Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Nhà chật - Lưu Quang Vũ

Nhà chật 

Nhà chỉ có mấy mét vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.

Nhà chật như khoang thuyền nhỏ hẹp giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình.

Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn là em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được 
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui.

Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi
Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió
Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ
Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời.
Lưu Quang Vũ

        Tôi ở trong một khu tập thể ngót hai mươi năm, với bố mẹ tôi, thời gian còn dài hơn thế. Niềm vui lớn nhất với chúng tôi là đã xây dựng được một ngôi nhà rộng rãi của riêng mình. Vậy mà mẹ tôi đã khóc. Chẳng bao giờ tôi có thể quên vị mặn mòi của những giọt nước mắt ấy. Mẹ khóc vì nhớ cái không gian chật hẹp của gia đình tôi ngày xưa, nhớ những cái khẽ chạm khi mọi người đi lại trong nhà. "Nỗi buồn nhà rộng" và "Niềm vui nhà chật" của mẹ khiến tôi cứ nghĩ mãi. Những gì tôi cảm nhận về bài thơ "Nhà chật" của Lưu Quang Vũ cũng chính là cảm nhận về cuộc sống của bố mẹ tôi trong những năm tháng với căn nhà tập thể chật hẹp:
Nhà chỉ có mấy mét vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
        Ba câu thơ đầu tiên đã dựng lên đầy đủ, toàn cảnh bức tranh nhà chật. Chữ "chỉ" không những cho thấy sự ít ỏi về số lượng và dường như càng thu hẹp hơn"mấy mét vuông" hiện có của căn nhà. Liệu người ta có thể làm gì với không gian eo hẹp ấy? Thực tế là một cuộc sống lứa đôi vẫn được tổ chức và con người phải gắng lên tằn tiện đến từng milimét. Chỉ một cái lướt nhìn là có thể thấy được toàn bộ đồ đạc trong nhà ấy. Dẫu chẳng gọn gàng nhưng cần sự thấu hiểu cảm thông. Điều đáng quý là không vì nỗi chật chội của không gian sống mà tâm hồn con người trở nên chật hẹp, cằn cỗi. Vẫn có sách vở dẫu sách vở đó phải "xếp cạnh nồi"; vẫn treo tranh trên ô tường nhỏ mặc dù lẫn với áo quần và càng không thể ngăn được giấc mơ em. Những gì trong trẻo, thuần khiết, tính chất lãng mạn vẫn vút lên và tỏa sáng giữa cuộc sống thường nhật tưởng như rất đỗi trần tục đó. Bằng một thái độ lạc quan và hài lòng về cuộc sống, nhà thơ khẳng định:
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
        Câu thơ tiềm ẩn một niềm tự hào lớn lao.
        Chỉ mấy thước vuông thôi nhưng lại là mảnh đất gieo trồng cho cái cây hạnh phúc ngày một xanh tốt. Tình yêu đã vượt lên trên sự thiếu thốn, nỗi khổ về vật chất của con người. Đoạn thơ sau càng làm sáng tỏ hơn điều đó:
Nhà chật như khoang thuyền nhỏ hẹp giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
        Cách so sánh của Lưu Quang Vũ rất thực khiến người đọc dễ dàng có sự liên tưởng và thêm phần cảm thông. Tất cả sinh hoạt đều gói gọn trong khoang thuyền nhỏ- căn nhà nhỏ đó. Người chồng, người vợ cùng chèo chống để giữ vững con thuyền hạnh phúc của mình.
        Bởi lẽ "Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình" nên "Phải bỏ hết những gì không cần thiết". Thiếu thốn về vật chất thì thật nhiều nhưng tình yêu, sự sẻ chia bao giờ cũng tràn đầy ăm ắp:
Anh ngẩng đầu lên là em ở cạnh rồi.
        Bù lại cho nỗi khó khăn nhà chật là bao giờ con người cũng cảm thấy được gần gũi rất mực. Khoảng cách thực giữa họ không có nên cũng dễ dàng xóa đi những khoảng cách vô hình kể cả trong giây phút hờn giận:
Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn là em không thể quay mặt đi nơi khác
        Và anh cũng vậy, dẫu không muốn em phải bận lòng, nhưng:
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được.
        "Chỉ có mấy thước vuông" thôi nên họ "cùng khổ cùng vui". Còn hạnh phúc nào lớn hơn đối với một gia đình? Càng khó khăn, thiếu thốn, vợ chồng càng thêm thương yêu và gắn bó với nhau.
        Bài thơ được viết trong tình yêu thương của người chồng. Cách cảm đó là của người chồng thương vợ và mãn nguyện với hạnh phúc gia đình. Thương vợ bao nhiêu, người chồng càng thấu hiểu tâm tư vợ mình dù chỉ là qua ánh nhìn:
Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ
Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời.
Không một lời nói dù chỉ một lần bày tỏ niềm ước ao nhưng cái nhìn xa xăm của người vợ hướng về phía chân trời đã nói lên tất cả. Phải có độ nhạy cảm và cảm thông đến nhường nào thì người chồng mới thấy được mong muốn sâu xa, thầm kính ấy! Ẩn sau câu thơ là niềm day dứt vì cảm thấy chưa làm tròn bổn phận của một người chồng muốn tạo dựng một cuộc sống tốt hơn cho vợ, cho con. Cái đẹp của bài thơ toát lên bởi tình cảm gia đình đằm thắm. Nhà thật là điều có thực nhưng cũng là hoàn cảnh, là cái cớ để khẳng định hơn tình yêu giữa con người với con người. Có tới ba lần Lưu Quang Vũ sử dụng cấu trúc câu "Ta chỉ có mấy thước vuông..." như ngầm nhấn mạnh thực tế nhà chật thì cái nguyên lý đẹp đẽ ẩn dấu bên trong lại càng tỏa rạng. Những gì được nói tới trong bài thơ "Nhà chật" đã là kỷ niệm với nhiều người và cũng lại đang là thực tại với biết bao người.
Với bố mẹ tôi, thời đó đã trôi vào quá vãng, và Người chỉ biết nhìn vào những ngày xưa để sống cho đẹp hơn, êm đềm và hạnh phúc hơn trong ngôi nhà rộng của riêng mình.
 Lê Thùy Linh 
Báo Phụ nữ Việt Nam




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...