Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Cõi ảo trong ca khúc Trịnh Công Sơn

Cõi ảo trong ca khúc Trịnh Công Sơn
Từ lâu lắm Trịnh Công Sơn (TCS) được giới ái mộ trao tặng danh hiệu kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận. Anh lớn lên bằng tuổi chiến tranh, đứt rồi lại nối, chiến tranh dai dẳng, cùng khắp đến nỗi đứng đâu cũng thấy, sống trong chiến tranh, và anh vẫn giữ thái độ an nhiên cho nghệ thuật. (Đôi khi một người dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi). Thế đứng trước sau ở miền Nam của anh, tối thiểu, không hại cho uy tín và sự nghiệp của mình. Khi lịch sử đất nước lật hẳn sang một chương khác, anh vẫn thế. Anh đi vào nhạc hoặc bước xuống đường, giống như người ta hít thở, không nhìn lui, không xóa đi làm lại. Nhạc và lời của TCS, nếu có chuyển đổi chẳng qua vì tâm hồn con người đến tuổi đổi mùa. Cái an nhiên là món quà lưu lại đời sau, sau khi anh đã hoàn trả cho người - người tình, người bạn, người đời - những hơn thua, ngộ nhận, thị phi. Nhạc TCS không hẳn hoàn toàn là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương khúc của truyện dài không kết thúc. Tất cả vẫn là vết thương thời đại, vết thương của chính mình. Nhưng không có bài thơ nhạc nào kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích, mà ngược lại đó là những loại Tình Sầu, Tình Xa.., không có cái đẹp của vuông tròn, thủy chung. Bởi vì, mọi người cùng nhau tắm gội trong biển bấp bênh của thời đại, con người xót xa khám phá ra cái đẹp chông chênh, ma lực của chén thuốc đắng. Nguồn cảm hứng khởi đầu từ đó, dễ rơi vào chỗ sướt mướt, ê chề, đưa đến trạng thái buông thả là những gì mà nhiều người thường gán ép cho ca khúc Trịnh Công Sơn. Anh là người khát sống. Anh muốn sống nhiều nơi cùng một lúc, ngồi nơi này mà nhớ nơi kia, muốn sống gấp đôi, nhiều khi không phân biệt ngày đêm. Anh thích những chuyến tàu suốt, những chuyến xe đỗ rồi lại đi, anh thích rút ngắn không gian giữa rừng và biển, để tha hồ sống với ghềnh, bãi, núi, tháp, cánh đồng. Anh ao ước rút ngắn thời gian giữa lạ và quen, xua tan những cảnh đời thù nghịch. Chúng ta tìm thấy hình ảnh phố xá rải rác trong ca khúc của anh: phố xưa (Khói trời mênh mông), phố xôn xao (Yêu dấu tan theo), phố thênh thang (Quỳnh hương), phố cao nguyên (Lời thiên thu gọi), phố nọ (Đêm thấy ta là thác đổ), phố xa lạ (Bên đời hiu quạnh)… 
Phố là nơi triển lãm cuộc sống, một đại hội đời của nhân tình thế thái. Do đó, có người bảo rằng TCS thích lui tới những nơi đô hội. Điều này đúng, bởi lẽ anh thích những nơi có bóng dáng con người, anh thèm tiếng người hơn cõi vắng lặng, u tịch. Anh mơ ước hình ảnh xã hội là đô hội hóa chứ không là sa mạc hóa. Và được đô hội hóa thường trực, sao cho ngày ngày hàng cây thắp sáng trên từng lá xanh, lễ lạc trên từng nẻo đường, khắp mọi nhà và trong mỗi con tim. Trí óc và cảm xúc của TCS phù hợp với tổng hợp hơn là phân tích, nghiêng về kết hợp hơn là phân chia. Hình ảnh chiếc cầu, với anh, rất mãnh liệt, là lời mời gọi cất bước sang bờ bên kia, bước qua cầu là để sống bên kia và nhớ bên này. Tình yêu. Quê hương. Thân phận. 
Làm sao nói về những vấn đề này bằng lời hát, chuyên chở bằng nhạc?. TCS có cách nói riêng, bằng lời và bằng nhạc: đó là những đoạn thơ hoặc truyện thơ tâm sự về giọt mưa, giọt nắng, về một vùng biển đầy ắp…Nhạc tách riêng có khi nhún nhảy như loại đồng dao hay thanh bình ca, có khi lại rất thích hợp với ánh đèn màu và khói thuốc vũ trường, có khi dòng nhạc TCS gần gũi với thánh ca thanh thoát (Lời Thánh Ca Buồn).  Tình yêu Trịnh Công Sơn là diễm tình. Trước hết là phải Đẹp, ngay cả trong từng lời bội bạc, bước chân quay gót, tan vỡ. Quê hương anh nổi bật trong hai nét chính: nghèo và chiến tranh. Cái nghèo của quê hương thì có lắm chuyện để nói, để tả, để mủi lòng. Cái nghèo là hậu quả của chiến tranh. Những bài hát trong hai tập Ca khúc da vàng và Kinh Việt Nam không nhằm miêu tả hay tường thuật chiến tranh, mà là vẽ ra những di lụy của chiến tranh. Do đó, khi chiến tranh kết liễu, nhạc anh vẫn tồn tại, vẫn còn công lực để cảnh giác những di lụy. Và lập trường này dễ hứng lấy búa rìu dư luận. Anh vẽ ra, sau chiến tranh, con người có quyền sống bình yên và tô bồi, thay cho áp bức, tù đày…Nhưng không thế, thân phận con người vẫn là một vấn nạn. Đây là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là một triết lý. Giữa cõi vô thường, vẫn thường trực bị kềm kẹp bằng một nỗi khó sống. Người nghệ sĩ TCS trong giây phút xuất thần, tự đồng hóa mình với các vật thể vạn thù trong đời sống: có khi là mục đồng, là lá cỏ, là hòn đá cuội, là giọt mưa tan biến giữa trời. Trong khi cỏ suốt đời là cỏ, cuội trọn kiếp là cuội, thì con người mỗi lúc mỗi chực biến thành vong thân.   
Rồi Trịnh Công Sơn chấp cánh cho tưởng tượng, khiến anh sờ mó đến sự vật nào là sự vật ấy dường như bớt thật, trở nên lung linh như một quầng mộng ảo. Vì vậy, anh đi trước người khác một bước, ngạc nhiên trước mọi người, mừng reo hay tư lự cũng trước mọi người. Cái “có” đang nằm trong tay, thì anh đã sống với cái “mất” rồi. Đóa hoa nào đi qua lòng anh cũng trở thành đẹp hơn vẻ đẹp thật, và đóa hoa đương độ xuân thì lại thấp thoáng nhuốm vẻ phiền muộn của héo úa. Vì vậy, Trịnh Công Sơn quả quyết chỉ có ta trong một đời và anh dứt khoát chọn lựa: Sống, sống hết mình. Không khất hẹn, không chờ đợi. Anh tuân theo ý tưởng “Hãy tận hưởng ngày hôm nay” của thi sĩ Horace cố gắng vặn lùi thời gian, anh sống vội, thu rút giấc ngủ, thót người trước cảnh “Thành phố ngủ trưa” (Đêm thấy ta là thác đổ), hôm nay thức dậy, ôi ngẩn ngơ tôi (Xa dấu mặt trời). Anh tự ru mình bằng cách “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” và rêu rao cuộc đời là đáng sống, không xá chi ngày mai. Phải quên đi những ám ảnh của tuổi tác (Chiếc lá thu phai) và chuẩn bị cho cái phút sau cùng của đời người:…một trăm năm sau mãi ngủ yên (Sẽ còn ai)…mai kia chào cuộc đời (Những con mắt trần gian)…một hôm buồn lên núi nằm xuống (Tự tình khúc) …một lần nằm mơ thấy tôi qua đời (Bên đời hiu quạnh).   
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên viết về thân phận con người. Để phục vụ mục tiêu ấy anh đã sử dụng lời, nhạc và tư tưởng kết hợp thành một thể thống nhất, trong việc thể nghiệm dòng nhạc ảo mộng, lời như thơ, khó du nhập vào tâm hồn người thưởng ngoạn lúc ban đầu. Chúng ta còn chứng kiến công cuộc thể nghiệm tiếng việt trong các bài nhạc của anh trên những chặng đường mới của ngôn ngữ, với sự kết hợp từ ngữ tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dặn nhiều tầng, đồng thời làm sáng giá những sự vật tầm thường, cùng khả năng tưởng tượng bay bổng.   Cuối những năm 50 và đầu thập niên 60, xuất hiện một số ca khúc TCS với nhan đề nghe lạ tai như Lời buồn thánh, Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Vết lăn trầm, Biển nhớ, Dấu chân địa đàng…Đó là những cánh cửa ngõ đi vào khu vườn siêu thực đang rộ lên những sắc hoa tươi mới trong thời kỳ ấy: loài sâu ngủ quên trong tóc chiều…thương cho người rồi lạnh lùng riêng…tiếng hát ru mình trong giấc ngủ vừa…hôm nay thức dậy không còn thấy loài người…hãy nghe đời nghiêng…chiều đã đi vào vườn mắt em…ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau… Người nghệ sĩ này còn đặc biệt sâu nặng với những tĩnh từ: đời bồng bềnh, môi rồ dại, bóng lung linh, tiếng hát lênh đênh, một vòng tiều tụy, bờ cỏ con mộng mị, phố xá thênh thang, mắt xanh xao, hồn xanh buốt, đêm thần thoại, cành bão bùng…   
Những hình dung từ được gọi là đồng vị (isotopie) được lập đi lập lại trong những ca khúc. Trong số này, xuất hiện nhiều nhất là “mong manh” (tình mong manh, gió mong manh, cỏ lá mong manh, sống chết mong manh, tay gối mong manh, nụ cười mong manh…Tất cả là ám ảnh lớn trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của người nhạc sĩ. Ngữ nhạc đặc biệt trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã tạo ra tên tuổi Trịnh Công Sơn vậy. Lời ca của anh sử dụng nhiều hình ảnh, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe, mà không đòi hỏi phải hiểu nghĩa chính xác. 
Ví dụ bài Tình Sầu: Tình xa như trời/ Tình gần như khói mây/ Tình trầm như bóng cây/ Tình reo vui trong nắng/ Tình buồn làm cơn say/ Cuộc tình lên cao vút/ Như chim mỏi cánh rồi/ Như chim xa lìa bầy? Như chim bỏ đường bay/ Mạch lạc nội tại (coherence organique) của ca khúc không dựa vào tương quan về ý nghĩa: “tình xa như trời” thì hợp lý, nhưng tình gần, sao lại như “khói mây”? “tình lên cao vút”, sao lại “như chim mỏi cánh rồi”? “tình reo vui trong nắng”, thì phải đối với “tình buồn cơn mưa bay” mới chỉnh, sao lại “say sưa” vào đây?. 
Thật ra, sự mạch lạc ngôn ngữ được cấu trúc trên hình thức bằng những từ lập lại: tình, chim, như, và những vần luyến láy: mây, cây, say, bay, những từ đối lập: xa/gần, vui/buồn. Hình ảnh tiếp nối nhau, không cần sự ăn khớp lý luận, nhưng được tiết điệu, âm giai nâng đỡ, bay bổng, bay thẳng vào tâm tưởng người nghe. Chúng ta thử so sánh, lời nhạc tương tự của Đoàn Chuẩn Từ Linh:   
"Gửi gió cho mây ngàn bay/ Gửi bướm muôn màu về hoa/ Gửi thêm ánh trăng/ màu xanh lá thư/ Về đây với thu trần gian… "  
Hai ca khúc na ná, vì đều là ẩn dụ xâu chuỗi (métaphore filée). Nhưng những câu của Đoàn Chuẩn Từ Linh được cấu trúc theo ngữ nghĩa, quy ước cổ điển: gió+mây, bướm+hoa, gió+trăng, trăng+thu, liên kết thành một xâu chuỗi quá kiên cố chặt chẽ làm mất một phần chất thơ. Bài Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay rất hay, nhưng hay một cách khác, được yêu chuộng ở một giới thính giả khác.   
Trịnh Công Sơn đi vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, xây dựng trên một “nhạc ngữ” mới, phá vỡ khuôn sáo cũ của nền âm nhạc cải cách, mới thành hình chỉ hai mươi năm trước đây. Ông tự học nhạc, không được đào tạo theo hệ thống trường quy. Ông sáng tác hơn 600 bài hát, phần lớn là tình ca, dù rằng ông vốn là một thi sĩ. Văn Cao nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”.   
Theo Phạm Duy: “Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối, mà nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại”
Và theo Vũ Thư Hiên: “Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà nhà thơ lớn. Nhạc là chiếc xe anh lắp vào, để chuyên chở thơ của anh đến với chúng ta”.     
Hát sai và hát đúng các lời ca của Trịnh Công Sơn. 
Đôi lúc, những ca sĩ cũng không hiểu “nhạc ngữ” mới lạ của nhạc sĩ, dù đã hát nhiều lần!. Vì vậy không ít trường hợp người trình bày thay lời đổi chữ vô tội vạ, thêm bớt một chữ thôi cũng đã làm thay đổi ý nghĩa của câu hát, chẳng hạn: Chữ “mong” trong “Đời ta hết mong điều mới lạ” (Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ) được nhiều ca sĩ đổi thành “mang” (hết mang điều mới lạ). Hai chữ này khác nghĩa, chứ đâu chỉ khác một nguyên âm. Chữ “miệng” trong “Miệng cười khúc khích trên lưng” (Quỳnh Hương) được nhiều ca sĩ đổi thành “nụ” (nụ cười khúc khích..). Nụ cười thì không thể…khúc khích trên lưng chàng được… Chữ “em” trong “Em qua công viên mắt em ngây tròn” được ca sĩ biến thành “nai” (…mắt nai ngây tròn). Mắt nai, mắt phượng… không thuộc về ngôn ngữ TCS.  Chữ “vầng” trong “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” (Một Cõi Đi Về) thì các ca sĩ đổi thành “vòng” nhật nguyệt). Ở đây là vầng thái dương, vầng trăng, chứ không phải là vòng trời đất, càn khôn. Trong nhiều trường hợp, chữ hay nhất trong câu được tráo đổi không thương tiếc, làm hỏng một câu hát, có khi làm hỏng cả một bài hát, khiến người nghe bị “khựng” lại, như bất ngờ nhai phải hạt sạn trong lúc đang thưởng thức bữa cơm ngon miệng như: Chữ “phút” trong “Vội vàng thêm những phút yêu người” (Chiếc Lá Thu Phai), thì ca sĩ đổi thành “lúc”…(những lúc yêu người) làm giảm mất cái hay và ý nghĩa của câu hát đi rất nhiều, vì không diễn tả được cái ý “vội vàng”, “yêu từng phút, từng giây”, như muốn chạy đua với chiếc kim thời khắc của tình yêu. Tương tự, chữ “phút” trong “Có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau, không thể đổi thành “lúc” được. “Phút” (không phải “lúc”), đó mới đích thực ngôn ngữ TCS.   
Nhiều trường hợp khá buồn cười, một ca sĩ hát sai vì quên lời, và những ca sĩ khác hát sai theo, rồi không ai buồn sửa lại cho đúng, Ví dụ, ca sĩ hát đến câu “Thành phố hoang vu như..” (Tình Xa) thì không nhớ rõ là hoang vu như thế nào, bèn hát “hoang vu như…một lần qua cuộc tình”. Từ đó các ca sĩ khác cứ hát theo như vậy cho…tiện. Có ca sĩ nghe vậy không chịu, bèn đảo ngược lại, thành ra “…hoang vu như…cuộc tình qua một lần”. Và câu hát đúng là “Thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình”, chứ không phải “đi qua, đi lại”, “một lần, hai lần”!.  
Lời ca ở đây, như đã nói, là truyện thơ, là hình ảnh siêu thực, nét chấm phá, những hoa gấm cho nét nhạc và lời, tất cả được hóa kiếp thành Kinh. Kinh là những lời ước nguyện nhằm chuyển hóa thực tại. Kinh là tinh túy của lời được lặp đi lặp lại để cuối cùng kết tinh dưới hình thức đơn khiết cô đọng. Trong ca khúc TCS ta thấy hình ảnh người mẹ cầu kinh gởi gắm cho một Đấng vô hình, siêu nhiên? Không, đây là một loại kinh do chính mọi người phát nguyện, dóng tiếng và gởi gắm: Mẹ cầu nguyện cho con ngoài chiến trường; người con gái cầu nguyện cho mối tình mình bên kia sông... Và lời kinh này làm bằng sự yên lặng, gió trời và kỷ niệm...   
Trên đây là một số cảm nghĩ về ca khúc Trịnh Công Sơn, những cảm nghĩ vụn rời, thiếu thừa không rõ, vừa chắp nối vào những bài viết khác, vừa gợi mở cho những bài viết sau chung quanh đề tài này. Một đề tài tát mãi không cạn.  
Trung Đạo
Theo http://vietlifestyles.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...