Từ lâu lắm Trịnh Công Sơn được giới ái mộ trao tặng danh hiệu
là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận.
Họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Bửu Ý,
Siphani và nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn - Sài Gòn 1972
Anh lớn lên bằng tuổi chiến tranh đứt rồi lại nối, chiến
tranh dai dẳng và cùng khắp đến nỗi đứng ở tọa độ nào trên đất nước cũng thấy
và sống chiến tranh, từ đó người chiến sĩ dấn thân tự đề ra cách thế sống và
hành động phù hợp với sở nguyện mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn. Thế đứng trước
nay ở miền Nam của anh, tối thiểu, không hại cho uy tín và sự nghiệp của anh. Lịch
sử đất nước lật hẳn sang một chương khác, trước sau anh vẫn an nhiên "Ðôi
khi một người dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi" (Tự
tình khúc) hay ít nhất anh giữ an nhiên cho nghệ thuật của mình. Anh đi vào nhạc,
anh bước xuống đường, y như người ta hít thở. Và nói như thế, không có nghĩa
anh phó mặc đời, mà có nghĩa là anh gieo trồng vào những luống đã tự đào sẵn,
không phải ngoái lui, không cần xóa đi làm lại. Nay nhạc và lời của anh, nếu có
chuyển đổi chẳng qua vì tâm hồn đến tuổi đổi mùa. Cần nói thêm rằng cái an
nhiên là món quà lưu chủ của đời, sau khi khổ chủ đã hoàn trả cho người - người
tình, người bạn, người đời - những hơn thua, ngộ nhận, thị phi.
Nhạc của Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài hát không chỉ
là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương khúc của truyện
dài không có kết thúc, vẫn mở ra như một vết thương, một vết thương người, một
vết thương thời đại, vết thương thiết thân, phải cưu mang và lưu truyền.
Nhưng không có đoạn truyện nào kết thúc có hậu như trong truyện
cổ tích, mà ngược lại đó là những loại Tình sầu, Tình xa, Tình vơi. Không
còn là cái đẹp của đối xứng, vuông tròn, thủy chung. Bởi cùng nhau tắm gội
trong biển bấp bênh của thời đại, con người xót xa khám phá ra cái đẹp chông
chênh, cái ma lực của chén đắng. Ðời dành riêng cho kẻ nào đã lên tới đỉnh buồn
và xuống tới vực thẳm, một đôi mắt bên trong để nhìn ra những vẻ đẹp của mặt đất,
của nghịch lý khiến cho y nhận chân cái tất yếu của cô đơn, cái hào quang của
thất bại, cái quyến rũ của triền dốc. Con người sinh ra là đã thua cuộc, vấn đề
còn lại của con người, vấn đề hoàn toàn nguyên vẹn, là khoác lên sự thua cuộc ấy
một gương mặt người do từng cá nhân đắp dập lấy. Theo chiều hướng này, ta sẽ mục
kích hàng hiên phô bày toàn chân dung lập thể: hoặc thiếu mắt thừa môi, hoặc mặt
lật vào trong mà dạ để ra ngoài.
Nguồn cảm hứng khơi mạch từ đó, rất dễ rơi vào chỗ sướt mướt,
ê chề, rất dễ đưa tới trạng thái buông thả, quy hàng... là những gì nhiều người
từng quy nạp cho ca khúc Trịnh Công Sơn. Ðành rằng vài tình cảm ấy không hoàn
toàn vắng bóng, và đậm nhạt khác nhau từng nơi, từng lúc, nhưng nghiễm nhiên được
biến chế, vượt qua, đủ để ta nhận ra đó không còn là những tình cảm hoàn cảnh
mà là những tình cảm bản chất cần được khẳng định và hóa kiếp thành đức tin, động
lực phản kháng những giới hạn của con người. Không những thế mà thôi, ta phải
nhặt nhạnh những tàn phai, tóc trắng, tan tành theo giọt mưa, hạt bụi, lăn lóc
như hòn cuội, không ngạc nhiên trước những tráo trở, lật lọng, chấp nhận gươm
giáo, nọc độc, gọt tỉa màu mun của đêm, vốc bùn sóng sánh, phải nâng niu những
vết thương cùng nét xanh xao, hao gầy, cám ơn những mối tình tơi tả, phải thương
yêu nỗi chết... dung nạp tất cả vào lòng và bện thành tấm áo giáp, thứ áo giáp
mặc trong.
Trịnh Công Sơn là người khát sống. Anh muốn sống nhiều nơi
cùng một lúc, ngồi nơi này, nhớ nơi kia, muốn sống gấp đôi sợ không đủ thì giờ,
lắm lúc không phân biệt ngày với đêm. Anh thích những chuyến tàu xuyên suốt, những
chuyến xe đỗ rồi lại đi, anh thích rút ngắn không gian giữa rừng với biển, giữa
đó anh tha hồ sống với ghềnh, bãi, lũng sâu và núi, tháp, cánh đồng, anh muốn
rút ngắn thời gian giữa lạ với quen và xua tan những cánh dơi thù nghịch.
Hình ảnh phố phô mình phân rãi trong ca khúc anh: phố
xưa (Khói trời mênh mông), phố hẹn (Khói trời mênh mông), phố
xôn xao (Yêu dấu tan theo), phố rộng (Tưởng rằng đã quên), phố
thênh thang (Quỳnh hương), phố cao nguyên (Lời thiên thu gọi), phố
nọ (Ðêm thấy ta là thác đổ), phố xa lạ (Bên đời hiu quạnh)... Phố
như là nơi triển lãm của sự sống, một đại hội đời, một nơi tập cư đủ mẫu người,
một bãi thí nghiệm bao thế thái nhân tình làm thỏa lòng con người nào muốn sưu
tập con người. Do những hình ảnh phố xá như thế này, có người bảo: Trịnh Công
Sơn thích lui tới những nơi đô hội. Ðiều này đúng một phần, bởi lẽ: anh thích
những nơi có bóng dáng con người, anh thèm tiếng người hơn là cõi vắng lặng,
nhưng điều cần nói thêm, là: anh ước mơ hình ảnh xã hội được đô hội hóa chứ
không phải là sa mạc hóa, và được đô hội hóa thường trực, sao cho ngày ngày
hàng cây thắp lễ lạc trên tầng lá xanh, lễ lạc trên từng nẻo đường, khắp mọi nhà
và trong mỗi con tim.
Trí óc và cảm xúc của Trịnh Công Sơn phù hợp với tổng hợp hơn
là phân tích, nghiêng về kết hợp hơn là phân chia. Hình ảnh chiếc cầu đối với
anh là một lời mời gọi cất bước sang bên kia, đồng thời chuyển biến bên kia
thành bên này và ngược lại. Băng qua cầu là để sống với bên kia và nhớ bên này.
Trong nỗi sống đã tượng hình nỗi nhớ. Người đi trên cầu không những nhìn ôm cả
hai phía mà có thể nhìn cút bắt với những khuỷu sông thấp thoáng ẩn hiện, cấu tạo
dần dần trong tâm khảm cái dự cảm lìa xa, mất mát.
Tình yêu. Quê hương. Thân phận. Làm sao nói về những vấn đề
này bằng lời hát và chuyên chở bằng nhạc, những ưu tư thường trực của mọi người
và được mọi người ít nhiều nói đến? Trịnh Công Sơn có cách nói riêng, bằng lời
và bằng nhạc. Lời tách riêng, đó là những đoạn thơ hoặc là truyện thơ tâm sự về
giọt mưa, giọt nắng, về một vùng biển đầy ắp sự vắng mặt... Nhạc tách riêng có
khi nhún nhảy như loại đồng dao hay thanh bình ca, có khi lại rất thích hợp với
ánh đèn màu và khói thuốc của vũ trường, cũng có khi dòng nhạc Trịnh Công Sơn gần
gũi với thánh ca thanh thoát...
Tình yêu, với Trịnh Công Sơn, là diễm tình. Trước hết là phải
đẹp, đẹp trong từng lời bội bạc, bước chân quay gót, trong dang dở và tan vỡ. Sẽ
không có mối tình rách rưới hay nhầy nhụa, sẽ không có mối tình than khóc lâm
ly, sẽ không có luôn cả đau khổ, hoặc nếu có chăng nữa thì đó là một nỗi đau khổ
đã đành, dành sẵn, và cần được siêu sắc nuôi dưỡng cái giống nòi tình. Cái đẹp ở
đây là cái đẹp siêu thực, tức là ít nhiều nhuốm màu sắc ý chí của kẻ chủ trương
và đồng thời nhạt bớt hương vị của thường tình. Tình yêu lên ngôi. Một đỉnh
chiêm ngưỡng đúng hơn là một điểm hẹn. Ðối tượng tình yêu trở thành ý niệm. Trịnh
Công Sơn nguyện làm kẻ hái lộc chứ không phải hái trái. Lộc nõn và luôn cả lộc
xoang ngọn tố trở trời. Tình yêu được thăng hoa để trở thành điểm ngắm. Nó vượt
qua cái riêng tư, vị kỷ. Như Ðức Giáo hoàng của "ái tình giáo", người
nghệ sĩ lớn tiếng hô hào mọi người "Hãy yêu nhau đi". Ðây là lời thần
chú mở cửa địa đàng. Ðây mới thật là tình yêu cứu rỗi. Yêu trong một tình yêu rộng
lớn, chung cùng. Như mỗi giai điệu trong đại hợp tấu. Yêu nghĩa là tỏa sáng. Phần
nào giống như thủ pháp nhuộm mây nẩy trăng theo cách gọi của Thánh Thán (Vẽ mây
đẹp để làm nổi trăng), Trịnh Công Sơn ca ngợi tình yêu bằng cách vẽ ra vùng ảnh
hưởng của tình yêu qua giọt nắng thủy tinh, cây cầu, hạt mưa, hàng cây chụm đầu
vào nhau... Khi vẽ ra áo xưa lồng lộng chẳng hạn, tác giả không vẽ vạt áo, mà vẽ
kỷ niệm, vẽ không khí và hơi hám của áo.
Ðó là những khối tình nở ra trong khói lửa, như những cánh
hoa xương rồng giữa khô cằn gai góc. Bóng đen chiến tranh càng làm cho tình yêu
thêm phần gấp gãy.
Quê hương nổi bật ở hai nét lớn: nghèo và chiến tranh. Cái
nghèo của quê hương thì có lắm truyện để nói, để tả, để mủi lòng. Cái nghèo còn
là hậu quả của chiến tranh. Dứt chiến tranh là cứu giải cái nghèo. Và chiến
tranh diễn ra không phải ở chiến trường, không phải do những người cầm súng, nó
diễn ra ở bàn tròn, ở trong đầu óc những con người mua bán chiến tranh. Những
bài hát trong hai tập Ca khúc da vàng và Kinh Việt Nam, cũng
theo phép nhuộm mây nẩy trăng như có nói ở trên, nhưng ở đây được trưng dụng những
màu sắc hoàn toàn điên đảo, không nhằm miêu tả hay tường thuật chiến tranh, mà
vẽ ra những phóng xạ của chiến tranh. Do đó, đến khi chiến tranh kết liễu, nhạc
anh vẫn tồn tại, vì nó vẫn còn công lực cảnh giác. Hình ảnh người nô lệ da
vàng, vốn làm phật ý những người quốc gia chủ nghĩa, là một lối cưỡng từ đoạt ý
rất kiến hiệu trong việc thiết lập đối thoại ban đầu. Ðây là một bước lùi giữa
hai bước tiến, gần như phương sách tự chuốt nhục của con người muốn đối phó với
tình hình đất nước nguy kịch đến độ chiến tranh không đủ để tiêu diệt chiến
tranh, vũ lực không đủ để tiêu diệt vũ lực, mà trớ trêu thay phải có nghệ thuật
hỗ trợ và nhất thiết là nghệ thuật trong nghệ thuật.
Lập trường như thế này dễ hứng lấy búa rìu dư luận. Ngay giữa chiến tranh, anh đã vẽ ra thời buổi sau chiến tranh mà con người có quyền hưởng thụ và có nghĩa vụ tô bồi. Những dự phóng này nảy nở trên nền tảng làm bằng những ám ảnh mất mát, cái bấp bênh của những gì hiện có, nỗi bất lực không yêu được bội phần.
Lập trường như thế này dễ hứng lấy búa rìu dư luận. Ngay giữa chiến tranh, anh đã vẽ ra thời buổi sau chiến tranh mà con người có quyền hưởng thụ và có nghĩa vụ tô bồi. Những dự phóng này nảy nở trên nền tảng làm bằng những ám ảnh mất mát, cái bấp bênh của những gì hiện có, nỗi bất lực không yêu được bội phần.
Giữa một nền trời như vậy, thân phận của con người là một vấn
nạn. Ta nên nói ngay: đây là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là triết
lý. Chủ đề được đề cập, phân tích, lý giải từ Ðông sang Tây, nhưng là do những
nhà tư tưởng, triết gia và những nhà viết văn xuôi đề xướng.
Giữa cõi vô thường, bị thường trực kềm kẹp bằng một nỗi khó sống,
người nghệ sĩ trong những phút xuất thần tự đồng hóa với các vật thể vạn thù
trong đời sống: có khi ta là mục đồng, là lá cỏ, cơn gió, có khi là giọt mưa
tan giữa trời, là hòn cuội, con sâu. Nhưng trong khi cỏ suốt đời là cỏ, cuội trọn
kiếp là cuội, thì con người mỗi phút mỗi chực vong thân.
Trịnh Công Sơn chắp cánh cho tưởng tượng, và tưởng tượng len
lỏi vào các hốc hẻm của đời sống, khiến cho anh sờ mó đến sự vật nào là sự vật ấy
dường như bớt thật và trở nên lung linh bằng một quầng mộng ảo. Cho nên anh đi
trước người khác một bước: ngạc nhiên trước người khác, mừng reo hay tư lự cũng
trước người khác. Cái "có" đang nằm trong tay, anh đã sống với cái
"mất" nó rồi. Ðóa hoa nào đi qua lòng anh cũng trở thành đẹp hơn vẻ đẹp
thật và đóa hoa đương dộ lại nhuốm vẻ não lòng của héo úa.
Sự sống bước giật lùi mỗi phút giây như hình ảnh cuốn chiếu.
Trịnh Công Sơn quả quyết Chỉ có ta trong một đời và dứt khoát chọn lựa: Sống. Sống
hết mình. Không khất hẹn, không chờ đợi, không ủy quyền. Anh vâng theo cái mệnh
lệnh "Hãy tận hưởng ngày hôm nay" của thi sĩ Horace mà cố cách vặn
lùi thời gian, sống chong chóng, thu rút giấc ngủ, thót người trước cảnh Thành
phố ngủ trưa (Ðêm thấy ta là thác đổ), xem giấc ngủ như là một cái dợm chết: Hôm
nay thức dậy, ôi ngẩn ngơ tôi (Xa dấu mặt trời), tự ru mình bằng
cách Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui và rêu rao cuộc đời đáng sống.
Phải ôm cho hết cuộc đời nhị nguyên cồm cộm này, bao gồm những
cặp phạm trù khó dung nạp nhau nhưng khó thể phân ly: sống chết (chết
từng ngày sống từng ngày, Buồn vui phút giây), buồn vui (Buồn vui kia
là một, Nguyệt ca), hạnh phúc khổ đau (Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn
thương đau, Hãy yêu nhau đi), tình yêu mật ngọt mật đắng (Lặng lẽ nơi
này)... cái mặt phải trái của sự vật sao mà cận kề nhau đến thế, như đêm ngày,
nhật nguyệt, như sum họp với chia phôi. Khổ cho kẻ nào chủ phân biệt!.
Phải quên đi những ám ảnh của tuổi tác (Chập chờn lau trắng
trong tay, Chiếc lá thu phai) và chuẩn bị tinh thần cho cái phút sau rốt của đời
người:
...một trăm năm sau mãi ngủ yên
(Sẽ còn ai)
...mai kia chào cuộc đời
(Những con mắt trần gian)
...một hôm buồn lên núi nằm xuống
(Tự tình khúc)
...một lần nằm mơ thấy tôi qua đời
(Bên đời hiu quạnh).
...một trăm năm sau mãi ngủ yên
(Sẽ còn ai)
...mai kia chào cuộc đời
(Những con mắt trần gian)
...một hôm buồn lên núi nằm xuống
(Tự tình khúc)
...một lần nằm mơ thấy tôi qua đời
(Bên đời hiu quạnh).
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên viết về thân phận con người.
Ðể phục vụ mục tiêu ấy anh đã sai sử lời, nhạc và tư tưởng kết hợp thành một thể
thống nhất và đã thành đạt trong công cuộc thể nghiệm một dòng nhạc vốn không dễ
nhập cảnh vào lòng quần chúng trong buổi đầu. Có thể nói anh đã khẳng định thân
phận bằng thơ và bằng nhạc: đây là sự đóng đinh màu hồng cho con người thời đại.
Cùng một trật, ta còn chứng kiến một công cuộc thể nghiệm của
tiếng Việt trên những chặng đường mới của ngôn ngữ với những kết hợp từ ngữ tài
hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dặn nhiều tầng, đồng thời
làm sáng giá những sự vật thông thường và tầm thường, khả năng tưởng tượng bay
bổng.
Cuối những năm 50 và đầu những năm 60, xuất hiện một số ca
khúc với nhan đề lạ tai, như Lời buồn thánh, Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Vết
lăn trầm, Biển nhớ, Dấu chân địa đàng... Ðó là những cửa ngõ vào khu vườn siêu
thực đang rộ lên những sắc hoa tươi mới trong thời kỳ ấy: loài sâu ngủ quên
trong tóc chiều... thương cho người rồi lạnh lùng riêng... tiếng hát ru mình
trong giấc ngủ vừa... hôm nay thức dậy không còn thấy loài người... hãy nghe đời
nghiêng... chiều đã đi vào vườn mắt em... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...
Người nhạc sĩ này đặc biệt sâu nặng với những tính từ: đời bồng
bềnh, môi rồ dại, bóng lung linh, tiếng hát lênh đênh, một vòng tiều tụy, bờ cỏ
non mộng mị, phố xá thênh thang, mắt xanh xao, hồn xanh buốt, đêm thần thoại,
cành bão bùng... Những hình dung từ này cùng chung một thể thái, hay còn gọi là
đồng vị (isotopie) và trở đi trở lại hơn một lần qua bài hát. Trong số này, có
tần số xuất hiện cao nhất là: "mong manh" (tình mong manh, gió mong manh,
cỏ lá mong manh, sống chết mong manh, tay gối mong manh, nụ cười mong manh...)
như thể là một ám ảnh lớn trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của nhạc sĩ.
Lời trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã tạo ra tên tuổi Trịnh
Công Sơn. Lời ở đây, như đã nói, là truyện thơ, là hình ảnh siêu thực, nét chấm
phá, những hoa gấm cho sóng nhạc và có những giây lát cao độ, lời được đặc cách
hóa kiếp thành kinh. Kinh là những lời ước nguyện nhằm chuyển hóa thực tại.
Kinh là tinh túy của lời được kinh qua sản xuất, lặp đi lặp lại để cuối cùng kết
tinh dưới hình thức đơn khiết, cô đọng. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, ta nhận
ra người mẹ cầu kinh gởi gắm cho một Ðấng Vô Hình, Siêu Nhiên nào chăng? Không,
đây là một loại kinh do chính mình phát nguyện, dóng tiếng và gởi gắm lại cầu
nguyện cho con ở chiến trường có nghĩa là cầu nguyện cho mình có đủ sức mạnh đối
phó với tình huống bất trắc, và sức mạnh ấy phát sinh từ ngọn đèn thắp thì mờ
giữa đêm khuya, chẳng hạn; thiếu nữ cầu nguyện cho mối tình của mình ở bờ sông
và lời kinh này sẽ làm bằng im lặng, gió trời và kỷ niệm.
Trên đây là một số cảm nghĩ về ca khúc Trịnh Công Sơn, những
cảm nghĩ vụn rời, thiếu thừa không rõ, vừa chắp nối vào những bài viết khác, vừa
gợi mở những bài viết về sau chung quanh đề tài này. Một đề tài tát không cạn.
Huế 8/1990
Bửu Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét