Đọc và đọc lại bài thơ "Không chồng
mà chửa" của Hồ Xuân
Hương
Bài thơ Không chồng mà chửa (còn có các
tên Không chồng mà đẻ, Chửa hoang, Vịnh người chửa hoang, Dở dang) của Hồ
Xuân Hương:
Cả nể cho nên sự dở dang,
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc(1)
Phận liễu sao đà nảy nét ngang? (2)
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế lời chênh lệch,
Không có, nhưng mà có, mới ngoan!
Trên phương diện văn bản học, học giả Hoàng Xuân Hãn xác định
ngắn gọn: “Cổ thi cười gái không chồng mà có con: Quá chớn cho nên sự nhỡ
nhàng. Không gán cho Xuân Hương (…) Không chồng mà đẻ – Bài quen biết. Nhưng có
chữ lêch lạc. Có dẫn ngắn: Xưa có con gái khuê các, không chồng mà sinh con.
Xuân Hương làm thơ cười: Cả nể cho nên hóa dở dang… Những kẻ không mà có mới
ngoan”(3). Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn đi sâu khảo sát, tổng kết tư liệu và xác
nhận: “Bài này có ở văn bản Landes 1983; các bản khắc vào năm 1909, 1914, 1921,
1922; Xuân Lan, Đông Châu, Văn đàn bảo giám, 1926. Có bản đề là Chửa hoang, Dở
dang. Bản Landes phần B cho là bài cổ thi, cười gái không chồng mà có con. Quá
chớn cho nên sự nhỡ nhàng. Không gán cho Xuân Hương. Nhưng ở phần C lại đặt tên
bài thơ là Không chồng mà đẻ. Có dẫn ngắn. Xem là thơ của Hồ Xuân Hương.
Cũng ở văn bản Landes, phần B, còn có đôi câu đối chế gái không chồng mà có
con”(4).
Vào đầu thế kỷ XX, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến hình dung thành
truyện ký, sáng tạo câu chuyện mang tính dã sử: “Khi bấy giờ ở hàng tổng có người
đàn bà chửa hoang, phải làng nước ngả vạ, chị em nghe thấy đồn, lắm người lại
ngỡ là Xuân Hương, chê cười mỉa mai eo óc. Xuân Hương cũng thẹn thay cho bạn má
hồng, mới làm bài thơ giải trào, để binh lấy bạn chị em mình, cho khỏi tiếng
khôn ba năm dại một giờ, miệng đời mỉa mai. Thơ rằng: Cả nể cho nên sự dở
dang… Xuân Hương từ khi mang tiếng như vậy, phàm những khách đến chơi nhảm
nhí, nàng ấy cũng không ra thù tiếp chi nữa”(5).
Rồi đến Đào Thái Tôn lại đọc bài thơ trên tinh thần “liên văn
bản” với một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp: “Chút thoáng Xuân Hương cũng chỉ
là một chút thoáng ánh lên từ trong văn tài dày dặn của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi
muốn nói thêm rằng: nếu tác giả không sống đẫm mình trong khung cảnh nông thôn
Việt Nam, không quen thuộc tới từng cầu ao giếng nước, với những con “đường
trong làng hoa dại với mùi rơm” (Huy Cận) của ngày mùa, và nhất là không thông
thuộc đời sống, lề luật làng xã của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, không dễ
gì có được hơi văn thấp thoáng Xuân Hương – trong đó dù chỉ cũng thấp thoáng một
ông chánh tổng, lý trưởng thường rình rập những cô gái “không chồng mà chửa”, để
sai mõ khản hơi rao khắp xóm cùng làng, để các “cụ” ngả vạ, đánh chén”(6)…
So với Lấy chồng chung của Hồ Xuân Hương vốn in đậm
tính kịch bi hài thì bài thơ Không chồng mà chửa thiên về tiếng nói
tâm tình, độc thoại, tự tình, tự nhủ, xem ra chưa được bình phẩm nhiều. Điều
này có lý do bởi bài thơ khai thác cơ sự và nỗi niềm do chính mình làm nên, tự
