Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Một con người khác thể hiện qua thơ Phan Bá Thụy Dương

Một con người khác thể hiện
qua thơ Phan Bá Thụy Dương

Những năm hậu bán của thế kỷ trước, tôi rất quen thuộc với một Phan Bá Thuỵ Dương của tình yêu, của lãng mạn, của thiên nhiên, của chiến tranh và thân phận làm người…Một vóc dáng khác thường trong những cảnh ngộ rất thường.
Bước qua thế kỷ 21 này, nhân đọc “Lời Gọi Cỏ May” (tuyển tập thơ văn của Phan Bá Thuỵ Dương, nxb Little Saigon 2012), tôi chợt bắt gặp một con người khác trong thơ anh. Một bóng dáng ngàn năm thơ thẩn đi tìm chính mình, đi tìm khuôn mặt ngàn đời bất biến bất dịch của mình từ trước khi sinh đến sau khi sống. Một hành trình cho dù vận dụng cả thời gian lẫn không gian cũng khó bề đo đếm!
Không biết trước hay trong hành trình, Phan Bá Thuỵ Dương chợt phát hiện sự tráo trở của chữ nghĩa văn tự. “Vất kinh thư”, “Chôn kinh thư”…chỉ là cách diễn đạt. Thực ra anh đã lăn lộn trên văn tự, dẫm đạp lên văn tự rồi bỏ văn tự lại sau lưng, nương theo tự nhiên giới, trở về cái khởi thuỷ không văn tự. Có điều, nương theo bóng trăng thì vầng trăng chơi trò cút bắt:
ném công án, vất kinh thư bất ngộ
theo đường trăng-
trăng khi tỏ khi lu
(Liên Khúc Vô Thường)
Nương sông về biển mong tìm cõi an nhiên, thì càng mơ mơ hồ hồ trước thiên nhiên vô tận:
huỷ công án, chôn kinh thư khải ngộ
nương sông ngòi biển cả tới an nhiên
nửa u hoài, nửa chợt nhớ, chợt quên
bỗng tan tác cùng tiên thiên, tự ngã
(Liên Khúc Vô Thường)
Hành giả thời xưa khi ngộ tánh thì thỏng tay vào chợ, đánh bạn với bợm nhậu và phường thọc huyết heo. Vì ta là Phật mà tụi nó cũng là Phật. Còn Phan Bá Thuỵ Dương khi thỏng tay vào chợ thì:
bụi khói mê man,
chênh chếch nắng gầy
lời phố thị chập chờn như ảo giác
(Liên Khúc Vô Thường)
Thiên nhiên không thoả hiệp với ai, nhưng cũng chưa hề lừa dối ai. Chẳng qua cái “cơ” và cái “duyên” chưa có vận hội trùng phùng, hoặc không cần thiết phải trùng phùng. Chính ở cái mấu chốt “không cần thiết” này, Phan Bá Thuỵ Dương đã khám phá một cảnh giới ngoài dự liệu. Đó là, ngàn xưa hay ngàn sau cũng vậy thôi. Lầu xanh hay đạo tràng cũng vậy thôi. Hữu dụng hay vô dụng cũng vậy thôi. Bồ đề hay kẽ chợ cũng vậy thôi. Sở đắc hay vô sở đắc cũng vậy thôi. Cả cái “ta” lẫn cái “người” đều đã hoà đồng trong đại ngã từ vô lượng kiếp, thì cần gì phải biết ta là ai? người là ai? Chi bằng cứ một mình đánh chén, để khỏi uổng phí từng cái chớp mắt đáng giá ngàn vàng của cuộc chơi. Còn hành trình cứ phó mặc đôi chân, mọi cảnh ngộ cứ phó mặc cho tự nhiên giới:
rượu độc ẩm hề, chân lạc loài đưa
mây biến dịch, mưa chắt chiu giọt nhỏ.
(Liên Khúc Vô Thường)
Tôi nhớ trong “Đạo Đức kinh” có một câu đại khái như vầy: “Kẻ khéo buôn bán thì trông vào nhà không thấy hàng hoá. Người trí thì trông như khù khờ”. Quả thật, nhìn vào thơ Phan Bá Thuỵ Dương, tôi cũng không thấy hàng hoá. Và thường khi cũng…có vẻ khù khờ.
TRẦN YÊN THẢO ° tháng 3.2013)
Thi phẩm tiêu biểu của PBTD:
• túy mộng du du hề
1- bài cho Tường Linh
chung trà chén rượu u minh
thảo trang đường trúc, một mình quạnh hiu
Ngủ Hành đá dựng xiêu xiêu
có hay tâm tịnh, sắc chiều mang mang?
hỏi người mài kiếm dưới trăng
ngựa xưa ẩn mật hoá thân bao giờ
chim hồng đã mỏi cánh chưa?
2- bài cho Trần Tuấn Kiệt
cõi trần thế lỡ đam mê sa đọa
mải rong chơi người lạc lối quay về
đồng cỏ thấp bập bềnh con nước nổi
thôi - sá gì bụi ám áng Kinh Thi
đã biết nhược mộng chỉ là bào ảnh
sao rượu nồng chưa lắng nỗi cuồng si?
3- bài cho Hà Thượng Nhân
về đâu cánh vạc Chân Như
có qua thủy mộ huyết hư chập chờn
người đi sấm vỗ hoàng hôn
nhịp khua long trượng động hồn lửa thiêng
nhập dòng sinh hoá vô biên
biển mê bến ngộ đôi miền tịch lương
bay đi - lão hạc vô thường!
• bên hồ câu tuyết
ta ngồi đây một mình câu tuyết
tuyết tả tơi bay gió lạnh lùng
hồ ảm đạm buồn bên cành chết
nổi chìm bóng lẻ trước mông lung
• bóng thời gian
cho Đỗ Hồng Ngọc
biển lặng sóng nước xanh như mắt ngọc
liểu vờn bay như suối tóc người tình
cơn nắng hồng –
giọt nắng mới lung linh
thuyền ai đó mái chèo khua bỡ ngỡ
ôm khổ hạnh én lần qua đất nhớ
gió về đâu nghiêng ngả khóm phi lau
gió về đâu mà bụi khói xôn xao
mây lờ lững trên đỉnh trời vàng vọt
cành lá biếc vừa đâm chồi nảy lộc
ai báo xuân cho lau cỏ rộn rang
nhịp trống nào xa
khoan nhặt mênh mang
nghe phảng phất bóng thời gian vời vợi.
Văn nghệ sĩ nhìn về tác giả: PHAN BÁ THỤY DƯƠNG
Bài thơ như một chân kinh, kết hợp thi từ, thi ảnh xúc tích, thông qua kỹ thuật lão luyện. Ý thơ bóng bẩy, lắng sâu. Liên khúc vô thường vang vọng gần xa, dư âm bàng bạc như khứ, như lai, như nhiên, như thị, hàm chứa một tĩnh thức giữa thời đại còn đầy rẫy nghiệp chướng, tai ương.
© DIÊN NGHỊ: trích Nhận định về bài thơ LKVT
Đối với PBTD, dường như lãnh vực Văn học Nghệ thuật chỉ là một vườn hoa, còn anh thì luôn coi mình như là một cánh bướm, một cánh chuồn chuồn, khi vui thì đậu, khi buồn thì bay…
© DU TỬ LÊ: trích PBTD: Bông Hồng Trong Tháng, ns Tiền Phong 1971.
Người như dòng thác đỉnh trời
Nước tung trắng cả nửa vời non cao
Ta vừa trong giấc chiêm bao
Gặp người chiến sĩ áo bào điểm sương
Người về có thấy bên đường
Hàng phong lan đã nhớ thương mà gầy...
© HÀ THƯỢNG NHÂN: trích Bài Tặng PBTD
Ai bảo trời xanh đọa má hồng
Để cho người ngọc lỡ sang sông
Yêu thương đã hết duyên tình cạn
Lá thắm phai rồi sao vấn vương”
© HOÀNG TRÚC LY: Bài Tặng PBTD
Nhàn tản nghêu ngao, khéo vẽ chuyện trên trời dưới đất
Trích tiên tại thế, vấy bụi trần hụp lặn kiếp đam mê!
Nay quỳnh tương đối ẩm, mai hương sắc giao kề
Lỡ ngồi ôm góc núi, ngẩng mặt cười nhân thế
Ánh dương quan rực rỡ, sao lại lạc đường về...
Đã toan gác bút vùi tâm sự
Lại ngứa tay vào chữ nghĩa thơ
Trích tiên còn áo phong phanh bụi
Nên chén kim bằng cứ ngẩn ngơ.
© PHƯƠNG TRIỀU: Bài Tặng PBTD
Uống vơi chén rượu, nhìn gương
Thấy ta cằn cỗi thịt xương của trời
Ẩn tàng dấu tích một đời
Còn trên giấy trắng những lời di ngôn...
© TRẦN THIỆN HIỆP: Bài Tặng PBTD
Không bao giờ tự nhận mình là thi sĩ, nhưng chất thơ, hồn thơ của anh lại lãng mạn, trữ tình, chứa đựng nhiều hệ lụy hơn ai hết. Lời thơ của anh như những phím nhạc ngân lên từ bờ bến yêu thương, êm đềm như lời ru, tiếng hát được dàn trải điêu luyện với những thi ảnh, thi ngữ rất tinh khôi…
© TRẦN TUẤN KIỆT: trích TCNB & TTTT PBTD
Góc núi thiền sư thơ thẩn - Lang thang tìm cội mai già
Bàn đá cờ bày một ván - Chờ người xa tít cõi xa
Vớt rêu phơi trên đầu gậy - Khều mây kiếm chút nắng vàng
Vách đá trơ vơ cành gẫy - Với tay hứng giọt sương tan...
© TRẦN VĂN SƠN: trích Phương Sen Bài Tặng PBTD
Thuở trăng xuân thắm vườn xuân cũ
Trăng với người chung đọc cổ thư
Trăng soi sáng cả trần gian đấy
© TƯỜNG LINH: trích Một Góc Xuân, Bài Tặng PBTD
Trần Yên Thảo
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...