Ba bài thơ xuân của thi sỹ Lưu Quang Vũ
Lưu Quang
Vũ (1948 -1988) là một thi sĩ tài năng trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Cuộc đời
ông như một pho tiểu thuyết đầy những biến cố gay cấn, hồi hộp và éo le. Tài
năng văn chương của ông trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ thơ ca đến kịch, từ
truyện đến tiểu luận. Nếu như kịch đem lại danh tiếng nổi như cồn trong thời kì
văn học đổi mới thì thơ lại chính là nơi tỏa sáng tâm hồn cao đẹp của thi sĩ
Lưu Quang Vũ. Ông là người có thể trở thành tri âm tri kỉ với độc giả bằng thơ.
Mùa xuân về độc giả yêu thơ lại nhớ Lưu Quang Vũ và đặc biệt nhớ tới những bài
thơ xuân của ông: “Hai bài thơ xuân” (I và II, viết vào xuân 1974),
và “Mùa xuân Mátxcơva” (không ghi năm sáng tác). Ba bài thơ xuân của nhà thơ
tài hoa tôi đọc được trong sách “Lưu Quang Vũ - Di cảo” (NXB Lao động, 2008).
“Hai bài thơ xuân” (I và II) được viết bằng
một cảm xúc run bật nhưng lại được tiết chế tối đa vì thế có cái vẻ tự tại mặc
dù thời điểm viết hai bài thơ này thi sĩ tài năng của chúng ta chỉ mới hai mươi
sáu tuổi. Hai mươi sáu tuổi đời nhưng dường như thi sĩ đã sống gấp nhiều lần
cái thời gian vật lí đong đếm được với mỗi năm là 365 ngày. Những câu thơ ngắn
nhưng có sức chứa lớn “Em ơi xuân lại trở về/Cành mận đầu vườn trắng buốt/Lưỡi
dao mới trong lò rèn đỏ rực/Hoa lửa hồng quanh chiếc đe xanh/Bàn tay em như gốc
cải mềm/Lau sương mù cửa kính”. Ở đây cảm xúc về tạo vật thiên nhiên hòa quyện
với cảm xúc về cuộc đời cần lao của những con người bình dị, đáng yêu và đáng
kính. Những người thợ thủ công bền bỉ bên cái lò rèn truyền thống để chế tác ra
những công cụ thô sơ nhưng thiết yếu với cuộc sống của người lao động. Và đặc
biệt hình ảnh cô gái, chắc phải là cô gái đẹp trong con mắt của thi sĩ, đẹp
nhưng chăm chỉ công việc sớm hôm và chăm chút cho ngôi nhà cũng có nghĩa là tổ
ấm của mình. “Bàn tay em như gốc cải mềm”, chỉ có Lưu Quang Vũ mới so sánh và
ví von như thế về bàn tay con gái (thường thì bàn tay con gái được các thi sĩ
ví như búp măng). Người ta nói nghệ thuật cần sự độc đáo chính là vậy. Tiếng ca
lao động khi mùa xuân đến đã cất lên ngay từ những dòng đầu của bài thơ xuân
thứ nhất. Nói cách khác Lưu Quang Vũ say mê ca ngợi mùa xuân lao động vì lao
động tạo nên loài người và các giá trị bền vững của đời sống. Cuộc sống vốn
chẳng bao giờ chán nản cũng có nghĩa là con người không bao giờ già cỗi. Trong
thơ mình Lưu Quang Vũ luôn luôn chú mục đến tuổi trẻ, sức trẻ coi đó là động
lực, là sức bật của của đời sống xã hội “Bao cực nhọc buồn lo/Chúng ta chẳng
cúi đầu già cỗi/Tháng giêng tới, mầm cây non bật dậy/Tiếng hát của mùa xuân bất
phục”. Nói đến mùa xuân là nói đến Tết, đến giờ khắc giao thừa đáng ghi nhớ của
một cuộc chuyển giao cũ mới theo quy luật của tạo hoá. Trong bài thơ xuân thứ
hai nhà thơ cũng như bao nhiêu người khác cảm thấy bồi hồi xúc động khi “Phút
giao thừa sắp sang/Phút chuyển tiếp nghiêm trang/Đất trời dường nín lặng”.
Trong giờ khắc quan trọng ấy thi sĩ lại nhớ đến Em, đến bàn tay của em “Bàn tay
nhỏ mến thương/Nối anh vào nắng rộng/ Mặt trời đứng yên, làm ra mùa xuân là
trái đất”. Ở bài thơ xuân thứ nhất hình ảnh bàn tay em như “gốc cải mềm” biết
“lau sương mù cửa kính” thì nay cũng bàn tay thân thương ấy đã lớn lên bội phần
vì biết “nối anh vào nắng rộng”. Như có một dự cảm tương lai tốt đẹp nên thi sĩ
đã hào hứng viết “Mùa xuân này phải bay về phía trước/Như con tàu vẫy gọi ta
kia”.
Trong Di cảo thơ Lưu Quang Vũ có những bài thơ
không trực diện viết về mùa xuân nhưng độc giả vẫn tìm ra những câu thơ hay về
mùa xuân, những câu thơ như được chắt lọc từ máu huyết của thi sĩ. Trong bài
thơ “Những bông hoa không chết” (1971) câu thơ “Chúng ta ra đi chiến tranh mùa
đông” (hàm ý mùa đông năm 1946 toàn quốc kháng chiến) được láy như một điệp
khúc (có đến 3 dòng thơ như thế) để rồi vỡ òa ra ngay sau đó “Ta sẽ trở về.
Thành phố mùa xuân”. Tháng 10 năm 1954 những đoàn quân chiến thắng về tiếp quản
giải phóng thủ đô Hà Nội vào tiết thu nhưng có thể coi đó là mùa xuân chiến
thắng (tương tự ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn
giải phóng). Thậm chí cả những người đã ngã xuống cũng cùng gọi nhau về đón
xuân “Những bạn bè đã chết/Cũng sẽ trở về như những bông hoa/Cắt xuân trước,
tháng giêng sau lại mọc/Những bông hoa không chết bao giờ”. Ngay cả khi gửi hồn
mình vào một mùa hè ran tiếng ve và nắng nồng nàn trong bài thơ “Những ngày hè
cuối” (1974) thì tâm thế của thi sĩ vẫn đinh ninh rằng dẫu cho cuộc sống còn
nhiều vất vả, thậm chí rối ren, rồi cuối cùng vẫn phải đến một ngày tươi sáng,
tốt lành “Còn mùa thu còn mùa đông/Đến mùa xuân em sẽ bế trong lòng/Một con người
nhỏ xíu”. Phải chăng niềm vui sinh thành là một trong những niềm vui lớn lao
nhất của con người trên cõi đời này?!
Ai đã từng đến nước Nga vĩ đại với một truyền
thống văn hoá lâu đời ắt sẽ không quên mùa thu vàng từng đi vào kiệt tác của
danh họa Lêvintan, lại cũng không thể quên mùa đông nước Nga mênh mông tuyết
trắng tinh khiết và càng lưu giữ kỉ niệm về mùa xuân nước Nga khi băng giá tan
dần phát lộ vẻ đẹp rực rỡ của trời đất cỏ cây. Mùa xuân khi băng tan sự sống
hồi sinh từng giờ từng phút. Tôi và nhiều độc giả vẫn còn nhớ những vần thơ
chan chứa tình người, niềm vui của nhà thơ Tố Hữu qua bài “Xtalingrat một ngày
xuân” (1972) viết tặng nhà văn C. Ximônôp, tác giả “Ngày và đêm Xtalingrat”.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ viết bài thơ “Mùa xuân Matxcơva”, hẳn cũng là cảm xúc sáng
tác sau một chuyến thăm nước Nga - xứ sở bạch dương - anh hùng và tươi đẹp.
Những câu thơ mở đầu đã gợi rất đúng cái quang cảnh và không khí của tạo vật
thiên nhiêu nước Nga vào mùa xuân bừng nở sáng rỡ sau mùa đông băng tuyết
“Matxcơva mùa xuân/Tiếng băng vỡ trên sông/Những công viên tuyết cuối mùa chưa
tan hết/Triệu mầm non đã nhú cành xanh biếc/Chim câu bay quanh vai tượng
Putskin”. Lắng nghe được tiếng băng vỡ trên sông, lắng nghe được tiếng tí tách
của những mầm non đang đâm chồi nẩy lộc là cái năng lực kì diệu mà tạo hóa đã
ban cho thi sĩ. Tuy không ghi ngày tháng năm sáng tác nhưng chúng ta có thể
phỏng đoán thi sĩ đến nước Nga vào cái hồi người ta bắt đầu nói đến cải tổ,
bằng chứng là “Mátxcơva mùa xuân này/Có gì giống với những ngày Maiacôpxki ra
quảng trường/Đọc những lời thơ bão táp/Giục mọi người tiến lên phía trước/Đả
đảo những gì cũ kĩ già nua”. Mátxcơva, trái tim của nước Nga, trong con mắt thi
sĩ đó là “Mátxcơva, vầng trán nước Nga/Trong mùa xuân những hi vọng tuôn
trào/Những trăn trở không yên, những kiếm tìm táo bạo”.
Người ta thường nói mùa xuân là khởi đầu một năm nên nó đồng nghĩa với cái mới. Cái mới của đất trời có sức kích thích, huy động tiềm lực của con người sống tốt hơn, đẹp hơn, mạnh mẽ hơn. Ai từng sang châu Âu sẽ thấy có muôn vàn cánh chim bồ câu ríu rít giữa bầu trời mùa xuân khoáng đạt. Một buổi sớm mai tinh khôi, rất có thể thi sĩ đứng giữa một quảng trường nào đó, bỗng thấy “Buổi ban mai ào ạt cánh chim bay/Khắp bốn phía mùa xuân náo động/Chồi non tơ đã xanh kín rừng cây/Đẹp hơn cả đất trời đang tô rạng/Bừng sáng Mátxcơva: Gương mặt những con người”. Mùa xuân trong thơ Lưu Quang Vũ đặc trưng bởi những âm thanh “náo động”, đó là một mùa xuân rộn ràng niềm vui, niềm hi vọng thiêng liêng vào tương lai tươi sáng. Vì nó mà con người sống, phấn đấu, cống hiến để có được hạnh phúc đích thực trong cuộc đời mình, để mỗi người đều có được “một mùa xuân nho nhỏ” của riêng mình.
Người ta thường nói mùa xuân là khởi đầu một năm nên nó đồng nghĩa với cái mới. Cái mới của đất trời có sức kích thích, huy động tiềm lực của con người sống tốt hơn, đẹp hơn, mạnh mẽ hơn. Ai từng sang châu Âu sẽ thấy có muôn vàn cánh chim bồ câu ríu rít giữa bầu trời mùa xuân khoáng đạt. Một buổi sớm mai tinh khôi, rất có thể thi sĩ đứng giữa một quảng trường nào đó, bỗng thấy “Buổi ban mai ào ạt cánh chim bay/Khắp bốn phía mùa xuân náo động/Chồi non tơ đã xanh kín rừng cây/Đẹp hơn cả đất trời đang tô rạng/Bừng sáng Mátxcơva: Gương mặt những con người”. Mùa xuân trong thơ Lưu Quang Vũ đặc trưng bởi những âm thanh “náo động”, đó là một mùa xuân rộn ràng niềm vui, niềm hi vọng thiêng liêng vào tương lai tươi sáng. Vì nó mà con người sống, phấn đấu, cống hiến để có được hạnh phúc đích thực trong cuộc đời mình, để mỗi người đều có được “một mùa xuân nho nhỏ” của riêng mình.
Hà Nội, tháng 12 năm
2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét