Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Cuộc đời là ảo mộng

Cuộc đời là ảo mộng
Các thi nhân là những người nhạy cảm với cuộc biến đổi vô thường của thế gian, họ trình bày cảm nhận đó qua các bài thơ, như Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
Thăng long thành hoài cổ - Thúy Đạt diễn ngâm
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Khi Nguyễn Ánh thắng được Tây Sơn, lên làm vua, không đóng đô ở Thăng Long như các triều đại trước mà dời đô về Huế. Điều đó cũng dễ hiểu vì Nguyễn Ánh là hậu duệ của Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn đầu tiên xây dựng cơ đồ ở vùng Thuận Hóa. Ông ta chưa bao giờ sinh hoạt trên đất Thăng Long. Thuận Hóa xưa là Châu Ô và Châu Rí của Chiêm Thành, vị trí phía nam sông Gianh, phía nam sông Thạch Hãn, nay là Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, vua Chiêm Chế Mân đã dâng cho Đại Việt năm 1306, làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Nhà Trần. Vua Trần Anh Tông đổi tên là Châu Thuận và Châu  Hóa lập nên phủ Thuận Hóa. Phú Xuân (Huế) là đô thành của phủ Thuận Hóa. Các chúa nhà Nguyễn đã bảy lần đánh nhau lớn với các Chúa Trịnh ở miền Bắc. Cuộc chiến đầu tiên diễn ra năm 1627 dưới thời Trịnh Tráng ở phía bắc và Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi ở phía nam. Trịnh Tráng xua quân đánh miền nam. Phía nam đã có tiếp xúc với phương Tây, cụ thể là với Bồ Đào Nha, trang bị được súng thần công là vũ khí mới của thời đó nên đẩy lui được quân Trịnh. Cuộc chiến cuối cùng lần thứ bảy diễn ra năm 1672 dưới thời Trịnh Căn ở phía bắc, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần ở phía nam. Bên phía nam có vị tướng trẻ tài năng là tôn thất Hiệp 尊室協, 1653-1675 tên thật Nguyễn Phúc Chiểu, là con thứ tư của Nguyễn Phúc Tần, làm nguyên soái. Đẩy lui được quân Trịnh, Chiểu không ham danh lợi mà mộ Đạo Phật, đi tu pháp danh là Giác Sinh Thiền Hòa Tử. Ngay trong lúc còn chiến tranh, có một ông lão nghèo nàn túng quẫn tên Bật Nghĩa, xin dâng cho nguyên soái cô con gái xinh đẹp để làm tì thiếp, nhưng Chiểu từ chối vì không ham nữ sắc, nhưng cũng ban thưởng cho ông lão 10 quan tiền vì biết ông ta nghèo túng quá.
Sau cuộc chiến đó, hai bên bèn thôi, không đánh nhau nữa, lấy sông Gianh làm ranh giới chia cắt lâu dài. Mãi đến 100 năm sau, năm 1774, dưới thời Trịnh Sâm ở phía bắc và Nguyễn Phúc Thuần ở phía nam, quân Trịnh lại nam tiến dưới sự chỉ huy của lão tướng Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, qua năm sau họ chiếm được kinh đô của chúa Nguyễn là Phú Xuân (Huế), Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Quảng Nam. Sau quân Trịnh lại chiếm được Quảng Nam, Nguyễn Phúc Thuần phải theo đường biển chạy vào Gia Định.
Sau đó ở Quy Nhơn, ba anh em Tây Sơn nổi lên, diệt được cả chúa Trịnh ở phía bắc và chúa Nguyễn ở phía nam. Trong ba anh em, Nguyễn Huệ là người ở giữa, tài giỏi hơn cả. Khi vua Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung, đã đánh tan 20 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, được vua Càn Long sai qua đánh Tây Sơn. Nhưng Nguyễn Huệ mất sớm năm 1792 lúc 40 tuổi. Sau đó nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng, bị một hậu duệ của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh tiêu diệt, thống nhất đất nước, lập nên triều đình nhà Nguyễn, đóng đô ở Huế.
Cựu đô Thăng Long, kinh đô của biết bao triều đại, kể từ thời Bắc thuộc, thời Nhà Đường, Việt Nam được gọi là Giao Châu tổng quản phủ, nhưng đến năm 679 đổi tên thành An Nam đô hộ phủ, gồm 13 châu có tất cả 59 huyện, trung tâm cai trị của An Nam độ hộ phủ, tức các cơ quan quản lý nhà nước trung ương, đóng trong thành  Tống Bình, dưới sự cai trị của tướng quân Cao Biền 高駢 với chức vụ Kinh lược sứ, đến năm 866 đổi thành Tiết độ sứ  (nên nhớ là thời Đường Huyền Tông, An Lộc Sơn cũng làm Tiết độ sứ cả ba trấn Bình Lư, Phạm Dương và Hà Bắc, ông ta đã gây ra cuộc phản loạn đánh chiếm Trường An, khiến vua Đường phải bỏ chạy, đến Mã Ngôi Pha, quân sĩ không chịu đi, đòi vua phải thắt cổ Dương Quý Phi, xong họ mới chịu đi tiếp). Năm 866, Cao Biền mở rộng thành  Tống Bình và đổi tên là Đại La. Thời Lý Thái Tổ, năm 1010 vua dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Trong chiếu đời đô có nói : “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, chẳng phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. 
Đó là nơi đô hội đệ nhất của Việt Nam trong suốt 13 thế kỷ, từ thế kỷ thứ 7 (thành Tống Bình) đến thế kỷ 19 (thành Thăng Long). Nhưng năm 1802, lúc Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, ông ta đã bỏ Thăng Long, lấy Huế làm kinh đô. Thăng Long trở thành quạnh hiu như bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mô tả, không còn là nơi đô hội phồn hoa nữa. Sự thịnh suy diễn biến giống như vỡ kịch (cuộc hí trường).
Một bài hát khác do ca sĩ Như Quỳnh thể hiện, cũng nói cuộc đời chỉ là phù du. Bài này cảm nhận được cuộc đời ngắn ngủi, vô thường như phù du, nên mở rộng tình thương, con người nên đối xử tử tế với nhau.
Một ca sĩ khác của Đài Loan thể hiện ý tưởng cuộc đời giống như một vỡ kịch, là do tưởng tượng vẽ vời chứ không phải thật, và do đó có thể thay đổi, nhưng sửa đổi như thế nào thì bài hát chưa đề cập:
Đời người là vở kịch – Dương Diễm Thanh – Hiển thị ca từ – Việt dịch
Tâm lý con người chống lại sự biến đổi, chống lại nghịch cảnh bằng sự kiên cường bền chặt của tấm lòng. Bài dưới đây đề cao lòng chân thật, vững bền để vượt qua biết bao gian khó của cuộc đời, giữ vững tình yêu và hạnh phúc.
Tình lộ lưỡng tâm lao – Dương Diễm Thanh – Ca từ – Việt dịch
(Đôi lòng bền chặt của đôi uyên ương trên đường tình)
Bên trời Tây, người ta cũng cảm nhận có giấc mộng nhưng chỉ là những mộng nhỏ không sâu sắc lắm, có lẽ vì người phương tây quá duy vật. Bài dưới đây tác giả cảm nhận đời là giấc mộng không phải vì bản chất mộng ảo của nó mà chỉ vì giấc mộng con của mình khó thành.
Harptones – Life Is But A Dream – Lyrics – Vietnamese Translation
Bài dưới đây nữa, mô tả một cảnh mộng thần tiên đẹp đẽ nhưng đó chỉ là giấc mơ thôi không phải thật, đó chỉ là tưởng tượng, một giấc mơ trong khi ngủ mê. Giấc mơ đó được so sánh với cuộc đời và kết luận cuộc đời chỉ là giấc mơ, cũng không khác gì mộng mị.
Celine Dion – Ce n’ était qu’un rêve – Lyrics – Traduction Vietnamienne
Có người đuổi theo giấc mộng con đến suốt đời không tỉnh, họ sáng tác ca khúc để diễn tả nỗi lòng, không biết rằng cuộc đời vốn đã là ảo mộng, đó là giấc mộng lớn, trong giấc mộng lớn còn sinh thêm giấc mộng con mà không hay. Hãy nghe bài Truy mộng nhân do ca sĩ quá cố Phụng Phi Phi diễn tả.
Truy mộng nhân – Phụng Phi Phi – Ca từ – Việt dịch
Phụng Phi Phi chính là một trường hợp thật tế đã diễn ra mang đầy đủ ý nghĩa cuộc đời là ảo mộng. Tháng 11-2010 Phụng Phi Phi lên sân khấu hát lần cuối cùng, cô có vẻ mệt nhưng khán giả chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cô nói như sau : (xem video)
Buổi diễn cuối cùng – Phụng Phi Phi – Ca từ – Việt dịch
Vâng đó là lần lên sân khấu cuối cùng của Phụng Phi Phi, sau đó cô nằm bệnh và qua đời ngày 13-2-2012 tại Hong Kong vì bệnh ung thư phổi hưởng thọ 60 tuổi.
Yêu đương chủ yếu là giữa nam nữ, là một loại tình cảm vô cùng kiên cố, con người cố sống cố chết mà giữ chặt, không bao giờ có thể buông bỏ, được diễn tả trong bài hát sau do ca sĩ Lâm Thục Dung thể hiện một cách hết mức.
Tạc Dạ Tinh Thần – Lâm Thục Dung – Ca từ – Việt dịch
Chúng ta đã thử xem qua tâm tình của các nghệ sĩ Đông, Tây, xem cảm nhận của họ về cuộc đời chỉ là giấc mơ như thế nào, nhưng có người mơ tưởng giấc mộng con khó thành, họ mơ ước một điều gì đó mà thực tế chưa đạt được, chứ không thật sự hiểu ý nghĩa cuộc đời chỉ là giấc mộng lớn, dù cho tất cả các giấc mộng con đều đạt được, nhưng vô thường biến đổi, đời chỉ là ảo mộng không thể vững bền mãi mãi, đời là vô thường, quy luật vô thường lấn át tất cả mọi cố gắng. Hoặc có hiểu lờ mờ do so sánh, nhưng đó chỉ là cảm tính, không phải lý tính, không có nghệ sĩ nào phân tích sâu hơn về bản chất ảo tưởng của cuộc đời, có lẽ đó không phải việc của họ, họ không phải là nhà triết học. Cũng có một số ít những nghệ sĩ đi vào triết lý, nhưng họ dựa vào tôn giáo, nhất là Phật giáo để diễn giải các ý tưởng đó bằng cách phổ nhạc các bài kinh. Dưới đây là một bài do ca sĩ phật tử Mạnh Đình Vi thể hiện.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh – Mạnh Đình Vy – Ca từ – Việt dịch
Ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh là rất rõ ràng và đúng như thật, nhưng sự thật đó không thể nghĩ bàn, rất khó hội nhập vì tuyệt đại đa số chúng sinh đã quá quen thuộc với sự mê lầm chấp thật, không dễ gì trong một đời một kiếp mà từ bỏ được thói quen lâu đời đó, do đó phải kiên trì giữ giới tu hành bỏ dần tập khí (thói quen) để đến bờ giác ngộ.
Chúng ta sẽ tiếp tục xem xét một số ví dụ trích ra từ thực tế để thấy rõ tính vô thường của sự vật. Ngoài những nét cơ bản như hoa đẹp sớm nở tối tàn, người đẹp rồi cũng có lúc già nua xấu xí, người trẻ khỏe rồi có lúc cũng già yếu bệnh tật, một quốc gia hùng cường rồi cũng có lúc cũng suy tàn. Trong một số trường hợp, vô thường diễn ra hết sức nhanh chóng, dễ thấy nhất là trong thể thao.
Đội bóng đá Barcelona (Futbol Club Barcelona) của Tây Ban Nha gần đây được xem là câu lạc bộ bóng đá mạnh nhất thế giới, đỉnh cao là mùa bóng 2010-2011, tháng 11-2010 họ thắng đại kình địch Real Madrid tới 5-0. Họ đoạt chức vô địch bóng đá Tây Ban Nha (La Liga) lần thứ ba liên tiếp. Tháng 5-2011 họ thắng Manchester United của Anh 3-1, đoạt chức vô địch Bóng đá Châu Âu ở giải câu lạc bộ (Champions League). Tháng 8-2011, họ lại thắng đại kình địch Real Madrid, đoạt Siêu cúp Tây Ban Nha (Spanish Supercup). Tháng 12-2011, họ thắng đội Santos của Brazil 4-0, đoạt cúp Vô địch thế giới của FiFa dành cho các câu lạc bộ (FiFa Club World Cup). Họ có tất cả mọi vinh quang của một câu lạc bộ bóng đá, nhờ sở hữu một cầu thủ thiên tài Lionel Messi, người bốn lần liên tiếp (2009, 2010, 2011, 2012) đoạt giải Quả bóng vàng của FiFa (FiFa/Ballon d’or). Thế nhưng trong mùa bóng 2012-2013, Barcelona vẫn có Messi trong đội hình, nhưng họ đã thảm bại không thể tưởng tượng nổi trước đội Bayern Munich của Đức. Ngày 24-04-2013 trong trận bán kết lượt đi Champions League, họ thua 0-4 và ngày 02-05-2013 trong lượt về, trên sân nhà Nou Camp, họ lại thua 0-3 trước Bayern Munich, không gỡ nổi một bàn thắng danh dự ! thua đến muối mặt.
Đối với Phật pháp thì chẳng có gì lạ, sự vô thường xuất hiện khắp nơi, không có cái gì là chắc chắn cả, cuộc đời mộng ảo biến đổi vô thường, không phải là điểm tựa chắc chắn để ta dựa vào.
Ngay cả môn thể thao trí tuệ như cờ vua chẳng hạn, khả năng và trình độ của kỳ thủ là tương đối ổn định, được đánh giá bằng hệ số elo dựa vào thành tích thi đấu bằng trí tuệ, có suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng, chứ không phải đầy may rủi như quả bóng lăn. Thế nhưng vô thường vẫn hiện diện. Ví dụ trong giải cờ vua Gibraltar 2012. Người có elo cao nhất về phía nam là Svidler Peter (2749) quốc tịch Nga, chỉ đứng thứ 12. Còn người có elo cao nhất về phía nữ là Judit Polgar (2710) quốc tịch Hungary, chỉ đứng thứ 14, đây là huyền thoại cờ vua nữ, người có elo cao nhất  mọi thời đại về phía nữ. Lê Quang Liêm (2714) đứng thứ 7. Còn người đứng đầu sau 10 vòng đấu là Hou Yifan (TQ), nữ, mới 17 tuổi, chỉ có elo 2605, nhưng vì bằng điểm với người đứng thứ hai là Nigel Short, elo 2677, nên theo qui định phải đấu hai ván cờ nhanh để phân ngôi thứ. Short thắng nên đứng đầu, Yifan đứng thứ hai nhưng đứng đầu về phía nữ nên vẫn lãnh giải, trong các trận đối đầu trực tiếp với Judit Polgar và với Lê Quang Liêm, cô cũng thắng. Tính vô thường trong thi đấu là người có elo cao hơn cũng không chắc thắng. Hou Yifan có thành tích rất ấn tượng trong giải Gibraltar 2012, thế nhưng trong giải vô địch thế giới cờ vua nữ 2012 tổ chức tại Khanty Mansiysk, cô bị loại sớm ở vòng hai bởi Monika Socko người Ba Lan có elo 2445. Như thế chúng ta thấy rõ ràng tính vô thường.
      Hou Yi Fan (Hầu Dật Phàm 侯逸凡)
Vô thường còn hiển hiện trong giải Grand Prix cờ vua nữ, vòng đấu tại Geneva, Hou Yi Fan là người có elo (Rtg= Rating) cao nhất (2617), nhưng kết quả đấu 11 trận, cô thua hết 4 trận (thắng 3 thua 4 hòa 4) chỉ đứng thứ 8 trong 12 kỳ thủ.
Ghi chú: Perf = Performance: hệ số elo trong thi đấu thực tế đang diễn ra. SB = Sonneborn-Berger value: trị số phụ, thắng hoặc hòa với đối thủ có hệ số elo cao hơn thì được điểm cao hơn so với đối thủ có elo thấp hơn. Chỉ số này dùng để sắp hạng những người cùng điểm (Pts =Points)
Trong giải cờ vua Gibraltar 2013, người có hệ số elo cao nhất là Vassily Ivanchuk (2758), quốc tịch Ukraine, chỉ đứng thứ 9. Người đứng đầu về phía nam là Nikita Vitiugov (2694), quốc tịch Nga, đứng đầu về phía nữ là Zhao Xue (TQ), elo 2554, đứng thứ 13 trong bảng tổng sắp hạng nhưng lãnh giải của nữ. Giải của nam trị giá 20.000 bảng Anh, giải của nữ trị giá 12.000 bảng Anh. Lê Quang Liêm (2705), đứng thứ 14. Còn Hoàng Thanh Trang (2476), vô địch cờ vua U20 thế giới năm 1998 và vô địch Châu Á năm 2000, hiện nay thi đấu với quốc tịch Hungary, đứng thứ 38.
Zhao Xue và Nikita Vitiugov, đoạt 
giải cờ vua Gibraltar 2013 về phía nữ và nam 
Sau khi Hoàng Thanh Trang đoạt giải vô địch thế giới U20 năm 1998, người Việt Nam rất hi vọng một ngày không xa cô sẽ đoạt danh hiệu vô địch cờ vua nữ giải thế giới (Women’s World Chess Championship), elo cao nhất của cô là vào tháng 7-2009 (2501) vì một vài tay cờ vua nữ có elo xấp xỉ cô đã làm được, ví dụ Chư Thần 諸宸 (2497) vô địch năm 2001,  Antoaneta Stefanova (2490) vô địch 2004, Hứa Dục Hoa 許昱華 (2502) vô địch năm 2006. Alexandra Kosteniuk (2510) vô địch năm 2008, nhưng đến nay, điều đó chưa xảy ra với Hoàng Thanh Trang, không phải là vấn đề khả năng mà ở chỗ cô có nghiệp vô địch thế giới hay không. Ngày 3-8-2013 Hoàng Thanh Trang đoạt chức Vô địch cờ vua nữ Âu Châu sau khi thắng Cmilyte Viktorija (2497). Đối thủ của cô người Lithuania hiện đứng thứ 17 thế giới.
Ngay đối với người được đánh giá cao nhất về cờ vua nữ là Judit Polgar cũng chưa bao giờ đoạt chức vô địch thế giới cờ vua nữ, vì cô không chịu tham dự thi đấu trong các giải nữ là một lẽ, mà nếu có tham dự cũng không chắc đoạt giải, bằng chứng là ở giải Gibraltar 2012, cô có tham dự thi đấu ở bảng chung nam nữ (open), nhưng chỉ đứng thứ 14, cũng không đoạt giải dành cho nữ. Đó là vì tính vô thường của cuộc đời.
   Judit Polgar
Hoàng Thanh Trang (trái) thắng Cmilyte Viktorija, đoạt chức vô địch Âu Châu 2013 tại Belgrade, Serbia. (Cô thi đấu cho nước Hungary không phải cho Việt Nam).
Tính vô thường trong vật lý được Heisenberg xác định trong nguyên lý bất định (the uncertainty principle). Ý nghĩa của nguyên lý này là : “Các hạt vi mô khác với các vật vĩ mô thông thường. Các hạt vi mô vừa có tính chất sóng lại vừa có tính chất hạt, đó là một thực tế khách quan. Việc không đo được chính xác đồng thời cả tọa độ và xung lượng của hạt là do bản chất của sự việc chứ không phải do trí tuệ của con người bị hạn chế. Kỹ thuật đo lường của ta có tinh vi đến mấy đi nữa cũng không đo được chính xác đồng thời cả tọa độ và xung lượng của hạt”
Theo tôi thấy, phát biểu về ý nghĩa của nguyên lý bất định như trên có nhiều sai sót:
1/ Các hạt vi mô khác với các vật vĩ mô thông thường? Thật ra là không khác, thấy khác là do ta cảm nhận, cảm nhận đó là sai lầm. Ví dụ ta cảm nhận có một khoảng cách không gian từ Sài Gòn đến Hà Nội. Ta cảm giác như thế vì ta không thể di chuyển với vận tốc của ý niệm. Đức Phật nói khoảng cách đó là không có thật. Hiện tượng rối lượng tử cũng chứng minh khoảng cách giữa hai photon vướng víu (entangled), ví dụ trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại đại học Geneva, Thụy Sĩ, khoảng cách đó là 18 km, là không có thật. Hầu Hi Quý đã chứng tỏ bằng thực nghiệm việc lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào chiếc xe hơi đang đậu ở hồ Mật Vân, khoảng cách 50km là không có thật, xăng tức khắc chảy từ Bắc Kinh tới Mật Vân không mất thời gian, giống như lượng tử, photon này tức khắc biến đổi theo photon kia không mất chút thời gian nào.
2/ Việc không đo được chính xác đồng thời cả tọa độ và xung lượng của hạt là do bản chất của sự việc chứ không phải do trí tuệ của con người bị hạn chế? Đúng ra là do cả hai, vừa là bản chất của sự việc, đó là những tính chất: vật không có sẵn tự tánh, số lượng là không có thật, khoảng cách không có thật, thời gian không có thật, vị trí là bất định xứ, vô ngã, vô thường. Mặt khác, trí óc, nhận thức của con người cũng bị hạn chế, trí óc tất yếu phải bị hạn chế, trí óc tất yếu phải bị che mờ bởi vô minh, nếu không thì sẽ không thấy có vật gì cả, đó là sự hạn chế của trí óc duy lý. Phật (tức người giác ngộ) thấy tánh không của vật, thấy tâm như hư không vô sở hữu, không có chân lý, không có gì là thật cả, không có sơn hà đại địa, không có sinh lão bệnh tử, không có luân hồi, không có niết bàn. Tóm lại vật là do tâm tạo, không gian, thời gian, số lượng là do tâm tạo. Những điều này Bát Nhã Tâm Kinh đã nói rất rõ như đã trình bày ở trên. Lục Tổ Huệ Năng cũng có nói trong bài kệ:
Bản lai vô nhất vật  本來無一物   Xưa nay không có một vật gì
Hà xứ nhạ trần ai?   何處惹塵埃  Bụi trần bám vào đâu?
Trong thế giới ảo vi tính, những điều nói trên là quá rõ ràng. Bản chất của tất cả hình tướng sự vật của thế giới vi tính là số 0 và 1. Chỉ có thế thôi. Nhưng trong tâm thức của chúng ta thấy có âm thanh, hình ảnh, chữ viết, màu sắc, video…
Không phải chỉ có thế giới vi tính là ảo. Thế giới đời thường cũng cùng tính chất ảo như thế nhưng cao cấp, phức tạp hơn rất nhiều. Không phải chỉ có thấy và nghe, những cảm giác ngửi (khứu giác), cảm giác nếm (vị giác), cảm giác thân thể tiếp xúc (xúc giác, nam nữ ái ân) sự sinh sản, sự tiêu hóa, sự tăng trưởng của cơ thể được điều khiển bởi cơ cấu thông tin di truyền vô cùng phức tạp của gen, của ADN. Thế giới ảo của vi tính là mặt phẳng tức không gian hai chiều, nếu tính thêm thời gian nữa là ba chiều. Còn thế giới ảo của đời thường là không gian ba chiều, cộng với thời gian thành bốn chiều, nên vô cùng phức tạp hơn bội phần.
Khi con người hiểu đầy đủ về bản chất số của thế giới đời thường và làm chủ được nó, đó sẽ là cuộc cách mạng vô cùng lớn của nhân loại.
Truyền Bình
Theo http://phatgiao.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...