Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Tâm hồn, tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Du qua Truyện Kiều

Tâm hồn, tư tưởng và nghệ thuật 
của Nguyễn Du qua Truyện Kiều
"Trải qua một cuộc bể dâu 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
Hai câu trên ở trong phần mở đầu của truyện Kiều hay còn gọi là đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT) của Nguyễn Du (ND), đã giới thiệu với chúng ta nội dung chủ yếu của tác phẩm là phản ảnh hiện thực “bể dâu’’ của xã hội thời đại ông; và phản ảnh với nỗi “Đau đớn lòng’’ của tác giả.            
Đề tài truyện Kiều đã được diễn giải với một trình độ nghệ thuật cao đưa tác phẩm lên đỉnh cao của văn chương Việt Nam.            
ND đã mượn đề tài này ở Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN), một tác phẩm rất mờ nhạt về giá trị văn chương của Trung Quốc. Chính vì vậy điều quan trọng nhất là phải xét đến cách giải quyết đề tài của tác giả. Bởi vì việc vay mượn đề tài là chuyện thường tình trên văn đàn thế giới. Những tên tuổi lớn nhất của văn chương quốc tế đều đã từng vay mượn đề tài chỗ này chỗ nọ, nhưng với tài năng nghệ thuật xuất chúng họ đã sáng tạo ra những tác phẩm bất hủ, in dấu ấn sâu đậm trong lãnh vực văn hóa văn chương của nhân loại.            
Chuyện ông hoàng tử Hamlet của Đan Mạch được bàn tay thiên tài của Shakespeare nước Anh dựng lên vở kịch bất hủ Hamlet. Giới học thuật ai mà không nhớ câu «To be or not to be»; xã hội thối nát, triều đình bỉ ổi, hỏi làm sao  không đặt ra câu hỏi «Tồn tại hay không tồn tại»? Một truyền thuyết về anh chàng «Don Juan» của Tây Ban Nha cũng được nhà hài kịch Molière nổi tiếng của nước Pháp, thế kỷ 17, dựng lên một nhân vật Don Juan lừa bịp nhưng lại nấp dưới chiêu bài của sự công bằng và bác ái:           
«Tôi không thể vì nhan sắc này mà bất công với nhan sắc kia», cho nên hắn yêu tất cả các cô gái và tàn hại cuộc đời của họ.           
Các nhân vật Phèdre, Andromaque, Antigone... trong bi kịch Hy Lạp cổ đại đã được Racine của Pháp tái hiện lại với tư tưởng tình cảm của con người thời đại ông khiến người đọc không bao giờ quên được. Cho nên cách giải quyết đề tài là thước đo tài năng của tác giả. Nhà văn biểu hiện tâm hồn, tư tưởng và tài năng nghệ thuật của riêng mình qua tác phẩm. Đề tài Truyện Kiều lấy tên của nhân vật chính Thúy Kiều mà cuộc đời là một chuỗi ngày tháng trầm luân đau khổ. Nàng là hình ảnh tiêu biểu cho những nạn nhân của các thế lực bất công, hắc ám của xã hội phong kiến thời đó. Câu thơ của ND đầm đìa nước mắt thương cảm cho số phận hẩm hiu ấy và mô tả nó với một trình độ nghệ thuật tuyệt vời.            

Tại sao truyện Kiều lại có giá trị hiện thực sâu sắc như vậy? Vì mặc dầu xuất thân từ một gia đình như phương ngôn Nghệ Tĩnh thời đó khen ngợi:
Bao giờ ngàn Hống hết cây 
Sông Rum hết nước, họ này hết quan.
Nhưng ND đã từng sống cuộc sống “đời thường’’ của người dân: đói rách, vất vả, cùng khổ.
Cha làm đến Tể Tướng, anh  làm đến Tham Tụng và nhiều người trong dòng họ cũng như bàn thân ND đều làm quan. Đó là thời kỳ rối ren nhất của thời đại Lê Mạt - Tây Sơn - Nguyễn sơ, với bao cuộc chiến tranh liên tiếp. ND vì thế đã từng có mười năm sống trong cảnh ngộ vất vả đói nghèo, thiếu cơm ăn, áo mặc. Nhưng chính nhờ vậy mà ông hiểu hơn ai hết cuộc sống của người dân đen.            
Mặc khác, gia đình ND không chỉ là gia đình khoa bảng mà đó còn là một gia đình có truyền thống văn chương từ đời này đến đời khác có nhiều tác phẩm có giá trị để lại. Thừa kế truyền thống ấy kết hợp với sự tiếp thu những tinh hoa của văn học dân gian đã giúp ND đạt được những thành công chói lọi trong tài năng nghệ thuật văn chương. Truyện Kiều do đó «là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai giá trị văn chương bác học và văn chương bình dân của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay.           
Giáo sư, nhà nghiên cứu Nghiêm Toản có viết:          
«Chúng ta có bổn phận sưu tầm, giải thích hết cả các tục ngữ, ca dao, các câu hát vặt để giữ lấy một cái hương hỏa quý báu của tiền nhân... Vì tục ngữ, ca dao, các câu hát là tấm gương phản chiếu tâm hồn công cộng của cả một dân tộc». (Việt Nam Văn Học sử Trích Yếu, Nghiêm Toản, Nhà xb Vĩnh Bảo, Saigon 1949).          
ND từng lắng nghe tiếng đàn hát của những người hát rong nghèo khổ, từng tham gia những buổi hát đối đáp của dân Phường Vải, quê ông...; chính những điều đó đã góp phần làm nên sự rực rỡ của văn chương ông.           
«Văn là gì? Văn là vẻ đẹp. Chương là gì? Chương là vẻ sáng. Lời của người ta rực rỡ, bóng bảy tựa như có vẻ đẹp, vẻ sáng cho nên mới gọi là văn chương. Người ta ai không có tính tình, tư tưởng? đem cái tính tình, tư tưởng ấy diễn ra thành câu nói, tả ra thành đoạn văn, cho nên gọi là văn chương, tức là một bức tranh vẽ cái cảnh tượng của tạo hóa cùng là tính tình, tư tưởng của loài người bằng lời nói vậy». (Bưu văn - Phan Kế Bính)           
Tác phẩm Kiều là trường hợp trên. Tâm Hồn của ND là một sợi dây tơ tinh tế nhạy cảm trước tất cả vẻ đẹp của thế giới khách quan: Thiên nhiên, con người, cuộc sống.             
Thiên nhiên trong Kiều hiện ra với muôn vàn vẻ đẹp, thiên hình vạn trạng:
"Dưới cầu nước chảy trong veo 
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha".
Bức tranh chiều xuân êm dịu trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của Kim Kiều không ai mà không nhớ. Có không gian, có thời gian và có cả cái rung động trước vẻ đẹp của chiều xuân. Chiều là khoảng thời gian gợi nhiều cảm xúc cho các nhà thơ: Bà Huyện Thanh Quan với cảnh:
"Bước tới đèo Ngang bóng xế tà"
Xuân Diệu rung động với cảnh:
"Con đường nho nhỏ nắng xiêu xiêu 
Lả tả cành hoang nắng trở chiều".
Chiều có khi được nhân cách hóa như một con người bịn rịn với văn nhân: Và Thế Lữ:                         
"Mây hồng dừng lại sau đèo, 
Hàng cây nắng nhuộm bóng chiều không đi".
Thiên nhiên trong Kiều được ND mô tả bằng những câu thơ thật chải chuốt:
"Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng 
Giậu thu vừa nẩy giò sương".
Cảnh trong Kiều thường gắn bó với hoàn cảnh và tâm trạng nhân vật nhưng cái tài tình của ND là ở chỗ ông mô tả thiên nhiên cùng một hoàn cảnh và tâm trạng nhưng lại rất khác nhau: 
Khi Kiều trốn theo Sở khanh:
"Đêm khuya khắc lậu canh tàn 
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương 
Lối mòn cỏ nhạt màu sương 
Lòng quê đi một bước đường một đau".
Lại khác khi Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư:
"Cất mình qua ngọn tường hoa, 
Lần đường theo bóng trăng tà về tây. 
Mịt mù dặm cát đồi cây, 
Tiếng gà điểm nguyệt, dấu giầy cầu sương".
Truyện Kiều còn có những câu thơ tả vẻ đẹp của thiên nhiên làm cho người đọc không bao giờ quên:
"Long lanh đáy nước in trời 
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng 
Trước sau nào thấy bóng người 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông".
Đặc biệt những câu tả cảnh nổi tiếng như đoạn Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích thật là xuất sắc. Cả đoạn thơ như một bản nhạc từ cung trầm lên đến cung bổng:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa".
Nhịp thơ êm dịu của hai câu trên khác hẳn với hai câu cuối: mạnh mẽ, dồn dập:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh 
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi.
Cùng với nhịp điệu của thể thơ lục bát biến thể là tài sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi thanh... đầy sáng tạo, đoạn thơ trên đã là đoạn tả cảnh được coi là tiêu biểu trong văn chương Việt Nam. Tuy nhiên với ND tả cảnh không phải thuần túy là tả cảnh, mà qua cảnh để nói lên tâm trạng của nhân vật, cảnh mang cái hồn của con người.               
Trăng, hình ảnh của thiên nhiên mang nhiều tính thẩm mỹ đã được hầu hết các tác giả mô tả: 
"Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời".                                            Xuân Diệu 
"Trăng nằm sóng soài trên cành liễu 
Đợi gió thu về để lả lơi".                                                                
Hàn Mặc Tử            

Trăng đâu phải là một hiện tượng tự nhiên nữa, mà với thủ pháp nhân cách hóa, trăng đã biến thành một con người với nỗi khát khao hạnh phúc ái ân. ND cũng đã dùng thủ pháp nghệ thuật này, có khi chữ  “trăng “của ông để chỉ người đẹp:
"Bóng nga thấp thoáng dưới mành".
Chữ “trăng” trong tay của ND biến hóa khôn lường, có khi trăng, gió dưới dạng từ ghép để chỉ mối quan hệ trai gái:
"Trước còn trăng gió sau ra đá vàng".
Trăng còn được tả với hoa để chỉ nhan sắc lộng lẫy và khêu gợi của nàng Kiều:
"Hải đường mơn mởn cành tơ 
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng 
Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng".
ND còn mượn “trăng” để tả cái cô đơn của nhân vật, đồng thời cũng để tả nỗi cô độc của mình:
"Một mình lặng ngắm bóng nga 
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời".
Vạn vật tiến triển theo thời gian, vũ trụ có bốn mùa để thay màu áo mới. Truyện Kiều đã tả sự tiến triển ấy với sắc màu riêng biệt của từng mùa.
Mùa xuân:
"Cỏ non xanh rợn chân trời 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".
Mùa hạ tưng bừng với âm thanh và màu sắc:
"Dưới trăng quyên đã gọi hè 
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông".
Mùa Thu về trong:
"Vi lô xao xác heo may 
Một trời thu để riêng ai một người".
Mùa đông với màu tuyết trắng và ánh trăng lạnh lẽo ngoài rèm cửa:
"Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu".
Thêm vào đó, cách sử dụng thể thơ lục bát của ông cũng đầy sáng tạo. Lê Hữu Mục nhận xét: “Thể thơ lục bát đã được làm mới với một cơ cấu chặt chẽ và một hình thức diễm lệ chưa từng có ba thế kỷ trước. ND đã đưa thể thơ dân tộc lên đến mức phát triển cùng độ. Sau ND giá trị của thể thơ lục bát không có nhà văn, nhà thơ nào đưa lên cao hơn”. Và ông đi đến kết luận dứt khoát bằng ngôn ngữ của thời đại mới của chúng ta: “ND là một nhà vô địch về lục bát. Một ông vua lục bát’’ (Trích: Truyện Kiều và Tuổi Trẻ).                                      
Kết hợp hơn nữa là sự hài hòa trong cách diễn tả giữa văn chương bác học và văn chương bình dân. Khẩu ngữ dân gian nhiều khi đi vào thơ ông một cách bình dị, tự nhiên, bất ngờ:                     
- Này cha làm lỗi duyên mày.                     
- Tú bà tốc thẳng đến nơi,            
Phương ngữ, thành ngữ dân tộc cũng được vận dụng: 
- Lo gì việc ấy mà lo, 
- Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. 
Đối lại, có những từ ngữ, câu thơ rất gọt rũa, chau chuốt nhưng vẫn bình dị, dễ hiểu ngay cả đối với người bình dân thất học:                         
- Nợ tình chưa trả cho ai                       
Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.                         
- Đau đớn thay phận đàn bà 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.           

Thật là dễ hiểu, dễ thuộc đối với người bình dân. Văn chương bác học đã được “bình dân hóa”  như vậy.           
Trong truyện Kiều, ND đã vận dụng khá nhiều điển cố:
"Trước sau nào thấy bóng người 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông".
Mượn tâm trạng của Thôi Hộ khi trở về vườn đào không thấy người yêu để tả tâm trạng Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy mà vắng bóng Thúy Kiều. Cách tả thật là tự nhiên, hơn nữa còn nhấn mạnh ý muốn nói: Nỗi thất vọng vì không còn gặp được người xưa.            
Hai câu sau đây:
"Sông Tương một giải nông sờ 
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
Sông Tương ở đây là một đại danh từ, nhưng với sự sáng tạo của ND, đôi khi chữ “tương” lại có nghĩa của một tĩnh từ, để diễn tả nỗi buồn tương tư của đôi tình nhân:
"Mành tương phần phật gió đàn 
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình".
Có khi trong một câu lục bát, người ta thấy cách diễn đạt của cả giới bác học, lẫn giới bình dân:
Thuyền tình vừa ghé tới nơi 
Thì đà trâm gẫy, bình rơi bao giờ".
“Thuyền tình” gợi chúng ta nhớ đến hai câu thơ quen thuộc trong ca dao:
"Thuyền về có nhớ bến trăng 
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền".
Có những cách diễn đạt nếu không qua cuộc sống của người bình dân thì không thể biểu hiện được:
"Tiếc thay nước đã đánh phèn 
Mà cho bùn lại vẫy lên mấy lần 
Nghĩ rằng ngứa ghẻ, hờn ghen".
Lời ăn tiếng nói của dân chúng đã đi vào truyện Kiều và ngược lại, thơ Kiều cũng đi vào đời sống dân gian. Ta không ngạc nhiên khi tận những làng quê hẻo lánh, người ta thuộc Kiều lầu lầu, lẩy Kiều, ngâm Kiều, ru em, hát đối đáp trong những ngày hội làng hay những đêm trăng đập lúa nơi sân đình. Chưa kể người ta còn bói Kiều với câu khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều”. Rõ ràng người dân tìm thấy trong vận mệnh đau khổ của Thúy Kiều, vận mệnh của họ.           
Thúy Kiều là nhân vật điển hình của quần chúng: Tài sắc, hiếu nghĩa vẹn toàn, xứng đáng được hưởng hạnh phúc mà không được. Ngoài ra bao nhiêu nhân vật trong Kiều là bấy nhiêu hình tượng điển hình trong các tầng lớp xã hội. Trong Kiều có gương mặt cao quý của những người náu mình nơi cửa Phật giàu lòng nhân ái, nhưng cũng có những gương mặt bỉ ổi của bọn buôn phấn bán hương. Bọn quan lại tham lam, tàn bạo cũng được mô tả một cách sinh động:
"Trông lên mặt sắt đen xì"
Chúng tra tấn dã man người dân vô tội và tham nhũng không cùng, đẩy người dân vào cuộc sống trầm luân. Các quan huyện địa phương không thực hiện công lý mà ngay cả tên Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến, đại diện cho triều đình cũng chỉ là một kẻ lường gạt, dâm ô: 
"Đóng quân làm chước chiêu an 
Bắt nàng thị yến dưới màn 
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu".             
Và rồi: 
"Ép tình mới gả cho người thổ quan".
Đẩy Kiều vào bước đường cùng, quyên sinh để chấm dứt cuộc đời. đối lập với hình ảnh ấy là Từ Hải, hình tượng của người anh hùng nhân dân. Từ Hải là một nhân vật hào hùng mang tính chất anh hùng ca, không chỉ với thủ pháp tả ngoại hình và nội tâm của nhân vật để làm nổi bật điều đó, mà tác giả còn dành những từ ngữ đẹp nhất trong văn học để nói về chàng: Trượng phu, anh hùng, anh hào, quốc sĩ...
"Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương 
Đường đường một đấng anh hào".
ND dùng thủ pháp so sánh, ví Từ Hải như con chim đại bàng bay vút trên trời cao lồng lộng: 
"Cành hồng bay bổng tuyệt vời 
Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi".
Đó mới là bậc “tu mi nam tử “xứng đáng với Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn:
"Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phường, đẹp duyên cưỡi rồng".
Rồng và phượng là sự hài hòa đẹp đẽ của lứa đôi trong văn học và nghệ thuật Á đông (trạm trổ, điêu khắc...)           
Từ Hải chống lại bọn thống trị, lập nên triều đình của mình:
"Triều đình riêng một góc trời".
Quân của Từ Hải hành động như bão táp: “Trúc chẻ, ngói tan”:
"Đòi cơn gió táp, mưa xa
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam".
Qua hình tượng văn học ấy ai mà không nghĩ tới người anh hùng Nguyễn Huệ trong phong trào Tây Sơn. Quân của Nguyễn Huệ cũng hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc chống ngoại xâm; Nguyễn Huệ cũng “Nghênh ngang một cõi biên thùy” và lên làm vua. Nguyễn Huệ, người “anh hùng áo vải”, xuất thân từ nhân dân mà ra:
"Mà nay áo vải, cờ đào 
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình". 
(Ngọc Hân Công Chúa)
Trong bài “chiếu lên ngôi”, thay lời vua Quang Trung, Ngô Thời Nhậm cũng đã viết; “Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời, yên dân, vì vậy Trẫm nghĩ phải tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi, đi xe cỏ... rong ruỗi việc binh mã... cốt ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa” 
Từ Hải đã thất bại không phải vì kém tài năng chinh chiến mà vì bị lừa gạt, ND đầy phẫn uất, vẽ lên hình tượng Từ Hải chết đứng như trong anh hùng ca:
"Khí thiêng khi đã về thần 
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng".
Và ông đã lý giải hiện tượng đó một cách thần bí, huyền thoại:
"Lạ thay oan khí tương triền 
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra".
Cuộc đời Từ Hải ngắn ngủi, nhưng với Từ Hải, công lý đã được thực hiện. Phiên tòa ”báo ân báo oán” là sự thực hiện công lý trong cái xã hội đen tối xấu xa. Từ Hải là ngôi sao băng sáng rực trên nền trời đen tối của xã hội thời phong kiến suy tàn. Nhưng hình ảnh đó đã sống mãi trong lòng độc giả và cả trong dân gian (Lạy vua Từ Hải). Phải chăng đó là sự phản ảnh cuộc đời oanh liệt nhưng ngắn ngủi của người anh hùng Nguyễn Huệ?            
Bất chấp sự trả thù hèn nhát của Nguyễn Ánh (dùng sọ của Nguyễn Huệ một cách ô uế) và lột da Trần Quang Diệu, cho voi chà nữ tướng Bùi Thị Xuân và cô con gái nhỏ của bà một cách tàn bạo. Nhưng dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi đề cao những người anh hùng ấy.           
Trong đoạn báo ân báo oán, những tên tội đồ: Tú bà, Mã Giám sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Ưng, khuyển đều bị trừng trị “Máu rơi, thịt nát tan tành” nhưng Hoạn Thư, kẻ chủ mưu thì lại được tha và thằng bán tơ thì không thấy bị truy tầm, xét hỏi. 
Tại sao lại thế?  
Phải chăng màn lưới của công lý vẫn còn chỗ hở cho bọn xấu trốn thoát?
Nghệ thuật tả người của ND thì thật sinh động. Hai Kiều cùng đẹp nhưng mỗi người một vẻ, Thúy Vân phúc hậu, đầy đặn như gương trăng:
"Gương trăng đầy đặn, nét ngài nở nang".
Cô gái này thật vô tư không nhạy cảm trước biến cố của gia đình (Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân), Ngược lại Thúy Kiều đẹp đến mức “Nghiêng thành, nghiêng nước”, dễ xúc động trước những đau thương của người khác. Vân hạnh phúc còn Kiều thì trầm luân, ND giải thích điều đó với tư tưởng định mệnh:
"Anh hoa phát tiết ra ngoài, 
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa".
ND tin ở định mệnh nên đã xây dựng những nhân vật thầy tướng, thầy bói, vãi Giác Duyên, đạo cô Tam Hợp và ngay cả hồn ma Đạm Tiên để đoán trước vận mệnh của Kiều, có người cho đó là mê tín dị đoan, là sự hạn chế của tác phẩm. Họ cho rằng những khổ đau của con người, ta phải truy cứu từ nguồn gốc xã hội (cường quyền, bạo lực của bọn thống trị). Trong một giai đoạn lịch sử nhất định của thế giới, ý kiến đó có vẻ hợp lý; nhưng cũng từ sự tiến triển đó, thực tế đã chứng tỏ đó là một sự ngộ nhận. Vì sao cách mạng rồi mà xã hội vẫn còn chuyên quyền, bạo lực, bất công... và người dân vẫn phải chịu muôn vàn khổ ải, có khi còn tệ hơn trước, thế nghĩa là thế nào? Lật đổ chế độ phong kiến “cha truyền con nối” (Con vua thì lại làm vua) thì tại sao ở Bắc Hàn vẫn còn hiện tượng cha truyền con nối? Ở Cuba thì anh truyền em nối? Còn ở Việt Nam và Nga, hai nước Cộng Sản còn lại thì “đảng viên truyền, đảng viên nối”, đảng độc quyền lãnh đạo, và chia chác quyền lợi, bất chấp sự đói nghèo của dân lành.
ND tin vào thuyết định mệnh, nhưng mặt khác ông lại nói:
"Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều"
Có nghĩa là trong tư tưởng của ND, con người có thể chiến thắng định mệnh, cho nên Thúy Kiều được xóa tên trong sổ đoạn trường và được tái hồi Kim Trọng.           

Rõ ràng ND tin ở con người và đề cao con người với sự phấn đấu của họ, con người có thể chiến thắng định mệnh để vươn tới hạnh phúc mình mong muốn. Thúy Kiều là biểu tượng đó. Chủ nghĩa nhân bản của ND cũng là ở chỗ đó. Nhưng chiến thắng bằng cách nào? Muốn thế, phải đấu tranh, đương thời trong dòng văn học chữ Nôm đã có những hình tượng đứng lên đấu tranh cho hạnh phúc của mình, và điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những nhân vật phản kháng ấy lại là người phụ nữ! Trong truyện Nôm khuyết danh như Lý Công, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Quốc Hoa... Các cô gái đã đứng lên lựa chọn tình yêu tự do, và nữ quyền sống khác (muốn được bình đẳng với nam giới trong việc học tập, thi cử) bất chấp mọi thế lực ngăn cản để vươn tới hạnh phúc. Nàng Bạch Hoa trong Lý Công dám lớn tiếng giữa triều đình để bảo vệ tình yêu tự do của mình; Cúc Hoa, con gái một trưởng giả tự nguyện gắn bó đời mình với một kẻ hành khất; Ngọc Hoa, Tiểu thư con quan Tướng quốc thì say mê người học trò nghèo Phạm Tải.          
Ngay trong hàng ngũ giới thi nhân đương thời cũng xuất hiện một Hồ Xuân Hương với những lời thơ nồng nàn khao khát ái ân hạnh phúc. Nàng cung nữ của Nguyễn Gia Thiều bị giam mình trong cung cấm, bị bỏ quên, cô đơn đã phẫn uất:
"Giang tay muốn dứt tơ hồng, 
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra".
Người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm mòn mỏi chờ chồng chinh chiến nơi xa:
"Cớ sao cách trở nước non 
Khiến người thôi sớm, thôi hôm những sầu".
ND thật là hào hoa khi lời thơ ông nói về những cảnh nhục cảm nhưng vẫn rất tế nhị và đầy tính thẩm mỹ:
"Tiếc thay một đóa trà mi 
Con ong đã tỏ đường đi lối về".
Độc đáo nhất là khi ông tả cảnh Kiều tắm:
"Buồng the phải buổi thong dong 
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa 
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà 
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên".
Người đọc chỉ có thể ngưỡng mộ sự sáng tạo của tự nhiên đối với người phụ nữ. Hình tượng Kiều tắm là một bức tranh khỏa thân tuyệt vời của người đàn bà mà ND đã xây dựng nên, có phần nào khác chăng với Hồ Xuân Hương:
"Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm 
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông".
Ta không thể chối cãi khả năng tả thực của nữ sĩ họ Hồ, nhưng từ đó càng khâm phục lối tả thực mà vẫn thanh, vẫn đẹp của ND trong những hoàn cảnh tế nhị trên. Người phụ nữ, ưu vật của tự nhiên vậy mà phải chịu cảnh “cánh hoa tàn,” “cánh bèo trôi dạt” thì có thể nào không phản kháng? Cho nên cả ND lẫn Nữ sĩ họ Hồ đã phải buông lời chửi thẳng vào cái chế độ bất công đó:
"Chém cha cái số hoa đào 
Cởi ra rồi lại buộc vào như không  
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung 
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng".
Người phụ nữ nói chung đã khổ mà kiếp sống của cô gái lầu xanh còn thảm thiết hơn. Đề tài này trên thế giới từ trước đến nay đã có biết bao nhiêu tác giả đã khai thác: Người đàn bà cài hoa hải đường của Pháp; cô gái lầu xanh trong truyện Tội Ác và Trừng Phạt của Nga; Người kỹ nữ trong thơ của Xuân Diệu... đều là những hình tượng phản ảnh kiếp sống ấy:
"Xao xác canh gà, trăng ngà lạnh buốt 
Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi 
Du khách đi, du khách đã đi rồi..."
Bởi vì họ, như ND nói:
"Sống làm vợ khắp người ta, 
Hại thay thác xuống làm ma không chồng".
Họ chỉ là trò mua vui cho khách làng chơi, không phải là tình yêu mà chỉ là tình dục, kẻ đến, người đi, để trơ số phận hồng nhan:
"Người giai nhân bến đợi dưới cây già 
Tình du khách thuyền qua không buộc chặt"
Trong truyện Kiều cái độc đáo trong nghệ thuật “tả người” của ND là đã xây dựng hồn ma gái lầu xanh: Đạm Tiên. Ông đã dùng thủ pháp nghệ thuật tả thực và tả ảo để xây dựng nhân vật này. Đạm Tiên hay nói cho đúng hơn là hồn ma rất thực mà lại rất ảo, ẩn hiện hòa lẫn vào cuộc sống của con người.            
Ở đoạn Kim Kiều gặp gỡ ban ngày ban mặt mà hồn ma cảm động trước sự thương cảm của nàng Kiều nên vẫn xuất hiện:
"Ào ào đổ lộc rung cây 
Ở trong dường có hương bay ít nhiều 
Đè chừng ngọn gió lần theo 
Dấu giàu từng bước in rêu rành rành"
Ban đêm mới là thời gian của thần linh ma quỷ hiển hiện, cho nên hồn ma Đạm Tiên đã đến tìm Kiều. Ở đây tính ảo và tình thực của nghệ thuật diễn tả thật tài tình. Ảo vì hồn ma khi ẩn, khi hiện; nhưng thực vì có hình dáng một cô gái đẹp thanh nhã, tình cảm: 
"Bỗng  đâu thấy một tiểu kiều 
Có chiều phong vận, có chiều thanh tân" 
Nhưng đó là hồn ma nên hình ảnh bàng bạc không rõ ràng: 
"Sương in mặt, tuyết pha thân 
Sen vàng lãng đãng khi gần khi xa"
Thực, vì có sự đón tiếp và đối thoại cụ thể của đôi bên: 
"Rước mừng đon đả dò la 
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây 
Thưa rằng: Thanh khí xưa nay".
Sau đó Đạm Tiên còn xuất hiện nhiều lần và sự diễn tả chỉ có thực chứ không có ảo nữa. Khi Kiều tự vẫn ở nhà Tú bà thì Đạm Tiên xuất hiện bên cạnh Kiều “Rỉ rằng...”. Để báo cho Thúy Kiều nghiệp chướng còn nhiều chưa thể trốn thoát, và hẹn sẽ đến sông Tiền đường để chờ đợi nàng, thậm chí khi gặp nhau còn cho biết là chờ đợi đã mười lăm năm rồi: 
Rằng: Tôi đã có lòng chờ 
Mất công mười may năm thừa ở đây 
Chị sao phận mỏng, đức dầy...
Hai cảnh sau Đạm Tiên không cần có bóng đêm hay cơn gió mạnh mà xuất hiện như một người cụ thể: người bạn chân tình. Tả thực là ở chỗ đó. Mà tài năng nghệ thuật của ND cũng là ở chỗ đó. ND tin ở hồn ma bóng quế chăng? Tư tưởng ông nặng mê tín dị đoan chẳng?           
Ta chỉ biết rằng Đạm Tiên là một con ma tốt cũng đầy tình nhân đạo, tính nhân văn của một con người, cô đã theo dõi Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc; như vậy điều chủ chốt trong truyện Kiều là tính nhân đạo sâu sắc, chủ nghĩa nhân văn bao trùm tác phẩm.
Ngoài truyện Kiều, tư tưởng nhân đạo ấy cũng biểu hiệu rõ rệt trong các tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng khác: “Thác lời trai phường vải” , “Văn tế sống hai cô gái phường vải ở Trường Lưư” và nhất là “Văn tế thập loại chúng sinh”:
"Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt"            
Câu mở đầu của “Văn chiêu hồn“ đã nói lên tất cả tấm lòng nhân đạo của ND. Ông khóc cho kiếp người, dù là người sống hay người chết, và trong đó có cả loại người khi sống giàu có phú quý nhưng theo ông:
"Cả giàu sang, nặng oán thù 
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời".
Đó là loại người không “ngộ” được cái luật “nhân quả” của Phật giáo: “Gieo gió gặt bão”.             
Đi sứ sang Trung quốc, trong thơ chữ Hán ông cũng mủi lòng trước cảnh khổ của dân chúng. Bọn thống trị thì sống một cuộc sống Phú qúy, giàu sang một cách bất chính; bọn này đâu đâu cũng thấy:
"Long xà quỷ vực biến nhân gian"
(Khắp cõi người ta đầy những rắn, rồng, quỷ quái )             
Từ đó ông lên án mạnh mẽ:
"Không lộ vuốt nanh phô nọc độc                                 
Mà xé thịt người nhai ngọt xớt".
Như vậy, dù ở nước Việt Nam nhỏ bé hay ở Trung quốc rộng lớn, bọn chúng đều như nhau. Thơ chữ Hán của ND lên án mạnh mẽ đối với kẻ cầm quyền. Ông đã vượt ra khỏi tư tưởng dân tộc hẹp hòi để mở lòng đến cả những người dân khốn khổ của Trung Quốc. Trong “Bắc hành tạp lục” có hình ảnh ông già mù ăn xin, người kéo xe vất vả, kẻ hát rong, bốn mẹ con người hành khất sắp chết đói. Rõ ràng chủ nghĩa nhân đạo của ND mang tính nhân loại rộng lớn, cho nên tác phẩm của ND nói chung và Truyện Kiều nói riêng không chỉ đặt ra những vấn đề của một nước, một thời đại mà còn cho cả thế giới xưa và nay. Chừng nào còn có những nàng Kiều phải bán mình, còn có gái lầu xanh, còn sự ngự trị của đồng tiền bất chánh:
"Trong tay sẵn có đồng tiền 
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì … 
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền".
Với sự thống trị của đồng tiền, người dân đen đã trở thành một món hàng hóa, mà trong đó người phụ nữ vẫn là nạn nhân đau khổ nhất:
"Đau đớn thay phận đàn bà 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".
Hai từ “đau đớn” được nhắc đi nhắc lại trong truyện Kiều, người đọc rơi nước mắt xót thương không thể không suy nghĩ phải làm sao để không còn những cảnh ấy. Có lẽ ND cũng “trăn trở” như chúng ta, đây chính là sự mâu thuẫn trong tư tưởng của ông trong cách nêu ra
nguyên nhân và cách lý giải về “nỗi khổ” của người dân lành nói chung và Thúy Kiều nói riêng.     
        
Ông viết: 
"Cho hay muôn sự tại trời"
Nhưng ông lại viết:
"Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều".
Trong truyện, Kiều ra khỏi sổ đoạn trường, vì nàng là con người “hiếu nghĩa” vẹn toàn, như vậy, chính nàng với hành động của chính mình đã quyết định “vận mệnh” bản thân.            
Trong văn học thế giới, các nhà nghiên cứu gọi đó là: “Le libre arbite”  (con người là trọng tài của mình). Từ xưa người ta nhớ mãi nhân vật Oeidipe trong “Oeidipe là vua “bị định mệnh đưa vào hoàn cảnh bi thiết: Giết cha lấy mẹ, nhưng khi biết sự thực ấy thì ông đã tự mình móc mắt cho mù (vì đã không biết đấy là mẹ mà lấy làm vợ). Nhân vật Antigone trong tác phẩm “Bảy tướng đánh thành Thèbe”, dù biết rằng chôn cất anh mình là phải chết theo quyết định của số mệnh, nhưng nàng vẫn hành động theo tình cảm của mình. Các nhân vật này giống như nhân vật Thúy Kiều đã tự quyết định số mệnh mình bằng chính hành động của mình.            
Con người chiến thắng số mệnh bằng nhân phẩm của mình, bằng “cái thiện” của trái tim mình, điều cơ bản (chữ “căn”) trong “tính người” của mình: Phải thương yêu đồng loại, phải đứng về phía những người đau khổ, phải phản kháng cách sống “Người là chó sói của người”, có thế mới xứng đáng LÀ CON NGƯỜI:                           
"Thiện căn ở tại lòng ta 
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài". 
Đó là lời khuyên nhủ của ND đối với độc giả và cũng là đối với nhân loại. 
Ngày 23/4/2011
Nguyễn Thị Hoàng
Theo http://thienmusic6.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...