mình gánh vác hậu quả, thiên về sự vụ cá nhân, nguyên do cá nhân, không bởi xã
hội. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc xác định trường hợp người phụ nữ trong bài thơ
“là kết quả của một tình yêu thật sự”, cho nên “Nàng nói với người tình của mình
nửa như trách móc, nửa như tâm sự” và “người phụ nữ của Hồ Xuân Hương cũng rất
độ lượng”(7)… Lê Trí Viễn đi sâu phân tích, nhấn mạnh ý nghĩa bốn câu thơ sau:
“Còn thiếp, trước chỉ là “mảnh tình”, nay đã “một khối” (sự thật là vậy, thiếp
đâu che giấu, đổ lỗi cho ai), thiếp “xin mang”. Không tìm cách hủy cái thai,
không bỏ nhà trốn đi như cô gái trong ca dao mà dõng dạc tuyên bố “thiếp xin
mang”. Xin mang là xin giữ cái sự sống đang tượng hình trong dạ. Xin mang là
xin đảm nhiệm cái sứ mệnh thiêng liêng trời đất giao cho phụ nữ là truyền nối
nhân loại, là làm mẹ. Cao thượng và dũng cảm biết bao!… Thật sự bướng bỉnh, bất
cần nhưng không thiếu chút đùa. Bởi trước sau vẫn là hình ảnh người phụ nữ vị
tình, vị nghĩa – cái nghĩa với giọt máu, cái nghĩa với sứ mệnh làm mẹ, dám
đương đầu đảm nhận mọi thiệt thòi, khốn khổ về mình, chống lại mọi dư luận,
hành vi vô nhân đạo của xã hội phong kiến”(8)…
Đúng là cần phải đặt bài thơ Không chồng mà chửa trong bối cảnh
sinh quyển xã hội phong kiến, không chỉ luật lệ làng xã mà ngay cả người trong
gia đình, gia tộc, họ hàng, bố mẹ đều khinh thị, tạo áp lực lên người phụ nữ.
Trong hai câu ở phần đề, bỏ qua tất cả, người “Cả nể” ở đây chỉ độc thoại, tâm
tình với chính mình và với chàng. Nàng tự biết, tự nhận mình “cả nể” nên hóa
thành “sự dở dang”. Nhưng nàng không đẩy “sự” ấy thành sự kiện, sự đời, thành
đường cùng và tấn bi kịch mà chỉ coi đó là nỗi niềm, nỗi buồn thương, nỗi đau
tâm sự, tâm tình, mong được thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ: Nỗi niềm chàng có biết
chăng chàng? Câu hỏi đặt ra với chàng, hai lần nhắc đến chàng, mà thật nhẹ
nhàng, ân tình, khơi gợi nghĩa tình.
Hai câu ở phần thực chủ ý vận dụng lối chiết tự chữ Hán, chơi
chữ, thả chữ, “thả lá thơ chơi” pha chút bỡn cợt. Nghĩa thơ dường như trung
tính, không nhằm lên án, trước sau chỉ trình bày một hiện thực, một sự thật, một
cảnh trái ngang, bất hợp lý, bất thường, nghịch cảnh, tinh nghịch. Có thể thấy
hai câu thơ đăng đối đã khéo phê phán và tinh tế trong cách bỡn cợt, rỡn vui cô
nàng ăn cơm trước kẻng: Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,/ Phận liễu sao
đà nảy nét ngang? Mở đầu hai câu thơ đều là hai từ gốc Hán bác học, hàn
lâm, uy nghiêm, chuẩn mực, quan phương (Duyên thiên… Phận liễu…) lại được diễn
dịch, thông diễn, vừa nêu giả định vừa chất vấn kết quả bằng các chữ Nôm, tiếng
thuần Việt, bình dân, bình dị. Hình thức tự sự, diễn giải pha tạp câu chữ đã tạo
nên sắc thái nghịch dị, hài hước, vui vẻ, giản lược đi sự nghiêm trọng, căng thẳng.
Thêm nữa, lối phối hợp cách dùng từ mang tính giả định về một sự khẳng định
“chưa thấy” (NHÂN) đối lập với câu hỏi phản vấn về một sự thật nhãn tiền đã rồi
“sao đà” (QUẢ) càng gia tăng mức độ sắc thái lỗi nhịp, lệch pha, lệch chuẩn của
đương sự.
Đến hai câu thơ ở phần luận là sự phân thân của hai cảnh đời,
hai tình huống, hai nẻo đường, hai trạng thái tâm lý. Trước sau nàng vẫn một lời
trọng thị, ân cần; một câu hỏi chỉ để tôn cao, đắp bồi, tin cậy: Cái nghĩa trăm
năm chàng nhớ chửa? và một bản lĩnh, một lời thề, một ý thức tự nhiệm, tự dấn
thân và tự chịu trách nhiệm: Mảnh tình một khối thiếp xin mang… Dân gian
có câu: Nếu nên thì thiếp với chàng,/ Không nên ta lại người làng với nhau.
Ở đây người con gái đã một lần, một tháng, một xuân, một thời tay ấp vai kề “Cả
nể” trước sau vẫn trọn vẹn nghĩa tình, vẫn giữ ân tình “chàng – thiếp”. Lại vẫn
tiếp tục là một phong cách chơi chữ ỡm ờ kiểu Hồ Xuân Hương (chửa – mang) với sự
đăng đối của “nhớ chửa” (từ “chửa” vừa là từ tình thái, đặt cuối câu biểu thị
nghi vấn vừa nhắc nhớ “Cái nghĩa” hiển ngôn vừa ẩn ý về sự có mang, bụng mang dạ
chửa) với “xin mang” (từ “mang” vừa là động từ chỉ trạng thái mang theo, đem
theo, vừa thể hiện sự chung thủy với “Mảnh tình” vừa hàm nghĩa sự mang thai, có
mang, có chửa), vừa là lời thề khẳng định pha chút hãnh diện trong việc gìn giữ
báu vật của đôi mình và riêng mình.
Tiếp đến hai câu kết, Hồ Xuân Hương đẩy cao bản lĩnh dân
gian, tinh thần đối phó với cấm kỵ, hóa giải những áp đặt phi nhân tính, cực
đoan Không chồng mà chửa mới ngoan,/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường rồi
chuyển hóa, nâng cao thành tiếng nói thách thức, bất cần, bất chấp và thách đố: Quản
bao miệng thế lời chênh lệch,/ Không có, nhưng mà có, mới ngoan!… Vượt lên và bất
chấp dư luận, miệng thế gian, người “Cả nể” kín đáo, tinh tế, tự tin trong cách
biện hộ, xưng danh, khẳng định mình: Không có (chồng), nhưng mà có (con), thế mới
ngoan (thuận, giỏi, tài). Cao hơn tất cả là bản lĩnh chủ thể, niềm tin vào nhân
tính và quyền sống con người đã tạo nên ý nghĩa phổ quát, vượt thời gian cho một
bài thơ ngắn gọn.
Đã qua hai trăm năm so với thời đại Hồ Xuân Hương, nói riêng
hiện tượng “Cả nể” Không chồng mà chửa của người phụ nữ ngày nay vẫn chịu áp lực
của mỹ tục truyền thống và dư luận xã hội nhưng căn bản thuộc về quyền sống con
người cá nhân và được pháp luật bảo vệ, bảo hộ. Ngoại trừ những hành vi cưỡng
ép, cưỡng hôn, quan hệ tính giao với trẻ vị thành niên và vi phạm chế độ hôn
nhân một vợ một chồng vốn bị pháp luật nghiêm trị, còn lại sự “Cả nể” phải là
và chỉ là kết quả sự đồng thuận giữa đôi nam nữ. Trong thế giới hiện đại và thế
kỷ 21, quyền yêu đương tự do và xu thế bà mẹ đơn thân, có con ngoài giá thú
ngày càng tăng cao dẫn đến nguy cơ sự “Cả nể” và ứng xử với sự “Cả nể” cũng
ngày càng sinh động, đa dạng, phức tạp. “Người ba đấng, của ba loài”, có thể
quy chiếu cách ứng xử với sự “Cả nể” đã rồi của người phụ nữ theo ba mức độ
khác nhau. Trước hết, ở tầm cao, không thiếu phụ nữ chủ động lựa chọn sự “Cả nể”,
dám chịu trách nhiệm với chính mình, trước hiện tại, tương lai và trước cả dư
luận gia đình, phường phố, xã hội. Trong nhiều trường hợp, đó còn là sự lựa chọn
phù hợp, khôn ngoan, đặt trong tương quan với quan niệm sống, hoàn cảnh sống,
năng lực nghề nghiệp, điều kiện tài chính, sức khỏe, tuổi tác… Thứ hai, ở tầm
trung, nhiều người thậm chí vỡ mộng, thất vọng với chàng nhưng rồi đã thức tỉnh,
biết chấp nhận thực tại, không níu kéo, thấy rõ phần trách nhiệm của mình, thấu
hiểu phải trái, trước sau. Họ tự biết thu xếp sự “Cả nể”, tự gánh vác, đương đầu,
khắc phục mọi khó khăn, thậm chí tìm ra lối thoát trong hoàn cảnh “Cùng tắc biến”,
vươn lên làm chủ cuộc đời, số phận. Họ coi sự “Cả nể” kia như một bài học về nhận
thức non nớt, vụng dại và tình yêu thiêu thân, say nắng, mơ hồ, cảm tính, coi
như cơn bão lòng tuổi hừng đông đã qua và tin rằng sự lầm lỡ “Tái Ông mất ngựa”
đã giúp họ có con, có sự chín chắn, có nghị lực, sự trưởng thành và tự tin bước
sang trang đời mới… Thứ ba, ở tầm thấp, không hiếm phụ nữ sau sự “Cả nể” trở
nên mất phương hướng, cực đoan một chiều, chỉ thấy mình bị lợi dụng, ép buộc,
phỉnh nịnh, phụ bạc, một mình chịu mọi cay đắng, hậu quả, hệ lụy. Họ quy kết bạn
tình một thời là Sở Khanh, “quất ngựa truy phong”, lừa dối, lừa đảo, đểu giả,
tráo trở, hèn hạ, bất nhân, bất nghĩa và xoay chiều tìm mọi cách trả đũa, trả
thù, rửa hận, nói xấu, thậm chí vi phạm pháp luật mà không tự biết.
Bài thơ Không chồng mà chửa của nữ sĩ Hồ Xuân Hương
có số phận riêng và làm nên lịch sử tiếp nhận riêng. Dưới thời phong kiến, đó
là tiếng nói cảm thông, cao cả, vị tha, đầy bản lĩnh của người phụ nữ dám chịu
và biết chịu trách nhiệm với chính mình. Bước sang thời hiện đại và thế kỷ 21,
từ góc độ tiếp nhận nhân học, văn học giới và sinh quyển văn hóa, bài thơ tiếp
tục tỏa sáng, thức tỉnh lương tâm, mở ra những chiều kích mới phù hợp thời đại
mới, con người và cuộc sống mới. Trên tất cả, bài thơ có ý nghĩa vượt thời
gian, cập nhật thời cuộc, vươn tới bài học ứng xử nhân văn, hướng thượng và bản
lĩnh làm người cho giới nữ và mọi con người trên cõi nhân gian.
Chú thích:
(1) Duyên thiên: Duyên trời. Đây sử dụng lối chơi chữ,
chiết tự chữ Hán. Chữ thiên (trời) có nét nhô lên là chữ phu (chồng), hàm nghĩa
duyên trời chưa xe, chỉ người con gái chưa chồng.
(2) Phận liễu: Người phụ nữ. Đây sử dụng lối chiết
tự chữ Hán. Chữ liễu (chỉ người con gái) có thêm nét ngang là chữ tử (con), ý
nói chưa có chồng đã có con.
(3) Hoàng Xuân Hãn (1983), “Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ
Long”, Tập san Khoa học xã hội (Paris), tháng 10-11, tr.135, 137.
(4) Đào Thái Tôn (1993), Thơ Hồ Xuân Hương – Từ cội
nguồn vào thế tục. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.140.
(5) Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (2018), Giai
nhân di mặc (Sự tích và thơ từ Hồ Xuân Hương) (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới
thiệu). Nxb. Tri thức, Hà Nội, 170 trang.
(6) Đào Thái Tôn (2007), “Thơ Hồ Xuân Hương – Từ cội
nguồn vào thế tục”, Hồ Xuân Hương – Về tác gia và tác phẩm, Tái bản lần ba
(Nguyễn Hữu Sơn – Vũ Thanh tuyển chọn, giới thiệu). Nxb. Giáo dục, Hà Nội,
tr.72.
(7) Nguyễn Lộc (1999), “Hồ Xuân Hương”, Văn học Việt
Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX). Tái bản lần ba. Nxb. Giáo dục,
Hà Nội, tr.277-278.
(8) Lê Trí Viễn (2002), “Dở dang”, Nghĩ về thơ Hồ Xuân
Hương. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.59-62.
26/8/2022
Nguyễn Hữu Sơn
Nguồn: Văn Nghệ số 34/2022
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét