Tình Ca – Phạm Duy
Ban Mai
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi… (1)
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi… (1)
Lâu lắm rồi, tình cờ nghe lại bài hát xưa, lòng tôi buồn quay
quắt. Giai điệu cũ, gợi trong tôi bao kỷ niệm của một thời thơ ấu. Bài hát làm
tôi nhớ những đêm giao thừa của thuở còn để tóc bum bê, nhảy lò cò trước sân
cùng tụi bạn hàng xóm.
Những ngày cận Tết, cả nhà dọn dẹp, lau chùi, đánh bóng lư đồng để đón khách và đón anh hai, chị tư tôi đi học xa trở về. Tôi nhớ, tôi hãy còn nhỏ lắm, tôi và em kề được mẹ sai lau các cửa kính rồi rửa bộ tách trà mời khách. Mẹ dặn kỹ bộ trà Nhật dễ bể, mấy đứa nhẹ tay thôi. Vậy mà cũng không xong. Tôi cũng không hiểu vì sao bình trà vỡ toang. Con em mặt xanh lét, sợ mẹ la, nó đỗ thừa cho tôi. Tôi đứng chết trân nhìn con em run như cầy sấy. Mẹ xót của la một trận tơi bời vì tính cẩu thả, tôi giận nó khóc vùi đêm đưa ông Táo về trời.
Những ngày cận Tết, cả nhà dọn dẹp, lau chùi, đánh bóng lư đồng để đón khách và đón anh hai, chị tư tôi đi học xa trở về. Tôi nhớ, tôi hãy còn nhỏ lắm, tôi và em kề được mẹ sai lau các cửa kính rồi rửa bộ tách trà mời khách. Mẹ dặn kỹ bộ trà Nhật dễ bể, mấy đứa nhẹ tay thôi. Vậy mà cũng không xong. Tôi cũng không hiểu vì sao bình trà vỡ toang. Con em mặt xanh lét, sợ mẹ la, nó đỗ thừa cho tôi. Tôi đứng chết trân nhìn con em run như cầy sấy. Mẹ xót của la một trận tơi bời vì tính cẩu thả, tôi giận nó khóc vùi đêm đưa ông Táo về trời.
Áp Tết, chị em tôi xúm ra ngoài ngõ ngồi châu đầu bên nồi
bánh tét để nghe anh hai kể chuyện ma. Đêm khuya trời lập xuân se lạnh, đứa nào
cũng run lập cập. Nhìn cả dãy phố nhà nào cũng giống nhà tôi. Dọc con đường bập
bùng ánh lửa thơm mùi nếp chín, nhấp nhô đầu người. Trẻ con lăng xăng chạy qua
chạy lại. Mấy ông bà lão ngồi trên vỉa hè nhai trầu, nói chuyện râm ran.
Năm nào cũng vậy, ba mua một nhành mai lớn cắm giữa phòng
khách, chị em tôi xúm xít treo thiệp chúc xuân, anh tôi giăng những vòng đèn nhấp
nháy. Mẹ tôi thích chưng hoa cúc đại đóa, hoa hướng dương. Chị tôi lại thích hồng
nhung. Còn tôi cũng để một chậu chân chim bé xíu trên bàn học. Bàn thờ Phật phải
là hoa sen trắng, bàn thờ ông bà là hoa huệ. Nhà tôi tràn ngập các loài hoa đủ
màu.
Chiều ba mươi Tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa, chị em tôi tắm gội
tẩy trần. Bé út như mèo sợ nước cũng khoái chí ngâm mình trong làn nước ấm. Nồi
nước tắm thơm mùi lá chanh, lá bưởi chị tôi mua sẵn ngoài chợ lúc chiều. Như một
nghi lễ, ai cũng muốn thân thể mình trong sạch đón năm mới. Những đêm giao thừa,
chúng tôi chen lấn trên cái giường đôi khá lớn xem ti vi, chờ giờ khắc thiêng
liêng. Ba mẹ chuẩn bị bàn thờ cúng rước ông bà và mâm ngũ quả cúng giữa nhà, cả
cái giếng ở góc sân ba cũng bày một mâm cúng hà bá. Mùi nhang trầm lan tỏa khắp
nhà. Tôi hỏi ông hà bá mà cũng biết ăn hở ba. Ba la, nói tùm bậy, con nít không
nên vô lễ với trên trước. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy.
Anh hai tôi có trọng trách đốt pháo, mấy chị em chạy theo anh
lên sân thượng, nhìn anh treo những phong pháo nối dài. Tí tửng vỗ tay, sau đó
tranh nhau chạy xuống cầu thang, nép mình bên nhau hồi hộp chờ tiếng pháo nổ.
Những tràng pháo nổ giòn vang nối tiếp từ nhà này sang nhà khác, mang niềm hân
hoan đến cho mọi người. Thỉnh thoảng những cái pháo tống to tổ bố nổ đùng đùng,
ù cả tai. Khói pháo mù mịt tràn ngập thành phố. Cu út bao giờ cũng lăng quăng
chạy mò xác pháo, tìm xem có cái pháo đẹt nào chưa nổ để nó châm ngòi. Những
cái pháo đẹt ấy, chỉ xịt ra một chút lửa, cu cậu đã thích chí la toáng lên rồi.
Trong cái se lạnh của năm mới, lòng ai cũng lâng lâng một niềm vui khó tả. Tôi
thích dậy sớm sáng mồng một để mặc đồ mới, sắp hàng chờ mẹ lì xì và chờ những lời
chúc Tết của ba. “Năm mới thêm một tuổi các con phải ngoan, học giỏi.” Ba tôi
luôn giữ nếp nhà. Nhưng nếp nhà của ba, liệu sẽ ra sao khi đàn con khôn lớn,
khi xã hội đổi thay?
Tôi còn nhớ, mồng một Tết mẹ thường căn dặn chị em tôi không
được chạy qua hàng xóm xông đất, người ta cữ. Có chuyện gì cả năm họ đổ thừa.
Xác pháo đỏ thắm tung đầy sân, mẹ cũng chờ xong ba ngày Tết, chúng tôi mới được
quét dọn. Sáng sớm mồng một, cả nhà đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu xuân, xin xăm,
rồi đi chúc tết ông bà.
Tôi còn giữ tấm hình cả nhà chụp chung Tết năm 75 như một báu
vật. Ba mẹ tôi đứng giữa mỉm cười hạnh phúc, đàn con xếp lớp đứng theo thứ tự
toét miệng cười tươi. Tấm hình đó giữ hộ cho chúng tôi tất cả sự yên lành của một
thời niên thiếu.
Rồi thời đại thay đổi. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng đổi thay.
Tôi nhớ những năm đầu hòa bình, cuộc sống gia đình tôi chừng
như đảo ngược. Ba mẹ tất tả ngược xuôi. Tôi không hiểu gì cả. Ba “không được
lưu dụng.” Cũng như cậu, dượng cũng “không được lưu dụng,” dù họ tài hoa. Cậu,
dượng về quê cày cuốc kiếm sống. Thơ phú, hội họa gác trên chái nhà. Đêm đêm
làm bạn với chiếc radio nghe lén thời sự nước ngoài. Riêng ba tôi vẫn ở lại
thành phố, ông nỗ lực tự làm việc theo cách riêng của mình. Những công việc trước
đây ba không hề nghĩ đến. Tôi vẫn nhớ tiếng cửa sắt ken két lúc nữa đêm ba lách
mình ra khỏi nhà lên rừng mua song mây hay làm thủy lợi, trồng rừng… cho dù mưa
hay nắng, cho dù trời lạnh như cắt da. Ba nói ba khổ cực chỉ mong các con học
thành người, sau này không ai ăn hiếp. Ba dạy chúng tôi làm người không được sống
quỳ. Tôi biết chị em tôi đã may mắn lắm. Mấy đứa bạn tôi, tan tác khắp nơi. Có
đứa bỏ học nữa chừng theo nhà đi kinh tế mới, dù ba nó đi cải tạo chưa về. Có đứa
thi đậu đại học mấy lần, mà lần nào cũng không được đi học vì lý lịch “quá
đen.” Trong lớp, nhìn qua nhìn lại tự dưng thấy thưa dần, tụi nó biến mất trong
im lặng.
Đã hết rồi những tiếng cười trong như pha lê của lũ bạn tôi
vang vang trên bờ biển vắng. Đã hết rồi những ước mơ ngông cuồng làm nhà du
hành vũ trụ, nhà bác học tài ba.
Con người như mầm cây luôn cần không khí và ánh sáng, tự dưng
bị chụp kín bốn bề. Mầm cây muốn sống phải vươn ra ngoài ánh sáng cho dù bị bầm
dập đau đớn hay bị đứt gãy nữa chừng. Đó là quy luật của cuộc sống không gì
ngăn cản được
Sau này tôi mới hiểu vì sao trong giai đoạn đó, ba luôn luôn
nói thích ăn cơm cháy.
Nhà đông con, cơm trộn mì vẫn không đủ bữa ăn. Ba luôn nhường
nhịn cho con mình ăn trước, và cứ nói ba thích ăn cơm cháy. Mỗi lần nghĩ lại
tôi muốn ứa nước mắt. Trước đây ba tôi có bao giờ thích cơm cháy đâu. Nhà có
người làm, nhưng mẹ vẫn thích tự lo cơm nước tươm tất cho ba. Tôi nhớ, nhà ưa
đãi tiệc, ba thường dẫn đi ăn tiệm cuối tuần. Chưa bao giờ chúng tôi tưởng tượng
có ngày phải ăn cơm trộn khoai mì.
Xưa kia, mẹ làm y tá. Ở nhà mở tiệm thuốc Tây bán theo toa
bác sĩ. Bây giờ phải lén lút bán thuốc chữa bệnh như đi ăn trộm, sợ công an đến
hỏi thăm bất ngờ.
Ba bực bõ nhất quyết không chịu thua. Ba tìm cách mở quầy bán
sách cho mẹ trông và cũng có sách cho con mình đọc. Tôi nhớ sách thời đó, toàn
là sách của Liên xô gáy cứng giấy trắng in đẹp. Không hiểu tại sao, được vài
năm nhà tôi bị kiểm kê không cho bán sách nữa.
Tôi thích đọc Bông Hồng Vàng của Pautôpxki, Cánh Buồm Trắng của
Aimatôp, Chiến tranh và Hòa bình của L. Tônxtôi… còn sách của Việt Nam, Hà Nội
in giấy vàng xỉn, đen thui, toàn là Chị Út Tịch, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi… tụi
tôi đọc chán ngắt. Tôi cứ tiếc tủ sách Tuổi Hoa tôi thường đọc ngày trước nào
là hoa xanh, hoa đỏ, hoa tím, tạp chí Thiếu Nhi của Nhật Tiến, Ngàn Thông của
Quyên Di, Tuổi Ngọc của Duyên Anh, với những hình vẽ của họa sĩ Vi Vi mà cả thảy
chúng tôi đều yêu thích…rồi truyện tranh Tin Tin, Phan Tân – Sỹ Phú, Lữ Hân –
Phi Lục, Lucky Luke, Astérix – Obélix, truyện dịch, tủ sách Tự lực văn đoàn, tủ
sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê… những quyển sách lý thú một thời tôi say
mê, không hiểu sao nhà nước lại tịch thu.
Tôi nhớ những đêm khuya ba ngồi canh chị em tôi học thi, mẹ
đem cho chúng tôi từng ly sữa. Nhiều hôm học mệt lười biếng tôi ngủ. Bỗng thức
giấc khi thấy ba bỏ mùng, hay đập tôi dậy vì ngủ gục.
Nếp nhà của ba mẹ, chị em tôi luôn cố gìn giữ. Cho dù mỗi người
một cuộc đời thăng trầm với nhiều chí hướng.
Ngôi nhà ngày xưa nay không còn nữa, nó đã thuộc về một người
chủ khác. Ba tôi cũng đã mất rồi. Nhưng những kỷ niệm của gia đình tôi trong
mái nhà xưa mãi là điều thiêng liêng mà chị em tôi vẫn luôn gìn giữ. Tận trong
sâu thẳm chúng tôi biết ngôi nhà cũ mãi mãi toả sáng, nó luôn trở về trong giấc
mơ tôi.
Tôi nhớ những cánh mai vàng nở sớm, rung chậm rãi trong không
gian hiu hắt của đêm, những cánh mai nhỏ xinh xắn vẫn còn vàng lịm trong trí nhớ
tuổi thơ tôi.
Tôi nhớ căn nhà bên rẻo biển của mình, những đêm khuya gió thổi
rào rạt, hương muối mặn nồng. Tôi nghe rõ tiếng sóng vỗ vào bờ cát, như tiếng
ru êm của mẹ vỗ vễ giấc khuya. Tôi nhớ tiếng ghe thuyền đánh cá, tiếng í ới của
các ngư dân ra khơi sớm và cả tiếng con thằn lằn tặc lưỡi trên bức vách đầu
đêm.
Nhớ ơi là nhớ cầu thang ba làm ngoài trời để đón gió biển,
tôi thường ngồi lặng hàng giờ để ngắm mặt trời lên hay ngắm mặt biển dát vàng
những đêm trăng sáng.
Có ai trong cuộc đời không một lần ao ước trở về thời bé dại:
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu…(2)
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu…(2)
Nhưng những ao ước trở về của chúng tôi vượt qua giấc mơ tuổi
nhỏ, vượt qua nỗi ham muốn trở về với quá khứ tuổi hoa niên, chỉ giản dị là ước
muốn trở về với một xã hội đạo đức, lương thiện, nồng ấm tình người.
Cuộc sống, tôi biết, là những vòng quay, rồi có lúc con người
cũng trở về nơi chốn cũ. Có những sự trở về thật tình cờ trong tâm tưởng, bất
chợt từ một giai điệu bài hát, một hình ảnh thân quen hay một mùi vị gợi nhớ…
giúp ý thức những mất mát của thời đã qua. Cũng có sự trở về như những chuyến
hành hương để được tắm trong nỗi buồn vui được mất của kiếp người cùng màu da,
ngôn ngữ.
Nhưng, cũng có sự trở về đầy khó khăn, trăn trở trong ước muốn
thầm lặng mà quay quắt, cùng nhau xây lại ngôi nhà mà cha ông đã gây dựng. Dù
biết chắc con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai, con người vẫn muốn trở
về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét