Sự thuyết phục của nhạc Trịnh
Đã từng nghe tiếng đàn của
Trịnh và giọng hát của Khánh Ly trong Ca dao mẹ, bất chợt gặp sự mượt mà chen lẫn
sự xót xa trong tiếng hát của Mỹ Linh khiến Ca dao mẹ như thêm sức nặng...
Trong không gian yên ắng tiếng
hát cất lên từ xa, người nghe không khỏi trào lên cảm xúc, hình dung được về
thân phận của con người nói chung và của người viết nên những ca từ nói riêng
lại “đanh” đến thế:Tiến thoái lưỡng nan/Đi về lận đận/Ngày xưa lận đận/Tiến
thoái lưỡng nan…”.
Phần song ca của Mỹ Linh và
Hồng Nhung
Gọi là nhạc Trịnh, là bởi
quá yêu Trịnh Công Sơn. Gọi là nhạc Trịnh, bởi thật khó để so sánh với bất cứ
dòng nhạc nào. Ông
đã có một gia tài âm nhạc đồ sộ và hồn nhiên tự tại đi vào tâm hồn. Có người đã
lấy âm nhạc của ông
làm triết lý sống. Số ấy không nhỏ. Và vì thế sự khe khắt ai hát nhạc Trịnh là
điều mà mọi người thường nhắc tới. Đã quen với giọng hát Khánh Ly như một bản
trầm buồn với thanh âm bảng lảng giữa một buổi chiều quá vãng, cũng có thể ở
đâu đó trong quán đông đúc tiếng nói cười lao xao lại có tiếng hát Khánh Ly, có
nhạc Trịnh. Ấy vậy, trên sân khấu Trịnh Công Sơn In the Spotlight, các nghệ
sĩ trong đêm diễn tối 3/1 đã mang tới một cách cảm mới về âm nhạc của ông.
Với khá nhiều người, hồ sơ
cuộc đời sẽ khó thiếu được những bản tình ca của Trịnh, bởi ở đó họ có tiếng
nói của tình yêu, của phận người ngắn ngủi. Như một tất yếu của cuộc sống, sinh
ra, lớn lên và mất đi. Cái mất mát trong tình yêu vốn dĩ đã đớn đau, cái mất
mát của chính bản thân mình mới là cái khủng khiếp nhất. Và hơn ai hết, sự trải
nghiệm khiến
âm nhạc của Trịnh gần với số đông nhất, để trong hàng loạt ca khúc người nghe
đã nén mình lại với những ca khúc “Ru”, là: Ru mãi ngàn năm (Hồng Nhung
thể hiện); Ru ta ngậm ngùi (Tùng
Dương thể hiện),Ca dao mẹ (Mỹ
Linh thể hiện). Mỗi một ca khúc cất lên là một lần người nghe như lọc lại cuộc
đời qua lăng kính cảm nhận của người nhạc sĩ tài hoa.
Tùng Dương (trái) chia sẻ đến
bây giờ anh mới có trải nghiệm để hát nhạc Trịnh một cách tự nhiên nhất
Có người nói, chưa bao giờ
người ta nhắc nhiều đến từ “trải nghiệm” như thế khi đến với đêm nhạc Trịnh
Công Sơn. Gạt bỏ sự khe khắt “ai là người hát nhạc Trịnh” để đến với nhiều giọng
hát hơn, lại càng thấy sự tác động của ca từ trong Trịnh là rất lớn. “Không phải
lúc nào Tùng Dương cũng lên đồng, cũng quái, mà Tùng Dương lúc này muốn đến một
cách tự nhiên nhất. Trong rất nhiều năm qua, Dương chưa có trải nghiệm để hát
nhạc Trịnh Công Sơn, tính đến nay sau rất nhiều năm ca hát, Dương hôm nay mới đủ
tự tin để hát những tình khúc của Trịnh”, ca sĩ Tùng Dương đã chia sẻ như vậy tại
đêm diễn. Với các ca khúc Một
cõi đi về, Vết lăn trầm, Ru ta ngậm ngùi… Tùng Dương đã để lại một cảm giác tự
nhiên, mộc mạc hơn ngày thường anh vốn “rất lên đồng”.
Sức nặng của triết lý sống
“Thân phận là hữu hạn, còn tình yêu thì vô cùng” rất dễ tìm thấy qua các ca
khúc Trịnh Công Sơn. Nói về sự hữu hạn của kiếp người, Hồng Nhung
có tiết lộ: “Có một ngày như thế anh ra đi đây là ca khúc nhạc sĩ viết rất chi tiết
về sự ra đi của mình. Nhưng sự ra đi được Trịnh viết một cách rất nhẹ nhàng: Về
cõi chiêm bao/Lìa những cơn đau”. Trả lại hết những đau đớn ở trần gian để có một
ngày/Bạc đầu tôi đi tôi đi…
Hồng Nhung rất đẹp trong "Đóa hoa vô thường"
Đã từng nghe tiếng đàn của
Trịnh và giọng hát của Khánh Ly trong Ca dao mẹ, bất chợt gặp sự mượt mà chen
lẫn sự xót xa trong tiếng hát của Mỹ Linh khiến Ca dao mẹ như
thêm sức nặng Mẹ
ngồi ru con tiếng hát lênh đênh/Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn/Mẹ dạy cho con tiếng
nói quê hương/Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng… Đâu đó dư âm bạc bẽo của chiến
tranh đã đè lên cả những lời ru. Ở Trịnh, ranh giới giữa cái trầm buồn và tươi
sáng là gần gũi. Khi thể hiện ca khúc Mưa hồng, Mỹ Linh cũng chia sẻ, đây là
ca khúc đầy triết lý nhưng rất đỗi trong sáng, cùng với bản phối của Hồng Kiên,
ca khúc trở nên mềm mượt lạ thường.
Trong thời điểm giữa cái chằng
chịt của những băng rôn chương trình với đủ chiêu trò, In
the spotlight như
một thông điệp giản đơn: chỉ có ánh sáng sân khấu để thu hút khán giả vào những
chương trình âm nhạc đích thực. Và thực tế, Trịnh Công Sơn - Gọi
tên 4 mùa, cũng là số thứ 5 của In
the spotlight đã
làm nên được điều đó. Sự trong sáng của ngôn từ, sự thanh khiết của chính tài
năng của người nghệ sĩ làm cho không gian âm nhạc trở nên thuần túy hơn. Đêm của
Trịnh được thăng hoa và thậm chí cả những phần chơi ngẫu hứng phối Rock, Jazz -
như một cách đưa nhạc Trịnh đến gần với nhiều người nghe hơn nữa.
Mỹ Linh mượt mà với Ca
dao mẹ
Nhạc sĩ Hoài Sa- trưởng nhóm
nhạc Best
Friend, người tham gia trong chương trình chia sẻ, anh thật sự có cảm xúc với
âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Khi hỏi anh có sợ phản ứng của khán giả bởi sự phá
cách trong âm nhạc của Trịnh, nhạc sĩ Hoài Sa nói: “Nếu làm việc một cách
nghiêm túc và chân thành thì không sợ, người nghe sẽ cảm nhận được”. Bởi vậy mà
đêm nhạc ở những cao trào được coi là thay đổi “màu” phối nhạc Trịnh lại nhận
được sự cổ vũ của khán giả. Dưới hàng ghế khán giả, ban nhạc Anh Em và Best
Friend đã nhận được những tràng vỗ tay liên tục. Đó hẳn
là sự thuyết phục của người nghệ sĩ khi mang tới một làn gió mới trong âm nhạc
của nhạc Trịnh tới khán giả.
Vẫn phong cách ấy, giọng hát
ấy, Chiều
một mình qua phố của
Tuấn Ngọc nghe bảng lảng hơn bao giờ hết
Đêm nhạc đọng lại ở phần cuối
chương trình là phần thể hiện của nghệ sĩ Tuấn Ngọc. Vẫn phong cách ấy thôi, giọng
hát ấy thôi - Chiều
một mình qua phố hay Dấu
chân địa đàng… khiến người nghe lạc vào thế giới Trịnh, mà đôi khi bắt gặp
trong đó sự cô đơn của những tâm hồn lại có tiếng nói đồng cảm. Sức nặng của âm
nhạc là vậy, của Trịnh điều đó lại càng sâu sắc hơn. Chính vì lẽ đó, khi cất
lên một lời ca của Trịnh nó cũng đơn giản như phận người, như Cát
bụi, như Một
cõi đi về và rồi đi
qua những ngậm
ngùi lại thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, chỉ là Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp
người!...
Bài: Ngọc Lan
Ảnh: Tuấn Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét