Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Tính dân tộc trong thơ mới

Tính dân tộc trong thơ mới
Nhắc đến thơ mới là nhắc đến một phong trào thơ lãng mạn trong giai đoạn 1932 - 1945. Thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa cũ về hình thức và đặc biệt là tinh thần thơ mới: cái ta nhường chỗ cho cái tôi. Cái tôi “với cái nghĩa tuyệt đối của nó” lên ngôi. Tuy nhiên, xưa nay, quy luật chung, cái mới phát triển và tồn tại dựa trên sự kế thừa, phát huy những cái vốn có. Thơ mới là trường hợp không ngoại lệ. Qua những tác phẩm của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Anh Thơ. Lưu Trọng Lư…những gương mặt tiêu biểu, nổi bật, những cánh chim đầu đàn của phong trào Thơ mới, ta có thể dễ dàng tìm thấy những yếu tố dân tộc trong thơ của họ. Tính dân tộc hòa quyện, đan xen với cái mới.
Trước hết, tính dân tộc được biểu hiện qua thể thơ. Thể thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát) được biểu hiện rõ rệt nhất trong thơ Nguyễn Bính.
“Tình thôi là giọt thủy ngân,
Dù nghiền chẳng nát dù lăn vẫn tròn.
Tình cô là đóa hoa đơn
Bình minh nở để hoàng hôn mà tàn”
(Tình tôi - Nguyễn Bính)
Rồi:
“Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo…”
(“Qua nhà”- Nguyễn Bính)
Nguyễn Bính sử dụng thể thơ dân tộc rất nhiều trong sáng tác của mình. Trước cách mạng tháng Tám, thơ Lục bát trong thơ Nguyễn Bính chiếm đến 45%. Đọc thơ Nguyễn Bính, do vậy, ta luôn thấy phảng phất âm hưởng ca dao. Nếu ca dao có câu:
“Em về dọn quán bán hàng
Để anh là khách qua  đàng trú chân”
Thì trong thơ Nguyễn Bính:
“Lòng em là quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi”
(“em vs anh”- Nguyễn Bính)
Ca dao có câu:
“Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.”
Nguyễn Bính viết:
“Vì tằm tôi phải chạy dâu,
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay”
(“Thời trước”)
Cách gieo vần, ngắt nhịp trong thơ ông cũng đều đặn, hài hòa như ca dao truyền thống. Cách ngắt nhịp 2/2/2; 3/3 (ở câu lục) và 2/2/2/2 vs 4/4 (câu bát) thường thấy ở ca dao:
Thôn Đoài/ ngồi nhớ /thôn Đông,
Một người/ chín nhớ/ mười mong/ một người.”
(“Tương tư”)
Hay:
“Cũng là thôi/ Cũng là đành,
Sang sông lỡ bước/ riêng mình chị sao.”
(“Lỡ bước sang ngang”)
Những hình ảnh ẩn dụ, so sánh như hoa- bướm, trầu - cau, bến - đò để nói tình yêu đôi lứa, “lỡ bước sang ngang” chỉ người con gái lấy chồng không hạnh phúc.
Nguyễn Bính sử dụng thuần thục lối đan chữ thường thấy trong  thơ ca dân gian như: chín nhớ mười thương, trăm cay nghìn đắng, trăm hờn nghìn tủi, nhạt thắm phai đào.
Nhịp điệu ca dao vào thơ khiến cho thơ mang âm hưởng trầm buồn, mang đậm phong cách thơ chân quê, lời thơ mộc mạc mà mượt mà. Ta có thể thấy trong rất nhiều bài thơ của Nguyễn Bính như: Tương tư, Đêm cuối cùng, Chân quê, Cô hàng xóm, Dòng dư lệ….
Tính dân tộc thể hiện qua những hình ảnh thiên nhiên gần gũi, cảnh sắc tình yêu gắn với làng quê, với những đêm hội làng, của hò hẹn, đợi chờ…cảnh thôn quê Việt Nam quen thuộc, chân chất tự bao đời: cây đa, bến nước, con đò, hương đồng, gió nội, bướm trắng, hoa chanh, giàn đỗ ván, ao rau cần, giậu mồng tơi, trầu cau…những cặp hình ảnh sóng đôi trầu - cau, thuyền - bến..
“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam , ôm ấp nóc nhà gianh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Ngoài các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Chợ tưng bừng như thế gần đêm
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.”
(“Chợ Tết”- Đoàn Văn Cừ)
Phiên chợ cổ truyền, những mái nhà tranh quen thuộc của Việt Nam đã được đưa vào trong thơ mới hết sức tự nhiên, đằm thắm.
Giàn trầu, hàng cau, hai thôn trong câu thơ của Nguyễn Bính:
“Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Đến:
“Phường chèo đóng xem Nhị Độ Mai
Sao em lại đứng vs người đi xem?
Mấy lần tôi muốn gọi em
Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ”
(Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)
Không gian sinh hoạt cộng đồng làng quê, chốn gặp gỡ, hẹn hò đôi lứa .
Rồi trong những vần thơ của Hàn Mặc Tử, làng quê vs vẻ đẹp thực thực ảo ảo vào lúc đúng mùa:
“Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”
(Mùa xuân chín)
Huy Cận cũng ngây ngất với hương thơm mộc mạc của hoa dại, rơm khô, lòng xao xuyến tưởng như cảnh quê của bao đời:
Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ.

(Đi giữa đường thơm)
Được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới, Xuân Diệu cũng thấp thoáng hình bóng bến nước, con đò: 
“Nghe chừng gió nhớ qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ” 

(Chiều) 
Và: 
“Người giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách : thuyền qua không buộc chặt” 

(Lời kĩ nữ) 

Anh Thơ viết hẳn một tập thơ Bức tranh quê khắc họa những hình ảnh thật quen thuộc, dân dã chốn thôn quê:
“Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay
…Và nhè nhẹ trong tơ trăng phơ phất
Khóm tre xanh lướt gió uốn cung đàn.” 

Trong cảnh sắc làng quê ấy, thẩm mĩ về con người, cái nhìn về vẻ đẹp người con gái Việt cũng không hề thay đổi: vẫn răng đen, má đỏ, áo nâu sồng, vẫn vẻ đẹp thuần khiết người con gái Việt. 
“Ta muốn nâng
Tấm khăn hồng lau mắt lệ cho ai
Vì ta sợ má hồng đào kia phai…”
(Tiếng trúc tuyệt vời- Thế Lữ)
“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong.
Hôm xưa em đến, mắt như lòng
Em đẹp bàn tay ngón thon thon
Em duyên đôi má nắng hoe tròn”
(Áo trắng - Huy Cận)
Nhất là hình ảnh cô gái trong thơ Nguyễn Bính, hiện lên đậm chất chân quê và thể hiện rõ thẩm mỹ của tác giả:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quàn lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen…”
(Chân quê)
Người con gái quê tiêu biểu vs những nét chân chân được miêu tả kỹ càng: khăn nhung, quần lĩnh, áo the…
Tính dân tộc còn thể hiện sâu sắc qua ngôn ngữ thơ. Các thi sĩ đều chú ý sử dụng chữ quốc ngữ, một số nhà thơ có ý thức sử dụng ngôn ngữ thuần Việt như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, lời thơ mộc mạc, hạn chế sử dụng tiếng Hán Việt tối đa. Ngôn ngữ giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh góp phần to lớn làm phong phú, giàu đẹp Tiếng Việt:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si…”
(Vội vàng- Xuân Diệu)
“Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế là yêu quá mất rùi,
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô, là tất cả của riêng tôi”
(Ghen - Nguyễn Bính)
Không gian, thời gian ước lệ trong thơ cũng là một yếu tố góp vào tính dân tộc trong thơ mới, những công thức quen thuộc: “năm ấy, thuở ấy, cái ngày, từ ngày…đến ao bèo, vườn dâu, những lễ hội, lễ Tết, đêm hát chèo…thường thấy trong thơ ca dân gian bên cạnh các yếu tố như thể thơ, hình ảnh, quan niệm thẩm mỹ, ý tưởng câu ca dao, ngôn ngữ thơ, các biện pháp tu từ trong thơ, … là những minh chứng không thể chối bỏ để chứng minh thơ mới đậm tính dân tộc.
Bên cạnh những yếu tố “ới”, các yếu tố “cũ” vẫn đan xen, hòa mình vào trong thơ mới tạo nên bản sắc , tính dân tộc đạm đà trong các tác phẩm. Qua mỗi tác phẩm ta đều có thể tìm ra được nét dân tộc trong đó dù mức độ nhiều ít ở mỗi tác phẩm và mỗi tác giả là khác nhau. Song có thể kể ra tiêu biểu nhất là nhà thơ Nguyễn Bính. Tính dân tộc là một đặc điểm quan trọng trong thơ mới.
Phong Cầm
Theo http://phongcamnd.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...