Book Hunter xin phép được gợi ý đến bạn đọc một Bộ sưu tập
100 cuốn sách nền tảng mà mỗi người nên đọc. Những cuốn sách này không quá khó
đọc và cũng không đi vào chuyên môn sâu, nhưng vẫn đảm bảo tính học thuật và
hàn lâm. Các sách được chọn đều là những sách đã được dịch ra tiếng Việt hoặc
do các tác giả Việt viết. Những sách nào chưa được xuất bản, chúng tôi sẽ cung
cấp đường link để download hoặc đọc online.
Sự tuyển chọn này dựa trên quan điểm cá nhân của người tuyển
chọn nên sẽ có một phần giải thích tại sao chúng ta nên đọc những cuốn sách ấy.
Chính trị - Xã hội
1. Chính trị luận – Aristotle ( Alpha Book)
2. Tinh thần pháp luật – Montes Quieu (NXB Đà Nẵng)
3. Bàn về Khế ước xã hội – Jean Jacques Rousseau (Alpha Book)
4. Khảo luận thứ hai về chính quyền – John Locke (NXB Tri Thức)
5. Tâm lý học đám đông – Gustave Le Bon (NXB Tri Thức)
6. Khổng học đăng – Phan Bội Châu (NXB Văn học)
7. Hàn Phi Tử – Hàn Phi – Phan Ngọc dịch (NXB Văn học)
8. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại – David Held (NXB
Tri Thức)
9. Sao biển và nhện: Cơ cấu phân quyền – Ori
Brafman & Rod A. Beckstrom (NXB Tri Thức)
Các cuốn từ 1-4 là những cuốn sách nền tảng về nền chính trị
phương Tây và các giá trị vẫn còn ảnh hưởng đến thế giới hiện đại. Cuốn số 5 là
một tập tiểu luận phân tích cách các chính trị gia, các thủ lĩnh phương Tây mê
hoặc đám đông bằng cách nào và sự tàn phá của đám đông.
Cuốn 6 là tác phẩm tổng hợp lại các giá trị cốt lõi của Khổng
giáo do cụ Phan Bội Châu viết. Cuốn 7 là tác phẩm của Hàn Phi trong thời Chiến
Quốc, xây dựng những ý tưởng về pháp quyền phong kiến ở Trung Hoa. Đọc 2 cuốn
sách này, chúng ta có thể hiểu được cách thức nền chính trị phong kiến Trung
Hoa vận hành ra sao, và ảnh hưởng đến phong kiến Việt Nam như thế nào.
Cuốn 8 là tập hợp các mô hình nhà nước dân chủ trên thế giới
hiện nay. Cuốn 9 bàn về cơ cấu phân tán quyền lực theo ý tưởng không có lãnh đạo
cụ thể hay hệ thống cứng nhắc mà là sự liên kết những thứ tưởng chừng như không
liên quan đến nhau. Đây là những ý tưởng chính trị quan trọng trong thế giới hiện
đại và đương đại.
10. Lịch sử Châu Âu – Norman Davis (NXB Từ điển bách khoa)
11. Sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn hóa Thông tin)
12. Sụp đổ: Các xã hội đã thất bại hay thành công
như thế nào - Jared Diamond (NXB Tri Thức)
13. Lịch sử nội chiến Việt Nam – Tạ Chí Đại Trường (Nhã Nam )
14. Văn minh Vật chất người Việt – Phan Cẩm Thượng (NXB Tri
Thức)
15. Nghìn năm mũ áo – Trần Quang Đức (Nhã Nam)
16. Nguồn gốc người Việt, người Mường – Tạ Đức (Nhã Nam)
17. Lịch sử Việt Nam – Đào Duy Anh (NXB Xây Dựng)
18. Lời người Man di hiện đại – Nguyễn Văn Vĩnh (NXB Tri Thức)
Cuốn 10-11 cho ta những hiểu biết căn bản về 2 nền tảng văn
minh mà Việt Nam đang bị ảnh hưởng là Châu Âu và Trung Hoa. Chúng ta cần biết về
lịch sử, như một sự giới thiệu đại cương để dễ dàng tiếp cận hơn với các lĩnh vực
khác như Văn hóa, chính trị, kinh tế, nghệ thuật…
Cuốn 12 phân tích lý do và cách thức mà các nền văn minh sụp
đổ để con người có ý thức hơn trong việc bảo vệ thế giới mình đang sống.
Từ 14-18 là những cuốn sách về Lịch sử, văn hóa Việt Nam khai
thác ở các góc độ khảo cổ, nghiên cứu tập tính, khảo cứu đặc trưng… Nhưng
để hiểu được tiến trình căn bản, các bạn nên đọc trước quyển “Lịch sử Việt Nam”
của Đào Duy Anh để hiểu về các biến chuyển thời đại và các chính sách được sử dụng
trong các thời đại ra sao.
19. Veda& Upanishad (NXB Sự Thật)
20. Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật (NXB Thành phố Hồ Chí
Minh)
21. Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh – Lê Mạnh Thát
(NXB Thành phố Hồ Chí Minh
22. Kinh Thánh Thiên Chúa giáo (NXB Tôn giáo)
23. Thần thoại Hy Lạp – Trần Văn Khỏa (NXB Kim Đồng)
24. Sư tử tuyết bờm xanh – Surya Das – Nguyễn Tường Bách dịch
(NXB Thành phố Hồ Chí Minh)
25. Chiều
bên kia của cái biết – Osho
26. Đánh thức trí thông minh – Krishnamurti (NXB Văn hóa Sài
Gòn)
27. Câu chuyện vô hình & Đảo – Hamvas Béla (NBX Tri Thức)
Cuốn 19-20 xuất phát từ nền Văn minh Ấn Độ, trong đó
“Veda&Upanishad” có nguồn gốc cổ xưa hơn, trong đó chứa đựng những khái niệm,
những giá trị mà sau này Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng. “Kim Cương Bát nhã
Ba la mật” là một trong các bộ kinh Phật giáo vĩ đại, ngắn gọn nhưng là tinh
hoa của Phật giáo, trong đó Đức Phật thuyết giảng về Tính Không. Hiểu được khái
niệm Tính Không, ta có thể hiểu được tư tưởng và cách tư duy của Thiền Tông – một
trong những phái có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Việt Nam. Thiền Tông được ghi
chép lại trong cuốn số 21: “Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh – Lê Mạnh
Thát”
Cuốn 22-23 chứa đựng những tư tưởng nhận thức về thế giới của
nền văn minh phương Tây. Thông qua 2 cuốn sách này, ta có thể hiểu được nguồn gốc
các khái niệm, ý thức, cách hành xử của văn hóa Tây phương.
Cuốn 24 là tập hợp các truyện ngụ ngôn của Phật giáo Tây Tạng
nói về đời sống và các bài học tâm linh. Cuốn 25, 26 là 2 cuốn sách đặc trưng của
2 bậc chứng ngộ thế kỷ 20 là Krishnamurti và Osho, truyền cảm hứng cho con người
về cách nhìn thế giới bằng ánh sáng tâm linh và bước vào một đời sống tâm linh.
Cuốn 25 là một tập tiểu luận tâm linh kì dị của triết gia người
Hungary Hamvas Bela phân tích về sự chuyển dịch kỷ nguyên. Ông dự đoán rằng con
người đang bước vào kỷ nguyên Bảo Bình – kỷ nguyên tâm linh với sự trỗi dậy của
con người cá nhân, thoát khỏi niềm tin mù quáng và thoát khỏi đám đông.
Kinh tế - Kinh doanh
29. Chủ nghĩa tự do truyền thống – Ludwig von Mises (NXB
Tri Thức)
30. Nguyên lý thứ năm – Peter Senge (DT Book)
31. Quốc gia khởi nghiệp – Dan Senor & Saul Singer (Alpha
Book)
Cuốn 28,29 là những cuốn sách lý thuyết căn bản về kinh tế thị
trường và chủ nghĩa tự do – những học thuyết đang có quyền lực lớn trong nền
kinh tế thế giới.
Cuốn 30 là sách phân tích về lợi thế cạnh tranh bền vững và
khả năng học hỏi nhanh chóng so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời đưa ra
các ví dụ về cách tổ chức học tập tại các công ty.
Cuốn 31 phân tích về con đường và mô hình phát triển kinh tế
đang được sử dụng ở Israel – một điển hình mà Việt Nam cần học tập.
Khoa học – Công nghệ
32. Từ hiệu ứng cánh bướm đến Lý thuyết hỗn độn – James
Gleik (NXB Trẻ)
33. Lược sử thời gian – Stephen Hawking (NXB Trẻ)
34. Max Planck: Người khai sáng thuyết lượng tử – Nhiều tác
giả (NXB Tri thức)
35. Vũ trụ – Carl Sagan (Nhã Nam)
36. Dữ liệu lớn: Cuộc Cách mạng đã làm thay đổi cách chúng ta
sống, làm việc và tư duy – Viktor Mayer, SchÖnberger & Kenneth
Cukier (NXB Trẻ)
37. Trí tuệ giả tạo: Internet đã làm gì não bộ của chúng ta –
Nicolas Carr (NXB Trẻ)
Từ cuốn 32 đến 34 là những cuốn sách phổ thông về khoa học giới
thiệu nền tảng của một kỷ nguyên khoa học mới với các ý tưởng về một thế giới hỗn
độn và bất định. Tư tưởng này có một ảnh hưởng lớn đến loài người, khiến cho
các nhà khoa học quay trở về tìm hiểu thế giới tâm linh, truyền cảm hứng cho Chủ
nghĩa hậu hiện đại trong văn học – nghệ thuật…
Cuốn sách 35 không chỉ là tác phẩm nghiên cứu về thiên văn học,
thông qua “Vũ trụ” Carl Sagan giải thích cho người đọc hiểu tại sao phải nghiên
cứu vũ trụ và gợi ra một ý tưởng rằng vũ trụ không đơn giản chỉ là một bầu trời
đầy sao mà là một cái toàn thể cần khám phá.
Cuốn 36,37 là những cuốn sách phân tích về thời đại Internet
với những ảnh hưởng của Internet đến cách thức tư duy và những chuyển dịch xã hội
chưa từng có trong lịch sử trước đó, thời đại đã chứng minh rõ ràng rằng “thông
tin là quyền lực” (Arron Swartz)
38. Đạo Đức Kinh, Lão Tử – Thu Giang Nguyễn Duy Cần (NXB Trẻ)
39. Nam Hoa Kinh , Trang Tử – Thu Giang Nguyễn Duy Cần
(NXB Trẻ)
40. Cộng hòa – Plato (Alpha Book)
41. Hiện tượng học tinh thần – Georg Wilhelm Friedrich Hegel
(NXB Văn học)
42. Phê phán lý tính thuần túy – Immanuel Kant (NXB Văn học)
43. Siêu lý tình yêu, siêu hình sự chết – Athur
Schopenhauer (Nhã Nam)
44. Bên
kia thiện ác – Friedrich Nieztches
45. Zarathustra đã nói như thế – Friedrich Nieztches (Nhã
Nam)
46. Martin Heiddeger & Tư tưởng hiện đại – Bùi Giáng (NXB
Văn học)
47. Karl Marx – Peter Singer (NXB Tri Thức)
48. Hố thẳm của tư tưởng –
Phạm Công Thiện
Cuốn 38,39 là 2 sách căn bản của trường phái Đạo gia Trung Quốc.
Mặc dù không được chính quyền phong kiến Trung Quốc ưa thích nhưng tư tưởng Đạo
gia thấm đẫm trong văn hóa và nghệ thuật Trung Quốc, và đương nhiên có ảnh hưởng
đến văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Hai cuốn này đều được cụ Thu Giang Nguyễn
Duy Cần dịch và chú giải một cách tường tận.
Từ cuốn 40-47 là các tư tưởng triết học nền tảng của nền Triết
học phương Tây từ thời cổ Hy Lạp cho đến thời Hiện đại. Trong đó Plato có ảnh
hưởng lớn tới Aristotle và Nhận thức luận của phương Tây. Hegel, Kant,
Schopenhauer có các tác phẩm bàn về nhận thức của con người với thế giới.
Friedrich Nieztches và Heiddeger là 2 đại diện của Chủ nghĩa Hư vô, khi con người
bắt đầu trở nên cô độc và nhận thức ra rằng ta không phải những gì như ta vẫn
nghĩ. Cuốn 47 là tập hợp nghiên cứu tư tưởng về Karl Marx, triết gia có ảnh hưởng
trực tiếp đến nền chính trị Việt Nam hiện nay.
Cuốn số 48 là tác phẩm của một thần đồng triết học Việt Nam,
trong cuốn sách này ông có đưa ra ý tưởng về “hố thẳm của tư tưởng”, một tình
trạng không mấy dễ chịu mà những người đeo đuổi chân lý chắc chắn sẽ phải đối mặt.
Tiểu luận - Phê bình
49. Mỹ học – Georg Wilhelm Friedrich Hegel (NXB Văn học)
50. Từ Mỹ học đến các loại hình nghệ thuật – Denis Diderot
(NXB Tri Thức)
51. Bông hồng vàng & Bình minh mưa – Konxtantin
Pauxtopxki (NXB Văn hóa Thông tin)
52. Những di chúc bị phản bội – Milan Kundera (Đông Tây)
53. Những huyền thoại – Roland Barthes (NXB Tri Thức)
54. Hoa đường tùy bút – Phạm Quỳnh (Nhã Nam)
Cuốn 49, 50 là các sách lý thuyết về Mỹ học, trong đó giải
thích về các khái niệm căn bản về Mỹ học và các hình thức nghệ thuật khác nhau.
Cuốn 50 thì chủ yếu thiên về phân tích Mỹ học trong hội họa.
Cuốn 51 là tập hợp các mẩu ghi chép về vẻ đẹp trong các tác
phẩm nghệ thuật của tác giả Liên Xô Konxtantin Pauxtopxki về các văn sĩ,
nghệ sĩ kinh điển của Châu Âu.
Cuốn 52 – 53 là hai tập tiểu luận nổi tiếng thời hiện đại,
trong đó “Những di chúc bị phản bội” nói về con người cá nhân bị bóp nghẹt
trong thế giới hiện đại; còn “Những huyền thoại” lý giải các hiện tượng xã hội
hiện đại thông qua ký hiệu học và ý tưởng mà tác giả muốn nói: “huyền thoại là
một ngôn từ”.
Cuốn 54 là tập tùy bút của Phạm Quỳnh thể hiện tâm trạng thất
thế và tình thế bị bóp nghẹt của trí giả trong biến động lớn của lịch sử Việt
Nam trong những năm 1945.
Cuốn 55 là tập tiểu luận nghiên cứu về thơ của PGS Đỗ Lai
Thúy. Nhưng hơn cả thế, tập tiểu luận này phân tích về sự chuyển dịch tư duy
thơ từ Tiền Hiện Đại, sang Hiện Đại và bây giờ là Hậu Hiện Đại.
Phân tích tâm lý
56. Phân tâm học
nhập môn – Sigmund Freud
57. Thăm dò tiềm thức – Carl Jung (NXB Tri thức)
58. Phân tâm học và tính cách dân tộc – Nhiều tác giả (Song
Thủy Bookstore)
59. Phân tâm học và tôn giáo – Enrich Fromm (NXB Từ điển Bách
khoa)
60. Sự phát
triển siêu cá nhân – Roberto Assagiolie
Phân tâm học là một bộ môn còn nhiều tranh cãi, đến nay thậm
chí Sigmund Freud còn chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học của
Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cho dù giới nghiên cứu tâm lý học phủ nhận các lý thuyết của
Phân tâm học đến đâu thì một điều không thể chối cãi là cách tư duy của họ
không khác mấy so với Phân tâm học.
Cuốn “Phân tâm học Nhập môn” của Sigmund Freud mang tính chất
khai phá cho ngành Phân Tâm học. Trong đó ông đưa ra các lý giải về cái vô thức
và những chi phối của vô thức tới đời sống con người. “Thăm dò tiềm thức”
là tác phẩm đi sâu vào vô thức tập thể và các nguyên mẫu của vô thức.
“Phân tâm học và tính cách dân tộc” là tập hợp những bài dịch
của nhiều tác giả, do PGS Đỗ Lai Thúy chủ biên, phân tích về tâm lý tộc người –
cách hình thành và biểu hiện.
Cuốn số 59,60 đều là các tác phẩm Phân tâm học nghiên cứu về
cái siêu thức và bắt đầu nghiêng hẳn về nghiên cứu tâm linh.
Văn chương
71. Hamlet –
William Shakespeare
72. Người Dublin – James Joyce (Bách Việt)
73. Tội ác và trừng phạt – Dostoevsky ( NXB Văn học )
74. Người
xa lạ – Albert Camus
75. Buồn
nôn – Jean Paul Sartre
76. Trăm năm cô đơn – Gabriel.G.Marquez (NXB Văn học)
77. Khung cửa hẹp – Andre Gide (NXB Văn nghệ)
78. Lâu đài – Kafka (NXB Văn học)
79. 1984 –
George Orwell
80. Nhà giả kim – Paublo Coelho (Nhã Nam)
81. Thủy Hử – Thi Nại Am (Đông Tây)
82. Lộc Đỉnh Ký – Kim Dung (NXB Văn học)
82. Biên niên ký chim vặn dây cót – Haruki Murakami (Nhã
Nam)
83. Vang bóng một thời – Nguyễn Tuân (NXB Văn học)
84. Sống mãi với thủ đô – Nguyễn Huy Tưởng (NXB Kim Đồng)
85. Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp (NXB Văn hóa thông tin)
86. Hồ Qúy Ly – Nguyễn Xuân Khánh (NXB Phụ Nữ)
Tiêu chuẩn chọn các tác phẩm văn chương trong Bộ Sưu Tập này
là những tác phẩm mà trong đó các nhân vật đều có vẻ cô độc, nổi loạn hoặc lạc
lõng với thời đại họ đang sống. Có lẽ không cần nói nhiều về các tác phẩm quen
thuộc, chỉ cần lý giải một số cuốn sách có vẻ kì dị.
Cuốn số 72 “Người Dublin” được đánh giá là tập truyện ngắn
mang tính bước ngoặt trong cuộc đời văn chương của James Joyce – đại thi hào số
1 của Anh quốc. Tập truyện ngắn diễn tả mảng tối kì bí và u uất trong tâm hồn
con người ở xã hội hiện đại, không biến cố, không kịch tính, phá vỡ kết cấu về
không thời gian của lối viết tự sự, thay thế bằng tư duy đa chiều và chồng
chéo.
Cuốn 74 và 75 là hai tác phẩm nên đọc bởi trong đó chứa đựng
các tư tưởng nền tảng của Chủ nghĩa hiện sinh – một chủ nghĩa có sự ảnh hưởng lớn
đến trào lưu Hippi và rất nhiều nhà tư tưởng, nhà văn trên thế giới.
Cuốn số 80 “Nhà giả kim” của Paublo Coelho không được giới
hàn lâm chấp nhận nhưng tác phẩm này là cuốn sách bán chạy thứ 2 sau Kinh
Thánh. Tại sao nó lại trở nên best seller đến vậy? Cốt truyện rất đơn giản
nhưng cuốn sách ẩn chứa một nội lực khó hiểu với các bài học đơn giản và sâu sắc
về con đường tìm kiếm tâm linh và hiểu về tâm linh vũ trụ.
Mặc dù nên văn học Trung Quốc rất đồ sộ nhưng tại sao Bộ Sưu
Tập lại chỉ chọn 2 cuốn tiểu thuyết không được giới hàn lâm đánh giá cao? Tại
sao lại là “Thủy Hử” mà không phải là “Tam Quốc” hay “Tây Du Ký”? Bởi trong các
tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, “Thủy Hử” tạo cho người đọc một cảm giác vừa
bi tráng lại vừa đau đớn về những con người cá nhân quật cường nhưng bị những kẻ
làm chính trị thời bấy giờ lợi dụng, giật dây và vùi dập. Còn “Lộc đỉnh ký” của
Kim Dung thật sự là một tác phẩm phản đề đặc sắc, trong đó Vy Tiểu Bảo, một con
người thuần túy là con người, không bị lệ thuộc vào các vai trò được gán cho, lại
trở thành cá nhân hoàn toàn chủ động và chơi đùa với các đám đông mà vẫn không
hề mất đi bản sắc của mình. Có lẽ đã đến lúc chúng ta thử nhìn lại nền văn xuôi
Trung Quốc, không phải tiếp cận bằng các tác phẩm đầy âm mưu chính trị hay sự
quằn quại đau khổ của người dân vì bị đè nén, mà thay vào đó bằng những tác phẩm
mang tính “cá nhân” hơn.
Thơ ca
87. Thần khúc – Dante Alighieri (NXB Khoa học Xã hội)
88. Ngôn sứ – Khalil Gibran (Thời Đại)
89. Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân (NXB Văn học)
90. Mê
hồn ca – Đinh Hùng
91. Đường thi tuyển dịch (NXB Thuận Hóa)
Sách 87,88 là 2 tác phẩm thơ ca mang ý nghĩa tâm linh cao mà
các bạn nên đọc để có những suy niệm cao đẹp về con người.
Cuốn 89,90 là 2 cuốn đại diện cho nền thơ Việt Nam trước
1945. Đọc “Thi nhân Việt Nam” bạn có thể nhìn thấy tổng thể của nền thơ ca lãng
mạn Tiền chiến, với đầy đủ các bút pháp đặc trưng của thơ ca Hiện đại. Nhưng có
một thiếu sót trong “Thi nhân Việt Nam” đó là không nhắc tới Đinh Hùng – một
cây bút kì dị, có tư tưởng khác xa với các nhà thơ cùng thời. Bởi thế, Bộ Sưu Tập
giới thiệu tập thơ “Mê hồn ca” của Đinh Hùng. Bạn nào bị nỗi ám ảnh về ngày tận
thế và lối sống tự nhiên chắc chắn sẽ rất thích thơ ông.
Cuốn 91 là tập hợp các bài thơ Đường, tinh hoa của nền văn học
Trung Quốc, qua đó phần nào ta hiểu được bút pháp và tư tưởng trong thơ ca Việt
Nam Trung đại.
Sách tuổi trẻ
92. Truyện cổ Andersen (NXB Kim Đồng)
93. Không gia đình – Herto Malot (NXB Văn học)
94. Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer – Mark Twain (Đông
Tây)
95. Hoàng tử bé – Antoine de Saint-Exupéry (NXB
Kim Đồng)
96. Peter Pan – James Matthew Barrie (Nhã Nam)
97. Alice ở xứ sở thần tiên – Lewis Caroll (Đông A)
98. Bắt trẻ đồng xanh – J.D Salingers (Nhã Nam)
99. Biên niên sử Narnia – C.S Lewis ( NXB Kim Đồng)
100. Dế mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài (NXB Kim Đồng)
Những cuốn sách này không chỉ là sách trẻ thơ, mà chính xác
là sách của tuổi trẻ. Những cuốn sách này gìn giữ các cảm xúc đẹp, giấc mơ, trí
tưởng tượng và tinh thần nổi loạn của tuổi trẻ. Chúng ta sẽ mau chóng trở thành
những cỗ máy hoặc rơi vào “hố thẳm của tư tưởng” nếu chúng ta quên mất rằng
trong mỗi chúng ta luôn có một đứa trẻ.
* Để tránh trường hợp các bạn đọc bị “tẩu hỏa nhập ma” trong
kho sách vô biên của nhân loại, Book Hunter xin gợi ý các bạn đọc thêm bộ
sách 3 cuốn gồm “Óc sáng suốt”, “Thuật tư tưởng”, “Tôi tự học” của Thu
Giang Nguyễn Duy Cần (NXB Trẻ).
Hà Thủy Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét