Tấm lòng của Hoài Thanh
đối với các "Thi nhân
Việt Nam"
Hồi còn đi học, cô giáo dạy Văn Trung học Phổ thông
của chúng tôi thường hay nhắc đến Hoài Thanh và cuốn Thi nhân Việt Nam của
ông, cô giáo thường trích dẫn những câu bình của Hoài Thanh về các nhà thơ
trong phong trào Thơ mới những năm 1932 - 1945, chúng tôi đều rất thích thú và
hầu như thuộc lòng luôn các câu bình đặc sắc của ông, cho đó là những gì tiêu
biểu và hay ho nhất về mỗi nhà thơ đã được đúc kết lại.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ những câu bình về
các nhà thơ nổi tiếng được cô giáo trích dẫn từ Thi nhân Việt Nam của
Hoài Thanh: Thế Lữ - "Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vừng sao đột
hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam"; Xuân Diệu - "Thơ Xuân
Diệu còn là một nguồn sáng dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.
Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt,
muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người
đều nồng nàn, tha thiết"; Huy Cận - "đi lượm lặt những chút buồn rơi
rắc để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não" v.v... Hồi đó, tôi mơ ước có
trong tay cuốn Thi nhân Việt Nam để đọc và rất tò mò về Hoài Thanh,
vì trường học ở quê không có thư viện, chúng tôi chả có nguồn sách tham khảo
nào cả, đến khi vào Đại học rồi ra trường đi làm mải chạy theo những tất bật
của đời sống học tập và sinh hoạt tôi quên bẵng mất cái ao ước thời trước của
mình... Và một ngày, tình cờ nhìn thấy tựa sách Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn
học, 2016, cái ao ước của một thời trong tôi trỗi dậy, tôi đã đặt mua cho mình
1 quyển.
Phải nói sao nhỉ, cho đến nay kể từ ngày mua sách tôi
vẫn chưa đọc được hết cuốn sách, ban đầu tôi đọc Lời giới thiệu, sau đó dở
cuối phần Mục lục để tìm đọc những nhà thơ mà tôi "quen
biết" thơ họ như: Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử,
Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính. Sau đó tôi tìm đọc phần Nhỏ to...
và Lời cuối sách. Tôi nghĩ sẽ có người cười chê mình về cách đọc sách
"dở" như thế. Nhưng tôi không thấy tự thẹn với chính mình vì tôi chưa
đọc hết không có nghĩa là sẽ không đọc nữa, và vì trong dòng tâm sự của mình,
chính tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân đã không ngần ngại mà thú nhận rằng:
"Quyển sách này không phải sách xem hết một lần". Vậy là tôi đã đọc
được non nửa cuốn sách, và điều mạnh mẽ thôi thúc tôi viết ra những điều mình
cảm nhận được từ Thi nhân Việt Nam có lẽ là tấm lòng của Hoài Thanh
đối với các thi nhân trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945.
Hoài Thanh đã viết về các thi nhân và bình thơ của họ
bằng tấm lòng chân thật nhất, bằng ngôn từ và sự diễn đạt khéo léo, cuốn hút
người đọc, như mở cánh cửa để họ đi vào mỗi thế giới thi ca, và trong đó là mỗi
màu sắc riêng, không hòa lẫn với nhau. Tôi thực sự thán phục cách bình luận của
Hoài Thanh, nó cho chúng ta mở mang kiến thức, hiểu sâu thêm tâm hồn của mỗi
thi nhân. Tất cả những gì ông bình luận đều rút từ những cái hay, cái tuyệt
diệu trong tâm hồn thi ca của mỗi thi nhân, hướng người đọc tới mục tiêu
"hiểu cho đúng - không phải cho đủ - hình sắc các hồn thơ".
Khi đọc sách tôi ngấu nghiến từng dòng, từng chữ, cứ
muốn đọc cho thật nhanh để xem Hoài Thanh sẽ viết tiếp những gì, sẽ bình luận
tiếp những gì vì chao ôi... nó hay quá, nó làm tôi thổn thức, dâng trào nhiều
cảm xúc, tôi thấy thơ Tản Đà thực sự là "gạch nối giữa hai thế kỷ",
còn Nhớ rừng của Thế Lữ thực sự là một tuyệt tác về ngôn từ, ông như
"một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không
thể cưỡng được", với Xuân Diệu thì tình yêu lúc nào cũng "nồng nàn,
tha thiết", hồn thơ ông luôn trẻ trung, dào dạt đầy sức sống "Xuân
Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người lòng còn trẻ mới
thích đọc Xuân Diệu", điều này quả rất đúng, vì tôi còn nhớ hồi chúng tôi
học Phổ thông, bạn bè tôi phần đa là đám con trai thích ngâm nga thơ Xuân Diệu,
còn học đòi sáng tác thơ tình giống ông rồi thích thú vỗ ngực xưng mình là
"đệ tử" Xuân Diệu; thơ Huy Cận thì buồn man mác, cái buồn "tỏa
ra từ đáy hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh"; còn với Chế Lan
Viên, lúc tôi còn đi học, chỉ được đọc những bài thơ ông sáng tác sau năm 1945,
với cảm hứng chủ đạo hướng về tình yêu quê hương, đất nước, yêu cách mạng, về
công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong Thi nhân Việt Nam mới có
dịp đọc thêm tập Điêu tàn viết trước năm 1945 với những bài thơ đậm
chất "kinh dị", "điên" và chất Chiêm Thành như vậy, âu cũng
là một phát hiện mới mẻ và khá thú vị...
Hàn Mặc Tử là nhà thơ tôi dừng lại lâu nhất, bởi tôi
đối với thơ ông đã có nghiên cứu trước đây, hồi học Đại học, tôi đã làm một bài
tiểu luận về tiểu sử và thơ ca của ông, còn nhớ lúc trước tôi chọn Hàn Mặc Tử
làm đề tài cho bài tiểu luận của mình là vì cuộc đời và sự nghiệp thơ ca quá
ngắn ngủi nhưng ông đã để lại khối lượng tác phẩm thơ ca đồ sộ, và lý do thứ
hai vì tôi tính mình cũng là đồng hương với ông, tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng
Bình. Cho nên, đọc Thi nhân Việt Nam, tôi dừng lại lâu nhất ở vị "cố
nhân" này. Tôi đọc và tôi đã khóc... chắc mọi người đều nghĩ rằng tôi khóc
vì thơ Hàn Mặc Tử - đúng - tôi đã khóc, khóc vì cuộc đời và thơ Hàn Mặc Tử,
nhưng là khóc vào lần viết bài tiểu luận cách đây mấy năm, còn bây giờ tôi
khóc, là khóc cho Hoài Thanh, khóc cho tấm lòng của ông đối với Hàn Mặc Tử nói
riêng và các thi nhân thời ấy nói chung. Cuối đoạn bình về Hàn Mặc Tử, Hoài
Thanh viết: "... Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải
lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người
không sao nuốt được vì ăn khổ quá... Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay
nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã... Một người đau khổ nhường ấy, lúc
sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay
khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn". Đến đây tôi mới thấy chính Hoài Thanh
đã đóng vai trò rất lớn trong việc giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu thơ Hàn Mặc
Tử, hiểu đúng con người và thơ Hàn Mặc Tử. Cho nên, những giọt nước mắt rớt
xuống trang Thi nhân Việt Nam của lần này chính là cho nhà phê bình Hoài
Thanh, bởi tôi thấy cái công việc "cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người"
thật sự rất khó, rất đau đớn, dằn vặt ghê gớm lắm, và cả sự hi sinh nữa - hi
sinh cái "tôi" của mình để đi tìm và chạm tới cái "tôi" của
người khác.
Thi nhân Việt Nam quả là một cuốn sách hay và
đáng được làm cuốn sách "gối đầu giường" cho những kẻ yêu văn chương.
Còn riêng với tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân thì tài năng của họ đã được thế hệ
bạn đọc công nhận, và cái tôi muốn mọi người công nhận thêm đó là tấm lòng chân
thành, chân tình nhất của Hoài Thanh - Hoài Chân khi viết Thi nhân Việt
Nam. Mặc dù, tôi biết sau này, những năm sau 1945 cho đến khi Hoài Thanh mất
ông đã từng "phủ nhận" những gì ông viết trong Thi nhân Việt Nam một
cách thái quá, về vấn đề này, tôi chỉ là người ngoại đạo, không dám bàn tới.
Nhưng thiết nghĩ rằng, Thi nhân Việt Nam là tác phẩm của ông, ông là
người làm nên nó, ông có quyền phủ nhận nó, "bỏ" nó đi thế nào là tùy
ở ông, nhưng việc tiếp nhận, lưu giữ, yêu thích nó là quyền ở người đọc. Thế hệ
người đọc, cho dù ông có phủ nhận thế nào, vẫn luôn nhớ Thi nhân Việt Nam,
Hoài Thanh - Hoài Chân, cho dù sau này, lắm kẻ khen người chê về con người hay
nhân phẩm ông như thế nào, thì vẫn cám ơn ông vì đã tạo nên một cuốn sách hay
cho bao thế hệ bạn đọc thưởng thức, và hơn hết, những ai đọc Thi nhân Việt
Nam đều tin ở tấm lòng của ông đối với các thi nhân đương thời là thật, là
hết sức chân thành đúng như trong dòng tâm sự cuối sách ông đã viết "Danh
vọng quý thật, nhưng còn có điều quý hơn danh vọng, quý hơn hết thảy: lòng ngay
thẳng, mà ít nhất cũng phải giữ trọn trong văn chương".
Phạm Thị Hoài Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét