Bùi Giáng (1926-1998):
Những người trong gia tộc họ Bùi nhận xét, người vợ Bùi Giáng khá xinh đẹp, cởi
mở, vui tính - nhưng rồi bà không ở lâu với người chồng.
Bùi Giáng là một hiện tượng độc đáo của thi ca Việt Nam hiện
đại, một nhân vật văn học đặc biệt mà dấu ấn ấy thể hiện rất rõ trong thơ của
ông - nhất là lục bát. Ông đã viết nhiều thể loại, về thơ có trên 10 tập thơ
như Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Đêm ngắm trăng, Như sương…; về
triết học ông viết Tư tưởng hiện đại, Thế nào là siêu thực…; đã dịch Khung
cửa hẹp (André Gide), Hoàng tử bé, Cõi người ta (Saint Exupéry)
v.v…
Nói đến mối tình đầu của Bùi Giáng quả là không dễ dàng. Bởi
lẽ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phát biểu chính xác: “Ở cõi đời này, anh đã đến,
đã sống và đã rơi vào một cơn hôn mê bất tận. Anh nói cười bằng một thứ ngôn ngữ
xa lạ với thế gian và từ đó sinh ra ngộ nhận. Ngộ nhận gây nên đớn đau và cũng
từ phía đớn đau ấy anh như kẻ đắm tàu mang đi cùng mình một nỗi tuyệt vọng bất
khả tư nghì”. Nhưng đó là chuyện sau này, chứ thời trai trẻ Bùi Giáng đã có lúc
chưa chìm vào cơn hôn mê, ông tỉnh táo và cũng yêu và…cưới vợ.
Em trai Bùi Giáng là ông Bùi Công Luân có kể lại: “Con đường
tỉnh lộ, nối liền quốc lộ 1 và mỏ than Nông Sơn, đi qua làng tôi ở cây số 15-
làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Quãng năm 1945, khi tôi
lên 6 thì anh Bùi Giáng lập gia đình, anh cỡ 19 tất nhiên tôi còn quá nhỏ
để có thể ghi nhớ được thật chắc chắn về ngày cưới; ngoài hình ảnh là những cô
gái lạ áo quần màu sắc, môi son má phấn, và nhất là những đôi guốc gót cao. Sau
ngày cưới anh Giáng dọn ra riêng. Bỏ xóm làng, anh đi thật xa về hướng Tây, tận
vùng núi rừng. Anh đi về Trung Phước- ba mẹ tôi có một ít ruộng đất, vườn tược
tại đây”. Có lẽ, đây là những ngày tháng êm đềm ít ỏi mà Bùi Giáng đã có được.
Nhưng rồi, cô vợ mới cưới đã không chịu được tính nết của một người mà sau này
đã viết được những dòng thơ bát ngát:
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Em trai Bùi Giáng đã kể lại chi tiết khá thú vị: “Nhưng chỉ một
thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ phải lặn lội từ cái thung lũng ngoại
mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngắt, về nhà bố mẹ chồng
ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số. Trên chiếc ghe nhỏ, chàng trai nói với
người vợ trẻ: “Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ, thì tôi sẽ…
nhảy ra khỏi đò!”.
Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ.
Để nguyên quần áo, ngay lập tức chàng “đem mình gieo xuống giữa dòng” sông Thu.
Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước mấy chục cây số, tới tận bến
nhà. Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi:
- Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho
con mua cá, mua thịt.
Cũng như những đôi lứa khác, sau đó họ lại làm lành với nhau.
Những người trong gia tộc họ Bùi nhận xét, người vợ Bùi Giáng khá xinh đẹp, cởi
mở, vui tính - nhưng rồi bà không ở lâu với người chồng:
Đùa với tuyết, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa
Sương buổi sớm nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu
Năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn
quyết liệt, gia đình Bùi Giáng tản cư về Trung Phước. Những ngày tháng này, người
vợ trẻ của ông bị bệnh nặng và đột ngột qua đời. Từ đó, Bùi Giáng sống một
mình, một cõi, làm thơ, viết văn như một người mộng du đi qua trần gian này.
Có điều, Bùi Giáng vẫn tiếp tục… yêu. Ông yêu thâm trầm, tinh
quái, bỡn cợt nhưng không kém dữ dội. Ngay ở trang đầu của tập thơ đầu tay Mưa
nguồn (in 1962) ông đã trân trọng viết: “Tặng ba người con gái chiêm bao ở bờ cỏ
Phi Châu” rồi yêu cả những trang quốc sắc nổi tiếng như Sophia Loren, Brigitte
Bardot, Marilyn Monroe… Hầu hết những ngôi sao màn bạc này đều được ông làm thơ
tặng!
Bàn chân rớt xuống con đường
Té ra nương tử là nường Lyn Rô.
Thậm chí cả Cléopâtre cũng nằm trong nỗi nhớ của ông:
Biển dâu còn mất chân người
Em hoàng hậu trắng em ngồi trong sương
Em về Ai Cập yêu thương
Ra ngoài phát tiết chán chường anh hoa
Sóng ầm La Mã trào qua
Triều dâng ngập mất dấu tà xiêm xanh
Anh về nhớ suốt năm canh
Nhưng có lẽ, người mà ông yêu nhất vẫn là “cô em mọi nhỏ” mà
trong thơ ông từng gọi lên nhiều lần rất đằm thắm, âu yếm:
Làm sao nói được tình yêu
Từ em mọi nhỏ diễm kiều kim cương
Người đi lạc phố lầm phường
Kẻ về bối rối nghìn phương mây trời.
Trong những người yêu ấy, không rõ có ai “hồi âm” lại cho ông
không? Riêng nữ nghệ sĩ Kim Cương được ông gọi là “Thánh nữ thiên tài” và làm
nhiều thơ ca ngợi nhan sắc. Nghệ sĩ Kim Cương có kể lại:
“Làm thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ
Đó là một trong vô số thơ Bùi Giáng đã làm cho tôi. Quả thực
chưa một người nào yêu tôi và thủy chung với mối tình của mình đến thế. Cách
đây bốn mươi năm, tôi được giới thiệu với một người là giáo sư ở Đức về (?):
Bùi Giáng. Ông thẳng thắng đạt vấn đề muốn tiến tới hôn nhân. Tôi từ chối. Bùi
Giáng nói xin cho một người cháu thay thế ông. Ông khoe cháu ông thông minh và
học giỏi, hỏi tôi có bằng lòng chờ đợi cháu ông học xong không. Tôi nói phải
cho tôi gặp mặt rồi mới quyết định ưng hay không. Sau đó, ông mang tới một…cậu
bé 8 tuổi! Trong cái điên của ông tôi cũng học được nhiều chuyện”. Vậy đó,
trong cơn hôn mê bất tận Bùi Giáng đã yêu:
Niềm vui bất tận cứ tuôn
Xuân xanh bát ngát mười phương phập phồng
Và cho dù không ai yêu lại, nhưng các giai nhân ấy đều kính
phục và ngưỡng mộ tài năng của ông.
Tài liệu tham khảo: Các tác phẩm thơ của Bùi
Giáng; Chớp biển do gia đình thực hiện nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh
Bùi Giáng.
Lê Minh Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét