Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng...
"Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc
những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng
Chẳng
biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi…"
Những
câu thơ đầy gan ruột với những kỷ niệm đẹp bên dòng sông đã trở thành dòng cảm
xúc xanh xuyên suốt bao thế hệ. Cảm ơn nhà thơ Tế Hanh đã nói hộ tất cả những
người sinh ra bên bến nước sông quê. Vâng, tôi cũng thế. Quê tôi có dòng sông
Ngàn Phố đẹp đến nao lòng...
Bên bờ Ngàn Phố. Ảnh: Đậu Bình
Sông Ngàn Phố nước biếc xanh muôn đời hiện lên bóng cây, bóng
lá, bóng những con người Hương Sơn biết khai thiên lập địa, biết chinh phục
thiên nhiên và gìn giữ con sông như gìn giữ một tình yêu vĩnh hằng, luôn luôn
khát vọng và tỏa sáng.
Cây có cành bầy chim làm tổ, sông có nguồn từ nước chảy ra.
Hiển hiện một dòng sông chở đầy ắp thơ và nhạc ấy bắt nguồn từ điệp trùng dãy
Trường Sơn bên kia biên giới Việt - Lào. Nguồn nước xanh phảng phất mùi hương của
những đóa chăm-pa, phảng phất hương ngô, hương lúa trên bạt ngàn nương rẫy và
kiều diễm như điệu lăm-vông hội về với Nước Sốt, Rào Mắc, Rào Bống, Rào Qua...
Sông Ngàn Phố đi qua bao núi, bao khe để trở về hợp lưu ngã ba Tam Soa nơi con
sông La dạt dào nắng gió.
Sông như mẹ suốt cuộc đời chắt chiu, nhẫn nại, hy sinh thầm lặng.
Sông như cha thông minh, can đảm, giàu nghị lực trước dâu bể cuộc đời. Sông
Ngàn Phố là biểu tượng của linh hồn người Hương Sơn. Gọi một ngàn lần sông
thương, gọi một ngàn lần sông nhớ. Sông Ngàn Phố không bao giờ cạn, tình người
Hương Sơn không bao giờ vơi. Sông Ngàn Phố không bao giờ nghẽn mạch thì hành
trình của người Hương Sơn luôn luôn về đích. Sông Ngàn Phố từ thăm thẳm ngàn
xưa cho tới hôm nay là nhân chứng trung thành của lịch sử. Không ai hiểu niềm
vui của quê nhà bằng chính dòng sông, không ai hiểu nỗi buồn của quê nhà bằng
chính dòng sông. Sông hóa thành mực để ghi vào cây, vào cỏ những kỳ tích của từng
thời đại.
Từ trong sâu thẳm của thời gian, những người chung sống với
nhau thuở chân đất, nón lá đã tạo nên tên làng, tên xã và sinh thành nên huyện
Hương Sơn bắt đầu từ năm Kỷ Sửu đời Lê Thánh Tông năm 1469. Đến thời Lý Trần, đất
Hương Sơn vẫn bốn bề núi dựng, rừng vẫn thâm u, buồn vắng trong tiếng hổ gầm,
vượn kêu. Lúc bấy giờ, miền hạ lưu sông Ngàn Phố lác đác có một số cư dân ở dưới
thuyền, trên bộ, hình thành hương Đỗ Gia. Họ làm nghề sơn tràng, săn bắn, khai
khẩn đất hoang gọi là dân trại. Hầu hết cuộc sống vô định, may rủi nhờ trời, hầu
hết sống theo bản năng. Những người lầm lũi đánh cá, bắt ốc, cào hến… trên sông
gọi là dân làng vạn.
Câu ca dao cũ ướt đầm nước mắt cứ theo cuộc sống luân hồi của
họ: Thứ nhất là vạn Đỗ Gia/ Thứ hai vạn Phố, thứ ba vạn Nầm. Dân trại suốt ngày
bám rừng, dân Làng Vạn cứ theo đường sông chèo thuyền thả lưới lên tận cùng sơn
cước. Nghề tung lưới thả chài, câu cá để đong gạo qua ngày khiến bao người dân
làng vạn nhìn thấy nước sông xanh, nhưng không thấy ánh hồng của mặt trời rọi
xuống tâm hồn mình. Họ tủi nhục khi mình không biết chữ, lúc trái gió, trở trời
không bàn tay “từ mẫu” chăm sóc. Thân phận của người dân Làng Vạn đã khiến gió
động lòng thở than, khiến sông nhiều lúc thắt lại những cơn Sóng gợn tràng
giang buồn điệp điệp.
Gạt lên tất cả nỗi buồn là hy vọng, còn dòng sông, còn niềm
vui bất tận! Mỗi bước đi của dòng sông đều lung linh tên làng, tên xã, từ Sơn
Kim, Sơn Tây thượng nguồn đến Sơn Tân, Sơn Long hạ nguồn. Với chiều dài 69 km,
sông Ngàn Phố đã gắn bó keo sơn cùng quốc lộ 8 - huyết mạch giao thông quan trọng
của Tổ quốc. Không hiểu núi và sông có nặng nợ gì không mà sông luôn in hình
bóng núi. Không hiểu cây có tận hưởng được sức sống của sông mà sum suê trổ đầy
lộc biếc, hoa thơm.
Từ thuở hồng hoang sinh ra con sông Ngàn Phố đã thấy con hươu
sao từ trong ngọn núi bước ra. Hươu sao uống nước sông Ngàn Phố như uống giọt
nước tiên của thần để đôi chân chạy rướn lên như gió, mắt đen ngơ ngác nhìn ánh
chiều tà. Dòng nước ấy như dòng sữa tăng nguồn sinh lực mãnh liệt cho hươu sao
đội trên đầu mình cặp nhung nõn nà. Rồi người thợ săn đưa hươu sao về thuần
hóa. Làng anh ở bên bờ sông Ngàn Phố, anh mặc sức trồng ngô, trồng lúa, thả bầu,
thả bí. Bao nhiêu nguồn thức ăn được tạo thành từ phù sa màu mỡ và giọt mồ hôi
cật lực anh dành tất cả để nuôi hươu. Nghề nuôi hươu bắt đầu từ đấy. Xứ sở nuôi
hươu được hình thành từ đấy. Nhắc đến dòng sông Ngàn Phố, người lữ khách qua
sông lại bồi hồi, xao xuyến:
Nhớ chiều sông lặng trăng lên
Nhớ con hươu nhỏ và tên một người.
Đâu chỉ có người lữ khách nhớ, nỗi nhớ trở thành sợi dây vô
hình xâu chuỗi tất cả những người con xa xứ khao khát được một lần về để úp mặt
vào sông quê, để sông mở nước ôm tôi vào dạ. Để nhìn thấy mùa xuân trên bến nước
sông quê, vườn nhà ai đơm nồng hoa bưởi trắng. Trong mơ màng gió xuân, hoa bưởi
khe khẽ rơi trên bờ vai em mười bảy tuổi. Tóc em xanh như nước sông Ngàn Phố,
đôi mắt biếc của em như nước sông Ngàn Phố đã bùng cháy con tim bao kỷ niệm ngọt
ngào. Để nhìn thấy mùa hạ thấp thoáng bờ sông cháy rực màu hoa phượng đỏ, tiếng
ve sôi réo rắt như lay động cả vòm trời. Khi nắng chiều bắt đầu dịu, bến sông
quê nao nức tiếng cười của trẻ tung tăng bơi lội... Bóng những đàn trâu, đàn bò
ngâm mình trong sóng nước, nhú đôi sừng nhìn lên vời vợi trời xanh.
Để nhìn thấy mùa thu trong lảng bảng màn sương cả đất trời
Hương Sơn như thu mình vào sông một màu xanh: bờ tre xanh, soi bãi xanh, mây trời
xanh, đồi núi xanh… Màu xanh đan quyện vào nhau sung mãn và bất diệt. Đâu rồi
những nương dâu bạt ngàn ở Sơn Mỹ, đâu rồi những đồng cải la đà lích rích tiếng
chim sâu trong trẻo ban mai ở Sơn Tân, đâu rồi những đồng mía trổ cờ lau khi
tháng mười hanh heo mật trèo lên ngọn ở Sơn Châu, Sơn Hà... Tất cả những trang
màu từ đôi bờ sông như ùa dậy neo đậu trong tâm hồn những đứa con xa.
Nhắc tới sông là nhắc tới con đò, đò ngang bao đời nay gắn
cùng sông nước như cây gắn liền với đất. Đò ngang qua Sơn Diệm, bến Lội, bến
Choi. Mỗi bến nước, mỗi khúc sông đều hiện hữu chân dung của người lái đò. Người
lái đò thầm lặng, lênh đênh trên sông nước, ngày lại ngày chở khách qua sông.
Trong mưa bom chớp lòe lửa đạn, người lái đò vẫn bình tĩnh đến lạ lùng. Đoàn
quân đi qua, những bà mẹ tảo tần gánh chè, cau, trầu, chuối với thân cò lặn lội
đi qua, những học sinh cắp sách đến trường đi qua. Khi ký ức lắng lại trong cuộc
đời, khi biết Quê hương là chùm khế ngọt mới biết nhân cách người lái đò vĩ đại.
Điều nhân loại có thể cắt nghĩa được người lái đò gian truân và khổ hạnh đến thế
nhưng cả cuộc đời vẫn không rời đò, rời bến vì sông Ngàn Phố đã trở thành người
bạn đời tri kỷ nhất.
Sinh đâu ra mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông.
Dòng sông Ngàn Phố nuôi lớn bao anh hùng, dũng sĩ, bao nhiêu
người con tuyệt vời thông minh, giàu lòng hiếu nghĩa đã làm rạng danh cho tên
tuổi Hương Sơn. Những xóm, những làng dòng sông đi qua, bao nhiêu cuộc đời, bao
nhiêu thế hệ đối mặt với nhiều trận lũ kinh hoàng. Làng có thể nghèo đi vì lũ
nhưng nghị lực con người cao hơn đỉnh lũ. Sông Ngàn Phố bồi đắp nhân nghĩa, bồi
đắp ca dao ví giặm cho người làng bên sông từ thuở nằm nôi. Bồi đắp tư chất trí
tuệ của cha ông thuở trước. Gắn với dòng sông là tên những làng ngàn đời văn vật:
làng Thịnh Văn, làng Gôi Mỹ… Đi khắp chân trời, góc bể, khó tìm ra những thục nữ
có bàn tay vàng đan lát như người con gái Thịnh Văn. Đi khắp chân trời, góc bể,
khó tìm được những dòng họ giàu chữ như Đinh Nho, Nguyễn Khắc, Tống Trần, Lê…
thuộc xứ sở trên bến, dưới thuyền này. Học lấy chữ để làm người, học lấy chữ để
lập nghiệp, mang vinh quang về cho gia đình và có ích cho xã hội. Đấy là lời di
huấn của người xưa, đấy cũng là nỗi niềm canh cánh của dòng sông vọng vào trong
bữa ăn, giấc ngủ mỗi đứa trẻ sinh thành.
Những thi sĩ mộng mơ thường bảo, sông Ngàn Phố dường như
không có tuổi, ngàn xưa cho tới muôn sau, tóc xanh của sông không bao giờ nhuốm
bạc dẫu có bên lở, bên bồi. Những xóm làng ven sông đi qua bao biến thiên lịch
sử đã đổi thay nhiều lắm. Làng bên sông không còn những mái tranh nghèo leo lét
ngọn đèn khuya. Không còn ánh trăng thanh rọi vào khung cửi mẹ ngồi dệt lụa. Vắng
dần những hội đu, hội vật ngày xuân náo nức tiếng trống làng. Khi đường rải thảm
bê tông đến từng lối ngõ, khi nhà nhà kín cổng cao tường, khi mạng internet về
làng đủ cho ta hiểu rằng, tất cả đang lôi cuốn theo cơn lốc thời đại.
Không ai cưỡng lại quy luật nhưng không ai có quyền phủ định
cái hay, cái đẹp văn hóa của những làng ven sông. Khi cội nguồn văn hóa dân tộc
được tôn tạo, nâng niu và gìn giữ, chắc sông Ngàn Phố sẽ đẹp hơn nhiều.
Dẫu đá mòn nhưng sông không cạn, người yêu sông là người biết
yêu rừng. Có rừng mới có sông, có biển, có giọt nước ra đi và giọt nước trở về
để chiều nay trên bến nước này, ta lại gặp bóng hình em và con tim rạo rực lời
ca Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng...
Phan Thế Cải
Theo http://baohatinh.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét