Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Khỏa thân màu xám

Khỏa thân màu xám 
Mười một tuổi. Nó học lớp sáu.
Đứa bé gái ấy thật bình yên. Cái cặp học sinh với những quyển tập học, chữ viết đẹp, sạch sẽ. Những quyển truyện tranh chọn lọc. Những buổi tối đi phố cùng với gia đình. Thỉnh thoảng, trong năm, nó đi dự sinh nhật của những đứa bạn cùng lớp. Và những công việc vặt vãnh trong khả năng của nó. Sáng thức dậy sớm, đánh răng, rửa mặt, quét bụi trên bàn, quét phòng, sắp xếp lại sách vở. Ba nó đưa nó đến trường. Mỗi ngày, đến giờ đi học là nó buồn. Mặc dù nó thích học, thích gặp các thầy cô trong trường, thích bay nhảy trong sân trường.
Từ ngày nó chào đời trong căn nhà này, những quấn quýt ghì siết của ba mẹ nó bỗng nới lỏng. Ưu tư, sợ hãi luôn phảng phất trên gương mặt của ba mẹ nó. Nhìn dáng vẻ của nó, người ta mơ hồ cảm nhận một bất trắc nào đó chực xảy đến. Nó yếu đuối, mong manh, sương khói. Dường như lúc nào nó cũng chực biến khỏi cõi đời này. Một cơn bạo bệnh. Một tai nạn. Trong ý nghĩ của ba mẹ nó, đôi lúc, thoảng lướt ngang trong họ một đám mây màu xám.
Không biết từ lúc nào, nó cảm thấy chông chênh và trống trải. Càng ngày nó càng cảm nhận rõ ràng, nó thực sự uất hận khi nhìn ngắm ba mẹ nó. Khi có sự hiện diện của hai người, lập tức nó bỏ đi mang theo sự bứt rứt, quạu quọ và bất an. Nó ra vào, tới lui trong nhà, tay nó vụt ném những đồ vật gây ra những tiếng động nhằm lắp đầy sự căm uất mà lúc nào nó cũng cảm thấy nhưng không thể hiện được một cách trọn vẹn. Càng gây tiếng động, thần kinh nó càng căng thẳng. Nó rất gần với trạng thái của kẻ điên, mà nó, vì còn quá nhỏ nên không nhận biết. Nó hoàn toàn không thích trạng thái này. Vì khi trạng thái này xâm lấn, nó không còn hồn nhiên nô giỡn như trước đây nữa. Một câu hỏi luôn luôn ức chế nó. Nó biết rằng, nó sẽ chiến thắng ba mẹ nó một cách tuyệt đẹp, khi nó diễn đạt được câu hỏi ấy. Nhưng chắc ba mẹ nó đau và chua xót lắm. Ba mẹ nó như hai cây cổ thụ che chắn cho nó. Nó liên tưởng đến điều ấy thật rõ ràng khi ba mẹ nó đi công tác để nó lại nhà một mình. Nó phải tự sửa soạn lấy bữa ăn. Đó là những ngày nó bơ vơ, trống trải. Ba nó hiểu trạng thái ấy và luôn bảo nó: “Con phải tập tính điềm tĩnh, không được nóng nảy”. Một hôm, dù hết sức kềm chế, nhưng nó vẫn buột miệng: “Trong lớp, bạn chửi mình, bạn hiếp đáp mình, con phải làm sao?”. Ba nó cầm lấy bàn tay của nó - bàn tay lạnh ngắt vì xúc động, ba nó mỉm cười: “À! Con phải cho cô hay”. Nó dồn tới: “Nhưng cô không xử!”. Ba nó ôm nó vào lòng “Bạn nào đánh con? Ba sẽ nói với cô chủ nhiệm”. Nó tỉnh như không: “Thế mà ba bảo con phải độc lập, phải tự giải quyết những vấn đề của mình”. Ba nó im lặng. Nó hả hê, nhưng lòng dạ nó tái xanh. Nó vừa nói, vừa bỏ đi ra chỗ khác như muốn tránh xa ba nó : “Ba khỏi lo! Con sẽ tự giải quyết, không làm phiền ba đâu”. Dường như ba nó không quan tâm lắm về dự định của nó.

Nó nuôi cơn giận suốt một ngày, một đêm. Giận gia đình. Giận đứa bạn cùng lớp. Sáng hôm sau khi vào lớp, nhét cặp vào hộc bàn, ngay lập tức nó đứng đối diện với đứa bạn trai cao lớn, cứng cáp hơn nó nhiều. Nó dang thẳng tay, tát hết lực vào mặt bạn trong khi đôi mắt nó đã tối mù vì khóc: “Hôm qua sao bạn giấu mất tập của tôi”. Thằng kia toét miệng cười, chìa má bên kia: “Nè! Đánh nữa đi”. Nó quay mặt khóc tức tưởi. Sụp đổ. Bởi nó sẵn sàng chờ một hai cú đánh trả, nhưng thằng kia đã ào ra sân chơi cùng lũ bạn.
Từ đấy, bất lực và hằn thù càng thêm đeo đuổi nó.
Họ đẹp một cách toàn bích.
Người vợ với gương mặt thánh thiện, làn da mịn màng, mềm mại, vóc dáng như một người mẫu. Người chồng cương nghị đầy nam tính. Những đêm trong khu vườn tĩnh lặng, họ khỏa thân dưới ánh trăng. Cả hai thân thể: một trắng muốt đầy ma lực, một rám đen dũng mãnh. Dù cả hai đôi mắt đều nhắm nghiền nhưng họ vẫn chiêm ngắm được độ tương phản của hai màu da. Họ nghe mặt đất của khu vườn chuyển động, run rẩy. Từng dòng nhựa co rút dữ dội, phóng thoát lên từng đỉnh của những chiếc lá non. Những đêm họ đi chơi về khuya, vội vã bước vào phòng khách khóa trái cửa lại, gấp rút, lính quýnh trút bỏ y phục. Những buổi sáng trong phòng tắm. Những buổi trưa trên nền gạch. Họ khát thèm nhau rồ dại và không bao giờ muốn lơi nghỉ. Những lúc cách xa, hồi ức của họ tràn ngập những động tác của khoái cảm, của những hạnh phúc họ đã trải. Và họ cảm thấy rằng, các hình ảnh ấy quá nhiều, quá dồn dập, những hồi ức của họ không thể nào tái hiện đầy đủ.
Một hôm, người chồng nẩy ra ý định, sẽ khắc một vạch trên cây cột để ghi lại dấu tích sau mỗi lần ân ái. Một thời gian dài, những vết gạch vội vã ấy trở nên dày đặc, khít rịt giống như người ta lấy một con dao băm lên thân cột một cách vội vã. Cả hai, cùng lúc, chợt nhận ra, cụ thể hóa những rung động thầm kín thật là một hành động vô sĩ, nên họ đã kêu thợ đến thay cây cột ấy.

Một đêm, trong khu vườn, người chồng bửa toát cây cột cũ. Từng thanh củi mang dấu tích của ái ân được ném vào lửa. Từng chiếc. Thật chậm. Từng chiếc. Họ hỏa thiêu tất cả những đắm say mà trong cơn ngẫu hứng cả hai cùng khắc lên. Bên cạnh ngọn lửa cất cao ấy cùng với tiếng nổ lép bép và âm vang phần phật của lửa, họ cũng đã kiệt lực khi trút cạn cho nhau. Cả hai cùng thiếp đi trên cỏ.
Đám lửa dần lụi tàn.
Kiệt lực, mỏi mệt, bải hoải khi họ thức dậy gió đã cuốn những tàn tro bám vào những đầu ngọn cỏ đang ướt sương. Tàn tro bay làm bẩn khu vườn của họ. Sáng hôm sau, người vợ dùng chổi quơ lướt trên đám cỏ. Những tàn tro rơi xuống, len nấp vào trong cỏ rậm. Mấy hôm sau, nhờ vào những đám mưa lớn, những tàn lửa mới tan vào trong đất. Và cái vòng tròn chỗ đám lửa bắt đầu nẩy lên những ngọn cỏ non.
Đối với người vợ, cái vòng tròn ấy thật dị thường. Trong cảm nhận của nàng nó không bao giờ hòa điệu với sắc cỏ chung quanh. Nàng xót xa khi chú ý đến cái vết sẹo, chỗ gốc cây mận. Hôm ấy, gió đàn, áp ngọn lửa làm tiêu hủy hết một bên vỏ gốc cây mận. Vỏ cây chỗ ấy bị khét đen và bung ra, trơ thân gỗ màu nâu. Lớp vỏ tươi chung quanh vết thương co lại, dầy lên, có vẻ như sức sống của cây mận không muốn lan đến để che kín vết thương. Ý nghĩ đó làm nàng nao lòng.
Chính đêm ấy, bằng những cảm nhận hết sức rõ ràng, nàng biết ngay mình đã thụ thai.
Từ dạo ấy, có những đêm nàng cố hoài tưởng những rung động cũ. Thật khó khăn và mơ hồ. Nàng cố gắng tìm kiếm và tái diễn. Nhưng tuyệt nhiên, cái không khí cũ, cái cảm giác cũ không còn nữa. Có nhiều lúc nàng phải tự đóng kịch như một con điếm làm cho chồng nàng vui. Chồng nàng thì vẫn đam mê, cuồng nhiệt. Nàng chợt nhớ lại, kể từ khi thụ thai, nàng không còn sức lực nữa. Dù màu nắng màu mật ong thật đẹp, nàng cũng cảm thấy nóng nảy. Dù những đêm mưa, trong căn phòng giường chiếu ấm cúng, tiếng mưa bên ngoài ào ạt, âm thanh dỗ dành, nàng cũng không cảm thấy yên giấc. Nàng cảm thấy như kim châm trên các vùng da thịt. Nàng xa lạ với đời sống. Nàng không còn hãnh diện vì vẻ đẹp thánh thiện của mình. Nàng chỉ quan tâm dò xét tâm trạng và sự biến chuyển cơ thể của chính nàng. Có một con sâu róm, mình tỏa đầy lông trắng rúc vào trong não nàng, ngọ nguậy, sau đuôi nó thỉnh thoảng xịt ra một vệt nước. Nàng muốn phát điên.
Nàng đâm ra thù ghét người đàn ông. Chính anh ta đã bày ra cái trò khắc dấu vào thân cột. Điên rồ và dại dột. Đó chỉ là một trò chơi, người ta có thể quên đi thật dễ dàng. Nhưng tại sao nàng không thể quên được cái trò chơi ấy. Tại sao ? Ý nghĩ như thế nẩy sinh trong bao nhiêu người đàn ông. Điều đó thật bí ẩn đối với nàng. Phải chăng, với người đàn ông khác, là những bí ẩn khác. Không. Không có gí khác cả. Nàng tự trả lời. Bạo liệt, tật bệnh, tục tằn - tất cả những thứ đó nhằm hành hạ, quăng quật một người đàn bà. Chỉ có thế. Chỉ là những thú tính được trùm kín bởi mảnh vải linh thiêng. Chính họ - đàn ông lẫn đàn bà đều ngợp người trong những mỹ từ ấy suốt cả cuộc đời và họ gọi đó là hạnh phúc. Ơ kìa! Phải chăng nàng đã thức tỉnh quá sớm? Hay ngộ nhận quá sớm!
Dù muộn hơn, cho đến khi đứa bé ra đời người chồng mới cảm thấy vợ mình đã lãnh cảm. Phần nàng, nàng cố hết sức tự nhủ rằng mình vì quá khắc khe, quá tưởng tượng nên đâm ra ngộ nhận tình yêu của chồng. Cho nên, vẫn không gian yêu dấu ngày xưa, vẫn hai thân thể hoàn mỹ ấy này dọ dẫm, lần mò tìm kiếm cái cảm giác tuyệt đỉnh của ngày xưa. Họ thử đi, thử lại hết mọi nơi, mọi ngóc ngách. Và dù đêm hay ngày, kết quả thật vô vọng. Tất cả, đối với nàng chỉ là thể xác với thể xác. Bóng dáng của sự thăng hoa đã câm nín. Dần dần, cả hai cùng hướng về một nẽo : Tâm cảm, lòng thương yêu của họ tập trung cho đứa bé. Từ khi ra đời, nó yếu ớt, mong manh. Nó cần sự che chở đến suốt cuộc đời nó. Sự khoái lạc riêng tư - họ nghĩ - đó là một tội lỗi. Cũng may, họ đã thiêu hủy hết những vết tích mà một thời họ muốn ghi dấu.
Hơn mười năm, họ yên tâm sống trong trạng thái ấy.
Đứa bé gái, từ khi nó bước vào lớp sáu, nó bỗng trở nên cô độc, không cần sự quan tâm của ba mẹ nó. Nó chỉ quan tâm mãnh liệt đến bản thân và ý nghĩ của chính nó. Có lẽ, từ lúc lên bốn, vào học mẫu giáo, mỗi khi ba nó rước nó từ lớp học về nhà, mơ hồ nó muốn hỏi ba mẹ nó một câu hết sức quan trọng, nhưng nó không hình dung một cách cặn kẽ câu hỏi ấy. Nó không bao giờ kịp thắc mắc một điều gì, bởi hằng ngày nó có đầy ắp những trò chơi vui thú, ngợp người trong sự chăm sóc thiết tha của ba mẹ nó. Nó cũng không hề hay biết câu hỏi vô hình ấy ngày càng lớn lên trong tâm tưởng nó. Trước đây nó hồn nhiên mê say ngắm cha mẹ nó. Họ đẹp, thông minh sáng láng như hai thiên thần. Những buổi chiều đi phố mua sắm hoặc dạo qua những công viên bao giờ cũng đi cả gia đình. Chưa bao giờ nó chịu đi riêng với ba hoặc với mẹ. Nó là mối dây sống động liên kết hai người. Nhưng giờ đây, nó khước từ mọi cuộc vui có sự hiện diện của ba mẹ. Nó chỉ im lặng lủi thủi ở nhà hoặc đi chơi riêng với bạn.
Buổi sáng hôm ấy, tiết trời lành lạnh. Không khí trong veo. Trong khu vườn nhà có vài chậu hồng đang nụ xinh xắn. Cô bé chuẩn bị đi học, áo dài trắng phất phơ - thật dễ thương và thanh khiết. Nó ghé mắt qua những nụ hồng. Ba mẹ nó rạng rỡ bước ra. Giọng ba nó thật ấm: “Ba chụp cho con một Pô hình rồi hãy đi học con nhé!” Nó bỗng nghe thót ở tim, lùi xa những chậu hồng, giọng điệu gắt gỏng :”Không.” Một giây, tất cả đều im lặng. Nó cố trấn tĩnh, ôm chiếc cặp căng phồng sách vở, bước về phía ba mẹ. Nó nghiêng nghiêng gương mặt xanh xao với đôi mắt to, đen láy. Nó cố diễn thật đạt vai của một đứa bé hồn nhiên, giọng nó dịu dàng trong như nước suối :”Ba mẹ thật đẹp ...” nói đến đó, nó rung lên, quị về phía mẹ nó. Nhưng lập tức, nó đứng thẳng người và ngẩng cao đầu, giọng điệu dữ dằn, nanh nọc: “Tại sao ba với mẹ sinh con không đẹp?”
Nói xong, nó quăng chiếc cặp và thoát đi. Nó chạy nhanh ra cổng, vạt áo dài tung bay. Nó muốn cất cao lên, biến mất vào khoảng không. Nhưng bước chân của nó rối loạn lảo đảo, vấp váp chực nhào xuống đất. Một bên vai nó, ống tay áo dài rộng phất phơ, xoắn xuýt trong gió. Cánh tay còn lại đang vẫy đập dữ dội, bạo liệt. Nó té nhào xuống sân. Trong cơn tuyệt vọng và xấu hổ, nó lết đi, muốn nhủi trốn vào một nơi nào đó, giấu biệt chiếc cánh gãy bẩm sinh.
Trại viết Vũng Tàu, ngày 25/4/2004
Lê Đình Trường 
Nguồn: vanchuongviet
Theo http://chieulang.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...