Thơ Hồ Xuân Hương:
Tính dục và tâm thức phản kháng
Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam. Hồ Xuân
Hương là người đầu tiên sử dụng thơ mang tính dục (sexual) của ngôn ngữ văn học
hiện đại nước ta. Có thể nói rằng ngôn ngữ văn học Việt Nam đã trải qua một cuộc
thay đổi về bản chất và khả năng biểu hiện đầy đủ, sâu sắc qua dòng thơ của Hồ
Xuân Hương. Đây là một dấu hiệu tiến bộ trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn học.
Hồ Xuân Hương sử dụng tài tình một lối ngôn ngữ đặc thù cho
văn thơ; nói lên những yếu tố tâm lý nhân gian rút ra từ những tập quán thông
thường, mô tả trắng trợn sự hiếu dục, hiếu sắc giữa hai bề mặt của tri giác.
Những trắc ẩn đó không một ai nói ra hoặc có chăng nữa cũng nữa
úp nữa mở bởi những ước lệ khắc khe của Nho giáo của đạo đức xã hội; vì vậy mà
không dám”vi phạm” dù dưới hình thức nào của chữ nghĩa. Hồ Xuân Hương huỵch toẹt
những tệ đoan xã hội, những tiềm ẩn chôn vùi trong lòng sâu của tâm hồn bằng những
vần thơ tả chân, lột tả tột độ quan niệm nhân sinh. Nữ sĩ không e lệ, không ngượng
ngùng, không sợ thị phi phê phán ở tuổi xuân thì của một thiếu nữ đương thời. Nữ
sĩ Hồ Xuân Hương đã dân tộc hóa những đặc tính văn hóa chữ Hán mà trước đây xử
dụng dè dặt trong văn học chữ Nôm; nhờ điều hòa hai luồng tư tưởng cố hữu nói
trên bà đưa vào những vần thơ phản ảnh đích thực hiện trường của một xã hội Việt
Nam thời bấy giờ.
Tác giả Hồ Xuân Hương là sản phẩm đúc kết của thế giới ngoại
quan và tác động tâm trí nội quan qua từng thời kỳ hay qua từng chặng đường lịch
sử mà mỗi thời là động lực lôi cuốn sự biến thái của ý tưởng và ngôn ngữ nhất
là ngôn ngữ của văn học những uẩn khúc của thân phận, thân phận bị chà đạp, cưỡng
ép, bức tức mà người phụ nữ phải gánh chịu. Hồ Xuân Hương lấy thơ để riễu đời,
để miệt thị những kẻ lộng quyền, nói lên những thói hư tật xấu mà xã hội phong
kiến đã dung tục đã bao che. Tư tưởng bung xung của nữ sĩ phản ảnh đích thực của
cuộc đời mà bà đã sống và thấy. Tuy nhiên; Hồ Xuân Hương không phải là người
quá khắc khe với ngôn ngữ hay chủ quan của mình, lời thơ của Hồ Xuân Hương bay
bổng và phát tiết ra muôn màu muôn sắc về thế thái nhân tình.
Hồ Xuân Hương một danh sĩ lừng lẫy; hơn phân nữa(100 bài thơ)
thơ văn của bà để lại gồm có 17 bài tứ tuyệt, 38 bài Đường luật, 1 bài lục bát
biến thể*. Nữ sĩ để lại cho đời những bài thơ bất hủ được truyền tụng cho tới
ngày nay. Nhưng có điều; lịch sử văn học chưa xác quyết ngày sinh, tử của Hồ
Xuân Hươngmặc dù đã kinh qua một thời gian dài lâu nghiên cứu, tìm hiểu của các
nhà biên khảo. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương người xứ Nghệ, gia đình bà thiên di ra Thăng
Long và bà chào đời ở Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận gần Hồ Tây. Nơi đây; về sau
bà thành lập Cổ Nguyệt Đường làm chỗ thù tạc văn nhân thi phú.
Cuối cùng; chẳng tìm ra Hồ Xuân Hương ra đời vào năm nào và
mai táng nơi đâu. Đời chỉ dựa vào văn thơ, tình yêu hoặc những giai thoại truyền
khẩu trong dân gian mà giả định(assume) tiểu sử của bà; ngoài ra không để lại một
chứng tích tài liệu nào khác hơn.
Nhìn vào hình ảnh cuộc đời của Hồ Xuân Hương, chúng ta không
đòi hỏi một yêu cầu nào khác hơn. Nhưng may thay những bài thơ của bà nói lên
hình ảnh trung thực của chân lý, hình ảnh trung thành với cuộc đời. Trước cuộc
đời và vũ trụ, tiếng thơ của Hồ Xuân Hương được hòa vào thời gian, được gieo
vào cung bậc của thơ, được ngâm lên bằng âm thanh chắt lọc cô đọng và thấm sâu
vào lòng đất trong một tâm giới của tình yêu, của quả cảm, của xao xuyến, của bức
rức, của “kinh kỳ” của chuyển động cơ thể tạo nên những bộc phá nội tại. Nữ sĩ
họ Hồ là một nữ nhi “thông minh vốn sẵn tại trời” (ND) ở tuổi tám, mười phát ra
từ khẩu khí một lời thơ không phải bình thường và dễ dầu như vậy. Từ cuộc đời,
từ vũ trụ ngoại giới đã ý thức một vũ trụ tâm hồn; cha chết ở mười tuổi, rồi tới
mẫu thân rồi lại nhiễu nhương. Những dằn vặt nội tại chính là những bi thương
cuộc đời …
“Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”
(Thơ nôm truyền tụng)
Tiềm ẩn cả một tâm hồn phản kháng, thách thức giữa vũ trụ
quan và vũ trụ nội giới cái nhìn của Hồ Xuân Hương khác với cái nhìn của tâm lý
học, của triết học. Bởi Hồ Xuân Hương đang đứng giữa của chủ thể, của tâm sinh
lý của thời kỳ chuyển kinh trước khi ý thức sự vật ngoại giới. Trên lý thuyết
mang tính chất có thực(reality) nhưng trong vai trò chủ thể Hồ Xuân Hương chỉ
biết về mình khi có sự vật ngoại giới hiện diện làm cho mình trở nên hiện hữu,
vì rằng; ở tuổi mười, mười lăm của Hồ Xuân Hương là một phản kháng nội tại, một
yếu tố tâm sinh lý thường xảy ra cho những tuổi dậy thì, một phản kháng siêu
hình”giơ tay với thử.. ”là cả một đòi hỏi vượt mức, Hồ Xuân Hương muốn dấn
thân, không sợ, không thị phi; “xoạc” với một ý thức trẻ thơ mà đã trưởng thành
ở nội giới, nội giới ấy là hình ảnh, biểu lộ tự nhiên đưa tới sự cố là hình ảnh
của gợi cảm của ngôn từ. Cũng nhờ đó soi rõ nội tâm Xuân Hương khi đụng chạm với
vũ trụ ngoại giới “Trong sâu thẳm của mỗi từ ngữ, tôi chứng kiến sự sinh tôi”
(A fond de chaque mot. J’assiste à ma naissane) Alain
Bosquet. Sở dĩ có được những ngôn từ, dù ẩn thể, nó cũng mang lại một cái nhìn
thoáng vụt nhưng kinh hoàng giữa hai hình thái sáng tạo và ngôn từ trong tâm lý
thơ của Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương lớn dần với thời gian nẩy sinh trong lòng một
tư tưởng yếm thế, đôi khi hoài nghi cho chính mình, và; cũng chưa hẳn định
nghĩa trọn vẹn hai chữ tục lụy. Thái độ ngập ngừng ở tuổi tròn trăng của Mai (Hồ
Xuân Hương tự là Mai) khi đến thăm đài Khán Xuân:
Êm ái chiều xuân tới Khán đài
Lâng lâng chẳng bợn chút lòng ai
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sáng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dể khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá ?
Cực lạc là đây chín rõ mười.
(Thăm Đài Khán Xuân)
Hồ Xuân Hương tả cảnh quang như một sự ngạc nhiên , nhưng
hình ảnh ngạc nhiên là hình ảnh không xa lìa đối tượng, gắn bó với đối tượng hiện
hữu và trong hình ảnh thiên nhiên đó gắn bó với đối tượng suy tưởng, gắn bó một
ý nghĩ của lòng mình là đã khám phá được nội giới mình qua đối tượng. Quan hệ của
sự khám phá ấy chính là ngôn từ mà trong thơ của họ Hồ đã xử dụng để cho ta ý
thứcsự tương ứng của ba hoàn cảnh qua một ngôn từ: biểu tượng ngôn từ, biểu tượng
hình ảnh và biểu tượng tâm lý. Không có một đối tượng vũ trụ lúc ấy mà chỉ có
cái nhìn từ vô ảnh mà ra, đó là tâm thức của con người. Không có một đối tượng
vũ trụ mà chỉ dàn trải một tâm trạng bơ vơ giữa cảnh quan. Nội tâm chao động
phát ra những ngôn từ:” êm ái, lâng lâng, nước lộn trời, dể khơi vơi …” Nữ sĩ Hồ
Xuân Hương hiện tại thấy mình nhiều hơn thấy vũ trụ “Nào nào cực lạc là đâu
tá?” thấy được sự hoài nghi tức là thấy được tâm trạng chơi vơi bằng một sự thức
tĩnh trực tiếp của tâm trạng nhiều hơn qua đối tượng.
Tâm trạng vụt biến thành hình ảnh và thể hiện ra ngôn từ.
Trong thế giới thơ, cõi phi ấy chiếm phần quan trọng trong sự khám phá của tâm
hồn, có thể nói rằng ý thức của nghệ sĩ bình dân khi sáng tạo ra một câu thơ là
do ý kiến về ngoại giới. Hồ Xuân Hương nhận sự vật trong không gian mà không
sao thấy được đối tượng tình yêu mình mong muốn; cho nên mơ về (rêver à/ a
dreamy ) sự vật của vũ trụ là mơ về trạng thái thương nhớ của tình yêu. Đó là
những trạng thái đẩy Hồ Xuân Hương vào sự chọn lựa hôn nhân. Nữ sĩ biết phận
mình, gái ngoài hai mươi là gái lỡ thì đó là cái nhìn sâu xa của con người muốn
tương giao với vũ trụ hiện hữu, mối tương giao đó tìm ra cõi lòng mình đang ẩn
kín từ nội giới, trong bài Già Kén Kẹn Hom bà viết:
Bụng làm dạ chịu trách chi ai?
“Già Kén Kẹn Hom” ví chẳng sai!
Tiếc đĩa hồng ngâm cho chuột vọc
Thừa mâm bánh lọc để ngưu vầy
Miệng khôn trôn dại đừng than phận
Bụng ỏng lưng eo chớ trách trời
Đừng đứng núi này trách núi nọ
Thì đâu đến nỗi đói ăn khoai!
Đó là những chặng đường của tình yêu bằng sự vật, bằng hiện
tượng vũ trụ ngoại giới; sự kiện ta thán, lấy hiện tượng vũ trụ ngoại giới để
nói lên vũ trụ tình yêu cho nên lời thơ nghe bình dị, chân thật nhưng đồng thời
cũng lập được một ý nghĩ cho ngôn từ. Lời than vắn thở dài chính là nỗi trầm thống
của nữ sĩ họ Hồ đang đứng giữa hai lĩnh vực tuổi đời và tình yêu, cả hai thứ đó
vật lộn trong tư tưởng vũ trụ quan. Cảm tác bài thơ trên sau khi Hồ Xuân Hương
bức ra khỏi cuộc tình đầu bất đắc dĩ với Tổng Cóc. Sau cái chết của Tổng Cóc;
Hồ Xuân Hương có một cái nhìn đối tượng khách quan, nhìn tiếp thu, nhìn tham dự.
Đó là những gì Hồ Xuân Hương muốn gạt ra khỏi vũ trụ nội giới để thiết lập một
cái nhìn bình dị, vô tư với hình ảnh đẹp hơn, khát vọng hơn. Đó là khát vọng của
sự vật và khát vọng của con người. Hồ Xuân Hương mơ về một người tình tương
lai, tương đắc, tương phùng hơn cuộc tình “cưỡng bức” với Tổng Cóc. Qua bài thơ
Khóc Tổng Cóc; Hồ Xuân Hương nghiễm nhiên đứng trên dư luận, phi đạo đức, phi lễ
nghĩa một phản kháng công khai đối với ngoại giới mà bà đương sống:
Hỡi chàng ôi! ới hỡi chàng ôi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhá
Chính cái nhìn đối tượng khách quan cũng đã đổi thay vũ trụ nội
quan của Hồ Xuân Hương đưa tới một cái nhìn sáng sủa hơn.
Đời của Hồ Xuân Hương là một cuộc đời thử thách, đấu tranh
tư tưởng khi tuổi mới lớn, rồi lấy chồng rồi ở giá, những vật lộn ngoại giới,
gây bấn loạn tâm thần đó là yếu tố tâm lý nhưng Hồ Xuân Hương là một phụ nữ nhạy
cảm, dễ rung động về bản năng sinh lý, nữ sĩ rơi vào một trạng thái bị động về
sinh lý nén đọng (to suppress). Hồ Xuân Hương đang tìm kiếm cho chính mình đối
tượng tình yêu mà xung quanh bà trống không là phù phiếm, đến với Hồ Xuân Hương
những thứ tạp nham, bà cảm thấy khổ, chính khổ sở đó đưa tới cái trống không
vây phủ và nhận ra trong hiện hữu không có được một hạnh phúc nào khác, thì đó
là một hiện hữu trống không “L’être et le neánt “ J. P. Sartre; cho nên Hồ Xuân
Hương phải xác nhận cụ thể vai trò của mình và chính là cái mà bà đang sống với
“vivre avec” hiện hữu; qua bài thơ nguyền rủa như sau:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê con buồn sừng húc dậu thưa.
(Mắng Học Trò Dốt)
Để từ đó; đi tìm chân lý cho chính mình, đó là cái mơ tuyệt đối
của nữ sĩ.
Ý muốn hoài vọng, nghĩa là nhà thơ họ Hồ, kẻ biết hưởng và
sáng tạo lối mơ về của mình trong việc chiếm cứ cũng như chia xa mà mỗi trong
chúng ta gặp phải cái tương quan của Hồ Xuân Hương, Bà lý giải cuộc đời qua nhiều
trạng thái khác nhau, xung đột với nội tâm, nhưng trong sự xung đột đó bà vẫn
mơ về; bỗng nhiên chân lý tuyệt đối xuất hiện như phép màu Hồ Xuân Hương gặp Phạm
Đình Hổ như định mệnh hay giấc mơ của bản thể mơ về vì Hồ Xuân Hương cảm nhận
được sự thúc đẩy đó và chính trong lần gặp gỡ ở hội thơ giữa hai người đã tương
giao, xem như ngẫu nhiên nhưng thực chất là cố tình, như lối mơ về không còn là
ngẫu nhiên mà tiềm ẩn hay bộc phát giữa hữu thức và vô thức.
Phạm tiên sinh nhìn Hồ Xuân Hương dưới một hiện tượng khác,
dưới một hiện tượng của một tài hoa và ngược lại Phạm Đình Hổ là một danh sĩ. Từ
chỗ thông giao thơ văn họ chuyển qua cái nhìn của tha nhân khác phái. Hồ Xuân
Hương làm bài thơ Đưa Đò gởi cho Phạm tiên sinh:
Chú lái kia ơi, biết chú rồi
Qua sông rồi lại đấm ngay bu
Chèo ghe vừa khỏi lòng dòng ngược
Đấm c…ngay vào ngấn nước suối
Mới biết lên bờ đà vỗ đít
Nào khi giữa khúc phải co vòi
Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ?
Sang nữa hay là một chuyến thôi.
Đến khi Hồ Xuân Hương đã đi vào cái tuổi “về chiều”. Bà nhận
ra sự phũ phàng của cuộc đời mà bà đã trải qua, bà cảm thấy cô độc trở lại,
tình yêu đến rồi đi ở chặng cuối đời là một thức tĩnh nội tại vì bà nhìn cuộc
đời đã ẩn tàng sự biến đổi khi vừa chấp cánh hạnh phúc chưa kịp nhận thì đã khước
từ sự biến di ? Có lẽ muốn thể hiện thể tính tình yêu cho nên lối mơ về bất chấp
sự biến di đó. Đấy là những câu hỏi có thể có và cũng có thể không có trong
lòng một người chứng kiến tổn thương của ái tình để đánh thoát sự hiện hữu đó.
Xuân Hương tỏ bày cái vũ trụ nội giới của mình, vừa chua xót vừa rũa đời:
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa nên chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân nầy ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong!
Tâm thức phản kháng của Hồ Xuân Hương lại một lần nữa bộc
phát, không buông tha bà chấp nhận về cái gọi là ý thức tục lụy, ý thức siêu
hình phản kháng. Nói như André Maurois: ”Một người đàn bà dù có tầm thường đến mức
nào cũng đủ làm cho chúng ta đau khổ; vì họ là đàn bà” Thì Phủ Vĩnh Tường cũng
phải lụy cái tài hoa của Xuân Hương; bà biết thân phận mình, biết phận làm lẻ của
một người tai to mặt lớn, văn hay chữ tốt đó không phải là chuyện thua thiệt của
kẻ sĩ. Bản thể sâu xa của Hồ Xuân Hương là dự ước của hiện sinh cho nên hòa
mình với Phủ Vĩnh Tường là cõi mơ về của Hồ Xuân Hương; thời gian siêu hình và
thời gian hiện sinh trong cuộc sống của bà dù một phút quyết định của một ý thức
ái tình, có kế tiếp chăng, có lẽ; chỉ bên kia cuộc đời cho nên hồi cố với Phạm
Đình Hổ chỉ trên biên giới của đời và vô biên chứ không thể trong chuyển vận của
hiện sinh giữa đời và tình ái.
Sau cái chết của Phủ Vĩnh Tường Trần Thúc Hiển, rồi tình yêu lỡ
vận với Phạm Đình Hổ. Như vậy đời của Hồ Xuân Hương đã ăn nằm với ba nhân vật
tai tiếng mà rút lại hóa không. Cái không ở đây là biểu tượng tuyệt vọng;
l’être et le neánt một hiện hữu trống không, một thôi thúc mà Hồ Xuân Hương
gánh chịu của thời gian, thời gian tâm lý chính là thời gian sống của con người;
đó là thời gian ý thức mà con người của nữ sĩ đã đắm mình vào và hòa mình trong
nhịp sống để tạo nên một biến trình nội tại. Nếu con người đặt mình trong biến
trình chuyển vận ngoại tại thì có thể xử dụng được thái độ đối xử của mình.
Thái độ hiện tại thuộc về tư tưởng cũng như tác động là hình ảnh
sống động về nhân sinh; phơi bày một chế độ tàn dư phong kiến hẹp hòi, bất công
của bọn giáo phường, đạo đức giả hiệu. Qua bài Vịnh Cái Quạt:
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay
Mỏng dày chừng ấy chành ba góc
Rộng hẹp dường nào cắm một cây
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm không phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên vì vậy
Bài thơ nói lên cái thật của hiện hữu nhưng cái thật của Hồ
Xuân Hương là cái bao hàm vũ trụ nội quan có một âm hưởng khác, một âm hưởng nội
tại đó là hiện hữu tính dục vật thể. Một lối dụng công chữ nghĩa của họ Hồ mà
ít ai xây dựng cái cảm quan như vậy. Đó làdòng tâm lý đi từ quá khứ, hiện tại
và tương lai khi con người thấy mình đang sống qua bao nhịp đời đã sống cũng
như viễn tượng tương lai của nhịp đời sẽ sống. Đó là thời gian tâm lý mà Hồ
Xuân Hương đã vượt qua và chính những giây phút âýlà hành động và cảm giác. Hồ
Xuân Hương đã dùng ngôn từ như một thể tính triết học hiện sinh vừa cụ thể hóa
vừa tượng trưng những thâm sâu cùng tận của vũ trụ ngoại giới cũng như vũ trụ
siêu hình.
Động Hương Tích; Hồ Xuân Hương phơi bày cảm quan của mình qua
con người hiện sinh, nhận định bằng cảm giác là nhận định trực tiếp ngay số phận
của mình đang sống qua sự bắt gặp của ý thức:
Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật chen chân xọc
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót
Con thuyền vô trạo cúi lom khom
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
Rõ khéo trời già đến dở dom.
(Thơ Nôm truyền tụng)
Cho nên có một hiện hữu hành vi và cảm giác; hiện hữu đang có
những tác động gì đang được hoàn tất cả một mùi vị chua chát hay ngọt ngào, hiện
hữu có một màu sắc thanh bình hay thê thảm trong khi hoài niệm phai dần với thời
gian, không thấy được, không cảm được bằng tri giác không gian mà chỉ có thể bằng
ký ức.
Vậy tâm thức phản kháng của Hồ Xuân Hương là tinh thần phản
kháng giữa cõi thế vô thường, vô lượng của một thân phận mỏng manh, yếm thế, bức
tức rơi vào một xã hội bất công và ngược đãi. Phản kháng là không đành lòng thuận
sự ngổn ngang, tình huống nghiêng ngả và gắng gượng tái lập cõi mộng“Cổ Nguyệt
Đường” trong cái mộng thái hòa để được xoa dịu, bởi; hiện hữu của nữ sĩ là nỗi
trầm thống và tinh thần phản kháng hiện sinh được phát tiết qua những vần thơ
nguyền rủa, phẩn nộ với ngậm ngùi của nội tại. Từ chỗ hữu hình và vô hình Hồ
Xuân Hương vấp phải những gò đống, hang cùng ngõ cụt những ray rứt nội tại xô
mình vào vũ trụ siêu hình, vũ trụ nhân sinh quan.
Ý thức của Hồ Xuân Hương là ý thức đậm mùi tục lụy. Có thể
nói rằng khi chấp nhận hiện thể để chứng minh tình cảm của mình Hồ nữ sĩ xác định
cuộc đời của con người hoàn toàn đau xót và không bao giờ ngừng nghỉ những mối
sầu thương và vẫn yêu cuộc đời đau khổ vì khổ đau cũng giống như niềm vui và
đôi khi đồng hóa với niềm vui…
Những lý lẽ đó hoặc bởi những lý do nào khác mà ta mất đi lịch
sử đích thực của họ Hồ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhận thức được thời đại của mình
đang sống. Đời đã nói một câu như thế này thay cho Hồ nữ sĩ “Je ne serait pas
ici demain” không cần có tôi ở đây cho ngày mai.
Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt
Trông suốt nhân tình dạ muốn say.
Hồ Xuân Hương. Tự Thán (Thơ Nôm Lưu Hương ký).
Nguồn: VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét