Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Hai loại ánh sáng trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam

Hai loại ánh sáng trong truyện ngắn
"Hai đứa trẻ" của Thạch Lam

Đối với tôi văn chương của Thạch Lam như một thiếu nữ chân quê, mộc mạc, giản dị, song đằm sâu trong từng câu chữ, lời văn là bao nhiêu cung bậc tình cảm. Có thể nói nhà văn thiên về khai thác thế giới tâm linh nhiều hơn hơn là xây dựng những tình tiết gay cấn, ly kỳ…
Có người đã nói với tôi rằng: Văn chương Thạch Lam chẳng có gì là hay cả, từ truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan, cho đến Hai đứa trẻ toàn là những chuyện vụn vặt của đời sống hết sức tầm thường được xây dựng trên tổ hợp của lối văn nhạt nhẽo. Thực sự đọc văn của Thạch Lam thà rằng đọc mấy cái… Tin vắn lại còn hay hơn! Tôi thật e ngại cho người đó! Người đó trái tim sắt đá ư? Tâm hồn người đó không có cảm xúc ư? Hay là người đó chỉ thích tiếp xúc với những loại văn chương kinh dị, trinh thám, kiếm hiệp…? Nếu mà là như vậy thì người đó dù có đọc đến hàng trăm, hàng nghìn những tác phẩm của Thạch Lam đi chăng nữa hẳn ý tưởng ấy vẫn không hề thay đổi được.
Trái với nhận định trên, đối với tôi văn chương của Thạch Lam như một thiếu nữ chân quê,mộc mạc, giản dị, song đằm sâu trong từng câu chữ, lời văn là bao nhiêu cung bậc tình cảm. Có thể nói nhà văn thiên về khai thác thế giới tâm linh nhiều hơn hơn là xây dựng những tình tiết gay cấn, ly kỳ…Một trong những truyện ngắn hay , xuất sắc như thế của Thạch Lam phải kể tới Hai đứa trẻ rút trong tập Nắng trong vườn xuất bản năm 1938. Trong truyện ngắn này, nhà văn nói đến nhiều vấn đề quan trọng và ánh sáng cũng là một trong những vấn đề quan trọng ấy có thể chuyển tải nội dung thành ý tưởng tác phẩm.
Với dáng hình dịu nhẹ, mỏng thoáng của từng câu chữ, với một đề tài vụn nhỏ, Thạch Lam đã thọc sâu ngòi bút của mình mà ngoáy lên những cảnh vật, những tâm trạng thật khiến cho những người có cảm xúc rung động đến bất tận, suy nghĩ đến nao lòng. Bao nhiêu cảnh vật dường như se lạnh khi tiếng trống thu không treo lơ lửng âm thanh vào tai mỗi người.Và ngày qua, đêm đến, ta thấy có rất nhiều ánh sáng hiện lên trước phố huyện tiêu điều, xơ xác… Song ánh sáng mà nhà văn đặc biệt quan tâm, chú ý thì chỉ có hai loại. Đó là, ánh sáng của chiếc đèn nhỏ của mẹ con chị Tý và ánh sáng của đoàn tàu, ấy mới là biểu tượng cho khung trời phố huyện với ước mơ quá đơn sơ, với khát vọng quá mong manh vào tương lai tươi sáng hơn ở ngày mai khi bóng đêm đặc kịt trên nền trời u ám.
Cái buồn trước đêm tối cứ thả vào hư không sẽ bớt đi rất nhiều thê thảm, nếu không có những hoạt động tẻ nhạt, buồn bã, gờn gợn và ánh sáng nhỏ mọn do con người tạo ra. Nhưng con người hy vọng vào một điều viễn vọng thì vẫn phải hoạt động để giành lại sự sống đi đến hạnh phúc cho mình. Chính vì thế, mẹ con chị Tý: Ngày, đi mò cua, bắt ốc; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái miếu gạch với một chiếc đèn Hoa Kỳ không đủ ánh sáng để soi rõ mặt người…
Ngọn đèn nhỏ mọn ấy buồn rầu leo lét, hưu hắt vắt vào khoảng trời đầy bóng đêm. Bóng đêm bao vây tứ phía và chỉ cần một ngọn gió nhẹ cũng có thể làm cho số phận của chiếc đèn hụt tắt giữa mênh mông trời đất. Chị em Liên nhìn vào vũ trụ thăm thẳm, bao la để kiếm tìm những vì sao có hình sông Ngân, có hình cầu Ô Thước và hình con vịt theo sau láo Thần Nông. Nhưng vũ trụ nó làm mỏi ý nghĩ của con người nên hai chị em Liên chỉ một lát lại chúi nhìn về mặt đất, về luồng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tý. Ngọn đèn của chị tý leo lét như nỗi buồn đa mang theo tháng năm, như cuộc sống im ỉm mà phố huyện nơi đây đương tẻ nhạt, khoác một tấm áo đêm thùi thũi đi về. Cho dù có cố gắng đến bao nhiêu đi chăng nữa, ánh sáng ấy chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ mà thôi. Một vùng đất nhỏ dưới tán bàng héo úa, tàn lụi, rơi rớt  vài giọt sương đêm khỏa vào nỗi buồn mỗi ngày lại nhịp lên mênh mang xuyên qua lòng phố huyện, rồi lại ủ rũ bên cạnh cái mốc gạch. Số phận của con người cứ quanh đi, quẩn lại như thế theo phức điệu nhàn nhạt mà xã hội thực dân- phong kiến mang lại.
Quán hàng với ánh đèn của chị Tý nghiêng đọng một nỗi buồn như thế, một nỗi buồn mà ngày nào cõng trong trí nhớ : Ôi chao sớm với muộn mà có ăn thua gì?, Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ? Nhưng họ vẫn phải đi kiếm kế sinh nhai, vì thế ngọn đèn của chị Tý cũng lóe lên cho mình sự đam meequyeens rũ một sắc buồn để hút mọi tầm mắt lao tới mà thưởng thức, mà chiêm ngưỡng. Nhà văn đã tả ngọn đèn của chị Tý khác hẳn so với các ánh sáng khác như: ánh sáng chiếc đèn của nhà bác Phở Mỹ, ánh sáng leo lét trong nhà ông Cửu, ánh sáng xanh trong hiệu khách, ánh đèn chập chờn như ma trơi của bác Siêu, cho đến ánh sáng của những ngôi sao sa, ánh sáng của chú đom đóm lập lòe…thì đều chỉ góp phần tô đậm thêm cho nỗi buồn nơi quán nước có ánh sáng từ chiếc đèn chị Tý mà thôi. Vì thế mà ánh sáng ngọn đèn leo lét, hiu hắt ở quán nước này dường như đã trở thành nơi hội tụ của cả phố huyện trong đêm tối: Tất cả phố xá trong huyện thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tý.
Đêm tối mênh mông mỗi lúc lại đặc kịt : Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa… Nhưng ánh sáng của chị tý cứ miệt mài lan tỏa. Nhà văn Thạch Lam đã trở đi, trở lại nhiều lần để miêu tả thật kỹ ngọn đèn này. Có lẽ đó là ý tưởng mà tác giả gợi lên hun hút của nỗi buồn đi vào bế tắc chăng? Xcon người đêm, con đường đêm, phố huyện đêm và cả xã hội Việt Nam   đêm đã thui chột những ước mơ cao xa đang giục giã lòng người trở về cuộc sống nguyên thủy ngày xưa đầy kinh dị. Từng ánh sáng của bóng đèn mẹ con chị Tý cố sức leo vào không gian bao la, thăm thẳm, song đã bị bóng đêm đắng quạch đẩy lùi. Nỗi ám ảnh cuộc sống mà ánh sáng từ chiếc đèn  của mẹ con chị Tý lần lượt  đi vào tiềm thức con người. Nỗi ám ảnh ấy đã làm cho sự sống hóa thành mong manh, vụn nhỏ, tẻ nhạt, hưu quạnh… treo vào hư vô. Lần cuối, khi đoàn tàu và ánh sáng của nó rơi lặng lẽ, im nghỉm trong đêm tối thì hình ảnh chiếc đèn của chị Tý đi vài giấc mộng của Liên thật tự nhiên đến nao lòng, đau xót và Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi…
Thạch Lam xây dựng nên hình tượng ngọn đèn chị Tý không chỉ đơn thuần là ngọn đèn nữa mà nó là biểu tượng cho cuộc sống thực tại nơi đây: nhỏ nhoi, hưu hắt đầy buồn chán của chị em Liên cũng như những con người nhỏ bé đang dật dờ đi lại trên phố huyện này. Ngọn đèn được nhà văn miêu tả trở đi, trở lại nhiều lần và khi đi ngủ, Liên vẫn còn mường tượng tới ánh sáng hưu hắt,lay lắt ấy như một ám ảnh tâm lý cho đến ngàn năm cũng không thể nào gỡ ra được.
Ánh sáng đèn của chị Tý cùng với những ánh sáng khác nơi phố huyện thì ngay từ đầu truyện đã ngồn ngộn nổi lên một cách lay lắt chẳng làm sáng thêm cho không gian chút nào, ngược lại càng làm rách vá mảng trời đêm mùa hạ êm như nhung. Từ đó đến cuối truyện nhà văn Thạch Lam mới miêu tả ánh sáng của đoàn tàu hành quân qua phố huyện buồn thương này.
Ánh sáng của đoàn tàu giờ đây đã khác hẳn, không phải là ánh sáng đơn điệu từng hột lọt qua phên nứa rơi rớt xuống nền đường lởm chởm, hoang màu của rác rưởi, lá nhãn, bãi mía, vỏ bưởi, vỏ thị và mùi âm ẩm bốc lên; không phải là ánh sáng chập chờn như ma trơi cảu bác Siêu; không phải là ánh sáng ganh nhau lấp lánh như sao sa; lại càng không phải ánh sáng nhấp nháy như con đom đóm… Ánh sáng của đoàn tàu là ánh sáng rực sáng, là ánh sáng chói lòa. Mọi ánh sáng mà Thạch Lam miêu tả trước chỉ nhằm tô đậm thêm bóng tối, khoác thêm nỗi buồn dài lê thê như con sông đổ mãi ra biển khơi không hết. Ánh sáng của những ngọn đèn lay lắt, vật vờ ở phố huyện lại càng điểm cho không gian thêm hưu quạnh, se sắt, lại càng làm cho cay đắng, xót xa nỗi lòng người. Chính vì vậy, con tàu từ Hà Nội đi qua mang theo ánh sáng từ nơi ấy đến là một điều mong mỏi khao khát của chị em Liên: Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đem một chút thế giưới khác đi qua. Nỗi chờ mong của chị em Liên chỉ giản dị, đơn sơ như thế thôi, nhưng trong suy nghĩ của trẻ thơ nó lại vô cùng có ý nghĩa cho ước mơ sau này.
Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Thạch Lam
Tôi xin được lạc đề một chút, hồi tôi còn nhỏ vào những năm 1989, 1990 lúc đó làng tôi không có điện sáng như bây giờ, cứ tối nào tôi và mẹ tôi lại cõng nhau ra cổng để xem những ánh điện chói ngời mông lung, huyền ảo đẹp đến mê lòng trên Hương Canh, trên Lý Nhân và cả ở Minh Tân nữa. Mẹ tôi bảo những ánh sáng đó là thần tượng sao dưới đất. Tôi liền hỏi mẹ tôi: Bao giờ làng mình có thần tượng sao dưới đất đó hả mẹ? Mẹ tôi im lặng trong suy tư, cảm nghĩ rồi lặng lẽ đáp: Không lâu nữa đâu, khi nào con lớn lên thì thần tượng sao dưới đất sẽ đến với con. Những buổi tối theo mẹ ra cổng ngắm nhìn thần tượng sao dưới đât như thế  ấy đến bay giờ  đã thành một kỷ niệm khó quên của đời tôi. Và giờ đay bắt gặp tâm trạng đợi tàu cảu chị em Liên tôi lại thấy lòng mình nao nao đồng cảm, nhặt ra cho mình nhiều ưu tư suy nghĩ về cuộc sống của những đứa trẻ nghèo khổ. Những đứa trẻ như chị em Liên đợi tàu như chờ đợi thiên thần mang hạnh phúc đến để lấp đi những nỗi buồn ám ảnh đa mang theo tháng ngày.
Trong con mắt trẻ thơ, ánh sáng, nhất là ánh sáng chói ngời, xa lạ sẽ hằn sâu trong trán và thúc đẩy ước mơ đến mãnh liệt. Thạch Lam đã miêu tả ánh sáng của đoàn tàu một cách khác thường. Ánh sáng được vận động theo đoàn tàu, mới đầu chỉ nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng rít lên và bừng sáng trắng lên tít đằng xa; rồi sau đó tàu tiến lại gần thì mới sáng trưng, chiếu ánh xuống cả đường. Một thứ ánh sáng mà cả phố huyện này đều muốn vươn tới. Nhưng rồi chiếc tàu cùng với ánh sáng lấp lánh của nó cũng đi vào đêm tối rơi tõm vào sự im lặng. hai chị em Liên nhìn với theo chỉ thấy cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre. Đúng là Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng nào có sai.
Ánh sáng của đoàn tàu là ánh sáng của khát vọng, là ánh sáng của ước mơ về cuộc sống tươi sáng đẹp đẽ hơn. Ánh sáng đó là niềm thao thức chờ đợi hằng đêm của chị em Liên như một món ăn tinh thần không thể nào thiếu được để rồi có một ước muốn treo cái thế giới tẻ nhạt vĩnh viễn vào không trung và chỉ để lại đây cuộc sống náo động, sôi nổi với thiết tha lòng người yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Nhưng những khát vọng đó lại trở thành vô vọng bởi vì chiếc tàu đi vào đêm tối thì bóng đêm lại trùm lên phố huyện, lại trùm lên những con người nhỏ nhoi, những cuộc đời hiu hắt, buồn bã.
Không gian bóng đêm tẻ nhạt, lúc nào cũng dắt bên mình một vũ điệu bài ca không quên trôi dài theo năm tháng. Vũ điệu ấy cứ tô thêm cho mình ngọn đèn lay lắt , hiu hắt, nhỏ bé … như chứa đựng tâm trạng của mọi người trong tạo hóa. Bóng đêm bao vây và tiếng tàu lại vang lên cùng với ánh sáng rạng rỡ, huy hoàng càng xé nát mảnh trời nhung đen. Từ một không gian tự nhiên đã trở thành biểu tượng một không gian xã hội bao vây con người, cản trở khát vọng cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc của họ.
Chúng ta chỉ đi vào một khía cạnh của truyện ngắn Hai đứa trẻ mà thôi, nhưng bao nhiêu tâm trạng, bao nhiêu nỗi lòng, bao nhiêu suy nghĩ mà nhà văn Thạch Lam muốn bày biện cũng nổi lên khá rõ. Qua ánh sáng từ chiếc đèn mẹ con chị Tý và ánh sáng của đoàn tàu ta thấy được cuộc sống khổ cực, quẩn quanh nơi phố huyện, cũng như những khát vọng, những ước mơ muốn làm cho thế giưới thực tại thay đổi. Song ước mơ vẫn chỉ là ước mơ, còn thực tại vẫn cứ là thực tại. Dù sao đi chăng nữa, đó chính là nỗi lòng của nhà văn gửi gắm cho độc giả.
Tôi ước gì mình cũng có những cảm xúc sau kín, nhưng thấm thía như nhà văn Thạch Lam để sau này bước lên văn đàn, mình cũng có những trang văn hay lay động lòng người đến thế.
8/9/2022
Lưu Thế Quyền
Nguồn: Tạp chí Văn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn hóa chửi

Văn hóa chửi Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, th...