Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Tổ pháp - Truyện ngắn của Trần Vinh

Tổ pháp - Truyện ngắn của Trần Vinh

Năm Giáp Ngọ 34, tại Lạc Dương kinh đô của nhà Đông Hán, trong một buổi thượng triều, Hán Quang Vũ Đế truyền rằng:
– Ngày trước ngài Tích Quang được nhà Tây Hán cử sang làm Thái thú vùng Giao Chỉ. Thái thú đã hoàn tất sứ mạng giáo hóa chăn dân. Cư dân Giao Chỉ đều chăm lo cày cuốc mà quên phản loạn, vui thú săn bắn mà lãng tổ tiên. Hiện Thái thú Tích Quang tuổi cao sức yếu, ta cho về an trí tại Lạc Dương và hậu thưởng xứng đáng. Vậy nên, nay ta muốn cử Tô Định sang Giao Chỉ làm Thái thú.
Tô Định khấu đầu lạy tạ và xin Hán Quang Vũ Đế cho thêm hai thuộc hạ thân tín là Ngụy Húc và Tích Lâm đi cùng. Nhà vua chấp nhận thỉnh cầu của Tô Định. Với bản tính tham tàn, khi đến Giao Chỉ, Thái thú Tô Định đã dở trò cưỡng bức phụ nữ, ức hiếp dân lành, bắt dân phải cống nộp sừng tê, ngà voi, ngọc trai, chim quý…
Thuở đó, ở huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ có bà Man Thiện gia thế nổi tiếng. Bà Man Thiện vốn là cháu chắt bên ngoại của dòng dõi Hùng Vương. Chồng bà là Lạc tướng của huyện Mê Linh nhưng không may mất sớm. Bà có hai người con gái xinh đẹp giỏi giang nhất vùng. Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị cùng sinh ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất 14. Cả hai chị em không những được thừa hưởng dòng máu Hùng tộc, con nhà Lạc tướng mà còn được người mẹ nuôi dạy rất chu đáo. Đến tuổi 16 hai chị em vừa xinh đẹp vừa giỏi thêu thùa, dệt lụa. Đặc biệt cả hai chị em đều tinh thông võ nghệ, cung kiếm hơn người.
Gần với Mê Linh là huyện Chu Diên. Gia tộc Lạc tướng của huyện Chu Diên cũng nổi tiếng hào kiệt. Thi Sách là con trai Lạc tướng Chu Diên, chàng đã nghe tiếng về chị em Trưng Trắc nên tìm cách làm quen. Trai tài gái giỏi và đều thuộc dòng dõi Lạc tướng, họ đã mau chóng kết thân. Khi thấy các con biết căm giận trước những tội ác do quân lính Tô Định gây ra bà Man Thiện rất hài lòng. Bà Man Thiện luôn dạy các con về cội nguồn tiên tổ. Có lần, sau khi các con tập luyện võ nghệ xong, bà Man Thiện gọi cả hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng với Thi Sách vào nhà. Bà chỉ vào linh vật ngự trang trọng giữa trung thất mà dạy rằng:
– Các con hãy nhìn kỹ vào linh vật này. Đây chính là Tổ Pháp từ các đời Hùng Vương truyền lại. Khối hình tròn thắt đáy đúc bằng đồng thau là tượng hình cái bọc trăm trứng, tinh hoa của cha Rồng mẹ Tiên. Chúng ta đều là dân Bách Việt, con cháu Lạc Hồng, sinh ra từ bọc trăm trứng đã cùng khai phá nên vùng Lĩnh Nam này.
Nói đoạn, bà Man Thiện bảo cả ba người đến gần linh vật Tổ Pháp hơn để chỉ rõ từng chi tiết:
– Ngôi sao 14 cánh này là tượng hình của thần mặt trời. Thần mặt trời luôn ngự ở giữa. Người dân Bách Việt sinh sống, giã gạo, đi thuyền, săn bắn dưới ánh mặt trời. Xung quanh là những con nai Thiên Lộc được sinh ra từ ánh hào quang của ngọc quý, nó có cơ duyên mang lại vạn điều tốt lành. Chỉ khi đấng quân vương trong thiên hạ trị nước bằng hiếu đạo thì Thiên Lộc mới xuất hiện. Phía ngoài cùng là loài phượng hoàng Thiên Điểu. Nơi nào địa linh nhân kiệt thì Thiên Điểu mới bay về. Trong bầu trời chỉ có Thiên Điểu bay cao, bay xa nhất, giúp cho quân vương nhìn xa thấy rộng, thấu lẽ đất trời. Hướng đi của Thiên Lộc cùng hướng bay của Thiên Điểu bao giờ cũng thuận thiên, hợp địa và tiếp nối muôn đời. Các con phải luôn nhớ nơi đâu có Tổ Pháp là nơi đó có uy linh của các bậc tiên tổ.
Linh vật Tổ Pháp tuy không xa lạ nhưng đó là dịp được chỉ giáo tỏ tường, cả ba người càng thấu hiểu, chắp tay cung kính trước linh vật Tổ Pháp.
Ngày qua ngày, bà Man Thiện luôn tìm cách truyền dạy võ nghệ, binh pháp và giúp cho hai chị em Trưng Trắc cũng như Thi Sách nhớ về cội nguồn, hiểu về dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong tim. Trong gia trang có bãi tập, tại đó bà Man Thiện thường chỉ bảo cách cưỡi voi, phi ngựa, bắn cung cho các con. Mỗi lần bà Man Thiện luyện bài hổ quyền thị phạm, thân dẻo như xà mà uy lực như hổ, làm cho mọi người vô cùng thán phục.
Sau buổi tập, bà dặn kỹ các con:
– Ta có học thế của hổ mới đả được hổ. Khi giao chiến nhớ không xoay lưng về phía hổ. Cứ nhìn đuôi hổ mà lựa thế. Mỗi lần hổ hạ mình, đập đuôi xuống đất là nó sẽ lao lên vồ. Nếu hổ đập đuôi phía này sẽ vồ phía kia, đập đuôi chính giữa là nó sẽ vồ thẳng. Bình tĩnh nhìn đuôi hổ mà né, khi hổ lao ngang tầm thì xoay người đâm mũi giáo vào nách hổ.
Thời gian trôi qua, sự gắn bó thân thiết giữa Thi Sách với Trưng Trắc, Trưng Nhị càng nảy nở. Bà Man Thiện rất vui khi nhận ra điều đó, bà càng hài lòng hơn bởi các con có chung chí hướng.
Một lần đang cùng mấy người dân hái nấm, Trưng Nhị thấy cảnh Ngụy Húc là thuộc hạ của Thái thú Tô Định sai lính đánh đập cư dân rất dã man vì không nộp đủ ngà voi, sừng tê, chim qúy. Trưng Nhị vô cùng căm giận, chạy về kể lại với Trưng Trắc. Nghe kể xong, Trưng Trắc nắm chặt tay nói với em:
– Trong cảnh nước mất nhà tan, giặc Hán gây bao nỗi đau thương, tang tóc cho dân ta. Chị chỉ muốn đập tan ngay mọi nỗi bất bằng, diệt hết loài giặc Hán để cứu lấy muôn dân ra khỏi cảnh lầm than chứ không thể ngồi yên chốn phòng the mãi được.
Trưng Trắc vừa dứt lời, Trưng Nhị liền bày tỏ mong muốn cùng chị ra tay trừng trị lũ giặc tàn ác. Ngay sau đó, cả hai chi em cùng Thi Sách xin phép bà Man Thiện đi hỏi tội Ngụy Húc. Bà Man Thiện gật đầu. Đến nơi, Ngụy Húc đang ngồi đếm ngà voi, nhìn thấy hai nữ nhi xinh đẹp hắn buông lời cợt nhả sỗ sàng. Trưng Nhị qúa tức giận, rút phắt mũi tiêu đeo bên mình lao đến. Ngụy Húc hoảng sợ, mặt như chàm đổ, chắp tay xin tha mạng. Khi đó Trưng Trắc vội can ngăn rồi cùng Thi Sách bắt trói Ngụy Húc. Trưng Trắc chỉ mặt Ngụy Húc mà mắng:
– Hôm nay ta chưa lấy đầu ngươi. Ngươi hãy mang thân bị trói đến Tô Định cởi cho. Lần sau nếu ngươi còn ức hiếp dân lành thì ta sẽ lấy mạng.
Tô Định biết tin đã nổi trận lôi đình và coi đây là sự thách thức, là nỗi nhục lớn nhất từ khi sang làm Thái thú Giao Chỉ. Tô Định ra lệnh chém đầu Ngụy Húc cho hả giận và cũng là răn đe thuộc hạ. Mặt khác, Tô Định sai thuộc hạ Tích Lâm mang quân đến huyện Mê Linh, Chu Diên tiếp tục trấn áp dân lành, ép nộp lễ vật và bắt chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị về thành Luy Lâu xử tội.
Tích Lâm tuy sợ không dám đến gần gia trang bà Man Thiện nhưng hắn vẫn quen thói hống hách, tàn bạo. Để làm theo ý Tô Định và giương oai, Tích Lâm xua quân cướp bóc hãm hiếp, chém giết những người phản kháng. Một số người dân chạy thoát về cấp báo cho chị em Trưng Trắc. Biết chuyện, bà Man Thiện căm giận nói với Trưng Trắc:
– Lần này thì không thể tha mạng nữa rồi. Các con hãy trả thù cho người dân Bách Việt.
Hai chị em vâng lệnh, nai nịt gọn gàng cùng nhiều tùy tùng chuẩn bị gươm giáo. Trước khi lên đường diệt ác, Trưng Trắc cung kính trước linh vật Tổ Pháp mà thưa rằng:
– Con đây là Trưng Trắc, con cháu Lạc Hồng, cùng cội nguồn từ bọc trăm trứng. Nay dân Bách Việt bị giày xéo, chốn Lĩnh Nam bị chà đạp, dù phận nữ nhi nhưng con không thể ngồi yên, phải ra tay diệt trừ kẻ ác. Trước linh vật Tổ Pháp con xin được truyền sức mạnh Lạc Hồng để bảo vệ dân chúng.
Nói xong, Trưng Trắc cùng đoàn người cung kính nghiêng mình trước linh vật Tổ Pháp rồi kéo thẳng đến chỗ Tích Lâm. Khi thấy đoàn người hừng hực sát khí, Tích Lâm hoảng hồn, lê gối đến trước mắt Trưng Trắc xin tha mạng. Trưng Trắc thét lên:
– Ngươi là ác quỷ, là giặc Hán. Bấy lâu nay các ngươi ức hiếp dân lành, vơ vét sản vật, bất chấp trời đất. Giờ đây ngươi phải đền tội.
Dứt tiếng thét, đầu lâu của Tích Lâm đã lăn lông lốc dưới chân Trưng Trắc. Tất cả quân lính của Tích Lâm đều quỳ mọp xuống khiếp vía. Trưng Trắc tha mạng cho lũ chúng và kéo về gia trang bà Man Thiện ở Mê Linh.
Lại nói về Thi Sách, chàng vốn đã quen biết, mến mộ Trưng Trắc từ lâu, bây giờ thấy chị em nàng đã vì dân mà dám chém đầu thuộc hạ Tô Định nên chàng càng nể phục ngưỡng mộ hơn. Thi Sách thưa chuyện với cha là Lạc tướng nổi tiếng của huyện Chu Diên về ý muốn kết hôn cùng Trưng Trắc. Người cha rất hài lòng, đích thân đến gặp bà Man Thiện để bày tỏ nguyện vọng kết thân giữa hai gia tộc. Từ ngày Lạc tướng Hùng Định là chồng bà Man Thiện còn sống cả hai nhà đã quý nể nhau nên việc tác hợp cho hai con, đôi bên đều mau chóng thuận lòng.
Điều khác thường là bà Man Thiện không đòi hỏi sính lễ phải có sản vật châu báu mà nhất quyết đòi lễ vật phải là xác con hổ dữ trong vùng do chính tay Thi Sách giết được. Thi Sách hứng thú chấp nhận sính lễ kỳ lạ đó. Tiếp theo, cả hai gia tộc loan tin chuyện Thi Sách chuẩn bị đả hổ để làm sính lễ. Trai gái và cư dân khắp vùng Mê Linh, Chu Diên cho đến cả Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều náo nức chờ đợi.
Ngày đấu hổ dữ đã đến, Thi Sách khoác tấm áo da thú, tay cầm ngọn giáo. Bà Man Thiện dặn chàng nhớ kỹ các thế hổ quyền và chú ý vào đuôi hổ. Bà còn dặn riêng Trưng Trắc mang sẵn cung tên, chọn thế khi cần hỗ trợ cho Thi Sách. Đúng giờ Ngọ, người xem kéo đến đông nghịt bên bờ sông nơi có cây dâu da cổ thụ, thân cây còn hằn đầy vết cào mài vuốt của hổ. Thi Sách như một tráng sỹ hùng dũng bước đến nơi hổ ẩn náu. Mọi người bỗng nghe tiếng hổ gầm rùng rợn. Con hổ xám lừ lừ tiến ra, khi cách Thi Sách khoảng vài chục bước thì nó chùng chân, hạ mình sát đất, đập đuôi xuống ba cái, miệng gầm lên rồi như một tia chớp lao thẳng vào chàng. Bằng một bước nhảy nhẹ nhàng, Thi Sách đã làm cho hổ vồ chệch hướng. Cầm chặt ngọn giáo sáng loáng nhưng chàng vẫn chưa ra tay. Trong tiếng hò reo cổ vũ càng làm cho hổ dữ điên tiết, hai mắt đỏ như máu. Thi Sách vẫn bình tĩnh nhìn đuôi hổ để biết hướng vồ nên dễ dàng né tránh. Tuy nhiên đến cú vồ thứ bảy thì chàng bất ngờ bị trượt chân, hổ lập tức đổi hướng. Đúng lúc đó, Trưng Trắc đã kịp bắn một mũi tên cắm thẳng vào mắt hổ. Hỗ dữ khựng lại cũng là lúc Thi Sách kịp lấy lại thế đứng và bằng một thế võ điêu luyện chàng đâm mũi giáo vào thấu tim hổ. Hổ dữ gầm lên, dựng hẳn hai chân trước lên trời, chưa kịp vồ tiếp đã đổ gục xuống trong tiếng reo hò rầm trời. Nhanh như cắt, Trưng Trắc lao đến, nghiêng mình che tầm nhìn của mọi người rồi rút phắt mũi tên đang cắm trên mắt hổ. Không một ai biết Trưng Trắc đã ra tay đúng lúc để giúp Thi Sách diệt hổ.
Tin Thi Sách giết được hổ dữ càng làm danh tiếng của chàng thêm lẫy lừng. Đám cưới của trai giết được hổ dữ, gái chém rụng đầu giặc đã kết hai gia tộc thành một thế lực hùng mạnh. Trai gái, hào kiệt khắp vùng tin tưởng, sẵn sàng nghe theo lời hiệu triệu của vợ chồng Thi Sách và Trưng Trắc.
Đối với Thái thú Tô Định, nỗi tức giận vì Trưng Trắc dám chém đầu thuộc hạ chưa trả được. Giờ đây thế lực của hai gia tộc Lạc tướng lại càng tăng cao. Lòng dân Bách Việt đã chất đầy oán hận do Tô Định và đám quân lính gây ra. Tất cả đang chờ ngày bùng cháy dưới ngọn cờ dấy nghĩa. Đó là mối nguy mà Tô Định đã nhận ra nên quyết dẹp bỏ. Vốn là kẻ tham tàn, Tô Định rắp tâm mưu hèn kế bẩn để triệt hạ Thi Sách.
Giữa năm 39, Tô Định lấy cớ ngưỡng mộ Thi Sách nên cho tùy tùng đến tận huyện Chu Diên để mời chàng về thành Luy Lâu đãi tiệc. Trước tình thế không thể chối từ, Thi Sách dặn nàng Trưng Trắc:
– Chuyến đi này lành ít dữ nhiều, lòng dạ Tô Định thật khó lường. Nếu sau nửa tuần trăng mà không thấy ta trở về thì nàng hãy tìm cách hỏi tội Tô Định.
Trưng Trắc lòng như lửa đốt, chờ hết nửa tuần trăng vẫn không thấy Thi Sách trở về. Bà Man Thiện gọi hai chị em Trưng Trắc đến trước linh vật Tổ Pháp căn dặn:
– Ta đã đoán trước được lòng dạ Tô Định nhưng không thể làm khác. Giờ đây các con không chỉ nợ tiên tổ mà còn nặng thù nhà. Trước Tổ Pháp linh thiêng các con hãy thề đồng lòng dấy cờ tụ nghĩa, kết nối muôn dân, bắt giặc đền tội, xứng danh dòng giống Tiên Rồng.
Hai chị em Trưng Trắc đứng sát vai nhau, đặt tay lên linh vật Tổ Pháp cùng thề và lạy tạ mẹ đã chỉ dạy giúp hai chị em biết luyện rèn cung kiếm, thao lược binh đao.
Người dân Giao Chỉ vốn đang chịu nhiều áp bức chà đạp bởi quan quân Tô Định nên khi nghe tin Trưng Trắc nổi dậy, đánh đuổi giặc Hán thì người dân Mê Linh, Chu Diên ùn ùn kéo đến tụ nghĩa. Thanh thế chị em Trưng Trắc nổi như cồn, anh hùng hào kiệt khắp vùng Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cũng dồn về hợp lực. Điều lạ nhất là dưới cờ dấy nghĩa chưa bao giờ có nữ nhân đến gia nhập nhiều đến vậy. Tất cả họ đều mang nặng mối thù với quan quân Tô Định. Chỉ sau vài tháng số người đi theo chị em Trưng Trắc đã lên đến hàng vạn người.
Nhận thấy thời cơ đã đến, bà Man Thiện làm thuyết khách, giao thiệp với các Lạc hầu, Lạc tướng, quan lang hào kiệt trong các vùng để có thêm sức mạnh.
Bà Man Thiện chỉ bảo chị em Trưng Trắc:
– Thời vận đã đến, các con phải có cờ đào danh chính, tướng sỹ phải đồng lòng thề cùng nhau sống chết. Thù nhà đặt sau nợ nước, dựng lại cơ nghiệp vua Hùng mới là đại nghiệp.
Vâng theo ý mẹ, sau mấy tháng chuẩn bị, đến ngày mồng 4 tháng 9 năm Kỷ Hợi 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp tướng sỹ cùng nhau mở Hội thề tại bãi đá Tràng Sa ngay cửa sông Hát thuộc huyện Mê Linh. Trên bãi Tràng Sa, Trưng Trắc lập đàn tráng. Nổi bật trên cái bục cao phủ lụa đỏ là linh vật Tổ Pháp uy nghiêm. Trong khung cảnh cờ xí rợp trời, quân sỹ đằng đằng khí thế, Trưng Trắc bận áo đỏ đai vàng lẫm liệt từ trên kiệu voi bước xuống. Đến trước linh vật Tổ Pháp Trưng Trắc cúi lạy xong rồi quay về phía tướng sỹ mà dõng dạc tế cáo:
– Hỡi tướng sỹ và muôn dân Bách Việt! Bao năm qua lũ giặc Hán đến đây áp bức, dày xéo tham tàn. Không sản vật, châu báu nào cho thỏa lòng tham khôn cùng của chúng. Bao dân lành đã bị giết hại, bao phụ nữ đã bị cưỡng bức. Cơ đồ các đời vua Hùng gây dựng đang bị lũ giặc phế bỏ. Tội ác này đã động đến trời đất, lòng người làm sao chịu xiết.
Nay thuận lẽ trời đất, hợp ý tiên tổ, thỏa sự mong chờ của muôn dân. Trước Tổ Pháp linh thiêng và đủ mặt tướng sỹ. Ta đây là Trưng Trắc mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, sẵn thù nhà nợ nước xin cùng tướng sỹ xin thề với non sông Lạc Việt rằng: Một là đánh đuổi giặc Hán, rửa sạch mối thù non sông. Hai là khôi phục lại cơ nghiệp xưa của các vua Hùng, làm rạng danh Bách Việt. Ba là trả hết thù nhà, để cho mọi oan hồn được ngậm cười nơi chín suối. Bốn là tướng sỹ một lòng, dốc sức luyện rèn, cùng nhau xông pha, làm nên nghiệp lớn.
Trưng trắc vừa dứt lời, tiếng hô suy tôn “Trưng Trắc chủ tướng! Trưng Nhị phó tướng!” nổi như sấm, tiếng chiêng trống vang trời, cờ xí tung bay rợp đất. Trong khí thế bừng bừng chưa từng có, chị em Trưng Trắc chính thức trở thành nữ tướng.
Ngay sau Hội thề, đội quân của Trưng Trắc, Trưng Nhị đã dốc lòng tập luyện võ nghệ. Các hào nam kiệt nữ đều được Trưng Trắc phong chức, bố trí vào những đội quân phù hợp. Tháng 2 năm 40, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị chuẩn bị khởi quân tiến đánh các thành trì của quân Hán trên đất Giao Chỉ. Thời điểm đó nữ tướng Trưng Trắc vẫn đang chịu tang chồng, nên khi thấy nữ tướng mặt hoa da phấn, trang phục nổi bật, các tùy tùng tỏ ra không hiểu. Trưng Trắc bèn bày tỏ:
– Việc chiến trận phải quyền biến. Nếu ta tự làm cho nhan sắc tiều tụy thì nhuệ khí ắt sẽ tan theo. Ta mặc giáp phục đẹp đẽ uy nghi để dân trông thấy thì phấn khích, mà giặc nhìn đến lại bạt vía.
Mọi người nghe vậy càng thán phục Trưng Trắc hơn. Thanh thế nữ tướng Trưng Trắc nhanh chóng tăng lên, nhiều Lạc tướng ủng hộ. Đội quân Hai Bà Trưng rửa kiếm bằng trận tấn công Đô úy trị quân Giao Chỉ trên đất Mê Linh. Thừa thắng xông lên, Hai Bà Trưng tiến đánh huyện Tây Vu rồi đoạt thành Cổ Loa. Tiếp đà thắng lợi Hai Bà Trưng cho quân vượt sông Hoàng, sông Đuống đánh thẳng đến thành lũy Luy Lâu. Trước khí thế mạnh như chẻ tre của đội quân Hai Bà Trưng, hàng loạt quan cầm đầu suốt tuyến từ Mê Linh đến Luy Lâu đều không kịp trở tay, kéo nhau chạy về phương Bắc. Thái thú Tô Định hồn bay phách lạc. Để thoát thân, Tô Định phải cạo tóc cắt râu, vứt bỏ ấn tín, trà trộn vào tàn quân mà tháo chạy. Cuối cùng thì Tô Định cũng chạy thoát về đến Lạc Dương để gặp Hán Quang Vũ Đế chịu tội.
Cuộc khởi nghĩa mau chóng thắng lợi, Hai Bà Trưng thu về hơn 50 quận huyện và thành trì tại Mê Linh, Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân, Hợp Phố… cùng mấy vạn người theo về tụ nghĩa và đồng lòng suy tôn Trưng Trắc làm vua. Trước vận thế đó, Hai Bà Trưng được sự chỉ dẫn của mẫu thân Man Thiện nên càng quyết tâm khôi phục cơ nghiệp vua Hùng và làm lễ lên ngôi.
Trên vùng đất rộng lớn ở Mê Linh, người dân của 7 quận kéo về chật kín. Hàng vạn tướng sỹ chỉnh tề, gươm giáo sáng lòa. Bên tả có đội kỵ binh, bên hữu có đội tượng binh. Phía trước các hàng quân là những cây cờ xí phất phới. Chính giữa nổi bật tráng đài, trên tráng đài là linh vật Tổ Pháp thắt giải lụa đào uy nghiêm, lá đại kỳ thêu hai chữ Lĩnh Nam tung bay trước gió. Nữ tướng Trưng Trắc mặc áo bào đỏ, đầu đội khăn vấn rộng vành, hông đeo kiếm vàng ngồi trên kiệu voi lừng lững xuất hiện. Nữ tướng Trưng Trắc bước lên tráng đài giữa tiếng chiêng trống và reo hò vang dội của ba quân. Sau khi bái lạy trời đất, tiên tổ và linh vật Tổ Pháp, nữ tướng dõng dạc:
– Thuận theo đất trời, hợp ý tiên tổ, thỏa nguyện lòng người, nay ta tuyên cáo: Tất thảy muôn dân cùng cội nguồn trăm trứng, đều là con dân Bách Việt đã góp công khởi dựng nên vùng đất Lĩnh Nam. Bởi thế, nay ta nối nghiệp vua Hùng, lập nước Lĩnh Nam, định đô tại Mê Linh. Muôn dân Bách Việt đều chung một nước. Thể theo muôn lòng ngưỡng mộ suy tôn, dù là phận nữ nhưng ta dám lãnh đại nghiệp. Từ nay ta là Trưng Nữ Vương của nước Lĩnh Nam hùng mạnh.
Suốt năm qua muôn dân một lòng, quyết dẹp trừ giặc Hán, đến nay đại nghiệp đã thành. Ta tuyên bố miễn trừ thuế khóa cho muôn dân trong hai năm liền. Mọi tướng sỹ hãy dốc lòng, dốc sức giữ trọn cương thổ, giềng mối của tổ tiên. Từ nay, tất cả các sở trị của Lạc hầu, Lạc tướng, Bồ chính tại 7 Quận, 56 huyện thành trì phải cung kính trưng thờ linh vật Tổ Pháp. Nơi nào có Tổ Pháp là nơi đó có dòng máu Lạc Hồng, là cương thổ của Lĩnh Nam Bách Việt.
Cả vùng Mê Linh vang dội tiếng hô đồng lòng, khí thế ngất trời chưa từng có.
Tại Lạc Dương, Hán Quang Vũ Đế chưa kịp rửa nhục bởi Thái thú Tô Định bỏ thành Luy Lâu mà chạy thì giờ lại hay tin bên Giao Chỉ hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã xưng vương, lập quốc. Hán Quang Vũ Đế bèn tìm cách tái lập sự cai trị của nhà Đông Hán lên vùng Lĩnh Nam.
Không bỏ qua thời vận, Mã Viện đã dâng sớ lên Hán Quang Vũ Đế để hạch tội Tô Định và hiến kế. Trong sớ có đoạn: “Tô Định vô mưu  mà tham tàn, thấy tiền thì giương mắt lên, thấy giặc thì cụp mắt xuống. Làm Thái thú mà không biết giáo hóa, khiến cho dân Giao Chỉ oán hận. Bao công sức của tiền bối Tích Quang đều đổ sông đổ biển. Lòng dân Giao Chỉ lại hướng về Tổ Pháp linh thiêng mà nuôi ý tạo phản. Giờ đây, trước là trừ loạn, sau là làm cho lòng dân Giao Chỉ sao nhãng cội nguồn, quên mất Tổ Pháp thì mới hòng giáo hóa…”
Hán Quang Vũ Đế rất hài lòng với mưu lược của danh tướng Mã Viện. Tuy nhiên, năm 41, Mã Viện đã 58 tuổi, tóc bạc trắng nên vua Hán không nỡ cử Mã Viện tiếp tục chinh chiến. Biết vậy, nhân lúc có vua và quan triều đông đủ, Mã Viện dắt ngựa chiến ra nhảy lên nhảy xuống thoăn thoắt rồi phi mấy vòng. Hán Quang Vũ Đế và các quan đều bật cười. Chỉ có nàng Minh Đức con gái Mã Viện là dám trách cha:
– Cha làm vậy mà không sợ bị chê cười sao? Cha già rồi còn ham công cán làm gì.
Đang mê giấc mộng công danh nên Mã Viện bỏ ngoài tai. Chẳng còn lựa chọn nào hơn, Hán Quang Vũ Đế bèn ban chiếu phong cho tướng Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng Đoàn Chí làm Lâu Thuyền tướng quân để sang đánh Giao Chỉ. Đồng thời, vua Hán còn hạ chỉ cho các quận Trường Sa, Hợp Phố chuẩn bị phương tiện, quân lương. Đội quân Hán có đến 2 vạn binh và hơn 2000 chiến thuyền.
Tháng 4 năm 42, Mã Viện chia thành hai cánh thủy và bộ tiến đánh Trưng Nữ Vương. Trước khi xuất quân, Mã Viện đã truyền lệnh cho hai phó tướng là Lưu Long và Đoàn Chí rằng:
– Đến Giao Chỉ hễ thấy cái vật hình tròn thắt đáy bằng đồng thau, to cỡ hơn một vòng tay, phía trên có khắc hình mặt trời với chim muông thì cứ phá hủy. Bởi đó là linh vật Tổ Pháp của dân Giao Chỉ. Tổ Pháp chứa sức mạnh và hồn vía tổ tiên Giao Chỉ. Muốn giáo hóa thì phải làm cho dân Giao Chỉ quên hết cội nguồn trước đã.
Quân Hán tiến vào Lãng Bạc, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã chặn đánh liên tục, vừa kìm bước tiến vừa tiêu hao lực lượng quân giặc. Có lúc quân Hán đã định rút về nước. Nhưng nhờ có viện binh nên Mã Viện đã giành lại thế trận. Trước tình thế đó Trưng Trắc cho quân rút khỏi Lãng Bạc, lui về giữ thành Cổ Loa. Tuy nhiên, do thế giặc quá mạnh đội quân của Hai Bà Trưng cũng không cầm cự được đành rút quân về trấn giữ kinh đô Mê Linh. Trận chiến tại Mê Linh vô cùng ác liệt, quân Hán vấp phải sự kháng cự dũng cảm từ đội quân của các nữ tướng kiệt xuất như Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân… Tuy Mã Viện là một danh tướng nham hiểm, dạn dày chiến trận cùng với đội quân thiện chiến nhưng đã bị quân của Hai Bà Trưng chặn đánh tiêu diệt rất nhiều. Tại Hạ Lôi, Đồng Vỡ, Đồng Dai xác giặc chết chất thành đống.
Mặc dù quân của Hai Bà Trưng đã chiến đấu vô cùng quả cảm nhưng do quá chênh lệch lực lượng nên dần bị thất thế trong các trận giao tranh. Thế giặc càng mạnh hơn khi tiếp tục có thêm viện binh. Trưng Trắc quyết định rút khỏi Mê Linh để lui về thành Cự Triền hợp lực với cánh quân Trưng Nhị. Tại thành lũy Cự Triền, cuộc chiến rất cam go quyết liệt, cuối cùng thành Cự Triền cũng thất thế. Hai Bà Trưng buộc phải lui về cố thủ tại căn cứ Cấm Khê bên bờ sông Đáy. Tại đây cuộc chiến kéo dài thêm cả năm trời, quân lính cả hai bên đầu rơi máu đổ không kể xiết.
Đến tháng 4 năm 43 Cấm Khê thất thủ, Hai Bà Trưng cùng một cánh quân bị dồn về phía dòng sông Hát. Ngay bên bờ sông, quân lính của Mã Viện áp sát, hai bên cận chiến kinh hoàng. Cánh quân của Hai Bà Trưng dần yếu thế, bị ép lùi xuống dòng sông. Hai nữ tướng cùng với quân sỹ kiên cường chống đỡ, máu loang đỏ cả khúc sông Hát. Mặc dù Nữ Vương Trưng Trắc, Trưng Nhị và quân sỹ đã cạn kiệt sức lực, máu chảy đầm đìa vẫn quyết không hàng giặc. Cuối cùng, cả hai chị em Trưng Nữ Vương và đội quân đã rẽ nước đi vào dòng sông đỏ máu.
Sau khi Trưng Nữ Vương thất bại, Đào Nương tập hợp những quân sỹ còn lại, tiếp tục kháng cự. Đào Nương vốn rất xinh đẹp và võ nghệ cao cường, mới 20 tuổi mà nàng đã luyện được ngựa bất kham, bắt được voi trắng chéo ngà hung dữ. Trưng Nữ Vương từng phong cho nàng là Đào Nương Công Chúa và trao chức Phó Nguyên Soái. Vào một buổi chiều, Đào Nương cải trang rồi đến bên bờ sông Hát, nơi Trưng Nữ Vương cùng nhiều quân sỹ đã từng đổ máu nhuộm đỏ dòng sông chứ không chịu hàng giặc. Đào Nương quỳ bên bờ sông mà thề:
– Ta là Phó Nguyên Soái Đào Nương, hôm nay trước vong linh Nữ Vương Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các tướng sỹ. Ta thề sẽ sống mái đến cùng với lũ giặc Hán, quyết lấy máu Mã Viện để rửa nỗi đau này.
Mã Viện sau khi đánh thắng cánh quân của Trưng Nữ Vương đã kéo quân về thành Mê Linh để bắt đầu thực hiện cuộc cai trị, đồng hóa. Trong buổi tiệc mừng chiến thắng, Mã Viện mượn hơi men để ép các ca nương:
– Ta nghe nói Giao Chỉ có điệu hát Xoan hay lắm mà chưa từng được biết. Nay ta muốn được các ca nương Mê Linh thưởng đãi.
Đội ca nương buộc lòng phải thực hiện mấy bài theo điệu hát Xoan. Đào Nương đã cải trang thành ca nương, bí mật tiếp cận Mã Viện. Đến bài thứ hai, Mã Viện gật gù sai lính khiêng linh vật Tổ Pháp đến để ngồi gõ nhịp. Thấy vậy, phó tướng Lưu Long ghé tai can ngăn:
– Thưa Mã tướng quân, đó là linh vật Tổ Pháp chứ không phải là cái trống đâu ạ.
Mã Viện gắt lên:
– Ta biết, trên đời này làm gì có cái trống nào đúc bằng kim khí, làm gì có trống bằng đồng. Nhưng ta muốn làm cho dân Giao Chỉ từ nay coi linh vật Tổ Pháp chỉ là cái khí cụ mà quên đi văn hiến tổ tiên. Chừng nào dân Giao Chỉ nhìn linh vật Tổ Pháp mà ngỡ đó là trống đồng thì Hán tộc mới có cơ may đồng hóa được.
Nghe Mã Viện nói vậy, Đào Nương bước tới, cúi đầu nói:
– Thưa Mã Tướng Quân, ngài đã chinh chiến khắp nơi hẳn ngài cũng biết làm gì có cái trống nào làm bằng kim khí đồng thau. Đây là linh vật Tổ Pháp chỉ con cháu Lạc Hồng sinh ra từ bọc trăm trứng mới có được. Nếu Mã tướng quân coi đó là cái trống đồng thì e rằng…
Không để Đào Nương nói hết, Mã Viện trừng mắt gằn lên từng tiếng:
– Ta muốn từ nay người Giao Chỉ phải coi đây chỉ là cái trống đồng. Không có linh vật Tổ Pháp nào hết.
Nói xong Mã Viện cầm dùi nện vào hình thái dương trên mặt linh vật Tổ Pháp. Âm thanh phát ra nghe cứ thùm thụp như đấm vào ngực. Lúc sau Mã Viện lại lật nghiêng cầm dùi nện tiếp. Lần này âm thanh cứ loảng xoảng chát chúa. Điệu hát Xoan chưa xong mà linh vật Tổ Pháp đã vỡ toác.
Thấy vậy, Đào Nương không kìm nổi cơn giận, nàng thét lên và rút phắt mũi phi tiêu phóng thẳng vào Mã Viện. Nhanh như chớp, một tên lính ngồi bên đã kịp đổ người chết thay cho Mã Viện. Đào Nương lao ra ngoài, vọt lên ngựa tháo chạy. Cả đội kị binh của Mã Viện truy đuổi ráo riết. Đào Nương phóng ngựa chạy mãi, khi đến sông Nguyệt Đức giặc đã đuổi sát, nàng đành lao mình xuống sông tuẫn tiết.
Những tháng sau đó Mã Viện tiếp tục ép dân Giao Chỉ ở các quận huyện tổ chức nhiều cuộc vui và cuộc vui nào cũng không quên cho quân lính khiêng linh vật Tổ Pháp ra làm trống. Để mau chóng đạt được ý đồ đồng hóa, Mã Viện còn bày trò đúc ngựa đồng để dâng lên vua Hán. Tất cả thợ đúc đồng đều bị lùng bắt về quản thúc tại Mê Linh. Tiếp theo Mã Viện cho quân Hán lùng sục mọi nơi, các vật bằng đồng đều bị thu về để đúc ngựa.
Nhằm thực hiện đến cùng mưu đồ đồng hóa, Mã Viện bỏ công đi kinh lý khắp các quận huyện. Đến đâu Mã Viện cũng sắp xếp lại sở trị quản dân và tuyên bố với muôn dân biết ý định sẽ dựng cột đồng cầu mưa nắng thuận hòa cho cả vùng Giao Chỉ. Biết được Mã Viện có mưu đồ thâm độc thu gom tiêu hủy linh vật Tổ Pháp. Các Lạc hầu, Lạc tướng cùng người dân đang trưng thờ Tổ Pháp tại gia và các sở trị đều truyền nhau bí mật chôn dấu linh vật vào lòng đất. Họ tin rằng, mai sau hậu duệ Giao Chỉ sẽ tìm lại được linh vật Tổ Pháp để khôi phục văn hiến cội nguồn Lạc Việt.
1/10/2021
Trần Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...