LỜI GIỚI THIỆU
Trong những năm qua, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học
xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội đó tổ chức biên soạn và đưa vào giảng
dạy cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh một số bài giảng, giáo
trình. Những tài liệu này đó phần nào đó khắc phục tình trạng “dạy chay, học
chay” ở một số môn học và thực sự giúp ích cho người học nắm bắt nội dung
môn học đầy đủ và sâu sắc hơn.
Trong quá trình đổi mới nội dung môn học và nhất là từ khi Đại
học Quốc gia Hà Nội chủ trương chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ,
Khoa chúng tôi đó kịp thời động viên, huy động đội ngũ cán bộ giảng viên của
mình biên soạn bài giảng, giáo trình cho các môn học đó có và mới để đưa vào
chương trình giảng dạy. Bên cạnh sự nỗ lực của Khoa Triết học, chúng tôi cũng
phải dựa vào và đã nhận được sự cộng tác tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm của
các nhà khoa học, các nhà sư phạm ở các cơ quan ngoài nhà trường.
Một trong số những nhà khoa học đó là PGS. TS. Hồ Sĩ Quý, Viện
trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Giảng
viên kiêm nhiệm Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
(Theo Quyết định số 2985 QĐ/XHNV-TC ngày 27/12/2005 của Hiệu trưởng trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn). PGS. Hồ Sĩ Quý là một trong những chuyên gia
có uy tín ở Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về con người, văn hoá, văn minh,
giá trị và tiến bộ xã hội... Trong khoảng thời gian 6-7 năm học gần đây (từ năm
2001) PGS. Hồ Sĩ Quý đó liên tục giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành chủ nghĩa
duy vật biện chứng - chủ nghĩa duy vật lịch sử, học viên cao học và nghiên cứu
sinh những kết quả nghiên cứu mới nhất của mình trong những lĩnh vực trên. Nội
dung giảng dạy mang tính triết học chuyên sâu, vừa trải dài theo chiều lịch sử,
vừa cập nhật những tri thức mới nhất của thế giới, được đông đảo người học và
giảng viên khoa Triết học đánh giá cao.
Trong quá trình giảng dạy PGS. Hồ Sĩ Quý đó đồng thời biên soạn
cuốn giáo trình mang tên Con người và phát triển con người. Từng phần
tài liệu trên đã được người đọc sử dụng trong nhiều khoá học. Hiện nay tác giả
đã hoàn thiện lần cuối bản thảo giáo trình trên theo hướng phù hợp hơn với mục
đích, nội dung, yêu cầu của môn học số 68 cùng tên nêu trên (trong khung chương
trình đào tạo cử nhân triết học - chuyển đổi sang tín chỉ). Chúng tôi
đã cho lấy ý kiến nhận xét phản biện của các nhà khoa học khọc về giáo trình.
Trên cơ sở những phản hồi rất tích cực từ phía người học những
năm qua và ý kiến ủng hộ của các phản biện, chúng tôi nhất trí đề nghị tác giả
trên danh nghĩa của Khoa cho xuất bản giáo trình này làm tài liệu giảng dạy và
nghiên cứu.
Xin cám ơn Nhà xuất bản Giáo dục đã xuất bản giáo trình này.
Phó chủ nhiệm khoa Triết học
TS.NGUYỄN VŨ HẢO
PHẦN 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CON NGƯỜI VÀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI
Chương 1
KHOA HỌC VỀ CON NGƯỜI
KHOA HỌC VỀ CON NGƯỜI
"Con người là một bí ẩn. Cần phải đoán nhận bí ẩn ấy, và nếu
anh đoán nhận nó suốt cả cuộc đời, thì như thế cũng không phải là mất thì
giờ"
F.
M. DOSTOIEVSKY
1.1. Dự báo của C. Mác về một khoa học thống nhất về con người
1.1.1. Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm
1844, Mác có một nhận định nổi tiếng về mối quan hệ giữa các khoa học tự nhiên
với các khoa học về con người, mà sau này giới lý luận, người đánh giá cao thì
xem đó là một tiên đoán khoa học, người đánh giá thận trọng hơn thì nhìn nhận
như là một “châm ngôn” dự báo [1] về xu hướng phát triển của khoa học. Mác viết: "Về
sau, khoa học tự nhiên bao hàm trong nó khoa học về con người cũng như khoa học
về con người bao hàm trong nó khoa học tự nhiên: Đó sẽ là một khoa học"[2].
Thật ra, trước những năm 70 (thế kỷ XX), nhận định này của
Mác ít được chú ý. Điều này có liên quan đến số phận của tác phẩm Bản thảo
kinh tế - triết học năm 1844 và thái độ của giới khoa học Xô viết đối với
các vấn đề về con người, nhân tố con người, tiếp cận phức hợp - liên ngành (complex-transdiciplinary
approach) trong nghiên cứu con người và việc xây dựng một khoa học
thống nhất về con người dựa trên cách tiếp cận này. Cùng với điều đó còn
là sự khác nhau về quan điểm nên hay không nên xây dựng một tổ chức nghiên cứu
phức hợp về con người, mà ở đó, con người sẽ được khám phá bằng các phương thức
đa ngành gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, văn hoá - nghệ
thuật, và cả các tri thức ngoài khoa học, trong đó không loại trừ ngay cả tôn
giáo, tiềm thức, vô thức, v.v... Hơn thế nữa, tình huống còn trở nên tế nhị hơn
do các vấn đề chính trị - xã hội phức tạp thời đó: cách tiếp cận phức hợp -
liên ngành ở Nga được các nhà bác học nghiên cứu ưu sinh học (Eugenics)
đề xuất, những người mà sau đó đã “bị kỳ thị và bị làm nhục” vì cách thức
nghiên cứu của mình (theo I. T. Frolov [3]). Cho đến tận đầu những năm 80, đa số các nhà lý luận Xô Viết
vẫn thờ ơ với khuynh hướng nghiên cứu phức hợp về con người. Mặc dù vẫn biết
chính Mác đã dự báo về một khoa học thống nhất, song khá nhiều người vẫn không
mặn mà với một khoa học như thế. Người ta hình dung khoa học mới về con người
theo kiểu khoa học truyền thống cổ điển (hàn lâm – có đối tượng riêng, có phương
pháp riêng và có hệ thống phạm trù, khái niệm riêng như các nhà thực chứng
lôgíc thường mơ tưởng) nên khó tin rằng có một khoa học mới tích hợp trong nó cả
các khoa học tự nhiên về con người [4]. Tới giữa những năm 80, vai trò của con người, nhân tố con người
và khoa học thống nhất về con người mới được chú ý hơn. Có thể thấy trong các
giáo trình triết học ở Nga, chỉ bắt đầu từ thời kỳ đó, chủ đề con người, nhân tố
con người, đặc biệt, trong đó có bàn đến con người cá nhân, con người tự nhiên…
mới được trình bày như một nội dung độc lập trong cấu trúc lý luận. Và cũng từ
đó, dự báo của Mác về sự ra đời của một khoa học thống nhất về con người mới được
quan tâm thật sự.
1.1.2. Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm
1844, dự báo của Mác được nêu trên cơ sở phân tích và đánh giá về khoa học tự
nhiên đương thời. Mác cho rằng, dưới tác động của cách mạng công nghiệp, các
khoa học tự nhiên lúc đó “đã thâm nhập một cách thực tiễn vào đời sống con người”,
đã “phát huy một cách đại chúng lực lượng bản chất của con người”, và “đã trở
thành cơ sở của đời sống hiện thực”. Tuy nhiên, cái yếu của khoa học tự nhiên
lúc đó là vẫn tồn tại “dưới hình thức tha hoá”, “có khuynh hướng vật chất trừu
tượng” và “xa lạ với triết học”. Theo Mác, sự phát triển tất yếu của khoa học sẽ
ngày càng đòi hỏi khoa học về tự nhiên phải kết hợp chặt chẽ với các khoa học về
con người (mà khoa học về con người được nhắc đến làm ví dụ trong đoạn phân
tích này là triết học, lịch sử và tâm lý học). Mác bình luận: “ý chí kết hợp đã
có, còn năng lực thì thiếu” [5]. (Đánh giá này của Mác, về sau đã được Ăngghen
làm rõ và trình bày chi tiết trong Chống Đuyrinh và Biện chứng của
tự nhiên).
1.1.3. Điều đáng lưu ý là, trong dự báo này, giới tự nhiên được
Mác quan tâm (và cũng là giới tự nhiên được khoa học lúc đó coi là đối tượng của
sự nghiên cứu) không thuần túy là giới tự nhiên tự nó, mà là giới tự nhiên đã
chịu sự tác động của văn minh công nghiệp. Mác viết: “Tự nhiên sinh thành trong
lịch sử loài người - trong hành vi xuất hiện của xã hội loài người - là tự nhiên
hiện thực của con người; cho nên tự nhiên như nó đang hình thành - mặc dầu dưới
hình thức tha hoá - nhờ công nghiệp là tự nhiên nhân bản chân chính” [6]. Theo Mác, kể từ khi xuất hiện con người và loài người, đặc biệt
là từ khi xuất hiện nền sản xuất công nghiệp, giới tự nhiên có lịch sử của nó
khác hẳn với giới tự nhiên tự nó trước đó. Sự khác biệt này rất có ý
nghĩa đối với sự phát triển của khoa học nói chung.
Rất cần phải lưu ý đến điều này, bởi vì, dự báo của Mác trực
tiếp được hình thành khi ông phân tích sự khác biệt giữa giới tự nhiên tự nó với
giới tự nhiên dưới tác động của sản xuất công nghiệp. Và, mặt khác, hình như giới
khoa học hiện nay không mấy chú ý đến điều này.
Trong quan niệm hiện đại, giới tự nhiên, dù ở giai đoạn trước
hay sau khi có xã hội loài người, dù tồn tại dưới những hiện tượng phức tạp nhất
mà con người có thể chưa hình dung được, cũng đều vận động tuân theo những quy
luật khách quan vốn có của nó. Sự có mặt của con người trong vũ trụ, phải được
coi là, không làm nảy sinh thêm hoặc bớt đi một quy luật tự nhiên nào cả. Thế
giới các hiện tượng thì ai cũng thấy là đã và sẽ có nhiều khác biệt, song bản
chất của giới tự nhiên thì trước sau vẫn phải là một. Chắc Mác cũng không nghĩ
khác thế. Vậy tại sao Mác lại chú ý đến giới tự nhiên như nó “đang hình thành
dưới tác động của công nghiệp”, tức là dưới tác động của con người và xã hội
loài người mà Mác gọi là “giới tự nhiên hiện thực của con người”. Mặc dù khẳng
định đó là “giới tự nhiên nhân bản chân chính”, song Mác lại thừa nhận giới tự
nhiên ấy đang tồn tại “dưới hình thức tha hoá”.
Tư tưởng này, theo chúng tôi, quả là chứa đựng cái gì đó rất
sâu mà lâu nay ít người chú ý khai thác. Nếu ta để ý đến một số hiện tượng tự
nhiên mới xuất hiện trong xã hội hiện đại, chẳng hạn sự thay đổi khí hậu toàn cầu,
hiện tượng lỗ thủng tầng ôzôn (phát hiện 1985), hiện tượng xuất hiện những căn
bệnh mới như HIV/AIDS, SARS, v.v... thì ta sẽ thấy tư tưởng của Mác đúng là rất
đáng suy ngẫm. Đó rõ ràng là những hiện tượng tự nhiên “xuất hiện dưới tác động
của công nghiệp”. Chúng có thể là những hiện tượng “tồn tại dưới hình thức tha
hoá”.
1.1.4. Trên cơ sở quan niệm về giới tự nhiên một cách độc đáo
như trên (tồn tại trong mối liên hệ tương sinh đặc biệt với con người, hay có
thể nói theo cách nói của những người bênh vực lập trường anthropocentrism, tồn
tại cho con người, bởi con người), Mác nhận định: “Con người là đối tượng
trực tiếp của khoa học tự nhiên”; khoa học tự nhiên là “khoa học tự nhiên của
con người, hay là khoa học tự nhiên về con người, đó là những cách diễn đạt
đồng nhất”. Toàn bộ sức mạnh bản chất đặc thù của con người (Mác gọi là “lực lượng
bản chất cảm tính đặc thù của con người”) chỉ có thể tìm thấy trong những đối
tượng tự nhiên; tức là con người “chỉ có thể tự nhận thức” được sức mạnh ấy của
mình bằng khoa học về tự nhiên [7].
“Còn tự nhiên - Mác viết - là đối tượng trực
tiếp của khoa học về con người”. Điều này hơi khó hình dung theo quan niệm của
chúng ta ngày nay. Bởi hiện nay, sự phân ngành rạch ròi giữa khoa học nhân văn
và khoa học tự nhiên, có lẽ, không trùng với cách hiểu về sự phân ngành khoa học
thời Mác. Với Mác, toàn bộ giới tự nhiên, kể cả tự nhiên ngoài con người và giới
tự nhiên thuộc con người (con người tự nhiên), không phải là cái gì khác ngoài
đối tượng của “khoa học tự nhiên của con người, hay khoa học tự nhiên
về con người”. Mác giải thích, tương tự như “một người nào đó là đối tượng tri
giác trực tiếp của người khác”, đối tượng trực tiếp của khoa học về con người
là “con người - tự nhiên cảm tính”. “Ngay cả yếu tố của bản thân tư duy, yếu tố
trong đó có biểu hiện sinh hoạt của của tư tưởng - ngôn ngữ - cũng có
tự nhiên cảm tính” [8].
Như vậy, theo Mác, khoa học tự nhiên, kể cả khi nó nghiên cứu
những đối tượng hoàn toàn tách rời con người, cũng vẫn là khoa học của con
người, cho con người; còn khoa học về con người, cho dù nghiên cứu những đối
tượng thuần túy xã hội đến mấy, cũng vẫn không thể thoát ly khỏi các quy luật tự
nhiên và bản tính tự nhiên của con người. Nghĩa là, cái mà khoa học (nói chung,
mọi khoa học) trực tiếp nhằm đến là vì lợi ích và nhu cầu của con người. Lôgic
phát triển khoa học xét cho cùng là đi theo hướng đó. Nếu chấp nhận một lập luận
như thế, thì ta có thể dễ hiểu hơn dự báo của Mác về sự xích lại gần nhau giữa
khoa học về con người và khoa học về tự nhiên, đến mức sau này chỉ còn là một
khoa học.
Có thể dễ dàng nhận thấy, cách hiểu của Mác về khoa học thống
nhất cũng không đơn giản chỉ là một khoa học mới bên cạnh các khoa học khác và
quan niệm của Mác lúc đó có xu hướng nghiêng về lập trường duy con người
(anthropocentrism), một mô hình cảm nhận thế giới của văn hóa châu Âu truyền thống [9]. Quan điểm này thực ra không mấy thịnh hành trong khoa học luận
thế kỷ XX. Chỉ một số ít những người theo dòng nghiên cứu nhân học phổ quát hưởng
ứng hoặc tán đồng, thường là không trực diện, quan điểm này, chẳng hạn, M.
Scheler, E. Morin, I.T. Frolov mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.
1.2. Khoa học hiện đại và những vấn đề đặt ra đối với nghiên
cứu và phát triển con người
1.2.1. Vài nét về sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện
đại
Từ nửa sau thế kỷ XX, một nhân tố đã gây nên những biến động
chưa từng có trong đời sống con người mà mọi quan điểm chính trị - xã hội đều
phải thừa nhận - đó là sự tác động mạnh mẽ và sâu rộng của tiến bộ khoa học và
công nghệ. Đây là một nhân tố chi phối và quy định sự phát triển của tất cả các
lĩnh vực khác; bởi vậy nó có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiên cứu và phát triển
con người. ở bất cứ nước nào cũng vậy, nhất là đối với những nước đi sau như Việt
Nam, người ta không thể xem nhẹ sự tác động của khoa học và công nghệ đến các
quá trình văn hóa - xã hội: Sự xuất hiện những phát kiến khoa học mới, làn sóng
đổi mới công nghệ, sự ứng dụng tri thức và thông tin... đó là những yếu tố trực
tiếp làm biến đổi bộ mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Vấn đề là ở chỗ, sự thâm nhập vào nhau ngày càng sâu giữa các
ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ, hình thành nên những khoa học và kỹ thuật
mới ở những vùng giáp ranh hoặc liên ngành, tạo nên sự thống nhất giữa khoa học
tự nhiên với khoa học xã hội và khoa học nhân văn (với vai trò ngày càng quan
trọng của khoa học xã hội và nhân văn), tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa khoa
học cơ bản với khoa học ứng dụng, tạo nên sự đồng bộ giữa qúa trình nghiên cứu
với qúa trình triển khai các kết qủa khoa học. Khoa học hiện đại là khoa học gắn
liền với công nghệ thông tin.
Với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ như một xu thế xuyên
qua mọi quốc gia (kể cả các quốc gia chậm phát triển), thông tin, tri thức, tay
nghề cùng với trí sáng tạo - tưởng tượng, tài năng quản lý, văn hoá, nhân phẩm...
đã từng bước trở thành nhân tố quan trọng hơn đối với sự phát triển. Con người
và tri thức ngày càng trở thành một nguồn lực rất cơ bản, quyết định sự đi lên
hay thụt lùi của mỗi quốc gia. Việc áp dụng các công nghệ viễn thông và công
nghệ thông tin đã có những ảnh hưởng rộng rãi đến các cá nhân, các tổ chức, làm
thay đổi phương thức làm việc, học tập và giải trí của con người; làm thay đổi
mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước, thay đổi các phương thức thương mại quốc
tế cũng như các phương tiện sản xuất trong nền kinh tế, và về lâu dài nó sẽ làmthay
đổi sâu sắc hơn nữa các đặc tính văn hóa - giáo dục đã hình thành qua nhiều thế
kỷ.
Khoa học - công nghệ đã tác động đáng kể đến nền văn hoá và sự
giao tiếp xã hội. Công nghệ thông tin đã bắt đầu liên kết gia đình, công ty, xí
nghiệp, quốc gia, quốc tế thành một mạng lưới làm cho các nhà chiến lược buộc
phải ít nhiều thay đổi thái độ của mình đối với thiên nhiên và xã hội, từ các
hoạt động sống đến lối sống, từ cách làm việc đến phương thức tiêu thụ. Đang
hình thành những tiêu chuẩn mới chi phối nghiên cứu, đào tạo, sản xuất chào
hàng, chuyển giao công nghệ và các loại dịch vụ khác... mà mọi quốc gia đều buộc
phải chú ý.
Đặc điểm nổi bật của xã hội thông tin là sự phát triển của
xã hội không còn dựa chủ yếu vào các nguồn dự trữ tự nhiên như trong xã hội
công nghiệp mà chủ yếu dựa vào những nguồn lực có yếu tố tri thức, có khả năng
tái tạo, tự sinh sản và không bao giờ cạn. Nhờ cách mạng khoa học - công nghệ,
nền sản xuất xã hội đã thay đổi rất nhiều, mở ra cho các quốc gia sự tìm kiếm
cách thức phát triển mới không nhất thiết phải dựa vào các nguồn tài nguyên
thiên nhiên như trước kia. Ngày nay, không nhất thiết phải có tiềm năng tự
nhiên to lớn các quốc gia mới có thể phát triển được. Người ta chú ý hơn đến
các nguồn lực có khả năng tái sinh và tự sinh sản. Thông tin và tri thức trở
thành yếu tố đầu vào của hệ thống sản xuất, quản lý; đó là công cụ để sáng tạo
của cải, là chìa khoá của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Rõ ràng, cách mạng khoa học và công nghệ là một nhân tố có ý
nghĩa quan trọng, quyết định khả năng phát triển rút ngắn, đi tắt và đón đầu
cho các quốc gia đang phát triển. Khả năng ấy phụ thuộc nhiều vào chính
sách và giải pháp xử lý vĩ mô sự tác động của khoa học và công nghệ đối với con
người.
Tầm quan trọng của chính sách và giải pháp xử lý vĩ mô thể hiện
ở chỗ, khoa học và công nghệ không phải không có mặt trái của nó. Do những
nguyên nhân chính trị - xã hội phức tạp khác nhau, khi thúc đẩy qúa trình chuyển
các xã hội từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh cao hơn, khoa học và
công nghệ hiện đại đã đồng thời làm tăng thêm khoảng cách giữa các nước phát
triển và các nước đi sau, giữa các nước giàu và nước nghèo, giữa người
giàu và người nghèo... Cơ hội để hội nhập và tránh tụt hậu mở ra đối với đa số
các nước nhưng có thể cũng khép lại hay nói chính xác hơn, chỉ trở thành hiện
thực với những nước có sự quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ sáng suốt.
Hơn thế nữa, cùng với khoa học và công nghệ hiện đại, vũ khí giết người hàng loạt
đã ngày càng tinh vi hơn, nhiều ngành công nghệ phát triển bằng cách bóc lột
tài nguyên ngày càng dữ dội hơn, thị trường ảo, nền kinh tế ảo xuất hiện và đã
ít nhiều tác động tiêu cực tới mọi nền văn hóa, nhất là những nền văn hóa không
có bề dày truyền thống. Tình trạng đói nghèo, suy thoái xã hội và cạn kiệt
tài nguyên - ba căn bệnh của xã hội hiện đại đều có nguyên nhân trực tiếp
hoặc gián tiếp nằm ở chính sách và giải pháp xử lý vĩ mô sự tác động của khoa học
và công nghệ đối với quan hệ con người.
Ngoài ra, thành quả của cách mạng khoa học và công nghệ cũng
do khâu quản lý lại được sử dụng một cách khá lãng phí. Trên thực tế, những
phát minh, sáng chế mới chỉ được vận dụng một phần trong cuộc sống, có những
nhà nghiên cứu đánh giá rằng phần ấy là dưới 50%. Con người chưa dùng được bao
nhiêu những khả năng mà chính con người đã tìm thấy và có thể làm ra được,
trong khi đó con người lại đầu tư không ít vào việc khai thác một cách phi nhân
bản những thành tựu ấy để phục vụ những mưu đồ thống trị con người.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc “phân phối” thành quả cách mạng
khoa học và công nghệ là một trong những sự bất công lớn nhất của loài người và
điều đó đã gây nhiều hậu quả tai hại [10]. Quá nửa số bằng phát minh, sáng chế của thế giới là ở nước Mỹ;
công nghiệp phần mềm của Hoa Kỳ chiếm gần 50% thị trường tin học toàn cầu; mạng
Internet được tiếng là nối mạng cho con người khắp hành tinh, song thực tế mới
có khoảng 200 triệu người (trong số gần 7 tỷ người sống trên trái đất) sử dụng,
93,3% số người sử dụng thuộc loại người giàu, còn chỉ 0,2% số người sử dụng thuộc
loại người nghèo. Sự “phân phối rất bất công” thành quả cách mạng khoa học và
công nghệ là do chính sách của một số cường quốc, do sự cách biệt quá xa giữa
các nước về trình độ phát triển kinh tế, xã hội, dân trí và con người, đồng thời
cũng do sự đúng hay sai của các chính sách quốc gia về quản lý khoa học và công
nghệ.
1.2.2. Những thành tựu chính của khoa học và công nghệ hiện đại
• Đầu tiên phải kể đến tin học. Sự bùng nổ của cách mạng
tin học nửa cuối thế kỷ XX đã làm mở rộng phạm vi, chất lượng, vai trò và khả
năng của thông tin trong không gian sống của con người. Trên cơ sở cách mạng
tin học, nhiều khoa học và nhiều hoạt động sống đã có sự thay đổi về chất. John
L. Petersen, nhà tương lai học nổi tiếng người Mỹ nhận xét: “Nếu bạn là người
trưởng thành, trong cuộc đời bạn, khoa học đã rút ra được nhiều điều về bản chất
của mọi thứ hơn so với 5000 năm trước khi bạn sinh ra” [11]. Sự thay đổi đó đã trực tiếp nâng cao trình độ sống và vị
thế của con người (nên chú ý rằng, cho đến nay, xu hướng biến đổi của con
người trong thế giới nói chung, không phải là biến đổi về cơ thể sinh học, cũng
không phải là biến đổi về bản chất con người, mà là biến đổi về trình độ sống và vị
thế của con người; Steven Pinker, giám đốc Trung tâm các khoa học thần
kinh Cambridge, Mỹ cho rằng, ngày nay trên thế giới đang diễn ra “cuộc cách mạng
về địa vị con người” [12]).
• Cùng với tin học, cách mạng sinh học tuy mới chỉ là bắt
đầu, song đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong các khoa học y-sinh, hoá-sinh,
sinh-tin học (Bioinfor-matics), ưu sinh học (Eugennics), phỏng sinh học
(Bionics), di truyền học, não học, cận tâm lý học, v.v... bao gồm:
- Những khám phá mới về não bộ đã làm con người hiểu biết
hơn rất nhiều về cơ chế của tư duy người và những bệnh tật có căn
nguyên từ não người.
- Những tiến bộ trong công nghệ gen đã tạo ra cuộc cách
mạng về lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XX, bản đồ gen người
đã được công bố; người ta coi đây là “chiếc bản đồ kỳ diệu nhất trong lịch sử
nhân loại” (Bill Clinton, cựu Tổng thống Mỹ), con người “đã học được thứ ngôn
ngữ mà nhờ nó Thượng đế đã tạo ra cuộc sống.” (Francis Collins, giám đốc Chương
trình nghiên cứu gen người - Human genome Project, Mỹ).
- Cùng với những khám phá về gen, về não, về tim,
v.v... , những hiểu biết về cơ chế bên trong và bên ngoài của tật bệnh đã giúp
con người phát hiện được nguyên nhân của nhiều căn bệnh.
- Đặc biệt, các phát minh thuốc chữa bệnh đã có bước tiến
kỳ diệu trong thế kỷ XX. Đến cuối thế kỷ, nhiều căn bệnh hiểm nghèo đã có thể
chữa được. Thái độ của con người đối với nhiều căn bệnh đã khác hẳn trước đây.
- Do tiến bộ về mức sống, tuổi thọ con người không ngừng
được nâng lên; những người có tuổi thọ vượt quá giới hạn 70 không còn là phi
thường nữa (ở phương Đông, quan niệm chung về tuổi thọ được thừa nhận là “nhân
sinh thất thập cổ lai hy- Đỗ Phủ; ở phương Tây, giới hạn tuổi thọ ghi trong
Kinh thánh cũng ghi rõ là 70 tuổi [13]).
• Những thành tựu của y - sinh và hoá - sinh cùng các
thành tựu khác của cách mạng khoa học và công nghệ đã đặt lại những vấn đề khoa
học về con người:
- Vấn đề nguồn gốc con người và loài người: có sự đối lập
gay gắt giữa học thuyết của Alan Wilson (người hiện đại xuất hiện đột ngột từ một
quần thể nhỏ sống cách đây khoảng 100.000 năm ở châu Phi) và học thuyết của
Milford Wolpof (hơn 1.500.000 năm trước, những họ Erectus, Sapien và
Neandertan đã có trao đổi gen với nhau và sau sự biến động lớn của khí hậu khoảng
100.000 năm cách đây, người hiện đại định hình và dần lan ra khắp thế giới) [14].
- Con người là gì?- Câu hỏi đầy bí ẩn đặt ra từ thời cổ
đại ngày càng cuốn hút trí tuệ nhân loại: là sản phẩm thụ động của quá trình tổ
hợp gen hay vẫn là thực thể xã hội? Vấn đề bản chất con người: công nghệ, kỹ
thuật có làm thay đổi bản chất con người hay không? Trí thông minh, vốn hiểu biết,
đạo đức con người, giá trị con người... liệu có thể được phát triển bằng công
nghệ gen hay bằng những biện pháp công nghệ tương tự? Hay những phẩm chất người
vẫn buộc phải phát triển trong và thông qua các quan hệ xã hội? [15]
• Sự tiến bộ của khoa học ngày càng làm tăng thêm nhu cầu
khám phá khả năng kỳ diệu của con người. Mối quan hệ bí ẩn giữa tâm hồn và thể
xác? Vấn đề thế giới tâm linh? Vấn đề số phận con người? Đâu là giới hạn
sức mạnh của ý thức con người?
• Những thành tựu của khoa học hiện đại, đặc biệt là
các khoa học về vũ trụ đã làm cho vốn tri thức của con người về nguồn gốc
trái đất và nguồn gốc sự sống phong phú hơn trước rất nhiều. Con
người đã có thêm căn cứ để hoài nghi liệu trái đất có phải là hành tinh duy nhất
có sự sống và liệu con người có phải là sinh vật duy nhất có trí tuệ trong vũ
trụ này?
• Thế kỷ XX cũng được coi là thế kỷ phát hiện ra vai
trò nhân tố văn hóa. Trong việc này, công lao của UNESCO được đánh giá là rất
có ý nghĩa. Những năm cuối thế kỷ XX, cùng với khoa học và các động lực khác,
văn hoá, mà đặc biệt là văn hoá của các dân tộc có bề dày lịch sử được thừa nhận
là một động lực của sự phát triển (khoa học không phải mọi lúc mọi
nơi đều là công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề xã hội). F. Mayor, cựu
giám đốc UNESCO nhận xét, từ chỗ văn hoá chỉ được coi là “một thứ trang trí”,
ngày nay, văn hoá đã được nhìn nhận là “nền tảng và linh hồn của cuộc phiêu lưu
của con người. Trước kia người ta coi nó là thứ yếu, ngày nay người ta bắt đầu
nhận ra nó là cốt lõi của vấn đề” [16]. Thậm chí, Samuel P.Huntington, người khởi xướng chủ thuyết
“sự đụng độ giữa các nền văn minh” còn cho rằng: “Các ranh giới quan trọng nhất
chia rẽ loài người và nguồn gốc bao trùm của các xung đột sẽ là văn hoá... Ranh
giới giữa các nền văn minh sẽ là chiến tuyến của tương lai” [17].
• Từ những năm 70 của thế kỷ XX, sau tiếng chuông cảnh
tỉnh của câu lạc bộ Roma về “những giới hạn của sự tăng trưởng”, loài người đã
ý thức sâu sắc hơn về nguy cơ khủng hoảng sinh thái do chính quá trình con người
bóc lột môi trường gây ra. Khởi đầu từ đó, cộng đồng quốc tế đã có nhiều hoạt động
nhằm làm thay đổi nhận thức và hành động của con người đối với môi trường. Khoa
học đạo đức môi sinh (environmental ethics) được định hình và được đặc
biệt chú ý. Loài người đã dần trở về với quan điểm con người cần phải sống hài
hoà với tự nhiên (con người với giới tự nhiên là một - Ph. Ăngghen, thiên
nhân hợp nhất - Khổng Tử, giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người -
C. Mác).
• Cuối thế kỷ XX, khoa học về tương lai (một
phương án khác của khoa học mới về con người) đã xuất hiện. Triết lý chỉ đạo của
khoa học này là: con người cần phải thích nghi với tương lai, nghĩa là muốn có
sự phát triển trong tương lai con người cần phải biết chuẩn bị và thích ứng với
nó ngay từ hiện tại. Goni, chủ tịch hội futurology Mỹ, một trong những người
nhiệt thành cổ vũ cho khoa học về tương lai cảnh báo: “Từ khi có lịch
sử đến nay, đại bộ phận các học giả cùng biểu hiện chung một đặc trưng: coi thường
hiện thực và tương lai”. Nhằm hạn chế lệch lạc này, những thập niên gần đây,
các nhà khoa học Mỹ đã thiết kế nhiều phương án khác nhau cho môn học khoa học
về tương lai với các đơn nguyên có nội dung rất hiện đại và bổ ích. Hiện nay, một
số giáo trình đã được giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ. Các giáo trình
này đều đi theo hướng chú trọng hơn đến vai trò và địa vị của con người [18].
• Cuối thế kỷ XX, con người một lần nữa được coi là chiếm
vị trí trung tâm của sự phát triển (không phải theo tinh thần anthropocentrisme,
một tư tưởng có nguồn gốc Âu Châu, mà theo quan điểm hiện đại được UNDP thừa nhận
từ đầu thập kỷ 90): con người đóng vai trò quyết định ở cả “đầu vào”, ở cả “đầu
ra” và trong toàn bộ quá trình phát triển.
• Với sự gia tăng vai trò của khoa học xã hội và nhân
văn trong thế kỷ XX, sự tha hoá của con người trong xã hội hiện đại được nhìn
nhận một cách sâu sắc hơn: tiến bộ xã hội phải chăng không tránh khỏi bất công,
bất bình đẳng, phân hoá xã hội và tha hoá? Những căn bệnh của xã hội hiện đại
là tất nhiên hay có thể tránh được?
Đánh giá tổng quát về những tiến bộ khoa học - công nghệ đã đạt
được trong thế kỷ XX, tại Hội nghị quốc tế chuyên bàn về những vấn đề khoa học
do UNESCO tổ chức tại Hungari, tháng 6/1999, cộng đồng thế giới đã ra Tuyên
bố về những trách nhiệm mới của khoa học; trong đó có đánh giá rất cao những
đóng góp của khoa học và công nghệ cho tiến bộ của loài người. Tuyên bố này nêu
rõ: tri thức khoa học thế kỷ XX đã đem lại “những kết quả có lợi ở mức cao nhất”
cho con người. Bệnh tật đã được khống chế ở mức đáng mừng. Sản xuất nông nghiệp
đã cho phép số dân tăng đáng kể. Nguồn năng lượng cho đời sống tăng kỳ diệu. Phần
lớn lao động nặng nhọc được giải phóng. Các thế hệ người ngày nay được hưởng “một
phổ lớn” các sản phẩm công nghệ và công nghiệp so với cha anh họ. Tri thức về
nguồn gốc vũ trụ, về nguồn gốc sự sống, về nguồn gốc con người và loài người...
đã cho phép con người có những cách tiếp cận mới đối với các vấn đề của cuộc sống.
Khoa học “đã tác động sâu sắc tới hành vi và triển vọng” của chính con người [19].
1.2.3. Sự tác động trực tiếp của khoa học và công nghệ hiện đại
tới nghiên cứu và phát triển con người
• Khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng
sản xuất trực tiếp: Mặc dù nhiều nước và nhiều tổ chức xã hội đang gay gắt lên
án tình trạng có quá ít người được trực tiếp hưởng thành quả của cách mạng khoa
học - công nghệ, song dẫu sao vẫn phải thấy rằng, từ Đông sang Tây, dù ở nước
phát triển hay ở nước chậm tiến, đâu đâu con người cũng cảm nhận được sự biến đổi
mau chóng của khoa học và công nghệ. Những thành tựu khoa học mới và những ứng
dụng kỹ thuật mới đang hàng ngày hàng giờ xuất hiện, làm cho mọi sự thống kê và
mô tả đều trở nên không đầy đủ. Với thế kỷ XXI, dự báo của C. Mác về khoa
học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp một lần nữa đã được đưa ra thảo
luận.
Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, khoa học và công nghệ thế
giới đã vận động trong xu thế đổi mới với một tốc độ vô cùng nhanh chóng, thậm
chí nhanh chóng đến mức được nhiều người coi là vượt quá khả năng tiếp nhận của
phần lớn cư dân. Xu thế này được hình thành dựa trên các điều kiện cơ bản: Những
thành tựu to lớn của công nghệ thông tin; sự phát triển đa dạng của các qúa
trình nghiên cứu liên ngành; sự thay đổi rất nhanh các nhu cầu tiêu dùng; sự cạnh
tranh khốc liệt của mọi ngành sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế toàn cầu
hóa; nhu cầu sử dụng khoa học để khẳng định vị thế của các quốc gia trong trật
tự thế giới mới...
• Tác động nhiều mặt của khoa học và công nghệ tới
con người và xã hội: Nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ một xu thế quan trọng
đang được khẳng định trong quá trình sản xuất, đó là lao động của con người trực
tiếp tác động đến sản phẩm vật chất ngày càng chiếm tỷ lệ ít đi trong toàn bộ
quá trình lao động - sản xuất.
Với quá trình tự động hóa sản xuất, tương quan giữa lao động
gián tiếp và lao động trực tiếp sẽ thay đổi nhanh hơn và vì thế, bản chất của
lao động cũng biến đổi sâu sắc. Người lao động trước đây bị gắn chặt vào máy
móc, nay chuyển sang thực hiện chức năng mới, chức năng điều khiển thiết bị tự
động, kiểm tra chất lượng và kiểm tra sự ổn định của hệ thống tự động hóa, còn
những công đoạn trực tiếp sản xuất thì do máy hoặc người máy thực hiện. Đương
nhiên, hiệu quả sản xuất nói chung phụ thuộc vào quyết định của con người.
Xu thế là giảm lao động chân tay, lao động dây chuyền và tăng
lao động có hàm lượng trí tuệ, lao động với máy móc tự động hóa, với quá trình
tự động hóa xử lý thông tin.
Những biến đổi to lớn trong hệ thống sản xuất, trong ứng dụng
các thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ sẽ dẫn đến việc sắp xếp lại
lao động, nâng cao tay nghề, đào tạo lại, và giảm biên chế lao động.
Theo đà phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, các
quốc gia đều tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu quản lý các ngành trong nền kinh tế
nhằm tạo độ thích nghi cao, tăng thế mạnh cạnh tranh quốc gia trong khu vực và
trên thế giới. Định hướng chính trong việc cấu trúc lại các nền kinh tế nhằm
nâng cao và giữ được địa vị dẫn đầu của các ngành kinh tế dựa trên các công nghệ
có hàm lượng chất xám cao và lấy nguồn trí lực làm cơ sở; nâng cao tỷ lệ đóng
góp của lĩnh vực dịch vụ vào thu nhập quốc nội.
Dưới tác động của khoa học - công nghệ hiện đại, văn hóa, con
người, nguồn nhân lực trở thành những thành tố của một quá trình thống nhất. Một
chiến lược quản lý có hiệu quả trong xã hội hiện đại phải là một chiến lược huy
động được tối đa năng lực của con người, trước hết là người lao động, tạo ra được
những nếp văn hóa thích hợp giúp con người tăng khả năng cảm nhận và phản ứng
thích nghi với môi trường đầy biến động, nhằm làm cho xã hội đi vào quỹ đạo của
xu hướng phát triển bền vững.
• Tác động nhiều mặt của khoa học và công nghệ tới
văn hóa và đời sống văn hóa: Yếu tố bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền
vững mà yêu cầu cao nhất là phát triển bền vững về con người chính là xu thế
văn hóa ngày nay đã được tính đến ngay từ khi xuất hiện ý niệm mới về quy trình
khoa học - công nghệ hiện đại và trên thực tế đang là áp lực của khoa học -
công nghệ hiện đại đối với đời sống.
Trong điều kiện nền kinh tế mở toàn cầu, mạng thông tin
Internet được sử dụng phổ cập, các quốc gia, các ngành sản xuất phát triển
trong mối liên quan và tương tác chặt chẽ với nhau, định hướng văn hóa buộc phải
được quan tâm ngay từ khi xuất hiện ý tưởng khoa học và triển khai công nghệ.
Khoa học và công nghệ luôn luôn phát triển trong một môi trường kinh tế -
xã hội nhất định và đếm lượt mình, nó lại tác động ngược trở lại ngày càng mạnh
đến văn hóa, các giá trị xã hội và con người, làm biến động các giá trị đã được
hình thành từ truyền thống, tạo ra những giá trị mới, làm phong phú nền văn
hóa, đời sống văn hóa.
Như vậy, gần như bất kể thành tựu nào của khoa học và công
nghệ cũng đều trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và đời
sống văn hóa. Tuy nhiên, có những thành tựu không mang lại cho đời sống văn hóa
những biến đổi mong muốn về mặt xã hội và nhân văn. Đây là đòi hỏi phức tạp của
xã hội hiện đại đặt ra đối với công tác nghiên cứu và phát triển con người.
Vì mục tiêu phát triển bền vững, việc sử dụng tiến bộ khoa học
và công nghệ phải được định hướng rõ nét trong việc đảm bảo giữ vững các giá trị
tốt đẹp của truyền thống, định hướng sử dụng các công nghệ có khả năng tiết kiệm
tài nguyên, tái tạo các tài nguyên, thăm dò phát hiện các tài nguyên mới, sử dụng
các phế thải công - nông nghiệp, không gây ô nhiễm môi trường, nhằm đảm bảo sự
sinh tồn bền vững của các thế hệ hiện nay và mai sau.
Trong điều kiện toàn cầu hóa, tiến bộ khoa học và công nghệ
luôn gắn liền với một mô thức văn hóa sản xuất và tiêu dùng cụ thể, cũng như
tiêu biểu cho một trình độ nhất định về phát triển nguồn nhân lực, vì vậy trong
quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ phải luôn xem xét tính phù hợp và
tính định hướng văn hóa của các thành tựu khoa học và công nghệ. Toàn cầu hoá về
văn hóa là có thực và xu hướng này luôn ẩn nấp (vô tình hoặc hữu ý) đằng sau
các quy trình chuyển giao công nghệ, các thiết chế kinh tế xuyên quốc gia, các
hợp tác đa phương, các đề án đầu tư, hỗ trợ kinh tế - khoa học - giáo dục,
v.v...
• Vai trò ngày càng tăng của giáo dục và đào tạo
trên cơ sở cách mạng khoa học và công nghệ: Do tác động sâu rộng của khoa học
và công nghệ, trong bối cảnh một thế giới bùng nổ thông tin, cạnh tranh để phát
triển, lượng tri thức đang tăng lên gấp bội. Nhiều khái niệm, phương thức hoạt
động đang thay đổi hàng ngày, kể cả phương thức tư duy, phương thức ra quyết định
và phương thức học tập. Trong khi đó, thời gian vật chất của cuộc sống con người
dường như ngày càng eo hẹp hơn. Do vậy, muốn tồn tại và phát triển, mỗi cá nhân
trong xã hội hiện đại buộc phải học tập không ngừng để thích nghi cao độ với những
biến động và do đó, xã hội trong thế kỷ XXI sẽ luôn là xã hội hướng tới học tập
không ngừng, học tập ở khắp mọi nơi và bằng mọi phương tiện: ở trường học, ở
công sở, tại xí nghiệp, ở gia đình, bằng các phương tiện truyền thông đại
chúng, và đặc biệt là bằng các mạng lưới cơ sở dữ liệu, các mạng thông tin
Intranet, Internet.
Tiến bộ khoa học và công nghệ đã làm cho các nền giáo dục
mang tính truyền thống, khép kín phải biến đổi dần trở thành hệ thống mở, đa dạng,
linh hoạt và mang tính hiện đại trên cơ sở của nền văn hóa đương đại.
Tính mở, đa dạng và tính linh hoạt được thể hiện
ở phương thức tổ chức giáo dục, ở phạm vi và quy mô giáo dục, ở quan điểm,
chương trình giảng dạy và việc định hướng, gợi mở tư duy cho người học.
Tính hiện đại thể hiện ở mức độ thường xuyên cập nhật
tri thức và hiện đại hóa các phương tiện đào tạo.
Tính đa dạng của giáo dục không chỉ thể hiện ở nội dung,
phương thức giáo dục, mà còn thể hiện ở phạm vi quan tâm: chẳng những mỗi cá thể,
mỗi gia đình, mỗi quốc gia quan tâm đến giáo dục, mà các xí nghiệp, các doanh
nghiệp sử dụng lao động cũng trực tiếp phải quan tâm đến giáo dục.
Xu thế đào tạo nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo cao
hơn với định hướng nhân văn sẽ là mục tiêu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo
và được thể hiện trong các nội dung chủ yếu sau đây:
- Đảm bảo kiến thức nền tảng tối thiểu cần thiết.
- Tạo ra những phương pháp tư duy có ý nghĩa chung, có
thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Cung cấp cho người học những khả năng lao động sáng tạo
với định hướng nhân văn.
- Cung cấp cho người học những khả năng thích nghi cao
với những biến động; khả năng đổi mới tư duy; khả năng độc lập ra quyết định với
tầm nhìn mang tính chiến lược.
Ngày nay, các quốc gia đều tiến hành xây dựng chiến lược phát
triển trên cơ sở huy động tối đa năng lực nội sinh, tạo những khả năng văn hóa
(yếu tố tri thức, trí tuệ) và khả năng xã hội (phản ứng thích nghi với cơ cấu
và tổ chức xã hội hiện đại) trong môi trường toàn cầu hóa đầy biến động. Tiềm
lực khoa học và công nghệ và nguồn nhân lực được đào tạo, có tri thức sẽ là thế
mạnh không gì thay thế được, góp phần tạo lập năng lực quốc gia trong quá trình
cạnh tranh và hội nhập.
Trong nền kinh tế dựa trên tri thức, yếu tố quan trọng bậc nhất
của mỗi quốc gia là nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao. Đầu tư cho phát
triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, cũng như cho công tác giáo dục -
đào tạo có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo khả năng cạnh tranh của một
nước. Một đơn vị tiền tệ đầu tư cho nghiên cứu, giáo dục - đào tạo có thể
sẽ mang lại lợi nhuận lớn gấp nhiều lần đầu tư trực tiếp cho nền kinh tế.
Và đó là bài toán đặt ra cho việc nghiên cứu và phát triển
con người.
1.3. Sự tiến triển của các khoa học về con người
Nhìn lại sự tiến bộ của khoa học cho đến hôm nay, chúng ta cần
phải quay lại câu hỏi đặt ra ở đầu chương này về xu hướng hình thành một
khoa học thống nhất về con người mà Mác dự báo xem có diễn ra hay không?
Quả thực đây là vấn đề cực kỳ khó.
1.3.1. Trước hết, phải xác nhận rằng, nếu so với trình độ của
khoa học ngày nay, thì vào thời Mác, đặc biệt là ở giai đoạn “Mác trẻ” (lúc dự
báo một khoa học thống nhất về con người được nêu ra), mới chỉ có các “khoa học
tự nhiên thực nghiệm” (theo cách gọi lúc đó) tương đối phát triển. Nhiều lĩnh vực
mà về sau thuộc khoa học tự nhiên hoặc thuộc khoa học xã hội và nhân văn, khi ấy
vẫn chưa hoàn toàn tách khỏi “nền triết học tự nhiên”. Thuật ngữ khoa học
về con người, lúc đó có vẻ thịnh hành hơn, song thật ra là không xác định vì sự
phân ngành thời đó chưa thật khu biệt. Phản ánh trong thuật ngữ này, chúng tôi
thấy nói đến nhiều lĩnh vực tri thức khoa học nhân văn (ngôn ngữ, khảo cổ học...),
tất cả các ngành anthropology (nhân học, nhân trắc học, dân tộc học...), các
ngành khoa học xã hội (sử học, kinh tế học, địa lý học trái đất...) và cả y học,
sinh học người (chủ yếu chỉ là giải phẫu học). Văn hoá học lúc đó chưa xuất hiện
như một ngành khoa học độc lập và văn hoá thường được hiểu đồng nghĩa với văn
minh. Tâm lý học, đạo đức học, mỹ học... thời đó còn chưa tách ra khỏi nhận thức
luận, thậm chí, tâm lý học theo quan niệm của Feuerbach, lại chính là nhận
thức luận[20]. Phải nói rằng, khoa học xã hội và nhân văn thời đó còn khá
non trẻ, và không thể gọi là đã trưởng thành nếu so với khoa học xã hội và nhân
văn hiện nay.
1.3.2. Mặc dù vẫn đánh giá cao trình độ của khoa học xã hội kể
từ khi “chủ nghĩa duy vật nửa dưới” của Feuerbach được khắc phục và “chủ nghĩa
duy tâm bị tống ra khỏi hầm trú ẩn cuối cùng” do sự ra đời của chủ nghĩa duy vật
lịch sử, song nhiều nhà khoa học luận hiện đại, đều cho rằng, khoa học xã hội
chỉ đáng được gọi là khoa học từ khi phương pháp thực chứng của A. Comte được ứng
dụng trong nghiên cứu xã hội làm xuất hiện ngành xã hội học. Nhưng ngay cả
xã hội học, kể từ thời A. Comte đến nay cũng đã khác rất nhiều.
Từ nửa sau thế kỷ XX, với sự ứng dụng toán học hiện đại, các
phương pháp nghiên cứu định lượng, đặc biệt là những thành tựu của công nghệ
thông tin... các khoa học xã hội và nhân văn đã có vị trí khắc hẳn trong đời sống
xã hội. Khái niệm các khoa học xã hội và nhân văn cũng được giới hạn hơn và chặt
chẽ hơn (ngày nay, không ai coi giải phẫu học, sinh lý người, y học... là thuộc
khoa học xã hội và nhân văn). Một loạt khoa học mới đã lần lượt xuất hiện. Chẳng
hạn, kinh tế học phát triển, khoa học đạo đức môi sinh (environmental ethics),
khoa học sự sống (life sciences), lý thuyết sáng tạo (creativity),v.v... Cũng
có những chuyên ngành đã có mầm mống từ trước đó, nhưng thực ra chúng chỉ trưởng
thành và định hình trong những thập niên gần đây như văn hoá học, các chuyên
ngành nhân học (anthropology), quản lý xã hội, hoạch định xã hội (social
planning), các chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, nghệ thuật học, v.v...
Rõ ràng trong thế kỷ XX, nhờ lượng hoá được các nhân tố xã hội,
cũng như nhờ xử lý được khía cạnh xã hội - nhân văn của các hiện tượng tự nhiên
và xã hội, nhằm trực tiếp giúp các chính phủ cải tạo chính sách xã hội, nên khoa
học xã hội và nhân văn đã tiến một bước rất dài. Ngày nay, nói đến khoa học hiện
đại, người ta không thể không nhắc tới lĩnh vực khoa học này. Các dự báo đều thống
nhất rằng, trong thời gian tới, khoa học xã hội và nhân văn còn có những bước
tiến đáng kể hơn và vì thế sẽ có vai trò lớn hơn hiện nay rất nhiều.
1.3.3. Nhưng có lẽ, sự trưởng thành của khoa học xã hội và
nhân văn thế kỷ XX cũng chưa phải là lớn nếu so với những thành tựu của khoa học
tự nhiên và công nghệ. Khái niệm cách mạng khoa học trước hết thường được hiểu
thuộc về miền tri thức này. Thật khó có thể thống kê đầy đủ các phát kiến của
khoa học tự nhiên và công nghệ thế kỷ XX. Chỉ riêng những gì có liên quan trực
tiếp đến đời sống con người, người ta đã thấy xuất hiện hàng loạt lĩnh vực tri thức
mới với các thuật ngữ mới mà thời C. Mác chưa thể biết đến. Chẳng hạn, y-sinh học,
hoá-sinh học, sinh-tin học (Bioinformatics), ưu sinh học (Eugennics), phỏng
sinh học (Bionics), di truyền học, não học, cận tâm lý học, v.v... Năm mươi năm
trước đây, các nhà thiên văn học chỉ xác định được hai dải thiên hà. Giờ đây
chúng ta biết được rằng có hơn 2 tỷ thiên hà... Theo con số ước tính, tổng khối
lượng thông tin trên thế giới cứ nhân đôi sau 18 tháng trong thời đại này... Nếu
như vào chủ nhật tới, bạn đọc toàn bộ tờ báo New York Time, thì bạn sẽ hấp thụ
một lượng thông tin trong một lần đọc đó lớn hơn cả đời vào thời Thomas
Jeffson” [21]. So sánh của Petersen có thể là khập khiễng và phiến diện,
nhưng chúng ta hiểu điều ông muốn nói.
1.3.4. Không thể phủ nhận, khoa học hiện đại gắn liền với vị
thế con người ngày nay đã khác rất nhiều so với thời của Mác, hiểu biết về con
người cũng nhờ thế mà sâu sắc hơn rất nhiều so với trước kia. Song tại sao vẫn
có những nhà khoa học than phiền về tình trạng con người hiểu quá ít về bản
thân mình. Vấn đề là ở chỗ, nếu so với nhu cầu của sự tồn tại, và đặc biệt, nếu
so với nhu cầu nhận thức, thì dẫu sao những hiểu biết đó cũng vẫn cứ là nhỏ bé.
“Con người là một bí ẩn. - F. M. Dostoievsky nói như vậy - Cần phải đoán nhận
bí ẩn ấy, và nếu anh đoán nhận nó suốt cả cuộc đời, thì như thế cũng không phải
là mất thì giờ” [22]. Rõ ràng, nhận thức về con người là một quá trình gần như vô
tận, mà tới nay con người chỉ mới đi được một chặng đường đầu. Còn quá nhiều vấn
đề về sự tồn tại của chính con người, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thế
giới tinh thần, tâm lý... mà con người chưa hiểu biết được bao nhiêu[23].
1.3.5. Nhắc lại sự tiến triển của các khoa học như trên,
chúng tôi muốn nói rằng, xu hướng phân ngành (differention) và hợp ngành
(integration) của khoa học hiện đại mà các nhà khoa học luận dự báo, đã diễn ra
gần đúng như người ta đã hình dung [24]. Ngày nay, nghiên cứu hợp ngành, phức hợp (integrative,
complex research) cùng với những trình độ khác của nó là nghiên cứu liên ngành
(transdiciplinary research) và nghiên cứu đa ngành (multidiciplinary research)
đã trở nên không thể thiếu đối với các đối tượng cần được khám phá từ nhiều
phương diện. Con người là một đối tượng như vậy[25]. Tuy thế, xu hướng phân ngành có vẻ như trội hơn, chiếm ưu thế
hơn so với xu hướng hợp ngành. Điều này trực tiếp liên quan đến dự báo của Mác
được bàn đến ở trên.
Trong quá trình phân ngành ngày càng sâu của các
khoa học, sự tiến triển của xu hướng hợp ngành nhằm mục tiêu nghiên cứu
con người một cách toàn diện (khám phá đối tượng như là nó thực tồn tại),
trên thực tế, gặp nhiều khó khăn và đó là một nguyên nhân khiến các nghiên cứu
về con người thường nghiêng về phía chuyên ngành (specialised research). Mãi tới
gần đây, khi các khoa học đã phân ngành đến mức quá sâu, “quá kỹ thuật và quá
toán học” (chữ dùng của S. Hawking, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh[26]), xu hướng phức hợp - liên ngành mới được chú ý hơn và có cơ
sở khách quan hơn để phát triển đến một trình độ mới.
1.3.6. Vấn đề là ở chỗ, do cần thiết phải đi theo xu hướng
phân ngành, các khoa học hiện đại đã được chuyên biệt hoá ở mức quá sâu, thậm
chí, có những chuyên ngành đến nay chỉ có một vài người thực sự hiểu được bản
chất của nó. S. Hawking nhận xét rằng: “Thời Newton một người có giáo dục rất
có thể nắm bắt được toàn bộ kiến thức của nhân loại, ít nhất là trong những nét
cơ bản. Song sau đó nhịp độ phát triển của khoa học làm cho khả năng trên không
còn nữa... Ngày nay, bạn phải là một chuyên gia, và dẫu là một chuyên gia bạn
cũng chỉ hy vọng nắm bắt được một phần các lý thuyết khoa học”[27]. Điều đó về đại thể cũng là xu hướng tích cực. Tuy thế, trong
nghiên cứu con người, khi cô lập những mặt, những khía cạnh nào đấy ở con người
thành những đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, thì con người hiện thực với tất cả
tính đa dạng và phong phú trần thế của nó vô tình đã bị tước đi tính thống nhất,
toàn vẹn vốn có. Việc đề cao các khoa học đi vào chuyên biệt, theo E. Morin, “một
trong những gương mặt hàng đầu của tư tưởng châu Âu"[28], sẽ không tránh khỏi làm cho "bản sắc con người, tức là
tính thống nhất, đa dạng phức hợp của loài người ... bị chuyên môn hoá và bị
phân cách thành từng ngăn riêng khi triển khai hoạt động"[29] (E. Morin không phải là đơn độc với những than phiền
như vậy). Trong cuốn sách của mình Trái đất-tổ quốc chung: Tuyên ngôn cho
thiên niên kỷ mới, xuất bản 1993, E. Morin viết: "Các đặc trưng sinh học của
loài người bị cắt rời từng mảng cho các khoa sinh học và y học. Các đặc trưng
tâm lý, văn hoá và xã hội bị phân chia thành nhiều mảng bố trí trong nhiều bộ
môn riêng biệt của của khoa học nhân văn và xã hội, đến nỗi xã hội hoá mất hết
khả năng nhìn vào xã hội, sử học tự thu mình lại trong bản thân, và kinh tế học
thì cố khai thác từ Homo sapien demens (người khôn/điên rồ) cái phần
cặn bã đã vắt kiệt máu của con "người kinh tế" (homo economicus). Tồi
tệ hơn thế, ý tưởng về loài người, tình người đã bị đập nát vụn thành những mẩu
nhỏ... triết học thì khoá kín trong các trừu tượng hóa của mình, chỉ còn đủ sức
để liên kết nhân loại qua những thể nghiệm thực tiễn và những căng thẳng hiện
sinh của những học giả tầm cỡ như Pascal, Kierkegaard và Heideger, nhưng chưa một
lần thành công trong việc nối liền thể nghiệm chủ quan với tri thức nhân học"[30].
Nói cách khác, chính những thành tựu mới của khoa học hiện đại,
đặc biệt những thành tựu của các khoa học chuyên sâu, nhất là trong trường hợp
các khoa học chuyên sâu không cùng đạt tới trình độ ngang nhau, đã làm hình ảnh
về con người trong nhận thức bị “nát vụn thành những mẩu nhỏ”. Nếu các khoa học
về con người tiếp tục đi sâu nghiên cứu theo hướng ngày càng chuyên biệt hơn,
và điều này đương nhiên là không thể khác được, thì để tránh tình trạng nhận thức
về con người ngày càng bị chia cắt một cách quá biệt lập, trong khoa học đã nảy
sinh nhu cầu cần phải có một cái nhìn toàn vẹn hơn về con người. Đây chính một
trình độ mới của xu hướng nghiên cứu toàn diện về con người; không phải toàn diện
theo nghĩa mà Democrite và một số nhà thông thái cổ đại đã đòi hỏi (toàn diện
theo những thuộc tính chung, trừu tượng, gạt bỏ nhưng biểu hiện đặc thù[31]), mà là toàn diện ở trình độ cao hơn: hợp ngành (integration)
các khoa học và các phương thức nhận thức ngoài khoa học về con người.
1.3.7. Theo E. Morin, tình trạng đó đã thúc đẩy giới khoa học,
từ những năm 70 (thế kỷ XX), nỗ lực tìm kiếm một khoa học mới nhằm hiểu được
homo sapiens demens với bộ óc gồm "hàng trăm tỷ tế bào thần kinh và nhiều
triệu triệu liên kết giữa các tiếp điểm tế bào thần kinh (synaptic
connection)". Trong số các xu hướng tìm kiếm này, E. Morin nhắc tới các lý
thuyết về tự tổ chức của Foerster & Zopf, 1962; các lý thuyết về tính
phức hợp của Bronowski, 1969; Von Newmann, 1966; và các lý thuyết về phép
biện chứng phổ quát liên quan đến entropi và tính tổ chức. E. Morin cho rằng, cần
phải "tái cấu trúc" lại các khoa học nhằm "xây dựng nhân học với
tính cách là khoa học đa chiều (liên kết trong nội bộ bản thân những chiều cạnh
sinh học, xã hội hoá, kinh tế sử học và tâm lý) tìm kiếm cách thức phơi bày
tính thống nhất và đa dạng phức hợp của loài người... Việc tái cấu tạo đó sẽ phải
tiến hành trong sự quá độ đi từ tư duy đơn giản, què quặt, biệt lập, liệt kê và
trừu tượng để vươn tới các nguyên lý của tư duy phức hợp"[32] (pensée complexe - người trích nhấn mạnh).
1.3.8. Công bằng mà nói, quan niệm về tình trạng nát vụn của
các tri thức về con người và cần phải sắp xếp lại những tri thức ấy trong một
khoa học thống nhất, đã có từ trước E. Morin, có lẽ vì E. Morin bàn đến vấn đề
một cách chi tiết hơn hay sâu sắc hơn mà người ta thường nhắc tới ông. Còn trên
thực tế, M. Scheler, nhà triết học người Đức, người khởi xướng ngành nhân học
(anthropology) hiện đại, trong tác phẩm nổi tiếng Địa vị của con người
trong vũ trụ (1928) đã nói về điều này.
Kế thừa và phát triển những quan điểm về triết học cuộc
sống của A. Schopenhauer, H. Bergson và F. W. Nietzsche, và những quan điểm
về tâm - sinh lýhọc của Teilhard de Chardin và S. Freud, M. Scheler
đã xem xét con người và xã hội loài người xuất phát từ ba bản năng sống đầu
tiên - bản năng ăn uống, bản năng tình dục và bản năng quyền lực. Theo M.
Scheler, những bản năng sống cơ bản đó đã quy định sâu xa sự vận động của đời sống
con người dưới các hình thức xã hội phức tạp như nền kinh tế, thể chế hôn nhân,
thiết chế nhà nước… M. Scheler chủ trương nhân học phải chỉ ra được những bản
năng sống và những khát vọng sống của con người đã được kết tụ như thế nào trong
các hiện tượng, các thể chế xã hội phức tạp đó. Là người theo lập trường nhị
nguyên (dualism), M. Scheler coi đời sống con người cũng là biểu hiện của bản
nguyên tinh thần, cái có ý nghĩa nguyên tắc tối cao quy định bản chất con người.
Toàn bộ thế giới đa dạng của cảm xúc con người như tình yêu, sự sám hối, mối
thiện tâm, nỗi thất vọng, ý chí tự do... đều là biểu hiện phong phú của bản
nguyên tinh thần. Với M. Scheler, tinh thần luôn là cái đối lập với bản năng sống
và khát vọng sống. Con người càng lớn mạnh về tinh thần bao nhiêu thì càng yếu
đuối về bản năng sống bấy nhiêu.
Con người trong quan niệm của M. Scheler là một thực thể phức
tạp. Cái thần thánh và cái bản năng ẩn giấu trong chính con người. Nhận thức được
con người là điều không đơn giản và không thể chỉ bằng một phương thức duy nhất
nào đó. Theo M. Scheler, “Nhân học triết học cần phải nối kết lại những thành tựu
của các khoa học cụ thể, của triết học và của tôn giáo về con người. Hình tượng
con người đã bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải tập hợp sắp xếp lại”[33].
Như vậy, ở M. Scheler tư tưởng về sự cần thiết phải thống nhất
các phuơng thức nhận thức để khám phá con người là rất rõ. Khoa học đảm đương
nhiệm vụ này, theo ông, là nhân học mà trước hết là nhân học triết học
(philosophical anthropology).
1.3.9. Kế thừa và tham khảo M. Scheler, nhưng tương đối độc lập
với E. Morin, ở Nga cũng có một dòng tư tưởng tương tự như E. Morin, nhưng còn
quyết liệt hơn trong việc đi theo hướng tiếp cận phức hợp - liên ngành để
nghiên cứu con người và xây dựng một khoa học thống nhất về con người[34]. Chính là nhờ dòng tư tưởng này mà các tổ chức Trung tâm khoa
học về con người (1990), Viện Con người (1992) cùng cơ quan ngôn luận của nó
là tạp chí Con người (1990) đã ra đời tại Viện hàn lâm khoa học Nga
(RAS). Người nhiệt thành với cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu
con người và có công đầu trong việc xây dựng các tổ chức nghiên cứu khoa học
nói trên là I.T. Frolov (1929-1999), Viện sỹ VHLKH Nga, Chủ tịch Hội triết học
Nga, Viện trưởng đầu tiên của Viện Con người, Nga. Ông chính là người triệt để
nhất và quyết liệt nhất với chủ trương xây dựng một khoa học thống nhất về con
người.
Trước khi nói về tư tưởng của I.T. Frolov, cần thiết phải nêu
vài nét về những ý tưởng ở Nga đã có từ trước, mà chính là dựa vào đó, I.T.
Frolov đã triển khai quan niệm của mình. Theo I.T. Frolov, những ý tưởng về sự
cần thiết phải thống nhất khoa học, nghệ thuật với các tri thức ngoài khoa học
để khám phá con người đã được hai nhà văn vĩ đại L.N. Tolstoi, A.M. Gorki và Viện
sỹ N. Bekhterev đề xuất từ rất sớm. I.T. Frolov cho biết, “Tolstoi là người đã
từng phát biểu gay gắt về một khoa học mang tính khoa học. Ông nguyện hiến
mình phụng sự khoa học đó - khoa học về sự chung sống của con người với con người”[35]. Sau L.N. Tolstoi, vào đầu những năm 30 (thế kỷ XX), tại ngôi
nhà của mình ở Ribusinski, A.M. Gorki đã cùng với một nhóm các nhà sinh học,
bác sỹ và một số nhà hoạt động xã hội theo những nghề nghiệp rất khác nhau, trực
tiếp phác thảo xây dựng một thiết chế hoạt động khoa học phức hợp để nhận thức
con người. Lúc đầu, thiết chế này được gọi là “liên hợp khoa học, nghệ thuật và
lao động”. Sau đó A.M. Gorki gọi là Viện con người. Cương lĩnh của A.M. Gorki về
Viện con người được soạn thảo khá chi tiết gồm 6 phần, trong đó phần thứ 5 là
xây dựng “một khoa học phức hợp thống nhất về con người” với những nội dung mà
bây giờ xem lại có lẽ vẫn chưa lạc hậu - khoa học ấy được A. M. Gorki gọi bằng
một thuật ngữ ghép “tri thức về con người” (Человекознание)[36].
Trên cơ sở tham khảo và kế thừa M. Scheler về sự cần thiết phải
liên kết những thành tựu nghiên cứu con người đang rời rạc trong các khoa học cụ
thể, được sự khích lệ to lớn của tư tưởng L.N. Tolstoi và A.M. Gorki về đồ án
xây dựng một thiết chế nghiên cứu khoa học thống nhất về con người, và cùng với
điều đó là việc nhận ra tính hợp lý của cách tiếp cận phức hợp - liên ngành
trong những nghiên cứu Ưu sinh học, I.T. Frolov chủ trương phải nghiên cứu
"con người trong tính toàn vẹn của nó". Ông cho rằng, các kiến thức
sinh học, y học, não học, triết học, xã hội học, đạo dức học.. và cả lối phản
ánh con người một cách đặc thù của nghệ thuật, của tôn giáo và của ý thức thường
ngày... cũng phải được sử dụng để khám phá con người. Chính sự liên kết giữa
các khoa học với các phương thức đặc thù trong nhận thức con người sẽ cho phép
giải mã những chỗ giáp ranh bí ẩn về con người. I.T. Frolov viết: "Chúng
ta có thể nói như sách mọi chuyện về con người - chẳng hạn như tim, gan, và các
cơ quan khác của nó hoạt động như thế nào; nhưng các cơ quan đó liên kết với
nhau như thế nào và chúng hợp nhất với các phẩm chất người ra sao để tạo thành
những nhân cách thì chúng ta hầu như không biết. Chúng ta có thể công nhận những
nhân tố nào đấy đóng vai trò là quan trọng và đôi khi là quyết định. Song điều
đó tuyệt nhiên không đủ. Chính ở chỗ giáp ranh giữa các vấn đề y, sinh, tâm lý,
đạo đức, xã hội... đã xuất hiện những điều chủ yếu, cái chưa được nghiên cứu
trong khoa học của chúng ta. Điều đó bắt buộc khoa học của chúng ta phải đặt ra
những nhiệm vụ hoàn toàn mới. Chúng ta có thể nghiên cứu, chẳng hạn, những dạng
khác nhau của hiện tượng chảy máu; nhưng liệu nhà sinh lý học, nhà tâm lý học,
hay nhà y học có thể nói gì về việc có kẻ giết người chỉ bằng lời nói"[37].
Theo Frolov, "trong tương lai gần, tất cả mọi nghiên cứu
khoa học cần phải nhận lấy trách nhiệm khảo cứu con người... Về thực chất, đây
có ý nghĩa là một bước ngoặt có thể tác động to lớn đến xã hội và khoa học xã hội.
Không hơn không kém, đây là một sự "đảo lộn" toàn bộ tháp hình chóp của
khoa học, quá độ tiến tới một trạng thái mà người ta sẽ nghiên cứu tự nhiên dưới
góc độ nhu cầu và lợi ích của con người, chứ không phải ngược lại"[38].
Có thể thấy rất rõ ý tưởng của I.T. Frolov là sự tiếp tục
quan niệm của Mác năm 1844. Và, cũng như Mác thời trẻ, I.T. Frolov có phần
nghiêng về phía lập trường của Anthropocentrism.
1.3.10. Cũng phải nói thêm rằng, ý đồ xây dựng một khoa học
thống nhất về con người đi theo hướng tiếp cận phức hợp - liên ngành và cùng với
điều đó là xây dựng những thiết chế nghiên cứu kiểu như Viện con người, ở Nga,
không phải luôn được chấp nhận một cách suôn sẻ. I.T. Frolov nói rõ: "Để
điều này trở thành hiện thực, trên thực tế, đã diễn ra một cuộc phẫu thuật tinh
thần cực kỳ phức tạp - có một cái gì đó rất căn bản cần phải được thay đổi
trong tư duy. Nếu quả là tư duy có khuynh hướng nghiêng về phía những lối tiếp
cận thuần túy kỹ thuật, thì đừng để nó vượt quá khả năng kiểm soát của con người.
Có thể hiểu được tại sao trong cơ chế hành chính- độc đoán, một sự hiểu biết
như vậy lại bị loại bỏ như một cái gì đó không cần thiết"[39].
Xin dẫn thêm một học giả khác ở Nga để vấn đề được lộ ra rõ
hơn. V.E. Davidovich, nhà hoạt động công huân về khoa học Nga, người thấy rất
rõ những nan giải trong việc khám phá một cách toàn diện về con người, và do vậy
không mấy hứng thú với việc xây dựng một khoa học thống nhất về con người. Tuy
thế, ông vẫn khẳng định: "Nhân loại, trong tất cả các học thuyết, trên tất
cả các cấp độ phân tích và đánh giá về nó, không thể được thể hiện trong khuôn
khổ chỉ của một nhánh tri thức nào đó, một hình thức đơn nhất nào đó của sự nhận
thức thế giới. Chỉ có cách tiếp cận đồng bộ, bổ sung lẫn nhau và có tính tích hợp
mới đem lại hình ảnh đầy đủ, toàn diện và chỉnh thể về nhân loại"[40]. Khi đánh giá cao những đóng góp của Viện con người (Nga)
cùng tờ tạp chí Con người trong việc xây dựng một khoa học thống nhất về con
người, V.E. Davidovich cho rằng, ở Nga cũng như trên thế giới, "nhiệm vụ
phải thấu hiểu nhân loại trong tính tổng thể của nó, thấu hiểu bản chất và các
hiện tượng đa dạng của nó, một lần nữa lại đặt ra một cách bức xúc trước mỗi thế
hệ mới”[41].
1.3.11. Do hiểu rõ nhu cầu khách quan của việc nghiên cứu con
người một cách phức hợp - tổng thể, ở Nga, cách tiếp cận này không những được
tiến hành trong các công trình khoa học, mà còn được đảm bảo bằng việc thành lập
một thiết chế xã hội cụ thể. Viện Con người thuộc VHLKH Nga chính thức
được khai sinh năm 1992. Nhưng trước đó, năm 1990, tổ chức tiền thân của nó là Trung
tâm khoa học về con người cùng tờ tạp chí Con người đã ra mắt tại
Nga. Theo ý đồ đã được phê duyệt, Trung tâm khoa học về con người là
một tổ chức khoa học rất lớn, có lẽ là một kiểu tổ chức độc nhất vô nhị trên thế
giới. Trụ sở của nó cũng đã được khởi công xây dựng tại một địa điểm đẹp và
sang trọng ở Mátxcơva. Tiếc rằng, các sự kiện năm 1991 tại Nga đã làm tan vỡ ý
đồ này. Cho đến năm 2006, Viện Con người ở Nga cũng là một tổ chức
nghiên cứu khoa học tương đương như các viện khác tại Viện Hàn lâm, song chỉ bằng
một phần nhỏ của đồ án Trung tâm khoa học về con người. Từ năm 2006, với
lý do thiếu kinh phí, Viện Con người đã hoạt động với tư cách là một tổ chức nhỏ
hơn (Labo) thuộc Viện Triết học.
Quan điểm của Viện Con người (VHLKH Nga) về nghiên cứu con
người, nói chung, và về việc xây dựng một khoa học thống nhất về con người được
nêu rõ trong đồ án thành lập Viện: “Cho tới nay, tri thức về con người đã tích
luỹ được rất phong phú, nhưng do thu được trong phạm vi các khoa học
riêng rẽ nên những tri thức đó chưa được kết nối trong một bức
tranh thống nhất. Sự thiếu vắng bức tranh đó làm giảm ghê gớm tính hiệu qủa của
việc sử dụng những tri thức về con người, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáp
ranh (như đạo đức sinh học, tâm lý học y khoa, sinh lý học sư phạm, v.v...). Mặc
dầu theo quan điểm triết học thì khả năng tự nhận thức đến cùng và trọn vẹn là
không thể có, song những nhu cầu thực tiễn lại đòi hỏi khoa học phải nỗ lực
theo khuynh hướng này, cần thiết phải xây dựng một khoa học thống nhất về con
người (единная наука о человеке). Xây dựng một khoa học như vậy - là mục đích của
Viện chúng tôi”[42].
1.3.12. Như đã nói ở trên, xu hướng nghiên cứu phức hợp -
liên ngành về con người được nảy sinh từ thực tiễn và sâu xa hơn, từ bản thân đối
tượng nghiên cứu. Tính độc đáo, tính bí ẩn và tính phong
phú của con người, một thực thể vừa tự nhiên, vừa xã hội, vừa
tinh thần là điều kiện lý tưởng cho các nhà khoa học triển khai tư tưởng của
mình về cách tiếp cận phức hợp - liên ngành. Vậy các nhà khoa học đã quan niệm
thế nào về cách tiếp cận phức hợp - liên ngành trong nghiên cứu con người.
Người đầu tiên cần kể đến trong số những người thiết tha với
cách tiếp cận phức hợp - liên ngành nói chung và với tư duy phức hợp về con người
nói riêng, theo chúng tôi, phải là E. Morin, Chủ tịch Hiệp hội tư duy phức hợp
(Association for Complex Thought), người đã viết một công trình đồ sộ gồm 4 tập
về phương pháp (La Méthode. Paris, 1981, 1985, 1991, 1992) trong đó có bàn đến
tư duy phức hợp và một chuyên luận riêng về tư duy phức hợp (Introduction à la
penssée complexe. Paris, 1990). E. Morin cho rằng, “cải cách tư duy là vấn đề
chìa khoá của nhân học”. Để nhân học thực sự trở thành khoa học “đa chiều”, cần
thiết phải “tái cấu trúc lại” các nội dung hiện đang bị phân cách, bằng cách
“đi từ tư duy đơn giản, què quặt, biệt lập, liệt kê và trừu tượng để vươn tới
các nguyên lý của tư duy phức hợp”. Nội dung của tư duy phức hợp về con người
được E. Morin hình dung là: “Con người phải dành vị trí cho thần thoại, cảm thức,
tình thương, nỗi niềm nhớ tiếc và cần xem xét những nội dung ấy bằng lý tính.
Lý tính đích thực cần biết rõ những giới hạn của logic, của tất định luận và cơ
giới luận; nó cũng phải thấu hiểu rằng tâm trí người ta chẳng phải là hiểu biết
đủ mọi chuyện và cũng công nhận điều bí hiểm của thực tại”[43].
Với các học giả Nga, nghiên cứu liên ngành không có nghĩa là
đồng thời nghiên cứu tất cả các mặt về con người. Hầu hết đều hiểu một tham vọng
như thế sẽ không tránh khỏi rơi vào không tưởng. Trong nghiên cứu phức hợp -
liên ngành, điều khác biệt trước tiên là nhiệm vụ nghiên cứu sẽ rộng hơn so với
mỗi chuyên ngành và có sự tác động của các phương pháp vay mượn từ các ngành
khác, làm đối tượng lộ ra những thuộc tính mà trong khuôn khổ nghiên cứu chuyên
ngành không thể có được. Nghiên cứu phức hợp - liên ngành không phải là các
ngành được đặt bên cạnh nhau, mà là các ngành tích hợp (integration) với nhau,
làm con người thể hiện ra như là nó trong thực tế[44]… Tuy nhiên, nhận thức đó cũng mới chỉ là ý đồ có tính chất lý
thuyết. Trong thực tế triển khai những nghiên cứu phức hợp cụ thể về con người,
các tác giả Nga vẫn khá lúng túng và vẫn một lần nữa sa vào những hạn chế, thậm
chí cả những hạn chế đã được lường trước. Về tình trạng này, B.G. Yudin viết:
“Mặc dù đến nay, đã có những kinh nghiệm hay được đưa ra làm công cụ cơ bản để
xác định lĩnh vực đối tượng cho thỏa đáng, song khái niệm con người với tính
cách là “thực thể sinh học-xã hội”, là “tiểu vũ trụ”, thậm chí, là thực thể “vũ
trụ - tâm - sinh lí - xã hội” (космобиопсихо-социальное существо) - tất cả, hoặc
là, vẫn mới chỉ dừng lại ở trình độ những kiến giải cực kỳ chung chung, hoặc
là, một lần nữa, lại được nghiên cứu theo những hướng quá chuyên biệt”[45].
Có thể nói rằng, cách tiếp cận phức hợp trong nghiên cứu con
người, dẫu sao, cũng mới chỉ được triển khai ở mức độ ý tưởng nghiên cứu. Một
trình độ sâu sắc hơn và thiết thực hơn, còn phải chờ đợi ở những bước đi tiếp
theo của khoa học.
1.4. Nhân học
1.4.1. Nói đến khoa học thống nhất về con người, gần đây, người
ta thường nói đến nhân học, mà trước hết là nhân học xã hội (social
anthropology), hoặcnhân học văn hoá (cultural anthropology), hay nhân
học triết học (philosophycal anthropology), v.v... Tuy nhiên, nhân học lại
là ngành khoa học đã có từ lâu. Thuật ngữ anthropology xuất hiện từ
thế kỷ XVII. Từ gốc của nó (Antropina) đã được tìm thấy ngay trong triết học Hy
Lạp cổ đại. Với tính cách là một khoa học, anthropology, theo B.V. Markov, xuất
hiện khoảng thế kỷ XIX[46], còn theo P.S. Gurevich, thế kỷ XVIII[47]. Vậy tại sao số phận của khoa học thống nhất về con người lại
gắn liền với ngành nhân học? Khi dự báo một khoa học thống nhất về con người,
Mác có gọi nó là nhân học hay không? Và tại sao những người có tiếng nói uy tín
về nhân học như M. Scheler, I.T. Frolov, E. Morin... đều không quên nhắc đến I.
Kant như một người đặt nền móng cho khoa học nhân học với những tư tưởng độc
đáo về nghiên cứu con người một cách phi truyền thống?
1.4.2. Xin được nói ngay rằng, trong Bản thảo kinh tế -
triết học năm 1844, khi dự báo một khoa học thống nhất về con người, C. Mác
không hề nhắc tới nhân học. Điều này là có thể hiểu được. Vì nhân học lúc đó
khác rất nhiều so với hiện nay và nếu biết khoa học thống nhất đó chính là nhân
học, thì cũng chẳng còn gì để phải dự báo. Vấn đề chỉ hơi gợn ở chỗ, biết đâu
sau này, khoa học thống nhất về con người mà Mác dự báo lại không phải là nhân
học. Cũng có thể như vậy. Nhưng cho đến hiện nay, như sau đây chúng tôi sẽ cố gắng
làm rõ, trình độ của một khoa học tổng hợp - liên ngành về con người, mới chỉ
có nhân học là thoả mãn được phần nào.
1.4.3. Để tìm hiểu những câu hỏi vừa nêu, xin hãy đọc P.S.
Gurevich, nhà văn hoá học người Nga, tác giả của nhiều chuyên khảo về con người
và về nhân học; theo đánh giá của V.E. Davidovich, P.S. Gurevich là người
“nghiên cứu sâu sắc hơn cả trong tư tưởng Nga hiện đại về vấn đề con người”[48]. Trong cuốn Nhân học triết học (2001) khá nổi tiếng của mình,
P.S. Gurevich viết: “Tư tưởng về sự phân chia chuyên ngành cho những nghiên cứu
nhân học theo đúng nghĩa của nó được nảy sinh từ thế kỷ XVIII. Có lẽ, người đầu
tiên đặt vấn đề này là I. Kant. Ông là người đầu tiên của nền triết học châu Âu
khẳng định rằng, con người là một thực thể độc nhất vô nhị (уникальное
сушество) có khả năng suy tư một cách riêng biệt và độc đáo. Con người - là
khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện triết học (предельно
захватывающий и загадочный объект философского умозрения). Để khám phá bí ẩn của
con người, cần phải có những công cụ không tầm thường và độc lập. Trong ý nghĩa
đó, nhân học triết học đối lập với khu vực tri thức triết học truyền thống - bản
thể luận (học thuyết về tồn tại), logic học, lý luận nhận thức, lịch sử triết học,
đạo đức học, thầm mỹ học, triết học tự nhiên, triết học xã hội, triết học lịch
sử”[49].
Cần thiết phải dừng lại một chút ở đoạn trích này. Theo chúng
tôi, khi khai thác tư tưởng của I. Kant về con người và về nhân học,
P.S.Gurevich đã rút ra được mấy điều rất đáng chú ý. Thứ nhất, con người là một
thực thể độc nhất vô nhị, và do vậy, là khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của
sự tư biện triết học. Dùng thuật ngữ “tư biện triết học”, theo chúng tôi, P.S.
Gurevich rõ ràng không dùng theo nghĩa xấu của từ này, mà ông muốn ám chỉ cả
hai khả năng: tư biện sáng suốt và tư biện sai lạc. Thứ hai, do đối tượng
nghiên cứu quy định, nhân học nghiên cứu con người theo cách hoàn toàn đặc biệt,
với những công cụ đặc biệt, bởi vậy, nó đối lập với các lĩnh vực tri thức triết
học truyền thống. P.S. Gurevich muốn nói rằng, nếu người ta chỉ nghiên cứu con
người bằng các công cụ của tri thức truyền thống như bản thể luận hoặc logic học,
đạo đức học hay triết học xã hội, v.v... người ta sẽ không thể khám phá được
khách thể bí ẩn này. Thứ ba, nhân học được phân ngành khoa học theo đúng nghĩa
của nó từ thế kỷ XVIII, và người đầu tiên đặt nền móng cho sự phân ngành nhân học
khoa học này là I. Kant.
1.4.4. Điều trớ trêu là, hầu như suốt nửa sau thế kỷ XX, nhân
học triết học, nhân học xã hội đã không được chú ý; nó bị lấn át bởi các nghiên
cứu nhân học chuyên ngành như dân tộc học, nhân trắc học, khảo cổ học.... Theo
các tài liệu mà chúng tôi được biết, khoa học nhân học trong thế kỷ XX, theo
quan niệm phổ biến của giới nghiên cứu Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, thường được
chia làm mấy giai đoạn:
Giai đoạn đầu là những năm 20 - 30, với những tên tuổi nổi
tiếng là M. Scheler và H. Plessner, trong đó, M. Scheler (1874-1928) được tuyệt
đại đa số những người nghiên cứu nhân học thế kỷ XX coi là thuỷ tổ của nhân học
hiện đại với tác phẩm kinh điển Địa vị của con người trong vũ trụ (1928).
ở tác phẩm chưa hoàn thành này, ông còn là người có công đưa phương pháp hiện
tượng học vào nghiên cứu con người và do vậy làm lộ ra “bản chất hiện hữu của sự
tồn tại người”. H. Plessner (1892-1985), nhà triết học và xã hội học người
Đức cũng được coi là một trong những người sáng lập ngành nhân học. H. Plessner
đề cao sự phối hợp giữa triết học với sinh học trong nghiên cứu con người. Ông
đã từng tuyên bố “sinh học mà thiếu triết học thì sẽ mù quáng, còn triết học về
con người mà thiếu sinh học thì sẽ rỗng tuếch”[50]. Con người, theo H. Plessner “là một thực thể mà trong hoạt động
của mình nó thường xuyên vượt ra khỏi khuôn khổ của cái hiện có để hướng tới
cái tiên nghiệm, xa xăm nào đó”. Bởi vậy, con người cũng “là một bí ẩn không thể
đạt tới của tồn tại”[51].
Giai đoạn thứ hai là một cuộc đảo lộn khoa học nhân học
với Levi-Strauss cùng phương pháp cấu trúc nổi tiếng. Chính Levi-Strauss đã viết
về nhân học xã hội: “Mọi cái đều diễn ra tựa hồ như nhân học xã hội và văn hóa
chẳng hề xuất hiện trên diễn đàn phát triển khoa học như một bộ môn độc lập,
đòi hỏi vị trí của mình giữa các bộ môn khác, mà lại đại khái mang hình thức một
tinh vân dần dần nhập vào một đề tài cho đến bây giờ vẫn mơ hồ hay được phân phối
khác đi, và do chính sự tập trung này tạo nên một sự phân bố lại toàn bộ các chủ
đề nghiên cứu giữa mọi khoa học xã hội và nhân văn chăng”[52]. Sau đó, với các nhà nhân học thuộc trường phái Frankfurt (Đức),
nhân học được phát triển thành nhiều nhánh như nhân học văn hóa, nhân học Kitô
giáo, nhân học sư phạm, v.v...
Giai đoạn khủng hoảng của nhân học có mầm mống từ trước
Chiến tranh thế giới II, nhưng rõ nhất là từ những năm 60 đến đầu những năm 90.
Không thấy tài liệu nào nói thật rõ nguyên nhân của khủng hoảng này. Chỉ biết rằng,
sự vận động của đời sống văn hoá - xã hội ở các cộng đồng trong và ngoài châu
Âu, được phản ánh trong nhân học suốt ba phần tư thế kỷ XX, đã làm nhân học bị
phân hoá sâu sắc. Diện mạo của nhân học ở các nước Anglo-saxons đã khác biệt và
tách rời hẳn truyền thống châu Âu và trở nên độc lập với dòng nhân học châu Âu.
Theo Lương Văn Hy, Chủ nhiệm khoa nhân học, Đại học Toronto, Canada, đến nay,
“hầu hết các nhà nhân học văn hoá và xã hội ở những nước nói tiếng Anh xem lý
thuyết tiến hoá văn hoá xã hội của thế kỷ XIX chỉ còn giá trị lịch sử”. “ở nhiều
trường đại học và cao đẳng cỡ trung bình và nhỏ thì ngành nhân học văn hoá và xã
hội được kết hợp với xã hội học thành một khoa (Department of Sociology and
Anthropology), còn ở nhiều nơi khác thì nó nằm trong khoa nhân học, gồm cả bộ
môn khảo cổ học, nhân học ngôn ngữ (gồm một phần ngôn ngữ xã hội), và nhân học
sinh thể (biological anthropology)”. “Không có một cơ quan tổ chức nào xác định
một giáo trình nhân học phải được viết như thế nào”[53]. Như vậy, ngay cả ở những nền nhân học ngoài châu Âu truyền
thống, ngành khoa học này cũng đang có vấn đề của nó.
Từ đầu những năm 90 đến nay là giai đoạn phục hồi của nhân học.
Phục hồi ở cả hai phía (phía châu Âu truyền thống và phía Anglo-saxons). Có lẽ
chưa lúc nào nhân học lại được quan tâm như ở giai đoạn này.
1.4.5. Ở Nga, từ 1994 đến nay, ngành nhân học được
các học giả Nga hết sức quan tâm. Chỉ trong vòng vài năm, hàng loạt công trình
về nhân học, nhân học triết học, nhân học xã hội được xuất bản. Trong các trường
đại học, ngành khoa học này đã trở thành môn học bắt buộc. Theo lời B.G. Yudin,
Viện trưởngViện con người, VHLKH Nga, trên khắp nước Nga hiện đã xuất hiện hàng
loạt hướng mới trong nghiên cứu con người, mà hướng nào cũng tự nhận mình là
“nhân học” theo chuyên ngành này hay chuyên ngành khác. Năm 1996, tại Đại học tổng
hợp Lomonoxov, khi tổ chức giảng dạy chuyên đề Nhân học xã hội và triết học,
Khoa Triết học đã nhận được đề nghị giảng dạy thêm 10 chuyên đề nhân học khác,
gồm nhân học xã hội, nhân học phân tâm học, nhân học chính trị, nhân học
văn hoá, nhân học triết học, nhân học triết học-xã hội, nhân học sinh thái,
nhân học tôn giáo, nhân học lịch sử, nhân học sư phạm. Một thời gian sau, ở Nga
lại xuất hiện thêm nhân học kinh tế, nhân học pháp lý và thậm chí, nhân
học thi ca (поэтическая антропологиа), mà Yudin cho rằng vấn đề đặt ra
cũng đủ nghiêm túc để phải thảo luận[54].
1.4.6. Như vậy, diện mạo của tri thức nhân học thế giới hiện
thời rất phong phú nhưng khá tản mạn và rõ ràng là thiếu thống nhất. Mỗi trung
tâm khoa học đều cố gắng vẽ ra bức tranh của riêng mình về nhân học, từ những
lý thuyết nền tảng, có ý nghĩa xuất phát đến các nghiên cứu thực tế chuyên biệt.
Tình hình này phản ánh rất rõ ở Việt Nam, nơi nhân học đang được tiếp thu như một
ngành khoa học mới - lần đầu tiên thâm nhập vào hệ thống tri thức nghiên cứu và
giáo dục. Có thể thấy khá phổ biến là tình trạng nói khác nhau, hiểu khác nhau
và chẳng biết có đúng thế không. Thực ra thì vẫn có cái chung và cái chung đó
là có thể chấp nhận được, song rõ ràng là quá chung khi cuốn sách đầu tiên về
nhân học được xuất bản bằng tiếng Việt và được không ít người coi là có chất lượng,
đã viết: “Nhân học có thể được định nghĩa là một ngành học về bản chất con người,
xã hội con người, và quá khứ con người. Đây là một ngành học có mục đích miêu tả
thế nào là con người theo một nghĩa rộng nhất có thể được... Nhân học là một
ngành học toàn diện (holistic); tính toàn diện là đặc điểm trung tâm của quan
điểm nhân học”[55].
Nhìn vào thực trạng của khoa học nhân học hiện nay, người ta
có thể hiểu được tại sao không ít học giả ở cả phía châu Âu truyền thống và ở cả
phía Anglo-saxons, khi đón nhận những phát kiến mới của các khoa học cụ thể về
con người đã không thoả mãn với tình trạng nhân học hiện thời và có ý định cải
tạo lại ngành tri thức này cho phù hợp với nhận thức của con người về chính
mình ở đầu thế kỷ XXI. Không phải ngẫu nhiên mà ngành khoa học này lại được phục
sinh. Một làn sóng mới đang rất chú ý đến nhân học, nhưng chú ý theo hướng cải
tạo nó thành một khoa học phức hợp, liên ngành và thống nhất về con người, vượt
ra ngoài giới hạn của nhân học truyền thống.
Nếu xu hướng hình thành một khoa học thống nhất về con người
là có thực thì đây chính là những bước đi đầu tiên của khoa học thống nhất về
con người.
1.4.7. Trở lại với tình trạng bùng nổ các chuyên ngành nhân học
ở Nga để lý giải về sự xuất hiện một khoa học thống nhất về con người, về hiện
tượng này, theo B.G. Yudin, sẽ chẳng có gì phi lý nếu ai đó giải thích rằng, giới
trí thức Nga đang chạy theo mốt trong hoạt động khoa học. Nhưng, cũng
theo B.G. Yudin, nếu giải thích như thế thì câu hỏi tiếp theo sẽ là, tại sao
chính hệ vấn đề con người lại trở thành mốt? Ông đi đến kết luận: hiện tượng
này “không chỉ làm lộ ra mà nó còn che đậy một sự thay đổi rất bản chất đang diễn
ra trong các tri thức nhân văn”. Ông viết: “Mỗi đồ án nhân học chuyên ngành
không chỉ là một thử nghiệm nghiên cứu trong khu thí nghiệm đã được ngăn cách với
tất cả, mà ngược lại, mỗi đồ án đó còn là một ý tưởng rất căn bản, nói cách
khác, đó tuyệt nhiên chưa phải là nhân học chuyên ngành, cũng không phải là sự
kỳ vọng đặt vào lý thuyết nhằm khắc họa tồn tại người về mặt này hay về mặt
khác, mà là một bản đăng ký, có mục đích là che giấu đi những cơ sở của
đồ án mà nhờ đó trở thành nền tảng của một khoa học thống nhất về con
người và - rộng hơn - của sự nhận thức nhân văn nói chung”[56].
Xin lưu ý rằng, ở Nga, quan niệm hiện đại về nghiên cứu con
người (thường được ám chỉ trong thuật ngữ человековедение hoặc человекознание)
được hiểu là một lĩnh vực rất rộng, rộng hơn cả nhân học xã hội, song khoa học
thống nhất về con người mà các nhà nghiên cứu Nga triển khai đều dựa vào cốt
lõi là nhân học, mà có người còn gọi là hậu nhân học (постантропология)[57], trước hết, đó là nhân học xã hội hiện đại, hoặc nhân
học triết học.
1.4.8. Dĩ nhiên, khi nói đến một khoa học thống nhất về con
người thì điều mà người ta không thể thoái thác là xác định đối tượng nghiên cứu
đặc thù của nó. Với khoa học này, vấn đề đối tượng nghiên cứu có thể không giống
như quan niệm phân loại khoa học truyền thống (theo quan niệm truyền thống,
khoa học nào cũng phải có đối tượng riêng, hệ phương pháp nghiên cứu riêng, hệ
phạm trù và khái niệm riêng), tuy vậy, nếu không xác định được đối tượng nghiên
cứu riêng biệt, đặc thù, thì cũng khó có thể nói đến sự tồn tại của một khoa học
riêng biệt, độc lập. Theo ý tưởng của các nhà khoa học Nga, với khoa học thống
nhất về con người, cách tiếp cận chủ đạo sẽ là tiếp cận phức hợp - liên ngành,
song điều đó không có nghĩa là khoa học này sẽ chỉ là tổng số những nghiên cứu
của các khoa học khác. Khía cạnh riêng biệt, cái làm nên đối tượng của khoa học
này là lát cắt của cái nhìn toàn vẹn về con người (срез целостного видения
человекa)[58].
Bởi vậy, việc xác định đối tượng của khoa học mới này được
các nhà khoa học Nga rất chú ý. V.V. Saronov cho rằng, đối tượng của khoa học
thống nhất về con người cần phải tìm trong “những mối liên hệ giữa thế giới
tinh thần bên trong của con người với thế giới các quan hệ, các thiết chế, các
quá trình xã hội khách quan bên ngoài con người”. Theo ông, “đối tượng đặc thù
của nhân học xã hội là con người với tính cách là chủ thể hiện thực và tiềm ẩn
của xã hội”... “ đó là con người sáng tạo, vốn có trách nhiệm cá nhân đối với
hành vi sáng tạo và đối với kết quả xã hội của mình”. Ông coi đối tượng này cho
phép phân biệt khoa học về con người với các khoa học xã hội và nhân văn khác.
Ông còn cho rằng khái niệm “đường đời” (Жизненный путь, có thể coi tương đương
với khái niệm “làm người” và “ở đời” trong tiếng Việt) là khái niệm rất đặc
trưng cho khoa học thống nhất về con người[59].
Về đặc trưng của khoa học thống nhất về con người, B.V.
Markov viết: “Tư duy hậu nhân học bác bỏ tham vọng về vai trò độc
đoán trong thảo luận về con người. Con người không phải là một cái gì đó được
thiết kế sẵn bởi giới tự nhiên hay được sáng tạo bởi Chúa. Nó cũng không thể
quy giản chỉ còn là một thực thể tự nhiên hay văn hóa, sinh học hay siêu hình học,
đạo đức hay kỹ nghệ. Lý tính và trái tim, tính trách nhiệm và đạo đức không thể
quy giản về những bản chất siêu hình phi lịch sử”[60]. Theo chúng tôi, đây là một nhận định thật đáng suy ngẫm; nhận
định này nếu không oán trách thì cũng chẳng vừa ý chút nào với tình trạng phiến
diện trong nghiên cứu con người trước đây.
Rõ ràng là, với các học giả Nga, một ngành tri thức mới về
con người, hay một khoa học thống nhất về con người, mặc dù còn rất ngổn ngang,
song về đại thể, không còn là vấn đề phải hoài nghi. Khoa học thống nhất về con
người đang được xây dựng theo hướng cải tạo lại nhân học cho phù hợp với trình
độ hiện đại của các khoa học chuyên ngành về con người. Tên gọi của khoa học
này có thể còn phải bàn cãi, nhưng thực chất là nhân học ở trình độ hiện đại -
hậu nhân học.
1.5. Kết luận
1.5.1. Nếu coi việc mô phỏng các phương pháp thực nghiệm của
vật lý học và sinh học vào nghiên cứu con người của W.Wundt[61] là bước thử nghiệm thành công đầu tiên dẫn đến hình
thành khoa học về con người, thì khoa học về con người, theo nghĩa là một ngành
nghiên cứu thực nghiệm và định lượng về con người (con người với tính cách là một
thực thể sinh học – xã hội, theo nghĩa đầy đủ nhất của quan hệ này) đến nay vẫn
đang trong quá trình hình thành.
Mặc dù, trong thế kỷ XX, khoa học đã có những bước tiến rất
dài cùng với xu hướng phân ngành và hợp ngành đã đạt đến độ rất sâu, song trên
thực tế, nhiều vấn đề của khoa học về con người, vẫn chưa có được những câu trả
lời thỏa đáng hơn, chi tiết hơn và khách quan hơn so với cách lý giải của triết
học. Mơ ước của các nhà thực chứng về một sự độc lập hoàn toàn trong khám phá
con người, “giải thoát” khoa học về con người khỏi các định đề triết học và thần
học, ngày càng tỏ ra là một mơ ước rất chính đáng nhưng không thực sự sáng suốt.
Con người là thế – cái bí ẩn đan xen với cái tường minh, điều dễ nhận thức gắn
liền với điều gần như không thể biết, tính quy luật thể hiện thông qua hàng loạt
hiện tượng dường như chẳng tuân theo quy luật nào. Các khoa học cụ thể, vì thế,
không thay thế được cho triết học, nhất là trong những vấn đề về con người, dù
cho khoa học có tiến bộ đến đâu; nhưng triết học, cũng không thể thay thế được
các khoa học cụ thể, thậm chí ngược lại, triết học sẽ chẳng có ý nghĩa bao
nhiêu nếu không được luận chứng từ phía các khoa học cụ thể.
1.5.2. Dù hiểu dự báo của Mác một cách thật chặt chẽ như là một
tiên đoán chính xác về sự thắng thế của xu hướng hợp ngành trong nghiên cứu con
người, hay dù hiểu dự báo của Mác chỉ ở mức độ như một châm ngôn nói về quá
trình xích lại gần nhau giữa các phương thức khám phá con người, thì xu hướng
hình thành một sự hiểu biết liên ngành, đa ngành, phức hợp... về con người, tức
là kiểu một khoa học thống nhất về con người, rõ ràng là đã định hình. Cho đến
nay, xu hướng này không còn là cái dễ bị gạt bỏ trong đời sống khoa học. Nó
không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng huyễn hoặc. Nó phản ánh tình trạng
thành tựu của các phương thức hiểu biết về con người lâu nay bị chia cắt vụn
nát, gây khó khăn cho việc nhận thức con người - một đối tượng có tính chỉnh thể
và hấp dẫn tột cùng đối với nhận thức, một “tiểu vũ trụ” độc đáo, bí ẩn và sự tồn
tại của nó là duy nhất trong trong vũ trụ. Quá trình liên kết các thành tựu đó
lại trong một một hiểu biết đa diện hơn, đa ngành hơn, bằng nhiều phương thức
hơn... chính là quá trình được gọi bằng cái tên “sự hình thành một khoa học thống
nhất về con người”.
Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, dự
báo của C. Mác không xác định cho một khoảng thời gian chính xác, nên ta không
rõ ông nói “về sau” nghĩa là đến khi nào. Song căn cứ vào những gì mà các khoa
học về con người đã đạt tới thì có thể nói, xu hướng này được đánh dấu bằng
cách tiếp cận phức hợp - liên ngành với chí ít là những tên tuổi như M.
Scheler, E. Morin và I. T. Frolov.
Và chắc chắn, đây cũng chỉ là bước đầu tiên trên con đường
(phải nói là) xa xôi để con người nhận thức về mình bằng một phương thức thống
nhất tất cả các phương thức khác.
Chương 2
CON NGƯỜI VÀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TRONG QUAN NIỆM CỦA CHỦ
NGHĨA MÁC
"Nhưng bản chất con người không phải là cái trừu tượng của những
cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng
hòa các quan hệ xã hội".
CÁC
MÁC
2.1. Định nghĩa kinh điển về con người
2.1.1. Lâu nay, giới lý luận mácxít thường quan niệm rằng, với
triết học Mác thì con người là một thực thể sinh học - xã hội. Tư tưởng
này được mặc nhiên xem là định nghĩa (hay có giá trị tương đương với định
nghĩa). Tất cả các tài liệu mácxít, khi triển khai quan niệm của mình về con
người và đời sống con người đều ngầm định tư tưởng này là tiền đề, là cơ
sở của các quan niệm phái sinh khác.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ, cho tới nay, chúng tôi
chưa thấy ai công bố đã bắt gặp ở chỗ nào Mác viết nguyên văn con người là
một thực thể sinh học - xã hội. Có thể do tư tưởng này đã phổ biến đến mức
gần như là một chân lý hiển nhiên và hơn thế nữa, do trong các tác phẩm kinh điển,
tư tưởng này đã được thể hiện và được triển khai sâu thêm ở các quan niệm về bản
chất con người, về đời sống con người[62]... nên người ta không mấy quan tâm đến xuất xứ của nó nữa. Hoặc
cũng có thể do chưa ai tìm thấy Mác nói nguyên văn như thế, nên tất cả những
giáo trình triết học, những từ điển và những ấn phẩm có uy tín viết về con người
(mà chúng tôi được biết[63]), đều chưa thấy trích dẫn tư tưởng này.
Là những người nghiên cứu, để tồn tại điều này có nghĩa là mắc
nợ. Bởi vậy cần thiết phải xem căn cứ vào đâu mà quan niệm kinh điển cơ bản về
con người lại nói một cách xác định như thế - con người là một thực
thể sinh học - xã hội.
Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã lưu ý tình trạng này. Và, khi
nghiên cứu tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, chúng tôi nhận
thấy, tư tưởng này có lẽ là được trình bày ở đây. Chỉ có điều so với mệnh đề mà
ta quen nói, thì hình thức ngôn từ ở đây hơi khác. Trong tác phẩm này, Mác khẳng
định: Con người “là thực thể tự nhiên có tính chất người” [64].
2.1.2. Thực ra, quan niệm xem con người là một thực thể
tự nhiên là tư tưởng của Feuerbach, người được Mác đánh giá là đã có
công “làm cho quan hệ xã hội của con người với con người trở thành nguyên
tắc cơ bản của lý luận” [65]. Feuerbach cho rằng, con người là một thực thể đặc biệt
của tự nhiên. Đặc biệt vì nó là thực thể duy nhất có ý thức. Tuy vậy, việc xác
định bản chất của nó, cũng phải được tiến hành tương tự như đối với mọi sinh vật
khác, tức là phải xác định bằng tính chất của các “đối tượng bên ngoài” như
không khí, nước, ánh sáng, thức ăn, vật liệu hoạt động... - cái đảm bảo cho con
người tồn tại một cách tất yếu và hiện thực [66]. Tiếp thu quan niệm này, Mác nhấn mạnh: “Con người trực
tiếp là thực thể tự nhiên... [67]. Mác giải thích: với tính cách là thực thể tự nhiên, hơn nữa,
lại là “thực thể tự nhiên sống”, con người, một mặt, được phú cho sức mạnh tự
nhiên dưới hình thức các “năng lực” “thiên bẩm”, “năng khiếu”. Nhưng mặt khác,
con người còn “bị quy định và bị hạn chế” bởi những “đối tượng” tự nhiên bên
ngoài nó, “những đối tượng không phụ thuộc vào nó” nhưng lại “cần thiết” và
“căn bản” để nó thể hiện và khẳng định mình. Cho nên về phương diện này, con
người là “thực thể đau khổ” (Mác dùng lại thuật ngữ của L. Feuerbach, với hàm
nghĩa là con người buộc phải chịu sự quy định của tự nhiên). Mác nói rõ thêm:
“Thực thể không có tự nhiên ở bên ngoài nó thì không phải là thực thể tự nhiên,
nó không tham gia vào đời sống của tự nhiên”[68].
Có thể thấy đây là quan niệm rất sâu và có lẽ hơi khác với
quan niệm hiện đại về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Hiện thời, ngay
cả quan niệm phát triển bền vững, một quan niệm chủ trương coi việc bảo vệ
môi trường như một thành tố đầu vào của sự phát triển xã hội và phát triển con
người, cũng không xem tự nhiên là một cái gì đó lớn đến mức như Feuerbach và
Mác đã luận giải. Dĩ nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng các quan niệm hiện đại
xem thường sức mạnh tự nhiên ngự trị trong và ngoài con người. Bởi dễ thấy là,
ngay cả hiện nay, khi khoa học tuyên bố đã lập được bản đồ gen người, con người
vẫn không khỏi lúng túng trước những bí ẩn của căn bệnh HIV/AIDS và SARS. Tuy
nhiên, chính vì thế mới cần suy ngẫm, tại sao hơn một trăm năm trước, Feuerbach
và Mác lại đề cao yếu tố tự nhiên trong sự tồn tại của con người đến thế, và
ngày nay, liệu có cần một lần nữa nhấn mạnh cái tự nhiên như thế hay
không.
2.1.3. Mặc dù tiếp thu quan điểm đề cao yếu tố tự nhiên trong
sự tồn tại người của Feuerbach, song Mác không dừng lại ở tư tưởng của
Feuerbach, mà đi xa hơn và hoàn chỉnh khái niệm con người của mình.
Mác viết: “Nhưng con người không chỉ là thực thể tự nhiên, nó là thực thể tự
nhiên có tính chất người, nghĩa là thực thể tồn tại cho bản thân mình và
do đó là thực thể loài” [69].
Con người là thực thể tự nhiên có tính chất người - Có
thể coi đây là định nghĩa khái niệm con người của Mác. Theo chúng
tôi, cả về mặt hình thức trình bày cũng như cả về mặt nội dung và tầm vóc của
tư tưởng được diễn đạt, mệnh đề này đều đáp ứng những yêu cầu khắt khe của một
định nghĩa. Tuy thế, hãy tạm coi đây chỉ là một (trong những) định nghĩa khái niệm con
người của Mác; vì ta chưa thể biết một cách chắc chắn, liệu Mác còn có một
định nghĩa nào khác hay không.
Mác dùng khái niệm thực thể loài để diễn đạt tính
chất người của con người. Mác giải thích: khác với các thực thể tự nhiên
khác chỉ tồn tại một cách tự nó, con người, một sinh vật có ý thức, tồn tại có
mục đích - “tồn tại cho bản thân mình”; bằng cách lấy giới tự nhiên bên ngoài
làm “đối tượng” của mình - cải biến giới tự nhiên. “Chính trong việc cải biến
thế giới vật thể, con người lần đầu tiên thực sự khẳng định mình là một sinh
vật có tính loài”. “Hoạt động sinh sống có ý thức phân biệt trực tiếp con người
với hoạt động sinh sống của con vật. Chính chỉ vì thế mà con người là một sinh
vật có tính loài. Hoặc còn có thể nói thế này: con người là một sinh vật có ý
thức, nghĩa là đời sống của bản thân con người là một đối tượng đối với con người,
chính chỉ vì con người là một sinh vật có tính loài”[70].
Con người là thực thể loài, Mác nói rõ, không chỉ trong
các hoạt động nhận thức, mà cả trong các hoạt động vì sự tồn tại của nó. Giới tự
nhiên bên ngoài, “những đối tượng trực tiếp có sẵn trong tự nhiên”, tự nó,
không luôn luôn phù hợp với con người. Để đáp ứng nhu cầu tồn tại và nhu cầu nhận
thức của mình, con người buộc phải sử dụng và cải tạo những đối tượng có sẵn
trong tự nhiên. Việc sử dụng và cải tạo như vậy không thể là công việc mang
tính cá thể, cá nhân mà là công việc mang tính loài, là “hoạt động loài”[71].
Dĩ nhiên, Mác không quên phân biệt hoạt động cá nhân với hoạt
động xã hội. Nhưng theo Mác, tính loài của hoạt động người thể hiện ngay cả
trong những hoạt động thuần túy cá nhân; hoạt động cá nhân cũng là một dạng của
sinh hoạt loài: “Cá nhân là thực thể xã hội. Cho nên mọi biểu hiện sinh hoạt
của nó - ngay cả nếu nó không biểu hiện dưới hình thức trực tiếp của biểu hiện
sinh hoạt tập thể, được thực hiện cùng với những người khác - là biểu hiện
và sự khẳng định của sinh hoạt xã hội. Sinh hoạt cá nhân và sinh hoạt loài
của con người không phải là một cái gì khác biệt, mặc dù phương thức tồn tại
của sinh hoạt cá nhân tất nhiên là một biểu hiện hoặc là đặc thù hơn,
hoặc là phổ biến hơn của sinh hoạt loài” [72].
Khi phê phán lao động bị tha hoá, Mác còn nói rõ hơn về tính
người thể hiện ở tính loài của con người: “Con người là một sinh vật có tính
loài, không những với ý nghĩa là cả về thực tiễn cũng như về lý luận, con người
biến loài, cả loài của mình cũng như loài của những vật khác, thành vật của
mình”[73].
2.1.4. Nhân đây cũng xin lưu ý, có một số tác giả cho rằng,
do Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 là tác phẩm chưa chín muồi về
tư tưởng, nên quan niệm con người là “thực thể có tính loài” ở đây khác với
quan niệm con người bao gồm “những cá nhân con người sống” trong tác phẩm Hệ
tư tưởng Đức về sau. Chúng tôi thấy ý kiến này chưa thật thoả đáng. Vì thứ
nhất, Hệ tư tưởng Đức thực ra cũng chỉ sau Bản thảo kinh tế -
triết học năm 1844 có hơn một năm, lúc Mác còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi.
Thứ hai, nếu đọc toàn bộ đoạn Mác nói về những cá nhân con người sống với tính
cách là “tiền đề hiện thực” của sự nghiên cứu[74], đem so sánh chỉ với ít ỏi những gì đã nói ở bài này về “con
người là thực thể có tính loài”, thì cũng đủ thấy, hai quan niệm đó chẳng hề
mâu thuẫn gì với nhau. Ngược lại, chính việc nhìn con người như là thực thể có
tính loài mới làm lộ ra đó là “những cá nhân con người sống”, “những cá nhân hiện
thực”, “hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ” là tiền
đề hiện thực “mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng” khi xem xét
lịch sử, mà ở Hệ tư tưởng Đức, lịch sử được C.Mác xem xét là “toàn bộ lịch
sử nhân loại”.
2.1.5. Như vậy, kể từ quan niệm con người là động vật
chính trị của Aristote[75] (một quan niệm đã thấy khá rõ vai trò to lớn của yếu tố
xã hội đối với tồn tại người), Mác đã một lần nữa trở lại dòng tư tưởng này,
nhưng với trình độ sâu sắc hơn, triệt để hơn bằng cách mở rộng cái mà Aristốt
gói gọn trong thuật ngữ “chính trị” thành những nội dung phong phú trong các
thuật ngữ “tính người”, “tính loài” (đương nhiên, chúng tôi cũng hiểu thuật ngữ
“chính trị” thời Aristốt không trùng khít với “chính trị” được hiểu như ngày
nay). Không chỉ nhấn mạnh khía cạnh xã hội của sự tồn tại người như Aristote,
Mác triển khai tư tưởng về “tính người”, “tính loài” nhằm bổ sung, làm hoàn chỉnh
hơn tư tưởng con người trực tiếp là thực thể tự nhiên của Feuerbach.
Có thể nói không quá rằng, tất cả những gì mà ở trình độ ngày
nay ta hiểu được về mối quan hệ tinh tế, phức tạp, phong phú... giữa mặt xã hội
và mặt sinh học của sự tồn tại người, trên thực tế, vẫn hoàn toàn phù hợp với
tư tưởng con người là thực thể tự nhiên có tính chất người của Mác.
Khi đọc lại những dòng sau đây của Mác, ta có thể thấy rõ, những gì mà hậu thế
đã từng hiểu sai về mối quan hệ giữa cái sinh học và cái xã hội trong sự tồn tại
người (hoặc là quá đề cao yếu tố sinh học, hoặc là vô tình thổi phồng vai trò yếu
tố xã hội[76]) đều không có ở Mác: “Bản chất con người của tự
nhiên (tức là “bản chất tự nhiên của con người” - Ở một đoạn khác
chính Mác đã giải thích như vậy - HSQ [77]) chỉ tồn tại đối với con người xã hội; vì chỉ có trong
xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với
con người, mới là tồn tại của con người đối với người khác và tồn tại của người
khác đối với người đó, mới là nhân tố sinh hoạt hiện thực của con người; chỉ có
trong xã hội tự nhiên mới biểu hiện ra là cơ sở của tồn tại có
tính chất người của bản thân con người. Chỉ có trong xã hội tồn tại tự
nhiên của con người mới là tồn tại có tính chất người của con
người đối với con người và tự nhiên mới trở thành con người đối với con người” [78].
2.1.6. Cũng cần nói thêm rằng, tư tưởng về bản chất con người
trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 không có gì trái hoặc đối
lập với Luận cương thứ 6 về Feuerbach [79]. Đoạn trích vừa nêu, tuy có nói rõ bản chất của con người tự
nhiên trong sự phân biệt tương đối với con người xã hội. Nhưng ngay cả ở đây,
cái mà Mác muốn nhấn mạnh không phải là bản tính tự nhiên mà là bản chất xã hội.
Tính sâu sắc của tư tưởng trong đoạn trích này thể hiện ở việc lý giải quan hệ
phức tạp giữa cái tự nhiên với cái xã hội trong con người. Toàn bộ bản tính tự
nhiên của sự tồn tại người và của đời sống con người, hoá ra, được mang tính chất
người chỉ vì con người là thực thể xã hội - “chỉ tồn tại đối với con người xã hội;
chỉ trong xã hội tồn tại tự nhiên của con người mới là tồn tại có
tính chất người”. Và đó là điều cốt lõi phân biệt con người với con vật.
Có thể hiểu rằng, bản tính tự nhiên của con vật, kể cả những loài có tổ chức bầy
đàn tương đối phức tạp như ong, kiến, mối... cũng vẫn là chỉ tập tính động vật
vì chúng mới chỉ là thực thể tự nhiên.
2.1.7. Bản chất tự nhiên của con người chỉ tồn tại đối với
con người xã hội. Bản chất xã hội của con người không tách thoát khỏi yếu tố tự
nhiên vì con người trực tiếp là thực thể tự nhiên có tính chất người. Và,
chúng tôi ngờ rằng đây chính là nguyên bản của tư tưởng con người là thực
thể sinh học - xã hội mà trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác đã bị diễn
đạt khác đi. Chúng tôi cho rằng, cần phải coi tư tưởng con người là thực
thể tự nhiên có tính chất người là định nghĩa về khái niệm con người của
Mác.
Chúng tôi không loại trừ khả năng sau này có thể chúng ta sẽ
tìm thấy ở đâu đó Mác nói rõ định nghĩa của mình con người là một thực thể
sinh học - xã hội. Nhưng ngay cả khi ấy, theo chúng tôi, tư tưởng con
người là thực thể tự nhiên có tính chất người vẫn có thể coi là một định
nghĩa khác của Mác về khái niệm con người.
Một vài tư tưởng trước Mác về con người
- Con
người là thước đo của vạn vật (Protagore).
- Bẩm
sinh, con người là một động vật chính trị (Aristote).
- Con
người - cây sậy biết tư duy. Sự vĩ đại của con người là ở trong phương thức
suy nghĩ của nó (Pascal).
|
- Con
người là một giá trị và là giá trị cao nhất (D. Diderot).
- Con
người - động vật biết chế tạo công cụ lao động (B. Franklin).
- Con
người là một động vật kinh tế (F. W. Taylor).
- Con
người là thực thể độc nhất vô nhị. Con người là mục đích tự thân (Kant).
|
2.2. Tư tưởng về quan hệ con người với tự nhiên
2.2.1. Ẩn chứa trong chủ đề về mối quan hệ giữa con người và
tự nhiên, tư tưởng lớn nhất và cũng là độc đáo nhất của Mác là tư tưởng cho rằng giới
tự nhiên là thân thể vô cơ của con người.
Tư tưởng này được Mác trình bày trong tác phẩm Bản thảo
kinh tế - triết học năm 1844. Như chính Mác đã nói trong Lời tựa của tác phẩm,
ông viết các bản thảo này cho mình nhằm phê phán lý luận đương thời về kinh tế,
chính trị, pháp quyền và một phần phê phán quan niệm của Feuerbach và Hegel; tức
là ở đây Mác không có ý định bàn về chủ đề con người. Tác phẩm này gồm ba bản
thảo mà Mác chưa kịp công bố. Các bản thảo này có chủ đề khá khác nhau, có lẽ
Mác không nhằm viết cho một cuốn sách. Vấn đề con người, ở đây, do vậy, không
được trình bày trong một hệ thống thật chặt chẽ. Điều đó làm cho việc nghiên cứu
tác phẩm này vốn đã khó lại càng trở nên khó hơn.
Tuy nhiên, điều may mắn là, những tư tưởng về con người trong tác phẩm này - nảy sinh qua đối thoại với các học giả đương thời và qua phê phán Feuerbach, Hegel... - lại rất phong phú; có thể nói là một kho tàng những tri thức cơ bản (phương pháp luận về con người) đủ cho hậu thế khai thác, đặc biệt là các nội dung mà sau đó Mác không có dịp đề cập. Dĩ nhiên, như nhiều học giả về sau nhận xét, ở đây có những tư tưởng mới chỉ là những ý tưởng, ý niệm, nghĩa là còn đang được phác thảo, chưa hoàn toàn định hình và ta cũng không biết chắc về sau chính Mác có đồng ý với mình hay không. Song xét về tầm vóc và ý nghĩa, thì trong đó có những tư tưởng phải gọi là lớn, rất lớn. Giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người – là một trong những tư tưởng như vậy.
Tuy nhiên, điều may mắn là, những tư tưởng về con người trong tác phẩm này - nảy sinh qua đối thoại với các học giả đương thời và qua phê phán Feuerbach, Hegel... - lại rất phong phú; có thể nói là một kho tàng những tri thức cơ bản (phương pháp luận về con người) đủ cho hậu thế khai thác, đặc biệt là các nội dung mà sau đó Mác không có dịp đề cập. Dĩ nhiên, như nhiều học giả về sau nhận xét, ở đây có những tư tưởng mới chỉ là những ý tưởng, ý niệm, nghĩa là còn đang được phác thảo, chưa hoàn toàn định hình và ta cũng không biết chắc về sau chính Mác có đồng ý với mình hay không. Song xét về tầm vóc và ý nghĩa, thì trong đó có những tư tưởng phải gọi là lớn, rất lớn. Giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người – là một trong những tư tưởng như vậy.
Khi phân tích sự tha hoá của giới tự nhiên, một hậu quả của
lao động bị tha hoá, cái đã làm cho “đời sống có tính loài của con người bị biến
thành phương tiện để duy trì đời sống cá nhân”, Mác cho rằng, “giới tự nhiên là
một bộ phận của đời sống con người”. Vì hai lý do: “thứ nhất, giới tự nhiên là
tư liệu sinh sống trực tiếp đối với con người, và thứ hai giới tự nhiên là vật
liệu, đối tượng và công cụ của hoạt động sinh sống của con người”. Theo nghĩa ấy,
giới tự nhiên cũng là thân thể - thân thể vô cơ - của con người. Mác viết: “Giới
tự nhiên - cụ thể là giới tự nhiên trong chừng mực nó không phải là thân
thể của con người - là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng
giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người,
thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp
để tồn tại”[80]. Ở một đoạn khác, Mác còn nêu một ý tưởng rất hay có thể dùng
để giải thích cho điều này, mà tiếc rằng đoạn diễn đạt của Mác khá rối nên lâu
nay ít người chú ý. Mác cho rằng, đời sống của con người không những được duy
trì nhờ dựa vào giới tự nhiên mà hơn thế nữa, giới tự nhiên còn là nguồn gốc của
đời sống con người. Nếu con người không tự nó sáng tạo ra bản thân nó, thì tất
nhiên kẻ sáng tạo ra nó phải ở bên ngoài nó. Kẻ đó chính là giới tự nhiên. Đó
là lý do giải thích tại sao trong ý thức thông thường, sự sáng tạo của
con người lại là biểu tượng rất khó từ bỏ. Nói chung, quần chúng không thể hiểu
được sự-tồn-tại-thông-qua-mình của tự nhiên[81].
2.2.2. Chúng tôi xem quan điểm “giới tự nhiên là thân thể của
con người” là tư tưởng độc đáo, vì trong chừng mực mà chúng tôi được biết, từ
thời cổ đại cho đến ngày nay, ngoài Mác, chẳng có ai coi giới tự nhiên là thân
thể của con người. Hầu hết các trường phái triết học Phương Đông cổ đại
tuy đề cao triết lýcon người hoà hợp với tự nhiên, coi con người với giới tự
nhiên là một, chủ trương “thiên nhân hợp nhất”, “thiên nhân tương giao”, song
cũng không đến mức coi tự nhiên là thân thể nào đó của con người. Xin lưu ý
ngay, chúng tôi không có ý định đánh giá quan niệm phương Đông về quan hệ con
người với tự nhiên là thấp hơn Mác. Chỉ muốn xác nhận một thực tế là, quan niệm
về sự gắn kết giữa con người với tự nhiên ở Mác được đẩy lên, có lẽ là đã đến tận
cùng. Chữ “vô cơ” Mác dùng không theo nghĩa đen, vì có thể thấy trong giới tự
nhiên, đặc biệt là giới tự nhiên trong phạm vi là vật phẩm sinh sống và là tư
liệu hoạt động trực tiếp của con người, như Mác đã giới hạn, không chỉ tồn tại
dưới dạng vật chất vô cơ. Chữ “thân thể vô cơ”, do vậy, chỉ nên hiểu theo nghĩa
phân biệt với thân thể thực, thân thể bằng xương bằng thịt, thân thể hữu cơ của
con người. Và như vậy, sự phân biệt này có lẽ là một cảm nhận vừa sâu sắc lại vừa
tinh tế về sự lệ thuộc của con người vào tự nhiên và về khả năng tác động của
con người đến giới tự nhiên.
Sự tinh tế và sâu sắc của Mác thể hiện ở chỗ, vào thời của
Mác, các vấn đề môi sinh chưa đặt ra một cách gay gắt đối với cuộc sống con người
như ngày nay. Và dĩ nhiên, thời đó, Mác chưa thể biết tới lỗ thủng tầng Ozon,
hiệu ứng nhà kính, và các hiện tượng sinh thái phức tạp khác mà ngày nay ta hay
gọi là nguy cơ khủng hoảng sinh thái. Thế mà giới tự nhiên lại được Mác coi là
thân thể - thân thể vô cơ của con người. Mác muốn nói rằng, mọi tác động của
con người đến giới tự nhiên, đều có nghĩa là tác động đến thân thể con người.
Làm tổn hại giới tự nhiên nghĩa là làm tổn hại chính con người. Đây không phải
là điều chúng tôi suy ra, mà chính Mác nói thế. Ông viết: “Nói rằng đời sống thể
xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng
qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với giới tự nhiên, vì con người là một
bộ phận của giới tự nhiên” [82].
Có thể nhận thấy, ngay từ khi hình thành những tư tưởng duy vật
đầu tiên của mình về lịch sử, con người và tự nhiên trong quan niệm của C.Mác
đã thống nhất hữu cơ với nhau, không tách rời nhau đến mức "điều đó chẳng
qua chỉ có nghĩa là tự nhiên liên hệ khăng khít với bản thân tự nhiên".
Quan điểm này nhất quán trong chủ nghĩa Mác cho đến mãi về sau. Với C.Mác
và Ph.Ăngghen, những gì thù địch với tự nhiên cũng tức là thù địch với con người;
những hành vi phá hoại tự nhiên, phá vỡ sự hài hòa, cân bằng của mối quan hệ
con người - tự nhiên, xét về mặt sinh thái, cũng đồng nghĩa với sự phá hoại cuộc
sống của chính bản thân con người.
2.2.3. Đương nhiên, cũng không nên quên rằng, triết học Mác
không thuộc về dòng văn hoá tôn vinh sự hoà hợp của con người với tự nhiên,
mà thuộc về dòng văn hóa truyền thống châu Âu đề cao sự chinh phục tự
nhiên của con người. Vả lại, hơn ai hết, chính Mác đã có luận cương nổi tiếng:
"Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách
khác nhau, vấn đề là cải tạo thế giới" [83]. Ph. Ăngghen cũng từng nói rõ, việc con người biến
đổi tự nhiên là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất làm tư duy con người,
trí tuệ con người phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự
nhiên[84]. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chủ
trương chinh phục thế giới, cải tạo giới tự nhiên như thế nào?
Không thể phủ nhận, lịch sử văn hóa - văn minh, trong bản chất
của nó là lịch sử của sự phát triển con người, mà trong đó chinh phục tự
nhiên cũng là một phương tiện của sự phát triển (xin nhấn mạnh điều
này). Nhưng, nghịch lý của sự phát triển bắt đầu nảy sinh từ đây. Con người
ngày càng hiểu biết sâu hơn về quy luật của thế giới xung quanh thì sự tác động
của con người đến giới tự nhiên cũng ngày càng mãnh liệt hơn theo cả chiều thuận
lẫn chiều nghịch. Vai trò ngày càng lớn hơn của con người trong việc xử sự với
giới tự nhiên, mặc dù đã giúp con người khống chế giới tự nhiên ngày càng đáng
kể hơn, nhưng không vì thế mà con người tránh được nguy cơ phiêu lưu hơn. Giới
tự nhiên, cái nôi của cuộc sống con người đã trở nên dễ thương tổn hơn nhiều
trong nhịp sống sôi động của xã hội công nghiệp.
Có cơ sở để lo ngại, sự phát triển của nền văn minh hiện đại
ngày nay đã trở nên "quá nóng". Trong xã hội hiện đại, con
người phải đương đầu với những vấn đề mà tính nghiêm trọng của nó thì tất cả những
thế kỷ đã qua gộp lại cũng chưa thể so sánh được. Sức mạnh của cơ chế thị
trường ở trình độ toàn cầu hóa và những tiến bộ kỳ diệu về khoa học -
công nghệ, trong khi làm cho xã hội loài người phát triển ngày càng nhanh
hơn, thì đồng thời cũng làm nảy sinh mặt trái của sự phát triển - "cơn
khát" khai thác tự nhiên với năng lực "tăng theo cấp số nhân" của
con người cũng ngày càng gia tăng. Trong không ít trường hợp, việc nhìn nhận và
giải quyết mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, trong sự thúc ép của
những nguyên nhân chủ quan và khách quan phức tạp khác nhau, đã gây ra những hậu
quả đáng tiếc. Thêm vào đó, những toan tính sai lầm của một số chiến lược ích kỷ
dựa trên cơ sở những thành công về kinh tế và khoa học - công nghệ đã làm tăng
thêm khả năng con người trở thành kẻ thù của tự nhiên và giới tự nhiên luôn
luôn rình rập báo thù con người.
Quả thực ngày nay Hoà hợp với tự nhiên là một triết
lý hợp thời. Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu mọi quan điểm về cải tạo và chinh phục
thế giới đều bị phê phán một cách định kiến. Không thể phủ nhận được rằng, con
người khác con vật chính là ở chỗ nó biết chinh phục và cải tạo thế giới để thoả
mãn nhu cầu của mình. Không nên căn cứ vào những sai lầm của xã hội hiện đại
trong việc bảo vệ môi sinh, hoặc căn cứ vào nhu cầu cấp thiết phải hoà hợp với
tự nhiên mà chúng ta lại phủ định một cách sạch trơn những quan điểm hợp lý về
sự chinh phục và cải tạo thế giới. Nên nhớ rằng, chính các tác gia kinh điển của
chủ nghĩa Mác đã hiểu rất rõ tính chất nguy hiểm của thái độ cực đoan trong
chinh phục thế giới; xuất phát từ đó, các ông đã đặt vấn đề phải cải tạo thế giới
một cách biện chứng với một hệ thống các quan điểm, phải nói là hợp lý, cân đối,
không thiên lệch.
2.2.4. Theo chúng tôi, tư tưởng điển hình nhất của chủ nghĩa
Mác về thái độ tôn trọng tự nhiên, bảo vệ giới tự nhiên được Ph. Ăngghen trình
bày trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên". Trong tác phẩm
này, Ph.Ăngghen cho rằng, quan niệm đối lập giữa tinh thần với vật chất, giữa
con người với tự nhiên, giữa linh hồn với thể xác... là quan niệm thịnh hành ở
châu Âu từ khi nền văn hóa cổ điển bị suy đồi; quan niệm này phát triển và đạt
tới cực đoan cùng với sự lớn mạnh của các quan niệm Kitô giáo. Đó là quan niệm
"phi lý và trái tự nhiên" cần phải bị xoá bỏ. Sự tiến bộ của nền khoa
học tự nhiên thế kỷ XIX, một mặt, cho phép con người hiểu được ngày càng chính
xác hơn các quy luật của tự nhiên, nhưng mặt khác cũng giúp con người ngày càng
cảm thấy và nhận ra sự phụ thuộc của mình vào giới tự nhiên - “con người với giới
tự nhiên chỉ là một" [85].
Vì lẽ đó, Ph.Ăngghen nhắc nhở: "Chúng ta cũng không nên
quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi
lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta
"[86].
Cứ mỗi lần con người đạt được một thắng lợi trong chinh phục
tự nhiên, là mỗi lần giới tự nhiên lại rình rập trả thù – Có lẽ không có
gì quá khi nói rằng, tư tưởng của Ph. Ăngghen phát biểu hơn 100 năm trước còn ấn
tượng và sâu sắc hơn nhiều so với những thông điệp gần đây của các tổ chức quốc
tế về bảo vệ môi sinh. Bởi vậy, cũng sẽ hoàn toàn thuyết phục và hợp lý nếu
ngày nay, tư tưởng sau đây được coi là một triết lý ứng xử và hành động của các
công dân đang sống trong thế kỷ XXI: "Chúng ta hoàn toàn không thống trị
được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một
người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả
xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm
trong lòng giới tự nhiên" [87].
Trong thời đại ngày nay, khi nhân loại đang cận kề với nguy
cơ cạn kiệt tài nguyên, khi giới tự nhiên đã bị tàn phá đến mức nặng nề thì việc
đề cao thái độ hoà hợp với tự nhiên, nâng quan điểm đó thành một triết lý
hành động là điều cần thiết và có thể còn mang ý nghĩa sống còn. Mặc dầu vậy,
thái độ của chủ nghĩa Mác đối với tự nhiên cũng vẫn không có chỗ cho sự phê
phán, nếu ai đó không muốn ca ngợi. Hậu quả của việc cải tạo giới tự nhiên một
cách quá đáng làm phát sinh các vấn đề môi sinh trong thế kỷ XX không có nguyên
nhân ở triết học Mác (như ai đó cố tình đổ lỗi cho luận cương thứ 11 về
Feuerbach của Mác). Sẽ là rất thiệt thòi, nếu trong bối cảnh đang cần đề cao triết
lý hoà hợp với tự nhiên như ngày nay, mà người ta lại lãng quên Ph.
Ăngghen đã nói gì về thái độ của con người trong việc thống trị giới tự nhiên.
Như vậy, chẳng có gì là khiên cưỡng khi thừa nhận rằng trong
kho tàng tư tưởng của chủ nghĩa Mác có những quan điểm phù hợp với xã hội hiện
đại về việc bảo vệ môi sinh, mặc dù những vấn đề môi sinh của thời đại C. Mác
và Ph.Ăngghen không giống với những vấn đề của thời đại chúng ta và mức độ quan
tâm của thời đại ấy cũng có thể khác với tính cấp bách của những vấn đề đang đặt
ra hôm nay. Nhưng rõ ràng, tư tưởng của các tác gia kinh điển của chủ nghĩa Mác
về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên vẫn có ý nghĩa phương pháp luận to lớn
đối với việc giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho thế giới ngày
nay.
2.3.1. Kế thừa những quan niệm đầy tinh thần lạc quan về tiến
bộ xã hội thời Phục hưng và Khai sáng, nhằm vạch ra học thuyết cách mạng để giải
quyết những vấn đề của xã hội tư bản, Mác và Ăngghen đã xây dựng được hệ thống
quan niệm về tiến bộ xã hội mà trong đó, tiến bộ xã hội gắn liền với phát triển
con người. Theo đó, xã hội loài người vận động ngày một nhanh hơn với những quy
luật khách quan của nó. Mặc dù có những bước quanh co, có những lúc khủng hoảng,
có những giai đoạn thụt lùi và hầu như lúc nào cũng có những thách thức không
kém phần gay gắt, song trong tính tất yếu đanh thép của nó, lịch sử xã hội
loài người vẫn là quá trình tiến bộ không ngừng.
Nói cách khác, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, tiến bộ
xã hội là tính chất khách quan của lịch sử xã hội: Xét đến cùng, trong tổng thể,
xã hội loài người bao giờ cũng đi lên theo chiều tiến bộ. Cái tốt, cái thiện,
cái tiến bộ... rốt cuộc bao giờ cũng là xu hướng mà con người đi tới, dù trong
hiện thực, ở từng giai đoạn, với từng cộng đồng, trên từng địa phương... tiến bộ
xã hội có thể không hề được nhìn thấy, thậm chí đôi lúc người ta chỉ thấy cái xấu,
cái ác, cái phản tiến bộ.
2.3.2. Những năm gần đây, trong các tài liệu lý luận và trên
các phương tiện thông tin đại chúng, do tiếp thu những hạt nhân hợp lý trong lý
luận phương Tây hiện đại, khái niệm tiến bộ xã hội thường ít được sử
dụng so với khái niệm phát triển. Trên thực tế, người ta dùng khái niệm phát
triển với nhiều nội hàm của khái niệm tiến bộ. Tăng trưởng -
phát triển - phát triển bền vững (growth - development - sustainable
development) là hệ thống các khái niệm được sử dụng khá phổ biến dùng để chỉ sự
tiến bộ kinh tế - xã hội trong đời sống xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, trong các tài liệu lý luận mácxít, khái niệm tiến
bộ thường được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với các khái niệm vận
động và phát triển.Vận động - phát triển - tiến bộ là hệ thống
các khái niệm mácxít phản ánh những trình độ vận động khác nhau của toàn bộ thế
giới khách quan với các hình thức phức tạp, đa dạng của nó - từ các dạng vật chất
vật chất vô cơ đến các dạng vật chất hữu cơ, từ giới tự nhiên vô sinh đến thế
giới hữu sinh và xã hội loài người. Nói đến tiến bộ, trong lý luận mácxít, người
ta thường hiểu là tiến bộ trong xã hội, của xã hội, thuộc về xã hội. Rất ít khi tiến
bộ được dùng để chỉ các quá trình thuần túy tự nhiên. Trong các quá trình
tự nhiên, sự vận động từ thấp lên cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn thường
được biểu thị trong khái niệmphát triển. Với chức năng thế giới quan và phương
pháp luận của mình, tiến bộ xã hội, trước hết là một khái niệm triết học,
thuộc hệ thống phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Khi thừa nhận điều vừa nói, cần lưu ý rằng, trong các tác phẩm
kinh điển, khái niệm tiến bộ xã hội không được các tác gia kinh điển
mácxít trình bày như là một trong những phạm trù cấu thành những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Cả Mác và Ăngghen đều có bàn đến tiến bộ xã hội,
thậm chí bàn khá nhiều đến tiến bộ xã hội, nếu tính đến cả những chỗ các ông lý
giải không trực tiếp. Tuy nhiên, các ông không coi tiến bộ xã hội là khái niệm
giữ vị trí tương đương với các khái niệm như phương thức sản xuất, tồn tại
xã hội, ý thức xã hội, v.v.. Chính các nhà mácxít hậu thế là những người
có công làm phong phú và soi sáng thêm một số phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch
sử, trong đó có tiến bộ xã hội.
2.3.3. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác
và Ăngghen trực diện đặt vấn đề về sự phát triển con người trong logic khách
quan của tiến bộ xã hội và khẳng định: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều
kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[88]. Theo đó, xã hội loài người sẽ đến lúc phát triển như một
“liên hợp” mà trong đó giai cấp không còn, đối kháng giai cấp cũng không còn. ở
xã hội đó, sự phát triển của con người là phát triển tự do. Tự do của mỗi người,
chẳng những không cản trở tự do của người khác mà ngược lại, còn trở thành điều
kiện cho sự phát triển tự do của người khác.
Phải nói rằng, về phương diện lý thuyết, thì sự phát triển
con người trong tương quan với tiến bộ xã hội theo quan niệm này là mô hình lý
tưởng; hiếm thấy lý thuyết nào đề cập đến sự phát triển tự do của cá nhân - cộng
đồng - xã hội trong mối quan hệ vừa ràng buộc vừa hỗ trợ lẫn nhau hữu cơ đến thế.
Theo đánh giá của Day Thoesen, học thuyết Mác “là kim chỉ nam để hiểu về bản chất,
quy luật tất yếu của thế giới mà loài người đã, đang và sẽ sống” [89]. Tư tưởng này còn trở nên giá trị hơn nếu ta lưu ý rằng, mãi
đến năm 1990 Liên hợp quốc mới đặt vấn đề về phát triển con người và ra báo cáo
đầu tiên về phát triển con người (Human Development Report).
2.3.4. Tiến bộ xã hội, trong quan niệm của chủ nghĩa Mác, là
một quá trình được thực hiện trong mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn. Mác
viết: “ở trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập
của nó. Chúng ta thấy rằng những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm
bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn,
thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải
mới từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như có một sức mạnh thần kỳ nào đó, lại
đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường
như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần. Dường như loài
người càng chinh phục được thiên nhiên nhiều hơn, thì con người lại càng trở
thành nô lệ của những người khác hoặc nô lệ cho sự đê tiện của chính mình. Dường
như ngay cả đến ánh sáng thuần khiết của khoa học cũng không thể chiếu rọi bằng
cách nào khác ngoài cách chiếu rọi vào cái bối cảnh tối tăm của sự ngu dốt... Về
phía mình, chúng ta không hiểu nhầm bản chất của cái tinh thần lắt léo luôn
luôn thể hiện trong tất cả các mâu thuẫn đó” [90].
Xã hội phát triển và tiến bộ, giống như mọi sự vật và hiện tượng
khác, bằng mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn. Nhưng mâu thuẫn xã hội, mẫu thuẫn
giữa người với người lại không phải là hiện tượng lúc nào cũng tích cực. Và đó
là nghịch lý của sự tiến bộ: xã hội không tiến bộ nếu không có mâu thuẫn. Mác
viết: "Không có đối kháng thì không có tiến bộ. Đó là quy luật mà nền văn
minh đã tuân theo cho đến ngày nay" [91].
2.3.5. Tiến bộ xã hội, trong quan niệm của chủ nghĩa Mác,
không phải là sự vận động “tất yếu mù quáng”, mà là quá trình khách quan,
có quy luật, từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, từ ít nhân
đạo đến nhân đạo hơn, từ ít tự do đến tự do hơn... Đó là quá trình tất yếu từ
hình thái kinh tế - xã hội này lên những hình thái kinh tế - xã hội khác văn
minh hơn. Mác viết: “Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu Á, Cổ
đại, Phong kiến và Tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của các
hình thái kinh tế - xã hội” [92].
Hình thái kinh tế - xã hội là căn cứ khách quan để phân biệt
xã hội ở giai đoạn này với giai đoạn khác. Tính chất tiến bộ của hầu hết các hiện
tượng xã hội nào, thường chỉ có thể được đánh giá hợp lý khi đặt chúng trong những
hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Trên thực tế, với lý thuyết hình
thái kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội thoát khỏi sự cảm nhận chủ quan, được nhận
thức như là khuynh hướng vận động khách quan, có quy luật, tất yếu dù “có những
bước quanh co hoặc thụt lùi tuơng đối”: Xã hội sẽ ngày một tiến bộ hơn, sự phát
triển con người sẽ toàn diện hơn, nhân bản hơn một cách tương ứng - đó không phải
chỉ là hy vọng may rủi trông vào ý chí chủ quan nữa, mà là cái tất nhiên, cái
buộc phải có xét trên bình diện chung nhất của xã hội loài người.
Xuyên qua lịch sử cực kỳ phức tạp của tiến bộ xã hội, với những
hiện tượng không thật rõ ràng và dường như không theo quy luật nào cả, Mác và
Ăngghen đã vạch ra các quy luật của hoạt động người, tức là các quy luật xã hội
với những trình độ xác định của sự tiến bộ. Theo đó, lịch sử xã hội loài người
không bao giờ lặp lại nguyên vẹn cái cũ, không đi theo chu kỳ giản đơn mà là
theo vòng xoáy ốc. Sự lặp lại của lịch sử thường có vẻ như lặp lại, nhưng thực
ra đó là sự lặp lại ở một trình độ khác, bao hàm cái mới, cao hơn. Trong tất cả
sự vận động không đơn giản đó, con người là kẻ sáng tạo ra lịch sử, phát triển
ngày một tự do hơn và quần chúng nhân dân là lực lượng quyết định tiến bộ xã hội.
Tiến bộ xã hội, dù có quy luật của nó nhưng trong mỗi thời điểm
lịch sử, biểu hiện của nó lại gắn với hoàn cảnh hiện thực của các xã hội mà
thông thường, có quá nhiều hiện tượng dường như đi ngược lại những tiêu chuẩn của
sự tiến bộ. Nếu như “định luật cơ bản" của giới hữu cơ, theo Ăngghen, là
“mỗi một bước tiến trong sự phát triển của giới hữu cơ đồng thời cũng là một sự
thoái hoá vì nó củng cố sự phát triển một chiều, và loại bỏ khả năng phát
triển nhiều chiều” [93], thì trong lĩnh vực xã hội, Mác cũng đã chỉ rõ: “Nói chung
không nên hiểu khái niệm tiến bộ dưới hình thức trừu tượng thông thường”[94]; nghĩa là không thể hình dung một cách giản đơn về tiến bộ xã
hội như một quá trình bằng phẳng, đơn tuyến, thẳng tắp, mà phải hiểu rằng,
trong xu hướng chung là sự tiến bộ, người ta "luôn luôn thấy có những trường
hợp thoái bộ và loanh quanh” [95].
2.3.6. Nếu như các nhà tư tưởng khác đã từng coi lý tính (J.
Vico, C. Helvetius, J. Condorcet...), ý thức về tự do (G. Hegel), tri
thức khoa học, đạo đức và tôn giáo (S. Simont), hay thực chứng (O.
Comte)... là tiêu chuẩn tối cao của tiến bộ xã hội, thì Mác và Ăngghen thừa nhận,
sự thay thế các phương thức sản xuất, từ châu Á, Cổ đại qua Phong kiến đến Tư sản
hiện đại là “sự tiến triển dần dần của các hình thái kinh tế - xã hội”. Đây
chính là sự phát triển khách quan, tối thượng phản ánh trình độ tiến bộ của
lịch sử xã hội loài người. Nói cách khác, tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội phải được
xem xét trong sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội.
Nhưng mục đích của sự tiến bộ trong sản xuất hay công nghệ,
trong phương thức sản xuất hay hình thái kinh tế – xã hội... là gì, nếu bản
thân chúng không có mục đích tự thân (tiến bộ trong sản xuất hay công nghệ
không thể chỉ để có sự tiến bộ trong sản xuất hay công nghệ)? Câu trả lời chỉ
có thể là vì con người, cho con người. Chỉ con người mới có mục đích tự
thân (I. Kant - “Con người là mục đích tự thân cuối cùng”[96]). Đây là tư tưởng được Mác và Ăngghen trình bày rất hay trong
chương IX “Quy luật của Ricardo về địa tô...” tại Quyển IV của bộ “Tư bản” nhằm
phê phán Ricardo lầm tưởng sản xuất chỉ để sản xuất. Theo Mác, sự phát triển lực
lượng sản xuất của loài người dẫn tới sự phát triển xã hội nói chung có mục
đích là “sự phát triển phong phú của bản chất con người, coi như là một mục
đích tự thân” [97]. Nghĩa là sự phát triển của lực lượng sản xuất hay sự thay thế
các hình thái kinh tế - xã hội, bản thân chúng, tự thân chúng, không có ý nghĩa
tiến bộ hay không tiến bộ. Sự phát triển hay thay thế ở đây không chỉ để phát
triển hay thay thế, mà là vì con người, vì “sự phát triển phong phú của bản chất
con người”. Chỉ con người mới có mục đích tự thân là vì sự tiến bộ của con người.
Với quan niệm như thế của các tác gia kinh điển, có thể và cần
thiết phải khẳng định rằng, “sự phát triển phong phú của bản chất con người”,
mà trong đó, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển
tự do của tất cả mọi người”, theo cách nói của Mác và Ăngghen, hay “phát triển
con người một cách toàn diện”, theo cách nói ngày nay, chính là tiêu chuẩn tối
cao của tiến bộ xã hội.
2.4. Kết luận
Con người và phát triển con người trong quan niệm chủ nghĩa
Mác [98]:
2.4.1. Con người là thực thể tự nhiên có tính người
- Con
người là một bộ phận của tự nhiên; giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người.
- Bản
chất của con người tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội.
- Con
người - động vật biết chế tạo công cụ lao động. Lao động đã sáng tạo ra bản
thân con người.
- Con
người là sản phẩm của lao động.
- Con
người - một động vật xã hội.
- Con
người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức
đó.
- Con
người sinh học không cần sự thừa nhận, con người xã hội phải được sự thừa nhận
của người khác.
- Những
cá nhân con người hiện thực là tiền đề hiện thực của nhận thức con người. Về
sau, khoa học tự nhiên bao hàm trong nó khoa học về con người cũng như khoa học
về con người bao hàm trong nó khoa học tự nhiên; đó sẽ là một khoa học.
- Hegel
quy sự tha hoá hiện thực của bản chất con người thành sự tha hoá của tự ý thức.
Feuerbach không nhìn thấy bản chất xã hội của con người. Các nhà kinh tế học tư
sản cũng không hiểu bản chất con người.
- Đời
sống xã hội về bản chất, là có tính chất thực tiễn. Tất cả những sự thần bí
đang đưa lý luận đến chủ nghĩa thần bí đều được giải đáp một cách hợp lý trong
thực tiễn của con người và trong sự hiểu biết thực tiễn ấy.
- Con
người bẩm sinh đã là một động vật xã hội. Xã hội là sự thống nhất bản chất đã
hoàn thành của con người với tự nhiên.
- Xã
hội là biểu hiện tổng số những mối liên hệ và những quan hệ của các cá nhân đối
với nhau.
- Nếu
như con người bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã hội thì do đó con người chỉ có
thể phát triển bản tính chân chính của mình trong xã hội.
2.4.3. Con người - đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt
động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ
thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra.
- Không
thể nhận thức con người bằng tư duy siêu hình.
- Gốc
rễ của con người chính là bản thân con người.
- Con
người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị,
khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v...
- Hoạt
động sống của con người như thế nào thì họ như thế ấy. Con người là như thế
nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất ra cũng như với
cách mà họ sản xuất.
- Xã
hội sản xuất ra con người thế nào thì con người cũng sản xuất ra xã hội như thế.
- Những
quan hệ kinh tế - cơ sở xuất phát để giải thích các hiện tượng lịch sử.
- Phân
công lao động làm cho con người bị thu nhỏ lại.
- Xã
hội tư bản chủ nghĩa – một bước tiến của văn minh nhân loại. Dưới chủ nghĩa tư
bản, quan hệ lẫn nhau của toàn bộ nền sản xuất chi phối những người hoạt động
trong sản xuất như một quy luật mù quáng.
- Tư
tưởng tác động trở lại cơ sở cơ sở hạ tầng kinh tế và có thể biến đổi cơ sở hạ
tầng ấy. Điều này là đương nhiên.
- Quan
hệ sản xuất là tất yếu, khách quan đối với con người. Bản thân con người thay đổi
và phát triển trong quá trình sản xuất vật chất.
- Tồn
tại xã hội của con người quyết định ý thức của nó. Với quan niệm duy vật về lịch
sử, chủ nghĩa duy tâm đã bị tống ra khỏi nơi ẩn náu cuối cùng.
- Con
người tự làm ra lịch sử một cách có ý thức. Với con người, chúng ta đi vào lịch
sử.
2.4.4. Xã hội không thể giải phóng cho mình được, nếu
không giải phóng cho mỗi cá nhân riêng biệt.
- Thiên
nhiên không sinh ra quan hệ bóc lột. Con người trước hết là kẻ đại biểu cho những
quan hệ và những lợi ích giai cấp nhất định.
- Tha
hóa biến đời sống có tính loài của con người thành phương tiện để duy trì đời sống
cá nhân. Nó làm cho đời sống cá nhân trở thành mục đích của đời sống có tính
loài.
- Tha
hóa làm cho quan hệ giữa người với người bị biến thành quan hệ giữa vật với vật.
Tha hoá làm cho thế giới vật phẩm càng tăng giá trị thì thế giới con người càng
mất giá trị.
- Giai
cấp hữu sản và giai cấp vô sản đều là sự tha hoá của con người. Xoá bỏ tha hoá,
nghĩa là con người từ tôn giáo, gia đình, nhà nước v.v… quay trở về tồn tại con
người.
- Giải
phóng chính trị là quy con người, một mặt, thành viên của xã hội công dân,
thành cá nhân vị kỷ, độc lập, và mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành
pháp nhân.
- Bất
kỳ sự giải phóng nào cũng bao hàm ở chỗ là nó trả thế giới con người, những
quan hệ của con người về với bản thân con người.
- Trình
độ giải phóng phụ nữ là thước đo tự nhiên của sự giải phóng con người.
2.4.5. Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện
cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
- Sự
phát triển phong phú của bản chất con người, coi như là một mục đích tự thân.
- Con
người khẳng định sự tồn tại của mình là tồn tại chính trị.
- Quan
niệm về bình đẳng là cái gì cũng được, nhưng quyết không phải là một chân lý vĩnh
cửu.
- Có
một xã hội mà trong đó sự phát triển độc đáo và tự do của các cá nhân không còn
là lời nói suông.
- Làm
chủ tự nhiên, xã hội và bản thân – con người trở thành tự do. Từ hưởng theo
năng lực đến hưởng theo nhu cầu.
- Vương
quốc của tự do chỉ bắt đầu ở nơi nào có sự chấm dứt thứ lao động do cần thiết.
Vương quốc của tự do nằm ở bên kia lĩnh vực sản xuất.
- Từ
vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do. Con người bắt đầu tự
giác làm ra lịch sử của mình.
Chương 3
NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI TRƯỚC NHU CẦU CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
Con người có những nhiệm vụ mới. Con người không còn được là
đồ chơi của ngẫu nhiên. Con người không được thụ động gánh chịu số phận của
mình, bởi vì từ nay nó đã có thể hướng vận mệnh của mình về một tương lai có
cân nhắc, nói tóm lại là con người đã nắm trong tay vận mệnh của mình. Chúng ta
không có quyền lạc quan hay bi quan mà chúng ta phải sáng suốt
JEAN
DAUSSET
3.1. Không thể nói phương Đông hay phương Tây nhận thức về
con người sâu sắc hơn
Không thể nói phương Đông hay phương Tây nhận thức về con người
sâu sắc hơn, dù rằng trong lịch sử nhận thức, có một số tác giả cũng như có một
vài trào lưu, chẳng hạn, Khổng tử và Lão tử ở Trung Quốc Cổ đại, Socrate
và Aristote ở Hy Lạp Cổ đại... hay Sigmund Freud, Teilhard de’ Chardin, Max
Scheler và các tác gia Hiện sinh chủ nghĩa thời hiện đại, v.v... bàn luận nhiều
hơn, chuyên biệt hơn về con người và đi vào những khía cạnh tinh tế hơn nào đó
trong đời sống con người.
Bởi lẽ, khi nói đến phương Đông và phương Tây với tư cách là
những nền văn hóa lớn thì xưa cũng như nay, trong cả hai nền văn hóa này đều xuất
hiện những tư tưởng, những suy tư rất rất có giá trị về con người. Quan hệ phức
tạp giữa cá nhân và xã hội, sự thống nhất “tiền định” giữa con người - tiểu
vũ trụ - và đại vũ trụ... là những quan niệm đã có cội nguồn từ rất sớm
trong các học thuyết xưa ở cả hai nền văn hóa này. Người ta đã tìm thấy tư tưởng
về “thiên nhân hợp nhất” (mà một số người lầm tưởng chỉ có ở phương Đông) trong
các học thuyết phương Tây cổ đại. Trong Nguyên tử luận của Democrite,
thuật ngữ “tiểu vũ trụ” (microcosm) đã được ông dùng để chỉ sự tương đồng giữa
cơ thể con người và thế giới bên ngoài. Democrite cho rằng, khi người ta chết
đi, những “nguyên tử tâm hồn” thoát khỏi thể xác và phát tán vào không gian[99].
Như vậy, sẽ là không thỏa đáng nếu chỉ căn cứ vào một hoặc một
vài học thuyết hoặc tác giả nào đó rồi khái quát rằng, phương Đông cao hơn
phương Tây trong việc coi con người là một tiểu vũ trụ, hoặc phương Tây cao hơn
phương Đông trong việc tôn vinh con người cá nhân.
Cần phải điểm qua tình hình nói trên để thấy rằng, việc
nghiên cứu con người trong điều kiện hiện nay không phải là phương Tây quay về
với phương Đông hay ngược lại. Phương Đông cũng như phương Tây đều có những thế
mạnh riêng của mình trong việc nghiên cứu con người và đều có những vấn đề nan
giải của mình khi kiến giải về con người trong đời sống xã hội hiện đại. Truyền
thống văn hóa xưa có thể có những gợi ý thông minh cho tương lai.
Song những thách thức đối với việc nghiên cứu con người trong điều kiện hiện
nay không cho phép bất cứ một cộng đồng nào, dù là có di sản truyền thống đồ sộ
đến mấy, ngủ yên trên quá khứ của mình.
3.2. Loài người biết về mình còn quá ít
Đối với con người thì không có đối tượng nhận thức nào có sức
lôi cuốn bằng chính bản thân nó. Ngay từ thời cổ đại Socrate đã thấu hiểu điều ấy
và “đánh thức lòng khát khao đi tìm chân lý” ở con người bằng cách nêu ra tuyên
ngôn nổi tiếng “Hãy tự nhận thức chính mình” [100].
Nhưng con người không chỉ bao gồm những người “có tri thức và
biết làm điều thiện” như Socrate đã hình dung. Nó cũng không phải chỉ là một động
vật chính trị [101] như Aristote đã khẳng định và càng không phải chỉ là động
vật kinh tế như F.W. Taylor cố tình quy giản. Con người đương nhiên là một động
vật biết chế tạo công cụ lao động theo cách hiểu của B. Franklin [102], song hiểu như thế có lẽ vẫn còn giản đơn. Con người gần hơn
với sự khẳng định là một động vật văn hóa, nếu có thể nói như vậy, nghĩa
là “con người là thực thể tự nhiên có tính người”[103], là “thực thể sinh học - xã hội”; “trong tính hiện thực của
nó, bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội” [104] (C. Mác).
Nêu lại những quan niệm trên, chúng tôi muốn nói rằng, tất cả
những gì mà con người nhận thức được về mình tính đến ngày hôm nay, mặc dù đã rất
phong phú và sâu sắc, nhưng dường như vẫn còn phiến diện và chưa thực sự đưa lại
cho con người một hiểu biết đầy đủ về bản thân mình.
Khi nhìn vào những thành tựu hiện đại trong khoa học về y học,
về y-sinh học, về xã hội... nhất là những thành tựu mới đây về bản đồ gen, về kỹ
thuật ghép tạng, về hoạt động của não bộ, về khoa học quản lý, về nhân tố văn
hóa, v.v... không ít học giả đã coi thế kỷ XX là thế kỷ “phát hiện ra” khoa
học về con người. Rõ ràng, điều khẳng định về sự tiến bộ vượt bậc của thế kỷ XX
trong việc nghiên cứu con người là có căn cứ của nó. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu
so sánh với những hiểu biết về các đối tượng khác của nhận thức, đặc biệt là với
những đối tượng bên ngoài thế giới tâm lý, tinh thần của con người, thì liệu
con người đã nên thỏa mãn với tri thức về chính con người hay chưa?
Về điều này, Elie Wiesel trong diễn văn khai mạc Hội nghị những
người được giải Nobel tại Paris, 1988 đã thừa nhận: “Ta hãy thú nhận với nhau,
trên phương diện đạo đức xã hội chúng ta đang còn mò mẫm tiến lên. Các vấn đề
ưu tiên của chúng ta hình như không được định hướng đúng. Chúng ta quan tâm đến
các vấn đề vũ trụ nhiều hơn việc tìm kiếm đạo đức hay một nền đạo đức. Con người
đã đi trên mặt trăng nhưng không bước lại gần đồng loại của mình. Con người
thăm dò đáy biển và giới hạn của vũ trụ trong khi người láng giềng liền cửa đối
với mình vẫn là một kẻ xa lạ. Chúng ta sống đến tuổi già nhưng tuổi già lại trở
thành một gánh nặng và một điều nguyền rủa”[105].
Khó phủ nhận một sự thật là vẫn chưa có một lý thuyết nào làm
thỏa mãn nhận thức khi trả lời câu hỏi con người là gì và ý
nghĩa của cuộc sống là gì. Các khoa học về con người tự nhiên vẫn thiếu
đồng bộ và thiếu thống nhất với các khoa học về con người xã hội. Các chỉ
số phát triển người do UNDP đề xướng dẫu rất có ý nghĩa và đang được cải
tiến thêm, song nhiều lắm nó cũng chỉ phản ánh được chất lượng sống chứ
không phản ánh được hạnh phúc. Một cuộc sống có chất lượng với một cuộc sống
hạnh phúc thật ra rất không gần nhau, nhất là trong quan niệm phương Đông. Khái
niệm chất lượng sống dẫu sao cũng phiến diện hơn nhiều và không thể
thay thế cho khái niệm hạnh phúc. Con người và hạnh phúc của nó, trên thực
tế, vẫn là một đối tượng bí ẩn không kém gì hàng nghìn năm trước. Nhận thức duy
lý và nhận thức ngoài duy lý về con người vẫn đang ở trong tình trạng đầy mâu
thuẫn (mà với đời sống thường nhật của mỗi người thì không phải lúc nào tri thức
duy lý cũng đưa tới hiệu quả có giá trị; đôi khi tri thức ngoài duy lý, trực
giác... lại giúp ích con người nhiều hơn). Việc con người hiện đại quan tâm nhiều
đến tình cảm tôn giáo, đến thế giới tâm linh, đến những khả năng bí ẩn... cho
thấy mức sống tiện nghi và văn minh thông tin cũng chưa đủ làm cho con người
yên tâm với nhận thức về vị thế làm người và ở đời [106] của mình, càng không thỏa mãn với tiêu chuẩn cụ thể về
tiến bộ trong đời sống. Hơn thế nữa, cách tiếp cận dựa vào tiềm thức và dựa vào
những tri thức thường ngày vẫn chưa có mặt một cách thỏa đáng trong những khám
phá về con người - Linh cảm bản năng về đời sống con người trong đại đa số các
trường hợp vẫn bị coi là thiếu tin cậy. Không ít lý thuyết vẫn đi theo con đường
cô lập hoá con người trong từng khía cạnh khác nhau; và vì thế, con người trong
những cách tiếp cận khác nhau dường như thật xa lạ với nhau. Thật đáng suy nghĩ
khi E. Morin và Kern cảnh báo, ngày nay “ý tưởng về loài người, tình người đã bị
đập nát vụn thành những mẩu nhỏ” [107].
Như vậy, chính những thành tựu của các khoa học trong việc
khám phá con người tự nhiên và con người xã hội đã làm cho
hệ kiến thức tổng thể về con người lộ ra những hạn chế của nó. Trước đòi hỏi
khách quan của đời sống và của khoa học, sự nghiên cứu về con người cần phải được
bổ sung bằng một xu hướng làm cho những “mảnh rời rạc” của tri thức về con người
được kết nối lại với nhau một cách logich và được lý giải trong một khoa học đồng
bộ về con người, sao cho con người hiện ra trong nhận thức như là “chủ thể hiện
thực” nhưng có “năng lực thích ứng với tương lai”[108]. Nói theo cách nói của C. Mác, đó là “những cá nhân hiện thực,
là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện
mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra”[109]. Jean Dausset, nhà y học Pháp, người được giải Nobel 1980 về
sinh lý học, khi đánh giá những thành tựu mới của khoa học về con người đã nhận
định: “Con người có những nhiệm vụ mới. Con người không còn được là đồ chơi của
ngẫu nhiên. Con người không được thụ động gánh chịu số phận của mình, bởi vì từ
nay nó đã có thể hướng vận mệnh của mình về một tương lai có cân nhắc, nói tóm
lại là con người đã nắm trong tay vận mệnh của mình. Chúng ta không có quyền lạc
quan hay bi quan mà chúng ta phải sáng suốt” [110].
Nếu theo dõi thường xuyên ý kiến của các nhà khoa học tầm cỡ
thế giới, người ta có thể thấy, không chỉ Jean Dausset và một số nhà khoa học
đoạt giải Nobel, mà còn khá nhiều tác gia có uy tín khác như J. Habermass, E.
Morin, A. Sol’jenitsyn, A, Zinov’ev, J. Stiglits... cũng đã từng phát biểu
không thoả mãn với cách thức ứng xử của con người với nhau và của con người
trong quan hệ với thế giới hiện đại. Thái độ không thỏa mãn này thường không phải
là đòi hỏi cao hơn nữa ở khoa học tự nhiên hay công nghệ, mà chủ yếu là đòi hỏi
đối với các khoa học xã hội - nhân văn, các loại hình tri thức về con người...
“đáng ra” phải có sự lý giải thuyết phục hơn về con người, về quan hệ giữa người
với người, về đời sống con người.
Dưới con mắt E. Morin và một số nhà khoa học châu Âu, khoa học
thế giới thế kỷ XX không hề cân bằng giữa hiểu biết về bản tính tự nhiên của
con người với hiểu biết về bản chất xã hội của con người. Hầu hết những khám
phá mới mẻ về con người trong các thập niên vừa qua là những khám phá từ góc độ
khoa học tự nhiên. Nhưng những phát hiện về cơ chế di truyền, về khả năng ngăn
ngừa bệnh tật, về cơ chế sinh hoá của các quá trình sống... không thay thế được
những khám phá của khảo cổ học và cổ sinh học về nguồn gốc loài người, của y học
xã hội về cơ chế xã hội của bệnh tật tự nhiên (chẳn hạn như, HIV, ung thư...),
và của xã hội học, đạo đức học về cơ chế tham nhũng, tha hóa, hay xung đột kỳ
thị... Quả thật, so với hiểu biết về các đối tượng khác, thì con người hiểu biết
về mình dường như chủ yếu là theo con đường mò mẫm, với phương thức thử và sai.
Đòi hỏi phải hình thành một khoa học mới với cách thức nghiên
cứu và kiểm soát tốt hơn về con người là một đòi hỏi không quá viển vông. ở nước
Nga, khi đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học Nga và thế giới trong
việc đi theo xu hướng nghiên cứu phức hợp về con người, I. Frolov, V.
Davidovich và B. Yudin cũng đã không dưới một lần đưa ra nhận xét bi quan về
nhiệm vụ phải thấu hiểu nhân loại trong tính tổng thể của nó, thấu hiểu con người
với bản chất và các hiện tượng đa dạng của nó – nhiệm vụ mà hình như khoa học
xã hội và nhân văn nào cũng không thấy có trách nhiệm phải trả lời [111].
Trên thực tế, xu hướng hình thành một ngành khoa học mới (hay
còn gọi là một hướng tri thức mới - trong một cách nói khiêm tốn hơn) để nghiên
cứu về con người mà nhiều trung tâm khoa học lớn trên thế giới đang triển khai
là xu hướng nảy sinh trên những tình huống có vấn đề của nửa cuối thế kỷ XX. Xu
hướng này đang triển khai ở cả hai khả năng: tiếp cận mới về con người trên cơ
sở tương lai học và tiếp cận mới về con người trên cơ sở nhân học
xã hội (social anthropology). Hy vọng trong một thời gian không xa xu hướng
khoa học này sẽ thể hiện được ưu thế của nó và cùng với điều đó, con người sẽ
được phản ánh một cách đồng bộ như nó tồn tại trong thực tế: sẽ không có sự
chia cắt “siêu hình” giữa con người tự nhiên với con người xã hội, giữa con người
kinh tế với con người chính trị, đạo đức, văn hóa, v.v...
3.3. Nghiên cứu con người trong điều kiện toàn cầu hoá và
kinh tế thị trường
Hiện nay, trong khi tại các khu vực khác trên thế giới, toàn
cầu hoá bị tẩy chay và chống đối rất mạnh, thì ở Đông Á, Đông Nam Á, trong đó
có Việt Nam, toàn cầu hoá lại được đón nhận khá nồng nhiệt. Ở khu vực này, tất
cả các chính phủ đều chủ trương chấp nhận và tham gia toàn cầu hoá; ngay cả
Malaysia, nơi lên án trực diện nhất và gay gắt nhất toàn cầu hoá, cũng không tẩy
chay toàn cầu hoá theo kiểu ở Italia, Pháp, Mỹ Latinh hay Nam Phi... Có quan điểm
giải thích rằng, đây là khu vực được hưởng lợi nhiều hơn từ toàn cầu hoá. Tuy
nhiên, nguyên nhân không chỉ là kinh tế, mà sâu xa hơn, hiện tượng này còn do
những nguyên nhân thuộc về văn hóa và con người. Không thể giải thích thấu đáo
bất cứ hoạt động nào nếu người ta tách kinh tế ra khỏi các nhân tố văn hóa và
con người.
Mấu chốt của vấn đề là, toàn cầu hoá mở ra cơ hội và đặt ra
thách thức đối với mọi quốc gia, mọi khu vực, nhưng nắm bắt được cơ hội và khống
chế được thách thức đến mức nào lại là điều phụ thuộc đáng kể vào nội lực của từng
quốc gia và của từng chủ thể. Nhân tố con người và văn hoá thể hiện chính là ở
điểm này[112].
Cùng với toàn cầu hoá, là kinh tế thị trường ở trình độ toàn
cầu. Từ hơn 20 năm nay, nền kinh tế thế giới đã từng bước thiết lập được những
quan hệ và thể chế đa quốc gia, xuyên quốc gia. Ngày nay, bất cứ nền kinh tế
nào cũng phải tự đặt mình trong xu thế toàn cầu để hoạch định các kế hoạch phát
triển. Các nhân tố chung của sự phát triển kinh tế trong thời toàn cầu hóa [113] mà các quốc gia đều buộc phải chú ý là:
- Trình
độ dân trí của cư dân. Vị thế của tiếng Anh trong đời sống xã hội.
- Sự
chuẩn bị các nguồn lực của sự phát triển, đặc biệt là nguồn lực lao động trí tuệ.
Trình độ quốc tế hóa thị trường lao động. Đội ngũ các nhà doanh nghiệp buộc phải
có trình độ ngày càng cao hơn, năng động hơn.
- Thông
tin ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tăng trưởng kinh tế.
- Hệ
thống tài chính bị chi phối từ bên ngoài nhiều hơn. Thị trường tiền tệ trở
thành thị trường quốc tế.
- Các
chế định quốc gia ngày càng thích nghi với các chế định quốc tế. Hệ thống pháp
chế trở thành hệ thống pháp chế toàn cầu.
- Các
công ty đa quốc gia - xuyên quốc gia sẽ ngày càng chi phối cả bốn thị trường:
hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ và lao động.
- Các
mục tiêu của nhân loại sẽ ngày càng nhất trí hoặc thỏa hiệp với nhau.
Tất cả đều là những bài toán đặt ra từ hai phía: 1/ những
nhân tố đó ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển con người hôm nay và ngày
mai, và 2/ việc khai thác, sử dụng nhân tố con người (trong đó có nguồn nhân lực,
vốn con người, vốn xã hội... Human Resources, Human capital, social capital) cần
phải được tổ chức như thế nào để phát huy hết tiềm năng con người cho sự
nghiệp phát triển đất nước.
Vấn đề là ở chỗ, con người và nhân tố con người phải được chú
ý và sử dụng như những thành tố đầu vào, như nguồn lực bên trong đồng thời như
đối tượng phục vụ của mọi quy trình phát triển. Kinh nghiệm trong lĩnh vực này,
thế giới, đặc biệt khu vực Đông Á, có những bài học rất quý mà Việt Nam, quốc
gia đi sau cần thiết phải biết học hỏi.
Chẳng hạn, sau chiến tranh thế giới II, số người không có việc
làm ở Nhật Bản lên tới 13,1 triệu người, chiếm 17,5% dân số và 37,4% lực lượng
lao động. Nhờ một loạt chính sách kịp thời, trong đó về lao động là giảm tốc độ
tăng dân số, phát triển cơ cấu kinh tế phù hợp, cải cách quản lý ở các công ty,
chú trọng chăm sóc sức khỏe và phát triển giáo dục, nên chỉ sau một thời gian
ngắn, Nhật Bản đã trở thành cường quốc có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới
và về phương diện phát triển con người, Nhật Bản cũng trở thành nước có chỉ số
phát triển người rất cao (2005: chỉ số HDI là 0,943; xếp thứ 11/177 nước).
Đáng lưu ý là, khoảng những năm 1946-1952, ở Nhật Bản cũng đã
có những quan điểm ảo tưởng về sức mạnh của khoa học – công nghệ, mà cụ thể là
quá đặt niềm tin vào tác dụng của tự động hóa. Nhưng chỉ sau vài năm, người ta
sớm nhận ra cái quyết định sự phát triển là con người, nhân tố con
người rồi mới đến các nhân tố khác. Đề cao con người không phải chỉ là một khẩu
hiệu suông. Sự tỉnh táo này là bài học rất đáng lưu ý cho các quốc gia đi sau.
Bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc trong ba thập kỷ (1961-1991),
cũng từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá trở thành một trong những con
hổ châu Á (NICs), có nền kinh tế mạnh nhất trong thế giới thứ ba. Từ 1963
- 1978, GNP thực tế của Hàn Quốc tăng gần 10%/năm và trong suốt những năm 1973
- 1978, tăng hơn 11%/năm. Từ 100 USD/người năm 1963 (tương đương với Việt Nam
lúc đó), đến 1988 Hàn Quốc đã vượt quá 3500 USD, và nay là 17.971 USD/người.
Theo đánh giá của một số học giả, Hàn Quốc là tấm gương nổi bật nhất về phát
triển kinh tế dài hạn[113].
Bài học về sự phát triển của Hàn Quốc là bài học về sự đánh
thức được “tâm thế phát triển” của cả một dân tộc: Tinh thần tự nguyện làm
thêm giờ với đồng lương thấp, thái độ sẵn sàng hy sinh vì xí nghiệp, vì đất nước
những lúc khó khăn (đặc biệt, khi khủng hoảng tài chính những năm 90), chia sẻ
với chính phủ trong những quyết sách lớn… đã bù đắp đáng kể cho sự thiếu hụt về
vốn và nguồn lực tự nhiên.
Còn ở Đài Loan, đầu những năm 60 thế kỷ XX, chính phủ “không
hề biết được mình đang có nguồn nhân lực như thế nào, và nghiêm trọng hơn,
chính phủ cũng hoàn toàn không biết gì về nhu cầu nguồn nhân lực trong vòng 5
năm hay 10 năm tiếp”[114]. Năm 1964, Đài Loan đã thành lập “Cơ quan quốc gia về phát
triển nguồn nhân lực” với nhiệm vụ giúp chính phủ quy hoạch nguồn nhân lực quốc
gia, điều chỉnh ngành nghề, phối hợp và thúc đẩy kế hoạch định kỳ phát triển. Từ
năm 1966, căn cứ vào nhu cầu phát triển định kỳ, tổ chức này đã đề xuất “Kế hoạch
phát triển nhân lực” mỗi năm, căn cứ theo đó mà kiểm tra, điều phối quy hoạch
phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trải qua 40 năm, tổ chức này đã đóng vai
trò vô cùng quan trọng đối với sự phồn vinh, ổn định và phát triển xã hội tại
Đài Loan.
Bài học của hòn đảo Đài Loan đất chật người đông, tài nguyên
ít ỏi, trong nửa thế kỷ qua đã tạo nên “kỳ tích” là bài học về cơ chế chỉnh
thể điều chỉnh nguồn nhân lực quốc gia với một sách lược “liền mạch lâu
dài”. Con người là nhân tố đặc biệt cần chú trọng không ngừng. Tài
nguyên người là nhân tố buộc phải sử dụng chứ không thể để “thừa” (lãng
phí) hoặc vứt bỏ như các tài nguyên khác.
Những bài học và kinh nghiệm của các nước trong khu vực sẽ vô
cùng bổ ích đối với Việt Nam, nếu ta biết tiếp thu và vận dụng một cách hợp lý.
Như vậy, con người không chỉ quyết định hiệu quả của việc
khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và các nguồn lực khác, mà còn góp phần
quan trọng vào sự phát triển bền vững trong tương lai. Nhưng với tư cách là
khách thể, con người phải là đối tượng của sự khai thác, sử dụng, đầu tư cho
phát triển. Khi nói đến điều này, người ta thường nói đến tính chất không bị cạn
kiệt của nguồn lực con người. Vài thập kỷ gần đây, các nhà khoa học và các nhà
hoạch định chiến lược của tất cả các quốc gia trên thế giới đều nhận ra rằng
nguồn lực tự nhiên dù có phong phú và giàu có đến mấy thì cũng có thể bị cạn kiệt
trước sự khai thác của con người. Chỉ có con người mới là nguồn tài nguyên vô tận
và khai thác không bao giờ cạn (Alvin Toffler).
Khoảng 15 năm nay, thế giới nói nhiều đến giá trị châu Á và
coi đó là một trong những nguyên nhân văn hóa giải thích sự hưng vong của khu vực
này, trong đó có Việt Nam. Ngày nay, trong đối thoại Đông Tây về các vấn đề
nhân quyền, các vấn đề trách nhiệm xã hội và tự do cá nhân, các vấn đề về dân tộc,
tôn giáo đảng phái hay lối sống… các nhà nghiên cứu và các chính khách Á
Đông khó có thể có được lập luận vững vàng nếu lãng quên vấn đề giá trị
châu Á.
Mặc dù ở từng nhà nghiên cứu, bức tranh cụ thể về các giá trị
châu Á là không giống nhau, song nếu chọn ra những điểm giống nhau có trong mọi
quan niệm, thì ở tất cả những người đã từng suy nghĩ về sự khác biệt giá trị giữa
châu Á và phương Tây ít nhất đều có những ý tưởng chung là: 1/ Ở các xã hội
châuÁ chắc chắn có những giá trị đặc thù so với phương Tây. 2/ Trong xã hội hiện
đại, những giá trị này có thể ưu trội hơn so với các giá trị phương Tây. 3/ Cần
phải đề cao giá trị châu á trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Theo
thống kê của chúng tôi, những giá trị ưu trội của văn hóa Á Đông được đông đảo
các học giả Đông và Tây thừa nhận là [115]: 1/ Hiếu học, đề cao giáo dục. 2/ Cần cù, yêu lao động. 3/ Đề
cao trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng. 4/ Đề cao quan hệ gia đình, huyết tộc.
Vấn đề là ở chỗ, lâu nay, khi bàn tới các giá trị ưu trội
châu Á, nhà nghiên cứu nào cũng bị phản bác bởi lập luận: chẳng có giá trị nào
là của “riêng” châu Á; điều gì châu Á tôn vinh thì về đại thể ở nơi khác người
ta cũng tôn vinh. Cần cù, hiếu học, tôn trọng gia đình, đề cao trách nhiệm cộng
đồng… là những đức tính chung của toàn nhân loại. Chẳng lẽ chỉ có người châu Á
là hiếu học và yêu lao động còn ở những nơi khác tính cách con người lại kém cỏi
hơn hay sao.
Lập luận trên là xác đáng. Và, sự khác biệt đáng phải bàn luận,
ở đây, hóa ra là khác biệt về giá trị quan (Value View) chứ không phải
là khác biệt giữa các giá trị cụ thể. Nói đến giá trị đặc thù châu Á, thực
chất, là nói tới sự khác biệt về giá trị quan, thể hiện trong việc đánh
giá, xếp loại (đề cao, tôn vinh hay coi thường) các giá trị cụ thể trong bảng
giá trị hoặc trong hệ thống giá trị. Nghĩa là, với các nền văn hóa
khác nhau, thông thường, bảng giá trị hay hệ thống giá trị cũng khác nhau. Tuy
nhiên, các giá trị cụ thể trong mỗi hệ thống giá trị đó phần nhiều lại thường
giống nhau. Rất hiếm có giá trị đặc thù về tính cách con người chỉ thuộc về
riêng một dân tộc nào đó. Như vậy, cái khác nhau giữa các bảng giá trị, trước hết
là khác nhau về vị trí của từng giá trị. Người châu Á coi cần
cù, yêu lao động là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại
coi tinh thần tự lực cánh sinh mới là giá trị đáng quý nhất, cần
cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau tự lực cánh sinh và thành
đạt cá nhân. Nói rằng người Đông Á cần cù, người Do thái khôn
ngoan, hay người Đức ưa chính xác... nếu đúng, cũng chỉ có nghĩa là các giá trị
đó được tôn trọng hơn, được xếp vào vị trí ưu tiên hơn so với các giá trị khác.
Tuyệt nhiên không có nghĩa là chỉ có người Đông Á mới cần cù còn người
nơi khác lười biếng, chỉ có người Do thái là khôn ngoan còn lại là ngốc nghếch
hay kém thông minh...
Với quan niệm như trên, có thể thấy rằng, mặc dù giá trị truyền
thống châu Á không phải “chỉ toàn là những điều tốt đẹp khiến cho phương Tây phải
thán phục, ngưỡng mộ”, như một vài tác giả vì quá yêu châu Á đã nhấn mạnh một
cách cường điệu. Song những nét ưu trội của giá trị quan châu Á là có thật. Sẽ
là sai lầm nếu không chú ý thỏa đáng đến sự khác biệt này trong nghiên cứu so
sánh giữa các nền văn hóa, đặc biệt, trong việc hoạch định các kế hoạch phát
triển tiếp theo của các xã hội châu Á, trong đó có Việt Nam.
3.5. Nghiên cứu con người Việt Nam - nhiệm vụ cấp bách
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về con người, đương nhiên, có nhiều
mục đích, nhưng một trong những mục đích đó là nhằm tiến tới một hiểu biết sâu
sắc hơn, đầy đủ hơn về chính con người Việt Nam - Con người Việt Nam hiện đại
và truyền thống; con người Việt Nam trong so sánh với con người phương Tây,
Đông Á và Đông Nam Á, v.v... Nhiệm vụ này rõ ràng là mới mẻ, cấp
bách, nhưng về một phương diện nào đó, nhiệm vụ này lại cũng khá quen thuộc và
có thể nói, đã ít nhiều có truyền thống đối với giới nghiên cứu ở Việt Nam.
Bởi lẽ, ở Việt Nam, trước kia, văn sử triết bất phân. Hơn một
nghìn năm, kể từ khi Nho giáo du nhập, tri thức của văn hóa Nho giáo chủ yếu là
tri thức về con người - chủ đề bao trùm là dạy và học làm người. Hồi đầu
thế kỷ, với phong trào Duy tân, Đông du, con người Việt Nam lần đầu tiên được
đem so sánh với người phương Tây và người Đông Á. Kể từ đó cùng với sự tiếp
thu và phát triển các khoa học chuyên ngành, tri thức về con người nói chung và
con người Việt Nam nói riêng đã được tích lũy ngày một phong phú hơn, nhưng tản
mạn trong các ngành khoa học riêng rẽ như sử học và khảo cổ học, y học và dân tộc
học, xã hội học và tâm lý học, v.v... Từ giữa những năm 80, vấn đề bản sắc văn
hóa dân tộc nổi lên và cùng với chủ đề này, việc nghiên cứu con người Việt Nam
để xác định đặc trưng của người Việt đã thu hút được sự chú ý của đông đảo các
nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động xã hội.
Nhưng dẫu sao thì tri thức về con người Việt Nam vẫn còn khá
đơn giản và có phần cảm tính trong nhiều ấn phẩm. Những kiến thức cơ bản về con
người trong các khoa học y, sinh, hoặc xã hội và nhân văn... trên thực tế, vẫn
chưa đủ để xác định đặc trưng người Việt. Hơn thế nữa, hình ảnh về con người
trong hầu hết các khoa học xã hội và nhân văn cũng như trong một số khoa học tự
nhiên có nghiên cứu về con người, nhìn chung, đều bị cô lập hoá và chia cắt
theo các khía cạnh quá chuyên biệt, đến nỗi rất khó hình dung bóng dáng của con
người bằng xương bằng thịt trong các nghiên cứu chuyên ngành.
Theo chúng tôi, con người Việt Nam, một mặt, do được sinh ra
từ lịch sử đặc thù của xã hội Việt Nam và được đặt trước những thách thức riêng
biệt đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam nên chắc chắn có những nét
đặc thù so với người phương Tây, người Nga, người Trung Hoa hoặc Đông Nam Á...
Song mặt khác, người Việt, ngay từ ngàn xưa đã là sản phẩm của sự giao thoa giữa
các nền văn hóa. Có thể nói, về mặt địa - chính trị, Việt Nam thuộc khu vực
Đông Nam Á, tức là có nhiều nét tương đồng với khu vực này. Nhưng về mặt
văn hoá, do chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá Khổng giáo nên Việt Nam lại thuộc
về vùng văn hóa Đông Á. Đây là một đặc điểm khá tế nhị, có ý nghĩa quy định
đáng kể đối với sự phát triển của con người và xã hội Việt Nam tương lai. Do vậy
đặc điểm này rất đáng được lưu ý để nghiên cứu con người Việt Nam.
Một đặc điểm khác cũng cần được chú ý thoả đáng là, so với một
số nước có nền văn minh phát triển sớm như Trung Quốc, Ấn Độ hay một số nước
Tây Âu thì Việt Nam không có những học thuyết lớn, có ảnh hưởng lớn tới sự phát
triển xã hội như Nho gia, Đạo gia, Phật giáo… Giáo sư Trần Đình Hượu cho rằng,
người Việt Nam “không say mê tranh biện triết học”, “không cuồng tín tôn giáo”,
và do vậy nên cũng “không đủ điên rồ” để đẩy tư tưởng, thơ ca, kiến trúc, điêu
khắc, nghệ thuật... của mình thành những biểu trưng, “đài danh dự” của cả một nền
văn hóa[116]. Đây quả là một vấn đề phương pháp luận lớn, cần phải được
dày công nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là dân tộc
Việt Nam không có những vĩ nhân tiêu biểu của mình, không có những những “đài
danh dự” của mình trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trái ngược lại, những kỳ
tích của lịch sử Việt Nam, xứng đáng là “đài danh dự”, là “biểu trưng văn hoá”
thì không chỉ là sản phẩm được tạo dựng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc[117]. Riêng về lĩnh vực tư duy, tư tưởng, thì mặc dù tư tưởng của
cha ông ta ít được trình bày, phát triển thành những học thuyết có hệ thống
nhưng trên thực tế, có nhiều tư tưởng, quan điểm lại chứa đựng những giá trị
sâu sắc. Những giá trị đó không những đã là cơ sở cho tư duy dân tộc trong một
thời gian dài mà còn có những giá trị tích cực trong thời đại ngày nay.
Đứng trước những thách thức mới của sự phát triển, những
thách thức đặt ra trong thời đại toàn cầu hóa, người Việt có đặc thù xã hội, đặc
thù tâm lý, đặc thù văn hóa (và có thể có những nét đặc thù sinh học) riêng. Đó
là “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt
Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước”[118], như đã được Đảng ta khẳng định.
Đương nhiên, cái riêng, cái đặc thù ở đây không hiểu theo
nghĩa tuyệt đối. “Riêng” không có nghĩa là không hề tồn tại ở các dân tộc khác,
mà “riêng” chỉ với nghĩa là khác về vị trí trong bảng giá trị so với
các dân tộc khác.
Với tinh thần ấy, có thể thấy rằng, những giá trị đặc thù của
con người Việt Nam không phải chỉ là hành trang dành riêng cho sự phát triển của
xã hội Việt Nam, trong những năm đầu thế kỷ XXI, mà đó còn là một phần tài sản
chung của văn hóa nhân loại.
3.6. Kết luận
Nghiên cứu con người nói chung và con người Việt Nam nói
riêng, hiện đang đứng trước những nhu cầu đặc biệt cấp thiết đặt ra từ sự phát
triển của bản thân khoa học và từ sự phát triển của đất nước trong tương quan
chung với sự phát triển của khu vực, của thế giới và của nhân loại. Tất cả các
tương quan đan xen, chồng chéo và phức tạp đó của sự phát triển đều đòi hỏi phải
khám phá sâu hơn nữa về con người, trên tất cả các khía cạnh mà trước hết và cấp
thiết nhất là ở khía cạnh bản chất – bản chất người, tính người, vị thế con người.
Đối mặt với những đòi hỏi thuộc loại này, người ta nhận thấy
dường như loài người hiểu biết về mình vẫn còn quá ít. Bởi không ít câu hỏi đặt
ra ngay từ thời Cổ đại mà đến nay, câu trả lời của con người hiện đại cũng chưa
hơn được các hiền triết thuở xưa là bao. Khoa học hiện đại mặc dù đã tiến rất
xa, kể cả các khoa học y – sinh – xã hội... về con người, song nhận thức chuyên
biệt vẫn dừng bước trước nhiều luận đề triết học và thần học về con người.
Tuy nhiên, dù con người không thoả mãn với mình thế nào đi
chăng nữa, thì sự tiến triển khách quan của tri thức, của khoa học vẫn là cái
không thể phủ nhận. Ngày nay, khoa học về con người không còn ranh giới phương
Đông hay phương Tây cho sự phân biệt các trung tâm sáng tạo. Đối tượng nghiên cứu
phương Đông hay phương Tây thì vẫn còn, thậm chí những khác biệt về giá trị vẫn
rất đáng kể, nhưng nhà nghiên cứu thì đã bị xoáy trong bối cảnh chung là toàn cầu
hóa, dù các công trình nghiên cứu được thực hiện ở châu Á hay ở phương Tây và
người nghiên cứu là nhà khoa học Mỹ hay Việt Nam.
Với tính cách là sản phẩm chung của văn minh nhân loại như thế,
có thể nhận ra rằng, khoa học về con người đã có những tiến triển rất căn bản,
rất nhanh, và cũng đã đạt đến những kết quả không kém phần sâu sắc.
Đó chính là cơ sở, là công cụ chung để các nhà khoa học Việt
Nam và quốc tế khám phá, giải mã về con người, nói chung và con người Việt Nam,
nói riêng – một loại hình đối tượng còn chưa thật tường minh.
PHẦN 2
MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG
PHÁP NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI
Chương 4
Của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia
đó. Và mục đích của phát triển là để tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép
con người được hưởng cuộc sống dài lâu, khoẻ mạnh và sáng tạo. Chân lý giản đơn
nhưng đầy sức mạnh này rất hay bị người ta quên mất trong lúc theo đuổi của cải
vật chất và tài chính
UNDP (HDR 1990)
4.1. Anthropocentrism - mô hình châu Âu về sự cảm nhận thế giới:
cách hiểu bản thể luận và cách hiểu nhận thức luận
4.1.1. Những năm gần đây, ở Việt Nam, quan niệm coi con
người là trung tâm đã trở thành cách nhìn, cách nghĩ có sức hấp dẫn, thu
hút đông đảo các nhà lý luận và các nhà hoạt động chính trị - xã hội quan tâm ứng
dụng vào lĩnh vực công tác của mình.
Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, song trước hết, phải thừa
nhận rằng, cùng với quá trình đổi mới, các khoa học xã hội và nhân văn ở Việt
Nam đã từng bước tiếp cận được với không khí học thuật chung của thế giới, mà một
trong những đặc điểm của khoa học xã hội và nhân văn thế giới từ thập kỷ 90 (thế
kỷ XX) là trở về với quan niệm coi con người là trung tâm của sự phát
triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, do nhu cầu của quá trình hội nhập và mở cửa,
các nhà khoa học và các nhà hoạt động chính trị - xã hội Việt Nam đã có cơ hội
tham gia tích cực hơn vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNDP,
một tổ chức có vai trò đáng kể trong việc kêu gọi các chính phủ đừng quá chú trọng
đến tăng trưởng kinh tế mà lãng quên các vấn đề về con người và môi trường; với
UNDP, con người cần phải được coi là chiếm vị trí trung tâm của sự phát
triển[119].
Có cơ sở để đồng ý với ý kiến cho rằng, quan niệm coi con
người là trung tâm, trên những nét chủ yếu, là hoàn toàn phù hợp với quan niệm
tôn vinh con người của tư tưởng truyền thống của Việt Nam và cũng phù hợp với
quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu đã xác định tầm quan trọng của việc
xây dựng con người và kể từ cuối thập kỷ 80, đã coi con người là động lực và
là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội [120].
4.1.2. Tuy nhiên, quan niệm coi con người là trung
tâm không chỉ là quan niệm của UNDP, mà từ lâu đã là quan niệm của học
thuyết Anthropocentrism. (Ở Việt Nam, Anth-ropocentrism thường được dịch
là "học thuyết coi con người là trung tâm", "chủ nghĩa coi con
người là trung tâm", đôi khi có tác giả dịch là "học thuyết duy nhân
loại", "chủ nghĩa duy nhân loại" hoặc "học thuyết duy con
người", "chủ nghĩa duy con người". Do tất cả những thuật ngữ tiếng
Việt vừa nêu đều quá dài và có thể gây hiểu lầm, nên ở đây, chúng tôi xin không
dịch mà giữ nguyên là Anthropocentrism cho tiện diễn đạt). Vấn đề là ở chỗ,
quan điểm của UNDP và quan điểm Anthropocentrism rất khác nhau. Đều thừa nhận con
người là trung tâm, nhưng hai quan điểm này được chỉ đạo bởi các triết lý có những
định hướng khác nhau đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Về thực
chất, quan điểm của UNDP là sự cải tạo lại quan điểm của học thuyết
Anthropocentrism. Hầu hết các quốc gia và các nhà hoạt động chính trị - xã hội ở
các nước thuộc tổ chức Liên hợp quốc đều tán thành quan điểm con người là
trung tâm của UNDP, thừa nhận những định hướng tiến bộ của quan điểm này
và coi quan điểm này là phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.
Nhưng không nhiều người phân biệt rạch ròi quan điểm của UNDP với quan điểm của
Anthropocentrism.
Trong sự phân biệt giữa văn hoá phương Đông và phương
Tây, về đại thể, có thể thấy rằng, đều thừa nhận quan điểm của UNDP, coi con
người là trung tâm của sự phát triển, song thái độ của phương Tây có khác với
phương Đông. Từ trong chiều sâu văn hoá của mình, phương Tây phân biệt rạch
ròi quan điểm của UNDP với Anthropocentrism. Còn phương Đông, trong khi chấp nhận
quan điểm con người là trung tâm, vẫn không hề đề cao Anthropocentrism.
Đây là điều rất đáng lưu ý trong các công trình nghiên cứu.
Bởi vậy, theo chúng tôi, cần thiết phải nhận biết sự khác biệt
của những học thuyết tiêu biểu cho quan niệm coi con người là trung tâm, để
khi ứng dụng, người ta có thể hiểu được khái niệm con người là trung tâm đang
được thừa nhận với nghĩa như thế nào.
4.1.3. Không thấy tài liệu nào nói chính xác thời điểm
Anthropocentrism xuất hiện. Chỉ biết rằng, nó có sớm hơn cả triết học Hy Lạp cổ
đại. Tuy thường được gọi là học thuyết, song khởi thuỷ, Anthropocentrism không phải
là lý thuyết có hệ thống do một nhà tư tưởng cụ thể nào đó đề xướng. Các tài liệu
chỉ nói rằng, Anthropocentrism là sản phẩm đặc thù của văn hoá châu Âu, được
hình thành trong quá trình con người tự nhận thức về vai trò của mình đối với
thế giới, phản ánh quá trình con người từng bước đạt tới trình độ "tách
mình" ra khỏi tự nhiên và sau đó, "tách mình" ra khỏi xã hội (tự
xác định được mình với tính cách là những cá nhân, nhân cách). Theo V. I.
Samokhvalova, Anthropocentrism thể hiện thái độ của con người "tin
tưởng vào sức mạnh toàn năng của mình". Anthropocentrism là "mô hình
châu Âu về sự cảm nhận thế giới"[121].
Từ điển triết học hiện đại xuất bản đồng thời ở nhiều nước
châu Âu năm 1998 thừa nhận Anthropocentrism tồn tại phổ biến trong đời sống
tinh thần châu Âu dưới đủ các dạng nhận thức: huyền thoại, tôn giáo, khoa học
và thông thường...[122]
4.1.4. Tổng quan theo những tài liệu mà chúng tôi được
biết, lịch sử của Anthropocentrism có thể được hình dung như sau:
Anthropocentrism, về thực chất, là hệ thống các quan điểm về
vị thế của con người đối với thế giới. Với mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống các
quan điểm này không giống nhau ở từng trường phái, ở từng nhà tư tưởng. Tuy vậy,
cái chung ở hệ thống quan điểm này là thái độ đề cao vai trò chi phối, quyết
định của con người đối với xã hội, đối với thế giới (bên trong và bên
ngoài con người) và đối với vũ trụ. Đó là thái độ thừa nhận nguyên
tắc "hoạt động cải tạo không có giới hạn của con người"[123]. "Theo nghĩa chặt chẽ của từ này, thì Anthropocentrism
là phương thức giải quyết các vấn đề triết học (trước hết là các vấn đề thế giới
quan), xuất phát không phải từ thế giới đến con người, mà ngược lại, từ con người
đến thế giới" [124]. Anthropocentrism khẳng định ý nghĩa đặc biệt của sự tồn tại
người, khẳng định chính sự tồn tại của con người mới là hạt nhân, là tâm điểm,
chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại vũ trụ.
Thái độ của Anthropocentrism phản kháng lại quan niệm coi con
người chỉ là một bộ phận của thế giới (một dòng quan niệm có ngay từ khởi thuỷ
lịch sử nhận thức; nổi tiếng nhất của dòng quan niệm này là tư tưởng coi con
người là một tiểu vũ trụ). Nó không thừa nhận quan niệm nhìn con người chỉ
thuần túy như là một trình độ của cấu tạo vũ trụ, phụ thuộc hoàn toàn vào thế
giới bên ngoài.
Đi liền với Anthropocentrism là một khuynh hướng các nhà khoa
học tự nhiên và thực nghiệm (từ thời cổ đại cho tới ngày nay) luôn tìm cách chứng
minh sự tồn tại của thế giới này là cho con người. Khuynh hướng này giả
thiết rằng, vũ trụ được cấu tạo là để cho con người xuất hiện và tồn tại. Vì nếu
chỉ cần xảy ra một thay đổi nhỏ về một vài đại lượng vật lý nào đó, chẳng hạn
như hằng số plank, hằng số hấp dẫn, số lượng các điện tích, điện tử... thì con
người sẽ không thể có mặt, trong khi vũ trụ vẫn tồn tại [125]. Ngoài ra, với trái đất, nơi (duy nhất?) đã xuất hiện con
người, thì những người theo khuynh hướng này còn đặt ra câu hỏi: trong quá
trình tiến hoá, những bước đột biến làm xuất hiện con người là ngẫu nhiên hay
tiền định? Vì giả sử nếu không có sự thay đổi khí hậu toàn cầu, không có bước
nhảy vọt căn bản thoát hẳn ra khỏi tổ tiên, thì liệu loài người có xuất hiện được
hay không [126].
Có thể hiểu được tại sao Anthropocentrism ngay từ rất sớm đã
mang màu sắc thần bí và về sau thường được coi là một quan niệm gắn liền với thần
học Kitô giáo. Trong Thượng đế luận Kitô giáo, quan niệm của
Anthropocentrism đã được sử dụng một cách cực đoan: sau khi đã hoàn tất việc
sáng tạo ra vũ trụ, Chúa mới sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa. Đó
là tâm điểm của sự sáng tạo.
4.1.5. Tiền đề được xem là vững chắc cho quan niệm thần thánh
hóa con người của Kitô giáo là những tư tưởng có màu sắc Anthropocentrism của
các nhà thông thái Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, chẳng hạn như quan niệm về hình học
của Eclid, quan niệm về con người của Protagor và Socrate, quan niệm logic học
của Aristote, quan niệm về lý tính và thuyết Địa tâm của
Ptoleme, v.v.. Điển hình cho những quan niệm Anthropocentrism thời cổ đại được
coi là tư tưởng của Protagor với luận điểm nổi tiếng "con người là thước
đo của mọi vật" [127].
4.1.6. Sau nhiều thế kỷ làm chỗ dựa cho sự thống trị của
nhà thờ Kitô giáo Trung cổ, quan điểm của Anthropocentrism chỉ thực sự bị lung
lay khi thuyết Địa tâm của Ptoleme bị sụp đổ trước sự ra đời của thuyết Nhật
tâm Copernic. Cùng với sự sụp đổ của thuyết Địa tâm và sau đó, cùng với sự nhận
ra những hạn chế của quan niệm về cấu trúc thế giới theo hình học Eclid và những
giới hạn của tư duy theo logic học Aristote, con người giật mình hiểu ra sự nhỏ
bé và vị thế khiêm nhường của mình trong vũ trụ. Tất cả các phát kiến của khoa
học tự nhiên và thực nghiệm cho đến thời Phục Hưng đều bác bỏ vị thế trung tâm
của con người. Không có một dữ kiện khoa học nào chứng minh con người có vị trí
trung tâm trong vũ trụ (thậm chí ngay cả ngày nay, khi con người có trong tay
khối lượng khổng lồ vũ khí hạt nhân, đủ để đe dọa sự tồn vong của cả trái đất,
thì điều đó cũng không chứng tỏ con người có khả năng quyết định đối với thái
dương hệ). Hoá ra có lý do để tin rằng, con người không nhất thiết phải có mặt
trong cấu tạo của vũ trụ; sự tồn tại của con người không hề quyết định sự tồn tại
của vũ trụ mà trái lại, chính cấu tạo của vũ trụ mới quyết định sự có mặt và tồn
tại của con người. Xamokhvalova gọi đó là "cú sốc", "một sự kích
động mạnh" đối với con người khi nó còn chưa được "miễn dịch"
trước những nguy cơ đe dọa như hiện nay[128]. Về điều này, Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư vật lý thiên văn người
Mỹ (gốc Việt, một học giả nổi tiếng trong giới thiên văn học) tại Đại học
Virginia, nhận xét: "Copernic đã trục xuất con người ra khỏi vị trí trung
tâm của nó trong hệ Mặt trời. Từ đó bóng ma của ông không ngừng ám ảnh chúng ta
và gây ra nhiều sự phá huỷ khác. Trái đất mất vị trí trung tâm của nó, rồi đến
lượt mình, mặt trời cũng lại được xếp vào hàng những ngôi sao bình thường và được
đặt ở nơi ngoại ô heo hút của dải Ngân hà. Rồi ngay cả Ngân hà cũng lại bị chìm
lấp trong hàng trăm tỷ thiên hà của vũ trụ quan sát được. Con người bị thu lại
bé nhỏ không đáng kể so với khoảng bao la của vũ trụ. Sự xuất hiện của trí tuệ
và ý thức chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, một sự cố trên con đường vạn dặm của
vũ trụ. Vũ trụ không cần tới sự có mặt của chúng ta và nó cũng chẳng mấy bận
tâm về chuyện đó" [129].
Như vậy, muộn nhất là đến thế kỷ XV, cách hiểu bản thể luận về
Anthropocentrism thực sự không có cơ sở để tồn tại trong nhận thức nữa.
4.1.7. Nhưng một khi con người hiểu được vị thế nhỏ bé của
mình, thì điều đó cũng chứng tỏ rằng con người đã trưởng thành với một sức mạnh
đáng kể. Nghịch lý của nhận thức chính là ở đây. Con người có vũ khí vạn năng,
đó là giá trị. Con người biết mình là "chúa tể" trong vũ trụ, là sinh
vật duy nhất có tư duy, có khả năng tác động đến vũ trụ và có thể bắt vũ trụ từ
chỗ "tồn tại tự nó" phải "tồn tại cho ta". Nếu như về
phương diện bản thể, con người thấy mình chỉ là một thành phần rất khiêm tốn của
vũ trụ, thì về phương diện tâm lý và tinh thần, con người lại thấy mình vô cùng
lớn lao; và thậm chí, ý nghĩa của sự tồn tại là cái chỉ đặt ra đối với con người
(chỉ con người mới có các quan hệ giá trị). Từ đây cách hiểu nhận thức luận về
Anthropocentrism xuất hiện, dần dần được củng cố và thay thế cho cách hiểu bản
thể luận về Anthropocentrism.
Bắt đầu từ thời đại Phục hưng và đặc biệt là ở thời đại Khai
sáng, sự xuất hiện của chủ nghĩa duy lý với những con người "dùng đầu để đứng"
(chữ dùng của Hegel) đã khiến tất cả mọi quan niệm, kể cả những quan niệm về
tôn giáo đều phải "ra trước toà án của lý tính để biện hộ cho sự tồn tại
mình hoặc từ bỏ sự tồn tại của mình"[130]. Đó là chủ nghĩa duy lý mới thay thế cho chủ nghĩa duy
lý bắt nguồn từ Ptoleme[131]. Với chủ nghĩa duy lý mới, các giá trị cổ đại là lý
tính(Reason) và giải phóng con người (Emancipation) được phục hưng trở
lại và được nâng lên một tầm cao mới. Đây chính là chỗ dựa cho cách hiểu nhận
thức luận về Anthropocentrism.
Điều này đặc biệt thú vị, vì hình như có gì đó mâu thuẫn ở
đây: Chính chủ nghĩa duy lý thời Phục hưng và Khai sáng đã bác bỏ không thương
tiếc quan điểm coi con người là trung tâm của Anthropocentrism, trên cơ sở phủ
định thuyết Địa tâm của Ptoleme cùng quan niệm duy lý của ông. Song cũng chính
chủ nghĩa duy lý Phục hưng và Khai sáng đã làm sống lại và tôn vinh hơn vai trò
của lý tính và lý tưởng giải phóng con người. Rõ ràng, cùng với
lý tính, tồn tại người trở nên cao hơn hẳn mọi tồn tại. Và do vậy, về
phương diện tinh thần và tâm lý, Anthropocentrism không phải là hoàn toàn phi
lý. Một lần nữa Anthropocentrism lại được sống sót bằng cách thay thế
cách hiểu bản thể luận bằng cách hiểu nhận thức luận. Với cách hiểu này, nền
văn hoá châu Âu (trong đó có những nét văn hoá Kitô giáo) chẳng những không hề
mất đi truyền thống đề cao cá nhân của mình, mà ngược lại, truyền thống này lại
được củng cố thêm.
Như vậy, kể từ thời đại Phục hưng, việc khẳng định vị thế
trung tâm của con người theo quan điểm Anthropocentrism đã thay đổi. Không phải
là trung tâm trong sự sáng tạo của tạo hoá, trong cấu trúc phức tạp của vũ trụ.
Cũng không phải là trung tâm theo nghĩa có khả năng quyết định sự tồn tại của
thế giới, mà là trung tâm theo nghĩa giá trị học. Sự tồn tại và vận động của thế
giới không mang giá trị tự thân, nó chỉ có giá trị trong tương quan với sự tồn
tại của chính con người. Con người với những hoạt động tích cực và tự do của nó
đã làm cho thế giới trở nên có ý nghĩa: biến thế giới từ chỗ tồn tại tự nó thành
một thế giới, trong chừng mực có thể, tồn tại cho con người. Hoàn toàn có
thể đồng ý với Li Desuhun rằng: "Tồn tại không tương đương với giá trị. Nếu
chú ý đến sự khác biệt cơ bản giữa hai mệnh đề tồn tại luận và giá trị luận thì
chúng ta cần có một sự phán đoán khách quan tỉnh táo về hiện tượng "con
người là trung tâm": một mặt nhận thấy nó là và chỉ là một mệnh đề giá trị,
không thể dùng nó để phủ định hoặc thay thế mệnh đề cơ bản về tồn tại phổ biến;
mặt khác thừa nhận nó là nguyên tắc giá trị của loài người, xét về tổng thể, là
tất nhiên, hợp lý, không thể có ý đồ dùng lý do nào đó để xoá bỏ nó"[132].
4.1.8. Trong lịch sử các quan niệm về Anthropocentrism,
có điều đáng chú ý là, nói tới Anthropocentrism, người ta không thể không nhắc
đến Teilhard de Chardin (1881-1955), nhà triết học, cổ sinh vật học và thần học
người Pháp, người đã từng bị Giáo hội Kitô giáo lên án và tước quyền giảng dạy
vì những quan điểm về con người và tiến hoá của ông, mặc dù quan điểm của
Chardin rất gần với quan điểm của Nhà thờ[133]. Chardin được coi là người có công mang lại cho
Anthropocentrism một diện mạo mới và do vậy, nó trở nên có sức thu hút hơn
trong xã hội hiện đại. Tác phẩm nổi tiếng của Chardin "Hiện tượng con người"
(1938-1940) ngày nay được xem là một trong những kinh điển của Anthropocentrism.
Theo Chardin, "con người là kết quả hoàn thiện nhất
của sự tiến hoá qua hàng vạn năm của thế giới hữu sinh, nhưng đến lượt mình, nó
lại được phát triển trên cơ sở tiến hoá của thế giới ngoài hữu sinh" [134]. Chardin phân biệt sự tiến hoá bao gồm ba giai đoạn kế tục
nhau về trình độ: 1/. Giai đoạn tiền sự sống (thạch quyển, lithosphere); 2/.
Giai đoạn sống (sinh quyển, biosphere) và 3/. Giai đoạn con người (trí tuệ quyển,
noosphere). Chardin thừa nhận có "quy luật phức tạp của ý thức". Bởi
vì theo ông, bản nguyên tinh thần vốn có ở cả trong con người và ngoài con người.
"Trong con người, bản nguyên tinh thần trở thành "tự ý thức"
(con người biết rằng nó biết cái gì)". Đỉnh cao của sự tiến hoá, Chardin gọi
là điểm Omega, điểm biểu tượng cho Chúa Jêsu. Tin vào sức mạnh của sự liên minh
giữa Kitô giáo và chủ nghĩa nhân đạo, Chardin đề xuất sự liên kết giữa khoa học
với thần học, coi đó là liều thuốc vạn năng giải quyết mọi vấn đề của xã hội hiện
đại [135].
Như ta đã biết, cho đến những năm 50 (thế kỷ XX), những hậu
quả tiêu cực của việc con người cải tạo thế giới đã bắt đầu trở thành
một vấn nạn. Chardin nhìn thấy nguyên nhân của điều đó ở thái độ ngạo mạn của
con người khi nó đi ngược lại với lợi ích chung của cả loài người. Tiếp thu đạo
đức học Phật giáo và những nhân tố hợp lý trong các học thuyết về tinh thần của
phương Đông (Chardin đã từng sống ở Trung Quốc tới 23 năm), ông nhấn mạnh ý
nghĩa của sự tồn tại người là ở cấp độ loài. Ông chủ trương con người vẫn chiếm
vị thế trung tâm trong sự tồn tại của thế giới, nếu hiểu con người ở cấp độ
loài. Đúng như V.I. Xamokhvalova đã nhận xét: "Đó không chỉ là
Anthropocentrism được xây dựng trên một trình độ tiếp cận mới về cách hiểu sự tồn
tại của thế giới, mà đó còn là việc xây dựng những nguyên tắc đạo đức-tinh thần
nhất định trong quan niệm đó, là sự đối thoại bên trong giữa những tư tưởng
Kitô giáo và những học thuyết tinh thần phương Đông, là sự xích lại gần tới đạo
đức học vũ trụ đã được đề xướng trong đạo Phật" [136].
Phải nói rằng, quan điểm của Chardin chứa đựng sự thoả
hiệp rất lớn về phương diện triết học. Tuy vậy, với phẩm cách cá nhân suốt đời
hoạt động nhiệt thành vì con người, Chardin đã đưa được vào quan điểm của ông
nhiều nét nhân đạo của văn hoá châu Âu và văn hoá phương Đông. Quan điểm của
Chardin đã lôi cuốn được sự thừa nhận của nhiều môn đệ. Đó chính là cơ sở cho sự
tồn tại của Anthropocentrism hiện đại mang dấu ấn của Teilhard de Chardin.
4.2. Quan điểm con người là trung tâm của UNDP
4.2.1. Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, con người lại một
lần nữa được coi là chiếm vị trí trung tâm của sự phát triển. Lần này, người ta
không nhắc tới Teilhard de Chardin, không nhắc tới Anthropocentrism, cũng không
tôn vinh một tư tưởng gia cụ thể nào đó lên tầm "cha đẻ của học thuyết".
UNDP được coi là tổ chức quốc tế có công trong việc đề cao con người, thừa nhận
con người là nguồn lực vô tận, là nhân tố quyết định, là mục tiêu của sự phát
triển. Triết lý tổng quát thường được nhắc tới là: con người giữ vị trí trung tâm
của sự phát triển kinh tế - xã hội. Những cách hiểu ít nhiều phiến diện như coităng
trưởng kinh tế đồng nghĩa với phát triển; chú trọng phát triển nhưng vô tình hoặc
cố ý bỏ quên con người; nhìn con người chỉ như là công cụ, là phương tiện của sự
phát triển, v.v... bị phê phán gay gắt.
Thật ra, vấn đề đã cộm lên ngay từ trước đó. Vào những năm
70-80, ở phương Tây, quan điểm coi con người là một động vật kinh tế của
F.W. Taylor đã tỏ ra không đem lại hiệu quả nữa. Vì với cách thức khai thác triệt
để kỹ năng của người lao động theo quan điểm này, nhiều cộng đồng đã buộc phải
trả giá vì những vấn đề xã hội phái sinh. Các quan niệm khác về con người
xã hội, về con người chính trị cũng lộ ra những khiếm khuyết khi
được ứng dụng trong đời sống. ở các nước xã hội chủ nghĩa, việc nhấn mạnh thái
quá khía cạnh xã hội, khía cạnh chính trị của con người đã vô tình hạn chế tính
tích cực của con người cá nhân, thủ tiêu động lực thực sự của hoạt động người.
Trong khi đó, một số nước không giàu có về tài nguyên lại bứt lên nhanh chóng
vì biết phát huy nguồn lực con người. Khá nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ thế giới
thành công trong hai ba thập kỷ nay đều quảng cáo cho triết lý kinh doanh của
mình là tôn trọng con người. Duke, một tổ hợp công nghiệp Mỹ cho rằng, bí quyết
thành công của họ gồm "3 điều cốt yếu: trước hết là con người, kế đó là
con người và sau hết cũng là con người" [137] .
Cũng cần nói thêm rằng, từ giữa những năm 80, trong các nước
xã hội chủ nghĩa, vấn đề con người cũng đã được nghiêm túc chú ý. Lúc đó, những
quan điểm mới về nhân tố con người đã được bàn luận sôi nổi và cũng đã có những
đề án thực tiễn rất tầm cỡ được đề xuất. Tiếc rằng lịch sử đã không cho phép những
người đề xướng thực hiện ý đồ của mình [138].
Có thể nhận xét rằng, đến cuối thế kỷ XX, việc đề cao con người,
coi con người, chứ không phải bất cứ một cái gì khác (dù đáng giá đến mấy, chẳng
hạn như, lý tính, khoa học, kinh tế, đạo đức, sự đồng thuận xã hội,v.v...) là mục
tiêu của sự phát triển tỏ ra là hợp lý hơn cả. Không phải ngẫu nhiên mà triết
lý con người là trung tâm của sự phát triển của UNDP lại làm thoả mãn
được thái độ của nhiều cộng đồng, nhiều giới chức xã hội: mọi nền văn hoá, mọi
tôn giáo, mọi chính kiến... dù khác nhau đến mấy cũng đều thừa nhận (và buộc phải
thừa nhận) giá trị con người và đều phấn đấu vì hạnh phúc của chính con người.
4.2.2. Như ta đã biết, triết lý con người là trung tâm của
UNDP có phạm trù hạt nhân của nó là phát triển con người, được đưa ra năm
1990 cùng với Báo cáo đầu tiên về phát triển con người. Từ đó đến nay, Báo cáo
phát triển con người (HDR) đã được UNDP xuất bản thường niên. Ngoài ra, bên cạnh
Báo cáo chung của UNDP, còn có hơn 100 nước, dưới sự điều phối của UNDP, đã
công bố HDR của riêng mình. Báo cáo của Việt Nam được xuất bản lần đầu năm 2001
với chủ đề "Đổi mới và sự nghiệp phát triển con người"; sự kiện này
đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận và được UNDP bình chọn tặng
thưởng vào năm 2002. Năm 2007, Báo cáo phát triển con người Việt Nam tiếp theo
(số 2) đã được công bố.
Chắc chắn là phát triển con người đã được sử dụng từ
lâu trong các ngôn ngữ khác nhau như một thuật ngữ thông dụng. Hơn nữa, ở Việt
Nam, phát triển con người cũng từ lâu đã được biết tới như là một khái
niệm rất cơ bản trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" (Xem chương 2).
Nhưng phải thừa nhận rằng, khái niệm phát triển con người (Human
Development) như hiện tại đang được sử dụng phổ biến ở các quốc gia thành viên
của tổ chức Liên hợp quốc, thì chỉ mới xuất hiện cùng với HDR 1990 với tuyên
ngôn đầy ấn tượng của nó: “Của cải đích thực của một quốc gia là con người của
quốc gia đó. Và mục đích của phát triển là để tạo ra một môi trường thuận lợi
cho phép con người được hưởng cuộc sống dài lâu, khoẻ mạnh và sáng tạo. Chân lý
giản đơn nhưng đầy sức mạnh này rất hay bị người ta quên mất trong lúc theo đuổi
của cải vật chất và tài chính”[139].
4.2.3. Trong các tài liệu của UNDP, công lao đề xướng khái niệm phát
triển con người được coi là thuộc về ông Mahbub Ul Haq, nguyên bộ trưởng
tài chính Pakistan, người thiết kế và chỉ đạo thực hiện HDR đầu tiên, năm 1990.
Theo những tài liệu có liên quan[140], nội dung chủ yếu của khái niệm này thường được nhắc đi nhắc
lại trong hai cách trình bày: 1/. Là qúa trình tăng cường các khả năng (hoặc
các cơ hội) cho sự lựa chọn của con người; 2/. Là sự mở rộng các lựa chọn cho mọi
người.
Tư tưởng về sự tăng cường và mở rộng các
lựa chọn cho mọi người được giải thích như sau:
“Phát triển con người là quá trình mở rộng các lựa chọn của
dân chúng - không chỉ là sự lựa chọn giữa các loại bột giặt, giữa các kênh truyền
hình hoặc các kiểu dáng xe hơi khác nhau, mà là những lựa chọn được tạo ra bởi
việc mở mang các năng lực và các hoạt động của con người (human cabapilities
and functionings) - những gì mà dân chúng làm và có thể làm trong cuộc sống của
họ”[141].
- Các
năng lực của con người cần được mở rộng bao gồm các năng lực sinh thể (mà
trước hết là sức khỏe) và các năng lực tinh thần (mà trước hết là tri
thức).
- Các
hoạt động của con người cần được mở rộng bao gồm các hoạt động lao động và
nghỉ ngơi. Mở rộng các hoạt động được hiểu theo nghĩa là con người có khả năng
sử dụng ngày càng tốt hơn năng lực sinh thể và năng lực tinh thần của mình
trong công việc và trong nghỉ ngơi.
Qúa trình lựa chọn này được mở rộng có nghĩa là con người được
sống trong môi trường mà ở đó khả năng sáng tạo, sống khỏe mạnh, được học hành
và trường thọ... tăng lên.
Qúa trình mở rộng các lựa chọn này còn được nói rõ bao gồm cả
sự tự do về chính trị, việc bảo đảm các quyền con người và quyền cá nhân.
Như vậy, tư tưởng về sự mở rộng các lựa chọn cho mọi người có
hạt nhân hợp lý của nó. Xin được trích E. Wayne Nafziger, một nhà kinh tế học nổi
tiếng đương đại để thấy rõ hơn tại sao việc mở rộng khả năng lựa chọn lại
chính là phát triển con người: “Cái phân biệt giữa con người và động vật là ở sự
kiểm soát lớn hơn của con người đối với môi trường của họ và quyền tự do của lựa
chọn lớn hơn của họ, chứ không phải ở chỗ họ hạnh phúc hơn. Việc kiểm soát môi
trường của một người, trên lý lẽ, là một mục tiêu quan trọng giống như hạnh phúc” [142]. Cần lưu ý thêm rằng, môi trường mà E. Wayne Nafziger nói ở
đây được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả các quan hệ xã hội và các điều kiện sống
của con người.
4.2.4. Như đã được UNDP giải thích nhiều lần, phát triển con
người không phải là phương tiện mà là mục tiêu của sự phát triển. Nhằm mục tiêu
đó, chất lượng sống của con người (quality of life, cái không hề trừu tượng
mà có thể đo đếm được) được xem như tương đương với hạnh phúc hay
cũng chính là hạnh phúc. Con người trong quan niệm này chiếm vị thế
trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cần lưu ý rằng, theo các chuyên gia UNDP, con người chiếm vị
thế trung tâm của sự phát triển ở đây được hiểu rất cụ thể. Trung tâm, nghĩa là
con người đóng vai trò quyết định ở cả “đầu vào”, ở cả “đầu ra” và trong toàn bộ quá
trình phát triển. Ở “đầu vào” nhân tố quyết định sự phát triển là vốn
con người, tiềm năng con người. Ở “đầu ra”, mục tiêu của sự phát triển là chất
lượng sống, phát triển con người, hạnh phúc con người. Trong suốt quá
trình phát triển, nhân tố quyết định là nguồn nhân lực, là nguồn lao
động, con người là động lực của sự phát triển.
Khác với nhiều quan điểm khác về sự phát triển, theo quan điểm
của UNDP, mục tiêu của sự phát triển không phải chỉ là phát triển xã hội mà
chính là phát triển con người. Người ta lo ngại rằng, với xã hội hiện đại, sự
phát triển của xã hội chưa chắc đã đồng nghĩa với sự phát triển của con người.
Bởi lẽ, trong thực tế đã từng xảy ra trường hợp xã hội thì phát triển, mà
con người lại vẫn bị lãng quên: GDP tăng nhưng thất nghiệp và đói nghèo cũng
tăng; khoa học và công nghệ tiến bộ nhưng thất học và dốt nát lại trở nên phổ
biến hơn; tiện nghi vật chất của xã hội hiện đại hơn nhưng quyền con người bị
vi phạm nhiều hơn và thêm nhiều người không được chăm sóc tối thiểu về y tế; xã
hội trở thành xã hội thông tin nhưng phần lớn cư dân lại thiếu thông tin và bị
tước mất cơ hội để phát triển...
4.2.5. Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm của sự
phát triển, thì sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của nguồn lao động, cũng
như sự phát triển các lĩnh vực khác của xã hội... dẫu có ý nghĩa đến mấy cũng
chưa phải là mục tiêu của sự phát triển. Nói cách khác, sẽ là không đầy đủ nếu
trình độ phát triển của một xã hội chỉ được đánh giá bằng thu nhập quốc dân, bằng
tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, bằng số lượng của đội ngũ lao động, hay bằng
các chỉ tiêu nào đó về mặt tiện nghi vật chất của đời sống. Phát triển xã hội
xét cho cùng là phát triển con người; ý nghĩa của sự phát triển xã hội, trên thực
tế, không nằm ở đâu khác ngoài sự phát triển của con người. Và đó chính là lý
do tồn tại của các chỉ số phát triển con người (HDI – Human Developmant Index),
công cụ có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nghiên cứu và hoạch định các chính
sách, chiến lược phát triển con người của cộng đồng thế giới trong khoảng 15
năm gần đây.
4.3. Kết luận
4.3.1. Quan điểm coi con người chiếm vị trí trung tâm của
sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đang là yêu cầu mang tính nguyên tắc đối
với các chính phủ trong việc hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế, bảo
vệ môi trường, phát triển văn hoá, phát triển xã hội và phát triển chính con
người vì mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development). Song đến lượt
mình, phát triển bền vững về thực chất lại cũng nhằm đến mục tiêu phát triển
con người bền vững (Sustainable Human Development). Bởi lẽ, chỉ đối với con người,
phát triển mới là mục đích tự thân (I. Kant). Phát triển con người là vì
chính nó chứ không phải là phương tiện cho một sự phát triển nào khác. Mọi sự
phát triển của các lĩnh vực khác, ngay cả khi đáp ứng nhu cầu của sự phát triển
bền vững, cũng đều (trực tiếp hoặc gián tiếp) nhằm tới sự phát triển trường tồn
của con người.
4.3.2. Tư tưởng đề cao con người, gắn phát triển con người với
phát triển bền vững như trên là sản phẩm của thời đại ngày nay; mặc dù về mặt
lý thuyết, con người xưa nay luôn được hầu hết các xã hội chú trọng. Vấn đề là ở
chỗ, không phải cứ chú trọng con người là có thể làm cho con người được phát
triển một cách toàn diện và bền vững. Từ nhận thức lý luận đến việc đề ra các
chính sách cụ thể, khả thi trong thực tiễn nhằm phát huy nhân tố con người, coi
con người thực sự là mục tiêu, là động lực của sự phát triển là cả một quá
trình, đòi hỏi phải có những giải pháp thông minh, trên cơ sở thấu hiểu đời sống
xã hội trong từng giai đoạn cụ thể. Chính vì thế, mới có ý kiến cho rằng, trước
đây, con người đã bị lãng quên và bây giờ, thế giới đang phải "trở lại với
con người"[143]. Con người bị chính con người lãng quên - điều tưởng chừng
vô lý ấy đã xảy ra và đây là bài học đòi hỏi các đầu óc chiến lược phải chú trọng
đến vấn đề phát triển con người bền vững.
4.3.3. Về phương diện bản thể luận, xưa nay, mọi ý định chứng
minh con người là trung tâm của trái đất, của thái dương hệ hay vũ trụ đều
không thuyết phục, mặc dù người ta đã tìm được không ít chứng cứ dường như tạo
hóa có sự “sắp đặt” nào đó để con người tồn tại và phát triển trên trái đất này [144].
4.3.4. Tuy nhiên, về phương diện nhận thức luận, giá trị luận
thì con người, có thể và cần phải được coi là trung tâm của của mọi sự phát triển,
đặc biệt sự phát triển kinh tế – xã hội. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng,
trước hết đối với sự phát triển bền vững và nhân đạo của xã hội loài người, và
tiếp đó, đối với sự phát triển bền vững của giới tự nhiên, của vũ trụ xung
quanh con người. Theo quan điểm hiện đại, việc coi con người là trung tâm của sự
phát triển kinh tế -xã hội không hề có nghĩa là con người sẽ thống trị giới tự
nhiên và vũ trụ, mà ngược lại, con người biết rằng mình chỉ là một phần nhỏ bé
của vũ trụ và của giới tự nhiên, để bảo tồn sự phát triển bền vững của giới tự
nhiên, cũng là sự phát triển bền vững của chính con người.
Tuy vậy, nếu nghiên cứu thật sâu thì đây là đề tài mà triết học
còn phải suy tư nhiều hơn nữa. ở đây có nghịch lý thú vị về vị trí của con người
trong tương quan với thế giới bên ngoài. Vì dẫu sao con người cũng không thể cố
tình vứt bỏ hay lãng quên câu hỏi (hiển nhiên, đích thực đặt ra đối với nhận thức)
là, đối với chính nó, thì vũ trụ này liệu sẽ có ý nghĩa gì? Quả thực, thế giới
này sở dĩ có ý nghĩa, chẳng qua chỉ vì có sự tồn tại của con người.
Chương 5
NHỮNG HƯỚNG CHỦ YẾU TRONG NGHIÊN CỨU CON NGƯỜI
Ngay cả khi tất cả các vấn đề khoa học đã được giải đáp thì
bí ẩn của con người vẫn chưa được đụng đến
V.E.
DAVIDOVICH
Đối tượng của nghiên cứu con người là một lĩnh vực cực rộng,
nhưng lại khá xác định.
Bởi vậy, việc lựa chọn đề tài để tiến hành những nghiên cứu về
con người lâu nay luôn là một khó khăn đối với các học viên cao học và nghiên cứu
sinh. Dựa vào kinh nghiệm của việc triển khai những nghiên cứu về con người
trong nhiều chương trình và đề tài nghiên cứu thời gian qua, đối chiếu với những
tình huống có vấn đề trong logic nội tại của hệ vấn đề con người, giáo trình
này xin đề cập đến một số hướng chủ yếu trong nghiên cứu con người – mà ở đây
là những hướng đòi hỏi phải có sự phân tích từ góc độ triết học, nhằm 1/.Gợi ý
cho những tìm tòi, xác định đề tài nghiên cứu của các học viên cao học và
nghiên cứu sinh; và 2/. Hướng sự chú ý của học viên và những người say mê với hệ
vấn đề con người quan tâm hơn nữa đến những điểm “nóng” của việc nghiên cứu về
con người. Bằng cách đó, những vấn đề mà mỗi người đang cần giải quyết có thể
được hiện ra như là những vấn đề của sự nghiên cứu con người - Con người, vấn đề
trong mọi vấn đề và của mọi vấn đề, vấn đề đầu tiên và cũng là cuối cùng cho mọi
bài toán về phát triển, vấn đề có sức lôi cuốn kỳ lạ cả về mặt lý thuyết và cả
về mặt thực tiễn.
5.1. Nghiên cứu lý luận và phương pháp luận
Nghiên cứu lý luận và phương pháp luận, xưa nay, bao giờ cũng
có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sự yếu kém trong một vài công trình nghiên cứu
lý luận và phương pháp luận nào đó có thể làm nảy sinh những hoài nghi hoặc những
định kiến đối với lĩnh vực nghiên cứu này. Song trên thực tế, ở bất cứ nghiên cứu
nào, nếu không có được cở sở phương pháp luận đủ vững, người nghiên cứu sẽ
không tránh khỏi sa vào những "giả vấn đề" hoặc "lấn sân"
lĩnh vực khác một cách không cần thiết.
Phương pháp luận với các phạm vi ứng dụng và trình độ khái
quát rộng hẹp khác nhau, xưa nay luôn được quan tâm trong hầu hết các công công
trình, thậm chí trong từng công đoạn nghiên cứu về con người. Dù ý thức hay (vô
tình/cố ý) không ý thức, không có nghiên cứu nào lại thoát ly được các định hướng,
chỉ dẫn phương pháp luận. Sự thật này đã được xác nhận trong suốt chiều dài của
lịch sử khoa học, cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Tuy thế, đối với sự tìm tòi khoa học, phương pháp luận đã có
chưa bao giờ được coi là đã tuyệt đối đầy đủ, hoàn thiện hoặc vạn năng đối với
hầu hết các quy trình nghiên cứu. Bởi thế các nghiên cứu về phương pháp luận
luôn được chú ý bổ sung, cải tạo hoặc xây dựng theo những ý tưởng mới. Các nhà
nghiên cứu đều hy vọng rằng, có thể có một phương pháp luận tốt hơn, có hiệu quả
hơn hoặc đỡ phiến diện hơn cho mọi công trình nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu
con người.
Các vấn đề lý luận và phương pháp luận đối với nghiên cứu con
người vô cùng rộng và phong phú. Có những vấn đề không mới nhưng vẫn cần phải
nghiên cứu theo cách nhìn mới của khoa học hiện đại và theo yêu cầu mới của sự
phát triển của xã hội Việt Nam. Trong khi đó những vấn đề mới lại không ngừng
xuất hiện. Có thể nói, tất cả đều có ý nghĩa cấp thiết ở mức độ nhất định đối với
việc nghiên cứu con người ở Việt Nam, một ngành nghiên cứu gọi là có truyền thống
cũng không sai, mà gọi là hoàn toàn mới mẻ cũng có cơ sở. Trong bối cảnh như vậy,
có thể nêu ra một số lĩnh vực nghiên cứu lý luận và phương pháp luận cấp thiết
nhất đối với việc nghiên cứu con người như sau:
5.1.1. Nghiên cứu lý luận và phương pháp luận tổng quát về
con người dưới lăng kính của khoa học hiện đại đáp ứng yêu cầu của sự phát triển
đất nước:
- Đối
tượng của nghiên cứu tổng thể - liên ngành về con người.
- Nguồn
gốc con người và loài người.
- Bản
chất con người và loài người.
- ý
nghĩa của đời sống con người và loài người.
- Nghiên
cứu con người trong tương quan với các nghiên cứu chuyên biệt khác.
- Đối tượng và
vai trò của từng chuyên ngành trong nghiên cứu con người (con người và văn hoá,
văn minh; con người và tôn giáo; người và máy, v.v.).
5.1.2. Nghiên cứu một số lý luận và phương pháp luận chuyên
biệt:
- Định
hướng nghiên cứu người Việt: truyền thống và hiện đại, đặc trưng, thế mạnh và
nét tiêu cực, định hướng phát huy, sử dụng và khắc phục.
- Về phương pháp nghiên cứu
con người: lý luận và thực tiễn, định tính và định lượng, các khả năng trắc
nghiệm, thực nghiệm. Về những phương thức nghiên cứu chuyên biệt, đặc thù
(trong và ngoài khoa học) nhằm nghiên cứu con người.
5.1.3. Nghiên cứu nhân học: nhân học triết học, nhân học văn hoá
- xã hội:
- Lịch
sử nhân học, lịch sử các chuyên ngành nhân học: nhân học triết học, nhân
học văn hoá - xã hội...
- Lý
luận và phương pháp nghiên cứu các chuyên ngành nhân học: nhân học triết
học, nhân học văn hoá - xã hội...
- Những
vấn đề nhân học của thực tiễn xã hội Việt Nam.
5.1.4. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là phương
pháp luận nghiên cứu con người
Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay từ trước khi được thế giới tôn vinh
là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới đã được
nhân loại tiến bộ coi là nhà hiền triết lớn của thời đại, thấu hiểu sự phát triển
đặc thù của các dân tộc. Nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội, cả ở phương
Đông lẫn phương Tây thừa nhận Hồ Chí Minh có những tư tưởng uyên thâm, sâu sắc
và độc đáo, đặc biệt là về con người và đời sống con người. Đó là một vốn quý đối
với sự nghiệp nghiên cứu con người mà chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu.
Đúng là Hồ Chí Minh rất ít bàn đến những vấn đề thuần túy bản
thể luận hay thuần túy nhận thức luận, những vấn đề thường trực trong truyền thống
lý luận phương Tây. Tư tưởng Hồ Chí Minh nặng về những triết lý chiêm
nghiệm làm người và ở đời (chữ dùng của Hồ Chí Minh; trong
Toàn tập, Người sử dụng thuật ngữ "Thành người" 64 lần, "Làm người"
32 lần, "ở đời" 3 lần, "Nên người" 6 lần). Những chiêm nghiệm
này, về thực chất là những khái quát về mặt nhân sinh quan (nhân sinh quan chứ
không phải thế giới quan), tức là những quan niệm gắn liền với cách sống, lối sống,
với hành vi và phẩm chất của hành vi, với hoạt động cách mạng giải phóng con
người, giải phóng dân tộc... Tuy nhiên, điều vừa nói không cản trở việc tiếp
thu, vận dụng và phát triển phong cách duy lýcủa các trường phái tư tưởng
phương Tây cũng như tinh hoa của tất cả các trường phái tư tưởng mà Hồ Chí Minh
đã từng lĩnh hội. Chúng ta có thể bắt gặp Hồ Chí Minh đã từng đặt các vĩ nhân
phương Đông như Phật Thích ca, Thánh Găngđi, Tôn Dật Tiên bên cạnh tên tuổi của
các nhà tư tưởng phương Tây, trong đó có C. Mác, Ph.Ăngghen và V.I. Lênin; có lần
Người còn nói rõ “tôi là học trò nhỏ của các vị ấy”.
Qua khảo sát Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập, Nxb
Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2000) về những nội dung thuộc chủ đề con người,
chúng tôi thấy tần số xuất hiện một số khái niệm, thuật ngữ có liên quan đến chủ
đề này như sau:
Số lần xuất hiện một số thật ngữ về chủ đề con người trong
các tác phẩm của Hồ Chí Minh
|
|||
Người
|
1654
|
Làm người
|
32
|
Con người
|
172
|
Nhân dân
|
1629
|
Thành người
|
64
|
Dân
|
1521
|
Ở đời
|
3
|
Người dân
|
196
|
Nên người
|
6
|
Nghiên cứu Con người dựa trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư
tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta là sơ sở phương pháp luận, định hướng
cho việc nghiên cứu con người Việt Nam. Tư tưởng nhân văn, triết lý “làm người”
và lẽ sống “ở đời” của Hồ Chí Minh là điểm hội tụ các giá trị đạo đức
truyền thống dân tộc, làm nền tảng cho việc xây dựng một định hướng giá trị đáp
ứng được yêu cầu mới của sự phát triển đất nước trên cơ sở phát huy các giá trị
đạo đức truyền thống dân tộc. Vì lẽ ấy, cần chú trọng khai thác tư tưởng Hồ Chí
Minh với tính cách là phương pháp luận nghiên cứu con người.
5.2. Nghiên cứu sự phát triển con người
Từ cuối thế kỷ XX, loài người mới thấy rõ hơn giá trị của
quan điểm đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Mục đích
chân chính của sự phát triển một lần nữa lại được khẳng định là phát triển
con người. Con người ngày càng trở thành nhân tố đóng vai trò quyết định ở
cả “đầu ra”, và “đầu vào” và trong suốt quá trình phát triển. Cùng với cộng
đồng quốc tế, kể từ cuối thập kỷ 80, trong quan niệm của Đảng Cộng sản Việt
Nam, con người được nhìn nhận như là động lực, là mục tiêu của sự phát triển
kinh tế - xã hội, mặc dù trước đó khá lâu Đảng ta đã nhiều lần xác định tầm
quan trọng của việc xây dựng con người. Những nội dung trước mắt cần nghiên cứu
về lĩnh vực này có thể xác định là:
5.2.1. Làm rõ những vấn đề lý luận và phương pháp luận về
phát triển con người. Nghiên cứu có hệ thống lý thuyết Anthropocentrism và
lý luận của UNDP về phát triển con người.
5.2.2. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm truyền
thống Việt Nam về phát triển con người.
5.2.3. Nghiên cứu sử dụng các chỉ số phát triển người của
UNDP. Theo dõi sự cải tiến, bổ sung các chỉ số cơ bản và không cơ bản của
UNDP dùng để định lượng sự phát triển con người. Nghiên cứu, đề xuất các chỉ số
phát triển người chi tiết và đặc trưng cho Việt Nam, nhằm đánh giá sát thực hơn
sự phát triển người tại Việt Nam, Nghiên cứu các Báo cáo thường niên của UNDP.
5.2.4. Phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành đo
các chỉ số phát triển con người ở các tỉnh thành; xử lý, phân tích các chỉ số
phát triển người của cả nước và các địa phương. Góp phần cùng các cơ quan có thẩm
quyền xây dựng Báo cáo quốc gia về phát triển con người Việt Nam.
5.2.5. Nghiên cứu, phân tích động thái phát triển người ở Việt
Nam, kiến nghị các giải pháp nâng cao thứ bậc HDI của Việt Nam. Đề xuất và
giải quyết các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn phát triển con người ở các địa
phương.
5.3. Nghiên cứu nguồn lực con người
Nguồn lực con người (Human resourcer), là đội ngũ những
người đang và sẽ được bổ sung vào lực lượng lao động xã hội với toàn bộ tình trạng
sinh thể, vốn văn hoá, trình độ chuyên môn... mà họ đang tích lũy được. Hiểu
như thế, nguồn lực con người là kết quả của quá trình đầu tư (theo nghĩa rộng)
của xã hội với mục đích là tạo ra động lực phát triển xã hội trong giai đoạn tiếp
theo. Bởi vậy, có thể coi mọi nghiên cứu khác về con người là cơ sở, là tiền đề
để nghiên cứu và phát triển nguồn lực con người. Ở Việt Nam, nghiên cứu và phát
triển nguồn nhân lực là lĩnh vực chưa có truyền thống. Tuy đã được một số
nghiên cứu quan tâm, song để nghiên cứu lĩnh vực này một cách có kết quả, cần
thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành theo các nội dung sau:
5.3.1. Nghiên cứu lý luận về nguồn lực con người:
- Các lý thuyết về nguồn nhân lực và phát triển
nguồn nhân lực. Nghiên cứu nguồn nhân lực vì mục tiêu phát triển con người.
- Nghiên cứu tác động của kinh tế tri thức,
khoa học và công nghệ, toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế tới yêu cầu phát triển
nguồn nhân lực.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm khu
vực Đông Nam Á trong việc nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực.
- Nghiên cứu lý thuyết và kinh nghiệm quản
lý nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của toàn cầu hoá và kinh tế tri thức. Chú trọng
nghiên cứu các loại hình nhân lực đặc thù trong thời kỳ đất nước trở thành một
nước công nghiệp.
5.3.2. Nghiên cứu thực tiễn về nguồn lực con người:
- Nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam.
Căn cứ vào thực trạng đào tạo để dự báo hướng chuyển đổi cơ cấu lao động, tình
hình nguồn nhân lực Việt Nam thời gian tới.
- Đánh giá lao động và thị trường lao động
Việt Nam: nông thôn, thành thị, khu công nghiệp... trong cả nước và theo các
vùng miền của đất nước.
- Đánh giá hiện trạng và triển vọng nguồn
nhân lực đất nước: lực lượng quản lý, đội ngũ trí thức, công nhân kỹ thuật -
nghiệp vụ, v.v. trong cả nước và theo các vùng miền của đất nước.
- Nghiên cứu định hướng nghề nghiệp
cho cá nhân người lao động và cho các tổ chức xã hội; nghiên cứu sự phù hợp và
không phù hợp giữa người lao động với công việc.
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp để khuyến
nghị tạo ra hệ thống các chính sách hợp lý hơn nhằm phát triển nguồn nhân lực,
đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hóa.
5.4. Nghiên cứu quan hệ văn hóa và con người
Văn hoá và con người có mối quan hệ đặc biệt. Nhưng quan hệ
nhân quả phức tạp và phong phú này còn nhiều khía cạnh chưa được chú ý thoả
đáng.
Suốt hai phần ba thế kỷ XX, văn hoá và con người rất ít được
xem là nhân tố trung tâm của sự phát triển. Phải đến những năm 80, khi kinh
tế học phát triển bộc lộ những hạn chế của nó, sự phát triển nhanh chóng của
các nước NIC châu Á được giải thích bằng những nguyên nhân thuộc về văn hoá và
con người, thì văn hoá mới được UNESCO chú ý và coi như một động lực của phát
triển xã hội. Năm 1987, thập kỷ quốc tế về phát triển văn hoá được phát động; từ
đó văn hoá mới được thừa nhận là “cơ sở”, là “nền tảng”, là “linh hồn của” sự
phát triển xã hội (F. Mayor, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO). Về vai trò của con
người: trước năm 1990, lý luận mácxít thường đề cao quan điểm con người là sản
phẩm của hoàn cảnh; còn lý luận phương Tây thì lại quá đề cao quan niệm Anthropocentrism.
Phải đến gần đây, khi văn hoá Arập lộ rõ những điểm không tương dung với văn
hoá phương Tây thì vài trò của văn hoá đối với con người mới được chú ý hơn.
Thực ra sự giao lưu và tiếp biến văn hoá Đông và Tây cũng từ
lâu đã được chú ý. Song thái độ thiên lệch cũng khá phổ biến. Không ít học giả
phương Tây xuất phát từ lập trường Europocentrism, coi châu Âu là “khuôn vàng,
thước ngọc” cho phần còn lại của thế giới. Một số khác thì hiểu một cách thái
quá quan điểm của Kipling "Đông là Đông và Tây là Tây", coi sự khác
biệt là ranh giới cứng nhắc, là kim chỉ nam cho mọi nghiên cứu và giao lưu văn
hoá. Gần đây, khi đề cao những quan điểm hợp lý phương Đông, nhiều học giả đã
làm sống lại quan điểm đã từng xuất hiện ở châu Âu thế kỷ XIX "Trở về với
phương Đông”. Với quan điểm này, người ta lại vô tình xoá nhoà mọi hạn chế có
thể có của văn hoá phương Đông, coi văn hoá phương Tây như chỉ gồm toàn những
thứ xấu xa, không đáng tin cậy. Cực đoan nhất có lẽ là quan điểm của Samuel P.
Hungtington "sự đụng độ của các nền văn minh”, coi văn hoá là ranh giới của
những kỳ thị, bất hoà và xung đột, là chiến tuyến của các cuộc chiến tranh
trong thế kỷ XXI [145].
Nghiên cứu mối quan hệ văn hoá và con người ở Việt Nam cần phải
tính đến những quan điểm nói trên. Trong khuôn khổ của nhiệm vụ được giao,
nghiên cứu văn hoá và con người cần đi vào những nội dung sau:
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hoá và con
người, con người và văn hoá trong các giai đoạn của quá trình phát triển xã hội.
- Đông và Tây: văn hoá và Con người: Những lý thuyết
và những cách tiếp cận tiêu biểu Đông và Tây về mối quan hệ giữa văn hoá và con
người. Sự tương đồng và khác biệt giữa phương Đông và phương Tây trong văn hoá
nhân cách: đa văn hoá, liên văn hoá, tiếp biến văn hoá.
- Văn hoá và giá trị người, giá trị xã hội...
- Nghiên cứu con người qua ngôn ngữ.
- Nghiên cứu đặc trưng xã hội - văn hoá của
người Việt Nam: truyền thống và hiện đại. Văn hoá vùng lãnh thổ: vấn đề phân
vùng văn hoá của Việt Nam.
- Mối quan hệ giữa con người và văn hoá trong giai đoạn đẩy mạnh
công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
- Ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hoá đến sự phát triển của
văn hoá Việt Nam và con người Việt Nam.
- Văn hoá và con người Việt Nam trong tương quan với
khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
5.5. Nghiên cứu quan hệ con người và môi sinh
Bảo vệ môi trường sống, khác với trước đây, hiện đang là vấn
đề cần được nghiên cứu và giải quyết từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn, đặc
biệt từ phương diện phát triển con người. Về công tác này, Nhà nước đã ban hành
“Luật bảo vệ môi trường” (1/1994); sau đó đã thông qua và ban bố các văn bản dưới
luật cùng các Chỉ thị, Nghị định... về bảo vệ môi trường, về “Kế hoạch hành động
đa dạng sinh học”, về “Công tác quản lý chất thải rắn ở đô thị và khu công nghiệp”,
v.v... Đặc biệt trong Chỉ thị 36 - VT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ chính trị “Về
tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại
hoá đất nước”, Đảng ta một lần nữa đã nêu rõ tầm quan trọng, những quan điểm chỉ
đạo, mục tiêu và các giải pháp... bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn
còn rất nhiều bất cập đòi hỏi phải được giải quyết một cách đồng bộ hơn, triệt
để hơn. Vấn đề là ở chỗ, các chính sách, giải pháp để bảo vệ môi trường ở nước
ta, trên thực tế, mới chỉ chú trọng giải quyết những nguyên nhân có tính chất
kinh tế - kỹ thuật, trong khi vẫn chưa chú ý thoả đáng (thậm chí, đôi khi lãng
quên) những nguyên nhân về phương diện con người - xã hội của
tình trạng phá hoại môi trường. Thực trạng giải quyết vấn đề môi sinh ở nước ta
trong những năm qua cho thấy, nguyên nhân đáng lưu ý nhất làm nảy sinh tình trạng
phá hoại môi trường và hệ sinh thái, thực ra chưa hẳn đã thuộc về những vấn đề
kinh tế - kỹ thuật, mà xét cho cùng là thuộc về con người, thuộc về xã hội. Hiện
tượng phá rừng ở Bình Thuận, Tây Nguyên...; tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề
Bắc Ninh, Hà Nội...; nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở cả nông thôn và thành
thị; hiện tượng khan hiếm nước sạch ở một số vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng,
v.v... đều là những hiện tượng có nguyên nhân sâu xa thuộc về phong tục, tập
quán, hoặc lối sống, đạo đức, văn hoá... tức là những nguyên nhân thuộc về con
người và cộng đồng.
Trong việc bảo vệ môi trường, mặc dù những giải pháp kinh tế
- kỹ thuật là không thể thiếu vì chúng có tác dụng trực tiếp giải quyết những vấn
đề môi sinh, song bên cạnh đó, những giải pháp xã hội - nhân văn, tác động
đến chủ thể hoạt động là xã hội và con người như tình trạng bất bình
đẳng xã hội, sự phân hoá giàu nghèo, sức ép gia tăng dân số, mức sống, lối sống,
đạo đức, ý thức (cá nhân và cộng đồng), phong tục, tập quán, tín ngưỡng, v.v...
cũng là những giải pháp rất có ý nghĩa đối với việc bảo vệ và giải quyết các vấn
đề môi sinh theo hướng phát triển bền vững.
Chúng ta có thể đưa ra được các giải pháp kinh tế - kỹ thuật
để bảo vệ môi trường, nhưng môi trường vẫn sẽ tiếp tục bị tàn phá nếu những
nguyên nhân thuộc về con người, thuộc về xã hội chưa được giải quyết. Bởi vậy,
rất cần phải chú ý nghiên cứu con người trong quan hệ với môi sinh. Trong lĩnh
vực này những vấn đề cần phải nghiên cứu là:
5.5.1. Nghiên cứu thực tiễn về quan hệ giữa con người và môi
sinh:
- Thực trạng quan hệ giữa con người và môi
sinh ở nước ta hiện nay: môi trường khí, môi trường nước, môi trường biển, môi
trường chất thải...
- Thực trạng ý thức sinh thái, đạo đức sinh thái,
văn hoá sinh thái nhân văn ở nước ta hiện nay: những vấn đề giải pháp.
- Vấn đề phát triển bền vững về con người trong
tương quan với phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về xã hội,
phát triển bền vững về môi trường, phát triển bền vững về văn hoá ở Việt Nam.
- Thẩm định quan hệ con người và môi sinh trong
các công trình kinh tế - kỹ thuật.
5.5.2. Nghiên cứu lý luận về quan hệ giữa con người và môi
sinh:
- Hạt nhân hợp lý của những tư tưởng truyền thống
phương Đông về quan hệ con người và tự nhiên; vị trí con người trong thế giới.
- Tư tưởng truyền thống Việt Nam về quan hệ con người và tự
nhiên. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ con người và tự nhiên.
- Những quan niệm hiện đại về quan hệ con người và tự nhiên; vị
trí con người trong thế giới; cách giải quyết vấn đề môi sinh của cộng đồng thế
giới kể từ câu lạc bộ Roma 1972 đến nay.
5.6. Nghiên cứu con người Việt Nam
Nghiên cứu con người Việt Nam, lâu nay luôn là vấn đề có sức
cuốn hút đặc biệt đối với các khoa học về con người. Tuy vậy, những kết quả
trong nghiên cứu chủ đề này (kể cả ở các nhà Việt Nam học nước ngoài) cũng còn
rất khiêm tốn. Có lý do để nói chúng ta thực sự hiểu biết quá ít về người Việt
Nam. Bởi vậy cần thiết phải đặc biệt chú trọng nghiên cứu chủ đề này; và nếu
chưa đủ điều kiện để sớm có kết qủa như mong muốn thì cũng phải nghiên cứu xây
dựng tri thức nền cho việc nghiên cứu tiếp theo. Tri thức nền, trước
hết đó là việc xác định phương pháp luận nghiên cứu người Việt Nam. Có
thể chỉ ra một số nội dung cơ bản và cần thiết như sau:
5.6.1. Người Việt: xác định khách thể nghiên cứu.
5.6.2. Con người Việt Nam: những vấn đề lịch sử:
- Con
người Việt Nam trong truyền thuyết, văn học dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca.
- Con
người Việt Nam trong tư tưởng truyền thống Việt Nam.
- Con
người Việt Nam thể hiện trong văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể.
- Con
người Việt Nam trong những nghiên cứu từ thời kỳ thuộc Pháp đến 1945 và từ sau
1945 đến nay.
5.6.3. Người Việt Nam dưới con mắt người nước ngoài.
5.6.4. Con người Việt Nam: những vấn đề hiện đại:
- Đặc
trưng văn hoá - xã hội của người Việt: những điểm mạnh, những điểm hạn chế trước
yêu cầu của sự phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và hội
nhập quốc tế.
- Đặc
trưng người Việt trong các vùng, miền, địa phương.
- Những
tác động của văn minh và văn hóa hiện đại đến người Việt, quy định diện mạo của
con người Việt Nam hiện nay. Cái ngoại sinh và cái nội sinh, cái cần gìn giữ, bảo
tồn và cái cần vượt bỏ vì mục tiêu phát triển con người.
5.6.5. Nghiên cứu điểm sinh thể của một số nhóm người Việt
Nam. Nghiên cứu chỉ số thông minh người Việt IQ, chỉ số tình cảm người Việt
EQ, chỉ số sáng tạo người Việt CQ.
5.6.6. Con người Việt Nam: nghiên cứu thực nghiệm tâm sinh lý
một số đối tượng điển hình.
5.7. Nghiên cứu nhân cách và giá trị
Thế giới các giá trị, về thực chất, chính là toàn bộ thế giới
bên trong và bên ngoài hiện hình trong tư duy và tình cảm của con người. Do tồn
tại với tư cách là khuôn thước của sự đánh giá, là một biểu hiện đặc trưng cho
quan hệ chủ - khách thể trong đời sống xã hội, nên giá trị luôn là người bạn đồng
hành của đời sống con người, kể cả con người sống ở những xã hội cổ xưa, thời kỳ
được gọi là mông muội, dã man. D. Diderot, đại biểu nổi tiếng của phái Bách
khoa Pháp thế kỷ XVIII đã từng cho rằng, bản thân sự tồn tại của con người đã
làm xuất hiện sự tồn tại của các giá trị, và con người chính là giá trị cao nhất
trong những giá trị có thể có. Điều đó nói lên rằng, nghiên cứu con người không
thể không nghiên cứu giá trị.
Có nhiều phương án nghiên cứu giá trị, song nghiên cứu giá trị
gắn liền với nghiên cứu nhân cách là một phương án có lợi thế; đặc biệt đối với
xã hội Việt Nam, một xã hội có bề dày văn hoá truyền thống, có hệ thống các giá
trị đang đứng trước sự biến động dự dội do tác động của kinh tế thị trường,
toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Trong quá trình này, bảng giá trị đã có chắc
chắn sẽ thay đổi, cùng với điều đó, những mô hình nhân cách mới sẽ hình thành
và tự khẳng định mình. Mục đích sâu xa của nghiên cứu giá trị và nhân cách ở Việt
Nam là làm thế nào để nắm bắt được chính xác xu thế vận động của các giá trị
trong điều kiện hiện nay, hiểu rõ khả năng bảo tồn và gìn giữ những giá trị các
giá trị truyền thống trước sự thâm nhập của các giá trị mới, đặc biệt cácgiá trị
ngoại sinh. Vấn đề là ở chỗ, các giá trị truyền thống không phải lúc nào cũng
phù hợp với tiến trình của xã hội hiện đại, thậm chí có những giá trị cần phải
nhường chỗ cho những giá trị mới. Trong khi đó, các giá trị mới, nội sinh và
ngoại sinh, cũng có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới
tiên tiến, hiện đại, hình thành nên những nhân cách mới vừa giữ trong nó những
nét đẹp truyền thống, đồng thời cũng phản ánh sinh động nhịp sống, khả năng
sáng tạo của xã hội hiện đại. Cần phải hiểu rõ và tìm cách tác động đến quá
trình đó để xây dựng mô hình nhân cách cho con người Việt Nam hiện đại
"phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất,
năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng
nghĩa tình, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và
xã hội" [146].
Những vấn đề lý luận về thực tiễn trong nghiên cứu giá trị và
nhân cách là:
5.7.1. Nghiên cứu thực tiễn về giá trị và nhân cách:
- Những
vấn đề định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, làm rõ
tác động tích cực và tiêu cực của kinh tế thị trường và mở cửa và hội nhập quốc
tế đến con người Việt Nam.
- Nghiên
cứu nhân cách truyền thống người Việt Nam. Qua thang giá trị và trắc nghiệm tâm
lý, làm rõ hiện trạng nhân cách, định hướng giá trị truyền thống của Người Việt
Nam.
- Khảo
sát bảng giá trị người Việt với các tầng lớp cư dân tiêu biểu (công dân, nông
dân, trí thức, quân đội; nhà quản lý, công chức. người lao động; người đã đi nước
ngoài, người chưa đi nước ngoài). Tìm hiểu vị trí của các giá trị trong thang
giá trị của các tầng lớp dân cư.
- Những
những nét đặc thù, phổ biến; những nét tích cực, thế mạnh và những hạn chế của
người Việt Nam... trước đòi hỏi mới của xã hội hiện đại thể hiện qua bảng giá
trị.
Đâu là những nét tích cực, thế mạnh của người Việt Nam, chẳng
hạn: Cần cù; Hiếu học, đề cao giáo dục; Tính cộng đồng, trách nhiệm cá
nhân đối với cộng đồng; Tôn trọng quan hệ gia đình, huyết tộc; Thông minh; Cần
cù; Tình nghĩa; Thích nghi, nắm bắt cái mới nhanh nhạy; Vị tha; Ghét cực đoan?
Đâu là những nét tiêu cực, những hạn chế của người Việt, chẳng
hạn: Không có những sáng tạo lớn; Thiếu tác phong công nghiệp; “Ăn cỗ
đi trước, lội nước đi sau”; Thiếu đề cao cá nhân - cá tính - sáng tạo?
Về khả năng của người Việt trước nhu cầu của sự phát triển: Khả
năng tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại? Khả năng đi vào công nghiệp hoá, hiện
đại hóa?
5.7.2. Nghiên cứu lý luận về giá trị và nhân cách:
- Tiếp
thu những nghiên cứu mới trong lý luận về giá trị, lý luận về nhân cách của các
học giả thế giới và khu vực.
- Những
vấn đề về phương pháp đo nhân cách. Những công cụ hiện đại dùng để đo nhân
cách. Vấn đề chuyển hoá, cải tiến công cụ đo nhân cách cho phù hợp với con người
Việt Nam, thực tế Việt Nam.
- Vấn
đề xây dựng mô hình nhân cách cho các tầng lớp cư dân tiêu biểu.
5.8. Nghiên cứu tiềm năng, tài năng và danh nhân
Những nội dung thuộc về tiềm năng, tài năng và danh nhân lâu
nay vẫn là những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhu cầu nhận thức của xã
hội (ở tất cả các trình độ của nhận thức) về những lĩnh vực này là rất lớn. Bởi
vậy, những vấn đề này rất cần phải được nghiên cứu.
5.8.1.Về tiềm năng.
Thật ra, khái niệm tiềm năng con người khá rộng.
Nhưng ở nước ta, trong ý thức thông thường, người ta thường hiểu tiềm năng theo
nghĩa những khả năng bí ẩn của con người. Nếu chỉ dừng lại ở nghĩa phiến diện
này, ta cũng có thể thấy đã xuất hiện khá nhiều hiện tượng rất cần phải được
đánh giá về mặt khoa học. Song giới khoa học, trên thực tế, lại rất hiếm khi
đưa ra được những kết luận đủ tin cậy, có ý nghĩa hướng dẫn dư luận xã hội. Do
vậy, vấn đề này cần phải được chú ý thoả đáng để tiến hành những nghiên cứu đáp
ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trước mắt, những hiện tượng bí ẩn thuộc về tiềm năng con người,
mỗi khi xuất hiện, cần thiết phải được nghiên cứu ở mức độ tập hợp tư liệu, mô
tả chính xác các sự kiện, hiện tượng. Việc giải thích, đánh giá, kết luận về
các hiện tượng đó nên chờ đến khi giới khoa học có điều kiện tốt hơn, với một
trình độ cao hơn để giải quyết vấn đề này. Bởi vì, trong một tương lai gần, việc
giải thích những hiện tượng này vẫn chưa thấy có những cơ sở khoa học thật thuyết
phục, nên khó tránh khỏi rơi vào võ đoán.
Về những tiềm năng thực tế của con người Việt Nam, thì trước
mắt, nên chú trọng những nghiên cứu định lượng để đánh giá về chỉ số thông
minh IQ, chỉ số tình cảm EQ, và chỉ số sáng tạo CQ. Trong việc nghiên cứu những
chỉ số này, thế giới đã có những bộ công cụ khá hữu hiệu. Bởi vậy, cần phải
nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm quốc tế để việc nghiên cứu tiềm năng người Việt
sớm có những kết quả và tránh tụt hậu xa hơn so với trình độ khoa học khu vực.
5.8.2.Về tài năng.
Ở đây là nói đến tài năng, năng khiếu của những con người cụ
thể. Trên thực tế, việc phát hiện, bồi dưỡng, và nghiên cứu tài năng thường thuộc
về các cơ quan, các tổ chức, các trường hoặc các trung tâm chuyên biệt về năng
khiếu. Trong khuôn khổ của những nghiên cứu về con người, trước hết, cần quan
tâm:
- Những vấn đề lý luận về tài năng của con người
nói chung và đặc trưng của tài năng người Việt Nam nói riêng. Khái quát, hệ thống
hoá những vấn đề tài năng trong lịch sử. Bài học kinh nghiệm.
- Theo dõi, phát hiện tài năng. Mô tả, tập hợp tư
liệu để nghiên cứu giải thích tài năng. Tổng kết thực tiễn những hiện tượng bộc
lộ tài năng. Đúc kết kinh nghiệm và đề xuất những bài học, giải pháp giúp cho
xã hội chú ý bồi dưỡng tài năng.
- Nghiên cứu những vấn đề về phương pháp đo
lường, đánh giá tài năng.
- Khuyến nghị về mặt chính sách
xã hội nhằm phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng tài năng, nhân tài một cách kịp thời
và có hiệu quả.
5.8.3. Về danh nhân.
Đây là một loại hình nghiên cứu rất có ý nghĩa mà lĩnh vực
nghiên cứu con người có thể sớm có đóng góp cho xã hội. Hơn thế nữa, đối tượng
nghiên cứu của loại hình này rất phong phú và chứa đầy chất liệu để sáng tạo. Bởi
vì, đất nước ta với lịch sử lao động, chiến đấu và sáng tạo qua hàng nghìn năm
đã làm xuất hiện nhiều danh nhân trong tất cả các mặt của hoạt động xã hội. Việc
tái hiện chân thực và sinh động chân dung của những danh nhân đó, chúng ta chưa
làm được bao nhiêu. Cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác này. Một nhà nghiên
cứu nói rằng, phải mất nhiều năm, thậm chí hàng nghìn năm để có một danh nhân
xuất hiện. Song để làm sống lại chân dung của danh nhân nào đó thì không nhất
thiết phải lâu đến như vậy. Thế mà nhiều khi ta vẫn không làm được.
Cần có kế hoạch cụ thể để viết về các danh nhân tiêu biểu của
đất nước, kể cả các danh nhân đương thời.
5.9. Nghiên cứu cộng đồng và cá nhân có số phận đặc biệt
Hiện nay, trong xã hội đang tồn tại một số cộng đồng và cá
nhân có số phận đặc biệt, cần được chú ý nghiên cứu từ góc độ khoa học xã hội
và nhân văn. Đó là những người có hoàn cảnh quá éo le, bất hạnh; những tấm gương
có nghị lực phi thường vượt lên số phận; những cộng đồng quá đặc biệt, cần được
chú ý về mặt xã hội...
Việc phát hiện và nghiên cứu những đối tượng điển hình này
mang ý nghĩa xã hội rất thiết thực, có khả năng cung cấp căn cứ cho các quyết
sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề xã hội. Đối với dư luận xã hội, việc
nghiên cứu những đối tượng có số phận đặc biệt này có tác dụng kích thích bản
tính nhân đạo của từng cá nhân, thúc đẩy các hoạt động xây dựng môi trường xã hội
lành mạnh, nhân văn. Với khoa học về con người, việc phát hiện và nghiên cứu những
đối tượng điển hình này cho phép khoa học đến gần hơn với cuộc sống, tác động
trực tiếp đến tình cảm và hành động của con người, làm cho khoa học về con người
trở nên sâu sắc hơn, đầy đủ hơn.
5.10. Kết luận
Ở đầu chương này, giáo trình có trích lời Giáo sư V.E.
Davidovich trong cuốn “Dưới lăng kính triết học” làm tựa cho toàn chương “Ngay
cả khi tất cả các vấn đề khoa học đã được giải đáp thì bí ẩn của con người vẫn
chưa được đụng đến”. Tư tưởng này dường như trái ngược với nội dung được trình
bày trong toàn chương - những hướng chủ yếu trong nghiên cứu con người, nhất là
con người Việt Nam.
Thực ra, tư tưởng được nêu trong câu trích chính là điều căn
bản nhất đặt ra cho nghiên cứu con người. Vấn đề là ở chỗ, với tính cách là thực
thể sinh học - xã hội, con người là một đối tượng mà khoa học, nếu chỉ biết
khám phá đối tượng một cách máy móc, nếu chỉ tự giam mình trong logic nội tại của
khoa học, thì rất khó làm cho bản chất người được bộc lộ. Chất
người, tính người... trong hầu hết các trường hợp, đều đòi hỏi khoa học phải
vượt qua ranh giới của chính mình mới mong tìm kiếm, phản ánh được.
Và, chính điều này càng làm cho việc nghiên cứu con người trở
nên thú vị, cuốn hút và có ý nghĩa hơn.
Chương 6
NGHIÊN CỨU PHỨC HỢP VỀ CON NGƯỜI
"Hình tượng con người bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được
tập hợp, sắp xếp lại"
MAX SCHELER
6.1. Diogene chế nhạo Platon và đốt đuốc giữa ban ngày đi tìm
con người
6.1.1. Tiếp cận phức hợp về con người không phải là phương thức
nghiên cứu hoàn toàn mới. Người ta biết tới lối nhận thức này ngay từ thời cổ đại.
Vào thời đó, Diogene, Socrate, và đặc biệt là Democrite đã nhìn con người như một
thực thể toàn vẹn và chủ trương khám phá con người trong tính không chia cắt được
của nó. Nguyên nhân? Có lẽ đúng như nhiều tài liệu vẫn thường giải thích: dù
cho giải phẫu học về cơ thể người ở Hypocrate và các học trò của ông
đã đạt tới trình độ khá sâu, dù cho logic học ở Aristote đã phản ánh
rất chính xác mặt hình thức của tư duy người, song tất cả những thành tựu tương
tự mà nền triết học cổ đại đạt tới vẫn chưa đủ để phân ngành thành các khoa học
độc lập, trong đó có khoa học về con người. Lúc đó, nền triết học cổ đại buộc
phải chứa đựng trong nó tất cả kiến thức bách khoa về vũ trụ và cơ thể sinh học
người, về luân lý học và thế giới tinh thần của con người, về toán học và những
bí ẩn tâm linh của con người… Con người, cho đến trước khi thuyết nhật tâm của
Copernic xuất hiện, được mặc nhiên xem là trung tâm của vũ trụ, cả về phương diện
bản thể luận (xem chương 4). Hình tượng Diogene chế nhạo Platon và đốt đuốc giữa
ban ngày đi tìm con người phản ánh rất rõ thái độ không thoả mãn với những kiến
thức riêng lẻ về con người: Khi Platon đưa ra định nghĩa "con người là động
vật biết đứng bằng hai chân và không có lông", Diogiene đã vặt trụi lông một
con gà và chế nhạo: "Hỡi nhà thông thái Platon, con người của ông
đây"[147].
Kể từ ngày đó, cuộc thảo luận con người là gì ? dai
dẳng kéo dài tới tận hôm nay. Và, đi liền với cuộc thảo luận đó là một sự lựa
chọn cũng hết sức khó khăn - phải dùng phương thức nào để khám phá con người, đối
tượng nhận thức phức tạp nhất trong số các đối tượng mà con người cần phải nhận
thức ?
6.1.2. Cần thiết phải lưu ý là, hiện có không ít tác giả ngỡ
rằng tiếp cận phức hợp về con người chỉ là sản phẩm của khoa học hiện đại, khi
các khoa học chuyên ngành về con người đã đạt tới trình độ rất cao. Sự thực
không hẳn thế. Lịch sử nhận thức cho thấy rằng, nhận thức ban đầu về con người
là nhận thức tổng thể. Đâu phải võ đoán mà C. Mác nhận định rằng, trong triết học
Hy Lạp cổ đại chứa đựng mầm mống của tất cả các thế giới quan về sau.
Nhưng suốt từ thời cổ đại cho tới tận giữa thế kỷ XX, khoa học
chưa khi nào thỏa mãn với những hiểu biết tổng thể đã có về con người, nên đã
đi theo hướng nghiêng hẳn về phía phân ngành ngày càng sâu để khám phá con người.
6.2. Hình tượng con người bị nát vụn thành những mẩu nhỏ
6.2.1. Tình trạng nhận thức nghiêng về phía phân ngành có lý
do của nó. Khoa học, theo V.A. Lektorski, là sản phẩm của một trạng thái văn
hoá - lịch sử xác định. Vào thời cổ đại, lý thuyết được hiểu như là những tiên
đề, được cho ngay từ đầu, có thể không chứng minh được nhưng có thể trực giác
được, nắm bắt được một cách trực quan. Con người, bởi vậy cũng được nhận biết một
cách cảm tính là đối tượng không thể cô lập hoặc chia cắt đế nghiên cứu. Với
khoa học tự nhiên thực nghiệm thời cận đại, nơi thực sự bắt đầu của quá trình
phân ngành các khoa học, thực nghiệm được coi là phương thức can thiệp có hiệu
quả vào các quá trình tự nhiên nhằm hiểu rõ hơn cơ chế bên trong của các quá
trình đó. Khoa học cận đại có khuynh hướng cho rằng, về nguyên tắc, con người
có thể dự báo chính xác các quá trình khách quan, có thể kiểm soát và điều khiển
chúng, và do đó trở thành kẻ thống trị giới tự nhiên[148]. Với cách hiểu như thế, việc khoa học đi sâu khám phá ngày
càng chi tiết "cỗ máy tự nhiên", mô hình hoá cơ chế vận hành của cỗ
máy đó… đã trở thành khuynh hướng tin cậy trong sự tiến triển của khoa học. Đến
khoa học hiện đại, xu hướng phân ngành có gắn kết hơn với xu hướng hợp ngành.
Tuy thế, khi dựa vào những thành tựu của toán học hiện đại, công nghệ thông tin
và những công cụ nghiên cứu siêu việt khác… phân ngành vẫn chiếm ưu thế và ngày
càng trở nên tinh vi hơn, đồng thời cũng hữu hiệu hơn. Trên thực tế, quá trình
phân ngành đã phát hiện ra nhiều chuyên ngành thực sự khách quan, cho phép khoa
học thu nhận được những kết quả hết sức vĩ đại, mà thành công trong việc giải
mã bộ gen người cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là một trong những kết quả như vậy
- với bản đồ gen, con người “đã học được thứ ngôn ngữ mà Thượng đế đã tạo ra cuộc
sống” (lời Francis Collins, giám đốc Human Genome Project[149]).
6.2.2. Đi liền với quá trình phân ngành là việc ứng dụng toán
học hiện đại, các phương pháp nghiên cứu định lượng, các thiết bị hỗ trợ nghiên
cứu, đặc biệt là những thành tựu của công nghệ thông tin... Từ nửa sau thế kỷ
XX, trong hầu hết các khoa học xã hội và nhân văn đều có hiện tượng "vay
mượn" phương pháp từ các khoa học khác bên cạnh việc sử dụng những phương
pháp liên ngành, đa ngành. Điều đó góp phần làm cho khoa học xã hội và nhân văn
có vị trí khắc hẳn trong đời sống xã hội. Khái niệm các khoa học xã hội và nhân
văn cũng đã được giới hạn hơn và chặt chẽ hơn (ngày nay, không ai coi giải phẫu
học, sinh lý người, y học... là thuộc hệ thống các khoa học xã hội và nhân văn,
mặc dù đó chính là các khoa học về con người). Một loạt khoa học mới về xã hội
đã lần lượt xuất hiện. Chẳng hạn, kinh tế học phát triển, khoa học đạo đức
môi sinh (environmental ethics), khoa học sự sống (life sciences), lý thuyết
sáng tạo (creativity),v.v... Cũng có những chuyên ngành đã có mầm mống từ trước,
nhưng thực ra chỉ trưởng thành và định hình trong những thập niên gần đây như
văn hoá học, tuơng lai học, các chuyên ngành nhân học (anthropology), quản lý
xã hội, hoạch định xã hội (social planning), một số chuyên ngành tâm lý học,
giáo dục học, nghệ thuật học, v.v...
6.2.3. Vấn đề là ở chỗ, do cần thiết phải đi theo xu hướng
phân ngành, các khoa học hiện đại đã được chuyên biệt hoá ở mức quá sâu, thậm
chí, có những chuyên ngành đến nay chỉ có một vài người thực sự hiểu được bản
chất của nó. Ngày nay, không hiếm trường hợp có những chuyên gia nổi tiếng mà
cũng không nắm chắc trong khoa học mà mình nghiên cứu có những chuyên ngành
nào. S. Hawking, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh nhận xét: “Thời
Newton, một người có giáo dục rất có thể nắm bắt được toàn bộ kiến thức của
nhân loại, ít nhất là trong những nét cơ bản. Song sau đó nhịp độ phát triển của
khoa học làm cho khả năng trên không còn nữa... Ngày nay, bạn phải là một
chuyên gia, và dẫu là một chuyên gia bạn cũng chỉ hy vọng nắm bắt được một phần
các lý thuyết khoa học”[150]. Điều đó về đại thể cũng là xu hướng tích cực, song khi các
khoa học đã phân ngành quá sâu, đến mức “quá kỹ thuật và quá toán học” (chữ
dùng của S. Hawking), thì mặt trái của nó đối với tư duy khoa học cũng rất đáng
ngại, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu con người.
6.2.4. Trong nghiên cứu con người, khi cô lập những mặt,
những khía cạnh nào đấy ở con người thành những đối tượng nghiên cứu
chuyên biệt, thì con người hiện thực với tất cả tính đa dạng và phong phú trần
thế của nó vô tình đã bị tước đi tính thống nhất, toàn vẹn vốn có. Việc đề cao
các khoa học đi vào chuyên biệt, theo E. Morin, “một trong những gương mặt hàng
đầu của tư tưởng châu Âu"[151], sẽ không tránh khỏi làm cho "bản sắc con người, tức là
tính thống nhất, đa dạng phức hợp của loài người ... bị chuyên môn hoá và bị
phân cách thành từng ngăn riêng khi triển khai hoạt động"[152] (E. Morin không phải là đơn độc với những than phiền
như vậy). Trong cuốn sách Trái đất - tổ quốc chung: Tuyên ngôn cho thiên
niên kỷ mới, xuất bản 1993, E. Morin viết: "Các đặc trưng sinh học của
loài người bị cắt rời từng mảng cho các khoa sinh học và y học. Các đặc trưng
tâm lý, văn hoá và xã hội bị phân chia thành nhiều mảng bố trí trong nhiều bộ
môn riêng biệt của của khoa học nhân văn và xã hội, đến nỗi xã hội hoá mất hết
khả năng nhìn vào xã hội, sử học tự thu mình lại trong bản thân, và kinh tế học
thì cố khai thác từ Homo sapien demens (người khôn/điên rồ) cái phần
cặn bã đã vắt kiệt máu của con "người kinh tế" (homo economicus). Tồi
tệ hơn thế, ý tưởng về loài người, tình người đã bị đập nát vụn thành những mẩu
nhỏ... triết học thì khoá kín trong các trừu tượng hóa của mình, chỉ còn đủ sức
để liên kết nhân loại qua những thể nghiệm thực tiễn và những căng thẳng hiện
sinh của những học giả tầm cỡ như Pascal, Kierkegaard và Heideger, nhưng chưa một
lần thành công trong việc nối liền thể nghiệm chủ quan với tri thức nhân học"[153].
Có cơ sở để nói rằng, chính những thành tựu mới của khoa học
hiện đại, đặc biệt những thành tựu của các khoa học chuyên sâu, nhất là trong
trường hợp các khoa học chuyên sâu không cùng đạt tới trình độ ngang nhau, đã
làm hình ảnh về con người trong nhận thức bị “nát vụn thành những mẩu nhỏ”. Nếu
các khoa học về con người tiếp tục đi sâu nghiên cứu theo hướng ngày càng
chuyên biệt hơn, và điều này cho đến nay là vẫn chưa thể khác, thì để tránh
tình trạng nhận thức về con người ngày càng bị chia cắt một cách quá biệt lập,
trong khoa học đã nảy sinh nhu cầu cần phải có một cái nhìn toàn vẹn hơn về con
người.
6.3. M. Scheler và tư tưởng về sự nối kết các tri thức về con
người
6.3.1. Cái nhìn toàn vẹn về con người trong khoa học thế kỷ
XX chính là một trình độ mới của xu hướng nghiên cứu toàn diện về con người;
không phải toàn diện theo nghĩa mà Democrite và một số nhà thông thái cổ đại đã
đòi hỏi (toàn diện theo những thuộc tính chung, trừu tượng, gạt bỏ nhưng biểu
hiện đặc thù[154]), mà là toàn diện ở trình độ cao hơn: hợp ngành
(integration) các khoa học và các phương thức nhận thức, trong đó có các phương
thức nhận thức ngoài khoa học về con người.
6.3.2. Điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là, quan niệm về tình
trạng nát vụn của các tri thức về con người và cần phải sắp xếp lại những tri
thức ấy trong một khoa học thống nhất, đã có từ trước E. Morin. Chúng tôi không
rõ có phải vì E. Morin bàn đến vấn đề một cách chi tiết hơn hay sâu sắc hơn mà
người ta thường nhắc tới ông. Còn trên thực tế, M. Scheler, nhà triết học người
Đức, người khởi xướng ngành nhân học (anthropology) hiện đại, trong tác phẩm nổi
tiếngĐịa vị của con người trong vũ trụ (1928) đã trăn trở rất sâu sắc và
có những phát biểu rất ý nghĩa về điều này.
Kế thừa và phát triển những quan điểm về triết học cuộc
sống của A. Schopenhauer, H. Bergson và F. W. Nietzsche, và những quan điểm
về tâm - sinh lý họccủa Teilhard de Chardin và S. Freud, M. Scheler đã xem
xét con người và xã hội loài người xuất phát từ ba bản năng sống đầu tiên - bản
năng ăn uống, bản năng tình dục và bản năng quyền lực. Theo M. Scheler, những bản
năng sống cơ bản đó đã quy định sâu xa sự vận động của đời sống con người dưới
các hình thức xã hội phức tạp như nền kinh tế, thể chế hôn nhân, thiết chế nhà
nước… M. Scheler chủ trương nghiên cứu con người phải chỉ ra được những bản
năng sống và những khát vọng sống của con người đã được kết tụ như thế nào
trong các hiện tượng, các thể chế xã hội phức tạp đó. Là người theo lập trường
nhị nguyên, M. Scheler coi đời sống con người cũng là biểu hiện của bản nguyên
tinh thần, cái có ý nghĩa nguyên tắc tối cao quy định bản chất con người. Toàn
bộ thế giới đa dạng của cảm xúc con người như tình yêu, sự sám hối, mối thiện
tâm, nỗi thất vọng, ý chí tự do... đều là biểu hiện phong phú của bản nguyên
tinh thần. Với M. Scheler, tinh thần luôn là cái đối lập với bản năng sống và
khát vọng sống. Con người càng lớn mạnh về tinh thần bao nhiêu thì càng yếu đuối
về bản năng sống bấy nhiêu. Con người trong quan niệm của M. Scheler là một
thực thể phức tạp. Cái thần thánh và cái bản năng ẩn giấu trong chính con người.
Nhận thức được con người là điều không đơn giản và không thể chỉ bằng một
phương thức duy nhất nào đó. Theo M. Scheler, “Nhân học triết học cần phải nối
kết lại những thành tựu của các khoa học cụ thể, của triết học và của tôn giáo
về con người. Hình tượng con người đã bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải
được tập hợp sắp xếp lại”[155]. Như vậy, ở M. Scheler tư tưởng về sự cần thiết phải thống
nhất các phuơng thức nhận thức để khám phá con người là rất rõ. Khoa học đảm
đương nhiệm vụ này, theo ông, là nhân học mà trước hết là nhân học triết học
(philosophical anthropology).
6.3.3. Nhưng nếu nói cho thật công bằng, thì không phải M.
Scheler, mà chính I. Kant, người sáng lập nền triết học cổ điển Đức mới là người
đầu tiên tỏ rõ thái độ không thoả mãn với cách thức nghiên cứu truyền thống về
con người và đặt vấn đề cần phải có phương thức mới, phương thức đặc biệt để
nghiên cứu con người. Theo P.S. Gurevich, “nhà nghiên cứu sâu sắc hơn cả trong
tư tưởng Nga hiện đại về vấn đề con người” [156], thì "I. Kant là người đầu tiên của nền triết học
châu Âu khẳng định rằng, con người là một thực thể độc nhất vô nhị (уникальное
сушество) có khả năng suy tư một cách riêng biệt và độc đáo. Con người - là
khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện triết học (предельно
захватывающий и загадочный объект философского умозрения). Để khám phá bí ẩn của
con người, cần phải có những công cụ không tầm thường và độc lập. Trong ý
nghĩa đó, nhân học triết học đối lập với khu vực tri thức triết học truyền
thống - bản thể luận (học thuyết về tồn tại), logic học, lý luận nhận thức, lịch
sử triết học, đạo đức học, thầm mỹ học, triết học tự nhiên, triết học xã hội,
triết học lịch sử” [157].
Như vậy, xu hướng nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người
được nảy sinh từ thực tiễn và sâu xa hơn, từ bản thân đối tượng nghiên cứu.
Tính độc đáo, tính bí ẩn và tính phong phú của con người,
một thực thể vừa tự nhiên, vừa xã hội, vừa tinh thần là điều kiện lý
tưởng cho các nhà khoa học triển khai tư tưởng của mình về cách tiếp cận phức hợp
- liên ngành. Vậy các nhà khoa học đã quan niệm thế nào về cách tiếp cận phức hợp
- liên ngành trong nghiên cứu con người.
6.4. Tư duy phức hợp về con người
6.4.1. Gắn liền với nghiên cứu hợp ngành là phương pháp
nghiên cứu phức hợp và người ta còn nói đến một trình độ tư duy phức hợp về con
người. Theo E. Morin, từ những năm 70 (thế kỷ XX), khoa học đã chuyển sang nỗ lực
tìm kiếm một xu hướng mới nhằm hiểu được homo sapiens demens với bộ óc gồm
"hàng trăm tỷ tế bào thần kinh và nhiều triệu triệu liên kết giữa các tiếp
điểm tế bào thần kinh (synaptic connection)". Trong số các xu hướng tìm kiếm
này, E. Morin nhắc tới các lý thuyết về tự tổ chức của Foerster &
Zopf, 1962; các lý thuyết về tính phức hợp của Bronowski, 1969; Von
Newmann, 1966; và các lý thuyết về phép biện chứng phổ quát liên quan đến
entropi và tính tổ chức (nên chú ý rằng, E. Morin đánh giá cao một số nhà khoa
học Xô viết thời Liên Xô).
Rõ ràng, gương mặt điển hình cần phải kể đến trong số những
người thiết tha với cách tiếp cận phức hợp - liên ngành nói chung và với tư duy
phức hợp về con người nói riêng, theo chúng tôi, phải là E. Morin, Chủ tịch Hiệp
hội tư duy phức hợp (Association for Complex Thought), người đã viết một
công trình đồ sộ gồm 4 tập về phương pháp (La méthode. Paris, 1981, 1985, 1991,
1992) trong đó có bàn đến tư duy phức hợp và một chuyên luận riêng về tư duy phức
hợp (Introduction à la penssée complexe. Paris, 1990). E. Morin cho rằng,
cần phải "tái cấu trúc" lại các khoa học nhằm "xây dựng nhân học
với tính cách là khoa học đa chiều (liên kết trong nội bộ bản thân những chiều
cạnh sinh học, xã hội hoá, kinh tế sử học và tâm lý) tìm kiếm cách thức phơi
bày tính thống nhất và đa dạng phức hợp của loài người... Việc tái cấu tạo đó sẽ
phải tiến hành trong sự quá độ đi từ tư duy đơn giản, què quặt, biệt lập, liệt
kê và trừu tượng để vươn tới các nguyên lý của tư duy phức hợp"
(pensée complexe - người trích nhấn mạnh). Nội dung của tư duy phức hợp về con
người được E. Morin hình dung là: “Con người phải dành vị trí cho thần thoại, cảm
thức, tình thương, nỗi niềm nhớ tiếc và cần xem xét những nội dung ấy bằng lý
tính. Lý tính đích thực cần biết rõ những giới hạn của logic, của tất định
luận và cơ giới luận; nó cũng phải thấu hiểu rằng tâm trí người ta chẳng phải
là hiểu biết đủ mọi chuyện và cũng công nhận điều bí hiểm của thực tại”[158].
6.4.2. Với các học giả Nga đương đại, nghiên cứu phức hợp -
liên ngành về con người không có nghĩa là đồng thời nghiên cứu tất cả các mặt về
con người. Hầu hết đều hiểu một tham vọng như thế sẽ không tránh khỏi rơi vào
không tưởng. Trong nghiên cứu phức hợp - liên ngành, điều khác biệt trước tiên
là nhiệm vụ nghiên cứu sẽ rộng hơn so với mỗi chuyên ngành và có sự tác động của
các phương pháp vay mượn từ các ngành khác, làm đối tượng lộ ra những thuộc
tính mà trong khuôn khổ nghiên cứu chuyên ngành không thể có được. Nghiên cứu
phức hợp - liên ngành không phải là các ngành được đặt bên cạnh nhau, mà là các
ngành tích hợp với nhau, làm con người thể hiện ra như là nó trong thực tế [159]…
Cần lưu ý rằng, kế thừa và tham khảo M. Scheler, nhưng tương
đối độc lập với E. Morin, ở Nga đã có một dòng tư tưởng tương tự như E. Morin,
nhưng còn quyết liệt hơn trong việc đi theo hướng tiếp cận phức hợp - liên
ngành để nghiên cứu con người và xây dựng một khoa học thống nhất về con người[160]. Người nhiệt thành với cách tiếp cận phức hợp - liên ngành
trong nghiên cứu con người và có công đầu trong việc xây dựng các tổ chức
nghiên cứu con người ở Nga là I.T. Frolov (1929-1999), Viện sỹ VHLKH Nga,
nguyên Chủ tịch Hội triết học Nga và Viện trưởng đầu tiên của Viện Con người, Nga.
Ông chính là người triệt để nhất và quyết liệt nhất với chủ trương xây dựng một
khoa học thống nhất về con người.
6.4.3. Theo I.T. Frolov, những ý tưởng về sự cần thiết phải
thống nhất khoa học, nghệ thuật với các tri thức ngoài khoa học để khám phá con
người đã được hai nhà văn vĩ đại L.N. Tolstoi, A.M. Gorki và Viện sỹ N.
Bekhterev đề xuất từ rất sớm. I.T. Frolov cho biết, “Tolstoi là người đã từng
phát biểu gay gắt về một khoa học mang tính khoa học. Ông nguyện hiến mình
phụng sự khoa học đó - khoa học về sự chung sống của con người với con người” [161]. Vào đầu những năm 30 (thế kỷ XX), tại ngôi nhà của mình ở
Ribusinski, A.M. Gorki đã cùng với một nhóm các nhà sinh học, bác sỹ và một số
nhà hoạt động xã hội theo những nghề nghiệp rất khác nhau, trực tiếp phác thảo
xây dựng một thiết chế hoạt động khoa học phức hợp để nhận thức con người. Lúc
đầu, thiết chế này được gọi là “liên hợp khoa học, nghệ thuật và lao động”. Sau
đó A.M. Gorki gọi là Viện con người. Cương lĩnh của A.M. Gorki về Viện
con người được soạn thảo khá chi tiết gồm 6 phần, trong đó phần thứ 5 là xây dựng
“một khoa học phức hợp thống nhất về con người” với những nội dung mà bây giờ
xem lại có lẽ vẫn chưa lạc hậu - khoa học ấy được A. M. Gorki gọi bằng một thuật
ngữ ghép “tri thức về con người” (Человекознание)[162].
Được khích lệ to lớn bởi tư tưởng của L.N. Tolstoi và A.M.
Gorki, cùng với điều đó là việc nhận ra tính hợp lý của cách tiếp cận phức hợp
được tiến hành trong những nghiên cứu Ưu sinh học [163] ở Nga những năm 30, I.T. Frolov chủ trương phải nghiên
cứu "con người trong tính toàn vẹn của nó". Ông cho rằng, các kiến thức
sinh học, y học, não học, triết học, xã hội học, đạo dức học.. và cả lối phản
ánh con người một cách đặc thù của nghệ thuật, của tôn giáo và của ý thức thường
ngày... cũng phải được sử dụng để khám phá con người. Sự liên kết giữa các khoa
học với các phương thức đặc thù trong nhận thức con người sẽ cho phép giải mã
những chỗ giáp ranh bí ẩn về con người. I.T. Frolov viết: "Chúng
ta có thể nói như sách mọi chuyện về con người - chẳng hạn như tim, gan, và các
cơ quan khác của nó hoạt động như thế nào; nhưng các cơ quan đó liên kết với
nhau như thế nào và chúng hợp nhất với các phẩm chất người ra sao để tạo thành
những nhân cách thì chúng ta hầu như không biết. Chúng ta có thể công nhận những
nhân tố nào đấy đóng vai trò là quan trọng và đôi khi là quyết định. Song điều
đó tuyệt nhiên không đủ. Chính ở chỗ giáp ranh giữa các vấn đề y, sinh, tâm lý,
đạo đức, xã hội... đã xuất hiện những điều chủ yếu, cái chưa được nghiên cứu
trong khoa học của chúng ta. Điều đó bắt buộc khoa học của chúng ta phải đặt ra
những nhiệm vụ hoàn toàn mới. Chúng ta có thể nghiên cứu, chẳng hạn, những dạng
khác nhau của hiện tượng chảy máu; nhưng liệu nhà sinh lý học, nhà tâm lý học,
hay nhà y học có thể nói gì về việc có kẻ giết người chỉ bằng lời nói" [164].
Xin nói thêm rằng, dưới sự chỉ đạo của Viện sỹ I.T. Frolov,
nghiên cứu phức hợp về con người ở Nga không chỉ được tiến hành trong các công
trình khoa học, mà còn được đảm bảo bằng việc thành lập một thiết chế xã hội cụ
thể. Viện Con người thuộc VHLKH Nga chính thức được khai sinh năm
1992. Nhưng trước đó, năm 1990, tổ chức tiền thân của nó là Trung tâm khoa
học về con người cùng tờ tạp chí Con người đã ra mắt tại Nga.
Theo ý đồ đã được phê duyệt,Trung tâm khoa học về con người là một tổ chức
khoa học rất lớn, có lẽ là một kiểu tổ chức độc nhất vô nhị trên thế giới. Trụ
sở của nó cũng đã được khởi công xây dựng tại một địa điểm đẹp và sang trọng ở
Mátxcơva. Tiếc rằng, các sự kiện năm 1991 tại Nga đã làm tan vỡ ý đồ này. Cho đến
năm 2006, Viện Con ngườiở Nga cũng là một tổ chức nghiên cứu khoa học
tương đương như các viện khác tại Viện Hàn lâm, song chỉ bằng một phần nhỏ của
đồ án Trung tâm khoa học về con người. Từ năm 2006, với lý do thiếu kinh
phí, Viện Con người đã hoạt động với tư cách là một tổ chức nhỏ hơn (Labo) thuộc
Viện Triết học.
Có thể thấy rất rõ ý tưởng của I.T. Frolov là sự tiếp tục
quan niệm của Mác năm 1844 về sự thống nhất giữa khoa học tự nhiên với các khoa
học về con người. Và dường như, I.T. Frolov có phần nghiêng về phía lập trường
của anthropocentrism.
6.4.4. Như vậy, trải qua hơn nửa thế kỷ nếu tính từ M.
Scheler, hoặc trải qua hơn 30 năm nếu tính từ E. Morin và I.T. Frolov, nhu
cầu nghiên cứu phức hợp về con người và sự triển khai cách tiếp cận phức hợp -
liên ngành trong nghiên cứu con người đã tỏ rõ là một đòi hỏi khách quan của sự
tiến triển khoa học. Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện nay, bên cạnh các
chuyên gia nhẫn nại triển khai phương thức nghiên cứu này trong các công trình
cụ thể của mình, đã có một số trung tâm khoa học trực tiếp điều phối và khuyến
khích người nghiên cứu đi vào theo cách tiếp cận này, chẳng hạn, Institute
for Humane Studies, Hoa Kỳ;Maison des sciences de l' Home, Pháp; Институт
Человека, Nga[165].
Tuy nhiên, những kết quả cụ thể của khoa học sau một số năm
triển khai nghiên cứu theo xu hướng này, có thể nói, vẫn còn rất khiêm tốn. Cho
đến nay, theo đánh giá của giới khoa học Nga, cách tiếp cận phức hợp - liên
ngành cũng vẫn chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của ý đồ có tính chất lý thuyết. Sự
bổ sung của các phương thức nghiên cứu ngoài khoa học lấy từ nghệ thuật, tôn
giáo, trực giác và các thủ pháp tâm linh… tuy rất phong phú song vẫn chưa thực
sự gắn kết hữu cơ với các phương pháp khoa học để nghiên cứu con người. Trong
thực tế tiến hành những nghiên cứu phức hợp cụ thể về con người, các tác giả
Nga vẫn khá lúng túng và vẫn một lần nữa sa vào những hạn chế, thậm chí cả những
hạn chế đã được lường trước. Về tình trạng này, B.G. Yudin, Nguyên Viện trưởng
Viện Con người, VHLKH Nga nhận xét: “Mặc dù đến nay, đã có những kinh nghiệm
hay được đưa ra làm công cụ cơ bản để xác định lĩnh vực đối tượng cho thỏa
đáng, song khái niệm con người với tính cách là “thực thể sinh học-xã hội”, là
“tiểu vũ trụ”, thậm chí, là thực thể “vũ trụ-tâm-sinh lí-xã hội” (космобио-психосоциальное
существо) - tất cả, hoặc là, vẫn mới chỉ dừng lại ở trình độ những kiến giải cực
kỳ chung chung, hoặc là, một lần nữa, lại được nghiên cứu theo những hướng quá
chuyên biệt” [166].
Có lý do để nói rằng, một trình độ sâu sắc hơn và thiết thực
hơn trong việc sử dụng cách tiếp cận phức hợp - liên ngành để nghiên cứu con
người, vẫn còn phải chờ ở những bước đi tiếp theo của khoa học.
Điều vừa nói ở trên dường như trái với tư tưởng chung của
toàn chương này - chúng tôi đã nêu ra những kết quả còn hạn chế làm hoài nghi sức
mạnh của phương thức nghiên cứu phức hợp - liên ngành về con người. Vâng, đó là
ý đồ của giáo trình nhằm tránh cái nhìn một chiều về phương pháp tư duy hiện đại
mà bất cứ ai có ý định nghiên cứu con người cũng đều phải học để sử dụng. Có lý
do để đề cao E. Morin, trân trọng những đóng góp đáng kể của ông trong suốt mấy
chục năm trăn trở với tư duy phức hợp về con người. Song cũng có lý do để không
thỏa đáng khi E. Morin nhận định về Pascal, Kierkegaard và Heideger rằng,
"Pascal, Kierkegaard và Heideger chưa một lần thành công trong việc nối liền
thể nghiệm chủ quan với tri thức nhân học". Bởi lẽ, có thể so sánh trường
hợp của Pascal, Kierkegaard và Heideger về cái gọi là "căng thẳng hiện
sinh" với trường hợp của E. Morin về "phương thức tư duy phức hợp -
liên ngành" đẻ vấn đề lộ ra rõ hơn. Nếu coi là thành công thì hai trường hợp
này thành công tương tự như nhau (dĩ nhiên, tầm cỡ của Pascal, Kierkegaard và
Heideger cao hơn E. Morin rất nhiều). Còn nếu coi là thất bại hay thì hai trường
hợp này cũng thất bại tương tự như nhau. Vấn đề là ở chỗ, sức lay động của những
chiêm nghiệm theo kiểu "căng thẳng hiện sinh" đã góp phần làm cho
Pascal, Kierkegaard và Heideger mãi mãi ghi danh vào lịch sử triết học, mặc dù
E. Morin coi đó là những tư tưởng chưa một lần thành công. Thật khó đo đếm sự
thành công của một tư tưởng. Trường hợp E. Morin và phương thức tư duy phức hợp
cũng na ná như thế. ít nhất thì cũng đã có một B.G. Yudin chưa coi việc ứng dụng
tư duy phức hợp là thành công trong thực tế. Song E. Morin và những người có
công nghiên cứu tư duy phức hợp vẫn cứ có vị trí của mình trong vương quốc học
thuật. Điều này quả thật là thú vị - cái thú vị có liên quan đến sự bí ẩn của
con người - dù thành công hay thất bại thì Pascal, Kierkegaard và Heideger vẫn
cứ nổi tiếng là những nhà triết học hàng đầu của nhân loại.
Có thể kết thúc chương này bằng lời bàn về sự bí ẩn sang trọng
và quyến rũ ấy. Con người là một bí ẩn (F. M. Dostoievski) - Đó chính
là lý do sâu xa khiến con người vẫn còn phải đi tìm phương pháp để nghiên cứu
con người. Giả dụ, có một ngày nào đó con người sẽ tìm ra phương pháp hoàn hảo
để nghiên cứu chính mình. Vậy ngày đó mọi bí ẩn của con người sẽ được khám phá
và con người sẽ hết bí ẩn? Không, hết bí ẩn con người không còn là con người.
Với suy nghĩ như thế giáo trình một lần nữa nhắc lại ý kiến của V.E. Davidovich
đã nêu ở chương trước: "Ngay cả khi tất cả các vấn đề khoa học đã được giải
đáp thì bí ẩn của con người vẫn chưa được đụng đến" [167].
Vì, đó là điều rất cốt lõi trong nhận thức con người.
6.5. Kết luận
Con người là nguồn lực quyết định, là mục tiêu và động lực của
sự phát triển; con người ngày nay giữ vị trí trung tâm trong sự phát triển kinh
tế - xã hội của mỗi quốc gia. Những mệnh đề này đã khá quen thuộc và được thừa
nhận rộng rãi. Nhưng con người là gì? Câu hỏi này lại cần đến khoa học, nhất là
khoa học hiện đại - những khoa học chủ trương nghiên cứu phức hợp - liên ngành
về con người.
Từ những năm 70 (thế kỷ XX), xu hướng nghiên cứu phức hợp -
liên ngành về con người xuất hiện. Xu hướng này được nảy sinh từ thực tiễn phát
triển khoa học và sâu xa hơn, từ bản thân đối tượng nghiên cứu – con người với
đặc trưng độc đáo, bí ẩn và phong phú của nó. Khoa học
hiện đại nhận ra những bất cập khi quá đề cao nghiên cứu chuyên sâu đối với con
người - một thực thể vừa tự nhiên, vừa xã hội, vừa tinh thần.
Vấn đề là ở chỗ, nhận thức về con người sẽ rất khó đi xa hơn
nếu không biết ứng dụng cách tiếp cận phức hợp - liên ngành. Trong khi đó, ở Việt
Nam, gần như không mấy ai quan tâm đến xu hướng phát triển này của khoa học. Bởi
vậy, cần có kế hoạch nghiên cứu triển khai cách tiếp cận này để việc nghiên cứu
con người và xã hội trong các khoa học xã hội và nhân văn trở nên sâu sắc hơn.
Chương 7
NGHIÊN CỨU ĐỊNH LƯỢNG VỀ CON NGƯỜI: VẤN ĐỀ CHỈ SỐ HẠNH
PHÚC
"Đến nay chúng ta vẫn đạt được quá ít tiến bộ trong việc tiên
đoán cách xử sự của con người từ những phương trình toán học"
STEPHEN
W. HAWKING
7.1. Khái niệm hạnh phúc và vấn đề nghiên cứu định lượng về hạnh
phúc
7.1.1. Hạnh phúc không phải là một khái niệm nền tảng
(paradigm) kiến tạo nên diện mạo riêng của bất kỳ học phái triết học hay thần học
nào. Song vốn là một giá trị nhân sinh quan trọng bậc nhất của đời sống con người
nên ngay từ rất sớm trong lịch sử nhận thức, hạnh phúc đã là đối tượng được mọi
tôn giáo và nhiều trường phái triết học quan tâm, đặc biệt, các triết thuyết
theo dòng nhân học (Philosophical Anthropology). Việc xác định khái niệm hạnh
phúc cùng với những tiêu chuẩn mang đậm màu sắc chủ quan của nó và việc vạch ra
con đường tìm kiếm hạnh phúc, trên thực tế, đã trở thành lý do tồn tại của mọi
tôn giáo và mọi nhân sinh quan (life-view) triết học. Tôn giáo nào cũng
tham vọng dẫn con người đến hạnh phúc theo cách của riêng nó. Cũng như vậy, triết
thuyết nhân sinh nào cũng định hướng con người sống và hành động theo những
tiêu chuẩn hạnh phúc mà nó vạch ra. Điều đáng nói là, tất cả những tôn giáo và
triết thuyết kiểu như thế đều tự cho mình là chân lý khi nói về hạnh phúc [168].
Về phương diện thế giới quan, có những học thuyết triết học
chủ trương phủ nhận sự tồn tại của chính thế giới khách quan, thế giới bên
ngoài mà con người hàng ngày hàng giờ vẫn đang chứng kiến; thế giới quan đó
không tránh khỏi sẽ dẫn đến những quan niệm cực đoan về sự tồn tại của con người
và hạnh phúc con người. Nhưng về phương diện nhân sinh quan, không có tôn giáo
nào hay học thuyết triết học nhân sinh nào phủ nhận sự hiện hữu của hạnh phúc.
Dẫu chủ quan đến mấy, các triết thuyết vẫn coi hạnh phúc là cái khả nghiệm
trong đời sống con người (cái mà con người có thể tìm kiếm và trải nghiệm được).
Và đó cũng là lý do để cuộc truy tìm hạnh phúc của con người, cả về phương diện
nhận thức và cả về phương diện hoạt động thực tiễn, mãi mãi vẫn là con đường
đang được tiếp tục khai phá và đến nay vẫn chưa có câu trả lời đủ tường minh,
thuyết phục được tất cả mọi người.
Một vài quan niệm tiêu biểu về hạnh phúc [169]
- Epicurus:
“Hạnh phúc là mục đích tối hậu của đời sống loài người. Sự yên bình và hợp
lẽ phải là nền tảng của hạnh phúc”.
- Aristote:
“Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, là mục tiêu và cũng là giới hạn
tận cùng của sự tồn tại người”.
- John
Stuart Mill: “Hạnh phúc là sự giới hạn dục vọng hơn là thỏa mãn dục vọng”.
- Lucrece:
“Tạo hóa đã an bài hạnh phúc vừa đúng mức cho mọi người. Chỉ cần biết lựa chọn
nó mà thôi”.
- Heraclite:
“Nếu hạnh phúc thực sự nằm ở sự khoái cảm của cơ thể, thì ta có thể nói rằng
con bò có hạnh phúc thực sự khi nó gặm cỏ khô”.
- De
Tocqueville: “Chấp nhận sự bất hạnh có lẽ còn ít đau khổ hơn là sự mưu cầu hạnh
phúc”.
- Deni
Diderot: “Người hạnh phúc nhất là kẻ đã tạo được hạnh phúc cho nhiều người
khác”.
- Gustave
Droz: Có một số người, “chỉ đạt đến mức sung sướng bằng cách trang trọng
góp nhặt từng mảnh vụn của hạnh phúc vương vãi đó đây”.
- Abraham
Lincoln: “Chúng ta hạnh phúc vì tâm can ta cảm thấy vậy”.
7.1.2. Hạnh phúc là giá trị vừa khách quan vừa chủ quan.
Đây là một vấn đề cần lưu ý; không nên hiểu cách một máy móc rằng đã là
giá trị thì không thể mang tính khách quan:
Là giá trị nhưng hạnh phúc lại ít nhiều mang tính khách quan.
Tính khách quan của hạnh phúc được thể ở chỗ, hạnh phúc là có thực, tồn tại thực
bên ngoài sự cầu mong dù thiện tâm hay ích kỷ của con người. Người bất hạnh,
nói chính xác hơn, người cảm thấy mình bất hạnh có những lý do chính đáng để
không thể tưởng tượng ra rằng mình đang hạnh phúc. Ngược lại người coi mình là
hạnh phúc cũng có đủ lý do để tự thuyết phục rằng họ không bất hạnh như những
người đang thiếu những lý do đó, dù ai đó vẫn có thể coi họ là chưa có hạnh
phúc. Không ít quan niệm thường quá thổi phồng yếu tố chủ quan, đến mức vô tình
quên hẳn tính khách quan tinh tế trong quan niệm về hạnh phúc. Nếu hạnh phúc chỉ
là giá trị thuần túy chủ quan, hoặc nói cách khác, nếu hạnh phúc hay bất hạnh
cũng chỉ là tâm trạng mà mỗi người tự tưởng tượng ra rồi gán cho hoàn cảnh của
họ... thì cuộc truy tìm hạnh phúc của con người hoá ra quá đơn giản. Cách hiểu
như thế đầy rẫy trong các tín điều tôn giáo và không tránh khỏi làm giảm ý
nghĩa của khái niệm hạnh phúc. Trong thực tế, con người, người bình thường,
không nhận thức về hạnh phúc đơn giản đến vậy. Quá trình tìm kiếm hạnh phúc, thực
tế là quá trình lựa chọn ý nghĩa cho sự sinh tồn của mỗi con người và cả
xã hội loài người, dẫu có mang màu sắc chủ quan đến mấy, vẫn là một cuộc kiếm
tìm không hề viển vông, không thuần túy “duy tâm” và chẳng một chút dễ dàng, nếu
không muốn nói là đầy nhọc nhằn, trong đó con người đôi khi phải trả giá bằng
nước mắt, mồ hôi và cả máu nữa.
Vì thế nên hạnh phúc mới trở thành đối tượng phân tích không
bao giờ cạn, được coi là vấn đề vĩnh cửu để triết học, thần học và các lý thuyết
nhân sinh và xã hội phải chiêm nghiệm và bàn luận.
Nhưng quả thực, hạnh phúc cũng giống như nhiều phẩm chất đặc
trưng cho con người là cái không dễ trở thành đối tượng mổ xẻ duy lý và định lượng
của khoa học. Các phương pháp phân tích và đo đạc chính xác của khoa học thường
thường vẫn bất lực trước sự biến thiên phức tạp của đối tượng này: Người nghèo
mơ đến hạnh phúc của sự giàu có, nhưng nhiều người giàu vẫn thấy bất hạnh;
trong khi đó, xưa nay không hiếm người nghèo lại thực sự có hạnh phúc. Cũng
tương tự như vậy, vua chúa hay thường dân, người sang hay kẻ hèn, người khôn
ngoan hay kẻ dốt nát, người thành đạt hay kẻ thất bại… thật khó đo đạc chính
xác xem ai hạnh phúc hơn ai.
7.1.3. Nhưng chẳng lẽ khoa học, nhất là các khoa học
chính xác và thực nghiệm lại không giúp được gì để con người có thể đi tới hạnh
phúc một cách dễ dàng hơn. ý tưởng này không được các nhà triết học và thần học
hưởng ứng. Nhưng nó lại thôi thúc các nhà tâm lý học, các chuyên gia khoa học
xã hội và thậm chí cả các nhà toán học… bất chấp thất bại, nhẫn nại nghiên cứu
và thể nghiệm.
Tác phẩm được coi là xuất hiện sớm trong nghiên cứu khoa học
về hạnh phúc là “The Science of Happiness” của một nhóm tác giả xuất bản tại
London năm 1861[170]. Năm 1909, một cuốn khác cùng tên của Henry S. Williams
xuất bản tại New York tiếp tục gây được sự chú ý nhất định trong giới học thuật [171]. Từ đó, các công trình, chuyên khảo, bài báo… có khuynh hướng
nghiên cứu khoa học về hạnh phúc đều đặn xuất hiện. Tuy vậy, phải đến gần đây, ở
phương Tây, người ta mới thừa nhận Science of Happiness là một ngành
nghiên cứu tương đối độc lập với đối tượng nghiên cứu là hạnh phúc. Martin
Seligman, GS. đại học Pennsylvania, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ tâm lý Mỹ là một
trong những người nhiệt thành lên tiếng đòi môn nghiên cứu về hạnh phúc phải được
chú trọng với tính cách là một khoa học liên ngành, chuyên nghiên cứu định lượng
về hạnh phúc, nhằm bổ sung, thay thế cho những lĩnh vực mà triết học và tôn
giáo còn đang giải thích một cách rối rắm hoặc trừu tượng [172].
Vấn đề là ở chỗ, hạnh phúc của con người dẫu phức tạp thế nào
cũng không tách rời các cơ chế hoá học và sinh học của các trạng thái hưng phấn
tâm lýnảy sinh ở con người trong hoạt động. Và như thế thì hạnh phúc không phải
là một đại lượng trừu tượng như xưa nay tư duy vẫn thường mò mẫm, mà có thể đo
đạc được bằng các thước đo tâm lý học hoặc xã hội học, kinh tế học, toán học,
sinh học, hoá học, v.v… Chẳng hạn, người ta có thể đo lượng hoạt chất dopamin ở
một vùng vỏ não xuất hiện nhiều hay ít để biết người đó cảm nhận về hạnh phúc
như thế nào [173].
7.1.4. Đi theo hướng này, năm 2003, Carol Rothwell và
Pete Cohen, hai nhà nghiên cứu người Anh, lần đầu tiên (theo lời tự nhận xét của
bà Carol Rothwell), đã đưa ra công thức để tính hạnh phúc. Dựa trên kết quả khảo
sát xã hội học ở 1000 nghiệm thể là người Anh, công thức được đưa ra dưới dạng
[Hạnh phúc = P + (5xE) + (3xH)]. Trong đó, P là chỉ số cá tính (Personal
Characterisrics) bao gồm quan niệm sống, khả năng thích nghi, và sự bền bỉ dẻo
dai trước thử thách. E là chỉ số hiện hữu (Existence) phản ánh tình
trạng sức khỏe, khả năng tài chính và các mối quan hệ thân hữu. H là chỉ số thể
hiện nhu cầu cấp cao (Higher Oder) bao gồm lòng tự tôn, niềm mơ ước, hoài bão
và cả óc hài hước. Dĩ nhiên không nhiều người kỳ vọng ở công thức này, song ở một
phạm vi nào đấy, người ta cũng thấy công thức này có giá trị gợi mở nhất định[174].
Khi tiến hành đo đạc, tính toán về hạnh phúc, đóng góp của
các nhà nghiên cứu định lượng được ghi nhận nhiều ở việc họ đã chỉ ra vai trò của
từng nhân tố cụ thể trong cấu trúc của hạnh phúc con người. Các nhân tố thường
được quan tâm và đã được xem xét là năng lực thông minh và trí tuệ, yếu tố di
truyền và bẩm sinh, vai trò của giáo dục và truyền thống, ảnh hưởng của thu nhập
và tiền bạc, các quan hệ gia đình và hôn nhân…, thậm chí người ta còn tính đến ảnh
hưởng của các yếu tố tinh tế và phức tạp khác như niềm tin cá nhân thiên về
tích cực hay tiêu cực, bản tính từng người thiện hay bất lương, vẻ đẹp cơ thể đẹp
hay bình thường, tâm lý sở hữu mạnh hay yếu, v.v… Tuy nhiên, điều thú vị là ở
chỗ, các kết quả nghiên cứu thường không thật sự thuyết phục; đa số kết luận chỉ
đúng trong những phạm vi rất hạn chế. Điều này nói lên rằng, hạnh phúc, vẫn như
hàng nghìn năm trước đây, là đối tượng không dễ nắm bắt và chinh phục. Và, có lẽ,
chính điều này lại càng làm cho việc nghiên cứu và chiêm nghiệm về hạnh phúc
thêm phần thú vị và cuốn hút.
7.1.5. Về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc, xưa nay, hầu
hết các lý thuyết đạo đức xã hội thường nói rằng, tiền bạc gần như không có
liên hệ nhân quả nào với hạnh phúc. Nghi ngờ định kiến này, nhà xã hội học
Glenn Firebaugh, đại học Pennsylvania và Laura Tach, đại học Harvard (Mỹ) đã bỏ
công nghiên cứu vấn đề và rút ra kết luận: tiền bạc có tạo ra hạnh phúc, tuy
nhiên, với một điều kiện là người làm ra tiền bạc phải cảm thấy họ kiếm được
nhiều tiền hơn những người quanh họ[175]. Cũng cho kết quả tương tự là nghiên cứu của Edward Diener,
nhà tâm lý học đại học Illinois (Mỹ). Diener kết luận, sẽ là không đúng nếu nói
tiền bạc không liên quan tới hạnh phúc; mối quan hệ giữa chúng rất phức tạp,
song tỷ lệ hài lòng với cuộc sống của người giàu thường cao hơn nhiều so với
người nghèo. Hiện tượng này đúng cho cả những nước giàu và những ngước nghèo.
Chuyên gia kinh tế Andrew Oswald của Đại học Warwick (Anh) cũng đồng ý với
Edward Diener khi nghiên cứu một nhóm người trúng xổ số từ 2.000 đến 250.000
USD. Kết quả chỉ ra là mức độ hài lòng với cuộc sống của nhóm người này tăng so
với hai năm trước khi họ trúng số. Và mức độ hài lòng tăng tỷ lệ thuận với mức
thưởng: trúng thưởng càng lớn người trúng thưởng càng hài lòng hơn với cuộc sống
của mình [176].
Tuy nhiên, Daniel Kahneman, người nhận giải Nobel kinh tế năm
2002, cùng các đồng nghiệp ở đại học Princeton, Mỹ lại thu được kết quả khác và
kết luận ngược lại khi nghiên cứu thu nhập của các hộ gia đình. Nghiên cứu của
Daniel Kahneman xác nhận là hạnh phúc ở những gia đình có thu nhập trên 90.000
USD cao gấp đôi những gia đình có thu nhập dưới 20.000 USD. Nhưng số liệu lại
cho thấy hầu như không có sự khác biệt nào về hạnh phúc giữa nhóm gia đình có
thu nhập trên 90.000 USD với nhóm có thu nhập từ 50.000 đến 90.000 USD. Daniel
Kahneman kết luận: quan hệ giữa thu nhập và hạnh phúc rất mờ nhạt và không phải
ngẫu nhiên mà các tư tưởng gia thường khuyên con người không nên lấy tiền bạc
làm thước đo hạnh phúc [177].
7.1.6. Về quan hệ giữa trí thông minh, khả năng trí tuệ
với hạnh phúc, cũng trong nghiên cứu nói trên của Edward Diener, kết luận được
nêu đáng để phải suy nghĩ là, thông minh chẳng có ảnh hưởng gì đến hạnh phúc cả.
Diener giải thích, người thông minh thường nuôi những ước vọng cao và rất cao.
Bởi vậy, họ sẽ khó thỏa mãn với những gì không phải thành quả cao nhất. Người
bình thường mơ ước thành đạt được như họ. Nhưng với họ, thành đạt như thế có thể
vẫn là quá ít, và đó là nguyên nhân khiến họ ít thấy mình hạnh phúc [178].
Liên quan đến mối quan hệ giữa trí thông minh và khả năng tạo
dựng hạnh phúc, năm 2003, Robert J. Sternberg, Giám đốc Trung tâm Tâm lý về
khả năng, năng lực và sự thông minh thuộc đại học Yale, Mỹ đã cùng cộng sự
tiến hành một nghiên cứu về người thông minh và cho ra mắt cuốn sách "Tại
sao người thông minh lại có thể làm điều ngốc nghếch đến thế?". Theo R.
Sternberg, người thông minh thường có 4 loại ảo tưởng và họ lại quá thông minh
để bảo vệ và tin tưởng vào những ảo tưởng ấy. Dĩ nhiên, người kém thông minh
cũng có những ảo tưởng như vậy, nhưng họ thường khó tìm ra được lý lẽ để biện hộ,
nên dễ hoài nghi và từ bỏ ảo tưởng của mình. Vấn đề là ở chỗ, về phương diện
tâm lý, mỗi cá nhân thường rất khó biết chính xác mức độ ngốc nghếch của bản
thân mình, vì khả năng áp dụng kiến thức để đạt hiệu quả trong cuộc sống không
tỷ lệ thuận với chỉ số IQ. "Cách tốt nhất để tránh được sự ngu dốt là đừng
lo ngại rằng mình sẽ tỏ ra là ngớ ngẩn", trong một cuộc trả lời phỏng vấn,
R. Sternberg đã khuyên mọi người như vậy[179].
7.1.7. Về ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến hạnh phúc, các
nhà khoa học cũng đặt ra vấn đề khá thú vị là: về mặt sinh học, những người
bình thường (trừ trường hợp những người quá dị biệt mà ngay khi sinh ra đã bị
coi là bất hạnh) phải chăng đều xuất phát từ một mặt bằng chung, từ một điểm xuất
phát giống nhau để đi tới hạnh phúc, hay ngược lại, ngay từ khi sinh ra, mỗi cá
nhân đã được yếu tố di truyền định sẵn cho một “điểm chuẩn riêng” để từ đó họ
đi tới hạnh phúc theo các diễn biến thăng trầm khác nhau? David Lykken, nhà di
truyền học hành vi, GS. tâm lý học của đại học Minnesota, Minneapolis, Mỹ
cho rằng 44 – 55% cảm giác hài lòng của con người thường được quyết định bởi
“điểm chuẩn hạnh phúc” vốn có do gen di truyền chi phối. Trong khi đó mức thu
nhập, tình trạng hôn nhân, lòng tin tôn giáo hay nền tảng giáo dục…, tức là những
nhân tố ngoài di truyền lại chỉ ảnh hưởng với một tỷ lệ không lớn so với những
nhân tố di truyền. Kết luận này tuy bị nhiều người nghi ngờ, nhưng đã góp phần
kích thích những nghiên cứu sâu thêm về vai trò của gen di truyền. Michael
Cunningham, GS. đại học Louisville, Kentucky, Mỹ đã có một nghiên cứu chứng
minh rằng, nhiều người có điểm chuẩn hạnh phúc thấp và rất thấp, nhưng trong hoạt
động xã hội vẫn có thể đạt tới một nấc thang hạnh phúc cao hơn[180].
7.2. Chỉ số Hạnh phúc (HPI) theo Báo cáo Chỉ số Hạnh phúc
hành tinh
7.2.1. Mặc dù nhận ra việc nghiên cứu định lượng về hạnh
phúc mang trong nó những hạn chế, thậm chí, những hạn chế không nhỏ, song các học
giả và một số tổ chức quốc tế vẫn thấy hướng nghiên cứu này không phải là kém ý
nghĩa. Quá trình đo đạc, trắc nghiệm hạnh phúc thông qua các nhân tố cụ thể cấu
thành nên hạnh phúc luôn luôn gợi mở cái nhìn sâu hơn, thực tế hơn về cuộc sống
con người. Dẫu phiến diện đến mấy, khi nguyên nhân của một tình trạng hạnh phúc
hay bất hạnh được chỉ ra, con người vẫn có thêm căn cứ để đưa ra các quyết sách
hợp lý hơn, thoả đáng hơn nhằm nâng cao chất lượng sống (một đại lượng rất căn
bản của hạnh phúc) cho từng cộng đồng. Và bởi thế, các học giả và nhiều tổ chức
quốc tế vẫn tiếp tục triển khai những công trình nghiên cứu định lượng với quy
mô ngày càng lớn hơn.
Cho đến thời điểm hiện nay, công trình có quy mô lớn hơn cả
là Báo cáo Chỉ số hạnh phúc hành tinh (HPI - Happy Planet Index) được công bố
vào tháng 7 năm 2006. Đây là kết quả nghiên cứu của NEF (New Economics
Foundation), một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội có trụ sở chính tại vương
quốc Anh. Dựa vào các số liệu chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và
các số liệu do chính NEF điều tra, thời gian gần đây, NEF đã đưa ra các báo cáo
về kinh tế, xã hội và môi trường… gây được tiếng vang nhất định trong dư luận
quốc tế. Trong số các báo cáo của NEF, Báo cáo về Chỉ số hạnh phúc hành tinh
năm 2006 là đáng chú ý hơn cả [181].
7.2.2. Về quy mô, Báo cáo Chỉ số hạnh phúc hành tinh năm 2006
tập hợp và đưa ra được bức tranh về thực trạng hạnh phúc của 178 nước; tức là hầu
hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ một số ít nước không có số liệu
do hoàn cảnh chính trị - xã hội khá đặc biệt như Iraq, Apghanistan, Triều Tiên,
Somali, Tây Sahara, Liberia, Đảo Greenland, Quần đảo New Calidonia, Serbi
& Montenegro, Đông Timor… Về mặt học thuật, Báo cáo đã thiết kế và đưa ra
được một chỉ số định lượng xác định về hạnh phúc, chỉ số HPI. Đã có những tranh
cãi về chỉ số này sau một thời gian NEF công bố Báo cáo: một số học giả chưa thỏa
mãn với cách thiết kế chỉ số, chưa đồng ý với logic của việc quy giản khái niệm
hạnh phúc… Tuy thế, đến nay, đánh giá về Báo cáo nhìn chung là tích cực, chưa
có quốc gia nào hay tổ chức quốc tế nào lên tiếng phản đối Báo cáo này.
7.2.3. Bộ máy lý thuyết định hướng thiết kế chỉ số HPI
là các khái niệm Số năm được sống hạnh phúc (Happy life years) và Sống
hạnh phúc (Well-being:Sự hiện hữu - sảng khoái; sống hạnh
phúc, sống dễ chịu). Lý thuyết của NEF rất chú trọng đến đời sống hạnh phúc cá
nhân, coi tỷ lệ cá nhân sống dễ chịu là đại lượng quyết định trạng thái hạnh
phúc. Chỉ số HPI gồm ba chỉ số thành phần là:
- Mức
độ hài lòng với cuộc sống (Life Satisfaction): Mức độ được sống hạnh phúc (Well-being)
của con người ở mỗi quốc gia.
- Tuổi
thọ (Life Expectancy): Tuổi thọ bình quân thực tế mà mỗi quốc gia đạt được;
không phải tất cả mà chỉ một phần trong đó là những năm sống hạnh phúc (Happy
life years).
- Môi
sinh (Ecological Footprint - dấu chân sinh thái: dấu vết của toàn bộ hệ
sinh thái xung quanh con người, không chỉ môi trường - Con người tiêu dùng tài
nguyên tự nhiên đến mức nào, có vượt quá mức độ cho phép mà tự nhiên đã “ban”
cho con người tại mỗi quốc gia hay không, có làm tổn hại đến hệ sinh thái mà
trong đó con người chỉ là một thực thể sinh học hay không).
HPI được tính theo công thức:
HPI =
|
Life Satisfaction x Life Expectancy
|
Ecological Footprint
|
Theo công thức này, người ta sẽ tính được chỉ số hạnh phúc của
mỗi quốc gia hoặc của mỗi cộng đồng. ý nghĩa của công thức này là: Hạnh
phúc của mỗi quốc gia/cộng đồng là số năm trong vốn tuổi thọ mà con người cảm
thấy hài lòng (Well-being) với cuộc sống của mình nếu điều này phù hợp
với điều kiện tài nguyên tự nhiên được phép tiêu dùng (chỉ số hài lòng với
cuộc sống nhân với chỉ số tuổi thọ chia cho chỉ số thực trạng
tiêu dùng tài nguyên tự nhiên và mức độ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung
quanh).
Thang HPI được thiết kế từ 0 - 100. Theo NEF, thang lý tưởng
(Reasonable Ideal) trong điều kiện hiện nay là 83,5; trong đó, chỉ số hài lòng
với cuộc sống là 8,2; chỉ số tuổi thọ là 82,0 và chỉ số môi sinh là 1,5.
7.2.4. Theo báo cáo, HPI cao nhất thế giới năm 2006
thuộc về Vanuatu, một quần đảo ở nam Thái Bình Dương với HPI = 68,2. Thấp nhất
là Zimbabwe với HPI = 16,6. Việt Nam trong báo cáo đạt được chỉ số HPI là 61,2
với chỉ số hài lòng với cuộc sống là 6,1; chỉ số tuổi thọ là 70,5 và chỉ số môi
sinh là 0,8. Điều thú vị là, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 178 nước, trên cả
Trung Quốc (31/178), Thái Lan (33/178), Italia (66/178), Nhật Bản (95/178), Mỹ
(108/178) và hơn 160 nước khác.
Như vậy, theo chỉ số này, hạnh phúc không nhất thiết đi liền
với trình độ giàu - nghèo, hay mức độ phát triển - kém phát triển; tiện nghi vật
chất và tinh thần cũng chỉ đem lại hạnh phúc cho con người với những điều kiện
giới hạn nhất định. Hạnh phúc trước hết là con người có tuổi thọ cao,
trong đó có nhiều năm được sống hài lòng với cuộc sống của mình nhưng không
tiêu dùng lạm vào vốn tài nguyên tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến hệ sinh
thái xung quanh.
Cần thiết phải tham khảo nước đạt tới HPI cao nhất thế
giới, Vanuatu là quốc gia như thế nào. Vanuatu - tên gọi đảo quốc này nghĩa là
“Miền đất vĩnh hằng”. Quốc gia này nằm ở phía nam Thái Bình Dương với 83 hòn đảo
có khí hậu tuyệt vời: mùa hè 27-29O, mùa đông 19-22O. Dân số Vanuatu năm 2003
chỉ 199.400 người gồm nhiều sắc tộc nhưng sống rất hoà thuận với nhau. Trước
kia, Vanuatu là miền đất thuộc Anh và Pháp. Từ năm 1984 Vanuatu tuyên bố độc lập.
GDP đầu người năm 2005 của Vanuatu là 1.398 US$ (= 2.944 US$ tính theo PPP).
Kinh tế Vanuatu chủ yếu là nông nghiệp và du lịch quy mô nhỏ. Điều đáng lưu ý
là nhiều sắc dân Vanuatu có nguồn gốc từ châu Âu nhưng tất cả đều tôn trọng văn
hoá bản địa có từ hàng nghìn năm nay và có họ ý thức đề kháng với những thói xấu
của văn hóa phương Tây. Ở Vanuatu hiện vẫn rất ít các thiết bị tiêu dùng hiện đại,
người dân không ưa những dịch vụ kiểu siêu thị hay nhà hàng Mc Donald. Nhưng ở
đây phần đông dân số sống thanh thản bình yên đến tận 85-90 tuổi. Nhiều tài liệu
ca ngợi Vanuatu là thiên đường nơi hạ giới bởi cảnh quan đẹp, môi trường trong
lành, con người khoẻ mạnh, thân thiện[182].
7.2.5. Với Việt Nam, dường như có vẻ thiếu thuyết phục khi Việt
Nam lại được coi là hạnh phúc hơn cả Singapore, Mỹ, Nhật Bản… Điều này có thể
phải bàn luận thêm, vì logic của sự đánh giá này tuân theo quan điểm của NEF.
Nhưng ở đây, nếu thừa nhận số liệu của NEF là chính xác và nếu đồng ý với NEF
coi hạnh phúc nghĩa là hài lòng với cuộc sống thực tại, đồng thời tiêu dùng môi
trường ở mức cho phép và bảo tồn được sự đa dạng sinh thái thì người Việt Nam
có quyền tự hào về thực trạng cuộc sống của mình. Theo chúng tôi, 61,2% cư dân
Việt Nam hài lòng với cuộc sống hiện tại, là con số có thể tin được. Trải qua
nhiều thập niên chiến tranh, rồi chịu đựng gian khó để xây dựng đất nước, đến
nay, dễ hiểu là sự phát triển của đất nước đã cho phép người dân đánh giá tích
cực về cuộc sống của mình. Con số này càng trở nên quý giá nếu lưu ý, mức lý tưởng
trong điều kiện hiện nay là quốc gia nào đó có 83,5% chứ không phải 100% cư dân
cư dân hài lòng với cuộc sống của họ (ngay cả Vanuatu, nước xếp thứ 1/178 về chỉ
số hạnh phúc cũng mới chỉ đạt 68,2, còn xa mới đạt tới chỉ số 83,5).
Có thể coi điều vừa nói trên đã được xác nhận ít nhiều bởi một
nghiên cứu khác, tuy phạm vi và thời gian khái quát có hẹp hơn so với quy trình
nghiên cứu của NEF: Cuối năm 2006, Viện Gallup International Association
(GIA, một tổ chức nghiên cứu xã hội học nổi tiếng) đã khảo sát mức độ lạc quan
và bi quan của dân chúng tại 53 nước trên thế giới. Kết quả là người Việt Nam
hoá ra dẫn đầu thế giới về mức độ tin tưởng vào tương lai. Trong gần 49.000 người
tại 53 nước được hỏi, chỉ có 43% tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn, trong đó,
Việt Nam: 94% tin tưởng vào tương lai, Hong Kong: 74%, Trung Quốc: 73%, Ghana
68%, Nigeria 66%, Thái Lan: 53%, Singapore: 52%. Những nước có số người bi quan
nhiều nhất khi nhìn về tương lai là ấn Độ: 32%, Indonesia: 33%, Philippines:
34%, Iraq: 43%, và Hi Lạp: 44% [183].
Dĩ nhiên, những nghiên cứu nói trên không phải đã tuyệt đối
thuyết phục và khi nghe người bên ngoài ca ngợi Việt Nam hạnh phúc hay lạc quan
nhất thế giới, thì cũng không mấy ai quên Việt Nam vẫn còn là nước có GDP thấp
(482 US$/người = 2.490 US$ tính theo PPP[184]) và nhiều mặt còn cách các nước trong khu vực khá xa. Nhưng,
chính điều đó lại càng làm cho việc đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống của
người Việt Nam trở nên có ý nghĩa hơn.
7.3. Kết luận
Xu hướng nghiên cứu định lượng về con người là xu hướng ngày
càng được quan tâm trong các khoa học xã hội và nhân văn. Ở một số trung tâm
khoa học thuộc các quốc gia phương Tây, trên thực tế, người ta chỉ coi những gì
có thể định lượng được, thực chứng được mới thuộc phạm vi của nghiên cứu khoa học
(tuy vẫn rất coi trọng và hiểu được giá trị của những tri thức ngoài định lượng
và ngoài thực chứng, nhưng người ta không quan niệm chúng thuộc phạm vi khoa học).
Điều này có nguyên nhân nằm ở đặc thù về ảnh hưởng và phạm vi tác động của bản
thân các loại hình tri thức. Trong nghiên cứu con người, triết học có khả năng
và sức mạnh riêng của nó. Tuy thế, triết học không thay thế được các khoa học cụ
thể, và vì vậy trong nhiều nội dung thuộc khách thể nghiên cứu là con người,
triết học phải dựa vào các nghiên cứu chuyên biệt trong đó có các nghiên cứu định
lượng.
Nghiên cứu định lượng về hạnh phúc và về phát triển con người
(xem chương 9) là những hướng nghiên cứu có triển vọng trong nghiên cứu định lượng
về con người. Thực chất, đây là sự ứng dụng, sự vay mượn các phương pháp của
các khoa học khác (xã hội học, kinh tế học, thống kê, xác suất...) sang nghiên
cứu một đối tượng khác. Điều này làm cho con người, đời sống con người thể hiện
ra trước nhận thức như là một đối tượng xác định hơn, cụ thể hơn, và gợi mở nhiều
hơn cho hoạt động thực tiễn. Đương nhiên, độ tin cậy của hướng nghiên cứu này
phụ thuộc vào từng công trình nghiên cứu cụ thể.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học, các nghiên cứu định lượng về
con người chắc chắn sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn, khách quan hơn và vì thế
xu hướng này cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
PHẦN 3
XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
Chương 8
VẤN ĐỀ NHÂN TỐ CON NGƯỜI TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI:
XÂY DỰNG CON NGƯỜI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN
ĐẠI HÓA
"Đầu tiên là công việc đối với con người"
HỒ CHÍ MINH
8.1. Đổi mới nhận thức lý luận về con người, về vai trò nhân
tố con người
8.1.1. Từ đầu những năm 80 (thế kỷ XX), vấn đề con người và
nhân tố con người trong sự phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng thế giới
đặt ra một cách thực tế hơn và căn bản hơn. Trước đó, tư duy về phát triển thường
nghiêng về khía cạnh vật chất - kỹ thuật, người ta “đặt cược” sự phát triển ở mục
tiêu kinh tế. Không ít người lầm tưởng rằng, giải quyết được vấn đề kinh tế là
có thể khống chế được mọi vấn đề khác. Lúc đó, thước đo của sự phát triển thuần
túy chỉ là kinh tế; kinh tế học phát triển là cái nhìn chiếm ưu thế
trên các diễn đàn học thuật và chính trị - xã hội. Ở các nước xã hội chủ nghĩa,
từ rất sớm, con người được nhấn mạnh với ý nghĩa là sản phẩm của hoàn cảnh. Tư
tưởng đúng đắn đó, trong thực tế đã bị ứng dụng thiên lệch theo hướng tuyệt đối
hóa con người xã hội, con người chính trị, xem nhẹ vai trò của con người cá
nhân, thiếu chú ý thỏa đáng đến tính tích cực sáng tạo của cá nhân. Dần dần,
con người xã hội chủ nghĩa vô tình trở thành cái “đinh ốc ngoan ngoãn” trong cơ
chế[185], trở thành cái cớ cho sự châm biếm của các thế lực phi
mácxít.
Khi nhận ra những khiếm khuyết đó, thái độ của cộng đồng thế
giới có những thay đổi. Ở phương Tây, triết lý của sự phát triển được
chú ý tìm kiếm. Với sự điều phối của UNESCO, con người và văn hóa được coi là
những “hạt nhân sống còn của sự phát triển”. Vai trò của văn hóa được đề cao,
văn hóa được xem là một chiều kích của sự phát triển [186]. Ở Liên Xô và toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa, cùng với sự
tìm đường đổi mới và cải cách cuối những năm 80,nhân tố con người được coi
là một khái niệm mới; người ta hiểu rằng, không thể có sự phát triển nếu con
người không được đặt đúng vào vị trí của nó trong guồng máy kinh tế - xã hội [187].
Tuy nhiên, từ nghiên cứu và nhận thức về mặt lý luận đến việc
đề ra các chính sách cụ thể, thực hiện trong thực tiễn nhằm phát huy nhân tố
con người, coi con người thực sự là mục tiêu, là động lực của sự phát triển là
cả một quá trình, đòi hỏi phải có những quyết sách hợp lý và thông minh, trên
cơ sở thấu hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng đất nước.
8.1.2. Với Việt Nam, khi bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá, chủ động mở cửa và hội nhập với quốc tế và khu vực, thì hàng
loạt thách thức đã nảy sinh xung quanh việc xử lý vấn đề con người, phát huy
nhân tố con người, đặc biệt con người với những phẩm chất được hình thành từ lịch
sử dài lâu của cả dân tộc. Đối mặt với những vấn đề của xã hội hiện đại, hình
như mọi vấn đề đặt ra trong hoạt động xã hội đều có cái gì đó thuộc về con người,
thuộc về nhân tố con người. Nói cách khác, hầu hết các cơ hội cũng như thách thức,
thế mạnh cũng như hạn chế của Việt Nam trên đường phát triển, đều có liên quan
đến con người, đều phải tính đến nguyên nhân thuộc về con người - con người Việt
Nam sản phẩm tất nhiên và đặc thù của lịch sử Việt Nam.
Bởi lẽ, ở Việt Nam, lịch sử xây dựng đất nước và nhất là lịch
sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh một cách thuyết phục
vai trò to lớn, ý nghĩa quyết định của nhân tố con người đối với sự thành bại
hay hưng vong của đất nước. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, kế thừa
kinh nghiệm quý báu của tổ tiên, với quan điểm sáng suốt của việc “dùng người”,
đánh thức lòng yêu nước ở mỗi con người, sức mạnh của con người Việt Nam đã được
phát huy tối đa để tiến hành chiến tranh và kết thúc chiến tranh, giành chiến
thắng trước những kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự.
Truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ
thù xâm lược... đã được động viên, phát triển thành cao trào, thành ngọn cờ cổ
vũ con người và thực tế đã trở thành nguồn lực cực kỳ mạnh mẽ làm nên chiến thắng.
Sức mạnh dân tộc, sức mạnh của con người Việt Nam là điều mà những các thế lực
xâm lược, dù đã huy động các loại “bộ óc điện tử” cũng không sao hiểu nổi [188].
Về sức mạnh bí ẩn của con người Việt Nam, GS. Trần Văn Giàu
khi đọc hồi ký của Mắcnamara đã viết: "Cần phải gắng mà nghiên cứu con người
Việt Nam, cắt nghĩa nguyên nhân vì sao mà người Việt Nam lại thắng Pháp rồi lại
tiếp tục thắng Mỹ. Khó lắm, đề tài này rất khó. Bởi vì, tôi cũng đồng ý với Mắcnamara,
Mỹ là cường quốc bậc nhất trên thế giới, là nước giàu nhất thế giới, khôn
nhất thế giới. Đừng ngây thơ mà nói Mỹ dại; Mỹ không hề dại, ngược lại, rất
khôn, khôn lắm. Khôn thế, giỏi thế mà lại dành những 20 năm tiến hành chiến
tranh với Việt Nam; rồi thua. Thua con người Việt Nam, thua văn hóa Việt Nam,
thua cái "chất Việt Nam"...Vấn đề là ở chỗ, trên thế giới này hay gần
hơn là các nước quanh ta, ai chỉ ra được, hay ai trả lời được câu hỏi: có dân tộc
nào nhiều lần phải đương đầu nhất với một nước lân cận lớn mạnh hơn gấp 10 lần,
20 lần, 30 lần... và rốt cuộc đều đứng vững, không bị đồng hoá, giữ được bản sắc
của mình và nếu phải tiến hành chiến tranh thì đều kết thúc bằng những chiến thắng
oanh liệt? Hãy thử tìm một nước, một dân tộc, không phải một lần, mà hai lần
trong lịch sử hiện đại đánh bại hai cường quốc mạnh nhất thế giới. Lần thứ nhất
là chiến thắng Pháp, lần thứ hai là chiến thắng Mỹ" [189].
Sự thật là, trong suốt chiều dài lịch sử, với tất cả các cuộc
đấu tranh chống giặc ngoại xâm, không có ngoại lệ, dân tộc Việt Nam đều chiến
thắng, phần nhiều là những chiến thắng vĩ đại đối với những kẻ thù lớn hơn, mạnh
hơn gấp nhiều lần, để lại những bài học lịch sử quý giá về nhiều mặt, trong đó
nổi lên là bài học về sức mạnh của con người, sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của
nhân dân và cũng chính là bài học về sử dụng nhân tố con người.
Những con người lao động bình thường, giản dị nhưng thường thụ
động, những trí thức uyên bác, tài hoa nhưng rất dễ hoài nghi, những nhà cải
cách xã hội biết nhìn ra bên ngoài nhưng khó thấu hiểu nội tình bên trong, những
chính khách nặng lòng với đất nước nhưng đôi khi thiếu phương pháp hành động,
v.v... - tất cả đã được phát hiện, động viên và sử dụng trong những tình huống
đặc biệt của lịch sử, kết thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh phi thường.
Điều đó đã trở thành một kỳ tích trong quá khứ và là một kinh nghiệm quý trong
việc phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
8.1.3. Tuy nhiên, gần như nằm ngoài mọi dự đoán, từ năm 1975
đến tận cuối những năm 80, nền kinh tế - xã hội nước ta rơi vào khủng hoảng, có
lĩnh vực khủng hoảng trầm trọng. Năm 1996, nhìn lại tình hình lúc đó, Văn kiện
Đại hội VIII nhận định: "Tình hình diễn biến phức tạp, có lúc khó khăn tưởng
chừng khó vượt qua: ba năm liền lạm phát ở mức ba con số; đời sống của những
người hưởng lương và trợ cấp xã hội giảm sút mạnh; nhiều xí nghiệp quốc doanh
và nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, sản xuất cầm chừng
thậm chí phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân buộc phải rời xí nghiệp; hàng vạn
giáo viên phải bỏ nghề; những vụ đổ vỡ quỹ tín dụng xảy ra ở nhiều nơi. Những
diễn biến quốc tế phức tạp tác động xấu đến tình hình nước ta" [190]. Trong hoàn cảnh đó, xã hội đã tự phát tìm đường đi cho mình
thông qua các hiện tượng “xé rào”, “khoán chui”, “ba lợi ích”, “học thêm”,
v.v... bài học kinh nghiệm có thể đúc rút khá nhiều, song bài học đáng quan tâm
nhất, cần phải được tổng kết, rút kinh nghiệm là bài học về con người, về nhân
tố con người. Vấn đề là ở chỗ, cũng có những lúc chúng ta đã từng rơi vào ấu
trĩ, thậm chí mắc phải sai lầm khi nhìn nhận về con người và sử dụng nhân tố
con người.
Trong những năm chiến tranh, nhằm mục tiêu giải phóng đất nước,
giành lại độc lập tự do cho dân tộc, động lực của cách mạng được xác định rõ là
con người; rất tự nhiên, con người Việt Nam tự giác và toàn tâm toàn ý coi sự
đóng góp của mình là một phần nhỏ tạo nên động lực thực sự của sự nhiệp cao cả
là giải phóng Tổ quốc. Với khẩu hiệu tất cả vì độc lập, tự do của tổ quốc, các
tầng lớp nhân dân trong cả nước đã không tiếc ngay cả tính mạng của mình để làm
nên chiến thắng. Hoàn cảnh chiến tranh, ý chí độc lập, tự do đã tạo cho mỗi con
người cụ thể đều ít nhiều có tinh thần xả thân vì đất nước. Chính vì vậy, người
ta sẵn sàng hy sinh mà không hề đòi hỏi những quyền lợi cá nhân. Cuộc chiến
tranh cách mạng của ta, do vậy, được thừa nhận rộng rãi là cuộc chiến
tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những hoàn cảnh cụ thể của
chiến đấu, tiềm năng sáng tạo của con người cá nhân, rất tự nhiên, được huy động
tối đa, tạo nên sức mạnh của cả một dân tộc.
Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, bước
vào một giai đoạn mới của lịch sử. Trái với hy vọng giản đơn của nhiều người, hậu
quả của chiến tranh không thể giải quyết chỉ trong ngày một, ngày hai; sự khôi
phục và phát triển kinh tế - xã hội không thuận buồm xuôi gió mà phải đối mặt với
những khó khăn, thách thức rất lớn. Phải nói rằng, tầm vóc vĩ đại của chiến thắng
1975 đã nảy sinh tâm lý say sưa với chiến thắng. Trong tâm lý đó, người chiến
thắng có phần ảo tưởng về một sức mạnh trong xây dựng kinh tế. Việc phát huy sức
mạnh của nhân tố con người trong chiến tranh là khác rất nhiều so với nhân tố
con người trong xây dựng và phát triển kinh tế ở thời bình.
Từ đó, kể cả trong tâm lý từng người và nhất là trong quan niệm
chung thuộc quản lý vĩ mô, chúng ta có phần đánh giá không đúng, không lường hết
những khó khăn khách quan đã tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đến việc
phát huy nhân tố con người, giải phóng tiềm năng người trong xây dựng đất nước.
Trong khi đó, công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, xây dựng đất nước
trong tình hình mới, đòi hỏi phải có những nhận thức mới về con người và những
chính sách xã hội đối với con người - con người trong thời bình, về nhiều mặt,
là con người hoàn toàn khác với con người trong trhời chiến. Quan niệm về con
người như trong thời chiến không còn phù hợp nữa và cần thiết phải có sự thay đổi
cả trong nghiên cứu lý luận cũng như trong các chính sách ở tầm vĩ mô và vi mô.
Trong chiến tranh người ta có thể hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích tập thể,
vì lợi ích quốc gia. Điều đó hoàn toàn không hề phải tính toán. Nhưng trong hoà
bình, cá nhân và tập thể, cấp trên và cấp dưới, kinh tế và phi kinh tế, v.v… đã
gần như là những quan hệ khác, cần phải được xem xét một cách sâu sắc, đòi hỏi
phải chú ý đến lợi ích cá nhân, quan tâm đến con người cá nhân, cá thể một cách
thoả đáng. Và, đó lại là một động lực cơ bản của lao động nói riêng và của phát
triển xã hội nói chung.
8.1.4. Điều đáng nói là, không ít những con người ưu tú trong
chiến tranh, dù vẫn giữ nguyên phẩm chất là những người toàn tâm toàn ý với sự
phát triển của đất nước, nhưng lại không phải là những người xuất sắc, thậm chí
là người hoàn thành nhiệm vụ của mình trong xây dựng kinh tế. Con người trong
lao động sản xuất, đặc biệt ở giai đoạn 1975 - 1985, đã buộc phải có những phẩm
chất khác biệt so với giai đoạn trước đó. Có thể làm rõ hơn về điều này như
sau:
Thứ nhất, theo quán tính của những lý giải về “con người
mới” của giai đoạn trước, con người vẫn được quan niệm khá đơn giản. Con người
cá nhân với hệ thống giá trị phong phú của nó chưa được quan tâm tìm hiểu. Những
chuẩn mực trong chiến tranh vẫn còn được xem là chuẩn mực đánh giá con người
trong thời bình. Lợi ích của con người, bao gồm lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng
và lợi ích xã hội, bị nhìn nhận một cách thiên lệch theo kiểu giáo điều; chúng
ta vẫn lầm tưởng rằng, hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể và lợi ích
xã hội luôn luôn là điều mang lại hiệu qủa tích cực; việc tuân thủ một cách máy
móc nhưng nguyên tắc của cơ chế bao cấp trong giai đoạn đó đã cản trở sự năng động
và tiến bộ xã hội.
Xét về mặt lý luận, trước những năm 90, con người chưa được
coi là trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực sự trở thành đối
tượng riêng của nghiên cứu liên ngành. Tất cả những hiểu biết về con người lúc
đó nằm rải rác trong các khoa học cụ thể như sử học, kinh tế học, xã hội học,
tâm lý học, triết học, v.v… Lúc đó, mục tiêu của phát triển là phát triển xã hội,
phát triển kinh tế, nghĩa là con người vẫn có thể phải “thắt lưng, buộc bụng”,
hay nói có phần cường điệu là “hy sinh” cho phát triển xã hội.
Nhìn chung, quan điểm về con người và các nghiên cứu khoa học
về con người lúc đó chưa tiếp cận được với hướng quan tâm của cộng đồng thế giới.
Mãi đến đầu những năm 90, Việt Nam mới thực sự hưởng ứng cuộc vân động Thập
kỷ quốc tế về văn hoá trong sự phát triển (1986-1997) của UNESCO và đến
năm 1994 mới tham gia vào các Báo cáo phát triển con người của UNDP.
Thứ hai, những bất cập của cơ chế hành chính bao cấp - một
mô hình không còn phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới.
Cho đến cuối những năm 70, cơ chế hành chính - bao cấp đã tỏ
rõ là kém hiệu quả, đã trực tiếp kìm hãm và tác động tiêu cực đến sự phát triển
xã hội.
Có thể khẳng định rằng, đây là nguyên nhân cơ bản tác động
tiêu cực đến việc phát huy nhân tố con người, giải phóng tiềm năng người. Đáng
lẽ sau chiến tranh, để nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế chúng ta phải đưa
ra được một mô hình quản lý kinh tế năng động sao cho có thể phát huy tối đa
các nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Nhưng mô hình sản xuất bao cấp theo kế
hoạch tập trung từ trên xuống đã không cho phép làm điều đó, mô hình này còn
triệt tiêu sức sáng tạo, động lực của người lao động, của các cơ sở sản xuất,
kinh doanh. Cơ chế bình quân trong phân phối, trong đãi ngộ đã không khuyến
khích được người lao động nhất là người lao động giỏi, không chú ý đến lợi ích
cá nhân, nhất là các lợi ích vật chất và lợi ích trước mắt của nguời lao động
Không thực sự quan tâm đến lợi ích vật chất, lợi ích của cá
nhân của người lao động (hay nói chính xác hơn, thái độ kỳ thị với bất kỳ cá
nhân nào quan tâm đến lợi ích, nhất là lợi ích vật chất của riêng mình) là một
sai lầm thể hiện sự thiếu hiểu biết về vấn đề nhu cầu, động lực của con người.
Chúng ta đã vô tình lãng quên luận điểm nổi tiếng của C.Mác: “Con người trước hết
cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ
thuật, tôn giáo và v.v...”[191]. Không giống như trong thời chiến, con người thật khó có thể
tiếp tục cống hiến, hy sinh, lao động nhiệt tình… khi nhu cầu, lợi ích của họ
không được quan tâm hoặc không được quan tâm thỏa đáng. Trên bình diện chiến lược,
đó còn là sai lầm khi tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa”: nóng vội xoá bỏ các
hình thức sở hữu phi xã hội chủ nghĩa như tư hữu nhỏ, sở hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa, kinh tế cá thể - tiểu chủ, kinh tế tư bản nhà nước. Điều đó như về sau
đã được thừa nhận là trái với quy luật khách quan, sai lầm trong việc vận dụng
quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực
lượng sản xuất. Duy ý chí trong việc thiết lập một quan hệ sản xuất gọi là
“tiên tiến” trong khi lực lượng sản xuất vẫn còn ở trình độ rất thấp và không đồng
đều. Điều đó làm cho quan hệ sản xuất trở thành “xiềng xích” kìm hãm sự phát
triển. Lực lượng sản xuất tiềm tàng của toàn xã hội không được giải phóng, tài
nguyên thiên nhiên, vốn, và đáng tiếc là tiềm năng con người đã không được khai
thác, sử dụng cho sự phát triển kinh tế, nói riêng và đời sống xã hội, nói
chung. Rút ra bài học kinh nghiệm về sai lầm này, Văn kiện Đại hội VI của Đảng
khẳng định: "Lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan
hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những
yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất" [192].
Cần lưu ý rằng, để có được bài học này, thực tiễn đã phải
trăn trở trên một chặng đường dài từ năm 1955 đến tận Đại hội VI của Đảng, năm
1986.
8.1.5. Thực ra ngay từ những năm 70, cơ chế tập trung quan
liêu bao cấp, về đại thể, đã là mô hình cản trở người lao động làm việc vì lợi
ích và nhu cầu của mình. Nguyên nhân của mọi sự trì trệ bắt đầu từ đó. Một nền
kinh tế không có cạnh tranh giữa các chủ thể sản xuất, không tạo được sự ganh
đua, không phân loại được người sản xuất, không kích thích người sản xuất sáng
tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ lực lượng sản xuất cũng như năng lực
sản xuất thì tất nhiên sẽ dẫn đến kém hiệu quả. Người sản xuất không phải lo sản
xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào, đầu vào và đầu ra của sản
xuất mà chỉ biết làm theo kế hoạch được quyết định từ trên xuống, không phải lo
khâu tiêu thụ sản phẩm - một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất, không phải
tính đến nhu cầu phía đối tác… thì rõ ràng, người lao động và các chủ thể sản
xuất sẽ trở nên ỷ lại vào nhà nước, không sáng tạo, không tự chủ trong sản
xuất kinh doanh. Mà nhà nước, vào thời kỳ những năm 70 - 80 lại đang phải gồng
mình đứng trước những khó khăn to lớn khác nữa.
Cơ chế hành chính - bao cấp trong kinh tế được sử dụng kéo
dài đã kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước. Cơ chế đó với những yêu cầu,
nguyên tắc mệnh lệnh hành chính cứng nhắc của nó đã không phát huy được tiềm lực
để phát triển, nhất là nguồn lực con người. Hạn chế lớn nhất của cơ chế hành
chính - bao cấp là kìm hãm nhân tố con người, đặc biệt là sự năng động của con
người cá nhân, trói buộc việc giải phóng tiềm năng người.
Có thể nói, chúng ta đã ít nhiều không hiểu con người; không
thấy con người với những biểu hiện đa dạng, phức tạp của nó trong đời sống xã hội,
không thấy được những nhu cầu, đòi hỏi hết sức chính đáng của con người, trong
đó đặc biệt là nhu cầu về lợi ích vật chất, lợi ích trước mắt, không thấy được
những tác nhân sinh học bên cạnh những tác nhân xã hội. Và như thế cũng có
nghĩa là nguồn lực con người chưa được huy động hợp lý. Không chú ý đến con người
- "những cá nhân hiện thực, hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt
vật chất của họ" [193] thì không thể nói đến việc phát huy nguồn lực con người,
kích thích tính năng động của con người trong sản xuất. Sự trì trệ trong
sản xuất tất nhiên sẽ kéo theo sự trì trệ của cả xã hội.
8.1.6. Xuất phát từ thực trạng đất nước, trên cơ sở suy ngẫm
về nghiên cứu lý luận nói chung, trong đó có lý luận về con người và vai trò của
nhân tố con người nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã đổi mới một cách mạnh
mẽ quan niệm về chủ nghĩa xã hội, về con dường xây dựng chủ nghĩa xã hội, về sự
phát triển xã hội và về con người. Đại hội VI của Đảng (1986) là Đại hội mở ra
thời kỳ đổi mới, chuyển từ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Quá trình hội nhập
đã mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho đất nước, cho con người, kể cả
con người xã hội và con người cá nhân. Cũng chính Đại hội này đã khẳng định
“nhân tố người” trong tiến trình phát triển của xã hội. Từ sự xác định đúng đắn
đó, con người được chuyển dịch dần vào vị trí trung tâm của mọi quá trình phát
triển. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000 khẳng
định “Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con
người”; "lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó
hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp”; “đặt con người
vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội” [194].
Từ đó, quan điểm đổi mới của Đảng tiếp tục được phát triển,
đi tới làm rõ hơn, làm chính xác hơn các vấn đề của lý luận và của đời sống thực
tiễn. Các Đại hội sau của Đảng tiếp tục khẳng định con người vừa là mục tiêu vừa
là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là quan điểm tiến bộ mà
loài người ở thời đại ngày nay đã đạt tới. Đại hội IX của Đảng (2001) đã xác định
rõ thêm sự phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học -
công nghệ là những khâu đột phá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước. Mục tiêu cao nhất của Đảng, của dân tộc và của từng người chính
là xây dựng một xã hội với các phẩm chất dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh.
8.1.7. Chú trọng đến con người và nhân tố con người là nhằm
giải phóng tiềm năng con nguời, phát huy nội lực con người và sử dụng một cách
có hiệu quả mọi nguồn lực con người, thông qua hai cơ chế: cơ chế di truyền và
cơ chế di sản (tiến hoá sinh học và tiến hoá văn hoá). Cơ chế tiến hoá văn hoá
chính là giáo dục theo nghĩa rộng. Đảng và Nhà nước ta đã coi giáo dục là quốc
sách hàng đầu, nhằm phát triển nguồn nhân lực với những con người biết kế thừa
và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc như Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) đã khẳng
định, nhằm phát triển con người, nguồn nhân lực đủ tài, trí và đức đảm nhận nhiệm
vụ xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại
hoá. Con người được xem là lực lượng sản xuất quan trọng nhất.
Cơ sở lý luận của việc nghiên cứu và phát triển con người là
những quan điểm có tính chất nền tảng của các tác gia kinh điển của chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người. Quan điểm đổi mới về con người
của Đảng ta đã vận dụng và phát triển những quan điểm quý báu về con người của
C. Mác, bắt kịp quan điểm của thời đại. Với sự nghiệp đổi mới, chúng ta đã từng
bước hiểu con nguời một cách sâu sắc hơn, thực tế hơn bằng cách dựa vào những
thành tựu khoa học hiện đại và những tư tưởng tiến bộ mà nhân loại đã đạt tới...
để nghiên cứu con người đúng như nó vốn có: một thực thể văn hoá văn minh, một
thực thể sinh học - xã hội đang sống, đang làm ra của cải vật chất, làm ra các
giá trị và làm ra cả chính bản thân con người, trong đó có con người Việt Nam,
là giá trị cao quý nhất của đất nước.
Trong mọi hoàn cảnh lịch sử của cách mạng Việt Nam, con người
trong quan niệm của Đảng ta không phải là con nguời chung chung, phi giai cấp
mà chính là những người lao động, là quần chúng nhân dân, là chủ thể cụ thể của
lịch sử. "Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn.
Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người" [195] (Hồ Chí Minh). Sứ mệnh của Đảng ta là giải phóng dân tộc,
giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trong đó giải phóng con người là mục
tiêu tối thượng. Vấn đề dân tộc, giai cấp và vấn đề con người ở đây gắn bó hữu
cơ với nhau. Con người chỉ được giải phóng khi dân tộc, giai cấp được giải
phóng. Không có độc lập dân tộc thì giai cấp không có tự do, con người không có
tự do. Đối với những người cộng sản Việt Nam, giải phóng con người là phấn đấu
xây dựng xã hội bình đẳng, không có người bóc lột người, một xã hội mà trong đó
mọi người được sống một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và được tạo điều kiện
để phát triển toàn diện cá nhân. Con người được giải phóng khỏi mọi sự nô dịch,
được tự do phát triển về cá nhân, cá tính và nhân cách. Như vậy có nghĩa là việc
giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ thực dân, phong kiến mới chỉ là thắng lợi bước
đầu của cách mạng vô sản. Mục đích lâu dài của cách mạng xã hội chủ nghĩa là phải
đem lại cho người lao động một cuộc sống mà trong đó họ được làm chủ bản thân
và làm chủ xã hội. “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự
do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” [196] - Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh quả là sâu sắc
và độc đáo, song điều đáng lưu ý là, cũng phải sau hàng chục năm, tư tưởng này
mới được phổ biến và khai thác cùng với sự nghiệp đổi mới.
8.1.8. Thực ra, chăm lo cho con người, chú trọng “trồng người”,
“lấy dân làm gốc”, phát triển con người một cách toàn diện... là những tư tưởng
từ lâu đã trở thành truyền thống ở Việt Nam. Đó là những tư tưởng được lãnh tụ
Hồ Chí Minh kế thừa và nâng lên một tầm cao mới. Ngay từ năm 1957, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nhấn mạnh “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người
xã hội chủ nghĩa” [197]. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh coi
"vấn đề con người là vấn đề hàng đầu” và đến tận cuối đời, Người vẫn dặn lại
trong Di chúc: “Đầu tiên là công việc đối với con người” [198].
Việc đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển
kinh tế - xã hội, một lần nữa, khẳng định ý nghĩa quyết định của nhân tố con
người trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng - cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân,
trước kia, cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa, hiện nay. Tư tưởng này bắt nhịp được với xu thế chung của tiến bộ
nhân loại - không quá tuyệt đối hoá sức mạnh kinh tế, không thần thánh hoá khoa
học, công nghệ hay bất kỳ một nhân tố nào khác mà “trở lại với con người”, vì sự
phát triển con người. Tư tưởng coi con người chiếm vị thế trung tâm của sự phát
triển, ngày nay, được hiểu một cách cụ thể và thiết thực.
8.1.9. Từ đại hội VI của Đảng đến nay, tư tưởng này từng bước
đã được quán triệt trong các chủ trương, các chính sách kinh tế - xã hội và trở
thành các quan điểm chỉ đạo: con người là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực
cơ bản của sự phát triển. Từ đây, các thước đo giá trị, thang giá trị mới trong
đào tạo, sử dụng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực đã được hình thành và đang
hoàn thiện dần. Việc sử dụng cơ chế thị trường đã góp phần thúc đẩy việc giải
quyết tốt hơn vấn đề về quan hệ giữa con người xã hội và con người cá nhân, con
người công dân và con người cá thể, con người trách nhiệm và con người tự do,
con người đạo đức và con người pháp lý, con người truyền thống và con người hiện
đại, v.v... Vấn đề lợi ích được giải quyết dần dần theo hướng “lợi ích của mỗi
người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi
ích cá nhân là động lực trực tiếp”[199], đảm bảo hài hoà các lợi ích riêng và chung, quan tâm phát
triển sản xuất vật chất và chăm lo cuộc sống văn hóa tinh thần, nhằm mục tiêu
no ấm, tự do, hạnh phúc. Nhằm phát triển toàn diện con nguời, việc xây dựng con
người được xem là nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hóa. Bản chất của
văn hoá chính là con người. Con nguời là chủ thể sáng tạo ra văn hoá. Bởi vậy,
chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn
hoá dân tộc, trong đó nội dung quan trọng là phải xây dựng được con người phù hợp
với những đòi hỏi của điều kiện mới. Tại Đại hội IX, Đảng ta khẳng định: “Phát
huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam; coi phát triển
giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và là động lực của sự
nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”[200]. Đó là một tư tưởng có tầm chiến lược quan trọng. Con người
Việt Nam trong thế kỷ XXI, trước hết phải là những con người được đào tạo có
trí tuệ, có tay nghề vững vàng; là người lao động có chất lượng cao, có giác ngộ
cách mạng sâu sắc, có đạo đức trong sáng; nói theo thuật ngữ quen thuộc thì đó
là những người “vừa hồng vừa chuyên”.
Rõ ràng, tư tưởng đổi mới của Đảng về con người đã tạo tiền đề
cho công tác lý luận đưa ra được một hệ thống các quan điểm khá toàn diện về
con người và phát triển con người. Những thành tựu trong nghiên cứu về con người,
đặc biệt, con người với tư cách là nguồn lực của sự phát triển đã trở thành cơ
sở quan trọng trong việc hoạch định các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm
phát huy nhân tố con người góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đó
là một bước tiến mới trong công tác lý luận về con người gắn liền với những
Chương trình khoa học - công nghệ về con người, về văn hoá và về chính sách xã
hội…
8.1.10. Tuy nhiên, thực tế của quá trình đổi mới cho thấy, việc
chú trọng đến con người với tất cả nhu cầu và lợi ích của nó là một bài toán
không đơn giản, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường. Bởi lợi ích có thể
có vai trò rất khác nhau khi thúc đẩy các hoạt động của con người. Vì lợi ích,
con người có thể có những sáng kiến hay, những suy nghĩ sáng tạo, những cách
làm độc đáo… góp phần làm cho xã hội tiến bộ. Nhưng lợi ích cũng có thể làm nảy
sinh những hành vi vi phạm đạo đức, bất chấp đạo lý, thậm chí những mưu mô, những
hoạt động chống lại cộng đồng và xã hội. Hơn thế nữa, việc khuyến khích lợi ích
cũng có giới hạn của nó. Nếu khuyến khích một cách quá mức một lợi ích nào đó,
thì chính điều đó có thể làm tổn hại hoặc vi phạm đến các lợi ích khác. Chỉ mới
có một thời gian chưa dài phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, chúng ta
đã chứng kiến nhiều trường hợp do chạy theo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích kinh tế
một cách quá đáng, gây tổn hại tới lợi ích xã hội và các lợi ích khác. Do vậy,
việc tìm ra cơ chế xử lý các lợi ích một cách thoả đáng phải được xem là một
trong những biện pháp cực kỳ quan trọng để kích thích tính tích cực của người
lao động và hướng tính tích cực đó vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã
hội.
8.2. Vị trí của vấn đề con người trong sự phát triển: con người
là mục tiêu và là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội
Như đã nói ở trên, quan điểm coi con người là mục tiêu và là
động lực của sự phát triển, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược
kinh tế - xã hội được ghi thành văn bản trong Văn kiện Đại hội VII của Đảng
(năm 1991- Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000). Vậy,
quan điểm con người là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội được hiểu
như thế nào?
8.2.1. Trong lịch sử tư tưởng, một số nhà kinh tế học tư sản
trước Mác, chẳng hạn như Adam Smít, đã cho rằng lao động là nguồn gốc của mọi của
cải vật chất. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ăngghen khẳng định rằng,
lao động đúng là như vậy, nhưng chỉ riêng lao động thì cũng chưa thể sản sinh ra
mọi của cải vật chất. Lao động trong sự kết hợp với giới tự nhiên, cái cung cấp
những vật liệu cho lao động, mới tạo ra mọi của cải vật chất [201]. Vì vậy, khi nói rằng con người có vai trò quyết định, thì
điều đó không có nghĩa là con người có thể quyết định khi nó hoàn toàn biệt lập
với nguồn lực tự nhiên và với các nguồn lực khác. Cho đến hiện nay, tất cả các
nguồn lực khác đều vẫn cần thiết và vẫn là quan trọng. Bản thân con người, nếu
bị cô lập với giới tự nhiên, với các nguồn lực khác, thì không còn là con người,
hay nó chưa thể hoạt động với tính cách là con người. Trí tuệ đẻ ra trí tuệ -
đúng như Alvin Toffler đã khẳng định, song trí tuệ không sinh ra trong sự cô lập
hoàn toàn với thực tiễn khoa học và thực tiễn xã hội. Bởi vậy, khi khẳng định
con người hay nguồn lực con người đóng vai trò quyết định thì điều đó có nghĩa
là con người và nguồn lực con người đã được đặt trên cơ sở thực tiễn xã hội, dựa
vào tiền đề của các nguồn lực hiện có và sẽ có.
Đương nhiên, khác với trước đây, cái quyết định sự phát triển
có thể là nguồn vốn hoặc nguồn lực tự nhiên, thì ngày nay, cái đóng vai trò quyết
định chính là con người, là nguồn lực con người.
Sở dĩ người ta nói đến tính vô tận, tính không bị cạn kiệt,
tính khai thác không bao giờ hết của nguồn lực con người chính là do yếu tố trí
tuệ - một thành tố rất cơ bản của nguồn lực con người trong xã hội hiện đại.
Trí tuệ của con người hiện nay mỗi ngày mỗi phát triển và có tác động mạnh mẽ
làm thay đổi bộ mặt xã hội. Cách đây hơn 20 năm, Alvin Toffler, Nhà tương lai học
người Mỹ đã đi đến kết luận, mọi nguồn lực tự nhiên đều có thể bị khai thác cạn
kiệt, chỉ có trí tuệ con người là "đẻ ra trí tuệ" và do vậy, “tri thức
có tính chất lấy không bao giờ hết”[202], càng khai thác nó càng trở nên giàu có.
8.2.2. Với những cơ sở và tiền đề như vậy, vai trò của con
người được thể hiện vừa với tư cách là chủ thể vừa với tư cách
là khách thể của các quá trình kinh tế - xã hội.
Trong quan hệ với nguồn lực tự nhiên và các nguồn lực khác
thì nguồn lực con người thể hiện với tư cách là chủ thể của sự khai thác, sử dụng.
Bản thân nguồn lực tự nhiên và các nguồn lực khác tự nó không thể tham gia vào
các quá trình kinh tế - xã hội, do đó chưa thể trở thành động lực của sự phát
triển kinh tế - xã hội. Vai trò động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội luôn
thuộc về con người. Chính con người với sức lực và trí tuệ của mình mới là nhân
tố quyết định hiệu quả của việc khai thác nguồn lực tự nhiên và các nguồn lực
khác. Đồng thời, việc khai thác nguồn lực tự nhiên có hiệu quả sẽ nhân lên sức
mạnh của nguồn lực con người. Đây chính là biện chứng của mối quan hệ giữa các
nguồn lực.
Thực tế cho thấy, nhờ có lợi thế về vị trí địa lí, nhờ nguồn
tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng thời do biết cách khai thác thế mạnh đó
mà một số nước đã trở thành những nước giàu và có nền kinh tế tăng trưởng với tốc
độ cao. Ngược lại, chúng ta có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ về việc khai thác các
nguồn lực tự nhiên một cách bừa bãi và vô ý thức vì mục đích kinh tế đơn thuần
đã đem lại cho con người những thảm họa về môi sinh và những thảm họa khác mà
trước đó người ta chưa hề lường trước. Điều này nói lên rằng, con người có vai
trò quyết định theo cả chiều thuận lẫn chiều nghịch. Và bởi vậy, nhân tố con
người vốn đã quan trọng càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Người ta nói con
người là nguyên nhân cuối cùng của mọi thất bại, cơ sở sâu xa của mọi thành
công là nói theo nghĩa này.
8.2.3. Nhưng con người không chỉ quyết định hiệu quả của việc
khai thác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và các nguồn lực khác hiện có mà còn góp
phần tạo ra các nguồn lực mới. Điều đó có liên quan tới sự kế thừa giữa các thế
hệ trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Mỗi thế hệ đều được thừa
hưởng các nguồn lực do thế hệ trước để lại, đồng thời có nghĩa vụ tạo ra các
nguồn lực mới cho thế hệ con cháu mai sau.
Ngày nay, khi nói về những hậu quả tiêu cực của tăng trưởng
kinh tế, nhiều học giả đề cập tới một số dạng tăng trưởng với hàm ý phê phán,
trong đó có kiểu tăng trưởng bất chấp tương lai (Futureless growth).
Ngay từ những năm 70, các học giả MIT của câu lạc bộ Rôma đã dự báo về giới
hạn của sự tăng trưởngdo nguồn tài nguyên thiên nhiên giảm dần. Thực ra, dự báo
của câu lạc bộ Rôma về giới hạn của sự tăng trưởng không phải là toàn bộ tư tưởng
của những người lên tiếng cảnh báo về dạng tăng trưởng bất chấp tương lai. Phải
đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế thế giới đã đạt đến trình
độ rất cao, con người mới có điều kiện để hiểu một cách sâu sắc những tác
động ngược về mặt văn hóa của tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng, không phải
trong mọi trường hợp, tăng trưởng kinh tế đều có ý nghĩa tích cực. Hiện nay,
Trung Quốc đang lo ngại về tình trạng nền kinh tế tăng trưởng "quá
nóng". Các chuyên gia UNDP đã chỉ ra có tới 5 dạng tăng trưởng kinh tế chẳng
những không làm lợi cho con người và xã hội mà ngược lại còn làm nguy hại cho sự
phát triển. Người ta gọi đó là các dạng tăng trưởng phản phát triển[203].
Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều ý thức rõ tác hại của kiểu
tăng trưởng này và tuyên chiến với nó. Tuy vậy, những ý định tốt đẹp vẫn chưa
phải là cơ chế ngăn cản sự tăng trưởng bất chấp tương lai. Những phức tạp của
quá trình toàn cầu hóa, sự can thiệp và chi phối của những nước giàu, sự thiếu
hụt về nhiều mặt ở những nền kinh tế chậm phát triển, tình trạng tham nhũng
tràn lan ở một số quốc gia... luôn gây ra những nguy cơ to lớn đối với các nền
kinh tế muốn đạt tới sự phát triển bền vững. Ý thức rõ điều này, Đảng ta đã khẳng
định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội
công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hoá là kết quả của
kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố phải gắn kết
chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh
tế, luật pháp, kỷ cương,... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự
phát triển”[204].
8.2.4. Con người được xem là nhân tố quan trọng hàng đầu
trong tương quan với các nhân tố kinh tế - kỹ thuật khác. Điều này hoàn toàn
không có nghĩa là xem nhẹ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật hay các yếu tố
khác như vốn, nguồn lực tự nhiên… Quá trình phát triển nói chung và quá trình sản
xuất nói riêng, là sự tổ hợp hài hòa giữa các yếu tố tất yếu, nhưng xét đến
cùng, con người (người tổ chức, quản lý sản xuất, người trực tiếp sản xuất) với
hàm lượng tư duy, trí tuệ và trình độ tay nghề của mình, ngày nay, đóng vai trò
quyết định đến sản phẩm, chất lượng, hiệu quả của lao động. Khả năng của người
lao động, trình độ đầu vào của nguồn nhân lực, trên thực tế, sẽ quyết định chất
lượng sản phẩm, quyết định giá trị của sản phẩm và sự thắng thế trong cạnh
tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Chính con người chứ không phải là
vốn hay tài nguyên thiên nhiên quyết định khả năng phát triển bền vững của nền
kinh tế của các quốc gia. Con người của mỗi quốc gia là vốn quý nhất, là nguồn
lực quý nhất của nước đó. Thực tế cho thấy, những nước có nền kinh tế phát triển
cao hiện nay là những nước có chiến lược phát triển hợp lý, có bộ máy điều hành
vĩ mô năng động và có đội ngũ những người lao động có chất lượng cao. Những
nhân tố này sẽ tạo cho sự phát triển không bao giờ bị cạn kiệt về nguồn lực.
Quan điểm của Đảng ta xem con người là động lực có ý nghĩa lý
luận và thực tiễn to lớn. Về mặt lý luận, quan điểm này thể hiện một bước tiến
dài trong nhận thức về con người và vai trò của con người, phù hợp với xu hướng
phát triển của thế giới ngày nay: nếu có một chiến lược phát triển hợp lý, các
quốc gia đi sau vẫn có khả năng phát triển nhanh mà không nhất thiết phải được
thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, không nhất thiết phải có các điều kiện như
các nước công nghiệp thế hệ thứ nhất. Quan điểm này cũng đòi hỏi các quyết sách
vĩ mô phải năng động và sáng suốt, luôn phản ánh được những quy luật tiến bộ của
thời đại. Ngoài ra, việc xem con người là động lực của sự phát triển còn thể hiện
một niềm tin vào năng lực, tin vào sức mạnh trí tuệ của con người. Đó chính là
khía cạnh nhân văn thể hiện trong Đường lối của Đảng ta.
Về mặt thực tiễn, quan điểm của Đảng ta xem con người là động
lực đã đưa ra được lời giải cho vấn đề tạo nguồn lực thực sự cho sự phát triển,
chỉ rõ mục tiêu căn bản và lâu dài của sự phát triển không phải chỉ đơn thuần
là phát triển kinh tế, hay phát triển xã hội… mà là phát triển con người. Cương
lĩnh xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ đã xác định và được Đại hội IX của
Đảng tiếp tục khẳng định: “Vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi
tiềm năng sáng tạo của nhân dân”[205]. Văn kiện Đại hội IX của Đảng cũng nêu rõ: “Phát huy nguồn lực
trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam, coi phát triển giáo dục và
đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và là động lực của sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hoá” [206].
8.2.5. Quan điểm con người là động lực cũng không có nghĩa là
xem nhẹ yếu tố tài nguyên thiên nhiên. ở một số nước, do được ưu đãi về tài
nguyên thiên nhiên và bằng việc khai thác nguồn tài nguyên này, các nước đó đã
tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế. Nhưng bản thân tài nguyên thiên nhiên chưa
phải là động lực, cũng không phải là nguồn lực vô hạn, nó chỉ trở thành vốn hữu
hiệu khi được khai thác và sử dụng một cách thông minh, tức là dưới sự tác động
hiệu quả của nhân tố con người. Hiện nay có không ít quốc gia có thể được xem
là giàu có về tài nguyên thiên nhiên, những vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng, chưa
biến thành động lực mạnh mẽ để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, phụ thuộc
(như một số nước Châu Phi); thậm chí có trường hợp do không có không biết sử dụng
nguồn lực con người để khai thác tài nguyên làm giàu cho đất nước, nên chính sự
ưu đãi của tự nhiên lại biến thành nguyên nhân cho sự xâu xé của các thế lực
trong và ngoài, gây nên tình trạng phụ thuộc, thuộc địa và cả bất ổn và chiến
tranh.
Trong khi đó, có những nước không được ưu đãi về tài nguyên
thiên nhiên, thậm chí phải chịu một thiên nhiên khắc nghiệt nhưng do biết sử dụng
hợp lý vốn con người, vốn tri thức… nên nền kinh tế vẫn phát triển cao. Trường
hợp Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore.. là những minh chứng cho sự không
quyết định của yếu tố tài nguyên thiên nhiên.
Vốn tài chính cũng chưa phải là động lực. Vốn rất quan trọng,
nhưng thực tế phát triển của các nền kinh tế hiện đại cho thấy, bản thân vốn
cũng chỉ trởthành động lực khi được sử dụng “có tầm nhìn để sinh lợi”. Với Việt
Nam, hiện vốn tài chính của nền kinh tế đã có thể huy động được từ nhiều nguồn
khác nhau, từ trong dân, từ các tổ chức tài chính tín dụng quốc tế, từ sự viện
trợ, cho vay của nước ngoài, từ tích luỹ nội bộ của nền kinh tế, từ vốn đầu
tư..., nhưng tất cả các khả năng đó đều phụ thuộc vào nhân tố con người - con
người tạo ra hiệu quả của việc sử dụng vốn. Đã có không ít quốc gia vay vốn của
nước ngoài rồi vượt quá khả năng thanh toán của nền kinh tế, chứa đựng nhiều rủi
ro, thậm chí là rơi vào khủng hoảng. Trường hợp Argentina những năm gần đây là
bài học đắt giá đối với tất cả các quốc gia có sử dụng vốn vay của các tổ chức
tài chính quốc tế.
Rõ ràng, con người với tất cả sức mạnh sinh thể và sức mạnh
tinh thần đa dạng thể hiện thông qua nhu cầu và lợi ích phức tạp của nó mới là
động lực thực sự của sự phát triển. Yếu tố quyết định nhất đến sự tăng
truởng nhanh hay chậm của nền kinh tế chính là con người chứ không phải là các
yếu tố khác.
8.3. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
8.3.1. Nhằm mục tiêu đến năm 2020 đưa đất nước về cơ bản trở
thành một nước công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta
là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch
vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử
dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp
tiên tiến, hiện đại tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
Thực chất công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta là quá
trình tạo ra những tiền đề về vật chất, kỹ thuật, về con người, công nghệ,
phương tiện, phương pháp - những yếu tố cơ bản của lực lượng sản xuất cho chủ
nghĩa xã hội. Nội dung cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cải
biến lao động thủ công, lạc hậu thành lao động sử dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện
đại để đạt tới năng suất lao động cao.
Ngay từ những năm 60, Đảng ta đã xác định công nghiệp hóa, hiện
đại hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ và cũng đã đạt được một
số thành tựu đáng kể. Nhưng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
chúng ta cũng đã phạm phải một số sai lầm, thiếu sót. Chủ trương ưu tiên
phát triển công nghiệp nặng trên thực tế đã làm suy yếu và hạn chế khả năng
phát triển của công nghiệp nhẹ, dịch vụ và nông nghiệp. Trong điều kiện đất nước
còn nghèo như trước đây, việc ưu tiên công nghiệp nặng gắn với mục tiêu của hiện
đại hoá là phấn đấu để cơ khí hoá toàn bộ nền sản xuất xã hội… đã bị hoàn cảnh
khiến cho trở thành không thực tế. Từ những thành tựu cũng như sai lầm, thiếu
sót trước đây, nhận thức và cách làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đã
có bước phát triển phù hợp với tình hình mới. Đó là:
Một là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn liền với
hiện đại hoá. Có như vậy mới có thể rút ngắn được quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, nâng cao hiệu quả của chuyển giao công nghệ và tiến tới bắt nhịp được
với sự phát triển nói chung. Quan điểm này có một ý nghĩa quan trọng, nhất là
trong điều kiện hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển hết sức nhanh chóng
Hai là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo cơ chế mới -
cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước.
Điều tiết và quản lý vĩ mô không phải là kế hoạch hóa tập trung - quan liêu.
Thứ ba, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của
toàn dân với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh
tế tư bản tư nhân, kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế nhà nước chỉ giữ vai trò
chủ đạo thay cho quan niệm trước đây - công nghiệp hóa chủ yếu là việc của nhà
nước thông qua khu vực kinh tế quốc doanh và tập thể.
Thứ tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo xu hướng quốc
tế hoá và hội nhập kinh tế thế giới, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu
hoá chứ không phải theo kiểu khép kín, làm từ đầu đến cuối như trước đây.
Với quan điểm đổi mới như thế, có thể thấy Đảng và Nhà nước
ta chủ trương phát huy mọi tiềm lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta
tiến hành nhiệm vụ này khi nhiều nước trên thế giới đã bước vào giai đoạn hậu
công nghiệp, nền kinh tế thế giới đã bước sang một giai đoạn phát triển mới về
chất: giai đoạn kinh tế tri thức với đặc điểm là khoa học công nghệ phát triển
như vũ bão, hàm lượng tri thức chiếm phần lớn giá trị sản phẩm. Bối cảnh đó với
xu thế toàn cầu hoá đưa lại cho những nước đi sau nhiều cơ hội để có thể đi tắt,
rút ngắn thời gian, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn. Công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh như thế đặt ra nhiều vấn đề, trong đó, con người,
nhân tố con người, phát triển nguồn nhân lực là những vấn đề đặt ra cấp bách.
8.3.2. Thực tiễn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước
ta trong thời gian qua cho thấy, vấn đề bất cập lớn nhất vẫn là vấn đề con người
chứ không phải là vốn hay kỹ thuật. Khó khăn thường vẫn được nhiều người nhắc đến
là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, yếu kém, vốn tài chính hạn hẹp, công nghệ
lạc hậu, v.v… Nhưng tất cả những khó khăn to lớn đó vẫn có thể khắc phục được
trong một khoảng thời gian nhất định nếu có những người đủ năng lực giải quyết
chúng. Nhưng những hạn chế thuộc về hạ tầng xã hội như: trình độ dân trí, trình
độ người lao động, thái độ, thói quen sản xuất lớn của người lao động trong nền
sản xuất hàng hoá lớn là những thứ chúng ta đang rất thiếu và trong một thời
gian ngắn không thể thay đổi nhanh chóng được. Vốn có thể vay được từ nước
ngoài, từ các tổ chức tài chính- tín dụng quốc tế hoặc huy động được từ trong
nhân dân, kỹ thuật có thể mua được, hoặc chuyển giao công nghệ nhưng con
người - nguồn nhân lực chất lượng cao thì trong một khoảng thời gian ngắn không
thể có được. Hiện nay đó là điều thiếu nhất ở nước ta. Nước ta có dân số đông,
dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn nhưng số lao động được đào tạo
nghề lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Hàng năm chúng ta có khoảng một triệu
người đến tuổi bổ sung vào đội ngũ người lao động, nhưng 70% trong số đó vẫn
không được đào tạo nghề. Số lao động này không thể đáp ứng được yêu cầu của các
cơ sở sản xuất đòi hỏi trình độ cao. Đây chính là khó khăn lớn đối với nước ta
hiện nay khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như thực hiện các giải
pháp nhằm tạo công ăn việc làm, giải quyết nạn thất nghiệp, nâng cao đời sống
nhân dân. Thực tế đó rõ ràng là đang cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa ở đất nước ta hiện nay. Vậy, để có được con người và nguồn nhân lực thực sự
đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời
đại toàn cầu hoá, con người Việt Nam cần phải được xây dựng như thế nào?
8.3.3. Tại đại hội IX, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng con người
Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất,
năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng
nghĩa tình, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và
xã hội. Văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách,
kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy ý chí tự lực, tự cường
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"[207].
Tư tưởng này là sự cụ thể hoá thêm một bước quan điểm về xây
dựng con người đã được nêu rõ trong Cương lĩnh 1991: Xây dựng con người
“có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ và lao động
giỏi; sống có văn hoá và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế
chân chính”[208]. Tư tưởng này cũng là cụ thể hoá một quan điểm rất cơ bản của
chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: phát triển toàn diện con người là
một tất yếu lịch sử mang tính quy luật về giải phóng con người, giải phóng dân
tộc, phát triển xã hội - sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện
phát triển tự do của tất cả mọi người [209].
Nội dung của quan điểm về phát triển con người toàn diện có
thể được tóm lược như sau:
Theo lý thuyết phát triển con người, để đáp ứng được những
thách thức to lớn của sự phát triển, con người Việt Nam trong thế kỷ XXI là con
người có năng lực sinh thể khỏe mạnh và năng lực tinh thần cao đẹp.
Trong văn kiện Đại hội IX của Đảng, một trong những mục tiêu
về con người được Đảng ta nêu rõ là phấn đấu để nâng lên đáng kể chỉ số phát
triển con người của người Việt Nam[210]. Muốn vậy, việc thực hiện các chỉ số cụ thể của phát triển
con người là cả một quá trình đồng bộ, có sự cố gắng của toàn xã hội nhằm mở rộng
hơn nữa cơ hội cho sự lựa chọn và tăng cường hơn nữa năng lực lựa chọn cho tất
cả mọi người.
Như vậy, cần phải coi hệ thống các tiêu chí đặc trưng cho
phát triển con người là mục tiêu tổng quát để xây dựng con người theo hướng
phát triển toàn diện. Nếu các chỉ số này được cải thiện đồng bộ, hợp lý thì yêu
cầu về sự phát triển con người một cách toàn diện - con người Việt Nam có
năng lực sinh thể khỏe mạnh và có năng lực tinh thần cao đẹp sẽ được đảm bảo.
Đối với nước ta, mục tiêu tổng quát để phát triển con người gồm hệ thống các chỉ
số đặc trưng:
- Nền
kinh tế tăng trưởng khoảng trên 7%/ năm; cơ cấu kinh tế cân đối lành mạnh; cải
thiện được các chỉ số kinh tế.
- Cải
thiện được chỉ số tuổi thọ và giáo dục.
- Cải
thiện được chỉ số nghèo khổ tổng hợp
- Tăng
cường an sinh xã hội; giải quyết đồng bộ các vấn đề kinh tế với các vấn đề xã hội,
phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện
tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường[211].
Về các phẩm chất tinh thần, con người Việt Nam phát triển
toàn diện được xây dựng theo các tiêu chí sau:
- Đối
mặt với những thách thức của thế kỷ XXI, con người Việt Nam, trước hết là những
người yêu nước, có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, biết góp phần
cùng cộng đồng phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh.
- Đáp
ứng những đòi hỏi không ngừng của sự tiến bộ, con người Việt Nam phát triển
toàn diện là người lao động có trí tuệ, lao động - sáng tạo; hàm lượng trí tuệ trong
lao động ngày càng cao. Những yếu tố về chất lượng người lao động thường
bao gồm thể chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động, yêu cầu sử
dụng của các ngành sản xuất, vốn và trang bị kỹ thuật. Trình độ của người
lao động bao gồm trước hết là tri thức: tri thức văn hoá và tri thức nghề nghiệp
bao gồm cả "tay nghề" và "trí nghề". Dựa trên nền tảng tri
thức văn hoá nói chung, người lao động phải được đào tạo tay nghề và trí nghề một
cách bài bản, chính quy. Tất cả những yếu tố này hiện ở nước ta đều chưa hoàn
chỉnh. Do vậy, phải xây dựng được hệ thống giáo dục đồng bộ và có chất lượng
đáp ứng được đòi hỏi của việc xây dựng con người.
- Trong
quá trình toàn cầu hoá, con người Việt Nam phát triển toàn diện là người con
người có văn hoá; nghĩa là, con người mang văn hoá Việt Nam, biết phát huy bản
sắc dân tộc của văn hoá đồng thời biết tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Văn
hoá là một chiều kích của sự phát triển. Do vậy, con người Việt Nam hiện đại dù
có phát triển như thế nào cũng vẫn phải đáp ứng nhu cầu giữ được bản sắc là người
Việt. Trong tương lai, về phương diện văn minh, xã hội Việt Nam có thể có nhiều
nét tương đồng với nhiều quốc gia tiến bộ khác, song về mặt văn hoá, thì dù cho
thế giới có biến đổi đến thế nào, dù cho đời sống vật chất nước ta có giống các
nước phương Tây đến mấy, con người Việt Nam hiện đại cần được xây dựng vẫn là
con người đậm đà văn hoá Việt Nam, phong cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.
8.4. Kết luận
Những thành tựu của hơn 20 năm đổi mới cho thấy việc chú trọng
đến con người và nhân tố con người không chỉ là bài học của hôm nay mà còn là
tư tưởng có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển đất nước mai sau. Những kết
quả cụ thể trong việc sử dụng hợp lý nhân tố con người, quan tâm nuôi dưỡng nguồn
lực con người, nhất là nguồn lực trí tuệ là vốn kinh nghiệm ban đầu qúy giá để
Việt Nam tiếp tục phát triển.
Con người - nguyên nhân cuối cùng của mọi thất bại, cơ sở sâu
xa của mọi thành công. Điều này tưởng chừng như rất xưa cũ, nhưng hóa ra vẫn
chứa đựng ý nghĩa thời sự của nó. Một lần nữa, điều này đã được chứng minh một
cách thuyết phục bằng thực tiễn sinh động của sự tăng trưởng, phát triển và tiếp
tục phát triển của đất nước ở giai đoạn đổi mới.
Ngày nay, toàn cầu hóa đang tạo ra điều kiện để đa số cư dân
được tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa, văn minh nhân loại. Nhưng học tập được cái
gì, hay biến đổi như thế nào - điều này lại phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của
dân tộc và của mỗi con người. Bản sắc văn hóa, bản lĩnh làm người là
cái cần phải được bảo tồn, phát huy làm hành trang cho sự phát triển. Bản
sắc văn hoá Việt Nam, bản lĩnh làm người Việt Nam chắc chắn là một phẩm chất
cần có của con người Việt Nam hiện đại.
Chương 9
PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VIỆT NAM: MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN
"Xã hội sản xuất ra con người thế nào thì con người cũng sản
xuất ra xã hội như thế"
CÁC MÁC
Sở dĩ tư tưởng đề cao con người, xem xét sự phát triển con
người theo nhu cầu của phát triển bền vững, ngày nay được coi là gắn với các hoạt
động của UNDP là bởi vì, vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, UNDP đã cải tạo
lại, và cải tạo rất thành công quan điểm Anthropocentrism. Lấy lại tinh thần
nhân đạo của Anthropocentrism, nhưng không đi theo truyền thống mà Teilhard de
Chardin đã đề xướng. UNDP đề cao con người nhưng không chỉ là con người cá thể,
cá nhân, mà là con người của số đông - con người cộng đồng. UNDP coi con người
là trung tâm nhưng không phải là trung tâm của vũ trụ hay của nhận thức, mà chỉ
là trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi thừa nhận con người là nguồn
lực vô tận, là nhân tố quyết định, là mục tiêu của sự phát triển, UNDP đã nhẫn
nại phê phán, khuyến cáo những quan điểm ít nhiều phiến diện như coi phát
triển đơn thuần chỉ là phát triển kinh tế hay công nghệ; coi tăng trưởng kinh tế
đồng nghĩa với phát triển; chú trọng phát triển nhưng vô tình hoặc cố ý bỏ quên
con người; nhìn con người chỉ như là công cụ, là phương tiện của sự phát triển,
v.v... (Xem chương 4).
9.1.1. Gắn liền với lý thuyết phát triển con người (Human
Development) của UNDP là bộ công cụ đo thực trạng phát triển con người. Khoa học
xã hội phương Tây đặc biệt chú trọng nghiên cứu định lượng, người ta rất sợ những
nghiên cứu thuần định tính không có cơ sở định lượng kèm theo. Bởi vậy ngay từ
năm 1990, khi công bố Báo cáo đầu tiên về phát triển con người, UNDP đã đưa ra
chỉ số phát triển con người (HDI – Human Development Index) để đo đạc những khía
cạnh cơ bản của năng lực con người.
HDI là một hệ tiêu chí có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển
bền vững nói chung. Hệ tiêu chí này bao gồm hàng loạt các chỉ số thể hiện chất
lượng sống (phản ánh qua chỉ số kinh tế - mức thu nhập quốc dân, thu nhập quốc
dân bình quân/người), năng lực sinh thể của người dân (phản ánh qua chỉ số tuổi
thọ), và năng lực tinh thần của người dân (phản ánh qua chỉ số giáo dục).
Hiện nay, trong các Báo cáo phát triển con người, số lượng
các chỉ số được đo đạc đã bổ sung thêm nhiều; báo cáo 2005 và 2006 đã xuất hiện
gần 100 chỉ số, song khi tính toán, người ta vẫn quy về ba chỉ số cơ bản (điều
kiện sống, năng lực sinh thể và năng lực tinh thần), phản ánh ba mặt cơ bản của
sự phát triển con người. Các chỉ số khác, trên thực tế, chỉ là bổ sung nhằm làm
rõ những khía cạnh, những sắc thái khác nhau của ba chỉ số cơ bản đó.
9.1.2. Các chỉ số HDI có giá trị từ 0 (thấp nhất) đến 1 (cao
nhất). Với các Báo cáo những năm gần đây (tính đến Báo cáo năm 2006), chỉ số
giáo dục được coi là có giá trị bằng 1 khi 100% người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc,
biết viết; bằng 0 khi 0% người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc, biết viết. Chỉ số
tuổi thọ được coi là có giá trị bằng 1 khi tuổi thọ bình quân là 85 tuổi; bằng
0 khi tuổi thọ bình quân chỉ đạt 25 tuổi. Chỉ số kinh tế được coi là có giá trị
bằng 1 khi GDP bình quân đầu người đạt 40.000 US$ (tính theo sức mua ngang giá
- PPP); bằng 0 khi GDP bình quân đầu người chỉ đạt 100 US$ (tính theo PPP- sức
mua tương đương).
Khi đo bằng khoảng cách từ 0 đến 1, mỗi nước sẽ thấy được tiến
bộ của mình so với các năm trước và so với giá trị lý tưởng là 1. Vị trí
xếp hạng của mỗi nước trong bảng những nước được tính HDI cho phép mỗi nước thấy
được tiến bộ mà mình đã đạt so với các nước khác. Hai đại lượng này (độ chênh lệch
HDI giữa các nước và khoảng cách giữa chỉ số mà mỗi nước đã đạt được so với chỉ
số lý tưởng) chính là căn cứ rất cụ thể cho phép mỗi nước hình dung được cái đích
(tương đối) của sự tiến bộ còn ở phía trước bao xa.
9.1.3. Trong Báo cáo phát triển con người năm 2004, với sự khảo
sát 177 quốc gia, UNDP đưa ra kết quả là Việt Nam xếp thứ 112 với chỉ số HDI là
0,691, trong đó chỉ số thu nhập là 0,52, chỉ số giáo dục là 0,82 và chỉ số tuổi
thọ là 0,73. Theo các chỉ số này, Việt Nam 2004 là nước đứng trước Indonesia,
Tatgikixtan, Ai Cập, Nam Phi, Ấn Độ..., những nước có thu nhập quốc dân cao
hơn.
Trong Báo cáo phát triển con người năm 2005, với sự khảo sát
177 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 108 với chỉ số HDI là 0,704, trong đó chỉ số thu
nhập là 0,54, chỉ số giáo dục là 0,82 và chỉ số tuổi thọ là 0,76.
Trong Báo cáo phát triển con người năm 2006, với sự khảo sát
177 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 109 với chỉ số HDI là 0,709, trong đó chỉ số thu
nhập là 0,55, chỉ số giáo dục là 0,81 và chỉ số tuổi thọ là 0,76. Theo các chỉ
số này, Việt Nam vẫn là nước đứng trước Uzbekkixtan, Ai Cập, Nam Phi, Ấn Độ...,
những nước có thu nhập quốc dân cao hơn Việt Nam. Thậm chí Nam Phi, cao hơn Việt
Nam rất nhiều (GDP năm 2002 của Nam Phi là 2.290 USD/người =10.070
USD/người tính theo PPP; GDP năm 2002 của Việt Nam là 436 USD/người = 2.300
USD/người tính theo PPP). Vị trí 109 của Việt Nam (Nam Phi: 121) đã thể hiện những
thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Những năm gần đây,
Canađa, Nauy, Thuỵ Điển… và sau đó là Hoa Kỳ, Ôxtrâylia và Aixơlen… liên tục đứng
đầu thế giới về chỉ số HDI. Năm nước châu Phi: Burundi, Buôckina Phaxô,
Etiôpia, Nigiêria và Xiêra Lêôn vẫn xếp ở vị trí thấp nhất.
9.1.4. Theo dõi Báo cáo phát triển con người năm 2003 và
2004, vấn đề đặt ra là, tại sao năm 2003 Việt Nam xếp hạng thứ 109 mà đến năm
2004 Việt Nam lại đứng thứ 112?
Sở dĩ có sự biến động vị trí xếp hạng như vậy là do số lượng
các nước được xếp hạng đã tăng lên, cách tính toán của UNDP có một số thay đổi
và vị trí xếp hạng của các nước tương đương với Việt Nam cũng có thay đổi. Năm
2003, Việt Nam xếp thứ 109, nhưng trên tổng số là 175 nước; giá trị chỉ số HDI
2003 là 0,688 gồm chỉ số GDP là 0,51 (411 USD/người = 2070 USD/người tính theo
PPP; Tổng GDP là 32,7 tỷ USD = 164,5 tỷ USD tính theo PPP), chỉ số giáo dục là
0,83 và chỉ số tuổi thọ là 0,73 (bình quân tuổi thọ 68,6). Thậm chí năm 2001,
Việt Nam còn xếp thứ 101 với chỉ số HDI là 0,682; chỉ số tuổi thọ là 0,71; chỉ
số giáo dục 0,84 và chỉ số GDP là 0,49.
Việt Nam: phát triển con người qua các năm
Báo cáo
PTCN
năm
|
Tuổi thọ
|
GDP
(tính theo PPP)
|
||
Thực tế (năm)
|
Chỉ số
|
GDP /người
|
Chỉ số
|
|
1990
|
62
|
0,62
|
1000
|
0,38
|
1995
|
65,2
|
0,63
|
1010
|
0,38
|
1996
|
65,5
|
0,63
|
1040
|
0,39
|
1997
|
66,0
|
0,63
|
1208
|
0,42
|
1998
|
66,4
|
0,64
|
1236
|
0,42
|
1999
|
67,4
|
0,71
|
1630
|
0,47
|
2000
|
67,8
|
0,71
|
1684
|
0,47
|
2001
|
67,8
|
0,71
|
1860
|
0,49
|
2002
|
68,2
|
0,72
|
1996
|
0,50
|
2003
|
68,6
|
0,73
|
2070
|
0,,51
|
2004
|
69,0
|
0,73
|
2300
|
0,52
|
2005
|
70,5
|
0,76
|
2490
|
0,54
|
2006
|
70,8
|
0,76
|
2745
|
0,55
|
Việt Nam: Chỉ số giáo dục và chỉ số HDI tổng hợp
Báo cáo
PTCN
năm
|
Giáo dục
|
HDI
|
|||
Trên 15 tuổi biết chữ
(%)
|
Tỷ lệ người đi học
(%)
|
Chỉ số
|
Chỉ số
|
Xếp hạng
|
|
1990
|
80
|
-
|
-
|
0,608
|
|
1995
|
91,9
|
49
|
0,78
|
0,539
|
120/170
|
1996
|
92,5
|
51
|
0,79
|
0,540
|
121/174
|
1997
|
93,0
|
55
|
0,80
|
0,557
|
121/175
|
1998
|
93,7
|
55
|
0,81
|
0,560
|
122/174
|
1999
|
91,9
|
62
|
0,82
|
0,644
|
110/174
|
2000
|
92,2
|
63
|
0,83
|
0,671
|
108/174
|
2001
|
93,1
|
67
|
0,84
|
0,682
|
101/162
|
2002
|
93,4
|
67
|
0,84
|
0,688
|
109/173
|
2003
|
92,7
|
64
|
0,83
|
0,688
|
109/175
|
2004
|
90,3
|
64
|
0,82
|
0,691
|
112/177
|
2005
|
90,3
|
64
|
0,82
|
0,704
|
108/177
|
2006
|
90,3
|
63
|
0,81
|
0,709
|
109/177
|
Nguồn: Báo cáo phát triển con người (HDR) của UNDP qua các
năm
|
Vấn đề là ở chỗ, giá trị tuyệt đối của chỉ số HDI của Việt
Nam những năm gần đây đều tăng, phản ánh đời sống toàn dân được cải thiện cả về
thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ và giáo dục. Năm 2001: HDI của Việt Nam
là 0,682; năm 2003: 0,688; năm 2004: 0,691; năm 2005: 0,704; năm 2006: 0,709.
Dĩ nhiên, tốc độ tăng này chưa phải là cao, song nên lưu ý rằng, để tăng được
chỉ số phát triển con người, thì cả ba chỉ số đều phải có tiến bộ, mà ta biết rằng,
để tuổi thọ bình quân cả nước tăng lên được chút ít thì đòi hỏi tất cả mọi mặt
của đời sống xã hội đều phải tốt lên, từ y tế, chăm sóc sức khoẻ, đến thu nhập,
chế độ ăn uống, thể dục thể thao… và còn phải không có dịch bệnh nữa. Điều này
rõ ràng không hề đơn giản chút nào.
9.2. Chỉ số nghèo khả năng phát triển con người (HPI)
9.2.1. Để làm rõ thêm những khía cạnh xã hội của sự phát triển,
từ năm 1997, chỉ số HPI (Human Poverty Index - thường được dịch là Nghèo
khả năng phát triển con người có người dịch là Chỉ số nghèo khổ
tổng hợp) - đã được sử dụng trong Báo cáo phát triển con người. Trong khi chỉ số
HDI đo thành tựu cộng đồng về phát triển con người thì chỉ số HPI đo sự thiệt
thòi và những rào cản đối với phát triển con người. Theo quan điểm phát triển
con người, nghèo khả năng phát triển được hiểu là sự thiếu hụt các cơ
hội và thiếu khả năng lựa chọn để có một cuộc sống có thu nhập tốt, trường thọ
và có giáo dục.
Chỉ số HPI được tính riêng cho hai nhóm nước: HPI-1 cho các
nước đang phát triển và HPI-2 cho các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển
kinh tế (OECD). HPI -1 đo mức độ nghèo khả năng phát triển con người qua
5 chỉ số: 1/. Tuổi thọ - đo bằng tỷ lệ những người không sống quá 40 tuổi; 2/.
Kiến thức - đo bằng tỷ lệ người lớn (trên 15 tuổi) mù chữ; 3/. Tỷ lệ người
không đuợc sử dụng nước sạch hoặc Tỷ lệ người không đuợc hưởng các dịch vụ y tế;
4/. Tỷ lệ người dân không được hưởng các dịch vụ vệ sinh và 5/. Tỷ lệ trẻ em dưới
5 tuổi suy dinh dưỡng. Giá trị HPI thấp nhât là 0, cao nhất là 100%. Ngược với
HDI, giá trị chỉ số HPI càng thấp thì khả năng phát triển càng cao. Nếu chỉ số
HPI của cộng đồng (được đo HPI) có giá trị thấp thì điều đó phản ánh trình độ
phát triển của cộng đồng đó tốt hơn, ngược lại, nếu chỉ số HPI của cộng đồng đó
có giá trị cao thì trình độ phát triển của cộng đồng đó kém hơn.
Việt Nam: Chỉ số HPI 1997-2006
Xếp hạng theo HDI
|
Chỉ số HPI-1
Xếp hạng
Giá trị (%)
|
Không thọ quá 40 tuổi (%)
|
||||||||
1997
|
121/175
|
33/78
|
26,2
|
12,1
|
||||||
1998
|
122/174
|
-
|
26,1
|
11
|
||||||
1999
|
110/174
|
51/92
|
28,7
|
11,6
|
||||||
2000
|
108/174
|
47/85
|
28,2
|
11,2
|
||||||
2001
|
101/162
|
45/90
|
29,1
|
12,8
|
||||||
2003
|
109/175
|
39/94
|
19,9
|
10,7
|
||||||
2004
|
112/177
|
41/95
|
20,0
|
10,7
|
||||||
2005
|
108/177
|
47/103
|
21,2
|
9,4
|
||||||
2006
|
109/177
|
33/102
|
15,7
|
9,4
|
||||||
Việt Nam: Chỉ số HPI 1997-2006
|
||||||||||
Báo cáo
PTCN
năm
|
Người
mù chữ
(từ 15
tuổi trở
lên)
(%)
|
Không
được
dùng
các
nguồn
nước
sạch
(%)
|
Không
được
sử
dụng
các
dịch vụ
y tế
(%)
|
Trẻ
em
dưới
5
tuổi
SDD
(%)
|
Số dân sống dưới
ngưỡng nghèo (%)
|
|||||
1$ một ngày
|
ngưỡng nghèo quốc gia
|
|||||||||
1997
|
7,0
|
57
|
10
|
45
|
-
|
-
|
||||
1998
|
6,3
|
57
|
10
|
45
|
..
|
51,0
|
||||
1999
|
8,1
|
57
|
-*
|
41
|
..
|
51,0
|
||||
2000
|
7,1
|
55
|
..
|
41
|
..
|
50,9
|
||||
2001
|
6,9
|
44
|
-
|
39
|
..
|
50,9
|
||||
2003
|
7,3
|
23
|
-
|
33
|
17,7
|
..
|
||||
2004
|
9,7
|
23
|
-
|
33
|
17,7
|
50,9
|
||||
2005
|
9,7
|
27
|
33
|
..
|
50,9
|
|||||
2006
|
9,7
|
15
|
-
|
28
|
..
|
28,9
|
||||
Nguồn: Báo cáo phát triển con người 1997-2006
|
||||||||||
9.2.2. Từ 1997 đến nay, chỉ số HPI của Việt Nam và vị trí xếp
hạng của Việt Nam trong số các nước đang phát triển được tính HPI-1 đã có những
thay đổi tích cực: năm 1999 Việt Nam xếp thứ 51 trong số 92 nước đang
phát triển được tính HPI-1; năm 2000 Việt Nam xếp thứ 47/85; năm 2001 Việt Nam
xếp thứ 45/90.
Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2003, với giá trị là 19,9%, Việt Nam đứng thứ 39/94 trong bảng xếp hạng HPI-1. Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2004, với giá trị là 20,0%, Việt Nam đứng thứ 41/95 trong bảng xếp hạng HPI-1. Trong thành phần chỉ số HPI-1, tỷ lệ dân không được sử dụng các nguồn nước sạch ở Việt Nam đã giảm từ 57% năm 1997 xuống còn 44% năm 2001, 23% năm 2003 và 23% năm 2004. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng giảm từ 45% năm 1997 xuống còn 41% năm 1999, 41% năm 2000, 39% năm 2001, 33% năm 2003, 2004 và 2005.
Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2003, với giá trị là 19,9%, Việt Nam đứng thứ 39/94 trong bảng xếp hạng HPI-1. Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2004, với giá trị là 20,0%, Việt Nam đứng thứ 41/95 trong bảng xếp hạng HPI-1. Trong thành phần chỉ số HPI-1, tỷ lệ dân không được sử dụng các nguồn nước sạch ở Việt Nam đã giảm từ 57% năm 1997 xuống còn 44% năm 2001, 23% năm 2003 và 23% năm 2004. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng giảm từ 45% năm 1997 xuống còn 41% năm 1999, 41% năm 2000, 39% năm 2001, 33% năm 2003, 2004 và 2005.
Phát triển ở Việt Nam: một vài chỉ báo nghèo
Nông thôn
|
Thành thị
|
Toàn quốc
|
|
1993
|
66%
|
25%
|
58%
|
1998
|
45%
|
9%
|
37%
|
2002
|
35%
|
6%
|
29%
|
Nguồn: Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu thiên niên
kỷ 2003. tr.1. (Tiêu chuẩn quốc gia [212])
Việt Nam: 12 tỉnh đứng đầu và 12 tỉnh đứng cuối về tỷ lệ
nghèo
TP Hồ Chí Minh 1,8%
|
Khánh Hoà 9,1%
|
Kon Tum 45,3%
|
Gia Lai 63,3%
|
Đà Nẵng
3,5% |
Đồng Nai 9,9%
|
Hà Tĩnh 48,0%
|
Sơn La 63,9%
|
Hà Nội
5,0% |
Bắc Ninh 11,5%
|
Thanh Hoá 48,8%
|
Hoà Bình 66,1%
|
Bà Rịa Vũng Tàu 6,9%
|
Hải Phòng 12,0%
|
Đắc Lắc 54,3%
|
Bắc Cạn 66,8%
|
Quảng Ninh 7,2%
|
An Giang 14,4%
|
Lao Cai 59,4%
|
Hà Giang 70,5%
|
Bình Dương 8,4%
|
Bến Tre 14,7%
|
Cao Bằng 61,7%
|
Lai Châu 76,6%
|
(Số liệu 2002. Tính theo chuẩn quốc tế về nghèo[213]). Nguồn: Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu Thiên
niên kỷ (MDG) 2003. tr.3.
Với thành tích đã đạt được trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo,
Việt Nam được UNDP và các tổ chức quốc tế khác đánh giá rất cao. Chẳng hạn, năm
2003 UNDP đánh giá: “Việt Nam đã vượt trước thời hạn thực hiện mục tiêu giảm một
nửa tỷ lệ nghèo trong giai đoạn 1990-2015, hoàn toàn có khả năng giảm tỷ lệ hộ
sống dưới ngưỡng nghèo xuống 20% trước năm 2010” [214].
Tỷ lệ dân số có mức sống dưới ngưỡng nghèo (%):
so sánh với một số nước [215]
Tỷ lệ dân số có mức sống dưới ngưỡng nghèo (%):
so sánh với một số nước
|
|||
Nông thôn
|
Thành thị
|
Toàn quốc
|
|
Việt Nam 2002
|
35
|
6
|
29
|
Malaysia 1989
|
-
|
-
|
15,5
|
Albania 1996
|
-
|
15
|
-
|
Angieri 1995
|
30,3
|
14,7
|
22,6
|
Trung Quốc 1998
|
4,6
|
2
|
4,6
|
Ấn Độ 1994
|
36,7
|
30,5
|
35
|
Thái Lan 1992
|
15,5
|
10,2
|
13,1
|
Philippines 1997
|
50,7
|
21,5
|
36,8
|
Indonesia 1999
|
-
|
-
|
27,1
|
Nguồn: WB (2003), Báo cáo phát triển thế giới 2003.
Nxb CTQG. tr. 336 - 337. (Theo tiêu chuẩn riêng của từng
quốc gia)
|
9.2.3. Có thể nói, bộ công cụ HDI (bao gồm cả
HPI) của UNDP về phát triển con người buộc các nước phải nhìn nhận vấn đề một
cách thực tế, không viển vông, đồng thời đây cũng là bộ công cụ khá lý tưởng.
Nó thực tế ở chỗ, nhìn vào bảng chỉ số HDI, ta biết chỉ số
kinh tế của Việt Nam hiện là 0,54 (482 USD/người = 2.490 USD/người tính theo
PPP). Để đạt được chỉ số như Thái Lan hiện nay là 0,74 (2305 USD/người = 7595
USD/người tính theo PPP), rõ ràng Việt Nam còn phải phấn đấu với một thời gian
có lẽ là không ngắn. Hay tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện là 70,5 để
tăng lên được 77 như Hàn Quốc, chắc cũng không thể chỉ mơ ước một cách đơn giản.
Nhưng bộ công cụ HDI cũng khá lý tưởng vì nó nhìn nhận vấn đề
rất nhân văn và thúc đẩy mọi quốc gia phải có giải pháp cải thiện đời sống con
người. Phát triển không có mục đích tự thân. Phát triển là phát triển vì con
người. Không thể phủ nhận, mục đích cuối cùng của mọi quá trình phát triển (về
kinh tế, về xã hội, về môi trường, về văn hoá,v.v…) đều phải nhằm đảm bảo cho
cuộc sống con người ngày càng đầy đủ, khỏe mạnh và trường thọ, trong sự phát
triển bền vững. Và con người cũng chính là động lực đóng vai trò quyết định của
tất cả các quá trình ấy. Điều này không chỉ thể hiện ở mặt lý thuyết. Sự khác
biệt giữa quan điểm phát triển con người so với các quan điểm khác, trong
thực tế, sẽ chi phối cách thức đối xử với các vấn đề xã hội.
Với giáo dục phổ cập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn.
Nếu chỉ nhìn nhận hai lĩnh vực này theo quan điểm kinh tế học phát triển, người
ta sẽ chỉ thấy đây là hai ngành “ngoại vi” của hoạt động kinh tế, tức là hai
ngành mà khả năng của chúng nhiều lắm cũng chỉ là tạo điều kiện cho
xã hội phát triển tốt hơn; và vì vậy, nếu như hiệu quả kinh tế của hai lĩnh vực
này không đủ lớn, thì cách giải quyết chỉ có thể là “rót” thêm vào đây một phần
phúc lợi xã hội có thể. Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề theo quan điểm phát triển
con người, thì giáo dục phổ cập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng lại không phải
chỉ là hai ngành sinh lợi hay không sinh lợi, cũng không phải chỉ là hai
“vùng ngoại vi” có khả năng thúc đẩy xã hội tốt lên hay xấu đi. Mà đây là hai
lĩnh vực thể hiện sự phát triển hợp lý hay không hợp lý của xã hội. Bởi lẽ,
giáo dục phổ cập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng chính là hai chỉ báo nói
lên năng lực sinh thể và năng lực tinh thần của dân cư. Hai lĩnh vực này phát
triển lành mạnh nghĩa là xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải chúng phát
triển để tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Sức khoẻ và kiến thức không
chỉ là phương tiện để mọi người đạt đến một cuộc sống hạnh phúc mà chúng chính
là thành phần cơ bản của cuộc sống hạnh phúc. Việc chăm lo cho giáo dục phổ cập
và chăm sóc sức khỏe cộng đồng luôn luôn là sống còn và có ý nghĩa nhân văn
ngay cả khi những lĩnh vực này không sinh lợi về kinh tế.
Với Việt Nam, bộ công cụ HDI đã cho cộng đồng thế giới thấy
rõ hơn những thế mạnh của đất nước và sự cố gắng của Đảng, Nhà nước cũng như của
toàn thể cộng đồng trong việc chăm lo đến đời sống tinh thần và cải thiện sức
khoẻ của từng người dân. Mặc dù chỉ số kinh tế còn thấp, nhưng nhờ tuổi thọ
bình quân đạt 70,5 năm và tỷ lệ người lớn biết đọc biết viết đạt tới 90,3% nên
vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng HDI lại khá cao so với trình độ kinh tế,
xếp hạng HDI đứng trước nhiều nước có GDP cao hơn Việt Nam. Điều đó là một
khích lệ lớn cho mỗi người phấn đấu vì mục tiêu phát triển con người.
9.3. Điều bị che khuất
Tuy nhiên, chỉ số HDI không phải là không có mặt trái của nó.
Với tính khái quát và phép quy giản để tìm ra các đại lượng tương đối phản ánh
đời sống vật chất, năng lực sinh thể và năng lực tinh thần của cư dân, bộ công
cụ HDI có thể che giấu những hạn chế trong phát triển kinh tế, những yếu kém
trong chất lượng giáo dục, những tiêu cực trong thực trạng trật tự an toàn xã hội,
những hiện tượng tham nhũng trong bộ máy công quyền, hay những bất ổn trong đảm
bảo an toàn giao thông công cộng…
Chẳng hạn, nếu so sánh Việt Nam năm 2005 với Nam Phi, một nước
khá phát triển, thì Việt Nam có vị trí xếp hạng HDI là 108, đứng trước Nam Phi
12 bậc, vì Nam Phi xếp hạng HDI thứ 120. Nhưng thực ra, ai đã đến Nam Phi thì
thật khó chấp nhận Nam Phi kém Việt Nam. (Lưu ý rằng Nam Phi có thu nhập quốc
dân đầu người 10.346 US$ trong khi Việt Nam là 2.490 US$ tính theo PPP).
Hay nếu so sánh về chỉ số giáo dục, Việt Nam (0,82) có vị thế tương đương với
Malaysia (0,83) và Trung Quốc (0,84), cao hơn Thổ Nhĩ Kỳ (0,82) và thậm chí cao
hơn rất nhiều so với Ấn Độ (0,61). Nhưng thực ra, nhiều người biết rằng nền
giáo dục của Malaysia, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đều là những nền giáo dục
mà Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều. Người đứng trước có quyền tự hào, nhưng
vẫn cần thiết phải tỉnh táo.
Với chỉ số giáo dục là 0,82 = 90,3% người lớn biết đọc biết
viết và 64% số người ghi danh đi học các cấp; con số này còn che giấu những hạn
chế trong chất lượng giáo dục, trình độ đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta tự hào
về thành tựu đã đạt được trong nền giáo dục, song không nên quên rằng, hai số
liệu này chưa nói lên khả năng của giáo dục có thể đáp ứng yêu cầu của sự phát
triển đất nước đến mức nào, người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo
từ nền giáo dục có trình độ ra sao so với các nền giáo dục khác... Trên thực tế,
thực trạng giáo dục của ta còn có nhiều vấn đề bức xúc, thậm chí có cả những
ung nhọt. Đương nhiên, với những ung nhọt thì cần phải giải phẫu để Việt Nam
không ngừng cải thiện chỉ số phát triển con người như Nghị quyết Đại hội X của
Đảng đã đòi hỏi.
9.4. Kết luận
Chỉ số phát triển con người HDI với tính hợp lý đáng kể của
nó là bộ công cụ nghiên cứu khá hữu hiệu về phát triển con người được đông đảo
cộng đồng thế giới chấp nhận. Theo chỉ số này, sự phát triển con người Việt Nam
đã đạt được những kết quả rất khả quan và đó là cơ sở hiện thực để con người Việt
Nam phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, đối với nhà nghiên cứu và hoạch định chính
sách xã hội, sự tỉnh táo nhất định là điều cần phải có, vì bộ công cụ HDI có thể
che giấu những khiếm khuyết của sự phát triển con người trong thực tế.
[1] Xem: П.Н.Федосеев. Философия и научное познане. Изд.
Наука. M., 1983. // И.Т.Фролов. Ha пути к единной науке о
человеке. Природа. 1985. № 8.
[2] C. Mác. Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844. C.Mác
và Ph. Ăngghen. Toàn tập, t. 42. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2000. tr. 179.
[3] Xem: I.T. Frolov. Trở lại với con người. T/c Nghiên
cứu Con Người. Số 1/2002.
[4] Xem: Lektorski V.A. Is the integration of natural
and human sciences possible? 21st World Congress of Philosophy. Istanbul,
Turkey, Aug., 10-17, 2003.
[5] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 179.
[6] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 178-179.
[7] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 179.
[8] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 179.
[9] Xem: В.И. Самохвалова. Человек и мир: проблема
антропосен-тризма. Философские науки. №. 3.1992.
[10] Xem: Globalization with a human face. UNDP
(1999). Human Development Report 1999. New York, Oxford University Press,
tr. 3-4.
[11] John L. Petersen (2000). Con đường đi đến năm 2015. Nxb
CTQG. Hà Nội, tr. 21.
[12] Bản chất con người sẽ vẫn không thay đổi. Báo Quốc tế.
9-15/10/2000.
[13] Xem: Rosalyn S. Yalow (1988). Khoa học và kỹ thuật phục
vụ con người. Thông tin UNESCO số 5, tr.7.
[14] Xem: Nouvel Observateur 2001, No. 01.
[15] Luc Ferry, Jean-Didier Vincent (2001). Qu’ect - ce
que L’ homme. Poches Odile Jacob. Paris.
[16] F. Mayor (1994). Ban đầu và cuối cùng là văn hoá. Người
đưa tin UNESCO số 10, tr. 35.
[17] Samuel P. Huntington (1993). The clash of civilizations.
Foreign Affairs. Summer 1993, vol. 72, n.3, p. 22 (28), www.alamut.com/subj /economic/ misc/clash.html.
[18] Xem: Dự báo thế kỷ XXI (1998). Nxb Thống
kê. Hà Nội, tr. 691- 699.
[19] Xem: Tuyên bố của Hội nghị thế giới “khoa học
cho thế kỷ XXI: Những trách nhiệm mới”. Tạp chí Thông tin KHXH số 5,
2000. tr. 36-45.// Khoa học xã hội trên thế giới. Nxb. ĐHQG Hà Nội.
2007.
[20] Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập, t.
42, Sđd. tr. 671.// Э. Б. Тайлор. Первобытная культурa. Политиздат.
M., 1989. tr. 18.
[21] John L. Petersen. Con đường đi đến năm 2015. Nxb.
CTQG. Hà Nội, 2000. tr. 21-22.
[22] Trích theo: Многомерный образ человека. Изд.
Наука. М., 2001. tr. 6.
[23] Xem: Đặng Chuẩn. Con người là gì? Báo Quốc tế. 9-15/10/2000.// Ferry
Luc, Vincent Jean-Didier. Qu’estce que l’homme? Poches, Odile
Jacob. Paris, 2001.
[24] Xem: Проблемы интеграции и дифференциации научного
познания. Trong sách: П. H.Федосеев. Философия и
научное познание. Изд. Наука. М., 1983. tr.179-195.
[25] Xem: Б.Г.Ананьев. Человек как предмет познания. Изд.
Питер. Санкт-Петербург, 2002.
[26] Xem: Stenphen Hawking. Lược sử thời gian.
Nxb. VHTT. Hà Nội, 2000. tr. 214.
[27] S. Hawking. S®d., tr. 208.
[28] E. Morin, A.B. Kern. Trái đất - tổ quốc chung:
tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới. Nxb. KHXH. Hà Nội, 2002. tr. 9.
[29] E. Morin, A.B. Kern... S®d., tr. 143.
[30] E. Morin, A.B. Kern... S®d., tr. 143.
[31] Xem: Г.В. Драч. Античная культура и
европейская цивилизация. Ростов/Дон, 1991.
[32] E. Morin, A.B. Kern... Sđd., tr. 143-144.
[33] Современный Философский словарь. Nxb. Панприн.
Moscow, Minsk, London, Franfurt/ Main, Paris, Luckcemburg, 1998. tr. 60 (Người
trích nhấn mạnh).// Xem thêm:Triết học phương Tây hiện đại. từ điển. Viện
Triết học dịch. Nxb KHXH. Hà Nội, 1996. tr. 439-44
[34] Xem: И.Т.Фролов... S®d.,//Б.Г. Ананьев... S®d.//Б.В.
Марков. Философская антропология. Изд. ЛАНЬ. Санкт-Петербург, 1997.// П.С.
Гуревич. Философская антропология. Изд. Nota Bene. М.,
2001.// Человек. Филоско-энциклопедический словарь. Изд. Наука. M.,
2000.
[35] И.Т.Фролов. T/c Природа... S®d.//I.T.
Frolov. Trở lại với con người. T/c Nghiên cứu Con Người. Số 1/2002.
[36] И.Т.Фролов. T/c Природа... S®d. tr. 73.
[37] I.T. Frolov. Trở lại với con người... Sđd., tr.
68.
[38] I.T. Frolov. Trở lại với con người... Sđd., tr.
69.
[39] I.T. Frolov. Trở lại với con người... Sđd., tr.
66.
[40] V.E. Davidovich. Dưới lăng kính triết học. Nxb.
CTQG. Hà Nội, 2002. tr. 286-287.
[41] V.E. Davidovich... Sđd., tr. 288.
[42] PAH. Институт человека. (Tài liệu giới
thiệu của Viện Con người, VHLKH Nga).
[43] E. Morin, A.B. Kern... Sđd., tr.144, 380, 371.
[44] Многомерный... Sđd., tr. 21.
[45] Многомерный... Sđd., tr. 21.
[46] Xem: Б.В. Марков... Sđd., tr.
16.
[47] П.С. Гуревич... Sđd., tr. 84.
[48] V.E. Davidovich... Sđd., tr. 336.
[49] П.С. Гуревич... Sđd., tr. 84.
[50] Б.В. Марков... Sđd., tr. 40. // Xem thêm: Một
vài vấn đề về xã hội học và nhân loại học. Nxb. KHXH. Hà Nội, 1996.// Đặng
Nghiêm Vạn. Mấy ý kiến về nghiên cứu con người. Trong Niên giám
nghiên cứu con người. Số 1. Nxb. KHXH. Hà Nội, 2001.
[51] Triết học phương Tây hiện đại... Sđd., tr. 414.
[52] Levi-Strauss. Nhân học cấu trúc. Paris, 1958.
Trích lại theo “Một vài vấn đề về xã hội học và nhân loại học”... Sđd., tr.
5.
[53] Emily A. Schultz, Robert H. Lavenda. Nhân học: một
quan điểm về tình trạng nhân sinh. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2001. tr.7-8.
[54] Xem: Многомерный... Sđd., tr. 17.
[55] Emily A. Schultz, Robert H. Lavenda. Nhân học...
Sđd., tr.10-11.
[56] Многомерный... Sđd., tr. 18.
[57] Б.В. Марков. Sđd., tr. 44.
[58]PAH.Институтчеловека. (Tài liệu giới thiệu của Viện Con người, VHLKH Nga).
[59] В.В.Шаронов...... Sđd., tr. 48-52.
[60] Б.В. Марков... Sđd., tr. 4.
[61]W.Wundt(18321920), nhà tâm lý học Đức, người lập phòng thí nghiệm tâm lý
đầu tiên trên thế giới và đã đạt được những kết quả to lớn nhờ
ứng dụng các phương phápthực nghiệm sang nghiên cứu con ngườiSau W.Wundt, trong khám phá khoa học về con người, người ta hay nhắc đến O. Comte (1798-1857) và E. Durkheim (1858-1917);vì nhờ sử dụng các ý tưởng và các mô hình của cơ học mà Comte đã
đưa ra khái niệm “thống kê xã hội” và
“tính năng động xã hội” sáng lập ra ngành xã hội học, cònDurkheim lại thành công trong nghiên cứu xã hội từ việc mô phỏng các quá trình sinh học.
[62] Được trình bày rõ nhất trong “Luận cương về Feuerbach”,
“Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, “Phê phán triết học pháp quyền
Hêghen”, “Hệ tư tưởng Đức”, “Phê phán kinh tế học chính trị 1859”, “Tư bản”,
v.v...
[63] Những giáo trình triết học và từ điển có uy tín trong việc
trình bày vấn đề con người: Giáo trình triết học Mác - Lênin do Hội đồng
trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia biên soạn. Nxb CTQG. Hà Nội,
1999; Bộ Введение в филоcофию gồm 2 tập (lần đầu tiên biên soạn SGK
theo kết cấu những vấn đề triết học) Политиздат. M., 1989; Các giáo trình triết
học của А. Г.Спиркин, kể cả giáo trình 2002; П.С. Гуревич. Филоcофcкая Антропология. M.,
2001; Современный филоcофcкий словарь xuất bản đồng thời tại 6 nước
châu Âu 1998. Ю.Г.Волков, В.С.Поликарпов. Человек. энциклопедический
словарь. M., 1999; Институт человека. Филоcофcкo- энциклопедический
словарь. M., 2002.
[64] C. Mác. Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844. C.Mác
và Ph. Ăngghen. Toàn tập, t. 42, Nxb CTQG. Hà Nội, 2000. tr. 234.
[65] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 220.
[66] Xem: C.Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập, t. 42, Nxb
CTQG. Hà Nội, 2000. tr. 673.
[67] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 232.
[68] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 232-233 (những
chữ trong ngoặc kép là chữ dùng của C. Mác).
[69] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 234.
[70] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 234, 136, 137.
[71] Nguyên văn đoạn Mác viết hơi khó hiểu: “Nghĩa là thực thể
tồn tại cho bản thân mình và do đó là thực thể loài. Nó phải biểu hiện và
tự khẳng định như là thực thể loài trong tồn tại của nó cũng như trong tri thức
của nó. Như vậy, giống như những đối tượng có tính chất người không
phải là những đối tượng tự nhiên dưới hình thức như những đối tượng này trực tiếp
có sẵn trong tự nhiên, thì cảm giác của con người như nó tồn tại trực
tiếp, trong tính đối tượng trực tiếp của nó, cũng không phải là cảm tính của
con người, tính đối tượng của con người. Tự nhiên theo ý nghĩa khách quan, cũng
như tự nhiên theo ý nghĩa chủ quan đều không được đem lại một cách trực tiếp và
phù hợp cho thực thể con người”. C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr.
234.
[72] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 171.
[73] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 134.
[74] Nguyên văn: “Những tiền đề xuất phát của chúng tôi không
phải là những tiền đề tùy tiện, không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện
thực mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi. Đó là những cá
nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ,
những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của
chính họ tạo ra... Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên
là sự tồn tại của cá nhân những con người sống”. C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn
tập,t. 3. tr. 28-29.
[75] Aristote: “Bẩm sinh, con người là một động vật chính trị”Философскийэнциклопедческийсловарь. Сов.энциклопедия. М., 1989. стр. 40.
[76] Xem: D.A. Leonchiep. Từ những giá trị xã hội
đến những giá trị nhân cách: nguồn gốc xã hội và hiện tượng học điều chỉnh giá
trị của hoạt động. T/c Nghiên cứu con người. số 3/2002 & 1/2003.
[77] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 178.
(Tiếng Nga: “человеческая сущность природы, или природная сущность
человека”. M. Э. Соч. Изд. второе. Т. 42. М., 1974. tr. 124).
[78] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr.
170.
[79] Về bản chất con người: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”.
[80] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 135.
[81] Nguyên văn “Trong con mắt của mình một thực thể nào
đó là một thực thể độc lập chỉ khi nó đứng trên đôi chân của bản thân mình, và
nó chỉ đứng trên đôi chân của bản thân nó khi nó tồn tại được nhờ vào
bản thân nó. Con người sống dựa vào ân huệ của người khác tự coi mình là
một thực thể phụ thuộc. Nhưng tôi sống hoàntoàn bằn ân huệ của người khác nếu
tôi không chỉ nhờ vào người đó mà duy trì được đời sống của tôi mà ngoài ra còn
dựa vào người đó vì người đó tạo ra đời sống của tôi, người đó lànguồn
gốc đời sống của tôi; còn đời sống của tôi tất nhiên có nguyên nhân như vậy
ở bên ngoài tôi nếu nó không phải là sự sáng tạo của bản thân tôi. Đó là lẽ tại
sao sự sáng tạo là biểu tượng rất khó trừ bỏ khỏi ý thức nhân dân. ý
thức nhân dân không thể hiểu được sự tồn-tại-thông-qua-mình của tự
nhiên và của con người, vì rằng cái tồn-tại-thông-qua-mình ấy mâu thuẫn với tất
cả những sự kiện cảm thấy được của đời sống thực tiễn”. C. Mác. Bản thảo.
Sđd., tr. 180.
[82] C. Mác. Bản thảo... Sđd., tr. 135.
[83] C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập, t. 3. Nxb.
CTQG. Hà Nội, 1995. tr. 12.
[84] Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 20. Sđd., tr.
720.
[85] Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 20. Sđd., tr.
655.
[86] Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 20. Sđd., tr.
654.
[87] Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 20. Sđd., tr.
655. (Người trích nhấn mạnh).
[88] C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 4, Nxb. CTQG.
Hà Nội, 1995. tr.628 (người trích nhấn mạnh).
[89] Xem: C. Mác - nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại
trong 1000 năm qua. Thông tin công tác tư tưởng, số 10.1999. tr. 40.
[90] C.Mác, Ph. Ăngghen. Toàn tập, t. 12 Nxb. CTQG,
Hà Nội, 1993. tr. 10.
[91] C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 4, Nxb. CTQG,
Hà Nội, 1995. tr. 136.
[92] C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 6, Nxb. CTQG,
Hà Nội, 1993. tr. 553, 16
[93] C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 20, Nxb CTQG,
Hà Nội, 1994. tr.819.
[94] C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 12, Nxb CTQG,
Hà Nội, 1993. tr.889.
[95] C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 3, Nxb CTQG,
Hà Nội, 1995. tr. 126.
[96] Кант И. Антропология с прагматичекой точки зрения. В.
Кн.: Собр. Соч. в 8 т. (Под общей ред. А.В. Гулыги) М., 1987. С.138.
[97] C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.26. phần
II. Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995. tr.168.
[98] Những nội dung của kết luận này được trình bày theo cách
sử dụng lại những mệnh đề mà các tác gia kinh điển đã dùng. Có thể tìm xuất xứ
chính xác của những mệnh đề này trong: Hồ Sĩ Quý (Chủ biên). Con người và
phát triển con người trong quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen. Nxb. CTQG.
Hà Nội, 2003.
[99]Философский энциклопедческий словарь. Сов.энциклопедия.
М., 1989. стр. 157.
[100] ФЭС. Sđd., tr. 599.
[101] ФЭС. Sđd., tr. 40.
[103] C.Mác. Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844. Nxb Sự
thật. Hà Nội, 1962. tr.203.
[104] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 3. Nxb CTQG. Hà
Nội, 1995. tr. 11.
[105] Elie Wiesel. Diễn văn khai mạc Hội nghị những người
được giải Nobel. Paris, 1/1988. Người đưa tin UNESCO. ạ 5/1988.
[106] Chữ dùng của Hồ Chí Minh (“nghĩ cho cùng mọi vấn đề...
là vấn đề ở đời và làm người”. Toàn tập, t. 3. Nxb CTQG, 1995, tr.
431).
[107] E. Morin, A.B. Kern. Trái đất tổ quốc chung: Tuyên
ngôn cho thiên niên kỷ mới. Nxb. KHXH. Hà Nội, 2002. tr. 143.
[108] Xem: Dự báo thế kỷ XXI. Nxb Thống kê.
Hà Nội, 1998, tr. 694.
[109] C.Mác, Ph.Ăngghen. Hệ tư tưởng Đức, tập I. Toàn
tập, t. 3, Nxb. CTQG. Hà Nội, 1995. tr.29.
[110] Jean Dausset. Tôn trọng di sản di truyền của con
người. Người đưa tin UNESCO. ạ 5/1988.
[111] А. А. Баева. К Десятилетию программы “Геном
Человека”. Человека № 6/1999.
[112] Xem: Bản tin TTXVN số 150/TKNB-QT ngày 9/8/2005: Tại Hội nghị Bộ trưởng châu Á
-Thái Bình Dương, Jacarta, 8/8/2005, Rodrik so sánh Việt Nam với Mehico và chorằng,
được hưởng lợi từ toàn cầu hóa thì không nước nào có
điều kiện như Mehico, còn chịu thiệt thòi vì toàn cầu hóa, thì không nước nào rơi vào hoàn cảnh như Việt Nam.Vậy
mà kết quả phát triển lại trái ngược nhau.
[113] Xem: Asian Week. Volume 26. ạ. 48. November
2006.
[113] Xem: HDR 2005.// Michael P. Todaro (1998). Kinh tế
học cho thế giới thứ ba. Nxb. Giáo dục, tr. 165.
[114] Nhân lực tư nguyên tiểu tổ (1996). Nhân lực tư
nguyên quy hoạch. Đài Bắc. tr.3.
[115] Xem: Hồ Sĩ Quý (2005). Về giá trị và giá trị châu Á. Nxb
CTQG. Hà Nội. //Phan Ngọc (2002). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn
học. Hà Nội. tr.191-195.
[116] Xem: Trần Đình Hượu. Đến hiện đại từ truyền thống. KX.07
xuất bản. Hà Nội 1994. tr. 150-164.
[117] Xem: Trần Văn Giàu. Con người Việt Nam: một số
vấn đề cần nghiên cứu. T/c Nghiên cứu con người. số 2/2002.
[118] ĐCSVN. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành
Trung ương khoá VIII. Nxb CTQG. Hà Nội, 1998, tr.56.
[119] Xem: И.Т.Фролов. Возврашение к человеку. В
кн: Квинтэссенция. Философский альманах. Политиздат. Москва, 1990.// Trở lại với con người. Nghiên cứu conngười qua tài liệu nước ngoài. Nxb. KHXH. Hà Nội,
2003.// E. Morin, A.B. Kern: Trái đất - tổ quốc chung: tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới, Nxb. KHXH. Hà Nội,
2002.
[120]TạiĐạihộiVIII,Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: cần phải quán triệt quan điểm “lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự pháttriểnnhanhvàbềnvững”(Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG. Hà Nội,1996,tr.85). Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lầnthứ năm khoáVIII,cònnóirõ:“Tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người”
(Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lầnthứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb. CTQG. Hà Nội,
1998. tr. 56).
[121] Xem: В.И. Самохвалова: Человек и мир: проблема
антропосен- тризма. Философские науки. số 3, 1992, tr. 161.
[122] Xem: Современный Философский словарь. Nxb.
Панприн, Moscow, Minsk, London, Franfurt/Main, Paris, Luccemburg,
1998, tr. 68.
[123]Aнтропосентризм.СовременныйФилософский
словарь, Sđd.,1998, tr. 68.
[124]Aнтропосентризм.Человек:
Философскo-энциклопедический словарь. Nxb. Наука, Москва, 2000, tr.
33-34.
[125]XemВ.И.Самохвалова:Sđd.,1992,tr.162.// Trịnh Xuân Thuận. Giaiđiệubíẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, Nxb. Khoa học và kỹ thuật. Hà Nội,
2001, Chương VII.
[126] Xem G.N. Machusin: Nguồn gốc loài người, Nxb.
Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1986.// Trịnh Xuân Thuận: Sđd, 2001,
Chương VIII, IX.
[127] Философский энциклопедический словарь: Sđd., 1989, tr.
521.
[128] Xem В.И.Самохвалова: Sđd., 1992, tr.
164.
[129] Trịnh Xuân Thuận: Sđd., 2001, tr. 278.
[130] C. Mác và Ph. Ăngghen: Sđd., 1994, t. 20, tr
31.
[131] Xem V.E. Davidovich. Dưới lăng kính triết học, Nxb.
CTQG. Hà Nội, 2002, tr 45. (Trong nhiều tài liệu trong và ngoài nước, sự xuất
hiện của chủ nghĩa duy lý thường được viết là gắn liền với thời đại Phục Hưng
và phát triển rực rỡ vào thời Khai sáng. Tuy nhiên, theo GS. Davidovich, chủ
nghĩa duy lý Âu châu xuất hiện sớm hơn thế rất nhiều. Điều thú vị là, với
Ptoleme, ông tổ của thuyết “Địa tâm” – trái đất là trung tâm của vũ trụ, lại là
người khởi xướng thuyết duy lý ).
[132] Li Desuhun: Từ "loài người là trung tâm"
đến "giá trị môi trường". Thông tin Khoa học xã hội, số TN
99-34, 1999.
[133]Xem: Философский энциклопедический словарь. Sđd., 1989.
tr. 644-645.// Viện triết học: Triết học phương Tây hiện đại. Từ điển, Nxb.
KHXH. Hà Nội, 1996, tr. 478-480.
[134] Философский энциклопедический словарь. Sđd., 1989, tr.
644.
[135] Философский энциклопедический словарь, Sđd., 1989, tr.
644-645.// Triết học phương Tây hiện đại. Sđd., 1996, tr. 478-480.
[136] В.И.Самохвалова: Sđd., 1992, tr.
164.
[137] Tổ hợp Duke: Kinh nghiệm không chỉ của giám đốc. Báo Đại
đoàn kết số 29, 12-14/4/2000.
[138] Xem: I.T. Frolov. Trở lại với con người. Tạp
chí Nghiên cứu con người. Số 1/2002.
[139] UNDP. HDR, 1990.
[140] Xem: UNDP. HDR, 1990-2006.// Phát triển con người:
từ quan niệm đến chiến lược và hành động. Nxb CTQG. Hà Nội, 1999. // Báo cáo của
Edouard Wattez tại Hội thảoPhát triển con người trong qúa trình đổi mới ở
Việt Nam. Hà Nội, 3-4/4/2000. // Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2001.
Nxb CTQG. Hà Nội, 2001.//Viện Khoa học Xã hội Việt Nam-Chương trình phát triển
Liên Hiệp quốc (2006), Báo cáo phát triển con người Việt Nam 1999 - 2004.
Những thay đổi và xu hướng chủ yếu. Nxb. CTQG. Hà Nội.
[141] Paul Streeten. Ten years of Human Development.
UNDP. HDR 1999.
[142] E. Wayne Nafziger. Kinh tế học của các nước đang
phát triển. Nxb Thống kê. Hà Nội, 1998, tr.65.
[143] Xem: I.T. Frôlôp. Trở lại với con người. Tạp
chí Nghiên cứu con người. Số 1/2002.
[144] Xem: Thượng đế. www.vnbaptist.net/TinSong/sothu1/thuong
de. html.
[145] Xem: Hồ Sĩ Quý. Về giá trị và giá trị châu Á. Nxb.
CTQG. Hà Nội, 2006.
[146] ĐCSVN. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2001. tr.114.
[147] Гурович П.С (1999). Философия человека. Nota
Bene. Mocквa. ctp.6.
[148] V.A. Lektorski (2003). Is the integration of
natural and human sciences possible? 21st World Congress of Philosophy.
Istanbul, Turkey, Aug., 10-17, 2003.
[149] Xem: T/c Hoạt động khoa học số 12/2001.
[150] S. Hawking (2000). Lược sử thời gian. Nxb. VHTT.
Hà Nội. tr. 208, 214.
[151] E. Morin, A.B. Kern (2002). Trái đất - tổ quốc
chung: tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới. Nxb KHXH. Hà Nội. tr. 9.
[152] E. Morin (2002). Sđd., tr. 143.
[153] E. Morin (2002). Sđd., tr. 143.
[154] Xem: Г.В. Драч (1991). Античная культура и
европейская цивилизация. Ростов/Дон.
[155]СовременныйФилософский словарь (1998). Nxb. Панприн. Moscow, Minsk, London, Franfurt/ Main, Paris, Luckcemburg. ctp.
90.// Xem thêm: Manuel B. Dy. Jr.Max Scheler's philosophy of suffering. Karungungan.
A journal of philosophy (Philippine). Volume 30/2003.// Triết học phương
Tây hiện đại. từ điển (1996). Nxb KHXH. Hà Nội. tr. 439-442.
[156] V.E. Davidovich (2002). Dưới lăng kính triết
học. Nxb CTQG. Hà Nội. tr. 336.
[157] Гурович П.С (1999). Философия человека. Nota
Bene. Mocờõa. ctp. 84.
[158] E. Morin (2002). Sđd., tr.144, 380, 371 (người
trích nhấn mạnh).
[159] Многомерный образ человека (2001). Изд.
Наука. М., tr. 21.
[160] Xem: И.Т.Фролов (1985). Ha пути к единной
науке о человеке. T/c Природа. № 8.// Б.Г. Ананьев (2002). Человек
как предмет познания. Изд. Питер. Санкт-Петербург. // Проблемы
интеграции и дифференциации научного познания. Trong sách: П. H.Федосеев
(1983). Философия и научное познание. Изд. Наука. М.tr.179-195.
[161] И.Т.Фролов (1985). T/c Природа. Sđd.,
tr. 65.
[162] И.Т.Фролов (1985). T/c Природа. Sđd., tr.
73.
[163] Эвгеника, tiếng Latinh: Eugenne's: Học thuyết về khả năng cảibiếngenotipengười.
ở Nga những năm 30 những người nghiên cứu ưu sinh học bị quy chụp rất nặngnề.
[164] I.T. Frolov (2002). Trở lại với con người. T/c
Nghiên cứu Con Người. Số 1. tr. 68.
[165] Xem thêm thông tin tại các website: www.theihs.org Institute for Humane
Studies, thuộc George Mason University, Hoa Kỳ; http://www.mhs-paris.fr Maison des
sciences de l' home, thuộc Centre national Recherche Sciencetifique (CNRS http://www.
ncrs.fr) Pháp; Институт Человека, éÀÍ http://www.ras.ru,Nga.
[166] Многомерный … (2001). Sđd., tr.
21.
[167] V.E. Davidovich (2002). Sđd., tr.70.
[168] Xem: Đạt lai lạt ma và Howard Cuter. Nghệ thuật tạo
hạnh phúc (The Art of Happiness). Chùa Tam Bảo, Fresno, California, 2003.http://www.zencomp.com/greatwisdom/uni/unthp/nthp-
00.htm
[169] Xem: BS. Nguyễn ý Đức. http://www.khoahoc.net 15/2/2007.
[170] The Science of Happiness (1861). By A Friend to
Humanity. London: Trubner & Co., 60., Paternoster Row. 1861. 141 pp. Ký hiệu
kho: 250. b.79. (xem Hosiquy.com).
[171] Henry Smith Williams. The Science of Happiness. New
York: Harper & Bros, 1909. 350 pp.
[172] Xem: Craig Lambert. The Science of Happiness. Havard
Magazine. January-February 2007, pp. 26-27. (www.harvard
magazine.com/on-line/010783.html). // Đức Lê. Khi nào tiền bạc làm nên hạnh
phúc. www. chungta.com 10/11/2005.
[173] Xem: Đức Lê. Tài liệu đã dẫn.
[174] Xem: The formula for happiness http://news.bbc.co.uk/2/hi/
health/2630869.stm 6/1/2003
[175] Xem: Đức Lê. Tài liệu đã dẫn.
[176] Xem: Tiền bạc đi liền với hạnh phúc. http://www. vnexpress. net 27/11/2006.
[177] Xem: Tiền bạc đi liền với hạnh phúc. Tài liệu
đã dẫn.
[178] Xem: Đức Lê. Tài liệu đã dẫn.
[179] Xem các Websites về Robert Sternberg:
http://www.indiana.edu/~intell/sternberg.shtml//http://www.yale.edu/pace/team-members/personalpages/bob.html//http://www.psy.pdx.edu/
PsiCafe/KeyTheorists/Sternberg.htm
[180] Xem: http://www.psych.umn.edu/people/faculty/lykken.htm (trang
về David Lykken của University of Minnesota) //http://php.louisville.
edu/advancement/ocm/expertsource/expertdetails.php?fname=
Michael&lname=Cunningham (trang về Michael Cunningham của
University of Louisville).
[181] Thông tin về NEF và hầu hết thông tin về chỉ số hạnh
phúc (HPI) ở đây được sử dụng theo Web chính thức của NEF: WWW.Happyplanetindex.org
[182] Xem: www.en.wikipedia.org/wiki/Vanuatu // www.ru. wikipedia.org /Âàớúàũú //Thảo Hương. Vanuatu:
Đảo hạnh phúc. www.nld.com.vn. 16-07-2006.// UNDP. HDR. 2005. p
268.
[183] Xem: Minh Huy. Tài liệu đã dẫn.
[184] UNDP. Human Development Report 2005. p 268.
[185] Ziuganov. Mười hai bài học lịch sử. Thông tin
công tác tư tưởng số 1/1996. Xem thêm: D.A.Leonchev (2003). Từ những giá
trị xã hội đến những giá trị nhân cách. Nguồn gốc xã hội và hiện tượng học của
điều chỉnh hoạt động. Nghiên cứu con người số 6/2002 và 1/2003.// Lê Hữu Tầng
chủ biên (2003). Chủ nghĩa xã hội. Từ lý luận đến thực tiễn. Những bài học
kinh nghiệm chủ yếu. CTQG. Hà Nội. 2003.
[186] Xem: Francois Perroux. Triết lý phát triển. (Bản
dịch của Chương trình Triết lý phát triển ở Việt Nam).// Người đưa tin UNESCO số
11/1988; số 8/1990.
[187] Xem: I.T.Frolov. Tư duy mới về chủ nghĩa nhân đạo
mới. Trong sách Академик И.Т. Фролов. Наука. М., 2001. стр
. 512-2519.// I.T.Frolov. Trở lại với con người. Tạp chíNghiên
cứu con người số 1/2002.
[188] Colin Powell, ngoại trưởng Mỹ, tỏ ý tiếc rằng đã không
đọc kỹ Beccna Phôn để hiểu hơn về Việt Nam: đâu là tinh thần dân tộc, đâu là ý
thức hệ cộng sản. (BBC ngày 6/5/2004 Xem: Bản tin TTXVN số 08/TKNB-QT
6/5/2004).
[189] Trần Văn Giàu (2002). Con người Việt Nam: một số vấn
đề cần nghiên cứu. T/c Nghiên cứu Con người. Số 2.
[190] ĐCSVN. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
VIII. Nxb CTQG. Hà Nội, 1996. tr. 56.
[191] C. Mác và Ăngghen Toàn tập, t.19. Nxb. CTQG. Hà Nội,
1995. tr. 499 – 500.
[192] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb
CTQG. Hà Nội, 1987. tr. 57.
[193] Chữ dùng của C. Mác. Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen.
Toàn tập, t. 3. Nxb CTQG. Hà Nội, 1995. tr. 28-29.
[194] ĐCSVN. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế -
xã hội 1991-2000. Nxb Sự thật. Hà Nội, 1991. tr. 8.
[195] Hồ Chí Minh.Toàn tập, t.5. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2000. tr.
644.
[196] Hồ Chí Minh.Toàn tập, t. 4. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2000. tr
56.
[197] Xem: Tạp chí Nghiên cứu con người số 1/2002.
[198] HChí Minh. Toàn tập, t. 12. Nxb. CTQG. Hà Nội,
2000. tr. 447.
[199] ĐCSVN. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế -
xã hội 1991-2000. Nxb Sự thật. Hà Nội, 1991. tr. 8.
[200] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb.
CTQG. Hà Nội, 2003, tr. 91.
[201] Xem: C. Mác, Ph. Ăngghen. Toàn tập, t.20.
Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr.641.
[202] Alvin Toffler. Thăng trầm quyền lực. Nxb
Thông tin lí luận, Hà Nội, 1992, tr.41.
[203] Xem: Hồ Sĩ Qúy. Tăng trưởng kinh tế nhìn từ góc độ
văn hóa. Triết học số 3/1999 (tr.13-16).
[204] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ
năm Ban chấp hành trung ương khóa VIII. Nxb. CTQG. Hà Nội, 1998, tr.55.
[205] ĐCSVN. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật. Hà Nội, 1991. tr. 13.
[206] ĐCSVN. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2003. tr. 91.
[207] ĐCSVN. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2003. tr. 114.
[208] ĐCSVN. Cương lĩnh... Sđd., tr. 15.
[209] C.Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, t. 4, Nxb. CTQG. Hà
Nội, 1995. tr. 628
[210] Xem: ĐCSVN. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần
thứ IX. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2003. tr. 160.
[211] Xem: ĐCSVN. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần
thứ IX. Nxb. CTQG. Hà Nội, 2003. tr. 162.
[212] Ngưỡng nghèo quốc gia do Bộ LĐTB&XH quy định: được
coi là nghèo các hộ gia đình có mức thu nhập dưới 80 nghìn VND/người/tháng -
theo LHQ tại Việt Nam (2003),Báo cáo tiến độ thực hiện các MDG. tr. 69.
[213] Ngưỡng nghèo quốc tế: dưới 1 US$/ ngày tính theo PPP
năm 1985 (hay 1,08 US$/ ngày theo PPP năm 1993). Ngoài ra chuẩn quốc tế còn
tính chuẩn nghèo lương thực: dưới 2100 calo/ người/ ngày - theo WB (2003), Báo
cáo phát triển thế giới 2003. tr.347.
[214] Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ
(MDG) 2003. tr.3.
[215] Nguồn: WB (2003), Báo cáo phát triển thế giới 2003.
Nxb CTQG. tr. 336 - 337. (Theo tiêu chuẩn riêng của từng quốc gia)
Vanhoahoc.edu.vn chân thành cám ơn tác giả đã cho phép sử dụng
tài liệu này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét