bà đứng tuổi. Tay áo dài raglan theo kiểu tay áo bà ba, đường cắt lượn từ khóe nách lên chân cổ. Còn giới trẻ thường chọn các kiểu Boléro, Comtesse, Midi, Petite Reine, Princesse, Soirée Schmitt, Bavière, Maxi,v.v…
Lời quảng cáo độc đáo của tiệm may Hoàng Mỹ ở khu “Ngã tư quốc tế”, đường Đề Thám, quận Nhứt: “1. Người ốm Bà cắt biến thành mập/ 2. Người không eo cắt vẫn có eo/ 3. Người không ngực cắt vẫn có ngực/ 4. Người không mông mặc áo vẫn thấy mông...”. Kèm theo là ảnh 2 người mẫu diện áo dài với cái eo “không tưởng” do kỹ thuật cắt cúp ảnh thủ công. Quảng cáo trên giai phẩm Phụ Nữ Ngày Mai - Xuân Quý Mão 1963.
BỘ TRANH CỦA HỌA SĨ TRẦN ĐẮC TRÊN BÁO T.G.T.D số 8 tập XX năm 1971.
Với 50 thợ may lành nghề, nhà may Thiết Lập có thể sản xuất 100 áo dài mỗi ngày.
Do có kinh nghiệm lâu năm, ông bà chú ý huấn luyện theo các tiêu chuẩn riêng của mình: Thử thách thợ mới là hai tuần lễ cho dù trước đó là thợ chuyên nghiệp, thợ phụ trách phòng đo thử phải là người kiên nhẫn và vui vẻ. Nhờ huấn luyện kỹ, trong trường hợp gấp có thể hoàn thành áo dài trong vòng 2 giờ với bốn người thợ.
Sau 1975, ông bà sang Mỹ và tiếp tục hành nghề may mặc. Theo thông tin trên mạng, nhà may Thiết Lập ở Sài Gòn hiện nay là của cháu bà Nguyễn Thị Bắc kế thừa nghề nghiệp và thương hiệu.
CÔ GÁI SÀI GÒN ĐẦU TIÊN MẶC ÁO DÀI TÂN THỜI
Giữa thập niên 1930 tại Hà Nội, báo Ngày Nay, cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời sau khi báo Phong Hóa bị đóng cửa. Báo lấy việc giải phóng cá nhân làm tâm điểm của sáng tác, tôn trọng tự do cá nhân, “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ” . Ngay số đầu tiên ra ngày 30 tháng 1 năm 1935, báo đã có bài cổ súy việc cải cách quần áo phụ nữ của họa sĩ Cát Tường trong đó có bộ áo tân thời, tiền thân của chiếc áo dài hiện đại ngày nay. Ở trang 9 của số báo đầu tiên này là hình cô Nguyễn Thị Hậu, người đầu tiên mặc áo lối mới ở Hà Nội.
Sau đó, trên báo Ngày Nay số 5 ra ngày 10 tháng 3 năm 1935, tác giả Chiêu Anh Kế đã có một bài phỏng vấn về thiếu nữ đầu tiên ở Gia Định mà ông khẳng định là người đầu tiên mặc áo dài tân thời. “Cô Hồng Vân là người thiếu nữ đầu tiên trong Nam mặc quần áo lối mới kiểu Le Mur. Trong một đêm chợ phiên ở Sài Gòn, người ta đã được trông thấy cô uyển chuyển trong bộ y phục màu hường, tà áo thướt tha và mềm mại”.
Tác giả đã đến nhà riêng phỏng vấn cô Hồng Vân về việc này và cô Hồng Vân đã trả lời rất tự tin rằng: “...cách nay hai năm, ai nào được trông thấy một chiếc áo 'hở ngực' hay một chiếc quần 'rộng ống'. Mà nếu may mắn có một thiếu nữ ăn mặc như thế, người ta đã vội cho cô ấy là gái chơi bời, lẳng lơ và trắc nết”.
Nói về cảm giác ban đầu khi ăn mặc loại áo tân thời thể hiện rõ đường nét cơ thể thiếu nữ trong bối cảnh lúc đó, cô bảo: “Lúc đầu cũng xốn xang thực, nhưng cái gì cũng vậy, hễ nó quen đi thì thôi... một cái áo cổ bẻ, khác màu với vạt, cổ tay xếp nếp mà bắt 'jour' mà lẫn vào mấy trăm cái áo lối cũ thường dùng thì ai không ngó, không trầm trồ này kia... Giả một chị em e lệ, có tính nhút nhát thì phải toát cả mồ hôi” . Cô cho biết dầu có đẹp mấy nhưng ban đầu cũng có người khen kẻ chê: “Người khen, cố nhiên là đám thanh niên biết yêu chuộng mỹ thuật, thích cải cách. Còn người chê… tất là mấy bà già khó tính”. Mang ra một bộ quần áo khác bằng lụa mỏng màu da trời nhạt, cô chỉ một đường rách và cho biết trong đêm chợ phiên của “Hội bài trừ bệnh lao”, một “bà già” 45 tuổi theo cô không rời và rạch một đường thẳng băng bằng dao nhọn từ trên xuống dưới. Tuy gặp những chuyện không vui như vậy, cô khẳng định không nản chí mà cho rằng: “Thấy cái hay, cái phải, chị em chúng tôi cứ mạnh bạo mà không quản ngại gì cả. Tôi chắc một ngày kia, chị em bạn gái mỗi người sẽ có một kiểu áo đẹp đẽ, một mẫu riêng hợp với da người… lúc bây giờ các cô sẽ trẻ thêm, đẹp thêm một ít nữa”.
Cô Hồng Vân, thiếu nữ Sài Gòn đầu tiên bận áo dài lối mới do họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu. Cô và bộ trang phục tân thời xuất hiện trong một buổi chợ phiên ở Sài Gòn và được phỏng vấn trên báo Ngày Nay tháng 3 năm 1935.
Qua bản lưu của báo Ngày Nay cách nay 80 năm, chúng ta thấy lại hình ảnh cô gái Hồng Vân trong bộ áo tân thời và những suy nghĩ cởi mở của cô gái Sài Gòn – Gia Định trong trào lưu tiến bộ ở đất nước Việt đang còn trong thời phong kiến lạc hậu và thuộc địa.
DĂM CHUYỆN ĂN MẶC CỦA QUÝ ÔNG
Tết Quý Sửu 1973, không khí trong xóm tôi khác với những cái Tết trước đây. Hiệp định Paris vừa ký xong khiến người dân Sài Gòn – Gia Định nôn nao tin là hòa bình sẽ sớm đến trên quê hương. Các ông trong xóm qua lại thăm nhau nhiều hơn, để cùng nhau cụng ly, bàn chuyện thời sự.
Không phải đi học, tôi lon ton giúp má tôi mang ly, nước đá cho ba tôi tiếp khách. Nhờ đó, tôi chứng kiến cuộc tụ họp vui vẻ giữa các ông chủ gia đình trong xóm đã lâu ngày mới có một cuộc gặp mặt đông vui như vậy. Ai nấy đều ăn diện khác ngày thường.
Cậu Bảy Nheo đến trước, nhìn khỏe mạnh trong chiếc áo Montagut mới toanh màu vàng nhạt, lấp lánh trong nắng tháng Giêng. Cậu làm ở sở Mỹ, có tiền nên thích xài loại áo này, giá không rẻ vì nhập cảng từ bên Pháp. Trong khi đợi ba tôi ra tiếp, cậu Bảy ngồi nói chuyện với dượng Hai Mỹ, chủ sự hãng hàng không Air Việt Nam, còn gọi là “Air con rồng”. Ngày Tết, dượng Hai mặc áo sơ mi trắng thắt cà vạt hẳn hoi, chúc Tết xong dượng còn phải chạy vô sở làm để trực nữa.
Sau đó là ông ký giả nhựt trình, không biết ông ký tên gì trên báo nhưng trong xóm gọi là chú Tư. Hôm nay ông vẫn bận cái áo bốn túi màu kaki như mọi ngày nhưng là áo mới coóng. Ông ghé chúc Tết một lát rồi cho biết phải đi ngay đến lăng Ông ở Bà Chiểu để “coi có gì hay không!”.
Rồi đến thầy Hai răng vàng, bận sơ-mi soa Pháp trắng, bỏ áo vô quần Tây đen, mang giày đen, nhìn trẻ trung so với tuổi băm mấy của thầy. Thầy chuyên chạy “áp-phe” thuốc Tây, nghe nói dám vô bán cả trong vùng quê có mấy “ổng” (sau hiểu là vùng giải phóng).
Chiều mùng Ba, tôi tiếp mấy chú là bà con xa từ xã Tân Thạnh Đông miệt Hóc Môn. Ba ông chú, chú Sáu, chú Bảy, chú Tám bận ba bộ đồ bà ba đen y chang nhau trông rất ngộ. Ngồi chơi một lát, chú Sáu co chân lên ghế ngồi kiểu nước lụt, lấy thuốc rê ra quấn hút. Mùi thuốc khét lẹt khiến má tôi rút lui, để ba tôi tiếp mấy chú. Hàng xóm đi qua đi lại, hôm sau hỏi ngay: “Có khách ở quê lên chơi hả chị Ba?”.
Có buổi chiều sau Tết, ông Thầu (làm nghề thầu khoán) từ đầu ngõ đi vào thăm ba tôi. Ông bận bộ pyjama màu ruốc lợt, có viền màu nâu ở tay áo và gần miệng túi. Tay phải ông chống “can” bằng gỗ lên nước bóng, tay trái cầm ống điếu. Ở nhà, ba tôi bận bộ đồ bà ba trắng ra tiếp ông. Hai ông già nhấp chút rượu Martell trong cái ly bé xíu, vui chuyện trong buổi chiều xuân dịu mát và đầy hy vọng.
Những điều đọng lại trong tôi về cái Tết xa xưa đó là vẻ mặt vui tươi và cách ăn mặc của các chú bác đến chơi. Họ thể hiện kiểu cách ăn diện, dù không đầy đủ, của nam giới một thời sống trên đất Sài Gòn – Gia Định, đầu thập niên 1970, bổ sung cho kiểu phục trang áo sơ mi, quần tây hằng ngày của giới viên chức làm công ăn lương.
Đã qua lâu rồi một thời phong lưu của quý ông, được ca ngợi trong bài Hành Vân thường nghe eo éo trong máy hát dĩa:
"Nằm thời nằm giường Lèo!
Đắp chăn là chăn nệm gấm!
Đi giày là giày Gia Định!
Ngồi ghế là ghế phượng loan!
Cậu bịt hai cái răng vàng, trên đầu cậu xịt dầu thơm, dầu thơm!"
Do ảnh hưởng từ người Pháp, đàn ông Việt thời thuộc địa bỏ dần chiếc áo the, khăn xếp lúc ra đường, đến cửa quan để làm quen dần với trang phục phương Tây, với áo sơ mi, quần Tây, bộ complet... Âu phục nơi công sở từ những năm đầu thế kỷ 20 đến nay hầu như không thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, có các kiểu ăn mặc khác lúc đi chơi, ở nhà hay nơi giải trí lại thể hiện nhiều điều thú vị, ảnh hưởng của gout thẩm mỹ và điều kiện kinh tế lúc đó. Trên báo chí xưa nay, có nhiều bài viết về trang phục phụ nữ, nhưng không có mấy bài đề cập đến trang phục đàn ông các giới, ngoại trừ những đoạn mô tả mang tính nghiên cứu về trang phục quân đội, của một nghề nghiệp có tính đặc thù. Những ảnh hưởng từ phương Tây, rồi từ văn hóa Mỹ lên cách ăn mặc của đàn ông Việt cả thế kỷ qua có nhiều điều độc đáo cần quan sát và nghiên cứu.
Từ trước 1954, nhiều người từ miền Bắc và Trung chuyển vào sống ở Sài Gòn. Họ mở các dịch vụ trang phục như đóng giày da, may quần áo, làm mũ nón. Họ đáp ứng nhu cầu trang phục của người Pháp và cho cả giới công chức, viên chức trẻ người Việt. Họ mở tiệm may đồ vest, đồ đầm ở khu trung tâm Sài Gòn, trên đường Catinat (Tự Do) hay Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi), mở tiệm bán giày dép ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) hay mở xưởng đóng giày ở phía quận 4. Ngoài ra, còn có hàng hóa nhập khẩu từ bên Pháp và các nước, có đủ thứ phục vụ việc chưng diện của các quý ông từ nước hoa, cravate, mũ, khăn mùi xoa, khuy manchette, đồng hồ hay kim kẹp cravate... Các sản phẩm này giúp cách ăn mặc tân thời của đàn ông Sài Gòn định hình dần, không chỉ trong giới trung hay thượng lưu mà người bình dân cũng đã biết học theo để hòa nhập vào xã hội, miễn vừa túi tiền của mình.
Ở vùng ngoại ô Sài Gòn – Gia Định, cách ăn mặc của đàn ông chậm thay đổi nhất. Ông Tiền Vĩnh Lạc, sống ở Úc, trong cuốn “Làng cũ người xưa” chỉ lưu hành trong thân hữu kể về trang phục trai làng An Nhơn ở Gò Vấp (khoảng đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp) cách nay sáu bảy mươi năm như sau: Với thanh niên ngoại ô làm nông thì: “Ở nhà, mấy cậu bận quần cụt, ở trần. Trời lạnh thì bận thêm cái áo bà ba đàn ông. Quần áo đàn ông thường may bằng vải săn đầm đen, hoặc vải xe lửa trắng (đầu vải in nhãn hiệu chiếc xe lửa). Ra đường, xỏ thêm cái quần dài đen hay trắng, quần thường chứ không phải 'quần tây'. Đa số đi chân không để đầu trần”.
Đầu thập niên 1960, trang phục truyền thống Việt vẫn có chỗ đứng bên cạnh trang phục Âu Tây trong các lễ quan trọng như đám cưới. Ảnh tư liệu của Phạm Hoàng Việt.
Với đám thanh niên nhà khá giả có ăn học thì ăn bận tươm tất hơn: “Áo bà ba vải xe lửa hoặc vải bô-bơ-lin (popeline) trắng tinh, hồ, ủi thẳng nếp, mang guốc vông, đội nón cối trắng hiệu 'Con Gà'. Đó là mấy cậu học sinh trường Petrus Ký hoặc tư thục Lê Bá Cang. Còn nếu thanh niên đã học xong lớp Nhứt, đậu bằng Sơ học yếu lược ra đi làm việc thì ''bận đồ Tây: quần tây dài, áo sơ mi luôn bỏ vào quần, mang giày Bata, mang giày xăng-đan… Cậu nào sắm được một cái đồng hồ đeo tay là sang hết cỡ!”
Với người lớn làm nông thì “đàn ông nhiều người bới tóc, hút thuốc rê…Làm ruộng, làm mướn thì bận quần cụt, áo bà ba vải đen hay ở trần. Đi công chuyện mới bận đủ bà ba, đen hoặc trắng. Có guốc thì mang guốc, không có thì đi chân không…”.
Người khá giả bận đồ tây khi ra đường, còn mấy ông làng, hương chức hội tề khi ra công sở, xuống đình làng thì “áo dài, khăn đóng, đi giày bố Bata hoặc giày hàm ếch da láng” . Cách ăn diện này giữ đúng truyền thống nên dân làng rất kính trọng.
Riêng mấy thầy làm việc ở Ngân hàng Đông Dương, Nhà Dây thép (Bưu điện), Sở Trường Tiền (Sở Công chánh) ăn mặc như Tây: “Đi làm mỗi ngày mà cũng thắt 'cà-ra-oách' (cravate), áo 'vết' (vest), mang giày da có đóng sắt dưới đế, đi nghe 'cộp cộp', oai thấu trời! Biết đâu vô sở có khi bị Tây nó xài xể, khinh thường. Mấy thầy đi xe điện thì ngồi hạng nhứt, trả giá gấp đôi. Chiều về trên tay cầm một tờ nhựt trình La Dépêche tiếng Tây, hoặc tờ Điện Tín tiếng Việt, dân quê nó thấy nể quá chừng!”.
Một tác giả khác, nhà văn Hồ Trường An, trong cuốn Màn nhung đã khép tả hai nhân vật làm báo lịch lãm, ăn chơi ở Sài Gòn thập niên 1920 là anh em Đinh Tường và Đinh Thụy thật sinh động (Nhà văn này rất có tài trong việc mô tả diện mạo, trang phục và cả các món ăn, với rất nhiều chi tiết độc đáo trong tác phẩm của ông).
Nghệ sĩ Hùng Cường phối đồ với áo thun cổ lọ bên trong, khoác áo vest bên ngoài cho những ngày trời lạnh hay ở vùng cao nguyên. Mode này có thể mô phỏng theo cách chưng diện của hai tài tử Khương Đại Vệ và Địch Long trong phim Hồng Kông.
Đọc lại các đoạn này, ta thấy cách ăn mặc và chưng diện lúc đó đã rất tân thời không kém bây giờ:
“Đinh Tường khoảng ba mươi ngoài, mặt vuông trán rộng, mái tóc dợn sóng được chải thận trọng từng nếp quăn. Chàng để ria mép tỉa mỏng như kép Âu Mỹ nên khi chàng cười thì nụ cười dưới hàng ria mép sáng lên một vẻ nam tính hùng tráng và màu môi chàng như thêm sắc thắm đỏ… Màu ria mép đen nhánh hợp với màu đen rậm rạp của cặp chơn mày và đôi rèm mi dài. Chàng mặc bộ côm-lê màu kem nhạt, đi giày màu sô-cô-la, thắt cà vạt đen điểm chấm màu cam. Toàn cơ thể chàng toát ra vẻ phong lưu phơi phới. Hàng răng chàng bóng lên vẻ ngọc trai, chứng tỏ chàng chăm sóc nó cẩn thận. Còn đôi bàn tay chàng mới đẹp làm sao! Chúng không lớn không nhỏ, nhưng mu bàn tay rất mịn, ngón vừa vặn nhưng mềm, móng cắt cụt nhưng vành thật cong ở đầu làm cho móng có hình thuôn như hột ô môi hay hột hạnh nhân.”
Còn Đinh Thụy, khoảng độ 25, hoặc 26 tuổi, “chàng mặc theo kiểu demi saison, áo vest bằng nhung đen sọc màu thiên thanh, quần màu xám và chơn đi giày đen”.
Kiểu “demi saison” có từ thời Pháp thuộc, kiểu quần áo để mặc hai mùa thay vì loại quần áo cổ điển chỉ có thể thích hợp cho một mùa thôi. Từ đó người mặc “phăng” ra nhiều kiểu ráp quần này với áo kia.
Trong một đoạn khác, tác giả tả anh em ăn bận ở nhà như sau: Đinh Tường trong khi đợi khách đến để tiếp thì “mặc áo sơ mi màu lam thạch, quần xanh dương đậm, chơn mang giày da đen đánh bóng nẩy sao”. Còn Đinh Thụy “mặc quần tây vải bố vàng, áo sơ mi cụt tay hoặc áo thun, chơn xỏ vào đôi giày hàm ếch hoặc đôi guốc Đa Kao”.
Về tóc tai, “hai anh em có mái tóc nhuyễn và gợn sóng tự nhiên, ôm sát vào da đầu nên không cần phải chải tóc nhiều, chỉ thường gội nước bồ kết và nước cốt chanh cho tóc bồng hẳn lên. Vì tỉa ria mép theo kép hát bóng Huê Kỳ là Clark Gable và Errol Flynn nên Đinh Tường thường vuốt ria mép bằng sáp cho râu đen lánh”.
Hồ Trường An đã tỏ ra có mắt tinh đời khi tả các nhân vật sắc nét tùy theo nghề nghiệp của họ. Ông tả trang phục một ông trùm cờ bạc: “bộ đồ bằng ga-pạc-đin xám, thắt cà vạt đen điểm chấm lam ngọc, đi giày đen” , đã vậy: “lại còn cầm “can”, đầu đội nón nỉ, túi áo giắt theo chiếc đồng hồ trái quít lẫn hộp đựng thuốc lá và chiếc hộp quẹt máy, tất cả đều bằng vàng” . Còn ông bầu gánh hát thì: “mặc bộ đồ bằng vải 'tuýt so'(tussor) màu ngà, đi giày màu sô-cô-la, thắt cà vạt đen sọc đỏ”.
Những năm thập kỷ 1930, người thuộc giới phong lưu hay ăn chơi hầu như đã ăn bận theo dân Tây, nhưng lứa trung niên và cao tuổi vẫn giữ nền nếp cũ và họ thuộc số đông. Nên có câu chuyện kể rằng khi nhà thơ nổi tiếng Tagore của Ấn Độ đến Sài Gòn năm 1929, để tỏ ý tôn trọng nước chủ nhà, ông bận trang phục cổ truyền Việt với áo dài gấm bông bạc, khăn đóng nhiễu đen, quần lãnh trắng, mang giày Gia Định thong thả dạo phố Sài Gòn.
Sau thập niên 1930 là đến những năm 1940 đầy biến động, vì chiến tranh. Cái ăn cái mặc không được chú trọng, ai nấy sống cho qua thời cuộc. Đến thập niên 1950, cuộc sống Sài Gòn ổn định trở lại, người ta lại sống, làm việc, ăn diện và hưởng thụ. Tuần báo Mới số 53 xuất bản tháng 11 năm 1953 có trụ sở tại đường Sabourain gần chợ Bến Thành có bài Kinh nhật tụng của người đàn ông lịch sự bày cho giới mày râu Sài Gòn cách chăm sóc ngoại hình để trở thành một người đàn ông lịch lãm. Ngoài việc giữ gìn đôi mắt (tự chế nước rửa mắt bằng nước hoa hồng), giữ gìn hàm răng nếu có hút thuốc (dùng phấn có tẩm chất băng phiến), bài báo khuyên về việc có nên để râu hay không, giữ gìn mái tóc thế nào, và những việc cụ thể khác: “Bạn có thể dùng nước hoa, nhưng không phải thứ nước hoa nguyên chất của các cô đâu nhé! Nước hoa của bạn là thứ đã pha loãng trong rượu mạnh mà ta vẫn gọi Eau de Cologne, la Lavande và Cuir de Russie. Trước khi đi, bạn dốc ngược chai cho thấm vào khăn tay và dùng khăn tay kia (đó) xoa qua một tí trên mặt. Như thế đã đủ lắm rồi...”. Về trang phục: “...Bạn cần tuyệt đối 'khai trừ' những chiếc cà vạt lòe loẹt (màu sắc quá rực rỡ và lố lăng, có cây, có nước, có vũ nữ, có xe hơi, có nhà lầu, v.v...). Một con người tế nhị thì cà vạt cũng tế nhị, một con người đàng điếm thì cà vạt cũng đàng điếm. Xin bạn chớ quên”. Về bít tất (vớ): “Bạn nói chuyện với khách rất đứng đắn, nhưng khi khách nhìn xuống chân của bạn thì ôi thôi, khách cau mày. Tại sao? Chẳng có gì lạ cả, đôi bít tất của bạn nó là một thứ 'tạp pí lù' đủ màu sắc: xanh có, đỏ có, vàng có, trắng có. Bít tất của bạn là thứ bít tất rất Tàu... mua ở hiệu Tàu trong Chợ Lớn. Vậy lần sau xin bạn đổi giùm cho một đôi tao nhã hơn và đứng đắn hơn”. Về giày: “Đừng có chọn cái kiểu to phình như của người Pháp. Đừng có lấy thứ mũi vịt bèn bẹt của các cậu công tử bột Hanoi. Đạo trung dung dạy ta rằng: đôi giày phải vừa phải, không to không nhỏ, nghĩa là phải cân đối với khổ người của bạn”.
Nhà thơ Đỗ Kh. trong một bài viết mô tả trang phục thập niên 1960 khi ông quan sát bạn bè học cùng trường của mình: “Học trò dân con nhà giàu thì chỉnh tề quần Tergal đen áo sơ mi trắng, xách cặp Samsonite da”.
Còn viên chức chính phủ cấp cao: “Mặc quần tây nhạt đúng thời trang, loại có đai dây lưng cài chéo nút, áo Montagut nhẵn thín, đầu bóng lộn chân đi giày không dây Simili Gucci. Ông hút thuốc Jasmin cán vàng nhãn Sobranie, thứ 25 đồng 1 điếu (thuốc lá thường, lúc đó 20 đồng 1 bao) và cái xe con ông lái mới là độc đáo, Fiat 800 coupe hai cửa rất ít thấy...” (đoạn này ông tả tác giả Người Thứ Tám của series truyện trinh thám Z.28).
Đến đầu thập niên 1960, quần Dacron hay Tergal được xem là đã lịch sự rồi dù sau đó chỉ chục năm đã bị cho là “quê một cục”. Nhà may Bảo Toàn ở số 303 Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng), Phú Nhuận quảng cáo trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn tự nhận là nhà may lớn nhứt và khéo nhứt, có đủ hàng vải tuyệt đẹp của Mỹ quốc, có hàng Dacron 58, 60, 61, 62 đủ màu sắc.
Đến gần giữa thập niên 1960, lính Mỹ chưa vô nhưng trào lưu Mỹ đã bắt đầu với quần ống túm ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cảnh sát ở Đà Nẵng lúc đó bắt thanh niên ngồi chồm hổm, anh nào bận quần ống túm thì sẽ không ngồi được, lại bị tét đít. Tuy nhiên, từ năm 1964, nhất là khi người Mỹ vào miền Nam nhiều thì xuất hiện phong trào “Về nguồn” để cố cưỡng lại một nền văn hóa ngoại lai đang du nhập. Nhiều đền thờ quốc tổ Hùng Vương được mọc lên, xuất hiện phong trào “Chấn hưng đạo đức”. Nhiều đám cưới tổ chức có cô dâu chú rể ăn mặc theo truyền thống như áo gấm đỏ, khăn vành dây và hột vàng thay vì mang lúp voan trắng lòe xòe... Cô dâu như vậy thì chú rể phải đồng bộ, thế là khăn xếp, áo thụng lam, áo dài khăn đóng. Đàn ông Sài Gòn có dịp quay trở lại trang phục truyền thống áo dài khăn xếp đã quên đi. Hiện tượng này đã lặp lại tại Sài Gòn thập niên 1990 trở về gần đây.
Đến 1974, ảnh hưởng phong trào hippy xuất hiện từ vài năm trước, thời trang của một bộ phận giới trẻ là quần ống loe, lòe xòe như bà đầm xòe. Thanh niên để tóc dài do ảnh hưởng phong trào này và từ hình ảnh ban nhạc Beatles đang nổi tiếng. Riêng giới thanh niên con nhà giàu chơi sang có học, thì vẫn ăn mặc đúng mốt, đi giày Santiago đóng ở tiệm Gia tận bên Khánh Hội, mặc áo quần của nhà may Văn Quân hay Tân Tân, hớt tóc ở tiệm Đơ đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu).
Có lẽ sau trận tấn công 1968 tại Sài Gòn với nhiều xác chết la liệt trên đường phố, cùng phong trào hiện sinh đang thịnh, Sài Gòn ăn chơi nhiều hơn, diện hơn. Đời sống đầy bắt trắc không chỉ dành cho người lính ở chiến trường. Đến lúc đó, việc ăn mặc sành điệu lại được cổ súy. Nhiều người đi đặt may từ Catalogue mới đem từ Pháp sang theo các cô chiêu đãi viên hàng không, với các kiểu áo vest mới nhất. Áo Montagut vẫn tiếp tục nhập dù giá rất chát. Cravate ngoại vẫn luôn có loại mới trong Passage Eden...
Sống ở một thành phố, một đất nước trải qua nhiều biến động thời cuộc, có cái ăn cái mặc đã là mừng, nếu lịch sự càng tốt, cố giữ không lố lăng. Đàn ông Sài Gòn nhiều năm qua, vai trò xã hội quá lớn, đóng góp không nhỏ để xây dựng nên một thành phố văn minh. Họ cố gắng vươn tới phong cách sống văn minh và lịch thiệp, tạo dựng diện mạo đàn ông thành phố này. Tìm hiểu về câu chuyện này, mới sơ qua cũng đã có nhiều điều thú vị đối với người viết.
TIỆM CHO THUÊ SÁCH, DẤU ẤN MỘT THỜI
Chúng ta không rõ trong thế giới sách, ngành làm ăn cho thuê sách để đọc bắt đầu từ đâu và khi nào. Có thể từ phương Tây chăng? Ở Nhật, theo tác giả Nguyễn Xuân Xanh, trong bài Tại sao người Nhật mê đọc sách, nguyên do từ việc phát triển thương mại sách ở thế kỷ 17 tại đất nước này, khi giới đọc sách truyền thống như quý tộc, tu sĩ và thượng lưu được mở rộng sang đại chúng. Sách phát hành nhiều nhưng không đủ nhu cầu, thế là văn hóa đọc sách thuê ra đời từ thời Kan’ei (1624–1644) tại các thành phố lớn như Edo, Kyoto và Nagoya. Theo bài viết, lúc đó mỗi bản sách được in ra tới 10 ngàn bản, quá lớn so với bấy giờ, và Nhật Bản đã từng có những bộ danh mục hàng chục tập về các sách in dành cho công chúng sử dụng. Các cửa hàng cho thuê sách, kashihonya, đóng vai trò quan trọng ở đây. Đến cuối thế kỷ 18, các cửa hàng cho thuê sách có mặt khắp nơi ở Edo (tức Tokyo) và các tỉnh. Khách hàng được phục vụ bởi những người đi rong mang thùng sách trên lưng. Sách vở nhờ đó có thể đi đến tận các hải đảo xa xôi. Edo có 650 cửa hàng cho mượn sách năm 1808, nhưng đến 1832 đã có tới 800, đáp ứng cho dân số khoảng hơn triệu với tỉ lệ biết chữ lên đến 70%. Có cửa hàng cho mượn sách ở Nagoya, tên Daiso của Souhachi được thành lập năm 1767 và hoạt động 132 năm liền, đến khi chấm dứt hoạt động có một danh mục đến 26.768 quyển sách cho mượn.
Ở Sài Gòn, không biết chắc khi nào có các tiệm sách, nhà sách cho thuê nhưng chắc chắn là trước 1954, đã có loại hình này rồi. Các tiệm cho thuê sách tồn tại song song với các nhà bán sách, đáp ứng rất tốt nhu cầu của người mê đọc sách nhưng ngân quỹ eo hẹp hay không muốn bỏ tiền mua sách, hoặc muốn thỏa mãn nhu cầu đọc tiểu thuyết ít tốn kém, để dành tiền mua các loại tự điển, sách nghiên cứu hay những quyển mình tâm đắc. Những người viết, giới xuất bản sách và chủ các nhà sách không thích các tiệm thuê sách vì đã động chạm đến quyền lợi của họ, nhưng các tiệm cho thuê sách ở Sài Gòn vẫn tồn tại cho đến khi bị dẹp tiệm hoàn toàn vào năm 1975. Theo ước tính trên báo Thời Nay ra ngày 7 tháng 9 năm 1974, cho đến thời điểm đó đã có khoảng từ 2 đến 4 ngàn tiệm cho thuê sách riêng ở Sài Gòn.
Trong một bài viết cũ thời blog còn phổ biến, một bác kể rằng trước phong trào di cư (tức năm 1954), việc cho thuê mướn sách đọc chỉ xuất hiện trước các cổng trường. Những người cho mướn sách có đủ loại sách: kiếm hiệp, khoa học giả tưởng. Thuê bữa nay, ngày mai trả, giá chỉ vài cắc. Đến năm 1954, trên đường Nguyễn Kim có mở một tiệm cho thuê sách là dịch vụ chưa từng có ở vùng này. Tiệm cho thuê sách hiệu Thái Bình, do một phụ nữ người Bắc trạc ngoài 40 làm chủ. Muốn thuê sách phải đặt tiền thế chân, khoảng 10 đồng một cuốn, tiền mướn 5 cắc. Tiệm cho thuê truyện Tàu và các tác giả nổi tiếng như Hồ Biểu Chánh, Vũ Anh Khanh…
Một tiệm cho thuê sách được cho là lâu đời có từ giữa thập niên 1950 tại Sài Gòn là tiệm Đức Hưng ở đường Trần Quang Khải, quận Nhứt. Tiệm này tồn tại lâu, hoạt động liên tục nên có nhiều cuốn sách cũ, sách từ thời tiền chiến, sách in bằng giấy dó của nhà sách Hàn Thuyên, nhiều cuốn cũ nát và thiếu trang. Tiệm này đáng nhớ vì có sáng kiến cắt các kỳ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Từ Khánh Phụng đăng phơi-ơ-tông trên báo, đóng thành từng tập để cho thuê khi các truyện này chưa xuất bản thành sách, nên độc giả rất thích... Lúc đó, chỉ có khoảng 10 tiệm cho thuê sách ở cả Sài Gòn.
Có thể đó là những tiệm sách của thuở ban đầu trong giới cho thuê sách, tuy nhiên, tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn có lẽ là tiệm Cảnh Hưng, ở đầu đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) có tới năm tầng lầu chứa sách. Chủ tiệm sách là ông Huỳnh Công Đáng, một người Việt gốc Hoa rất am hiểu về sách. Hình ảnh ông được ghi nhớ thời đó là thích mặc bộ pyjama ra tiếp khách. Cho đến năm 1971, số sách ông cho thuê đã lên tới 20 ngàn cuốn, có đủ các thể loại từ tiểu thuyết, học làm người, truyện dịch. Tất cả sách của ông được đóng gáy, bìa bọc giấy dầu chắc chắn. Tiệm để sẵn năm cuốn mục lục sách dày cộm, kê theo số thứ tự cũ mới và tên tác giả. Nhờ sắp xếp hợp lý, khách đến thuê đông nhưng không phải chờ lâu. Khách nói tên sách là sau vài giây suy nghĩ, ông Đáng có thể nói số thứ tự và khu vực tủ kệ để sách đó. Nhiều sinh viên đến đây tìm sách để tham khảo, nghiên cứu và họ rất nể ông Đáng, trân trọng gọi ông là từ điển sống hay pho tài liệu sống.
Ở Phú Nhuận trước đây, có hai tiệm sách trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay) ngay khu chợ Lò Đúc. Đó là tiệm Tân Dân và Toàn Hiệp. Tiệm Tân Dân cũ kỹ từ các dãy tủ kệ đến diện mạo từng cuốn sách giấy đen ngòm vì mồ hôi tay bao độc giả thấm qua sau bao lần đọc. Chủ tiệm là một phụ nữ lớn tuổi không lập gia đình gốc miền Bắc, luôn nở nụ cười có nét móm duyên như Đức Mẹ. Tiệm Toàn Hiệp có chủ nhân là hai vợ chồng già là dân có học cùng ba người con, ai cũng hiểu biết về sách. Anh Hai của tôi khoảng năm 1961 đang học trường Sư phạm, mỗi buổi chiều đều phải ra sạp báo gần trường học Chánh Tâm cũ của người Tàu góc đường Trương Tấn Bửu – Nguyễn Minh Chiếu (Trần Huy Liệu – Nguyễn Trọng Tuyển) để mua báo có đăng phơi-ơ-tông truyện chưởng Kim Dung cho ba tôi. Sau đó là anh vọt xe ra mướn sách ở hai tiệm trên. Sau khi ra trường, anh đi dạy ở tỉnh xa và đến khi về lại Sài Gòn sau mấy năm lại tiếp tục làm khách hàng của họ. Rõ là nếu không thuê sách để đọc thì cả nhà tôi không thể xem được nhiều sách như vậy. Sách về mỗi ngày, từ các cuốn trong bộ Z.28 của Người Thứ Tám, truyện chưởng Kim Dung cho hai ông anh. Tiểu thuyết của Bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, Bà Lan Phương cho má tôi đọc khi ngồi sạp ở chợ. Tiểu thuyết Quỳnh Giao như Xóm vắng, Bên bờ quạnh hiu, Hải âu phi xứ, Dòng sông ly biệt cho bà chị đang học Luật. Phần tôi thì đọc truyện tranh Lucky Luke, Xì trum, Lữ Hân Phi Lục và truyện trong tủ sách Hoa Đỏ, Hoa Xanh... Ngày nào nhà tôi cũng thuê sách mới, không có sách mới ở Toàn Hiệp, Tân Dân thì anh tôi vọt lên tuốt phía trước chợ Tân Định đến tiệm Đức Thịnh để lùng. Với tốc độ đọc như vậy thì mua sách là điều nan giải. Chỉ có đi thuê như mọi người.
Sau này, khi biết nhà ai có tủ sách lớn từ trước 1975, tôi biết họ thuộc gia đình trung lưu trở lên mới kham nổi. Sài Gòn tuy được nơi khác xem là thành phố mải mê “làm ăn”, “ăn chơi” thâu đêm suốt sáng nhưng nhu cầu đọc sách báo thì ai cũng biết là rất lớn và đặc biệt là giới bình dân thích xem sách xem báo không thua ai. Ở tiệm cho thuê sách lúc ấy hằng ngày đón đủ loại khách: sinh viên học sinh đến công chức già, thầy dạy học đến mấy cô bán ở snack bar và cặp với người Mỹ, người đi xe đạp và ông đi xe hơi. Đông nhất là người thuộc giới bình dân, ít tiền, ham giải trí nhưng không có nhiều tiền để đi xi-nê, phòng trà... Một bài báo trước 1975 cho biết có tới hai phần ba người đi thuê sách là ở tuổi thiếu niên 14, 15 tuổi. Số này đã bắt đầu mê truyện kiếm hiệp và gián điệp, và dễ bị sai vặt đi đổi sách cho người lớn.
Loại sách nào được ưa thích nhất? Đó là truyện chưởng Kim Dung. Các bộ truyện của ông không có tác giả nào của Việt Nam so nổi về số lượng độc giả hâm mộ. Theo tác giả An Phong tường thuật trên báo Thời Nay, riêng bộ bảy tập tiểu thuyết kiếm hiệp Cô gái đồ long (sau này dịch tên chính xác là Ỷ thiên đồ long ký ) của Kim Dung, tiệm Cảnh Hưng đã mua tới 100 bộ để cho thuê. Riêng các truyện khác như Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm , mỗi tựa mua trên 10 bộ. Xếp sau truyện chưởng là loạt tiểu thuyết gián điệp Z.28 của Người Thứ Tám. Ai thích truyện chưởng đều thích loại sách này, có lẽ vì cả hai đọc hấp dẫn nhưng không cần động não, đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần. Xếp sau sách gián điệp, có lẽ khó phân loại cho chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào số lần mướn nhiều thì nhà văn Việt được đọc nhiều nhất là Duyên Anh. Các cuốn như Điệu ru nước mắt, Loan mắt nhung về thế giới du đãng đắt khách nên giới chủ tiệm cho thuê sách mua tới 20 cuốn. Họ chú ý rằng cuốn nào báo chí khen hay chửi nhiều đều dễ cho thuê. Sau loại sách này, các tiểu thuyết loại khác đều có số lượng đặt mua ở mỗi tiệm cho thuê sách là dưới 5 cuốn, trong số đó loại sách nhiều người đến thuê, nhất là giới sinh viên học sinh, chính là sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Tuy nhiên, có khi hạnh phúc của người này là nỗi đau của người kia. Giới nhà văn cho là mình đang bị xâm hại quyền lợi. Một nhà văn gọi đích danh nghề cho thuê sách, hay cho mướn sách tùy theo người gọi là “hút máu văn sĩ”. Một nhà văn khác in thẳng lên trang sách đầu tiên của mình, cuốn Giờ ra chơi , hàng chữ “cấm cho thuê” . Tác giả An Phong nêu các lý lẽ của giới cho thuê mướn sách phản ứng với lập luận trên như sau:
– Dân chúng vì quá bận, sách lại quá mắc nên sách in ra có vài ngàn bán mãi không hết. Nhờ có cả ngàn tiệm sách trên toàn quốc mà các tác giả, nhất là tác giả trẻ có cơ hội giới thiệu sách đến tay người đọc.
– Nhờ họ mà dân chúng có phương tiện giải trí rẻ tiền trong thời buổi khó khăn.
– Giới văn nghệ sĩ thích mở thư viện để phổ biến tác phẩm nhưng lại không thích tiệm cho thuê sách. Thực chất các tiệm này không khác chi thư viện, phổ biến sách đọc đến với người dân, chỉ khác là có thu phí vì chủ tiệm phải bỏ tiền ra mua sách vào.
Bên cạnh búa rìu dư luận phải chịu nói trên, giới cho thuê sách còn chịu đựng chuyện xảy ra như cơm bữa là bị mất sách. Trong thị trường sách, giá bìa chỉ có giá trị khi cuốn sách vừa bán ra. Nó sẽ mất giá khi cuốn đó bán ế không ai thèm mua và có khi bị cân ký rẻ như cho, nhưng nếu cuốn sách hay, có giá trị, lại tuyệt bản vì sách ra đã lâu thì giá của nó cao có khi gấp nhiều lần. Lúc đó, ở hiệu sách thì không còn nhưng có thể tìm thấy ở một tiệm cho thuê sách lớn. Hồi còn nhỏ, tôi tìm mua cuốn Hồn bướm mơ tiên bằng cách đó. Khi bị mất nó, tôi ra hiệu sách không có nên chạy lên tiệm Tân Dân và thuê lại. Đóng một khoản tiền cọc giá hơi cao, tôi có cuốn sách tuy đóng kẽm hơi cứng, giấy vàng vọt và hơi cũ nhưng đọc vẫn ngon lành. Cũng bằng cách đó, người con của nhà văn Nguyễn Triệu Luật đã gom góp được đủ bảy cuốn sách của bố ông do Nhà xuất bản Tân Dân in từ thời tiền chiến bằng cách thuê lại bốn cuốn sách trong số đó ở tiệm Cảnh Hưng rồi giữ lại luôn. Ông Cảnh Hưng than là ông bị mất cả vài trăm cuốn trong chục năm cho thuê sách. Có lúc mỗi ngày mất cả chục cuốn sách. Chủ tiệm càng giỏi đánh giá, biết mua sách có giá trị càng dễ mất sách. Tuy nhiên, sách quý hiếm cũng thể hiện đẳng cấp của một tiệm cho thuê sách, dễ thu tiền thiên hạ vì quay vòng thuê nhiều lần.
Sau 1968, trận Mậu Thân với những xác chết trên đường phố Sài Gòn khiến người dân thành phố này hoang mang lo lắng hơn bao giờ hết. Trong tâm trạng đó, họ càng chui đầu vào các thú giải trí như muốn quên đi thực tại và đi thuê truyện chưởng, trinh thám hay tình cảm mùi mẫn là hợp nhất. Việc làm ăn phát đạt, các chủ tiệm không ngừng mua sách vào trong khi số sách cũ đã hết khấu hao từ lâu, tiền vào đều đều trong khi đa số người dân thắt lưng buộc bụng. Tiệm Cảnh Hưng trở nên một kiểu thư viện với 20 ngàn cuốn sách. Cho đến năm 1971, ước tính tiệm Cảnh Hưng thu được mỗi tháng khoảng 150 ngàn đồng thời ấy, một số tiền lớn.
Các tiệm cho thuê sách tồn tại đến năm 1975 thì chấm dứt. Đến lúc đó, ngành làm ăn này đã phát triển tới hồi thịnh nhất. Đến chiến dịch thu gom văn hóa phẩm chế độ cũ khoảng tháng 6 năm 1975, các nhà bán lẻ sách và tiệm cho thuê sách của tư nhân ngưng hoạt động, sách bị thu gom. Trên báo Tiền Phong ra ngày 24 tháng 6 năm 1975, tác giả Kim Nguyên cho biết tiệm Cảnh Hưng đã nộp cho đội công tác sinh viên, học sinh trường Trí Đức 36 ngàn cuốn sách các loại, một con số rất lớn. Hai tiệm sách ở chợ Lò Đúc gần nhà tôi cũng bị dẹp. Lúc đó, người dân chung quanh mới biết rằng tiệm Tân Dân lâu nay chính là cơ sở hoạt động bí mật của chế độ mới. Tiệm còn lại, bị tịch thu ngoài số sách cho thuê, bị thu cả sách đọc và tự điển trên lầu nên đã phản ứng khiến một thảm kịch đã xảy ra ở đó mà bây giờ dân vùng Phú Nhuận có người còn nhớ.
Đến khoảng đầu thập niên 1990, loại hình kinh doanh cho thuê sách hoạt động trở lại và còn tồn tại cho đến ngày nay nhưng không còn trở lại thời hoàng kim như trước kia nữa.
TỦ SÁCH TUỔI HOA
Hoa Đỏ, Hoa Tím, Hoa Xanh, những từ giản dị, không phải nói về những loại hoa nào đó mà là về một tủ sách, khi vang lên luôn nhắc nhớ về kỷ niệm hồi mới lớn của cả một thế hệ sống ở miền Nam trước 1975. Đó là Tủ sách dành cho giới học trò cắp sách được xem là có nội dung trong sáng, mang tính giáo dục cao và không chỉ thế, còn hấp dẫn nữa. Bên cạnh đó, còn là nơi xuất bản ra những cuốn sách có bìa sách đẹp nhất trong lĩnh vực sách dành cho giới trẻ, một giá trị đến giờ vẫn còn nguyên.
Lớp độc giả miền Nam yêu thích tủ sách này, nay đã bước sang tuổi 50, 60 vẫn còn nhớ những cái tựa gợi cảm, mang đầy âm hưởng gây háo hức. Đó là Mật lệnh u đỏ, Chiếc lá thuộc bài, Khúc Nam ai, Thiên Hương, Lữ quán giết người... và tên những tác giả Hoàng Đăng Cấp, Minh Quân, Bích Thủy, Kim Hài, Thùy An, Nguyễn Thái Hải trong đội ngũ sáng tác thường xuyên của Tủ sách. Khi tình cờ thấy lại được một cuốn sách cũ của tủ sách này, tất cả kỷ niệm đẹp đẽ như ùa về, cái thuở trong sáng đầy mơ ước hướng thiện.
Nhà xuất bản Tuổi Hoa với tủ sách Tuổi Hoa, chủ biên là ông Nguyễn Trường Sơn khai sinh, nuôi dưỡng và phát triển tủ sách này. Bước ban đầu, tủ sách này in vài quyển, “hình thức cố cho sạch sẽ, nội dung là để giải trí lành mạnh, các em tuổi 14 đến 16” (trả lời phỏng vấn của báo Bách Khoa). Lúc đầu là sách của nhà văn Nguyễn Trường Sơn, cuốn Con tàu bí mật và sách của vài người bạn thân. Sau khi in được tám quyển đầu, Tủ sách nhận được nhiều thư của các bậc phụ huynh khích lệ và được các độc giả nhỏ tuổi rất thích. Thậm chí có người còn lo sợ là những người làm sách sẽ “đánh trống bỏ dùi” nữa. Đến năm 1962, bán nguyệt san Tuổi Hoa được phép phát hành và sau đó Tủ sách Tuổi Hoa ra đời.
Chân dung nhà văn Nguyễn Trường Sơn, người sáng lập ra tạp chí Tuổi Hoa và Tủ sách Tuổi Hoa, do họa sĩ Vi Vi vẽ. Góc phải bức tranh có hình biểu trưng các loại sách Hoa Xanh, Hoa Đỏ và Hoa Tím rất quen thuộc với độc giả nhỏ tuổi miền Nam cách nay gần nửa thế kỷ.
Tuy nhiên, lúc đầu Tủ sách chỉ đủ sức cho ra rải rác một số quyển. Theo nhà văn Nguyễn Trường Sơn trả lời trên báo Bách Khoa, đến năm 1966-1967, được sự hỗ trợ và khuyến khích của nhà văn Minh Quân, Tủ sách ra sách đều đặn hơn, trung bình mỗi tháng một cuốn. Lúc đầu, mỗi cuốn in 3.000 cuốn bán không hết, sau in tới 5.000 bản/cuốn và bán ngon lành. Trung bình mỗi cuốn từ hơn 120 trang đến 160 trang. Giá bán từ 30 đồng, cao nhất là 60 đồng. Nhiều người lấy làm lạ vì số trang nhiều, in đẹp, bìa offsette tươi rói mà sao bán giá rẻ vậy. Tuy vậy, người hưởng lợi nhiều nhất là nhà phát hành hưởng chiết khấu tới 45%, không khác chi hiện nay.
Sách Tuổi Hoa chia làm ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Hoa Đỏ là loại sách trinh thám, phiêu lưu, mạo hiểm. Hoa Xanh thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng. Hoa Tím đã xuất hiện tình cảm giữa nam nữ một cách trong sáng dành cho tuổi từ 16 đến 18. Biểu trưng của tủ sách là bông hoa tám cánh do họa sĩ Vi Vi vẽ. Nhà văn Nguyễn Trường Sơn tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, nên rất chú ý đến tính mỹ thuật của các ấn bản. Ông chọn lựa kỹ lưỡng từng bức tranh để làm bìa. Với “bút lực” của họa sĩ Vi Vi ngày càng phát triển, bìa các cuốn sách Tuổi Hoa ngày càng đẹp rực rỡ, có sức cuốn hút rất lớn ngay từ ấn tượng đầu tiên khi sách mới xuất hiện trên sạp hay trong nhà sách. Muốn được như vậy, nhóm làm sách đã bám sát khâu trình bày từ họa sĩ, thợ máy in, lúc đóng bìa,v.v… Về nội dung, có sự hỗ trợ rất lớn của nhà văn Minh Quân từ việc quan trọng nhất là khai thác bản thảo, như giới thiệu nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết cho tủ sách này (cuốn Bí mật dầu lửa ) và mời một nhà phê bình kiếm hiệp viết truyện kiếm hiệp để “đả” loại kiếm hiệp hoang đường đang hoành hành lúc đó.
Lúc đầu, Tủ sách Tuổi Hoa có một số cuốn được viết theo dạng “phóng tác”, tức là dựa vào một cuốn tiểu thuyết nước ngoài và Việt hóa từ nhân vật cho đến bối cảnh trong truyện (Phải chăng đó là cách thức để hình thành những bản thảo khi đội ngũ viết cho tủ sách ban đầu hầu như không phải là nhà văn chuyên nghiệp?). Ví dụ như truyện Thiên Hương phỏng theo truyện Tombée du Ciel của Henry Winterfell, truyện Pho tượng rồng vàng phóng tác theo một truyện trinh thám của nước ngoài.
Nhà văn Kim Hài và nhà văn Thùy An cùng bắt đầu cộng tác với Tuổi Hoa cũng từ khâu “phóng tác” một tác phẩm của nước ngoài. Hai chị học chung một lớp tại trường Trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, sau đó cùng khoa Địa chất, Đại học Khoa học Huế. Niên khóa 1967-1968, đang học năm thứ 4 thì Huế không có giáo sư ra dạy tiếp, hai chị vào Sài Gòn học và làm quen với Tủ sách Tuổi Hoa từ đó. Chị Kim Hài trước đó đã viết truyện ngắn đăng trên các báo Thằng Bờm, Tuổi Hoa, vừa thỏa mãn sở thích vừa để kiếm tiền trang trải việc học và sinh hoạt. Sau khi có bài đăng trên nguyệt san Tuổi Hoa một thời gian, chị được ông Nguyễn Trường Sơn giao một bản thảo dịch từ truyện nước ngoài viết cho tuổi mới lớn và đề nghị chị phóng tác, Việt hóa nhân vật và không gian sống trong truyện. Chị rủ chị Ái, tức nhà văn Thùy An sau này, cùng tham gia, dựa vào cốt truyện và hầu như viết lại từng câu văn. Hai chị phân công nhau, một người viết phần đầu và một người viết phần sau, ráp lại hoàn chỉnh không ai nhận ra sự khác biệt. Cuốn sách đầu tiên của hai chị ra đời mang tên Nắng lụa , ký tên Dạ Thanh, với bối cảnh xảy ra ở Huế. Nhuận bút cuốn đó trị giá ngang một lượng vàng. Sau đó, chị Kim Hài tiếp tục viết cuốn Khúc Nam ai , một cuốn sách nhiều người biết đến, lấy cảm hứng sau khi đọc một cuốn truyện dịch của chủ bút Nguyễn Trường Sơn đưa xem. Đó là lúc chị bắt đầu muốn viết những điều mình ấp ủ và trải nghiệm dù còn non nớt và cũng là cơ hội để chứng tỏ mình. Từ đó, ông Nguyễn Trường Sơn không đưa cho chị phóng tác bất cứ truyện dịch nào nữa mà chỉ nói “Kim Hài viết đi!”.
Nhà văn Thùy An trong năm 1970 viết cuốn truyện đầu tay là Vùng biển lặng (Tủ sách Hoa Xanh) và Hoa bâng khuâng (Hoa Tím). Từ đó, chị viết tất cả 9 cuốn sách cho Tủ sách này cho đến năm 1975 như: Mây trên đỉnh núi, Hoa nắng (Hoa Xanh), Hoa bâng khuâng, Con đường lá me, Chân dung hạnh phúc, Như nắng xuân phai, Vườn cau nước dâng, Tiếng dương cầm . Nhà văn Kim Hài viết tổng cộng 7 cuốn cho Tủ sách này, từ cuốn Khúc Nam ai (1971), sau đó là Cao như đỉnh thái, Người dưng khác họ (Hoa Xanh), Cánh gió, Gợn sóng (Hoa Tím)...
Tuy không có vai trò lớn trong dòng chảy văn học của miền Nam trước 1975, Tủ sách Tuổi Hoa trước hết đã tạo được hiện tượng xuất bản dành cho thiếu nhi. Ông Châu Hải Kỳ trong một bài viết cho rằng Tủ sách đã được tổ chức tốt nhưng cần giới thiệu sâu rộng thêm để độc giả biết đến, điều đó thể hiện sự nhìn nhận phần nào giá trị của giới phê bình. Tuy nhiên, đó là tình hình những năm giữa thập kỷ 1960. Khoảng đầu thập niên 1970, nhờ các tác giả trẻ xuất hiện trong Tủ sách và có sự đóng góp của một số nhà văn nổi tiếng, uy tín Tủ sách ngày càng vững vàng. Tủ sách như một sân chơi tâm huyết cho những nhà văn, nhà giáo muốn dẫn dắt lứa độc giả nhỏ tuổi bước vào cuộc sống với lòng yêu thương dành cho cuộc sống, người thân, bạn bè và lớn hơn cả là tình yêu quê hương đang trong khói lửa chiến tranh. Các nhà văn Thùy An, Kim Hài, Nguyễn Thái Hải viết cho tủ sách lúc đang là sinh viên hoặc vừa mới học xong đại học. Ban đầu, chỉ là thử sức bước vào con đường văn chương, nhưng cuối cùng họ đã đi sâu vào con đường này. Bản thân người viết cũng một thời mê sách Tuổi Hoa, nâng niu và gìn giữ từng cuốn sách khổ nhỏ bìa cứng có tranh bìa rất đẹp của họa sĩ Vi Vi. Qua đó, những rung cảm về tình yêu quê hương, về một vùng nông thôn hay phố thị miền Trung trong truyện của Kim Hài, Thùy An hay những chuyện phiêu lưu mạo hiểm của Nam Quân, Hoàng Đăng Cấp là dấu ấn không phai thời tuổi nhỏ.
Mùa hè 2015, nhà văn Nguyễn Trường Sơn, người anh cả sáng lập, điều hành và cũng là tác giả Tủ sách Tuổi Hoa đã từ trần tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 98 tuổi. Ông được xem là “đã góp phần đáng kể vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam trong những thập niên 1960 và 1970” . Trong buổi lễ tưởng niệm ông, nhà thơ Tôn Nữ Thu Dung phát biểu: “...Từ quá khứ, chưa bao giờ dòng văn học thiếu nhi này được đánh giá cao như các dòng văn học khác. Nhưng thật sự, tính nhân văn của nó đã hằn sâu trong tâm thức của mỗi chúng ta... Tính giáo dục nhân bản của tờ báo này thật đơn giản, giáo dục LÒNG YÊU NƯỚC, sẵn sàng hy sinh khi đất nước cần. Giáo dục lòng YÊU CON NGƯỜI, kính trên nhường dưới, can đảm, khiêm tốn, bao dung, vị tha... YÊU CÁI ĐẸP... Những điều này đồng nghĩa với KHÔNG THỎA HIỆP với điều ÁC, cái XẤU và sự GIẢ DỐI... Chúng tôi đã lớn lên trong tinh thần đó. Để hôm nay, chúng tôi không hổ thẹn để nói rằng mình đã sống rất lương thiện, không đánh mất CHÂN, THIỆN, MỸ trong cả những tình huống xấu nhất, những bối cảnh xấu nhất của đời mình... Và tôi tin rằng đó là công rất lớn của chú Nguyễn Trường Sơn”. Đoạn phát biểu này gói ghém những điều tốt đẹp mà tủ sách này mang đến cho lứa độc giả nhỏ tuổi ở miền Nam cách nay hơn bốn mươi năm – cần và xứng đáng được ghi nhận.
CÁC TỦ SÁCH THIẾU NHI KHÁC
Khoảng đầu thập niên 1970, trên vỉa hè Sài Gòn, trước các cổng trường xuất hiện một loại truyện tranh được xem là nhảm nhí, trong đó có truyện tranh với nhân vật Chú Thoòng và truyện tranh về con quỷ một giò với nhiều cảnh vẽ đầy máu me ghê rợn… Các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo đánh giá đó là những cuốn truyện vô bổ nhưng học trò lứa tuổi đầu 6x lại rất mê. Quan tâm đến việc tìm sách báo lành mạnh cho con em mình đọc, người lớn tin cậy vào Tủ sách Tuổi Hoa và các tờ tạp chí có nội dung lành mạnh như Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Thằng Bờm, Ngàn Thông. Ngoài các ấn phẩm thuộc Tủ sách Tuổi Hoa, thiếu nhi cách nay hơn bốn mươi năm còn có các loại sách khác dành cho thiếu nhi được đánh giá là có tính giáo dục, đầy tính nhân văn, có thể an tâm khi cho con đọc như là:
Sách Hồng của Nhà xuất bản Văn Nghệ: Nhà xuất bản này có một hiệu sách lớn ở đường Phạm Ngũ Lão, quận I, nên thuận tiện cho việc phát hành. Thuận lợi hơn nữa, do chủ nhân nhà xuất bản là người trong gia đình nên từ năm 1963 được độc quyền xuất bản truyện của nhà văn Khái Hưng, bao gồm chín cuốn: Cái ấm đất, Cây tre trăm đốt, Ông đồ bể, Cóc tía, Cấm trại, Bông cúc đen, Để của bí mật, Quyển sách ước, Thầy đội Nhất . Mỗi cuốn vẻn vẹn 24 trang, giá năm 1971 là 16 đồng được xem là rẻ, dễ mua. Nhà xuất bản này từ năm 1963 đến năm 1971 in tái bản bộ sách được ba lần, mỗi lần 5 ngàn quyển. Hai cuốn bán chạy nhất là Ông đồ bể và Cái ấm đất . Trên trang bìa sau Sách Hồng có dòng chữ: “Sách Hồng là loại tiểu thuyết lý thú và hữu ích cho Nhi-đồng và Thanh-niên nam nữ. Các bậc phụ huynh không phải lo ngại băn khoăn, cứ việc yên tâm mua Sách Hồng đưa ngay cho con em đọc. Sách Hồng lại vừa là sách giáo khoa Việt-ngữ, các giáo sư muốn trích dẫn những đoạn văn hợp trình độ học sinh đều cần có đủ bộ”.
Theo ông giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ trả lời phỏng vấn nhà báo Tân Phong Hiệp trên báo Bách Khoa, giá trị các cuốn sách này là: cốt truyện vui, có tính giáo dục, văn gọn gàng dễ hiểu. Các giáo sư Việt văn các lớp đệ Thất (lớp 6), đệ Lục (lớp 7) đem cho học sinh trần thuyết (thuyết trình) tại lớp. Các trường công giáo tiêu thụ mạnh… Loại sách này được phát hành từ nhà phát hành Sống Mới.
Sách Nhi Đồng Tuổi Thơ của nhà sách Khai Trí chỉ 32 trang, giá 10 đồng, do những nhà giáo tên tuổi như Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Lê Tất Điều…viết với mục đích giáo dục rõ rệt, được nhiều phụ huynh tin cậy.
Sách Nhà xuất bản Lá Bối phát hành, cũng chỉ có 32 trang, nội dung nói về tình cha con, tình mẹ con, bà cháu, anh chị em, đọc rất cảm động như các cuốn Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh (tái bản nhiều lần), Làm con nên nhớ của Lộc Đình (tức Nguyễn Hiến Lê), Áo em cài hoa trắng và Trận đòn hòa giải của Võ Hồng. Cuốn Áo em cài hoa trắng lần đầu in 10 ngàn cuốn, sau một tháng tiêu thụ hết, kỳ sau tái bản 20 ngàn cuốn, hết trong vòng vài tháng. Trận đòn hòa giải in 5 ngàn cuốn không đầy nửa tháng là hết.
Một thời cuốn Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh là sách gối đầu giường của bao nhiêu học trò. Đoạn văn của thầy đã từng được đọc đi đọc lại nhiều lần:
“Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của Thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, Thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào, chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng”.
Đoạn văn này là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác bài hát cùng tên tiếp tục gây xúc động bao người.
LÊ VĂN KHOA VÀ "THẾ GIỚI CỦA TRẺ EM"
Thế hệ trung niên trên dưới 50 tuổi ở Sài Gòn chắc hẳn còn nhớ niềm nô nức đợi đến 7 giờ tối để được xem các chương trình thiếu nhi trên ti vi băng tần số 9. Điểm lại các chương trình đó, họ nhớ nhiều về chương trình Thế giới của trẻ em, chương trình truyền hình mang tính tổng hợp, vừa có đố vui, ca nhạc, múa rối, thực hành khoa học... Nhớ hơn cả là nụ cười trong trẻo, giọng nói sang sảng, đôi mắt sáng tươi vui hiền hậu lấp lánh sau đôi kính cận của giáo sư Lê Văn Khoa, người sáng lập và điều hành chương trình. Giữa thời tao loạn chiến tranh kiếm ăn chật vật, chương trình này cùng với một số sách báo giáo dục từ những người viết tâm huyết đã thật sự giúp đỡ các bậc cha mẹ dạy dỗ đám con nít, giúp tránh xa thói hư tật xấu, biết sống lương thiện và vệ sinh, mở mang kiến thức khoa học thường thức.
Lúc đó, các khán giả nhỏ trong đó có tôi đều thầm ao ước được tham dự chương trình, gặp được chú Lê Văn Khoa dễ mến. Rồi hơn bốn mươi năm sau, tôi có dịp nói chuyện với ông, nay đã 82 tuổi. Giọng ông qua điện thoại vẫn sang sảng, vui vẻ, hoàn toàn giống như trong chương trình năm xưa. Nói chuyện được với ông, gần như giấc mơ tuổi nhỏ của tôi đã hoàn thành.
Khi được hỏi lý do thực hiện chương trình Thế giới của trẻ em, ông cho biết: “Lúc đó, đài THVN 9 đề nghị tôi làm một chương trình định kỳ cho đài, bất cứ đề tài nào tùy ý thích. Tôi rất ngạc nhiên và tự hỏi họ biết gì về khả năng của mình khi đề nghị làm một chương trình theo ý muốn. Cánh cửa rộng lớn quá, liệu có đủ khả năng và can đảm bước vào hay không? Tôi xin cho về suy nghĩ rồi trả lời sau."
Thật ra, từ đầu thập niên 1960, tên tuổi giáo sư Lê Văn Khoa đã được biết tới. Là nhà giáo, ông còn là nhà nhiếp ảnh đã đoạt nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật cấp quốc gia. Ông lại là nhạc sĩ dương cầm, soạn hòa âm cho hợp ca và là tác giả của nhiều cuốn sách giáo dục dành cho nhi đồng.
Một tuần sau, Lê Văn Khoa đồng ý nhận lời cộng tác với đài và lãnh vực sẽ chọn là thiếu nhi. Đài THVN 9 do dự, cho biết đã có các chương trình thiếu nhi Kiều Hạnh, Xuân Phát, Nguyễn Đức. Ông giải thích là muốn chọn khía cạnh giáo dục chứ không phải trình diễn. Lúc đó, trên đài đã có chương trình Đố vui để học của Trung tâm Học liệu nên họ vẫn còn e ngại. Ông Lê Văn Khoa tiếp tục thuyết phục: "Chương trình “Đố vui để học” rất hay nhưng dành cho số ít những học sinh xuất sắc, còn những em không xuất sắc, những em không có cơ hội đi học thì sao? Thành phần này không phải là ít trong xã hội đang oằn oại trong cuộc chiến kéo dài" . Họ im lặng một lúc rồi nói: "Hiện tại Đài không có tiền nên không thể trả thù lao cho ông. Chúng tôi sẽ tìm nguồn tiền và khi có được, sẽ gửi thù lao như các ban khác”. Ông đồng ý và may là chỉ sau vài tuần lễ, việc đó đã được giải quyết.
Buổi ban đầu, ông dùng cái tên “Thế giới của em” vì muốn các em được sống trong thế giới riêng của mình. Sau vài tuần lễ, Đài đề nghị đổi tên thành chương trình “Thế giới của trẻ em” để tránh hiểu lầm sang ý khác. Với tên mới, trẻ em trở thành người ngoài nhìn vào thế giới khác chứ không được sống trong thế giới của riêng. Tuy nhiên, ông vẫn cố tạo một thế giới riêng cho các em. Vì chương trình không phải là những màn trình diễn nên Lê Văn Khoa muốn để các em tham gia trong chương trình thật tự nhiên, nhờ đó các em ở nhà xem chương trình qua truyền hình có thể cảm thấy mình cũng là người trong cuộc, cũng có những vấp váp, sơ hở y như các em trên màn ảnh nhỏ.
Điều thôi thúc khiến Lê Văn Khoa muốn thực hiện chương trình này, là vì ông thấy quanh mình có khoảng trống rất lớn khi thời chiến, những vắng bóng người đàn ông trong gia đình và cả trong học đường. Ông cảm được điều này và biết sự thiếu vắng đó không dễ khỏa lấp. Vốn là đứa con mồ côi mẹ từ năm 11 tuổi, ông hiểu được sự thiếu vắng người thân, dù là cha hay mẹ, có ảnh hưởng đến trẻ thơ thế nào. Ông nói: “Tôi chỉ tạm đóng vai một người anh “hờ” để giúp các em. Tôi không dám dạy ai cả, chỉ chia sẻ vài ý nghĩ, vài hiểu biết và giúp các em có thể thành người dù đang ở trong hoàn cảnh khó khăn và bất toàn của xã hội. Tôi chỉ là một gạch nối giữa gia đình và học đường. Những đề tài và phương thức dẫn giải đều do tôi nghĩ ra, không do sự chỉ dẫn hay gợi ý của ai cả. Nhờ không nhận tiền từ bất cứ cơ quan nào nên tôi được tự do làm theo ý mình. Tiền thù lao cho chương trình như là tiền 'mua' chương trình chứ không phải tiền đặt làm chương trình theo sự chỉ đạo của đài. Một lý do khác để tôi thực hiện chương trình "Thế giới của trẻ em" là muốn sự giáo dục hay đào tạo tài năng cho dân tộc được liên tục, không bị chiến tranh làm gián đoạn. Đóng góp cho quốc gia là bổn phận của mỗi người dân chứ không dành riêng cho người được lãnh lương để làm”.
Ông Lê Văn Khoa hướng dẫn cách sử dụng con rối tay cho các em thiếu nhi.
Ông Lê Văn Khoa hướng dẫn các em thiếu nhi sinh hoạt tập thể và vẽ tranh.
Một cảnh trong buổi “Học sử dụng công lộ” của chương trình.
Tiết mục “Thi đố nát óc” rất hấp dẫn học sinh thời đó.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa với các em thiếu nhi.
Chương trình Thế giới của trẻ em chính thức phát hình lần đầu tiên vào tối thứ năm ngày 26 tháng 10 năm 1967. Lúc đầu, chương trình thiên về phần âm nhạc cho trẻ em vì giáo sư Lê Văn Khoa vốn là nhạc sĩ. Tuy nhiên, ông nhanh chóng chuyển chương trình sang phần khám phá khoa học, vạn vật, thủ công. Hình thức thể hiện các nội dung đó là các tuồng múa rối, trò chơi khoa học, chiếu phim tìm hiểu khoa học, vệ sinh y tế... khuyến khích các em nhỏ phát triển năng khiếu nghệ thuật bằng cách thi vẽ, thi nắn tượng, kể chuyện phim, tập làm văn, đố nát óc... Chương trình được định hình là vừa có tính giáo dục vừa có tính giải trí. Trên báo Thế Giới Tự Do, ông đã tâm sự về ý định của mình: “Tôi muốn nói giáo dục âm nhạc, chớ không phải trình diễn âm nhạc, là vấn đề cấp thiết nhưng còn nhiều vấn đề khác cần thiết cấp bách hơn, nên chưa thực hiện được giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi...” . Ông nói thêm: “Tôi muốn đem tiếng cười thơ ngây gắn trở về gương mặt hồn nhiên của trẻ thơ. Bom đạn, hỏa tiễn đã phá nát thiên đàng tuổi thơ rồi. Bây giờ mình cố giữ một chút gì còn lại để thấy thế giới này còn... biết cười thật lòng”. Với tư duy thực tiễn như vậy, ông tìm cách trang bị cho trẻ em kỹ năng sống trong thời buổi đầy khó khăn. Ngoài những tuồng múa rối, ông dùng phần còn lại của chương trình để tiếp sức cho phụ huynh và giáo viên chuẩn bị cho trẻ em vào đời, mà theo ông đó là “một cuộc tranh sống cam go chớ không phải thế giới của tiên thánh xa lạ” . Ông dạy cho các em nạn nhân chiến tranh làm ly bằng giấy báo cũ để dùng tạm, học luật lệ giao thông và những hiểu biết cần thiết khi ra đường. Ông phát động chương trình Khóm phường sạch sẽ ở khu 21 đường Nguyễn Thông nối dài, vốn rất phức tạp và kém vệ sinh do bên cạnh ga xe lửa Hòa Hưng ngày 11 tháng 11 năm 1970 giúp trên 300 em tham gia chiến dịch hiểu được niềm vui giúp đỡ cộng đồng cư dân ở đây...
Ở tuổi 82 (2015), ông Lê Văn Khoa vẫn hoạt động âm nhạc tại Hoa Kỳ.
Trong Thế giới của trẻ em , tiết mục múa rối do nữ sĩ Hợp Phố và vài cộng sự viên của bà đảm trách cuốn hút thiếu nhi thời đó nhất vì tuổi nào cũng xem được. Kỹ thuật rối lúc đó còn đơn sơ, con rối may bằng vải, trùm lên ba ngón trong một bàn tay để điều khiển đầu và hai tay nhân vật, lắc qua lắc lại trên sân khấu, nói bằng giọng người bên trong. Vậy mà các vở kịch rối diễn lại tuồng tích Việt như Bánh chưng bánh giầy, Ăn khế trả vàng, Sự tích trầu cau, Thạch Sanh Lý Thông... lại hấp dẫn vô vàn và không đứa con nít nào ở Sài Gòn muốn đi đâu xa cái ti vi khi chương trình phát hình. Các tuồng rối đó đã hỗ trợ môn sử, môn văn trong nhà trường, khéo léo và sinh động dạy trẻ em những bài học về sự trung thực, tình anh em, tình yêu Tổ quốc quê hương, ở hiền gặp lành... Cứ như vậy, mỗi chương trình như một tiết học vui, sinh động, thực tế, có tương tác giữa thầy và trò, độ lan tỏa thì rất lớn cả khu vực miền Nam (Đài Cần Thơ, Huế, Pleiku phát lại). Chương trình cuốn hút cả người lớn, giới phụ huynh thưởng thức chương trình mê say không kém con em mình. Họ đã ít nhiều học được cách trao đổi, tạo hứng thú cho con em mình hiểu các bài học nhà trường bằng những cách thức đơn giản và sinh động.
Chương trình còn giúp phát triển năng khiếu của trẻ em và lan tỏa ra ngoài xã hội, không chỉ trên màn hình. Năm 1968, giáo sư Lê Văn Khoa tổ chức cuộc thi Bé vẽ cho vui . (Ông thường xuyên tổ chức thi vẽ tranh thiếu nhi, sau đó là gửi tranh của các em đi dự thi với UNICEF quốc tế, năm nào cũng chiếm giải thưởng). Trong số tranh dự thi, có 100 bức được chuyển qua Mỹ bán đấu giá giúp trẻ em tàn tật vì chiến tranh đang chữa trị bên đó. Một trăm bức tranh cùng một số tác phẩm khác trong cuộc thi Nắn tượng cho vui tham dự cuộc triển lãm lưu động trên toàn nước Nhật mang tên Việt Nam quê hương mến yêu được khán giả khen ngợi.

Nhìn lại buổi ban đầu, khó khăn vô vàn. Chương trình không có chi phí đưa các em thiếu nhi đến đài truyền hình và đón về. Cũng may, trong xã hội còn có những người chia sẻ ý tưởng tốt đẹp này và ghé vai gánh cùng với ông. Một vị đã tình nguyện đưa đón thường xuyên các em bằng xe hơi riêng. Rồi xuất hiện thêm những vị tình nguyện khác. Đến khi chương trình có thù lao, Lê Văn Khoa có tiền trả cho người trang trí phòng thu hình mà không phải xuất tiền túi nữa, vì nếu tự trả thì chắc chắn ông không thể trụ lâu. Có chút tiền dư ra, ông để dành làm phần thưởng cho các cuộc thi vẽ, nặn tượng và hỗ trợ cho chương trình Tiếng nhạc trầm tư , đại hợp ca và hòa tấu duy nhất của miền Nam Việt Nam. Đó là chưa kể đến việc giúp các em bụi đời, tổ chức những chuyến đi chơi cho trẻ bụi đời chung với các em từ gia đình có địa vị, để các em tìm hiểu nhau.
Ông Lê Văn Khoa điều khiển dàn nhạc The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra và ban hợp ca Cộng đồng người Việt ở Úc, năm 2005.
Ông Lê Văn Khoa chỉ huy Kiev Symphony Orchestra and Chorus, hợp cùng ban hợp ca người Việt vùng Washington trình diễn nhạc phẩm do ông sáng tác tại Thủ đô Hoa Kỳ, năm 2010. Ảnh từ trang 163 - 166: nhân vật cung cấp.
Nhật báo Đuốc Nhà Nam, ra ngày 2 tháng 2 năm 1970 trong mục tổng kết thành tích một năm chương trình văn nghệ của Đài Truyền hình Sài Gòn đánh giá chương trình Thế giới của trẻ em là chương trình thiếu nhi hay nhất. Bài báo viết: “Khán giả chỉ nhận thấy chương trình Lê Văn Khoa bổ ích cho thiếu nhi hơn cả, với người hướng dẫn chương trình có nhiều sáng kiến đáng kể. Phần văn nghệ được đặt sau phần giáo dục thiếu nhi, có tính cách giáo dục hơn là thương mại”.
Toàn bộ tâm huyết, lý tưởng vì thiếu nhi của giáo sư Lê Văn Khoa dồn cho toàn bộ chương trình trong suốt tám năm, từ 1967 cho đến khi chương trình kết thúc năm 1975. Một mình ông cùng vài cộng sự đã làm nên một chương trình thiếu nhi đầy tâm huyết và có dấu ấn rất sâu trong lòng người xem.
Sau 1975, chỉ sau một tháng đặt chân đến nước Mỹ, giáo sư Lê Văn Khoa đã tổ chức chương trình nhạc đầu tiên ở trường Đại học Loma Linda, California. Vài tháng sau, ông tiếp tục tổ chức chương trình nhạc ở thủ đô Washington và triển lãm ảnh ở đó. Ông làm việc cho một cơ quan giúp người Việt Nam mới đến đất Mỹ ở San Francisco. Khi sắp mãn giao kèo của cơ quan với chính phủ, họ làm một dự án mới để xin tiền. Trong dự án có câu mà ông không đồng ý khi nói về người Việt đến Mỹ: “...không biết gì hết và nghèo đói nên cần được hướng dẫn để xin trợ cấp...” . Ông lý luận rằng: "Tại sao không nói người Việt Nam có khả năng lớn nhưng cần được giúp đỡ lúc đầu để họ có thể tự túc và đóng góp vào xã hội” . Họ bảo nếu nói vậy thì không xin tiền được. Không đồng quan điểm, ông từ nhiệm, đi San Diego để làm thợ nhà in. Sau đó, ông hoạt động theo sở trường của mình trong hai lãnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh. Ông tiếp tục viết hòa âm cho hợp ca và viết nhạc cho dàn nhạc giao hưởng trình diễn. Về nhiếp ảnh, ông là nhiếp ảnh gia người Việt duy nhất trong cuộc tuyển chọn để triển lãm ảnh do Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore thực hiện, lấy tên là 5 From the Eastern Shore . Bốn người kia là họa sĩ Hoa Kỳ. Hiện viện bảo tàng này còn lưu giữ 6 tác phẩm nhiếp ảnh của ông. Về âm nhạc, ông viết nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, cho piano solo, violin solo, cello solo. Là người Việt Nam duy nhất phát hành 5 CD nhạc giao hưởng do Kiev Symphony Orchestra and Chorus thu thanh. Nhạc piano của ông được dạy ở Hoa Kỳ và Ukraina, được trình diễn ở nhiều nơi, kể cả tại Trung tâm Văn hóa Nga ở Vienne, nước Áo. Để phổ biến dân ca Việt, ông viết lại cho đàn Bandura, nhạc cụ dân tộc của Ukraina, được Viện Cao học Ukraine nhìn nhận là một trong ba nhạc sĩ trên thế giới viết nhạc cho đàn Bandura hòa tấu với dàn nhạc giao hưởng.
Đến nay đã 82 tuổi, giáo sư Lê Văn Khoa vẫn còn hoạt động âm nhạc tại Mỹ. Ông vẫn tự lái xe đi khắp nơi, nói chuyện về âm nhạc trên đài phát thanh hằng tuần. Đã có một cuốn sách xuất bản tại Mỹ 700 trang với tiêu đề Lê Văn Khoa, một người Việt Nam mô tả toàn bộ sự nghiệp của ông, đặc biệt về lãnh vực âm nhạc. Ông vẫn tiếp tục sống một cuộc đời sôi nổi, và luôn tự hào mình là người Việt. Nước Việt cũng tự hào đã có một người con giỏi giang và đầy tâm huyết với cộng đồng như ông, Lê Văn Khoa.
HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG & PHI CẢNG TÂN SƠN NHỨT
Sân bay Tân Sơn Nhứt (hiện nay gọi là Tân Sơn Nhất) được xây dựng từ năm 1914 và phát triển dần cho đến đầu thập niên 1950 đã là sân bay quốc tế, nối Sài Gòn tới Hồng Kông, Tokyo, Paris, Thượng Hải, Nouméa, Calcutta... Tần suất máy bay lên xuống đã có thể so sánh với sân bay Paris bấy giờ.
Qua tư liệu báo chí và lời kể của người trong cuộc, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc một số thông tin, số liệu để biết thêm về tổ chức của ngành hàng không dân dụng miền Nam cách nay trên dưới nửa thế kỷ.
Tính đến năm 1964, nhà ga hàng không Tân Sơn Nhứt đã có 3 lần được nới rộng. Lần thứ nhất vào năm 1956–1957, từ tổng diện tích 1.790 mét vuông được chỉnh trang, mở rộng lên 2.470 mét vuông. Lần thứ hai trong năm 1960–1961, nhà ga được sửa chữa và nới rộng thành 2.822 mét vuông. Lần thứ ba, trong những năm 1963–1964, nhà ga đã có diện tích lên tới 6.000 mét vuông, tức là gấp hai lần diện tích cũ và khánh thành tháng 10 năm 1964.
Cần nhắc lại là cho đến thời điểm đó, dù quân đội Mỹ chưa đổ vào miền Nam, và chiến tranh chưa lan rộng, nhưng lưu lượng vận chuyển ở đây đã rất cao. Năm 1959 là 30.000 chuyến và đến năm 1963 đã lên đến 122.374 chuyến, tức là tăng hơn gấp ba lần. Trung bình cứ hai phút rưỡi có một chuyến cất cánh hay đáp xuống. Phi cảng Tân Sơn Nhứt đã được xếp vào loại phi cảng có sức chuyển vận vào bậc nhất trên thế giới. Số hành khách theo đó cũng cao dần. Năm 1957, số hành khách quốc nội là 39.300 người, đến năm 1963 đã tăng lên 173.769. Hành khách quốc tế từ 65.000 người năm 1959 đã tăng lên 119.915 người vào năm 1963. Tổng số hành khách đi, đến và transit tăng ở hai mốc thời gian trên từ 116.100 lên 294.400 người. Đến năm 1964 là 360.000 người. Đó là lý do nhà ga liên tục được mở rộng.
Đại sảnh nhà ga Hàng không trong Lễ khánh thành nhà ga mới được chỉnh trang năm 1964.
Trên ngực áo chiêu đãi viên hàng không năm 1961 có thêu một bông hoa sen, tương tự bây giờ.
Sảnh làm thủ tục lên máy bay
Đại sảnh sân bay Tân Sơn Nhứt được chỉnh trang thêm đẹp và tiện nghi trong năm 1964.
Mái hiên dài 82 mét được xây dựng để che nắng mưa cho khách đến sân bay khi lên xuống xe.
Việc nới rộng và chỉnh trang lần thứ ba giao cho kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa nghiên cứu, lập dự án và giám sát xây dựng. Lần đó, nhiều hạng mục trong nhà ga đã được cải tiến. Khu kiểm soát hành lý và sân thượng được nới rộng gấp đôi. Đại sảnh dành cho công chúng đưa đón thân nhân dài 72m, ngang 15m được xây cất và trang bị hoàn toàn mới. Từ lần tu sửa này, ga quốc tế và ga quốc nội tách bạch chứ không dùng chung như trước. Ngoài ra, mái hiên dài 82m được xây cất phía mặt ngoài để che nắng mưa cho khách vừa đến ga. Tổng chi phí cho lần tu sửa sân bay này tổng cộng là 13 triệu 400 ngàn đồng thời đó, cộng với 3 triệu đồng đã ghi vào tài khóa 1965 về điện, quạt, ghế ngồi tại đại sảnh và ở phòng đợi thì chi phí lên tới 16 triệu 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, sau khi tu sửa xong trong gần hai năm, sân bay đã có hiện tượng quá tải, nhà ga đã cảm thấy chật chội, trong đó có nguyên do là số người đưa đón ở nhà ga quá đông.
Từ năm 1951, ngành Hàng không miền Nam được thiết lập dưới hình thức công ty hàng không thuộc chính phủ đương thời. Lúc đầu, chỉ có ba chiếc máy bay DC3 và ba chiếc DC4 để chở khách cùng với ba chiếc Bristol chở hàng hóa, hàng ngày nối liền hai trung tâm Hà Nội, Sài Gòn, chở gia súc từ Lào đến Việt Nam và từ vùng biển Việt Nam đến Lào. Sau 1954, đất nước bị chia cắt, ngành Hàng không miền Nam bị thu hẹp trước khi phát triển trở lại. Tính đến năm 1971, Công ty Hàng không Việt Nam tại Sài Gòn đã có một phi đoàn gồm hai máy bay phản lực Boeing 727 (lấy tên là Thanh Long và Ngọc Phụng), hai máy bay DC6, tám máy bay DC4, hai chiếc Cessna C.185 và hai chiếc Cessna U.206C. Với số máy bay trên, năm 1970 Hàng không miền Nam chuyên chở được hơn 1,5 triệu hành khách và 8,8 triệu ký lô hàng hóa.
Cũng thời điểm 1971, công ty đã khai thác thường xuyên chặng đường dài 26.474km. Trong đó, đường bay quốc nội chiếm 15.468km nối liền Sài Gòn với Ban Mê Thuột, Cần Thơ, Cà Mau, Đà Lạt, Huế, Kon Tum, Long Xuyên, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Bổn, Phước Long, Phú Quốc, Pleiku, Quảng Đức, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Rạch Giá, Sóc Trăng, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Vĩnh Bình.
Học viên ngoài phần học lý thuyết (hai ảnh trên) còn thực tập trong thời gian ba tháng tại Trung tâm Kiểm soát Không lưu và Đài Kiểm soát Không lưu sân bay Tân Sơn Nhứt.
Đường bay quốc tế (11.006km) từ cuối năm 1964 đến 1971 đã bắt đầu khai thác các tuyến Sài Gòn – PhnomPenh – Bangkok, Sài Gòn – Hồng Kông bằng máy bay phản lực Caravelle. Đến đầu năm 1965 mở thêm đường bay Sài Gòn – Kualar Lumpur – Singapore. Ngày 3 tháng 12 năm 1966 đường bay Sài Gòn – Đài Bắc – Sài Gòn. Ngày 30 tháng 7 năm 1968 đường bay Sài Gòn – Hồng Kông – Đài Bắc – Osaka – Tokyo được khánh thành và Sài Gòn – Manille ngày 10 tháng 4 năm 1968. Tất cả đều bằng máy bay phản lực Boeing 727.
Trước năm 1961, ở miền Nam có vài lớp không vận viên được mở ra để đào tạo một số chuyên viên đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu cấp thời ở sân bay. Tuy nhiên, các chuyên viên này vẫn phải ra nước ngoài như Pháp, Mỹ để được tiếp tục huấn luyện.
Đến ngày 10 tháng 4 năm 1961, khóa học kiểm soát viên không vận trình độ cao, đúng tiêu chuẩn quốc tế ngang với trình độ Pháp, Mỹ và theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế đã được mở ra lần đầu tiên tại miền Nam với 22 học viên được tuyển chọn sau một cuộc thi tuyển khắt khe. Kỹ sư Dương Thiệu Dụng, chỉ huy trưởng Phi cảng Tân Sơn Nhứt điều khiển lớp học này. Học viên được học hỏi theo điều kiện khai thác đặc biệt tại chỗ, những luật lệ, quy tắc áp dụng ngay tại địa bàn thực tế, điều này thuận lợi hơn khi học ở nước ngoài rồi sau đó mất thời gian thích ứng lại thực tế ở Việt Nam.
Chương trình giảng dạy gồm 665 giờ lý thuyết và 610 giờ thực hành cùng với ba tháng thực tập tại Đài Kiểm soát Tân Sơn Nhứt và trung tâm Kiểm soát Không lưu. Về lý thuyết, học viên được học 28 môn, bao gồm các kiến thức tổng quát của ngành hàng không, luật lệ phương thức không lưu, phi cụ trên phi cơ, khí tượng và phương thức viễn thông... Ngoài ra, còn học về luật lệ hành chánh, quản trị phi trường, ngoại ngữ Anh và Pháp. Các chuyên viên giảng dạy hầu hết là người Việt, chọn lựa từ những người có kinh nghiệm nhất trong ngành tại Nha Hàng không dân sự, Nha Khí tượng và Công ty Hàng không Việt Nam của miền Nam. Bên cạnh đó, có mời thêm các chuyên viên nước ngoài như ông Ferry, ông Trauchessec của phái đoàn viện trợ kỹ thuật Pháp, ông Guy Parker của phái đoàn CAAG, Mỹ.
Poster giới thiệu về du lịch qua đường hàng không của hãng Hàng không Air Vietnam.
Sau 10 tháng học tập, có 19 học viên tốt nghiệp kỳ thi mãn khóa đầu tháng 2 năm 1962. Sau khi được cấp bằng, lứa kiểm soát viên không lưu đầu tiên của miền Nam này đã đến làm việc tại đài kiểm soát tại các sân bay trong nước, một số làm việc khai thác ở các công ty hàng không.
TỪ ĐÂU CÓ CHIẾC XE ÔM?
Xe ôm ở Sài Gòn có từ khi nào? Lục tìm qua sách báo, trước 1954 hầu như không thấy nhắc đến chiếc xe ôm. Lúc đó, các phương tiện công cộng chở người trong thành phố là xe kéo, xích lô và taxi. Lúc đó đã có xe gắn máy lưu hành nhưng không dùng làm dịch vụ chở người.
Năm 1969, một nhà văn đoạt giải nhất phóng sự ở Sài Gòn là ông Lê Hương với cuốn sách Chợ trời biên giới Việt Nam - Cao Miên. Khi viết về chợ trời Gò Dầu Hạ ở Tây Ninh, ông cho biết ngoài xe lam và mô tô lôi chở đông người mỗi chuyến thì năm 1967 “xuất hiện bốn loại xe mới: Honda ôm, Suzuki ôm, Mobilette ôm, Yamaha ôm”. Ông đánh giá “thật là một nghề chóng phát tài hơn hẳn các anh em chở Mỹ ở Sài Gòn”.
Như vậy, phải chăng xe ôm ở Sài Gòn bắt nguồn từ dịch vụ chở người sau sự kiện người Mỹ đến miền Nam năm 1965?
Từ câu chuyện kể dưới đây của một dược sĩ gốc gác ở quận 4 cho tác giả cuốn sách này bổ sung cho nhận định trên. Năm 1965, khi người Mỹ bắt đầu tham chiến ở Việt Nam thì xuất hiện một lớp người làm việc trong các công sở của người Mỹ. Họ biết nói tiếng Anh ít nhiều tùy theo công việc, làm nhân viên đánh máy hay sửa chữa bảo trì xe cộ, lái xe. Được người Mỹ trả lương nên đồng lương của họ khá khẩm, giúp họ sống thoải mái và dễ dàng mua xe máy. Tuy vậy, ít nhiều họ bị những người ngoài ngành nghề này không ưa, nhất là đối với nhân viên nữ. Nhưng đó là câu chuyện khác. Ở đây là câu chuyện một anh đi làm sở Mỹ.
Chiến cuộc lúc lên lúc xuống, công sở Mỹ có lúc mở ra và có chỗ đóng cửa tùy theo nhiệm vụ. Phút huy hoàng nào cũng có lúc trở thành điêu tàn và những người quen lãnh lương bằng đô-la ở Sài Gòn bắt đầu lo lắng. Nền kinh tế chung đang xuống, việc duy trì mức sống cao như trước kia không đơn giản.
Tại một cơ quan của người Mỹ ở trung tâm Sài Gòn có một ông nhân viên tên là X. tuổi vào lứa 50, con đông nheo nhóc. Làm việc với người Mỹ, ông mua được một chiếc xe Lambretta dùng để đến sở làm mỗi ngày. Xe Lambretta hai thì, khỏe, yên thon dài nên ngồi rất thoải mái, thích hợp với vóc dáng cao ráo của ông.
Đùng một cái, sở làm của ông thu hẹp số nhân viên và ông X. phải nghỉ làm. Sau một thời gian chới với vì “bể nồi cơm”, ông trấn tĩnh lại và ráo riết nghĩ đến việc kiếm sống nuôi con. Trong thời gian nghe ngóng, ông X. vẫn thỉnh thoảng lui tới thăm chỗ làm cũ, gặp bạn bè người Mỹ đã cùng làm ở đó.
Một buổi chiều, ông X. được một anh nhân viên Mỹ hỏi thăm về một snack-bar trên khu Kho 18 thuộc quận 4, gần cầu Tân Thuận. Hôm đó là cuối tuần và anh Mỹ này định nhờ ông cho quá giang xe đến đó để giải trí. Ông X. vui vẻ nhận lời. Trên xe, anh chàng người Mỹ cho biết anh ta cảm thấy khi được chở trên chiếc xe có thân dài này, người ngồi sau thoải mái cho đôi chân hơn là ngồi trên những chiếc xe máy yên nhỏ của người Pháp hay Đức chế tạo đang có ở Sài Gòn. Khi dừng xe, ông X. giơ tay từ biệt thì anh chàng Mỹ rút túi tặng ông một ít tiền và ngỏ ý vào cuối tuần nhờ ông chở đi vòng vòng Sài Gòn chơi. Ông X. nhận lời và từ đó, ý thức rằng có thể kiếm tiền bằng những lần chở người ở yên sau, ông tìm cách tăng lượng khách. Ông chở thêm những người Mỹ khác và nhận ra rằng tiền kiếm được còn nhiều hơn trước kia đi làm nữa.
Lúc đó, khu Kho 18 có hai snack-bar là Rạng Đông và Thúy Phương. Thấy ông X. làm ăn được, mấy ông từng làm sở Mỹ đang thất nghiệp bắt chước theo và thấy có ăn. Họ mua toàn là xe Lambretta vì xe khác người Mỹ lắc đầu. Từ đó hình thành đội ngũ xe ôm đầu tiên ở Sài Gòn đậu dài dài ở hai bar rượu này, đi cùng một loại xe và chủ yếu phục vụ cho các nhân viên dân sự Mỹ. Họ không chỉ đi uống rượu mà bằng xe ôm, có thể vô các khu hẻm nhỏ tìm người quen, tìm bạn gái, tìm bạch phiến. Còn người dân Sài Gòn bình thường không ai quan tâm đến loại xe này. Ai không có xe máy thì đi taxi, xe bus hay xích lô máy, xích lô đạp, xe Lambro...
Căn cứ vào câu chuyện trên, có thể coi là xe ôm có từ giai đoạn đầu khi người Mỹ mới vào miền Nam Việt Nam. Nhưng có thể nó trở nên phổ biến hơn sau khi nhập cảng xe Nhật, năm 1967. Một tác giả đã mất ở hải ngoại là Lưu Nhơn Nghĩa trong bài “Lải nhải đời tôi 1959–1969” có viết: “Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm... Lần đầu tiên, nhóm xe taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm vì quyền lợi. Lúc đó tương đối còn sống được, sau nầy đời sống chật vật, cả đến quân nhân, cảnh sát ngạch thấp, công an chìm cũng chạy xe ôm. Rõ ràng là chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á châu, chỗ gác chân thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn nầy. Xe Nhựt lại hết sức bền bỉ, ít hao xăng, chạy suốt từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không nằm đường. Xe Pháp như Mobilette, Sachs (Thật ra xe này của Đức – TG), Puch chạy không nổi, yên xe nhỏ, chông chênh”. Ông còn kể thêm: “Hình như giới xe ôm cũng có luật riêng giúp đỡ lẫn nhau khi có trường hợp bị khách giựt xe. Khi đưa khách trả tiền đến vùng đáng sợ, anh xe ôm đưa tay ra một hai dấu hiệu gì đó cho đồng nghiệp, một hay hai người sẽ chạy theo kín đáo bảo vệ nhau, tiền chia chác sau đó”.
Có thể hình dung theo trục thời gian như sau: Xe ôm có từ khi người Mỹ đến, với những chiếc Lambretta làm dịch vụ chuyên chở ban đầu. Sau đó, xe Nhật xuất hiện, trở thành phương tiện chủ yếu của giới xe ôm Sài Gòn và khách là người Việt qua lại. Xe Lambretta không còn tiện dụng nữa nên bị đào thải dần trong dịch vụ này.
Xe Lambretta được quảng cáo trên báo Sài Gòn Mới xuân Giáp Ngọ năm 1954.
Sau năm 1973, người Mỹ rút hẳn về nước, kinh tế miền Nam đi xuống, giới chạy xe ôm lại một phen khó khăn. Sau 1975, nhất là khi kinh tế khá dần lên sau đổi mới, nhiên liệu xăng nhớt thoải mái hơn thì xe ôm hồi sinh. Lúc này người Việt thích đi xe ôm nhờ tính tiện lợi có thể len lỏi vô các hang cùng ngõ hẻm, chợ nhỏ của Sài Gòn – Gia Định. Xe ôm lúc đó tiếp tục dùng các loại xe như Honda Dame, Suzuki nam, Yamaha...
Câu chuyện lịch sử xe ôm này do ông X. kể lại cho anh dược sĩ hồi sau 1975, trong lúc trà dư tửu hậu. Khi xưa, nhà anh ở khu Kho 18, quận 4 và có chứng kiến nhóm xe ôm kỳ lạ thuở ban đầu, toàn là những người đi Lambretta, đúng như lời kể của ông X.
HÀNG TRUNG QUỐC Ở SÀI GÒN XƯA
Đầu năm 2015, giới mộ điệu thời trang toàn cầu sửng sốt với kiểu váy được thiết kế từ loại vải có họa tiết giống loại “chăn con công” từ Trung Quốc. Người không sành thời trang như tôi khi nhìn hình cô Hồ Xã Quang bận bộ váy này lại nhận ra một điều gì đó rất gần gũi. Vải có nền đỏ, in hình những bông hoa mẫu đơn xòe nhiều cánh, lá xanh. Ký ức thuở nhỏ lại ùa về từ cuộc sống cách nay gần nửa thế kỷ. Họa tiết quen thuộc này tôi đã thấy khi còn nhỏ, trong lần vải lót của bình ủ ấm trà ở nhà và trên cái khăn trải bàn.
Từ cuối thập niên 1960, trong nhà tôi xuất hiện những món đồ có lý lịch khá lạ. Đó là bộ chén hạt dưa bằng sứ trắng viền xanh nhạt, lòng chén có những chấm hình hạt dưa bằng cao lanh mờ mờ có thể nhìn xuyên qua. Đó là loại chén sang trọng do một người cháu đi lính Cộng hòa đóng quân ở biên giới Tây Ninh mua tặng má tôi. Lúc đó, hàng chén dĩa cao cấp từ Pháp nhập về không có mấy, hàng PX tuồn ra ngoài thường là đồ Arita, Noritake của Nhật khá mắc tiền. Những chén hạt dưa đó là niềm tự hào của má, chỉ dùng khi nhà có giỗ. Trong nhóm đồ này, có vài cái thau, dĩa bằng sắt tráng men, họa tiết sặc sỡ và không phải là hàng Nhật.
Những món đồ đó là hàng hóa của nước Trung Hoa lục địa (phân biệt với Đài Loan). Người bà con tặng má bộ chén hạt dưa khẳng định như vậy. Anh đóng quân gần chợ trời Gò Dầu Hạ, bên kia là tỉnh Svay Rieng. Ở chợ trời đó có đủ loại hàng hóa, từ hàng trong nước sản xuất được mang lên bán cho người Campuchia, và hàng nước ngoài nhập vào Campuchia bày bán cho người Việt. Chỉ vào chai rượu Ngũ Gia Bì dáng tròn trong tủ buýp-phê mà ba tôi bảo là “Rượu của Hồng Kông” , anh mỉm cười đoan chắc: “Đây là hàng Tàu lục địa, bác ơi!”.
Vài ông hàng xóm có đi làm sở Mỹ xầm xì với nhau về một loại thuốc uống vào sẽ thấy rất “sung”. Một cô ở chợ Ga gần nhà tôi, có thân hình trước kia gầy nhom nay khoe rằng nhờ uống “thuốc mập” mang từ biên giới về thì da dẻ hồng hào bóng lưỡng, người mập ra tròn lẳn ngon lành.
Hồi còn nhỏ, tôi đã bán tín bán nghi khi nghe những điều ấy và niềm nghi ngờ ấy kéo dài khi đã trưởng thành. Làm sao hàng hóa ở một quốc gia phương Bắc xa xôi, không có quan hệ ngoại giao với chính phủ miền Nam lại được bán ở đây?
Dần dà, tôi hiểu ra đường đi lắt léo của chúng. Điều đó càng củng cố hơn, khi xem giáo trình Đại học Văn khoa Sài Gòn của ông anh, tôi thấy vẫn có những bài viết của một số học giả miền Bắc dù đất nước đang bị chia cắt. Cũng như khi tìm hiểu về tranh sơn mài của miền Nam trước 1975, thì biết rằng chất liệu sơn ta Phú Thọ vẫn được dùng chung với sơn Nam Vang kể cả khi hai miền không thông thương.
Trong cuốn Chợ trời biên giới Việt Nam - Cao Miên – một cuốn sách phóng sự tuyệt vời đã đoạt giải Nhất phóng sự 1969 của Trung tâm Văn bút Việt Nam trước 1975 – nhà văn Lê Hương đã nói khá rõ về xuất xứ loại hàng này ở miền Nam. Theo đó, trước 1970, chính phủ trung lập ở Campuchia do có quan hệ với Trung Quốc nên đã nhập nhiều hàng hóa về và nhiều mặt hàng được đưa đến chợ biên giới hai nước Việt – Campuchia. Ở đó, người Campuchia mua hàng Mỹ mang từ Sài Gòn lên như rượu Whisky, nước ngọt trong hộp, xà bông bột, lịch có hình khỏa thân... Người Việt thì thích lên đó mua hàng Pháp như rượu Martell, Dubonnet, Anis, Gin, nước suối Vichy, xì dầu Maggi, bánh bít quy LU, thuốc trụ sinh... Đặc biệt, hàng Trung Quốc cũng được thương lái mua về Sài Gòn bán. Đó là các mặt hàng như dầu cù là, bình thủy hiệu Kim Tiền đựng trong giỏ tre, chén kiểu, dĩa kiểu, thau đựng nước tráng men, nhãn nhục, rượu Ngũ Gia Bì, rượu Mai Quế Lộ, radio xài bằng dầu lửa, hột quẹt máy, máy may hiệu Gilbert, dầu cù là hiệu Ba con cọp, cao hổ cốt... Bên cạnh đó, còn có những loại hàng quái gở khác như bút máy có hình khỏa thân, thuốc chích cho mập, thuốc trị... ung thư, thuốc trị bệnh phong tình... Các mặt hàng này bán ở chợ Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh, thuộc cây số thứ 1973 quốc lộ 1.
Hàng Trung Quốc cũng có mặt và được tiêu thụ khá mạnh ở chợ trời Thường Phước thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong lúc đó (nay là Đồng Tháp) để sau đó đưa về Sài Gòn tiêu thụ. Lúc đó, Trung Quốc đã sản xuất nhiều hàng hóa công nghiệp, từ xe tăng, xe tải cho đến hàng hóa phục vụ đời sống và có chất lượng tuy không cao cấp và đẹp như Mỹ, Pháp, Nhật nhưng khá tốt và chưa bị nạn hàng giả hoành hành như bây giờ.
Tác giả cho rằng do đường sá xa xôi nên ở đây không sợ có hàng giả từ Chợ Lớn đổ về (thời đó đang có chiến tranh nên vận chuyển đi về không đơn giản như hiện nay).
Tuy nhiên, điều ít ai ngờ là mặt hàng Trung Quốc bán chạy nhất là các loại thuốc chích, thuốc viên trị ung thư, thuốc trị bệnh qua đường tình dục và thuốc uống để lên cân, ốm hóa mập trong vài ngày.
Thời đó, phong trào bán thuốc mập đã sôi nổi ở chợ trời này rồi lan xuống các tỉnh Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong đến Sài Gòn. Giới phụ nữ lao xao nhất vì ai cũng muốn có thêm mỡ cho “có trước có sau” với người ta, bất chấp thuốc làm ra từ chất gì và có hại gì không. Ngoài ra, còn có các loại thuốc chuyên trị... ung thư, là những viên màu trắng, được quảng cáo là do một bác sĩ Trung Quốc nghiên cứu mấy chục năm mới tìm được một loại cỏ mọc bên đó, giá mỗi hộp 30 viên to bằng đầu đũa là 700 đồng, uống 15 ngày, không thấy nói bao nhiêu ngày lành bệnh. Thuốc này giá lên cao dần dù không thấy ai hết bệnh nhờ nó, có lúc lên tới 3.000 đồng, rồi mất tích luôn. Sau đó, chợ trời xuất hiện loại thuốc khác trị bệnh ung thư cũng từ một bác sĩ ở Bắc Kinh chiết xuất từ nhựa trái mù u.
Giữa năm 1966, lại có một loại thuốc cải lão hoàn đồng được tung ra do bác sĩ Trung Quốc bào chế. Dược liệu bào chế thuốc này được quảng cáo là lấy trên cung trăng do phi thuyền Nga mang về (?!). Có người còn nói cụ thể là do bác sĩ Trung Quốc chế, bị đánh cắp công thức mang sang Hồng Kông sản xuất. Thuốc uống vào già hóa trẻ, tóc bạc trở thành đen, điếc sẽ nghe được, tám mươi tuổi có thể cưới vợ bé, trị cả bệnh từ đau tim, phổi, bại thận, sưng gan, cả giang mai... uống vào cũng thấy lên cân ngay.
Hàng hóa Trung Quốc thời đó được đưa về Sài Gòn và các tỉnh miền Nam tiêu thụ. Tuy không nhiều nhưng tai hại nhất là các thứ dược phẩm trời ơi nói trên, không khác gì các thứ thuốc Trung Quốc sau này tuồn về từ biên giới không có địa chỉ nhà bào chế cụ thể, sử dụng hóa chất độc hại để chế biến, không chữa được bệnh như quảng cáo và gây hại cho bao người.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy cách nay gần nửa thế kỷ, trong tình trạng không có quan hệ ngoại giao mà sản phẩm Trung Quốc còn tìm được đường để len lỏi vào Sài Gòn, nói chi trái cây thực phẩm ngậm hóa chất, thuốc chữa bệnh không rõ xuất xứ, không được kiểm nghiệm... thời bây giờ. Càng ngẫm càng thấy nhiều hệ lụy không thể nói hết...
QUÁN ĐIỆN THOẠI CÔNG CỘNG
Xã hội càng hiện đại, thông tin liên lạc càng phải tiện lợi, nhanh chóng và phủ càng rộng càng tốt. Sài Gòn cho đến năm 1963 có số máy điện thoại, bao gồm cả nhà nước và tư nhân là 6.000 thuê bao. Số máy đó không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong một thành phố đang phát triển chỉ mới chín năm sau thời kỳ Pháp thuộc.
Nắm bắt được tình trạng đó, bên cạnh thuê bao tư nhân, chính quyền Sài Gòn đã có chủ trương phát triển mạng lưới điện thoại công cộng trước đó chưa có. Đầu năm 1963, Nha bưu điện Sài Gòn cho khánh thành 50 máy điện thoại công cộng trong kế hoạch tổng thể là trang bị 300 máy trên toàn thành phố. Một nhà thầu đã xây cất các Kiosque điện thoại vuông vức, xinh xắn trên một số con đường, góc phố gọi là Quán điện thoại công cộng. Mỗi Quán có một nhân viên trông nom, đặt một máy điện thoại. Nhân viên phụ trách bán đồng jeton để sử dụng điện thoại. Phần diện tích còn lại nhà thầu được phép bán các loại hàng hóa nhập ngoại, trừ hàng ăn.
Toàn bộ chi phí của kế hoạch do nhà thầu chịu. Bù lại họ được quyền khai thác trong mười năm nhưng vẫn phải đóng phí khai thác cho Nha bưu điện là 150 ngàn đồng thời ấy. Sau mười năm, các trạm điện thoại này sẽ thuộc quyền sở hữu của Nha bưu điện.
Các máy điện thoại này do hãng L.M. Ericsson sản xuất, chỉ có thể liên lạc với các máy trong các hệ thống Sài Gòn và Sài Gòn – Chợ Lớn. Người có nhu cầu gọi sẽ mua một đồng giơ-tông 5 đồng, tương đương một đơn vị điện đàm trong nội thành, bỏ vào máy trước khi quay số. Gặp trường hợp máy bên kia bận chưa trả lời thì đồng jeton vẫn nằm yên, khi đầu dây bên kia nhấc ống nghe đồng này mới rớt xuống khay, tức đã được sử dụng. Đồng jeton bằng kim khí tổng hợp này được đặt làm từ nước ngoài.
Vị trí các quán điện thoại là một danh sách dài, chúng tôi xin nêu một số nơi tiêu biểu trong số 50 quán điện thoại được lắp đặt:
Công trường Lam Sơn, phía sau trụ sở Quốc hội (nay là Nhà hát TP.HCM), ngang chỗ để xe và gần góc đường Hai Bà Trưng.
Đường Gia Long (Lý Tự Trọng) bên cạnh và bên ngoài cổng Bệnh viện Grall (Bệnh viện Nhi đồng 2).
Đường Nguyễn Văn Thinh (Mạc Thị Bưởi), gần góc đường Tự Do (Đồng Khởi).
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên trái cổng vào Thảo Cầm Viên.
Bến Bạch Đằng, phía bờ sông, bên cạnh vườn chơi trẻ em, gần cây xăng cột cờ Thủ Ngữ.
Đại lộ Lê Lợi, sau Bộ công chánh, bên cạnh trạm xe buýt.
Bến Chương Dương, gần góc Pasteur, phía trước Ngân hàng Pháp Á.
Đường Hoàng Diệu, gần góc đường Trịnh Minh Thế (quận 4), trước nhà số 3.
Đại lộ Trần Hưng Đạo, trước nhà số 15.
Đại lộ Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ) gần góc đường Trần Hưng Đạo, bên số lẻ.
Đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), trước Bệnh viện Bình Dân, chỗ để xe đạp.
Đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám) khu Chợ Đũi, trước quán Mai Đơn, cách góc đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần) 40 mét.
Đại lộ Chi Lăng (Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh), gần góc đường Lê Văn Duyệt (Đinh Tiên Hoàng) cạnh trạm xe buýt ngang tòa hành chánh (UBND quận Bình Thạnh).
Đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ), gần cổng vào Bệnh viện Cơ Đốc, ngang cây xăng Shell.
Đại lộ Khổng Tử (Hải Thượng Lãn Ông), gần sân vận động Lệ Chí, trước nhà số 266.
Đại lộ Thuận Kiều, bên phải Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đường Hùng Vương, bên trái cổng vào Bệnh viện Hồng Bàng.
Chợ Trần Quốc Toản, trước sân chợ và sát lề đường Trần Quốc Toản.
Chợ Xóm Củi, giữa sân chợ, đường Tùng Thiện Vương.
Đường Huỳnh Thoại Yến (Nguyễn Hữu Thận), cửa bắc chợ Bình Tây.
v.v...
Hệ thống quán điện thoại này giúp cho cuộc sống người dân Sài Gòn trước đây tiện lợi biết bao trong đời sống thường ngày, hoạt động làm ăn buôn bán. Đến nay, chúng ta không còn thấy bất cứ vết tích nào của các quán điện thoại công cộng những năm xưa, cách nay hơn nửa thế kỷ.
Kiểu dáng chiếc điện thoại của hãng L.M Ericsson gắn ở các quán điện thoại công cộng nội đô Sài Gòn.
Quán điện thoại trên đường Lê Lợi năm 1963. Ảnh trong bài: báo SDMN số 45 tháng 3/1963.
QUÁN CƠM – PHÒNG TRÀ ANH VŨ
Lần đầu tiên tôi nghe nhắc đến tên phòng trà Anh Vũ là qua lời kể của nhà văn Thùy An. Năm 18 tuổi, chị từ Đà Nẵng vào Sài Gòn và được người nhà dẫn đi xem ca nhạc ở đó. Không còn nhớ gì nhiều, nhưng Anh Vũ là nơi tạo ấn tượng ban đầu của chị những năm đầu thập niên 1960, về không khí văn nghệ của một thành phố lớn sôi động và quy tụ nhiều tài năng nghệ thuật bấy lâu nay chị vẫn thường nghe tên.
Không còn nhiều người nhớ đến một phòng trà ca nhạc đã xuất hiện gần nửa thế kỷ trước tại Sài Gòn như vậy. Phòng trà, mô hình không gian khép kín có sân khấu ca múa nhạc, phục vụ giải khát cho khách từ nhiều năm nay không lạ lẫm gì nhưng trước 1960, Sài Gòn và các đô thị miền Nam chưa có xuất hiện mấy, cho đến khi phòng trà Anh Vũ ra đời và có vai trò khá đặc biệt trong đời sống văn hóa văn nghệ ở Sài Gòn xưa. Đây còn là một phòng trà kỳ lạ vì tích hợp cả quán ăn từ thiện và quán giải khát ca múa nhạc sống, cùng tồn tại và hỗ trợ nhau.
Người bạn của tôi, sống ở khu vực gần cầu Trương Minh Giảng, xưa gọi là khu xóm Vẹc (do từ cái tên cũ Eyriaud Des Vergnes thời Pháp thuộc của đường Lê Văn Sỹ, quận 3 hiện nay) kể chuyện chị mình, nay cũng đã hơn 70 tuổi.
Năm 20 tuổi và đang là sinh viên, khoảng đầu thập niên 1960, chị náo nức khi đọc báo và biết có cuộc thi tuyển lựa diễn viên đóng xi-nê-ma ở quán Anh Vũ, đường Bùi Viện. Vốn là cô gái gốc Bắc khá xinh xắn ở khu di cư Bùi Phát, chị tin vào sắc vóc của mình nên đánh liều đi dự tuyển, không xin phép gia đình (vì có xin cũng không được cho phép). Cuộc dự tuyển do hãng Liên Phim tổ chức, quảng cáo là một cuộc tuyển lựa vô cùng vĩ đại. Mướt mồ hôi dự tuyển, tự diễn vài cảnh nho nhỏ, chen vai thích cánh với hàng trăm người, cuối cùng chị ra về, mong có vai diễn trong phim Đò dọc và Tình bạn gì đó nghe nói sắp quay. Về nhà đợi mãi, nghĩ đi nghĩ lại rằng nếu mình trúng tuyển đi đóng phim thì bố mẹ sẽ nói sao! Cuối cùng, không hề thấy ai gọi và cũng không có bộ phim nào có tên như vậy ra đời. Chị thẫn thờ tiếc một cơ hội không biết có hay không, rồi lại mừng vì nếu nó đến thì chả biết ăn nói làm sao với “ông bô bà bô”. Nhưng nhờ vậy, chị biết đến một quán cơm từ thiện rẻ và ngon dành cho sinh viên, và biết thưởng thức ca nhạc ở phòng trà, một thú giải trí rất mới, thanh lịch dù có hơi tốn kém so với túi tiền sinh viên.
Quán Anh Vũ là cái tên ban đầu của quán văn nghệ, quán cơm nghệ sĩ và sinh viên Anh Vũ, thành lập từ sáng kiến của ông Võ Đức Diên, một kiến trúc sư và cũng là một nghệ sĩ. Nguyên trước kia vào khoảng 1945 ông có lập ra một ban kịch lấy tên là Anh Vũ và tái lập lại năm 1955, sau đó ông lấy tên này để tiếp tục thực hiện ước vọng của mình là vừa làm việc xã hội vừa tiếp tục theo đuổi hoạt động văn nghệ. Quán Anh Vũ như ông mong muốn là nơi gặp gỡ giới nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, là nơi thí điểm để các tài năng mới thể hiện mình khi chưa có tên tuổi.
Thời điểm cuối thập niên 1950, chỉ các vũ trường mới có trình diễn ca nhạc nhưng chủ yếu để khách khiêu vũ nên khi quán Anh Vũ hình thành phòng trà giải khát và thưởng thức âm nhạc là đã tạo một sinh khí mới trong sinh hoạt nghệ thuật của Sài Gòn. Đặt tại khu vực nội đô sát trung tâm thành phố, Anh Vũ là một phòng trà có bề ngang chừng 10m, sâu khoảng 30m chứa được 300 đến 400 chỗ ngồi và một ban nhạc, nằm phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo, số 43 đường Bùi Viện, một con đường nhỏ sát trung tâm Sài Gòn. Quán được mở ra trước Tết Canh Tý 1960, được xem là một quán thanh lịch và có phòng trà lớn nhất Sài Gòn lúc đó. Trong khuôn viên quán có một sân khấu nhỏ phía bên phải, còn quán ăn nằm phía bên trái.
Ban ngày, Anh Vũ từ phòng trà ca vũ nhạc ban đêm biến thành quán cơm xã hội dành cho sinh viên và giới nghệ sĩ.
Ban vũ Phong Lan của Lưu Bình và Lưu Hồng trình diễn vũ điệu “Múa nón”.
Một tiết mục múa Tây Ban Nha sôi động do các diễn viên múa xinh tươi trình diễn. Ảnh trong bài: Báo Trẻ tập I số 8.
Ban ngày, nơi đây là quán cơm. Thời đó, trong giới nghệ sĩ chỉ có một số ít ngôi sao là sống dư dả, phần lớn còn lại kiếm sống từng đêm, ai tiện thì đến quán cơm ăn cùng với sinh viên, học sinh và giới viết lách tỏa ra từ khu các tòa báo trên đường Phạm Ngũ Lão. Mỗi bữa cơm chỉ có hai mức giá là 5 đồng và 10 đồng được xem là rẻ vì tính giá bằng phân nửa giá bán thông thường. Người ăn tự chọn đồ ăn mang ra bàn, cơm ăn không hạn chế, thức ăn ngon, sạch sẽ. Ban quản trị ở đây không chú trọng thu lời nhiều, mà quan tâm đến thái độ đón tiếp khách đến dù tầng lớp nào, vô danh hay đã nổi tiếng. Quán mở đến 7 giờ tối, lúc nào cũng đông nghẹt khách ăn.
Buổi tối, phòng trà mở cửa. Ban đầu, ông Võ Đức Diên mời được nhạc sĩ Phạm Duy về giới thiệu chương trình còn nhạc sĩ Lê Thương phụ trách sân khấu ca vũ kịch của quán. Vì là sân khấu ca vũ kịch, có ban Vũ Phong Lan của hai vũ sư nổi tiếng là Lưu Bình và Lưu Hồng. Số ca sĩ thường trực ở quán là 12 người. Lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này là danh ca Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu. Ca khúc Hận Đồ Bàn với tiếng hát trầm ấm của Việt Ấn đã làm say mê người nghe. Quán còn được sự góp mặt thường xuyên của các ca sĩ như Bạch Yến, Mai Hương, Duy Trác, Cao Thái… Ca sĩ Phương Dung khi hát ở Anh Vũ được xem là thời hoàng kim của cô với các ca khúc tiền chiến đến các ca khúc đang thịnh hành như Hai kỷ niệm, một chuyến đi; Hoa nở về đêm;…
Không ít ca sĩ đã từ ca hát ở phòng trà và vũ trường mà rực sáng và Anh Vũ là một cái nôi nghệ thuật của Sài Gòn. Theo nhà báo Đoàn Thạch Hãn, tại phòng trà này, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9, lần đầu tiên đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công tác phẩm đầu tay Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Có người cho rằng bài Phố buồn được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác chính trong giai đoạn này.
Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu sự nghiệp ca hát tại phòng trà Anh Vũ lúc mới 18 tuổi và chưa nổi tiếng.
Phòng trà và quán Anh Vũ thời gian đầu đã trở thành một địa chỉ sum họp của giới nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn Sài Gòn thời đó. Có lúc Anh Vũ cũng tổ chức các hoạt động khác như là nơi tuyển chọn diễn viên như câu chuyện kể trên. Đầu năm 1960, khi ban hòa tấu thính phòng Berlin ở Cộng hòa liên bang Đức đến Sài Gòn biểu diễn hai ngày trong tháng 2, họ đã được ban tổ chức Việt Nam chiêu đãi tại đây trong không khí rất ấm cúng.
Đến cuối năm 1962, do tình hình an ninh, chính phủ lúc đó ban hành giới nghiêm, không cho phép các vũ trường hoạt động nên quán Anh Vũ đóng cửa. Trước đó, từ một phòng trà thanh lịch, quán đã dần biến thành một vũ trường bình dân, mất đi hào quang thuở ban đầu với không khí biểu diễn nghệ thuật đầy hứng khởi và giới ca sĩ chuyên nghiệp không đến hát nữa nên khách vắng thưa dần. Quán cơm Anh Vũ và phòng trà Anh Vũ chỉ còn trong tâm tưởng lớp người sống ở Sài Gòn một thời đã xa, những người lớp tuổi bảy mươi và tám mươi. Họ hoài niệm nó, như trong một đoạn thơ không rõ tác giả:
"Sài Gòn ta gởi cho em
Quán cơm Anh Vũ, phố đèn Tự Do
Nhớ em! Ôi, thuở học trò
Này đường Nguyễn Trãi, con đò Thủ Thiêm..."
“Sài Gòn ta gửi cho em
Quán cơm Anh Vũ, phố đèn Tự Do...”
LÁ ĐƠN CỦA MỘT DANH THỦ
Đối với người sống ở miền Nam trước 1975, dù có quan tâm đến bộ môn bóng tròn, cách gọi cũ của bóng đá hay không, thì tên tuổi danh thủ Phạm Văn Lắm vẫn rất nổi tiếng. Khi đội tuyển quốc gia miền Nam đoạt chức vô địch giải Merdeka – Malaysia 1966, cựu trung vệ bóng đá Phạm Văn Lắm được xem là một cầu thủ xuất sắc có đóng góp lớn cho chiến công này. Đội tuyển miền Nam lúc đó được đặt dưới sự dẫn dắt của HLV người Đức Weigang, người sau này đã trở lại huấn luyện đội tuyển Việt Nam vào thập niên 1990. Theo các tài liệu, trước năm 1975, giải Merdeka được xem như giải bóng đá quốc tế Á châu thu nhỏ vì quy tụ nhiều đội tuyển quốc gia tại lục địa này, trong đó có nhiều đội tuyển rất mạnh lúc bấy giờ, như Miến Ðiện (Myanmar), Nam Hàn, Hồng Kông, Nam Dương (Indonesia)... Về sau, Merdeka còn có sự tham dự của các đội bóng câu lạc bộ từ châu Âu, Tây Á và cả Nam Mỹ.
Phạm Văn Lắm xuất thân từ đội Ngôi sao Gia Định là đội bóng lâu đời nhất ở miền Nam. Năm 1961, ông tham gia đội tuyển Thiếu niên Việt Nam Cộng hòa, cùng với cầu thủ Tam Lang, dự giải thiếu niên Á châu kỳ 4 tại Bangkok. Ðến tháng 4 năm 1964, ông có mặt trong đội tuyển Quốc gia Việt Nam Cộng hòa tham dự vòng loại Olympic tại Tel Aviv (Israel). Sau đó là cầu thủ chính thức làm nên chiến thắng Merdeka năm 1966. Trong sự nghiệp bóng đá, ông đã thi đấu rất nhiều nơi tại châu Á. Ngoài thành tích vô địch giải Merdeka, ông cùng đồng đội còn đoạt huy chương Bạc SEAP Games hai lần 1965, 1969, huy chương Đồng SEAP Games 1971 và nhiều giải vô địch ở miền Nam trước 1975 khi tham gia đội Tổng tham mưu và Quan thuế.
Tuy nhiên, cho đến năm 1971, mới 28 tuổi và đang được xem là cột trụ hàng phòng thủ vững chắc, phong độ đang ở đỉnh cao, tuổi còn sung sức lại nhiều kinh nghiệm thi đấu trong và ngoài nước, Phạm Văn Lắm lại có một quyết định gây bất ngờ với làng bóng đá thời ấy, đó là xin rút ra khỏi đội tuyển bóng đá quốc gia miền Nam Việt Nam.
Chúng tôi có may mắn giữ được lá đơn viết tay xin rút lui khỏi đội tuyển của ông được viết từ 44 năm trước, ngày 14 tháng 9 năm 1971. Người nhận là ông Chủ tịch Tổng cuộc túc cầu Việt Nam (tương đương Chủ tịch Liên đoàn bóng đá hiện nay). Bỏ qua phần tiêu đề, nội dung thư như sau:
“Kính thưa ông Chủ tịch,
Tôi rất danh dự được sự chiếu cố của quý Tổng cuộc cho gọi tôi tập dượt trong kỳ chuẩn bị tuyển thủ quốc gia lần này. Tôi xin thành thật cám ơn quý Tổng cuộc đã chiếu cố đến tôi, nhưng vì đứng trước ý đồ trẻ trung hóa của quý Tổng cuộc đã đề ra, tôi tự thấy có bổn phận nhường chỗ cho cầu thủ khác - Vì sau quá nhiều năm đổ mồ hôi và lao lực cho làng cầu Việt Nam nói chung và quý Tổng cuộc nói riêng.
Kính xin quý Tổng cục chấp nhận nơi đây lời cầu khẩn của tôi và xin chúc đoàn đại diện Việt Nam sẽ gặt hái nhiều kết quả hơn.
Kính chào ông Chủ tịch.
Ký tên Phạm Văn Lắm”.
Hơn nửa tháng sau, ngày 3 tháng 10 năm 1971, ông Võ Văn Ứng, Chủ tịch Tổng cuộc túc cầu Việt Nam thời đó có thư phúc đáp với nội dung chính như sau:
“Tổng cuộc túc cầu Việt Nam rất xúc động khi chấp nhận cho Ông giã từ đội tuyển Việt Nam.
Sự vắng mặt của Ông sẽ là một thiếu sót cho Hội tuyển Việt Nam và lưu lại nhiều mến thương cho các bạn đồng đội.
Thay mặt Ban chấp hành T.C.T.C.V.N, tôi xin gởi đến Ông lời cảm ơn chân thành nhất của chúng tôi về sự tận tụy của Ông trong những năm qua, đã nêu cao màu cờ sắc áo của xứ sở trên khắp vận động trường quốc tế cũng như quốc nội.
Thân ái chào Ông và chúc Ông được mọi sự an lành như ý.
Ký tên Võ Văn Ứng”
Danh thủ Phạm Văn Lắm rời khỏi đội tuyển hoàn toàn không vì xuống phong độ. Mấy năm sau thời điểm 1975, ông tiếp tục đá bóng và là đội trưởng đội Hải quan và đến năm 1981 mới giải nghệ. Ông rời đội tuyển khi chưa tới ba mươi tuổi, vì lòng tự trọng muốn nhường chỗ cho lớp cầu thủ trẻ.
Đọc qua hai văn bản của giới bóng đá Sài Gòn cách nay gần nửa thế kỷ, chúng ta hình dung được phần nào cách thức viết thư hành chính trong một bộ môn đặc thù của thể thao. Đã có những khác biệt trong cách dùng từ ngữ so với hiện nay.
Danh thủ Phạm Văn Lắm mất năm 2012 sau một cơn bệnh kéo dài, thọ 69 tuổi, trong hoàn cảnh sống khó khăn.
BA BỨC TRANH Ở DINH ĐỘC LẬP
Khách đến dinh Độc Lập không chỉ để xem và hiểu biết về một tòa nhà làm việc của chính quyền chế độ cũ, mà còn có dịp ngắm nghía một công trình kiến trúc quan trọng và có tầm cỡ, được xem cách bài trí nội thất của một dinh thự cao cấp nhất của một quốc gia, và những tác phẩm mỹ thuật của một thời. Tác phẩm sơn mài cực lớn Bình Ngô đại cáo của họa sĩ Nguyễn Văn Minh bày trong dinh Độc Lập đã được đề cập đến trong tập I cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố. Ở đây, xin giới thiệu tiếp ba bức tranh hiện đang trưng bày tại dinh thự này.
QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
Trong phòng Khánh tiết dinh Độc Lập có một bức tranh lớn, có chiều dài 5,4m và chiều rộng 2,34m. Bức tranh có tên là Quốc tổ Hùng Vương . Đây là cái tên thường dùng, tuy nhiên lúc đầu, tác giả đặt tên cho tranh là Việt Nam Quốc tổ. Người sáng tác bức tranh này là họa sĩ Trọng Nội.
Họa sĩ Trọng Nội tên thật là Trần Trọng Nội, được xem là thủy mặc gia Việt Nam. Ông chuyên thực hiện tranh bích họa đắp nổi cho các cơ sở tôn giáo. Ông là tác giả bức Phật đản tại chùa Phổ Quang, hai bức Hội nghị Diên Hồng và Bạch Đằng Giang ở đền thờ Trần Hưng Đạo, bức Hội hoa nghiêm cao 2,5m, dài 8,5m tại chùa Kim Cương, đường Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu). Bức Bồ tát Quảng Đức tự thiêu cao 2m được vẽ bằng máu của chư Tăng Ni, Phật tử, do ông vẽ năm 1963 giữa mùa pháp nạn đặt tại phòng Khánh tiết của chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận.
Trọng Nội sinh năm 1924 tại Hà Nội. Sở trường của ông là thủy mặc. Ông vẽ tranh về đề tài hoa lá chim muông, cảnh sinh hoạt, các trận đánh cổ xưa trên giấy bản, mực tàu điểm xuyết bằng màu hồng xạ, hoa hiên, chu sa nguyên chất thuần túy dân tộc... Từ năm 1957, ông chuyển hướng thực hiện tranh đắp nổi bằng xi măng. Ngoài ra ông còn khắc chân dung và phong cảnh trên ngà voi.
Ngày 22 tháng 6 năm 1966, họa sĩ Trọng Nội gửi thư đến Phủ Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương của chế độ miền Nam và kiến trúc sư trưởng Ngô Viết Thụ, tác giả đồ án dinh Độc Lập, xin tặng tác phẩm Việt Nam Quốc tổ để trưng bày trong dinh mới xây xong. Trong thư ông nêu: “Tác phẩm kể trên tượng trưng ý nghĩa đề cao dân tộc Việt Nam, tôi ước mong được góp phần bé nhỏ vào công trình kiến trúc dinh Độc Lập, nhân dịp khánh thành...”. Ngay hôm đó, ban trang trí Công trường dinh Độc Lập sau khi nhận thư, đã có ý kiến ngay với các vị được nêu trong thư: “Nhận thấy đây là một tác phong cao đẹp của một nghệ sĩ chân chính, nghèo tiền nhưng không nghèo lòng, sẵn sàng đóng góp phần mình vào kho tàng nghệ thuật quốc gia bằng một hy sinh lớn lao. Ban tôi trân trọng xin quý vị sớm cho biết tôn ý về vấn đề nêu trên, để việc sử dụng bức tranh, trong trường hợp thuận lợi, khỏi bị chậm trễ”.
Bốn ngày sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ gửi một bức thư đến quản đốc công trường dinh và Phủ Chủ tịch Ủy ban hành pháp cho biết là ông “hết sức hoan hô nghĩa cử đó của họa sĩ” và đề nghị ra lệnh đóng gấp một cái khuôn dành cho bức tranh.
Bức tranh này được họa sĩ Trọng Nội hoàn thành đúng bốn tháng sau ngày viết thư đề nghị hiến tranh, ngày 22/10/1966, và kịp trước khi khánh thành chín ngày. Tranh ghép gồm tám tấm cốt gỗ, dán giấy xuyến chỉ phủ bề mặt. Họa sĩ Trọng Nội thể hiện tranh bằng chất liệu màu nước, diễn tả nhân vật và không gian theo lối đồ họa, chủ yếu diễn tả bằng nét, điểm màu có tiết chế. Nhân vật trung tâm được vẽ lớn hình ảnh đức Quốc Tổ Hùng Vương đang ngồi rất uy hùng giữa hai hàng văn võ bá quan, tay phải ông đang cầm bút viết hai chữ “Văn Lang”(bằng chữ Hán) – quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, tay trái ông cầm mũi tên. Hậu cảnh vẽ cách điệu hoa văn sóng nước và mây. Mặt trước bệ gỗ đặt ghế ngồi có chữ “VIỆT NAM QUỐC TỔ”. Góc trái của bức tranh có đề tên tác giả “Trọng Nội” bằng chữ Hán ở trên, chữ Việt ở dưới, giữa là dấu triện màu đỏ. Góc phải của bức tranh có chữ “31–10–1966”, dưới là chữ “VIET NAM”.
Sau đó, khuôn bức tranh đã được đặt chính họa sĩ Trọng Nội thực hiện với chi phí trị giá 106.000 đồng (trị giá 1 USD năm 1966 khoảng 80 đồng). Khung thể hiện bằng sơn mài màu vàng và đen, màu đen nhạt và đậm dần ra mép khung. Bản khung rộng một tấc, dày nửa tấc, phần đỡ khung tranh rộng 4cm. Tranh được bo trên và dưới, bọc vải tơ tằm màu vàng nhạt và đỏ sậm.
Hiện nay, tranh vẫn được treo ở vị trí cũ, màu đã bị bạc theo thời gian. Bức tranh với phong cách, màu sắc và hình tượng cổ điển, gợi lên không khí cổ xưa đầy huyền thoại.
SƠN HÀ CẨM TÚ
Trong buổi lễ khánh thành ngày 31 tháng 10 năm 1966, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ khi trình bày về những điểm chính của đồ án dinh Độc Lập đã dẫn bức tranh Sơn hà cẩm tú do mình vẽ để nói lên quan điểm về kiến trúc của ông: “Như bức tranh 'Sơn hà cẩm tú' mà chúng tôi đã vẽ để trang trí phòng đại yến của dinh này để nói lên sự cố gắng dùng một chất liệu, và kỹ thuật kim thời nếu không nói là Âu Mỹ để diễn tả một tâm hồn Việt Nam mà quý vị sẽ thấy trong phòng ăn lớn, tóm tắt các khuôn phép mà chúng tôi đã dùng khi nghiên cứu phối hợp dinh này. Chúng tôi muốn đánh dấu trang sử giành độc lập của dân tộc trong các công trình có tánh cách văn hóa bằng cách thực hiện tác phẩm bằng vật liệu đương thời với tất cả phương thức của nó...”.
Bức tranh sơn thủy thể hiện phong cảnh đất nước Việt Nam đồng hiện với các sắc thái riêng của ba miền Bắc – Trung – Nam. Phía bên trái là phong cảnh miền Bắc với núi non trùng điệp, giữa là miền Trung với cảnh Ngọ môn Huế và bên phải là đồng bằng và sông ngòi miền Nam. Phía trên bên trái của tranh có hai câu thơ bằng chữ Hán: “Cẩm tú sơn hà, thái bình thảo mộc”, tạm dịch: “Non sông gấm vóc, cây cỏ thái bình”. Bộ tranh đồ sộ không kém các họa phẩm khác trong dinh, ghép lại từ 7 bức nhỏ, mỗi bức dài 2m và rộng 1m. Toàn tranh dài 7m, rộng 2m. Bức tranh hoàn thành năm 1966, được treo trước khi khánh thành dinh.
Tuy được vẽ theo lối thủy mặc, bức tranh này lại được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thực hiện bằng chất liệu sơn dầu hiện đại, chất sơn pha loãng hoặc đặc tùy theo nhu cầu vẽ khu vực phóng túng hay công bút. Có lẽ đó chính là điểm mấu chốt ông nhắc tới khi phát biểu như trên (dùng một chất liệu, và kỹ thuật kim thời nếu không nói là Âu Mỹ để diễn tả một tâm hồn Việt Nam). Khung tranh bằng gỗ phủ sơn xanh lá mạ, sau đó thếp vàng, viền khung bên trong màu cánh gián. Ở góc dưới bên phải của tranh có bút tích của tác giả: “Ngo Viet Thu 1966”.
Bức Sơn hà cẩm tú do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sáng tác trưng bày trong dinh Độc Lập. 
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, năm 1967.
Hàng chữ "Cẩm tú sơn hà, thái bình thảo mộc" ở góc trái bức tranh.
HAI NÀNG KIỀU
Bức tranh này xuất hiện tại dinh Độc Lập khá muộn, do họa sĩ Lê Chánh hoàn thành vào năm 1974 và được treo tại đầu hành lang lầu 3 của dinh. Hiện nay, tranh vẫn được treo ở vị trí như ban đầu.
Không có tài liệu nào cho biết bức tranh này được đặt mua hay được hiến tặng cho dinh Độc Lập và duyên cớ xuất hiện bức tranh này tám năm sau khi khánh thành. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Kích thước tranh nhỏ so với các bức trên, chỉ dài 3,85m và cao 1,75m. Tính cả khung là 3,89m x 1,79m. Thành khung dày 9,2cm. Tranh được lồng khung bằng gỗ, sơn vẹc ni màu nâu sậm. Góc trái của tranh có ghi tên tác giả và thời điểm sáng tác: “Lê Chánh 74”.

Nội dung tranh vẽ hai thiếu nữ trong trang phục áo dài chiếm khoảng lớn vị trí phía bên trái bức tranh, lớp cảnh giữa có hai nhân vật nam cùng hai tiểu đồng và một con ngựa trắng. Toàn thể là cảnh thiên nhiên, cận cảnh vẽ hoa cỏ, chim, hậu cảnh xa vẽ núi và trời, thể hiện trọn vẹn đoạn thơ tả cảnh hai chị em nhà họ Vương gặp Kim Trọng trong Truyện Kiều.
Tác giả đã Việt hóa cảnh này bằng cách cho hai nhân vật nữ mặc trang phục áo dài.
Họa sĩ Lê Chánh sinh năm 1940 tại Sài Gòn, học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ năm 1959 đến năm 1964.
Qua thời gian, bức tranh Hai nàng Kiều đã bị rạn sơn, nhiều đường gập mặt sơn là dấu tích của tranh từng bị gấp lại.
Họa sĩ Lê Chánh, tác giả bức Hai nàng Kiều.
GẶP NGUYỄN CAO NGUYÊN, NHỚ HỘI HỌA SĨ TRẺ
Bức ảnh đen trắng ở trang bên được chụp nửa thế kỷ trước, khoảng năm 1966. Trong ảnh, ngồi thứ hai từ phải qua là nhà văn nổi tiếng thế giới, John Steinbeck, người đã đoạt giải Nobel với tác phẩm”Chùm nho uất hận”. Người đứng bên trái bận complet đen với dáng dấp lịch lãm là họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên. Hôm đó, ông cùng những người trong giới nghệ thuật miền Nam tiếp nhà văn John Steinbeck tại Sài Gòn khi ông ta đến để tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam. Bức ảnh là một hoài niệm đẹp và là vinh dự cho người trong ảnh. Sau đó hơn một năm, John Steinbeck từ trần và có thể lần đến Sài Gòn đó chính là chuyến phiêu lưu cuối của ông.
Tấm ảnh nhắc nhớ cho họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên thời tuổi trẻ tươi đẹp và thời hoạt động nghệ thuật hăng say nhất của ông, ở những năm giữa thập niên 1960. Lúc đó, ông cùng bạn bè vừa mới thành lập Hội họa sĩ Trẻ vào tháng 11 năm 1966 và đã được bầu làm chủ tịch của hội này.
Tôi gặp họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên tại Sài Gòn trong một buổi chiều nhiều nắng vào cuối tháng 10 năm 2015 và còn gặp vài lần sau đó nữa. Đã lớn tuổi, sống nhiều năm ở nước ngoài, dù dấu thời gian đã hằn sâu trên dáng vẻ của ông nhưng nét lịch lãm của một chàng trai Hà Nội xưa từng học trường Albert Sarraut vẫn còn. Ông vẫn vẽ tranh ở tuổi trên 80, sử dụng kỹ thuật mới trên bàn vi tính hay tìm cách cải tiến kỹ thuật tranh màu nước để diễn tả cảm xúc trong sắc thái mới. Bây giờ ông đã lấy lại tên thật thay vì bút danh Ngy Cao Nguyên như hồi xưa.
Câu chuyện có đi tới đâu cũng quay về chuyện thành lập Hội họa sĩ Trẻ, cho dù tuy là người gầy dựng nên tổ chức này từ thuở ban đầu, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên không đi cùng các chặng đường hoạt động của Hội qua thời gian dài như các họa sĩ khác. Ông nhớ lại, giữa thập niên 1960 là khoảng thời gian có nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài đến thăm Sài Gòn. Cả thành phố lúc đó không có một hội đoàn mỹ thuật nào để ra tiếp đón họ cho ngang bằng. Sẵn thấy các họa sĩ có nhu cầu tập hợp với nhau để cùng thúc đẩy việc phát triển nghệ thuật, ông và bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, một người am hiểu hội họa tính đến chuyện thành lập một tổ chức riêng như là một sân chơi nghệ thuật cho giới họa sĩ trẻ Sài Gòn. Cả hai đã đứng ra thành lập dựa vào những mối quen biết và thanh thế sẵn có. Buổi họp bàn việc chính thức thành lập hội tại nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng có nhiều họa sĩ và điêu khắc gia mà hầu hết đều thành danh sau này như Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chững, Đinh Cường, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung cùng Nguyễn Cao Nguyên và chủ nhà Nguyễn Tấn Hồng. Lúc đó là tháng 11 năm 1966. Một ban lãnh đạo Hội được bầu ra và họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên được bầu làm Chủ tịch lâm thời, họa sĩ Nguyễn Trung và họa sĩ Mai Chững là Phó Chủ tịch, họa sĩ Trịnh Cung làm Tổng Thư ký.
Việc trước mắt là phải có trụ sở để làm việc. Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng do mối quan hệ quen biết đã mượn được của chính quyền thời đó một khu đất để tạo dựng trụ sở ngay trung tâm thành phố tại góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Lê Thánh Tôn. Tận dụng mối quan hệ quen biết của họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên, Hội tìm được một căn nhà phế thải trong sân bay Tân Sơn Nhứt và sau khi trao đổi với giới Không quân trong đó vài bức tranh mang tính tượng trưng, căn nhà trên được dỡ ra để tận dụng vật liệu. Họa sĩ Hồ Thành Đức chủ trì thiết kế và xây dựng ngôi nhà này cùng sự góp sức của anh em họa sĩ.
Họ dựng lên một căn nhà khá đẹp, hiện đại bằng gỗ thông và sơn trắng.
Có trụ sở khá đẹp lại ở trung tâm thành phố nên Hội trở thành nơi thu hút đông đảo giới nghệ sĩ. Trụ sở gần quán Văn phía Đại học Văn khoa thường trình diễn ca khúc Trịnh Công Sơn nên các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An vẫn thường lui tới và ngủ lại. Thỉnh thoảng, có ca sĩ Khánh Ly ghé qua chơi. Trụ sở Hội đã thành một nơi lý tưởng để tụ họp giới nghệ sĩ trẻ đang tưng bừng không khí sáng tác hội họa, âm nhạc. Đã có nhiều cuộc triển lãm tổ chức ở đây, những buổi trao đổi và đàn hát và có khi là bắt đầu một cuộc tình… Là chủ tịch Hội, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên đứng ra thay mặt anh em tiếp phái đoàn, tổ chức triển lãm. Thỉnh thoảng có những bức tranh được khách đến mua. Thời đó, tranh hầu hết là vẽ sơn dầu của Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, có tranh lụa của Nghiêu Đề, Lâm Triết, tranh dán giấy của Hồ Thành Đức, v.v… Có những cuộc tiếp khách quốc tế do chính phủ đưa đến. Hội có thêm các họa sĩ đến tham gia như Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyên Khai, Hoàng Ngọc Biên, Dương Văn Hùng, Nguyễn Đồng, Rừng, Lâm Triết…
Sau Tết Mậu Thân 1968, anh em họa sĩ quay trở lại khi cuộc chiến yên ắng và nhận ra ngôi trụ sở màu trắng của họ đã bị san bằng. Không ai biết do ai và lý do nào nó đã bị như vậy. Ngôi nhà xinh đẹp đầy chất nghệ thuật đó chỉ tồn tại trong vòng hai năm, ngắn ngủi nhưng đủ để tạo nên không khí sáng tạo của nhóm họa sĩ nổi tiếng, hiện đại nhất và có nhiều thành tựu rực rỡ nhất của hội họa miền Nam hiện đại lúc đó. Các họa sĩ thuở ban đầu sau này hầu như chói sáng, trở thành những họa sĩ có tên tuổi.
Mùa hè 2015, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên trở về Việt Nam với ý định nghỉ ngơi cùng gia đình. Nhưng từ duyên cơ ngẫu nhiên, ông tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ tranh màu nước thể loại trừu tượng với kỹ thuật thể hiện do ông sáng tạo, gọi là “âm họa” (negative painting). Cuộc triển lãm không quảng bá rộng rãi, cốt yếu lưu dấu để ghi nhớ những ngày tươi đẹp của tuổi trẻ nửa thế kỷ trước, khi ông cùng bạn bè cho ra đời một tổ chức của những họa sĩ dồi dào sức sáng tạo nhất của Sài Gòn một thời.
CON ĐƯỜNG RIÊNG CỦA HỒ HỮU THỦ
Ông được gọi là “thuật sĩ của sơn mài”. Trên báo Journal d’Extrême Orient người ta so sánh ông với Chagall, với Henri Rousseau [1] . Những bức tranh treo ở nhà ông đậm chất lãng mạn, bay bổng nhưng cách trò chuyện của họa sĩ Hồ Hữu Thủ lại có phong thái tỉnh táo, khoan hòa và dung dị của một người từng trải, thích nghiền ngẫm, suy tư về bộ môn nghệ thuật mà ông gắn bó cả đời.
Trong phòng tranh rộng của ông trên đường Nguyễn Văn Thủ, khách đến thăm ngồi giữa các hình tượng thiếu nữ bay lơ lửng, hoa sen nở e ấp và những mảng màu trong các bức tranh như lững lờ trôi chung quanh. Cả nền gạch và đá lót cầu thang cũng nằm trong tông màu ông biểu hiện trên các bức tranh, hồng ngọc và màu lam, chút nâu đỏ, màu hạt lựu, đỏ son, xanh úa... Hội Họa sĩ Trẻ, cái tên đã trở thành một huyền thoại của hội họa Sài Gòn, hội họa miền Nam một thời, có ông trong đó, và Hồ Hữu Thủ cũng đã là một tên tuổi lớn của hội họa Việt đương đại.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ quê gốc ở Nghệ An nhưng sinh ra ở Bình Dương, cái nôi của thủ công mỹ nghệ miền Nam. Lớn lên, ông theo học trường Mỹ nghệ Bình Dương về trang trí nội thất, ngành mỹ thuật ứng dụng còn rất non trẻ lúc đó, từ 1955 đến 1959. Năm 1960, khi 20 tuổi, ông vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định để học vẽ sơn dầu. Trước đó, năm 1959, ông đã đoạt giải Nhì sáng tác hội họa ESSO, một giải hội họa có uy tín do Công ty ESSO tổ chức.
Trước 1975, hầu như các họa sĩ đều vẽ bằng sơn dầu, được coi là chất liệu “vua”. Cũng có một số họa sĩ vẽ bằng phấn tiên, màu nước hay thủ ấn họa như họa sĩ Tú Duyên. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, cây đại thụ sơn mài của mỹ thuật Đông Dương vẫn trung thành với sơn mài và đi theo hướng đi riêng, có nguồn khách hàng riêng. Các tác phẩm sơn mài trên thị trường hầu hết là sơn mài mỹ nghệ ở những lò nổi tiếng lúc đó như Trung tâm mỹ nghệ Mê Linh của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, hãng sơn mài Thành Lễ hay hãng Trần Hà. Ngoài ra, không có mấy người sáng tác tranh sơn mài.
Khác với giới họa sĩ lúc đó, niềm yêu thích chất liệu sơn ta vẫn âm ỉ trong lòng Hồ Hữu Thủ cho dù ông không học sáng tác chuyên về chất liệu này. Suốt thời niên thiếu sống ở Bình Dương, trong cái nôi sơn mài mỹ nghệ truyền thống của miền Nam, ông nhận ra vẻ đẹp đằm sâu của sơn ta trong sáng tác. Lúc đó, tuy hai miền Nam Bắc đang bị chia cắt, sơn Phú Thọ (gọi là sơn Bắc) vẫn vào được miền Nam, có thể qua đường Campuchia. Loại sơn này được dùng phối hợp với sơn Nam Vang (cũng từ Campuchia, được trồng tại chỗ), tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của tranh và đồ mỹ nghệ của miền Nam.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được tổ chức năm 1972 ở Alliance Francais (viện Trao đổi Văn hóa Pháp) trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng). Trong số tranh trưng bày, hầu hết là sơn dầu, có mỗi bức sơn mài lấy tên Cô gái và chim đại bàng khổ một mét và tám tấc. Trong bức này, ông vẽ một cô gái tóc dài, góc phía trên có con chim ó, tông chính màu vàng đất. Trong đợt triển lãm, ông Tùy viên văn hóa Tòa Đại sứ Mỹ đến xem và hỏi giá. Trước giá tranh tương đương hai lượng vàng lúc đó, ông ta xin... trả góp. Cuối cùng việc mua bán không thành. Đó là câu chuyện nhắc lại cho vui, nhưng phần nào khiến Hồ Hữu Thủ tin rằng mình có thể dùng chất liệu sơn ta để làm nên những tác phẩm sơn mài mang tính mỹ thuật thực sự.
Sau 1975, các họa sĩ Sài Gòn dùng sở trường của mình kiếm sống bằng nhiều cách vì lúc đó không có thị trường tranh. Họ vẽ bìa sách, vẽ tranh cổ động, trình bày báo. Lúc đó, nền mỹ nghệ miền Nam thoái trào cũng vì mất thị trường. Các hãng mỹ nghệ danh tiếng như Trần Hà, Thành Lễ sau thời gian phát triển tột đỉnh đã ngưng hoạt động. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ tiếp tục dạy học tại Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, lúc đó đã đổi tên thành Cao đẳng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Đến cuối thập niên 1980, nhu cầu tranh sơn mài bỗng dâng cao từ nước ngoài, trong giới chơi tranh phương Tây và trong cộng đồng người Việt thành đạt tại hải ngoại. Họ là những người từng mơ ước có những bức tranh sơn mài cao cấp nhưng khi xưa không có điều kiện với tới. Một người Pháp tìm đến Sài Gòn và muốn mua tranh sơn mài một số họa sĩ đã từng nổi tiếng tại Sài Gòn mà ông biết tiếng như Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Nguyễn Văn Rô và Hồ Hữu Thủ. Các họa sĩ này được sáng tác theo ý thích của mình, không bị áp đặt về đề tài, nội dung nhưng điều kiện tiên quyết là phải sáng tác bằng chất liệu sơn ta. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ đón nhận cơ hội này, cảm thấy hạnh phúc vì đã quay trở lại thời kỳ sơn mài. Ông nắm bắt chất liệu, hứng thú đi tìm những thể nghiệm mới, những cách biểu hiện khác lạ. Ông trung thành với hội họa ấn tượng rồi nâng lên dần khuynh hướng siêu thực. Đến 1985, ông chuyển qua các đề tài trừu tượng và nhận ra rằng sơn ta có thể biểu hiện tốt điều ông nghĩ, tâm thức ông cảm nhận. Đến một chặng đường trong sáng tác, ông không hài lòng với kỹ thuật truyền thống khi sáng tác bằng sơn ta, đó là mài phẳng để lộ các lớp sơn để thể hiện hình tượng, cảm xúc của tác giả. Ông cảm thấy cách thức đó đã có những hạn chế trong biểu đạt nên mạnh dạn cải tiến trên nền chất liệu sơn ta, vóc. Không nhất thiết phải mài tất cả, có thể không mài hay có khi chỉ một phần. Có thể dùng các chất liệu khác như bao bố, gỗ dán lên mặt tranh… Tất cả đều có thể là phương tiện biểu đạt, miễn hài hòa với nhau trong tranh và diễn tả được điều muốn thể hiện. Ông tự gọi đó là sơn ta tổng hợp cho những bức tranh của ông. Đối với riêng ông, đã qua thời kỳ sơn mài.
Các tác phẩm của Hồ Hữu Thủ.
Tượng nhà thơ Bùi Giáng - tác phẩm điêu khắc của Hồ Hữu Thủ.
Năm mươi năm trước, thời sáng tác trong Hội Họa sĩ Trẻ là thời kỳ hạnh phúc của Hồ Hữu Thủ, một sinh viên xa nhà tắm mình trong không khí nghệ thuật của Sài Gòn đang ở thời kỳ phát triển khoáng đạt nhất, nhiều thành tựu nhất. Đó là lúc các cuộc triển lãm liên tục được tổ chức, sức sáng tạo của ông đang mạnh mẽ, lại được sự khích lệ của bạn bè nghệ thuật. Đến giai đoạn tự một mình đi trên con đường cải tiến nghệ thuật, ông sáng tác bằng sơn ta với phong cách riêng biệt, tự tạo dựng bằng những kỹ thuật riêng biệt. Hẳn ông cũng đơn độc trên con đường đó, nhưng giá của nó là sự thành công khi ta nhìn những bức tranh ấn tượng hay trừu tượng bằng chất liệu sơn ta tổng hợp của ông.
Hồ Hữu Thủ thích kể một câu chuyện cũ. Tại nhà ông, một vị khách là dân kinh doanh vốn mê tranh, sau khi đi một vòng đã chỉ một bức trừu tượng bằng chất liệu sơn dầu và nói với ông: “Tôi thích bức tranh này nhất trong tất cả các bức!” . Nhưng rồi sau đó, ông ta bộc bạch: “Nhưng nói thật, tôi không hiểu anh vẽ cái gì!” . Hồ Hữu Thủ trả lời: “Anh không biết cũng phải, vì tôi cũng không biết tôi vẽ cái gì!”. Ông nhớ câu chuyện đó như một ví dụ, là chỉ có thể hiện bằng tâm thức mới có sức mạnh lớn lao để truyền cảm xúc đến người thưởng lãm tranh. Ông nguyện đi theo con đường đó.
Cách nay đúng hai mươi năm, 1995, tôi thường lui tới Clay gallery của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Khưu Đức ở đường Trần Cao Vân. Ở đó, tôi xem tranh của Đinh Cường vẽ trên miếng phim, tranh sơn mài bán trừu tượng vẽ bình gốm của họa sĩ Nguyễn Lâm và tranh sơn–không–mài trừu tượng của Hồ Hữu Thủ. Những bức tranh của Hồ Hữu Thủ không dễ cảm nhận lúc đó, nhưng sau hai mươi năm nhìn lại những sáng tác sau này, dễ thấy rằng dù ấn tượng hay trừu tượng, có hình hay không có hình, tranh của ông tươi tắn hơn, trẻ trung hơn, mềm mại hơn, có sức sống hơn cho dù ông đã có tuổi. Đó là cảm nhận của riêng tôi.
Sài Gòn với một nền mỹ thuật có những giai đoạn đáng tự hào, đó là giai đoạn từ đầu thập niên 1960, trong đó có sự đóng góp của Hội Họa sĩ Trẻ, của Hồ Hữu Thủ, một người thích tìm con đường riêng cho mình trong sáng tác, có tài năng lớn. Ông đã sáng tác nên một thế giới mà trong đó “Người, vật, thiên nhiên đều đã được lựa chọn và biểu tượng hóa, không còn hợp lý với cái nhìn bình thường, tất cả đều hiện ra trong một bầu không khí chung đẹp đẽ, tươi mát, hồn nhiên, tổng hòa trong một bút pháp vừa thực vừa siêu thực, để đi tới một cái đẹp tinh túy của nghệ thuật tượng trưng”, như lời nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy đánh giá một cách đầy đủ.
SÀI GÒN QUA KÝ HỌA DICK ADAIR
Đó là một cuốn sách cũ bằng tiếng Anh xuất bản cách nay gần nửa thế kỷ, năm 1971. Cuốn sách có cái tên Saigon, sketches and words from the artist’s journal. Bìa 3 có hình chân dung tác giả của tập ký họa này, họa sĩ Dick Adair. Trông ông phong trần, rắn rỏi, đúng như hình dung về các nhà báo quốc tế viết về các cuộc chiến trên thế giới. Đọc qua tiểu sử ngắn gọn của ông ở bìa 3, dễ thấy rằng ông như nguyên mẫu cho một nhân vật tiểu thuyết phiêu lưu hiện đại, hoạt động quốc tế và đi xuyên qua các cuộc chiến tranh. Ông từng là biên đạo múa, vũ công, thủy thủ, lang thang vẽ ký họa ở Nhật Bản... trước khi đến miền Nam Việt Nam, chứng kiến cuộc chiến và thâm nhập vào cuộc sống Sài Gòn thập niên 1960, thành phố vừa đang có chiến tranh vừa sục sôi không khí làm ăn buôn bán.
Người viết lời tựa cho cuốn sách này chính là nhà báo huyền thoại người Mỹ Peter Arnett, tác giả của hơn ba ngàn bài báo về cuộc chiến tại Việt Nam trước 1975. Cảm nhận về những bức ký họa hấp dẫn vì sức mạnh diễn tả sắc bén qua ngòi bút sắt đời sống của một thành phố trong thời chiến, Peter Arnett viết: “Chính những người Việt mà họa sĩ Dick Adair đã khắc họa trong những bức ký họa này, và chính khi ngồi xem những bức ký họa và ghi chép từ nhà xuất bản gửi đến, trong lúc đang ngồi viết lời tựa vào một ngày mùa đông lạnh lẽo này, tôi mới cảm nhận lại một lần nữa những con đường oi bức của Sài Gòn, bầu không khí ngột ngạt và những bước đi luồn lách trên vỉa hè để tránh né những người bán hàng tràn lan mọi ngóc ngách hè phố. Dick Adair đã nắm bắt được nhiều phẩm chất trong các bức ký họa. Một trong những phẩm tính đặc biệt rực sáng đối với tôi là sự chịu đựng của người Việt Nam...”
Ông cho rằng họa sĩ Dick Adair đã hồn nhiên rong chơi vào xứ sở nhiệt đới này để hưởng thú phiêu lưu và tìm cơ hội trổ tài ký họa, một tài nghệ ông đã theo học với họa sĩ thông tín viên John Groth tại Art Students League ở New York. Dick Adair trung thành với mục đích ban đầu đã đưa ông đến Việt Nam: vẽ về chiến tranh. Dick Adair có khả năng kỳ lạ hiếm hoi trong việc nắm bắt tinh thần của chủ thể bằng nét vẽ tối giản mà Peter Arnett cho là “Các bức ký họa của ông hổn hển với chuyển động” . Dick Adair gọi chúng là “hội họa cử chỉ” và chúng cho thấy Sài Gòn của ông – những cô gái quán bar, dân chúng trên đường phố, những người lao động và hàng loạt những con người khác, bình thường và lạ thường. Peter Arnett đánh giá cao các bức tranh về Sài Gòn này và cho đó là những bức đẹp nhất. Chúng sục sôi với đời sống đường phố, có lẽ vì đơn thuần được vẽ vì hứng thú và không chịu áp lực của thời hạn. Trong tranh, tác giả nắm bắt được hình ảnh những cô chiêu đãi viên quán rượu ích kỷ đến mức tàn nhẫn, những nữ hoàng của một thành phố đang bị giày xéo bởi chiến tranh và rất dễ buông mình cho sự tha hóa. Hoặc là tay mua bán chợ đen đang rảo bước trên đường phố, một mắt dáo dác canh chừng đám cảnh sát, một mắt lo ngó nghiêng đám con nít đường phố có thể nhanh tay chộp lấy một miếng xà bông hàng tiếp liệu PX và biến mất dạng trong ngõ hẻm. Và còn hàng trăm nhân vật quen thuộc khác. Dick Adair đã ký họa họ tại chỗ, ngay trên mặt sau của những tờ vận đơn, hóa đơn, những miếng lót ly trong quán rượu và đôi khi trên một tập giấy ký họa. Theo Peter Arnett, phần lớn ký họa của Dick Adair ắt hẳn mang tính trị liệu, cho ta một cái nhìn trí tuệ sâu thẳm vào bên trong những cảnh vật một chiều mà ông đang sống, một chiều là bởi một người nước ngoài sẽ sớm nhận ra ở Sài Gòn anh ta không được phép thâm nhập sâu hơn lớp vỏ ngoài cùng của xã hội... Các nhân vật trong sách này – những người đạp xích lô, những người tỵ nạn, những cô gái giang hồ, thầy tu, trẻ em đường phố, cảnh sát, binh lính, dân chợ trời và các tù binh chiến tranh – đã cho thấy những gương mặt gây ức chế nhiều nhất đối với những ý định quyết liệt nhất của người phương Tây ở Việt Nam. Và không chỉ có thế, không khí của một xứ sở thời chiến đã được khắc họa kỳ tài ở đây. Đối với những ai đã từng sống ở Sài Gòn, những bức ký họa sống động này sẽ làm sống dậy rõ nét mồn một cảm xúc đắng cay, ngọt bùi của những năm tháng đã qua ấy.
Đối với họa sĩ và cũng là nhà văn Dick Adair, nơi ưa thích của ông trong những ngày sống ở Sài Gòn thập niên 1960 là khách sạn Continental nằm cạnh quảng trường Lam Sơn ở khu trung tâm Sài Gòn. Ở đó, là nơi quen thuộc để ông có thể thả bộ và gặp gỡ bạn bè, ngồi ở terrace ngoài hiên khách sạn để nhấm nháp một ly gin với tonic. Hầu hết thời gian của ông khi ở Việt Nam diễn ra ở Sài Gòn. Ông kể rằng mình ở trong thành phố và chiến tranh thì ở bên ngoài, mặc dù không xa lắm để có thể giết thời gian buổi tối bằng cách thả mình ở sảnh, trên nóc khách sạn Majestic để theo dõi những chiếc trực thăng nã đạn vào những vị trí tình nghi bên kia sông. Ông hồi tưởng: “Trên đường phố, mọi người dường như lãng quên mọi hoạt động ngoại trừ những gì họ đang uể oải làm. Thỉnh thoảng một làn gió từ sông lại thốc lên mang theo mùi dầu mỡ và rác mục, nhưng ở chỗ ngôi thánh đường ở cuối đường Tự Do (Đồng Khởi ngày nay), chẳng một chiếc lá nào lay động trừ phi bị tác động bởi cái nóng bức trên vỉa hè. Khắp nơi không khí ken đặc vị ngọt đến mức phát bệnh của trái cây và bông hoa đang mục nát. Trừ những người đang lục lọi các đống rác trên đường phố, hầu như khách bộ hành chẳng quan tâm đến mọi thứ đang tồn tại xung quanh, có lẽ bởi mùi hôi đã trở nên một đặc tính của bầu không khí khu này. Ở sâu trong các con hẻm, những cánh cửa cái và cửa sổ của những ngôi nhà gỗ và những căn gác lát tường thạch cao đều mở tung. Ta có thể lia mắt vào và nhìn thấy người ta đang giặt đồ, nghe radio, và ngửi thấy mùi nước mắm đang xào nấu trên bếp”. Tuy không phải luôn cảm thấy thoải mái, ông thật sự thấy thích thú vì được làm theo ý của mình. “Bất chấp bụi bặm và các loại mùi hôi, nơi đây thật tuyệt vời để vẽ” . Ông quan sát cuộc sống Sài Gòn lúc đó chưa diễn ra chiến tranh ngay trên đường phố. Ông ghi nhận: “Tết, ngày lễ Nguyên Đán, là dịp lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt. Đó là ngày sinh nhật, Giáng sinh và năm mới của tất cả mọi người, tất cả dồn vào tám ngày trọng đại để vui vầy. Nguyễn Huệ biến thành “chợ hoa” và tất cả xe cộ đều bị chặn lại để nhường chỗ cho những người bán hoa và bán dạo đồ chơi. Suốt cả tuần lễ, cả thành phố nổ vang tiếng pháo từ sáng đến đêm, mà đỉnh điểm là cuộc chè chén suốt ngày đến mức cả lệnh giới nghiêm cũng phải đình hoãn”. Ông tâm sự là vẽ, về mặt nào đó, gần như là để trị liệu đối với một bệnh nhân tâm thần. Các bức họa ông vẽ là tuyên ngôn của riêng ông, lời phàn nàn về cái nóng, về giá cả phòng trà Sài Gòn, và sự vô cảm của những cô gái giang hồ. “Tất cả đều khắc ghi lại một phần quan trọng trong đời tôi. Trong khi cuộc sống đô thị có những khoảnh khắc không thể nào quên, mọi chuyện thường đơn điệu. Thế rồi, như hàng ngàn người khác trong cộng đồng người nước ngoài ở Sài Gòn, tôi tìm vui với những quán rượu và quán ăn trong hẻm, đi picnic và dã ngoại ở những vùng an toàn, tiệc tùng xa hoa và để mắt tìm những thứ giải trí mới. Vẽ ký họa cuộc sống đô thị là một trong những thú vui như thế... Nếu hầu hết những gì tôi đã trải nghiệm không phải là chiến tranh thì chắc chắn cũng cho thấy một sự phản ánh chiến tranh... Nói tóm lại, tất cả những gì tôi quan sát thấy và có liên quan đến tôi. Cuốn sách này là chứng nhân cho những năm tháng tôi sống ở Việt Nam từ 1965 đến 1970”.
Trong cuốn sách, Dick Adair viết một đoạn rất hay với tựa đề Sài Gòn mới và những người thời cũ. Qua những dòng này, tác giả cho thấy khái niệm “thời hoàng kim” thời nào cũng có. Người ta luôn tiếc nuối thời đã qua và không mấy ai biết tận hưởng thời mình đang sống, dù ý thức rằng khoảnh khắc hiện tại sẽ là “thời hoàng kim” của sau này.
“Lúc nào cũng sẽ có một người đâu đó bên cạnh kể lể cho ta nghe – thiên thu bất tận – về Sài Gòn ngày xưa tươi đẹp ra làm sao. Đáng ngạc nhiên thay, những người này không phải lúc nào cũng là những người xưa cũ từ thời Tây... lúc nào ta cũng có thể tìm thấy – hầu như chỉ cần khẽ chạm khuỷu tay trong quán rượu - một, hai gã vẫn còn nhớ về những ngày tháng đường phố được chạy xe hai chiều và con người vẫn còn kham được rác rưới trong thành phố. Những người còn sót lại của thời vàng son xưa này thường tiếc nhớ mùi vị ngọt ngào của ly vermouth ở khách sạn L’Admiral chiều thứ bảy và cảnh tượng đầy nên thơ khi các quý cô vóc dáng nhỏ nhắn tha thướt tà áo dài trên đường Catinat, tóc xõa dài đến ngang hông, đen óng như lông quạ. Trong hồi ức của họ chẳng hề tồn tại tiếng xe Honda gầm rú, chẳng bao giờ có những cô gái mặc váy mini, vừa búng ngón tay vừa nhai kẹo cao su, tóc nhuộm đỏ, trong các quán bar đường Tự Do.
Đáng buồn nhưng thật vậy, những ngày vàng son của Sài Gòn đã mãi mãi không còn – chỉ còn trong ký ức. Những đại lộ danh tiếng rợp bóng cây của Sài Gòn đã được mở rộng để có chỗ cho xe tải, xe jeep và xe Honda đang lấn át các xe xích lô. Cây cối đã bị đốn để làm bàn ghế. Sàn bóng lộn của những ngôi biệt thự bắt đầu in dấu giày lính, rèm màu phấn đã vén lên, trần hạ thấp xuống, những chiếc quạt khổng lồ bị tháo dỡ để nhường chỗ cho máy lạnh đang ngấu nghiến nuốt lấy sản lượng điện đang thiếu hụt.
Mặc dù đầy cảm xúc, câu chuyện buồn bã của những người thời cũ ấy cũng không thiếu sự trớ trêu. Bởi vì những người kể chuyện ấy chính là những thương gia đã đóng góp vào nỗ lực của guồng máy chiến tranh bằng những thứ họ kinh doanh như bia lon, ghế xoay cho quán bar, bồn tắm bằng thép không rỉ, lò hấp, lò nướng barbecue, lò pizza, bàn ping pong, quầy kệ dán formica và những thứ thiết yếu khác như khoai tây chiên Granny Goose, Beanie Weenies và thịt bò khô.
Nhưng Sài Gòn xưa chắc chắn có nét duyên mà thành phố mới thiếu hụt. Trước đó chẳng bao nhiêu năm, người Việt khá giả và người nước ngoài đều cùng hưởng thú ngồi ở nhiều quán café trên vỉa hè thành phố. Nhưng rồi sự xuất hiện của máy lạnh đã quyến rũ một số khách vào trong nhà... Khung cảnh mới an toàn hơn một cách không gì có thể chối cãi được, nhưng quá ảm đạm và mốc meo. Và người ta cũng mất đi thú vui thanh bạch của việc ngồi lặng yên dõi nhìn cảnh vật trôi trước mắt trong khi nhấm nháp một ly nước...” (lược trích)
Khi có trong tay cuốn sách này, trước khi đọc phần bài viết, tôi không khỏi mê say những bức phác thảo bằng bút sắt của ông. Hình ảnh cuộc sống Sài Gòn hiện ra rất sinh động, có khi rất xô bồ, có khi dữ dội của một thành phố miền Nam trước 1975. Nét bút của ông đôi khi cường điệu khi diễn tả một dáng đứng, một tư thế ngồi, một kiểu cách hoạt động nào đó nhưng hiện thực cuộc sống do ông phác họa lại chân thực và sinh động. Là người quan sát, một người nước ngoài đến ghi nhận cuộc sống ở một đất nước xa lạ nhưng Dick Adair không vô cảm. Trong các bức ký họa, cảm xúc về người lao động nghèo trên đường phố của ông là cảm thông, có gì đó chua xót và mỉa mai về những nghịch cảnh đang diễn ra giữa giàu và nghèo, chi phí khổng lồ cho chiến tranh và sự nghèo đói của người dân. Ông cảm nhận tốt về nhịp điệu sống của người Việt trong cái nóng nhiệt đới đầy mệt mỏi vì chiến tranh, ly hương, luôn phải tránh những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Tất nhiên ông có cái nhìn đôi khi hạn chế, nhất là khi ông chỉ tiếp xúc với một số tầng lớp nào đó, một số ít phụ nữ thuộc nhóm nào đó. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, ngòi bút vẽ của ông chân thật và khách quan.
Sau lần đầu đặt chân lên thành phố này từ cảng Sài Gòn, Dick Adair kể trong sách rằng cho dù cuối cùng ông cũng được ra chiến trường để thực hiện vai trò người làm báo, thì sự hòa nhập của ông với đời sống Sài Gòn mới là câu chuyện thú vị hơn mọi kế hoạch ông đã trù tính. “Trong vai trò một khán giả không can dự, tôi đã có được một ấn tượng phong phú và chân thực về Sài Gòn không dễ gì có được. Điều nuối tiếc duy nhất của tôi là đã không có dịp vẽ lại cái ngày mà tất cả những chiếc ban công sắt uốn kia sẽ phủ đầy hoa nhài và những người phụ nữ sẽ tung hoa xuống cho đám đông đang reo hò trên đường phố - ngày hòa bình trở lại với Sài Gòn và toàn thể Việt Nam” . Cho dù những nét vẽ có lúc cay nghiệt, tôi nghĩ rằng ông có cái nhìn rất nhân hậu, bộc lộ trong câu kết trên của cuốn sách.
Những bức tranh trong bài là một phần nhỏ được trích trong cuốn sách mà người giới thiệu cảm thấy lý thú. Sách được Công ty John Weatherhill (Hoa Kỳ) xuất bản lần đầu năm 1971. Bản dịch tiếng Việt trích ở đây có sự giúp đỡ của Công ty Sách Phương Nam.
ĐÊM THỦY TIÊN
Căn nhà xây dọc đường rầy xe lửa cổng số 7 gần ga Phú Nhuận cũ, không khác mấy những ngôi nhà đúc một tầng ở Sài Gòn trước 1975, ở góc trái sân nhà có cầu thang xoắn ốc để lên lầu mà không cần vào trong nhà.
Khi tôi đến giao bức thư, cô gái ra nhận đứng bên cái cầu thang xoắn và không mời vào nhà. Lần sau, tôi bước vào theo lời mời và nhận ra một mùi hương thoang thoảng từ chiếc áo đầm trắng hơi rộng của cô. Phòng khách có một cái bàn rộng, trên bàn đặt những xấp vải đang cắt dở. Cô gái đọc bức thư của người phương xa với gương mặt bình thản. Tôi ngồi yên, dành những giây phút riêng tư cho cô.
Sau này thân thiết hơn, cô cho biết đó là những lúc cảm thấy bình an khi biết người bạn đáng mến kia đã an toàn đến một đất nước ở nam bán cầu. Người bạn kể về một buổi chiều nhìn sương lạnh phủ lên tòa nhà Con Sò mà nhẩm câu hát: “Đêm chập chờn buông lên giấc mộng/ Em vẫn thường gặp anh như lúc xưa nơi sân trường...”. Lời bài hát khá ủy mị, nhưng khi nhớ lại hình ảnh người bạn mà cả hai chúng tôi đều quý mến, chợt thấy nó gần gũi kỳ lạ. Chúng tôi cùng học dưới mái trường N. những năm đầy khó khăn của đất nước. Khoảng thời gian đó, lớp nào cũng có chuyện mỗi tuần bị rơi rụng vài gương mặt. Có người ra quân trường, có người lên thuyền ra đi. Người ở lại ngồi trong lớp mà thấy bất an tưởng chừng như chiến tranh đến nơi, thấy cảm xúc vội vàng dâng trước dáng áo dài nghiêng nghiêng hay một ánh mắt ấm áp. Cô gái này hồi đi học hay đứng tựa hành lang, khá bình thản trước những lời trêu đùa bóng gió hay mạnh bạo của đám con trai. Tóc cô dài và cành liễu rủ sát ban công lầu một cũng dài. Tôi và nhiều bạn trai khác mong đến giờ ra chơi chỉ để ngắm hình ảnh ấy mà thôi. Những năm trẻ trai hồi mới lớn ăm ắp cảm xúc và đầy rụt rè.
Bây giờ, cô gái ngồi trước tôi, phe phẩy chiếc quạt giấy tím hướng ngọn gió vào cho tôi hơn là cho mình. Chúng tôi kể về dăm kỷ niệm hồi đi học, về người bạn đang ở xa và những câu chuyện trong bức thư. Thư đi cả tháng trời mới tới, có khi hai tháng, tả về mùa đông khi tuyết đã tan và mùa xuân đang đến. Tôi đánh đàn cho cô hát bài Dấu chân địa đàng , và cùng nhau cười rúc rích khi đọc lại cuốn Chú Tư Cầu. Cô đỏ mặt tới những đoạn viết rất thật về tình yêu nam nữ vùng quê. Lúc đó là men say, là cảm xúc rạo rực, là mật ngọt hương trầm. Rồi tôi lấy xe ra về, chạy chậm rãi dọc đường rầy mà thấy đời sao nhẹ tênh.
Một đêm Hai Mươi Tám Tết, tôi được mẹ cô nhờ đến thức canh giúp nồi bánh chưng. Nhà toàn phụ nữ và con nít nên bà lo lắng. Tối đó, tôi đi bộ từ nhà qua, dọc theo đường rầy và hát thầm trong miệng. Trời rất mát và hơi pháo nồng thơm, đời có mấy khi được vui một cách thanh sạch như vậy! Nồi bánh chưng mẹ cô đã nổi lửa từ khi nào không biết, to đùng và đen đúa nhọ nồi.
Chủ nhà sống một mình nuôi con từ nhiều năm nay. Bà còn giữ phần nhan sắc đã có hồi còn trẻ, cả những nét lãng mạn của một phụ nữ đa cảm của Sài Gòn thích nhạc Cung Tiến, Phạm Đình Chương... Ra ngồi bên cạnh nồi bánh chưng, bà đọc mấy câu thơ được in trong Tập san của Hội Việt Mỹ:
“Có những mùa xuân không tiếng pháo/ Quê hương xa cách vạn trùng dương/ Giao thừa về nhớ giao thừa cũ/ Bên những người thân bao mến thương/ Ánh nến lung linh tàn ánh lửa/ Hương thừa năm cũ vọng mười phương/ Hàng lan bên giậu xông ngoài ngõ/ Thơm quần áo mới guốc khua đường...
Bánh chưng đậu đãi nhân đường gói/ Hăm Tám còn ăn đến mùng Năm/ Mùng Ba thang cuốn bàn thờ dọn/ Đầu năm đi lễ bói xin xăm..."
Cô gái hỏi: “Thang cuốn là sao hở mẹ?”
Bà mẹ: “Con vẫn nhớ món bún thang mẹ đã làm cho con ăn?”
Bà kể, sau ba ngày Tết, người ta thường có thói quen làm cỗ cúng tiễn ông bà ông vải. Trong món cỗ đó, thế nào cũng có hai món là thang và cuốn. Thang, là món bún trần nước sôi, trong đó có các món dăm, mắm tôm, tôm he giã bông, giò lụa thái nhỏ, thịt gà nạc xé tơi, trứng muối. Khi ăn phải trần nước dùng nấu bằng xương gà, xương lợn và vỏ tôm. Còn cuốn thì có bún sống, mật trộn với giấm cái, lạc rang giã nhỏ. Thịt rọi, củ cải khô, tôm con nõn hay tôm he, dùng lá rau diếp cuốn lại như cuốn trầu không. Khi ăn chấm với nước mắm cà cuống.
“Tại sao phải cúng tiễn ông bà bằng thang cuốn?”
“Theo tục lệ, khi có người chết đến ngày thứ ba (kể từ ngày đưa ma), người nhà phải làm lễ phục hồn để cho người chết biết rằng mình đã chết và cầu cho linh hồn ấy được lên cõi trên. Trên bàn thờ, ông thầy cúng làm một cái thang bằng bẹ lá chuối, bắc từ bàn thờ lên mái nhà, hồn người chết sẽ leo thang ấy lên trời. Từ nghĩa đó, khi tiễn ông vải, người ta cũng làm cái thang, nhưng không làm thang tre, thang bẹ chuối mà làm một thứ thang có thể ăn được. Chữ thang theo tiếng Tàu là canh, đồng âm với thang dùng để trèo nên người ta cúng món bún thang. Còn cuốn tượng trưng cho bậc thang, càng nhiều cuốn thì càng có nhiều bậc để ông bà ông vải trèo đi cho chóng. Trong ngày tiễn ông vải, các con thứ phải đến nhà con trưởng để làm nhiều thang cuốn cho các cụ lên trời được mau mắn dễ dàng, phù hộ con cháu. Và khi mời đùa nhau ăn thang, người ta thường nói: Mời bác trèo nữa đi, ý là thăng tiến hơn nữa trong năm mới...”
Bà nhắc tới những ngày thơ ấu ở Hà Nội trước 1954. Lúc đó bà chỉ mới hơn mười tuổi, nhà bán tạp hóa, ngày giáp Tết thỉnh thoảng bán phong pháo, chai rượu cho khách. Rượu Văn Điển, rượu Làng Vân, pháo Tường Ký, pháo Mãn Địa Hồng của Tàu... bán chạy. Bà ca ngợi mùi hoa thủy tiên, cái mùi thơm quý phái không sao quên được đến giờ còn lẩn quất trong trí nhớ dù đã hơn ba mươi năm. Thủy tiên được người ta đưa về từ Côn Minh bên Tàu, năm nào có chiến tranh bên đó thì không có mà chơi. Bố bà bảo Tết mà không có thủy tiên thì không phải là Tết. Đến khi vào sống ở Sài Gòn, có người cậu thỉnh thoảng mang từ Đà Lạt về những cành đào hay những chậu cúc vàng sặc sỡ. Ông cầm những cành đào trơ trụi, đem đốt gốc và cắm vào chậu nước, mấy hôm sau hoa đào nở hồng cả thân cây, hoa màu hồng phơn phớt điểm những lá xanh nhỏ đẹp chi lạ. Có năm, ông mang cho một vài chậu thủy tiên trắng khiến bà mừng rưng rưng nước mắt như thấy được tuổi nhỏ của mình. Ông chỉ cho cách gọt củ để đến đúng ngày Tết thì hoa nở, nhưng nhà không có đàn ông, bà lại lo cỗ bàn, không biết chăm sóc nên thủy tiên nở không đúng ngày Tết, bận nào cũng nở trước hay sau Tết.
Xin xăm ở lăng Đức thượng công Lê Văn Duyệt ngày Tết.
Tuy chỉ tạm bợ, hoa thủy tiên Đà Lạt cũng giúp bà nguôi nỗi niềm xa xứ với mưa phùn gió bấc trước Tết nhưng đậm đà tình quê xứ Bắc. Năm nay, dò thủy tiên trên bàn thờ lại ra hoa sớm, nhưng dù sao cũng đã sát Tết rồi.
Trời đêm tháng Chạp càng lúc càng tối mịt dù chưa phải đêm Ba Mươi. Bà mẹ mệt mỏi dặn dò vài câu rồi lên lầu ngủ. Chú em nhỏ ngồi trên sofa cũng lăn ra ngủ tít. Cô gái tư lự nhìn lửa dưới đáy nồi, má hồng lên và mắt đen bắt ánh lửa. Cô lấy một chút muối trong bếp, ném vào lửa để hoa lửa tung tóe. Cô cười phá lên khi tôi bảo ngày xưa có mẹo rằng nếu muốn đuổi ai ra về thì cho muối vào bếp lửa. Đùa vui một chút, cả hai im lặng nhìn vào những hoa lửa tung tóe. Cô gái bảo khi nhìn vào lửa, cô luôn cảm thấy hơi buồn, như khi nhìn cảnh pháo hoa trên bầu trời vậy. Có những vẻ đẹp rực rỡ chỉ lóe lên một lần và tắt ngóm, khiến lòng ta bâng khuâng. Có thể đó là vẻ đẹp của hoa thủy tiên khi còn nhỏ, của cành đào phai trong một ngày Tết xứ Bắc thời tiền chiến của mẹ cô. Ta cố tìm lại vẻ đẹp đó một lần nữa nhưng chỉ là bóng hình không gợi lại nhiều cảm xúc đã trải qua. Như vị miếng mứt gừng một đêm xuân Sài Gòn trở lạnh sao mà thơm ấm, mà nhiều lần không tìm lại được vị ngon dễ chịu như vậy.
Nồi bánh chưng chín khi đêm đã tàn và chỉ còn mình tôi ngồi canh. Tôi ra về khi bà mẹ thức dậy chuẩn bị vớt bánh. Đêm đó, ngồi bên nhau canh nồi bánh, hát nhỏ nhau nghe vài bài vu vơ và tâm sự dăm chuyện vụn vặt, có những điều chớm nở trong lòng mỗi người. Nhưng rồi ai nấy hình như muốn lướt qua, và câu chuyện lại nói về người bạn đang ở xa.
Đó là đêm đầu tiên và duy nhất tôi dự một cuộc canh nồi bánh Tết, một cảnh thi vị tôi đã đọc được bao nhiêu lần trong báo xuân, trong thơ thời chinh chiến. Những người trong câu chuyện dần dà không gặp nhau vì có những ngại ngần khi có điều gì đó đã trỗi lên. Căn nhà bên đường rầy đổi chủ. Thỉnh thoảng, sau mấy chục năm, tôi đi qua, căn nhà cũ hầu như không thay đổi từ màu sơn tường cho đến sự hiện diện của cái thang xoắn bên trái căn nhà.
LY CÀ PHÊ HÈ 74
Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng có ít nhiều kỷ niệm xoay quanh ly cà phê, thức uống phổ biến ở thành phố này. Tôi cũng có một kỷ niệm nhỏ ở tuổi mười ba, khi lần đầu nếm mùi vị thơm đắng của nó.
Năm 1974, tôi tham gia phong trào Hướng đạo ở lứa Thiếu sinh. Muốn giống như mọi hướng đạo sinh khác, tôi xin tiền má để sắm cho mình bộ đồ ka-ki. Về giày vớ, tôi nài nỉ thằng bạn có cha đi lính bán cho đôi bốt-đờ-sô, một bình ton nước bằng nhựa xanh lá cây và cái ba lô có nẹp sắt sau lưng. Lúc đầu nó không chịu nhưng nói riết cũng thuận. Chiếc áo ka-ki là quan trọng nhất, cần vừa vặn thân hình mười ba tuổi đã bắt đầu nhổ giò của tôi. Tôi tự đi xe buýt ra chợ Dân Sinh ngoài quận Nhứt, mua được một bộ và đi tìm thợ may sửa lại cho vừa.
Đối diện ngõ Hàng Dương trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) ở Phú Nhuận có một tiệm may nhỏ, vắng khách. Tôi mang đồ đến đó vì thấy tiệm có vẻ bình dân, không lộng lẫy có tủ kiếng như tiệm Lâm Bửu gần bên, chắc là tiền công may sửa đồ không cao. Tiệm chỉ có một chị thợ may còn trẻ, có đôi mắt mí lót hiền lành với ánh nhìn hơi buồn. Chị có đứa con gái nhỏ mới hai tuổi, ngoan, hay ngồi chơi búp bê một mình bên máy may của mẹ.
Đó là những ngày mùa hè đáng nhớ. Chiến sự đang căng thẳng ở các tỉnh quanh Sài Gòn, trên báo chí luôn có thông tin về số người chết trận. Vì tiệm may này khá gần nhà, tôi thường tạt qua để xem chị đã sửa áo xong chưa. Thấy chị may sửa quần áo có vẻ kỹ lưỡng, tôi về nhà lục tủ lấy mấy cái áo của ông anh cho, mang ra sửa. Tính hay chuyện, tôi rề rà ngồi chơi và nghe thấu nhiều câu chuyện của chị. Chị cho xem hình một thanh niên còn trẻ trung, có gương mặt hiền và chất phác, là chồng của chị. Chị theo anh từ Sa Đéc lên Sài Gòn sinh sống hai năm trước, khi mới cưới. Sau đó không lâu, anh vào lính. Chị tự xoay xở sinh con một mình, trong khi ở quê nhà còn cha già không ai chăm sóc. Cha con ngày càng khó gặp vì chiến cuộc ngày càng lan rộng, đi lại khó khăn.
Mỗi lần ghé tiệm tôi thấy chị thường uống cà phê phin. Cái bình thủy cũ xì trên bàn giữ nước nóng tốt lắm, chị bảo vậy. Chị khen cà phê bột ở tiệm Đồng Xương gần ngã tư Phú Nhuận pha uống rất ngon nhưng mắc quá. Trong mắt tôi, phụ nữ uống cà phê nhìn trông thật lạ. Trong mắt tuổi mới lớn, màu cà phê đen nhỏ từng giọt xuống đáy ly thủy tinh gợi một không khí phong trần, hè phố, tương phản với vẻ hiền lành, thùy mị của người thiếu phụ nhỏ nhắn bận quần lãnh Mỹ A, áo bà ba ngồi trước mặt tôi. Chị bỏ đường không nhiều, thường uống từng ngụm một. Có vài lần, giữa cữ cà phê, chị khẽ hát mỗi một bài:
"Thăm thẳm đường trường, tôi, người cô độc
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc
Đường sụt sùi qua mấy nẻo truông lầy
Cho cốc cà phê, cô hàng xanh tóc!
Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay…"
Giọng chị hơi giống giọng Trúc Mai trên ra-đi-ô, nghe xa xôi như giọng ca trong một dĩa hát cũ, u uẩn. Mắt chị long lanh khi cúi xuống đạp bàn máy may.
Một lần khác, khi tôi đến lấy áo, chị pha cho một ly sữa và cho ít cà phê vào. Hôm đó chị kể một câu chuyện nhỏ, rằng chị và anh học chung lớp ở trường trung học đệ nhị cấp ở quê nhà, cùng thi đậu Tú tài Một. Rớt Tú tài Hai, anh nhập ngũ. Đám cưới diễn ra chóng vánh trước ngày anh lên đường, chị theo anh lên Sài Gòn thuê nhà rồi ở nhà đợi ngày sinh con. Kỷ niệm trước khi cưới của anh chị không có gì, ngoài những ngày sau đám cưới, anh rủ chị ra tiệm nước của thím Xẩm ngoài chợ gần nhà uống cà phê. Mỗi người ăn một cái bánh bao, nhưng uống chung một ly cà phê phin. Cà phê thơm quá, chị thích ngay dù phải quen dần vị ngọt đắng của nó. Khi anh lên đường, chị ở nhà sinh con và giữ thói quen uống thức uống rất “đàn ông” này. Khi hớp một ngụm nhỏ, chị thấy như dĩ vãng đẹp hiện về, trước mặt là khuôn mặt rắn rỏi, hiền lành hơi “cù lần” của anh.
Về nhà, tôi hỏi ông anh về bài hát chị Dung thợ may đã hát. Anh nói đó là bài nhạc phổ thơ của một ông giáo lấy bút danh là Trường Anh ở Tây Ninh. Hồi anh còn dạy ở miệt Tây Ninh, xe đi từ Sài Gòn về phía tỉnh biên giới này đều đi qua vùng Cẩm Giang. Vùng này thời Pháp thuộc có một nhà tù giam chính trị phạm mà cậu Tư của chúng tôi từng bị nhốt ở đó. Mỗi khi xe đưa anh qua vùng Cẩm Giang trong tháng chín giữa mùa mưa, anh luôn nhớ bài hát đó, bài “Mưa đêm nay”. Những lúc đó, lòng da diết buồn khi nhìn về quê hương phía tây nam qua màn mưa. Trước 1975, con đường từ Sài Gòn lên thị xã Tây Ninh không an toàn. Mấy thầy giáo gốc Sài Gòn đi Tây Ninh cứ mỗi lần hết phép trở về trường sau nghỉ hè hay nghỉ Tết thường lâm râm khấn vái trong miệng đấng thiêng liêng tùy theo tôn giáo của mình, chỉ mong còn nguyên vẹn cho đến ngày được trở về nhà. Suốt mấy năm dạy học, anh an lành nhưng có lần, một quả pháo đã rớt trúng nhà trọ của anh ở khu Mít Một, mảnh pháo xén đứt một góc ván gõ nơi anh đang nằm ngủ, trong một đêm có chiến sự năm 1972.
Hết hè năm 1974, tôi nhập học trở lại. Tôi bỏ đi sinh hoạt hướng đạo ngày chủ nhật vì ba má tôi sợ bom rơi đạn lạc nguy hiểm, không cho đến chỗ đông người. Tôi không có việc gì để ghé tiệm may chị Dung nữa. Rồi một năm sau, chiến tranh kết thúc. Tôi quên bẵng cái tiệm may nhỏ mà tôi lui tới nhiều lần suốt cả mùa hè đó.
Hơn bốn mươi năm sau, ngày cuối tháng tư, bỗng nhiên bên tai văng vẳng giai điệu buồn của bài hát “Mưa đêm nay” cùng mùi cà phê thơm trong quán bỗng dưng kéo tôi trở lại trong một chiều đầu mùa mưa ở Sài Gòn. Chị Dung, đứa con gái nhỏ của chị và gương mặt người trai trẻ hiền lành trong bức ảnh bỗng hiện lên mồn một trong ký ức của tôi.
XUÂN MỘT THUỞ
Trời Sài Gòn lúc gần Tết có nắng mấy thì miệt Ngã tư Bình Hòa phía Bà Chiểu vẫn mát nhờ có nhiều cây cối. Lũ chim trên ba cây sao trước hẻm hót inh ỏi mỗi sáng. Lúc đó, phụ nữ trong nhà ông Trường bảo nhau: “Mong là tháng Chạp này ông không đi săn!”.
Dì Út tôi làm dâu trong gia đình họ Nguyễn đến thời gian đó đã được ba năm. Khác với những dịp ăn Tết ở nhà mẹ ruột khá đơn sơ, không khí Tết trong căn nhà to lớn của ba chồng của dì là ông Tư Trường rất tưng bừng rộn rã. Cả xóm ở hẻm 90 đường Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long, Bình Thạnh) đều thích thú dõi theo cách ăn Tết nhà họ Nguyễn vì ở đó có không khí chuẩn bị bày biện vui xuân chộn rộn, chu đáo và xôm tụ nhất xóm. Ai nấy như nhìn thấy lại thời xa xưa của Sài Gòn – Gia Định đầu thế kỷ hay thập niên 1930, cuộc sống ổn định, có những gia đình trung lưu biết ăn biết xài, sống phong lưu như trong chuyện kể của cụ Hồ Biểu Chánh.
Đến đầu tháng Chạp, ông Tư Trường lại lái xe đi săn. Chiếc xe lớn của ông chở theo mấy ông bạn như ông Giép, ông Ba Hòa phóng lên tuốt miệt Dầu Giây, Long Khánh. Để rồi mấy ngày sau, xe lăn bánh về tới sân là lũ con nít reo hò trong khi mấy bà trong nhà tỏ vẻ ngán ngẩm. Ông không biết bà Trường cùng bà Hai, chị ruột của ông lẳng lặng dặn dì Út tôi: “Ngày mai chủ nhật, con ở nhà lo xẻ thịt, má và cô Hai đi công việc!”. Hai bà tìm cớ lánh đi, lòng buồn vì em mình, chồng mình ham thích săn bắn, tức là sát sanh muông thú vô tội.
Cuối năm, trường cho giáo viên nghỉ dạy sớm. Dì Út ở nhà nấu nướng, kho nồi thịt lớn, làm dưa giá, xẻ thịt cùng mấy bà trong họ, trong xóm đến đỡ tay. Dì vừa làm vừa lắc đầu, nhưng phận dâu con thì biết kêu ai. Thịt nai đem ướp ngũ vị hương rồi đem phơi, đợi sát Tết thì nướng lò than. Ngồi lóc mấy miếng gân ra khỏi thớ thịt, dì nhớ lại thời còn nhỏ, 15, 16 tuổi. Gần Tết, nhà nghèo nên chuẩn bị sơ sài. Dì cùng má tôi sên mứt dừa. Do bên ngoại là người gốc Minh Hương nên cậu Tư của tôi là con trai trong họ được giấy mời lên đình Minh Hương Gia Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo trong Chợ Lớn để nhận quà. Quà có xấp vải ta in bông, ổ bánh mì kẹp giăm-bông và khách được đãi bữa cơm ngon. Đi theo anh, dì Út thấy chưa lúc nào vui đến vậy. Không khí Tết trong Chợ Lớn sớm náo nhiệt, hai anh em nhận quà, ăn uống xong còn đi xem, thắp nhang mấy khám thờ thần, ngắm tượng các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, và Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, những người Minh Hương có công với nước Việt. Đến khi đi dạy, lấy chồng, Tết nhất trong trường chủ yếu là gây dựng Cây Mùa Xuân quyên góp giúp học trò nghèo.
Xong việc cắt xả ướp mớ thịt rừng, bà Hai và má chồng dì Út mới bắt tay vào việc của mình. Bà Hai trổ tài nấu các món chay và làm bánh mứt. Trước đó, bà xách giỏ ra chợ Bà Chiểu mua tàu hủ ky, nấm, bún tàu, hột sen, nấm mèo... để nấu món chay cúng ba ngày Tết. Phần đặc sắc nhất mà bà thực hiện trong mấy ngày này là làm mấy loại bánh trái cây. Cùng với đám phụ nữ trong nhà, bà chỉ huy làm ba món bánh trái cây và một loại bông. Trước hết là làm bông hồng bằng mứt dừa. Mứt dừa xắt sợi dài, ngâm màu thực phẩm rồi sên trên chảo. Lấy ra khi còn nóng, bà dùng tay uốn từng cánh bông. Ba loại trái cây là trái cà, trái hồng và trái vải, tất cả đều làm bằng bột. Đậu xanh luộc chín đãi vỏ xay thành bột, nắn thành trái cà hay trái hồng. Nếu là trái cà thì cắm cành và lá nhãn tạo hình cuống trái. Còn trái hồng, bà đã để dành sẵn những cuống hồng tròn sau khi ăn trái, phơi cho khô. Khi nặn xong trái hồng, bà áp cái cuống vào, gắn thêm cọng lá nhãn là giống y hệt trái hồng, chỉ khác màu. Trái vải được làm công phu hơn, dùng bột năng. Bột năng xào trong chảo cùng với lá dứa, khi nào lá dứa giòn là bột chín. Lấy bột ra tô, thắng nước đường trộn với bột ca cao cho có màu nâu. Nặn bột thành hình trái vải, bà dùng một tấm lưới đan bằng len bọc nó lại để có lớp vỏ nổi ô như vỏ trái vải. Bên trong trái vải có cả hột, làm bằng chuối khô. Ngày Tết, bà Hai bày ra một hộp trái cây bằng bột có đủ cành lá, trái vải, hồng, cà bằng bột… tuyệt đẹp nhưng chỉ dùng để cúng Phật, cúng tổ tiên. Sau đó là mang xuống đãi khách. Con nít trong nhà có thèm thì bà cho lúc nặn bánh hay nếu còn dư sau Tết.
Viết câu đối Tết. Trích trong bộ tranh “Monographie dessinée de l’Indochine” do học sinh trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1935.
Lũ nhỏ bây giờ mới thấm mệt vì đứa nào cũng có việc làm cả ngày. Mỗi đứa được phát một mớ xơ dừa để đánh bóng hai bộ ván gõ mật hai bên nhà cho đến láng coóng. Mấy đứa lớn hơn mang mớ nồi niêu xoong chảo đen thui dày cộp bồ hóng ra sân mà đánh, cọ bằng xơ dừa, xơ mướp và tro cho đến khi sáng bóng soi gương được. Bà Hai biểu mấy cô cháu gái phụ bà đan một cái giá bằng tre hình dáng như cây vợt tơ-nít. Đan xong, bà dùng bông huệ trắng cài đan xen trên mặt làm nền, trên cái nền đó cài nhiều loại bông có màu sắc như điệp, mồng gà, vạn thọ… cuối cùng là lá thiên tuế, đinh lăng xòe chung quanh. Cái giá sặc sỡ này được bà lễ mễ cắm vào bình bông phía bên phải bàn thờ, cạnh bộ lư đồng.
Sát Tết, không khí càng lúc càng náo nức. Ông Trường đã yên tâm có các bà lo nấu nướng, bày biện. Có những buổi sáng, hứng chí, ông hê lên: “Đi ăn mì Bà Điểm không?” . Nghe tiếng ông, lũ con nít đã được nghỉ Tết đang chơi ngoài sân lập tức nhảy vội lên xe, vì nếu chậm chân là ông nổ máy xe, ai không lên kịp là bỏ lại. Mấy chuyến đi Long Hải tắm biển sáng đi chiều về cũng vậy. Người lớn cũng như con nít, không kịp diện đồ, đang bận đồ bộ cũng nhảy vội lên xe. Vậy mà vui. Hôm nào làm biếng lái xe, ông dắt cả lũ nhỏ đi ăn mì Cây Nhãn hay mì Minh Sanh gần nhà, hay có khi đi ăn phở Quyền ở ngã tư Phú Nhuận.
Dì Út đợi lúc ngơi tay chạy vội ra chợ Bà Chiểu. Cuối tháng Giêng, dì đã lãnh đợt lương cuối năm và ra chợ sắm ít nữ trang, vải vóc. Lương giáo viên lúc đó cũng khá, đủ sắm một lượng vàng. Trước đó, dì đã cùng mấy cô giáo trong trường Đình, xã Phú Nhuận rảo qua chợ Bến Thành, ăn bún tôm càng và ngắm không khí Tết ở ngôi chợ bảnh nhất miền Nam này.

Sát Tết hơn nữa, ông Tư Trường bảo cô con gái út qua thưa với hàng xóm là nếu muốn lấy nước để dùng trong cái giếng nhà ông, thì có thể lấy đến ngày Ba Mươi. Sau đó, ông sẽ đóng giếng cho đến mùng 6. Giếng cũng cần nghỉ ngơi sau cả năm dâng nước cho dân xóm này dùng. Hàng xóm lâu nay biết ý nên đã lấy nước từ mấy hôm nay, đổ đầy ắp mấy cái lu sành. Ai cũng muốn đến khi cúng Giao Thừa, lu vại trong nhà đầy ăm ắp để cầu mong cuộc sống luôn sung túc như nước trong lu.
Tối Hăm Tám, thím Năm là chị em bạn dâu của dì Út mang nồi qua nấu bánh chưng trước sân. Thím là người gốc Bắc nên thích duy trì tục lệ này dù bấy giờ ở chợ Bà Chiểu bánh chưng, mứt, bánh trái gì cũng có. Lũ trẻ lại có dịp thức khuya canh bánh chưng, vui như được dự một đêm lửa trại với lửa hồng, trời se lạnh và những câu chuyện ma về cô Ba Trâm ở cái xóm Đình phía ngoài trường Vẽ Gia Định. Tám giờ tối, ông Ba Hòa là bố ca sĩ Elvis Phương đến chơi nhà. Ông Trường ra tiếp bạn, tay cầm chai rượu Martell và dĩa tôm khô củ kiệu. Rượu uống không bao nhiêu nhưng câu chuyện nối dài cho đến khi trời càng lúc càng đậm đen màu trời của đêm cuối tháng Chạp. Lư trên tủ thờ đã đánh thật bóng, ly tách trong tủ buýp phê sáng choang và hơi nhang trầm thơm cùng không khí ngoài trời sao mà thanh sạch.
Dì Út ngồi trên cái ghế đá đằng trước sân, bên chậu sứ Thái Lan, kể tôi nghe trong một tối đầu tháng Chạp và giúp tôi quay về một đêm cuối năm đầu thập niên 1960 trên đất Gia Định xưa, rất bận rộn và mệt đối với một cô con dâu. Nhưng đó lại là một kỷ niệm vui không bao giờ quên được, như được dự một đêm Hội hoa đăng rực rỡ mà đời người trải qua không được mấy lần.
XUÂN TỪ XỨ BẮC VÔ NAM
Đó là một ngày giáp Tết ở miền Bắc hơn 60 năm trước. Gió lạnh cuối đông không cản được cảnh họp chợ đông vui ngày cuối năm ở chợ huyện Yên Lạc, tả ngạn sông Hồng. Buổi sáng hôm đó, ông Gia Liên cùng với con trai Gia Khánh bảy tuổi đi vào chợ. Dưới mặt đất, người ta bày bán những bức tranh dân gian Đông Hồ rất đẹp, óng ánh màu điệp trắng làm nền cho những màu sắc thảo mộc xanh đỏ nổi bật vẽ hình đám cưới chuột, đánh ghen, vinh quy bái tổ... Ông Gia Liên ngồi xuống lựa vài bức tranh của người phụ nữ áo nâu, đầu quấn khăn... và được người bạn chụp lại bức ảnh trông thật tự nhiên.
Khi nhìn lại bức ảnh có cha và anh mình, Hạnh như lạc vào khung cảnh quê hương xứ Bắc mà cô chưa bao giờ đặt chân tới, dù rất thân thuộc từ khi đọc được những truyện ngắn của Tô Hoài, Thạch Lam. Trong đó, mùa đông giá rét nhưng có những phụ nữ lam lũ xắn váy quai cồng vất vả ngoài đồng hay giữa chợ, nuôi chồng con. Ở đó có những em bé quê nghèo trời rét căm căm vẫn đi chân đất như trong bức ảnh. Bức ảnh chụp năm 1951 này cùng với vài bức ảnh quê hương miền Bắc nằm trong album vô cùng quý giá mà nhà Hạnh may mắn còn giữ được.
Ông Nguyễn Gia Liên, bố của Hạnh học nội trú từ nhỏ ở trường Pháp Puginier, một trường theo quy chế các trường trung học ở Pháp đặt tại Hà Nội. Trước khi vào Nam sinh sống, ông lập gia đình với mẹ Hạnh có gốc gác người Phúc Kiến và có cha là bang trưởng cộng đồng người Phúc Kiến ở Bắc Ninh khi xưa. Tấm ảnh gia đình thời đó, chụp trong căn nhà tại Hà Nội năm 1952. Trong hình ông Gia Liên ăn bận rất lịch sự, với bộ suit hàng Ăng-lê may ở cửa tiệm chuyên may Âu phục đẹp nhất Hà thành thời bấy giờ. Mái tóc của ông được ép chải sấy theo kiểu phương Tây. Bà Gia Liên khi chụp ảnh thích mặc áo dài, chỉ thay đổi chất liệu vải để phù hợp thời tiết và sinh hoạt.
Sau khi cùng gia đình vào Sài Gòn năm 1954, ông Gia Liên vừa đi làm thông dịch vừa chơi nhiếp ảnh nghệ thuật, đạt được một số giải thưởng ảnh nghệ thuật miền Nam trong những năm 1950–1960. Ông còn dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt, viết sách về văn hóa Việt, đi dạy tiếng Anh và cùng ông Lê Bá Kông thực hiện tờ Học báo trau giồi Anh ngữ... Ông có người vợ hết lòng vì gia đình, khéo léo, biết đan móc, may vá từ tã lót đến áo đầm, khéo đến nỗi người trong xóm đều khuyên nên mở tiệm may...
Ông Gia Liên giao du rộng, nhà thường có khách văn nghệ đến chơi như Toan Ánh, Bàng Bá Lân, Trình Xuyên, Nguyễn Sĩ Tế, Thu Vân... Ông thân thiết với nhà văn Toan Ánh, quen nhau từ hồi ở Việt Trì.
Vào sống ở Sài Gòn, gia đình Hạnh vẫn giữ nếp nhà từ khi còn ở miền Bắc. Những ngày giỗ Tết, mẹ của Hạnh chuẩn bị tới khuya và thức giấc lúc 4, 5 giờ sáng, tự tay làm cỗ bàn, người làm chỉ phụ trông em giặt giũ thôi chớ không để đụng tay vào. Chị của Hạnh qua tuổi 13 mới được phụ mẹ để học nghề. Gia đình sống trong căn nhà trên đường Lê Văn Duyệt ở quận 10, trong con ngõ gần rạp Thanh Vân, đi xa hơn một chút là chợ Hòa Hưng. Lúc mua nhà, ba của Hạnh muốn tìm nhà ngoài mặt đường trung tâm Sài Gòn, nhưng mẹ không xúc tiến chuyện này vì muốn để dành tiền kinh doanh. Đồng lương của ông dù khá nhưng do phải đi nhiều, chi tiêu nhiều, con lại đông nên mẹ Hạnh muốn đi vào nghề buôn bán là nghề gốc của gia đình. Bà nhắm tới chuyện mở cửa hàng ở thương xá TAX, khu buôn bán cao cấp nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó. Bà sang một cửa hàng ở tầng trệt, đặt tên là tiệm Maria để buôn đồ bạc, chuỗi ngọc trai thứ thiệt với giá trị cao, ví cườm, nữ trang, quần áo, cravate, nút manchette... Bà còn bán sỉ đồ bạc cho các tỉnh lớn. Khách của bà có đủ từ du khách tới người Mỹ, Hàn hoặc người Việt khá giả, giới nghệ sĩ. Sau vài năm, bà bỏ ra gần hai triệu đồng thời đó, mở thêm tiệm Bảo Ngọc bán quần áo ở trên lầu.
Gia đình có cơ ngơi vững vàng nhưng bố mẹ Hạnh rất chú trọng việc dạy dỗ con cái. Mùa nào thức ấy, từ năm mười bốn tuổi, chị Dung của Hạnh đã phải học và làm rành rẽ các thứ mứt, dưa món, dưa hành hay phụ mẹ gói bánh chưng, giò thủ... Trung thu thì làm bánh dẻo, bánh đậu xanh. Noel làm bánh Buche de Noel... Chị tự tay thêu và rua áo cho Hạnh mặc đi học. Khi lớn hơn, không còn đi học, chị ra Tax phụ mẹ bán cả ngày. Lúc đó chị đang thời đẹp nhất và đã bắt đầu có những chàng trai nhòm ngó.
Do nhà bán quần áo nên chị em trong nhà biết chưng diện, thích hàng lạ. Nếu không đi sắm đồ ở Crystal Palace hay Tam Đa thì mua hàng từ các chiêu đãi viên hàng không. Hàng của họ là hàng xách tay, số lượng chỉ một hai cái, không bị đụng hàng, từ quần áo đến dây đeo cổ.
Ba của Hạnh chơi ảnh từ hồi còn ở ngoài Bắc trước 1954. Lúc đó, chụp ảnh còn là thú chơi xa xỉ rất tốn kém. Nhờ vậy mà gia đình có nhiều ảnh của từng đoạn đời khác nhau với phong cách chụp tự nhiên, không dàn dựng. Ngoài công việc ở sở, ông thích viết lách, sáng tác, đến nỗi tại cửa tiệm ở thương xá Tax cũng dành riêng một gian cho ông làm văn phòng với một cái bàn giấy bằng sắt của Mỹ. Ông là người sành điệu, biết dùng đồ tốt trong điều kiện cho phép: máy đánh chữ của Mỹ, giấy và bút chì Gilbert, bút máy hiệu Paker, giấy gói hàng cho khách cũng là hiệu Hallmark của Mỹ... Ông hút pip, sưu tầm rất nhiều tẩu. Chén bát kiểu dùng vào lễ giỗ, ông đặt từ catalogue hiệu Noritake hay Arita của Nhật.
Cứ đến lễ Tết, hay ngày hội, ba Hạnh lại chuẩn bị máy hình, rời tiệm, đi chụp thiên hạ, đường phố dù đôi khi vợ cũng càu nhàu... Ông có cả bộ máy ảnh trong valise, với thân máy và nhiều ống kính.
Mỗi sáng, hai ông bà ăn mặc chỉnh tề khi ra đường. Mẹ của Hạnh thường mặc áo dài, sang trọng như ngày Tết. Ông Gia Liên thì mặc bộ suit may cắt bằng hàng vải Ăng-lê, xách cặp táp. Hàng xóm thường chào hỏi và trầm trồ: “Gớm, nhìn ông bà cứ như ông bà bộ trưởng!” vì dáng hai ông bà đều cao ráo so với người thời đó...
Ông Nguyễn Gia Liên và một chuyến đi lên vùng cao nguyên.
Những ngày cuối năm là khoảng thời gian rất vui. Lúc đó cuộc sống sung túc, bố mẹ Hạnh bằng tài kinh doanh và sở học của mình đã tạo dựng nên một gia đình đầy tình yêu thương và no đủ. Sài Gòn bắt đầu se lạnh là mùa Noel đến, báo hiệu khoảng thời gian đẹp tuyệt đến với thành phố này khi tiết trời mát mẻ dần và mùa mưa đã dứt. Dù không có đạo, năm nào bố Hạnh cũng trang hoàng nhà cửa để đón mừng Giáng sinh. Ông mua cây thông trắng bạc, dây kim tuyến vàng óng ánh cùng những trái châu đủ hình dáng, màu sắc và chất liệu, kèm theo dây bóng đèn đủ màu sắc lung linh. Máy dĩa phát ra những âm thanh quen thuộc khiến mọi người nao lòng: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” hay “Chuông leng keng... Trên giáo đường thanh vắng...” . Hòa trong những âm thanh quen thuộc đó là tiếng u u u... từ máy đánh trứng sau bếp. Năm nào cũng vậy, hễ Noel là chị của Hạnh làm vài ổ Buches de Noel cho cả nhà ngắm, thưởng thức hay đem biếu. Có năm chị miệt mài đánh tới mười tám ổ bánh bông lan bơ để các em trai đi Hướng đạo góp vui cho buổi cắm trại. Còn mẹ Hạnh đã có mấy buổi ra chợ Bến Thành từ sớm để chọn lựa những thực phẩm tươi ngon nhất cho bữa tối 24 tháng 12. Thường thì mẹ làm đủ món như Ragout gà, cà ri, vịt hầm nguyên con, tôm càng hấp... Có năm chị Hạnh thay mẹ, đổi món cho mọi người ăn bò beefsteak.
Khi các con lớn đã đi chơi cả, bố Hạnh làm luôn ông già Noel, trao cho ba đứa con nhỏ nhất trong nhà mỗi đứa một món quà theo sở thích. Hai anh trai Hạnh luôn có súng ống, máy bay, xe tăng, xe lửa hay xe jeep Cô út Hạnh có búp bê, những chiếc xe biết lắc lư, bút chì màu...
Mùa Noel qua rất nhanh, mùa Tết đã đến. Buổi sáng thức dậy ngó qua hiên nhà thì thấy cây mai của bác hàng xóm đang bị tước lá trơ trụi. Vì còn bé, Hạnh có cảm giác tội nghiệp cho cây, nhưng bác ấy bảo phải làm thế thì cây mới ra nhiều nụ đúng dịp Tết. Mà quả đúng như thế, cây mai ngoài vườn của bác ấy tô điểm cho xóm Hạnh thêm rực rỡ bên cạnh những chậu hoa chưng Tết trước hiên nhà hàng xóm.
Nội thất gia đình ông Nguyễn Gia Liên năm 1966 với cách bày biện phổ biến ở Sài Gòn: tủ sách đứng, ti vi cửa lùa, bàn ghế theo phong cách Art Deco.
Mở quà Noel
Diện đồ sáng Mồng một
Bài trí nhà trong ngày Tết 1968.
Chuẩn bị Tết, mẹ của Hạnh là người vất vả nhất vì luôn muốn hài lòng cả nhà. Phải mua sắm, may mặc, đi chợ, cỗ bàn... trăm thứ linh tinh, mà vẫn phải ra trông tiệm ở thương xá Tax. Năm nào Hạnh cũng nghe câu chuyện quen thuộc giữa mẹ và bố: “Ông ạ, Tết tới nơi rồi, gớm nghĩ mà sợ. Tôi thì bận buôn bận bán, mệt lắm cơ. Nhưng chắc tôi vẫn phải cố mà gói bánh thôi, chứ bánh ngoài họ gói vừa không ngon lại không để lâu được...”. “Thì tôi biết chứ, thì thôi mình chịu khó một chút vậy, chứ bánh mua không ăn được đâu...”.
Tết xưa như cuốn phim cũ kỹ tua lại với những hình ảnh chập chờn đầy xúc động. Những ngày giáp Tết, mẹ thường đi chợ Bến Thành, chợ Hòa Hưng, thỉnh thoảng là chợ Cũ, An Đông, Tân Định... tự tay lựa thực phẩm cho vừa ý: gạo nếp, đậu xanh, măng khô, bóng, miến, lạp xưởng... Còn cận Tết là lá dong, thịt heo vừa để gói bánh vừa làm món thịt kho tàu, thịt đầu heo để gói giò thủ, gà, chân giò nấu măng khô, rau củ để làm dưa món và mứt. Bánh chưng mẹ gói thơm mùi lá dong và thịt mỡ, món giò thủ xào, gói trong lá chuối, ép chặt bằng bốn thanh tre nứa thơm nồng mùi nước mắm và tiêu sọ. Đi kèm cùng dưa món củ cải, đu đủ, su hào, bí xanh, cà rốt, hành tím, kiệu, dưa leo và thơm... chua chua giòn giòn cay cay, là món không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết. Nếu có kho thịt thì kho kiểu Bắc, giống trong Nam nhưng cắt nhỏ hơn và kho cạn nước cho kẹo lại, màu đẹp chứ không trắng nhờ và khi ăn thường được nghe bố nhắc mãi tới thịt kho tàu xưa kia bà nội làm miếng thịt mỡ trong như hổ phách.
Khi công việc bếp núc vơi bớt, Hạnh thích đi cùng mẹ ra chợ đêm gần nhà để mua hoa và trái cây cúng bàn thờ gia tiên. Chợ đêm chỉ mở ra vài ngày trước Tết bán hoa, trái cây, vàng mã. Rồi thời khắc Giao Thừa tới, đồng loạt pháo của mọi gia đình được châm lửa... tạch tạch đì đùng... không khí thiêng liêng không bút mực nào tả xiết lan tỏa trong không gian chung quanh. Đêm Giao Thừa cô bé Hạnh ngủ thật ngon, nhưng lại thức rất sớm khi trời vẫn còn tối, cả nhà vẫn còn say giấc vì thức quá khuya đêm qua. Hạnh len lén bước ra phòng khách, cuộn tròn trên ghế... tận hưởng sự chờ đợi bình minh lên trong ngày mùng Một Tết... Điều khiến Hạnh nôn nao đến không ngủ là mong ngóng được khoác vào người chiếc áo đầm mới, mang giày vớ đẹp, cùng mẹ và anh chị đi Thảo Cầm Viên. Những món ăn ngon, lì xì và vui chơi tận hưởng ba ngày Tết đã bù đắp phần nào sự trông ngóng cả năm trời của bọn nhóc trong nhà.
Sau 1975, cuộc sống thay đổi. Gia đình Hạnh sống khó khăn như mọi người. Đến lúc phải ăn độn, chị Dung, đã trưởng thành, luôn tìm cách giúp mẹ chế biến các món có sẵn như mì, khoai, bột mì thành những món lạ miệng dễ nuốt. Món mà Hạnh còn nhớ là những ổ bánh mì ngọt chị làm từ bột mì, thơm nức mùi bơ và trứng, ăn nóng khi mới ra lò. Lại nhớ những hôm miệt mài phụ chị lột khoai mì, mài, lắng lấy bột, phơi khô. Rồi cán bột để nấu bánh canh... Mỗi tuần, khi bác tổ trưởng tổ dân phố đi từng nhà hô to: “Lãnh bánh mì bà con ơi!” là chính cô bé xung phong khệ nệ ôm bánh về, đâu có thịt hay chả gì, sang lắm cũng chỉ vài cái trứng quậy lên. Chị Dung còn xào củ sắn với ít thịt băm làm nhân hay hấp lên làm bánh mì hấp nước mắm mỡ hành,... chỉ thiếu nguyên liệu chính là bì thôi. Rồi nào là mì nước, mì xào, nui nước, nui xào... Nói chung nhà nước bán gì mấy chị em cũng ăn được hết, từ bo bo, gạo còn lẫn bông cỏ, khoai lang... Lúc đó, nhà Hạnh đã bán hết xe máy. Ba Hạnh vốn tự trọng và giữ lễ, đầu năm vẫn giữ nếp đi xe đạp chúc Tết mọi người trong họ, chưa kịp đi hết là lòng áy náy không yên. Mẹ Hạnh cố gắng xoay xở, xuống lề đường trải tấm nylon để mua bán đồ cũ... mua từng nửa ký gạo thay vì khi xưa thường gọi đem cả tạ, sữa mua thùng... Lúc có xoài ăn, bà cắt phần thịt cho mọi người, mình thì ăn hột. Trưa bà không dám gọi cơm khi đi bán, chỉ mua vài cái bánh chiên của mấy cô bé đội đầu bán dạo, đợi tới tối về nhà ăn cơm. Bố Hạnh quên từng là công tử nhà giàu, thích ứng với hoàn cảnh, hút thuốc loại rẻ nhất, khét lẹt thay vì thuốc lá ngoại thơm... Cả hai ông bà cố nhịn tối đa để có thể nuôi đàn con quá đông.
Đi chơi Tết trong Sở thú năm 1970.
Giờ sống xa Sài Gòn, Hạnh càng hiểu hơn, thương hơn thành phố quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên, hưởng những ngày vui đầm ấm cùng gia đình và cả những lúc khó khăn. Hạnh thầm cảm ơn cha vì đã chụp rất nhiều những bức ảnh gia đình từ những năm chơi ảnh là thú chơi tốn kém. Những tấm ảnh ông chụp như lấy những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình ra khỏi thời gian đã qua, giữ nó lặng yên để khi nhìn ngắm, Hạnh luôn thấy mình hạnh phúc vì đã có một tuổi thơ đẹp dưới một mái ấm gia đình trên vùng đất Sài Gòn.
(Theo ký ức của cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, San Jose, California, Hoa Kỳ)
Trang hoàng phòng khách ngày Tết.
Chợ hoa Nguyễn Huệ dịp Tết năm 1971. Phía sau là dãy kiosque quen thuộc nay không còn nữa.
Gian hàng khô cá chợ Bến Thành Tết 1969.
Chú thích:
[1] Theo Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại - VAALA 2008 trang 155.
PHỤ LỤC
chân dung nghệ sĩ một thời
Ngôi sao điện ảnh Kiều Chinh. Tư liệu T.G.
Nghệ sĩ sân khấu Túy Hồng. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Nghệ sĩ tài danh Kim Cương. Tư liệu T.G.
Ngôi sao điện ảnh Thẩm Thúy Hằng. Tư liệu T.G.
Ca sĩ Trúc Mai. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Nghệ sĩ sân khấu Bạch Lê. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Bạch Yến. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Giao Linh. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ, diễn viên điện ảnh Băng Châu. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Hà Thanh. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Kim Loan. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Nghệ sĩ sân khấu, ca sĩ Kim Tuyến. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Lệ Thu. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Nghệ sĩ Mộng Tuyền. Ảnh: Đinh Tiến Mậu
Ca sĩ Ngọc Minh. Ảnh: Đinh Tiến Mậu
Ca sĩ Thảo Ly. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Phương Hồng Quế. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Danh ca Thái Thanh. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ngôi sao sân khấu Thanh Nga. Ảnh: Đinh Tiến Mậu. Sử dụng kỹ thuật chụp ảnh ghép.
Nghệ sĩ sân khấu Thanh Thanh Hoa. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Thanh Tuyền. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Nghệ sĩ sân khấu Trang Bích Liễu. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Ca sĩ Xuân Thu. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Danh hài Tùng Lâm. Tư liệu T.G.
Ca sĩ Phương Hoài Tâm. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.
Nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Tư liệu T.G.
Nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh Xuân Phát. Tư liệu T.G.
Nghệ sĩ sân khấu Hoàng Giang.
Nghệ sĩ sân khấu Ba Vân.
Nhạc sĩ, nghệ sĩ sân khấu Bắc Sơn. Tư liệu T.G.
NHỮNG CỘT MỐC VĂN HÓA – XÃ HỘI ĐÁNG NHỚ
năm 1910:
Ngày 10/12: Xuất hiện chiếc máy bay đầu tiên ở Sài Gòn, là chiếc Farman do phi công người Bỉ tên là Van Den Born cầm lái.
Năm 1914:
- Bắt đầu xây dựng sân bay Tân Sơn Nhứt.
Năm 1926:
- Nhóm nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên ra Bắc biểu diễn gồm các cô Ba Ngưu, cô Ba Xuân, kép Tư An. Nhóm này được Hội Quảng Lạc mời, hát tại rạp Quảng Lạc và rạp Hiệp Thành.
Năm 1931:
- Ngày 27/4: Hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại và được gọi là Région de Saigon-Cholon (vùng Sài Gòn – Chợ Lớn) với tổng diện tích là 51 ki-lô-mét vuông, dân số là 256 ngàn người.
- Nữ phi công nổi tiếng của Pháp là bà Maryse Hiltz (1901-1946), người đầu tiên bay xuyên lục địa châu Phi, hoàn tất chuyến bay đầu tiên từ Paris tới Sài Gòn và ngược lại trên chuyến bay một chỗ ngồi.
Năm 1932:
- Gánh cải lương đầu tiên từ miền Nam ra Bắc diễn là gánh Hồng Nhựt do ba nghệ sĩ Mười Bửu, Sáu Lực và Năm Diệp hợp tác.
Năm 1951:
- Ngày 10/1: Nha bưu điện Sài Gòn được chuyển giao về cho chánh phủ Việt Nam lúc đó.
Năm 1952:
- Ngày 19/2: Lễ phục do chánh phủ lúc đó quy định: Áo dài chẽn, khăn đen, quần lụa trắng, giày đen nếu dự lễ có tính cách tôn giáo hay lịch sử. Âu phục trắng, cà vạt đen, sậm hay âu phục đen sậm nếu dự các cuộc lễ khác.
- Ngày 19/5: Lễ phục lại thay đổi lần nữa: công chức bận áo dài đen sa tanh hoặc tơ lụa. Công chức cao cấp bận áo gấm dài màu lam. Cấp tổng trưởng bận áo gấm dài màu da cam, màu đồng cũ hay màu đỏ tía.
Năm 1953:
- Ngày 23/2: Văn hào Pháp Jules Romains đến thăm Sài Gòn và tuyên bố sẽ diễn thuyết về các kịch sĩ hiện đại của nước Pháp.
Năm 1954:
- Đoàn cải lương Kim Chung chuyển từ miền Bắc vào Sài Gòn, lúc đầu lưu diễn và sau đó hát thường trực ở rạp Trung ương Hí viện (Aristo) ở mũi tàu Lê Lai và Ngô Tùng Châu.
Năm 1955:
- Ngày 20/4: Hội Alliance Francaise triển lãm tranh Van Gogh.
Năm 1956:
- Ngày 24/1: Nhân dịp kỷ niệm 200 năm nhạc sĩ Mozart, ban nhạc Đại hòa tấu đầu tiên của miền Nam ra mắt công chúng Sài Gòn tại đường Phạm Đăng Hưng.
- Ngày 4/5: Khánh thành trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
- Ngày 5/5: Khánh thành đường điện thoại Sài Gòn – Paris.
- Ngày 3/7: Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm Văn hóa và Thư viện Quốc gia tại khu đất gần dinh Gia Long.
- Ngày 11/7: Nữ diễn viên Pháp Danielle Darrieux, một trong 10 nữ diễn viên sáng giá nhất nước Pháp đến Sài Gòn, được nhiều thanh niên nam nữ đón tại phi trường.
- Ngày 5/10: Quy định bận quốc phục áo lam, khăn đen ngày đại lễ.
Năm 1957:
- Ngày 8/8: Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa được thiết lập.
- Ngày 26/10: Tai nạn khủng khiếp tại hội chợ Thị Nghè, vì chen nhau ở cầu nổi, 45 người rớt xuống nước chết, 50 người bị thương nặng trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Năm 1958:
- Ngày 16/1: Cô Nguyễn Thiên Nga, nữ sinh Sài Gòn 16 tuổi đến New York (Hoa Kỳ) để tham dự đại hội thường niên do báo Diễn đàn New York tổ chức.
- Ngày 18/1: Ông Jack L. Lersen, một nhà vẽ kiểu trên vải xuất sắc tại Hoa Kỳ đã đến Việt Nam giúp đỡ việc phát triển thủ công nghệ.
- Tháng 5: Tại Hội chợ Brussels (Bỉ) ông Đới Ngoạn Quân, giáo sư trường Mỹ thuật Gia Định đã trình bày những tác phẩm điêu khắc trên ngà voi.
- Ngày 27/6: Nhà văn Nhất Linh xuất bản số đầu tập san “Văn hóa Ngày nay”, bán được 10 ngàn bản số đầu tiên.
- Tháng 7: Triển lãm sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thành Lễ tại số 42 Tự Do, Sài Gòn.
- Ngày 21/8: Thành lập trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Cải tổ Ban Âm nhạc thành trường Quốc gia Âm nhạc.
- Ngày 24/9: Ông Nguyễn Thành Lễ, nhà sản xuất tranh sơn mài Việt Nam đã sang New York để theo cuộc Triển lãm lưu động các sản phẩm sơn mài và đồ gốm Việt qua các thành phố Mỹ như New York, Washington, Chicago, Detroit, Hollywood và San Francisco.
- Ngày 28/10: Một cuộc biểu diễn cờ người đã được tổ chức tại sân Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa.
- Ngày 30/10: Một cuộc độc tấu thơ Pháp từ La Fontaine đến Cocteau đã tổ chức tại Trung tâm văn hoá Pháp do ông Pierre Viala, một kịch gia xuất sắc của Pháp trình bày.
- Ngày 4/11: Nhà văn Hồ Biểu Chánh, tác giả 63 cuốn tiểu thuyết, tạ thế tại Phú Nhuận.
- Ngày 21/11: Lần đầu tiên 60 tấn rau Việt Nam xuất cảng sang Singapore.
- Mốt nhảy vòng Hulahoop tràn sang Việt Nam.
Năm 1959:
- Ngày 16/2: Nhân Đức Hồng y Agagianian đến Việt Nam chủ lễ Đại hội Thánh Mẫu, nhà thờ Đức Bà được Tòa thánh thăng lên hàng Vương cung Thánh đường (Basilique).
- Ngày 17/4: Hai chuyên viên Á châu và Viễn đông Kinh tế Ủy Hội qua Việt Nam nghiên cứu về dự án thiết lập con đường quốc tế Sài Gòn – Istanbul.
- Ngày 23/4: Tổng thống Philippines, ông Carlos P. Garcia đã đến Sài Gòn để nhận bằng Tiến sĩ Luật khoa danh dự của Viện Đại học Sài Gòn.
- Ngày 24/4: Đoàn bóng bàn Nam Việt Nam trở về Sài Gòn sau khi đoạt vô địch toàn cầu tại Pháp.
- Ngày 8/7: Dàn nhạc hòa tấu Việt Nam (miền Nam Việt Nam) ra mắt tại rạp Kinh Đô. Dàn nhạc có 42 nhạc sĩ, bao gồm 18 nhạc công vĩ cầm, 4 hạ hồ cầm, 2 trung hồ cầm và 3 đại hồ cầm, 2 sáo, 2 kèn oboe, 4 nhạc công thổi hắc tiêu, 2 kèn đồng, 2 trống, 2 não bạt, 3 nhạc công dương cầm. Nhạc trưởng là người Hoa Kỳ, ông William Strickland.
- Ngày 25/10: Giải văn nghệ về thoại kịch do nhà báo Trần Tấn Quốc làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã trao giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1959 cho nghệ sĩ Kim Cương (ban Dân Nam) trong vai Lệ Thu trong vở Nhạc lòng năm cũ. Giải thưởng là một bản đồng bọc vàng (4 lượng), số tiền 30 ngàn đồng và một chiếc khánh vàng do bác sĩ Tín tặng.
- Ngày 25/8: Quy định về đồng phục cho học sinh. Nam: quần xanh nước biển, sơ mi cụt tay trắng. Nữ: áo dài trắng, quần trắng, lễ phục là áo dài xanh lam.
- Ngày 26/10: Văn hào Anh Somerset Maugham 85 tuổi đến Sài Gòn.
- Ngày 22/11: Cô Kaoru Kanetaka, nhà văn kiêm phóng viên đài vô tuyến truyền hình Nhật Bản đã tới Sài Gòn để quay phim phóng sự về ngành du lịch ở Việt Nam. Chương trình của cô là đi thăm 20 nước để thực hiện những cuốn phim du lịch cho đài truyền hình Jokr – TV. Chuyến đi của cô trải qua 65.000km do hãng máy bay Pan American hợp tác với công ty kỹ nghệ nặng Ishikawajima bảo trợ.
- Giờ chính thức mới quy định vặn nhanh hơn 60 phút từ 12 giờ đêm, ngày 31.12. Theo sắc lệnh 362–TPP ngày 30 tháng 12 năm 1959.
Năm 1960:
- Ngày 7/7: Đồ án chỉnh trang khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn được trưng bày tại Tòa đô sảnh, của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi nguyên giải kiến trúc La Mã thiết kế.
- Ngày 3/12: 39 địa điểm tại Sài Gòn được đặt đèn xanh đỏ báo hiệu giao thông.
Năm 1961:
- Ngày 12/1: Tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) đã tổ chức cuộc Triển lãm mỹ thuật và Tiểu thủ công nghệ Việt Nam. Hơn 100 sản phẩm đồ sứ, sơn mài, y phục, vải vóc, đồ trang sức, nhạc khí xưa và hiện đại cùng một số vật dụng tiểu thủ công nghệ của đồng bào dân tộc vùng cao nguyên miền Trung đã được trưng bày. Cuộc triển lãm này trong chương trình triển lãm lưu động các cổ vật quý giá và các sản phẩm tiểu thủ công nghệ hiện đại của Việt Nam, khai mạc vào 26 tháng 10 năm 1960 – tại viện Smithsonian ở Washington.
- Ngày 17/1: Trời Sài Gòn khá lạnh, gió bấc hiu hiu thổi, buổi chiều nhiệt độ xuống 17,4 độ C.
- Ngày 19/1: Trời lạnh còn 16 độ sáng và chiều.
- Ngày 24/3: Triển lãm hơn 100 bức danh họa hiện đại của Pháp tại đường Thống Nhứt.
- Ngày 6/4: Phát các giải thưởng văn chương 1960 tại phòng Triển lãm đô thành cho các tác phẩm: Dịch kinh tân khảo của Nguyễn Mạnh Bảo, Việt Nam văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên, tập thơ Hoa đăng của Vũ Hoàng Chương, Tiểu thuyết Đò dọc của Bình Nguyên Lộc, Thần tháp rùa của Vũ Khắc Khoan, Tiểu thuyết Đời phi công của Toàn Phong.
- Ngày 9/5: Quyết định thành lập Khu Đại học tại Thủ Đức gồm tòa Viện trưởng và các trường Đại học theo S.L 110/GD.
- Ngày 1.10: Sài Gòn có quang báo (hàng chữ điện tử phát sáng) trên tường Sở Hỏa xa và trên tầng cao khách sạn REX.
- Ngày 31.12: Số lượng nhật báo tại Sài Gòn 1961: 17 báo tiếng Việt, 11 báo tiếng Hoa, 1 báo tiếng Pháp. Báo Sài Gòn Mới phát hành có số lượng cao nhất, từ 70 ngàn đến 80 ngàn số mỗi ngày.
Năm 1962:
- Ngày 14/2: Triển lãm hội họa mùa xuân Nhâm Dần. Có 123 bức trưng bày trong số 500 tranh gửi tới. Có 21 bức được khen thưởng. Huy chương Vàng: Ngựa của Lâm Triết. Bạc: Thần Thoại của Đinh Cường và Độc Tấu của Nguyễn Lâm.
- Ngày 11/3: Khánh thành tượng Hai Bà Trưng ở công trường Mê Linh, tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế, giải Đệ nhị La Mã.
- Ngày 26/10: Tại vườn Tao Đàn, triển lãm quốc tế hội họa và điêu khắc với 20 quốc gia tham dự, 400 bức tranh và một số bức tượng. Trao 4 huy chương Vàng, 5 Bạc và 10 Đồng. Huy chương Vàng và giải danh dự Hội họa: Gian phòng đợi nắng của họa sĩ Pháp Legueult. Việt Nam được một huy chương Bạc điêu khắc: Cột trụ hòa bình của Lê Ngọc Huệ và một huy chương Bạc hội họa: Tĩnh vật của Nguyễn Văn Rô.
Năm 1963:
- Ngày 21/5: Hai Viện bảo tàng Mỹ ở tiểu bang Massachusette tặng Viện bảo tàng Việt Nam tại Sài Gòn 150 món đồ cổ Việt bao gồm đồ sành, tiền kẽm, trống đồng, v.v...
- Ngày 21/5: Khai mạc triển lãm Văn hóa và Tiểu thủ công nghệ Việt Nam ở Viện Pháp Việt, đường Sait Jacques, Paris. Các sản phẩm trưng bày là tranh lụa, đồ gỗ, tranh sơn mài, đồ mỹ thuật cổ, đồ ngà, đố sứ, hàng thêu, thảm dệt,.v.v... đồ cổ từ thế kỷ 17 và 18 của các nhà sưu tập tư nhân ở Huế và Sài Gòn như kiếm cổ, huy chương bằng bạc, vàng và ngọc thạch, chiếu chỉ phong tước viết trên gấm, ấn triện...
- Ngày 22/5: Trao đổi công hàm giữa chánh phủ miền Nam Việt Nam và nước Pháp về chấm dứt hoạt động của trường Viễn đông Bác cổ Pháp trên lãnh thổ miền Nam. Các tài sản của trường Viễn Đông Bác Cổ trước đây sẽ chuyển giao cho chánh phú miền Nam bao gồm các bất động sản là biệt thự số 37 Trương Minh Ký, Gia Định (nay là đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình), một miếng đất trên đường đi Prenn, Đà Lạt có một nhà nghỉ bằng gỗ đã bị cháy, Bảo tàng viện ở Đà Nẵng, một biệt thự và nhà phụ ở Nam Giao, Huế và các sản phẩm mỹ thuật, sách vở, tài liệu, phim ảnh vi phim chụp tài liệu. Từ năm 1954, chi nhánh của trường Viễn Đông Bác Cổ đã mang vào Sài Gòn khoảng 800 cuốn vi phim chụp các bản thảo phần lớn là chữ Hán.
Năm 1965:
- Tháng 2: Từ 400 đồng đến 500 đồng một chục hoa glaieul Đà Lạt.
- Ngày 12/4: Giỗ tổ Hùng Vương tổ chức trọng thể tại sân vận động Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất).
- Ngày 9/6: Lễ đặt viên đá đầu tiên xây Viện Đại học Vạn Hạnh đường Trương Minh Giảng (nay là Đại học Sư phạm TP.HCM số 222 Lê Văn Sỹ, quận 3).
- Ngày 26/7: Khai mạc tại Sài Gòn hội nghị cải tiến các chương trình Trung học và Đại học. Có hơn 200 giáo chức đến dự.
- Ngày 28/7: Kết quả hội nghị cải tiến chương trình học: phải đi sát với thực tế, phải hiện đại hóa, cấp thêm phương tiện thực hiện chương trình.
- Ngày 1/9: Ban hành quy chế Kiến trúc sư và Luật sư đoàn (sắc luật 013/65).
- Ngày 15/9: Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên) cấp 2 bằng Tiến sĩ Lý, Hóa đầu tiên, người nhận là cô Nguyễn Ngọc Sương và ông Nguyễn Hoàng.
- Ngày 17/9: Quy chế các công ty và hoạt động bảo hiểm được ban hành (sắc luật 015/65).
- Ngày 30/9: Bộ Văn hóa Giáo dục cấp giải thưởng nhân dịp đệ bách chu niên Nguyễn Du: giải 10 ngàn đồng tranh sơn mài cho Nguyễn Văn Năm (bức Tựa ngồi bên triện ) và 2 giải nhì cho tranh lụa với đề tài lấy trong Truyện Kiều .
- Ngày 3/10: Khai mạc tại nhà Văn hóa Sài Gòn, tuần lễ kỷ niệm 200 năm sinh nhật Nguyễn Du. Một số nhà văn nhà thơ nói chuyện về tác giả Truyện Kiều , triển lãm các tác phẩm văn nghệ liên quan đến Truyện Kiều và thi sĩ Tiên Điền.
- Ngày 22/10: Kết thúc cuộc thi Hoa hậu lần đầu tiên tại Việt Nam. Hoa hậu là cô Thái Kim Hương 18 tuổi, cao 1,50m, cân nặng 41kg, vòng ngực 82, vòng eo 52, vòng mông 82. Á hậu 1 là cô Trần Thị Ngọc Tuyết. Á hậu 2 là hai cô Hoàng Kim Uyên và Đỗ Trang Đài.
Năm 1966:
- Ngày 17/1: Sài Gòn chuẩn bị ăn Tết: 1,20 đồng một chiếc lá gói bánh chưng, 300 đồng/ con gà, 250 đồng/ trái dưa hấu.
- Ngày 20/1: Chợ hoa Nguyễn Huệ bán 300 đồng đến 500 đồng/chục bông glaieuls. Một cặp cúc nhỏ từ 250 đồng đến 400 đồng.
- Ngày 21/1: Tết Nguyên đán Bính Ngọ. Tại Gia Định không có lễ đêm ở Lăng Ông như mọi năm.
- Ngày 22/3: Hội đồng liên bộ cấm trẻ em đi xem phim vào ban ngày, trừ thứ bảy vào buổi trưa, ngày chủ nhật hay ngày lễ lớn.
- Ngày 19/5: Phát giải thưởng 100 năm báo chí tại trường Quốc Gia Âm Nhạc cho các ký giả Chàng Phi, Cao Đắc Bửu, Tiến Lợi, Dzoãn Bình (giải Nguyễn Văn Vĩnh) và bán nguyệt san Thời Nay , tuần báo Bình Minh (giải Gia Định báo).
- Ngày 24/7: Dinh Độc Lập xây sắp xong, tốn 210 triệu đồng, 22 ngàn tấn sắt, 116 ngàn bao xi măng, 12,680 ngàn mét khối bê tông.
- Ngày 7/8: Đại hội Văn hóa dân tộc với hơn một ngàn văn nghệ sĩ và giáo sư nhóm họp tại Tòa đô sảnh, lên án văn hóa trụy lạc đầu độc thanh niên và đề xướng chủ trương xây dựng văn nghệ lành mạnh.
- Ngày 31/8: Đoàn cầu thủ miền Nam Việt Nam đoạt giải Merdeka được tiếp đón long trọng tại phi trường và dinh Gia Long.
- Ngày 28/9: 110.773 xe gắn máy được nhập cảng.
- Ngày 29/10: Có 300 sinh viên Trường Kỹ thuật Phú Thọ (tiền thân của Đại học Bách Khoa Sài Gòn) bãi khóa vì chương trình học phỏng theo chương trình của Pháp nay được thay bằng chương trình học phỏng theo của Mỹ.
- Ngày 31/10: Khánh thành dinh Độc Lập. Khánh thành tháp đài Vô tuyến truyền hình đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) với 2 máy phát điện của Mỹ, mỗi máy có công suất 25.000 W.
- Ngày 31/10: Sau Bộ Giáo dục và một số nhà báo, nhiều giáo sư đề nghị chánh phủ không tái tục khế ước 1960 cho Pháp thuê các trường sở, để bãi bỏ trường Pháp tại Việt Nam.
- Ngày 20/11: Sinh viên học sinh cùng một số giáo sư họp tại trụ sở đường Duy Tân đòi đóng cửa trường Pháp, chống việc dùng tiếng Anh tại Trung tâm Y khoa. Sinh viên Đại học Sư phạm cũng họp tại trường Quốc gia Âm nhạc về các vấn đề trên.
Năm 1967:
- Ngày 27/1: Khánh thành bến tàu thứ nhất tại Tân Cảng gần xa lộ Sài Gòn – Thủ Đức.
- Ngày 25/3: Thống kê cho thấy tổng số Sinh viên miền Nam là 33.035 người. Trong đó 26.557 tại Sài Gòn, 3.001 tại Huế, 1.303 tại Đà Lạt, 1.226 tại Đại học Tư thục Vạn Hạnh.
- Ngày 1/4: Khánh thành bến tàu thứ hai tại Tân Cảng gần xa lộ Sài Gòn – Thủ Đức.
- Ngày 30/6: Thiết lập Sài Gòn Điện lực Công ty để tiếp thu và quản lý các cơ sở điện lực trước thuộc Công ty Pháp CEE.
- Ngày 24/7: Trao đổi các văn kiện Việt – Pháp về thu hồi các trường Pháp. Các trường tiểu học từ đầu niên khóa 1967 – 1968 chuyển ngay sang chương trình Việt. Trung học theo chương trình cũ cho tới lớp chót. Các giám đốc Việt sẽ được cử ra. Chương trình Pháp vẫn sẽ được tiếp tục cho thiếu niên Pháp và nước ngoài.
- Ngày 2/8: Nước máy Đồng Nai đã về tới trung tâm Sài Gòn.
- Ngày 18/8: Lễ bàn giao các trường tiểu học Pháp cho chánh phủ phủ miền Nam tổ chức tại trường J.J Rousseau. Trường này đổi thành Trung tâm Lê Quý Đôn. Trường Ecole Francaise de Cholon thành Trung tâm Hồng Bàng. Yersin Đà Lạt thành Trung tâm Hùng Vương. Pascal thành Nguyễn Hiền. Nha Trang thành Hàn Thuyên.
- Ngày 28/9: Nhà hàng cao lâu Đồng Khánh, Chợ Lớn tổ chức lần thứ hai, lễ cưới tập thể cho 12 cặp nam nữ người Việt gốc Hoa (lần đầu là 3/6 trước đó).
Năm 1969:
- Ngày 2/1: Tại Sài Gòn tới cuối năm 1968 có 152.000 xe máy, 3.200 xe lam, 7.400 xe taxi, 2.440 xe xích lô máy, 7.500 xích lô đạp, 464 xe ngựa, 60 xe buýt.
- Ngày 3/2: Đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga diễn vở tuồng Lưu Bình - Dương Lễ tại rạp Mutualité ở Paris.
- Ngày 17/2: Tết Nguyên đán Kỷ Dậu: có giới nghiêm nên các chùa không mở, người đi lễ đêm Giao thừa rất ít. Ban ngày, trời nắng hanh. Đường xá không kẹt. Các rạp hát và phòng trà đông nghẹt. Hằng trăm xe hơi đưa 4.000 người ra chơi Vũng Tàu.
- Ngày 16/10: Khánh thành Bệnh viện Hồng Bàng chuyên trị bệnh lao do Hòa Lan viện trợ.
- Ngày 14/12: Tại đại hội Điện ảnh quốc tế tại New Delhi, phim Việt Nam Đôi mắt người xưa và nữ tài tử Thanh Nga được hoan nghinh.
Năm 1970:
- Ngày 22/5: Nữ họa sĩ nổi tiếng về vẽ tranh thủy mặc, Lê Thị Ẩn được bầu làm hội viên “Văn hóa Nghệ thuật” Hàn lâm Viện Mỹ thuật Brazil. Trước đó, bà tổ chức triển lãm họa phẩm tại thủ đô Rio de Janeiro, được Hàn Lâm viện Mỹ thuật Brazil đánh giá là qua tranh của bà, họ có thể hiểu được vẻ đẹp của phương Đông. Từ năm 1937 đến 1939 bà đã triển lãm tranh tại Hà Nội, Huế, Hải Phòng và Sài Gòn. Năm 1941 bà triển lãm tranh tại Thượng Hải, Manille và năm 1956 tại New York. Tháng 3 năm 1970 bà trưng bày 50 bức tranh tại phòng triển lãm La Palette Bleue tại Paris – Pháp.
Năm 1972:
- Ngày 21/7: Giáo sư Hoa Kỳ Ray C. Hillam thuộc Viện Đại học Brigham Young và có chân trong tổ chức Hội nghị phả học quốc tế đã đến Sài Gòn gặp ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ để tìm hiểu về ngành Gia phả Việt Nam. Ông Dã Lan đã trình bày các tài liệu gia phả ông sưu tập, các tập gia phả của họ Nguyễn Đức, Nguyễn Hoàng, Phạm Ngũ Lão, Trịnh Kiểm, Bùi Viện, Trần Đức...
- Thư viện Quốc gia mới (nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM) xây trên nền khám lớn Sài Gòn theo đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện hoàn thành vào cuối năm 1971 và đi vào hoạt động tháng 2–1972. Kinh phí xây dựng là 177 triệu đồng, xây trong 3 năm với diện tích 7.070 mét vuông.
- Hai thiếu nhi Việt Nam, em Nguyễn Thị Kim Thanh (14 tuổi, học trường Nữ trung học Lê Văn Duyệt, Gia Đinh – nay là trường Võ Thị Sáu) và em Lương Mỹ Hoa (14 tuổi, học trường Nữ trung học Trưng Vương, Sài Gòn) đã đoạt giải thưởng về Hội họa thiếu nhi quốc tế Shankar 1971 tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ. Có 447 thiếu nhi toàn cầu trúng giải trong số 150 ngàn tác phẩm dự thi từ 112 quốc gia.
Năm 1974:
- Ngày 20/1: Triển lãm các sản phẩm mỹ thuật bằng gốm đã được trường Quốc Gia trang trí Mỹ thuật Gia Định phối hợp với Hãng gốm DONA Biên Hòa tổ chức ngay tại phòng triển lãm nhà trường số 5 Chi Lăng. Cuộc triển lãm nhằm gây quỹ cho nhà trường và quảng bá gốm mỹ thuật Việt. Gốm mỹ thuật DONA có tính mỹ thuật cao, được trưng bày trong dinh Độc Lập cho đến hiện nay (2015).
- Thư viện Trung hoa Dân quốc (Đài Loan) tặng trường Đại học Văn khoa Sài Gòn bộ sách Trung Quốc Đồ thư Tập thành , một trong những bộ sách có giá trị, được nhiều học giả Tây phương coi như Bách khoa toàn thư Trung Hoa. Bộ sách gồm 101 cuốn, tổng cộng 144 triệu chữ, gấp bốn lần số chữ của bộ Bách khoa Toàn thư Anh.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
I. Báo và tạp chí
– Thế Giới Tự Do: tập VIII số 9, tập VIII số 10, tập IX số 1 năm 1959, tập X số 1, tập XI số 2, tập XI số 8, tập XIII số 2, tập XVI số 1,tập XVII số 1, tập XIX số 3 năm 1970, tập XX số 8, tập XXI số 1 năm 1972 (các tập có và không có ghi năm xuất bản).
– Bách Khoa: số 59 ra ngày 15/6/1959, số 336 ra ngày 1 tháng 1 năm 1971
– Phụ Nữ Ngày Mai năm Quý Mão 1963.
– Sáng Dội Miền Nam số 8 năm 1960, loại II số 4 (10) năm 1961, loại II số 5 tháng 3 năm 1961, loại III số 3 (21) tháng 3 năm 1961, số 45 tháng 3 năm 1963.
– Trẻ tập I số 8 (Khoảng năm 1960, không ghi ngày phát hành).
– Giai phẩm xuân Điện Tín 1973.
– Gia Đình số 1 tập II (1957).
– Thời nay số 285, số giai phẩm kỷ niệm 15 năm phát hành ra ngày 14 tháng 9 năm 1974.
– Văn Hóa Nguyệt san số 9–10 tháng 1–2 năm 1953.
– Văn Hóa Nguyệt san loại mới: Số 39 tháng 3–4/1959. Số 43 tháng 8/1959. Số 44 tháng 9/1959. Số 46 tháng 11/1959. Số 58 năm 1961. Số 82, tập XII, quyển 6 (tháng 6/1963).
– Văn Hóa Tập san: Số 2/1970. Số 4/1972. Số 1/1974.
– Giai phẩm Sóng Thần số Xuân Quý Sửu 1973.
– Họa báo Vietnam 1970 . Bản tiếng Anh. Ministry of Information, Republic of Vietnam.
II. Sách
– Đào Trinh Nhất nhà văn, nhà báo bực thầy – Nguyễn Q. Thắng. NXB văn học 2010.
– Niên giám văn nghệ sĩ và hiệp hội văn hóa Việt Nam 1969-1970 . Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa 1970.
– Màn nhung đã khép – Hồ Trường An. Nhà xuất bản Tân Văn, Mekong Center Nhật bản tháng 7 năm 2003.
– Khảo luận Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại – Huỳnh Hữu Ủy. Vietnamese American Art & Letters Associalion (VAALA), California 2008.
– Hai mươi năm qua. Việc từng ngày (1945-1964) – Đoàn Thêm. Nam Chi Tùng Thư xuất bản 1966.
– “Việc từng ngày” các năm 1965, 1966, 1967, 1968, 1969 – Đoàn Thêm. Tủ sách Tiến Bộ, cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai.
– Lịch tài liệu 1959-1960
– Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu - Trần Hữu Quang. NXB Tổng hợp T.PHCM.
III. Website
http://khaidantri.blogspot.com/2012/03/tai-sao-nguoi-nhat-me-oc-sach.html
http://hotvit.blogspot.com/2008/04/nhn-oc-bai-cua-ma-thuy-vit-v-sach.html
IV. Các văn bản, thư từ trao đổi và một số ảnh gốc là tư liệu RIÊNG của tác giả.
Lê Minh Quốc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...